Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

 

 

45.PHẨM MÃ VƯƠNG1

 

1.THƯƠNG NHÂN TÌM CHÂU BÁU2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, trong thành ấy có Bà-la-môn tên là Ma-hê-đề-lợi, tinh thông sách vở ngoại đạo, thấu suốt thiên văn, địa lý, rành rẽ tất cả các phép tắc lễ nghi trong thế gian. Bà-la-môn ấy có một cô con gái tên là Ý Ái, thông minh lanh lợi, dung mạo đoan chánh, hiếm có trên đời.

Khi ấy, Bà-la-môn liền nghĩ: “Kinh điển Bà-la-môn của chúng ta ghi rằng: ‘Có hai hạng người xuất hiện ở đời cực kỳ khó gặp, thật sự khó thấy. Là hai hạng người nào? Ðó là Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác và Chuyển Luân Thánh vương. Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có bảy báu tự nhiên ứng hiện.’ Nay ta có cô con gái quý báu này, nhan sắc tuyệt trần, đẹp nhất trong các ngọc nữ, tuy hiện tại không có Chuyển Luân Thánh vương nhưng ta được nghe: ‘Có vị thái tử con Vua Chân Tịnh tên là Tất-đạt, xuất gia học đạo, có ba mươi hai tướng của bậc Đại nhân và tám mươi vẻ đẹp. Nếu tại gia, vị ấy sẽ là bậc Chuyển Luân Thánh vương, nếu xuất gia học đạo liền thành tựu quả vị Phật.’ Ta có thể dẫn con gái đến cho vị Sa-môn kia.”

Thế rồi, Bà-la-môn liền dẫn cô con gái đến trú xứ của Thế Tôn, đứng trước đức Phật và thưa:

– Cúi xin Sa-môn hãy thu nhận ngọc nữ này!

[0769c01] Phật bảo Bà-la-môn:

– Thôi, thôi! Này Phạm chí! Ta không cần hạng người đắm nhiễm tham dục này.

Lúc ấy, Bà-la-môn lại thưa đức Phật đến ba lần:

– Thưa Sa-môn! Hãy nhận lấy ngọc nữ này, nếu so sánh cả thế gian thì không có ai bằng thiếu nữ này.

Đức Phật bảo:

– Này Phạm chí! Ta biết tâm của ông, nhưng Ta đã từ bỏ gia đình, không còn tập khí tham dục.3

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo trưởng lão đứng sau Như Lai, đang cầm quạt hầu Ngài. Thế rồi, Tỳ-kheo trưởng lão ấy bạch Phật:

– Cúi xin đức Như Lai thu nhận cô gái này, nếu Như Lai không nhận thì hãy cho chúng con để sai bảo!

Phật bảo Tỳ-kheo trưởng lão:

– Thầy quả thật mê muội mới có thể thốt ra những lời ô uế này khi ở trước Như Lai. Tại sao thầy lại để cho tâm mình bị trói buộc bởi cô gái ấy? Phải biết rằng, hễ làm thân nữ thì có chín điều xấu ác. Là những điều nào? Một là, người nữ vốn nhơ uế không sạch. Hai là, người nữ hay nói lời xấu ác. Ba là, người nữ không thường đền ơn.4 Bốn là, người nữ hay ganh ghét. Năm là, người nữ tham lam, bỏn xẻn. Sáu là, người nữ thường ưa thích dạo chơi. Bảy là, người nữ có nhiều sân hận. Tám là, người nữ hay nói dối. Chín là, người nữ hay nói lời thiếu suy nghĩ. Như thế, này Tỳ-kheo! Người nữ thường gây tạo chín pháp xấu ác như thế.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Thường vui cười, than khóc,
Dễ thương, thật chẳng thương,
Hãy tìm phương tiện khác,
Thầy chớ nghĩ hoang đường.

Khi ấy, Tỳ-kheo trưởng lão bạch Phật:

– Tuy người nữ có chín pháp xấu ác như thế, nhưng hôm nay con quan sát thấy cô gái này chẳng có chút cấu nhiễm nào.

Phật bảo Tỳ-kheo:

– Thầy quả là kẻ ngu si, không tin những gì được nói ra từ thần khẩu Như Lai chăng? Nay Ta sẽ giảng để thầy hiểu rõ!

Vào thuở quá khứ xa xưa, trong thành Ba-la-nại có một người lái buôn tên là Phổ Phú. Ông ta cùng năm trăm thương nhân ra biển tìm kho báu. Tuy nhiên, trong biển cả ấy có loài la-sát trú ngụ, thường ăn thịt dân chúng. Lúc ấy, biển khơi sóng gió nổi lên, thổi tàu buôn kia trôi dạt vào chốn quỷ la-sát. Lúc ấy, từ xa thấy có khách buôn đến, la-sát vui mừng khôn xiết, liền ẩn thân hình la-sát rồi biến thành cô gái đoan chánh không ai sánh bằng, đến bảo các khách buôn:

“Lành thay, chư Hiền! Châu báu trên đảo này không khác gì cung điện của cõi trời, có đến trăm ngàn chủng loại châu báu và nhiều thức ăn ngon. Lại có các cô gái đẹp thảy đều chưa chồng, các vị hãy cùng chúng tôi vui chơi thỏa thích.”

[0770a01] Tỳ-kheo nên biết! Trong nhóm thương nhân đó, những người ngu muội khi nhìn thấy cô gái ấy rồi, liền khởi tâm mê đắm. Bấy giờ, thương chủ Phổ Phú liền nghĩ rằng: “Trong biển cả này là nơi cư ngụ của loài phi nhân, sao lại có các cô gái này ở đây? Chắc chắn đây là la-sát, không nghi ngờ gì nữa.”

Thế rồi, thương chủ liền bảo các cô gái:

“Thôi, thôi! Này các cô! Chúng tôi không đam mê nữ sắc.”

Thuở ấy, cứ vào những ngày mùng tám, mười bốn và ngày rằm thì ngựa chúa5 thường bay vòng giữa hư không và loan báo rằng:

“Ai muốn vượt qua ách nạn của biển cả, ta sẽ chở qua!”

Tỳ-kheo nên biết! Lúc ấy, vị thương chủ kia leo lên cây cao, thấy ngựa chúa từ xa, lại nghe được âm thanh ấy nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền đi đến chỗ ngựa chúa. Ðến nơi, ông ta nói với ngựa chúa:

“Chúng tôi gồm năm trăm thương nhân bị gió thổi dạt, đang rơi vào chốn cực kỳ hiểm nạn này, nay muốn vượt qua biển cả, xin đưa giúp chúng tôi vào bờ!”

Lúc ấy, ngựa chúa bảo thương chủ:

“Hãy đến hết đây, ta sẽ đưa các ông vào bờ.” Thương chủ Phổ Phú liền bảo các khách buôn:

“Ngựa chúa đang ở gần đây. Tất cả chúng ta hãy đến đó để cùng vượt qua ách nạn của biển khơi.”

Khi ấy, các thương nhân trả lời:

“Thôi, thôi! Thương chủ! Chúng ta hãy ở lại nơi này để cùng nhau hưởng thụ khoái lạc. Bởi vì, do cõi Diêm-phù-đề khổ nhọc nên chúng ta mới tìm cầu nơi sung sướng. Ở đây có đầy đủ báu vật quý giá và các ngọc nữ, chúng ta nên ở lại đây để hưởng thụ năm thứ dục lạc. Sau đó, ta dần dần gom góp của cải rồi sẽ cùng nhau vượt biển.”

Thương chủ bảo các thương nhân:

“Thôi đi! Này các kẻ ngu! Ở đây làm gì có người nữ, giữa biển khơi như vầy thì làm gì có chỗ cho loài người cư trú?”

Các thương nhân đáp:

“Thôi đi, thương chủ! Chúng tôi không thể rời bỏ chỗ này mà đi được.” Khi ấy, thương chủ Phổ Phú bèn nói kệ:

Chúng ta đang gặp nạn,           
Ðừng nghĩ chuyện gái trai,
Ðây thật loài la-sát,
Dần ăn thịt cả đoàn.                

“Nếu như các ông không đi cùng tôi thì hãy tự bảo bọc lẫn nhau. Nếu thân, miệng và ý của tôi có xúc phạm điều gì, xin hãy bỏ qua, chớ để trong lòng.”

Lúc ấy, các thương nhân cùng nói kệ từ biệt:

Thay chúng tôi thăm hỏi,         
Bà con ở Diêm-phù,
Bận ở đây vui thú,  
Chưa tính được ngày về.

[0770b02] Khi ấy, thương chủ dùng kệ đáp:

Các ông thật lâm nguy,            
Mê lầm không chịu về,
Vui vầy không mấy chốc,                                       
Quỷ ăn không còn gì.

Nói bài kệ này rồi, thương chủ liền bỏ đi. Khi đến chỗ ngựa chúa, ông cúi đầu lễ sát chân rồi cỡi ngựa chúa bay đi.

Khi ấy, từ xa trông thấy người chủ của mình đã cỡi ngựa chúa rời đi, trong số thương nhân đó có người khóc la, hoặc có người lớn tiếng oán than.

Bấy giờ, chúa tể la-sát hướng về phía các la-sát rồi nói kệ này:

Rơi vào miệng sư tử,                                               
Thoát ra khó cực kỳ,
Huống hồ ta giam giữ,                                               
Muốn ra đâu dễ gì.

Thế rồi, chúa tể la-sát liền hóa thành một cô gái rất mực đoan chánh, rồi lấy hai tay chỉ vào bụng và nói: “Nếu không ăn thịt các ngươi thì ta không phải là la-sát.”

Khi ấy, ngựa chúa cõng thương chủ bay đến bên bờ biển, năm trăm thương nhân còn lại đều phải chịu sự nguy khốn.

Bấy giờ, trong thành Ba-la-nại có vị vua tên là Phạm-ma-đạt đang cai trị dân chúng.

Khi ấy, có một la-sát đuổi theo sau thương chủ rồi gào lên: “Than ôi! Thiếp mất chồng rồi.”

Lúc ấy, thương chủ liền trở về nhà. La-sát liền biến hóa bế theo một bé trai rồi đến cung Vua Phạm-ma-đạt, đứng trước vua và tâu:

“Thế gian thật là quái ác, xin Đại vương hãy diệt trừ tất cả!” Nhà vua hỏi:

“Thế gian có việc gì quái ác mà phải diệt trừ tất cả?” La-sát tâu vua:

“Thiếp bị chồng ruồng bỏ, nhưng thiếp không hề có lầm lỗi gì đối với phu quân cả.”

Nhìn thấy thiếu phụ có nhan sắc tuyệt trần, Vua Phạm-ma-đạt liền khởi tâm mê đắm, liền bảo nàng ấy:

“Chồng nàng là kẻ không có nhân nghĩa nên mới bỏ nàng mà đi.” Khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt sai người gọi thương chủ đến và hỏi: “Ngươi đã bỏ cô vợ xinh đẹp này thật ư?”

Thương chủ tâu:

“Ðây chính là la-sát, không phải là người nữ.” La-sát nữ liền tâu vua:

“Ông ta không còn nghĩa vợ chồng, hôm nay đã bỏ thiếp, lại còn mắng thiếp là la-sát.”

Nhà vua hỏi:

“Nếu ngươi thật sự không cần nàng ấy nữa thì để trẫm thu nạp.” Thương chủ tâu vua:

“Ðây chính là la-sát, xin tùy thánh ý của Đại vương!”

Khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt liền thu nạp cô ta vào trong cung cấm, chăm lo mọi thứ cần dùng, không để nàng oán trách.

Thế rồi, la-sát phi nhân ấy liền ăn thịt nhà vua, chỉ chừa lại bộ xương rồi bỏ đi.

[0770c02] Này Tỳ-kheo! Chớ nghĩ người nào khác! Thương chủ lúc ấy chính là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. La-sát thuở ấy nay chính là cô gái này. Vua Phạm-ma- đạt lúc ấy, nay là vị Tỳ-kheo trưởng lão. Ngựa chúa khi ấy chính là Ta hôm nay. Năm trăm thương nhân lúc ấy nay là năm trăm vị Tỳ-kheo này. Do đây nên biết, ái dục là tưởng bất tịnh, vậy mà thầy còn khởi tưởng đắm trước hay sao?

Bấy giờ, Tỳ-kheo kia đảnh lễ dưới chân Phật rồi bạch đức Thế Tôn:

– Cúi xin Ngài cho con sám hối vì lỗi lầm của con quá nặng! Từ nay về sau, con không dám tái phạm nữa.

Lúc ấy, Tỳ-kheo kia nghe lời Phật dạy xong, liền ở nơi thanh vắng, kiểm thúc tự thân, tự mình tu tập. Bởi lý do mà một người thiện nam siêng tu Phạm hạnh là chỉ vì muốn thành tựu Phạm hạnh vô thượng. Thế rồi, thầy Tỳ-kheo ấy liền thành tựu quả vị A-la-hán.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.CHÍN PHÁP LỢI ÍCH6
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại khu vườn Am-bà-lê,7 thuộc thành Ca-tỳ-la.8

Lúc ấy, sau mùa an cư, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên cùng năm trăm vị Tỳ-kheo đi giáo hóa trong nhân gian, dần đi đến ngôi làng của dòng họ Thích.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo mới đến và các Tỳ-kheo tại trú xứ ấy cùng cao giọng lớn tiếng chuyện trò, hỏi han. Nghe được âm thanh huyên náo của các Tỳ-kheo, đức Thế Tôn liền hỏi A-nan:

– Trong khu vườn này có âm thanh gì mà lớn đến thế, giống như tiếng chặt cây, phá đá vậy?

A-nan bạch Phật:

– Hôm nay, hai Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn theo năm trăm vị Tỳ-kheo đến đây. Các Tỳ-kheo mới đến và các Tỳ-kheo tại trú xứ cùng hỏi thăm nhau nên mới huyên náo như thế.

Phật bảo A-nan:

– Thầy hãy mau đuổi Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đi đi, không nên ở đây nữa!

Thế rồi, vâng lời Phật dạy, Tôn giả A-nan liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên rồi thưa:

– Thế Tôn có dạy, hai thầy hãy mau rời khỏi đây, không nên ở lại nữa! Xá-lợi-phất đáp:

– Xin vâng lời Phật dạy!

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn theo năm trăm Tỳ-kheo rời đi.

Bấy giờ, nghe tin Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên bị Phật đuổi đi, dân chúng họ Thích liền kéo đến trước Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên, cúi đầu lễ sát chân rồi thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Thưa chư Hiền! Các ngài định đi đâu?

[0771a02] Xá-lợi-phất đáp:

– Chúng tôi bị đức Thế Tôn đuổi đi, nay đang tìm nơi cư trú! Dân chúng họ Thích thưa Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Chư Hiền! Xin hãy đợi một lát, chúng tôi sẽ đến sám hối đức Như Lai. Khi ấy, dân chúng họ Thích liền đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân

Phật rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch đức Thế Tôn! Xin Ngài tha lỗi cho các Tỳ-kheo từ xa đến. Cúi xin Thế Tôn tùy thời thích hợp để răn dạy họ! Trong số những Tỳ-kheo từ xa đến, có người mới học đạo, mới vừa vào Chánh pháp, chưa được diện kiến tôn nhan, e rằng tâm họ sẽ thay đổi, thoái lui. Ví như mầm non không được tưới tẩm thì không thể phát triển, các Tỳ-kheo này cũng lại như thế, chưa được diện kiến Như Lai mà đã rời đi, e rằng tâm của họ sẽ thay đổi, thoái lui.

Khi ấy, biết được suy nghĩ trong tâm của Như Lai, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ duỗi cánh tay, Phạm thiên vương liền ẩn thân từ cõi trời Phạm thiên rồi hiện ra trước mặt Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật và đứng sang một bên.

Phạm thiên vương bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn tha lỗi cho các Tỳ-kheo từ xa mới đến! Xin Ngài tùy thời thích hợp chỉ dạy cho họ! Vì trong số đó có những Tỳ-kheo chưa được thuần thục, tâm của họ sẽ thay đổi, thoái lui. Nếu không được diện kiến tôn nhan của Như Lai, họ liền thay đổi tâm ý, sẽ trở về nghiệp cũ. Cũng như bò nghé mới sanh lại bị lạc mẹ, buồn rầu mà bỏ ăn, điều này cũng như thế, nếu hàng Tỳ-kheo tân học không được diện kiến tôn nhan Như Lai, họ sẽ lìa bỏ Chánh pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn chấp thuận lời trần tình của dân chúng họ Thích và ví dụ về bò nghé của Phạm thiên vương.

Thế rồi, Thế Tôn ngoái lại nhìn A-nan. Tôn giả A-nan liền nghĩ: “Như Lai đã nhận lời thỉnh cầu của dân chúng và chư thiên.”

A-nan liền đến chỗ Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên rồi thưa:

– Như Lai muốn gặp chúng Tăng. Cõi trời cùng dân chúng đều đã giãi bày và cầu thỉnh việc này.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy hãy chuẩn bị y bát rồi cùng đến chỗ Thế Tôn, đức Như Lai đã chấp thuận cho chúng ta sám hối!

Thế rồi, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên dẫn năm trăm Tỳ-kheo đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, đức Phật hỏi Xá-lợi-phất:

– Vừa rồi Ta đuổi các Tỳ-kheo-tăng đi, ý thầy nghĩ thế nào? Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Lúc Như Lai đuổi chúng Tăng đi, con liền nghĩ như vầy: “Như Lai thích ở nơi thanh vắng, một mình tĩnh lặng, không thích chốn ồn náo nên mới đuổi chúng Tăng đi.”

[0771b02] Phật hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Sau đó thầy suy nghĩ điều gì? Bấy giờ, ai sẽ dẫn dắt Thánh chúng này? Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Lúc ấy, con lại nghĩ như vầy: “Ta cũng nên sống một mình ở nơi nhàn vắng, không nên ở chốn ồn náo.”

Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Chớ nói như vậy, cũng đừng nghĩ rằng ta nên ở nơi nhàn vắng. Hiện tại, việc dẫn dắt Thánh chúng này, chẳng phải đều nương vào Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên hay sao?

Bấy giờ, đức Phật hỏi Tôn giả Mục-kiền-liên:

– Khi Ta đuổi chúng Tăng đi, thầy có suy nghĩ gì? Mục-kiền-liên bạch Phật:

– Như Lai đuổi chúng Tăng đi, con liền nghĩ như vầy: “Như Lai muốn ở một mình vắng lặng nên mới đuổi chúng Tăng đi.”

Phật hỏi Mục-kiền-liên:

– Sau đó thầy lại suy nghĩ điều gì? Mục-kiền-liên bạch Phật:

– Con đã nghĩ rằng: “Hôm nay, tuy Như Lai đuổi chúng Tăng đi nhưng chúng ta phải nên nhóm họp lại, đừng để phân tán.”

Phật bảo Mục-kiền-liên:

– Lành thay! Mục-kiền-liên! Đúng như lời thầy nói, đứng đầu trong Tăng chúng thì chỉ có Ta và hai thầy. Từ nay về sau, Mục-kiền-liên nên dạy dỗ các Tỳ-kheo hậu học, khiến họ được an trú vào chốn an ổn dài lâu, đừng để họ nửa chừng thoái lui, bị đọa lạc vào chốn sanh tử.

Nếu Tỳ-kheo nào có chín pháp này thì ở trong đời hiện tại không được tăng trưởng, lớn mạnh. Là những pháp nào? Gần gũi phụng sự ác tri thức; chẳng có việc gì nhưng lại ưa thích rong ruổi; thường ôm lòng sầu lo; ưa thích cất chứa tài sản; tham đắm y bát; thường càn bướng, dối gạt, tâm ý tán loạn không định tĩnh; không có trí tuệ sáng suốt; không thông hiểu nghĩa lý và không tùy thời nghe dạy bảo.

Thế nên, này Mục-kiền-liên! Nếu Tỳ-kheo nào có chín pháp như trên thì trong đời hiện tại không được lớn mạnh và cũng chẳng thấm nhuần.

Nếu Tỳ-kheo nào có chín pháp thì sẽ được thành tựu mọi việc. Là những pháp nào? Gần gũi bậc thiện tri thức; tu hành theo Chánh pháp; không đắm trước nghiệp tà vạy; thường ở một mình, không vui thích chốn nhân gian; không lo lắng, ít bệnh tật; không cất chứa nhiều tài sản châu báu, không tham đắm y bát; siêng năng tinh tấn, tâm không tán loạn; nghe pháp liền hiểu nghĩa, không cần phải nhắc lại và tùy thời nghe pháp không hề nhàm chán.

Thế nên, này Mục-kiền-liên! Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu chín pháp này thì ở trong đời hiện tại đạt được nhiều lợi ích.

Thật vậy, này Mục-kiền-liên! Nên ghi nhớ và siêng năng dạy bảo các Tỳ- kheo, khiến họ an trụ trong Niết-bàn9 dài lâu.

[0771c02] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Phải thường tự tỉnh giác,          
Chớ đắm nhiễm pháp tà,
Hạnh chân chánh đừng xa,  
Sẽ vượt qua sanh tử.
Làm vậy, tất được vậy,            
Làm phước, được phước này,
Chúng sanh mãi vần xoay,                                               
Cần đoạn già, bệnh, chết.
Việc cần làm, không biết,         
Việc ác, lại siêng năng,
Như vậy, kẻ buông lung,                                               
Càng thêm nghiệp lậu hoặc.
Đã siêng năng, chăm chỉ,                                               
Tâm niệm đó đi đầu,
Dạy dỗ đỡ đần nhau,                
Thành tựu hạnh vô lậu.

Thế nên, này Mục-kiền-liên! Nên dạy các Tỳ-kheo về lời giáo giới này, phải nên nhớ nghĩ và thực hành điều đã học.

Bấy giờ, đức Thế Tôn giảng nói giáo pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo khiến tất cả đều phát tâm hoan hỷ.

Lúc ấy, sau khi các Tỳ-kheo nghe pháp xong, trong chúng có hơn sáu mươi Tỳ-kheo đoạn trừ hết phiền não, tâm được giải thoát.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.LỢI DƯỠNG VÀ TRÚ XỨ10
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu Tỳ-kheo ở trong thôn xóm nào mà pháp lành bị diệt mất, pháp ác tăng trưởng thì Tỳ-kheo ấy phải nên suy nghĩ như vầy: “Nay ta ở trong thôn xóm này mà pháp ác tăng trưởng, pháp lành dần tiêu diệt, tâm ý không chuyên nhất, không đoạn trừ được phiền não cho nên không thể đạt đến cõi Niết-bàn an ổn, những vật dụng mà ta có được như y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men đều phải khổ nhọc mới có.”

Tỳ-kheo ấy phải nên suy nghĩ như vầy: “Ta ở trong thôn xóm này, pháp ác thì tăng trưởng mà pháp lành lại tiêu diệt. Ta cũng không vì y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men mà làm Sa-môn. Ðiều mà ta mong cầu, ước nguyện vẫn chưa có kết quả.” Tỳ-kheo ấy nên rời bỏ thôn xóm đó mà đi.

Nếu như có Tỳ-kheo ở nơi thôn xóm mà pháp lành tăng trưởng, pháp ác lại tiêu diệt, những vật dụng như y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men đều do khổ nhọc mà có thì Tỳ-kheo ấy nên suy nghĩ như vầy: “Ta ở nơi thôn xóm này, pháp lành tăng trưởng, pháp ác tiêu diệt, những vật dụng được cúng dường đều do khổ nhọc mà có. Ta không vì y phục mà xuất gia học đạo, tu tập Phạm hạnh. Điều mong cầu, ước muốn của ta khi học đạo là thành tựu về pháp nên phải trọn đời tôn trọng, vâng giữ.

[0772a04] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Y phục và ăn uống,                  
Chỗ ở và giường nằm,
Không khởi tưởng tham đắm,                               
Chớ trở lại cõi này.
Không vì chuyện áo y,             
Mà xuất gia học đạo,
Ta học đạo chỉ vì,                    
Muốn viên thành sở nguyện.
Tỳ-kheo tìm làng mạc,                                               
Thích hợp, sống trọn đời,
Tại đó nhập Niết-bàn,                                               
Gốc tái sanh đã đoạn.

Thế nên, Tỳ-kheo kia hoặc ở trong nhân gian, hoặc ở nơi thanh vắng hay trong thôn xóm mà pháp lành tăng trưởng, pháp ác tự tiêu diệt, thì Tỳ-kheo ấy nên trọn đời ở tại thôn xóm kia, không nên đi xa nữa.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Chẳng phải Như Lai thường dạy rằng, thân bốn đại do nương vào ăn uống mà được tồn tại, cũng như phải nương nơi tâm để ghi nhớ pháp? Có phải các pháp lành đều do nương nơi tâm mà sanh ra? Lại nữa, Tỳ-kheo ấy nương ở nơi thôn xóm, phải lao tâm khổ trí mới có được y phục và thực phẩm, nhưng vì sao khi pháp lành phát sanh thì vị ấy nên ở lại thôn xóm đó mà không đi xa nữa?

Phật bảo A-nan:

– Những vật dụng như y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và ba loại thuốc men,11 nếu như Tỳ-kheo luôn nghĩ đến bốn loại vật dụng cúng dường, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn thì sự nương tựa đó là khổ. Nếu khởi tâm biết đủ, không khởi tưởng tham đắm thì chư thiên và loài người đều hoan hỷ với vị ấy.

Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nên học tập như thế và cũng vì lý do đó nên Ta giảng nói ý nghĩa này.

Thế nên, này A-nan! Tỳ-kheo phải biết vừa đủ, ít tham muốn. Thật vậy, này A-nan! Nên học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

4.CHÍN LOẠI THỨC ĂN12
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ trong khu vườn Bà-la.

Hôm ấy, đến giờ Thế Tôn đắp y, ôm bát vào làng Bà-la khất thực.

Bấy giờ, Tệ ma Ba-tuần liền nghĩ như vầy: “Hôm nay, Sa-môn ấy sẽ vào làng này khất thực, ta sẽ tìm cách bảo mọi người đừng cúng dường thức ăn.”

Thế rồi, Tệ ma Ba-tuần liền loan báo dân chúng trong làng: “Đừng bố thí thức ăn cho Sa-môn Cù-đàm.”

Bấy giờ, Thế Tôn đi vào làng khất thực, hết thảy dân chúng đều không ai nói chuyện với Ngài, cũng chẳng một ai đến cúng dường Ngài. Rốt cuộc, không thể khất thực được, Như Lai liền đi ra khỏi làng.

[0772b02] Khi ấy, Tệ ma Ba-tuần đi đến chỗ Thế Tôn và hỏi: – Này Sa-môn! Ông đi khất thực, cuối cùng chẳng được gì ư? Thế Tôn bảo:

– Do Tệ ma ngươi quấy phá, khiến Ta không nhận được vật thực. Chẳng bao lâu nữa, ngươi sẽ nhận chịu quả báo ấy.

Này Tệ ma! Hãy nghe Ta nói: “Trong thời Hiền kiếp, có đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,13 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu,14 Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn15 xuất hiện ở đời.

Bấy giờ, đức Phật kia cùng với bốn mươi vạn chúng cũng cư trú tại ngôi làng này. Thế rồi, Tệ ma Ba-tuần kia liền suy nghĩ: ‘Nay ta hãy tìm cách đối phó với Sa-môn này, khiến ông ta không thu được kết quả gì.’ Tệ ma kia lại suy nghĩ: ‘Nay ta sẽ loan báo cho dân chúng trong làng Bà-la, khiến họ đừng bố thí thức ăn cho Sa-môn.’

Khi ấy, Thánh chúng đắp y, mang bát vào làng khất thực. Thế nhưng, các Tỳ-kheo không nhận được thức ăn gì, họ liền ra khỏi làng rồi trở về.

Bấy giờ, đức Phật Câu-lưu-tôn giảng nói pháp vi diệu này cho các Tỳ-kheo: ‘Quán tưởng về thức ăn có chín loại: Bốn loại thức ăn của thế gian và năm

loại thức ăn của hàng xuất thế.

Những gì là bốn loại thức ăn của người thế gian? Một là, đoàn thực.16 Hai là, xúc thực.17 Ba là, niệm thực.18 Bốn là, thức thực. Ðây gọi là bốn loại thức ăn của thế gian.

Những gì gọi là năm loại thức ăn tiêu biểu của hàng xuất thế? Một là, thức ăn do thiền. Hai là, thức ăn do nguyện. Ba là, thức ăn do tư duy.19 Bốn là, thức ăn từ tám món giải thoát.20 Năm là, thức ăn do hỷ lạc. Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là năm loại thức ăn tiêu biểu của bậc xuất thế gian, các thầy hãy chuyên tâm ghi nhớ, xả bỏ bốn loại thức ăn của thế gian và tìm cầu phương tiện để thành tựu năm loại thức ăn xuất thế.

Thật vậy, này Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.’

Bấy giờ, sau khi thọ nhận lời Phật dạy, các Tỳ-kheo liền kiểm thúc tự thân, thành tựu năm loại thức ăn. Lúc ấy, Ba-tuần kia không thể nào phá hoại được. Bấy giờ, Ba-tuần kia liền suy nghĩ: ‘Nay ta không thể nào thắng được Sa-

môn này. Ta sẽ tìm cơ hội nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ta hãy khuyến

khích dân chúng trong ngôi làng này, khiến cho chúng Sa-môn nhận được các lợi dưỡng mà trước đây họ chưa có. Khi có được thật nhiều lợi dưỡng, sẽ khiến cho các Tỳ-kheo kia tham đắm lợi dưỡng, không biết buông xả, dù chỉ trong thoáng chốc. Từ lòng tham ở nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, ta sẽ có cơ hội.’

[0772c01] Khi ấy, đức Phật kia cùng hàng đệ tử21 đúng thời đắp y, ôm bát vào làng khất thực. Dân chúng trong làng Bà-la cung cấp cho các Tỳ-kheo y phục, thực phẩm, giường đệm, tọa cụ và thuốc men không để thiếu thốn. Họ cùng nhau đến trước mặt các Tỳ-kheo rồi nắm y Tăng-già-lê, nài nỉ Tỳ-kheo phải nhận vật dụng cúng dường.

Khi ấy, đức Phật kia vì chúng đệ tử mà giảng nói pháp như vầy:

‘Lợi dưỡng khiến loài người đọa vào cõi ác, không thể đạt đến cõi Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo! Các thầy chớ khởi tâm tham đắm lợi dưỡng, phải nên nghĩ đến sự xả bỏ. Nếu Tỳ-kheo nào tham đắm lợi dưỡng thì sẽ không thành tựu năm phần pháp thân, không thể đầy đủ giới đức.’”

Thế nên, này Tỳ-kheo! Tâm lợi dưỡng chưa sanh thì khiến không sanh khởi, tâm lợi dưỡng đã sanh thì phải nên mau chóng trừ diệt.

Thật vậy, này Tỳ-kheo! Nên học tập điều này. Lúc ấy, Ma Ba-tuần liền ẩn mình bỏ đi.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

5.TÂM TỪ22
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nên thực hành tâm từ, khởi tâm từ rộng lớn, vì nhờ thực hành tâm từ mà tâm sân hận sẽ tự tiêu diệt.

Vì sao như vậy? Tỳ-kheo nên biết! Thuở xưa, có một ác quỷ cực kỳ xấu xí hung bạo đi đến trú xứ của Thích-đề-hoàn-nhân rồi leo lên tòa ngồi. Khi ấy, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba đùng đùng nổi giận, liền nói: “Tại sao ác quỷ này lại dám ngồi trên tòa của Thiên chủ chúng ta?” Lúc chư thiên nổi giận thì sắc mặt ác quỷ kia liền biến đổi thành đoan chánh, đẹp đẽ khác thường.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đang ngồi trên tòa tại giảng đường Phổ Tập, cùng vui đùa với các ngọc nữ.

Thế rồi, có một thiên tử đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân rồi thưa:

“Cù-dực23 nên biết! Có một ác quỷ đang ngồi trên tòa quý, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba rất giận dữ. Lúc chư thiên vừa nổi giận thì ác quỷ kia liền chuyển thành đoan chánh, dung mạo đẹp đẽ khác thường.”

Thích-đề-hoàn-nhân liền nghĩ: “Ác quỷ này ắt là loài quỷ thần diệu.”24 Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân liền đi đến chỗ ấy.

Lúc đến nơi, Thích-đề-hoàn-nhân tự xưng danh tánh: “Ta là Thích-đề-hoàn-nhân, chúa của chư thiên.”

Lúc Thích-đề-hoàn-nhân tự xưng danh tánh thì ác quỷ kia liền trở lại hình thù của quỷ, dung mạo xấu xí, rồi ác quỷ ấy lập tức bị tiêu diệt.

Này Tỳ-kheo! Do đây nên biết, những ai thực hành tâm từ, không hề buông bỏ thì đức của người ấy cũng như thế.

[0773a01] Lại nữa, này Tỳ-kheo! Thuở xưa, Ta đã từng tu tập tâm từ suốt bảy năm, rồi trải qua bảy kiếp thành và bảy kiếp hoại, không còn trở lại chốn sanh tử nữa. Lúc kiếp sắp hoại, Ta liền sanh lên cõi trời Quang Âm. Khi kiếp sắp thành, Ta liền sanh lên cõi trời Vô Tưởng, hoặc làm Phạm thiên thống lãnh chư thiên, cai quản mười ngàn thế giới, rồi ba mươi bảy lần sanh làm Thích-đề- hoàn-nhân, lại còn có vô số lần làm bậc Chuyển Luân Thánh vương.

Này Tỳ-kheo! Do đây nên biết, những ai thực hành tâm từ thì đức của người ấy cũng như thế.

Lại nữa, người thực hành tâm từ thì khi qua đời được sanh lên cõi Phạm thiên, lìa bỏ ba đường ác, tránh xa tám nạn.

Lại nữa, người thực hành tâm từ sẽ được sanh trong cõi nước phồn vinh.

Lại nữa, người thực hành tâm từ có dung mạo đoan chánh, các căn không khiếm khuyết, thân thể toàn vẹn.

Lại nữa, người thực hành tâm từ thì đích thân được gặp Như Lai, được thân cận chư Phật, không thích sống đời sống tại gia mà chỉ muốn xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, cạo bỏ râu tóc, tu theo pháp của bậc Sa-môn, tu tập Phạm hạnh vô thượng.

Tỳ-kheo nên biết! Giống như người nuốt viên kim cương thì không thể tiêu hóa được, tất phải xổ ra ngoài. Người thực hành tâm từ cũng lại như thế, nếu Như Lai xuất hiện ở đời thì vị ấy sẽ hành đạo, tu tập Phạm hạnh vô thượng, rồi biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Giả sử lúc Như Lai không xuất hiện ở đời, nếu người thiện nam kia không thích sống đời sống tại gia thì phải quy hướng về đâu?

Phật bảo A-nan:

– Nếu gặp lúc Như Lai không xuất hiện mà người thiện nam ấy không thích sống đời sống tại gia thì tự mình cạo bỏ râu tóc, ở nơi thanh vắng, kiểm thúc tự thân rồi tự mình tu tập. Vị ấy ngay tại trú xứ của mình sẽ đoạn trừ hết thảy hữu lậu, thành tựu bậc Vô lậu.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:

– Bạch đức Thế Tôn! Nếu vị ấy tự mình tu tập Phạm hạnh, thực hành theo Ba thừa thì sẽ quy hướng về đâu?

Phật bảo A-nan:

– Như lời thầy nói, Ta thường giảng nói về hạnh Ba thừa, chư Phật trong ba đời là quá khứ, hiện tại và vị lai cũng đều giảng nói về pháp Ba thừa.

A-nan nên biết! Hoặc có lúc, dung mạo và thọ mạng của các loài chúng sanh dần dần giảm thiểu, thân thể gầy còm ốm yếu, không có oai thần lại nhiều sân hận, ganh ghét, nghi ngờ, si mê, gian trá, huyễn hoặc, hành nghiệp không chân chánh. Hoặc có chúng sanh các căn nhạy bén lanh lợi, nhưng lại tranh giành lẫn nhau, đấu tranh kiện tụng nhau. Hoặc dùng tay cầm gạch, ngói, dao, gậy rồi giết hại lẫn nhau, làm tổn thương nhau. Bấy giờ, dù chỉ là cọng cỏ nhưng khi ở trong tay của các loài chúng sanh kia thì lập tức biến thành đao kiếm, đoạn mạng sống của kẻ khác. Trong số đó, có những chúng sanh thực hành tâm từ nên không chút sân hận, khi thấy những sự thay đổi quái dị như vậy, họ vô cùng sợ hãi rồi cùng nhau lánh xa để thoát khỏi chốn ác độc này. Khi vào trong rừng núi hẻo lánh, tự nhiên họ cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, tu tập Phạm hạnh vô thượng, kiểm thúc tự thân, tự mình tu tập, dứt sạch tâm hữu lậu, chứng quả giải thoát, liền an trú nơi cảnh giới vô lậu. Rồi họ bảo nhau rằng: “Chúng ta đã chiến thắng được oan gia.” Này A-nan! Nên biết rằng, những người ấy được gọi là tối thắng.

[0773b08] Bấy giờ, Tôn giả A-nan lại bạch Phật:

– Những người ấy thuộc về giai vị25 nào? Là bậc Thanh văn, bậc Độc giác26 hay quả vị Phật?

Phật bảo A-nan:

– Những vị ấy chính là bậc Độc giác. Vì sao như vậy? Bởi vì những vị ấy đều đã tạo nhiều công đức, thực hành cội gốc thiện lành, tu tập bốn sự thật thanh tịnh, thông hiểu tất cả các pháp. Vì thực hành pháp lành chính là khởi từ tâm. Vì sao? Vì ban rải thương yêu, thực hành lòng từ thì đức ấy rất rộng lớn.

Thuở xưa, Ta mặc giáp nhân từ này mà hàng phục quyến thuộc của quân ma, ngồi bên cội Bồ-đề27 rồi thành tựu đạo Vô thượng. Do đây nên biết, tâm từ là tối thượng bậc nhất, tâm từ là pháp tối thắng.

A-nan nên biết! Những ai thực hành tâm từ thì được gọi là bậc Tối thắng, đức lớn như đã nói, không thể nào tính kể. Thế nên, phải tìm cầu phương tiện để tu tập tâm từ.

Thật vậy, này A-nan! Nên học tập điều này.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

6.ĐỊNH KHÔNG28
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Xá-lợi-phất từ tịnh thất của mình đi đến chỗ của đức Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Hôm nay, các căn của thầy thanh tịnh, dung mạo khác hẳn mọi người.

Thầy đang an trú trong chánh định nào?

Xá-lợi-phất bạch Phật:

– Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn! Con thường an trú vào định Không. Phật bảo Xá-lợi-phất:

– Lành thay, lành thay! Này Xá-lợi-phất! Chỉ có thầy mới có thể an trú trong định Không này. Vì sao như vậy? Vì trong các loại chánh định thì định Không là bậc nhất. Nếu Tỳ-kheo nào đã an trú trong định Không thì không còn chấp trước vào ngã, nhân và thọ mạng, cũng không thấy có chúng sanh, cũng chẳng thấy gốc ngọn của các nghiệp. Ðã không thấy gốc ngọn của các nghiệp thì không tạo cội rễ của nghiệp. Đã không tạo nghiệp thì không còn thọ thân sau. Đã không thọ thân thì không còn phải thọ quả báo khổ vui nữa.

[0773c02] Xá-lợi-phất nên biết! Thuở xưa, khi Ta chưa thành Phật đạo, lúc ngồi bên cội Bồ-đề, Ta liền nghĩ như vầy: “Các loài chúng sanh này do không đạt được pháp gì mà phải lưu chuyển trong sanh tử, không thể giải thoát?”

Bấy giờ, Ta lại nghĩ: “Vì chưa có định Không, cho nên chúng sanh phải lưu chuyển trong sanh tử, không thể đạt đến cứu cánh giải thoát. Có định Không này rồi, nhưng chúng sanh vẫn chưa đạt đến, khiến tâm của chúng sanh liền khởi tưởng đắm trước. Do khởi tưởng thế gian nên phải trải qua sanh tử liên miên không dứt.29

Nếu đạt được định Không này, nhưng không có sở nguyện, liền đạt được định Vô nguyện. Khi đã đạt được định Vô nguyện rồi thì không còn mong cầu chết ở nơi này, sanh ở nơi kia, hoàn toàn không còn tưởng niệm. Khi ấy, hành giả kia liền chứng đạt và an trú trong định Vô tưởng.

Các loài chúng sanh này do không đạt được ba loại chánh định ấy, thế nên phải lưu chuyển trong sanh tử.

Sau khi quán sát các pháp xong, Ta liền thành tựu định Không. Ðạt được định Không rồi, Ta liền thành tựu đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”

Ngay khi đạt được định Không, trong suốt bảy ngày bảy đêm, Ta quán sát cội Bồ-đề mà không hề chợp mắt.

Này Xá-lợi-phất! Do đây nên biết, đối với tất cả chánh định thì định Không là đệ nhất tối thắng. Định Không này là vua trong các loại chánh định.

Cho nên, này Xá-lợi-nhất! Nên tìm cầu phương tiện để thành tựu định Không này.

Thật vậy, này Xá-lợi-phất! Nên học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

7.TRƯỞNG GIẢ THI-LỢI-QUẬT30
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ- kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, trong thành La-duyệt có trưởng giả tên Thi-lợi-quật, có nhiều tài sản quý giá, vàng bạc, châu báu, xà cừ và mã não không tính kể. Thế nhưng ông ta lại không thân cận Phật pháp, chỉ phụng sự ngoại đạo Ni-kiền tử, hết thảy vua quan đại thần đều biết điều đó.

Lúc ấy, những người tại gia và xuất gia của ngoại đạo Phạm chí và Ni-kiền tử chê trách lẫn nhau, cho rằng có ngã và chấp thân này là ngã. Họ cùng tụ tập với nhóm sáu phái ngoại đạo rồi cùng bàn luận:

– Sa-môn Cù-đàm này không có điều gì mà không biết, vì ông ta có Nhất thiết trí. Tuy nhiên, chúng ta không được lợi dưỡng mà Sa-môn ấy lại có nhiều lợi dưỡng. Chúng ta nên tìm cách khiến cho ông ấy không còn được lợi dưỡng. Chúng ta hãy cùng nhau đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật, bảo ông ấy tìm phương tính kế.

[0774a01] Thế rồi, ngoại đạo Phạm chí Ni-kiền tử và nhóm sáu phái ngoại đạo cùng đi đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật. Họ bảo trưởng giả:

– Tôn gia31 nên biết! Tôn gia do Phạm thiên sanh ra, là con của Phạm thiên nên có nhiều lợi ích. Nay tôn gia hãy vì thương chúng tôi mà đến chỗ Sa-môn Cù-đàm để thỉnh Sa-môn ấy cùng chúng Tỳ-kheo về nhà cúng dường. Nhân đó, lại sai người đào hầm lửa lớn trong nhà, đốt lửa cháy hừng hực, bỏ thuốc độc vào thức ăn rồi mời họ đến ăn. Nếu như Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí, biết rõ mọi việc trong ba đời thì sẽ không nhận lời mời. Nếu ông ấy không có Nhất thiết trí thì sẽ nhận lời mời và dẫn theo các đệ tử, hết thảy đều bị lửa thiêu đốt, trời và người sẽ được an lạc, không còn tai họa nữa.

Thế rồi, trưởng giả Thi-lợi-quật yên lặng, nghe theo lời của sáu thầy ngoại đạo, ông ta liền ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật, với tâm ác độc mà bạch Phật:

– Cúi xin Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo hãy nhận lời thỉnh cúng dường của con!

Bấy giờ, biết được suy nghĩ trong tâm của trưởng giả, Thế Tôn yên lặng nhận lời.

Lúc ấy, thấy Như Lai đã yên lặng nhận lời mời, Thi-lợi-quật liền đứng dậy cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ra về. Giữa đường, ông liền nghĩ như vầy: “Điều mà sáu thầy của ta đã nói thật là chính xác, còn Sa-môn Cù-đàm chẳng biết được suy nghĩ trong tâm của ta, chắc chắn sẽ bị lửa thiêu đốt.”

Thế rồi, Thi-lợi-quật liền trở về nhà, sai đào hầm lớn, đốt lửa cháy hừng hực rồi sai bày biện đủ các loại thức ăn, tất cả đều tẩm thuốc độc. Bên ngoài cửa cũng đào hầm lửa lớn, đốt lửa cháy hừng rồi sắp đặt chỗ ngồi trên ngọn lửa ấy. Dùng thuốc kịch độc tẩm vào thức ăn xong, ông ta liền đến bạch Phật:

– Nay đã đúng thời!

Bấy giờ, biết đã đúng thời, Thế Tôn liền đắp y, ôm bát, cùng chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau đi đến nhà trưởng giả.

Đức Phật dạy các Tỳ-kheo:

– Các thầy không được đi trước Ta, không được ngồi trước Ta, cũng không được thọ thực trước Ta!

Lúc ấy, hết thảy dân chúng trong thành La-duyệt hay tin Thi-lợi-quật đào hầm lửa lớn và làm thức ăn bỏ chất độc vào để thỉnh Phật cùng chúng Tỳ-kheo, bốn bộ chúng đều than khóc: “Lẽ nào Như Lai và chúng Tăng lại bị hại ư?”

Rồi có người đến trước Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi thưa:

– Cúi xin Thế Tôn đừng đến nhà trưởng giả ấy! Ông ta đào hầm lửa lớn và làm các thức ăn có tẩm độc.

Đức Phật bảo:

– Quý vị chớ sợ hãi, Như Lai không bao giờ bị kẻ khác làm hại! Giả sử ngọn lửa trong cõi Diêm-phù-đề có cháy đến cõi trời Phạm thiên thì cũng không thể thiêu đốt được Ta, huống hồ chỉ có chút lửa nhỏ ấy mà muốn hại Như Lai ư, không bao giờ có việc đó. Ưu-bà-tắc nên biết! Ta không còn tâm tổn hại.32

[0774b03] Bấy giờ, Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau, cùng đi vào thành La-duyệt rồi đến nhà trưởng giả.

Lúc ấy, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy chớ vào nhà trưởng giả trước, cũng đừng thọ thực trước, nên đợi Như Lai thọ thực rồi sau các thầy mới thọ thực!

Thế rồi, khi đức Thế Tôn vừa đặt chân lên ngạch cửa, hầm lửa tự nhiên hóa thành ao nước vô cùng mát mẻ, mọc đầy các loài hoa trong ấy, có loài hoa sen lớn như bánh xe, cọng hoa bằng bảy báu, lại còn mọc lên các loài hoa sen khác, ong mật chúa bay lượn khắp trong ao.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân, Phạm thiên vương và Tứ Thiên Vương, càn- thát-bà, a-tu-la và các loài dạ-xoa, quỷ thần... thấy trong hầm lửa lại mọc các loài hoa sen như vậy, họ đều vui mừng khen ngợi, rồi khác giọng đồng lời, khen rằng:

– Như Lai là bậc nhất trong hàng Tối thắng!

Lúc ấy, trong nhà trưởng giả có vô số các hàng ngoại đạo dị học cùng tụ họp về. Các hàng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di khi thấy được sự biến hóa của Như Lai nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng. Chứng kiến sự biến hóa của Như Lai, các ngoại đạo dị học đều rất buồn lo. Ở giữa hư không, các vị thần tôn quý ở cõi trời rải vô số các loại hoa quý trên thân Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn bước đi giữa hư không, cách mặt đất bốn tấc để đến nhà trưởng giả. Nơi nào Như Lai vừa nhấc chân lên thì nơi ấy liền sanh ra hoa sen lớn như bánh xe.

Thế rồi, đức Thế Tôn liền quay sang bên phải, bảo các Tỳ-kheo: – Này các thầy! Tất cả hãy bước đi trên những hoa sen này.

Lúc ấy, chúng đệ tử đều bước đi trên những hoa sen để đến nhà trưởng giả. Bấy giờ, Thế Tôn liền kể về một ví dụ ở thuở xưa:

– Từ quá khứ đến nay, Ta đã từng cúng dường hằng sa chư Phật, đã phụng sự, lễ kính, chưa từng trái Thánh ý, do sự giữ gìn thệ nguyện chí thành này, khiến các tòa ngồi đều được vững chắc.

Thế rồi, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Bây giờ, Ta cho phép các Tỳ-kheo, trước tiên hãy đặt tay lên chỗ ngồi, sau đó mới ngồi xuống. Đây là lời dạy của Ta.

Lúc Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo đều đã ngồi xong, dưới những chỗ ngồi ấy đều mọc lên hoa sen, tỏa hương thơm ngát.

Khi ấy, chứng kiến sự biến hóa của đức Phật như vậy, Thi-lợi-quật liền suy nghĩ: “Ta đã bị ngoại đạo dị học lừa gạt, làm cho ta mất đi đạo lý trong cõi người, vĩnh viễn lạc mất đường lên thiên giới. Tâm ý của ta như đang bị thiêu đốt như uống nhầm thuốc độc, nhất định sẽ bị đọa trong ba đường ác. Vì Như Lai xuất hiện ở đời thật là khó gặp.”

Hiểu rõ như vậy rồi, ông liền rơi lệ, cúi đầu lễ sát chân Phật và thưa:

– Cúi xin Như Lai cho con được sám hối, thay đổi những sai lầm trong quá khứ và tu sửa, hành thiện trong tương lai! Con biết con có tội xúc phạm và nhiễu hại Như Lai. Cúi xin Thế Tôn chấp nhận sự sám hối của con, con không dám tái phạm nữa!

[0774c05] Đức Phật dạy:

– Này trưởng giả! Thay đổi những lỗi lầm gây tổn hại là xả bỏ những tâm ý trước kia, vì ông tự biết là đã xúc phạm Như Lai. Pháp của Thánh hiền vô cùng bao dung, cho phép ông sửa đổi những sai lầm, theo đúng pháp mà xả bỏ. Hôm nay, Ta nhận lời sám hối của ông, về sau chớ có tái phạm!

Đức Phật dạy như vậy đến ba lần.

Bấy giờ, Vua A-xà-thế nghe tin trưởng giả Thi-lợi-quật đào hầm lửa lớn và làm thức ăn tẩm độc muốn hại Như Lai. Nghe xong, nhà vua nổi trận lôi đình, lệnh cho quần thần:

– Phải giết sạch tất cả những kẻ nào có tên Thi-lợi-quật trong toàn cõi Diêm-phù-đề này.

Và rồi, nhà vua lại nhớ nghĩ đến công đức của Như Lai nên buồn khóc rơi lệ, cởi bỏ vương miện rồi bảo quần thần:

– Nay trẫm còn sống làm gì lại để Như Lai bị lửa đốt cháy, còn chúng Tỳ- kheo cũng bị lửa thiêu đốt. Các khanh hãy mau mau đến nhà trưởng giả kia để hỗ trợ Như Lai!

Bấy giờ, Vương tử Kỳ-bà-già tâu Vua A-xà-thế:

– Tâu Đại vương! Xin chớ lo buồn, cũng đừng khởi tưởng xấu ác. Vì sao như vậy? Vì đức Như Lai không bao giờ bị người khác làm hại. Hôm nay, trưởng giả Thi-lợi-quật sẽ làm đệ tử của Như Lai. Cúi xin Đại vương hãy đến xem sự biến hóa này!

Lúc ấy, nghe lời khuyên giải của Kỳ-bà-già, Vua A-xà-thế liền cỡi voi lớn Tuyết Sơn đi đến nhà trưởng giả Thi-lợi-quật ngay lập tức. Nhà vua xuống voi, liền đi vào nhà trưởng giả.

Bấy giờ, có đến tám vạn bốn ngàn người đang tụ tập bên ngoài cửa.

Khi nhìn thấy hoa sen lớn như bánh xe, Vua A-xà-thế thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền nói như vầy: “Cầu cho Như Lai luôn thắng các ác ma!”

Nhà vua bảo Vương tử Kỳ-bà-già:

– Lành thay! Kỳ-bà-già! Chỉ có khanh mới tin đức Như Lai có những sự việc như thế.

Thế rồi, Vua A-xà-thế đến trước Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, nhìn thấy từ miệng của Như Lai phát ra ánh sáng, lại được chiêm ngưỡng toàn vẹn dung nhan thù thắng lạ thường của Thế Tôn, Vua A-xà-thế thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng.

Bấy giờ, trưởng giả Thi-lợi-quật bạch Phật:

– Thức ăn mà con đã chuẩn bị thảy đều có độc, cúi xin Thế Tôn đợi trong giây lát, con sẽ dọn thức ăn khác! Vì sao như vậy? Vì con không muốn thân thể Như Lai bị tổn hại.

[0775a02] Đức Phật bảo trưởng giả:

– Như Lai và đệ tử không bao giờ bị kẻ khác làm hại. Thức ăn mà trưởng giả đã chuẩn bị xong, hãy nên tùy thời mà cúng dường.

Thế rồi, trưởng giả tự tay dâng lên các món ăn, nước uống. Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ này:

Tin kính Phật, Pháp, Tăng,       
Độc hại sạch dư tàn,
Chư Phật không độc hại,          
Tin Phật độc liền tan.
Tin kính Phật, Pháp, Tăng,                                      
Độc hại sạch dư tàn,
Chư Phật không độc hại,                                         
Tin Pháp độc liền tan.
Tin kính Phật, Pháp, Tăng,       
Độc hại sạch dư tàn,
Chư Phật không độc hại,                                               
Tin Tăng độc liền tan.
Ba độc ở thế gian,                                               
Tham dục, sân hận, si,33
Đấng Như Lai không độc,                                        
Tin Phật độc liền tan.
Ba độc ở thế gian,                    
Tham dục, sân hận, si,
Pháp Như Lai không độc,  
Tin Pháp độc liền tan.
Ba độc ở thế gian,                               
Tham dục, sân hận, si,
Tăng Như Lai không độc,   
Tin Tăng độc liền tan.

Khi nói bài kệ này xong, Thế Tôn liền dùng thức ăn có độc. Thế rồi, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy chớ thọ thực trước, nên đợi Như Lai thọ thực xong, sau đó các thầy mới thọ thực!

Lúc ấy, trưởng giả tự tay dâng lên các món ăn cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo.

Bấy giờ, thấy Phật đã thọ thực xong, trưởng giả Thi-lợi-quật thu dọn bát, lấy một ghế thấp rồi ngồi một bên trước đức Như Lai.

Lúc ấy, đức Thế Tôn vì trưởng giả và tám vạn bốn ngàn dân chúng mà giảng pháp vi diệu. Ngài giảng về những pháp như bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, dâm dật là tai họa lớn, giải thoát là an vui. Sau khi Như Lai quán sát tâm của trưởng giả và tám vạn bốn ngàn dân chúng, thấy hết thảy đều khai mở, không còn phiền não, như thường pháp của chư Phật, Thế Tôn, Ngài liền thuyết giảng về khổ, tập, diệt, đạo. Ngài cũng vì tám vạn bốn ngàn dân chúng mà giảng giải rộng rãi về nghiệp của họ.

Bấy giờ, ngay tại chỗ ngồi, cả hội chúng liền dứt sạch trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh, giống như áo mới rất dễ nhuộm màu.

Trưởng giả và muôn dân khi ấy cũng thành tựu như thế, ngay tại chỗ ngồi liền thấy dấu đạo, thấy pháp, đắc pháp, phân biệt các pháp, vượt khỏi nghi ngờ, được vô sở úy, không thờ thầy khác, tự quy y Phật, tự quy y Pháp và tự quy y Tăng, rồi thọ trì năm giới.

[0775b03] Bấy giờ, tự biết đã thấy dấu đạo, trưởng giả Thi-lợi-quật liền bạch Phật:

– Lẽ nào cúng dường thức ăn có độc cho Như Lai nhưng lại đạt được quả báo lớn. Trái lại, cúng dường thức ăn ngon ngọt cho các ngoại đạo dị học mà bị thọ tội. Vì sao như vậy? Vì hôm nay, con dùng thức ăn có độc để thỉnh mời Phật và chúng Tỳ-kheo, ngay nơi đây, con đã chứng nghiệm ra điều này. Con đã bị các ngoại đạo ấy làm cho mê hoặc dài lâu nên mới khởi tâm xấu ác đối với Như Lai. Những ai phụng thờ ngoại đạo dị học đều rơi vào chỗ khốn cùng.

Phật bảo trưởng giả:

– Thật đúng như lời ông nói, ông hoàn toàn bị người khác dối gạt! Bấy giờ, Thi-lợi-quật bạch Phật:

– Từ nay về sau, con không còn tin theo các ngoại đạo dị học ấy nữa. Con cũng không cho phép bốn bộ chúng tại gia34 cúng dường họ nữa.

Phật bảo trưởng giả:

– Chớ nói như vậy! Vì sao? Vì trước đây ông đã thường xuyên cúng dường cho các ngoại đạo ấy. Hơn nữa, bố thí cho các loài súc sanh thì phước đức đó còn khó đo lường, huống hồ bố thí cho loài người. Nếu có ngoại đạo dị học hỏi rằng: “Thi-lợi-quật là đệ tử của ai?” thì ông sẽ trả lời thế nào?

Lúc ấy, Thi-lợi-quật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật:

– Con là đệ tử của đức Thích-ca, đấng Tiên Nhân Thứ Bảy,35 nay thọ thân người này, dũng mãnh mà giải thoát.

Đức Thế Tôn bảo:

– Lành thay! Này trưởng giả! Ông đã nói lời tán thán vi diệu như thế.

Thế rồi, đức Thế Tôn lại nói pháp nhiệm mầu cho trưởng giả. Ngài liền đọc kệ chú nguyện:

Tế tự, lửa trên hết,                   
Kinh thư, kệ đứng đầu,
Loài người, vua quý nhất,                                               
Biển là nguồn muôn sông.
Các sao, trăng sáng nhất,                                       
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Trên dưới và bốn phương,                                               
Những loài có hình tướng.
Trời và người trong đời,                                               
Phật, bậc tôn quý nhất,
Người muốn cầu phước báu,
Nên cúng dường Tam tôn.                                              

Bấy giờ, nói bài kệ này xong, đức Thế Tôn liền đứng dậy.

Trưởng giả Thi-lợi-quật và những người trong pháp hội nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.36

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Mã vương phẩm 馬王品 (T.02. 0125.45. 0769b14).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.1. 0769b15). Tham chiếu: Thương nhân cầu tài kinh 商★求財經 (T.01. 0026.136. 0642a28); Phật bổn hạnh tập kinh 佛本行集經 (T.03. 0190. 0880b03); Lục độ tập kinh 六度集經 (T.03. 0152.4. 0019c18-0020b05), (T.03. 0152.6. 0033b24-c14); J. II. 196.\
3 Nguyên tác: Tập dục (習欲). Tập (習) ở đây chỉ cho tập khí phiền não (煩惱之餘氣曰習氣, 又云習).
4 Nguyên tác: Vô phản phục (無反復): Không biết báo đáp. Tham chiếu Pāli: Kataññū hoti katavedi (người biết ơn và biết báo ơn).
5 Mã vương (馬王). Ngưu phẩn dụ kinh 牛糞喻經 (T.01. 0026.61. 0496b14) gọi là Mao mã vương (䭷馬王), được dịch nghĩa từ Valāhaka assarāja. Đây là ngựa báu (assaratana) mà một vị Chuyển Luân Thánh vương sử dụng.
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.2. 0770c13). Tham chiếu: Xá-lợi-phất Ma-ha Mục-kiền-liên du tứ cù kinh 舍利弗摩訶目連遊四衢經 (T.02. 0137. 0860a18); M. 67, Cātumā Sutta (Kinh Cātumā).
7 Nguyên tác: Am-bà-lê quả viên (闇婆梨果🖃, āmalakīvana). Ở đây, āmalakī còn gọi là me rừng, me mận hoặc chùm ruột núi. Loại quả này hiện còn xuất hiện ở Ấn Độ, gọi là quả amla, có tên gọi khoa học là Phyllanthus Emblica. Biệt dịch ghi: A-ma-lặc dược thọ viên (阿摩勒藥樹🖃).
8 Nguyên tác: Thích-sí (釋翅), là tên gọi khác của thành Ca-tỳ-la-vệ (迦毘羅城, Kapilavatthu). Kinh Đề-bà-đạt-đa sám hối, số 9, phẩm 49, tr. 922; Tăng. 增 (T.02. 0125.49.9. 0802b15) viết: 佛在釋翅迦毘羅越尼拘留🖃中.
9 Nguyên tác: Vô vi chi xứ (無為之處).
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.3. 0771c17). Tham chiếu: Lâm kinh 林經 (T.01. 0026.107. 0596c25); M. 17, Vanapattha Sutta (Kinh khu rừng); A. 9.6 - IV. 365.
11 Nguyên tác: Dược hữu tam chủng (藥有三種), 3 loại thuốc để đối trị 3 loại bệnh phong, nóng và lạnh. Đại trang nghiêm luận kinh 大莊嚴論經 (T.04. 0201.47. 0300b03): Ví như 3 loại thuốc dùng chữa trị bệnh phong, bệnh lạnh và bệnh nóng (譬如三種藥, 對治風, 冷, 熱).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.4. 0772a24). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1095. 0288a11); Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.29. 0463c23-0464a09); S. 4.18 - I. 252.
13 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為).
14 Nguyên tác: Đạo Pháp Ngự (道法御).
15 Nguyên tác: Chúng Hựu (眾祐).
16 Đoàn thực (揣食). Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c26) ghi đoàn thực thô, tế (摶食麁, 細).
17 Cánh lạc thực (更樂食). Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.8. 0133b18) ghi tế cốt thực (細滑食); Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c26) ghi cánh lạc thực (更樂食); Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094c01) ghi tế xúc thực (細觸食).
18 Niệm thực (念食). Đại Câu-hy-la kinh 大拘絺羅經 (T.01. 0026.29. 0461c27) ghi ý tư thực (意思食); Tạp. 雜 (T.02. 0099.344. 0094c01) ghi ý tư thực (意思食).
19 Niệm thực (念食). Theo Đại Minh Tam tạng pháp số 大明三藏法數 (P.182. 1615.18. 0171a01): 修聖道之★常持正念, 長養一切善根, 如世之食資益身根, 是為念食.
20 Bát giải thoát (八解脫) còn gọi là “bát bối xả” (八背捨) giải thoát sự trói buộc của 8 loại thiền định.
21 Thanh văn (聲聞, Sāvaka) có nghĩa là Thanh văn và cũng mang nghĩa đệ tử.
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.5. 0772c13). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1107. 0291a27); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.36. 0385a06); S. 11.22 - I. 237.
23 Cù-dực (瞿翼) thường viết là Câu-dực (拘翼), một tên gọi khác của Đế-thích.
24 Thần diệu chi quỷ (神妙之鬼). Tạp. 雜 (T.02. 0099.1107. 0291b08) ghi là Sân khuể đối trị quỷ (瞋恚對治鬼). S.11.22 - I.237: Kodhabhakkho yakkho (Dạ-xoa nuôi dưỡng bằng phẫn nộ), HT. Thích Minh Châu dịch.
25 Bộ (部).
26 Bích-chi Phật (辟支佛). Xem chú thích 58, trang 689.
27 Thọ vương (樹王).
28 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.6. 0773b20). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.236. 0057b03); M. 151, Piṇḍapātapārisuddhi Sutta (Kinh khất thực thanh tịnh).
29 Sanh tử chi phần (生死之分) còn được viết là “phần đoạn sanh tử” (分段生死), “hữu vi sanh tử” (有爲生死). Nghĩa cơ bản được hiểu là sau khi thọ thân này, tất phải có một lần kết thúc sanh mạng. Vì vậy, có tên là “phần đoạn sanh tử.”
30 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.7. 0773c20). Tham chiếu: DhA. 4.12; J. I. 40. Tên gọi Thi-lợi-quật (尸利掘) có thể được phiên âm từ Sirigutta trong DhA. 4.12.
31 Nguyên tác: Đại tánh (大姓).
32 Vô phục hại tâm (無復害心). Vin. II. 249: anāghāta.
33 Nguyên tác: Tham dục sân khuể độc (貪欲瞋恚毒). Thiếu “si” (癡).
34 Tứ bộ chi chúng tại gia (四部之眾在家), có khả năng chỉ cho 4 tầng lớp tại gia (4 giai cấp) trong xã hội Ấn Độ cổ đại.
35 Đệ Thất Tiên Nhân (第七仙★): Tôn hiệu riêng của đức Phật Thích-ca. Phật Thích-ca là vị thứ 7 trong 7 vị Phật từ quá khứ đến hiện tại. Tăng. 增 (T.02. 0125.45.7. 0775b17).
36 Bản Hán, hết quyển 41.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.