Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vì có mười công đức nên Như Lai giảng nói giới cấm cho các Tỳ-kheo. Là mười công đức nào? Đó là để Thánh chúng được cung kính, tôn trọng;3 để tạo sự thuận thảo, hòa hợp; để Thánh chúng an ổn; để hàng phục kẻ ác; khiến cho các Tỳ-kheo tàm, quý không bị phiền não; thiết lập tín căn cho người không có lòng tin; khiến người đã tin tăng thêm tịnh tín; khiến dứt sạch phiền não trong đời hiện tại; khiến cho các phiền não đời sau thảy đều tiêu trừ; khiến cho Chánh pháp trụ ở đời lâu dài, luôn suy nghĩ, tư duy tìm cách khiến cho Chánh pháp tồn tại lâu dài.
Này Tỳ-kheo! Ðó là mười pháp công đức mà Như Lai đã vì các Tỳ-kheo thuyết giảng giới cấm.
Cho nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện thành tựu giới cấm, đừng để tổn thất.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trú xứ của bậc Thánh cư ngụ có mười việc. Do đó, các bậc Thánh trong ba đời đều cư ngụ trong đó. Là mười việc gì? Đó là Tỳ-kheo đoạn trừ năm chi phần, thành tựu sáu pháp, thường giữ gìn một việc, hộ trì bốn bộ chúng, quán sát các sự yếu kém, thân cận bình đẳng, hướng thẳng đến vô lậu, nương tựa thân nghiệp, tâm được khéo giải thoát và được trí tuệ giải thoát.
Thế nào là Tỳ-kheo đoạn trừ năm chi phần? Đó là, khi Tỳ-kheo đã đoạn trừ năm kiết sử. Như vậy gọi là năm chi phần đã được đoạn trừ.
Thế nào là Tỳ-kheo thành tựu sáu pháp? Đó là, khi Tỳ-kheo vâng giữ sáu nguyên tắc sống chung.5 Như vậy gọi là Tỳ-kheo thành tựu sáu pháp.
Thế nào là Tỳ-kheo thường giữ gìn một việc? Đó là, khi Tỳ-kheo thường giữ gìn tâm, từ hữu lậu đến vô lậu, từ hữu vi đến vô vi, cho đến cửa Niết-bàn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo thường giữ gìn một việc.
Thế nào là Tỳ-kheo hộ trì bốn bộ chúng? Đó là, khi Tỳ-kheo thành tựu bốn thần túc. Như vậy gọi là Tỳ-kheo hộ trì bốn bộ chúng.
Thế nào là Tỳ-kheo quán sát các sự yếu kém? Đó là, khi các nghiệp sanh tử của Tỳ-kheo được chấm dứt. Ðó gọi là Tỳ-kheo quán sát các sự yếu kém.
Thế nào là Tỳ-kheo thân cận bình đẳng? Đó là, khi Tỳ-kheo đã đoạn trừ ba kiết. Ðó gọi là Tỳ-kheo thân cận bình đẳng.
Thế nào là Tỳ-kheo hướng thẳng đến vô lậu? Đó là, khi Tỳ-kheo trừ bỏ kiêu mạn. Đó gọi là Tỳ-kheo hướng thẳng đến vô lậu.
Thế nào là Tỳ-kheo nương tựa thân nghiệp? Đó là, khi Tỳ-kheo đã trừ sạch vô minh. Đó gọi là Tỳ-kheo nương tựa thân nghiệp.
Thế nào là Tỳ-kheo được tâm khéo giải thoát? Đó là, khi Tỳ-kheo đã trừ sạch ái. Đó gọi là Tỳ-kheo được tâm khéo giải thoát.
Thế nào là Tỳ-kheo được trí tuệ giải thoát? Đó là, khi Tỳ-kheo quán khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế thì rõ biết đúng như thật. Đó gọi là Tỳ-kheo được trí tuệ giải thoát.
Này Tỳ-kheo! Ðó gọi là nơi cư ngụ của bậc Hiền thánh có mười việc. Thuở xưa, các bậc Hiền thánh đã ở và nay cũng đang ở nơi ấy.
Do đó, này Tỳ-kheo! Nên nhớ nghĩ trừ bỏ năm việc, thành tựu sáu pháp, giữ gìn một pháp, hộ trì bốn bộ chúng, quan sát các sự yếu kém, thân cận bình đẳng, hướng thẳng đến vô lậu, nương tựa thân nghiệp, tâm được giải thoát, trí tuệ giải thoát.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai thành tựu mười lực, tự rõ biết là bậc Vô Sở Trước, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống của sư tử, chuyển bánh xe pháp7 vô thượng để cứu độ chúng sanh. Nghĩa là đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc, đây là sự xuất ly8 của sắc; quán sát đây là thọ,9 đây là tưởng, đây là hành, đây là thức, đây là sự tập khởi của thức, đây là sự diệt tận của thức, đây là sự xuất ly của thức. Do cái này có mà cái kia có, do cái này sanh mà cái kia sanh: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc,10 xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên ưu, bi, khổ, não, không thể tính kể. Do có thân năm uẩn này nên mới có pháp tập khởi này. Cái này diệt thì cái kia diệt, cái này không thì cái kia không: Vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì sáu nhập diệt, sáu nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì tử diệt, tử diệt thì ưu, bi, khổ, não thảy đều trừ sạch.
Tỳ-kheo nên biết, pháp của Ta rất mực rộng lớn, không có bờ mé, sâu thẳm tột cùng, dứt sạch mọi nghi ngờ vì Chánh pháp là nơi an ổn. Nếu là hàng thiện nam tín nữ thì nên siêng năng dụng tâm không để thiếu khuyết, giả như thân thể bị khô kiệt hay tan hoại thì cũng không bao giờ từ bỏ hạnh tinh tấn, giữ tâm không xao lãng. Tu tập pháp khổ hạnh thật chẳng phải dễ dàng, vui ở nơi thanh vắng, yên lặng tư duy, chớ bỏ hạnh Đầu-đà,11 như hiện nay Như Lai khéo tu Phạm hạnh.
Này Tỳ-kheo! Thế nên, trong khi tự mình quán sát, tư duy về pháp vi diệu thì cần phải suy xét hai nghĩa: Hạnh không buông lung sẽ khiến cho thành tựu quả vị chắc thật, đạt đến chốn diệt tận, Niết-bàn.12 Nếu như phải thọ nhận sự cúng dường của người khác như y phục, mền đệm, thực phẩm, giường nằm, ngọa cụ và thuốc men trị bệnh thì cũng không nên cô phụ công lao của người, mà phải khiến cho cha mẹ của họ được thọ hưởng phước báu ấy, biết phụng sự chư Phật và lễ kính cúng dường.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai thành tựu mười lực, đạt được bốn vô sở úy, ở trong đại chúng rống lên tiếng rống của sư tử. Thế nào là mười lực?
Đó là, Như Lai biết rõ như thật điều nào đúng đạo lý và điều nào không đúng đạo lý.14
Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật về nhân duyên, quả báo và nơi thọ sanh của tất cả chúng sanh.15
Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật có bao nhiêu chủng loại, bao nhiêu cảnh giới, bao nhiêu thân.16
Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật có bao nhiêu loại giải thoát và vô lượng giải thoát.17
Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật về trí tuệ nhiều hay ít của các chúng sanh khác nhau.18
Lại nữa, Như Lai biết rõ như thật những suy nghĩ trong tâm của các chúng sanh khác nhau: Tâm có tham dục biết tâm có tham dục, tâm không tham dục biết tâm không tham dục; tâm có sân hận biết tâm có sân hận, tâm không sân hận biết tâm không sân hận; tâm có ngu si biết tâm có ngu si, tâm không ngu si biết tâm không ngu si; tâm có ái nhiễm biết tâm có ái nhiễm, tâm không ái nhiễm biết tâm không ái nhiễm; tâm có chấp thủ biết tâm có chấp thủ, tâm không chấp thủ biết tâm không chấp thủ; tâm tán loạn biết tâm có tán loạn, tâm không tán loạn biết tâm không tán loạn; tâm phóng túng biết tâm có phóng túng, tâm không phóng túng biết tâm không phóng túng; tâm ích kỷ biết tâm có ích kỷ, tâm không ích kỷ biết tâm không ích kỷ; tâm rộng lớn biết tâm có rộng lớn, tâm không rộng lớn biết tâm không rộng lớn; tâm vô lượng biết tâm vô lượng, tâm hạn lượng biết tâm hạn lượng. Như Lai biết rõ như thật: Tâm định biết tâm có định, tâm không định biết tâm không định; tâm giải thoát biết tâm giải thoát, tâm không giải thoát biết tâm không giải thoát.19
[0776c06] Lại nữa, Như Lai biết rõ tất cả con đường mà tâm hướng đến. Hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, năm mươi đời, một trăm đời, ngàn đời, ức trăm ngàn đời, vô lượng đời, kiếp thành, kiếp hoại, trong vô số kiếp thành, kiếp hoại, thuở xưa Ta sanh ở nơi ấy, có tên như thế này, có họ thế này, ăn những thức ăn như thế, nhận chịu những sự khổ vui như thế, thọ mạng dài ngắn, chết ở chỗ này sanh ở nơi kia, chết ở chốn kia sanh ra nơi này. Như Lai tự nhớ mọi việc trong vô số đời trước như thế.20
Lại nữa, Như Lai biết rõ thú hướng sanh tử của chúng sanh. Bằng thiên nhãn, Ngài quán sát các loài chúng sanh hoặc sắc đẹp, sắc xấu; cõi lành, cõi dữ, tùy theo hạnh nghiệp đã gieo trồng, Ngài thảy đều biết rõ: Hoặc có chúng sanh mà thân, miệng và ý làm ác, chê bai Hiền thánh, tạo nghiệp tà kiến thì khi chết bị đọa vào trong địa ngục. Hoặc có chúng sanh mà thân, miệng và ý làm lành, không phỉ báng Hiền thánh, thường hành chánh kiến thì khi chết được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Đó gọi là bằng thiên nhãn thanh tịnh, Ngài quán sát hạnh nghiệp dẫn dắt các loài chúng sanh.21
Lại nữa, Như Lai đã đoạn trừ hết thảy hữu lậu, thành tựu Vô lậu, được tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”22
Ðó gọi là Như Lai có mười lực như thế, được gọi là bậc Vô Trước, thành tựu bốn vô sở úy, ở trong đại chúng rống tiếng rống của sư tử, chuyển bánh xe pháp.
Thế nào gọi là Như Lai thành tựu bốn vô sở úy?
Như Lai tuyên bố rằng đã thành bậc Ðẳng Chánh Giác, nếu có chúng sanh nào muốn cho rằng biết được sự việc này thì điều này không đúng. Lại nữa, nếu có Sa-môn hay Bà-la-môn muốn hủy báng Phật chưa thành bậc Ðẳng Chánh Giác thì điều này không đúng. Do điều này không đúng nên Như Lai được an ổn.
Lại nữa, ngày nay Như Lai tuyên bố rằng đã dứt sạch hữu lậu, giả sử có Sa-môn hay Bà-la-môn, chư thiên hoặc thiên ma muốn cho rằng Như Lai chưa dứt sạch hữu lậu thì điều này không đúng. Do điều này không đúng nên Như Lai được an ổn.
Lại nữa, pháp do Như Lai thuyết giảng là pháp mà Hiền thánh đã thành tựu giải thoát và như thật chấm dứt nguồn gốc khổ đau. Nếu có Sa-môn hay Bà-la- môn, chư thiên hoặc thiên ma muốn cho rằng pháp của Như Lai chưa chấm dứt nguồn gốc khổ đau thì điều này không đúng. Do điều này không đúng nên Như Lai được an ổn.
[0777a02] Lại nữa, Như Lai tuyên bố những pháp chướng ngại23 là con đường đọa vào cõi ác, giả sử có Sa-môn hay Bà-la-môn muốn cho rằng điều này không đúng thì thật không có lý đó.
Này Tỳ-kheo! Đó gọi là Như Lai có bốn vô sở úy.
Giả sử hàng ngoại đạo dị học cho rằng: “Sa-môn Cù-đàm kia có những sức lực gì, có sự vô úy nào mà dám tự xưng là bậc Vô trước, Tối tôn?” thì các thầy hãy dùng mười lực này để đối đáp với họ.
Giả sử có ngoại đạo dị học lại bảo rằng: “Chúng ta cũng thành tựu mười lực.” Tỳ-kheo các thầy nên hỏi họ như vầy: “Các ông có mười lực gì?” Khi ấy, hàng ngoại đạo dị học chắc chắn không thể trả lời, lại càng tăng thêm sự mê hoặc. Vì sao như vậy? Vì Ta chưa bao giờ thấy có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tự xưng đã đạt được bốn vô sở úy, ngoại trừ Như Lai.
Cho nên, này Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu mười lực và bốn vô sở úy.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có mười niệm, nếu phân biệt rộng rãi rồi tu hành thì sẽ dứt sạch ái dục nơi cõi dục, ái dục nơi cõi sắc, ái dục nơi cõi vô sắc, kiêu mạn và vô minh. Mười niệm gồm những gì? Đó là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo-tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm chỉ quán,25 niệm hơi thở,26 niệm thân và niệm sự chết.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Có chúng sanh nào tu tập mười niệm này thì sẽ dứt sạch ái dục nơi cõi dục, ái dục nơi cõi sắc, ái dục nơi cõi vô sắc, tất cả vô minh, kiêu mạn thảy đều diệt trừ sạch.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Gần gũi hoàng cung28 có mười điều phi pháp. Là những điều nào?
Đó là, có người ở trong hoàng cung rắp tâm muốn giết hại nhà vua, do âm mưu của kẻ đó mà nhà vua băng hà. Dân chúng nước ấy liền nghĩ rằng: “Các Sa-môn đạo sĩ này thường hay lui tới, điều này chắc là do Sa-môn gây nên.” Ðây là tai họa đầu tiên của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, các quan đại thần phản nghịch, bị vua bắt giữ và xử trảm hết. Khi ấy, dân chúng liền nghĩ rằng: “Sa-môn đạo sĩ này thường hay lui tới, điều này chắc là do Sa-môn gây ra.” Ðây là tai họa thứ hai của Sa-môn khi phi pháp ra vào hoàng cung.
Lại nữa, khi hoàng cung bị mất báu vật hay tài sản thì người giữ kho liền nghĩ rằng: “Những báu vật này ta thường gìn giữ, không có ai khác ra vào đây, chắc là Sa-môn đã lấy nó.” Ðây là tai họa thứ ba của Sa-môn khi phi pháp ra vào hoàng cung.
Lại nữa, công chúa quốc vương đang độ xuân thì, tuy chưa lấy chồng mà lại mang thai, khi ấy dân chúng liền nghĩ rằng: “Trong cung này chẳng có ai khác lui tới, chắc là do Sa-môn gây ra.” Ðây là tai họa thứ tư của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, nhà vua thân lâm trọng bệnh do trúng thuốc của kẻ khác, khi ấy dân chúng liền nghĩ rằng: “Trong hoàng cung không có ai khác, điều này chắc là do Sa-môn gây ra.” Ðây là tai họa thứ năm của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
[0777b03] Lại nữa, nhà vua và quan lại đại thần đấu tranh lẫn nhau, gây thương tổn cho nhau, khi ấy dân chúng liền nghĩ rằng: “Các quan đại thần này vốn hòa hợp với nhau, nay lại chống trái lẫn nhau, điều này chẳng phải do ai khác gây ra, chắc là do Sa-môn, đạo sĩ.” Ðây là tai họa thứ sáu của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, hai quốc gia đánh nhau, ai cũng tranh giành chiến thắng, lúc ấy dân chúng liền nghĩ rằng: “Sa-môn, đạo sĩ này thường lui tới trong cung, chắc là do Sa-môn ấy xúi giục.” Ðây là tai họa thứ bảy của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, quốc vương vốn ưa thích bố thí của cải cho dân chúng, về sau do keo kiệt nên hối tiếc, không bố thí nữa, khi ấy dân chúng đều nghĩ rằng: “Quốc vương của chúng ta vốn hoan hỷ bố thí, nay lại tham tiếc không có tâm bố thí nữa, điều này chắc là do Sa-môn gây nên.” Ðây là tai họa thứ tám của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, trước đây, nhà vua trưng thu tài sản của dân chúng đúng với Chánh pháp, về sau lại trưng thu tài sản của dân chúng một cách phi pháp, khi ấy dân chúng đều nghĩ rằng: “Nhà vua của chúng ta trước đây trưng thu tài sản của dân chúng đúng với Chánh pháp, về sau lại trưng thu tài sản của dân chúng một cách phi pháp, điều này chắc do Sa-môn gây nên.” Ðây là tai họa thứ chín của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Lại nữa, dân chúng cả nước đều mắc bệnh bởi do duyên đời trước, khi ấy dân chúng đều nghĩ rằng: “Trước kia chúng ta chẳng có bệnh tật gì, nay mọi người đều lâm bệnh, người chết đầy đường, chắc là do chú thuật của Sa-môn gây ra đến nông nỗi này.” Ðây là tai họa thứ mười của Sa-môn khi phi pháp gần gũi hoàng cung.
Này Tỳ-kheo! Ðó là mười điều tai họa khi phi pháp ra vào hoàng cung. Thế nên, này Tỳ-kheo! Chớ khởi tâm gần gũi với hoàng cung.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu nhà vua huân tập mười pháp này thì không thể tồn tại lâu dài, có nhiều giặc cướp. Là những pháp nào?
Đó là, nhà vua tham lam keo kiệt, chỉ vì một việc nhỏ liền nổi sân hận, không xem xét phải trái. Nếu nhà vua huân tập pháp đầu tiên này thì không thể tồn tại lâu dài, quốc gia có nhiều giặc cướp.
Lại nữa, nhà vua ấy tham đắm tài sản, không chịu bố thí.30 Ðây là pháp thứ hai, nếu nhà vua huân tập pháp này thì không thể tồn tại lâu dài.
[0777c01] Lại nữa, nhà vua ấy không nghe lời người khác can gián, là người bạo ngược, không có lòng nhân từ. Ðây là pháp thứ ba khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua ấy bắt oan dân chúng, trói buộc giam cầm, nhốt trong lao ngục, không có ngày ra khỏi. Ðây là pháp thứ tư khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua có tướng lãnh phi pháp, không theo chánh hạnh. Ðây là pháp thứ năm khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua ấy tham đắm nhan sắc của người, bỏ bê thê thiếp của mình. Ðây gọi là nhà vua huân tập pháp thứ sáu khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua ấy ưa thích uống rượu, không màng việc triều chính. Ðây là huân tập pháp thứ bảy khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua ưa thích ca múa, vui chơi, không màng việc triều chính.
Ðây là pháp thứ tám khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua thường xuyên bệnh tật, không có ngày nào khỏe mạnh.
Ðây là pháp thứ chín khiến không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, nhà vua không tin đại thần trung hiếu, cận thần ít ỏi, không có quan phụ chánh giỏi giang. Ðây gọi là pháp thứ mười khiến không thể tồn tại lâu dài.
Nếu quốc vương huân tập mười pháp này thì sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Ở đây, chúng Tỳ-kheo cũng như vậy, nếu huân tập mười pháp này thì không thể tăng trưởng cội gốc công đức thiện lành, sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Mười pháp gồm những gì?
Ở đây, Tỳ-kheo không giữ gìn giới cấm, cũng chẳng có tâm cung kính. Đây gọi là Tỳ-kheo huân tập pháp đầu tiên, không đạt mục tiêu cần phải đạt một cách rốt ráo.
Lại nữa, Tỳ-kheo không phụng sự Phật, không tin lời chân thật. Ðây là Tỳ- kheo huân tập pháp thứ hai, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo không phụng sự Pháp, các giới luật bị xuyên thủng. Ðây là Tỳ-kheo huân tập pháp thứ ba, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo không phụng sự Thánh chúng, thường có tâm tự ti, không tin nhận lời dạy của Thánh chúng. Ðây là Tỳ-kheo huân tập pháp thứ tư, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo tham đắm lợi dưỡng, tâm không buông xả. Ðây là Tỳ- kheo huân tập pháp thứ năm, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo không học hỏi nhiều, không siêng năng tụng đọc, tu tập.
Ðây là Tỳ-kheo huân tập pháp thứ sáu, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo không gần gũi thiện tri thức, thường gần gũi ác tri thức.
Ðây là pháp thứ bảy của Tỳ-kheo, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo ưa thích công việc, không nhớ nghĩ đến tọa thiền. Ðây là pháp thứ tám, không thể tồn tại lâu dài.
Lại nữa, Tỳ-kheo đam mê toán số, bỏ đạo theo thế tục, không tu tập Chánh pháp. Ðây là pháp thứ chín của Tỳ-kheo, không thể tồn tại lâu dài.
[0778a02] Lại nữa, Tỳ-kheo không ưa thích tu tập Phạm hạnh, tham đắm bất tịnh. Ðây là pháp thứ mười của Tỳ-kheo, không thể tồn tại lâu dài.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Huân tập mười pháp này thì chắc chắn bị đọa trong ba đường ác, không thể sanh vào cõi lành.
Nếu quốc vương thành tựu mười pháp thì được tồn tại ở đời dài lâu. Mười pháp gồm những gì?
Ở đây, quốc vương không tham đắm tài vật, không khởi sân hận, cũng chẳng vì việc nhỏ mà sanh tâm thù oán. Ðây là pháp thứ nhất, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương nghe lời can gián của quần thần, không trái nghịch với họ. Ðây là thành tựu pháp thứ hai, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương thường ưa thích bố thí, cùng vui với niềm vui của dân chúng. Ðây là pháp thứ ba, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương trưng thu tài sản đúng pháp, không lấy bằng phi pháp.
Ðây là pháp thứ tư, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương không đam mê sắc đẹp của người khác, thường bảo bọc thê thiếp của mình. Ðây là thành tựu pháp thứ năm, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương cũng không uống rượu, tâm không mê loạn. Ðây là thành tựu pháp thứ sáu, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương cũng không ham thích vui chơi, hàng phục kẻ địch bên ngoài. Ðây là thành tựu pháp thứ bảy, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương trị dân đúng pháp, không hề sai lệch. Ðây là thành tựu pháp thứ tám, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương cùng hòa thuận với quần thần, không có chống trái.
Ðây là thành tựu pháp thứ chín, khiến được tồn tại lâu dài.
Lại nữa, quốc vương không bị bệnh hoạn, khí lực cường tráng. Ðây là pháp thứ mười, khiến được tồn tại lâu dài.
Nếu quốc vương thành tựu mười pháp này thì sẽ được tồn tại lâu dài, không có gì lo ngại.
Chúng Tỳ-kheo cũng lại như thế, nếu thành tựu mười pháp này thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, liền được sanh lên cõi trời. Mười pháp gồm những gì?
Đó là, Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, giới đức đầy đủ, không phạm Chánh pháp. Ðây là Tỳ-kheo thành tựu pháp đầu tiên, sau khi mạng chung thì được sanh vào cõi lành, cõi trời.
Lại nữa, Tỳ-kheo có tâm cung kính đối với Như Lai. Ðây là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai, được sanh vào cõi lành.
Lại nữa, Tỳ-kheo thuận theo giáo pháp, không sai phạm một lỗi nào. Ðây là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba, được sanh vào cõi lành.
Lại nữa, Tỳ-kheo cung kính, phụng sự Thánh chúng, không có tâm biếng nhác. Ðây là thành tựu pháp thứ tư, được sanh lên cõi trời.
[0778b02] Lại nữa, Tỳ-kheo ít muốn biết đủ, không tham đắm lợi dưỡng.
Ðây là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm, được sanh lên cõi trời.
Lại nữa, Tỳ-kheo không làm theo ý mình, thường tùy thuận giới pháp. Ðây là thành tựu pháp thứ sáu, được sanh vào cõi lành.
Lại nữa, Tỳ-kheo không đam mê công việc, thường ưa ngồi thiền. Ðây là thành tựu pháp thứ bảy, được sanh lên cõi trời.
Lại nữa, Tỳ-kheo ưa thích ở chỗ thanh vắng, không ở trong chốn nhân gian.
Ðây là thành tựu pháp thứ tám, được sanh vào cõi lành.
Lại nữa, Tỳ-kheo không thuận theo ác tri thức, thường gần gũi thiện tri thức. Ðây là thành tựu pháp thứ chín, được sanh vào cõi lành.
Lại nữa, Tỳ-kheo thường tu Phạm hạnh, xa lìa pháp ác, nghe nhiều, học hỏi nghĩa lý, không mất thứ lớp. Ðây là thành tựu pháp thứ mười, được sanh vào cõi lành.
Như thế, Tỳ-kheo thành tựu mười pháp này thì trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Mười hạnh phi pháp khiến đọa vào địa ngục thì nên nhớ phải xa lìa, mười hạnh Chánh pháp thì nên tôn kính vâng giữ, tu tập.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ đã đúng thời, số đông Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo liền suy nghĩ:
– Chúng ta vào thành khất thực nhưng còn quá sớm. Chúng ta có thể đến chỗ ngoại đạo dị học để cùng luận bàn với họ.
Thế rồi, các Tỳ-kheo liền đi đến chỗ ngoại đạo dị học.
Bấy giờ, ngoại đạo dị học từ xa trông thấy các Sa-môn đi đến, họ liền bảo nhau:
– Chúng ta nên im lặng, đừng nói năng lớn tiếng, đệ tử của Sa-môn Cù-đàm đang đến đây, pháp của Sa-môn là khen ngợi người yên lặng, đừng để họ biết Chánh pháp của chúng ta có hỗn loạn hay không hỗn loạn.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo liền đến chỗ ngoại đạo dị học, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi sang một bên.
Thế rồi, ngoại đạo hỏi các Tỳ-kheo:
– Này các ông! Sa-môn Cù-đàm vì hàng đệ tử mà giảng nói pháp vi diệu như vầy: “Này các Tỳ-kheo! Hãy hiểu rõ tất cả các pháp rồi tự mình an trú”, phải vậy chăng? Chúng tôi cũng giảng nói pháp vi diệu này cho hàng đệ tử để tự an trú. Những điều chúng tôi giảng nói có khác gì các ông? Có sai biệt gì? Thuyết pháp, dạy bảo đều cùng một loại, không sai khác.
Lúc ấy, nghe ngoại đạo dị học nói như vậy, phần lớn các Tỳ-kheo không khen hay cũng không bảo dở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra về.
[0778c04] Bấy giờ, các Tỳ-kheo bảo nhau:
– Chúng ta nên đem ý nghĩa này về thưa với Thế Tôn. Nếu Như Lai có chỉ dạy điều gì, chúng ta sẽ ghi nhớ phụng hành.
Khi vào thành La-duyệt khất thực xong, các Tỳ-kheo trở về phòng cất y bát, đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo đem ngọn nguồn nhân duyên sự việc thưa hết với Như Lai.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Khi các ngoại đạo dị học ấy hỏi về nghĩa đó rồi, các thầy hãy đáp trả bằng những lời như vầy: “Một câu hỏi, một câu trả lời, một câu giải thích,... cho đến mười câu hỏi, mười câu trả lời, mười câu giải thích, khi nói những lời như vậy là có những ý nghĩa gì?” Nếu như các thầy đem lời này đến hỏi họ thì chắc chắn các ngoại đạo dị học kia không thể trả lời, những kẻ ấy càng tăng thêm mê mờ. Vì sao như vậy? Vì đó chẳng phải là cảnh giới của họ.32
Cho nên, này Tỳ-kheo! Ta không thấy có chư thiên, loài người, ma hoặc thiên ma, Ðế-thích hay Phạm thiên vương nào có thể trả lời được điều này, chỉ trừ Như Lai và đệ tử Như Lai đã từng được nghe Ta dạy bảo, điều này không thể chối cãi.
Một câu hỏi, một câu trả lời, một câu giải thích, tuy Ta giảng nói nghĩa lý này, nhưng vì lý do gì mà nói như thế? Tất cả chúng sanh đều do ăn mới tồn tại, không ăn thì chết. Tỳ-kheo ấy chân chánh33 nhàm chán, chân chánh giải thoát, chân chánh quán sát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau, đồng một nghĩa không sai khác. Điều mà Ta giảng nói, chính là như vậy.
Hai câu hỏi, hai câu trả lời, hai câu giải thích, tuy Ta giảng nói nghĩa lý này, nhưng vì lý do gì mà nói như thế? Là danh và sắc. Những gì gọi là danh? Nghĩa là thọ, tưởng, niệm, xúc và tư duy, đó gọi là danh. Vì sao gọi cái kia là sắc? Bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, đó gọi là sắc, do nguồn gốc của duyên này, cho nên gọi là sắc.
Hai câu hỏi, hai câu trả lời, hai câu giải thích, do nhân duyên này nên hôm nay Ta giảng nói như vậy. Nếu Tỳ-kheo chân chánh nhàm chán, chân chánh giải thoát, chân chánh quán sát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau.
Ba câu hỏi, ba câu trả lời, ba câu giải thích, vì lý do gì mà giảng nói nghĩa lý này? Đó là ba thọ. Là ba thọ nào? Là thọ khổ, thọ lạc và thọ không khổ không lạc.
Thế nào gọi là thọ lạc? Nghĩa là trong tâm có tưởng lạc, cũng không phân tán, đó gọi là thọ lạc.
Thế nào gọi là thọ khổ? Nghĩa là trong tâm mê loạn, không định tĩnh chuyên nhất, tư duy vô số tưởng khác nhau, đây gọi là thọ khổ.
Thế nào là thọ không khổ không lạc? Nghĩa là trong tâm không có tưởng khổ, không có tưởng lạc, cũng chẳng định tĩnh chuyên nhất, lại không loạn tưởng, cũng chẳng tư duy về pháp và phi pháp, thường tự vắng lặng, tâm không ghi nhận điều gì, cho nên gọi là không khổ không lạc. Ðó là ba thọ. Nếu Tỳ-kheo chân chánh nhàm chán, chân chánh giải thoát, chân chánh quán sát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Điều Ta giảng nói về ba câu hỏi, ba câu trả lời, ba câu giải thích, chính là như vậy.
[0779a11] Bốn câu hỏi, bốn câu trả lời, bốn câu giải thích, vì những lý do gì mà giảng nói ý nghĩa này? Đó là bốn sự thật. Là bốn loại nào? Đó là sự thật về khổ, sự thật về nguyên nhân của khổ, sự thật khi khổ diệt34 và sự thật về con đường đưa đến khổ diệt.
Thế nào là sự thật về khổ? Nghĩa là sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ưu, bi, phiền não là khổ, oán ghét phải gặp nhau là khổ, ân ái phải xa lìa là khổ, mong cầu không được là khổ.
Thế nào gọi là sự thật về nguyên nhân của khổ? Nghĩa là căn bản ái tương ưng với dục. Ðó là sự thật về nguyên nhân của khổ.
Thế nào gọi là sự thật về khổ diệt?35 Nghĩa là ái kia được đoạn trừ vĩnh viễn, không chút tàn dư, cũng chẳng tái sanh. Ðó gọi là sự thật về khổ diệt.
Thế nào gọi là sự thật về con đường đưa đến khổ diệt?36 Nghĩa là con đường tám phẩm Hiền thánh, gồm chánh kiến, chánh tư duy,37 chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn,38 chánh niệm và chánh định. Ðó gọi là con đường tám phẩm.
Nếu Tỳ-kheo chân chánh nhàm chán, chân chánh giải thoát, chân chánh quán sát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ðó gọi là bốn câu hỏi, bốn câu trả lời, bốn câu giải thích. Ðiều Ta giảng nói, chính là như vậy.
Nay Ta giảng nói về năm câu hỏi, năm câu trả lời, năm câu giải thích, vì những lý do gì mà giảng nói như vậy? Là năm căn. Gồm những căn nào? Là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.
Thế nào gọi là tín căn? Nghĩa là vị đệ tử Hiền thánh tin vào đạo pháp của Như Lai, vì Như Lai là bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,39 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời. Ðó gọi là tín căn.
Thế nào gọi là tấn căn? Là thân và tâm đều siêng năng không mỏi mệt, diệt trừ pháp bất thiện, khiến pháp thiện tăng trưởng, giữ gìn tâm chuyên nhất. Ðó gọi là tấn căn.
Thế nào gọi là niệm căn? Sở dĩ gọi niệm căn là do không quên những điều đã tụng đọc, thường ghi nhớ trong tâm, giữ gìn không quên mất, dù pháp hữu vi hay pháp vô lậu cũng không bao giờ quên mất. Ðó gọi là niệm căn.
Thế nào gọi là định căn? Sở dĩ gọi định căn là bởi tâm không tán loạn, không có các tưởng, thường nhất tâm tinh chuyên. Ðó gọi là định căn.
Thế nào gọi là tuệ căn? Đó là, biết khổ, biết tập, biết diệt và biết đạo. Ðó gọi là tuệ căn.
Ðây gọi là năm căn. Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp này mà chân chánh giải thoát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ðó gọi là năm câu hỏi, năm câu trả lời, năm câu giải thích. Ðiều Ta giảng nói, chính là như vậy.
[0779b10] Ta đã giảng nói về sáu câu hỏi, sáu câu trả lời, sáu câu giải thích. Vì lý do gì mà Ta giảng nói như thế? Là sáu pháp trọng.40 Gồm những pháp nào?
Ở đây, Tỳ-kheo thân thường hành từ, hoặc ở thất vắng, tâm thường chuyên nhất, đáng kính đáng quý, luôn luôn hòa hợp. Đó gọi là pháp trọng thứ nhất.
Lại nữa, miệng thường hành từ, chưa từng dối trá, đáng kính đáng quý. Đó gọi là pháp trọng thứ hai.
Lại nữa, tâm thường hành từ, không khởi oán ghét, đáng kính đáng quý. Đó gọi là pháp trọng thứ ba.
Lại nữa, nếu như có được lợi dưỡng đúng pháp,41 dư hơn một bát thì nên cúng dường người đồng Phạm hạnh với tâm bình đẳng. Đó gọi là pháp trọng thứ tư, đáng kính đáng quý.
Lại nữa, phụng trì giới cấm, không để sai phạm, là điều mà bậc Hiền thánh tôn quý. Đó gọi là pháp trọng thứ năm, đáng kính đáng quý.
Lại nữa, chánh kiến ở đây là pháp xuất ly của Hiền thánh, khiến đoạn trừ hết thảy khổ đau, tâm không tán loạn thì nên chia sẻ pháp này với những người Phạm hạnh để cùng nhau tu tập. Đó gọi là pháp trọng thứ sáu, đáng kính đáng quý.
Nếu Tỳ-kheo chân chánh nhàm chán, chân chánh giải thoát, chân chánh phân biệt nghĩa lý ấy thì chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ðó gọi là sáu câu hỏi, sáu câu trả lời, sáu câu giải thích. Ðiều Ta giảng nói, chính là như vậy.
Bảy câu hỏi, bảy câu trả lời, bảy câu giải thích, vì những lý do gì mà Ta giảng nói như thế? Ðó là bảy chỗ cư trú của thần thức.42 Là những nơi nào?
Hoặc có chúng sanh có bao nhiêu tưởng thì có bấy nhiêu thân, đó là cõi trời và loài người.
Hoặc có chúng sanh có nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng, đó là cõi trời Phạm-ca-di lúc mới xuất hiện.
Hoặc có chúng sanh chỉ có một tưởng và một thân, đó là cõi trời Quang Âm. Hoặc có chúng sanh chỉ có một thân nhưng nhiều tưởng, đó là cõi trời Biến Tịnh.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Không xứ, đó là cõi trời Không Xứ. Hoặc có chúng sanh với vô lượng Thức xứ, đó là cõi trời Thức Xứ.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Vô sở hữu xứ, đó là cõi trời Vô Sở Hữu Xứ.43
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Hữu tưởng vô tưởng xứ, đó là cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.44
Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy chỗ cư trú của thần thức. Như vậy, Tỳ-kheo chân chánh giải thoát,... cho đến chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ðó là bảy câu hỏi, bảy câu trả lời, bảy câu giải thích. Ðiều Ta giảng nói, chính là như vậy.
[0779c08] Ta đã giảng nói về tám câu hỏi, tám câu trả lời, tám câu giải thích. Vì những lý do gì mà giảng nói như thế? Nghĩa là tám pháp thế gian, theo thế gian mà xoay chuyển. Là những pháp nào? Ðó là được, mất, nhục, vinh, khen, chê, khổ, vui. Đó là tám pháp thế gian, theo thế gian mà xoay chuyển. Nếu Tỳ- kheo đối với pháp này mà chân chánh giải thoát,... cho đến chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ta đã giảng nói về tám câu hỏi, tám câu trả lời, tám câu giải thích, chính là như vậy.
Ta đã giảng nói về chín câu hỏi, chín câu trả lời, chín câu giải thích. Vì những lý do gì mà giảng nói như thế? Đó là chín nơi cư trú của chúng sanh. Gồm những nơi nào?
Nếu có chúng sanh có bao nhiêu thân thì có bấy nhiêu tưởng, đó là cõi trời và loài người.
Hoặc có chúng sanh có nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng, là cõi trời Phạm-ca-di lúc mới xuất hiện.
Hoặc có chúng sanh chỉ có một tưởng và một thân, đó là cõi trời Quang Âm. Hoặc có chúng sanh có một thân nhưng nhiều tưởng, đó là cõi trời Biến Tịnh.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Không xứ, đó là cõi trời Không Xứ. Hoặc có chúng sanh với vô lượng Thức xứ, đó là cõi trời Thức Xứ.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Vô sở hữu xứ, đó là cõi trời Vô Sở Hữu Xứ.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng Hữu tưởng vô tưởng xứ, đó là cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
Chúng sanh cõi trời Vô Tưởng45 và các loại chúng sanh khác, là chín trú xứ của thần thức.
Như vậy, Tỳ-kheo chân chánh giải thoát,... cho đến chân chánh đoạn trừ hết thảy khổ đau. Ta đã giảng nói về chín câu hỏi, chín câu trả lời, chín câu giải thích, chính là như vậy.
Vì những lý do gì mà Ta giảng nói về mười câu hỏi, mười câu trả lời, mười câu giải thích? Ðó là mười niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo-tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch lặng,46 niệm hơi thở,47 niệm thân, niệm sự chết. Ðó là mười niệm. Nếu Tỳ-kheo chân chánh giải thoát,... cho đến đoạn trừ hết thảy khổ đau. Đó là mười câu hỏi, mười câu trả lời, mười câu giải thích.
Này Tỳ-kheo! Đây là từ một cho đến mười.
[0780a01] Tỳ-kheo nên biết! Nếu ngoại đạo dị học nghe những lời này, còn không dám ngước mắt nhìn lên, huống hồ là trả lời. Nếu Tỳ-kheo nào thông hiểu nghĩa lý này thì trong đời hiện tại, vị ấy là bậc tôn quý nhất.
Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào tư duy về nghĩa lý này, cho đến mười năm thì vị ấy chắc chắn sẽ thành tựu được một trong hai quả vị: Hoặc A-la-hán, hoặc A-na-hàm.
Hoặc giả không cần mười năm, nếu Tỳ-kheo nào chỉ trong một năm, tư duy về nghĩa lý này thì chắc chắn sẽ thành tựu một trong hai quả vị và chung cuộc không bị thoái lui giữa chừng.
Hoặc giả không cần một năm, Tỳ-kheo và bốn bộ chúng ấy chỉ trong mười tháng cho đến một tháng, tư duy về nghĩa lý này thì chắc chắn sẽ thành tựu một trong hai quả vị và chung cuộc không bị thoái lui giữa chừng.
Hoặc giả không cần một tháng, nếu bốn bộ chúng chỉ trong bảy ngày mà tư duy về nghĩa lý này thì chắc chắn thành tựu một trong hai quả vị và chung cuộc không có nghi ngờ.
Bấy giờ, A-nan đứng sau Thế Tôn, đang cầm quạt hầu Ngài. Thế rồi, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn, pháp này quá thâm sâu, nếu những nơi nào có giáo pháp này thì nên biết nơi ấy gặp được Như Lai. Kính bạch Thế Tôn! Pháp này tên gọi là gì và làm thế nào để phụng hành?
Phật bảo A-nan:
– Kinh này tên là Ý nghĩa của mười pháp, hãy ghi nhớ rồi phụng hành. Bấy giờ, A-nan và các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có người tu hành mười tưởng, liền dứt sạch phiền não, chứng đắc thần thông, từng bước đạt đến Niết-bàn. Là mười tưởng nào?
Đó là tưởng xương trắng, tưởng bầm tím, tưởng sình trương, tưởng ăn không tiêu, tưởng máu, tưởng nhai nuốt, tưởng hữu thường vô thường, tưởng tham ăn uống, tưởng sự chết và tưởng tất cả thế gian đều không có gì đáng ưa thích. Như vậy, này Tỳ-kheo! Tu tập mười tưởng này thì được dứt sạch phiền não, đạt đến cảnh giới Niết-bàn.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Trong mười tưởng ấy thì tưởng tất cả thế gian đều không có gì đáng ưa thích là tối thắng hơn hết. Vì sao như vậy? Nếu có người tu tập về tưởng không có gì đáng ưa thích này, chắc chắn vượt lên hai bậc Tùy tín hành và Tùy pháp hành49 mà chứng đắc.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Khi ngồi bên gốc cây hay ở nơi vắng vẻ hoặc chỗ đất trống thì nên tư duy về mười tưởng này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Thế rồi, Tỳ-kheo ấy bạch Phật:
– Hôm nay, Như Lai giảng nói cho các Tỳ-kheo: “Những ai có thể tu tập pháp mười tưởng ấy thì sẽ dứt sạch tất cả hữu lậu, thành tựu hạnh vô lậu.” Bạch đức Thế Tôn! Thế nhưng con không thể nào kham nổi việc tu hành theo mười tưởng đó. Vì sao như vậy? Vì tâm con còn nhiều tham dục, thân tâm luôn hừng hực, chưa hề dừng nghỉ.
[0780b05] Bấy giờ, Thế Tôn dạy Tỳ-kheo ấy:
– Thầy hãy xả bỏ tưởng tịnh, tư duy về tưởng bất tịnh; xả bỏ tưởng hữu thường, tư duy về tưởng vô thường; xả bỏ tưởng hữu ngã, tư duy về tưởng vô ngã; xả bỏ tưởng những điều đáng ưa thích, tư duy về tưởng những điều không đáng ưa thích. Vì sao như vậy? Nếu Tỳ-kheo tư duy về tưởng tịnh thì tâm tham dục hừng hực, nếu tư duy về tưởng bất tịnh thì không còn tâm tham dục.
Tỳ-kheo nên biết! Ái dục là bất tịnh, như đống phân dơ. Ái dục như chim sáo, luôn kêu la ầm ĩ. Ái dục là phản phúc,51 cũng như loài rắn độc. Ái dục là huyễn hóa, như mặt trời khiến băng tuyết tiêu tan. Phải nghĩ việc lìa bỏ dục như lìa bỏ bãi tha ma. Ái dục trở lại hại mình, như rắn mang nọc độc. Ái dục không thỏa mãn, như uống nước muối mặn. Ái dục rất khó tràn đầy, như biển chứa các dòng sông. Ái dục có nhiều đáng sợ, như thôn xóm quỷ la-sát. Ái dục như oan gia nên thường phải tránh xa. Ái dục là một chút vị, như mật dính trên lưỡi dao. Ái dục không đáng yêu, như xương trắng ven đường. Ái dục hiện dáng bên ngoài, như hoa mọc từ nhà xí. Ái dục không chân thật, ví như cái bình với họa tiết đẹp, bên trong đựng đồ nhơ uế, còn bên ngoài thì trông xinh đẹp. Ái dục không bền chắc, như bọt nước nổi trôi.
Thế nên, này Tỳ-kheo! Hãy nên nghĩ tưởng xa lìa tham dục và tư duy về tưởng bất tịnh.
Này Tỳ-kheo! Thầy hãy nhớ rằng, thuở xưa thầy đã phụng hành mười tưởng từ thời đức Phật Ca-diếp, nay thầy nên suy nghĩ lại về mười tưởng ấy thì tâm hữu lậu liền được giải thoát.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia khởi lòng bi cảm không thể ngăn dòng lệ, liền đảnh lễ sát chân Phật rồi bạch Thế Tôn:
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Con tích chứa mê lầm đã lâu, nay nhờ Như Lai đích thân giảng dạy mười tưởng, con mới có thể xa lìa ái dục. Nay con xin sám hối, về sau không dám tái phạm. Cúi xin Như Lai nhận sự sám hối lỗi lầm quá nặng của con, xin tha thứ những điều sai trái!
Phật bảo Tỳ-kheo:
– Ta chấp thuận sự sám hối của thầy, chớ có tái phạm. Lại nữa, Như Lai đã từng dạy mười tưởng rồi nhưng thầy không chịu phụng trì.
Thế rồi, khi nghe đức Thế Tôn dạy bảo xong, Tỳ-kheo ấy liền ở chỗ vắng vẻ, thúc liễm thân tâm, tư duy quán sát. Bởi lẽ, một người thiện nam sở dĩ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, tu tập Phạm hạnh vô thượng, là chỉ muốn thành tựu sở nguyện và để biết đúng như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Vị Tỳ-kheo ấy liền thành tựu quả vị A-la-hán.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:
Kết cấm, Thánh hiền cư,
Nhị lực cập Thập niệm,
Thân quốc, Vô quái ngại,
Thập luận, Tưởng, Vô tưởng.52
Chú thích
1 Nguyên tác: Kết cấm phẩm 結禁品 (T.02. 0125.46. 0775c06).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.1. 0775c07). Tham chiếu: A. 10.31 - V. 70.
3 Thừa sự Thánh chúng (承事聖眾). “Thừa sự” ở đây mang nghĩa là cung kính, tôn trọng (尊敬, payirupāsati).
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.2. 0775c19). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.71. 0018b28); S. 22.105 - III. 159; A. 10.20 - V. 29.
5 Lục trọng chi pháp (六重之法). Vũ-thế kinh 雨勢經 (T.01. 0026.142. 0650a19) ghi là “úy lạo pháp” (慰勞法): Pháp hòa mục (Dhammā sāraṇīyā), thường được gọi 6 pháp hòa kỉnh (六和敬), 6 pháp lục hòa (六和).
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.3. 0776a18). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.348. 0098a13); S. 12.21 - II. 27.
7 Nguyên tác: Phạm luân (梵輪, Brahmacakkaṃ): Bánh xe Phạm (Brahmā). Phạm (梵, Brahmā) ở đây chỉ cho sự thanh tịnh, thù thắng. Cú ngữ này ở DĀ. 1; MĀ. 9 gọi là Pháp luân (法輪).
8 Nguyên tác: Xuất yếu (出要).
9 Nguyên tác: Thống (痛).
10 Nguyên tác: Cánh lạc (更樂).
11 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
12 Nguyên tác: Cam lộ (甘露).
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.4. 0776b14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.684. 0186b26); Tạp. 雜 (T.02. 0099.686-687. 0187b27-c13); Tạp. 雜 (T.02. 0099.701. 0189a07); M. 12, Mahāsīhanāda Sutta (Đại kinh sư tử hống); A. 6.64 - III. 417; A. 10.21 - V. 32.
14 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a25) gọi là Xứ phi xứ trí lực (處非處智力); M. 12: Tathāgato ṭhānañca ṭhānato aṭṭhānañca aṭṭhānato yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri xứ là xứ, phi xứ là phi xứ), HT. Thích Minh Châu dịch. Xứ (處, thāna) ở đây được hiểu là đạo lý, con đường.
15 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a25) gọi là Nghiệp dị thục trí lực (業異熟智力); M. 12: Tathāgato atītānāgatapaccuppannānaṃ kammasamādānānaṃ ṭhānaso hetuso vipākaṃ yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri quả báo tùy thuộc sở do, tùy theo sở nhân của các hành nghiệp quá khứ, vị lai, hiện tại), HT. Thích Minh Châu dịch.
16 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a26) gọi là Chủng chủng giới trí lực (種種界智力); M. 12: Tathāgato anekadhātunānādhātulokaṃ yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri thế giới với mọi cảnh giới, nhiều chủng loại, nhiều sai biệt), HT. Thích Minh Châu dịch.
17 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a27) gọi là Tĩnh lự, giải thoát, đẳng trì, đẳng chí tạp nhiễm, thanh tịnh trí lực (靜慮解脫等持等至雜染清淨智力); M. 12: Tathāgato jhānavimokkhasamādhisamāpattīnaṃ saṃkilesaṃ vodānaṃ vuṭṭhānaṃ yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri sự tạp nhiễm, sự thanh tịnh, sự xuất khởi của các thiền, chứng về thiền, về giải thoát, về định), HT. Thích Minh Châu dịch.
18 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a26) gọi là Tri chủng chủng thắng giải trí lực (知種種勝解智力); M. 12: Tathāgato sattānaṃ nānādhimuttikataṃ yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri chí hướng sai biệt của các loại hữu tình), HT. Thích Minh Châu dịch.
19 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a26) gọi là Căn thắng liệt trí lực (根勝劣智力); M. 12: Tathāgato parasattānaṃ parapuggalānaṃ indriyaparopariyattaṃ yathābhūtaṃ pajānāti (Như Lai như thật tuệ tri những căn thượng, hạ của các loài hữu tình, loài người), HT. Thích Minh Châu dịch.
20 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a28) gọi là Túc trụ tùy niệm trí lực (宿住隨念智力); M. 12: Tathāgato anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarati, seyyathidaṃ - ekampi jātiṃ dvepi jātiyo tissopi... (Như Lai nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời,...), HT. Thích Minh Châu dịch.
21 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a28) gọi là Sanh tử trí lực (死生智力); M. 12: Tathāgato dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passati cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe sugate duggate yathākammūpage satte pajānāti (Như Lai với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Như Lai tuệ tri rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ), HT. Thích Minh Châu dịch.
22 Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a28) gọi là Lậu tận trí lực (漏盡智力); M. 12: Tathāgato āsavānaṃ khayā anāsavaṃ cetovimuttiṃ paññāvimuttiṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja viharati (Như Lai nhờ đoạn trừ các lậu hoặc tự mình chứng tri, chứng ngộ, thành tựu và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát), HT. Thích Minh Châu dịch. Kể đến đây mới có 9 lực, thiếu 1 lực, Đại Bát-nhã Ba-la-mật kinh 大般若波羅蜜多經 (T.05. 0220.53. 0301a26) gọi là Biến hành hành trí lực (遍行行智力); M. 12: Tathāgato sabbatthagāminiṃ paṭipadaṃ (Như Lai như thật tuệ tri con đường đưa đến tất cả cảnh giới), HT. Thích Minh Châu dịch.
23 Nguyên tác: Nội pháp (內法). Có khả năng dịch giả Phạn - Hán đọc antarāyikā dhammā (những pháp chướng ngại, những pháp tai họa) thành antaradhamma (pháp trung gian hay nội pháp). Theo Luật tạng Pāli, 5 pháp tai họa bao gồm: (i) Kammantarāyika (tai họa do ác trọng nghiệp), (ii) Kilesantarāyika (tai họa do phiền não tà kiến cố định), (iii) Vipākantarāyika (tai họa do quả tái sanh), (iv) Ariyūpavādantarāyika (tai họa do chê trách bậc Thánh nhân), (v) Āṇāvītikkamantarāyika (tai họa do phạm giới). Xem M. 22.
24 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.5. 0780c07). Bản Cao Ly, bản Thánh khắc thiếu kinh số 5, bản Đại Chánh căn cứ các bản Tống, Nguyên, Minh bổ khuyết vào cuối quyển 42, từ dòng 0780c07-14. Bản dịch Việt sắp xếp lại theo đúng thứ tự.
25 Niệm chỉ quán (念止觀). Ở kinh số 8 cùng trong phẩm này ghi là “niệm hưu tức” (念休息).
26 Niệm an-ban (念安般).
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.6. 0777a15). Tham chiếu: A. 10.45 - V. 81; Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.20. 0390b16-c15).
28 Nguyên tác: Quốc gia (國家), được hiểu theo nghĩa là “triều đình” (朝廷), ở đây được hiểu là “hoàng cung.”
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.7. 0777b24).
30 Nguyên tác: Thứ cơ (庶幾). Thiện Sanh kinh 善生經 (T.01. 0001.16. 0072a05) ghi: Cấp thí (給施); Tạp. 雜 (T.02. 0099.89. 0022c26) ghi: Thí (施).
31 Tựa đề được Phật dạy ở cuối kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.8. 0778b17). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.486-489. 0124b18-c22); A. 10.27 - V. 48.
32 Tham chiếu: A. 10.27 - V. 48: “Này các Tỷ-kheo, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo ấy cần phải được nói như sau: ‘Này chư Hiền, một câu hỏi, một câu tuyên bố, một câu trả lời; hai câu hỏi, hai câu tuyên bố, hai câu trả lời; ba câu hỏi, ba câu tuyên bố, ba câu trả lời; bốn câu hỏi, bốn câu tuyên bố, bốn câu trả lời; năm câu hỏi, năm câu tuyên bố, năm câu trả lời; sáu câu hỏi, sáu câu tuyên bố, sáu câu trả lời; bảy câu hỏi, bảy câu tuyên bố, bảy câu trả lời; tám câu hỏi, tám câu tuyên bố, tám câu trả lời; chín câu hỏi, chín câu tuyên bố, chín câu trả lời; mười câu hỏi, mười câu tuyên bố, mười câu trả lời.’ Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo ấy sẽ không thể trả lời, hơn nữa sẽ rơi vào bối rối. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì vấn đề ấy vượt ngoài địa hạt của họ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
33 Nguyên tác: Bình đẳng (平等). Tạp. 雜 (T.02. 0099.103. 0030b27) ghi: Chánh (正, sammā).
34 Nguyên tác: Tận (盡).
35 Nguyên tác: Khổ tận đế (苦盡諦).
36 Nguyên tác: Khổ yếu đế (苦要諦).
37 Nguyên tác: Chánh trị (正治).
38 Nguyên tác: Chánh phương tiện (正方便).
39 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為).
40 Lục trọng chi pháp (六重之法): 6 nguyên tắc sống chung.
41 Đắc pháp lợi chi dưỡng (得法利之養). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012a09) ghi: Đắc tịnh lợi dưỡng 得淨利養; Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054a14) ghi: Dĩ pháp đắc dưỡng以法得養; Vũ-thế kinh 雨勢經 (T.01. 0026.142. 0650a23) ghi: Pháp lợi như pháp đắc lợi 法利如法得利; Châu-na kinh 周那經 (T.01. 0026.196. 0755b26) ghi: Pháp lợi như pháp đắc 法利如法得.
42 Nguyên tác: Thất thần thức chỉ xứ (七神識止處): 7 chỗ cư trú của thần thức. Thế nhưng trong nội dung đề cập đến 8 chỗ.
43 Nguyên tác: Bất Dụng Xứ (不用處).
44 Nguyên tác: Hữu Tưởng Vô Tưởng thiên (有想無想天).
45 Nguyên tác: Vô tưởng chúng sanh (無想眾生): Chúng sanh không có tưởng, chỉ cho chư thiên cõi Vô Tưởng thuộc sắc giới, gồm: Phạm thiên (梵天, Brahmā), Quang Âm thiên (光音天, Ābhassarā), Biến Tịnh thiên (遍淨天, Subhakiṇṇā), Vô Tưởng thiên (無想天, Asaññisatta).
46 Nguyên tác: Niệm hưu tức (念休息): Niệm tịch lặng. Kinh niệm tịch lặng, số 7, phẩm 2, tr. 17 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.2.7. 0553a28) giải thích: Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, ngồi yên kiết-già, buộc niệm trước mặt, không khởi tưởng khác, chuyên niệm tịch lặng. “Tịch lặng” nghĩa là dứt trừ nghĩ tưởng, tâm ý trong lặng, cũng không vọng động, nhất tâm tinh chuyên, thích sống nơi thanh tịnh, thường tìm phương tiện để nhập định tam-muội. Thường nhớ nghĩ không ham hơn thua, không giành trên trước. Như thế, này các Tỳ-kheo! Đây gọi là “niệm tịch lặng.” Phân biệt công đức luận 分別功德論 (T.25. 1507.2. 0036c12) giải thích: “Niệm hưu tức” nghĩa là chấm dứt suy tưởng của tâm ý, không sanh khởi năm dục, luôn tịch nhiên vắng lặng, gọi là “tức” vậy (念休息者, 謂心意想息, 五欲不起寂然永定, 故云息也). P. Upasamānussati, được dịch là “tịch tĩnh tùy niệm” (寂靜隨念), hoặc là “niệm an tịnh” (念安淨).
47 Nguyên tác: Niệm an-ban (念安般).
48 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.9. 0780a16). Tham chiếu: A. 5.61 - III. 79; A. 7.48 - IV. 46; A. 9.16 - IV. 387; A. 10.56 - V. 105.
49 Nguyên tác: Trì tín (持信) và Phụng pháp (奉法) tức Tùy tín hành (隨信行, Saddhānusārī) và Tùy pháp hành (隨法行, Dhammānusārī) là 2 trong 7 hạng người. Bảy hạng người bao gồm: Bậc Câu phần giải thoát (俱分解脫), bậc Tuệ giải thoát (慧解脫), bậc Thân chứng (身證), bậc Kiến đáo (見到), bậc Tín giải thoát (信解脫), bậc Tùy pháp hành (隨法行), bậc Tùy tín hành (隨信行). Xem M. 70, Kīṭāgiri Sutta (Kinh Kīṭāgiri).
50 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.46.10. 0780a28).
51 Vô phản phục (無返復): Không biết đền ơn.
52 Nguyên tác Nhiếp tụng: 結禁, 聖賢居; 二力及十念; 親國, 無罣礙; 十論, 想, 觀想. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 42.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.