Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

44. PHẨM CHÍN NƠI CƯ TRÚ CỦA CHÚNG SANH1

 

1. CHÍN NƠI CƯ TRÚ2
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có chín nơi cư trú của chúng sanh, là nơi chúng sanh nương ở. Là chín nơi nào?
Hoặc có chúng sanh hễ có bao nhiêu thân thì có bấy nhiêu tưởng, đó là cõi trời và cõi người.
Hoặc có chúng sanh gồm nhiều thân nhưng chỉ có một tưởng, đó là cõi trời Phạm-ca-di3 khi mới tái sanh.
Hoặc có chúng sanh chỉ có một thân nhưng có nhiều tưởng, đó là cõi trời Quang Âm.
Hoặc có chúng sanh chỉ có một thân và một tưởng, đó là cõi trời Biến Tịnh.
Hoặc có chúng sanh với vô lượng không, đó là cõi trời Không Xứ. Hoặc có chúng sanh với vô lượng thức, đó là cõi trời Thức Xứ.
Hoặc có chúng sanh không trụ ở cõi nào, đó là cõi trời Vô Sở Hữu Xứ.4
Hoặc có chúng sanh vừa có tưởng vừa không có tưởng, đó là cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.5
Tên gọi những nơi chúng sanh cư trú có chín loại như thế. 
Này Tỳ-kheo! Đó là chín nơi cư trú của chúng sanh, là những nơi mà các loài chúng sanh đã ở, đang ở và sẽ ở. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện xa lìa chín nơi cư trú này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. CHÍN PHÁP BỐ THÍ6
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ giảng nói về công đức của chín pháp phát nguyện bố thí,7 các thầy hãy khéo suy nghĩ, Ta sẽ giảng nói rộng rãi về ý nghĩa ấy!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo lắng nghe lời Phật dạy.
Phật dạy Tỳ-kheo:
– Thế nào là công đức của chín pháp phát nguyện bố thí? Tỳ-kheo nên biết! Người thí chủ, người bố thí8 thành tựu ba pháp, phẩm vật bố thí cũng thành tựu ba pháp, người nhận phẩm vật cũng thành tựu ba pháp.
Thế nào là người thí chủ, người bố thí thành tựu ba pháp? Đó là người thí chủ, người bố thí thành tựu niềm tin, thành tựu thệ nguyện và không sát sanh. Ðó gọi là người thí chủ, người bố thí thành tựu ba pháp.
Thế nào là phẩm vật bố thí thành tựu ba pháp? Đó là phẩm vật bố thí thành tựu màu sắc, thành tựu hương thơm và thành tựu mùi vị. Ðó gọi là phẩm vật bố thí thành tựu ba pháp.
Thế nào là người nhận phẩm vật bố thí thành tựu ba pháp? Đó là người nhận phẩm vật bố thí thành tựu về giới, thành tựu trí tuệ và thành tựu chánh định. Ðó gọi là người nhận phẩm vật bố thí thành tựu ba pháp.
Như thế, sự bố thí thành tựu chín pháp này thì được quả báo lớn, đạt được sự giải thoát trọn vẹn. Hễ ai là thí chủ và muốn cầu được phước lành như vậy thì nên tìm cầu phương tiện để thành tựu chín pháp này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. CHÍN PHÁP XẤU ÁC9
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Loài chim quạ có chín pháp.10 Là những pháp nào? Đó là mặt dày, chịu nhục, tâm tham lam, keo kiệt, không biết buông xả, hay quên, ham ngủ, che giấu sự dâm dục, không biết đền ơn. Ðó là chín pháp.11
Này Tỳ-kheo! Ðó gọi là loài chim quạ có chín pháp. Cũng vậy, Tỳ-kheo xấu ác cũng huân tập chín pháp. Là những pháp nào? Đó là, Tỳ-kheo xấu ác thì mặt dày, chịu nhục, tâm tham lam, keo kiệt, hay quên, ham ngủ, che giấu sự dâm dục, không biết đền ơn, tâm không biết buông xả. Ðó là chín pháp.
[0765b01] Thế nào gọi là Tỳ-kheo xấu ác, mặt dày không biết xấu hổ? Bởi vì Tỳ-kheo xấu ác luôn tìm cầu những điều không nên tìm cầu, trái với hạnh Sa-môn. Tỳ-kheo như thế gọi là mặt dày.
Thế nào gọi là Tỳ-kheo xấu ác, chịu nhục? Bởi vì Tỳ-kheo xấu ác đến chỗ các Tỳ-kheo hiền thiện rồi tự khen ngợi mình, chê bai người khác. Tỳ-kheo như thế gọi là chịu nhục.
Thế nào là Tỳ-kheo khởi tâm tham? Vì Tỳ-kheo xấu ác khi thấy tài sản của người khác liền sanh tâm tham. Ðây gọi là tham lam.
Thế nào là Tỳ-kheo keo kiệt? Vì Tỳ-kheo xấu ác khi có được lợi dưỡng12 thì không cho người khác cùng sử dụng, luôn cất giấu cho riêng mình, cho nên gọi là keo kiệt. 
Thế nào là Tỳ-kheo hay quên? Vì Tỳ-kheo xấu ác phần lớn không nói những lời tốt đẹp, cũng chẳng siêng năng tu tập13 mà chỉ bàn luận việc thế sự, phương cách đánh nhau, nên gọi là Tỳ-kheo xấu ác thành tựu sự hay quên.
Thế nào là Tỳ-kheo xấu ác, ham ngủ? Vì Tỳ-kheo xấu ác đối với các pháp cần phải tu tập nhưng lại không chịu tu tập, đó gọi là Tỳ-kheo xấu ác, ham ngủ.
Thế nào gọi là Tỳ-kheo xấu ác che giấu sự dâm dục? Vì Tỳ-kheo xấu ác làm việc dâm dục rồi che giấu, không để người khác biết, lòng thầm mong: “Ta đã hành dâm, mong đừng ai biết.” Như thế gọi là Tỳ-kheo xấu ác che giấu việc dâm dục.
Thế nào là Tỳ-kheo xấu ác không biết đền ơn? Vì Tỳ-kheo xấu ác không có tâm cung kính, không hầu hạ sư trưởng và các bậc đáng tôn kính, quý trọng. Như thế gọi là Tỳ-kheo xấu ác không biết đền ơn.
Nếu Tỳ-kheo xấu ác huân tập chín pháp này, luôn ghi nhớ không buông bỏ thì không thể nào thành tựu đạo quả. Cho nên, này Tỳ-kheo! Đối với các pháp xấu ác, tâm phải nên buông xả.14
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. CHÍN PHÁP LÀNH15
 

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Loài chim công16 có chín pháp. Là những pháp nào? Đó là, loài chim công có dung mạo đoan chánh, tiếng hót trong trẻo, đi đứng khoan thai, làm việc đúng thời, ăn uống điều độ, lòng thường biết đủ, tâm không tán loạn,17 ngủ nghỉ chừng mực, cũng ít ham muốn lại biết đền ơn.
Này Tỳ-kheo! Loài chim công có chín pháp như thế. Vị Tỳ-kheo hiền thiện cũng thành tựu chín pháp. Là những pháp nào?
Đó là, vị Tỳ-kheo hiền thiện có dung mạo đoan chánh, tiếng nói trong trẻo, đi đứng khoan thai, làm việc đúng thời, ăn uống điều độ, lòng thường biết đủ, tâm không tán loạn, ngủ nghỉ chừng mực, cũng ít ham muốn lại biết đền ơn. 

[0765c02] Thế nào là Tỳ-kheo hiền thiện có dung mạo đoan chánh? Nghĩa là đối với những oai nghi như ra vào, lui tới, bước đi hay đứng lại thì vị Tỳ-kheo ấy lúc nào cũng điềm đạm. Như thế gọi là Tỳ-kheo hiền thiện có dung mạo đoan chánh.
Thế nào là Tỳ-kheo có tiếng nói trong trẻo? Đó là, Tỳ-kheo khéo phân biệt nghĩa lý, không bao giờ nhầm lẫn. Như thế gọi là Tỳ-kheo có tiếng nói trong trẻo.
Thế nào là Tỳ-kheo đi đứng khoan thai? Đó là, Tỳ-kheo biết làm việc đúng thời, không mất thứ lớp. Lại nữa, vị ấy biết lúc nào thích hợp để tụng kinh thì tụng kinh, biết lúc nào thích hợp để tu tập thì tu tập, lúc cần im lặng thì im lặng, biết lúc nào nên đứng dậy thì đứng dậy. Như thế gọi là Tỳ-kheo biết đúng thời.
Thế nào là Tỳ-kheo biết đúng thời để làm mọi việc? Đó là, Tỳ-kheo lúc cần đi liền đi, lúc cần dừng lại liền dừng lại, tùy thời mà nghe pháp. Như thế gọi là Tỳ-kheo biết đúng thời để làm mọi việc.
Thế nào là Tỳ-kheo ăn uống biết vừa đủ? Đó là, Tỳ-kheo có được thức ăn dư liền sẻ chia cho người khác, không tham tiếc những gì mình có. Như thế gọi là Tỳ-kheo ăn uống biết vừa đủ.
Thế nào là Tỳ-kheo ít ngủ nghỉ? Đó là, Tỳ-kheo vào lúc đầu đêm thì tu tập sự tỉnh thức, thực hành theo ba mươi bảy đạo phẩm không hề xao lãng, thường đi kinh hành, dù thức hay ngủ nhưng tâm luôn thanh tịnh; vào giữa đêm thì tư duy về các pháp uyên thâm; đến cuối đêm thì nằm nghiêng hông phải, hai chân duỗi thẳng xếp chồng lên nhau rồi tư duy về tưởng ánh sáng,18 hoặc đi kinh hành để giữ tâm thanh tịnh. Như thế gọi là Tỳ-kheo ngủ nghỉ chừng mực.
Thế nào là Tỳ-kheo ít ham muốn, biết đền ơn? Đó là, Tỳ-kheo luôn phụng sự Tam bảo,19 tôn kính sư trưởng. Như thế gọi là Tỳ-kheo ít ham muốn, biết đền ơn.
Tỳ-kheo hiền thiện thành tựu chín pháp như thế, phải nên ghi nhớ và phụng hành theo chín pháp này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

5. CHÍN PHÁP TRÓI BUỘC20
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người nữ khi đã thành tựu chín pháp thì có thể trói buộc người nam. Là những pháp nào? Đó là ca, múa, nhạc, kịch, cười, khóc, luôn biết cách chiều chuộng,21 dùng chú thuật mê hoặc và dựa vào nhan sắc hình thể. Trong tất cả những điều ấy thì chỉ có sự xúc chạm22 là trói chặt con người hơn hết, gấp cả trăm lần, ngàn lần, không thể so sánh được. Ta quán sát những nghĩa lý này và nhận thấy sự xúc chạm trói chặt con người hơn hết, không thể nào thoát khỏi. Từ đó, người nam bị vướng vào chốn lao ngục. Cho nên, này các Tỳ-kheo! Phải ghi nhớ, trừ bỏ chín pháp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6. NGUỒN GỐC CÁC PHÁP23
 

Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong vườn trúc Ưu-ca-la.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hôm nay, Ta sẽ giảng nói giáo pháp vi diệu cho các thầy, gồm phần đầu, phần giữa và phần cuối đều thiện, nghĩa lý uyên thâm để tu hành Phạm hạnh thanh tịnh! Kinh này tên là Nguồn gốc của tất cả các pháp. Các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ!
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn! Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Phật dạy:
– Thế nào gọi là “Nguồn gốc của tất cả các pháp”? Ở đây, này Tỳ-kheo! Kẻ phàm phu không gặp được lời dạy của bậc Hiền thánh, không vâng giữ lời dạy của Như Lai, chẳng gần gũi bậc thiện tri thức, cũng chẳng nghe theo lời dạy của bậc thiện tri thức. Kẻ ấy quán sát đất này liền biết như thật về đất. Đây là đất, liền biết rõ ràng là đất, như thật là đất. Cũng biết như thật đây là nước, biết như thật đây là lửa, biết như thật đây là gió. Bốn yếu tố này hội họp lại thì thành con người, là chỗ vui thích của kẻ ngu.
Với cõi trời liền tự biết là cõi trời, rồi ưa thích cõi trời ấy. Với cõi Phạm thiên liền tự biết là cõi Phạm thiên. Với cõi trời Ðại Phạm liền tự biết là cõi trời Ðại Phạm, không thể vượt thoát được. Với cõi trời Quang Âm thì tự biết lẫn nhau bởi cùng đến từ cõi trời Quang Âm. Với cõi trời Biến Tịnh thì tự biết là cõi trời Biến Tịnh. Với cõi trời Quảng Quả24 thì tự biết là cõi trời Quảng Quả, không hề nhầm lẫn. Với cõi trời A-tỳ-da-đà thì tự biết là cõi trời A-tỳ-da-đà. Với cõi Không Xứ thì tự biết là cõi Không Xứ. Với cõi Thức Xứ thì tự biết là cõi Thức Xứ. Với cõi Vô Sở Hữu Xứ25 thì tự biết là cõi Vô Sở Hữu Xứ. Với cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ26 liền tự biết là cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Thấy thì tự biết là thấy, nghe tự biết là nghe, mong cầu tự biết là mong cầu, trí tuệ tự biết là trí tuệ, một chủng loại thì tự biết là một chủng loại, nhiều chủng loại thì tự biết là nhiều chủng loại, đầy đủ tất cả thì tự biết là đầy đủ tất cả, Niết bàn thì tự biết là Niết-bàn, rồi tự an trú trong các cõi đó. Vì sao như vậy? Vì những điều ấy chẳng phải là lời nói của người trí.
Là đệ tử của bậc Thánh thì gần gũi với bậc Thánh, vâng giữ pháp của bậc Thánh, phụng sự bậc thiện tri thức, thường gần gũi bậc thiện tri thức. Vị ấy quán sát yếu tố đất này luôn rõ ràng tường tận, biết đất từ đâu mà có, không chấp trước vào đất, cũng chẳng có tâm đắm nhiễm. Đối với nước, lửa và gió cũng lại như thế. Đối với loài người, cõi trời, cõi Phạm thiên, cõi Quang Âm, cõi Biến Tịnh, cõi Quảng Quả, cõi A-tỳ-da-đà, Không Xứ, Thức Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, thấy, nghe, nhớ, biết một chủng loại, nhiều chủng loại... cho đến đối với Niết-bàn, vị ấy cũng chẳng đắm trước vào Niết-bàn, cũng không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao như vậy? Bởi vì đều do sự khéo phân biệt và khéo quán sát.
Nếu Tỳ-kheo ấy là bậc A-la-hán không còn phiền não, việc cần làm đã làm xong, đã đặt gánh nặng xuống, đã dứt sạch nguồn gốc sanh tử, được giải thoát bình đẳng thì vị ấy có thể phân biệt yếu tố đất nhưng không khởi tưởng đắm trước vào đất. Đối với loài người hay cõi trời, từ cõi Phạm Vương... cho đến cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ cũng lại như thế, cho đến đối với Niết-bàn, vị ấy không đắm trước vào Niết-bàn, cũng không khởi tưởng Niết-bàn. Vì sao như vậy? Bởi vì vị ấy đã trừ sạch tham, sân, si nên đạt được như thế. 
Tỳ-kheo nên biết! Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác khéo phân biệt về đất nhưng không đắm trước vào đất. Vì sao như vậy? Bởi vì Như Lai đã phá diệt lưới tham ái nên mới đạt được như thế. Do hữu nên có sanh, do sanh nên có già, có chết, thảy đều diệt trừ hết. Do vậy mà Như Lai thành tựu Vô thượng Chánh giác.
Lúc đức Phật giảng nói những lời ấy, các Tỳ-kheo không thể nhận lãnh lời Phật dạy. Vì sao như thế? Bởi vì Ma Ba-tuần đã khiến cho tâm ý của họ bị ngưng trệ.
[0766b16] Kinh này có tên là Nguồn gốc của tất cả các pháp, Ta đã giảng nói đầy đủ như vậy. Những điều mà chư Phật, Thế Tôn cần thực hành, nay Ta đã thực hành viên mãn. Các thầy nên nhớ, hãy ở nơi thanh vắng hay bên cội cây, giữ tâm ngay thẳng rồi ngồi thiền định và tư duy về nghĩa lý vi diệu. Hôm nay không gắng siêng năng, ngày sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy bảo của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7. THẾ TÔN CHĂM SÓC BỆNH27
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có vị Tỳ-kheo lâm bệnh nặng, vô cùng nguy kịch, đại tiểu tiện trên giường, không thể tự mình ngồi dậy, cũng chẳng có Tỳ kheo nào đến hỏi han, chăm sóc. Suốt cả ngày lẫn đêm, thầy ấy xưng danh hiệu Phật rồi than thở: “Tại sao Thế Tôn không thương tưởng đến con?”
Khi ấy, bằng thiên nhĩ, đức Thế Tôn nghe được tiếng than vãn của Tỳ-kheo ấy với Như Lai. Thế rồi, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy cùng Như Lai đi xem xét phòng ốc, thăm các trú xứ! Các Tỳ-kheo thưa:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!
Thế rồi, đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau, cùng đi thăm các phòng ốc.
Khi trông thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thầy Tỳ-kheo bệnh liền muốn ngồi dậy nhưng không thể tự nhấc thân mình.
Thế rồi, đức Thế Tôn đến bên cạnh Tỳ-kheo ấy và bảo:
– Thôi, thôi! Này Tỳ-kheo! Đừng ráng cử động. Như Lai đã biết chỗ và sẽ tự ngồi. 
[0766c05] Khi ấy, biết được suy nghĩ trong tâm của Như Lai, Thiên vương Tỳ-sa-môn liền biến mất từ thế giới Dã Mã rồi hiện đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.
Bấy giờ, biết được suy nghĩ trong tâm của Như Lai, Thích-đề-hoàn-nhân liền đến chỗ Phật. Vua Phạm thiên cũng biết suy nghĩ trong tâm của Như Lai liền biến mất từ cõi Phạm thiên rồi hiện đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.
Lúc ấy, biết được suy nghĩ trong tâm của Như Lai, trời Tứ Thiên Vương liền đến chỗ Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài rồi đứng sang một bên.
Khi ấy, đức Phật hỏi Tỳ-kheo bệnh:
– Hôm nay, bệnh tình của thầy có được thuyên giảm, không nặng thêm chứ?
Tỳ-kheo thưa:
– Bệnh khổ của đệ tử ngày càng tăng thêm chứ không hề giảm, ít có dấu hiệu tốt lành.
Phật hỏi Tỳ-kheo:
– Người nuôi bệnh đang ở đâu? Có ai đến chăm sóc không?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Nay con mắc phải bệnh này nhưng chẳng có ai chăm sóc.
Phật bảo Tỳ-kheo:
– Trước đây, khi chưa bị bệnh, thầy có đến thăm hỏi những ai lâm bệnh hay không?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Con chưa từng đi thăm hỏi bệnh nhân nào cả!
Phật dạy Tỳ-kheo ấy:
– Sống trong Chánh pháp, nhưng thầy chẳng tạo một chút thiện lợi nào. Vì sao? Vì thầy không hề đi thăm viếng các bệnh nhân. Này Tỳ-kheo! Bây giờ, thầy đừng lo sợ, Như Lai sẽ đích thân chăm lo mọi thứ cho thầy, không để thiếu thốn. Như hiện tại, tuy Như Lai không bạn bè, dù ở cõi trời hay ở cõi người, nhưng lại có thể thăm hỏi tất cả những ai lâm bệnh. Đối với những người không ai giúp đỡ, Như Lai sẽ vì họ làm người giúp đỡ. Đối với những ai bị mù, Như Lai sẽ vì họ mà làm đôi mắt sáng, cứu chữa cho những người bệnh tật.
Thế rồi, đức Thế Tôn đích thân thu dọn những vật bất tịnh rồi trải tọa cụ cho thầy ấy.
Bấy giờ, Thiên vương Tỳ-sa-môn và Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật:
– Chúng con sẽ đích thân chăm sóc thầy Tỳ-kheo bị bệnh này, cúi xin Thế Tôn chớ lao công nhọc sức!
Đức Phật bảo các thiên tử:
– Các ông hãy để yên! Như Lai tự biết việc phải làm. Ta nhớ lại thuở xưa, khi chưa thành Phật, lúc còn tu hạnh Bồ-tát, chỉ vì con chim bồ câu mà Ta dám xả bỏ mạng sống của mình, huống hồ hôm nay khi đã thành Phật, Ta lại bỏ mặc Tỳ-kheo này ư? Không bao giờ có việc ấy! Hơn nữa, trước đây Thích-đề-hoàn nhân không hề đến thăm hỏi Tỳ-kheo bệnh này, Thiên vương Tỳ-sa-môn là vị vua ủng hộ thế gian cũng chẳng hề đến chăm sóc thầy ấy.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân và Thiên vương Tỳ-sa-môn thảy đều im lặng, không trả lời.
[0767a02] Thế rồi, đức Thế Tôn liền cầm chổi quét dọn đất dơ, sắp xếp lại tọa cụ, lại giặt giũ quần áo và ba pháp y, đỡ thầy Tỳ-kheo bệnh ngồi dậy rồi dùng nước sạch để tắm rửa. Có chư thiên ở phía trên dùng nước thơm rưới xuống.
Lúc ấy, sau khi tắm rửa xong, Thế Tôn đỡ Tỳ-kheo trở lại giường rồi tự tay Ngài ban thức ăn. Thấy Tỳ-kheo dùng cơm xong, Thế Tôn đem bát đi rửa rồi dạy rằng:
– Thầy hãy xả bỏ bệnh tật trong ba đời. Vì sao như thế? Tỳ-kheo nên biết! Sự sanh vốn đã nguy khốn ngay từ trong thai. Bởi có sanh nên có già. Đến khi đã già thì thân thể gầy yếu, sức cùng lực kiệt. Do già nên có bệnh. Khi bệnh thì dù nằm hay ngồi đều rên rỉ, bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh kéo đến cùng lúc. Do bệnh nên có chết. Khi chết thì cả hình hài và thần thức đều phân tán rồi đi theo đường lành hay cõi dữ. Nếu người nhiều tội lỗi thì sẽ bị đọa vào địa ngục, vào núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò than nóng, ăn nuốt nước đồng sôi. Hoặc phải làm thân súc sanh thì luôn bị người sai khiến, ăn toàn rơm cỏ, chịu khổ vô lượng. Lại phải trải qua vô số kiếp không thể tính kể, làm thân ngạ quỷ, thân cao mười do-tuần nhưng cổ thì nhỏ như cây kim, lại bị rót nước đồng vào miệng, trải qua vô số kiếp mới được làm thân người thì lại bị đánh đập, khảo tra, nhiều không tính kể. Lại phải trải qua vô số kiếp mới được sanh lên cõi trời, cũng phải trải qua những sự ái ân, hội ngộ, lại gặp cảnh thương mến nhưng phải xa lìa, tham muốn không biết đủ. Chỉ đến khi đạt được đạo của bậc Hiền thánh thì mới xa lìa được khổ đau.
Có chín hạng người xa lìa được tai ương đau khổ. Là những hạng nào? Ðó là hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn và thứ chín là bậc Chủng tánh.28
Thế nên, này Tỳ-kheo! Như Lai xuất hiện ở đời cực kỳ khó gặp, thân người cũng khó được, sanh vào cõi phồn vinh cũng thật khó, gặp được bậc thiện tri thức cũng lại như thế, muốn nghe pháp âm cũng không thể được. Pháp pháp nương vào nhau mà sanh, phải đúng thời mới có. 
Tỳ-kheo nên biết! Hôm nay, Như Lai đang hiện hữu ở thế gian nên các thầy sẽ được nghe Chánh pháp, các căn không thiếu khuyết nên có thể lãnh thọ Chánh pháp. Hôm nay không gắng siêng năng, ngày sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy bảo của Ta.
Bấy giờ, nghe đức Phật dạy xong, lại được diện kiến tôn nhan của Ngài nên ngay tại chỗ của mình, Tỳ-kheo ấy liền chứng đắc Ba minh, dứt sạch lậu hoặc, tâm được giải thoát.
[0767b01] Đức Phật hỏi Tỳ-kheo:
– Thầy đã hiểu rõ được cội nguồn của bệnh tật chưa?
Tỳ-kheo bạch Phật:
– Con đã hiểu rõ cội nguồn của bệnh tật, xa lìa khỏi sanh, già, bệnh, chết. Tất cả đều nhờ vào sức oai thần gia hộ của Như Lai. Ngài đã dùng bốn tâm bình đẳng che chở cho tất cả, không thể đo lường, không có giới hạn, không thể tính kể nên thân, miệng và ý của con thảy đều thanh tịnh.
Bấy giờ, sau khi giảng nói pháp đầy đủ rồi, Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi ra.
Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
– Thầy hãy mau đánh kiền chùy để các vị Tỳ-kheo hiện cư ngụ trong thành La-duyệt này cùng đến nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội.
Thế rồi, vâng lời Phật dạy, Tôn giả A-nan liền tập hợp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội rồi đến trước Phật, thưa:
– Các Tỳ-kheo đã nhóm họp, cúi xin Thế Tôn biết cho!
Bấy giờ, Thế Tôn đi đến giảng đường rồi an tọa trên tòa.
Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Có phải các thầy vì sợ quốc vương nên mới học đạo, hay vì sợ giặc cướp nên mới xuất gia? Này các Tỳ-kheo! Các thầy với lòng tin kiên cố, tu tập Phạm hạnh vô thượng vì muốn xả bỏ sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não và cũng vì muốn xa lìa mười hai nhân duyên.29
Các Tỳ-kheo thưa:
– Thật đúng như thế, bạch đức Thế Tôn!
Phật dạy các Tỳ-kheo:
– Các vị đã xuất gia cùng chung một Thầy, hòa hợp như nước với sữa, vậy mà không biết chăm sóc lẫn nhau. Từ nay về sau nên luân phiên chăm sóc lẫn nhau. Nếu Tỳ-kheo nào lâm bệnh mà không có đệ tử thì trong chúng nên cử người luân phiên chăm sóc. Vì sao như vậy? Vì ngoài việc này ra, Ta không thấy có việc gì được nhiều phước hơn người chăm sóc bệnh. Người nào chăm sóc bệnh thì cũng giống như chăm sóc Như Lai không khác. 
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Nếu ai cúng dường Ta,
Phước đức cúng dường Ta,
Và chư Phật quá khứ,
Bằng phước người chăm bệnh.

Bấy giờ, sau khi dạy bảo những điều như thế, Thế Tôn bảo A-nan:
– Từ nay về sau, các Tỳ-kheo phải chăm sóc lẫn nhau. Nếu có Tỳ-kheo nào biết có người bệnh mà không chăm sóc thì các thầy nên căn cứ theo Pháp và Luật mà xử trị. Ðây là lời dạy bảo của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8. CHÍN BẬC CÚNG DƯỜNG30
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ,Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có chín hạng người đáng kính, đáng quý, cúng dường những vị ấy sẽ được phước quả. Là những hạng nào? Ðó là những vị hướng A-la-hán, đắc A-la-hán; hướng A-na-hàm, đắc A-na-hàm; hướng Tư-đà-hàm, đắc Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hoàn, đắc Tu-đà-hoàn và thứ chín là bậc Chủng tánh.
Này các Tỳ-kheo! Đó là chín hạng người. Cúng dường cho các vị ấy thì được phước, không bao giờ giảm thiểu.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9. THẦN LỰC CỦA CHÂU-LỢI-BÀN-ĐẶC31
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Khi ấy, Vương tử Mãn-hô đi đến trú xứ của đức Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Vương tử Mãn-hô bạch Phật:
– Con từng nghe rằng: “Thầy Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc cùng tranh luận với Phạm chí Lư-ca-diên, nhưng thầy ấy không thể đối đáp.”32 Con lại được nghe: “Trong chúng đệ tử của Như Lai, người có các căn chậm lụt, không có trí tuệ sáng suốt thì không ai hơn Tỳ-kheo này. Trong hàng ưu-bà-tắc tại gia của Thế Tôn thì những người Cù-đàm thuộc họ Thích trong thành Ca-tỳ-la-vệ, các căn đều chậm lụt, tâm ý không thể khai mở.”
Ðức Phật bảo Vương tử:
– Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc có năng lực thần túc, đạt được pháp của bậc Thượng nhân nên không tuân theo cách thức đàm luận của thế gian. Lại nữa, Vương tử nên biết, Tỳ-kheo ấy thông đạt nghĩa lý rất mực vi diệu. Khi ấy, Vương tử Mãn-hô bạch Phật:
– Tuy Phật dạy như thế, nhưng trong tâm con vẫn còn khởi niệm như vầy: “Vì sao thầy ấy có thần lực lớn như thế, nhưng lại không thể cùng tranh luận với ngoại đạo dị học kia?” Hôm nay, con xin thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo, ngoại trừ Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.
Khi ấy, đức Thế Tôn yên lặng nhận lời.
Bấy giờ, thấy Thế Tôn đã nhận lời thỉnh rồi, Vương tử liền đứng dậy, cúi đầu lạy sát chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng rồi ra về.
Ngay trong đêm ấy, Vương tử sắm sửa đủ loại thực phẩm thơm ngon, thịnh soạn và sửa soạn chỗ ngồi tốt đẹp. Sau đó, Vương tử đến bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Giờ thọ trai đã đến! Bây giờ là đúng thời.
Bấy giờ, Thế Tôn đưa bát cho Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc giữ lại, còn Ngài và chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau, cùng đi vào thành La-duyệt. Đến trú xứ của Vương tử, mỗi vị đều ngồi theo thứ lớp.
Lúc ấy, Vương tử bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn trao bát cho con! Hôm nay, con muốn đích thân dâng cúng thức ăn lên Ngài.
Phật bảo Vương tử:
– Bát của Như Lai để ở chỗ Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc, không mang đến đây.
Vương tử bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn sai một thầy Tỳ-kheo về mang bát đến đây!
[0768a01] Phật bảo Vương tử:
– Ông hãy tự đi lấy bát của Như Lai rồi mang đến đây!
Bấy giờ, Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc biến hóa ra năm trăm cây hoa, dưới mỗi cây hoa đều có một Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đang ngồi.
Vâng lời Phật dạy, Vương tử đi đến lấy bát. Từ xa, Vương tử nhìn thấy dưới năm trăm gốc cây đều có Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đang ngồi thiền, buộc niệm trước mặt, không hề tán loạn. Thấy như thế rồi, Vương tử liền nghĩ: “Vị nào là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc?” Vương tử Mãn-hô liền quay trở lại rồi thưa đức Thế Tôn: 
– Con đã đến khu vườn ấy nhưng thấy toàn là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc. Thế nên, con không thể biết vị nào thực sự là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.
Phật bảo Vương tử:
– Ông hãy trở lại khu vườn ấy, đến ngay vị trí trung tâm rồi ra hiệu và nói: “Vị nào thật sự là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc thì kính thỉnh đứng lên!”
Vâng lời Phật dạy, Vương tử Mãn-hô liền trở lại khu vườn, đến ngay vị trí trung tâm và thưa:
– Vị nào thật sự là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc thì kính thỉnh đứng lên!
Vương tử nói lời ấy vừa xong thì năm trăm vị Tỳ-kheo hóa hiện kia tự nhiên biến mất, chỉ còn lại một mình Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.
Thế rồi, Vương tử Mãn-hô cùng Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.
Vương tử Mãn-hô bạch Phật:
– Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được sám hối, bởi con không tin lời Như Lai đã dạy: “Vị Tỳ-kheo này có oai lực thần túc rất lớn.”
Phật bảo Vương tử:
– Ta cho phép ông được sám hối. Như Lai nói không có hai lời. Lại nữa, ở thế gian này có chín hạng người hiện hữu trong đời. Là những hạng nào? Một là, đoán được tâm người. Hai là, nghe xong liền rõ biết. Ba là, quán sát tướng mạo, sau đó mới biết. Bốn là, quán sát nghĩa lý, sau đó mới biết. Năm là, biết được ý vị, sau đó mới biết. Sáu là, biết nghĩa, biết vị, sau đó mới biết. Bảy là, không biết nghĩa cũng chẳng biết vị. Tám là, tu tập thiền định nên có sức thần túc. Chín là, hiểu biết nghĩa lý ít ỏi. Này Vương tử! Đó là chín hạng người xuất hiện ở thế gian. Thật vậy, này Vương tử! Người biết quán sát tướng mạo là hạng người tối thắng nhất trong tám hạng người còn lại, là bậc không chút lỗi lầm.
Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc này tu tập về thần túc, không học theo các pháp khác. Tỳ-kheo này thường vận dụng thần túc để thuyết pháp cho mọi người.
Ngày nay, Tỳ-kheo A-nan của Ta nhờ quán sát tướng mạo nên biết được và đoán được tâm ý của người. Thầy ấy biết Như Lai cần điều này, không cần điều này, cũng biết Như Lai cần phải giảng nói điều này, dạy xa lìa việc này, tất cả đều biết rõ ràng. Hiện tại không có ai hơn Tỳ-kheo A-nan về việc am tường, thông thạo nghĩa lý kinh điển, không có điều gì mà thầy ấy không thông suốt.
Lại nữa, Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc này có khả năng hóa hiện một thân thành nhiều thân, rồi trở lại thành một thân. Về sau, Tỳ-kheo ấy sẽ Diệt độ ở giữa hư không. Ta không thấy người nào khác có sự Diệt độ có thể sánh với Tỳ-kheo A-nan và Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc này. 
[0768b07] Khi ấy, Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Ta, vị Tỳ-kheo có năng lực bậc nhất biến hóa thân hình trở thành to lớn hoặc nhỏ bé, không ai có thể sánh với Tỳ-kheo Châu-lợi bàn-đặc.
Thế rồi, Vương tử Mãn-hô đích thân đem thức ăn nước uống cúng dường chúng Tăng. Rửa bát xong, Vương tử ngồi vào tòa nhỏ phía trước đức Phật rồi chắp tay bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc thường xuyên đến nhà con để thọ nhận tất cả những vật cần dùng, tùy theo nhu cầu của thầy ấy như y phục, mền đệm và các vật dụng khác theo pháp của Sa-môn! Con xin được trọn đời cúng dường những vật dụng cần thiết cho thầy ấy!
Phật dạy Vương tử:
– Này Vương tử! Ông nên hướng về Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc mà sám hối, rồi tự mình thưa thỉnh. Vì sao như vậy? Bởi vì người không có trí mà muốn biết được người có trí, điều này rất khó gặp. Khi nói rằng, chỉ có người trí mới biết được người trí, lý này quả đúng như vậy.
Khi ấy, Vương tử Mãn-hô liền hướng về Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đảnh lễ, tự xưng tên mình rồi cầu xin sám hối:
– Kính bạch Tỳ-kheo đại thần túc! Con đã khởi tâm khinh thường, từ nay về sau không dám tái phạm. Cúi xin thầy chấp nhận sự sám hối này, con không dám tái phạm nữa!
Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc đáp:
– Cho phép ông được sám hối, về sau chớ tái phạm, cũng chớ chê bai Thánh hiền. Vương tử nên biết! Nếu chúng sanh nào chê bai bậc Thánh thì phải bị đọa lạc vào ba đường ác, phải rơi vào trong chốn địa ngục.
Thật vậy, này Vương tử! Nên học tập điều này.
Bấy giờ, đức Phật giảng thuyết giáo pháp rất mực vi diệu cho Vương tử Mãn-hô, khiến Vương tử phát tâm hoan hỷ. Ngay ở trên tòa, đức Phật nói lời chú nguyện như vầy:

Tế tự, lửa trên hết,
Loài người, vua quý nhất,
Các sao, trăng sáng nhất,
Trên dưới và bốn phương,
Trời và người trong đời,
Ai muốn cầu phước đức,
Kinh thư, tụng đứng đầu,
Biển là nguồn muôn sông.
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Những loài có hình tướng.
Phật, bậc tôn quý nhất,
Nên cúng dường Tam tôn.33 

Bấy giờ, sau khi nói bài kệ này xong, đức Phật liền rời tòa đứng dậy.
Khi ấy, Vương tử Mãn-hô nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

10. MỘT NỬA PHẠM HẠNH34
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Được gọi là vị thiện tri thức, tức là bậc một nửa Phạm hạnh, sẽ dẫn dắt đến con đường thiện lành, đạt đến vô vi.
Phật dạy A-nan:
– Chớ nói lời như vầy: “Vị thiện tri thức là bậc một nửa Phạm hạnh.” Vì sao như vậy? Một vị thiện tri thức là người có Phạm hạnh vẹn toàn, gần gũi với vị ấy sẽ được dẫn dắt, chỉ bảo vào con đường thiện lành. Cũng nhờ thiện tri thức mà Như Lai thành tựu Vô thượng Chánh chân, thành bậc Ðẳng Chánh Giác. Nhờ thành tựu đạo quả nên Như Lai mới cứu giúp các chúng sanh không tính kể, thảy đều thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết. Do đây nên biết, vị thiện tri thức là người có Phạm hạnh vẹn toàn.
Lại nữa, này A-nan! Nếu có người thiện nam hay người thiện nữ nào gần gũi vị thiện tri thức thì niềm tin, nghe nhiều, sự chú tâm, lòng bố thí và trí tuệ đều được tăng trưởng. Ví như mặt trăng sắp tròn thì ánh sáng càng tăng thêm, sáng gấp bội ngày thường. Ðiều này cũng như thế, nếu có thiện nam hay thiện nữ nào gần gũi vị thiện tri thức thì lòng tin, nghe nhiều, sự chú tâm, bố thí và trí tuệ của người ấy thảy đều tăng trưởng. Do đây nên biết, vị thiện tri thức là người có Phạm hạnh vẹn toàn.
Thuở xưa, nếu như không được gần gũi thiện tri thức thì Ta sẽ không bao giờ gặp được đức Phật Ðăng Quang thọ ký. Nhờ gần gũi thiện tri thức nên Ta mới được đức Phật Đề-hòa-kiệt-la thọ ký. Do đây nên biết, vị thiện tri thức là người có Phạm hạnh vẹn toàn.
Này A-nan! Nếu như thế gian này không có thiện tri thức thì sẽ không có thứ lớp, tôn ti. Các bậc cha mẹ, sư trưởng, anh em, bà con, tất sẽ cùng bị xem giống như các loài heo, chó, tạo các nghiệp duyên xấu ác, gieo trồng nghiệp duyên tội lỗi, bị đọa vào địa ngục. Nhờ có thiện tri thức nên mới có sự phân biệt cha mẹ, sư trưởng, anh em, bà con. 
Lúc ấy, đức Thế Tôn liền nói kệ này:

Thiện tri thức hiền thiện,
Dẫn dắt đến đường lành,
Vì pháp, chẳng vì ăn,
Phật dạy nên thân cận.

Thế nên, này A-nan! Chớ nên nói: “Vị thiện tri thức là người chỉ có một nửa Phạm hạnh.”
Bấy giờ, Tôn giả A-nan theo Phật thọ giáo, được nghe những lời Ngài dạy, hoan hỷ phụng hành.

***

11. TÂM TÁNH CHÚNG SANH35
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong núi Kỳ-xà quật, thuộc thành La-duyệt.
Lúc ấy, Thích-đề-hoàn-nhân ẩn thân từ cõi trời Ba Mươi Ba rồi hiện đến chỗ của Phật, cúi đầu lễ sát chân Ngài, ngồi sang một bên rồi bạch Thế Tôn:
– Loài người và chư thiên thường suy nghĩ về việc gì? Tâm mong cầu điều gì?
Đức Phật dạy:
– Thế gian lưu chuyển, tâm tánh chúng sanh không đồng, nơi hướng về cũng khác biệt, nên suy nghĩ cũng chẳng đồng nhau. Thiên đế nên biết! Thuở xưa, trải qua vô số kiếp không thể tính kể, Ta cũng từng khởi niệm như vầy: “Cõi trời và các loài chúng sanh tâm thường nghĩ về điều gì? Cầu nguyện việc gì?” Từ số kiếp xa xưa đó cho đến hôm nay, Ta chưa hề thấy một người nào có tâm ý giống nhau.
Thích-đề-hoàn-nhân nên biết! Chúng sanh trong thế gian khởi tưởng điên đảo, vô thường thì khởi tưởng cho là thường, bất lạc thì khởi tưởng cho là lạc, vô ngã thì khởi tưởng cho là hữu ngã, bất tịnh thì khởi tưởng cho là tịnh, đường chân chánh thì khởi tưởng cho là đường tà, điều ác thì khởi tưởng cho là điều phước, điều phước thì khởi tưởng cho là điều ác. Do đây nên biết, căn tánh của các loài chúng sanh rất khó lường, tánh hạnh mỗi loài một khác.
Nếu tất cả chúng sanh có cùng một tưởng, không có nhiều tưởng thì không thể biết được chín nơi cư trú của chúng sanh, cũng khó phân biệt được chín nơi cư trú của chúng sanh, lại cũng không hiểu rõ nơi thần thức dừng trụ, cũng chẳng thể biết được có tám địa ngục lớn, cũng khó biết được nơi chốn mà loài súc sanh hướng đến, không thể phân biệt có sự khổ đau của địa ngục, không biết về địa vị của bốn giai cấp, không biết con đường dẫn đến cõi a-tu-la, cũng không thể biết cõi trời Ba Mươi Ba. Giả sử hết thảy chúng sanh đều cùng một tâm thì sẽ giống như cõi trời Quang Âm. Vì chúng sanh có bao nhiêu chủng loại nên có bấy nhiêu tưởng niệm.
Do đó mới biết, có chín nơi cư trú của chúng sanh, có chín nơi mà thần thức dừng trụ, cũng biết có tám địa ngục lớn, ba đường ác và cho đến biết rằng có cõi trời Ba Mươi Ba. Do đây nên biết, tâm tánh của các loài chúng sanh không đồng nhau, việc tạo nghiệp cũng sai khác.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật:
– Những điều Như Lai giảng nói rất kỳ diệu: “Bổn tánh và hành nghiệp của chúng sanh không giống nhau nên suy nghĩ cũng khác biệt. Vì chúng sanh tạo nghiệp không đồng nên mới có xanh, vàng, đen, trắng, dài, ngắn cũng chẳng đồng.” Bạch đức Thế Tôn! Chư thiên bận rộn, con muốn trở về cõi trời.
[0769b02] Phật bảo Thích-đề-hoàn-nhân:
– Nên biết đúng thời. Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân liền rời tòa đứng dậy, lễ sát chân Phật rồi ra về. Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:

Cửu chỉ, Sấn, Khổng tước,
Hệ phược, Pháp chi bản, Bệnh,
Cúng dường, Bàn-đặc,
Phạm hạnh, Nhược can tưởng.36 

***

Chú thích:

1 Nguyên tác: Cửu chúng sanh cư phẩm 九眾生居品 (T.02. 0125.44. 0764c19).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.1. 0764c20). Tham chiếu: Chúng tập kinh 眾 集經 (T.01. 0001.9. 0049b26); D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh phúng tụng); A. 9.24 - IV. 401.
3 Phạm-ca-di (梵迦夷) cũng gọi là Phạm Chúng (梵眾, Brahmapārisajjā).
Nguyên tác: Bất Dụng Xứ (不用處). Tịnh bất động đạo kinh 淨不動道經 (T.01. 0026.75. 0542c13) ghi là Vô Sở Hữu Xứ (無所有處). 5 Nguyên tác: Hữu Tưởng Vô Tưởng (有想無想). Chân nhân kinh 真人經 (T.01. 0026.85. 0562a06) ghi là Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ (非有想非無想處); Tịnh bất động đạo kinh 淨不動道經 (T.01. 0026.75. 0543a09) ghi là Vô Tưởng (無想); Tịnh bất động đạo kinh 淨不動道經 (T.01. 0026.75. 0543a09) ghi là Vô Tưởng (無想) và Vô Tưởng Xứ (無想處).
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.2. 0765a06). Tham chiếu: Kinh sáu đức của bố thí, số 4, phẩm 37, tr. 594 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.37.4. 0711c25).
7 Sấn (嚫), viết tắt của “đạt-sấn” (達嚫, dakkhiṇā), tức bố thí hoặc cúng dường tài vật.
8 Đàn-việt thí chủ (檀越施主). Thí chủ (施主, dānapati): Người chủ của tài vật được đem ra bố thí. Đàn-việt (檀越, dāyaka) chỉ cho người bố thí nói chung, theo ngữ cảnh của kinh nhằm chỉ cho người đang phụ giúp thực hiện việc bố thí. Tham chiếu: A. 5.34 - III. 38: Dāyako, sīha, dānapati bahuno janassa piyo hoti manāpo (Người bố thí, này Sīha, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích), HT. Thích Minh Châu dịch
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.3. 0765a23). Tham chiếu: Kinh kiết sử, số 6, phẩm 25, tr. 326 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.25.6. 0632a20); M. 5, Anaṅgaṇa Sutta (Kinh không uế nhiễm).
10 Vị thành tựu cửu pháp (為成就九法). Có khả năng bản Hán khắc nhầm 烏 (điểu) thành 為 (vi). Tham chiếu Ngũ phần luật 五分律 (T.22. 1421.8. 0058a17): Loài chim quạ này có đầy đủ 10 đức tính của một Tỳ-kheo tệ ác, gồm bỏn xẻn, tham lam, sung sức, chịu nhục, xấu xí, không từ bi, nhiều ảo vọng, không hề biết đủ, chứa cất, cố ý quên.
11 Xem thêm Kinh kiết sử, số 6, phẩm 25, tr. 331 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.25.6. 0633c26): Có những Tỳ-kheo tâm không nhu hòa, bỏ hạnh Sa-môn, có lòng dối trá, không theo pháp Sa-môn, tánh hạnh thô tháo, không biết hổ thẹn, dương mặt chịu nhục, hành vi thấp kém, không có dũng mãnh, hoặc thường lơ đễnh, không nhớ việc làm, tâm ý không định, việc làm nhầm lẫn, các căn không định, nay các vị ấy cần được Tôn giả Xá-lợi-phất quán sát tánh hạnh để mà sửa trị (諸有比丘心不柔和, 捨沙門行, 心懷姦偽, 不從沙門之法, 性行麁踈, 不知慚愧, 強顏耐辱, 為卑賤行, 無有勇猛. 或喜多忘失, 不憶 所行, 心意不定, 所作錯亂, 諸根不定, 然今尊者舍利弗觀察性行已, 而修治之).
12 Nguyên tác: Y bát (衣鉢), chỉ cho các loại lợi dưỡng nói chung, y bát chỉ là ví dụ cụ thể trong số chúng
13 Tư duy phương tiện (思惟方便). Phương tiện (方便), cách viết khác chỉ cho tinh tấn (努力, vāyāma).
14 Nguyên tác: Chư ác chi pháp, niệm đương xả chi (諸惡之法,念當捨之). Đây là giải thích của pháp thứ chín.
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.4. 0765b22).
16 Nguyên tác: Khổng tước điểu (孔雀鳥). 
17 Nguyên tác: Niệm bất tán loạn (念不分散). Nội dung kinh văn không giải thích pháp này. 
18 Nguyên tác: Kế minh chi tưởng (計明之想). Hữu Thắng thiên kinh 有勝天經 (T.01. 0026.79. 0550b26) ghi là quang minh tưởng (光明想, ālokasaññaṃ). A. 7.61 - IV. 85 giải thích: Moggallāna, ālokasaññaṃ manasi kareyyāsi, divāsaññaṃ adhiṭṭhaheyyāsi - yathā divā tathā rattiṃ yathā rattiṃ tathā divā. Iti vivaṭena [vivaṭṭena (syā.), middhavigatena (ka.)] cetasā apariyonaddhena sappabhāsaṃ cittaṃ bhāveyyāsi. Ṭhānaṃ kho panetaṃ vijjati yaṃ te evaṃ viharato taṃ middhaṃ pahīyetha. (Này Moggallāna! Thầy hãy tác ý đến quang tưởng và an trú vào tưởng ban ngày. Như ban ngày, ban đêm cũng vậy. Như ban đêm, ban ngày cũng vậy. Như vậy, với tâm rộng mở, không có hạn chế. Sự kiện này có xảy ra, do thầy trú như vậy, thụy miên ấy được đoạn diệt), HT. Thích Minh Châu dịch.
19 Nguyên tác: Tam tôn (三尊). 
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.5. 0765c24).
21 Nguyên tác: Phương nghi (方宜). Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh từ điển (妙法蓮華經詞典), “phương nghi” (方宜) mang nghĩa là biết sử dụng khéo léo phương tiện.
22 Nguyên tác: Cánh lạc (更樂).
23 Tựa đề được đức Phật dạy trong nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.6. 0766a04). Tham chiếu: A. 8.17 - IV. 196. 
24 Nguyên tác: Quả Thật thiên (果實天).
25 Nguyên tác: Bất Dụng Xứ thiên (不用處天).
 26 Nguyên tác: Hữu Tưởng Vô Tưởng Xứ thiên (有想無想處天). 
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.7. 0766b22). Tham chiếu: Tưởng kinh 想經 (T.01. 0026.106. 0596b09); M. 1, Mūlapariyāya Sutta (Kinh pháp môn căn bản); Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.28.6. 0452a09); DhA. 3.7.
28 Nguyên tác: Chủng tánh nhân (種性人), còn viết là Chủng tánh (種姓, Gotrabhū), bậc Chuyển tộc đã vượt khỏi địa vị phàm phu. Xem thêm về 9 hạng người này tại A. 9.10 - IV. 373.
29 Nguyên tác: Thập nhị khiên liên (十二牽連), tên khác của 12 nhân duyên. 
30 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.8. 0767b27). Tham chiếu: A. 9.10 - IV. 373; A. 10.16 - V. 23.
31 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.9. 0767c06). Tham chiếu: Tăng. 增 (T.02. 0125.20.12. 0601a21).
32 Xem thêm Kinh Châu-lợi-bàn-đặc giáo hóa, số 10, phẩm 17, tr. 159 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.17.10. 0585c04). 
33 Nguyên tác: Tam Phật (三佛), phiên âm từ Sambuddha, tức tam Phật-đà (三佛陀) hoặc tam Phật (三佛). 800  KINH TĂNG NHẤT A-HÀM
34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.10. 0768c06). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.726. 0195b10); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1238. 0339a10); S. I. 87 - S. V.2. 44. PHẨM CHÍN NƠI CƯ TRÚ CỦA CHÚNG SANH  801
35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.44.11. 0769a05).
36 Nguyên tác Nhiếp tụng: 九止, 嚫, 孔雀; 繫縛, 法之本; 病, 供養, 槃特; 梵行, 若干想. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 40.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.