Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người chăn bò nếu làm theo mười một cách này thì không bao giờ nuôi lớn đàn bò, vì không thể bảo vệ được đàn bò của mình. Là mười một cách nào? Đó là, người chăn bò không phân biệt được sắc của chúng, không biết tướng của chúng, cần phải chải sạch lại không biết chải sạch, không biết chăm sóc vết thương, không biết tùy thời xông khói, không biết chỗ ruộng cỏ tươi tốt, không biết nơi an ổn, cũng không biết chỗ để lùa bò qua sông, không biết giờ giấc thích hợp, khi vắt sữa bò không biết chừa lại chút ít mà vắt đến cạn kiệt, khi những con bò đã lớn có thể sử dụng nhưng không biết tùy thời chăm sóc.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Nếu người chăn bò làm theo mười một cách này thì không bao giờ nuôi lớn đàn bò, vì không biết cách chăm sóc và bảo vệ thân thể của chúng.
Ngày hôm nay, Tỳ-kheo trong chúng này nếu cũng thực hành như vậy thì chung cuộc không thể nào có sự tăng trưởng về lợi ích. Mười một pháp đây gồm những gì? Đó là, Tỳ-kheo không biết rõ về sắc, không hiểu rõ về tướng, cần phải chải sạch lại không biết chải sạch, không biết chăm sóc vết thương, không biết tùy thời xông khói, không biết chỗ ruộng cỏ tươi tốt, không biết chỗ để qua sông, cũng không biết nơi an ổn và không biết giờ giấc thích hợp, khi ăn không biết lưu lại thức ăn, cũng không biết kính trọng các Tỳ-kheo trưởng lão.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết về sắc? Đó là, Tỳ-kheo không thể biết rõ về bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không biết rõ về sắc.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết rõ về tướng? Đó là, Tỳ-kheo không biết đúng như thật hành động nào là ngu, hành động nào là trí. Như vậy, gọi là Tỳ- kheo không biết rõ về tướng.
Thế nào là Tỳ-kheo cần phải chải sạch lại không chải sạch? Đó là, Tỳ-kheo nếu mắt thấy sắc liền khởi tưởng về sắc, sanh các tạp niệm, đã vậy lại không giữ gìn nhãn căn. Vì không khéo nhiếp tâm nên gây ra các tai họa và không phòng hộ được các căn. Cũng như vậy, Tỳ-kheo nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp rồi khởi các tưởng tán loạn, cũng không giữ gìn ý căn, không sửa đổi nghiệp của mình. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo cần phải chải sạch lại không chải sạch.
[0794b04] Thế nào là Tỳ-kheo không biết chăm sóc vết thương? Đó là, Tỳ- kheo khởi tưởng tham dục mà không xả ly, không buông bỏ, cũng chẳng trừ khử niệm tham dục đó. Nếu khởi tưởng sân hận, tưởng giết hại, khởi lên các tưởng xấu ác, bất thiện nhưng chẳng bao giờ buông bỏ. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không biết chăm sóc vết thương.
Thế nào là Tỳ-kheo không tùy thời xông khói? Đó là, Tỳ-kheo đối với các pháp đã tụng đọc, không tùy thời giảng dạy cho người. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không tùy thời xông khói.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết chỗ ruộng cỏ tươi tốt? Đó là, Tỳ-kheo không biết rõ như thật về bốn niệm xứ.3 Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không biết chỗ ruộng cỏ tươi tốt.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết chỗ để qua sông? Đó là, Tỳ-kheo không biết rõ con đường tám phẩm Hiền thánh. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không biết chỗ để qua sông.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết chỗ ưa thích? Đó là, đối với mười hai thể loại kinh là Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ ký, Kệ, Nhân duyên, Bổn sự, Phương đẳng, Thí dụ, Bổn sanh, Tự thuyết, Luận nghị và Vị tằng hữu pháp; với mười hai thể loại kinh như vậy mà Tỳ-kheo không biết ưa thích.
Thế nào là Tỳ-kheo không biết thời gian thích hợp? Đó là, Tỳ-kheo đi đến nhà thấp hèn, nhà cờ bạc. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không biết thời gian thích hợp.
Thế nào là Tỳ-kheo không lưu lại thức ăn? Đó là, Tỳ-kheo được các Phạm chí hay ưu-bà-tắc tín tâm đến thỉnh thọ trai, song các Tỳ-kheo tham đắm ăn uống, không biết đủ để dừng lại. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không lưu lại thức ăn.
Thế nào là Tỳ-kheo không kính trọng các bậc Trưởng lão, những Tỳ-kheo cao đức? Đó là, Tỳ-kheo không khởi tâm cung kính đối với các bậc đức độ. Do đó, Tỳ-kheo có nhiều lỗi lầm. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo không cung kính bậc Trưởng lão.
Nếu Tỳ-kheo nào huân tập mười một pháp này thì rốt cuộc không thể có được nhiều lợi ích khi ở trong giáo pháp này.
Lại nữa, nếu người chăn bò làm đúng mười một cách thì có thể bảo vệ đàn bò của mình, không bao giờ đánh mất cơ hội, được nhiều điều lợi ích. Là mười một cách nào? Đó là, người chăn bò biết về sắc của chúng, biết rõ về tướng của chúng, cần chải sạch thì chải sạch, biết chăm sóc vết thương, biết tùy thời xông khói, biết chỗ ruộng cỏ tốt tươi, biết chỗ để qua sông, yêu mến đàn bò của mình, biết rõ tùy thời thích hợp, cũng biết tánh tình của chúng, khi vắt sữa thì biết chừa lại và cũng biết tùy thời chăm sóc những con bò có thể sử dụng. Đó là người chăn bò biết chăm sóc và bảo vệ đàn bò.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Nếu người chăn bò làm đúng mười một cách này thì không đánh mất cơ hội, không bao giờ bị hư hoại.
[0794c04] Cũng vậy, nếu Tỳ-kheo thành tựu mười một pháp thì ở trong đời hiện tại được nhiều lợi ích. Là những pháp nào? Đó là, Tỳ-kheo biết sắc, biết tướng, biết chải sạch, biết chăm sóc vết thương, biết xông khói, biết chỗ ruộng cỏ tốt tươi, biết điều ưa thích, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết ăn vừa đủ, biết kính trọng Tỳ-kheo trưởng lão và tùy thời lễ bái.
Thế nào là Tỳ-kheo biết sắc? Đó là, Tỳ-kheo biết sắc thuộc bốn đại, cũng biết sắc do bốn đại tạo thành. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết sắc.
Thế nào là Tỳ-kheo biết tướng? Đó là, Tỳ-kheo thảy đều biết rõ như thật về tướng ngu, tướng trí. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết tướng.
Thế nào là Tỳ-kheo biết chải sạch? Đó là, Tỳ-kheo nếu tưởng tham dục khởi lên liền biết nhớ nghĩ xa lìa, cũng không thân cận, vĩnh viễn không còn tưởng tham dục. Nếu tưởng sân hận, tưởng giết hại và các tưởng xấu ác, bất thiện khởi lên liền biết nhớ nghĩ xa lìa, cũng không thân cận, vĩnh viễn không còn tưởng sân hận. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết chải sạch.
Thế nào là Tỳ-kheo biết chăm sóc vết thương? Đó là, Tỳ-kheo nếu mắt thấy sắc không khởi tưởng đối với sắc, cũng không đắm nhiễm nên nhãn căn thanh tịnh, diệt trừ lo buồn và pháp bất thiện, xấu ác, tâm không tham muốn, nhờ đó mà giữ gìn nhãn căn. Cũng như thế, Tỳ-kheo nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý biết pháp cũng không khởi tưởng phân biệt,4 cũng không đắm nhiễm nên ý căn thanh tịnh. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết chăm sóc vết thương.
Thế nào là Tỳ-kheo biết xông khói? Đó là, Tỳ-kheo giảng nói rộng rãi cho người giáo pháp đã được nghe. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết xông khói.
Thế nào là Tỳ-kheo biết chỗ ruộng cỏ tốt tươi? Đó là, Tỳ-kheo biết rõ như thật về con đường tám phẩm Hiền thánh. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết chỗ ruộng cỏ tốt tươi.
Thế nào là Tỳ-kheo biết điều ưa thích? Đó là, Tỳ-kheo nếu khi nghe Như Lai giảng nói pháp mầu thì tâm liền vui thích. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết điều ưa thích.
Thế nào là Tỳ-kheo biết chọn đường đi? Đó là, Tỳ-kheo biết chọn lựa mười hai thể loại kinh mà hành trì. Ðó là Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ ký, Kệ, Nhân duyên, Bổn sự, Phương đẳng, Thí dụ, Bổn sanh, Tự thuyết, Luận nghị và Vị tằng hữu pháp. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết chọn đường đi.
[0795a02] Thế nào là Tỳ-kheo biết chỗ qua sông? Đó là, Tỳ-kheo biết bốn niệm xứ. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết chỗ qua sông.
Thế nào là Tỳ-kheo biết ăn vừa đủ? Đó là, Tỳ-kheo được Phạm chí hay ưu- bà-tắc tín tâm thỉnh thọ trai, nhưng không tham ăn uống, tự biết vừa đủ. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo biết vừa đủ.
Thế nào là Tỳ-kheo tùy thời kính phụng Tỳ-kheo trưởng lão? Đó là, Tỳ- kheo thường dùng thân, miệng và ý thiện lành khi ứng xử với các Tỳ-kheo trưởng lão. Như vậy, gọi là Tỳ-kheo tùy thời kính phụng Tỳ-kheo trưởng lão.
Như vậy, nếu thành tựu mười một pháp này thì ở trong đời hiện tại được nhiều lợi ích.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Chăn bò không phóng túng,
Chủ bò được phước to,
Sáu năm, sáu con bò,
Dần thành đàn sáu chục.
Tỳ-kheo thành tựu giới,
Thiền định tự thong dong,
Sáu căn mà vắng lặng,
Sáu năm chứng sáu thông.
Do đó, này Tỳ-kheo! Nếu có người nào có thể xa lìa pháp xấu ác này rồi, về sau thành tựu mười một pháp thì ở trong đời hiện tại được nhiều lợi ích.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu mười một pháp này thì chắc chắn sẽ được tăng trưởng. Là mười một pháp nào? Đó là, Tỳ-kheo thành tựu giới, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, các căn vắng lặng, ăn uống biết vừa đủ, thường tu hành các pháp công đức,6 biết rõ phương tiện, phân biệt nghĩa lý và không tham đắm lợi dưỡng.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Nếu ai thành tựu mười một pháp này thì có thể được tăng trưởng lớn mạnh. Vì sao như vậy? Vì hết thảy các Phạm hạnh7 chân chánh đều có mười một pháp này.
Bấy giờ, A-nan bạch đức Thế Tôn:
– Vì sao chỉ có mười một pháp mà không có nhiều hơn? Những gì là mười một pháp?
Đức Phật bảo:
– Đó là,8 ở nơi vắng vẻ, đi khất thực, chỉ ngồi một chỗ, ngày ăn một bữa, ăn đúng giữa trưa, không chọn nhà khất thực, giữ gìn ba y, ngồi bên gốc cây, ngồi nơi đất trống hoặc chỗ vắng lặng, mặc y phấn tảo và ở bãi tha ma. Như thế, này Tỳ-kheo! Những ai thành tựu mười một pháp này thì sẽ thành tựu mục tiêu.
Nay Ta nói với thầy lần nữa, nếu có người nào học tập pháp này trong mười một năm thì trong đời hiện tại thành tựu A-na-hàm, thân kế tiếp liền thành A-la- hán. Các Tỳ-kheo! Hoặc giả chẳng cần mười một năm, hoặc chín năm, tám năm, bảy năm, sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm hay một năm học tập pháp này, liền thành tựu một trong hai quả vị: hoặc A-na-hàm, hoặc A-la- hán. Giả sử chẳng cần mười hai tháng, nếu có thể tu tập pháp này trong một tháng thì Tỳ-kheo ấy chắc chắn thành tựu một trong hai quả vị: hoặc A-na-hàm, hoặc A-la-hán.
Vì sao như vậy? Vì mười hai nhân duyên đều phát xuất từ mười một pháp này. Ðó là sanh, già, bệnh, chết, sầu, ưu, khổ, não.9
[0795b08] Nay Ta dạy các thầy Tỳ-kheo, hãy nên so sánh với Tỳ-kheo Ca- diếp. Giả sử có người thực hành pháp khiêm cung khổ hạnh cũng khó sánh kịp với hạnh này. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp đã thành tựu mười một pháp này. Nên biết, chư Phật10 đời quá khứ thành tựu bậc Ðẳng Chánh Giác cũng nhờ thành tựu mười một pháp khổ hạnh này. Nay Tỳ-kheo Ca-diếp vì thương xót tất cả chúng sanh nên nếu như cúng dường các bậc Thanh văn đời quá khứ thì thân sau sẽ được phước báu, nếu cúng dường Ca-diếp thì ngay đời hiện tại được phước báu. Giả sử nếu Ta chưa thành tựu bậc Ðẳng Chánh Giác thì về sau Ca-diếp sẽ thay Ta thành tựu bậc Ðẳng Chánh Giác. Do nhân duyên này nên Tỳ-kheo Ca-diếp thù thắng hơn các bậc Thanh văn đời quá khứ. Những ai có thể làm như Ca-diếp thì đó chính là hạnh tối thượng.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đức Phật đang thuyết pháp cho vô số chúng sanh vây quanh trước sau.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất dẫn theo số đông Tỳ-kheo đi kinh hành. Các Tỳ-kheo như Ðại Mục-kiền-liên, Ðại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Ca-chiên- diên, Mãn Nguyện Tử,12 Ưu-ba-ly, Tu-bồ-đề, La-hầu-la, A-nan... mỗi vị đều dẫn theo số đông Tỳ-kheo, đều rất hoan hỷ. Ðề-bà-đạt-đa13 cũng dẫn theo số đông Tỳ-kheo tự đi kinh hành.
Lúc ấy, Thế Tôn thấy các đệ tử thần túc thảy đều dẫn đồ chúng đi kinh hành.
Thế rồi, Ngài bảo các Tỳ-kheo:
– Căn tánh và tánh tình của mỗi người đều tương ưng với nhau: Người hiền cùng làm bạn với người hiền, kẻ ác cùng làm bạn với kẻ ác, cũng như sữa hòa hợp với sữa, bơ hòa hợp với bơ, nhơ uế hòa hợp với nhơ uế, ở đây cũng như vậy.
Do nguồn gốc căn tánh, hành nghiệp, phép tắc của mỗi loài chúng sanh mà tự mình tương ưng với nhau: Người hiền hòa hợp với người hiền, kẻ ác hòa hợp với kẻ ác. Các thầy có thấy Tỳ-kheo Xá-lợi-phất dẫn các Tỳ-kheo đi kinh hành chăng?
[0795c04] Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những vị ấy đều là bậc thầy về trí tuệ.14 Phật lại hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Mục-kiền-liên dẫn các Tỳ-kheo đi kinh hành không?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Đức Phật bảo:
– Những Tỳ-kheo ấy đều là bậc thầy về thần túc. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Ca-diếp dẫn các Tỳ-kheo đi kinh hành chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các Thượng sĩ ấy đều là những người thực hành mười một pháp Đầu-đà.15 Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo A-na-luật chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những Hiền sĩ ấy đều là bậc thiên nhãn đệ nhất. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Ly-việt chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo [các] Tỳ-kheo:
– Những vị ấy đều là bậc thầy về nhập định. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Ca-chiên-diên chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những Thượng sĩ ấy đều là bậc thầy về giảng giải nghĩa lý. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử chăng?
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những Hiền sĩ ấy đều là bậc thầy về thuyết pháp.
Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Ưu-ba-ly dẫn các Tỳ-kheo đi kinh hành chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những vị ấy đều là bậc thầy về giữ gìn giới cấm. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Tu-bồ-đề chăng? Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những vị Thượng nhân ấy đều là bậc nhất về giải không. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo La-hầu-la chăng? Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những Hiền sĩ ấy đều là bậc thầy về giới luật vẹn toàn. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo A-nan chăng? Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những Hiền sĩ ấy đều là bậc nhất về đa văn, nghe rồi không quên mất. Phật lại hỏi:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa dẫn nhiều người đi kinh hành chăng?
[0796a01] Các Tỳ-kheo thưa:
– Thưa vâng, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Những người ấy đứng đầu về tội ác, không có gốc rễ thiện lành. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bạn ác đừng thân cận,
Đừng cộng sự kẻ ngu,
Bạn lành nên thân cận,
Người trí nên giao du.
Nếu người vốn hiền thiện,
Gần kẻ xấu ác hoài,
Dần thành nhân bất thiện,
Tiếng xấu khắp gần xa.
Bấy giờ, sau khi nghe Thế Tôn nói bài kệ này rồi, hơn ba mươi đệ tử của Ðề-bà-đạt-đa liền bỏ Ðề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật để cầu xin sám hối trọng tội.
Các vị ấy lại bạch Thế Tôn:
– Chúng con ngu si, mê lầm không biết đúng sai, xa lìa bạn lành, gần gũi kẻ ác. Cúi xin Thế Tôn tha thứ lỗi lầm, về sau không dám tái phạm!
Phật bảo Tỳ-kheo:
– Ta cho phép các thầy sám hối lỗi lầm, sửa đổi lỗi xưa, siêng năng tu tập, chớ có tái phạm.
Bấy giờ, vâng lời giáo giới của Thế Tôn, đệ tử của Ðề-bà-đạt-đa ở chỗ vắng vẻ, suy nghĩ về nghĩa lý vi diệu, tự mình kiểm thúc và thực hành theo pháp. Bởi lẽ, người thiện nam cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo là vì muốn tu tập Phạm hạnh vô thượng. Thế rồi, các Tỳ-kheo đều chứng quả A-la-hán.
Phật bảo Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo nên biết! Căn tánh của chúng sanh đều tự tương ưng với nhau: Kẻ ác thì đi theo kẻ ác, người lành thì đi theo người lành. Căn tánh của chúng sanh ở trong thời quá khứ và ở thời tương lai cũng lại như thế, vì cùng tương tự nên đi theo nhau. Cũng như thanh tịnh tương ưng với thanh tịnh, bất tịnh tương ưng với bất tịnh.
Do đó, này Tỳ-kheo! Nên học tập thanh tịnh để tương ưng với thanh tịnh, hãy xả bỏ và xa lìa bất tịnh.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ ở thành Pháp Hành, thuộc nước Câu-lưu-sa.
Bấy giờ, Tượng Xá-lợi-phất17 xả bỏ pháp phục, trở về đời sống tại gia. Lúc ấy, Tôn giả A-nan đắp y, ôm bát vào thành khất thực, dần dần đến nhà Tượng Xá-lợi-phất.
Bấy giờ, Tượng Xá-lợi-phất đang kề vai bên hai thiếu nữ. A-nan từ xa thấy như vậy, trong lòng lo buồn, không vui. Trông thấy A-nan, Tượng Xá-lợi-phất rất mực hổ thẹn, liền ngồi riêng một mình.
Thế rồi, sau khi khất thực xong, A-nan ra khỏi thành đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, A-nan bạch Phật:
– Vừa rồi con vào thành khất thực, dần dần đi đến nhà Tượng Xá-lợi-phất, thấy ông ta đang kề vai bên hai thiếu nữ. Thấy như thế rồi, lòng con rất lo buồn.
[0796b03] Thế Tôn hỏi:
– Thấy như vậy rồi, thầy nghĩ thế nào? A-nan bạch Phật:
– Con nhớ Tượng Xá-lợi-phất là người siêng năng, nghe nhiều, tánh tình nhu hòa, thường xuyên nói pháp cho những người Phạm hạnh không hề mệt mỏi, tại sao hôm nay lại xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia? Lúc thấy như vậy rồi, con rất lo buồn, bởi vì Tượng Xá-lợi-phất có sức oai thần rất lớn, oai đức không thể tính kể. Con nghĩ, thuở xưa, con từng thấy vị ấy bàn luận với Thích- đề-hoàn-nhân, tại sao hôm nay lại theo dục lạc mà làm điều xấu?
Thế Tôn bảo:
– Đúng thế, này A-nan! Đúng như lời thầy nói, bởi vì ông ta chưa phải là bậc A-la-hán. Chỉ có bậc A-la-hán mới không bao giờ xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia. Nhưng này A-nan! Chớ nên lo buồn. Sau bảy ngày nữa, Tượng Xá- lợi-phất sẽ đến đây, trừ sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Chỉ vì do nghiệp cũ lôi kéo nên Tượng Xá-lợi-phất mới như thế, khi hạnh nghiệp đời này vẹn toàn sẽ chấm dứt hữu lậu.
Thế rồi bảy ngày sau, Tượng Xá-lợi-phất đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Giây lát sau, ông ta liền đứng dậy bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài cho phép con được tu hạnh Sa-môn ở hàng thấp nhất!
Thế rồi, Tỳ-kheo Tượng Xá-lợi-phất liền được làm Sa-môn, chứng đắc A-la-hán ngay tại chỗ ngồi.
Lúc ấy, Tượng Xá-lợi-phất đắp y, ôm bát vào thành khất thực.
Bấy giờ, có vị Phạm chí suy nghĩ như vầy: “Những đệ tử dòng họ Thích này, nơi nào cũng có, hiện diện khắp nơi, lại dứt tuyệt cả việc chú thuật của chúng ta. Ta sẽ nói với dân chúng trong thành những điều xấu của Sa-môn này.”
Thế rồi, Phạm chí ấy nói với dân chúng trong thành:
– Mọi người có thấy Tượng Xá-lợi-phất chăng? Thuở trước, ông ta tự xưng là A-la-hán, rồi nửa chừng xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia, hưởng thụ năm dục, nay ông ta lại làm Sa-môn, đến từng nhà khất thực, ra vẻ trong sạch, nhưng khi trông thấy người nữ liền khởi tưởng dục tình, dù đã trở về tinh xá lại vẫn còn nhớ nghĩ nữ sắc, tâm không buông bỏ. Giống như con lừa mệt nhọc không thể chở nặng, đành yên lặng nằm co. Kẻ Thích tử này cũng giống như vậy, bên ngoài ra vẻ khất thực nhưng khi thấy nữ sắc thì toan tính, tơ tưởng.
Khi nghe Phạm chí loan truyền tiếng xấu như thế, lúc ấy Tượng Xá-lợi-phất liền nghĩ: “Kẻ này cực kỳ ngu si nên mới khởi tâm ganh ghét, thấy người khác được lợi dưỡng liền sanh tâm bỏn xẻn, ganh ghét; nếu mình được lợi dưỡng thì vui mừng, nên ông ta đến nhà cư sĩ chê bai. Ta phải ngăn chặn không cho làm ác, không để cho ông ta phải chịu tội vô lượng.”
[0796c05] Nghĩ rồi, Tượng Xá-lợi-phất bay lên giữa hư không, bảo Phạm chí:
Không mắt, không phương tiện,
Bậc Phạm hạnh lại chê,
Việc vô ích như thế,
Địa ngục khổ trăm bề.
Bấy giờ, nói kệ này xong, Tượng Xá-lợi-phất liền trở về chỗ của mình.
Lúc ấy, dân chúng trong thành vừa nghe Phạm chí chê bai, lại được nghe Tượng Xá-lợi-phất nói kệ, họ liền suy nghĩ: “Nếu đúng như lời Phạm chí nói thì làm sao vị ấy có thể hiện thần túc khó ai sánh bằng? Vả lại, chúng ta cũng thấy vị này xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia.”
Thế rồi, số đông dân chúng đều đến chỗ Tượng Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ dưới chân rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, mọi người hỏi Tượng Xá-lợi-phất:
– Có vị A-la-hán nào lại xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia hay không? Tượng Xá-lợi-phất đáp:
– Không có bậc A-la-hán nào lại xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia. Lúc ấy, mọi người thưa Tượng Xá-lợi-phất:
– Có phải do nhân duyên đời trước nên A-la-hán phạm giới chăng? Tượng Xá-lợi-phất đáp:
– Ðã chứng đắc A-la-hán thì không bao giờ phạm giới. Dân chúng lại hỏi:
– Có phải do duyên đời trước nên bậc Hữu học18 phạm giới chăng? Tượng Xá-lợi-phất đáp:
– Có chuyện đó. Do vì duyên đời trước nên bậc Hữu học phạm cấm giới. Lúc ấy, dân chúng lại hỏi:
– Trước đây, Tôn giả là vị A-la-hán, lại xả bỏ pháp phục sống đời tại gia, vui thích năm dục, nay lại xuất gia học đạo. Trước kia, Tôn giả vốn có thần túc, nay vì sao lại như thế?
Bấy giờ, Tượng Xá-lợi-phất liền nói kệ này:
Thành tựu thiền thế gian,
Rốt cuộc không giải thoát,
Đạo tịch diệt chưa thành,
Lại vùi trong năm dục.
Không củi, lửa không cháy,
Không gốc, cành chẳng sanh,
Thạch nữ19 chẳng hoài thai,
La-hán không thể đọa.
Bấy giờ, dân chúng lại hỏi Tượng Xá-lợi-phất:
– Trước kia, Tôn giả không phải A-la-hán ư?
[0797a01] Tượng Xá-lợi-phất đáp:
– Trước kia tôi không phải là A-la-hán. Các cư sĩ nên biết! Năm phép thần thông và sáu phép thần thông hoàn toàn khác biệt. Hôm nay, tôi sẽ giảng nói về mười một thần thông ấy.
Hàng Tiên nhân tuy thành tựu năm phép thần thông, đã dứt sạch ái dục, nhưng nếu được sanh lên cõi trời thì lại rơi trở lại cõi dục. Trong sáu phép thần thông của bậc A-la-hán đệ tử của Như Lai, khi đã chứng đắc Lậu tận thông thì ở nơi cõi Niết-bàn Vô dư mà nhập Niết-bàn.
Lúc ấy, dân chúng lại thưa rằng:
– Chúng tôi quán sát lời của Tôn giả nói thì ở thế gian không có vị A-la-hán nào xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia.
Tượng Xá-lợi-phất đáp:
– Đúng thế! Như lời các ông vừa nói, không có vị A-la-hán nào xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia. Có mười một pháp mà một vị A-la-hán không học tập theo. Là những pháp nào?
A-la-hán lậu tận không bao giờ xả bỏ pháp phục, sống đời tại gia. A-la-hán lậu tận không bao giờ làm hạnh bất tịnh.
A-la-hán lậu tận không bao giờ sát sanh. A-la-hán lậu tận không bao giờ trộm cướp.
A-la-hán lậu tận không bao giờ tích trữ đồ vật. A-la-hán lậu tận không bao giờ nói dối.
A-la-hán lậu tận không bao giờ chia bè kết phái. A-la-hán lậu tận không bao giờ nói lời hung ác. A-la-hán lậu tận không bao giờ có sự nghi ngờ. A-la-hán lậu tận không bao giờ sợ hãi.
A-la-hán lậu tận không bao giờ theo học thầy khác, lại cũng chẳng tái sanh.
Này các Hiền sĩ! Đó là mười một trường hợp mà bậc A-la-hán lậu tận không bao giờ thực hành.20
Bấy giờ, dân chúng bạch với Tượng Xá-lợi-phất:
– Chúng con được nghe những điều Tôn giả nói và quán sát hàng ngoại đạo dị học giống như nhìn ngắm cái bình rỗng, chẳng có gì. Nay được phân biệt về pháp bổ ích,21 chúng con thấy như bình đựng mật, ngọt ngon không thể kể xiết. Chánh pháp của Như Lai cũng lại như thế. Hôm nay, Phạm chí ấy phải chịu vô lượng tội.
Lúc ấy, Tượng Xá-lợi-phất bay lên hư không, ngồi kiết-già rồi nói kệ này:
Không hiểu điều phải quấy,
Thuật ngoại đạo học theo,
Gây chia rẽ đôi bên,
Người trí không làm vậy.
Bấy giờ, dân chúng thành Câu-lưu-sa thưa với Tượng Xá-lợi-phất:
– Những điều ngài dạy quá sâu xa, thật khó mà sánh kịp, giống như người mù được mắt sáng, người điếc mà được nghe. Những điều Tôn giả giảng nói cũng lại như thế, vì ngài đã dùng vô số phương tiện để thuyết pháp. Hôm nay, chúng con xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tỳ-kheo-tăng. Cúi xin Tôn giả nhận chúng con làm ưu-bà-tắc, trọn đời không sát sanh!
[0797b01] Bấy giờ, Tôn giả Tượng Xá-lợi-phất giảng nói pháp vi diệu cho dân chúng, khiến họ phát tâm hoan hỷ, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ mà lui ra.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan nghe Phạm chí chê bai Tượng Xá-lợi-phất nhưng cuối cùng không có kết quả, vị Phạm chí đó lại còn không dám nhìn Tượng Xá-lợi-phất, huống hồ cùng bàn luận. A-nan liền đến chỗ Phật, đem tất cả nhân duyên ấy thưa với Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
– Nếu nói về bậc A-la-hán chân chánh22 thì phải nói rằng chính là Tượng Xá-lợi-phất. Vì sao như thế? Vì hôm nay, Tượng Xá-lợi-phất đã thành tựu A-la- hán. Danh hiệu A-la-hán lan truyền thuở xưa mãi đến hôm nay mới đạt được. Năm phép thần thông của thế tục không phải là hạnh chân thật, về sau nhất định bị thoái thất, chỉ có sáu phép thần thông là hạnh chân thật. Vì sao như thế? Bởi vì trước đây, Tượng Xá-lợi-phất đạt được năm thông, nay mới thành tựu sáu phép thần thông. Thầy cũng nên học tập theo Tượng Xá-lợi-phất. Hãy nhớ nghĩ và phụng hành nghĩa này!
Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ giảng về pháp nhân duyên, hãy khéo suy nghĩ ghi nhớ và tu tập theo hạnh ấy!
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!
Thế rồi, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Thế Tôn dạy:
– Vì sao gọi pháp đó là nhân duyên? Nghĩa là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết; già, chết duyên ưu, bi, khổ, não không thể tính kể, như vậy mà hình thành thân năm uẩn này.
Vì sao gọi pháp đó là vô minh? Nghĩa là không biết về khổ, không biết về tập, không biết về diệt và không biết về đạo, nên gọi là vô minh.
Vì sao gọi pháp đó là hành? Nghĩa là hành có ba loại. Là những loại nào?
Là thân hành, khẩu hành và ý hành, nên gọi là hành.
Vì sao gọi pháp đó là thức? Đó là sáu loại thức.24 Là những loại nào? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức, nên gọi là thức.
Vì sao gọi là danh? Danh có nghĩa là thọ, tưởng, tư,25 xúc26 và tư duy, nên gọi là danh.
Vì sao gọi pháp đó là sắc? Là thân bốn đại và sắc thân do bốn đại tạo thành, cho nên gọi là sắc. Sắc khác biệt, danh khác biệt, nên gọi là danh sắc.
[0797c01] Vì sao gọi pháp đó là sáu nhập hoặc là sáu nhập bên trong? Là những loại nào? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn, nên gọi là sáu nhập.
Vì sao gọi pháp đó là xúc? Đó là sáu xúc của thân. Là những xúc nào? Là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý xúc, nên gọi là xúc.
Vì sao gọi pháp đó là thọ? Đó là ba thọ. Là những thọ nào? Là thọ khổ, thọ lạc và thọ không khổ không lạc, nên gọi là thọ.
Vì sao gọi pháp đó là ái? Đó là ba ái của thân: Dục ái, hữu ái và vô hữu ái.
Vì sao gọi pháp đó là thủ?27 Đó là bốn thủ. Là những thủ nào? Đó là dục thủ, kiến thủ, giới thủ và ngã thủ, nên gọi là thủ.
Vì sao gọi pháp đó là hữu? Đó là ba hữu. Là những hữu nào? Là dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu, nên gọi là hữu.
Vì sao gọi pháp đó là sanh? Sở dĩ gọi là sanh, vì khi đầy đủ ngày tháng thì ra khỏi bụng mẹ, thọ nhận các hữu, thành thân năm uẩn, hình thành các căn, nên gọi là sanh.
Vì sao gọi pháp đó là già? Đó là, từng bộ phận trên thân thể của những chúng sanh kia như răng rụng, tóc bạc, khí lực cạn kiệt, các căn rã rời, thọ mạng ngày càng suy giảm, không còn tri giác như xưa, nên gọi là già.
Vì sao gọi là chết? Đó là, chúng sanh kia triển chuyển thọ thân nơi khác, cơ thể không còn hơi ấm, vô thường biến đổi, năm phần thân thể phân tán, xả bỏ thân năm uẩn, mạng sống chấm dứt, nên gọi là chết. Tỳ-kheo nên biết! Vì vậy nên gọi là già, bệnh, chết.
Ðây gọi là pháp nhân duyên. Ta đã giảng rộng rãi nghĩa đó.
Ðiều cần làm của chư Phật Như Lai là khởi lòng từ bi rộng lớn, nay Ta đã làm xong. Các thầy nên ghi nhớ, khi ngồi bên gốc cây, nơi đất trống hoặc ở bãi tha ma thì nên tư duy tọa thiền, chớ ôm lòng sợ hãi. Hôm nay không gắng siêng năng, ngày sau hối hận vô ích.
Bấy giờ, A-nan bạch đức Thế Tôn:
– Như Lai đã giảng pháp căn bản nhân duyên thật sâu xa cho các Tỳ-kheo, nhưng con quán sát không thấy nghĩa nào sâu xa cả.
Ðức Phật bảo:
– Thôi, thôi! Này A-nan! Chớ khởi ý nghĩ ấy. Vì sao như vậy? Vì mười hai nhân duyên này rất mực sâu xa, chẳng phải điều mà người thường có thể hiểu được. Thuở xưa, khi chưa giác ngộ pháp nhân duyên này, Ta bị cuốn trôi mãi trong sanh tử không có ngày ra khỏi.
Lại nữa, này A-nan! Không chỉ có hôm nay thầy mới nói rằng pháp nhân duyên chẳng có gì sâu xa mà từ trước đến nay, thầy thường nói như thế. Vì sao như vậy? Vì ở thời quá khứ, có vị vua a-tu-la tên Tu-diệm thầm nghĩ muốn nắm mặt trời, mặt trăng rồi đưa ra khỏi mặt nước của biển cả. Ông ta liền hóa thân vô cùng to lớn, nước biển chỉ còn tới thắt lưng.
[0798a02] Bấy giờ, con trai của vua a-tu-la ấy tên Câu-na-la, thưa với vua cha: “Con muốn được tắm biển.”
A-tu-la Tu-diệm bảo:
“Con đừng mong muốn được tắm trong biển cả! Vì sao như thế? Bởi vì nước biển cực sâu và mênh mông nên con không thể tắm trong đó được.”
Thế rồi, Câu-na-la thưa:
“Con thấy nước biển chỉ đến thắt lưng Phụ vương, vì sao lại nói là cực kỳ sâu rộng?”
Bấy giờ, vua a-tu-la liền nắm lấy con rồi đưa vào trong biển cả. Chân của con trai a-tu-la không thể chạm đáy biển, liền quá đỗi kinh sợ.
Lúc ấy, Vua Tu-diệm bảo con:
“Ta đã bảo con trước là biển rất sâu nhưng con lại nói không sao, bởi vì chỉ có ta mới có thể tắm trong biển cả, còn con không thể nào tắm được.”
A-tu-la Tu-diệm lúc ấy là người nào khác ư? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao như thế? Tu-diệm thuở ấy nay chính là thân Ta. Con trai của a-tu-la lúc ấy nay chính là thầy. Thuở ấy, nước biển cực kỳ sâu, thầy đã bảo là không sao. Nay Ta giảng nói pháp mười hai nhân duyên rất sâu xa, thầy lại cho là chẳng có gì sâu xa cả.
Chúng sanh nếu không hiểu rõ pháp mười hai nhân duyên này thì mãi xoay vần trong sanh tử không có ngày thoát khỏi, luôn luôn mê lầm, chẳng nhớ hạnh nghiệp xưa, từ đời này cho đến đời sau, từ đời sau cho đến kiếp này, vĩnh viễn ở trong năm thứ phiền não, muốn thoát ra thật là khó.
Lúc mới thành Phật đạo, Ta tư duy về mười hai nhân duyên, hàng phục ma và quyến thuộc của ma. Ta nhờ đoạn trừ vô minh mà thành tựu tuệ minh, vĩnh viễn trừ diệt các mê lầm, không còn phiền não.
Lại nữa, này A-nan! Lúc xưa, Ta ba lần chuyển vận pháp bốn sự thật qua mười hai hành tướng28 và giảng về pháp nhân duyên này liền thành tựu đạo Giác ngộ. Do điều này nên biết, pháp mười hai nhân duyên rất mực sâu xa, chẳng phải người thường có thể tuyên nói.
Thật vậy, này A-nan! Hãy nên ghi nhớ và phụng trì pháp mười hai nhân duyên sâu xa này, hãy nên tu tập pháp này.
Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có một Phạm chí tên là Thí-la, biết nhiều phương thuật, thông suốt các kinh sách của ngoại đạo dị học, thiên văn địa lý không gì không thông, lại dạy học cho năm trăm thiếu niên Phạm chí.
Trong thành ấy lại có một Phạm chí khác tên là Sí-ninh, hiểu biết nhiều điều, là người được Vua Tần-bà-sa-la quý mến nên thường tùy thời cung cấp cho Phạm chí những vật dụng thiết yếu.
[0798b02] Lúc ấy, danh tiếng Như Lai truyền đi khắp nơi rằng: Ngài là Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn vừa xuất hiện trong đời, độ người vô lượng.
Bấy giờ, Phạm chí Sí-ninh suy nghĩ: “Danh hiệu Như Lai rất khó được nghe, nay ta muốn đến để thưa hỏi, thân cận kính lễ Ngài.”
Thế rồi, Phạm chí Sí-ninh liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, Phạm chí bạch Phật:
– Thưa Sa-môn Cù-đàm! Ngài thuộc chủng tộc nào? Đức Phật đáp:
– Ta thuộc chủng tộc Sát-lợi. Phạm chí hỏi:
– Các Bà-la-môn đều cho rằng: “Chủng tộc của ta tôn quý nhất, không có chủng tộc nào hơn, hoặc nói chủng tộc da trắng, hoặc nói chủng tộc da đen.” Bà-la-môn tự xưng như vầy: “Ta do Phạm thiên sanh ra.” Thưa Sa-môn Cù- đàm! Luận thuyết của Ngài như thế nào?
Đức Phật bảo:
– Phạm chí nên biết! Những ai có hôn nhân, có cưới hỏi mới tìm cầu chủng tộc cao quý, còn trong Chánh pháp của Ta thì không có sự cao thấp và cũng chẳng màng chuyện đúng hay sai về tên gọi, chủng tộc.
Phạm chí lại hỏi:
– Thưa Cù-đàm! Phải chăng do chỗ thọ sanh30 thanh tịnh nên sau đó mới được đạo lý31 thanh tịnh?
Phật bảo Phạm chí:
– Ông cần đạo lý thanh tịnh hay cần chỗ thọ sanh thanh tịnh? Phạm chí lại nói:
– Các Bà-la-môn đều cho rằng: “Chủng tộc của ta tôn quý nhất, không có chủng tộc nào hơn, hoặc nói chủng tộc da trắng, hoặc nói chủng tộc da đen.” Bà-la-môn tự xưng như vầy: “Ta do Phạm thiên sanh ra.”
Phật bảo Phạm chí:
– Nếu có thiếu nữ chủng tộc Sát-lợi được gả cho gia đình Bà-la-môn, giả sử sanh con trai thì sẽ theo chủng tộc nào?
Phạm chí đáp:
– Đứa bé ấy sẽ thuộc chủng tộc Bà-la-môn. Vì sao như vậy? Vì được kế tục từ người cha32 nên mới có đứa con ấy.
Đức Phật bảo Phạm chí:
– Nếu có thiếu nữ chủng tộc Bà-la-môn được gả cho gia đình chủng tộc Sát- lợi, sanh ra con trai thì đứa bé ấy sẽ theo họ của ai?
Phạm chí đáp:
– Ðứa bé ấy sẽ thuộc về chủng tộc Sát-lợi. Vì sao như vậy? Vì được lưu truyền từ người cha nên mới có đứa con ấy.
Phật bảo Phạm chí:
– Ông nên suy nghĩ thật kỹ rồi sau đó hãy trả lời Ta. Hôm nay, lời nói của ông trước sau không hợp nhau. Này Phạm chí! Giả sử con lừa hòa hợp với con ngựa, sau đó sanh một con non, như vậy con non đó được gọi là ngựa hay là lừa?
Phạm chí đáp:
– Loài này nên gọi là lừa ngựa. Vì sao như vậy? Vì được lưu truyền từ lừa nên mới sanh loài vật ấy.
Phật bảo Phạm chí:
– Ông nên suy nghĩ thật kỹ rồi sau đó hãy trả lời Ta. Hôm nay, lời nói của ông trước sau không hợp nhau. Lúc nãy, ông nói thiếu nữ chủng tộc Sát-lợi được gả cho gia đình chủng tộc Bà-la-môn, nếu sanh con thì sẽ mang chủng tộc Bà-la-môn. Bây giờ, con lừa hòa hợp với con ngựa rồi sanh con non thì gọi là lừa ngựa, như vậy chẳng phải là trái với lời nói lúc nãy hay sao? Lại nữa, này Phạm chí! Nếu con ngựa hòa hợp với con lừa rồi sanh con non thì sẽ gọi là gì?
[0798c05] Phạm chí đáp:
– Nên gọi là ngựa lừa.
Đức Phật bảo:
– Như vậy, này Phạm chí! Ngựa lừa và lừa ngựa đâu có khác gì nhau? Nếu có người nói “một hộc châu báu” và có người nói “châu báu một hộc”, hai nghĩa ấy có khác nhau chăng?
Phạm chí đáp:
– Ðó là một nghĩa. Vì sao như thế? Bởi vì “một hộc châu báu” và “châu báu một hộc” thì ý nghĩa chẳng khác gì nhau.
Phật bảo Phạm chí:
– Thế thì ngựa lừa và lừa ngựa lẽ nào chẳng phải đồng nghĩa hay sao? Phạm chí đáp:
– Thưa Sa-môn Cù-đàm! Tuy Ngài nói như thế, nhưng Bà-la-môn tự khen rằng: “Chủng tộc của ta tôn quý nhất, không có chủng tộc nào hơn.”
Phật bảo Phạm chí:
– Lúc trước, ông khen ngợi người mẹ, nhưng về sau lại khen ngợi người cha. Nếu cha cũng chủng tộc Bà-la-môn, mẹ cũng chủng tộc Bà-la-môn, về sau sanh ra hai người con, một người giỏi nhiều nghề nghiệp, không việc gì là không biết, người thứ hai lại không biết gì cả. Khi đó cha mẹ thương mến người nào? Họ thương mến người con có trí tuệ? Hay thương mến người con không biết gì?
Phạm chí đáp:
– Cha mẹ kia đương nhiên sẽ thương mến người con thông minh, đức độ, không thể thương mến người con chẳng biết gì. Vì sao như vậy? Bởi vì một người con việc gì cũng biết, việc gì cũng giỏi, nên họ chỉ thương người con đó mà không thể thương người con chẳng biết gì.
Phật bảo Phạm chí:
– Nếu trong hai người con ấy, người thông minh lại khởi tâm tạo mười điều ác như sát sanh, trộm cướp, tà dâm...; người con không thông minh kia lại giữ gìn thân, miệng và ý, thực hành trọn vẹn mười điều thiện thì cha mẹ kia sẽ thương mến ai?
Phạm chí đáp:
– Cha mẹ kia chắc chắn sẽ thương đứa con thực hành mười điều thiện.
Người con kia làm việc bất thiện thì sao lại thương mến được?
Phật bảo Phạm chí:
– Lúc trước ông khen ngợi người nghe nhiều, về sau lại khen ngợi về giới hạnh. Nghĩa là sao, Phạm chí? Nếu lại có hai người con, một người có cha chuyên chánh nhưng mẹ không chuyên chánh, người kia thì cha không chuyên chánh nhưng mẹ chuyên chánh. Người con có mẹ chuyên chánh nhưng cha không chuyên chánh ấy, không điều gì là không biết, thông suốt các kinh sách, chú thuật. Người con thứ hai có cha chuyên chánh nhưng mẹ không chuyên chánh thì không học rộng hiểu nhiều, chỉ giữ gìn mười điều lành. Như vậy, cha mẹ của họ nên thương mến người con nào? Nên thương mến người có mẹ thanh tịnh nhưng cha không thanh tịnh? Hay nên thương mến người có cha thanh tịnh nhưng mẹ không thanh tịnh?
Phạm chí đáp:
– Nên thương mến người con có mẹ thanh tịnh. Vì sao như vậy? Do vì người con ấy am hiểu sách vở, thành thạo nhiều nghề nghiệp. Còn người thứ hai có cha thanh tịnh nhưng mẹ không thanh tịnh, tuy giữ giới nhưng không có trí tuệ thì rốt cuộc làm được gì? Bởi vì có nghe nhiều chắc chắn có giữ giới.
Phật bảo Phạm chí:
– Lúc nãy, ông khen ngợi cha thanh tịnh, không khen ngợi mẹ thanh tịnh. Bây giờ, lại khen ngợi mẹ thanh tịnh, không khen ngợi cha thanh tịnh. Trước ông khen ngợi nghe nhiều, sau lại khen giữ giới. Kế đó, ông lại khen về giới, sau mới nói đến nghe nhiều. Thế nào, này Phạm chí! Nếu hai người con dòng Phạm chí ấy, người thứ nhất học rộng nghe nhiều, lại giữ gìn mười điều lành, người thứ hai đã không có trí tuệ lại còn tạo mười điều ác, vậy cha mẹ nên thương mến người con nào?
Phạm chí đáp:
– Nên thương mến người con có cha thanh tịnh, mẹ không thanh tịnh. Vì sao như vậy? Bởi vì người ấy thông thạo các sách vở, hiểu biết nhiều nghề nghiệp, do cha thanh tịnh nên sanh con như thế, lại thêm giữ gìn mười điều lành, không hề trái phạm, hết thảy đức hạnh đều được vẹn toàn.
Đức Phật bảo:
– Trước đây ông nói về dòng họ, sau lại nói về nghe nhiều, không đề cập đến dòng họ; kế đến lại nói về giữ giới, không nói về nghe nhiều; về sau lại nói về nghe nhiều, chẳng nói về giới. Nay ông khen ngợi về cha mẹ, về nghe nhiều và giữ giới, lẽ nào chẳng phải mâu thuẫn với lời nói lúc trước ư?
Phạm chí bạch Phật:
– Thưa Sa-môn Cù-đàm! Tuy rằng nói như thế, nhưng Bà-la-môn tự xưng: “Chủng tộc của ta tôn quý nhất, không có chủng tộc nào hơn.”
Thế Tôn bảo:
– Những ai có kết hôn mới luận bàn về chủng tộc, nhưng trong giáo pháp của Ta không có điều này. Ông có nghe đến những người ở biên giới xa xôi và vùng biên địa khác không?
Phạm chí đáp:
– Thưa vâng, tôi có nghe những người như thế!
Thế Tôn bảo:
– Dân chúng ở những nơi ấy có hai hạng. Là những hạng nào? Một là người chủ, hai là tôi tớ, nhưng hai hạng này cũng không cố định.
Phạm chí lại hỏi:
– Vì sao không cố định? Thế Tôn bảo:
– Người ấy trước thì làm chủ, về sau lại làm tôi tớ; hoặc trước làm tôi tớ, về sau lại làm chủ. Tuy nhiên, hết thảy chúng sanh đều đồng một loại, không có nhiều hạng.33
Lại nữa, này Phạm chí! Khi trời đất bị tan hoại, thế gian đều trống rỗng, lúc ấy tất cả núi sông, đất đá, cỏ cây đều bị thiêu rụi hết, loài người cũng không còn. Thế rồi, lúc trời đất sắp thành lập trở lại, chưa có mặt trời, mặt trăng, thời gian và năm tháng.
Bấy giờ, có chư thiên ở cõi trời Quang Âm đến nơi này. Lúc ấy, phước đức của chư thiên cõi trời Quang Âm tiêu mất hết, không còn ánh sáng nữa. Họ dần dần nhìn nhau rồi khởi lên tưởng tham dục, kẻ nào lòng dục nhiều liền trở thành người nữ, lòng dục ít thì thành thân nam, dần dần giao hợp rồi thọ thai. Do nhân duyên này nên hình thành con người đầu tiên, rồi sanh ra bốn chủng tộc phân bố khắp trong thiên hạ. Do đây nên biết, hết thảy dân chúng đều phát xuất từ chủng tộc Sát-lợi.
[0799b06] Bấy giờ, Phạm chí bạch Phật:
– Thôi, thôi! Thưa Cù-đàm! Như người gù được đứng thẳng, người mù được sáng mắt, trong đêm tối được thấy ánh sáng, Sa-môn Cù-đàm cũng lại như vậy, Ngài đã dùng vô số phương tiện thuyết pháp cho con. Hôm nay, con xin được quy y với Sa-môn Cù-đàm, xin Ngài giảng nói pháp cho con, nhận con làm ưu-bà-tắc.
Lúc ấy, Phạm chí lại bạch Phật:
– Cúi xin Như Lai nhận lời thỉnh của con! Xin Ngài cùng chúng Tỳ-kheo đến nhà con thọ trai!
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh.
Thế rồi, thấy Phật im lặng nhận lời thỉnh, Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ra về. Trở về nhà, Phạm chí sắm sửa đầy đủ các món ăn thức uống, trải các chỗ ngồi, rưới nước thơm trên đất và tự nhủ thầm: “Ðức Như Lai sẽ ngồi chỗ này.”
Bấy giờ, Phạm chí Thí-la dẫn năm trăm đệ tử đến nhà Phạm chí Sí-ninh, từ xa đã thấy nhà ông ấy bày biện chỗ ngồi thật đẹp. Thấy như thế rồi, ông ta liền hỏi Phạm chí Sí-ninh:
– Hôm nay, ông đang làm lễ cưới gả cho con hay mời Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt đến nhà?
Phạm chí Sí-ninh đáp:
– Tôi không mời Vua Tần-bà-sa-la cũng không có việc cưới gả. Hôm nay, tôi muốn tạo dựng phước nghiệp lớn.
Phạm chí Thí-la hỏi:
– Mong được nghe ý này, ông định làm phước nghiệp gì? Bấy giờ, Phạm chí Sí-ninh trả lời Phạm chí Thí-la:
– Thí-la nên biết, có người con dòng họ Thích xuất gia học đạo, thành bậc Vô Thượng Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Nay tôi thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo, cho nên mới sửa soạn đầy đủ chỗ ngồi như vậy.
Lúc ấy, Phạm chí Thí-la hỏi Phạm chí Sí-ninh:
– Ông đang nói về đức Phật phải không? Phạm chí Sí-ninh trả lời:
– Tôi đang nói về đức Phật. Thí-la lại nói:
– Thật là kỳ diệu! Thật là đặc thù! Hôm nay, tôi mới nghe đến tiếng Phật.
Như Lai hiện tại đang ở đâu? Tôi muốn được diện kiến Ngài.
Sí-ninh đáp:
– Hiện tại, Phật cùng năm trăm đệ tử đang cư ngụ trong vườn trúc, ngoài thành La-duyệt. Nếu ông muốn diện kiến Ngài thì nên biết đúng thời.
Lúc ấy, Phạm chí Thí-la liền dẫn theo năm trăm đệ tử đi đến chỗ Phật. Đến nơi, ông ngỏ lời chào hỏi rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Phạm chí Thí-la liền nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm rất mực đoan chánh, thân sắc màu huỳnh kim. Trong sách vở của chúng ta cũng có ghi chép: ‘Như Lai xuất hiện ở đời rất là khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát34 đúng thời mới nở hoa. Nếu ai có đầy đủ ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp, sẽ có hai trường hợp: Nếu tại gia sẽ là bậc Chuyển Luân Thánh vương, đầy đủ bảy báu; nếu xuất gia học đạo thì sẽ thành tựu đạo Vô thượng, là bậc Chí Tôn trong ba cõi.’ Nay ta muốn được chiêm ngưỡng ba mươi hai tướng của Phật.”
Bấy giờ, Phạm chí chỉ thấy được ba mươi tướng, còn hai tướng nữa không thể thấy được, liền sanh nghi ngờ do dự vì không thấy được tướng lưỡi rộng dài và tướng mã âm tàng của Phật.
[0799c09] Lúc ấy, Phạm chí Thí-la liền dùng kệ hỏi:
Nghe nói bậc Đại Nhân,
Đủ ba mươi hai tướng,
Nay không thấy hai tướng,
Rốt cuộc ở chỗ nào?
Mã âm tàng trinh khiết,
Tướng ấy khó thí dụ,
Liệu có lưỡi rộng dài,
Phải chăng trùm mặt, tai?
Xin hiện tướng lưỡi dài,
Khiến tôi dứt nghi ngờ,
Lại cho tôi được thấy,
Để diệt trừ lưới nghi.35
Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng lưỡi liếm đến tai cả bên phải và bên trái, rồi thâu lưỡi trở lại. Thế rồi, Ngài liền nhập chánh định, khiến Phạm chí kia thấy được tướng mã âm tàng.
Khi đã được chiêm ngưỡng ba mươi hai tướng và tám mươi vẻ đẹp của Phật, Phạm chí thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng. Phạm chí Thí-la bạch Phật:
– Nay tôi là Bà-la-môn, Sa-môn thuộc dòng Sát-lợi; tuy nhiên Sa-môn hay Bà-la-môn đều cùng một con đường, đều tìm cầu một sự giải thoát. Sa-môn Cù- đàm36 có chấp nhận chúng ta cùng một con đường hay không?
Phật bảo Phạm chí:
– Ông thấy như vậy ư?
[0800a01] Phạm chí thưa:
– Tôi nhận thấy như vậy. Phật bảo Phạm chí:
– Ông nên khởi tâm hướng về sự giải thoát duy nhất. Ðó gọi là chánh kiến. Phạm chí bạch Phật:
– Chánh kiến là giải thoát duy nhất, hay còn có giải thoát nào khác? Thế Tôn bảo:
– Này Phạm chí! Có thứ giải thoát đưa đến cảnh giới Niết-bàn. Pháp đó gồm có tám. Ðó là chánh kiến, chánh tư duy,37 chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn,38 chánh niệm và chánh định. Này Phạm chí, đó là con đường gồm tám yếu tố39 đưa đến Niết-bàn.
Bấy giờ, Phạm chí bạch Phật:
– Có chúng sanh nào biết được con đường gồm tám yếu tố này chăng? Đức Thế Tôn bảo:
– Chẳng phải một trăm ngàn. Phạm chí nên biết! Có vô số trăm ngàn chúng sanh biết được con đường gồm tám yếu tố.
Phạm chí bạch Phật:
– Lại có chúng sanh nào không hiểu được con đường gồm tám yếu tố này chăng? Thế Tôn bảo:
– Chúng sanh không hiểu pháp này chẳng phải chỉ có một người. Phạm chí bạch Phật:
– Có chúng sanh nào không thể đắc pháp này? Đức Phật bảo:
– Chúng sanh không thể thành tựu con đường này gồm mười một hạng người. Là mười một hạng người nào? Ðó là, hạng gian dối, nói lời ác độc, khó can gián, không biết ơn, ưa ganh ghét, giết hại cha mẹ, giết A-la-hán, đoạn dứt căn lành và việc lành, trở lại làm ác, chấp ngã, khởi tâm xấu ác đối với Như Lai. Này Phạm chí! Ðó là mười một hạng người không thể đạt được con đường gồm tám yếu tố này.
Lúc đức Phật giảng nói về con đường gồm tám yếu tố này, Phạm chí ấy dứt sạch các phiền não, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, Phạm chí Thí-la bảo năm trăm đệ tử:
– Các ông đều có những điều tốt đẹp, hãy tự mình tu tập. Ta muốn ở chỗ Như Lai để khéo tu Phạm hạnh.
Các đệ tử thưa:
– Chúng con cũng muốn xuất gia học đạo.
Thế rồi, Phạm chí và năm trăm đệ tử đều quỳ xuống bạch đức Thế Tôn:
– Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng con được xuất gia học đạo! Phật bảo các Phạm chí:
– Thiện lai Tỳ-kheo! Đến chốn Như Lai rồi khéo tu Phạm hạnh thì dần dần sẽ chấm dứt cội gốc khổ đau.
Khi đức Như Lai nói lời này, năm trăm Phạm chí liền thành Sa-môn.
Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt giảng dạy giáo pháp vi diệu cho năm trăm người này. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là an vui. Thế Tôn cũng giảng nói rộng rãi cho các thầy ấy về những giáo pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường giảng là khổ, tập, diệt, đạo. Lúc ấy, năm trăm người vĩnh viễn dứt sạch các phiền não, đạt được pháp thượng nhân.
Bấy giờ, Phạm chí Sí-ninh đến thưa:
– Ðã đúng thời, cúi xin Thế Tôn quang lâm!
[0800b01] Thế rồi, đức Phật bảo Thí-la và năm trăm Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy đắp y, ôm bát!
Bấy giờ, đức Phật cùng một ngàn vị Tỳ-kheo tuần tự trước sau đi vào thành, đến nhà Phạm chí rồi ngồi vào tòa đã soạn sẵn.
Thấy năm trăm Bà-la-môn đều trở thành Sa-môn, Phạm chí Sí-ninh liền khen ngợi:
– Lành thay, chư Hiền! Cốt yếu hướng đạo, không gì hơn đây! Lúc ấy, Tỳ-kheo Thí-la nói kệ này cho Sí-ninh:
Không có pháp nào khác
Hơn pháp cốt yếu này,
So sánh giống như vậy,
Không thiện nào hơn đây!
Bấy giờ, Phạm chí Sí-ninh thưa với đức Thế Tôn:
– Cúi xin Thế Tôn đợi thêm giây lát để chúng con chuẩn bị thêm thức ăn! Đức Thế Tôn bảo:
– Thức ăn đã chuẩn bị xong, đúng giờ cứ bày biện ra, đừng sợ thiếu hụt.
Thế rồi, Phạm chí Sí-ninh vui mừng không kể xiết, đích thân đem thức ăn cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo. Khi Thế Tôn thọ trai xong, ông dọn rửa bát, dùng nhiều loại hoa rải lên Phật và chúng Tỳ-kheo-tăng rồi đến trước bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Hết thảy người lớn kẻ nhỏ, nam nữ trong nhà con đều xin được làm đệ tử tại gia.40
Lúc ấy, phu nhân của Phạm chí đang mang thai, liền bạch Phật:
– Con đang mang thai, chẳng biết là con trai hay con gái, nhưng con của con cũng xin quy y Như Lai. Xin Ngài nhận chúng con làm ưu-bà-di.
Thế rồi, đức Phật giảng nói pháp vi diệu cho đại chúng. Ở trên tòa, Ngài nói kệ này:
Lành thay phước báu này,
Được quả như ý nguyện,
Dần đến nơi an lạc,
Hoạn nạn trọn chẳng còn.
Chết sanh lên cõi trời,
Dẫu thiên ma trên đó,
Cũng không thể khiến cho,
Người làm phước mang tội.
Những ai tìm phương tiện,
Ðược trí tuệ Thánh hiền,
Sẽ dứt gốc khổ đau,
Tám nạn xa lìa hẳn.
Bấy giờ, khi nói kệ ấy rồi, Thế Tôn liền rời tòa đứng dậy ra về.
Khi ấy, Phạm chí Sí-ninh nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta thường ngày chỉ ngồi ăn một bữa42 nên thân thể nhẹ nhàng, thể lực khỏe mạnh. Tỳ-kheo các thầy cũng nên ăn một bữa để thân thể nhẹ nhàng, thể lực khỏe mạnh, thành tựu Phạm hạnh.
[0800c01] Bấy giờ, Bạt-đề-bà-la43 bạch Thế Tôn:
– Con không thể kham nổi việc ăn một bữa. Vì sao như vậy? Vì thể lực của con yếu kém.
Phật dạy:
– Ta cho phép thầy đến nhà đàn-việt, ăn một phần và đem về một phần. Bạt-đề-bà-la bạch Phật:
– Con cũng không thể kham nổi phương cách này. Thế Tôn bảo:
– Ta cho phép thầy bỏ thọ trai, được ăn suốt ngày. Bạt-đề-bà-la thưa:
– Con cũng không thể kham được phương cách này. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng không trả lời.
Lúc ấy, mặt trời sắp lặn, trời đã gần tối, Ca-lưu-đà-di đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Vào lúc trời tối mịt thì Ưu-đà-di44 dần dần đi đến nhà một trưởng giả. Phu nhân của trưởng giả ấy đang mang thai, nghe Sa-môn khất thực ngoài cửa, liền đích thân đem cơm ra cúng. Do vì thầy Ca-lưu-đà-di có làn da rất đen, hơn nữa, khi ấy trời sắp mưa, sấm chớp tứ bề, phu nhân của trưởng giả đi ra cửa, thấy Sa-môn mặt mày đen thui, liền kinh hoàng la thất thanh:
– Ôi quỷ! Trời ơi! Ta gặp con quỷ.
Ngay khi ấy phu nhân bị sẩy thai rồi đứa bé lập tức qua đời.
Khi trở về tinh xá, Ca-lưu-đà-di lo buồn, không vui, ngồi một mình tư duy, hối hận không còn kịp nữa.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ lan truyền tiếng xấu: “Sa-môn họ Thích sử dụng chú thuật làm sẩy thai người.”
Mọi người trong thành ấy bàn tán với nhau:
– Thời nay, các Sa-môn đi đứng không chừng mực, ăn uống chẳng đúng thời, đâu có khác gì so với hàng cư sĩ tại gia?
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo đều nghe dân chúng bàn luận như vầy:
– Sa-môn họ Thích không biết chừng mực, đi đứng chẳng kiêng dè.
Trong số đó, các Tỳ-kheo giữ gìn giới luật vẹn toàn cũng tự oán trách mình:
– Thật chẳng phù hợp với chúng ta, ăn uống không chừng mực, đi đứng không đúng thời, thật là điều sai trái đối với chúng ta.
Các vị ấy cùng nhau đến chỗ đức Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi đem nhân duyên này thưa lại đầy đủ với Thế Tôn.
Thế rồi, Phật bảo một Tỳ-kheo:
– Thầy hãy đi gọi Ca-lưu-đà-di đến đây.
Vâng lời Phật dạy, Tỳ-kheo ấy liền đi gọi Ca-lưu-đà-di.
Bấy giờ, nghe Phật gọi, Ưu-đà-di liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, Thế Tôn hỏi Ưu-đà-di:
– Có phải chiều hôm qua, thầy đi vào thành rồi đến nhà trưởng giả khất thực nên khiến phu nhân của ông ấy bị sẩy thai?
Ca-lưu-đà-di bạch Phật:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Phật bảo Ưu-đà-di:
– Vì sao thầy không phân định được thời gian, vào lúc trời sắp mưa mà lại vào thành khất thực? Ðiều này chẳng phù hợp với thầy, vì sao người thiện nam đã xuất gia học đạo mà còn tham đắm sự ăn uống?
[0801a03] Lúc ấy, Ca-lưu-đà-di liền đứng dậy bạch Phật:
– Từ nay về sau, con không dám tái phạm. Cúi xin Thế Tôn cho con xin sám hối!
Thế rồi, Phật dạy Tôn giả A-nan:
– Hãy mau đánh kiền chùy, tập hợp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội.
Vâng lời Phật dạy, A-nan liền tập hợp các Tỳ-kheo tại giảng đường rồi đến trước Phật, thưa:
– Bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo đã tập hợp, xin Ngài biết đúng thời.
Lúc ấy, Thế Tôn liền đến giảng đường, ngồi vào giữa tòa rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở quá khứ, các đức Phật, Thế Tôn đều ngồi ăn một bữa, các hàng Thanh văn cũng ngồi ăn một bữa. Thời tương lai, các đức Phật và chúng đệ tử sẽ ngồi ăn một bữa. Vì sao như thế? Vì đó là pháp cốt lõi để hành đạo, cho nên chỉ ngồi ăn một bữa. Nếu ai có thể ngồi ăn một bữa thì thân thể nhẹ nhàng, tâm được khai mở. Tâm đã mở thì có được các căn lành, đã được căn lành thì thành tựu chánh định, đã thành tựu chánh định thì biết đúng như thật. Thế nào gọi là biết đúng như thật? Nghĩa là khổ thì biết như thật là khổ. Khổ tập thì biết như thật là khổ tập. Khổ diệt thì biết như thật là khổ diệt. Khổ diệt đạo thì biết như thật là khổ diệt đạo. Các thầy là bậc thiện nam, đã xuất gia học đạo, bỏ tám nghiệp45 ở đời mà không biết đúng thời thì cũng như kẻ tham dục kia, đâu có khác biệt gì? Phạm chí có pháp riêng của Phạm chí, ngoại đạo cũng có pháp riêng của ngoại đạo.
Lúc ấy, Tôn giả Ưu-ba-ly bạch đức Thế Tôn:
– Chư Phật thời quá khứ và chư Phật thời tương lai đều ngồi ăn một bữa. Cúi xin Thế Tôn hạn định thời gian thọ thực cho các Tỳ-kheo!
Thế Tôn bảo:
– Như Lai cũng biết về điều này, nhưng vì chưa có người sai phạm. Chừng nào có người phạm tội ngay trước mắt thì Ta mới chế giới để ngăn ngừa.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta thường ngồi ăn một bữa, các thầy cũng nên ngồi ăn một bữa. Từ nay, các thầy nên ăn vào giờ giữa trưa, không được quá giờ. Các thầy cũng phải học pháp khất thực. Thế nào là Tỳ-kheo học pháp khất thực? Ở đây, này Tỳ-kheo! Chỉ vì để duy trì mạng sống nên khi có được thức ăn cũng không vui mừng, khi không có thức ăn cũng chẳng buồn lo. Nếu khi có được thức ăn thì tư duy mà ăn, không có tâm tham đắm, chỉ muốn thân này được tồn tại, trừ cảm thọ cũ,46 không sanh cảm thọ mới, khiến cho đầy đủ sức khỏe. Như vậy, này Tỳ-kheo! Đó gọi là khất thực. Này các thầy Tỳ-kheo! Nên ngồi ăn một bữa.
[0801b02] Thế nào gọi là Tỳ-kheo chỉ ngồi ăn một bữa? Ăn xong, nếu đứng dậy thì không được ngồi ăn trở lại, nếu ăn trở lại thì phạm. Như vậy, này Tỳ- kheo, đó gọi là ngồi ăn một bữa. Tỳ-kheo các thầy cũng nên nhận thức ăn rồi mới ăn.
Thế nào gọi là Tỳ-kheo nhận thức ăn rồi mới ăn? Ở đây, này Tỳ-kheo! Đã có thức ăn rồi, lại có trai chủ cúng thêm lần nữa, tức là đã ăn xong rồi lại có thức ăn thì không ăn trở lại. Như thế, này Tỳ-kheo! Đó là nhận thức ăn rồi mới ăn.
Tỳ-kheo các thầy cũng nên mặc ba pháp y, ngồi bên gốc cây, ngồi chỗ vắng lặng, thực hành khổ hạnh ngồi nơi đất trống, nên mặc y phấn tảo, nên ở nơi bãi tha ma, nên mặc y thô xấu. Vì sao như thế? Bởi vì người ít muốn thường được khen ngợi.
Hôm nay, Ta dạy các thầy, hãy như Tỳ-kheo Ca-diếp. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo Ca-diếp tự mình tu tập mười một pháp Đầu-đà,47 cũng dạy người thực hành theo pháp cốt lõi này.
Hôm nay, Ta dạy các thầy, hãy như Tỳ-kheo Diện Vương. Vì sao như vậy?
Vì Tỳ-kheo Diện Vương mặc y thô xấu, không mặc y tốt đẹp.
Này Tỳ-kheo! Ðây là lời dạy bảo của Ta, hãy ghi nhớ mà tu tập. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, trong suốt ba tháng, Tỳ-kheo Bạt-đề-bà-la không đến chỗ Thế Tôn. Lúc ấy, vừa hết ba tháng, A-nan đến chỗ Tỳ-kheo Bạt-đề-bà-la và nói:
– Nay chúng Tăng đang khâu vá y phục, do vậy, Thế Tôn sẽ đi du hóa nhân gian. Bây giờ thầy không đến, về sau hối tiếc cũng vô ích.
Thế rồi, A-nan dẫn Bạt-đề-bà-la đến chỗ đức Thế Tôn, rồi Bạt-đề-bà-la cúi đầu lễ sát chân Phật và thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài cho con sám hối, từ nay về sau con không dám tái phạm! Như Lai chế giới cấm mà con không thọ trì. Cúi xin Ngài rủ lòng tha thứ!
Thầy ấy thưa ba lần như thế. Lúc ấy, đức Phật bảo:
– Cho phép thầy sám hối lỗi lầm, về sau chớ tái phạm. Vì sao như thế? Ta nhớ lại trong vô số kiếp sanh tử, hoặc có khi làm thân lừa, thân la, thân lạc đà, thân voi, thân ngựa, thân heo, thân dê, lấy cỏ để nuôi thân bốn đại, hoặc ở trong địa ngục nuốt hòn sắt nóng, hoặc làm ngạ quỷ thường ăn máu mủ, hoặc làm thân người ăn ngũ cốc, hoặc làm thân cõi trời ăn những vị ngon ngọt tự nhiên. Trong vô số kiếp, thân mạng cùng đua tranh, chưa từng nhàm chán.
Ưu-ba-ly48 nên biết! Như lửa gặp củi không bao giờ là đủ, như biển chứa các dòng không bao giờ đầy, người phàm phu cũng như thế, tham ăn không biết nhàm chán.
[0801c02] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Sanh tử không chấm dứt,
Bởi tham dục ngập tràn,
Oán ghét trưởng dưỡng ác,
Người ngu tập tành theo.
Thế nên, này Bạt-đề-bà-la! Nên ghi nhớ ít muốn biết đủ, chớ khởi tưởng tham đắm, khởi các niệm tán loạn.
Thật vậy, này Ưu-ba-ly!49 Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, nghe Như Lai dạy bảo rồi, Bạt-đề-bà-la ở chỗ vắng vẻ, kiểm thúc tự thân. Sở dĩ một người thiện nam xuất gia học đạo là vì muốn tu tập Phạm hạnh vô thượng, rồi vị ấy biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Thế rồi, Bạt-đề-bà-la liền chứng đắc A-la-hán. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Ta, người ăn uống nhiều lần nhất trong hàng Thanh văn chính là Tỳ-kheo Cát Hộ.50
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại thôn Ương-nghệ.52
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Dân chúng đều gọi các thầy là Sa-môn. Giả sử có ai hỏi: “Các thầy có phải là Sa-môn không?” Các thầy cũng nên đáp: “Chúng tôi là Sa-môn.”
Hôm nay, Ta bảo các thầy: “Các thầy nên nhớ nghĩ, tu tập hạnh Sa-môn cũng như hạnh Bà-la-môn, về sau chắc chắn thành tựu kết quả như thật không sai khác.” Vì sao như thế? Vì có hai hạng Sa-môn: Sa-môn thực hành và Sa- môn phát nguyện.
Thế nào gọi là Sa-môn thực hành? Đó là, vị Tỳ-kheo đi đứng, tới lui, nhìn ngó, dung mạo, đắp y, ôm bát, thảy đều đúng như pháp, không tham đắm các dục, không sân hận, không ngu si, siêng năng trì giới, không phạm điều sai trái, học tập các giới. Ðó gọi là Sa-môn thực hành.
Thế nào gọi là Sa-môn phát nguyện? Đó là, như vị Tỳ-kheo có oai nghi giới luật, ra vào, tới lui, đi đứng, dung mạo, nhìn ngó, cử động thảy đều như pháp, diệt sạch hữu lậu thành tựu vô lậu, ở trong đời hiện tại được chứng đắc, an trú và biết rõ như thật: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Ðó gọi là Sa-môn phát nguyện.
Này Tỳ-kheo! Đó là hai hạng Sa-môn. Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Thế nào gọi là pháp hành của Sa-môn và pháp hành của Bà-la-môn?
[0802a01] Phật bảo A-nan:
– Đó là, Tỳ-kheo khi ăn uống thì biết vừa đủ, ngày đêm đi kinh hành, luôn luôn đúng thời, tu tập các đạo phẩm.53
Thế nào gọi là Tỳ-kheo các căn luôn vắng lặng? Đó là, Tỳ-kheo nếu mắt thấy sắc nhưng không khởi tưởng dính mắc, không khởi các niệm tán loạn, nhờ đó mà nhãn căn được thanh tịnh, trừ bỏ các niệm ác, không nghĩ nhớ pháp bất thiện. Hoặc tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm và ý biết pháp, không khởi tưởng dính mắc, không khởi các niệm tán loạn, nhờ đó mà ý căn được thanh tịnh. Như thế gọi là Tỳ-kheo các căn được thanh tịnh.
Thế nào là Tỳ-kheo ăn uống biết vừa đủ? Đó là, Tỳ-kheo lượng sức mình mà ăn, không mong cầu béo tốt, chỉ vì muốn khiến cho thân này được tồn tại, trừ cảm thọ cũ, không sanh cảm thọ mới, thành tựu Phạm hạnh. Cũng như thân của người nam hoặc người nữ có vết thương thì tùy thời dùng thuốc để chữa trị, vì muốn cho vết thương mau lành. Nay Tỳ-kheo cũng lại như thế, lượng sức mình mà ăn. Sở dĩ dùng dầu mỡ bôi vào xe là vì muốn đi xa, Tỳ-kheo lượng sức mình mà ăn là vì muốn duy trì mạng sống. Như thế gọi là Tỳ-kheo ăn uống biết vừa đủ.
Thế nào là Tỳ-kheo thường biết tỉnh giác? Đó là, Tỳ-kheo vào đầu đêm, cuối đêm thường biết tỉnh giác, tư duy về pháp ba mươi bảy đạo phẩm. Ban ngày thì kinh hành trừ bỏ niệm ác, các tưởng kiết sử. Vào đầu đêm, cuối đêm thì đi kinh hành, trừ bỏ các kiết sử, các tưởng bất thiện. Vào giữa đêm thì nằm nghiêng hông bên phải, hai chân duỗi xếp lên nhau, hướng về tưởng ánh sáng, vào lúc cuối đêm thì đi kinh hành tới lui, trừ bỏ niệm bất thiện. Như thế gọi là Tỳ-kheo biết tỉnh giác.
Như vậy, này A-nan! Ðây là hạnh cốt lõi của Sa-môn. Thế nào gọi là hạnh cốt lõi của Bà-la-môn?
Ở đây, Tỳ-kheo đối với khổ thì biết như thật là khổ. Khổ tập, khổ diệt, khổ diệt đạo, đều biết rõ như thật. Sau đó, tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu nên thành tựu giải thoát. Khi đã giải thoát rồi liền thành tựu trí giải thoát và biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Ðây gọi là pháp cốt lõi của hạnh Bà-la-môn. A-nan nên biết! Ðây là nghĩa về hạnh cốt lõi vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Sa-môn là Sa-môn,54
Diệt trừ các điều ác,
Phạm chí tức thanh tịnh,
Trừ sạch tưởng tán loạn.
[0802b02] Thế nên, này A-nan! Nên nghi nhớ, tu tập pháp hành của Sa-môn và pháp hành của Bà-la-môn. Nếu chúng sanh nào tu tập các pháp này thì về sau sẽ xứng đáng là Sa-môn.
Lại nữa, vì sao gọi là Sa-môn? Vì vĩnh viễn chấm dứt các kiết sử nên gọi là Sa-môn.
Lại nữa, vì sao gọi là Bà-la-môn? Vì trừ sạch các pháp mê lầm nên gọi là Bà-la-môn,55 cũng gọi là Sát-lợi.
Lại nữa, vì sao gọi là Sát-lợi? Do đoạn trừ tham, đoạn trừ sân và đoạn trừ si nên gọi là Sát-lợi, cũng gọi là tắm gội.
Vì sao gọi là tắm gội? Do tẩy trừ sạch hai mươi mốt kiết sử56 nên gọi là tắm gội, cũng gọi là giác ngộ.
Vì sao gọi là giác ngộ? Do biết rõ pháp nào mê lầm, pháp nào sáng suốt nên gọi là giác ngộ, cũng gọi là bờ kia.
Vì sao gọi là bờ kia? Do từ bờ bên này đến bờ bên kia nên gọi là bờ kia. Này A-nan! Hãy hành trì pháp này, về sau mới gọi là Sa-môn, Bà-la-môn.
Nghĩa này như thế nên ghi nhớ phụng hành.
Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ ở vườn Ni-câu-lưu của dân chúng họ Thích, thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ.
Bấy giờ, Vương tử Ðề-bà-đạt-đa58 đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Cúi xin Ngài chấp thuận cho con được làm Sa-môn! Phật bảo Ðề-bà-đạt-đa:
– Ông nên sống đời tại gia rồi làm việc bố thí, cúng dường, vì làm Sa-môn thật chẳng dễ dàng.
Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa bạch Phật đến lần thứ ba:
– Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài cho phép con được xuất gia ở hàng thấp nhất. Phật lại bảo:
– Ông nên sống đời tại gia, không nên xuất gia tu tập theo hạnh Sa-môn. Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa liền nghĩ như vầy: “Sa-môn này có lòng ganh ghét,
nay ta tự mình cạo tóc, khéo tu Phạm hạnh, cần gì Sa-môn ấy?”
Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa liền trở về, tự cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa rồi tự xưng: “Ta là hàng Thích tử.”
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo tên là Tu-la-đà, tu hạnh Đầu-đà, hành pháp khất thực, mặc y phấn tảo, thông suốt năm thông. Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa liền đến chỗ Tỳ-kheo kia, cúi đầu lễ sát chân rồi thưa:
– Cúi xin Tôn giả giảng nói giáo pháp cho tôi, khiến tôi được an ổn lâu dài!
[0802c01] Khi ấy, Tỳ-kheo Tu-la-đà liền giảng nói về các oai nghi phép tắc, tư duy về pháp này, xả bỏ điều này thì đạt được điều kia. Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa theo như lời Tỳ-kheo ấy dạy bảo, không chút sai sót.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa thưa Tỳ-kheo kia:
– Cúi xin Tôn giả dạy bảo pháp thần túc cho tôi, tôi có thể tu hành theo pháp ấy!
Bấy giờ, Tỳ-kheo lại giảng dạy về pháp thần túc:
– Nay ông nên học tập sự tăng giảm59 của tâm ý, khi đã biết về sự tăng giảm của tâm ý thì nên phân biệt về bốn đại, về sự tăng giảm của đất, nước, lửa và gió. Khi đã biết được sự tăng giảm của bốn đại thì nên tu tập về định Tự tại. Khi đã tu tập về định Tự tại, lại nên tu tập về định Dũng mãnh. Khi đã tu tập về định Dũng mãnh, lại nên tu tập về định Tâm ý. Khi đã tu tập về định Tâm ý, lại nên tu tập về định Tự giới. Khi đã tu tập về định Tự giới thì chẳng bao lâu nữa sẽ thành tựu thần túc.
Lúc ấy, vâng lời dạy bảo của Tỳ-kheo kia, Ðề-bà-đạt-đa tự biết về sự tăng giảm của tâm ý, lại biết về sự tăng giảm của bốn đại, tu tập trọn vẹn các chánh định, không chút sai sót. Thế rồi, chẳng bao lâu, Đề-bà-đạt-đa liền thành tựu được thần túc. Từ đó, với vô số phương tiện, ông ta biến hóa không thể tính kể. Bấy giờ, danh tiếng của Ðề-bà-đạt-đa được lan truyền khắp bốn phương.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa dùng sức thần túc lên đến cõi trời Ba Mươi Ba, hái các loài hoa như hoa sen xanh,60 hoa sen trắng61 đem về dâng cho Thái tử A-xà-thế và bảo:
– Hoa này có nguồn gốc từ cõi trời Ba Mươi Ba, Thích-đề-hoàn-nhân sai đem đến dâng lên Thái tử.
Bấy giờ, thấy Ðề-bà-đạt-đa có thần túc như thế, thái tử liền tùy thời cúng dường, cung cấp các vật dụng cần thiết. Thái tử lại nghĩ: “Thần túc của Đề-bà- đạt-đa thật khó có ai sánh kịp.”
Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa lại tự ẩn thân mình, biến thành đứa bé ngồi lên đầu gối của thái tử.
Lúc ấy, các thể nữ đều nghĩ: “Ðây là ai vậy, là quỷ ư? Hay là thiên thần?” Bàn tán chưa dứt thì Ðề-bà lại hóa thân trở lại như cũ.
Bấy giờ, thái tử và các cung phi đều khen ngợi:
– Đây thật sự là Ðề-bà-đạt-đa!
Họ liền cung cấp những vật dụng cần dùng và lan truyền những lời như vầy:
– Danh tiếng và đức hạnh của Ðề-bà-đạt-đa không thể nói hết được.
Lúc ấy, số đông Tỳ-kheo nghe những điều này, liền đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi thưa:
– Ðề-bà-đạt-đa có thần túc rất lớn nên thường nhận được y phục, thức ăn uống, giường đệm và thuốc men.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy chớ khởi tâm dính mắc về lợi dưỡng của Ðề-bà-đạt-đa, lại cũng đừng khen ngợi sức thần túc của ông ấy. Cũng do thần túc này mà ông ấy sẽ bị đọa trong ba đường ác. Lợi dưỡng mà Ðề-bà-đạt-đa có được cũng như thần túc của ông ấy sẽ chấm dứt. Vì sao như thế? Vì Ðề-bà-đạt-đa sẽ tự mình tạo nghiệp từ thân, miệng và ý.
[0803a04] Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm có thần túc, ta cũng có thần túc. Sa-môn Cù-đàm hiểu biết, ta cũng hiểu biết. Sa-môn Cù-đàm thuộc chủng tộc cao quý, ta cũng thuộc chủng tộc cao quý. Nếu Sa-môn Cù- đàm hiện một thần túc, ta sẽ hiện hai thần túc. Sa-môn Cù-đàm hiện hai thần túc, ta sẽ hiện bốn thần túc. Đối phương hiện tám thần túc, ta hiện mười sáu thần túc. Đối phương hiện mười sáu thần túc, ta hiện ba mươi hai thần túc. Tùy theo sức hóa hiện của Sa-môn ấy mà ta sẽ biến hóa gấp bội.”
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo nghe Ðề-bà-đạt-đa nói như vậy, hơn năm trăm Tỳ- kheo đến chỗ Ðề-bà-đạt-đa và năm trăm Tỳ-kheo ấy đã được thái tử cúng dường.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên bảo nhau:
– Chúng ta cùng đi đến chỗ Ðề-bà-đạt-đa để nghe ông ấy giảng về những luận thuyết gì.
Hai Tôn giả liền cùng nhau đi đến chỗ Ðề-bà-đạt-đa.
Bấy giờ, từ xa trông thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi đến, Ðề-bà-đạt- đa liền bảo các Tỳ-kheo:
– Hai người này là đệ tử của Tất-đạt. Ông ta rất đỗi vui mừng.
Đến nơi, hai Tôn giả cùng chào hỏi rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đều nghĩ: “Hôm nay, hết thảy đệ tử của Phật Thích- ca đều quy hướng về Ðề-bà-đạt-đa.” Lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Thầy có thể thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo chăng? Tôi bị đau lưng nên muốn nghỉ ngơi chốc lát.
Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa liền nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xếp lên nhau, do trong lòng vui mừng nên ngủ thiếp đi.
Bấy giờ, thấy Ðề-bà-đạt-đa đã ngủ, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên liền dùng thần túc đem các Tỳ-kheo bay lên hư không rời đi.
Khi thức dậy, không thấy các Tỳ-kheo nữa, Ðề-bà-đạt-đa quá đỗi tức giận nên nói như vầy:
– Nếu ta không trả được thù này thì không gọi là Ðề-bà-đạt-đa nữa!
Ðây là lần đầu tiên Ðề-bà-đạt-đa phạm tội ngũ nghịch và khi vừa khởi tâm ấy, Ðề-bà-đạt-đa liền bị mất hết thần túc.
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo bạch Phật:
– Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa có thần túc rất lớn mới có thể phá hoại Thánh chúng. Phật dạy:
– Không phải chỉ hôm nay Ðề-bà-đạt-đa mới phá hoại Thánh chúng, trong thời quá khứ, ông ta cũng thường phá hoại Thánh chúng. Vì sao như thế? Trong thời quá khứ, Ðề-bà-đạt-đa cũng phá hoại Thánh chúng, lại khởi ý ác: “Ta sẽ bắt Sa-môn Cù-đàm rồi giết hại để làm Phật trong ba cõi, để làm bậc Tối tôn, không ai sánh bằng.”
[0803b04] Khi ấy, Ðề-bà-đạt-đa nói với Vua A-xà-thế:
– Thuở xưa, tuổi thọ con người rất dài, ngày nay tuổi thọ rất ngắn. Giả sử một mai Vương thái tử lâm chung thì thật là uổng phí một đời. Sao ngài không bắt phụ vương rồi giết đi để lên ngôi vua? Tôi sẽ giết Như Lai và sẽ làm Phật. Vua mới, Phật mới chẳng phải là thích thú lắm sao?
Bấy giờ, A-xà-thế liền sai lính canh bắt vua cha giam vào ngục, tự lên ngôi vua, cai trị dân chúng.
Lúc ấy, quần thần bàn tán với nhau:
– Người con này khi chưa sanh đã xem là oan gia. Nhân đó mới gọi là Vua A-xà-thế.
Bấy giờ, thấy A-xà-thế đã hại phụ vương rồi, Ðề-bà-đạt-đa lại nghĩ: “Ta sẽ bắt Sa-môn Cù-đàm rồi giết hại.”
Lúc ấy, Thế Tôn đang ngụ ở bên một sườn núi nhỏ, cạnh núi Kỳ-xà quật.
Thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa leo lên núi Kỳ-xà quật, tự tay nhấc một tảng đá lớn dài ba mươi khuỷu tay, rộng mười lăm khuỷu tay ném vào Thế Tôn. Lúc ấy, thần núi là quỷ Kim-tỳ-la thường ngụ nơi ngọn núi ấy, thấy Ðề-bà-đạt-đa vác đá ném Phật, liền đưa tay đỡ sang nơi khác.
Bấy giờ, tảng đá vỡ ra và một mảnh nhỏ trúng vào chân Như Lai nên lập tức chảy máu.
Lúc ấy, thấy như vậy, Thế Tôn bảo Ðề-bà-đạt-đa:
– Ông khởi tâm muốn hại Như Lai, đây là tội ngũ nghịch thứ hai.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa suy nghĩ: “Rốt cuộc hôm nay ta không hại được Sa- môn Cù-đàm thì sẽ tìm cách khác.”
Ông ta liền bỏ đi, đến chỗ A-xà-thế rồi tâu vua:
– Hãy cho con voi hung ác62 uống rượu say, khiến nó giết hại Sa-môn. Vì sao như vậy? Vì con voi này hung bạo, ắt có thể hại được Sa-môn Cù-đàm. Nếu Sa-môn có Nhất thiết trí thì ngày mai chắc chắn sẽ không vào thành khất thực, nếu không có Nhất thiết trí thì ngày mai Sa-môn sẽ vào thành khất thực và nhất định sẽ bị voi dữ này giết hại.
Khi ấy, Vua A-xà-thế liền đem rượu mạnh cho voi uống say rồi ra lệnh cho dân chúng trong nước:
– Ai muốn được an ổn, thương tiếc thân mạng của mình thì ngày mai chớ đi lại trong thành.
Bấy giờ, Thế Tôn đúng thời đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực. Hay tin Vua A-xà-thế cho voi uống rượu say muốn hại Thế Tôn, bốn bộ chúng nam, nữ, già, trẻ trong nước cùng nhau đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Ngài rồi thưa:
– Cúi xin Thế Tôn chớ vào thành La-duyệt khất thực! Vì sao như vậy? Vì Vua A-xà-thế sẽ cho voi uống rượu say, muốn hại Thế Tôn.
[0803c05] Phật bảo các ưu-bà-tắc:
– Bậc Ðẳng Chánh Giác thì không bao giờ bị người khác làm hại.
Lúc ấy, dù được dân chúng cảnh báo như vậy, nhưng Thế Tôn vẫn đi vào thành. Khi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, voi dữ vô cùng hung hãn chạy về phía Như
Lai, muốn làm hại Ngài. Thấy voi chạy đến, Phật liền nói kệ này:
Voi chớ làm hại Rồng,
Gặp Rồng lớn63 rất khó,
Do không làm hại Rồng,
Ðược sanh vào cõi lành.
Thế rồi, nghe Như Lai nói kệ này xong, voi kia liền đến trước Như Lai, quỳ mọp xuống rồi liếm chân Ngài. Lúc ấy, do vì hối hận, tâm không an ổn nên voi liền chết, rồi được sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba.
Bấy giờ, thấy voi đã chết, Vua A-xà-thế và Ðề-bà-đạt-đa buồn rầu vô hạn. Ðề-bà-đạt-đa nói với vua:
– Sa-môn Cù-đàm đã giết chết voi. Vua đáp:
– Sa-môn Cù-đàm này có sức thần rất lớn, có nhiều phép thuật mới có thể niệm chú khiến voi chết.
Vua A-xà-thế lại nói:
– Sa-môn này chắc phải có đầy đủ oai đức mới không bị voi dữ làm hại. Ðề-bà-đạt-đa đáp:
– Sa-môn Cù-đàm có chú thuật làm mê hoặc, có thể khiến ngoại đạo dị học thảy đều hàng phục, huống gì loài súc sanh.
Khi ấy, Ðề-bà-đạt-đa liền suy nghĩ: “Ta quan sát thấy tâm Vua A-xà-thế muốn hối cải.”
Thế nên, Ðề-bà-đạt-đa lo buồn, không vui, liền ra khỏi thành La-duyệt. Bấy giờ, từ xa thấy Ðề-bà-đạt-đa đi đến, Tỳ-kheo-ni Pháp Thí nói với Ðề- bà-đạt-đa:
– Điều ông đã làm quá ư sai quấy, bây giờ sám hối lỗi lầm còn dễ, chứ để về sau sẽ rất khó khăn.
Nghe những lời nói này, Ðề-bà-đạt-đa càng thêm tức giận, vội trả lời:
– Tiện tỳ đầu trọc! Ta có lỗi lầm gì mà hôm nay thì dễ, ngày mai lại khó? Tỳ-kheo-ni Pháp Thí đáp:
– Ông đang đi với kẻ ác và cùng tạo các cội rễ bất thiện.
Bấy giờ, do lửa sân thiêu đốt nên Ðề-bà-đạt-đa liền dùng tay đánh chết Tỳ- kheo-ni.
[0804a01] Sau khi giết hại bậc Chân nhân, Ðề-bà-đạt-đa trở về phòng mình rồi bảo các đệ tử:
– Các ông nên biết! Ta đã từng khởi tâm hướng đến Sa-môn Cù-đàm, nhưng theo nghĩa lý thì một bậc La-hán không nên khởi tâm xấu ác đối với một bậc La-hán. Hôm nay, ta nên hướng về Sa-môn Cù-đàm để sám hối.
Thế rồi, do vì lo buồn, không vui, Ðề-bà-đạt-đa nhanh chóng lâm bệnh nặng. Ðề-bà-đạt-đa bảo các đệ tử:
– Ta không đủ sức đến gặp Sa-môn Cù-đàm. Các ông hãy giúp ta đến chỗ Sa-môn kia.
Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa bôi thuốc độc vào mười đầu ngón tay, bảo các đệ tử:
– Các ông hãy khiêng ta đến chỗ Sa-môn kia.
Bấy giờ, các đệ tử liền khiêng Ðề-bà-đạt-đa đến chỗ Thế Tôn.
Lúc ấy, từ xa thấy Ðề-bà-đạt-đa đến, Tôn giả A-nan liền bạch Phật:
– Ðề-bà-đạt-đa đang đến, chắc có tâm hối cải, muốn hướng về Thế Tôn cầu xin sửa đổi, sám hối lỗi lầm.
Phật bảo A-nan:
– Ðề-bà-đạt-đa không thể nào đến chỗ Như Lai được. Bấy giờ, A-nan bạch Phật đến lần thứ ba:
– Hôm nay, Ðề-bà-đạt-đa muốn đến đây cầu xin sám hối lỗi lầm. Phật bảo A-nan:
– Người ác ấy không bao giờ đến chỗ Như Lai được, vì hôm nay mạng căn của ông ta đã chín muồi.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa đến chỗ Thế Tôn, bảo các đệ tử:
– Ta không nên nằm mà diện kiến Như Lai, hãy để ta xuống đất để được gặp Ngài!
Lúc Ðề-bà-đạt-đa vừa chạm chân xuống đất thì lập tức từ lòng đất phun lên ngọn lửa lớn, thiêu đốt thân thể Ðề-bà-đạt-đa. Lúc bị lửa dữ thiêu đốt, Ðề-bà- đạt-đa liền khởi tâm hối hận đối với Như Lai, vừa muốn xưng “Nam-mô Phật”, nhưng rốt cuộc chỉ vừa kịp xưng “Nam-mô”,64 liền bị đọa vào địa ngục.
Bấy giờ, thấy Ðề-bà-đạt-đa bị đọa vào địa ngục, A-nan bạch Phật:
– Nay Ðề-bà-đạt-đa đã qua đời, bị đọa vào địa ngục chăng? Phật bảo:
– Ðề-bà-đạt-đa tu hành nhưng không đạt đến chỗ diệt tận cứu cánh. Nay ông ấy lại khởi tâm ác đối với thân Như Lai nên sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
Lúc ấy, A-nan buồn khóc rơi lệ, không thể ngăn được.
Phật hỏi A-nan:
– Vì sao thầy buồn khóc như thế? A-nan bạch Phật:
– Tâm luyến ái của con chưa trừ sạch, chưa thể đoạn hết dục cho nên con buồn khóc.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Như người tự tạo nghiệp,
Lại quán sát căn nguyên,
Làm thiện được quả thiện,
Gây ác chuốc tai ương.
Nghiệp ác thế gian làm,
Chết chuốc khổ địa ngục,
Nếu tạo nghiệp thiện lương,
Chuyển thân trời hưởng phước.
Kẻ kia gây nghiệp chướng,
Địa ngục tự đọa vào,
Nào phải lỗi của Phật,
Sao thầy lại bi thương?
[0804b07] Lúc ấy, A-nan bạch Phật:
– Ðề-bà-đạt-đa sau khi qua đời đã được sanh vào chốn nào? Phật dạy A-nan:
– Ðề-bà-đạt-đa sau khi qua đời thì bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao như vậy? Vì ông ta đã tạo tội ngũ nghịch nên phải chuốc lấy quả báo này.
Lúc ấy, A-nan lại bạch Phật:
– Ðúng vậy, bạch đức Thế Tôn! Như lời dạy của Thế Tôn, tự mình làm ác thì đời này đọa vào địa ngục. Sở dĩ con buồn khóc rơi lệ là do Ðề-bà-đạt-đa không quý tiếc danh xưng, chủng tộc, cũng chẳng vì cha mẹ, tôn trưởng, làm nhục dòng họ Thích, hủy hoại tông môn chúng ta. Tuy nhiên, Ðề-bà-đạt-đa khi sống ở đời này mà bị đọa vào địa ngục thì thật sự quá trái ngang. Vì sao như thế? Vì chủng tộc chúng ta phát xuất từ ngôi vị Chuyển Luân Thánh vương, Ðề-bà-đạt-đa cũng xuất thân từ dòng dõi vua chúa nên đời này không đáng bị đọa vào địa ngục. Ðề-bà-đạt-đa khi ở đời này đáng lẽ phải nên trừ sạch hữu lậu để thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, chứng đắc quả vị ngay trong đời này, rồi biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa”, học tập theo dấu tích của Chân nhân, chứng đắc A-la-hán, nhập Niết-bàn nơi Vô dư Niết-bàn, tại sao đời này lại quăng thân mình vào địa ngục? Sanh thời, Ðề-bà-đạt-đa có oai lực lớn, thần đức rất mạnh nên mới có thể lên đến cõi trời Ba Mươi Ba biến hóa tự do. Người như thế sao lại bị đọa vào địa ngục? Bạch Thế Tôn! Chẳng biết Ðề- bà-đạt-đa phải trải qua bao nhiêu năm trong địa ngục?
Phật dạy A-nan:
– Ông ấy phải ở trong địa ngục suốt một kiếp. Lúc ấy, A-nan lại bạch Phật:
– Nhưng kiếp có hai loại, có đại kiếp và tiểu kiếp. Vậy ông ấy ở kiếp nào?
Phật bảo A-nan:
– Ông ấy sẽ trải qua một đại kiếp. Sở dĩ gọi đại kiếp, tức là hết số kiếp của Hiền kiếp này, khi nghiệp hết chết đi thì mới trở lại được làm thân người.
A-nan bạch Phật:
– Ðề-bà-đạt-đa đoạn mất cội gốc thân người rồi khôi phục lại. Vì sao như thế? Do kiếp số dài lâu, đại kiếp không vượt quá Hiền kiếp.
[0804c02] Bấy giờ, A-nan lại càng buồn khóc, than thở không vui rồi bạch Phật:
– Khi thoát khỏi địa ngục thì Ðề-bà-đạt-đa sẽ sanh về đâu? Phật bảo A-nan:
– Ðề-bà-đạt-đa sau khi qua đời nơi cõi ấy thì sẽ sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương.
A-nan lại hỏi:
– Qua đời ở cõi đó, rồi sẽ sanh về đâu? Phật bảo A-nan:
– Qua đời nơi cõi ấy, rồi lần lượt sẽ sanh vào cõi trời Ba Mươi Ba, cõi trời Diệm, cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, cõi trời Tha Hóa Tự Tại.
A-nan lại hỏi:
– Qua đời nơi cõi ấy, sẽ sanh về đâu? Phật bảo A-nan:
– Khi qua đời từ chốn địa ngục, Ðề-bà-đạt-đa sanh vào các cõi lành, cõi trời, trải qua trong sáu mươi kiếp không rơi vào ba đường ác, chỉ qua lại trong cõi trời, cõi người. Thân cuối cùng, ông ta sẽ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, thành tựu quả vị Độc giác, hiệu là Nam-mô.
Bấy giờ, A-nan đến trước Phật, thưa:
– Như vậy, bạch Thế Tôn! Do quả báo xấu ác nên Ðề-bà-đạt-đa chịu tội ở địa ngục, nhưng do tạo lập công đức gì mà trải qua sáu mươi kiếp sanh tử không còn bị đau khổ, phiền não, về sau lại còn chứng đắc quả vị Độc giác, hiệu là Nam-mô?
Phật bảo A-nan:
– Khởi thiện tâm chỉ trong giây lát, phước ấy đã khó ví dụ, huống hồ Ðề-bà- đạt-đa tinh thông kim cổ, tụng đọc rất nhiều, giữ gìn các pháp, ghi nhớ không quên. Thuở xưa, do oán thù mà Ðề-bà-đạt-đa khởi tâm giết hại Như Lai, lại cũng do nhân duyên phước báu thuở xưa nên ông ta có tâm hoan hỷ đối với Như Lai, do nhân duyên phước báu này, trong sáu mươi kiếp không bị đọa trong ba đường ác. Lại nữa, vào khoảnh khắc cuối cùng lúc sắp qua đời, Ðề-bà-đạt-đa khởi tâm hoan hỷ xưng “Nam-mô” nên về sau sẽ thành tựu quả vị Độc giác, hiệu là Nam-mô.
Bấy giờ, A-nan liền đến trước lễ Phật rồi lặp lại ý mình:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Như lời dạy của Phật.
Lúc ấy, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên đến trước Phật, thưa:
– Hôm nay, con muốn vào địa ngục A-tỳ để nói về hạnh nghiệp cốt lõi và cũng để an ủi, khen ngợi Ðề-bà-đạt-đa.
Phật bảo Mục-liên:
– Thầy nên biết, chớ nên hấp tấp, tâm ý phải chuyên chánh, chớ khởi tưởng tán loạn. Vì sao như vậy? Vì có hạng chúng sanh cực ác rất khó điều phục, khó thành tựu, do vậy về sau mới đọa vào địa ngục A-tỳ. Lại nữa, tội nhân kia không thể hiểu được âm thanh, ngôn ngữ đối đáp của cõi người.
[0805a01] Mục-liên lại bạch Phật:
– Con hiểu được sáu mươi bốn âm thanh, thông suốt ngôn ngữ, con sẽ sử dụng những âm thanh đó để nói chuyện với ông ấy.
Phật bảo Mục-liên:
– Thầy nên biết đúng thời.
Thế rồi, nghe những lời như vậy, A-nan thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng.
Lúc ấy, Đại Mục-kiền-liên lễ sát chân Phật, nhiễu quanh ba vòng, liền ở trước chỗ Phật, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay liền đến địa ngục A-tỳ.
Bấy giờ, Ðại Mục-liên đang trụ giữa hư không trong địa ngục A-tỳ, ra hiệu và gọi:
– Ðề-bà-đạt-đa!
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa im lặng không đáp. Thế rồi, các cai ngục hỏi Mục-liên:
– Tôn giả muốn gọi Ðề-bà-đạt-đa nào? Cai ngục lại bảo:
– Nơi đây cũng có Ðề-bà-đạt-đa thời Phật Câu-lưu-tôn, Ðề-bà-đạt-đa thời Phật Câu-na-hàm-mâu-ni, Ðề-bà-đạt-đa thời Phật Ca-diếp, cũng có Ðề-bà-đạt- đa cư sĩ, Ðề-bà-đạt-đa xuất gia. Này Tỳ-kheo! Bây giờ, chính xác là ngài muốn gọi Ðề-bà-đạt-đa nào?
Mục-liên đáp:
– Nay tôi vâng lệnh nên muốn gặp Ðề-bà-đạt-đa là em con chú của Phật Thích-ca.
Lúc ấy cai ngục tay cầm chĩa sắt, hoặc cầm lửa đỏ châm vào thân thể Ðề- bà-đạt-đa khiến ông ta tỉnh giấc.
Bấy giờ, thân thể Ðề-bà-đạt-đa bị ngọn lửa cao ba mươi khuỷu tay thiêu cháy. Các cai ngục bảo:
– Ngươi là kẻ ngu, sao lại còn ngủ?
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa đang bị các khổ bức bách liền đáp: – Nay các ông dạy bảo tôi điều gì?
Cai ngục lại bảo:
– Ông hãy ngước nhìn lên hư không!
Nghe như thế, Ðề-bà-đạt-đa ngước nhìn lên hư không, liền trông thấy Ðại Mục-kiền-liên ngồi kiết-già trên hoa sen báu, rực sáng như mặt trời xua tan mây.
Thấy thế rồi, Ðề-bà-đạt-đa liền nói kệ này:
Ánh sáng trời ai hiện,
Như mặt trời vén mây,
Tựa núi vàng sáng rỡ,
Chẳng dính chút bụi nhơ?
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên dùng kệ đáp:
Ta, con đấng Thích Tôn,
Thuộc dòng họ Cù-đàm,
Là đệ tử của Phật,
Tên là Ðại Mục-liên.
Lúc ấy, Ðề-bà-đạt-đa thưa với Mục-liên:
– Tôn giả Mục-liên! Cớ sao ngài hạ cố đến nơi này? Nơi đây chúng sanh tạo ác không thể kể xiết, rất khó giáo hóa, chẳng tạo căn lành nên sau khi qua đời liền sanh vào chốn này.
[0805b01] Mục-liên đáp:
– Do Phật sai bảo nên tôi đến đây, vì muốn thương tưởng, nhổ sạch cội gốc khổ đau.
Bấy giờ, được nghe tiếng Phật, Ðề-bà-đạt-đa thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền nói như vầy:
– Cúi xin Tôn giả hãy mau nói cho! Ðức Thế Tôn dạy bảo điều gì? Ngài lại không dự ký về đường ác nữa chăng?
Mục-liên đáp:
– Này Ðề-bà-đạt-đa! Đừng nên sợ hãi, nỗi khổ cùng cực của địa ngục không đâu hơn chốn này. Ðức Phật Thích-ca là Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, thương xót tất cả các loài cho đến côn trùng nhỏ nhít như mẹ thương con, tâm không sai biệt, đúng thời giảng nghĩa, không bao giờ mất thứ lớp, cũng chẳng trái với điều đã giảng nói. Nay chính từ kim khẩu của Phật thọ ký cho ông. Do ông vốn khởi niệm ác muốn hại Thế Tôn, lại đem điều này dạy bảo cho người khiến họ hướng về đường ác, do nhân duyên tội báo ấy nên bị đọa vào địa ngục A-tỳ, sẽ trải qua một kiếp không thể nào thoát khỏi. Khi kiếp số này chấm dứt, nghiệp hết thì qua đời, sẽ sanh vào cõi trời Tứ Thiên Vương, rồi lần lượt sanh vào cõi trời Ba Mươi Ba, cõi trời Diệm, cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, cõi trời Tha Hóa Tự Tại, trong sáu mươi kiếp không sanh trong đường ác, chỉ xoay vần nơi cõi trời và cõi người, thân cuối cùng sẽ trở lại thân người, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, sẽ thành tựu quả vị Độc giác, hiệu là Nam-mô. Vì sao như thế? Do khoảnh khắc sắp chết, ông xưng “Nam-mô” nên mới có danh hiệu ấy. Nay đức Như Lai quán sát lời nói thiện lành “Nam-mô” nên nói rằng trong sáu mươi kiếp ông sẽ làm vị Độc giác cùng với danh hiệu ấy.
Bấy giờ, nghe những lời như vậy xong, Ðề-bà-đạt-đa phấn khởi tột cùng, tâm lành phát sanh, lại bạch với Mục-liên:
– Những lời của Như Lai đã nói quả nhiên không thể nghi ngờ, vì thương xót chúng sanh mà cứu giúp vô lượng, với lòng đại từ, đại bi giáo hóa cứu độ mê lầm. Dù cho hôm nay tôi nằm nghiêng hông bên phải suốt một kiếp trong địa ngục A-tỳ thì tâm ý vẫn chuyên nhất, không hề mệt nhọc.
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên lại hỏi Ðề-bà-đạt-đa:
– Nay ông thế nào, sự đau đớn có tăng hay giảm? Ðề-bà-đạt-đa trả lời:
– Thân tôi chịu khổ chỉ tăng chứ không giảm, nay được nghe Như Lai thọ ký danh hiệu thì nỗi khổ có giảm bớt nhưng không đáng kể.
Mục-liên hỏi:
– Nguồn cơn đau đớn khổ sở của ông tương tự điều gì? Ðề-bà-đạt-đa đáp:
– Bánh xe sắt nóng nghiền nát thân hình, lại có chày sắt đập nát thân thể tôi, có voi dữ hung bạo giày xéo thân tôi, lại có núi lửa đến áp vào mặt tôi, cà-sa thuở trước hóa thành tấm đồng cháy đỏ quấn lấy thân tôi, nguồn cơn của thống khổ có tình trạng như thế.
[0805c04] Mục-liên bảo:
– Ông có biết gốc rễ tội lỗi nào khiến cho ông phải chịu đau khổ này chăng?
Nay tôi sẽ nói rõ từng tội một, ông muốn nghe chăng?
Ðề-bà-đạt-đa thưa:
– Thưa vâng, xin ngài hãy nói!
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên liền nói kệ này:
Xưa ông ở chỗ Phật,
Phá hoại chúng Tỳ-kheo,
Nay bị chày sắt nóng,
Giã nát thân thể ông.
Vì hàng đại chúng kia,
Là Thanh văn bậc nhất,
Gây loạn chúng Tỳ-kheo,
Nay xe sắt nóng nghiền.
Xưa ông xúi giục vua,
Chuốc voi say nhiễu hại,
Nay bị bầy voi dữ,
Giày nát cả hình hài.
Xưa ông vác tảng đá,
Ném trúng chân Như Lai,
Nay núi lửa đốt hoài,
Thiêu ông thành tro bụi.
Xưa ông dùng nắm đấm,
Giết hại Tỳ-kheo-ni,
Nay bị lá đồng nóng,
Bó nung, chẳng rời đi.
Nghiệp quả không hề mất,
Không lơ lửng giữa trời,
Cho nên phải chuyên cần,
Lìa xa nguồn các ác.
Ông vốn là Ðề-bà-đạt-đa, đã tạo các cội gốc tội lỗi như thế, nên nhất tâm hướng về Như Lai thì sẽ được phước lâu dài không thể tính kể.
Bấy giờ, Ðề-bà-đạt-đa lại thưa Mục-liên:
– Xin nhờ Mục-liên cúi đầu lễ sát chân Thế Tôn, cầu mong Ngài thân thể khinh an, bước đi vững chãi! Tôi cũng xin lễ bái Tôn giả A-nan.
Thế rồi, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên phóng đại thần túc, khiến cho các sự thống khổ trong địa ngục A-tỳ đều dừng lại.
Lúc ấy, Tôn giả lại nói kệ này:
Hãy xưng Nam-mô Phật,
Bậc họ Thích tối thắng,
Ngài ban sự tịch lặng,
Diệt trừ hết khổ đau.
Bấy giờ, nghe Tôn giả Mục-liên nói kệ này rồi, hơn sáu vạn chúng sanh trong địa ngục A-tỳ dứt trừ quả báo khổ, lập tức qua đời, sanh vào cõi trời Tứ Thiên Vương.
Lúc ấy, Tôn giả Mục-liên liền thâu thần túc, trở về chốn cũ rồi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật, đứng sang một bên.
Bấy giờ, Tôn giả bạch đức Thế Tôn:
– Với lòng tôn kính vô lượng, Ðề-bà-đạt-đa vấn an Thế Tôn: “Thân thể khinh an, bước đi vững chãi”, và cũng thăm hỏi A-nan rồi nói như vầy: “Như Lai thọ ký trong sáu mươi kiếp sẽ thành tựu quả vị Độc giác, hiệu là Nam-mô, dù cho tôi có nằm nghiêng hông bên phải trong địa ngục A-tỳ, vẫn không từ lao nhọc.”
[0806a06] Bấy giờ, Phật dạy:
– Lành thay, lành thay! Này Mục-liên! Thầy đã làm nhiều điều lợi ích, nhiều chốn thấm nhuần, thương tưởng chúng sanh, trời, người an lạc, khiến cho hàng Thanh văn của các đức Như Lai dần dần đạt đến cõi diệt tận, Niết-bàn.
Thế nên, này Mục-liên! Nên siêng năng thành tựu ba pháp. Vì sao như thế? Nếu Ðề-bà-đạt-đa tu tập các pháp lành, về thân có ba, miệng có bốn và ý có ba thì ông ấy trọn đời không tham đắm lợi dưỡng, cũng không tạo tội ngũ nghịch rồi bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Vì sao như vậy? Bởi vì người tham đắm lợi dưỡng thì dù có tâm cung kính đối với Tam bảo, nhưng cũng không vâng giữ giới cấm, không nhiếp niệm65 về nghiệp thân, miệng và ý. Hãy nên chuyên tâm nhiếp niệm về nghiệp thân, miệng và ý!
Thật vậy, này Mục-liên! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có chúng sanh tu tập tâm từ giải thoát, truyền bá nghĩa ấy rộng rãi, giảng nói cho người thì sẽ có được mười một phước quả. Là những phước quả nào? Đó là, ngủ an giấc, thức an ổn, không gặp ác mộng, chư thiên ủng hộ, được người thương mến, không bị độc hại, không bị binh đao, không bị nạn nước, nạn lửa, giặc cướp không thể làm hại, nếu như qua đời thì sẽ sanh lên cõi trời Phạm thiên. Này Tỳ-kheo! Đó là mười một phước đức mà người thực hành tâm từ đạt được.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người thực hành lòng từ,
Không có hạnh phóng túng,
Làm mỏng dần kiết sử,
Dấu đạo sẽ thấy ra.
Nhờ siêng tu từ hạnh,
Sẽ sanh lên Phạm thiên,
Ðược Diệt độ rất nhanh,
Trụ vô vi vĩnh viễn.
Tâm không sát, không hại,
Ý chẳng tranh hơn thua,
Hạnh từ rộng ban rải,
Tâm oán hận chẳng còn.
[0806b01] Thế nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện thực hành lòng từ, lưu truyền rộng rãi nghĩa ấy.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.67
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Phóng ngưu phẩm 放牛品 (T.02. 0125.49. 0794a06).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.1. 0794a07). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1248-1249. 0342a22-c11); Phóng ngưu kinh 放牛經(T.02. 0123. 0546a13); M. 33, Mahāgopālaka Sutta (Ðại kinh người chăn bò); A. 11.17 - V. 347.
3 Nguyên tác: Tứ ý chỉ (四意止) tức là “tứ niệm xứ” (四念處, cattāro satipaṭṭhānā).
4 Nguyên tác: Bất khởi thức tưởng (不起識想): Khởi tưởng phân biệt. Tham chiếu: Kinh bốn niềm vui, số 9, phẩm 31, tr. 458 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.31.9. 0672b03): Thế nào là dục lưu? Đó là 5 món dục. Nghĩa là mắt thấy sắc liền khởi tưởng phân biệt, tai nghe tiếng liền khởi tưởng phân biệt, mũi ngửi mùi liền khởi tưởng phân biệt, lưỡi nếm vị liền khởi tưởng phân biệt, thân xúc chạm liền khởi tưởng phân biệt. Đó gọi là dục lưu (云何名為欲流? 所謂五欲是也. 云何為五? 所謂若眼見色起眼色想: 若耳聞聲起識想: 若鼻嗅香起識想; 若舌知味起識想: 若身知細滑起識想, 是謂名為欲流).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.2. 0795a17).
6 Nguyên tác: Cộng pháp (共法) cũng viết là “cộng công đức” (共功德).
7 Nguyên tác: Hạnh (行) nghĩa là đoan chánh (端正), chánh trực (正直).
8 Đoạn trên đức Phật nêu ra 11 pháp và Tôn giả A-nan hỏi vì sao chỉ có 11 pháp mà không nhiều hơn? Đoạn này đức Phật nêu ra 11 hạnh Đầu-đà. Xem ra, giữa câu hỏi của Tôn giả A-nan và câu trả lời của đức Phật không liên quan đến nhau. Phải chăng vị truyền đọc kinh điển, tức là Kinh sư (經師, Bhāṇaka) đã bỏ quên hay bản Hán đã bị sót mất?
9 Nguyên tác: 所以然者, 十二因緣皆出十一法中, 所謂: 生, 老, 病, 死, 愁, 憂, 苦, 惱. Có khả năng bản Hán ghi thừa câu này.
10 Nguyên tác: Đa-tát-a-kiệt (多薩阿竭): Như Lai (如來, Tathāgata).
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.3. 0795b20). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.447. 0115a24); S. 14.15 - II. 155.
12 Mãn Nguyện Tử (滿願子, Pūrṇa): Tôn giả Phú-lâu-na.
13 Nguyên tác: Đề-bà-đạt-đâu (提婆達兜, Devadatta).
14 Nguyên tác: Trí tuệ chi sĩ (智慧之士). Tham chiếu: S. 14.15 - II. 155: Bậc đại trí tuệ (mahāpaññā).
15 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.4. 0796a23). Tham chiếu: Chi-li-di-lê kinh 支離彌梨經 (T.01. 0026.82. 0557c17); A. 6.60 - III. 392.
17 Tượng Xá-lợi-phất (象舍利弗). Tham chiếu A. 6.60 - III. 392: Hatthisāriputta. Hatthi là thể rút gọn của Hatthī, nghĩa là con voi. Chi-li-di-lê kinh 支離彌梨經 (T.01. 0026.82. 0557c17) ghi là Chất-đa-la- tượng tử (質多羅象子, Citta Hatthisāriputta. Con trai của điều tượng sư, tên là Citta.)
18 Nguyên tác: Học địa (學地): Từ Sơ quả đến Tam quả A-na-hàm.
19 Nguyên tác: Thạch nữ (石女, vañjhā), người phụ nữ với cơ thể bị thiếu khuyết, không có chức năng làm mẹ.
20 Nguyên tác: Bất xử (不處).
21 Nguyên tác: Nội pháp (內法). Nội (內), phiên âm cổ là “nạp” (納), mang nghĩa là bổ ích (內讀為納. 納者, 補也).
22 Nguyên tác: Bình đẳng (平等). P. Sama, mang nghĩa là chân chánh. Tham chiếu: Sa-môn quả kinh 沙門果經 (T.01. 0001.27. 0108b16): 世無沙門, 婆羅門平等行者.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.5. 0797b14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.298. 0085a11); Duyên khởi kinh 緣起經 (T.02. 0124. 0547b09); S. 12.1 - II. 1; S. 12.2 - II. 2.
24 Nguyên tác: Lục thức thân (六識身).
25 Nguyên tác: Niệm (念).
26 Nguyên tác: Cánh lạc (更樂).
27 Nguyên tác: Thọ (受), trong ngữ cảnh này dịch là “thủ”, “chấp thủ” (取, 執取, upādāna).
28 Nguyên tác: Tam chuyển thập nhị thuyết thử duyên (三轉十二說此緣). Theo Kinh chuyển pháp luân, số 5, phẩm 24, tr. 277 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.24.5. 0618a27); Tạp. 雜 (T.02. 0099.379. 0103c13) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.604. 0161b13), “tam chuyển thập nhị” là viết tắt của định cú “tứ đế tam chuyển thập nhị hành” (四諦三轉十二行). “Tam chuyển” tức là “thị chuyển” (chỉ cho thấy: đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo); “khuyến chuyển” (khuyến khích tu tập: đây là khổ nên biết, đây là tập nên đoạn, đây là diệt nên chứng, đây là đạo nên tu) và “chứng chuyển” (tự thân tác chứng: đây là khổ đã thấy, đây là tập đã đoạn, đây là diệt đã chứng, đây là đạo đã tu). Như vậy, 3 lần chuyển với 4 chân lý, thành ra 12 hành tướng vậy.
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.6. 0798a25). Tham chiếu: M. 92, Sela Sutta (Kinh Sela); Sn. 102.
30 Nguyên tác: Sanh xứ (生處).
31 Nguyên tác: Pháp (法)
32 Nguyên tác: Phụ hình (父形). Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Phụ di (父遺).
33 Sự thay đổi về 2 giai cấp chủ và tớ xin xem thêm M. 93, Assalāyana Sutta (Kinh Assalāyana): “Này Assalāyana, ông nghĩ thế nào? Ông có nghe chăng? Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja, chỉ có 2 giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân? - Thưa vâng, con có nghe! Trong các quốc độ biên địa như Yona, Kamboja, chỉ có 2 giai cấp: Chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ; sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân” (HT. Thích Minh Châu dịch).
34 Nguyên tác: Ưu-đàm-bát (優曇鉢, uppala): Hoa sen xanh.
35 Bản Hán, hết quyển 46.
36 Nguyên tác: Sa-môn (沙門). Dựa vào nghĩa đã nói ở trên, chúng tôi thêm chủ từ “Cù-đàm” để rõ nghĩa.
37 Nguyên tác: Chánh trị (正治).
38 Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便).
39 Nguyên tác: Bát chủng chi đạo (八種之道).
40 Nguyên tác: Ưu-bà-tắc (優婆塞).
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.7. 0800b27). Tham chiếu: Gia-lâu- ô-đà-di kinh 加樓烏陀夷經 (T.01. 0026.192. 0740c15); Bạt-đà-hòa-lợi kinh 跋陀和利經 (T.01. 0026.194. 0746b18); M. 65, Bhaddāli Sutta (Kinh Bhaddāli); M. 66, Latukikopama Sutta (Kinh ví dụ con chim cáy).
42 Nguyên tác: Nhất tọa nhi thực (一坐而食, ekāsanabhojanaṃ). Có nhiều cách chuyển dịch về cú ngữ này, như “ăn một lần ngồi”, “ngồi ăn một lần”... đều hàm nghĩa là ngồi xuống ăn và chỉ ăn một lần, khi ăn xong, dù chưa đứng dậy và được cúng thêm nữa thì cũng không ăn; hoặc khi ăn xong, đứng dậy rồi thì không ngồi xuống ăn. Để văn phong thuần Việt, chúng tôi sử dụng nghĩa “ngồi ăn một bữa” dựa theo ý kinh “nhất thời thực” (一時食) được ghi nhận trong Kinh pháp khổ hạnh, số 2, phẩm 49, tr. 894 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.49.2. 0795a17); Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.17. 0359b10); Tát-bà-đa Tỳ-ni Tỳ-bà-sa 薩婆多毘尼毘婆沙 (T.23. 1440.7. 0551c01).
43 Bạt-đề-bà-la (跋提婆羅, Bhaddāli).
44 Vị Tôn giả này có 2 tên, khi thì gọi là Ca-lưu-đà-di (迦留陀夷, Kāludāyī), có khi được gọi là Ưu-đà- di (優陀夷, Udāyī).
45 Nguyên tác: Thế bát nghiệp (世八業). Uất-ca-la-việt vấn Bồ-tát hạnh kinh 郁迦羅越問菩薩行經 (T.012. 0323. 0026a04) gọi là “thế bát pháp” (世八法). Gồm (i) Cha mẹ (父母), (ii) Vợ con (妻子), (iii) Nhà cửa (舍宅), (iv) Nô tỳ (奴婢), (v) Tôi tớ (下使), (vi) Tài sản (財利), (vii) Châu báu (珍寶), (viii) Lợi dưỡng (諸利).
46 Nguyên tác: Thống (痛, vedanā).
47 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
48 Trên kia đang nói với Bạt-đề-bà-la, không hiểu sao ở đây lại nhắc Ưu-ba-ly? Có khả năng nhắc lại việc này trong liên hệ về giới luật để Tôn giả trì luật như Ưu-ba-ly ghi nhớ chăng?
49 Như trên.
50 Cát Hộ (吉護), dịch nghĩa của từ Bhaddāli, tức là Tỳ-kheo Bạt-đề-bà-la. Bhadda trong văn nghĩa Pāli có nghĩa là điềm lành (吉). Dā là tự căn, nghĩa là cấp dưỡng, hộ trì, mang nghĩa như chữ “hộ” (護).
51 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.8. 0801c14). Tham chiếu: Mã ấp kinh 馬邑經 (T.01. 0026.182. 0724c17); M. 39, Mahāassapura Sutta (Ðại kinh Xóm Ngựa).
52 Ương-nghệ (鴦藝, Aṅgā): Nước Aṅgā.
53 Đạo phẩm (道品) chỉ cho các pháp dẫn về Niết-bàn như 37 phẩm trợ đạo.
54 Nguyên tác: Tức tâm (息心). Cổ dịch chỉ cho Sa-môn siêng tu thiện pháp, diệt trừ ác hạnh (沙門的意譯. 謂勤修善法, 息滅惡行).
55 Nguyên tác: Phạm chí (梵志).
56 Theo Kinh ví dụ tấm vải, số 5, phẩm 13, tr. 110 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.13.5. 0573c01): 21 kiết sử bao gồm: Sân hận, giận hờn, ngủ nghỉ, trạo cử, nghi ngờ, phẫn nộ, đố kỵ, buồn bực, ganh tị, ghen ghét, không biết hổ, không biết thẹn, không thật, gian trá, giả dối, tranh đấu, tự kiêu, ngạo mạn, tị hiềm, tăng thượng mạn, tham lam. 21 cấu uế này cũng xuất hiện trong Thủy Tịnh Phạm chí kinh 水淨梵志經 (T.02. 0026.93. 0575a19), xem Kinh Trung A-hàm, tập 19, kinh số 93, tr. 621.
57 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.9. 0802b15). Tham chiếu: DhA. 1.7; Cv. 7.
58 Nguyên tác: Đề-bà-đạt-đâu (提婆達兜, Devadatta).
59 Nguyên tác: Khinh trọng (輕重).
60 Nguyên tác: Ưu-bát liên hoa (優鉢蓮花, uppala): Hoa sen xanh (青蓮花).
61 Nguyên tác: Câu-mâu-đầu hoa (拘牟頭華, kumuda): Hoa sen trắng (白蓮花).
62 Nguyên tác: Hắc tượng (黑象). Hắc (黑) là cực kỳ hung dữ (狠毒).
63 Nguyên tác: Long Tượng (龍象) chỉ cho đức Phật.
64 Nguyên tác: Chánh dục xưng Nam-mô Phật, nhiên bất cứu cánh, thích đắc xưng Nam-mô (正欲稱南無佛, 然不究竟, 適得稱南無).
65 Nguyên tác: Cụ túc (具足). Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.83. 0762a16): Vì nhiếp thọ chân chánh, không hối hận nên gọi là Cụ túc (言具足者, 謂正攝受無悔等故).
66 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.49.10. 0806a17). Tham chiếu: Thập nhất tưởng tư niệm Như Lai kinh 十一想思念如來經 (T.02. 0138. 0861a11); A. 8.1 - IV. 150; A. 11.15 - V. 342.
67 Bản Hán, hết quyển 47.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.