Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu chúng sanh nào tạo nghiệp sát sanh, khuyến khích rộng rãi việc sát sanh thì gieo trồng tội báo ở chốn địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, nếu được sanh làm người thì thọ mạng rất ngắn. Vì sao như thế? Vì đã giết hại sanh mạng kẻ khác.
Nếu có chúng sanh nào trộm cướp tài vật của người khác thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì luôn bần cùng thiếu thốn, ăn không đủ no, áo không đủ mặc, hết thảy tội báo đều do trộm cướp, bởi cướp đoạt tài vật tức là đoạn mạng sống của người khác.
[0786a01] Nếu có chúng sanh nào ưa thích dâm dục thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì sẽ gặp gia môn không trinh khiết, hiền lương, do vì lén lút làm chuyện dâm dục.
Nếu có chúng sanh nào nói dối thì gieo trồng tội báo nơi địa ngục. Nếu được sanh làm người thì bị người khinh khi, lời nói không ai tin, bị người khác khinh bỉ. Vì sao như thế? Vì do đời trước nói dối mà ra.
Nếu có chúng sanh nào nói hai chiều thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì tâm thường không định tĩnh, hay lo lắng, buồn rầu. Vì sao như thế? Vì do người ấy truyền lời dối trá cho cả đôi bên.
Nếu có chúng sanh nào nói lời thô ác thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì bị người căm ghét, thường bị chửi mắng. Vì sao như thế? Vì do người ấy nói lời không chuyên chánh nên có quả báo như thế.
Nếu có chúng sanh gây chia rẽ đôi bên thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì sẽ bị nhiều người oán ghét, thân thích chia lìa. Vì sao như thế? Vì do đời trước gây chia rẽ nên có quả báo như vậy.
Nếu có chúng sanh nào ganh ghét thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì sẽ bị thiếu thốn y phục. Vì sao như thế? Vì người ấy khởi tâm tham lam, ganh ghét.
Nếu có chúng sanh nào khởi tâm làm tổn hại thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì thường gặp nhiều sự dối trá, không hiểu lý chân thật, tâm rối loạn không định tĩnh. Vì sao như thế? Vì do đời trước giận dữ nên quả báo như vậy, không có nhân từ.
Nếu có chúng sanh nào thực hành tà kiến thì gieo trồng tội báo trong ba đường ác. Nếu được sanh làm người thì phải ở chốn biên địa, không được sanh vào cõi phồn vinh, không được gặp Tam bảo và nghĩa lý của đạo pháp, hoặc lại bị điếc, mù, câm, ngọng, thân hình không đoan chánh, không hiểu nơi quy hướng của pháp lành, pháp ác. Vì sao như thế? Vì do đời trước không có cội gốc niềm tin, cũng chẳng tin Sa-môn, Bà-la-môn, anh em và cha mẹ.
Tỳ-kheo nên biết! Do quả báo của mười điều ác này nên chúng sanh gặp phải những điều tai ương như thế.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Nên xa lìa mười điều ác, tu hành theo chánh kiến. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào ngày rằm, đến giờ thuyết giới, Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo tuần tự trước sau đi đến giảng đường Phổ Hội.
Lúc ấy, Thế Tôn lặng yên quán sát trong Thánh chúng, rồi im lặng không nói. Bấy giờ, A-nan bạch Phật:
– Hôm nay, Thánh chúng thảy đều vân tập tại giảng đường, cúi xin Thế Tôn giảng thuyết giới cấm cho chúng Tỳ-kheo!
Lúc ấy, Thế Tôn vẫn im lặng không nói.
[0786b02] Thế rồi, giây lát sau, A-nan lại bạch Phật:
– Nay đã đúng thời, cúi xin Thế Tôn thuyết giảng giới cấm, vì đầu đêm đã gần mãn!
Thế Tôn vẫn im lặng không nói. Một lát sau, A-nan lại bạch Phật:
– Giữa đêm đã gần mãn, chúng Tăng mệt mỏi, cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giới!
Lúc ấy, Thế Tôn vẫn im lặng không nói. Thế rồi, giây lát sau, A-nan lại bạch Phật:
– Cuối đêm đã gần mãn, cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giới! Phật bảo A-nan:
– Trong chúng có người không thanh tịnh nên Ta không thuyết giới. Nay Ta cho phép vị Thượng tọa thuyết giới cấm. Nếu vị Tăng Thượng tọa không thể đảm trách việc thuyết giới thì cho phép vị trì luật thuyết giới cấm. Nếu không có người trì luật thì vị nào có thể tụng giới thông suốt, hãy xướng lên rồi mời vị ấy thuyết giới. Từ nay về sau Như Lai không thuyết giới. Vì nếu trong chúng có người không thanh tịnh mà Như Lai thuyết giới nơi đây thì đầu của người ấy bị vỡ làm bảy mảnh, giống như trái thù-la4 không khác.
Lúc ấy, A-nan buồn khóc rơi lệ rồi nói như vầy:
– Từ nay Thánh chúng đã bị cô độc khốn cùng. Chánh pháp của Như Lai sao mau chóng rời xa? Người không thanh tịnh sao xuất hiện sớm thế?
Lúc ấy, Ðại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ: “Trong chúng này, có những ai phá hủy Chánh pháp để khiến cho Như Lai không thuyết giới?”
Thế rồi, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nhập vào chánh định, quán sát hết thảy lỗi lầm trong tâm của Thánh chúng.
Bấy giờ, Mục-liên thấy hai Tỳ-kheo Mã Sư và Mãn Túc đang ở trong chúng, tức thì Mục-liên liền rời chỗ ngồi, đến chỗ hai Tỳ-kheo ấy rồi bảo:
– Các thầy hãy đứng lên mau và rời khỏi đây. Như Lai đã thấy lỗi lầm các thầy. Vì các thầy mà Như Lai không thuyết giới cấm.
Bấy giờ, hai vị Tỳ-kheo im lặng không trả lời. Lúc ấy, Mục-liên lặp lại ba lần:
– Các thầy mau đứng dậy, không nên ở đây nữa! Bấy giờ, hai Tỳ-kheo ấy im lặng không đáp.
Thế rồi, Mục-liên liền đến trước mặt, nắm tay họ kéo ra khỏi cửa, quay vào đóng cửa lại rồi đến bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo không thanh tịnh đã được dẫn ra bên ngoài, cúi xin Thế Tôn đúng thời thuyết giảng giới cấm!
Phật dạy Mục-liên:
– Thôi, thôi! Này Mục-liên! Như Lai không thuyết giới cho các Tỳ-kheo nữa. Như Lai không nói hai lời, thầy hãy trở về chỗ ngồi.
Lúc ấy, Tôn giả Mục-liên lại bạch Phật:
– Trong chúng hôm nay đã phát sanh lỗi lầm, con không thể đảm nhận tác pháp duy-na,5 cúi xin Thế Tôn cử một vị khác!
Bấy giờ, Thế Tôn im lặng hứa khả.
Thế rồi, Tôn giả Mục-liên cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi trở về chỗ ngồi của mình.
[0786c03] Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Thời đức Phật Tỳ-bà-thi xuất hiện ở đời, Thánh chúng nhiều hay ít? Trải qua thời gian bao lâu mới phát sanh lỗi lầm? Cho đến thời đức Phật Ca-diếp thì đệ tử nhiều hay ít? Thuyết giới như thế nào?
Phật dạy A-nan:
– Cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật ra đời hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian. Bấy giờ, Thánh chúng có ba hội. Hội thứ nhất có một trăm mười sáu vạn tám ngàn Thánh chúng, hội thứ hai có mười sáu vạn Thánh chúng, hội thứ ba có mười vạn Thánh chúng, thảy đều là bậc A-la-hán. Ðức Phật ấy thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Trong một trăm năm đầu, Thánh chúng thanh tịnh, đức Phật ấy thường dùng một bài kệ làm giới cấm:
Phật nói nhẫn tối tôn,
Vô vi hơn mọi chốn,
Không vì hại kẻ khác,
Cạo tóc làm Sa-môn.
Thuở ấy, đức Phật kia dùng một bài kệ này để làm giới cấm trong một trăm năm. Về sau, do sanh ra lỗi lầm nên mới lập ra giới cấm.
Lại nữa, trong ba mươi mốt kiếp có đức Phật hiệu là Thi-khí Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Bấy giờ, cũng có ba hội Thánh chúng. Hội thứ nhất có mười sáu vạn Thánh chúng, hội thứ hai có mười bốn vạn Thánh chúng, hội thứ ba có mười vạn Thánh chúng. Thời ấy, trong tám mươi năm đầu, Thánh chúng thanh tịnh, không có lỗi lầm, đức Phật cũng nói một bài kệ:
Nếu mắt thấy tà vạy,
Người trí không đắm say,
Xả bỏ các điều ác,
Bậc thông tuệ đời này.
Thuở ấy, trong tám mươi năm, đức Phật ấy chỉ nói một bài kệ này. Về sau có sự lỗi lầm mới thiết lập giới cấm. Ðức Phật Thi-khí thọ bảy vạn tuổi.
Trong kiếp ấy cũng có đức Phật xuất hiện ở thế gian hiệu là Tỳ-xá-la-bà, cũng có ba hội Thánh chúng. Hội đầu tiên có mười vạn Thánh chúng, thảy đều là bậc A-la-hán. Hội thứ hai có tám vạn A-la-hán. Hội thứ ba có bảy vạn A-la- hán, đã dứt sạch phiền não. Thời đức Phật Tỳ-xá-la-bà, trong bảy mươi năm đầu không có lỗi lầm. Lúc ấy, đức Phật dùng một bài kệ rưỡi làm giới cấm:
Không hại, chẳng làm trái,
Đại giới luôn phụng hành,
Biết đủ với uống ăn,
Giường, tòa cũng như vậy,
Tâm chuyên nhất, chí thành,
Là lời chư Phật dạy.
[0787a04] Trong bảy mươi năm, Ngài chỉ dùng bài kệ này làm giới cấm, về sau có lỗi lầm mới thiết lập giới cấm. Ðức Phật Tỳ-xá-la-bà thọ bảy vạn tuổi.
Trong Hiền kiếp này có đức Phật ra đời, hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai, xuất hiện ở thế gian. Thời ấy có hai hội Thánh chúng. Hội đầu tiên có bảy vạn Thánh chúng, đều là bậc A-la-hán. Hội thứ hai có sáu vạn A-la-hán. Thời đức Phật ấy, trong sáu mươi năm đầu không có lỗi lầm. Bấy giờ, đức Phật kia dùng hai bài kệ làm giới cấm:
Như ong hút mật hoa,
Sắc, hương vẫn ngào ngạt,
Sa-môn6 vào tụ lạc,
Ban pháp vị cho người.
Không hủy báng người khác,
Phải, trái cũng chẳng màng,
Chỉ thấy việc mình làm,
Đúng, sai tự xét kỹ.
Trong sáu mươi năm đầu, đức Phật ấy dùng hai bài kệ này để làm giới cấm. Từ đó về sau, do có lỗi lầm mới thiết lập giới cấm. Ðức Phật ấy thọ sáu vạn tuổi.
Trong Hiền kiếp này có đức Phật xuất hiện hiệu là Câu-na-hàm-mâu-ni Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Thời ấy, có hai hội Thánh chúng. Hội đầu tiên có sáu mươi vạn Thánh chúng, đều là bậc A-la-hán. Hội thứ hai có bốn mươi vạn Thánh chúng, đều là bậc A-la-hán. Vào thời đức Phật ấy, trong bốn mươi năm đầu không có lỗi lầm, chỉ dùng một bài kệ làm giới cấm:
Giữ tâm chớ khinh suất,
Đạo tịch diệt siêng tu,
Bậc Thánh dứt sầu ưu,
Vắng lặng mọi tham muốn.
Trong bốn mươi năm đầu, Ngài chỉ dùng một bài kệ này làm giới cấm, từ đó trở về sau mới có người lỗi lầm, liền thiết lập giới cấm. Ðức Phật ấy thọ bốn vạn tuổi.
Trong Hiền kiếp này, có đức Phật hiệu Ca-diếp xuất hiện ở đời. Thuở ấy, đức Phật Ca-diếp cũng có hai hội Thánh chúng. Hội thứ nhất có bốn mươi vạn chúng, hội thứ hai có ba mươi vạn chúng, thảy đều là bậc A-la-hán. Trong hai mươi năm đầu không có lỗi lầm nên thường dùng một bài kệ làm giới cấm:
Chớ làm các điều ác,
Gắng làm các việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Là lời chư Phật dạy.
[0787b03] Trong hai mươi năm đầu, Ngài chỉ dùng một bài kệ này làm giới cấm, về sau có người phạm giới cấm mới thiết lập để cấm ngăn. Đức Phật Ca- diếp thọ hai vạn tuổi.
Nay Ta là đấng Như Lai xuất hiện ở đời, có một hội Thánh chúng gồm một ngàn hai trăm năm mươi người. Trong mười hai năm đầu không có lỗi lầm nên Ta cũng dùng một bài kệ làm giới cấm:
Giữ miệng, ý thanh tịnh,
Thân nghiệp cũng thanh tịnh,
Tịnh ba hành nghiệp ấy,
Tu hành đạo Tiên nhân.
Trong mười hai năm đầu, Ta chỉ dùng một bài kệ này làm giới cấm, về sau có người phạm giới luật nên dần dần có đến hai trăm năm mươi giới. Từ nay về sau, khi chúng Tăng nhóm họp, nên phải tác bạch đúng theo luật: “Chư Hiền cùng lắng nghe! Hôm nay ngày mười lăm, là ngày thuyết giới nay Tăng chấp thuận, chúng Tăng hòa hợp thuyết giới cấm.”7 Tác bạch như thế xong, nếu có Tỳ-kheo nào có nói điều gì thì không nên thuyết giới; nếu như tất cả đều im lặng, không ai phản đối thì mới thuyết giới. Cho đến sau khi nói bài tựa giới kinh rồi, nên hỏi lại rằng: “Thưa chư Hiền, có ai không thanh tịnh không?” Lặp lại ba lần như vậy: “Có ai không thanh tịnh không?” Đã thanh tịnh thì im lặng mà thọ trì. Tuy nhiên, tuổi thọ của con người hiện nay rất ngắn, tuổi thọ cao nhất không quá một trăm năm. Thế nên, này A-nan! Nên khéo thọ trì điều Ta dạy.
Bấy giờ, A-nan bạch đức Thế Tôn:
– Thuở quá khứ lâu xa, tuổi thọ của chư Phật, Thế Tôn thật dài lâu, lại ít người phạm giới, không có lỗi lầm. Còn ngày nay, tuổi thọ của loài người đã quá ngắn ngủi, không quá một trăm năm. Sau khi các đức Phật đời quá khứ Diệt độ thì Chánh pháp trụ ở đời trong khoảng bao lâu?
Phật bảo A-nan:
– Sau khi các đức Phật quá khứ Diệt độ, Chánh pháp không tồn tại lâu dài. A-nan bạch Phật:
– Sau khi Như Lai Diệt độ thì Chánh pháp trụ ở đời bao lâu? Phật bảo A-nan:
– Sau khi Ta Diệt độ, Chánh pháp sẽ trụ ở đời lâu dài. Sau khi đức Phật Ca-diếp Diệt độ, Chánh pháp chỉ trụ trong bảy ngày. Này A-nan! Thầy đang nghĩ rằng đệ tử của Như Lai quá ít? Chớ nghĩ như thế, vì ở phương Đông, đệ tử của Ta nhiều vô số ngàn muôn. Ở phương Nam, đệ tử của Ta cũng nhiều vô số ngàn muôn.
Cho nên, này A-nan! Hãy nghĩ như vầy: “Đức Phật Thích-ca của ta thọ mạng rất dài lâu. Vì sao như thế? Vì nhục thân tuy Diệt độ nhưng Pháp thân vẫn tồn tại.”
Nghĩa của việc này như thế. Hãy nên ghi nhớ phụng hành!
Bấy giờ, A-nan và các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bày vai phải, quỳ gối bên phải sát đất rồi bạch đức Thế Tôn:
– Như Lai thật uyên thâm, không điều gì là không thông suốt. Ngài biết rõ cả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai, biết rõ hết thảy tên họ, danh hiệu, đệ tử Bồ-tát tùy tùng nhiều hay ít của chư Phật đời quá khứ, trong một kiếp, trăm kiếp cho đến vô số kiếp thảy đều quán sát và biết rõ. Ngài cũng biết rõ hết thảy tên họ của vua chúa, đại thần, dân chúng, như trong hiện tại có bao nhiêu cõi nước Ngài đều biết tường tận. Vào thời tương lai lâu xa, khi đức Phật Di-lặc, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác xuất hiện, chúng con muốn được nghe sự biến hóa của đức Phật ấy, số đệ tử tùy tùng, sự phồn thịnh và an lạc của cảnh giới Phật sẽ trải qua thời gian bao lâu?
Phật bảo A-nan:
– Thầy hãy trở về chỗ ngồi và lắng nghe! Ta giảng nói về sự xuất hiện của Di-lặc, sự phồn thịnh và an lạc của cõi nước và số đệ tử nhiều hay ít. Hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ trong tâm!
Lúc ấy, vâng lời Phật dạy, A-nan liền trở về chỗ ngồi. Bấy giờ, Phật bảo A-nan:
– Vào thời tương lai lâu xa, ở cõi này sẽ có một thành quách tên là Kê-đầu, từ Đông sang Tây rộng mười hai do-tuần, từ Nam sang Bắc rộng bảy do-tuần, đất đai màu mỡ, dân chúng đông đúc, đường sá thông thương. Bấy giờ, trong thành ấy có long vương tên là Thủy Quang, ban đêm rưới nước mưa thơm, ban ngày trời trong quang đãng. Lúc ấy, trong thành Kê-đầu có một quỷ la-sát tên là Diệp Hoa, luôn sống theo phép tắc, không trái với giáo pháp chân chánh, đợi sau khi dân chúng ngủ nghỉ mới dọn dẹp các thứ bất tịnh, lại dùng nước thơm rưới trên mặt đất, sạch thơm vô cùng.
A-nan nên biết! Bấy giờ, ở cõi Diêm-phù-đề từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc trong mười vạn do-tuần, hết thảy núi, sông, vách đá đều tự biến mất, nước trong bốn biển cả đều đổ dồn về một phía. Lúc ấy, đất đai cõi Diêm-phù-đề vô cùng bằng phẳng như mặt gương trong sáng. Các loại ngũ cốc trong cõi Diêm- phù-đề thật dồi dào, dân chúng đông đúc, có nhiều châu báu, thôn xóm liền kề, chỉ cách nhau bằng khoảng tiếng gà gáy. Thời ấy, những loại cây trái dở xấu đều chết khô, các thứ dơ bẩn cũng tự biến mất, chỉ còn lại những trái ngon, quả ngọt, hương vị đặc biệt thảy đều mọc trên đất ấy. Bấy giờ, khí hậu lại ôn hòa, bốn mùa thuận lợi, thân người không có một trăm lẻ tám thứ tai họa. Tham dục, sân hận, ngu si không quá sâu dày, tâm người bình dị, thảy đồng một lòng, gặp nhau vui vẻ, nói lời thiện lành, chỉ dùng một ngôn ngữ, không có sai biệt, giống như loài người ở cõi Uất-đan-việt. Dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề bấy giờ, hết thảy đều dùng một thứ tiếng, không có nhiều loại khác nhau. Thuở ấy, hết thảy nam nữ vừa muốn đại, tiểu tiện thì mặt đất tự khai mở ra, xong việc thì đất tự nhiên khép lại. Bấy giờ, lúa gạo trong cõi Diêm-phù-đề tự nhiên sanh ra, không có vỏ trấu, mùi vị cực kỳ thơm ngon, ăn vào không còn bệnh khổ. Còn những thứ vàng bạc, châu báu, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách rơi vãi trên mặt đất, chẳng ai màng nhặt lấy. Lúc ấy, dân chúng cầm châu báu này trên tay rồi bảo nhau: “Thuở xưa, cũng vì châu báu này mà con người giết hại lẫn nhau, bị giam cầm trong lao ngục, đau khổ không thể tính kể, nhưng nay các loại châu báu này chỉ như gạch ngói, chẳng có ai lấy.”
[0788a09] Bấy giờ, có vị Pháp vương xuất hiện tên là Nhượng-khư, dùng Chánh pháp trị dân, có đầy đủ bảy báu. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, tướng quân báu và thủ tạng báu. Ðó là bảy báu. Nhà vua thống lãnh cõi Diêm-phù-đề, không cần dùng dao gậy, chỉ tự nhiên hàng phục. Này A-nan! Lúc ấy có bốn kho châu báu. Ở nước Càn-đà-việt có kho báu Thi-la-bát, có nhiều tài vật, châu báu lạ thường không thể tính kể. Kho báu thứ hai là Ban-trù ở nước Di-thê-la cũng có nhiều châu báu. Kho báu thứ ba ở nước Tu-lại-tra cũng có nhiều châu báu. Kho báu thứ tư ở Bà-la-nại-nhượng- khư cũng có nhiều châu báu không thể tính kể. Bốn kho báu lớn này tự nhiên ứng hiện. Khi ấy, các người giữ kho đều đến tâu vua:
“Cúi xin Đại vương đem của cải trong kho báu này để bố thí cho người nghèo khổ!”
Lúc ấy, tuy có được các kho báu này, nhưng Vua Nhượng-khư cũng chẳng quan tâm, chẳng hề nghĩ đến tài sản. Bấy giờ, ở cõi Diêm-phù-đề, trên cây tự nhiên sanh ra y phục rất mịn màng mềm mại, mọi người đều đến lấy để mặc, giống như cõi Uất-đan-việt hiện tại, trên cây tự nhiên sanh ra y phục.
Bấy giờ, nhà vua ấy có một quan đại thần tên là Tu-phạm-ma, vốn là bạn thân của nhà vua từ thời thơ ấu. Nhà vua rất kính mến. Vị đại thần ấy dung mạo đoan chánh, không cao không thấp, không mập không gầy, không trắng không đen, không già không trẻ. Thuở ấy, phu nhân của Đại thần Tu-phạm-ma tên là Phạm-ma-việt, rất mực xinh đẹp, hơn hẳn các ngọc nữ, như cung phi trời Ðế- thích, miệng tỏa hương hoa sen xanh, thân thơm hương chiên-đàn, hoàn toàn không có tám mươi bốn trạng thái của những người phụ nữ, cũng không bệnh tật, tâm không tán loạn.
Bấy giờ, từ cung trời Đâu-suất, Bồ-tát Di-lặc quán sát về cha mẹ, là người không già không trẻ, liền giáng thần xuống, hạ sanh từ hông bên phải, giống như Ta hiện nay cũng hạ sanh từ hông bên phải, Bồ-tát Di-lặc cũng như thế. Chư thiên cõi trời Ðâu-suất đều xướng lên rằng: “Bồ-tát Di-lặc đã hạ sanh.” Thế rồi, Đại thần Tu-phạm-ma liền đặt tên con là Di-lặc, thân thể rất trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, sắc da màu vàng ròng. Thuở ấy, tuổi thọ của con người dài lâu, không có hoạn nạn, thảy đều thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Con gái thì đến lúc năm trăm tuổi mới lập gia thất. Bấy giờ, trải qua thời gian tại gia không bao lâu, Bồ-tát Di-lặc liền xuất gia học đạo.
[0788b08] Lúc ấy, cách thành Kê-đầu không xa, có một gốc cây tên là Long Hoa, cao một do-tuần, che phủ đến năm trăm bộ. Bấy giờ, Bồ-tát Di-lặc ngồi bên gốc cây ấy mà thành tựu đạo quả Vô thượng. Vào nửa đêm nọ, Di-lặc xuất gia, ngay đêm hôm đó liền thành đạo Vô thượng. Khi ấy, ba ngàn đại thiên cõi nước chấn động sáu cách, hết thảy địa thần đều bảo nhau: “Nay Bồ-tát Di-lặc đã thành Phật!”, lan truyền cho đến cung trời Tứ Thiên Vương cũng được nghe: “Di-lặc đã thành tựu Phật đạo!”, rồi lan truyền dần dần đến cõi trời Ba Mươi Ba, cõi trời Diệm-ma, cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, cõi trời Tha Hóa Tự Tại, rồi lần lượt lan truyền đến cõi Phạm thiên đều được nghe: “Bồ-tát Di- lặc đã thành tựu Phật đạo!”
Bấy giờ, Ma vương tên là Ðại Tướng, dùng pháp trị dân, được nghe danh hiệu và âm thanh giáo hóa của Như Lai, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng nên suốt bảy ngày bảy đêm không ngủ nghỉ. Thế rồi, Ma vương liền dẫn theo vô số chư thiên và loài người trong cõi dục đi đến chỗ Phật Di-lặc cung kính lễ bái.
Ðức Phật Di-lặc tuần tự giảng nói về các giáo pháp vi diệu cho chư thiên. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là vi diệu.
Khi biết mọi người đã phát tâm hoan hỷ, Ngài liền vì hàng trời, người mà giảng nói, phân biệt rộng rãi nghĩa lý các pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường giảng nói như khổ, tập, diệt, đạo. Bấy giờ, có tám vạn bốn ngàn thiên tử dứt trừ sạch phiền não, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.
Thế rồi, Ma vương Ðại Tướng nói với dân chúng trong cõi nước ấy:
“Các ngươi hãy mau xuất gia! Vì sao như vậy? Hôm nay, đức Phật Di-lặc đã qua bờ kia nên cũng sẽ đưa các ngươi sang bờ kia.”
Bấy giờ, trong thành Kê-đầu có trưởng giả tên là Thiện Tài, vâng theo lệnh của Ma vương và được nghe tiếng Phật, liền dẫn theo tám vạn bốn ngàn người đến chỗ Phật Di-lặc, cúi đầu đảnh lễ chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, đức Phật Di-lặc tuần tự giảng nói về các giáo pháp vi diệu cho họ. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là vi diệu. Bấy giờ, biết mọi người đã khai thông tâm ý, đức Phật Di-lặc liền vì họ mà giảng nói, phân biệt rộng rãi nghĩa lý các pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường giảng nói như khổ, tập, diệt, đạo. Lúc ấy, tám vạn bốn ngàn người ngay tại chỗ ngồi, dứt sạch hết phiền não, được Pháp nhãn thanh tịnh. Thế rồi, Thiện Tài cùng tám vạn bốn ngàn người liền đến trước bạch Phật cầu xin xuất gia, khéo tu Phạm hạnh, thảy đều thành tựu quả vị A-la-hán.
Bấy giờ, hội đầu tiên của Phật Di-lặc có tám vạn bốn ngàn A-la-hán.
[0788c08] Lúc ấy, Vua Nhượng-khư hay tin Bồ-tát Di-lặc đã thành Phật, vì muốn được nghe pháp nên nhà vua liền đi đến chỗ Phật.
Bấy giờ, Phật Di-lặc giảng nói pháp cho nhà vua, ban đầu thiện, khoảng giữa thiện và phần cuối cũng thiện, nghĩa lý sâu xa.
Thế rồi, vào một dịp khác, nhà vua liền lập thái tử, ban tặng châu báu cho người thợ cạo, đem đủ loại châu báu cho các Phạm chí, rồi dẫn theo tám vạn bốn ngàn người đến chỗ Phật, xin được làm Sa-môn, hết thảy đều thành tựu đạo quả, chứng đắc A-la-hán.
Lúc ấy, hay tin Bồ-tát Di-lặc đã thành Phật, trưởng giả Tu-phạm-ma liền dẫn theo tám vạn bốn ngàn chúng Phạm chí đi đến chỗ Phật, xin được làm Sa- môn và đều đắc quả A-la-hán, chỉ riêng Tu-phạm-ma thì đoạn trừ ba kiết sử, dứt sạch hết thảy khổ đau.
Lúc ấy, Phật mẫu Phạm-ma-việt lại dẫn theo tám vạn bốn ngàn thể nữ đi đến chỗ Phật, xin được làm Sa-môn. Thế rồi, các thể nữ đều đắc quả A-la-hán, chỉ riêng Phật mẫu Phạm-ma-việt là đoạn trừ ba kiết sử, thành tựu Tu-đà-hoàn.
Bấy giờ, nghe tin Di-lặc Như Lai xuất hiện ở thế gian, thành bậc Ðẳng Chánh Giác nên các phu nhân dòng Sát-lợi dẫn vài ngàn vạn chúng đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên, hết thảy đều phát tâm mong cầu làm Sa-môn, được xuất gia học đạo, hoặc có người vượt thứ lớp mà chứng đắc, hoặc có người chưa chứng đắc.
Này A-nan! Bấy giờ, những người không vượt thứ lớp chứng đắc đều là người vâng giữ giáo pháp, nhàm chán tất cả thế gian chẳng có gì vui thích. Lúc ấy, Phật Di-lặc sẽ giảng nói giáo lý Ba thừa. Hiện tại, trong hàng đệ tử của Ta, Ðại Ca-diếp tu tập theo mười hai hạnh Đầu-đà,9 do đã khéo tu Phạm hạnh vào thời chư Phật quá khứ, vị này sẽ thường trợ giúp Phật Di-lặc để giáo hóa dân chúng.
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp đang ngồi kiết-già cách chỗ Phật không xa, thân ngay thẳng, tâm đoan chánh, buộc niệm trước mặt.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo Ca-diếp:
– Nay Ta già yếu, tuổi gần tám mươi. Tuy vậy, Như Lai có bốn vị đệ tử lớn, có trí tuệ không cùng tận, đức hạnh vẹn toàn, đảm trách việc hoằng hóa. Bốn vị ấy là ai? Ðó là Tỳ-kheo Ðại Ca-diếp, Tỳ-kheo Quân-đồ-bát-hán,10 Tỳ-kheo Tân đầu-lư và Tỳ-kheo La-hầu-la.11 Các thầy là bốn vị đệ tử lớn không nên nhập Niết-bàn, hãy đợi pháp của Ta diệt hẳn, về sau mới vào Niết-bàn. Ðại Ca-diếp cũng không nên nhập Niết-bàn, nên đợi Phật Di-lặc xuất hiện ở thế gian. Vì sao như vậy? Vì hàng đệ tử do Phật Di-lặc hóa độ đều là đệ tử của Phật Thích-ca, do Ta đã giáo hóa nên hết thảy phiền não được tiêu trừ. Ðại Ca-diếp sẽ cư ngụ trong ngọn núi ở thôn Tỳ-đề thuộc nước Ma-kiệt, đến lúc Di-lặc Như Lai dẫn theo vô số ngàn chúng, thứ lớp tuần tự đi đến trong ngọn núi này. Nương vào ân đức của Phật, các quỷ thần sẽ mở cửa, sẽ thấy được Ca-diếp đang thiền định trong hang.
[0789a12] Lúc ấy, Phật Di-lặc duỗi cánh tay phải chỉ vào Tôn giả Ca-diếp rồi bảo mọi người:
“Thuở quá khứ lâu xa, vị này là đệ tử của Phật Thích-ca12 tên là Ca-diếp, hiện vẫn còn trụ thế, là vị tu khổ hạnh Đầu-đà bậc nhất.”
Bấy giờ, thấy thế rồi, mọi người đều khen ngợi là việc chưa từng có, vô số trăm ngàn chúng sanh liền dứt sạch các phiền não, đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Hoặc lại có chúng sanh đã được thấy thân Ca-diếp rồi, đây gọi là hội đầu tiên, có chín mươi sáu ức người đều chứng đắc A-la-hán, những người ấy đều là đệ tử của Ta. Vì sao như vậy? Do vì họ đều nhận lãnh sự giáo hóa của Ta mà được thành tựu và cũng do nhân duyên của bốn pháp là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.13
Này A-nan! Lúc ấy, đức Như Lai Di-lặc sẽ lấy y Tăng-già-lê đắp lên thân Ca-diếp. Lúc ấy, thân thể của Ca-diếp bỗng nhiên tan rã. Phật Di-lặc lại dùng đủ loại hương hoa cúng dường Ca-diếp. Vì sao như vậy? Vì chư Phật, Thế Tôn đều có tâm cung kính đối với Chánh pháp, Di-lặc cũng do Ta mà thọ nhận sự giáo hóa của Chánh pháp, được thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân.
A-nan nên biết! Đến hội thứ hai của Phật Di-lặc có chín mươi bốn ức người đều là bậc A-la-hán, cũng là hàng đệ tử do Ta giáo hóa, nhờ cúng dường bốn pháp mà được như thế.
Lại nữa, hội thứ ba của Phật Di-lặc có chín mươi hai ức người, đều là bậc A-la-hán, cũng là hàng đệ tử do Ta giáo hóa.
Bấy giờ, danh xưng của Tỳ-kheo đều được gọi là đệ tử Từ Thị, như Ta ngày nay, các hàng đệ tử đều xưng là đệ tử Thích-ca.
Bấy giờ, Phật Di-lặc thuyết pháp cho các đệ tử: “Các thầy Tỳ-kheo! Nên suy nghĩ về tưởng vô thường, tưởng trong lạc có khổ,14 tưởng chấp ngã trong vô ngã, tưởng thật có trong không tánh, tưởng sắc biến hoại, tưởng bầm xanh, tưởng trương sình, tưởng ăn không tiêu, tưởng máu huyết, tưởng tất cả thế gian chẳng có gì vui thích. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo nên biết! Mười tưởng này đều do Phật Thích-ca ở thời quá khứ đã giảng nói cho các thầy, khiến trừ sạch phiền não, tâm được giải thoát.
[0789b07] Hoặc trong chúng đây, có đệ tử của Phật Thích-ca, thời quá khứ từng tu Phạm hạnh rồi đến chỗ Ta, hoặc phụng trì giáo pháp từ Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc cúng dường Tam bảo từ nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã tu căn lành trong khoảnh khắc khảy móng tay nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã tu bốn vô lượng tâm nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã thọ trì năm giới và Ba quy y từ Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã tạo dựng tháp miếu nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã sửa sang chùa chiền nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã thọ trì tám quan trai giới nơi Phật Thích- ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã cúng dường hương hoa nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc đã nghe Phật pháp, buồn khóc rơi lệ ở chỗ Phật kia rồi đến chỗ Ta, hoặc đã chuyên tâm nghe pháp nơi Phật Thích-ca rồi đến chỗ Ta, hoặc suốt đời khéo tu Phạm hạnh rồi đến chỗ Ta, hoặc đã biên chép, đọc tụng kinh điển rồi đến chỗ Ta, hoặc đã phụng sự cúng dường rồi đến chỗ Ta.”
Bấy giờ, Phật Di-lặc liền nói kệ này:
Người trì giới, đa văn,
Hành thiền, tu trí tuệ,
Phạm hạnh khéo tu tập,
Rồi đến chỗ của Ta.
Người bố thí, hoan hỷ,
Tìm về cội nguồn tâm,
Vọng tưởng đều ngưng nghỉ,
Cùng đến chỗ của Ta.
Người phát tâm bình đẳng,
Thừa sự Phật khắp cùng,
Vật thực cúng Thánh chúng,
Ðều đến chỗ của Ta.
Người tụng giới, Khế kinh,
Tu, vì người diễn đạt,
Làm sáng tỏ Chánh pháp,
Nay đến chỗ của Ta.
Họ Thích khéo giáo hóa,
Cúng dường các Xá-lợi,
Vâng giữ, cúng dường Pháp,
Nay đến chỗ của Ta.
Người biên chép Khế kinh,
Chép sao trên lụa trắng,
Người cúng dường Khế kinh,
Ðều đến chỗ của Ta.
Người dùng lụa, gấm thêu,
Cúng dường nơi chùa tháp,
Tự xưng: Nam-mô Phật,
Ðều đến chỗ của Ta.
Cúng dường Phật hiện tại,
Quá khứ chư Như Lai,
Nhất tâm và bình đẳng,
Không một chút lệch sai.
Thế nên, luôn phụng sự,
Phật, Pháp, chúng Thánh hiền,
Thờ tam bảo tinh chuyên,
Ắt đến nơi tịch diệt.
[0789c11] A-nan nên biết! Đức Như Lai Di-lặc sẽ nói bài kệ này giữa chúng ấy. Bấy giờ, chư thiên và loài người trong chúng đều tư duy tu tập về mười niệm này, mười một na-do-tha15 đồ chúng sạch hết các phiền não, được Pháp nhãn thanh tịnh.
Thời đức Phật Di-lặc, trong một ngàn năm, chúng Tăng không hề sai phạm.
Bấy giờ, đức Phật ấy thường dùng một bài kệ làm giới cấm:
Miệng, ý không làm ác,
Thân cũng chẳng phạm sai,
Trừ sạch ba nghiệp này,
Mau thoát vực sanh tử.
Sau một ngàn năm, sẽ có người phạm giới nên Phật mới lập giới cấm. Phật Di-lặc sẽ thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Sau khi Phật nhập Niết-bàn, giáo pháp của Ngài sẽ tồn tại tám vạn bốn ngàn năm. Vì sao như thế? Vì chúng sanh thời bấy giờ đều là hạng lợi căn. Những người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn được gặp Phật Di-lặc và ba hội chúng Thanh văn cùng thành Kê-đầu, muốn được gặp Vua Nhượng-khư và bốn kho châu báu lớn, muốn được ăn lúa gạo tự nhiên và mặc y phục tự nhiên, muốn sau khi chết được sanh lên cõi trời thì người thiện nam hoặc người thiện nữ ấy nên gắng sức tinh tấn, chớ sanh biếng nhác, cũng nên phụng sự và cúng dường các Pháp sư, dâng cúng các loại hoa quý và các hương thơm, đừng để thiếu sót.
Thật vậy, này A-nan! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, A-nan và đại chúng nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.16
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, đều khởi suy nghĩ như vầy:
– Như Lai thật kỳ diệu! Thật là hiếm có! Các đức Phật thuở quá khứ tuy đã nhập Niết-bàn nhưng Ngài đều biết rõ tên họ, dòng họ, trì giới, tùy tùng, thảy đều phân biệt rõ ràng. Ngài còn biết rõ về thiền định, trí tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến và thọ mạng dài hay ngắn. Thế nào, này chư Hiền! Ðó là do Như Lai thông đạt về pháp giới18 rất mực thanh tịnh nên mới biết được nguồn gốc tên họ của chư Phật kia chăng? Hay là do chư thiên đến chỗ Phật thưa lại những điều này?
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, đức Thế Tôn nghe rõ điều bàn luận của số đông các Tỳ-kheo, Ngài liền đến chỗ các Tỳ-kheo rồi ngồi vào chính giữa.
Lúc ấy, Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhóm họp ở đây để bàn luận về điều gì? Muốn giảng nói pháp gì? Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chúng con nhóm họp ở đây để bàn luận về những điều thiết yếu của Chánh pháp. Ai cũng khởi lên những luận bàn như vầy: “Như Lai thật là kỳ diệu! Thật là hiếm có! Ngài có thể biết rõ các đức Phật, Thế Tôn thuở quá khứ về danh xưng, tên họ, trí tuệ nhiều ít, thảy đều thông suốt, thật là kỳ diệu. Thế nào, này chư Hiền! Là do Như Lai thông đạt về pháp giới rất mực thanh tịnh mới biết được nguồn gốc tên họ của chư Phật kia chăng? Hay là do chư thiên đến chỗ Phật thưa lại những điều này?”
Lúc ấy, Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy muốn nghe về năng lực thần thông, trí tuệ của chư Phật thời quá khứ chăng? Muốn biết tên họ, danh hiệu, thọ mạng dài hay ngắn chăng?
Các Tỳ-kheo thưa:
– Nay thật đúng lúc, cúi xin Thế Tôn diễn bày nghĩa ấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ, Như Lai sẽ giảng nói rộng rãi nghĩa đó cho các thầy!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn dạy:
– Tỳ-kheo nên biết! Thuở quá khứ, cách đây chín mươi mốt kiếp có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác.
Lại nữa, cách đây ba mươi mốt kiếp có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Thi-khí Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác.
Lại nữa, trong ba mươi mốt kiếp ấy có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Tỳ-xá-la-bà Như Lai.
Trong Hiền kiếp này có đức Phật ra đời, hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai.
Lại nữa, trong Hiền kiếp này có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Câu-na- hàm-mâu-ni Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác.
Lại nữa, trong Hiền kiếp này có đức Phật xuất hiện ở đời, hiệu là Ca-diếp. Lại nữa, trong Hiền kiếp này, Ta xuất hiện ở đời là Thích-ca Như Lai, Chí
Chân, Ðẳng Chánh Giác.
[0790b07] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Trong chín mươi mốt kiếp,
Có Phật Tỳ-bà-thi,
Trong ba mươi mốt kiếp,
Xuất hiện Phật Thi-khí.
Cũng ba mốt kiếp ấy,
Phật Tỳ-xá xuất hiện,
Trong Hiền kiếp lúc ấy,
Bốn Phật cùng ra đời.
Câu-tôn, Na, Ca-diếp,
Mặt trời chiếu thế gian,
Muốn biết rõ tên họ,
Danh hiệu Phật thế đó.
Đức Phật Tỳ-bà-thi xuất thân từ dòng họ Sát-lợi. Đức Phật Thi-khí cũng xuất thân từ dòng họ Sát-lợi. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà cũng xuất thân từ dòng họ Sát-lợi. Đức Phật Câu-lưu-tôn xuất thân từ dòng họ Bà-la-môn. Đức Phật Câu- na-hàm-mâu-ni xuất thân từ dòng họ Bà-la-môn. Đức Phật Ca-diếp xuất thân từ dòng họ Bà-la-môn. Hiện nay, Ta xuất thân từ dòng họ Sát-lợi.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Phật quá khứ ra đời,
Ðều dòng họ Sát-lợi,
Câu-tôn đến Ca-diếp,
Xuất thân Bà-la-môn.
Cao tột chẳng ai sánh,
Ta, bậc thầy trời, người,
Các căn đều tịch tịnh,
Dòng Sát-lợi xuất thân.
Đức Phật Tỳ-bà-thi họ Cù-đàm. Đức Phật Thi-khí cũng xuất thân từ họ Cù- đàm. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà cũng xuất thân từ họ Cù-đàm. Đức Phật Ca-diếp xuất thân từ họ Ca-diếp. Đức Phật Câu-lưu-tôn, đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni cũng xuất thân từ họ Ca-diếp, giống nhau không khác. Như Lai hiện nay là Ta, xuất thân từ họ Cù-đàm.
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Ba đức Phật đầu tiên,
Dòng Cù-đàm thị hiện,
Ba vị kế Ca-diếp,
Dòng Ca-diếp xuất thân.
Như Ta trong hiện tại,
Trời, người đều quy kính,
Các căn đều tịch tịnh,
Xuất thân họ Cù-đàm.
[0790c03] Tỳ-kheo nên biết! Đức Phật Tỳ-bà-thi có họ là Câu-lân-nhã. Đức Phật Thi-khí cũng xuất thân từ họ Câu-lân-nhã. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà cũng xuất thân từ họ Câu-lân-nhã. Đức Phật Câu-lưu-tôn xuất thân từ họ Bà-la-đọa. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni cũng xuất thân từ họ Bà-la-đọa. Đức Phật Ca- diếp cũng xuất thân từ họ Bà-la-đọa. Hiện nay, Ta là Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, xuất thân từ họ Câu-lân-nhã.19
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Ba đức Phật đầu tiên,
Từ họ Câu-lân-nhã,
Ba vị kế Ca-diếp,
Có họ Bà-la-đọa.
Như Ta trong hiện tại,
Trời, người đều quy kính,
Các căn đều tịch tịnh,
Xuất thân Câu-lân-nhã.
Đức Phật Tỳ-bà-thi ngồi bên cội cây hoa Ba-la-lợi mà thành tựu Phật đạo. Đức Phật Thi-khí ngồi bên cội cây Phân-đà-lợi mà thành tựu Phật đạo. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà ngồi bên cội cây Ba-la mà thành tựu Phật đạo. Đức Phật Câu- lưu-tôn ngồi bên cội cây Thi-lợi-sa mà thành tựu Phật đạo. Đức Phật Câu-na- hàm-mâu-ni ngồi bên cội cây Ưu-đầu-bạt-la mà thành tựu Phật đạo. Đức Phật Ca-diếp ngồi bên cội cây Ni-câu-lưu mà thành tựu Phật đạo. Hiện nay, Ta là Như Lai ngồi bên cội cây Cát Tường mà thành tựu Phật đạo.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Phật đầu tiên thành đạo,
Dưới cây Ba-la-lợi,
Thi-khí, Phân-đà-lợi,
Tỳ-xá, cây Ba-la.
Câu-tôn, cây Thi-lợi,
Câu-na, cây Bạt-la,
Ca-diếp, cây Câu-lưu,
Ta bên cội Cát Tường.
Bảy Phật, Thiên Trung Thiên,
Chiếu thế gian sáng tỏa,
Nhân duyên ngồi bên cây,
Đều thành tựu đạo quả.
Đức Phật Tỳ-bà-thi có mười sáu vạn tám ngàn chúng đệ tử. Đức Phật Thi- khí có mười sáu vạn chúng đệ tử. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà có mười vạn chúng đệ tử. Đức Phật Câu-lưu-tôn có tám vạn chúng đệ tử. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu- ni có bảy vạn chúng đệ tử. Đức Phật Ca-diếp có sáu vạn chúng đệ tử. Hiện tại, chúng đệ tử của Ta là một ngàn hai trăm năm mươi vị, đều là bậc A-la-hán, các phiền não vĩnh viễn dứt trừ, không còn các sự trói buộc.
[0791a04] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Trăm ngàn sáu vạn tám,
Ðệ tử Tỳ-bà-thi,
Trăm ngàn và sáu vạn,
Ðệ tử Phật Thi-khí.
Trăm ngàn chúng Tỳ-kheo,
Ðệ tử Tỳ-xá-bà,
Câu-tôn, tám vạn chúng,
Câu-na-hàm, bảy vạn.
Ca-diếp, sáu vạn chúng,
Thảy đều A-la-hán,
Nay Ta, đấng Thích-ca,
Ngàn hai trăm năm mươi.
Ðều là bậc Chân nhân,
Đang hoằng dương chánh giáo,
Chúng đệ tử các Ngài,
Thật đông nhiều xiết bao!
Thị giả của đức Phật Tỳ-bà-thi tên là Ðại Ðạo Sư. Thị giả của đức Phật Thi- khí tên là Thiện Giác. Thị giả của đức Phật Tỳ-xá-la-bà tên là Thắng Chúng. Thị giả của đức Phật Câu-lưu-tôn tên là Cát Tường. Thị giả của đức Phật Câu- na-hàm-mâu-ni tên là Tỳ-la-tiên. Thị giả của đức Phật Ca-diếp tên là Ðạo Sư. Thị giả của Ta hiện nay tên là A-nan.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Ðại Ðạo và Thiện Giác,
Thắng Chúng và Cát Tường,
Tỳ-la-tiên, Ðạo Sư,
A-nan, bảy thị giả.
Bảy vị theo hầu Phật,
Không lúc nào phi thời,
Ðọc tụng và thọ trì,
Không quên mất nghĩa lý.
Đức Phật Tỳ-bà-thi thọ tám vạn bốn ngàn tuổi. Đức Phật Thi-khí thọ bảy vạn tuổi. Đức Phật Tỳ-xá-la-bà thọ sáu vạn tuổi. Đức Phật Câu-lưu-tôn thọ năm vạn tuổi. Đức Phật Câu-na-hàm-mâu-ni thọ bốn vạn tuổi. Đức Phật Ca-diếp thọ hai vạn tuổi. Thọ mạng hiện tại của Như Lai thật ngắn, tuổi thọ không quá một trăm năm.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Phật đầu, tám vạn tư,
Phật kế, bảy vạn tuổi,
Tỳ-xá-bà, sáu vạn,
Câu-lưu thọ năm vạn.
Thọ mạng bốn vạn tuổi,
Là tuổi Câu-na-hàm,
Ca-diếp thọ hai vạn,
Riêng Ta thọ trăm năm.
[0791b03] Như thế, này các Tỳ-kheo! Như Lai quán sát, biết được tên họ và danh hiệu của chư Phật thảy đều tường tận, thấy biết rõ ràng dòng họ, chủng tộc, thông suốt mọi việc về trì giới, trí tuệ, thiền định và giải thoát.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Như Lai cũng giảng nói, hằng sa chư Phật đã Diệt độ thời quá khứ, Như Lai cũng đều biết. Hằng sa chư Phật tương lai sẽ xuất hiện, Như Lai cũng đều biết. Vì sao Như Lai không nói về những việc làm của những đức Phật đó mà Ngài chỉ nói tường tận về bảy đức Phật?
Phật bảo A-nan:
– Như Lai chỉ nói tường tận về bảy đức Phật là thảy đều có nguồn gốc nhân duyên. Hằng sa chư Phật thời quá khứ cũng chỉ nói tường tận về bảy đức Phật. Vào thời tương lai, khi Phật Di-lặc xuất hiện, Ngài cũng sẽ nói tường tận về bảy đức Phật. Nếu lúc đức Như Lai Sư Tử Ứng xuất hiện ở đời, Ngài cũng sẽ nói tường tận về bảy đức Phật. Nếu lúc đức Phật Thừa Nhu Thuận xuất hiện ở đời, Ngài cũng sẽ nói tường tận về bảy đức Phật. Nếu lúc đức Phật Quang Diệm xuất hiện ở đời, Ngài cũng sẽ nói tường tận về bảy đức Phật. Nếu lúc Như Lai Vô Cấu xuất hiện, Ngài cũng sẽ nói tường tận về Phật Ca-diếp. Nếu lúc đức Phật Bảo Quang xuất hiện ở đời, Ngài cũng sẽ nói tường tận về Phật Thích-ca Mâu-ni.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Sư Tử, Nhu Thuận, Quang,
Vô Cấu và Bảo Quang,
Thứ đến là Di-lặc,
Ðều sẽ thành Phật đạo.
Di-lặc thuật Thi-khí,
Sư Tử thuật Tỳ-xá,
Nhu Thuận thuật Câu-tôn,
Quang Diệm thuật Mâu-ni.
Vô Cấu thuật Ca-diếp,
Ðều nói duyên xưa kia,
Bảo Quang thành Phật đạo,
Sẽ thuật danh hiệu Ta.
Chư Phật đời quá khứ,
Và chư Phật tương lai,
Ðều nói rõ ngọn nguồn,
Duyên xưa của bảy Phật.
Do nhân duyên này, Như Lai chỉ nói về danh hiệu bảy đức Phật mà thôi. Bấy giờ, A-nan bạch đức Thế Tôn:
– Kính bạch Thế Tôn!20 Kinh này tên là gì và nên phụng hành như thế nào? Phật bảo A-nan:
– Kinh này tên là Nói về danh hiệu Phật, nên ghi nhớ phụng hành.
Bấy giờ, A-nan và các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, trưởng giả Sư Tử đi đến chỗ Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Trưởng giả Sư Tử thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Cúi xin Tôn giả chấp thuận lời thọ thỉnh của con! Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất im lặng nhận lời.
Bấy giờ, thấy Tôn giả im lặng nhận lời, trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, lạy sát chân rồi ra về.
Trưởng giả lại đến chỗ các vị Mục-kiền-liên, Ly-việt, Ðại Ca-diếp, A-na- luật, Ca-chiên-diên, Mãn Từ Tử, Ưu-ba-ly, Tu-bồ-đề, La-hầu-la và Sa-di Quân- đầu... để thỉnh năm trăm vị thượng thủ như thế.
Thế rồi, trưởng giả Sư Tử liền trở về, sắm sửa đầy đủ nhiều món ăn thức uống, trải tòa ngồi đẹp, rồi đến thưa:
– Đã đến giờ, xin các Chân nhân A-la-hán biết cho, nay thức ăn đã dọn xong, cúi mong các vị quang lâm đến nhà con!
Bấy giờ, các đại Thanh văn đều đắp ba y, ôm bát vào thành rồi đến nhà trưởng giả.
Khi các Tôn giả đã an định chỗ ngồi xong, trưởng giả tự tay dâng cúng các món ăn thức uống. Thấy Thánh chúng thọ trai xong, trưởng giả liền đem nước sạch rửa tay, cúng dường mỗi vị một tấm lụa trắng, rồi đứng trước để nhận lời chú nguyện.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất giảng nói pháp vi diệu cho trưởng giả, rồi rời tòa ra về, trở lại nơi tịnh thất.
Lúc ấy, Tôn giả La-hầu-la đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, đức Thế Tôn hỏi:
– Thầy vừa từ nơi nào đến đây? La-hầu-la thưa:
– Hôm nay, con được trưởng giả Sư Tử mời thọ thực. Phật hỏi:
– Thế nào, La-hầu-la! Thức ăn ngon hay không ngon, là tinh tế hay sơ sài? La-hầu-la thưa:
– Thức ăn rất ngon và dồi dào. Tấm lụa trắng này là do trưởng giả ấy cúng. Phật hỏi La-hầu-la:
– Chúng Tăng có bao nhiêu vị? Ai là thượng thủ? La-hầu-la bạch Phật:
– Hòa thượng Xá-lợi-phất là thượng thủ cùng với năm trăm đệ tử đức hạnh. Phật bảo La-hầu-la:
– Thế nào, La-hầu-la! Trưởng giả ấy được phước nhiều chăng? La-hầu-la bạch Phật:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Trưởng giả ấy được phước báu nhiều không tính kể. Cúng dường một vị A-la-hán, phước ấy đã khó hạn định, huống hồ là bậc thần diệu lớn, trời, người đều cung kính. Năm trăm vị hôm nay đều là bậc Chân nhân thì phước ấy làm sao có thể đo lường.
Phật bảo La-hầu-la:
– Công đức cúng dường cho năm trăm vị La-hán hôm nay, nếu so với phước cúng dường một vị Sa-môn được thỉnh do chúng Tăng sai cử theo thứ lớp thì phước kia lớn gấp trăm ngàn lần, ức vạn lần, không thể dùng ví dụ để so sánh khi so với phước cúng cho năm trăm La-hán. Vì sao như vậy? Vì người do chúng sai cử, phước ấy khó hạn định, đạt đến cõi Niết-bàn, diệt tận.
La-hầu-la nên biết! Ví như có người tự phát nguyện: “Tôi sẽ uống nước của các sông ngòi.” Người ấy có làm được như thế không?
[0792a06] La-hầu-la bạch Phật:
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Vì sao như vậy? Vì cõi Diêm-phù-đề này cực kỳ rộng lớn. Cõi Diêm-phù-đề này có bốn con sông lớn: Một là, sông Hằng. Hai là, sông Tân-đầu. Ba là, sông Tư-đà. Bốn là, sông Bác-xoa. Mỗi con sông lại có năm trăm nhánh sông nhỏ, cho nên người ấy không bao giờ có thể uống được hết các dòng nước, chỉ lao công nhọc sức mà không bao giờ thành tựu việc ấy.
Phật bảo La-hầu-la:
– Người kia lại bảo như vầy: “Ta tự có cách thức và phương tiện để có thể uống được hết các nguồn nước.” Thế nào là có phương cách để uống được hết các nguồn nước? Bấy giờ, người kia liền suy nghĩ như vầy: “Ta sẽ uống nước biển. Vì sao như thế? Vì tất cả các dòng sông đều đổ về biển.” Thế nào, này La- hầu-la! Người kia có thể uống được hết các dòng nước chăng?
La-hầu-la bạch Phật:
– Với phương cách như thế, người kia có thể uống được tất cả các dòng nước. Vì sao như vậy? Vì tất cả các dòng sông đều đổ về biển. Do nhân duyên này, người kia uống được tất cả các dòng nước.
Phật bảo La-hầu-la:
– Ðúng thế, La-hầu-la! Tất cả mọi sự cúng dường riêng tư giống như dòng sông kia, hoặc được phước hoặc không được phước, còn chúng Tăng thì giống như biển cả. Vì sao như vậy? Vì nước từ sông hay suối đều đổ về biển cả và tên cũ liền mất, chỉ còn tên biển cả mà thôi. Này La-hầu-la! Ðiều này cũng như thế. Mười hạng người này đều xuất phát từ trong chúng, không có chúng thì không thành tựu. Gồm những hạng nào? Ðó là bậc hướng Tu-đà-hoàn, bậc chứng đắc Tu-đà-hoàn; bậc hướng Tư-đà-hàm, bậc chứng đắc Tư-đà-hàm; bậc hướng A-na-hàm, bậc chứng đắc A-na-hàm; bậc hướng A-la-hán, bậc chứng đắc A-la- hán; bậc Độc giác và Như Lai. Ðó gọi là mười hạng người đều từ trong chúng, không thể tự lập riêng rẽ.
Này La-hầu-la! Do phương cách này nên biết, người được chúng sai cử, phước ấy không có giới hạn. Cho nên, này La-hầu-la! Người thiện nam hay người thiện nữ nào mong cầu được phước không thể tính kể thì nên cúng dường Thánh chúng. La-hầu-la nên biết! Cũng như có người đem bơ bỏ vào trong nước thì bơ đông lại, không thể tan rộng ra. Nếu đem dầu rót vào trong nước thì dầu sẽ loang đầy trên mặt nước. Cho nên, này La-hầu-la! Nên nhớ nghĩ về sự cúng dường Thánh chúng Tỳ-kheo-tăng.
Thật vậy, này La-hầu-la! Nên học tập điều này.
[0792b02] Bấy giờ, trưởng giả Sư Tử nghe Như Lai khen ngợi, giảng nói về phước của sự cúng dường cho chúng mà không khen ngợi hay giảng nói về phước nào khác.
Thế rồi, vào một dịp khác, trưởng giả đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, trưởng giả Sư Tử bạch Phật:
– Con được nghe Như Lai khen ngợi phước bố thí cho chúng mà không khen ngợi phước được thỉnh riêng. Từ nay về sau, con sẽ thường xuyên cúng dường Thánh chúng.
Đức Phật bảo:
– Ta không nói như vầy: “Nên cúng dường Thánh chúng, không nên cúng dường cho người khác.” Vì bố thí cho loài súc sanh cũng còn được phước, huống hồ là người khác? Tuy nhiên, Ta chỉ nói là được phước nhiều hay ít. Vì sao như vậy? Vì Thánh chúng của Như Lai đáng kính, đáng quý, là ruộng phước không gì hơn ở thế gian. Trong chúng này có bốn hướng, bốn quả, Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Phật thừa. Những người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn đạt được đạo quả của Ba thừa thì nên tìm cầu từ trong chúng. Vì sao như vậy? Vì đạo quả của Ba thừa đều phát khởi từ trong chúng. Này trưởng giả! Ta quán sát nghĩa lý nhân duyên này nên mới nói những lời như vậy. Ta cũng không dạy bảo người nên bố thí cho Thánh chúng mà không nên bố thí cho người khác.
Bấy giờ, trưởng giả bạch Phật:
– Ðúng thế, như lời Thế Tôn dạy bảo! Từ nay về sau, nếu làm việc phước thì con sẽ cúng dường Thánh chúng, không chọn riêng người để bố thí.
Lúc ấy, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho trưởng giả kia, khiến ông phát tâm hoan hỷ. Nghe pháp xong, trưởng giả liền đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ra về.
Bấy giờ, trưởng giả Sư Tử phát tâm muốn bố thí để tạo phước nghiệp. Lúc ấy, chư thiên đến bảo:
– Ðây là người thành tựu hướng Tu-đà-hoàn, đây là người đã chứng đắc Tu-đà-hoàn. Bố thí cho người này phước nhiều, bố thí cho người này được phước ít.
Thế rồi, chư thiên dùng kệ khen ngợi:
Phật khen chọn bố thí,
Cúng các vị đức cao,
Sẽ được phước rất nhiều,
Như mạ gieo ruộng tốt.
Lúc ấy, trưởng giả Sư Tử im lặng không trả lời. Bấy giờ, chư thiên lại nói với trưởng giả:
– Ðây là người trì giới, đây là người phạm giới; đây là người hướng Tu-đà- hoàn, đây là người chứng đắc Tu-đà-hoàn; đây là người hướng Tư-đà-hàm, đây là người chứng đắc Tư-đà-hàm; đây là người hướng A-na-hàm, đây là người chứng đắc A-na-hàm; đây là người hướng A-la-hán, đây là người chứng đắc A-la-hán; đây là Thanh văn thừa, đây là Độc giác thừa, đây là Phật thừa, bố thí người này được phước ít, bố thí người này được phước nhiều.
[0792c04] Lúc ấy, trưởng giả Sư Tử im lặng không đáp. Vì sao như vậy? Vì ông chỉ ghi nhớ lời dạy bảo của Như Lai, không lựa chọn mà bố thí.
Thế rồi, lại vào một dịp khác, trưởng giả Sư Tử đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên và thưa:
– Con nhớ lại, lúc con thỉnh Thánh chúng thọ trai, có chư thiên đến bảo con: “Ðây là người trì giới, đây là người phạm giới; người này hướng Tu-đà- hoàn, người này chứng đắc Tu-đà-hoàn,... cho đến hàng Ba thừa, thảy đều phân biệt.”
Chư thiên lại nói kệ như vầy:
Phật khen chọn bố thí,
Cúng các vị đức cao,
Sẽ được phước rất nhiều,
Như mạ gieo ruộng tốt.
Khi ấy, con lại nghĩ thế này: “Không nên làm trái lời Như Lai dạy bảo, sao ta lại khởi tâm chọn lựa để bố thí ư? Không bao giờ con có tâm phải trái hoặc khởi ý niệm cao thấp.” Thế rồi, con lại suy nghĩ: “Ta sẽ bố thí khắp cả mọi loài chúng sanh, người nào trì giới thì được phước vô cùng, nếu ai phạm giới thì tự chịu tai ương. Chỉ vì thương xót chúng sanh, không ăn thì không thể duy trì mạng sống.”
Đức Phật bảo trưởng giả:
– Lành thay, lành thay! Này trưởng giả! Thệ nguyện của ông thật rộng lớn. Bậc Bồ-tát khi bố thí thì tâm thường bình đẳng. Trưởng giả nên biết, vào ngày Bồ-tát bố thí, chư thiên đến bảo rằng: “Thiện nam nên biết: ‘Đây là người trì giới, đây là người phạm giới; bố thí cho người này được phước nhiều, bố thí cho người này được phước ít.’” Bấy giờ, Bồ-tát không hề khởi tâm: “Nên bố thí người này, không nên bố thí người này.” Song, Bồ-tát giữ gìn tâm, không cho là phải hoặc cho là trái, cũng chẳng nói người này trì giới, cũng chẳng nói người này phạm giới. Cho nên, này trưởng giả! Nên nhớ nghĩ về bố thí bình đẳng thì được phước vô lượng và lâu dài.
Thế rồi, trưởng giả Sư Tử ghi nhớ lời Như Lai dạy bảo, chiêm ngưỡng Thế Tôn, tâm không lay động, liền đạt được Pháp nhãn thanh tịnh ngay tại chỗ ngồi. Lúc ấy, trưởng giả Sư Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ra về.
Bấy giờ, trưởng giả rời đi chưa bao lâu, Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Nhờ ghi nhớ pháp bố thí bình đẳng, rồi lại chiêm ngưỡng toàn thân Như Lai nên trưởng giả liền đạt được Pháp nhãn thanh tịnh ngay tại chỗ ngồi.
Lúc ấy, đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
– Trong số đệ tử ưu-bà-tắc của Ta, người bố thí bình đẳng bậc nhất chính là trưởng giả Sư Tử.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang vá y phấn tảo ở nơi thanh vắng trong núi Kỳ-xà quật.
Lúc ấy, có mười ngàn chư thiên ẩn thân từ cõi trời Phạm thiên23 rồi hiện đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi đầu lễ sát chân, nhiễu quanh để hầu, rồi dùng kệ này khen ngợi:
Quy mạng bậc Thượng nhân,
Quy mạng bậc Tôn quý,
Chúng tôi không thể biết,
Ngài trụ những thiền nào?
Lúc ấy, mười ngàn thiên chúng cõi trời Phạm thiên nói kệ này rồi, Xá-lợi- phất lặng yên hứa khả.
Bấy giờ, thấy Xá-lợi-phất lặng yên hứa khả rồi, chư thiên liền lễ sát chân rồi lui ra.
Chư thiên rời đi chưa bao xa, Xá-lợi-phất liền nhập chánh định Kim cang. Lúc ấy, có hai con quỷ là Già-la và Ưu-bà-già-la do Thiên vương Tỳ-sa-
môn sai đi đến chỗ Thiên vương Tỳ-lưu-lặc để bàn luận việc của trời, người.
Bấy giờ, hai con quỷ ấy bay ngang qua hư không, từ xa thấy Xá-lợi-phất đang ngồi kiết-già, buộc niệm trước mặt, định tâm vắng lặng.
Quỷ Già-la nói với quỷ kia:
– Ta có thể dùng nắm đấm đánh vào đầu Sa-môn này. Quỷ Ưu-bà-già-la nói:
– Ông chớ khởi ý nghĩ đánh vào đầu Sa-môn như thế. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn này có thần đức và oai lực cực lớn. Tôn giả này tên là Xá-lợi-phất, trong hàng đệ tử Thế Tôn không có ai thông minh, tài cao hơn vị này, là vị Trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử Phật. Ông hãy chuẩn bị để mãi chịu vô số khổ đau.
Thế nhưng, quỷ Già-la vẫn lặp lại ba lần:
– Ta có thể đánh vào đầu Sa-môn ấy. Quỷ Ưu-bà-già-la lại bảo:
– Nếu như ông không nghe lời ta thì ông cứ ở đây, ta sẽ đi một mình. Ác quỷ hỏi:
– Ngươi sợ Sa-môn ấy ư?
Quỷ Ưu-bà-già-la bảo:
– Thật sự ta sợ Sa-môn này. Nếu ông dùng tay đánh vào đầu Sa-môn này thì đất sẽ nứt làm đôi, ngay lúc ấy sẽ có mưa to gió lớn, đất đai rúng động, chư thiên kinh động. Mặt đất đã rúng động nên Tứ Thiên Vương cũng sẽ kinh sợ. Tứ Thiên Vương biết được thì chúng ta khó mà yên thân.
[0793b01] Lúc ấy, ác quỷ nói:
– Ta có thể làm nhục Sa-môn này. Thiện quỷ nghe rồi, liền bỏ đi.
Bấy giờ, ác quỷ kia liền dùng tay đánh vào đầu Xá-lợi-phất.
Ngay khi ấy, trời đất chấn động mạnh, bốn phía nổi cuồng phong, mưa lớn liền trút xuống, mặt đất nứt làm đôi, toàn thân ác quỷ này liền rơi vào địa ngục.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền xả chánh định, chỉnh lại y phục, rời khỏi núi Kỳ-xà quật, vào vườn trúc rồi đến chỗ đức Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật và ngồi sang một bên.
Lúc ấy, Phật bảo Xá-lợi-phất:
– Thân thể của thầy không bệnh tật gì chứ? Xá-lợi-phất thưa:
– Thân con không bệnh, chỉ có đầu bị đau. Phật bảo:
– Do quỷ Già-la đã dùng tay đánh vào đầu thầy. Con quỷ ấy nếu lấy tay đánh vào núi Tu-di thì núi Tu-di liền vỡ làm đôi. Vì sao như thế? Vì quỷ ấy có sức cực mạnh. Nay nó đã chịu tội báo, toàn thân rơi vào địa ngục A-tỳ.
Thế rồi, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thật là kỳ lạ! Thật là đặc thù! Chánh định Kim cang có năng lực đến thế! Do năng lực của định này mà thầy ấy không bị tổn hại. Giả sử núi Tu-di đánh vào đầu vị ấy thì cũng không thể nào động đến mảy lông. Vì sao như thế? Tỳ- kheo hãy lắng nghe:
Trong Hiền kiếp này có đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Ðức Phật ấy có hai vị đệ tử lớn, vị thứ nhất tên Ðẳng Thọ, vị thứ hai tên Ðại Trí. Tỳ-kheo Ðẳng Thọ có thần túc bậc nhất, Tỳ-kheo Ðại Trí có trí tuệ bậc nhất. Như Ta hiện nay có Xá-lợi-phất trí tuệ bậc nhất, Mục-kiền-liên thần túc bậc nhất.
Bấy giờ, hai Tỳ-kheo Ðẳng Thọ và Ðại Trí đều thành tựu định Kim cang.
Vào một dịp nọ, Tỳ-kheo Ðẳng Thọ nhập định Kim cang nơi chỗ vắng vẻ. Lúc ấy, những người chăn bò, người chăn dê, kẻ đốn củi và cắt cỏ nhìn thấy Tỳ-kheo này đang ngồi thiền, họ bảo nhau:
“Sa-môn này hôm nay đã bị vô thường bắt mất rồi.”
Thế rồi, những người chăn bò và người đốn củi liền gom các loại cỏ cây, chất lên trên thân của thầy Tỳ-kheo, châm lửa đốt rồi bỏ đi.
Bấy giờ, Tỳ-kheo Ðẳng Thọ xả thiền định, chỉnh lại y phục rồi rời chỗ ngồi mà đi. Cũng ngay hôm đó, thầy Tỳ-kheo ấy đắp y, ôm bát vào thôn xóm khất thực.
Lúc ấy, những người đốn củi thấy thầy Tỳ-kheo khất thực trong thôn, họ đều bảo nhau:
“Thầy Tỳ-kheo này hôm qua đã chết, chúng ta đã lấy lửa hỏa thiêu nhưng hôm nay sao sống lại, ta nên đặt tên là Hoàn Hoạt.”24
Tỳ-kheo nếu thành tựu định Kim cang thì lửa đốt không cháy, dao chặt không đứt, xuống nước không chìm, không bị người khác làm tổn thương. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Chánh định Kim cang có oai đức như thế. Xá-lợi-phất hiện tại thành tựu chánh định này. Tỳ-kheo Xá-lợi-phất đa phần an trú ở hai nơi: Chánh định Không và chánh định Kim cang.
Cho nên, này các Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện để tu tập định Kim cang. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
[0793c09] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ giảng nói cho các thầy: Như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất là vị Tỳ-kheo với trí tuệ lớn, trí tuệ phân biệt, trí tuệ rộng rãi, trí tuệ vô biên, trí tuệ nhanh nhạy, trí tuệ rộng khắp, trí tuệ sắc bén, trí tuệ thâm sâu, trí tuệ đoạn trừ.25 Thầy ấy ít muốn biết đủ, vắng lặng dũng mãnh, tâm không tán loạn, thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và giải thoát tri kiến, nhu hòa không tranh cãi, xa lìa tất cả các việc ác, nhẫn nhịn các lời lẽ, khen ngợi sự lìa bỏ điều ác, thường nhớ nghĩ xa lìa, thương xót chúng sanh, thắp sáng Chánh pháp, nói pháp cho người không hề mỏi mệt.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Mười ngàn chúng cõi trời,
Đều ở Phạm-ca-di,
Đến đỉnh Linh Thứu sơn,
Quy y Xá-lợi-phất.
Quy mạng bậc Thượng nhân,
Quy mạng bậc Tôn quý,
Chúng tôi không thể biết,
Ngài nương thiền định nào?
Giống như Hoa đệ tử,
Trang nghiêm Đạo thọ Phật,
Vườn Trú Độ26 cõi trời,
Vui thích không thể sánh.
Hoa đệ tử, chính là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Vì sao như thế? Vì vị này có khả năng trang nghiêm thân cây Phật. Đạo thọ, chính là Như Lai. Như Lai che chở cho tất cả chúng sanh.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Hãy nhớ nghĩ siêng năng, dũng mãnh tinh tấn như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.27
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Thập bất thiện phẩm 十不善品 (T.02. 0125.48. 0785c23).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.1. 0785c24). Tham chiếu: Tư kinh 思經 (T.01. 0026.15. 0437b24); A. 10.217 - V. 292; A. 10.218 - V. 297; A. 10.219 - V. 299.
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.2. 0786a26). Tham chiếu: Chiêm-ba kinh 瞻波經 (T.01. 0026.37. 0478b13); Hằng thủy kinh 恒水經 (T.01. 0033. 0817a03); Pháp hải kinh 法海經 (T.01.0034. 0818a08); Hải bát đức kinh 海八德經 (T.01. 0035. 0819a03); A. 8.20 - IV. 204.
4 Thù-la quả (酬羅果) tương tự như loài cây a-lê-thọ-chi (阿梨樹枝) trong Diệu Pháp Liên Hoa kinh妙法蓮華經 (T.09. 0262.7. 0059b13). Loài cây này trong Chánh Pháp Hoa kinh 正法華經 (T.09. 0263.10. 0130c08) gọi là “hoa thái phẫu” (華菜剖), có nguyên tác Phạn ngữ là mañjarī. Mañjarī là một loài cây thiêng trong văn hóa Ấn Độ, được ghi nhận trong Āyurveda. Trong Phật giáo, loại cây này còn được đề cập trong J. V. 535. Đại khổng tước chú vương kinh 大孔雀呪王經 (T.19. 0985.1. 0462b15) gọi là “lan hương sao” (蘭香蕱).
5 Duy-na (維那) tức yết-ma đà-na (羯磨陀那, S. karmadāna), còn gọi là “cương duy” (綱維), “thứ đệ” (次第), “thọ sự” (授事), “tri sự” (知事), “duyệt chúng” (悅眾), “tự hộ” (寺護).
6 Nguyên tác: Đạo sĩ (道士).
7 Chấm câu trong nguyên tác hơi đặc dị. Tham chiếu cách chấm câu trong Yết-ma 羯磨 (T.22. 1433.1. 1056b21): “Hôm nay ngày bố-tát, vào lúc... giờ, chúng Tăng hòa hợp, vân tập về giảng đường... để thuyết giới” (今布薩日, 某時, 眾僧和合, 集某堂說戒).
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.3. 0787c02).
9 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
10 Xem lại công hạnh của vị Tỳ-kheo này tại Kinh thiếu nữ Tu-ma-đề, số 3, phẩm 30, tr. 420 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.30.3. 0660a01).
11 Nguyên tác: La-vân (羅云, Rāhula).
12 Nguyên tác: Thích-ca-văn (釋迦文) hay Thích-ca Mâu-ni (釋迦牟尼) được phiên âm từ Sakya Muni. Cách phiên âm “Thích-ca-văn” không phổ biến trong các điển tịch Phật giáo Trung Quốc.
13 Nguyên tác: Huệ thí, nhân ái, lợi nhân, đẳng lợi (惠施, 仁愛, 利★, 等利).
14 Tham chiếu: M. 75, Māgandiya Sutta (Kinh Māgandiya): “Này Māgandiya, sự xúc chạm với các dục trong thời quá khứ cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời vị lai cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não, và sự xúc chạm với các dục trong thời hiện tại cũng là đau khổ, rất là nồng cháy, rất là nhiệt não. Và này Māgandiya, những chúng sanh này chưa đoạn trừ tham ái đối với các dục, đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, với các căn bị hư hoại, do sự xúc chạm đau khổ với các dục, lại có phản tưởng là được lạc thọ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
15 Nguyên tác: Cai (姟), tức 100 triệu.
16 Bản Hán, hết quyển 44.
17 Tựa đề được đức Phật dạy trong nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.4. 0790a07). Tham chiếu: Đại bổn kinh 大本經 (T.01. 0001.1. 0001b11); Thất Phật kinh 七佛經 (T.01. 0002. 0150a03); Tỳ-bà- thi Phật kinh 毘婆尸佛經 (T.01. 0003. 0154b05); Thất Phật phụ mẫu tánh tự kinh 七佛父母姓字經 (T.01. 0004. 159a24); D. 14, Cūladukkhakkhandha Sutta (Tiểu kinh khổ uẩn).
18 Nguyên tác: Pháp xứ (法處), tên khác của pháp giới. Theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.1. 0004a25): 如是此中所說五蘊, 即十二處并十八界, 謂除無表, 諸餘色蘊即名十處, 亦名十界. 受想行蘊, 無表, 無為總名法處, 亦名法界.
19 Tánh Câu-lân-nhã (姓拘鄰若). Chỉ duy nhất ở bản kinh này trong Đại Chánh tạng ghi nhận đức Phật Thích-ca có họ là Câu-lân-nhã.
20 Nguyên tác không có 4 chữ này. Sử dụng lặp lại câu kinh trước để thể hiện sự tôn kính.
21 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.5. 0791c01). Tham chiếu: A. 8.12 - IV. 179.
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.48.6. 0793a03). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1330. 0367b05); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.329. 0485a24); Ud. 39.
23 Nguyên tác: Phạm-ca-di (梵迦夷, Brahmakāyika), cũng gọi là Sơ thiền Phạm thiên (初禪梵天).
24 Nội dung câu chuyện về vị Tỳ-kheo nhập định cũng được ghi lại đầy đủ trong Hàng ma kinh 降魔經 (T.01. 0026.131. 0620b07).
25 Nguyên tác: 比丘智慧, 大智, 分別廣智, 無邊智, 捷疾之智, 普遊智, 利智, 甚深智, 斷智. Sa-môn Nhị Thập Ức kinh 沙門二十億經 (T.01. 0026.123. 0611c26): Thông tuệ (聰慧, paṇḍitapaññā), đại tuệ (大慧, mahāpaññā), tốc tuệ (速慧, hāsapaññā), tiệp tuệ (捷慧, javanapaññā), lợi tuệ (利慧, tikkhapaññā), quảng tuệ (廣慧, puthupaññā), thâm tuệ (深慧, gambhīrapaññā), xuất yếu tuệ (出要慧, nissaraṇapaññā), minh đạt tuệ (明達慧, nibbedhikapaññā); S. V. 412-13.
26 Trú Độ (晝度), viết tắt của Trú Độ thọ (晝度樹, Pāricchattaka hoặc Pārijāta): Cây này sanh trưởng trong vườn Hoan Hỷ (歡喜🖃, Nandanavana), bên ngoài Thiện Pháp đường (善法堂, Sudhammāsālā), trên cõi trời Đao-lợi (忉利天, Tāvatiṃsa). Kinh cây Trú Độ, số 2, phẩm 39, tr. 654 trong tập này; Tăng增 (T.02. 0125.39.2. 0729b12) mô tả: Gốc cây to 50 do-tuần, cao 100 do-tuần, bóng cây che phủ 4 phía rộng 50 do-tuần.
27 Bản Hán, hết quyển 45.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.