Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có chúng sanh vâng giữ mười pháp thì được sanh lên cõi trời, lại có chúng sanh thực hành mười pháp thì bị đọa vào đường ác, lại có chúng sanh nếu tu hành mười pháp thì được vào cảnh giới Niết-bàn.
Thực hành mười pháp nào thì bị đọa trong đường ác? Đó là, có người sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác, nói hai chiều gây chia rẽ đôi bên, ganh ghét, sân hận và khởi các tà kiến. Đó là mười pháp. Chúng sanh nào thực hành theo mười pháp này thì sẽ bị đọa vào đường ác.
Tu tập mười pháp nào thì được sanh lên cõi trời? Đó là, có người không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không nói hai chiều gây chia rẽ đôi bên, không ganh ghét, không sân hận và không khởi các tà kiến. Nếu có người tu tập mười pháp này thì được sanh lên cõi trời.
[0781a02] Tu hành mười pháp nào thì đạt đến Niết-bàn? Ðó là mười niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo-tăng, niệm thiên, niệm giới, niệm thí, niệm tịch tĩnh,3 niệm hơi thở ra vào,4 niệm thân và niệm sự chết. Ðó gọi là tu tập theo mười pháp này liền đạt đến Niết-bàn.
Tỳ-kheo nên biết! Phải nghĩ về việc xả ly các niệm sanh lên cõi trời và đọa vào đường ác, nên khéo vâng giữ và tu tập theo mười pháp đạt đến Niết-bàn này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Do khởi nguồn từ mười điều ác mà sự vật bên ngoài còn suy giảm huống hồ là bên trong thân. Là những điều ác nào? Đó là sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác, nói hai chiều gây chia rẽ đôi bên, ganh ghét, sân hận và tâm chấp chặt tà kiến.
Do quả báo sát sanh nên thọ mạng của chúng sanh rất ngắn. Do quả báo trộm cướp nên chúng sanh khi sanh ra liền bị nghèo đói. Do quả báo của tà dâm nên gia môn của chúng sanh không trinh tiết hiền lương. Do quả báo nói dối nên miệng của chúng sanh hôi dơ, không thanh khiết. Do quả báo nói lời thêu dệt nên đất đai không bằng phẳng. Do quả báo nói hai chiều nên đất đai sanh ra gai góc. Do quả báo nói lời hung ác nên có nhiều loại ngôn ngữ. Do quả báo ganh ghét nên lúa thóc không được dồi dào. Do quả báo của sân hận nên có nhiều sự vật xấu ác. Do quả báo của tà kiến nên tự nhiên sanh ra tám địa ngục lớn. Do quả báo của mười điều ác này khiến sự vật bên ngoài còn bị suy giảm, huống hồ là vật bên trong.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Nên nhớ nghĩ xa lìa mười pháp ác, tu hành mười pháp lành.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Thế rồi, Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
– Thế Tôn có thực sự nói lời này: “Bố thí cho Ta thì được phước nhiều, bố thí cho người khác thì được phước ít. Hãy bố thí cho đệ tử của Ta, đừng bố thí cho kẻ khác?” Giả sử có người nào nói những lời như vậy, chẳng phải họ đã hủy báng giáo pháp của Như Lai ư?
Ðức Phật bảo nhà vua:
– Ta không nói lời như vầy: “Chỉ nên bố thí cho Ta, đừng bố thí cho người khác.” Ðại vương nên biết! Ta thường nói thế này: “Nếu trong bát của Tỳ-kheo còn dư chút thức ăn, nếu đổ vào trong nước cho các loài côn trùng nhỏ nhít ăn thì cũng còn có phước, huống hồ bố thí cho người mà không được phước sao?” Tuy nhiên, này Đại vương! Ta có nói thế này: “Bố thí cho người trì giới thì được phước nhiều hơn bố thí cho người phạm giới.”
[0781b05] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Bố thí cho người trì giới thì phước nhiều gấp bội, hơn hẳn bố thí cho người phạm giới.
Nhà vua lại bạch Phật:
– Phạm chí Ni-kiền tử đến bảo con: “Sa-môn Cù-đàm biết phép biến hóa, có thể xoay chuyển người đời.” Bạch Thế Tôn! Lời này là đúng hay sai?
Phật bảo nhà vua:
– Ðúng thế, này Đại vương! Như lời ông vừa nói, Ta có phép biến hóa, có thể làm xoay chuyển người đời.
Nhà vua bạch Phật:
– Thế nào gọi là phép biến hóa xoay chuyển? Phật bảo nhà vua:
– Người sát sanh thì tội của kẻ đó không thể tính kể, người không sát sanh thì được vô lượng phước. Người trộm cướp phải chịu vô lượng tội, người không trộm cướp thì được vô lượng phước. Người dâm dục phải chịu vô lượng tội, người không dâm dục thì được vô lượng phước. Người tà kiến phải chịu vô lượng tội, người chánh kiến thì được vô lượng phước. Phép biến hóa của Ta nên hiểu đúng là như thế.
Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
– Nếu như loài người, ma hoặc thiên ma và cả những loài có hình sắc ở trong thế gian này mà thông hiểu phép biến hóa này, ắt sẽ được hạnh phúc lớn. Từ nay về sau, con không cho phép ngoại đạo dị học vào nước con, chỉ cho phép bốn bộ chúng thường ở tại cung điện của con và thường xuyên cúng dường, tùy theo nhu cầu của họ.
Ðức Phật bảo Đại vương:
– Chớ nói như thế. Vì sao như vậy? Vì bố thí cho các loài súc sanh cũng được phước quả, bố thí cho người phạm giới cũng được phước quả, bố thí cho người trì giới thì phước quả khó lường, bố thí cho hàng Tiên nhân ngoại đạo được phước một ức lần, còn bố thí cho các bậc Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na- hàm, A-la-hán, bậc Độc giác và Phật thì phước ấy không thể tính kể được.
Thế nên, này Đại vương! Nên phát tâm cúng dường cho chư Phật quá khứ và tương lai, cùng với các đệ tử Thanh văn.
Thật vậy, này Đại vương! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, sau khi thọ trai xong, số đông các Tỳ-kheo đều nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội rồi cùng nhau bàn luận về những nghĩa lý như: Luận về y áo, trang phục, ăn uống; luận về việc nước, giặc cướp, chiến tranh; luận về uống rượu, tà dâm, năm dục; luận về ca múa, nhạc kịch, kỹ nhạc. Các vị bàn luận về những điều không cần thiết như thế, nhiều không tính kể.
[0781c03] Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, khi nghe các Tỳ-kheo bàn luận về những việc như thế, Thế Tôn liền đi đến giảng đường Phổ Hội và hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhóm họp ở đây để bàn luận về việc gì? Thế rồi, các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chúng con nhóm họp ở đây để cùng bàn luận về những việc không cần thiết của thế tục.
Khi ấy, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Thôi, thôi! Này Tỳ-kheo! Chớ bàn luận về những việc như thế. Vì sao như vậy? Vì những điều bàn luận ấy là vô nghĩa, vì chúng không hướng đến pháp lành, chẳng phải do những điều luận bàn này mà thành tựu Phạm hạnh và cũng không thể đạt đến cõi Niết-bàn tịch diệt, cũng không thể đạt được đạo bình đẳng của Sa-môn, vì những điều luận bàn này là của thế tục, chẳng phải việc bàn luận hướng về điều chân chánh. Các thầy đã xa lìa thế tục, nương đạo tu hành thì không nên bàn luận hoặc tư duy về các phẩm hạnh bại hoại.8 Các thầy nếu muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười công đức. Là những công đức nào? Nếu là vị Tỳ-kheo tinh tấn thì phải: Ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, nghe nhiều, có khả năng thuyết pháp cho người, không lo không sợ, giới luật vẹn toàn, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Các thầy nếu muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều này. Vì sao như vậy? Vì sẽ đem đến nhiều lợi ích, được thấm nhuần tất cả, thành tựu Phạm hạnh, đạt đến sự diệt tận giải thoát, là điều cốt lõi của Niết-bàn.
Nay các thầy đã là bậc thiện nam, đã xuất gia học đạo thì phải nên suy nghĩ về mười điều này. Sự luận bàn này là luận bàn về Chánh pháp để xa lìa đường ác.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo cùng nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội rồi cùng nhau bàn luận như vầy:
– Hiện nay, ở thành Xá-vệ này lúa gạo bỗng dưng đắt đỏ, khất thực khó khăn. Đức Thế Tôn đã từng dạy: “Nhờ ăn uống thì thân người mới tồn tại, mà bốn đại phải nương vào tâm để ghi nhớ pháp và pháp thì phải nương vào gốc rễ mới dẫn đến cõi lành.” Ngày nay chúng ta nên phân chia thứ lớp để khất thực, khiến cho người khất thực có dung sắc tốt đẹp, có sự an lạc hoàn hảo, lại nhận được y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men trị bệnh, lẽ nào chẳng phải là điều tốt hay sao?
[0782a01] Bấy giờ, bằng thiên nhĩ thanh tịnh không chút cấu nhiễm, Thế Tôn từ xa đã nghe các Tỳ-kheo bàn luận về điều này.
Thế rồi, Thế Tôn liền đi đến giảng đường Phổ Hội rồi ngồi xuống giữa đại chúng. Ngài hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhóm họp ở đây để bàn luận về điều gì? Các Tỳ-kheo thưa:
– Chúng con đang bàn luận: “Hiện nay, khất thực ở thành Xá-vệ thật khó khăn, hãy nên phân chia từng người theo thứ lớp khất thực để tùy thời mà có được dung sắc tốt đẹp, nương đó mà được an ổn, lại được thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men trị bệnh.” Điều chúng con đang bàn luận chính là như vậy.
Phật dạy các Tỳ-kheo:
– Nếu Tỳ-kheo khất thực để được cúng dường bốn thứ cần dùng như y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men trị bệnh, [ngoài bốn thứ này] sao lại vướng mắc vào các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp? Ta thường dạy các thầy, khi khất thực phải biết hai việc, nên gần gũi và không nên gần gũi. Giả sử việc khất thực để có được y phục, thức ăn uống, giường đệm, tọa cụ và thuốc men trị bệnh mà pháp ác tăng thêm, không có pháp lành thì không nên gần gũi. Nếu việc khất thực để có được y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men trị bệnh mà pháp lành tăng trưởng, pháp ác không tăng thêm thì nên gần gũi.
Này các Tỳ-kheo! Đã ở trong giáo pháp này sao lại muốn bàn luận về những việc đó? Những điều mà các thầy bàn luận, nếu bàn luận về những điều không đúng Chánh pháp thì nên xả bỏ, chớ nên suy nghĩ, vì không thể nhờ vào điều đó mà đạt đến chỗ diệt tận, vắng lặng, Niết-bàn.
Nếu như muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười pháp này. Là mười pháp nào? Là vị Tỳ-kheo tinh tấn thì phải: Ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, nghe nhiều, có khả năng thuyết pháp cho người, không lo không sợ, giới luật vẹn toàn, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Nếu các thầy muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều này. Vì sao như vậy? Vì sẽ đem đến nhiều lợi ích, được thấm nhuần tất cả, thành tựu Phạm hạnh, đạt đến cõi diệt tận, là cảnh giới của giải thoát Niết-bàn.
Điều bàn luận này là đạo lý của Sa-môn, phải nên suy nghĩ ghi nhớ, chớ để tâm lìa xa!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo cùng nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, rồi bàn luận về nhiều sự sai khác như vầy:
– Thành Xá-vệ ngày nay khất thực khó khăn, chẳng phải trú xứ an ổn của Tỳ-kheo, chúng ta nên sắp đặt từng người theo thứ lớp khất thực. Vị Tỳ-kheo khất thực này sẽ có đủ y phục, mền đệm, thực phẩm, giường chõng, tọa cụ và thuốc men trị bệnh không bị thiếu thốn.
[0782b01] Bấy giờ, trong chúng có một Tỳ-kheo bảo mọi người:
– Chúng ta không thể nào khất thực ở đây được nữa, hãy cùng nhau sang nước Ma-kiệt-đà để khất thực, vì lúa gạo ở đó nhiều và rẻ, đồ ăn thức uống rất dồi dào.
Lại có Tỳ-kheo bảo rằng:
– Chúng ta không nên sang nước ấy khất thực. Vì sao như vậy? Vua A-xà- thế cai trị nước ấy, ông ta hành xử phi pháp, đã giết hại phụ vương, kết bạn với Ðề-bà-đạt-đa. Do nhân duyên này nên không thể sang nước ấy khất thực.
Lại có Tỳ-kheo nói:
– Hiện nay, ở nước Câu-lưu-sa, dân chúng giàu có sung túc, tài vật và châu báu cũng nhiều nên đến nước đó để khất thực.
Lại có Tỳ-kheo bảo rằng:
– Chúng ta không nên khất thực ở nước đó. Vì sao như vậy? Vua Ác Sanh11 cai trị nước ấy cực kỳ hung ác, không có lòng nhân từ, dân chúng hung bạo, ưa gây gổ, đánh nhau. Do nhân duyên này nên không thể khất thực ở nước đó.
Lại có Tỳ-kheo nói:
– Chúng ta nên đến thành Ba-la-nại của nước Kiêu-thưởng-di,12 là nơi cai trị của Vua Ưu-điền. Nhà vua dốc lòng tin vào Phật pháp, tâm không lay chuyển. Chúng ta nên đến nước đó để khất thực, sẽ được đáp ứng như mong ước.
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, Thế Tôn nghe các Tỳ-kheo bàn luận những điều như thế, Ngài liền chỉnh trang y phục, đến chỗ các Tỳ-kheo rồi ngồi vào chính giữa và hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhóm họp ở đây muốn bàn luận và đề cập đến những việc gì? Lúc ấy, Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chúng con nhóm họp tại đây để bàn luận như vầy: “Thành Xá-vệ ngày nay lúa gạo đắt đỏ, khất thực khó khăn, chúng ta hãy cùng nhau sang nước Ma-kiệt-đà khất thực, vì nước ấy tài vật và của cải dồi dào, việc khất thực sẽ dễ dàng.” Trong chúng lại có Tỳ-kheo nói: “Chúng ta không nên sang nước ấy khất thực. Vì sao như vậy? Vì Vua A-xà-thế cai trị nước ấy nhưng hành xử phi pháp, lại giết hại phụ vương, kết bạn với Ðề-bà-đạt-đa. Do nhân duyên này, không nên sang nước ấy khất thực.”
Trong chúng lại có Tỳ-kheo nói: “Nước Câu-lưu-sa hiện nay dân chúng giàu có sung túc, tài vật, châu báu dồi dào, nên sang nước đó khất thực.” Lại có Tỳ-kheo cho rằng: “Chúng ta không nên sang nước ấy khất thực. Vì sao như vậy? Vì Vua Ác Sanh cai trị nước ấy là người hung bạo, không có lòng nhân từ, ưa gây gổ, đánh nhau. Do nhân duyên này nên không thể sang nước đó khất thực.” Lại có Tỳ-kheo bảo: “Chúng ta nên đến thành Ba-la-nại thuộc nước Kiêu-thưởng-di, là xứ của Vua Ưu-điền cai trị. Nhà vua ấy dốc lòng tin vào Phật pháp, tâm không lay chuyển, nên đến khất thực ở nước đó thì sẽ được đáp ứng như mong ước.” Điều mà chúng con đang bàn luận ở đây, chính là như vậy.
[0782c04] Bấy giờ, Phật dạy các Tỳ-kheo:
– Các thầy chớ nên khen chê việc cai trị của vua chúa, việc chính sự quốc gia, cũng chớ luận bàn về sự hơn kém của họ.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ này:
Ai tạo việc thiện, ác,
Nghiệp vốn khởi từ nhân,
Nghiệp nào thọ báo ấy,
Không bao giờ tiêu tan.
Ai tạo việc thiện, ác,
Nghiệp vốn khởi từ nhân,
Làm lành nhận quả lành,
Làm ác chịu quả ác.
Cho nên, này Tỳ-kheo! Chớ khởi tâm bàn luận về việc nước, bởi vì không thể nhờ bàn luận về những việc đó mà đạt đến cõi Niết-bàn, diệt tận, cũng không thể thành tựu hạnh chân chánh của pháp Sa-môn. Nếu bàn luận về những điều ấy thì chẳng phải là nghiệp chân chánh. Các thầy nên học bàn luận về mười việc. Là những việc nào? Là vị Tỳ-kheo luôn tinh tấn thì phải: Ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, nghe nhiều, có khả năng thuyết pháp cho người, không lo không sợ, giới luật vẹn toàn, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Các thầy nếu muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều này. Vì sao như vậy? Vì sẽ đem đến nhiều lợi ích, được thấm nhuần tất cả, thành tựu Phạm hạnh, đạt đến cõi Niết-bàn, diệt tận. Các thầy đã xuất gia học đạo, xa rời thế tục, phải nên siêng năng ghi nhớ mười điều này, chớ để tâm lìa xa.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, rồi cùng bàn luận như vầy:
– Hiện nay, Vua Ba-tư-nặc hành xử phi pháp, phạm vào điều luật mà bậc Thánh đã dạy, vì có Tỳ-kheo-ni tên Sấm chứng đắc quả vị A-la-hán nhưng lại giữ trong cung mười hai năm, rồi cùng tư thông.14 Lại nữa, nhà vua cũng không phụng sự Phật, Pháp và Tỳ-kheo-tăng. Không có tâm tin kính đối với A-la-hán thì cũng không có tâm tin Phật, tin Pháp và Thánh chúng, chúng ta nên rời xa, đừng ở lại nước này nữa. Vì sao như vậy? Khi nhà vua đã hành xử phi pháp thì các quan đại thần cũng hành xử phi pháp. Khi quan đại thần đã hành xử phi pháp thì các cận thần cũng hành xử phi pháp. Khi cận thần đã hành xử phi pháp thì thường dân cũng hành xử phi pháp. Chúng ta nên đi sang nước khác khất thực, đừng ở lại nước này nữa. Chúng ta có thể quan sát phong tục và sự cai trị nước đó, khi đã thấy phong tục và sự cai trị, chúng ta sẽ gặp được nơi tốt đẹp, thuận lợi hơn.
[0783a04] Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, đức Thế Tôn nghe các Tỳ-kheo bàn luận về những điều này, Ngài liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo rồi ngồi vào giữa tòa. Thế rồi, đức Phật hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhóm họp ở đây để bàn luận về điều gì? Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chúng con ở đây bàn luận về việc Vua Ba-tư-nặc hành xử phi pháp, phạm vào điều luật mà bậc Thánh đã dạy, vì có Tỳ-kheo-ni tên Sấm chứng đắc quả vị A-la-hán nhưng lại giữ trong cung mười hai năm, dính mắc với sắc. Lại nữa, với bậc đắc đạo thì việc làm vượt ngoài ba cõi, thế nhưng nhà vua cũng không phụng sự Phật, Pháp và chúng Tăng. Không có tâm tin kính đối với bậc A-la- hán, đã không có tâm như thế thì ắt là không tin kính Tam bảo. Chúng con nên bỏ đi, không nên ở đây nữa. Vì sao như vậy? Vì khi nhà vua hành xử phi pháp thì quan lại và dân chúng cũng đều làm ác. Hơn nữa, chúng con cũng muốn thấy được phong tục và cách thức cai trị ở khắp thế gian.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy:
– Các thầy không nên bàn luận về những việc chính sự quốc gia mà hãy nên kiểm thúc tự thân, tư duy phản tỉnh, phân biệt suy lường. Nói năng hay bàn luận về những việc này thì chẳng hợp đạo lý và cũng không thể khiến người thành tựu Phạm hạnh, hoặc đạt đến sự diệt tận, giải thoát, Niết-bàn. Các thầy phải nên tự mình tu tập, hãy thắp sáng và thực hành theo pháp,15 tự trở về với đấng Tối Tôn. Nếu Tỳ-kheo tự mình tu tập, phát khởi pháp lạc thì hạng người đó là do chính Ta sanh ra.
Này Tỳ-kheo! Thế nào gọi là người có thể tự mình thắp sáng,16 phát khởi pháp lạc, không có hư dối, tự trở về với đấng Tối Tôn?
Đó là, Tỳ-kheo biết quán thân trên nội thân, an trú tâm nơi nội thân,17 tự nhiếp tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không còn buồn lo. Quán thân trên ngoại thân, an trú tâm nơi ngoại thân, tự nhiếp tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không còn buồn lo. Lại quán thân trên cả nội thân và ngoại thân, an trú tâm nơi nội và ngoại thân. Quán thọ trên nội thọ, quán thọ trên ngoại thọ, quán thọ trên cả nội thọ và ngoại thọ. Quán tâm trên nội tâm, quán tâm trên ngoại tâm, quán tâm trên cả nội tâm và ngoại tâm. Quán pháp trên nội pháp, quán pháp trên ngoại pháp, quán pháp trên cả nội pháp và ngoại pháp, an trú tâm nơi nội và ngoại pháp, tự nhiếp phục tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không còn buồn lo.
Như vậy, Tỳ-kheo có thể tự mình thắp sáng và thực hành theo pháp, làm tăng trưởng pháp lạc, tự trở về với đấng Tối Tôn. Trong hiện tại và tương lai, vị Tỳ-kheo có thể tự mình thắp sáng giáo pháp, không đánh mất cội gốc tu hành thì được xem như do chính Như Lai sanh ra.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Nếu muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều. Là những điều nào? Là vị Tỳ-kheo luôn tinh tấn thì phải: Ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, nghe nhiều, có khả năng thuyết pháp cho người, không lo không sợ, giới luật vẹn toàn, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Các thầy nếu muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều này. Vì sao như vậy? Vì sẽ đem đến nhiều lợi ích, được thấm nhuần tất cả, thành tựu Phạm hạnh, đạt đến cõi diệt tận, là cảnh giới của giải thoát, Niết-bàn. Những điều luận bàn này là đạo lý của Sa-môn, hãy nên suy nghĩ ghi nhớ, chớ để tâm lìa xa!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có vị trưởng giả cúng dường am thất cho Tôn giả La-hầu-la19 để tọa thiền.
Khi đó, Tôn giả La-hầu-la nghỉ ngơi trong thất ấy được vài ngày rồi đi du hóa trong nhân gian.
Thế rồi, trưởng giả kia thầm nghĩ: “Ta nên đến thăm Tôn giả La-hầu-la.”
Bấy giờ, trưởng giả thấy thất của La-hầu-la vắng vẻ, không có bóng người.
Thấy như thế rồi, trưởng giả liền hỏi các Tỳ-kheo:
– Tôn giả La-hầu-la hiện đang ở đâu? Các Tỳ-kheo đáp:
– Tôn giả La-hầu-la đi du hóa trong nhân gian. Trưởng giả thưa:
– Cúi xin chư Hiền cử người đến ở trong thất của con! Thế Tôn cũng dạy: “Tạo lập vườn cây, xây cầu, đóng thuyền, cất nhà xí sạch sẽ gần đường rồi đem bố thí thì được phước báu lâu dài, được thành tựu giới pháp, khi qua đời được sanh lên cõi trời.” Do vậy mà con tạo dựng thất cho Tôn giả La-hầu-la. Nay Tôn giả không thích thất của con nữa, cúi xin chư Hiền cử người đến ở nơi thất ấy!
Các Tỳ-kheo trả lời:
– Sẽ thực hiện như lời trưởng giả thỉnh cầu.
Thế rồi, các Tỳ-kheo liền cử một vị Tỳ-kheo đến ở trong thất kia.
Cũng thời gian ấy, Tôn giả La-hầu-la liền nghĩ: “Ta xa cách Thế Tôn khá lâu, nay nên trở về thỉnh an Ngài.”
Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la liền đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên. Một lát sau, Tôn giả rời chỗ ngồi đứng dậy, trở về thất và thấy có Tỳ-kheo khác đang ở trong đó. Thấy thế rồi, Tôn giả hỏi thầy Tỳ- kheo ấy:
– Ai đã giao thất của tôi cho thầy ở vậy? Tỳ-kheo ấy đáp:
– Chúng Tăng sai tôi đến ở trong thất này.
Lúc ấy, Tôn giả La-hầu-la trở lại chỗ đức Thế Tôn, đem nhân duyên việc này thưa lại đầy đủ với Phật:
– Bạch Thế Tôn! Chẳng biết có phải chúng Tăng cử Sa-môn20 đến ở trong thất của con hay không?
[0783c02] Ðức Phật dạy La-hầu-la:
– Thầy hãy đến nhà trưởng giả và hỏi ông ấy: “Có phải những việc tôi đã làm về thân, miệng và ý có điều gì lầm lỗi chăng? Vả lại, tôi có ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý chăng? Trước đây, trưởng giả đã cúng thất cho tôi, về sau sao lại đem cúng cho Thánh chúng?”
Thế rồi, vâng lời Phật dạy, Tôn giả La-hầu-la đến nhà trưởng giả và hỏi:
– Tôi có ba lỗi của thân, bốn lỗi của miệng và ba lỗi của ý chăng? Trưởng giả đáp:
– Tôi không thấy thân, miệng và ý của Tôn giả La-hầu-la có lỗi lầm gì.
La-vân bảo trưởng giả:
– Vì sao ngài lại lấy thất của tôi đem cúng cho Thánh chúng? Trưởng giả đáp:
– Tôi thấy thất trống nên đem cúng cho Thánh chúng. Lúc đó, tôi lại nghĩ: “Tôn giả La-hầu-la chắc không thích ở trong thất của mình”, thế nên tôi đem cúng.
Lúc ấy, nghe trưởng giả nói xong, La-hầu-la liền trở lại chỗ đức Thế Tôn, đem nhân duyên việc này thưa đầy đủ với Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn liền bảo Tôn giả A-nan:
– Hãy mau đánh kiền chùy, các Tỳ-kheo có mặt tại tinh xá Kỳ Hoàn thảy đều đến nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội!
Thế rồi, vâng lời Phật dạy, A-nan triệu tập các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hôm nay, Ta sẽ giảng về sự bố thí thanh tịnh, các thầy nên khéo suy nghĩ và ghi nhớ!
Lúc ấy, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn dạy:
– Thế nào gọi là bố thí thanh tịnh? Ở đây, này Tỳ-kheo! Nếu có người đem vật để bố thí, về sau liền lấy lại và đem cúng cho người khác, đây gọi là bố thí không cân nhắc, bố thí không bình đẳng. Nếu có người chiếm đoạt vật của người khác rồi đem bố thí cho Thánh chúng, hoặc có người chiếm đoạt vật của Thánh chúng rồi đem bố thí cho người, đây chẳng phải là bố thí bình đẳng, cũng không phải là bố thí thanh tịnh. Như Chuyển Luân Thánh vương luôn tự tại nơi cảnh giới của mình, cũng vậy, Tỳ-kheo được tự tại đối với y bát của mình. Nếu có người lấy vật của người khác mà chưa được chính miệng họ hứa cho, rồi đem cho người khác nữa thì đây chẳng phải là bố thí bình đẳng.
Nay Ta bảo các Tỳ-kheo: Nếu thí chủ đồng ý mà người nhận vật phẩm không đồng ý thì đây chẳng phải là bố thí bình đẳng. Nếu Tỳ-kheo ấy qua đời thì nên đưa phòng ốc của vị ấy ra giữa chúng để làm pháp yết-ma, thông báo rồi xướng lên: “Tỳ-kheo pháp danh là... đã mãn phần, nay đem phòng ốc này để chúng Tăng phân xử, xin cử vị nào đó đến ở. Phải tùy theo lời dạy của Thánh chúng. Chư Hiền! Nay sai Tỳ-kheo pháp danh là... đến ở phòng ấy, mọi người cùng chấp nhận.” Nên lặp lại ba lần như vậy. Người nào không đồng ý thì nói là không đồng ý. Nếu trong chúng Tăng có một người không đồng ý mà đem cho thì không phải là bố thí bình đẳng, ắt là vật không thanh tịnh. Nay nên đem phòng ốc trả lại cho Tỳ-kheo La-hầu-la, thanh tịnh mà thọ nhận.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Tôn giả Ðại Quân-đầu ở chỗ vắng lặng, khởi niệm như vầy: “Làm thế nào để biết được các kiến chấp về trước, về sau và khoảng giữa?”
Khi ấy, vào lúc đúng thời, Ðại Quân-đầu liền đắp y, ôm bát đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Thế rồi, Tôn giả bạch Phật:
– [Bạch đức Thế Tôn]! Những kiến chấp này trước sau tương ưng nhau, làm sao diệt được chúng và khiến cho những kiến chấp khác không khởi lên?
Thế Tôn bảo:
– Này Quân-đầu! Nơi những kiến chấp này phát sanh và diệt mất đều là vô thường, khổ và không. Quân-đầu, khi thầy đã biết như thế thì nên giữ vững tâm đó. Pháp kiến chấp có sáu mươi hai loại, phải nên an trụ vào mười điều lành để trừ bỏ những kiến chấp ấy. Là mười điều nào? Này Quân-đầu! Ở đây, có người kia ưa thích sát sanh, ta không nên sát sanh. Người kia ưa thích trộm cướp, ta không trộm cướp. Người kia phạm vào Phạm hạnh, ta tu tập Phạm hạnh. Người kia nói dối, ta không tạo sự nói dối. Người kia nói hai chiều đâm thọc hai bên, ta không nói hai chiều đâm thọc hai bên. Người kia nói thêu dệt, ta không nói thêu dệt. Người kia nói lời hung ác, ta không nói lời hung ác. Người kia ganh ghét, ta không ganh ghét. Người kia sân hận, ta không sân hận. Người kia tà kiến, ta thực hành chánh kiến.
Quân-đầu nên biết, như từ con đường xấu ác lại gặp được con đường chân chánh, như từ tà kiến mà được đến với chánh kiến, bỏ tà về chánh. Ví như có người chính mình đang bị chìm đắm mà muốn cứu giúp người khác thì không bao giờ có lý đó. Vì chính mình chưa giải thoát mà muốn giải thoát cho người thì điều này không thể được. Chỉ khi chính mình không bị chìm đắm thì mới có thể cứu người, đây là điều hợp lý. Ở đây cũng như thế, tự mình đạt được Niết- bàn mới khiến cho người khác đạt được Diệt độ, đây là điều hợp lý.
Cho nên, này Quân-đầu! Nên nhớ nghĩ xa lìa sát sanh, vì không sát sanh thì được giải thoát. Xa lìa trộm cướp, vì không trộm cướp thì được giải thoát. Xa lìa dâm dục, vì không dâm dục thì được giải thoát. Xa lìa nói dối, vì không nói dối thì được giải thoát. Xa lìa nói thêu dệt, vì không nói thêu dệt thì được giải thoát. Xa lìa nói lời thô ác, vì không nói lời thô ác thì được giải thoát. Xa lìa lời nói gây chia rẽ đôi bên, vì không nói lời gây chia rẽ đôi bên thì được giải thoát. Xa lìa ganh ghét, vì không ganh ghét thì được giải thoát. Xa lìa sân hận, vì không sân hận thì được giải thoát. Xa lìa tà kiến thì đạt được chánh kiến giải thoát.
[0784b01] Quân-đầu nên biết! Kẻ phàm phu khởi niệm như vầy: “Có ngã chăng? Không có ngã chăng? Vừa có ngã vừa không có ngã chăng? Thế gian là thường chăng? Thế gian là vô thường chăng? Thế gian có giới hạn chăng? Thế gian không giới hạn chăng? Mạng chính là thân chăng? Mạng và thân khác nhau chăng? Như Lai có chết chăng? Như Lai không chết chăng? Có cái chết chăng? Không có cái chết chăng? Ai tạo thế gian này?” Lại khởi lên các tà kiến như: “Có phải Phạm thiên tạo ra thế giới này? Hay là địa thần22 thiết lập thế giới này? Lại nữa, do Phạm thiên tạo ra chúng sanh này hay do địa thần tạo ra thế gian này, nên chúng sanh vốn không có nay lại có, đã có rồi lại diệt vong.” Hạng phàm phu không nghe không thấy, liền khởi các ý niệm như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Tự nhiên có Phạm thiên,
Là lời của Phạm chí,
Thấy biết không chánh lý,
Là thấy không chính chuyên.
Chúa ta hoa sen sanh,
Xuất hiện ở Phạm thiên,
Ðịa thần sanh Phạm thiên,
Tự sanh, liền mâu thuẫn.
Ðịa thần dòng Sát-lợi,
Là cha mẹ Phạm chí,
Sao con của Sát-lợi,
Sanh trở lại Phạm chí?
Tìm ra chỗ sanh kia,
Như lời chư thiên nói,
Ðây chính lời ngợi khen,
Trở lại tự gông trói.
Phạm thiên sanh dân chúng,
Ðịa thần tạo thế gian,
Hoặc nơi khác tạo thành,
Lời này ai minh chứng?
Ngu si cùng tham, sân,
Ba thứ luôn nhóm chung,
Tâm luôn bị gông cùm,
Tự cho mình tối thắng.
Thiên thần tạo thế gian,
Chẳng phải Phạm thiên sanh,
Giả sử Phạm thiên tạo,
Chẳng phải hư dối sao?
Truy dấu, dấu càng nhiều,
Có chút thật nào đâu,
Hành nghiệp đều khác nhau,
Việc làm này không thật.
Quân-đầu nên biết! Sự thấy biết của các loài chúng sanh đều không đồng nhau, suy nghĩ mỗi loài mỗi khác. Những kiến chấp này thảy đều vô thường, những ai chấp chặt những kiến chấp này đều bị pháp vô thường biến đổi.
Nếu người khác sát sanh thì ta nên xa lìa sát sanh. Nếu người khác trộm cướp thì ta nên xa lìa trộm cướp, không làm theo hạnh ấy, giữ gìn tâm ý chuyên nhất không để tán loạn, suy nghĩ quán xét về sự sanh khởi của tà kiến,... cho đến đối với mười điều ác đều nên trừ bỏ, không làm theo hạnh ấy. Nếu người khác sân hận thì ta tu tập nhẫn nhục. Người khác có lòng ganh ghét thì ta nên buông bỏ. Người khác kiêu mạn thì ta nhớ nghĩ phải xa lìa. Nếu người khác tự khen mình, chê bai người khác thì ta cũng không tự khen mình, chê bai người khác. Người khác không biết ít muốn thì ta nên học tập ít muốn. Người khác phạm giới, ta phải nên giữ giới. Người khác có sự biếng nhác, ta nên siêng năng. Người khác không tu tập chánh định, ta tu tập chánh định, phải nên học tập như thế. Người khác ngu si thì ta thực hành trí tuệ. Những ai có thể quán sát phân biệt các pháp như thế thì tà kiến tiêu mất, các kiến chấp khác không còn sanh khởi.
[0784c10] Lúc ấy, nghe lời Phật dạy xong, Tôn giả Quân-đầu liền ở chỗ vắng vẻ, suy nghĩ quán xét. Sở dĩ một người thiện nam xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, tu tập Phạm hạnh vô thượng là để biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Thế rồi, Tôn giả Quân-đầu liền chứng đắc quả vị A-la-hán.
Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Chúng sanh trong địa ngục chịu tội báo trong suốt một kiếp, hoặc có lúc chết yểu giữa chừng; phải chịu tội báo làm súc sanh trong suốt một kiếp, trong khoảng thời gian đó lại chết yểu giữa chừng; phải chịu quả báo làm ngạ quỷ hết suốt một kiếp, trong khoảng thời gian đó có lúc lại chết yểu giữa chừng.
Tỳ-kheo nên biết! Người ở châu Uất-đan-viết24 có tuổi thọ một ngàn năm, không bị chết yểu nửa chừng. Vì sao như vậy? Vì dân chúng ở cõi đó không còn bị trói buộc, giả sử có qua đời ở cõi này liền được sanh vào cõi lành hoặc cõi trời, không còn bị đọa lạc. Dân chúng ở châu Phất-vu-đãi25 có tuổi thọ năm trăm năm, cũng có lúc bị chết yểu nửa chừng. Dân chúng ở châu Cù-da-ni26 có tuổi thọ hai trăm năm mươi năm, cũng có lúc bị chết yểu nửa chừng. Dân chúng ở châu Diêm-phù-đề27 có tuổi thọ dài nhất khoảng một trăm năm và cũng có nhiều người bị chết yểu nửa chừng.
Giả như thọ mạng loài người dài đến một trăm năm, dân chúng lúc ban đầu có tuổi thọ một trăm năm, nhưng do nghiệp không giống nhau nên tánh tình cũng phân chia khác biệt. Trong mười năm đầu còn thơ ấu nên không thể hiểu biết. Mười năm thứ hai, tuy có ít nhiều tri thức nhưng chưa thông suốt. Mười năm thứ ba thì lòng dục lẫy lừng, tham đắm vào sắc. Mười năm thứ tư tuy nhiều kỹ năng, nhưng việc làm lại không chín chắn. Mười năm thứ năm thì hiểu nghĩa lý rõ ràng, không quên mất những điều đã học. Mười năm thứ sáu thì tham tiếc tài sản, tâm không quyết đoán. Mười năm thứ bảy thì lười biếng, ham ngủ, thân thể trì trệ. Mười năm thứ tám thì tâm ý không còn nhạy bén, cũng chẳng còn cường tráng. Mười năm thứ chín thì nhiều bệnh tật, da chùng mặt nhăn. Mười năm thứ mười thì các căn suy hao, xương khớp liền nhau, hay quên và nhầm lẫn.
Tỳ-kheo nên biết! Giả sử nếu người sống đến trăm tuổi thì sẽ trải qua những hoạn nạn như vậy. Giả sử có người với tuổi thọ một trăm năm thì sẽ trải qua ba trăm mùa đông, ba trăm mùa hạ và ba trăm mùa thu,28 nhưng so với tuổi thọ kia thì chưa đủ. Nếu người sống đến trăm tuổi thì sẽ ăn ba vạn sáu ngàn bữa, trong khoảng thời gian đó hoặc có lúc không ăn như khi giận hờn thì bỏ ăn, không được cho [thức ăn] nên không ăn, bị bệnh nên không ăn. Tính số lần ăn của người ấy cả lúc ăn, cả lúc không ăn và cả khi còn bú sữa mẹ, nói tóm lại thì có ba vạn sáu ngàn lần ăn.
Này Tỳ-kheo! Nếu người sống đến trăm tuổi thì trạng thái ăn uống của người ấy theo giới hạn của số năm là như thế.
[0785a12] Tỳ-kheo nên biết! Dân chúng ở cõi Diêm-phù-đề có lúc thọ mạng rất dài, tưởng chừng như thọ mạng vô lượng.
Thuở quá khứ lâu xa không thể tính kể, có vị vua tên là Liệu Chúng Bệnh thọ mạng rất dài, dung mạo đoan chánh, an vui không thể đo lường. Vào thời đó không có những tai họa như bệnh tật, già yếu hay chết chóc. Bấy giờ, có hai vợ chồng nọ sanh được một người con, đứa bé liền chết. Thế rồi, cha mẹ bồng dậy rồi đút thức ăn cho con, nhưng đứa bé không ăn, không uống cũng chẳng ngồi dậy. Vì sao như thế? Vì nó đã chết. Lúc ấy, cha mẹ kia liền nghĩ: “Con của chúng ta vì sao nay lại giận hờn không chịu ăn uống, cũng chẳng nói năng?” Vì sao như vậy? Vì dân chúng thuở ấy không hề nghe đến âm thanh chết chóc nên mới như vậy.
Bấy giờ, cha mẹ đứa bé kia liền nghĩ: “Đã bảy ngày rồi, con chúng ta không ăn, không uống, cũng chẳng biết lý do gì mà lặng im? Chúng ta nên đem việc này tâu lên nhà Vua Liệu Chúng Bệnh mới biết được.”
Thế rồi, họ liền đến chỗ nhà vua, đem hết mọi chuyện tâu cho vua biết. Lúc ấy, nhà vua nghĩ: “Hôm nay, ta đã nghe được tiếng chết.”
Nhà vua bảo:
“Các ngươi có thể đem đứa bé đến chỗ của trẫm.”
Bấy giờ, họ liền ẵm đứa bé đến chỗ nhà vua. Thấy thế rồi, nhà vua nói với họ:
“Ðứa bé này đã chết!”
Lúc ấy, cha mẹ đứa bé tâu vua:
“Thế nào gọi là chết?” Nhà vua đáp:
“Ðứa bé này không còn đi đứng, nói năng, đối đáp, ăn uống, đùa giỡn, thân thể cứng đờ không thể cử động, nên gọi là chết.”
Bấy giờ, hai vợ chồng nọ tâu vua:
“Sự biến đổi như vầy sẽ trải qua thời gian bao lâu?” Nhà vua bảo:
“Chẳng bao lâu nữa, thân thể của nó sẽ thối rữa, sình trương và hôi thối cùng khắp không thể chịu nổi.”
Lúc ấy, do không tin lời nhà vua nên vợ chồng nọ ẵm thây đứa bé trở về nhà, trải qua thời gian ngắn, thân thể đứa bé thối rữa, hôi hám vô cùng. Lúc đó, họ mới tin lời nhà vua đã nói: “Chẳng bao lâu nữa, thân thể đứa bé này sẽ thối rữa, sình trương rồi tan rã hết.”
[0785b06] Thế rồi, họ lại ôm thi thể sình trương của đứa bé đến chỗ nhà vua và tâu:
“Tâu Đại vương! Quả thật như vậy! Nay chúng tôi đem đứa bé này hiến tặng Đại vương.”
Lúc ấy, họ không hề khóc than. Vì sao như vậy? Vì họ chưa nghe tiếng chết bao giờ.
Bấy giờ, nhà vua sai lột da đứa bé để làm trống lớn, rồi sai xây dựng lầu bảy tầng, đặt cái trống ấy trên lầu và lệnh cho một người:
“Ngươi nên biết! Trẫm sai ngươi giữ gìn cái trống này, cứ một trăm năm đánh một lần, đừng để sái thời.”
Tuân lệnh vua, cứ một trăm năm người ấy đánh trống một lần. Lúc ấy, dân chúng nghe tiếng trống này quái lạ chưa từng có, liền bảo nhau:
“Âm thanh gì thế? Ðó là tiếng gì mà thấu tận nơi này?” Nhà vua bảo:
“Ðây là tiếng của da người chết.” Mọi người nghe rồi, đều suy nghĩ:
“Thật lạ thay! Mới được nghe âm thanh này.”
Này các Tỳ-kheo! Nhà vua thuở ấy phải chăng là người nào khác? Chớ nghĩ như thế. Vì sao như vậy? Vì nhà vua thuở đó chính là thân Ta. Do điều này nên biết, thuở xưa, tuổi thọ của cõi Diêm-phù-đề rất dài, còn ngày nay tuổi thọ của dân chúng cõi Diêm-phù-đề rất ngắn, sự giảm sút này khó ngăn chặn. Vì sao như vậy? Vì sát hại quá nhiều khiến cho mạng sống cực ngắn, nhan sắc cũng mất đi. Do nhân duyên này nên xảy ra các sự biến đổi quái lạ.
Tỳ-kheo nên biết! Năm mươi năm ở cõi Diêm-phù-đề bằng một ngày một đêm ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Tính số ngày và đêm ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm thì thọ mạng của cõi trời Tứ Thiên Vương là năm trăm năm, hoặc có khi chết nửa chừng.
Tính theo tuổi thọ của loài người là mười tám ức năm, bằng một ngày một đêm ở địa ngục Hoàn Hoạt. Tính theo số một ngày và một đêm ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm thì tuổi thọ cao nhất của địa ngục Hoàn Hoạt là một ngàn năm, cũng có khi chết yểu nửa chừng.
Tính theo một trăm năm trong loài người bằng một ngày một đêm ở cõi trời Ba Mươi Ba. Tính theo số ngày, tháng, năm của cõi ấy thì tuổi thọ của cõi trời Ba Mươi Ba là một ngàn tuổi, trong khoảng thời gian đó, có khi chết nửa chừng.
Tính theo tuổi thọ ba mươi sáu ức năm trong loài người thì bằng một ngày một đêm ở địa ngục A-tỳ. Tính theo số ngày tháng của cõi ấy thì ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, nếu tính theo số ngày và đêm ấy thì tuổi thọ cõi đó là hai vạn năm, còn tính theo tuổi thọ của loài người là một trăm vạn năm.29
Như vậy, này Tỳ-kheo! Tính tuổi thọ như thế, cứ tăng dần dần lên gấp bội, chỉ trừ cõi trời Vô Tưởng. Tuổi thọ của cõi trời Vô Tưởng là tám vạn bốn ngàn kiếp, chỉ trừ cõi trời Tịnh Cư, không còn tái sanh nơi cõi đời này nữa.
Cho nên, này Tỳ-kheo! Chớ buông lung thì ngay nơi thân này sẽ được dứt sạch phiền não.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.30
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Thiện ác phẩm 善惡品 (T.02. 0125.47. 0780c20).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.1. 0780c21). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1056. 0275a27); A. 10.221 - V. 303.
3 Nguyên tác: Niệm hưu tức (念休息) còn gọi là “tịch tĩnh tùy niệm” (寂靜隨念).
4 Nguyên tác: Niệm an-ban (念安般). Di-hê kinh 彌醯經 (T.01. 0026.56. 0491c16) ghi: Tu tức xuất tức nhập (修息出息入); Tạp. 雜 (T.02. 0099.746. 0198a06) ghi: An-na-bát-na niệm (安那般那念).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.2. 0781a08).
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.3. 0781a24).
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.4. 0781b28). Tham chiếu: A. 10.69 - V. 128; A. 10.70 - V. 129.
8 Nguyên tác: Bại hạnh (敗行): Phẩm hạnh bại hoại (敗壞品行).
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.5. 0781c23).
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.6. 0782a26).
11 Ác Sanh vương (惡生王), theo Kinh năm vua, số 1, phẩm 33, tr. 493 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.33.1. 0681c16), là một trong 5 vị vua thường cùng nhau đàm đạo, đó là Ba-tư-nặc vương (波斯匿王, Pasenadi), Tỳ-sa vương (毘沙王, Bimbisāra), Ưu-điền vương (優填王, Udena), Ác Sanh vương (惡生王, Caṇḍappajjota), Ưu-đà-diên vương (優陀延王, Udayana). Theo kinh này, Vua Ác Sanh đang cai trị xứ Câu-lưu-sa (拘留沙, Kuru), thế nên không phải là Thái tử Tỳ-lưu-ly (Viḍūḍabha), con của Vua Ba-tư-nặc.
12 Nguyên tác: Câu-thâm (拘深), tên gọi khác của nước Kiêu-thưởng-di (憍賞彌國, Kosambī).
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.7. 0782c22). Tham chiếu: M. 10, Satipaṭṭhāna Sutta (Kinh niệm xứ).
14 Nguyên tác: 讖比丘尼得阿羅漢道, 十二年中閉在宮內, 與共交通. Tư liệu này rất đặc dị khi đối chiếu với hành trạng của Vua Ba-tư-nặc qua các nguồn tư liệu từ Hán tạng cho đến Nikāya. Bởi vì nhà vua có người con trai xuất gia tên là Brahmadatta và vị này đã chứng quả vị A-la-hán. Không những vậy, nhà vua còn có người chị gái tên là Sumanā, nguyện chăm sóc mẹ già để rồi về sau xuất gia và ở luôn trong cung. Nhân lẽ đó, nhà vua đã cho xây tinh xá Rājakārāma để cho chị gái và chư Ni lưu trú. Tinh xá này cũng xuất hiện trong kinh M. 146, Nandakovāda Sutta (Kinh Nandaka giáo giới). Dẫn theo Thag. 441-46 và J. I. 155. Mặt khác, theo S. 44.1 - IV. 374, có một cuộc hội kiến đặc thù giữa Vua Pasenadi và Tỳ-kheo-ni Khemā, được Hán dịch là Sấm-ma (讖摩) tại Toranavatthu, là địa danh nằm giữa Sāvatthi và Sāketā, sau khi nghe thuyết giảng, Vua Pasenadi đã tín thọ lời dạy của Tỳ-kheo-ni Khemā rồi rời đi.
15 Nguyên tác: Xí nhiên pháp hành (熾然法行): Dũng mãnh nương theo pháp để tu hành. Kinh Di-lặc hạ sanh, số 3, phẩm 48, tr. 871 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.48.3. 0789b29) còn ghi: Xí nhiên ư pháp bổn (熾然於法本).
16 Nguyên tác: Năng tự xí nhiên (能自熾然). Chuyển Luân vương kinh 轉輪王經 (T.01. 0026.70. 0520b19) ghi: Đương tự nhiên pháp đăng (當自然法燈); Tạp. 雜 (T.02. 0099.36. 0008a23) ghi: Tự châu (自洲).
17 Nguyên tác: Thân ý chỉ (身意止), cách viết khác của “thân niệm trụ” (身念住, kāyānupassanā), một trong 4 niệm xứ (四念處, cattāro satipaṭṭhānā).
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.8. 0783b10).
19 Nguyên tác: La-vân (羅云, Rāhula).
20 Nguyên tác: Đạo nhân (道★). Tạp. 雜 (T.02. 0099.1146. 0305a09) ghi: Sa-môn (沙門), Đạo sĩ (道士).
21 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.9. 0784a06). Tham chiếu: Châu-na vấn kiến kinh 周那問見經 (T.01. 0026.91. 0573b13).
22 Nguyên tác: Địa chủ (地主).
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.47.10. 0784c16).
24 Uất-đan-viết (欝單曰) tức Bắc Câu-lô châu (北俱盧洲, Uttarakuru).
25 Phất-vu-đãi (弗于逮) tức Đông Thắng Thần châu (東勝神洲, Pubbavideha).
26 Tây Ngưu Hóa châu (西牛貨洲, Goyāniya hoặc Aparagoyāna).
27 Nam Thiệm-bộ châu (南贍部州, Jambudīpa).
28 Nguyên tác: Thiết nhân thọ bách tuế, đương kinh tam bách Đông, Hạ, Thu (設★壽百歲, 當經三百冬, 夏, 秋). Theo lịch pháp Ấn Độ, một năm có ba mùa, một trăm năm thì sẽ có ba trăm mùa Đông, Hạ và Thu. Cụ thể hơn, theo sự giải thích của Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.2. 0876a02- 0876a04): Theo Thánh giáo của Như Lai, một năm chia làm ba mùa, từ 16 tháng Giêng đên 15 tháng Năm là mùa nắng nóng, từ 16 tháng Năm đến 15 tháng Chín là mùa mưa, từ 16 tháng Chín đến 15 tháng Giêng là mùa Đông (如來聖教歲為三時: 正月十六日至五月十五日, 熱時也; 五月十六日至九月十五日, 雨時也; 九月十六日至正月十五日, 寒時也).
29 Nguyên tác: Câu-lợi (拘利).
30 Bản Hán, hết quyển 43.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.