Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

 

50.PHẨM LỄ TAM BẢO1

 

1.KÍNH LỄ THÁP2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn lễ bái tháp3 Như Lai thì nên thực hành mười một pháp.

Những gì là mười một pháp? Đó là, khởi tâm dũng mãnh vì có kham nhẫn. Tâm không tán loạn vì thường nhất tâm. Niệm luôn chuyên nhất vì có chỉ và quán.4 Vọng niệm vắng lặng vì nhập thiền định. Tâm không hạn lượng vì có trí tuệ. Tâm khó quán sát bởi do hình tướng. Lặng tâm điềm tĩnh vì có oai nghi. Tâm không lăng xăng nhờ xưng danh hiệu. Tâm không tưởng tượng do bởi sắc tướng. Phạm âm khó sánh do âm thanh hòa nhã.

Này các Tỳ-kheo! Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn lễ bái tháp Như Lai thì nên có đủ mười một pháp như vậy sẽ được hưởng phước lâu dài không thể tính kể.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.KÍNH LỄ PHÁP5
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn lễ bái Pháp thì nên tư duy về mười một pháp, sau đó mới lễ bái Pháp.

Những gì là mười một pháp? Đó là, nếu có kiêu mạn thì nên diệt trừ kiêu mạn. Chánh pháp khéo dứt trừ tưởng khát ái nơi cõi dục. Chánh pháp khéo dứt trừ tham dục nơi cõi dục. Chánh pháp có khả năng đoạn dứt dòng sanh tử thâm sâu. Thực hành Chánh pháp thì được pháp bình đẳng. Chánh pháp này sẽ đoạn trừ các cõi ác. Nương theo Chánh pháp này thì đến được cõi lành. Chánh pháp có khả năng đoạn trừ lưới ái dục. Người thực hành Chánh pháp là đi từ có đến không. Người thực hành Chánh pháp thì thắp sáng khắp nơi. Người thực hành Chánh pháp thì đạt đến cảnh giới Niết-bàn.

Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn đảnh lễ Pháp thì nên tư duy về mười một pháp này, về sau sẽ được phước vô lượng, phước đức đạt được lâu dài, không thể tính kể.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.KÍNH LỄ TĂNG6
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào tu hạnh lễ bái Tăng thì nên chú tâm vào mười một pháp, sau đó mới lễ bái Tăng.

Những gì là mười một pháp? Đó là, Thánh chúng Như Lai đã thành tựu Chánh pháp. Thánh chúng Như Lai trên dưới hòa hợp. Thánh chúng Như Lai thành tựu pháp và tùy pháp. Thánh chúng Như Lai thành tựu giới. Thánh chúng Như Lai thành tựu thiền định. Thánh chúng Như Lai thành tựu trí tuệ. Thánh chúng Như Lai thành tựu giải thoát. Thánh chúng Như Lai thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng Như Lai thường hộ trì Tam bảo. Thánh chúng Như Lai có năng lực hàng phục ngoại đạo dị học. Thánh chúng Như Lai là ruộng phước, là bạn lành cho tất cả chúng sanh.

Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn lễ bái Tăng thì nên tư duy về mười một pháp này, sẽ được phước lâu dài không thể tính kể.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các hàng Tỳ-kheo, trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca- lưu-la, chân-đà-la, ma-hưu-lặc, trời và loài người nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4.VUA ĐẠI THIÊN7
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Thế Tôn8 cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo ngụ ở vườn Ðại Thiên,9 phía Đông thành Mật-để-la,10 thuộc nước Ma-kiệt.

Bấy giờ, sau khi thọ thực xong, Thế Tôn cùng với A-nan đi kinh hành trong khu vườn. Đức Phật chợt mỉm cười.

A-nan thầm nghĩ: “Đấng Như Lai là bậc Vô Sở Trước, Ðẳng Chánh Giác không mỉm cười vô cớ. Hôm nay, sao Ngài lại mỉm cười? Chắc có ý gì đây, ta sẽ thưa hỏi về điều này.”

A-nan liền sửa lại y phục, quỳ gối phải sát đất rồi chắp tay bạch Phật:

 – Đấng Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Ðẳng Chánh Giác không mỉm cười vô cớ. Hôm nay, sao Ngài lại mỉm cười? Chắc phải có ý gì đây, con mong muốn được nghe việc đó.

Phật bảo A-nan:

– Ta sẽ giảng nói cho thầy. Vào thuở ban sơ của Hiền kiếp ở thời quá khứ, trong khoảng thời gian này có một vị Chuyển Luân Thánh vương làm chủ bốn châu thiên hạ tên là Ðại Thiên, sống lâu không bệnh, đoan chánh dũng mãnh, dùng Chánh pháp cai trị, không áp bức dân chúng, có bảy báu tự nhiên xuất hiện. Đó là những báu nào? Một là, bánh xe báu. Hai là, voi báu. Ba là, ngựa báu. Bốn là, châu báu. Năm là, ngọc nữ báu. Sáu là, chủ kho tàng báu. Bảy là, điển binh báu.

[0807a04] Phật bảo A-nan:

– Thời thơ ấu của Vua Ðại Thiên trải qua tám vạn bốn ngàn năm, làm Thái tử tám vạn bốn ngàn năm, lên ngôi Thánh vương tám vạn bốn ngàn năm.

A-nan bạch Phật:

– Thế nào gọi là bánh xe báu? Phật bảo A-nan:

– Vào ngày rằm của tháng, khi trăng vừa tròn, nhà vua tắm gội sạch sẽ rồi cùng thể nữ lên trên lầu phía Đông, nhìn về hướng Đông thấy có bánh xe bằng vàng ngàn căm, cao bằng bảy cây đa-la. Ða-la là loài cây có một thân ngay thẳng, cao khoảng bảy nhận, dùng cây này để đo đạc. Bánh xe được làm thuần chất bằng vàng tử-ma.11 Thấy bánh xe rồi, nhà vua nghĩ: “Bánh xe này tuyệt đẹp, ta muốn giữ nó có được chăng?”

Vừa nghĩ xong, bánh xe liền đến bên tay trái của vua, rồi chuyển sang tay phải. Nhà vua nói với bánh xe:

“Những nước chưa được hàng phục, hãy vì ta mà hàng phục, đất nào chẳng phải của ta, hãy lấy cho ta, nên đúng pháp, không nên phi pháp.”

Nói xong, bánh xe trở lại trụ giữa hư không, vành bánh xe xoay về phương Đông, trục xoay về phương Bắc.

Nhà vua ra lệnh cho hầu cận chuẩn bị đầy đủ bốn bộ binh chủng. Khi quan quân đầy đủ rồi, vua liền dẫn binh lính theo bánh xe ở giữa hư không, bánh xe chạy sang phương Đông, đi qua khắp các cõi nước ở phương Đông. Ban đêm, vua và binh lính ngủ dưới bánh xe báu. Vua các nước nhỏ ở phương Đông đều đến triều kiến với những cống phẩm như bát bằng vàng thì đựng thóc bạc, bát bằng bạc thì đựng thóc vàng, rồi tâu:

“Lành thay! Thưa Đại vương! Bờ cõi phía Đông này, gồm tất cả đất đai châu báu và dân chúng đều là của Đại vương. Xin hãy dừng xa giá ở nơi đây, chúng thần sẽ vâng lệnh Đại vương dạy bảo.”

Vua Ðại Thiên bảo những vị vua các nước nhỏ:

“Nếu muốn vâng lệnh của ta thì các khanh hãy trở về cõi nước của mình, dạy cho dân mười điều lành, chớ làm điều ép uổng, ngang ngược.”12

Vua khuyên bảo xong, bánh xe báu liền xoay vần trên biển, nương vào mây mà đi. Giữa biển tự nhiên mở ra con đường rộng một do-tuần. Nhà vua và bốn bộ binh chủng theo sau bánh xe báu, tuần tự đi qua các cõi nước ở phương Nam. Vua các nước nhỏ ở phương Nam cũng đến triều kiến, đều dùng bát bằng vàng đựng thóc bạc, bát bằng bạc đựng thóc vàng dâng lên nhà vua rồi tâu:

“Lành thay! Ðại vương! Bờ cõi phía Nam này gồm tất cả đất đai châu báu và dân chúng đều là của Đại vương. Xin hãy dừng xa giá ở nơi đây, chúng thần sẽ vâng lệnh Đại vương dạy bảo.”

Vua Ðại Thiên bảo những vị vua các nước nhỏ:

“Nếu muốn vâng lệnh của ta thì các khanh hãy trở về cõi nước của mình, dạy cho dân mười điều lành, chớ làm điều ép uổng, ngang ngược.”

Vua khuyên bảo xong, bánh xe báu quay sang phương Tây, đi về các cõi nước ở phương Tây. Vua các cõi nước phương Tây cống nạp, thỉnh mời như ở phương Nam. Hoàn tất, bánh xe báu quay sang phương Bắc, tuần tự đi qua các cõi nước phương Bắc. Các vua ở phương Bắc cũng đến triều kiến, cống nạp và cầu thỉnh đầy đủ như các phương trước.

Trải qua bốn ngày, chu du khắp bốn biển trong cõi Diêm-phù-đề rồi trở về thành Mật-để-la, bánh xe trụ giữa hư không trước cửa cung, cao bằng bảy cây đa-la, vành xe hướng về phương Đông, nhà vua liền hồi cung.

[0807b07] Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên có được bánh xe báu như thế. A-nan lại hỏi Phật:

– Vua Ðại Thiên có được voi báu như thế nào? Phật bảo A-nan:

– Sau đó lại đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ rồi cùng các thể nữ lên trên lầu ở phía Đông, nhìn về hướng Đông, thấy giữa hư không có voi chúa màu trắng tên Mãn-hô,13 nương hư không mà đến, thân hình có bảy chỗ đầy đặn,14 miệng có sáu ngà, đầu phủ khăn vàng, chuỗi anh lạc bằng vàng, dùng trân châu kết vòng quanh thân, hai bên hông đeo chuông bằng vàng. Voi có sức thần, biến hình tự tại. Thấy như thế rồi, Vua Ðại Thiên nghĩ: “Ta có thể được voi này chăng? Ta sẽ sai voi làm việc.”

Vừa nghĩ xong, voi liền đứng giữa hư không trước mặt vua. Nhà vua liền sai làm năm việc. Vua lại nghĩ: “Hãy thử xem con voi này có thể làm được việc gì không?”

Đến sáng hôm sau, vào lúc mặt trời mọc, vua cỡi voi ấy dạo khắp bốn biển, chỉ trong khoảnh khắc trở về chỗ cũ, dừng ở cửa Đông cung điện rồi đứng nhìn về phương Đông.

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được voi báu như thế. A-nan lại hỏi Phật:

– Vua Ðại Thiên có được ngựa báu như thế nào? Phật bảo A-nan:

– Sau đó đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ rồi cùng các thể nữ lên trên lầu phía Tây, nhìn về hướng Tây, thấy có ngựa chúa màu đỏ tía tên là Bà-la-hàm,15 nương hư không mà đến, khi đi thân không lay động, đầu phủ khăn vàng, chuỗi anh lạc báu, châu báu kết quanh thân, hai bên hông đeo chuông vàng. Ngựa chúa có sức thần, biến hình tự tại. Thấy như vậy rồi, Vua Ðại Thiên nghĩ: “Ta có thể cỡi ngựa báu này chăng?”

Vừa nghĩ xong, ngựa liền đến trước vua. Nhà vua liền muốn cỡi thử nên đến sáng hôm sau vào lúc mặt trời mọc, vua cỡi ngựa đi về phía Đông, chỉ trong khoảnh khắc dạo khắp bốn biển rồi trở về nước, dừng ở cửa Tây cung điện, đứng nhìn về phía Tây.

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được ngựa báu như thế. A-nan hỏi Phật:

– Vua Ðại Thiên có được châu báu như thế nào? Phật bảo A-nan:

– Sau đó đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên trên lầu phía Đông, nhìn về hướng Đông, thấy có thần châu. Thần châu dài một thước sáu tấc, có tám cạnh, màu lưu ly xanh biếc, nương hư không mà đến, cao bằng bảy cây đa-la. Thấy như thế rồi, Vua Đại Thiên suy nghĩ: “Ta có thể lấy được thần châu này để ngắm chăng?”

Vừa nghĩ xong, vua liền có được thần châu. Vua muốn thử thần châu nên vào nửa đêm, tập hợp bốn bộ binh chủng, đem thần châu treo lên đầu ngọn phướn rồi dạo ra khỏi thành. Thần châu chiếu sáng trong khắp phạm vi mười hai do-diên, quân lính nhìn thấy nhau rõ như ban ngày. Ánh sáng của thần châu chiếu đến đâu, dân chúng đều giật mình tỉnh giấc và bảo: “Trời sáng rồi!” Nhà vua trở về cung, dựng cây phướn trong cung nên trong ngoài đều sáng tỏ như ban ngày.

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được bảo châu như thế.

[0807c10] A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại Thiên có được ngọc nữ báu như thế nào? Phật bảo A-nan:

– Đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, nhà vua tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên trên lầu phía Đông rồi nhìn về hướng Đông, trông thấy thiếu nữ quý báu thuộc dòng Sát-lợi, tên là Mạn-na-kha-lợi,16 đoan chánh không ai sánh bằng, trinh khiết trang nghiêm, tươi đẹp diệu kỳ, không cao không thấp, không mập không gầy, không trắng không đen, ấm áp trong mùa đông, mát mẻ vào mùa hạ, từ lỗ chân lông tỏa ra hương thơm chiên-đàn, miệng tỏa hương hoa sen xanh, cũng không có các trạng thái xấu ác của người nữ, tánh tình ôn hòa, biết trước ý vua, nương hư không mà đến rồi tuần tự đi đến chỗ vua.

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được ngọc nữ báu như thế. A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại Thiên có được chủ kho tàng báu như thế nào?

Phật bảo A-nan:

– Đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, Vua Ðại Thiên tắm gội sạch sẽ, cùng các thể nữ lên trên lầu phía Bắc, nhìn về hướng Bắc, thấy thần chủ kho tàng tên A-la-tha-chi,17 đoan chánh đẹp đẽ, không cao không thấp, không mập không gầy, thân màu huỳnh kim, tóc màu xanh biếc, màu mắt đen trắng rõ ràng, lại có thể thấy được các kho tàng bảy báu ẩn trong lòng đất. Kho có chủ thì giữ gìn, kho vô chủ thì lấy dâng vua sử dụng, thông minh trí tuệ, mưu chước khéo léo, nương hư không mà đến rồi tuần tự đến trước vua, vì nhà vua mà tâu rằng:

“Từ nay về sau, Đại vương cứ hưởng lạc tùy thích, chớ có buồn lo. Thần sẽ cung cấp châu báu cho Đại vương, không để thiếu thốn.”

Vua muốn thử thần chủ kho tàng, liền cùng thần chủ kho tàng giong thuyền ra khơi.

Vua bảo thần chủ kho tàng:

“Trẫm muốn có vàng bạc châu báu.” Thần chủ kho tàng tâu:

“Xin hãy vào bờ, thần sẽ dâng châu báu!” Nhà vua bảo:

“Trẫm muốn được châu báu dưới nước, không phải trên bờ.”

Thần chủ kho tàng liền đứng dậy, sửa sang y phục, quỳ gối bên phải, chắp tay lạy mặt nước. Lập tức, từ dưới nước tự nhiên xuất hiện từng khối vàng lớn như trục xe, chốc lát đã đầy thuyền.

Vua bảo:

“Hãy dừng lại! Đừng lấy vàng nữa, thuyền sẽ chìm mất.”

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được thần chủ kho tàng như thế.

[0808a11] A-nan bạch Phật:

– Vua Ðại Thiên có được tướng quân điển binh như thế nào? Phật bảo A-nan:

– Đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, nhà vua tắm gội sạch sẽ rồi cùng các thể nữ lên trên lầu phía Nam, nhìn về hướng Nam, thấy có đại tướng quân tên Tỷ- tỳ-na,18 đoan chánh đẹp đẽ, tóc như màu trân châu, thân như màu lục, không cao không thấp, không mập không gầy, mắt nhìn xuyên suốt, biết được tâm niệm người, quân sách mưu lược, tiến thoái hợp thời, nương hư không mà đến, tuần tự đến trước vua, rồi vì nhà vua mà tâu rằng:

“Cúi xin Đại vương hưởng lạc tùy thích, chớ lo lắng đến thiên hạ, việc chinh phạt bốn phương đã có thần đích thân đảm trách!”

Nhà vua muốn thử đại tướng nên lúc nửa đêm, liền suy nghĩ: “Ta muốn tập hợp bốn bộ binh chủng.”

Vừa nghĩ xong, bốn bộ binh chủng đã tập hợp đầy đủ.

Nhà vua lại nghĩ: “Muốn tiến binh về phía Đông.” Quân lính liền tiến về phía Đông. Vua ở chính giữa, tướng quân dẫn đầu, bốn bộ binh chủng vây quanh. Vua muốn tiến thì quân tiến, vua muốn lùi thì quân lùi.

Này A-nan! Vua Ðại Thiên có được tướng quân điển binh báu như thế. Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên có được bảy báu như thế! Phật lại bảo A-nan:

– Trải qua thời gian lâu dài cai trị thiên hạ, Vua Đại Thiên liền bảo người thợ hớt tóc tên là Kiếp-bắc:19 “Nếu có tóc bạc thì hãy nhổ đi và báo cho trẫm biết!” Kiếp-bắc chăm sóc tóc cho vua một thời gian dài, thấy có một sợi tóc bạc, bèn tâu:

“Lúc trước Đại vương có lệnh, nay thần thấy tóc đã điểm bạc.” Vua bảo:

“Nhổ đưa ta xem!”

Kiếp-bắc dùng nhíp vàng nhổ sợi tóc bạc rồi để vào tay vua. Nhà vua cầm sợi tóc bạc, liền nói kệ này:

Trên đầu của ta,                       
Tóc đã bạc rồi,20
Thân sứ21 đến mời,                  
Đúng thời vào đạo.

[0808b03] Nhà vua suy nghĩ: “Ta đã thọ hưởng tận cùng năm dục của loài người, nay ta nên xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục.” Vua liền cho mời Thái tử Trường Sanh đến và bảo:

“Này con! Trên đầu ta tóc đã điểm bạc. Ta đã nhàm chán với năm dục của thế gian, nay muốn tìm niềm vui nơi cõi trời. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, xuất gia học đạo. Con hãy trông coi việc nước, lập trưởng tử làm thái tử, cấp dưỡng cho Kiếp-bắc để trông coi việc tóc bạc. Khi tóc đã điểm bạc, hãy giao phó quốc gia cho thái tử rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục và xuất gia như ta!”

Nhà vua lại bảo thái tử:

“Nay trẫm đem ngôi vị Thánh vương này ân cần trao lại cho con, hãy khiến cho ngôi vị Thánh vương đời đời tiếp nối, chớ để gián đoạn giống nòi! Nếu gián đoạn giống nòi thì sẽ bị làm người nơi biên địa, nếu đoạn mất hạnh lành thì sẽ bị sanh vào nơi không có pháp.”

Dạy bảo xong, Vua Ðại Thiên liền trao lại giang sơn cho Thái tử Trường Sanh, ban ruộng đất cho Kiếp-bắc.

Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên ở tại mảnh đất này, trong khu vườn này, thuộc thành này rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục mà vào đạo. Tại đây, vua thực hành bốn Phạm hạnh là từ, bi, hỷ, xả,22 trải qua tám vạn bốn ngàn năm rồi qua đời ở đây, sanh lên cõi Phạm thiên. Sau khi Vua Ðại Thiên xuất gia được bảy ngày thì ngọc nữ báu cũng qua đời.

Sau khi Trường Sanh lên ngôi, đến ngày rằm, vào lúc trăng tròn, vua cùng các thể nữ lên trên lầu phía Đông, nhìn về hướng Đông, thấy có ngọc nữ đoan chánh như trước kia, nương hư không mà đến. Vua Trường Sanh lại có được bảy báu. Vua Trường Sanh đảm nhiệm việc triều chính, cai quản bốn châu thiên hạ. Sau đó, Vua Trường Sanh lại bảo Kiếp-bắc:

“Từ nay về sau, lúc chải đầu cho trẫm mà thấy tóc bạc thì khanh hãy báo cho trẫm biết ngay!”

Nhà vua lên ngôi, trải qua tám vạn bốn ngàn năm thì tóc điểm bạc. Kiếp-bắc tâu vua:

“Ðã có tóc bạc!” Vua bảo:

“Hãy nhổ rồi để lên tay trẫm!”

Kiếp-bắc dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc để lên tay vua. Vua cầm tóc bạc rồi liền nói kệ rằng:

Trên đầu của ta,                       
Tóc đã bạc rồi,
Thân sứ đến mời,                     
Đúng thời vào đạo.

Nhà vua suy nghĩ: “Ta đã thọ hưởng tận cùng năm dục của cõi người. Nay nên xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục.” Vua cho mời Thái tử Quan Kế đến và bảo:

“Này con! Trên đầu ta tóc đã điểm bạc. Ta đã nhàm chán với năm dục của thế gian, nay muốn tìm niềm vui nơi cõi trời. Nay ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, xuất gia học đạo. Con hãy trông coi việc nước, lập trưởng tử làm thái tử, cấp dưỡng cho Kiếp-bắc để trông coi việc tóc bạc. Khi tóc đã điểm bạc, hãy giao phó quốc gia cho thái tử rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục và xuất gia như ta!”

Nhà vua lại bảo thái tử:

“Nay trẫm đem ngôi vị Thánh vương này ân cần trao lại cho con, hãy khiến cho ngôi vị Thánh vương đời đời tiếp nối, chớ để gián đoạn giống nòi! Nếu gián đoạn giống nòi thì sẽ bị làm người nơi biên địa, nếu đoạn mất hạnh lành thì sẽ bị sanh vào nơi không có pháp.”

Dạy bảo xong, Vua Trường Sanh trao lại giang sơn cho Thái tử Quan Kế, ban ruộng đất cho Kiếp-bắc.

Vua Trường Sanh cũng ở tại mảnh đất này, trong khu vườn này, thuộc thành này rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y mà vào đạo. Tại đây, trải qua tám vạn bốn ngàn năm, vua thực hành bốn Phạm hạnh là từ, bi, hỷ, xả, rồi qua đời ở đây, được sanh lên cõi Phạm thiên.

[0808c09] Phật bảo A-nan:

– Sau khi Vua Trường Sanh xuất gia được bảy ngày thì bảy báu tự nhiên biến mất. Vua Quan Kế lo buồn, không vui. Các đại thần thấy nhà vua không vui, liền thăm hỏi:

“Vì sao Thiên vương không vui?” Vua trả lời các đại thần:

“Vì bảy báu đã biến mất.” Các đại thần tâu vua:

“Xin Ðại vương chớ lo buồn!” Vua hỏi:

“Vì sao không lo buồn?” Các đại thần tâu:

“Tiên vương23 đang tu Phạm hạnh trong khu vườn gần đây, hãy đến đó thưa hỏi, chắc chắn ngài sẽ dạy cho Đại vương phương cách có được bảy báu!”

Vua liền ra lệnh:

“Chuẩn bị xa giá!”

Chuẩn bị xa giá xong, các đại thần liền tâu vua. Vua cỡi xe bảy báu, trang nghiêm bằng năm nghi trượng: Mũ báu, lọng bằng lông chim, kiếm, quạt và giày báu rồi cùng các đại thần theo hầu hai bên, cùng đến khu vườn. Ðến nơi, vua xuống xe, cởi bỏ năm nghi trượng, đi bộ vào cửa khu vườn, đến trước phụ vương, cúi lạy sát chân, đứng sang một bên rồi chắp tay thưa:

“Thưa Phụ vương! Bảy báu của Phụ vương nay đã biến mất hết rồi.” Nghe thưa như thế, vua cha đang ngồi yên tĩnh liền ngẩng đầu đáp:

“Này con! Pháp của bậc Thánh vương là không nương cậy vào những gì mà Phụ vương sở hữu. Con hãy tự mình thực hành pháp để sở hữu nó!”

Vua lại hỏi:

“Thưa Phụ vương! Chuyển Luân Thánh vương dùng pháp gì để trị dân?” Phụ vương đáp:

“Pháp cung kính, pháp tôn trọng, pháp ghi nhớ, pháp nuôi dưỡng, pháp tăng thượng, pháp soi sáng, pháp làm lớn mạnh. Thực hành theo bảy pháp này chính là cách trị dân của Thánh vương, sẽ có được các báu.”

Vua lại hỏi:

“Thưa Phụ vương! Thế nào là pháp cung kính,... cho đến pháp làm lớn mạnh?” Phụ vương đáp:

“Hãy học tập cách ban phát cho người bần cùng, dạy dân chúng hiếu dưỡng song thân, bốn mùa tám tiết tùy thời tế lễ, dạy dân nhẫn nhục, trừ bỏ nghiệp dâm dục, giận ghét và ngu si. Bảy pháp này chính là pháp của bậc Thánh vương.”

Nghe lời dạy xong, vua liền lễ bái từ giã, nhiễu quanh bảy vòng rồi dẫn quần thần trở về.

Bấy giờ, tuân lệnh phụ vương, nhà vua phụng hành theo bảy pháp, truyền lệnh cho xa gần đều phải tuân thủ lệnh vua ban. Vua liền mở kho để ban phát cho người nghèo, nuôi dưỡng những kẻ cô độc, già nua. Dân chúng khắp bốn phương đều vâng làm theo.

Lúc ấy, đến ngày rằm vào lúc trăng tròn, nhà vua tắm gội sạch sẽ rồi cùng các thể nữ lên trên lầu phía Đông, nhìn về hướng Đông, thấy có bánh xe báu ngàn căm bằng vàng, bánh xe cao bằng bảy cây đa-la, cách đất cũng bảy cây đa-la từ hư không bay đến rồi dừng ở giữa hư không.

[0809a10] Nhà vua nghĩ: “Ước gì ta có được bánh xe báu này?”

Xe báu liền hạ xuống bên tay trái nhà vua, rồi chuyển sang tay phải. Vua bảo bánh xe báu ấy:

“Các nơi chưa hàng phục thì hãy vì ta mà hàng phục, những nơi chẳng phải lãnh thổ của ta, hãy lấy cho ta, phải nên đúng pháp, không được phi pháp.”

Vua liền dùng tay đẩy bánh xe trở lại hư không. Vành bánh xe hướng về phía Đông, trục hướng về phía Bắc rồi dừng trụ giữa hư không, trước cửa cung phía Đông. Sau bánh xe báu thì có voi trắng, tiếp theo thì có ngựa tía, kế nữa là thần châu, tiếp đến có ngọc nữ, kế tiếp có chủ kho tàng, kế nữa là tướng quân, bảy vật báu xuất hiện như thời Vua Ðại Thiên, các sự trải nghiệm cũng giống như thế. Trải qua tám vạn bốn ngàn năm, vua ban thưởng cho Kiếp-bắc, sắc phong thái tử rồi trao giang sơn cho thái tử mà xuất gia học đạo, đều giống như cách thức của vua trước.

Phật bảo A-nan:

– Vua Quan Kế ấy ở trong khu vườn này, ngay tại thành này rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, trải qua tám vạn bốn ngàn năm, tu tập bốn Phạm hạnh là từ, bi, hỷ, xả. Khi lâm chung ở đây, nhà vua cũng sanh lên cõi trời Phạm thiên.

Phật bảo A-nan:

– Con cháu của Vua Ðại Thiên nối tiếp nhau làm Chuyển Luân Thánh vương trải qua tám vạn bốn ngàn năm, dòng dõi thiện lành không hề gián đoạn. Vị Thánh vương sau cùng tên là Nhẫm, dùng Chánh pháp cai trị, là người thông minh, nghĩ suy thấu đáo, không hề quên sót, có ba mươi hai tướng tốt, dung sắc như hoa sen hồng, ưa thích bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, săn sóc nuôi dưỡng người già đơn độc, chu cấp cho kẻ bần cùng. Ở bốn cửa thành và ngay ở giữa thành, vua đều dựng kho vựa chứa vàng bạc, châu báu, voi, ngựa, xe cộ, y phục, giường chiếu, thuốc thang trị bệnh, hương hoa, đồ ăn thức uống...; với người cô độc thì ban cho thê thiếp, bố thí đủ loại, tùy theo mong muốn của người.

Trong sáu ngày trai, vua ra lệnh cho nội cung và ngoại cung đều phải giữ gìn tám pháp trai giới. Vào những ngày ấy, chư thiên cõi trời Tịnh Cư24 đều xuống cùng thọ trì tám giới. Cõi trời Đế-thích, cõi trời Ba Mươi Ba cũng khen ngợi dân chúng cõi nước ấy:

“Thật sự vui thay! Thật sự thiện lành mới gặp được bậc Pháp vương như thế! Bố thí đủ loại, tùy theo nhu cầu của dân chúng, lại còn có thể trai giới thanh tịnh không có thiếu sót.”

Thiên Đế-thích hỏi các thiên tử:

“Muốn được diện kiến Vua Nhẫm không?” Chư thiên đều đáp:

“Chúng thần muốn gặp, xin hãy mời vua ấy đến đây!”

Thích-đề-hoàn-nhân liền sai thiên nữ Cùng-tỷ-ni:25

“Ngươi hãy đến thành Mật-để-la báo với Vua Nhẫm như vầy: ‘Khanh được lợi ích lớn! Chư thiên cõi này đều khen ngợi công đức cao tột của khanh nên sai tôi đến để ân cần thăm hỏi. Chư thiên ở cõi này đều rất muốn được gặp, xin Đại vương hãy vui lòng đến đó!’”

[0809b10] Vâng lời dạy bảo, chỉ trong khoảng thời gian như co duỗi cánh tay, thiên nữ Cùng-tỷ-ni bỗng nhiên đứng giữa hư không, phía trước cung vua. Nhà vua đang ngồi trên điện với một thể nữ hầu, tư duy về thế gian, mong muốn tất cả đều được an ổn, không còn chúng sanh nào đau khổ. Cùng-tỷ-ni ở giữa hư không ra hiệu cho vua biết. Vua ngẩng đầu lên thấy trên cung điện có ánh sáng rồi nghe tiếng bảo rằng:

“Ta là hầu cận của Thích-đề-hoàn-nhân, được sai đến chỗ Đại vương.” Vua đáp:

“Chẳng hay Thiên đế có điều gì dạy bảo?”

Thiên nữ đáp:

“Thiên đế ân cần gửi lời thăm hỏi, chư thiên cõi này đều khen ngợi công đức, muốn được gặp nhà vua. Ðại vương có tạm chấp thuận chăng?”

Vua im lặng nhận lời. Thiên nữ liền trở về thưa với Thiên đế: “Thần đã truyền lệnh rồi, nhà vua hứa sẽ đến!”

Thiên đế liền ra lệnh cho thần đánh xe mau chóng cỡi xe ngựa bảy báu, bay xuống thành Mật-để-la cung đón Vua Nhẫm. Tuân lệnh, thần đánh xe liền cỡi xe ngựa, trong chốc lát đã xuống đến nơi.

Vua đang hội họp cùng với quần thần, xe dừng trước điện của vua rồi dừng trụ giữa hư không. Thần đánh xe thưa:

“Thiên đế có lệnh đưa xe xuống cung đón, các thiên tử cũng tỏ lòng mong gặp, mời Đại vương lên xe, chớ nên lưu luyến!”

Nghe vua sắp đi, tất cả các quan đại thần tỏ vẻ không vui, thảy đều đứng dậy rồi chắp tay thưa:

“Sau khi Đại vương đi, chúng thần tuân theo mệnh lệnh của ai?” Vua đáp:

“Các khanh chớ lo, sau khi trẫm đi, mọi việc như bố thí, trai giới, cấp dưỡng cho dân chúng, trị nước cũng như lúc trẫm đang ở đây! Chẳng bao lâu nữa, trẫm sẽ trở về.”

Vua dặn dò xong, xe liền hạ xuống đất, nhà vua liền lên xe. Thần đánh xe hỏi vua:

“Vua sẽ đi theo con đường nào?” Vua hỏi:

“Nói vậy nghĩa là thế nào?” Thần đánh xe đáp:

“Có hai con đường để đi. Một là đường ác, hai là đường lành. Người làm ác thì theo đường ác đến chốn khổ, người tu tập thiện lành thì đi theo đường lành đến chỗ an vui.”

Vua đáp:

“Hôm nay, tôi muốn đi trên đường ác lẫn đường lành.” Thần đánh xe nghe xong, một lúc sau mới hiểu và nói: “Lành thay, Ðại vương!”

Thần đánh xe liền đưa vua đi giữa hai con đường, thấy đủ cả thiện lẫn ác rồi lên đến cõi trời Ba Mươi Ba.

Từ xa, Thiên đế và chư thiên thấy vua đến, Thích-đề-hoàn-nhân nói: “Lành thay, Ðại vương! Xin mời cùng ngồi.”

[0809c07] Phật bảo A-nan:

– Vua liền ngồi trên tòa của Thiên đế. Vua và Thiên đế dung mạo tương tự, y phục và tiếng nói cũng giống nhau. Các thiên tử hỏi thầm: “Vị nào là Thiên đế? Vị nào là vua?” Rồi lại suy nghĩ: “Pháp của loài người là nháy mắt nhưng sao cả hai đều chẳng nháy mắt?” Hết thảy chư thiên đều quá đỗi ngạc nhiên vì không thể nào phân biệt được.

Thấy chư thiên có tâm hoài nghi, Thiên đế liền nghĩ: “Ta sẽ mời nhà vua ở lại, về sau sẽ phân biệt được.”

Thiên đế bảo chư thiên:

“Các khanh muốn ta mời nhà vua ở lại đây không?” Chư thiên thưa:

“Thật rất muốn mời vua ở lại!” Thiên đế hỏi Vua Nhẫm:

“Ðại vương! Có thể ở lại đây chăng? Tôi sẽ cung cấp năm dục.” Nhờ đó chư thiên mới phân biệt được. Vua thưa Thiên đế:

“Như thế là đã cung cấp rồi. Nguyện cầu thọ mạng chư thiên không cùng tận!” Chủ thỉnh mời, khách khước từ ba lần như thế. Thiên đế hỏi vua:

“Vì sao nhà vua không ở lại?” Vua đáp:

“Tôi phải xuất gia tu đạo, nếu ở cõi trời thì không có duyên để học đạo.” Thiên đế hỏi:

“Vì cớ gì mà phải học đạo?” Vua đáp:

“Phụ vương tôi dặn dò, nếu tóc điểm bạc thì phải xuất gia.” Ðế-thích nghe sự dặn dò tu tập thì im lặng không đáp.

Vua ở cõi trời, tự do hưởng thú vui năm dục chỉ trong khoảnh khắc mà ở thế gian đã trải qua mười hai năm. Lúc sắp từ biệt, vua cùng các thiên tử bàn luận về pháp. Thiên đế sai thần đánh xe:

“Khanh hãy tiễn Vua Nhẫm trở về nước!”

Vâng lời, thần đánh xe liền trang hoàng xe. Chuẩn bị xong, thưa nhà vua: “Mời Đại vương lên xe!”

Thế rồi, nhà vua liền từ biệt Thiên đế và chư thiên rồi lên xe, theo đường cũ mà trở về. Ðến cung Mật-để-la, thần đánh xe liền trở về cõi trời.

Trở về được vài ngày, nhà vua bảo Kiếp-bắc: “Nếu thấy có tóc bạc, hãy báo cho trẫm!”

Vài ngày sau, trên đầu vua có tóc bạc, Kiếp-bắc dùng nhíp vàng nhổ tóc bạc rồi để trên tay vua. Thấy như thế rồi, vua liền nói kệ rằng:

Trên đầu của ta,                       
Tóc đã bạc rồi,
Thân sứ đến mời,                     
Đúng thời vào đạo.

[0810a03] Vua suy nghĩ: “Ta đã hưởng thụ tận cùng năm dục của loài người, nay nên xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục.”

Vua liền cho mời Thái tử Thiện Tận đến rồi bảo:

“Tóc ta đã điểm bạc, năm dục thế gian ta cũng đã nhàm chán, muốn tìm cầu niềm vui ở cõi trời nên cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, xuất gia học đạo. Này con! Nay ta đem việc nước giao lại cho con, hãy cấp dưỡng cho Kiếp-bắc, khi nào tóc điểm bạc thì nên đem việc nước giao cho thái tử rồi xuất gia học đạo. Này con! Nay ta đem ngôi vị Thánh vương trao cho con, chớ để gián đoạn giống nòi. Nếu làm gián đoạn giống nòi thì sẽ bị làm người nơi biên địa.”

Phật bảo A-nan:

– Vua Nhẫm liền đem việc nước giao cho thái tử, chu cấp ruộng đất cho Kiếp-bắc, rồi cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, xuất gia tu đạo ngay trong khu vườn này, thuộc thành này. Bảy ngày sau khi nhà vua tu đạo, bánh xe báu và châu báu biến mất. Voi, ngựa, ngọc nữ, chủ tạng và tướng quân thảy đều không còn nữa. Nhà vua ở trong khu vườn này tám vạn bốn ngàn năm, thực hành bốn Phạm hạnh là từ, bi, hỷ và xả, khi lâm chung, được sanh lên cõi Phạm thiên.

Sau đó, Vua Thiện Tận không kế thừa sự nghiệp của vua cha, bỏ bê Chánh pháp. Do đó, bảy báu không ứng hiện trở lại, các nghiệp lành không được tiếp nối nên năm sự suy giảm xuất hiện: Tuổi thọ dân chúng ngắn lại, kém sắc, sức khỏe yếu ớt, nhiều bệnh tật, không có trí tuệ. Năm sự suy giảm này đã xuất hiện rồi chuyển sang bần cùng khốn khổ. Do bần cùng khốn khổ nên trộm cướp lẫn nhau, rồi đến trình báo với vua: “Đây là kẻ trộm cướp!”

Vua liền ra lệnh đem ra ngoài hành hình. Dân trong nước hay tin rằng ai lấy của không cho thì bị vua xử trảm, do điều ác lan truyền nên ai ai cũng có đao bén. Từ đây, bắt đầu chế tạo ra gươm đao, do đây mà sanh ra việc sát sanh, lập tức có hai điều ác xuất hiện. Kế đến, thông dâm với thê thiếp người khác, rồi tranh cãi với phu quân người ấy, bảo rằng tôi không làm, liền hình thành bốn điều ác. Nói hai chiều gây tranh cãi là năm điều ác. Do tranh cãi nên có mắng nhiếc là sáu điều ác. Lời nói không thành thật là bảy điều ác. Ganh ghét sự hòa hợp của người khác là tám điều ác. Giận dữ mặt biến sắc là chín điều ác. Tâm nghi ngờ, loạn động là mười điều ác. Có đủ mười điều ác thì năm sự suy giảm càng tăng thêm.

Phật bảo A-nan:

– Thầy có biết vào thuở ấy, Vua Ðại Thiên ở Hiền kiếp đầu tiên là ai không?

Đó chính là thân Ta.

Này A-nan! Thầy có biết vị vua sau cùng của tám vạn bốn ngàn triều vua tên là Nhẫm thuở ấy, trị nước chân chánh, không ép uổng là ai không? Đó chính là thầy. Thầy có biết vị vua cuối cùng tên là Thiện Tận thuở ấy, bạo nghịch vô đạo, làm gián đoạn dòng dõi Thánh vương ấy là ai không? Đó chính là Ðiều-đạt.

Này A-nan! Vào thuở quá khứ, thầy đã kế thừa sự nghiệp thiện lành của Chuyển Luân Thánh vương Ðại Thiên, khiến ngôi vị ấy lưu truyền không gián đoạn, là nhờ công đức của thầy, đúng pháp và không hề phi pháp. Này A-nan! Nay Ta là đấng Pháp Vương Vô Thượng, hôm nay Ta đem pháp lành Vô thượng ân cần giao phó cho thầy. Thầy là con dòng họ Thích, chớ làm người biên địa, chớ tạo nghiệp làm gián đoạn giống nòi.

[0810b05] A-nan bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tạo hạnh nghiệp gì thì sẽ làm gián đoạn giống nòi? Phật bảo A-nan:

– Vua Ðại Thiên tuy đã thực hành pháp lành nhưng chưa trừ sạch lậu hoặc, chưa ra khỏi thế gian, chưa được Diệt độ, chưa đoạn trừ dục, chưa phá được hai mươi mốt kiết sử, chưa trừ diệt sáu mươi hai tà kiến, chưa dứt sạch ba phiền não, chưa chứng đắc thần thông, chưa thành tựu con đường giải thoát chân chánh, chưa đạt được Niết-bàn. Pháp lành mà Vua Ðại Thiên đã tạo chẳng qua chỉ được sanh lên cõi Phạm thiên.

Này A-nan! Pháp của Ta hôm nay thì được giải thoát rốt ráo. Pháp của Ta đưa đến bờ chân thật, vượt hơn cõi trời, cõi người. Pháp của Ta không còn phiền não, không còn tham dục, được Diệt độ, chứng thần thông, được giải thoát, là pháp chân chánh của Sa-môn, đưa đến Niết-bàn.

Này A-nan! Nay Ta đem đạo pháp Vô thượng này ân cần giao phó cho thầy, chớ thêm vào hoặc làm giảm bớt pháp của Ta, chớ làm người nơi biên địa.

Này A-nan! Nếu trong hiện tại có hàng đệ tử26 nào đoạn dứt pháp này thì đó là người biên địa. Nếu người nào có khả năng làm hưng thịnh pháp này, chính là trưởng tử của Phật, tức là thành tựu quyến thuộc.

Này A-nan! Thầy nên thành tựu quyến thuộc, chớ tạo nghiệp hủy diệt giống nòi.

Này A-nan! Giáo pháp mà Ta đã giảng từ trước đến nay đều giao phó hết cho thầy. Thầy nên học tập điều này.

Tôn giả A-nan nghe Phật dạy như thế liền hoan hỷ phụng hành.

***

5.TỘI BÁO ĐỊA NGỤC27
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn đại tội nhân ở trong địa ngục lớn. Đó là những ai? Đó là, đại tội nhân Mạt-khư-lê,28 đại tội nhân Tỳ-kheo Ðế-xá, đại tội nhân Ðề-bà-đạt-đa29 và đại tội nhân Tỳ-kheo Cù-ba-ly.30

Thân thể tội nhân Mạt-khư-lê phát ra ngọn lửa cao sáu mươi khuỷu tay. Thân thể tội nhân Ðế-xá phát ra ngọn lửa cao bốn mươi khuỷu tay. Thân thể tội nhân Ðề-bà-đạt-đa phát ra ngọn lửa cao ba mươi khuỷu tay. Thân thể tội nhân Cù-ba-ly phát ra ngọn lửa cao hai mươi khuỷu tay.

Này Tỳ-kheo! Nên biết rằng, Mạt-khư-lê dạy cho vô số chúng sanh khiến họ thực hành theo tưởng tà kiến điên đảo, tưởng chấp có chấp không. Kẻ ngu Đế-xá phá hoại các bậc Thánh, khiến bát của họ chẳng có thức ăn.31 Kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa gây rối loạn chúng Tăng, giết hại Tỳ-kheo-ni đã chứng đắc A-la- hán, khởi tâm sát hại đối với Như Lai. Tội nhân Cù-ba-ly chê bai Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

[0810c03] Lại nữa, này Tỳ-kheo! Tội nhân Mạt-khư-lê dạy vô số chúng sanh thực hành theo tà kiến, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục Diệm Quang. Tội nhân Ðế-xá phá hoại các bậc Thánh, khiến bát của họ chẳng có thức ăn, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục Ðẳng Hại. Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa khởi tâm mưu hại đối với Như Lai, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Tội nhân Cù-ba-ly do chê bai Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, sau khi chết rồi bị đọa vào địa ngục Hoa Sen.

Bấy giờ, tội nhân Mạt-khư-lê bị cai ngục rút lưỡi, kéo ra sau lưng. Vì sao như thế? Do vì thuở xưa dạy vô số chúng sanh thực hành theo tà kiến. Ðại tội nhân Ðế-xá bị cai ngục mổ thân thể ra, rót nước đồng sôi tan nát tâm can, lại đưa hòn sắt nóng bắt phải nuốt. Vì sao như thế? Do vì phá hoại các bậc Thánh, khiến bát của họ chẳng có thức ăn. Tội nhân Ðề-bà-đạt-đa bị bánh xe sắt nóng nghiền nát thân thể, lại có chày sắt giã nát thân, bầy voi hung bạo giày xéo thân mình, lại có núi sắt nóng lớn áp vào trên mặt, toàn thân bị lá đồng nóng quấn chặt. Vì sao như thế? Do vì thuở xưa gây rối loạn Thánh chúng, phá hòa hợp Tăng nên phải bị bánh xe sắt cán đứt đầu. Lại nữa, kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa xúi giục thái tử giết hại phụ vương, do quả báo ấy nên bị chày sắt giã nát thân thể. Lại nữa, kẻ ngu si Ðề-bà-đạt-đa kia cho voi uống rượu say đến hại Như Lai, do quả báo ấy nên bị bầy voi hung bạo giày xéo thân thể. Lại nữa, kẻ hung ác Ðề-bà-đạt-đa kia leo lên núi Kỳ-xà quật vác đá ném Phật, do quả báo ấy nên khiến núi sắt nóng áp vào trên mặt. Kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa lại giết Tỳ-kheo-ni đắc A-la-hán, do quả báo ấy nên bị lá đồng nóng quấn chặt thân thể. Tỳ-kheo nên biết, tội nhân Cù-ba-ly ở trong địa ngục Hoa Sen, bị một ngàn trâu cày trên lưỡi. Vì sao như thế? Do vì đã chê bai Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, do quả báo này nên bị một ngàn trâu cày nát lưỡi.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Thân thể tội nhân Mạt-khư-lê phát ra ngọn lửa cao sáu mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh khởi lên ý niệm như vầy: “Nên cứu giúp, làm lợi ích cho người này”, rồi lấy nước trong bốn biển cả cao bốn mươi khuỷu tay rưới trên thân thể người ấy thì nước trong các biển kia lập tức khô cạn nhưng lửa vẫn không hề tăng giảm. Giống như một tấm lá sắt bị nung đốt suốt bốn ngày, có người rảy bốn giọt nước lên thì nước lập tức tiêu mất. Ðiều này cũng như thế, nếu có người dùng hết nước trong bốn biển cả rưới lên thân tội nhân kia muốn cho họ được an lạc thì rốt cuộc chẳng có kết quả. Vì sao như thế? Vì tội lỗi của kẻ ấy cực kỳ sâu nặng.

[0811a08] Thân thể tội nhân Ðế-xá phát ra ngọn lửa cao bốn mươi khuỷu tay. Giả sử có chúng sanh thương xót người này, dùng nước trong ba biển cả rưới trên thân ông ấy thì nước biển kia lập tức khô cạn nhưng ngọn lửa không thể tắt. Cũng như có người rảy ba giọt nước lên tấm sắt nóng, nước lập tức tiêu mất, không thể đọng lâu. Ðiều này cũng như vậy, nếu dùng nước của ba biển cả rưới trên thân Ðế-xá thì nước lập tức tiêu mất mà lửa chẳng hề tăng giảm.

Thân thể tội nhân Ðề-bà-đạt-đa phát ra ngọn lửa cao ba mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh khởi lòng thương xót, muốn khiến cho Ðề-bà-đạt-đa được an ổn lâu dài, liền dùng nước của hai biển cả rưới trên thân ông ấy thì nước lập tức tiêu mất nhưng ngọn lửa vẫn không thể tắt. Cũng như rảy hai giọt nước trên tấm sắt nóng, rốt cuộc sức nóng không hề suy suyển. Kẻ ngu Ðề-bà-đạt-đa cũng lại như thế, dùng nước của hai biển cả rưới trên thân ông ấy thì nước lập tức tiêu mất mà lửa vẫn không thể tắt. Thân thể của Ðề-bà-đạt-đa khổ đau đến như thế.

Thân thể tội nhân Cù-ba-ly phát ra ngọn lửa cao hai mươi khuỷu tay. Nếu có chúng sanh thương xót người này, đem nước trong một biển cả rưới lên thân ông ấy thì nước trong biển kia lập tức khô cạn nhưng lửa vẫn không thể tắt. Cũng như rảy một giọt nước lên tấm sắt nóng thì nước lập tức tiêu mất, không thể đọng lâu. Tỳ-kheo Cù-ba-ly cũng lại như vậy, do tội báo lôi kéo nên phải chịu tội như vậy.

Như thế, này Tỳ-kheo! Bốn hạng người này chịu tội rất nặng, các thầy nên dốc lòng tránh xa sự khổ hoạn này, nương theo các bậc Hiền thánh mà tu Phạm hạnh.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6.NĂNG LỰC CỦA NHƯ LAI32
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Ta biết rõ về địa ngục và cũng biết con đường dẫn đến cảnh giới33 địa ngục, lại cũng biết căn nguyên của chúng sanh ở trong địa ngục ấy. Nếu chúng sanh nào tạo các điều ác và các nghiệp bất thiện thì sau khi chết rồi, sẽ bị đọa vào địa ngục, Ta cũng biết rõ điều này.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Ta cũng biết tường tận về súc sanh và cũng biết con đường dẫn đến cảnh giới súc sanh. Ta cũng biết căn nguyên của súc sanh, vốn đã tạo các điều tội lỗi nên phải sanh trong đó, Ta cũng đều tường tận.

Ta cũng biết về cảnh giới34 ngạ quỷ. Có những chúng sanh vốn đã tạo các cội rễ xấu ác nên phải sanh trong ngạ quỷ, Ta cũng đều tường tận.

Ta cũng biết về cõi người và con đường dẫn đến cõi người. Có những chúng sanh được làm thân người, Ta cũng đều tường tận.

Ta cũng biết về con đường dẫn đến cõi trời. Có những chúng sanh vốn đã tạo các công đức được sanh lên cõi trời kia, Ta cũng đều tường tận.

Ta cũng biết cảnh giới Niết-bàn. Có những chúng sanh trừ sạch hữu lậu, thành tựu tâm vô lậu giải thoát, được trí tuệ giải thoát, chứng đắc đạo quả ngay trong hiện tại, Ta cũng đều tường tận.

Này Tỳ-kheo! Nên biết rằng, khi Ta nói biết cõi địa ngục thì do nhân duyên gì mà Ta nói lời này?

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh nên nói rằng: Người này sau khi chết rồi, phải bị đọa vào địa ngục. Quả nhiên sau đó, Ta thấy người này đã đọa vào địa ngục, thọ nhận vô số tra khảo tàn khốc thê thảm, ưu, bi, khổ, não không thể tính kể. Ví như có một hầm lửa lớn không có khói bụi, giả sử có người đang đi đến chỗ ấy, bậc trí có mắt quán sát lối đi của người này, biết chắc rằng sẽ rơi vào hầm lửa, trọn không hư dối. Quả nhiên sau đó, thấy người này rơi vào hầm lửa, nên vì vậy mà Ta nói rằng người này sẽ rơi vào hầm lửa. Nay Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh nên biết chắc chắn sẽ bị đọa vào địa ngục, không chút nghi ngờ. Sau đó, Ta quán sát người này, thấy họ chắc chắn bị đọa vào địa ngục, phải chịu khổ sở, đau đớn không thể tính kể. Vì sao kẻ đó lại bị đọa vào địa ngục? Bởi vì Ta thấy rằng, sở dĩ chúng sanh bị dẫn đến địa ngục là do làm các điều ác, tạo nghiệp chẳng lành nên sau khi chết rồi, sẽ bị đọa vào địa ngục, Ta đều biết rõ việc này. Điều Ta giảng nói chính là như vậy.

Ta biết cảnh giới súc sanh và cũng biết con đường dẫn đến súc sanh. Do nguồn cội nhân duyên nào mà nói như thế? Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh nên biết rằng người này sau khi chết sẽ sanh vào loài súc sanh. Sau đó, Ta xem thấy người ấy đã sanh vào loài súc sanh, thọ nhận ưu, bi, khổ, não không thể tính kể. Vì sao người này bị đọa vào súc sanh? Ví như bên thôn xóm có một hầm xí lớn chứa đầy phân dơ, giả sử có người kia đang đi về hướng đó, bậc trí có mắt nhìn thấy người kia đang đi về hướng đó, người kia đi không bao lâu sẽ bị rơi vào hầm xí. Sau đó, quả nhiên người kia đã rơi vào hầm xí, phải chịu sự khốn khổ cùng cực không thể kể xiết. Vì sao người kia bị rơi xuống hầm xí? Ta quán sát chúng sanh cũng lại như thế, người kia sau khi chết phải bị đọa vào loài súc sanh. Sau đó, lại thấy kẻ đó đã bị sanh trong loài súc sanh, chịu khổ vô lượng. Hôm nay, Ta xem xét chúng sanh trong loài súc sanh thảy đều thấy biết rõ ràng. Ðiều Ta giảng nói chính là như vậy.

[0811c09] Ta cũng biết chúng sanh ngạ quỷ và con đường dẫn đến ngạ quỷ, những ai sau khi chết đọa vào ngạ quỷ, Ta cũng đều biết rõ. Những chúng sanh nào sau khi qua đời sẽ hướng về cảnh giới ngạ quỷ, Ta đều biết rõ. Thời gian sau, Ta thấy quả nhiên chúng sanh đó đã đọa vào ngạ quỷ, phải thọ nhận cảm thọ khổ và cảm thọ lạc. Vì sao những người đó bị đọa vào ngạ quỷ? Ví như bên cạnh thôn xóm lớn có một cây cổ thụ, là chỗ phát sanh nguy hiểm vì cành nhánh gãy đổ. Giả sử có người đi qua nơi đó, bậc trí có mắt từ xa trông thấy người ấy, biết chắc chắn sẽ đi qua dưới cây đó mà không nghi ngại gì. Sau một thời gian lại thấy người kia hoặc ngồi hoặc nằm rồi phải thọ nhận quả báo khổ vui. Tại sao người kia phải ra nông nỗi để phải nằm hoặc ngồi bên dưới gốc cây? Nay Ta quán sát các loài chúng sanh cũng lại như thế, sau khi qua đời chắc chắn hướng đến ngạ quỷ không nghi ngờ gì, rồi phải thọ nhận quả báo khổ vui không thể tính kể. Ta biết cảnh giới ngạ quỷ và con đường dẫn đến ngạ quỷ, Ta đều biết tường tận. Ðiều Ta giảng nói chính là như vậy.

Ta biết cõi người và cũng biết con đường dẫn đến cõi người. Có những chúng sanh do nghiệp đã tạo nên sau khi qua đời được sanh trong cõi người, Ta cũng đều biết rõ. Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh nên biết chắc rằng, người này sau khi qua đời sẽ được sanh trong loài người. Sau đó, Ta lại thấy người này đã sanh trong loài người. Vì sao người này được sanh trong loài người? Ví như bên cạnh thôn xóm có một cây cổ thụ, mọc chỗ bằng phẳng, tỏa bóng râm mát. Nếu có người đi thẳng một đường đến đó, bậc trí có mắt thấy như vậy rồi liền biết rằng, hướng người này đi nhất định sẽ đến cây cổ thụ, không nghi ngờ gì. Sau đó, Ta lại thấy người này đã đến cây cổ thụ, hưởng thụ vô lượng an lạc. Vì sao người này lại đến được chỗ ấy? Ðiều này cũng như thế. Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh cũng như thế, sau khi qua đời, nhất định được sanh làm người, không nghi ngờ gì. Về sau, Ta lại thấy người này quả nhiên được sanh trong loài người, hưởng thụ vô lượng an lạc. Ta biết cõi người và cũng biết con đường dẫn đến cõi người, cũng như đời sống trong cõi người, Ta đều tường tận. Ðiều Ta giảng nói chính là như vậy.

[0812a05] Ta cũng biết cõi trời và biết rõ con đường dẫn đến cõi trời. Có chúng sanh nào do tạo các công đức nên được sanh lên cõi trời, Ta cũng biết rõ. Do nhân duyên gì mà nói như thế? Do Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của các loài chúng sanh nên biết người này sau khi qua đời, nhất định sẽ sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Quả nhiên về sau, Ta thấy người đó sau khi qua đời được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời, hưởng phước tự nhiên, an lạc ở cõi đó không thể so sánh. Ðó gọi là người đó đã được sanh lên cõi trời rồi hưởng phước tự nhiên ở cõi ấy, an lạc không thể so sánh. Ví như bên cạnh thôn xóm có một giảng đường cao rộng đẹp mắt, chạm khắc hoa văn, treo các phan lọng, nước thơm rưới đất, trải tòa tốt đẹp, đệm gấm thảm mịn, thêu thùa tinh xảo. Nếu có người đi thẳng một đường đến đó, bậc trí có mắt thấy người kia đi thẳng một đường đến đó nên biết hướng của người này chắc chắn sẽ đến giảng đường cao rộng ấy, không nghi ngờ gì. Thời gian sau, quả nhiên người này đã đến giảng đường, hoặc ngồi hoặc nằm, hưởng phước an vui ở trong đó không thể so sánh. Điều này cũng như thế, nay Ta quán sát các loại chúng sanh sau khi qua đời được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời, hưởng thụ an lạc ở cõi đó không thể tính kể. Vì sao người ấy được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời? Bởi vì Ta biết cõi trời, biết con đường dẫn đến cõi trời. Điều Ta giảng nói chính là như vậy.

Nay Ta biết Niết-bàn và cũng biết con đường Niết-bàn, cũng biết chúng sanh nào sẽ được nhập Niết-bàn. Hoặc có chúng sanh trừ sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát và trí tuệ giải thoát, tự thân chứng đắc và tự an trú ngay trong đời này, Ta đều biết rõ. Do nhân duyên gì mà nói như thế? Ở đây, này Tỳ-kheo! Ta quán sát suy nghĩ trong tâm của chúng sanh, người này đã trừ sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát. Ðó gọi là người này đã trừ sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Ví như cách thôn xóm không xa có một hồ lớn, nước trong mát, nếu có người đi thẳng một đường đến đó, bậc trí có mắt từ xa thấy người ấy đi đến, biết chắc người này sẽ đến hồ nước, không nghi ngờ gì. Sau đó, quả nhiên người ấy đã đến hồ nước kia tắm gội, rửa sạch các nhơ uế, cáu bẩn rồi ngồi một bên, cũng không tranh biện với người. Nay Ta quán sát các loại chúng sanh cũng lại như thế, đã chấm dứt hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, biết như thật về danh sắc. Ðó gọi là người ấy đã đến nơi này. Ta biết con đường Niết-bàn và cũng biết chúng sanh nào sẽ nhập Niết-bàn, thảy đều tường tận.

Như Lai, đấng Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác có trí tuệ, vô úy và oai lực như vậy và tất cả đều thành tựu trọn vẹn. Trí của Như Lai không giới hạn, Như Lai có thể quán sát vô số quá khứ không giới hạn, không thể tính kể, thảy đều biết rõ. Như Lai có thể quán sát vô số tương lai và hiện tại không giới hạn, hết thảy đều phân biệt rõ ràng.

Cho nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện để thành tựu đầy đủ mười lực và các vô úy.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7.NƯƠNG TỰA DÒNG THÁNH35
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nương vào núi Tuyết có cây cổ thụ rất cao lớn với năm thứ to lớn. Là năm thứ nào? Đó là, rễ bám vững chắc, vỏ cây rất dày, cành nhánh vươn xa, bóng mát phủ rộng, tàng lá tươi tốt sum suê. Này các Tỳ-kheo! Nương vào núi Tuyết có cây cổ thụ to lớn, xanh tốt và hùng vĩ như thế.

Những người thiện nam, người thiện nữ ngày nay cũng lại như thế, đã nương tựa vào dòng tộc cao quý36 thì được lợi ích lâu dài trong năm việc. Là năm việc gì? Đó là, được tăng trưởng về niềm tin, tăng trưởng về giới hạnh, tăng trưởng về nghe nhiều, tăng trưởng về bố thí và tăng trưởng về trí tuệ. Này Tỳ-kheo! Người thiện nam hay người thiện nữ nào nương tựa vào chỗ dòng tộc cao quý thì thành tựu được năm điều này.

Cho nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện để thành tựu về niềm tin, thành tựu về giới hạnh, thành tựu về nghe nhiều, thành tựu về bố thí và thành tựu về trí tuệ.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Như cây nương núi Tuyết, 
Năm đặc tính đủ đầy,
Nhánh rộng, rễ, vỏ dày,                                               
Lá sum suê, phủ mát.
Nếu thiện nam, tín nữ,             
Thành tựu năm pháp này:
Tín, giới, văn, tuệ, thí,                                               
Công đức liền tăng trưởng.

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.TỲ-KHEO MẬU-LA-PHÁ-QUẦN37
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần38 cùng giao du với các Tỳ-kheo-ni, các Tỳ-kheo-ni lại cũng thích giao du với thầy ấy. Dân chúng có ai chê bai Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần thì khi ấy các Tỳ-kheo-ni rất giận dữ, lo buồn, không vui. Nếu lại có người chê bai các Tỳ-kheo-ni thì lúc ấy Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần cũng lo buồn, không vui. Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo bảo Tỳ-kheo Phá-quần:

– Vì sao thầy lại gần gũi với các Tỳ-kheo-ni? Các Tỳ-kheo-ni cũng lại giao tiếp với thầy?

Phá-quần đáp:

– Tôi hiểu rõ lời của Như Lai răn dạy rằng, những ai phạm giới dâm thì tội không đáng kể.

Số đông Tỳ-kheo lại bảo:

– Thôi, thôi! Này Tỳ-kheo! Chớ nói lời như thế, chớ phỉ báng lời dạy của Như Lai. Những ai phỉ báng lời dạy của Như Lai thì phạm tội không hề nhỏ. Lại nữa, Thế Tôn đã dùng vô số phương tiện để nói về sự ô uế của dâm dục. Những ai hành dâm mà cho là không có tội thì thật phi lý. Thầy nên xả bỏ kiến chấp xấu ác ấy đi, nếu không sẽ mãi chịu vô lượng khổ.

Thế nhưng, Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần vẫn giao thiệp với các Tỳ-kheo-ni, không hề sửa đổi tánh nết đó.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân rồi bạch Thế Tôn:

– Trong thành Xá-vệ có một Tỳ-kheo tên là Mậu-la-phá-quần, giao thiệp với các Tỳ-kheo-ni, các Tỳ-kheo-ni cũng giao tiếp qua lại với thầy ấy. Chúng con đã đến đó khuyên bảo sửa đổi tánh nết đó nhưng họ càng gần gũi nhiều thêm. Họ không xả bỏ kiến chấp điên đảo này, cũng chẳng thuận theo Phạm hạnh như Chánh pháp.

Bấy giờ, Phật bảo một vị Tỳ-kheo:

– Thầy hãy đến chỗ Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần rồi nói rằng: “Như Lai truyền gọi thầy.”

Thế rồi, vâng lời Phật dạy, vị Tỳ-kheo liền đến chỗ Tỳ-kheo Mậu-la-phá- quần và nói:

– Thầy nên biết! Như Lai truyền gọi thầy.

Nghe lời Tỳ-kheo kia nói, Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần:

– Thầy có thật sự gần gũi với các Tỳ-kheo-ni không? Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần thưa:

– Thưa có, bạch Thế Tôn! Phật bảo Tỳ-kheo:

– Thầy là Tỳ-kheo, vì sao lại cùng giao thiệp với Tỳ-kheo-ni? Thầy vốn là một bậc thiện nam đã cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo chăng?

[0813a01] Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần bạch Phật:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con là kẻ thiện nam vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo.

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Thầy đã làm điều phi pháp tại sao lại cùng giao thiệp với Tỳ-kheo-ni? Tỳ-kheo Mậu-la-phá-quần bạch Phật:

– Con nghe Như Lai dạy rằng, những ai hành dâm thì mức độ tội lỗi của kẻ đó thật không đáng kể.

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Thầy là người ngu! Sao lại cho rằng Như Lai dạy hành dâm không có tội? Ta đã dùng vô số phương tiện để nói sự nhơ uế của dâm dục. Hôm nay, tại sao thầy lại bảo: “Như Lai nói hành dâm không có tội?” Thầy nên khéo giữ gìn lỗi lầm của miệng, đừng để phải gánh chịu tội báo lâu dài.

Đức Phật lại bảo:

– Thầy hãy thôi đi! Đợi Ta hỏi lại các Tỳ-kheo. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:

– Các thầy có nghe Ta dạy các Tỳ-kheo rằng, hành dâm không có tội chăng? Các Tỳ-kheo thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Chúng con không nghe Như Lai nói hành dâm không có tội. Vì sao như thế? Bởi vì Như Lai đã dùng vô số phương tiện để nói về sự nhơ uế của dâm dục. Nếu cho rằng không có tội thì nghĩa này không đúng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Lành thay, lành thay! Này các Tỳ-kheo! Như các thầy nói, Ta đã dùng vô số phương tiện để nói về sự nhơ uế của dâm dục.

Bấy giờ, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy nên biết! Nếu có người ngu học tập theo những pháp hành như: Khế kinh, Kỳ-dạ, Kệ, Thọ ký, Nhân duyên, Bổn sự, Thí dụ, Bổn sanh, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Tự thuyết, Luận nghị,39 tuy học tập theo những pháp ấy mà không hiểu nghĩa lý. Do không suy ngẫm nghĩa lý, cũng không thuận theo pháp ấy, nên pháp đáng thuận theo thì lại không thực hành theo. Sở dĩ tụng đọc pháp ấy chỉ vì muốn ganh đua với người, tâm toan tính hơn thua, lại cũng không đem đến sự cứu giúp cho bản thân mình. Kẻ tụng đọc pháp như thế thì sẽ phạm vào sự cấm ngăn.

Ví như có người ra khỏi thôn xóm, muốn tìm bắt rắn độc, khi người kia tìm thấy con rắn độc to lớn, liền đến dùng tay trái giữ chặt đuôi rắn, do vậy rắn kia quay đầu mổ vào tay, do duyên đáp trả này mà dẫn đến mất mạng. Ở đây cũng vậy, như có người ngu luyện tập pháp này nhưng không cân nhắc, suy nghiệm về mười hai bộ kinh, lại không quán sát nghĩa lý của chúng. Vì sao như thế? Vì không biết nghĩa cứu cánh của Chánh pháp.

Ở đây, nếu có người thiện nam hộ trì và học tập các pháp như: Khế kinh, Kỳ-dạ, Kệ, Thọ ký, Nhân duyên, Bổn sự, Thí dụ, Bổn sanh, Phương đẳng, Vị tằng hữu, Tự thuyết và Luận nghị, người ấy tụng đọc những pháp này rồi, lại hiểu nghĩa sâu xa. Do hiểu sâu ý nghĩa các pháp nên thuận theo lời Như Lai dạy, không chút sai trái. Sở dĩ người kia tụng đọc kinh pháp không vì tâm hơn thua hay ganh đua với người khác, mà xem việc tụng đọc và tu tập kinh pháp là muốn tự mình tu tập và đạt được sự cứu độ. Sở dĩ người kia tụng đọc kinh pháp là muốn đạt kết quả như sở nguyện. Do nhân duyên này mà dần dần đạt đến Niết-bàn.

Ví như có người ra khỏi thôn xóm kia, muốn tìm bắt rắn độc. Thấy rắn rồi, người ấy cầm kềm sắt trên tay, trước tiên kẹp đầu rắn, sau mới nắm chắc cổ rắn, không cho cử động. Giả sử rắn độc kia quay lại muốn hại người ấy thì không thể được. Vì sao như thế? Này Tỳ-kheo! Vì người ấy đã nắm cổ rắn. Người thiện nam này cũng lại như vậy, học tập, tụng đọc hết thảy kinh pháp, quán sát nghĩa của kinh, thuận theo kinh pháp, không chút sai trái, do nhân duyên này nên dần dần đạt đến Niết-bàn. Vì sao như thế? Do vì người kia đã nắm giữ Chánh pháp.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Những ai đã hiểu nghĩa của Ta giảng nói thì hãy ghi nhớ phụng hành, những ai không hiểu thì nên hỏi lại Ta. Như Lai đang hiện hữu ngay đây, nếu không hỏi, ngày sau hối tiếc cũng vô ích.

[0813b14] Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có Tỳ-kheo ở trong đại chúng mà nói như vầy: “Giới cấm mà Như Lai đã giảng, tôi đều hiểu rõ, những ai hành dâm thì mức độ tội lỗi thật không đáng kể.” Các Tỳ-kheo nên nói với Tỳ-kheo ấy rằng: “Dừng, dừng ngay! Chớ nói như thế! Chớ phỉ báng Như Lai bằng những lời như thế. Như Lai không bao giờ nói điều này.” Nếu Tỳ-kheo ấy sửa đổi những điều đã phạm thì tốt, nếu vị ấy không sửa đổi hành vi thì phải nên can ngăn ba lần. Nếu người kia sửa đổi thì tốt, nếu không sửa đổi thì sẽ bị đọa. Nếu có Tỳ-kheo che giấu việc này, không phát lộ ra thì hết thảy đều bị đọa.

Do vậy, này Tỳ-kheo, đó là giới cấm của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.KIẾP SỐ40
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu41 đến chỗ Thế Tôn, cùng thăm hỏi rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Phật:

– Có bao nhiêu kiếp thời quá khứ? Phật bảo Phạm chí:

– Các kiếp thời quá khứ không thể kể xiết. Phạm chí bạch Phật:

– Có thể tính kể số đó chăng? Sa-môn Cù-đàm thường nói về ba đời. Thế nào là ba? Đó là quá khứ, tương lai và hiện tại. Sa-môn Cù-đàm cũng biết về các đời thuở quá khứ, tương lai và hiện tại. Cúi xin Sa-môn giảng nói về nghĩa của kiếp số!

Phật bảo Phạm chí:

– Nếu Ta nói từ kiếp này, lại tiếp theo kiếp này đến khi Ta Diệt độ còn ông qua đời thì cũng không thể biết được nghĩa của kiếp số. Vì sao như thế? Bởi vì ngày nay thọ mạng của con người rất ngắn, tuổi thọ cao nhất không quá một trăm năm, nếu tính số kiếp trong một trăm năm ấy đến khi Ta Diệt độ còn ông qua đời thì cũng không bao giờ biết được nghĩa của kiếp số.

Phạm chí nên biết! Như Lai cũng biết về điều này, phân biệt đầy đủ về kiếp số, thọ mạng dài hay ngắn của chúng sanh, họ hưởng thụ khổ hay vui thảy đều biết rõ. Nay Ta sẽ dùng ví dụ nói cho ông, người trí nhờ ví dụ mà hiểu. Ví như số cát sông Hằng cũng không giới hạn, không thể đo lường, không thể tính kể, kiếp số của quá khứ cũng như thế, không thể tính kể, không thể đo lường.

Phạm chí bạch Phật:

– Có bao nhiêu kiếp số thời tương lai? Phật bảo Phạm chí:

– Cũng như số cát sông Hằng không có giới hạn, không thể tính kể, không thể tính toán.

Phạm chí lại hỏi Phật:

– Có kiếp hiện tại, kiếp thành, kiếp hoại chăng? Phật bảo Phạm chí:

– Có kiếp thành, kiếp hoại, chẳng phải là một kiếp, trăm kiếp. Ví như chén bát để ở chỗ đất gập ghềnh thì không thể nào trụ vững, giả sử có trụ được cũng sẽ bị chao đảo. Cương vực, bờ cõi của các thế giới cũng lại như thế, hoặc có kiếp thành, hoặc có kiếp hoại. Số ấy cũng không thể tính kể được có bao nhiêu kiếp thành, có bao nhiêu kiếp hoại. Vì sao như thế? Bởi vì sanh tử dài lâu không có giới hạn, chúng sanh do vô minh kiết sử ngăn che, trôi nổi từ đời này đến đời sau, từ đời sau đến đời này, chịu đau khổ lâu dài phải nên nhàm chán, xa lìa đau khổ, phiền não này.

Thật vậy, này Phạm chí! Hãy học tập như thế. Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu bạch Phật:

– Thật là kỳ diệu! Thật là đặc thù! Sa-môn Cù-đàm biết nghĩa của kiếp số thuở quá khứ, hiện tại và tương lai. Nay con xin quy y Sa-môn Cù-đàm thêm lần nữa, cúi xin Sa-môn Cù-đàm cho phép con được làm ưu-bà-tắc, suốt đời không sát sanh,... cho đến không uống rượu.

Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

10.NÚI KỲ-XÀ QUẬT42
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại núi Kỳ- xà quật, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:

– Kiếp có giới hạn chăng?

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Ta sẽ dùng phương tiện ví dụ, tuy nhiên, kiếp số không thể cùng tận. Thuở quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có đức Phật ra đời hiệu là Câu-

lưu-tôn, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Bấy giờ, ngọn núi Kỳ-xà quật này còn có

tên gọi khác. Thuở ấy, dân chúng trong thành La-duyệt leo lên ngọn núi Kỳ-xà quật này, phải mất bốn ngày bốn đêm mới lên đến đỉnh núi.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Vào thời đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, ngọn núi Kỳ-xà quật này cũng có tên gọi khác. Thuở ấy, dân chúng trong thành La-duyệt phải mất ba ngày ba đêm mới lên đến được đỉnh núi.

Ðức Như Lai Ca-diếp xuất hiện ở đời, ngọn núi Kỳ-xà quật này cũng có tên gọi khác. Khi ấy, dân chúng trong thành La-duyệt phải mất hai ngày hai đêm mới lên đến đỉnh núi.

Còn Ta ngày hôm nay, Phật Thích-ca xuất hiện ở đời, ngọn núi này có tên là Kỳ-xà quật, chỉ trong khoảnh khắc đã lên đến đỉnh núi.

Nếu lúc Như Lai Di-lặc xuất hiện ở đời, ngọn núi này cũng có tên là Kỳ-xà quật. Vì sao như thế? Vì thần lực của chư Phật khiến núi này tồn tại.

Này Tỳ-kheo! Nhờ phương tiện này nên biết, kiếp có suy giảm, chấm dứt, không thể tính kể.

Tuy nhiên, kiếp có hai loại, đại kiếp và tiểu kiếp. Nếu trong kiếp ấy không có Phật ra đời, lúc ấy chỉ có bậc Độc giác43 ra đời thì gọi là tiểu kiếp. Nếu kiếp nào có đức Như Lai xuất hiện thì kiếp đó không có bậc Độc giác xuất hiện, đây gọi là đại kiếp.

Này Tỳ-kheo! Qua ví dụ này nên biết, kiếp số dài lâu, không thể tính kể. Thế nên, này Tỳ-kheo! Hãy nhớ nghĩa của kiếp số này.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.44

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Lễ Tam bảo phẩm 禮三寶品 (T.02. 0125.50. 0806b10).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.1. 0806b11).
3 Nguyên tác: Thần tự (神寺).
4 Chư chỉ, quán cố (諸止, 觀故). Đây là 2 pháp, mới đủ 11 pháp.
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.2. 0806b24).
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.3. 0806c08).``1`1`11```
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.4. 0806c21). Tham chiếu: Đại Thiên nại lâm kinh 大天㮈林經 (T.01. 0026.67. 0511c21); Pháp cú thí dụ kinh 法句譬喻經 (T.04. 0211.38. 0606b16); M. 83, Makhādeva Sutta (Kinh Makhādeva); J. I. 9; J. V. 541.
8 Nguyên tác: Bà-già-bà (婆伽婆, Bhagavā).
9 Đại Thiên (大天, Makhādeva).
10 Mật-để-la (蜜𠽮羅, 蜜提羅, Mithilā).
11 Tử-ma (紫磨), tối thượng trong các loại vàng.
12 Vật hành uổng hoành (勿行枉橫). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0022a05) ghi: Vật sử thiên uổng (勿使偏枉); Đại Thiên nại lâm kinh 大天㮈林經 (T.01. 0026.67. 0512a27) ghi: Vô linh quốc trung hữu chư ác nghiệp, phi Phạm hạnh nhơn (無令國中有諸惡業, 非梵行★).
13 Mãn-hô (滿呼, Uposatha) còn được phiên âm là Vu-sa-hạ (于娑賀) hoặc Vũ-hô (于呼).
14 Nguyên tác: Thất chi bình trĩ (七肢平跱): Bảy chỗ đầy đặn, gồm 4 chân, cổ và 2 vai. Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0022a16) ghi: Thất xứ bình trụ (七處平住); Chúng hứa Ma-ha đế kinh 眾許摩訶帝經 (T.03. 0191.3. 0940b15) ghi: Thất xứ sung mãn (七處充滿). Với đức Phật, là tướng thứ 14 trong 32 tướng tốt, gồm có: Tay, chân, lòng bàn tay, yết hầu và 2 vai (手, 足, 掌中, 頸及兩肩).
15 Bà-la-hàm (婆羅含, Valāhaka): Ngựa màu đỏ tía.
16 Mạn-na-kha-lợi (曼那呵利). Hán dịch: Đoạt Tình (奪情).
17 A-la-tha-chi (阿羅咃吱). Hán dịch: Tài Tràng (財幢).
18 Tỷ-tỳ-na (比毘那). Hán dịch: Vô Úy (無畏).
19 Kiếp-bắc (劫北, kappaka) nghĩa là thợ hớt tóc. Ở đây, phiên âm kappaka trở thành tên riêng của một người. Cũng tên người này nhưng ở phẩm Tựa, tr. 11 trong tập này; Tự phẩm 序品 (T.02. 0125.1. 0551c22) gọi là Kiếp-tỳ (劫比).
20 Sanh thử hủy trang (生此毀莊).
21 Thân sứ (身使). Thân (身) ở đây có nghĩa là sanh mạng (生命). Sứ thần của sanh mạng được hiểu như thần chết. Đại Thiên nại lâm kinh 大天㮈林經 (T.01. 0026.67. 0513c02) gọi là Thiên sứ (天使, Devadūtaṃ).
22 Nguyên tác: Hộ (護).
23 Nguyên tác: Phụ vương (父王).
24 Nguyên tác: Thủ-đà-hội thiên (首陀會天, Suddhāvāsā devā).
25 Cùng-tỷ-ni (窮鼻尼). Hán dịch: Cực Đoan Chánh (極端正).
26 Nguyên tác: Thanh văn (聲聞, Sāvaka), vừa có nghĩa là Thanh văn vừa có nghĩa là đệ tử, ở đây dùng với nghĩa đệ tử.
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.5. 0810b20).
28 Mạt-khư-lê (末佉梨, Makkhali), một trong 6 ngoại đạo sư.
29 Nguyên tác: Đề-bà-đạt-đâu (提婆達兜, Devadatta).
30 Cù-ba-ly (瞿波離, Kokālika) còn gọi Cù-gia-lợi (瞿伽利). Xem kinh số 5, phẩm 21, tr. 222.
31 Đoạn chư Thánh chúng ứng khí di dư (斷諸聖眾應器遺餘). Tham chiếu: Tứ nê-lê kinh 四泥犁經 (T.02. 0139. 0861b28) ghi: 彼提舍比丘愚★, 遮比丘僧使一日不食. Đạo hạnh Bát-nhã kinh 道行般若經 (T.08. 0224.3. 0441b08) ghi: Đoạn pháp (斷法 = 破法).
32 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增(T.02. 0125.50.6. 0811a29). Tham chiếu: M. 12, Mahāsīhanāda Sutta (Ðại kinh sư tử hống).
33 Nguyên tác: Thú (趣, gati): Cõi, cảnh giới.
34 Nguyên tác: Đạo (道): Cảnh giới, cõi; tương tự như chữ “thú” (趣).
35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.7. 0812b14). Tham chiếu: A. 3.48 - I. 152; A. 5.40 - III. 44.
36 Nguyên tác: Hào tộc (豪族), ở đây chỉ cho trường hợp được làm đệ tử của đức Phật. Tham chiếu: Tiểu duyên kinh 小緣經 (T.01. 0001.5. 0037b24): 沙門瞿曇出於豪族.
37 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.8. 0812c02). Tham chiếu: Mâu-lê-phá-quần- na kinh 牟犁破群那經 (T.01. 0026.193. 0744a04); A-lê-tra kinh 阿梨吒經 (T.01. 0026.200. 0763b01); M. 21, Kakacūpama Sutta (Kinh ví dụ cái cưa); M. 22. Alagaddūpama Sutta (Kinh ví dụ con rắn).
38 Mậu-la-phá-quần (茂羅破群, Moḷiyaphagguna).
39 Mười hai thể loại kinh này xem chú thích 28-40, phẩm 25, tr. 335-36; Tăng. 增 (T.02. 0125.25.10. 0635a03).
40 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.50.9. 0813b23). Tham chiếu: A. 4.156 - II. 142.
41 Sanh Lậu (生漏, Jāṇussoṇī).
42 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.52.10. 0813c26). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.956. 0243b13); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.350. 0488c07); S. 15.20 - II. 190.
43 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛, Paccekabuddha). Xem chú thích 23, phẩm Tựa, tr. 9.
44 Bản Hán, hết quyển 48.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.