Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Thế nào, này Tỳ-kheo, các thầy đã xoay vần trong sanh tử, trải qua bao phiền não khổ đau, ở trong đó, do vì buồn khổ mà khóc than, nước mắt đã tuôn rơi nhiều hơn hay ít hơn nước sông Hằng?
Khi ấy, các Tỳ-kheo đến trước bạch Phật:
– Chúng con suy ngẫm nghĩa lý Như Lai đã dạy, trải qua bao sanh tử nên nước mắt khóc than nhiều hơn nước của sông Hằng.
Phật dạy Tỳ-kheo:
– Lành thay, lành thay! Các Tỳ-kheo! Thật chẳng khác gì như các thầy đã nói. Trong dòng sanh tử, nước mắt của các thầy đã rơi nhiều hơn nước sông Hằng. Vì sao như vậy? Bởi khi ở trong sanh tử, do vì cha mẹ qua đời nên nước mắt tuôn rơi không thể tính kể. Trong thời gian lâu dài đó, hoặc vì năm hàng quyến thuộc, gồm cha, anh, chị, em, vợ con và các mối ân tình, do tiếc thương, luyến nhớ mà khóc than bi lụy không thể tính kể.
Do đó, này Tỳ-kheo! Hãy nên nhàm chán sanh tử, hãy lìa bỏ pháp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Khi đức Phật nói pháp này, có hơn sáu mươi Tỳ-kheo dứt sạch phiền não, tâm được giải thoát.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Thế nào, này Tỳ-kheo! Các thầy ở trong sanh tử, khi thân thể bị hủy hoại thì phải chăng máu đã chảy nhiều hơn nước của sông Hằng?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Như chúng con suy ngẫm lời dạy của Như Lai thì máu đã chảy nhiều hơn nước của sông Hằng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Lành thay, lành thay! Này các Tỳ-kheo! Như lời các thầy nói, máu đã chảy nhiều hơn nước của sông Hằng. Vì sao như thế? Bởi vì khi ở trong sanh tử, hoặc có lúc làm bò, hoặc làm dê, hoặc làm heo, hoặc làm chó, hoặc làm ngựa, hoặc làm chim thú và vô số các loài khác nhau, phải trải qua bao khổ não, thật đáng nhàm chán, hãy nhớ nghĩ xa lìa.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Khi đức Thế Tôn nói pháp này, có hơn sáu mươi Tỳ-kheo dứt sạch phiền não, tâm được giải thoát.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tư duy về tưởng vô thường, hãy truyền bá rộng rãi về tưởng vô thường. Ðã tư duy và truyền bá rộng rãi về tưởng vô thường thì sẽ đoạn trừ hết dục ái, sắc ái và vô sắc ái, diệt trừ tất cả vô minh, kiêu mạn, giống như dùng lửa thiêu đốt cỏ cây thì cháy sạch không còn sót lại gì. Tỳ-kheo nên biết! Nếu tư duy về tưởng vô thường, truyền bá rộng rãi về tưởng vô thường thì sẽ đoạn trừ hết tham ái trong ba cõi.
Thuở xưa, có vị quốc vương tên là Thanh Tịnh Âm Hưởng, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề, có tám vạn bốn ngàn thành quách, tám vạn bốn ngàn đại thần, tám vạn bốn ngàn cung tần thể nữ, mỗi thể nữ đều có bốn người hầu.
Bấy giờ, Vua Âm Hưởng không có con nối dõi. Thế rồi, vua liền nghĩ: “Ta thống lãnh cõi nước này, dùng pháp cai trị không hề sai trái. Tuy nhiên, nay ta không có con nối dõi, giả sử mai sau khi ta qua đời thì giống nòi sẽ bị diệt mất.” Thế rồi, do nhân duyên mong cầu con cái nên quốc vương ấy đã quy y với các vị trời, rồng, thần, mặt trời, mặt trăng, các vì sao, quy y Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương, thần núi, thần cây, cho đến các thần cỏ cây, hoa quả để mong cầu được phước, khiến vua có con.
[0814c07] Bấy giờ, ở cung trời Ba Mươi Ba có một thiên tử tên là Tu-bồ-đề, mạng sống sắp hết, có năm điềm ứng hiện tự nhiên xuất hiện bức bách thân thể. Là năm điềm gì? Đó là, mũ bằng hoa5 của chư thiên không bao giờ héo úa, thế nhưng mũ hoa của vị thiên tử này lại bị héo úa. Y phục của chư thiên không chút dơ bẩn nhưng y phục của vị thiên tử này lại bị dơ bẩn. Lại nữa, thân thể của chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba thơm sạch, ánh sáng chiếu soi nhưng thân thể của vị thiên tử kia lại hôi dơ, không thể đến gần. Lại nữa, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba thường có ngọc nữ tuần tự vây quanh, đàn ca, múa hát, hưởng thụ năm dục tùy thích nhưng lúc ấy do mạng của thiên tử này sắp chấm dứt nên các ngọc nữ rời xa. Lại nữa, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba có tòa ngồi tự nhiên, sâu xuống đất bốn thước, khi chư thiên đứng lên thì tòa cũng nổi lên mặt đất bốn thước, do vì thiên tử này sắp mạng chung nên không còn ưa thích tòa của mình. Ðó gọi là năm điềm ứng hiện tự nhiên xuất hiện bức bách thân thể.
Lúc thiên tử Tu-bồ-đề có những điềm ứng hiện như vậy, Thích-đề-hoàn nhân bảo một vị thiên tử:
“Ông hãy đến cõi Diêm-phù-đề rồi nói với Vua Âm Hưởng rằng: Thích-đềhoàn-nhân kính lời hỏi thăm Đại vương, đời sống có nhẹ nhàng không, đi đứng có mạnh khỏe không? Cõi Diêm-phù-đề không có người đức độ để làm con của Đại vương thì hiện nay cõi trời Ba Mươi Ba có một thiên tử tên là Tu-bồ-đề, đã có năm điềm ứng hiện tự nhiên xuất hiện bức bách thân thể nên chắc sẽ giáng thần làm con của Đại vương. Tuy nhiên, vào lúc tuổi thanh xuân cường tráng, chắc chắn vị đó sẽ xuất gia học đạo, tu tập Phạm hạnh vô thượng.”
Vị thiên tử ấy đáp:
“Thưa vâng, Thiên vương! Xin vâng lời Thiên vương!”
Rồi trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, thiên tử ấy ẩn thân từ cõi trời Ba Mươi Ba rồi hiện xuống cõi Diêm-phù-đề.
Bấy giờ, Vua Âm Hưởng đang ở trên lầu cao, cùng với người hầu đang cầm lọng. Lúc ấy, thiên tử kia trụ giữa hư không trên lầu cao rồi nói với nhà vua:
“Thích-đề-hoàn-nhân kính lời hỏi thăm Đại vương, đời sống có nhẹ nhàng không, đi đứng có mạnh khỏe không? Cõi Diêm-phù-đề không có người đức độ để làm con của Đại vương, thì hiện nay cõi trời Ba Mươi Ba có một thiên tử tên là Tu-bồ-đề, đã có năm điềm ứng hiện tự nhiên xuất hiện nơi thân nên chắc sẽ giáng thần làm con của Đại vương. Tuy nhiên, vào lúc tuổi thanh xuân cường tráng, vị đó nhất định sẽ xuất gia học đạo, tu tập Phạm hạnh vô thượng.”
Lúc ấy, nghe những lời như vậy, Vua Âm Hưởng thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng liền nói với thiên tử:
“Nay ngài đến báo tin này, tôi vô cùng hạnh phúc. Chỉ mong thiên tử giáng thần làm con nối dõi của tôi, nếu muốn cầu xuất gia thì tôi không bao giờ trái ý.”
Thế rồi, vị thiên tử kia trở về chỗ Thích-đề-hoàn-nhân rồi thưa vớiThiên vương:
“Vua Âm Hưởng rất vui mừng với lời nói đó, rồi Vua Âm Hưởng còn thưa: ‘Xin cứ giáng thần, nếu muốn xuất gia thì tôi không bao giờ trái ý.’”
[0815a09] Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân liền đến chỗ thiên tử Tu-bồ-đề và nói:
“Ông nên phát nguyện sanh vào cung Vua Âm Hưởng, vua của loài người. Vì sao như thế? Vì Vua Âm Hưởng, vua của loài người không có con nối dõi, thường dùng Chánh pháp trị dân. Thuở xưa ông có phước, tích lũy các công đức, nay nên giáng thần vào cung của vua ấy.”
Thiên tử Tu-bồ-đề thưa:
“Thôi, thôi! Thiên vương! Tôi không thích phát nguyện sanh vào trong cung vua của loài người, tôi chỉ muốn xuất gia học đạo, mà ở trong cung vua học đạo thật là khó khăn.”
Thích-đề-hoàn-nhân bảo:
“Chỉ cần ông phát nguyện sanh vào cung vua của loài người thì ta sẽ quan tâm hỗ trợ để ông được xuất gia học đạo.”
Tỳ-kheo nên biết! Lúc ấy, thiên tử Tu-bồ-đề liền phát lời nguyện sanh vào trong cung vua.
Thế rồi, Vua Âm Hưởng cùng đệ nhất phu nhân giao hội với nhau, phu nhân biết mình hoài thai. Lúc ấy, phu nhân nói với Vua Âm Hưởng:
“Ðại vương nên biết! Thiếp tự biết rằng mình đã mang thai.”
Bấy giờ, nghe như vậy rồi, nhà vua thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền sai sửa soạn tòa ngồi cực kỳ tốt đẹp cho phu nhân, dâng thức ăn ngon ngọt như vua không khác. Thế rồi, trải qua tám, chín tháng, phu nhân sanh một hoàng nhi vô cùng đoan chánh, dung mạo đặc biệt, hiếm có trong đời. Lúc ấy, Vua Âm Hưởng liền triệu tập các ngoại đạo Bà-la-môn và quần thần cùng đến xem tướng. Nhà vua đem hết nguồn gốc nhân duyên trình bày tường tận với các thầy xem tướng.
Các Bà-la-môn tâu vua:
“Xin Đại vương hãy xem xét lý này! Thái tử được sanh ra trong đời hết sức đặc biệt, do kiếp trước là vị thiên tử có tên Tu-bồ-đề thì nay cứ nương theo danh hiệu cũ mà đặt tên là Tu-bồ-đề.”
Đặt tên xong, các thầy xem tướng liền rời chỗ ngồi đứng dậy rồi ra về.
Bấy giờ, Vương tử Tu-bồ-đề được vua cha vô cùng thương mến không hề rời mắt. Lúc ấy, Vua Âm Hưởng liền nghĩ: “Xưa nay ta đã không có con nối dõi, vì muốn cầu có con nối dõi nên mới lễ bái chư thiên mong được một đứa con, trải qua chừng ấy thời gian, nay mới hạ sanh được thái tử. Tuy nhiên, Thiên đế có báo trước rằng thái tử sẽ xuất gia học đạo. Nay ta phải tìm phương cách khéo léo để thái tử đừng xuất gia học đạo.”
Thế rồi, Vua Âm Hưởng liền cho xây dựng cung điện ba mùa dành cho thái tử, mùa đông thì xây cung điện ấm áp, mùa hạ thì xây cung điện mát mẻ, mùa không lạnh không nóng thì xây cung điện thích hợp. Vua lại cho xây thêm bốn cung cấm cho các cung nữ, cung thứ nhất có sáu vạn thể nữ, cung thứ hai có sáu vạn thể nữ, cung thứ ba có sáu vạn thể nữ, cung thứ tư có sáu vạn thể nữ, mỗi thể nữ đều có bốn người hầu, lo sửa soạn chỗ nghỉ ngơi để thái tử nằm ngồi trong đó. Nếu Vương tử Tu-bồ-đề muốn dạo chơi phía trước thì các thể nữ liền đứng hầu ở trước, lúc ấy tòa ngồi liền di chuyển theo, phía trước có sáu vạn thể nữ và bốn người hầu. Nếu thái tử muốn dạo chơi phía sau thì giường nằm, tòa ngồi cũng tự di chuyển theo. Nếu thái tử muốn vui chơi cùng các thể nữ thì tòa ngồi cũng di chuyển theo, khiến cho tâm ý Vương tử Tu-bồ-đề luôn đắm trong năm dục, không muốn xuất gia nữa.
[0815b16] Bấy giờ, vào lúc nửa đêm vắng người, Thích-đề-hoàn-nhân liền đến chỗ Vương tử Tu-bồ-đề, trụ giữa hư không rồi nói với Vương tử Tu-bồ-đề:
“Này Vương tử! Thuở xưa, chẳng phải Vương tử đã khởi tâm như vầy: ‘Ta ở tại gia cho đến tuổi tráng niên sẽ xuất gia học đạo.’ Hôm nay, cớ sao lại vui thích năm dục, chẳng nhớ đến chí nguyện xuất gia học đạo? Do vì ta cũng có lời nguyện rằng: ‘Sẽ khuyến khích Vương tử khiến xuất gia học đạo.’ Nay đã đúng thời, nếu Vương tử không xuất gia học đạo thì ngày sau hối tiếc cũng vô ích.”
Nói những lời ấy rồi, Thích-đề-hoàn-nhân liền rời đi.
Lúc ấy, ở trong cung, Vương tử Tu-bồ-đề liền nghĩ: “Phụ vương Âm Hưởng đã vì ta mà giăng lưới ái dục, do vì lưới ái dục này nên ta không thể xuất gia học đạo được. Nay ta phải cắt đứt lưới này, không để cấu uế dẫn dắt, phải dùng lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo, ở chỗ vắng vẻ, siêng năng tu tập kinh pháp, khiến mỗi ngày thêm tăng tiến.”
Bấy giờ, Vương tử Tu-bồ-đề lại nghĩ: “Phụ vương Âm Hưởng có sáu vạn thể nữ tuần tự vây quanh, ta hãy quán sát xem có người nào tồn tại mãi ở thế gian hay không?” Thế rồi, Vương tử Tu-bồ-đề quán sát khắp trong cung, thấy rằng không có người nữ nào tồn tại lâu dài ở thế gian này
[0815c03] Lúc ấy, Tu-bồ-đề lại nghĩ như vầy: “Cớ sao ta lại quán sát sự vật bên ngoài? Ta nên quán sát nhân duyên sanh khởi bên trong thân. Những thứ thuộc về thân như tóc, lông, răng, móng, xương, tủy có tồn tại lâu ở đời chăng?” Quán sát từ đầu đến chân gồm có ba mươi sáu thứ ô uế bất tịnh. Do vì tự mình quán sát nên không có một chút tham đắm, vì biết chúng cũng chẳng thật có, hư dối không chân thật, thảy đều trở về không, không tồn tại lâu dài ở thế gian.
Thế rồi, Vương tử Tu-bồ-đề lại nghĩ: “Ta sẽ dứt trừ lưới này rồi xuất gia học đạo.” Lúc ấy, Tu-bồ-đề quán thân năm thủ uẩn6 này, đó là, đây là khổ của sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc, đây là sự giải thoát7 của sắc, cho đến khổ của thọ,8 tưởng, hành, thức,... sự tập khởi của thức, sự diệt tận của thức và sự giải thoát của thức. Bấy giờ, khi quán thân năm uẩn này rồi thì biết rằng: Những pháp tập khởi đều là pháp diệt tận, liền thành tựu quả vị Độc giác9 ngay tại chỗ ngồi.
Lúc ấy, bậc Độc giác Tu-bồ-đề biết đã thành tựu giác ngộ,10 liền nói kệ như vầy:
Dục, ta biết gốc ngươi,11
Ngươi sanh từ tư tưởng,
Nếu ta không nghĩ tưởng,
Thì ngươi làm sao sanh?
Lúc ấy, đức Độc giác nói kệ này rồi liền bay lên hư không rời đi, đến một ngọn núi rồi ngồi một mình bên cội cây và nhập Vô dư Niết-bàn ở đó.
Bấy giờ, Vua Âm Hưởng bảo cận thần:
“Khanh hãy đến nội cung của Vương tử Tu-bồ-đề xem Vương tử nghỉ ngơi có an ổn chăng?”
Thế rồi, tuân lệnh vua, đại thần liền đến nội cung của vương tử, thấy nội cung cửa đóng then cài. Ðại thần kia liền trở về tâu vua:
“Vương tử nghỉ ngơi an ổn, cửa cung đóng kỹ.”
Nhà vua ra lệnh đến lần thứ ba:
“Ông hãy đến xem Vương tử có an giấc chăng?”
Lúc ấy, đại thần lại đi đến cửa cung, tuy nhiên cửa vẫn cài chắc chắn, lại trở về tâu vua:
“Vương tử ngủ say ở trong cung chẳng hay biết gì, cửa vẫn đóng kín đến giờ chưa mở.”
Bấy giờ, Vua Âm Hưởng lại nghĩ: “Vương tử con ta thuở nhỏ còn chưa ham ngủ, huống hồ nay đã là thanh niên cường tráng lại ham ngủ như thế sao? Ta nên đích thân đến xem để biết con ta gặp chuyện lành hay dữ, hay con ta có bệnh tật gì chăng?”
Thế rồi, Vua Âm Hưởng liền đi đến nội cung của Tu-bồ-đề, đứng ngoài cửa rồi bảo một người:
“Ngươi hãy bắc thang leo vào trong cung, mở cửa cho ta!”
Tuân lệnh vua, người kia liền bắc thang leo vào bên trong mở cửa cho nhà vua. Khi vào trong cung xem xét, nhà vua thấy giường nằm trống không, chẳng thấy vương tử đâu cả. Thế rồi, vua liền hỏi thể nữ:
“Vương tử Tu-bồ-đề đang ở đâu?”
Các thể nữ tâu:
“Chúng thần cũng không biết Vương tử đang ở đâu!”
Vừa nghe như vậy, Vua Âm Hưởng liền ngã xuống đất, hồi lâu mới tỉnh. Thế rồi, Vua Âm Hưởng bảo quần thần:
“Thời thơ ấu, con ta đã có ý nghĩ: ‘Đến lúc trưởng thành sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo.’ Vì thế, chắc chắn hôm nay Vương tử đã bỏ trẫm mà xuất gia học đạo. Các khanh hãy tỏa đi bốn phương tìm kiếm xem Vương tử rốt cuộc đang ở nơi nào?”
Lập tức, quần thần liền đánh xe, cỡi ngựa rong ruổi tìm kiếm khắp nơi.
[0816a12] Bấy giờ, có một đại thần đi đến ngọn núi kia, giữa đường chợt nghĩ: “Nếu Vương tử Tu-bồ-đề xuất gia học đạo, chắc chắn sẽ học đạo ở nơi này.” Lúc ấy, từ xa, đại thần nhìn thấy Vương tử Tu-bồ-đề đang ngồi kiết-già bên gốc cây. Thế rồi, đại thần ấy liền nghĩ: “Ðây chính là Vương tử Tu-bồ-đề.” Quan sát kỹ xong, liền trở về chỗ vua rồi tâu vua:
“Vương tử Tu-bồ-đề ở gần đây, đang ngồi kiết-già bên gốc cây trong núi.”
Lúc ấy, nghe như vậy rồi, Vua Âm Hưởng liền đi đến ngọn núi kia, từ xa thấy Tu-bồ-đề đang ngồi kiết-già bên gốc cây, nhà vua lại ngã xuống đất: “Thuở xưa, con ta đã phát nguyện: ‘Đến năm hai mươi tuổi sẽ xuất gia học đạo’, nay quả nhiên không sai. Lại nữa, Thiên đế đã báo với ta:
"Con của ông chắc chắn sẽ học đạo."
Thế rồi, Vua Âm Hưởng đi đến trước mặt Tu-bồ-đề và bảo:
“Vì cớ gì mà con lại bỏ trẫm để xuất gia học đạo?”
Lúc ấy, bậc Độc giác lặng yên không đáp.
Vua lại bảo:
“Mẫu thân con rất đỗi lo buồn, đợi gặp con mới chịu ăn, hãy đứng dậy trở về cung!”
Bấy giờ, bậc Độc giác cũng chẳng nói chẳng rằng, vẫn ngồi yên lặng. Vua Âm Hưởng liền tới trước nắm tay, cũng chẳng cử động. Vua liền bảo quần thần:
“Vương tử nay đã qua đời. Thích-đề-hoàn-nhân có đến báo trước cho trẫm: ‘Ðại vương có con nhưng sẽ xuất gia học đạo.’ Quả nhiên, hôm nay Vương tử đã xuất gia học đạo, thế nên, hãy nên đem nhục thân này về cõi nước của trẫm để hỏa táng.”12
Ở trong núi kia có các vị thần hiện nửa thân hình rồi tâu với nhà vua:
“Ðây là bậc Độc giác, không phải là hàng Vương tử nên pháp thiêu nhục thân không phải như pháp thiêu Vương tử. Vì sao như thế? Bởi vì, chúng tôi là đệ tử của chư Phật thuở quá khứ, chư Phật có dạy như vầy: ‘Ở thế gian có bốn hạng người xứng đáng được xây tháp. Họ là những ai? Đó là, đức Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác xứng đáng được xây tháp, bậc Độc giác xứng đáng được xây tháp, bậc A-la-hán lậu tận đệ tử của Như Lai xứng đáng được xây tháp và bậc Chuyển Luân Thánh vương xứng đáng được xây tháp. Khi hỏa thiêu nhục thân của Chuyển Luân Thánh vương thì cũng giống như cách hỏa thiêu nhục thân của Như Lai và nhục thân của bậc Độc giác.’”
[0816b08] Bấy giờ, Vua Âm Hưởng hỏi thiên thần:
“Nên cúng dường hỏa thiêu nhục thân của Chuyển Luân Thánh vương như thế nào?”
Thần cây đáp:
“Với bậc Chuyển Luân Thánh vương thì nên làm quách bằng sắt, bên trong chứa đầy dầu thơm, tắm gội thân thể Chuyển Luân Thánh vương, rồi dùng y bằng bông vải13 quấn quanh thân, dùng vải thêu phủ lên trên rồi đặt vào trong quách, dùng nắp bằng sắt đậy lên, đóng đinh kỹ lưỡng. Lại dùng một trăm lớp vải trắng bao quanh quách, dùng các loại hương thơm rải trên chỗ đất ấy rồi đặt quách vào giữa, cúng dường hương hoa suốt bảy ngày bảy đêm, treo phan kết lọng, trỗi nhạc hát xướng. Sau bảy ngày mới đem nhục thân Thánh vương đi hỏa táng rồi thu lấy Xá-lợi. Hỏa táng xong, lại cúng dường suốt bảy ngày bảy đêm, xây tháp tại ngã tư đường, dùng các thứ hương hoa, đủ loại phan lọng để cúng dường. Ðại vương nên biết! Việc cúng dường Xá-lợi của Chuyển Luân Thánh vương là như thế. Ðối với chư Phật Như Lai, các vị Độc giác và A-la-hán cũng như thế.”
Lúc ấy, Vua Âm Hưởng hỏi thiên thần kia:
“Do nhân duyên gì mà cúng dường thân Chuyển Luân Thánh vương? Do nhân duyên gì lại cúng dường thân Phật, cúng dường thân bậc Độc giác và cúng dường thân A-la-hán?”
Thiên thần đáp:
“Bậc Chuyển Luân Thánh vương dùng pháp cai trị, tự mình không sát sanh, lại dạy người không sát sanh. Tự mình không trộm cướp, lại dạy người khác không trộm cướp. Tự mình không tà dâm, lại dạy người khác không xâm phạm thê thiếp của người. Tự mình không nói dối,... cho đến không nói lời thêu dệt, không nói lời ác, không nói hai chiều khiến hai bên tranh cãi, không ganh ghét, không sân hận, không si mê, tâm ý chuyên chánh, thường thực hành chánh kiến, cũng khiến người thực hành theo chánh kiến. Như thế, này Đại vương! Do nhân duyên này nên xây tháp thờ Chuyển Luân Thánh vương.”
Vua lại hỏi thiên thần:
“Do nhân duyên gì nên xây tháp thờ bậc A-la-hán lậu tận?”
Thiên thần đáp:
“Bậc Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận đã đoạn dục ái, đã dứt trừ sân hận, ngu si, đã vượt thoát hữu lậu, đạt đến vô vi, là ruộng phước tốt lành của thế gian. Do nhân duyên này nên xây tháp thờ bậc A-la-hán lậu tận.”
[0816c04] Vua lại hỏi:
“Do nhân duyên gì nên xây tháp thờ bậc Độc giác?”
Thiên thần trả lời vua:
“Bậc Độc giác không thầy mà tự ngộ, hiếm khi xuất hiện ở đời, được phước báu ngay trong hiện tại, thoát khỏi các đường ác, khiến chúng sanh được sanh lên cõi trời. Do nhân duyên này nên xây tháp thờ bậc Độc giác.”
Vua lại hỏi:
“Do nhân duyên gì nên xây tháp thờ Như Lai?”
Thiên thần trả lời vua:
“Đấng Như Lai có đầy đủ mười lực. Mười lực này chẳng phải hàng Thanh văn hay bậc Độc giác có thể sánh kịp, Chuyển Luân Thánh vương cũng không thể so sánh, chúng sanh ở trong thế gian không ai sánh kịp. Như Lai có bốn vô sở úy, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống sư tử, chuyển vận bánh xe pháp. Như Lai độ người chưa được độ, giải thoát những ai chưa được giải thoát, người chưa nhập Niết-bàn khiến cho được nhập Niết-bàn, che chở cho những người không ai cứu giúp, làm mắt sáng cho người mù, làm thầy thuốc giỏi cho người bệnh tật. Chư thiên, loài người, ma và thiên ma đều phụng thờ, đáng kính, đáng quý, chuyển cõi ác thành cõi lành. Do vậy, này Đại vương! Vì nhân duyên này nên xây tháp thờ Như Lai.
Thật vậy, này Đại vương! Do nguồn gốc nhân duyên như thế nên bốn hạng người này xứng đáng được xây tháp phụng thờ.”
Bấy giờ, Vua Âm Hưởng nói với thiên thần kia:
“Lành thay, lành thay! Này thiên thần! Tôi sẽ vâng lời ông chỉ dạy nên hôm nay cúng dường Xá-lợi này giống như cúng dường bậc Độc giác.”
Thế rồi, Vua Âm Hưởng bảo quần thần:
“Các khanh hãy đưa nhục thân của bậc Độc giác Tu-bồ-đề trở về nước.”
Nghe lệnh vua ban, quần thần an trí nhục thân lên giường bằng vàng rồi đưa về nước.
Khi ấy, Vua Âm Hưởng ra lệnh làm quách bằng sắt chứa đầy dầu thơm, tắm gội thân bậc Độc giác, dùng y bằng bông vải quấn quanh nhục thân, lại dùng gấm thêu tốt đẹp phủ lên trên rồi đặt nhục thân vào trong quách, dùng nắp bằng sắt đậy lên, đóng đinh kỹ lưỡng, vô cùng chắc chắn, rồi phủ lên trên quách trăm lớp vải trắng, dùng đủ loại hương quý rải lên rồi đặt thân bậc Độc giác vào giữa, cúng dường hương hoa suốt bảy ngày bảy đêm, sau bảy ngày đêm thì hỏa thiêu và thu lấy Xá-lợi của bậc Độc giác. Sau đó, lại trỗi nhạc hát xướng cúng dường thêm bảy đêm, xây tháp nơi các ngã tư đường, rồi dùng hoa hương, tràng phan, phướn lọng và trỗi nhạc để cúng dường tháp.
[0817a02] Tỳ-kheo nên biết! Những chúng sanh nào cung kính cúng dường Xá-lợi của bậc Độc giác, sau khi qua đời liền sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba. Những chúng sanh nào tư duy về tưởng vô thường sẽ vượt khỏi ba đường ác, được sanh vào cõi trời, cõi người.
Này các Tỳ-kheo! Vua Âm Hưởng thuở ấy là người nào khác chăng? Các thầy chớ nghĩ là ai khác mà đó chính là thân Ta. Những ai tư duy về tưởng vô thường sẽ được nhiều lợi ích. Ta đã quán sát nghĩa này rồi nên bảo các Tỳ-kheo: Hãy tư duy về tưởng vô thường, hãy truyền bá rộng rãi về tưởng vô thường. Do tư duy về tưởng vô thường, do truyền bá rộng rãi về tưởng vô thường, liền đoạn trừ hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vô minh, kiêu mạn vĩnh viễn chẳng sót lại gì, giống như dùng lửa đốt cháy cây cỏ, giống như trong giảng đường cao rộng, đẹp đẽ mà mở toang các cửa. Này Tỳ-kheo! Tư duy về tưởng vô thường cũng lại như thế, đoạn trừ hết dục ái, sắc ái, vô sắc ái, vĩnh viễn chẳng sót lại gì.
Do vậy, này Tỳ-kheo! Phải nên chuyên nhất tâm ý, đừng để lầm lỗi.
Lúc đức Phật nói pháp này, có hơn sáu mươi Tỳ-kheo dứt sạch phiền não, tâm được giải thoát ngay tại chỗ ngồi.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu các Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không diệt trừ năm sự nhơ uế trong tâm, không diệt trừ năm sự trói buộc trong tâm thì đối với Tỳ-kheo hay Tỳkheo-ni ấy, pháp lành mãi mãi diệt mất, không thể tăng thêm.
Thế nào gọi là không diệt trừ năm sự nhơ uế trong tâm? Ở đây, vị Tỳ-kheo có tâm nghi ngờ đối với Như Lai thì không thể giải thoát, cũng không thể thấm nhuần15 Chánh pháp, vị ấy không chú tâm trong khi tụng đọc, nên gọi là Tỳkheo không diệt trừ sự nhơ uế trong tâm.
Lại nữa, Tỳ-kheo có tâm nghi ngờ đối với Chánh pháp thì không thể giải thoát, cũng không thể thấm nhuần Chánh pháp, vị ấy cũng không tụng đọc, nên gọi là Tỳ-kheo không diệt trừ sự nhơ uế trong tâm.
Lại nữa, Tỳ-kheo có tâm nghi ngờ đối với Thánh chúng thì không thể giải thoát, cũng chẳng lưu tâm đối với hòa hợp chúng, cũng không an trú trong Chánh pháp, nên gọi là Tỳ-kheo không diệt trừ sự nhơ uế trong tâm.
Lại nữa, Tỳ-kheo phạm cấm giới mà không tự sám hối lỗi lầm. Tỳ-kheo ấy đã phạm giới cấm mà không tự ăn năn sửa đổi, tâm cũng không an trú trong Chánh pháp, nên gọi là Tỳ-kheo không diệt trừ sự nhơ uế trong tâm.
Lại nữa, Tỳ-kheo tu Phạm hạnh với tâm ý không định tĩnh, nghĩ rằng: “Nhờ đức của Phạm hạnh này mà ta được sanh vào cõi trời, hoặc làm các vị thần tiên.” Do vì Tỳ-kheo ấy tu tập Phạm hạnh với tâm như vậy nên tâm vị ấy không chuyên chánh đối với Chánh pháp. Do tâm đã không an trú trong Chánh pháp, nên gọi là không diệt trừ sự nhơ uế trong tâm.
Vị Tỳ-kheo như thế gọi là không diệt trừ năm sự nhơ uế trong tâm.
[0817b05] Thế nào gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ năm sự trói buộc? Ở đây, Tỳ-kheo với tâm biếng nhác, không mong cầu tinh tấn.16 Do Tỳ-kheo ấy có tâm biếng nhác không mong cầu tinh tấn nên gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ tâm trói buộc.
Lại nữa, Tỳ-kheo thường hay quên, ham ngủ nghỉ. Tỳ-kheo ấy do thường hay quên, ham ngủ nghỉ nên gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ tâm trói buộc thứ hai.
Lại nữa, Tỳ-kheo tâm không định, thường hay tán loạn. Tâm Tỳ-kheo ấy tán loạn, không định nên gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ tâm trói buộc thứ ba.
Lại nữa, Tỳ-kheo có các căn môn không định tĩnh. Do Tỳ-kheo ấy có các căn môn không định tĩnh nên gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ tâm trói buộc thứ tư.
Lại nữa, Tỳ-kheo thường ưa thích nơi ồn náo, không ở chốn vắng vẻ nên gọi là Tỳ-kheo không đoạn trừ tâm trói buộc thứ năm.
Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào trong tâm có năm sự nhơ uế và năm sự trói buộc mà không đoạn trừ thì Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy mãi mãi đoạn dứt pháp lành, không thể tăng trưởng. Cũng như gà mẹ có tám trứng hoặc mười hai trứng nhưng không tùy thời che chở, không tùy thời ấp ủ, không tùy thời giữ gìn, tuy gà mẹ ấy nghĩ rằng: “Mong các con của ta được an toàn, không mong gì khác.” Tuy nhiên, đàn gà con rốt cuộc vẫn không thể an ổn. Vì sao như thế? Do vì không tùy thời chăm sóc nên mới như thế, về sau trứng bị hư, không thể nở ra gà con. Ðiều này cũng như thế, nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không đoạn trừ năm sự trói buộc trong tâm, không đoạn trừ năm sự nhơ uế trong tâm thì pháp lành mãi diệt mất, không thể tăng trưởng.
Nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào đoạn trừ năm sự trói buộc trong tâm, đoạn trừ năm sự nhơ uế trong tâm thì pháp lành luôn tăng thêm, không bị tổn giảm. Cũng như gà mẹ có tám trứng hoặc mười hai trứng lại tùy thời che chở, tùy thời săn sóc, tùy thời ấp ủ. Dù gà mẹ kia có nghĩ: “Mong các con của ta hoàn toàn thất bại”, nhưng các gà con kia vẫn tự nhiên thành tựu, an ổn mọi bề. Vì sao như thế? Vì gà mẹ tùy thời săn sóc khiến chúng được an toàn, thế rồi những gà con liền ra khỏi vỏ trứng. Ðiều này cũng như thế, nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni kia đoạn trừ năm sự nhơ uế trong tâm, trừ sạch năm sự trói buộc trong tâm thì pháp lành của Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni ấy luôn luôn tăng thêm, không hề tổn giảm.
[0817c02] Thế nên, Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni hãy thiết lập tâm không do dự nghi ngờ đối với Phật; tâm không do dự nghi ngờ đối với Pháp; tâm không do dự nghi ngờ đối với chúng Tăng; vẹn toàn giới luật, tâm ý chuyên chánh, không hề tán loạn, cũng không khởi tâm mong cầu pháp khác, cũng không vì mong cầu may mắn mà tu Phạm hạnh, rồi nghĩ rằng: “Ta sẽ thực hành pháp này để được sự thần diệu tôn quý nơi cõi người, cõi trời.”
Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không có nghi ngờ do dự đối với Phật, đối với Pháp, đối với Thánh chúng, cũng không phạm giới, không còn phiền não thì nay Như Lai bảo các thầy, dặn dò các thầy rằng, Tỳ-kheo ấy sẽ hướng đến hai cảnh giới: Hoặc sanh lên cõi trời, hoặc ở trong loài người. Ví như có người ở trong chỗ vô cùng nóng bức lại vừa đói khát, bỗng gặp được nơi có bóng râm, được uống nước suối mát mẻ, cho dù người ấy suy nghĩ: “Tuy ta gặp nơi có bóng râm, được uống nước trong mát nhưng cũng không thể dứt cơn đói khát.” Thế nhưng, người kia đã thoát khỏi sự nóng bức, chấm dứt cơn đói khát. Ðiều này cũng như thế, nếu Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào không có do dự nghi ngờ đối với Như Lai thì Tỳ-kheo ấy liền hướng đến hai cảnh giới: Hoặc sanh lên cõi trời, hoặc ở trong loài người. Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni nên tìm cầu phương tiện diệt trừ năm sự nhơ uế trong tâm, dứt trừ năm sự ràng buộc trong tâm.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hoặc có lúc oai lực của nhà vua không thể trùm khắp nên giặc cướp tranh nhau nổi dậy. Giặc cướp đã tranh nhau nổi dậy thì hết thảy thôn xóm, thành ấp, dân chúng đều bị tan hoại, diệt vong, hoặc gặp nạn đói khát mà chết. Nếu như chúng sanh ấy qua đời trong lúc đói khát thì sẽ bị đọa vào ba đường ác.
Ở đây, với Tỳ-kheo tinh tấn cũng lại như thế. Nếu người trì giới giảm thiểu thì lúc ấy Tỳ-kheo ác liền nổi lên mạnh mẽ. Tỳ-kheo ác đã nổi lên mạnh mẽ thì Chánh pháp dần suy giảm, phi pháp tăng thêm. Phi pháp đã tăng thêm thì chúng sanh trong cõi ấy đều bị đọa vào ba đường ác.
Nếu vào lúc oai lực của nhà vua lan tỏa khắp nơi thì giặc cướp đều lẩn trốn. Oai lực của nhà vua đã lan tỏa khắp nơi thì thành ấp, thôn xóm, dân chúng sẽ hưng thịnh phú cường.
Ngày hôm nay đây, Tỳ-kheo tinh tấn cũng lại như thế, nếu trì giới vẹn toàn thì lúc ấy Tỳ-kheo phạm giới dần giảm thiểu, Chánh pháp hưng thịnh, phi pháp suy giảm, chúng sanh trong cõi ấy sau khi qua đời đều được sanh vào cõi người, sanh lên cõi trời.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Hãy nhớ giữ gìn vẹn toàn giới luật, đừng để giảm khuyết oai nghi lễ tiết.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thà rằng thường ngủ nghỉ, chớ đừng trong lúc thức lại tư duy loạn tưởng, để rồi lúc lâm chung bị đọa vào đường ác. Thà rằng dùng dùi sắt đang bị nung nóng mà áp vào mắt, chớ đừng nhìn sắc mà khởi loạn tưởng. Tỳ-kheo khởi tưởng là bị thức chế ngự. Tỳ-kheo đã bị thức chế ngự thì nhất định sẽ đọa vào ba đường ác là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ.
Điều Như Lai muốn nói ở đây là gì? Người ấy thà ngủ nghỉ chớ đừng trong lúc thức lại tư duy loạn tưởng. Thà lấy dùi bén đâm thủng lỗ tai chớ đừng vì nghe tiếng mà khởi loạn tưởng. Tỳ-kheo khởi tưởng là bị thức chế ngự. Thà rằng thường ngủ nghỉ chớ đừng trong lúc thức mà khởi loạn tưởng.
Thà dùng kềm nóng hủy hoại lỗ mũi của mình chớ đừng do ngửi hương thơm mà khởi loạn tưởng. Tỳ-kheo khởi tưởng là bị thức chế ngự, đã bị thức chế ngự thì sẽ đọa trong ba đường ác là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Ðiều Như Lai giảng nói chính là như thế.
Thà dùng kiếm bén cắt đứt lưỡi mình, chớ không nói lời ác, nói lời thô tháo rồi đọa trong ba đường ác là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Thà rằng thường ngủ nghỉ chớ đừng trong lúc thức mà khởi loạn tưởng.
Thà dùng tấm đồng nóng quấn vào thân mình chớ không giao tiếp với các người nữ thuộc hàng trưởng giả, cư sĩ hay Bà-la-môn. Nếu giao tiếp nói năng hay qua lại với họ thì chắc chắn sẽ bị đọa trong ba đường ác là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Ðiều Như Lai giảng nói chính là như thế.
Thà rằng thường ngủ nghỉ chớ đừng trong lúc thức mà khởi tâm muốn phá hoại Thánh chúng. Ðã phá hoại Thánh chúng thì sẽ phạm vào năm tội nghịch, cho dù ngàn ức chư Phật cũng không thể cứu giúp. Những ai gây rối loạn trong chúng, chắc chắn sẽ bị đọa vì phạm vào tội lỗi không thể cứu giúp. Thế nên Như Lai nói rằng, thà rằng thường ngủ nghỉ chớ đừng trong lúc thức mà khởi tâm muốn phá hoại Thánh chúng, phạm vào tội lỗi không thể cứu giúp.
Do đó, này Tỳ-kheo! Phải nên giữ gìn sáu căn,19 đừng để sai phạm.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc21 có bốn người con nhưng đều không phụng thờ Phật, Pháp và Thánh chúng, cũng chẳng quy y Phật, Pháp và Thánh chúng.
Lúc ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc bảo bốn người con:
– Các con nên quy y Phật, quy y Pháp và quy y Thánh chúng để được hưởng phước lâu dài không thể tính kể.
Các con thưa với cha:
– Chúng con không thể quy y Phật, quy y Pháp và quy y Thánh chúng.
Trưởng giả Cấp Cô Độc bảo:
– Cha sẽ thưởng mỗi con một ngàn lượng vàng ròng, nếu các con vâng lời cha dạy mà quy y Phật, quy y Pháp và quy y Thánh chúng.
Các con lại thưa:
– Chúng con không thể quy y Phật, quy y Pháp và quy y Thánh chúng.
Cha lại bảo:
– Cha thưởng thêm mỗi con hai ngàn, ba ngàn, bốn ngàn, năm ngàn lượng vàng ròng. Các con hãy quy y Phật, quy y Pháp và quy y Thánh chúng thì sẽ hưởng phước lâu dài không thể tính kể.
Thế rồi, các người con nghe như vậy xong nên im lặng nhận lời.
Lúc ấy, các người con hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
–Chúng con phải làm thế nào để quy y Phật, quy y Pháp và quy yThánh chúng?
Trưởng giả Cấp Cô Độc bảo:
– Tất cả các con hãy theo cha đến chỗ đức Thế Tôn. Nếu đức Thế Tôn có dạy bảo điều gì thì các con hãy ghi nhớ phụng hành.
Các con thưa cha:
– Ðức Như Lai hiện nay đang ở đâu? Cách đây gần hay xa?
Người cha đáp:
– Hiện nay, đức Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác đang ngụ trong vườn của cha ở nước Xá-vệ.
Thế rồi, trưởng giả Cấp Cô Độc dẫn bốn người con đến chỗ đức Thế Tôn. Đến nơi, họ liền cúi đầu lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên.
Bấy giờ, trưởng giả bạch Thế Tôn:
– Bốn người con của con chưa quy y Phật, chưa quy y Pháp và chưa quy y Thánh chúng. Mới hôm qua, con thưởng mỗi đứa năm ngàn lượng vàng, khích lệ chúng phụng sự Phật, Pháp và Thánh chúng. Cúi xin Thế Tôn vì chúng thuyết pháp, khiến chúng được hưởng phước lâu dài không thể tính kể!
Lúc ấy, Thế Tôn liền tuần tự thuyết pháp cho bốn người con của trưởng giả, khuyên răn chúng, khiến chúng được hoan hỷ.
Các con của trưởng giả được nghe Phật thuyết pháp nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền quỳ xuống bạch đức Thế Tôn:
– Chúng con đều đã quy y với Thế Tôn, quy y Chánh pháp và quy y Thánh chúng. Từ nay về sau, chúng con không còn sát sanh, cho đến không uống rượu.
Bạch ba lần như thế.
[0818c01] Lúc ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc hỏi đức Thế Tôn:
– Nếu có người nào dùng tài vật để thuê người phụng thờ Phật thì phước ấy thế nào?
Thế Tôn dạy:
– Lành thay, lành thay! Này trưởng giả! Ông dám hỏi đến lẽ cùng cực này là vì muốn trời, người được an lạc nên mới có thể hỏi Như Lai nghĩa này. Ông hãy khéo suy nghĩ, Như Lai sẽ giảng nói cho ông. Lúc ấy, trưởng giả vâng lời lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy:
– Có bốn kho tàng lớn. Là những kho nào? Kho tàng của vua rồng Y-la-bát ở nước Càn-đà-vệ, đây là kho tàng thứ nhất, có vô số châu báu chứa đầy trong kho22 ấy. Lại có kho lớn của vua rồng Ban-trù ở nước Mật-để-la, cất chứa châu báu không thể tính kể. Lại có kho lớn của vua rồng Tân-già-la ở nước Tu-lại-tra, cất chứa châu báu không thể tính kể. Lại có kho lớn của vua rồng Nhượng-khư ở nước Ba-la-nại, cất chứa châu báu không thể tính kể. Giả sử hết thảy nam nữ, lớn nhỏ trong cõi Diêm-phù-đề đều đến nhặt lấy châu báu trong bốn ngày, bốn tháng hay bốn năm thì kho Y-la-bát cũng không hề giảm bớt. Giả sử có người đến kho Ban-trù lấy của báu suốt bốn ngày, bốn tháng hay bốn năm thì kho ấy cũng không hề giảm bớt. Giả sử có người đến kho Tân-già-la lấy của báu suốt bốn ngày, bốn tháng hay bốn năm thì kho ấy cũng không hề giảm bớt. Giả sử có người đến kho lớn Nhượng-khư ở nước Ba-la-nại lấy của báu suốt bốn ngày, bốn tháng hay bốn năm thì kho ấy cũng không hề giảm bớt. Này trưởng giả! Ðó gọi là bốn kho báu lớn, nếu hết thảy nam nữ, lớn nhỏ trong cõi Diêm-phù-đề đều đến mang vác châu báu suốt bốn ngày, bốn tháng hay bốn năm thì những kho ấy cũng không hề giảm bớt.
Vào thời tương lai có đức Phật hiệu là Di-lặc xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có cõi nước tên là Kê-đầu, là nơi vua cai trị, từ Đông sang Tây rộng mười hai dotuần, từ Nam đến Bắc rộng mười hai do-tuần, dân chúng đông đảo, lúa thóc dồi dào. Chung quanh thành của cõi nước Kê-đầu do vua cai trị có bảy lớp ao nước, mỗi ao rộng một do-tuần, dưới đáy ao có cát vàng, có các loài hoa như hoa senxanh,23 hoa sen vàng,24 hoa sen trắng25 đều mọc trong ao ấy. Nước trong ao có màu sắc giống như vàng, như bạc, như thủy tinh và như lưu ly. Nếu nước màu bạc thì khi đông lại hóa thành bạc, nước màu vàng thì khi đông lại hóa thành vàng, nước màu lưu ly thì khi đông lại hóa thành lưu ly, nước màu thủy tinh thì khi đông lại hóa thành thủy tinh.
Trưởng giả nên biết! Thuở ấy có bốn cửa thành lớn, trong ao nước bạc thì có bậc cửa được làm bằng vàng, trong ao nước vàng thì có bậc cửa được làm bằng bạc, trong ao lưu ly thì có bậc cửa được làm bằng thủy tinh, trong ao nước thủy tinh thì có bậc cửa được làm bằng lưu ly.
Trưởng giả nên biết! Bấy giờ, chung quanh thành Kê-đầu treo linh, tiếng linh phát ra âm thanh nghe như tiếng của năm loại nhạc. Lúc ấy, trong thành thường có bảy thứ tiếng. Là những tiếng nào? Đó là, tiếng loa, tiếng trống, tiếng đàn, tiếng trống nhỏ, tiếng trống tròn, tiếng trống trận và tiếng ca múa. Trong thành Kê-đầu tự nhiên sanh ra loại lúa dài ba tấc, cực kỳ thơm ngon, hương vị tuyệt hảo, vừa gặt liền mọc lên, không thể thấy dấu gặt. Thuở ấy, có vua tên Nhượng-khư, dùng pháp cai trị, có đầy đủ bảy báu.
[0819a06] Trưởng giả nên biết! Bấy giờ, vị thần chủ kho tàng tên là Thiện Bảo, đức cao, trí tuệ, thiên nhãn bậc nhất, biết tất cả kho báu ở khắp nơi, kho tàng có chủ thì tự nhiên giữ gìn, kho tàng vô chủ liền đem dâng vua. Lúc ấy, các vị thần chủ kho tàng của bốn vị vua rồng là vua rồng Y-la-bát, vua rồng Bantrù, vua rồng Tân-già-la và vua rồng Nhượng-khư đều đi đến chỗ thần kho tàng Thiện Bảo và nói như vầy: “Nếu ngài cần gì, chúng tôi sẽ cung cấp.”
Lúc ấy, bốn vua rồng đều nói: “Xin dâng lên châu báu trong bốn kho tàng báu để tùy nghi sử dụng.” Thế rồi, chủ kho tàng báu Thiện Bảo liền lấy châu báu trong bốn kho báu cùng với xe lông chim bằng vàng dâng lên Vua Nhượng-khư.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ như vầy:
Thi-la ở Càn-đà,
Ban-trù ở Mật-để,
Tân-già nước Tu-lại,
Nhượng-khư nước Ba-nại.
Ðây là bốn kho báu,
Kho vựa đều tràn đầy,
Thường xuất hiện thuở ấy,
Do công đức tạo thành.
Dâng lên bậc Thánh vương,
Vàng, bạc, xe lông quý,
Được chư thần hộ trì,
Trưởng giả thọ phước ấy.
Bấy giờ, có đức Phật xuất hiện ở đời để giáo hóa cho dân chúng hiệu là Di-lặc, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,26 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu,27 Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.28 Trưởng giả nên biết! Chủ kho tàng Thiện Bảo vào thời tương lai ấy là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như thế. Vì sao như vậy? Vì chủ kho tàng vào thời tương lai ấy chính là trưởng giả hôm nay vậy.
Vào thời ấy, Vua Nhượng-khư dùng vàng bạc tạo phước đức rộng rãi, rồi dẫn tám vạn bốn ngàn đại thần tuần tự vây quanh, cùng đi đến chỗ đức Phật Di lặc để xuất gia học đạo. Bấy giờ, thần chủ kho tàng cũng tạo phước đức rộng lớn, cũng sẽ xuất gia học đạo, dứt trừ hết thảy khổ đau, đều do trưởng giả dẫn dắt bốn người con khiến họ quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng. Nhờ vào công đức này mà không bị đọa trong ba đường ác, cũng nhờ công đức này mà được bốn kho tàng lớn, cũng nhờ phước báu này mà làm thần chủ kho tàng của Vua Nhượng-khư, rồi ngay trong đời ấy được dứt trừ hết thảy khổ đau. Vì sao như thế? Bởi vì quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, công đức ấy không thể đo lường. Người nào quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng đều được phước như thế.
Thế nên, này trưởng giả! Ông hãy thương xót các loài hữu tình mà tìm cầu mọi phương tiện hướng họ về với Phật, với Pháp và với Tăng. Thật vậy, này trưởng giả! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ rồi ra về. Bốn người con của trưởng giả cũng thực hành như thế.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc và bốn người con nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc đang lâm bệnh nặng. Lúc ấy, Tôn giả Xálợi-phất dùng thiên nhãn thanh tịnh không chút cấu nhiễm để quán sát nên thấy trưởng giả Cấp Cô Độc đang lâm bệnh nặng, liền bảo Tôn giả A-nan:
– Thầy hãy cùng tôi đến thăm trưởng giả Cấp Cô Độc.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan đáp:
– Kính vâng, thưa Tôn giả!30
Thế rồi, A-nan đúng thời liền đắp y, ôm bát đi vào thành Xá-vệ khất thực, dần dần đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc rồi ngồi vào tòa.
Bấy giờ, Xá-lợi-phất đang ngồi trên tòa, liền hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
– Hôm nay, bệnh tình của ông tăng thêm hay giảm bớt? Ông cảm thấy sự đau đớn có giảm bớt phần nào không? Chúng không tăng thêm chứ?
Trưởng giả thưa:
– Bệnh tật của con hôm nay càng thêm trầm trọng, chỉ tăng thêm chứ không giảm bớt.
Xá-lợi-phất bảo:
– Bây giờ, trưởng giả hãy nên nhớ nghĩ đến Phật, Ngài là bậc Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,31 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu,32 Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn;33 cũng nên nhớ nghĩ đến Pháp, vì Pháp của Như Lai rất mực thâm sâu, đáng tôn trọng, đáng kính quý, không gì sánh bằng, là chỗ tu hành của bậc Hiền thánh; cũng nên nhớ nghĩ đến Tăng chúng của Như Lai trên dưới thuận hòa, không hề tranh cãi, thành tựu pháp và tùy pháp. Thánh chúng ấy thành tựu về giới, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Được gọi là Tăng, gồm bốn đôi tám bậc,34 đó gọi là Thánh chúng của Như Lai, đáng tôn trọng, đáng kính quý, là ruộng phước vô thượng của thế gian. Này trưởng giả! Nếu ông thực hành niệm Phật, niệm Pháp và niệm Tỳ-kheo-tăng thì phước đức ấy không thể tính kể, đạt đến cõi bất tử, Niết-bàn.
[0819c02] Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào nghĩ nhớ đến Ba ngôi báu là Phật, Pháp và Thánh chúng mà còn bị đọa vào ba đường ác thì điều này không bao giờ xảy ra. Nếu người thiện nam hay người thiện nữ kia tu tập, nhớ nghĩ đến Ba ngôi báu thì chắc chắn sẽ sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời hoặc trong cõi người.
Này trưởng giả! Kế đến, chớ có dính mắc35 vào sắc, cũng đừng nương vào sắc mà khởi lên phân biệt. Chớ có dính mắc vào thanh, đừng nương vào thanh mà khởi lên phân biệt. Chớ có dính mắc vào hương, đừng nương vào hương mà khởi lên phân biệt. Chớ có dính mắc vào vị, đừng nương vào vị mà khởi lên phân biệt. Chớ có dính mắc vào xúc, đừng nương vào xúc mà khởi lên phân biệt. Chớ có dính mắc vào ái, đừng nương vào ái mà khởi lên phân biệt. Vì sao như thế? Vì duyên ái mà có thủ,36 duyên thủ có hữu, duyên hữu có sanh, có tử, có ưu, bi, khổ, não không thể tính kể. Ðó gọi là sự hiện hữu của năm thủ uẩn khổ đau này mà không hề có ngã, nhân, thọ, mạng, chúng sanh,37 sanh loại và các loài có hình sắc.38
Như khi mắt sanh khởi thì cũng không biết chúng khởi lên từ đâu. Như khi mắt diệt thì cũng chẳng biết chúng đi về đâu. Từ nơi không có mà mắt sanh, đã được sanh rồi thì mắt diệt, đều do các pháp nhân duyên hòa hợp. Sở dĩ gọi là pháp nhân duyên do vì cái này có nên cái kia có, do cái này không nên cái kia không. Đó gọi là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc,39 xúc duyên thọ,40 thọ duyên ái, ái duyên thủ,41 thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên ưu, bi, khổ, não không thể tính kể. Tai, mũi, lưỡi, thân và ý cũng lại như vậy: Từ không có mà sanh ra, đã có rồi thì diệt mất, cũng không biết từ đâu đến, cũng chẳng biết đi về đâu, thảy đều do các pháp nhân duyên hòa hợp. Như thế, này trưởng giả! Ðây gọi là pháp tu bậc nhất về nghĩa không.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc buồn khóc, không ngăn được dòng lệ.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi Cấp Cô Độc:
– Do nhân duyên gì mà ông đau buồn đến như thế?
Trưởng giả thưa:
– Chẳng phải con đau buồn mà do vì từ xưa đến nay, tuy được phụng sự Phật và tôn kính các Tỳ-kheo trưởng lão nhưng con chưa từng được nghe pháp tôn quý như thế này, như lời Tôn giả Xá-lợi-phất vừa giảng nói.
Thế rồi, Tôn giả A-nan bảo Cấp Cô Độc:
– Trưởng giả nên biết! Như Lai có dạy, thế gian có hai hạng người. Là hai hạng người nào? Một là, người biết rõ về lạc. Hai là, người biết rõ về khổ. Người biết rõ42 về lạc là Tôn giả Tu-bồ-đề.43 Người biết rõ về khổ là Tỳ-kheo
Bà-già-lê.44 Lại nữa, này trưởng giả! Tỳ-kheo Tu-bồ-đề là bậc Giải không bậc nhất. Người đạt được Tín giải thoát45 là Tỳ-kheo Bà-già-lê.
Lại nữa, này trưởng giả! Người biết rõ về khổ và người biết rõ về lạc, tâm cả hai vị ấy đều được giải thoát, cả hai vị đều là đệ tử của Như Lai, không ai sánh bằng. Do cả hai vị ấy đều không chết cũng chẳng sanh, hai vị đều siêng năng vâng theo lời Phật dạy, không hề biếng nhác, chỉ do tâm có tăng, có giảm nên có người biết rõ, có người không biết rõ. Như lời trưởng giả nói: “Từ xưa đến nay tuy được phụng sự Phật, cung kính các Tỳ-kheo trưởng lão, nhưng trước đây chưa từng được nghe pháp tôn quý như thế, như lời Tôn giả Xá-lợi-phất vừa giảng nói.” Tỳ-kheo Tu-bồ-đề quán sát về đất mà tâm được giải thoát. Tỳ-kheo Bà-già-lê quán sát lưỡi dao mà tâm được giải thoát. Cho nên, này trưởng giả! Hãy thực hành giống như Tỳ-kheo Bà-già-lê.
[0820a13] Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp rộng rãi cho trưởng giả, khuyến khích khiến ông hoan hỷ và phát tâm vô thượng, rồi Tôn giả rời tòa ra về.
Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả A-nan rời đi chưa bao lâu, giây lát sau, trưởng giả Cấp Cô Độc qua đời, liền sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba. Bấy giờ, thiên tử Cấp Cô Độc có được năm công đức, hơn hẳn các chư thiên khác. Là những công đức nào? Đó là, tuổi thọ cõi trời, sắc đẹp cõi trời, an lạc cõi trời, oai thần cõi trời và ánh sáng cõi trời.
Thiên tử Cấp Cô Độc liền nghĩ: “Nay ta được làm thân cõi trời này là đều nhờ vào ân đức của Như Lai. Ta không nên hưởng thụ năm dục mà trước tiên nên đến chỗ Thế Tôn để lễ bái và thỉnh an Ngài.”
Thế rồi, thiên tử Cấp Cô Độc cùng thiên chúng tuần tự trước sau, đem các loại hoa trời rải trên thân Phật. Lúc ấy, Như Lai đang ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Thiên tử ấy ở giữa hư không, chắp tay hướng về Thế Tôn và nói kệ này:
Ðây là vườn Kỳ Hoàn,
Chúng Tiên nhân thọ lạc,
Nơi Pháp Vương cư ngụ,
Nên khởi tâm hân hoan.
Bấy giờ, thiên tử Cấp Cô Độc nói kệ như thế xong, đức Như Lai im lặng hứa khả.
Thế rồi, thiên tử ấy liền nghĩ: “Như Lai đã im lặng hứa khả cho ta”, liền xả thần túc rồi đứng sang một bên. Thiên tử Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn:
– Bạch đức Thế Tôn! Con là Tu-đạt, cũng gọi là Cấp Cô Độc, mọi người đều biết rõ, con cũng là đệ tử của Như Lai, vâng lời dạy của Thánh Tôn, nay đã qua đời được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba.
[0820b03] Thế Tôn hỏi:
– Do ân đức gì mà ông được làm thân trời này?
Thiên tử bạch Phật:
– Nương nhờ thần lực của Thế Tôn nên con mới được thọ thân ở cõi trời. Thế rồi, thiên tử Cấp Cô Độc lại dùng hoa trời rải trên thân Như Lai, cũng rải hoa trên Tôn giả A-nan và Tôn giả Xá-lợi-phất, đi nhiễu quanh vườn Kỳ Hoàn bảy vòng rồi ẩn thân biến mất.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
– Ðêm qua, có thiên tử đến chỗ Ta, nói kệ như vầy: Ðây là vườn Kỳ Hoàn, Chúng Tiên nhân thọ lạc, Nơi Pháp Vương cư ngụ, Nên khởi tâm hân hoan. Thế rồi, thiên tử ấy đi nhiễu quanh vườn Kỳ Hoàn bảy vòng rồi đi. Này A-nan! Thầy có biết thiên tử kia chăng?
A-nan bạch Phật:
– Chắc hẳn là trưởng giả Cấp Cô Độc.
Phật bảo A-nan:
– Đúng như lời thầy nói. Lành thay! Thầy có thể dùng trí so sánh, suy luận46 mà biết được thiên tử ấy. Vì sao như vậy? Bởi vì, đó chính là thiên tử Cấp Cô Độc.
A-nan bạch Phật:
– Trưởng giả Cấp Cô Độc nay đã sanh lên cõi trời thì tên gọi là gì?
Thế Tôn bảo:
– Cũng có tên là Cấp Cô Độc. Vì sao như thế? Bởi vì, vào ngày thiên tử ấy sanh ra, chư thiên đều nói như vầy: “Lúc ở cõi người, thiên tử này là đệ tử của Như Lai, thường bố thí khắp tất cả với tâm bình đẳng, cứu giúp kẻ bần cùng, thiếu thốn, nhờ tạo công đức này mới được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba. Vì vậy nên tặng cho danh hiệu là Cấp Cô Độc.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vị có công đức lớn và thành tựu trí tuệ là Tỳ-kheo A-nan. Tỳ-kheo A-nan hiện ở địa vị Hữu học nhưng trí tuệ không ai sánh bằng. Vì sao như thế? Bởi vì, những điều chỉ có bậc A-la-hán mới biết thì A-nan cũng biết rõ. Những điều nên học tập từ chư Phật, Thế Tôn thuở quá khứ, A-nan cũng đều biết tường tận. Thuở quá khứ, cũng có người vừa nghe liền biết rõ, nhưng hôm nay Tỳ-kheo A-nan của Ta chỉ nhìn qua liền biết rõ “Như Lai cần điều này, Như Lai không cần điều này.” Ðệ tử của chư Phật quá khứ phải nhập định mới biết được những điều chưa thông suốt, nhưng hôm nay Tỳ-kheo A-nan của Ta vừa quán sát liền biết rõ.
Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Ta, người học rộng biết nhiều, có sức dũng mãnh, tinh tấn, tâm không tán loạn, nghe nhiều bậc nhất, đảm trách mọi việc chính là Tỳ-kheo A-nan.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc có người con dâu tên là Thiện Sanh,48 dung mạo đoan chánh, sắc mặt như màu hoa đào, là con gái quan đại thần của Vua Ba-tư-nặc. Cô ta ỷ vào dòng họ, cậy gia thế hào tộc nên không cung kính mẹ chồng và chồng, cũng không phụng sự Phật, không phụng sự Pháp và Tỳ-kheotăng, cũng chẳng cung kính, phụng thờ Ba ngôi báu.
Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Trưởng giả bạch Phật:
– Con vừa cưới vợ cho con trai của con, cô ấy là con gái quan đại thần lớn nhất của Vua Ba-tư-nặc, tự ỷ vào dòng họ hào tộc, không phụng sự Ba ngôi báu, không biết Trưởng lão, tôn ti. Cúi xin Thế Tôn thuyết pháp cho con dâu của con, khiến phát tâm hoan hỷ, khai thông tâm ý!
Lúc ấy, đức Như Lai lặng im hứa khả lời thưa của trưởng giả.
Bấy giờ, trưởng giả lại bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn và Tỳ-kheo-tăng nhận lời thỉnh cúng dường bữa cơm trưa của con!
Thấy Như Lai yên lặng nhận lời thỉnh rồi, trưởng giả liền rời chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi lui ra.
Trở về nhà, trưởng giả chuẩn bị đủ loại thức ăn uống, sửa soạn chỗ ngồi tốt đẹp rồi đến bạch Phật:
– Ðã đúng thời, cúi xin Thế Tôn nhận lời thọ thỉnh của con, thức ăn đã đầy đủ!
Bấy giờ, Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau, cùng đi đến nhà trưởng giả rồi ngồi vào tòa đã soạn sẵn.49
Lúc ấy, trưởng giả lấy chiếc ghế nhỏ ngồi phía trước Như Lai.
Thế Tôn nói với nàng dâu Thiện Sanh:
– Này con gái trưởng giả! Nên biết rằng, người làm vợ có bốn hạng. Là bốn hạng nào? Đó là, có hạng vợ giống như mẹ, có hạng vợ giống như bạn, có hạng vợ giống như giặc và có hạng vợ giống như nô tỳ.
Cô nên biết! Hạng vợ giống như mẹ là tùy thời chăm sóc chồng, không để thiếu thốn, phải phụng sự và chăm lo cho chồng thì lúc ấy sẽ được chư thiên ủng hộ, cho dù loài người hay loài chẳng phải người đều không thể làm hại, khi chết thì được sanh lên cõi trời. Này cô gái! Như thế gọi là hạng vợ giống như mẹ.
Vì sao gọi là hạng vợ giống như bạn? Ở đây, này con dâu của trưởng giả, người con gái khi đã lấy chồng thì tâm không còn so đo mà đồng cam cộng khổ với chồng mình. Như thế gọi là hạng vợ giống như bạn.
Vì sao gọi là hạng vợ giống như giặc? Ở đây, khi người vợ đã gặp gỡ chồng rồi, liền có tâm sân hận, ganh ghét chồng, không phục vụ, không cúc cung tận tụy, thấy chồng chỉ muốn làm hại, tâm để nơi khác, chồng không thân với vợ, vợ cũng chẳng thân với chồng, chẳng có ai thương kính, chư thiên không ủng hộ, quỷ dữ liền xâm hại, qua đời bị đọa vào địa ngục, đó gọi là hạng vợ giống như giặc.
[0821a04] Vì sao gọi là hạng vợ giống như nô tỳ? Ở đây, người vợ đức hạnh khi gặp gỡ chồng rồi, liền tùy thời săn sóc, nhẫn nhịn lời nói không hề đáp trả, chịu đựng sự lạnh lẽo, cực khổ, thường có lòng từ; đối với Ba ngôi báu thì luôn nghĩ rằng: “Ba ngôi báu tồn tại thì ta còn, Ba ngôi báu suy hao thì ta mất.” Do tâm niệm này nên được chư thiên ủng hộ, cho dù loài người hay loài chẳng phải người đều thương mến, khi qua đời được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.
Này con gái trưởng giả! Ðó gọi là có bốn hạng vợ, nay cô thuộc hạng vợ nào?
Lúc ấy, nghe đức Thế Tôn giảng nói như vậy rồi, nàng dâu kia liền đến trước đảnh lễ Phật, bạch rằng:
– Bạch đức Thế Tôn! Con xin sửa đổi lỗi lầm trong quá khứ, làm lành ở tương lai, nguyện không trái phạm. Từ nay về sau con thường thực hành pháp lễ kính giống như nô tỳ.
Thế rồi, Thiện Sanh trở về chỗ chồng, cúi đầu lễ sát chân:
–Thiếp nguyện săn sóc phu quân như nô tỳ vậy.
Bấy giờ, Thiện Sanh trở lại chỗ Phật, cúi lạy sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, đức Thế Tôn lần lượt thuyết pháp cho nàng ấy. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, dâm dục là rất nhơ uế. Thế rồi, biết tâm ý nàng ấy đã khai mở, Thế Tôn liền giảng nói hết thảy các pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường nói, đó là khổ, tập, diệt, đạo. Ngay nơi chỗ ngồi, nàng dâu ấy đạt được Pháp nhãn thanh tịnh, giống như chiếc áo mới dễ nhuộm màu, điều này cũng như thế, Thiện Sanh phân biệt các pháp, khéo hiểu nghĩa thâm sâu, quy y Ba ngôi báu, thọ trì năm giới.
Bấy giờ, nàng Thiện Sanh nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lát sau, Tôn giả rời chỗ ngồi rồi bạch Thế Tôn:
– Thế Tôn thường khen ngợi hàng hào tộc cao quý, không nói đến hạng thấp hèn. Bạch đức Thế Tôn! Còn con không khen ngợi hàng tôn quý cũng không nói đến hạng thấp hèn mà chỉ nói đến bậc trung, khiến được xuất gia học đạo.
Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Thầy51 tự cho mình là người: “Không khen ngợi hàng tôn quý cũng không nói đến hạng thấp hèn mà chỉ nói đến bậc trung, khiến được xuất gia học đạo.” Tuy nhiên, ngày hôm nay Như Lai không nói đến hạng thượng, trung, hạ cho đến nơi thọ sanh. Vì sao như thế? Bởi vì, sự thọ sanh rất khổ, không đáng để mong cầu. Như đống phân kia, dù chỉ chút ít đã hôi dơ, huống hồ là tích chứa đầy tràn. Sự thọ sanh cũng lại như vậy, chỉ một đời hoặc hai đời đã là khổ nạn, huống hồ xoay chuyển mãi mãi mà có thể cam chịu được sao? Do hữu nên có sanh, do sanh nên có già, do già nên có bệnh, có chết, ưu, bi, khổ, não... thì có gì đáng để ham thích, rồi kết thành thân năm thủ uẩn.52 Nay Như Lai quán sát nghĩa này mà nói như vầy: “Một đời hoặc hai đời đã là khổ nạn, huống hồ xoay chuyển mãi mãi mà có thể cam chịu được sao?” Này Xá-lợi-phất! Nếu thầy có ý muốn thọ sanh thì nên phát nguyện sanh trong gia đình hào tộc, không sanh nơi thấp hèn. Vì sao như thế?
Này Xá-lợiphất! Chúng sanh bị tâm trói buộc lâu dài, chứ không phải bị hào tộc trói buộc. Tuy nhiên, này Xá-lợi-phất! Như Ta ở trong gia đình hào tộc, là dòng dõi Sátlợi, xuất thân từ Chuyển Luân Thánh vương, nếu Ta không xuất gia học đạo thì sẽ làm Chuyển Luân Thánh vương. Nay Ta bỏ địa vị Chuyển Luân Thánh vương để xuất gia học đạo, thành tựu đạo Vô thượng. Giả sử như sanh trong nhà thấp hèn, lại không được xuất gia học đạo thì trở lại bị đọa trong đường ác.
Do đó, này Xá-lợi-phất! Nên tìm cầu phương tiện để hàng phục tâm.
Thật vậy, này Xá-lợi-phất! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.53
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Phi thường phẩm 非常品 (T.02. 0125.51. 0814a26).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.1. 0814a27). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.938. 0240c25); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.331. 0486a18); S. 15.3 - II. 179.
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.2. 0814b11). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.973. 0251b20); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.330. 0485c05); S. 15.13 - II. 187.
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.3. 0814b22). Tham chiếu: Kinh năm hạng chiến sĩ, số 3, phẩm 33, tr. 508; Tăng. 增 (T.02. 0125.33.3. 0686c20). Kinh nguồn gốc của dục, số 9, phẩm 35, tr. 556; Tăng. 增 (T.02. 0125.35.9. 0701a12).
5 Nguyên tác: Hoa quan (華冠): Dùng vỏ cây và hoa kết thành mũ.
6 Nguyên tác: Ngũ thọ ấm (五受陰).
7 Nguyên tác: Xuất yếu (出要).
8 Nguyên tác: Thống (痛).
9 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛). Xem chú thích 58, trang 689.
10 Nguyên tác: Phật (佛, Buddha): Bậc Giác Ngộ. Lưu ý, quả vị Bích-chi Phật (Paccekabuddha) thuộc phẩm vị A-la-hán với thuộc tính đặc thù không thầy mà tự ngộ. Thế nên, sự thành Phật ở đây nên gọi đúng tên là sự tự mình giác ngộ.
11 Tương tự bài kệ trong Kinh năm hạng chiến sĩ, số 3, phẩm 33, tr. 509; Tăng. 增 (T.02. 0125.33.3. 0686c20). Kinh nguồn gốc của dục, số 9, phẩm 35, tr. 557; Tăng. 增 (T.02. 0125.35.9. 0701a12).
12 Nguyên tác: Xà-tuần (蛇旬). Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.3. 0121b01) và Hàng ma kinh 降 魔經 (T.01. 0026.131. 0620c26) đều ghi: Da-duy (耶維) là phiên âm của jhāpeti, nghĩa là hỏa thiêu, hỏa táng.
13 Nguyên tác: Kiếp-ba-dục (劫波育), phiên âm từ kappāsa (cây bông vải).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.4. 0817a16). Tham chiếu: Tâm uế kinh 心 穢經 (T.01. 0026.206. 0780b15); M. 16, Cetokhila Sutta (Kinh tâm hoang vu); A. 5.205 - III. 248; A. 5.206 - III. 249; A. 9.71 - IV. 460; A. 9.72 - IV. 461; A. 9.82 - IV. 463; A. 9.92 - IV. 464.
15 Nguyên tác: Nhập (入).
16 Nguyên tác: Phương tiện (方便): 具活力之精進.
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T 02. 0125.51.5. 0817c19).
18 Tăng. 增 (T.02. 0125.51.6. 0818a09). Tựa đề đặt theo S. 35.194 - IV. 168: Ādittapariyāyaṃ (Pháp môn lửa cháy). Nguyên văn: Ādittapariyāyaṃ vo, bhikkhave, dhammapariyāyaṃ desessāmi (Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các ông về pháp môn lửa cháy, pháp môn Chánh pháp), HT. Thích Minh Châu dịch. Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.241. 0058a07); S. 35.194 - IV. 168.
19 Nguyên tác: Lục tình (六情), tên khác của 6 căn (六根), gồm mắt (眼), tai (耳), mũi (鼻), lưỡi (舌), thân (身) và ý (意).
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.7. 0818b05). Tham chiếu ý kinh Xuất vật cố nhân sử sự Phật (出物雇人使事佛); Tăng. 增 (T.02. 0125.51.7. 0818c02).
21 Nguyên tác: A-na-bân-kỳ (阿那邠祁, Anāthapiṇḍika).
22 Nguyên tác: Cung (宮).
23 Nguyên tác: Ưu-bát liên hoa (優鉢蓮華).
24 Nguyên tác: Câu-vật-đầu hoa (拘勿頭花).
25 Nguyên tác: Phân-đà-lợi hoa (分陀利華).
26 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為).
27 Nguyên tác: Đạo Pháp Ngự (道法御).
28 Nguyên tác: Chúng Hựu (眾祐).
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.8. 0819b11). Tham chiếu: Giáo hóa bệnh kinh 教化病經 (T.01. 0026.28. 0458b28); Tạp. 雜 (T.02. 0099.593. 0158b24); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1032. 0269c08); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.187. 0441a27); M. 143, Anāthapiṇḍikovāda Sutta (Kinh giáo giới Cấp Cô Ðộc); S. 2.20 - I. 33; S. 55.26 - V. 380
30 Nguyên tác: Nghi tri thị thời (宜知是時). Cú ngữ này còn được dịch: Kim chánh thị thời (今正是時), tri thị thời (知是時), thị thời (是時). Có nguyên tác Pāli: Kālaṃ maññasī, có nghĩa là đó là việc hợp thời, đúng lúc. Bản Việt dịch có sự thay đổi để phù hợp với ngữ cảnh.
31 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為).
32 Nguyên tác: Đạo Pháp Ngự (道法御).
33 Nguyên tác: Chúng Hựu (眾祐).
34 Nguyên tác: Tứ song bát bối (四雙八輩). Xem chú thích 50, trang 640.
35 Nguyên tác: Bất khởi (不起). Khởi (起): 扶持也. Bản Pāli: Na upādiyissāmi, nghĩa là không chấp thủ.
36 Nguyên tác: Thọ (受).
37 Nguyên tác: Sĩ phu (士夫).
38 Nguyên tác: Manh triệu, hữu hình chi loại (萠兆, 有形之類).
39 Nguyên tác: Cánh lạc (更樂).
40 Nguyên tác: Thống (痛).
41 Nguyên tác: Thọ (受). 42 Nguyên tác: Tập (習), đồng nghĩa với “hiểu” (曉): Thông hiểu, biết rõ, hiểu. 43 Nguyên tác: Da-du-đề (耶輸提), tên khác của Tôn giả Tu-bồ-đề (須菩提, Subhūti).
44 Nguyên tác: Bà-già-lê (婆伽梨), phiên âm của Vakkali.
45 Nguyên tác: Tín giải thoát giả (信解脫者, Saddhāvimutto): Nhờ tín tâm cao tột với đức Phật nên được giải thoát. Theo A. 3.21 - I. 118: Yvāyaṃ puggalo saddhāvimutto svāssa sakadāgāmī vā anāgāmī vā (Hạng người Tín giải này là hạng người Nhất lai hay Bất lai), HT. Thích Minh Châu dịch. Vị Tỳkheo thành tựu Tín giải thoát được Phật khen ngợi là ngài Bà-ca-lê (婆迦梨). Tham chiếu: S. 55.24: “Có người không thành tựu tịnh tín bất động đối với đức Phật, đối với Pháp, đối với chúng Tăng, không có trí tuệ hoan hỷ, không có trí tuệ tốc hành, không thành tựu giải thoát. Nhưng vị ấy có những pháp này: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn, chỉ có lòng tin, chỉ có lòng ái mộ ở Như Lai. Người này, này Mahānāma, không có đi đến địa ngục, không có đi đến loài bàng sanh, không có đi đến cõi ngạ quỷ, không có đi đến cõi dữ, ác thú, đọa xứ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
46 Nguyên tác: Vị tri trí (未知智) cũng gọi là “loại trí” (類智). Trí tuệ hiểu biết được sanh ra do so sánh, suy luận (由推論類比而得的智慧). P. Anvaye ñāṇaṃ. Tham chiếu: D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh phúng tụng): Cattāri ñāṇāni - dhamme ñāṇaṃ, anvaye ñāṇaṃ, pariye ñāṇaṃ, sammutiyā ñāṇaṃ (Bốn trí: Pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí), HT. Thích Minh Châu dịch.
47 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.9. 0820c03). Tham chiếu: Kinh hai bậc ân nặng, số 11, phẩm 20, tr. 213 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.20.11. 0601a10); A-tốc-đạt kinh 阿 遬達經 (T.02. 0141. 0863a21); Ngọc-da nữ kinh 玉耶女經 (T.02. 0142a. 0863c15), (T.02. 0142b. 0864c07); Ngọc-da kinh 玉耶經 (T.02. 0143. 0865c190); A. 7.63 - IV. 91.
48 Thiện Sanh (善生). A. 7.63 - IV. 91: Sujāta.
49 Bản Hán lược bỏ không đề cập về việc thọ thực của Phật và Tỳ-kheo-tăng
50 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.51.10. 0821a24).
51 Bản Tống, Nguyên, Minh không có chữ “đẳng” (等).
52 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm thân (五盛陰身).
53 Bản Hán, hết quyển 49,
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.