Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

 

42. PHẨM TÁM NẠN1

 

1. TÁM NẠN2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có những hoàn cảnh khó khăn3 khiến kẻ phàm phu không thể nghe, không thể biết giáo pháp được thuyết giảng. Tỳ-kheo nên biết! Có tám hoàn cảnh khó khăn khiến chúng sanh không thể nghe pháp, không thể tu hành. Đó là những hoàn cảnh nào?

Khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp đưa đến Niết-bàn, là công hạnh của Như Lai, nhưng chúng sanh này đang ở trong địa ngục nên không thể thấy Phật, không được nghe pháp. Ðó là nạn đầu tiên.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, nhưng chúng sanh này đang ở trong loài súc sanh nên không thể thấy Phật, không được nghe pháp. Ðó là nạn thứ hai.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, nhưng chúng sanh này đang ở trong loài ngạ quỷ nên không thể thấy Phật, không được nghe pháp. Ðó là nạn thứ ba.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, nhưng chúng sanh này đang ở cõi trời Trường Thọ4 nên không thể thấy Phật, không được nghe pháp. Ðó là nạn thứ tư.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, nhưng chúng sanh này đang sống ở vùng biên địa, chê bai Hiền thánh, tạo các nghiệp ác. Ðó là nạn thứ năm.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, đưa đến Niết- bàn, chúng sanh này tuy đang sống ở chốn thị thành nhưng sáu căn không đầy đủ, nên không phân biệt được các pháp thiện ác. Ðó là nạn thứ sáu.

Lại nữa, khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, đưa đến Niết- bàn, chúng sanh này đang sống ở chốn thị thành, tuy sáu căn đầy đủ, không bị thiếu khuyết, nhưng chúng sanh đó tâm thức tà kiến, cho rằng: Không có chúng sanh, không có bố thí, không có người thọ nhận và cũng chẳng có quả báo thiện ác, không có đời này và cũng chẳng có đời sau, cũng không có cha mẹ; thế gian này không có Sa-môn hay Bà-la-môn nào thành tựu quả vị A-la-hán hay tự thân chứng ngộ rồi tự an trú. Ðó là nạn thứ bảy.

Lại nữa, khi Như Lai không thị hiện ở đời nên cũng không thuyết giảng giáo pháp đưa đến Niết-bàn. Do đó, dù chúng sanh này được sanh ở chốn thị thành, sáu căn đầy đủ, có thể lãnh thọ giáo pháp, thông minh trí tuệ, nghe pháp liền hiểu, nương chánh kiến để tu hành, biết có vật thí, có sự bố thí, có người thọ nhận, có quả báo thiện ác, có đời này và đời sau; tin rằng thế gian này có Sa-môn, Bà-la-môn tu tập chánh kiến, chứng đắc A-la-hán, nhưng không có Phạm hạnh để tu hành. Ðó là nạn thứ tám.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là tám nạn, không thể tu hành Phạm hạnh.

[0747b07] Ở đây, này Tỳ-kheo! Có một hoàn cảnh hợp thời để nghe pháp và giúp chúng sanh tu hành Phạm hạnh. Đó là hoàn cảnh nào? Là khi Như Lai thị hiện ở đời, thuyết giảng giáo pháp, đưa đến Niết-bàn. Chính ngay khi ấy, người này đang ở chốn thị thành, có trí tuệ thông suốt việc đời, gặp việc đều rõ ràng, chánh kiến tu hành, hiểu rõ các pháp thiện ác, biết có đời này và đời sau, biết thế gian này có Sa-môn, Bà-la-môn tu tập theo chánh kiến, chứng đắc A-la-hán. Ðó gọi là hoàn cảnh hợp thời để chúng sanh có thể tu hành Phạm hạnh, đạt đến Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tám nạn chẳng giống nhau,
Khiến người không chứng đạo,
Thời Chánh pháp hiện nay,
Đâu dễ gì gặp được.
Chánh pháp phải gắng tu,
Chớ mất dịp may này,
Nhớ lại ngày xưa cũ,
 Sống địa ngục thâm u.
Ngay đây lìa tham dục,
 Chánh pháp gắng tư duy,
Thế gian mãi duy trì,
 Pháp không hề đoạn diệt.
Ngay đây lìa tham dục,
 Chánh pháp gắng tư duy,
Nguồn tử sanh khô cạn,
 Pháp trụ mãi thế gian.
Cõi người được thọ thân,
Khéo hiểu pháp chân thật,
Ai đạo quả không thành,
Ắt vào nơi tám nạn.
Nay giảng về tám nạn,
Cốt lõi của pháp mầu,
Một nạn đã lo âu,
Như bộng cây giữa biển.
Lìa một trong tám nạn,
Chánh đạo có ngày về,
Lìa một trong bốn đế,
Chánh đạo ắt lìa xa.
Do đó phải chuyên tâm
Tư duy về diệu lý,
Chí thành nghe Chánh pháp,
Liền đến chốn vô vi.5

[0747c02] Thế nên, này Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện xa lìa nơi tám nạn, chớ cầu mong ở trong các cõi đó.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. TÁM ĐỊA NGỤC6
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có tám địa ngục lớn. Là những ngục nào? Đó là địa ngục Hoàn Hoạt, địa ngục Hắc Thằng, địa ngục Ðẳng Hại, địa ngục Thế Khốc, địa ngục Đại Thế Khốc, địa ngục A-tỳ, địa ngục Viêm và địa ngục Đại Viêm. Này các Tỳ-kheo! Có tám địa ngục lớn như thế.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Hoàn Hoạt và Hắc Thằng,
Ðẳng Hại, hai Thế Khốc
Ngục A-tỳ ngũ nghịch,
Ðịa ngục Viêm, Đại Viêm.
Đây là tám địa ngục,
Là nơi không thể ở,
Do nghiệp ác mà thành,
Mười sáu lớp vây quanh.
Phía trên ngục sắt này,
Bị lửa dữ bủa vây,
Trong cả một do-tuần,
Lửa phừng phực bùng cháy.
Bốn cửa ở bốn vách,
Bên trong rất phẳng bằng,
Lấy sắt làm tường thành,
Phía trên lợp mái sắt.7

Ðây là do nhân duyên tội báo của chúng sanh, khiến cho chúng sanh đó phải chịu vô lượng khổ não, máu thịt tiêu tan hết, chỉ còn lại bộ xương.

Do nhân duyên gì gọi là địa ngục Hoàn Hoạt? Có những chúng sanh thân hình cứng đờ, không thể cử động, bị khổ đau bức bách nhưng không thể di chuyển, toàn thân không còn chút máu thịt nào. Khi ấy, họ tự bảo nhau: “Chúng sanh sống lại.” Khi ấy, các chúng sanh kia liền tự sống lại. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Hoàn Hoạt.

Do nhân duyên gì gọi là địa ngục Hắc Thằng? Bởi vì toàn bộ gân mạch trong thân thể của chúng sanh kia đều biến thành dây, bị dây cứa đứt thân thể nên gọi là địa ngục Hắc Thằng.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Ðẳng Hại? Bởi vì các chúng sanh bị dồn vào một nơi, rồi bị chém lìa đầu nhưng trong phút chốc liền sống lại. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Ðẳng Hại.

[0748a01] Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Thế Khốc? Bởi vì chúng sanh kia đã đoạn mất căn lành, không còn sót lại một chút mảy may nào nên phải đọa vào địa ngục này, thọ nhận vô lượng khổ đau, rồi ở trong đó kêu khóc than oán, tiếng gào thét không gián đoạn. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Thế Khốc.

Lại nữa, do nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại Thế Khốc? Bởi vì chúng sanh ở trong địa ngục ấy thọ nhận vô lượng đau khổ, không thể tính kể. Ở trong địa ngục đó, họ kêu khóc, đấm ngực, tự đánh khắp mình rồi đồng thanh gào thét. Do nhân duyên này nên gọi là địa ngục Đại Thế Khốc.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục A-tỳ? Bởi vì có những hạng chúng sanh giết hại cha mẹ, phá hoại tháp Phật, phá hòa hợp Tăng,8 học theo tà kiến điên đảo, liên hệ với tà kiến, thảy đều không thể chữa trị. Do nhân duyên như vậy nên gọi là địa ngục A-tỳ.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Viêm? Bởi vì các loại chúng sanh ở trong địa ngục ấy thân thể bị cháy ngún khói đến khi xương tan thịt nát nên gọi là địa ngục Viêm.

Lại do nhân duyên gì gọi là địa ngục Đại Viêm? Bởi vì tội nhân ở trong địa ngục này bị cháy sạch, không còn một chút gì nên gọi là địa ngục Đại Viêm.

Này Tỳ-kheo! Do nhân duyên này gọi là tám địa ngục lớn. Mỗi địa ngục lớn đều có mười sáu địa ngục nhỏ. Tên của các địa ngục đó là địa ngục Hoa Sen Xanh, địa ngục Hoa Sen Vàng, địa ngục Hoa Sen Đỏ, địa ngục Hoa Sen Trắng, địa ngục Chưa Từng Có, địa ngục Mãi Không, địa ngục Ngu Hoặc, địa ngục Rút Lại, địa ngục Núi Dao, địa ngục Tro Nóng, địa ngục Núi Lửa, địa ngục Sông Tro, địa ngục Gai Góc, địa ngục Phân Sôi, địa ngục Cây Kiếm, địa ngục Hòn Sắt Nóng. Mười sáu địa ngục nhỏ này không thể ước tính được, khiến những chúng sanh kia luân chuyển mãi trong đó.

Hoặc có chúng sanh phá hủy chánh kiến, phỉ báng và xa lìa Chánh pháp, sau khi qua đời đều bị đọa vào địa ngục Hoàn Hoạt.

Các chúng sanh nào ưa thích sát sanh, liền bị đọa vào địa ngục Hắc Thằng.

Chúng sanh nào giết mổ trâu, dê và nhiều loài khác, sau khi qua đời liền bị đọa vào địa ngục Ðẳng Hại.

Chúng sanh nào lấy của không cho, trộm cướp của người khác, liền đọa vào địa ngục Thế Khốc.

Chúng sanh nào ưa thích dâm dục, lại thêm nói dối, sau khi qua đời liền bị đọa vào địa ngục Đại Thế Khốc.

Chúng sanh nào giết hại cha mẹ, phá hoại chùa tháp, ly gián chúng Tăng, chê bai Thánh nhân, học theo tà kiến điên đảo, sau khi qua đời liền đọa vào địa ngục A-tỳ.

Chúng sanh nào nghe lời nói ở chỗ này rồi đem truyền đến nơi kia, nghe ở nơi kia rồi đem truyền đến chỗ này, mong chiếm được thiện lợi từ người khác thì sau khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục Viêm.

Chúng sanh nào gây chia rẽ đôi bên, tham đắm tài vật của người, khởi lòng ganh ghét keo kiệt, ôm lòng hoài nghi thì sau khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục Đại Viêm.

Chúng sanh nào tạo các loại nghiệp ác khác, sau khi qua đời sẽ bị đọa vào mười sáu địa ngục nhỏ.

[0748b07] Khi ấy, cai ngục hành hạ những chúng sanh kia, đau khổ không thể tính kể: Hoặc chặt tay, hoặc chặt chân, hoặc chặt cả tay chân; hoặc cắt mũi, hoặc xẻo tai, hoặc cắt cả tai lẫn mũi; hoặc lấy cây đè lên, hoặc lấy cỏ nhét vào bụng; hoặc nắm đầu tóc rồi treo ngược lên, hoặc lột da, lóc thịt; hoặc chẻ làm đôi, hoặc may kín lại, hoặc chặt thành năm phần; hoặc dùng lửa thiêu đốt, hoặc rưới nước sắt nóng lên; hoặc xé ra làm năm, hoặc kéo thân dài ra; hoặc dùng búa bén chém đầu, rồi trong giây lát liền sống lại. Cho đến khi tội nhân trả hết nghiệp trong ngục đó xong, sau đó mới được thoát khỏi.

Rồi cai ngục bắt chúng sanh kia, lấy chày lớn đập nát thân thể, hoặc róc gân xương, hoặc rượt đuổi khiến tội nhân leo lên cây bén nhọn như kiếm, lại rượt đuổi khiến phải tuột xuống, rồi bị các loài chim mỏ sắt đến mổ ăn. Lại bị trói chặt toàn thân không cho cử động rồi ném vào vạc nước sôi lớn, dùng chĩa sắt để chĩa vào thân, khi cơn gió thổi qua, thân ấy sống trở lại như cũ. Khi ấy, lính ngục lại bắt chúng sanh leo lên núi đao, núi lửa, không cho ngừng nghỉ. Chúng sanh trong những ngục đó chịu khổ không thể tính kể, chỉ khi nào tội lỗi mà họ đã tạo ở nhân gian dứt hết, khi ấy mới có cơ may thoát khỏi.

Đến khi người tội không thể nào chịu đựng được sự đau khổ thống thiết này, lại tìm vào địa ngục Tro Nóng, chịu khổ đau vô lượng. Thoát khỏi địa ngục này, tội nhân liền rơi vào địa ngục Chẻ Ngược, trong địa ngục này, gió thổi đau đớn không thể kể xiết. Thoát khỏi địa ngục ấy lại rơi vào địa ngục Phân Nóng. Trong địa ngục Phân Nóng, tội nhân bị các loài vi trùng cực nhỏ rúc rỉa thịt xương. Đến khi chúng sanh không còn chịu đựng nổi sự đau khổ tột cùng này, lại rơi vào địa ngục cây bén như kiếm, lúc ấy thịt nát xương tan, đau đớn không thể chịu đựng được.

Lúc ấy, cai ngục hỏi chúng sanh kia:
“Các ngươi từ đâu đến?”

Các tội nhân đáp:
“Chúng tôi cũng chẳng biết từ đâu đến.”

Cai ngục hỏi:
“Rồi các ngươi sẽ về đâu?”

Họ trả lời:
“Chúng tôi cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.”

Lại hỏi:
“Bây giờ, các ngươi muốn điều gì?”

Trả lời:
“Chúng tôi hiện rất đói khát.”

Khi ấy, cai ngục lấy hòn sắt nóng đổ vào miệng tội nhân kia, thân thể tội nhân liền bị thiêu cháy, đau đớn vô cùng. Cho đến khi trả hết tội cũ, sau đó mới qua đời. Tội nhân phải trải qua ngần ấy địa ngục như thế, phải ở trong đó chịu khổ hàng trăm ngàn năm, sau đó mới được thoát khỏi.

[0748c07] Tỳ-kheo nên biết! Vua Diêm-la liền nghĩ như vầy: “Nếu có những chúng sanh nào mà thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác thì phải thọ nhận những tội khổ như thế. Nếu có chúng sanh nào thân làm việc lành, miệng nói lời lành, ý nghĩ điều lành, với những người như thế sẽ được sanh vào cõi trời Quang Âm.”

Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:

Kẻ ngu thường thích thú,
Như ở trời Quang Âm,
Người trí thường sợ hãi,
Như ở trong ngục tù.

Lúc ấy, Vua Diêm-la liền nhắc nhở tội nhân: “Một ngày nào đó, mọi tội lỗi mà các ông đã tạo thuở xưa tiêu trừ hết, liền chết đi ở chốn này rồi được sanh làm thân người, ở chốn thị thành, được gặp gỡ bạn lành, có cha mẹ kính tin Phật pháp, được xuất gia học đạo trong chúng của Như Lai, dứt sạch phiền não trong đời hiện tại rồi thành tựu giải thoát. Ta nhắc nhở các ông một lần nữa, phải khởi lòng siêng năng để xa lìa tám nạn, được sanh vào chốn thị thành, được gặp gỡ bạn lành, được tu Phạm hạnh, thành tựu sở nguyện, không quên mất thệ nguyện xưa.”

Thế nên, này Tỳ-kheo! Nếu người thiện nam hay người thiện nữ nào muốn xa lìa tám địa ngục lớn và mười sáu địa ngục nhỏ thì nên tìm cầu phương tiện tu tập Thánh đạo tám chi.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. HÀNH TRÌNH CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT9
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong vườn Nại-kỳ thuộc thành Tỳ-xá-ly, rồi tuần tự du hóa trong nhân gian.

Khi ấy, Thế Tôn ngoảnh lại nhìn thành Tỳ-xá-ly và nói kệ này:

Nay ngắm Tỳ-xá-ly,
Ngày sau không thấy nữa,
Nơi này từ biệt đi,
Và không còn trở lại.

[0749a03] Bấy giờ, nghe xong bài kệ này, dân chúng trong thành Tỳ-xá- ly thảy đều đau buồn. Họ đi theo đức Thế Tôn, hết thảy đều rơi lệ bảo nhau: “Chẳng bao lâu nữa, Như Lai sẽ Diệt độ, thế gian này sẽ mất đi ánh sáng.”

Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi! Các vị chớ có sầu não, buồn lo! Vạn vật phải chịu sự hoại diệt mà muốn cho không hoại thì không thể được. Trước đây, Ta đã nói về bốn pháp căn bản, nhờ bốn pháp này mà Ta được chứng ngộ và Ta đã giảng nói bốn pháp này cho bốn bộ chúng. Đó là bốn pháp nào? Tất cả pháp đều vô thường, là pháp thứ nhất. Tất cả pháp là khổ, là pháp thứ hai. Tất cả pháp là vô ngã, là pháp thứ ba. Niết-bàn là diệt sạch gốc khổ, là pháp thứ tư. Thật vậy, không bao lâu nữa, Như Lai sẽ Diệt độ. Các vị phải biết bốn pháp căn bản này rồi giảng bày nghĩa lý cho tất cả chúng sanh.

Bấy giờ, vì muốn cho dân chúng thành Tỳ-xá-ly phải quay trở về nên đức Thế Tôn liền hóa hiện ra một cái hầm lớn, rồi Ngài đưa chúng Tỳ-kheo sang bờ bên kia và để dân chúng trong nước ở lại bờ bên này. Thế rồi, Thế Tôn liền ném cái bát của Ngài lên hư không, ban tặng cho dân chúng, rồi bảo:
– Các vị hãy khéo cúng dường cái bát này và cũng nên cúng dường các vị pháp sư tài trí, mãi mãi được phước vô lượng.

Sau khi ban tặng cái bát cho dân chúng thành Tỳ-xá-ly, đức Thế Tôn liền đi đến nước Câu-thi-na-kiệt.10

Lúc ấy, hơn năm trăm lực sĩ11 ở trong nước Câu-thi-na-kiệt nhóm họp ở một chỗ rồi bàn luận như vầy:
– Chúng ta hãy cùng nhau làm một việc thật kỳ đặc để sau khi qua đời, danh tiếng vang xa, được con cháu truyền tụng rằng: “Thuở xưa, các lực sĩ thành Câu-thi-na-kiệt có sức mạnh không ai sánh bằng.”

Một lát sau, họ suy nghĩ: “Chúng ta nên tạo lập công đức gì?”

Bấy giờ, cách thành Câu-thi-na-kiệt không xa, có tảng đá vuông lớn, dài một trăm hai mươi bộ,12 rộng sáu mươi bộ, họ bảo nhau: “Chúng ta cùng dựng nó lên.” Thế rồi, họ cố hết sức để dựng tảng đá nhưng chẳng thể nào xê dịch, huống hồ là dựng lên. Lúc ấy, Thế Tôn đi đến chỗ họ rồi hỏi rằng:
– Các ông muốn làm gì thế?

Các đồng tử bạch Phật:
– Chúng con đã cùng bàn bạc với nhau là muốn dời tảng đá này để danh tiếng đời đời lưu truyền. Bảy ngày đã trôi qua, chúng con đã cố hết sức nhưng không thể nào làm lay chuyển tảng đá này.

[0749b01] Phật bảo các đồng tử:
– Các ông muốn Như Lai dựng tảng đá này lên không?

Các đồng tử đáp:
– Nay thật đúng lúc, cúi xin Thế Tôn dựng lại tảng đá này!

Lúc ấy, Thế Tôn dùng bàn tay phải nâng tảng đá lên, chuyển sang bàn tay trái rồi ném tảng đá ấy vào không trung. Lúc ấy, tảng đá đó bay lên đến cõi trời Phạm thiên.

Các lực sĩ thành Câu-thi-na-kiệt không nhìn thấy tảng đá nữa, liền bạch Phật:
– Tảng đá ấy đang ở chỗ nào? Sao chúng con không thấy nữa?

Thế Tôn bảo:
– Tảng đá ấy hiện đã bay lên đến cõi trời Phạm thiên.

Các đồng tử bạch Phật:
– Khi nào thì tảng đá này sẽ rơi xuống cõi Diêm-phù-đề?

Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ dẫn thí dụ, người trí nhờ thí dụ này mà tự hiểu rõ. Giả sử có người lên đến cõi trời Phạm thiên, nâng tảng đá ấy rồi ném xuống thì mười hai năm mới đến cõi Diêm-phù-đề. Tuy nhiên hôm nay, do sức mạnh từ oai thần của Như Lai nên tảng đá đó đang rơi xuống.

Ðức Phật vừa dứt lời thì trong khoảnh khắc, tảng đá ấy đã rơi xuống. Giữa hư không, trăm ngàn loại hoa trời tuôn xuống như mưa.

Từ xa, thấy tảng đá đang rơi xuống, hơn năm trăm đồng tử liền tháo chạy tán loạn, không ai dám đứng ở chỗ cũ. Phật bảo các đồng tử:
– Chớ sợ hãi! Như Lai tự biết phải làm gì.

Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay trái đỡ tảng đá, đặt qua bàn tay phải rồi dựng đứng lên. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên cõi nước rung động sáu cách. Các vị trời thần diệu giữa hư không rải xuống vô số loại hoa sen xanh.13 Năm trăm đồng tử đồng thanh khen ngợi việc chưa từng có này:
– Thật là kỳ diệu! Thật là hiếm có! Oai thần của Như Lai thật không ai có thể sánh kịp. Tảng đá này dài một trăm hai mươi bộ, rộng sáu mươi bộ mà Thế Tôn chỉ dùng một tay để đặt viên đá xuống.

Lúc ấy, năm trăm đồng tử cùng bạch Phật:
– Như Lai dùng thần lực gì để di chuyển tảng đá này? Ngài dùng sức thần túc hay dùng sức trí tuệ để đặt viên đá xuống?

Phật bảo các đồng tử:
– Ta không dùng sức thần túc cũng chẳng dùng sức trí tuệ. Ta chỉ dùng sức mạnh từ cha mẹ để đặt tảng đá này xuống.

Các đồng tử bạch Phật:
– Chúng con không hiểu Như Lai dùng sức mạnh từ cha mẹ bằng cách nào?

Phật bảo:
– Ta sẽ nêu thí dụ cho các ông, người trí nhờ thí dụ mà tự hiểu rõ. Các ông nên biết! Sức mạnh của mười con lạc đà không bằng sức mạnh của một con voi. Lại nữa, sức mạnh của mười con lạc đà và một con voi thường không bằng sức mạnh của một con voi Ca-la-lặc. Lại nữa, sức mạnh của mười con lạc đà, một con voi thường và cả voi Ca-la-lặc không bằng sức mạnh của một con voi Cưu-đà-diên. Giả sử sức mạnh của mười con lạc đà, một con voi thường, cộng thêm sức mạnh của một con voi Cưu-đà-diên cũng không bằng sức mạnh của một con voi Bà-ma-na. Lại nữa, kể về sức mạnh của con voi Bà-ma-na thì không bằng sức mạnh của một con voi Ca-nê-lưu. Lại nữa, kể về sức mạnh của các con voi thì không bằng sức mạnh của một con voi Ưu-bát. Lại nữa, kể về sức mạnh của những con voi đây thì không bằng sức mạnh của một con voi Bát-đầu-ma. Lại nữa, kể về sức mạnh của những con voi đây thì không bằng sức mạnh của một con voi Câu-mâu-đà. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những con voi để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một con voi Phân- đà-lợi. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những con voi để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một con voi Hương Tượng. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những con voi để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một con voi Ma-ha-na-cực. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những con voi để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một con voi Na-la-diên. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những con voi để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một vị Chuyển Luân Thánh vương. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những vị Chuyển Luân Thánh vương để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một vị Bồ-tát không thoái chuyển.14 Lại nữa, gom hết sức mạnh của những vị Bồ-tát không thoái chuyển để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một vị Bồ-tát bổ xứ. Lại nữa, gom hết sức mạnh của những vị Bồ-tát bổ xứ để tính đếm và so sánh thì không bằng sức mạnh của một vị Bồ-tát ngồi dưới cội Bồ-đề.15 Lại nữa, gom hết sức mạnh của những vị Bồ-tát ngồi dưới cội Bồ-đề để tính toán và so sánh thì không bằng sức mạnh của một vị Như Lai do cha mẹ mà có thân thể. Nay Ta dùng sức mạnh của thân thể do cha mẹ mà có để đặt tảng đá này xuống.

[0749c19] Bấy giờ, năm trăm đồng tử lại bạch Phật:
– Sức mạnh thần túc của Như Lai thì thế nào?

Ðức Phật bảo:
– Trước đây, Ta có đệ tử tên là Mục-kiền-liên, là người có sức mạnh thần túc thông bậc nhất. Bấy giờ, Ta và Mục-kiền-liên đi du hóa trong thôn Vườn Trúc Tỳ-la-nhã. Lúc ấy, đất nước đang gặp nạn đói, dân chúng ăn thịt lẫn nhau, xương trắng đầy đường. Do vậy, hàng xuất gia và đạo sĩ khất thực rất khó khăn nên chúng Tăng gầy gò ốm yếu, sức lực suy kiệt. Lại nữa, dân chúng trong thôn đều đói khổ, không chốn nương nhờ. Lúc ấy, Ðại Mục-kiền-liên thưa với Ta rằng:

“Hiện nay, thôn Tỳ-la-nhã này quá ư đói khổ, không thể khất thực được, dân chúng khốn cùng, không còn đường sống. Đích thân con từng nghe Như Lai dạy rằng, dưới đất này có một lớp đất tự nhiên màu mỡ, cực kỳ thơm ngon. Cúi xin Thế Tôn cho phép đệ tử lật lớp đất màu mỡ ấy lên phía trên để dân chúng có được thức ăn, cũng khiến cho chúng Tăng có đầy đủ khí lực!”

[0750a01] Lúc ấy, Ta bảo Mục-liên:
– “Vậy thì, đối với các loài côn trùng cực nhỏ sống trong đất, thầy để chúng ở nơi nào?”

Mục-liên thưa:
“Con sẽ biến hóa một bàn tay giống với lớp đất này, rồi dùng một tay khác lật lớp đất màu mỡ ấy lên, khiến những loài côn trùng cực nhỏ vẫn được an ổn.”

Lúc ấy Ta bảo Mục-liên:
“Thầy dụng tâm thế nào mà muốn đảo ngược mặt đất này?”

Mục-liên thưa:
“Con đảo ngược mặt đất này giống như lực sĩ lật một chiếc lá, chẳng khó khăn gì.”

Khi ấy, Ta đã bảo Mục-liên:
“Thôi, thôi, này Mục-liên! Chẳng cần lật ngược lớp đất màu mỡ này. Vì sao như vậy? Vì chúng sanh thấy việc này sẽ kinh sợ, toàn thân sởn gai ốc, rồi tháp của chư Phật cũng sẽ bị hủy hoại theo.”

Lúc ấy, Mục-liên đến trước Ta, thưa rằng:
“Cúi xin Thế Tôn cho phép chúng Tăng sang châu Uất-đan-việt khất thực!”

Ta bảo Mục-liên:
“Trong đại chúng này, những người không có thần túc thì làm sao qua cõi nước ấy để khất thực?”

Mục-liên bạch:
“Những ai không có thần túc, con sẽ đưa họ sang cõi nước ấy.”

Ta bảo Mục-liên:
“Thôi, thôi, Mục-liên! Không cần phải đưa chúng Tăng sang cõi [nước] kia khất thực. Vì sao như vậy? Vì vào đời sau, khi gặp cảnh đói khổ như thế, khất thực khó khăn, con người gầy gò xấu xí. Bấy giờ, các Bà-la-môn trưởng giả sẽ bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Sao các ông không đến châu Uất-đan-việt khất thực? Thuở xưa, đệ tử của dòng họ Thích có thần túc lớn, khi gặp nạn đói khổ này, họ đã cùng nhau sang châu Uất-đan-việt khất thực để tự cứu mình. Ngày hôm nay, đệ tử của Thích-ca không có thần túc, cũng không có hạnh oai thần của Sa- môn.’ Nhân đó, các hàng trưởng giả cư sĩ kia khinh chê các Tỳ-kheo, sanh lòng kiêu mạn nên phải thọ vô lượng tội khổ. Mục-liên nên biết, do nhân duyên này mà chúng Tỳ-kheo không nên cùng sang bên cõi ấy để khất thực.”

Các ông nên biết! Thần túc của Mục-liên có oai đức như thế. Nếu xét về sức thần túc của Mục-liên thì bao trùm khắp ba ngàn đại thiên cõi nước, không bỏ sót nơi nào, nhưng không bằng phần trăm, phần ngàn, phần vạn ức so với sức mạnh thần túc của Như Lai, không thể dùng thí dụ để so sánh được. Thần túc của Như Lai, oai đức ấy không thể tính kể.

Các đồng tử bạch Phật:
– Sức trí tuệ của Như Lai như thế nào?

Ðức Phật bảo:
– Trước đây, Ta cũng có đệ tử tên là Xá-lợi-phất, là người đứng đầu trong những bậc có trí tuệ. Như đại dương với chiều ngang, chiều dọc đều tám vạn bốn ngàn do-tuần, chứa nước đầy ắp. Lại như núi Tu-di cao tám vạn bốn ngàn do-tuần, phần chìm trong nước cũng bằng chừng ấy. Cõi Diêm-phù-đề, từ Nam đến Bắc rộng hai vạn một ngàn do-tuần, từ Đông sang Tây rộng bảy ngàn do- tuần. Hãy lấy những điều này để so sánh. Dùng nước trong bốn biển làm mực, dùng núi Tu-di để làm giấy, dùng cỏ cây hiện có trong cõi Diêm-phù-đề làm bút, lại khiến dân chúng trong ba ngàn đại thiên cõi nước cùng nhau viết và tả về hạnh nghiệp trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Thế nhưng, các ông nên biết! Cho dù lượng mực nhiều như nước bốn biển thảy đều khô cạn, bút hư mòn hết, con người cũng chết dần, nhưng cũng không thể nào tả hết trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Thật vậy, này các đồng tử! Người có trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Ta, không ai vượt hơn Xá-lợi-phất. Trí tuệ của Tỳ-kheo Xá-lợi-phất trùm khắp ba ngàn đại thiên cõi nước, không sót chỗ nào, nhưng nếu so sánh với trí tuệ của Như Lai thì không bằng phần trăm, phần ngàn, phần vạn ức, không thể dùng thí dụ để so sánh. Sức trí tuệ của Như Lai là như thế!

[0750b12] Lúc ấy, các đồng tử lại bạch Phật:
– Có sức mạnh nào hơn sức mạnh này chăng?

Đức Phật đáp:
– Còn một sức mạnh hơn hẳn những sức mạnh nêu trên. Sức mạnh đó là gì? Đó là sức mạnh của vô thường. Vào nửa đêm nay, ở giữa hai cội cây, Như Lai sẽ bị sức mạnh vô thường chi phối nên sẽ Diệt độ.16

Bấy giờ, các đồng tử đều rơi lệ, than thở:
– Như Lai Diệt độ sao mau chóng quá! Mắt sáng thế gian đã gần diệt rồi! Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Quân-trà-la-hệ-đầu, là con gái của trưởng giả Bà-la-đà. Tỳ-kheo-ni này liền suy nghĩ như vầy: “Ta nghe đức Thế Tôn chẳng bao lâu nữa sẽ Diệt độ. Ngày giờ sắp hết, ta nên đến chỗ Thế Tôn để thăm viếng và thưa hỏi.”

Thế rồi, Tỳ-kheo-ni kia liền ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đi đến chỗ Thế Tôn. Từ xa, thấy Như Lai cùng chúng Tỳ-kheo và năm trăm đồng tử đang đi đến khu rừng, Tỳ-kheo-ni liền đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi thưa:
– Con nghe Thế Tôn sắp Diệt độ, chẳng còn ở đời bao lâu nữa.

Thế Tôn đáp:
– Vào nửa đêm nay, Như Lai sẽ Diệt độ.

Khi ấy, Tỳ-kheo-ni bạch Phật:
– Con xuất gia học đạo nhưng không đạt kết quả như ý nguyện. Nay Thế Tôn lại bỏ con mà Diệt độ, cúi xin Ngài giảng nói pháp vi diệu để con thành tựu sở nguyện!

Đức Phật bảo:
– Con hãy tư duy về nguồn gốc của khổ.

Tỳ-kheo-ni lại bạch Phật:
– Khổ là thật, bạch Thế Tôn! Khổ là thật, bạch Như Lai!

[0750c01] Phật lại hỏi:
– Con đã quán sát những nghĩa lý gì mà gọi là khổ?

Tỳ-kheo-ni bạch Phật:
– Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, ưu bi, phiền não là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ, thương yêu phải chia lìa là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Thật vậy, bạch Thế Tôn! Con đã quán sát nghĩa lý này nên mới nói là khổ.

Thế rồi, Tỳ-kheo-ni ấy tư duy về nghĩa lý này xong, ngay tại chỗ ngồi liền chứng đắc Ba minh.17 Tỳ-kheo-ni liền bạch Phật:
– Con không thể chịu đựng khi nhìn thấy Thế Tôn Diệt độ, cúi xin Ngài cho phép con Diệt độ trước!

Khi ấy, Thế Tôn yên lặng nhận lời.

Thế rồi, Tỳ-kheo-ni liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi ở trước Phật, chỉ trong khoảnh khắc đã bay lên hư không, hiện mười tám phép biến hóa: Hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành, thân phóng ra khói lửa, ẩn hiện tự tại không hề ngăn ngại, hoặc phóng lửa, tuôn nước đầy giữa hư không. Sau khi hiển bày vô số sự biến hóa rồi, Tỳ-kheo-ni ấy liền an trụ nơi cảnh giới Niết-bàn Vô dư mà Diệt độ.

Bấy giờ, trong ngày Tỳ-kheo-ni ấy Diệt độ, có tám vạn thiên tử cũng đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Ta, Tỳ-kheo-ni có trí tuệ nhạy bén bậc nhất chính là Quân-trà-la.

Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Thầy hãy đến giữa hai gốc cây, trải tòa cho Như Lai, đầu hướng về phương Bắc.

Tôn giả A-nan thưa:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!

Vâng lời Phật dạy, Tôn giả A-nan liền đến khoảng giữa hai gốc cây trải tòa cho Như Lai, rồi trở lại chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, thưa:
– Con đã trải tòa xong, đầu hướng về phương Bắc, Như Lai nên biết đúng thời.

Thế rồi, đức Thế Tôn liền đi đến giữa hai gốc cây, vào tòa đã trải sẵn. Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Vì nhân duyên gì mà Như Lai dạy con trải tòa, đầu hướng về phương Bắc?

Phật bảo A-nan:
– Sau khi Ta Diệt độ, Phật pháp sẽ lưu truyền ở phương Bắc Thiên Trúc. Do nhân duyên này nên Ta bảo trải tòa hướng về phương Bắc.

Lúc ấy, Thế Tôn giảng giải về ba pháp y. Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Hôm nay, vì duyên gì mà Như Lai lại giảng giải về ba pháp y?

Phật bảo A-nan:
– Ta vì người thí chủ, người bố thí18 trong đời tương lai nên mới giảng giải về ba pháp y. Vì muốn cho họ được hưởng phước này nên Ta mới giảng giải về ba pháp y như vậy.

Bấy giờ, chỉ trong khoảnh khắc, từ miệng của Thế Tôn phát ra ánh sáng năm màu, chiếu sáng khắp nơi.

Lúc ấy, A-nan lại bạch Phật:
– Hôm nay, do nhân duyên gì mà từ miệng của Như Lai phát ra ánh sáng năm màu?

[0751a01] Ðức Phật bảo:
– Ta vừa khởi lên ý nghĩ như vầy: “Khi chưa thành đạo, Ta đã từng ở trong địa ngục lâu dài, ăn hòn sắt nóng, hoặc ăn cỏ cây để nuôi thân tứ đại, hoặc làm loài lừa, lạc đà, voi, ngựa, heo, dê, hoặc làm ngạ quỷ, hoặc nhờ bốn đại mà được thân người, hoặc chịu sự khốn khổ của thọ thai, hoặc được phước trời, được ăn vị cam lộ tự nhiên. Nay Ta đã thành Như Lai, do năm căn, năm lực, bảy giác chi và Thánh đạo tám chi mà thành tựu thân Như Lai.19” Do nhân duyên này nên từ miệng phát ra ánh sáng năm màu như thế.

Lúc ấy, chỉ trong khoảnh khắc, từ miệng của Phật lại phóng ra ánh sáng vi diệu hơn ánh sáng lúc trước. Thế rồi, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Lại do nhân duyên gì khiến Như Lai phóng ra ánh sáng thù thắng hơn trước? Đức Phật bảo:

Ta vừa khởi lên ý nghĩ như vầy: “Thuở quá khứ, các đức Phật, Thế Tôn Diệt độ, giáo pháp của các Ngài truyền lại không tồn tại lâu bền ở thế gian.” Ta lại suy nghĩ thêm: “Dùng phương tiện gì khiến giáo pháp của Ta được tồn tại lâu dài ở thế gian? Thân Như Lai chính là thân kim cang nên Ta muốn nghiền thân này nhỏ như hạt cải để lưu truyền khắp thế gian, khiến cho những người thí chủ có tín tâm đời sau, tuy không thể thấy được hình tượng Như Lai nhân đây mà được cúng dường. Nhờ nhân duyên cúng dường này mà được phước báu, được sanh trong gia đình thuộc bốn chủng tánh, hoặc được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Ba Mươi Ba, cõi trời Diệm-ma, cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Nhờ phước báu này, họ sẽ sanh vào cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hoặc được chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn, quả vị Tư-đà-hàm, quả vị A-na-hàm, quả vị A-la-hán, quả vị Độc giác hoặc thành Phật đạo.” Do nhân duyên này nên Ta phát ra ánh sáng như thế.

Bấy giờ, Thế Tôn tự mình gấp y Tăng-già-lê thành bốn lớp, rồi Ngài nằm nghiêng hông bên phải, hai chân xuôi thẳng xếp chồng lên nhau. Lúc ấy, Tôn giả A-nan rơi lệ khóc thương, không thể tự kiềm chế, lại tự trách mình: “Ta chưa thành đạo, còn bị kiết sử ràng buộc, nhưng nay Thế Tôn bỏ ta mà Diệt độ, ta biết phải nương tựa vào ai đây?”

Lúc ấy, Thế Tôn dù biết mà vẫn hỏi các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo A-nan đang ở đâu?

Các Tỳ-kheo thưa:
– Tỳ-kheo A-nan hiện đứng phía sau chỗ Như Lai đang nằm, buồn khóc rơi lệ, không thể kiềm chế, tự trách mình chưa thành đạo, lại chưa đoạn trừ kiết sử, nhưng nay Thế Tôn lìa bỏ Tôn giả mà nhập Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
– Thôi, thôi, này A-nan! Thầy chớ buồn lo. Mọi vật ở đời đều phải hư hoại, nếu muốn chúng không thay đổi thì điều ấy không thể được. Thầy cần phải hết sức siêng năng, khởi tâm tu tập theo Chánh pháp, được như thế thì không bao lâu thầy sẽ vượt thoát khổ đau,20 thành tựu hạnh vô lậu. Các đức Như Lai,21 A-la-hán,22 Chánh Ðẳng Chánh Giác23 trong thời quá khứ cũng có thị giả như thế. Giả sử hằng sa chư Phật ở đời tương lai cũng sẽ có thị giả như A-nan.

Chuyển Luân Thánh vương có bốn pháp chưa từng có. Là những pháp nào? Đó là, lúc Chuyển Luân Thánh vương đi ra khỏi cõi nước, dân chúng khi trông thấy ngài đều rất vui mừng. Lúc Chuyển Luân Thánh vương dạy bảo điều gì thì ai nghe cũng rất vui mừng. Lời dạy bảo của Chuyển Luân Thánh vương nghe hoài không chán. Lúc Chuyển Luân Thánh vương im lặng, giả sử dân chúng thấy vua im lặng cũng đều rất vui mừng. Như vậy, này Tỳ-kheo! Ðó là bốn pháp chưa từng có của Chuyển Luân Thánh vương.

[0751b10] Tỳ-kheo nên biết! Hiện tại, A-nan cũng có bốn pháp chưa từng có. Là những pháp nào? Lúc Tỳ-kheo A-nan im lặng đi vào giữa đại chúng, những ai trông thấy thì thảy đều vui mừng. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có nói điều gì, những ai được nghe lời ấy cũng đều hoan hỷ; lúc thầy ấy im lặng cũng lại như thế. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có đi vào giữa bốn bộ chúng, như chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, hoặc vào trong chúng của vua, chúng cư sĩ thì hết thảy đều hoan hỷ, khởi tâm cung kính, ngắm nhìn A-nan không biết nhàm chán. Giả sử Tỳ-kheo A-nan có giảng nói điều gì, những người được nghe pháp luôn lãnh thọ không hề nhàm chán.

Thật vậy, này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo A-nan có bốn pháp chưa từng có như thế.

Lúc ấy, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
– Phải xử sự như thế nào khi giao tiếp với người nữ? Vì hiện tại, Tỳ-kheo khi đến giờ thì phải đắp y, ôm bát, rồi phải đi từng nhà khất thực để tạo phước cứu độ chúng sanh.

Phật bảo A-nan:
– Chớ có gặp gỡ họ! Nếu như phải gặp gỡ thì đừng nói chuyện với họ. Nếu như phải cùng nói chuyện thì phải giữ tâm ý chuyên nhất.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Chớ giao thiệp nữ nhân,
Đừng nói chuyện, thân gần,
Ai xa lìa nữ sắc,
Tám nạn khỏi vướng thân! 24

Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Nên hành xử với Tỳ-kheo Xa-nặc25 như thế nào?

Thế Tôn dạy:
– Nên dùng Phạm pháp26 để trách phạt!

A-nan bạch Phật:
– Thế nào gọi là trách phạt bằng Phạm pháp?

Thế Tôn dạy:
– Không nên nói chuyện với Tỳ-kheo Xa-nặc, cũng chớ nói lời thiện lành, cũng đừng nói điều xấu ác. Tỳ-kheo ấy cũng không được nói gì với các thầy.

A-nan bạch Phật:
– Giả như Tỳ-kheo ấy không tuân theo thì việc phạm tội có nặng thêm chăng?

Phật dạy:
– Chỉ dùng cách không nói chuyện, tức là dùng Phạm pháp để trách phạt. Nhưng nếu Tỳ-kheo ấy không sửa đổi thì sẽ đưa ra giữa đại chúng để mọi người cùng quyết định đuổi đi, không cho thuyết giới chung, cũng không cho phép tham dự pháp hội.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Muốn đáp trả oan gia,     
Cho kẻ oan gia đó,
Nhớ đừng nên trò chuyện,
Lỗi này không quá to.

Lúc ấy, nghe tin Thế Tôn sẽ Diệt độ vào lúc nửa đêm, dân chúng thành Câu- thi-na-kiệt cùng kéo đến rừng Song Thọ. Đến nơi, họ cúi đầu lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, dân chúng bạch Phật:
– Nghe tin Như Lai sắp Diệt độ, chúng con phải làm gì để tỏ lòng tôn kính?

Lúc ấy, Thế Tôn ngoái nhìn Tôn giả A-nan. Tôn giả A-nan liền nghĩ: “Hôm nay thân thể Như Lai mệt nhọc, Ngài muốn bảo ta chỉ dạy ý nghĩa này cho họ.” A-nan liền quỳ gối bên phải xuống đất, chắp tay bạch Phật:
– Nay có hai người, một người tên là Bà-a-đà, người thứ hai tên là Tu-bạt- đà đến xin quy y Như Lai và Thánh chúng. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ được làm ưu-bà-tắc, từ nay về sau không sát sanh nữa!

Lại có hai người là Đế-xa và Ưu-ba-đế-xa, lại có hai người nữa là Phật-xá và Kê-đầu, những người này đều đến xin quy y Như Lai. Cúi xin Thế Tôn cho phép họ được làm ưu-bà-tắc, từ nay về sau không sát sanh, vâng giữ năm giới!

[0752a01] Lúc ấy, sau khi thuyết giảng giáo pháp cho họ xong, Như Lai bảo họ quay trở về. Bấy giờ, nhóm năm trăm người Ma-la27 liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
– Những đệ tử chứng ngộ cuối cùng của Ta chính là năm trăm người Ma-la ở Câu-thi-na-kiệt.

Bấy giờ, Phạm chí Tu-bạt từ một nước khác đang đi đến nước Câu-thi-na- kiệt. Từ xa, thấy năm trăm người đi đến, ông ta liền hỏi:
– Các ông từ đâu đến đây?

Năm trăm người đáp:
– Tu-bạt nên biết! Hôm nay, đức Thế Tôn sẽ Diệt độ trong rừng Song Thọ.

Tu-bạt liền nghĩ: “Như Lai ra đời rất khó gặp. Sự xuất hiện ở đời của Như Lai thật lâu mới có, như hoa Ưu-đàm-bát, ức kiếp mới nở một lần. Nay ta có các điều nghi ngờ, không hiểu rõ các pháp, chỉ có Sa-môn Cù-đàm mới giải đáp được những điều nghi ngờ của ta. Nay ta nên đến chỗ Cù-đàm ấy để thưa hỏi ý nghĩa này.”

Lúc ấy, Phạm chí Tu-bạt đi đến rừng Song Thọ, đến chỗ Tôn giả A-nan rồi thưa rằng:
– Tôi nghe hôm nay Thế Tôn sẽ Diệt độ, có đúng như thế không?

A-nan đáp:
– Thật đúng như thế!

Tu-bạt thưa:
– Tôi còn có điều nghi ngờ, xin Tôn giả giúp tôi thưa với Thế Tôn rằng: “Có người không hiểu chủ thuyết của sáu vị giáo chủ,28 xin Sa-môn Cù-đàm giảng nói, có được chăng?”

A-nan trả lời:
– Thôi, thôi, Tu-bạt! Chớ nên xúc nhiễu Như Lai.

Tu-bạt và A-nan trải qua ba lần đối đáp như vậy. Thế rồi, Tu-bạt lại nói với A-nan:
– Như Lai ra đời rất khó gặp, như hoa Ưu-đàm-bát thật lâu mới nở. Như Lai cũng như thế, lâu thật lâu mới xuất hiện. Nay tôi xét thấy chỉ có Như Lai mới đủ khả năng giải quyết những điều nghi ngờ của tôi. Những điều tôi muốn hỏi không có ngôn từ nào để nói hết, nhưng hôm nay A-nan không cho tôi đến bạch với Thế Tôn. Tôi từng nghe rằng, Như Lai thấy rõ tương lai không cùng tận, biết chuyện quá khứ không ngằn mé, nhưng hôm nay lại từ chối tiếp nhận tôi.

Lúc ấy, bằng thiên nhĩ, Thế Tôn nghe những lời Tu-bạt nói với A-nan như thế, Ngài liền bảo A-nan:
– Thôi, thôi, này A-nan! Chớ có ngăn cản Phạm chí Tu-bạt. Vì sao như vậy? Bởi những điều ông ấy hỏi sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người. Nếu Ta thuyết pháp thì ông ấy liền được giải thoát.

A-nan bảo Tu-bạt:
– Lành thay, lành thay! Như Lai đã cho phép ông vào bên trong để thưa hỏi pháp.

Nghe xong, Tu-bạt thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng.

Thế rồi, Tu-bạt đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

[0752b02] Bấy giờ, Tu-bạt bạch Phật:
– Nay con có điều muốn hỏi, cúi xin Thế Tôn cho phép!

Thế Tôn bảo Tu-bạt:
– Nay chính phải lúc, ông cứ tùy nghi thưa hỏi!

Tu-bạt bạch Phật:
– Thưa Cù-đàm! Các Sa-môn khác biết các loại toán số, phép thuật, giỏi hơn rất nhiều người. Ðó là Bất-lan Ca-diếp,29 A-di-chuyên,30 Cù-da-lâu,31 Chi-hưu Ca-chiên,32 Tiên-tỷ Lô-trì,33 Ni-kiền tử,34... Những người này có thể biết được mọi việc trong ba đời chăng? Hay là không biết? Trong nhóm sáu vị giáo chủ ấy, có ai hơn Như Lai chăng?

Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, này Tu-bạt! Chớ hỏi về ý nghĩa này. Cần gì phải hỏi họ hơn Như Lai hay không? Hôm nay, ở tại nơi này, Ta sẽ giảng nói pháp cho ông, hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ!

Tu-bạt bạch Phật:
– Con xin được hỏi nghĩa lý thâm sâu, nay đã đúng thời, cúi xin Thế Tôn giảng nói!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo:
– Năm hai mươi chín tuổi ta mới bắt đầu học đạo, vì muốn cứu độ chúng sanh nên đến năm ba mươi lăm tuổi, Ta theo học với các ngoại đạo. Từ đó đến nay, Ta không hề thấy có Sa-môn hay Bà-la-môn nào, bởi vì trong đại chúng nào mà không có tám pháp của Hiền thánh thì ở đó không có bốn quả Sa-môn. Này Tu-bạt! Đó gọi là thế gian trống không, không có bậc Chân nhân đắc đạo. Do đó, trong pháp Hiền thánh nào có tám pháp của Hiền thánh thì ở đó mới có bốn quả Sa-môn. Vì sao như vậy? Bởi vì, bốn quả Sa-môn đều do con đường tám phẩm Hiền thánh mà thành. Này Tu-bạt! Nếu Ta không chứng đắc đạo Vô thượng Chánh chân là do không đạt được con đường tám phẩm Hiền thánh. Nhờ đạt được con đường tám phẩm Hiền thánh nên Ta mới thành tựu Phật đạo. Thế nên, này Tu-bạt, hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu con đường tám phẩm Hiền thánh.

Tu-bạt lại bạch Phật:
– Con cũng ưa muốn được nghe con đường tám phẩm Hiền thánh, cúi xin Ngài giảng nói cho con!

Phật dạy:
– Tám con đường gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh mạng, chánh nghiệp, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.35 Này Tu-bạt! Ðó là con đường tám phẩm Hiền thánh.

Lúc ấy, ngay tại chỗ ngồi, Tu-bạt liền đạt được Pháp nhãn thanh tịnh. Tu-bạt liền thưa Tôn giả A-nan:
– Hôm nay, con rất vui mừng vì đạt được lợi ích. Cúi xin Thế Tôn cho phép con được làm Sa-môn!

A-nan đáp:
– Ông hãy đích thân đến trước Thế Tôn để cầu xin được làm Sa-môn.

Tu-bạt liền đến trước đức Thế Tôn, cúi đầu lạy sát chân Phật rồi thưa:
– Cúi xin Thế Tôn cho phép con được làm Sa-môn!

Bấy giờ, Tu-bạt liền thành Sa-môn, thân mặc ba pháp y. Khi ngước lên chiêm ngưỡng dung nhan của đức Thế Tôn, ngay khi ấy tâm của Tu-bạt liền giải thoát khỏi phiền não.

[0752c03] Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
– Ðệ tử cuối cùng của Ta, đó chính là Tu-bạt.

Tu-bạt bạch Phật:
– Con nghe Thế Tôn vào giữa đêm nay sẽ nhập Niết-bàn. Cúi xin Thế Tôn cho con được nhập Niết-bàn trước! Con không thể chịu đựng nổi khi thấy Thế Tôn Diệt độ trước.

Bấy giờ, Thế Tôn yên lặng hứa khả. Vì sao như vậy? Vì hằng sa chư Phật, Thế Tôn trong đời quá khứ, đệ tử nào chứng đạo sau cùng đều nhập Niết-bàn trước, sau đó Như Lai mới Diệt độ. Ðây là thường pháp của chư Phật, Thế Tôn, chẳng phải chỉ mới diễn ra hôm nay.

Thấy Thế Tôn đã hứa khả, Tu-bạt liền ở trước Phật, thân tâm ngay thẳng, buộc niệm trước mặt, liền Diệt độ nơi cảnh giới Niết-bàn Vô dư. Lúc ấy, mặt đất rung động sáu cách.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Tất cả pháp vô thường,
Có sanh ắt có tử,
Không sanh thì không tử,
Diệt độ, vui tối thượng.

Lúc ấy, Thế Tôn bảo A-nan:
– Từ nay về sau, hãy nhắc nhở các Tỳ-kheo không nên cư xử thô tháo với nhau, người lớn xưng là Tôn giả, người nhỏ xưng là Hiền giả, nên xem nhau như anh em. Từ nay về sau không được xưng tên do cha mẹ đặt.

A-nan bạch Phật:
– Các Tỳ-kheo phải tự xưng danh hiệu của mình như thế nào?

Phật dạy:
– Nếu thầy Tỳ-kheo nhỏ thì gọi thầy Tỳ-kheo lớn là Trưởng lão. Tỳ-kheo lớn gọi thầy Tỳ-kheo nhỏ bằng tên họ. Lại nữa, nếu các Tỳ-kheo muốn đặt tên thì phải y cứ vào Tam bảo. Ðây là lời dạy bảo của Ta.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

4. TÁM PHÁP CỦA BIỂN36
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Lộc Dã, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, a-tu-la Ba-ha-la37 và thiên tử Mâu-đề-luân đến chỗ Phật trái thời, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Khi ấy, đức Phật hỏi a-tu-la:
– Có phải các ông rất thích biển cả?

A-tu-la bạch Phật:
– Thật đúng như vậy! Rất ưa thích.

Ðức Phật bảo:
– Trong biển cả có những pháp đặc biệt gì, để rồi sau khi thấy thì các ông liền ưa thích ở trong ấy?

[0753a01] A-tu-la bạch Phật:
– Trong biển cả có tám pháp chưa từng có nên các a-tu-la đều ưa thích ở trong đó. Tám pháp đó là biển cả cực kỳ sâu rộng, đó là pháp chưa từng có thứ nhất.

Lại nữa, biển cả có điều thần diệu như vầy, với bốn dòng sông lớn, mỗi dòng sông dẫn theo năm trăm nhánh sông nhỏ cùng đổ vào biển cả. Khi đã đổ vào biển cả rồi, những con sông ấy không còn giữ tên riêng. Đó là pháp chưa từng có thứ hai.

Lại nữa, biển cả đều cùng một vị. Đó là pháp chưa từng có thứ ba.

Lại nữa, thủy triều trong biển cả lên xuống đều hợp thời. Đó là pháp chưa từng có thứ tư.

Lại nữa, biển cả là nơi cư trú của quỷ thần, các loài có hình tướng đều ở trong biển cả. Đó là pháp chưa từng có thứ năm.

Lại nữa, biển cả dung chứa những loài có thân hình cực kỳ to lớn, từ một trăm do-tuần cho đến bảy ngàn do-tuần nhưng không cảm thấy chật hẹp. Đó là pháp chưa từng có thứ sáu.

Lại nữa, biển cả sản sinh vô số châu báu như xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thủy tinh và lưu ly. Đó là pháp chưa từng có thứ bảy.

Lại nữa, đáy biển có cát bằng vàng, lại có núi Tu-di được tạo thành bởi bốn thứ châu báu. Đó là điều chưa từng có thứ tám.

Ðây là tám pháp chưa từng có, khiến các a-tu-la đều ưa thích ở trong ấy.

Bấy giờ, a-tu-la bạch Phật:
– Giáo pháp của Như Lai có điều gì kỳ đặc, khiến cho các Tỳ-kheo khi đã trông thấy liền vui thích38 ở trong đó?

Phật bảo a-tu-la:
– Có tám pháp chưa từng có khiến cho các Tỳ-kheo vui thích khi ở trong đó. Là những pháp nào? Trong giáo pháp của Ta đầy đủ giới luật, không có sự buông lung. Đó là pháp chưa từng có thứ nhất. Các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích ở trong đó, như biển cả kia vô cùng sâu rộng.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta có đủ bốn chủng tánh và tất cả đều được làm Sa-môn. Khi vào trong giáo pháp của Ta thì không sử dụng tên cũ mà được ban cho tên mới.39 Cũng như biển cả kia, bốn con sông lớn thảy đều đổ về, nhưng nước biển chỉ đồng một vị, cũng chẳng có tên gọi nào khác. Đó là pháp chưa từng có thứ hai.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta thiết lập cấm giới, cùng nhau vâng giữ, không thể vượt qua. Đó là pháp chưa từng có thứ ba.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta đều cùng một vị, đó là vị của tám đạo phẩm Hiền thánh. Đó là pháp chưa từng có thứ tư, như biển cả kia thảy đồng một vị.

[0753b01] Lại nữa, trong giáo pháp của Ta có nhiều pháp khác nhau và những pháp đó thảy đều trọn vẹn đầy đủ, đó là bốn pháp niệm xứ,40 bốn chánh cần,41 bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và Thánh đạo tám chi.42 Các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích ở trong ấy, như biển cả kia luôn có các vị thần cư trú. Đó là pháp chưa từng có thứ năm.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta có đủ các loại châu báu. Đó là châu báu niệm giác chi, châu báu trạch pháp giác chi, châu báu tinh tấn giác chi, châu báu hỷ giác chi, châu báu khinh an giác chi, châu báu định giác ý chi và châu báu xả giác chi.43 Đó là điều chưa từng có thứ sáu. Các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích ở trong ấy, như biển cả kia sản sanh ra đủ loại châu báu.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta có nhiều chúng sanh cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, Diệt độ trong cõi Vô dư Niết-bàn, nhưng giáo pháp của Ta không tăng thêm, cũng không giảm bớt. Như biển cả kia, tuy các dòng sông đều đổ về nhưng mực nước biển không tăng không giảm. Đó là pháp chưa từng có thứ bảy. Các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích ở trong đó.

Lại nữa, trong giáo pháp của Ta có định Kim cang, có định Diệt tận, có định Nhất thiết quang minh, có được định Bất khởi,44 có đủ loại chánh định như thế, nhiều không tính kể, các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích, như đáy biển kia có lớp cát vàng. Đó là pháp chưa từng có thứ tám. Các Tỳ-kheo sau khi thấy pháp liền vui thích ở trong ấy.

Trong giáo pháp của Ta có tám pháp chưa từng có này, các Tỳ-kheo ở trong pháp ấy chứng đạt và an trú rất nhiều.45

Lúc ấy, a-tu-la bạch Phật:
– Giả sử trong giáo pháp của Như Lai chỉ có một pháp chưa từng có thôi thì đã gấp hơn cả trăm lần, ngàn lần so với tám việc chưa từng có của biển cả kia và không thể so sánh, đó là tám con đường của Hiền thánh. Lành thay! Bạch đức Thế Tôn! Ngài đã hoan hỷ giảng nói pháp này.

Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, phiền não là tai họa lớn, vượt thoát là an vui. Bấy giờ, biết tâm ý a-tu-la đã khai mở, Thế Tôn liền giảng thuyết các pháp rốt ráo mà chư Phật, Thế Tôn thường nói, đó là khổ, tập, diệt, đạo.

Bấy giờ, a-tu-la liền ngẫm nghĩ: “Lẽ ra phải có năm sự thật, nay Thế Tôn chỉ giảng nói bốn sự thật cho ta, còn đối với chư thiên thì Ngài giảng nói năm sự thật.”

Khi ấy, ngay tại chỗ ngồi, thiên tử liền đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.

A-tu-la bạch Phật:
– Lành thay, Thế Tôn! Ngài đã hoan hỷ giảng nói pháp này. Nay con muốn trở về.

Phật dạy:
– Nay thật đúng lúc!

A-tu-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật rồi theo lối cũ trở về.

[0753c01] Khi ấy, thiên tử bảo a-tu-la:
– Lúc nãy, suy nghĩ của ông thật không tốt. Ông cho rằng: “Như Lai vì chư thiên nên giảng nói năm sự thật, còn với các ông thì chỉ giảng nói bốn sự thật.” Vì sao như thế? Bởi vì chư Phật, Thế Tôn không bao giờ nói hai lời, chư Phật không bao giờ buông bỏ chúng sanh, thuyết pháp cũng không hề mỏi mệt, giảng nói pháp không cùng tận, cũng chẳng chọn lựa người để nói pháp và luôn giảng nói pháp với tâm bình đẳng. Chỉ có bốn sự thật là khổ, tập, diệt và đạo. Ông chớ suy nghĩ như thế rồi chê trách Như Lai, cho rằng có năm sự thật.

A-tu-la trả lời:
– Tôi đã tạo nghiệp bất thiện, tôi sẽ tự mình sám hối. Tôi phải nên đến hỏi Như Lai về ý nghĩa này.

Bấy giờ, a-tu-la và thiên tử nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5. ĐẤT RUNG CHUYỂN46
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Có tám nhân duyên khiến cho trời đất rung chuyển.47 Là những nhân duyên nào? Tỳ-kheo nên biết! Cõi Diêm-phù-đề này, từ Nam đến Bắc rộng hai vạn một ngàn do-tuần, từ Đông sang Tây rộng bảy ngàn do-tuần, bề dày sáu vạn tám ngàn do-tuần, mực nước sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, lớp lửa dày tám vạn bốn ngàn do-tuần. Dưới lớp lửa có lớp gió dày sáu vạn tám ngàn do-tuần. Khoảng giữa lớp gió và núi Kim Cang Luân có Xá-lợi của hết thảy chư Phật, Thế Tôn trong thời quá khứ.

Tỳ-kheo nên biết! Khi cuồng phong dấy động thì lửa cũng dấy động theo. Lửa đã dấy động thì nước liền dấy động. Nước đã dấy động thì đất liền rung chuyển. Ðây là nhân duyên thứ nhất khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, lúc Bồ-tát từ cõi trời Ðâu-suất giáng thần rồi trụ nơi thai mẹ, lúc ấy mặt đất cũng rung chuyển. Ðây là nhân duyên thứ hai khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, lúc Bồ-tát giáng thần ra khỏi thai mẹ, lúc ấy mặt đất cũng rung chuyển mạnh. Ðây là nhân duyên thứ ba khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, lúc Bồ-tát xuất gia học đạo, thành tựu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, lúc ấy trời đất rung chuyển. Ðây là nhân duyên thứ tư khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, lúc Như Lai Diệt độ, vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn, lúc ấy mặt đất rung chuyển. Ðây là nhân duyên thứ năm khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, như Tỳ-kheo có thần túc lớn,48 tâm được tự tại, hiển bày vô số biến hóa tùy theo ý muốn, hoặc phân ra trăm ngàn thân, rồi hợp lại thành một thân, hoặc bay giữa hư không, xuyên qua vách đá, ẩn hiện tự tại, quán sát đất nhưng không tưởng đến đất,49 thảy đều rỗng không, lúc ấy mặt đất rung chuyển. Ðây là nhân duyên thứ sáu khiến mặt đất rung chuyển.

[0754a02] Lại nữa, chư thiên có thần túc lớn, thần đức vô lượng, qua đời ở cõi này rồi sanh trở lại cõi kia, do phước đời trước đã tạo đầy đủ các công đức nên khi xả bỏ thân trời cũ, liền được sanh làm thân Ðế-thích hoặc Phạm thiên vương, lúc ấy mặt đất rung chuyển. Ðó là nhân duyên thứ bảy khiến mặt đất rung chuyển.

Lại nữa, lúc chúng sanh qua đời do hết phước, khi ấy các quốc vương không hài lòng với cõi nước của mình rồi chinh phạt lẫn nhau, hoặc chết vì đói khát, hoặc chết vì binh đao, lúc ấy trời đất rung chuyển. Ðó là nhân duyên thứ tám khiến mặt đất rung chuyển.

Thật vậy, này Tỳ-kheo! Có tám nhân duyên khiến trời đất rung chuyển.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6. TÁM ĐIỀU SUY NIỆM50
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả A-na-luật du hóa ở Thánh tích mà bốn vị Phật đã từng cư ngụ.

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật ở nơi vắng vẻ yên tịnh, liền khởi niệm như vầy: “Trong hàng đệ tử của đức Phật Thích-ca,51 những bậc thành tựu giới đức và trí tuệ đều phải nương tựa vào giới luật và được nuôi lớn trong Chánh pháp này. Trong hàng Thanh văn, những ai không giữ gìn giới luật trọn vẹn đều xa lìa Chánh pháp, vì không liên hệ với giới luật. Trong hai pháp giữ giới và nghe nhiều thì pháp nào thù thắng hơn? Ta nên đem nguồn gốc nhân duyên này đến thưa hỏi với đức Như Lai, nghĩa của điều này như thế nào?”

A-na-luật lại khởi niệm như vầy: “Pháp này được hành trì bởi người biết đủ, chẳng phải được hành trì bởi người không biết đủ. Pháp này được hành trì bởi người ít ham muốn, chẳng phải được hành trì bởi người nhiều ham muốn. Pháp này được hành trì bởi người ưa thích nơi nhàn vắng, chẳng phải được hành trì bởi người ưa thích chốn ồn náo. Pháp này được hành trì bởi người trì giới, chẳng phải được hành trì bởi người phạm giới. Pháp này được hành trì bởi người định tĩnh, chẳng phải được hành trì bởi người loạn động. Pháp này được hành trì bởi người có trí tuệ, chẳng phải được hành trì bởi kẻ ngu si. Pháp này được hành trì bởi người nghe nhiều, chẳng phải được hành trì bởi người không chịu học hỏi. Pháp này được hành trì bởi người tinh tấn, chẳng phải được hành trì bởi người biếng nhác.”52

Lúc ấy, sau khi tư duy về tám điều suy niệm của bậc đại nhân,53 Tôn giả A-na-luật nghĩ rằng: “Ta nên đến thưa hỏi đức Thế Tôn về ý nghĩa này.”

Bấy giờ, Thế Tôn đang ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc thỉnh Phật và chư Tăng an cư kiết hạ54 chín mươi ngày. Thế rồi, Tôn giả A-na-luật cùng năm trăm Tỳ-kheo đi du hóa trong nhân gian, dần đến nước Xá-vệ. Tôn giả đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Tôn giả A-na-luật bạch Phật:
– Khi con ở nơi yên tịnh vắng vẻ, đã khởi lên suy nghĩ về ý nghĩa này: “Giữa giới luật và nghe nhiều, trong hai pháp này thì pháp nào thù thắng hơn?”

[0754b03] Khi ấy, đức Phật vì ngài A-na-luật mà nói kệ:

Thầy khởi tâm nghi hoặc,
Giới hay văn thù thắng?
Giới tối thắng hơn văn,
Còn nghi ngờ gì nữa?

Vì sao như thế? A-na-luật nên biết! Nếu vị Tỳ-kheo thành tựu giới, liền thành tựu định; đã thành tựu định, liền thành tựu trí tuệ; đã thành tựu trí tuệ, liền thành tựu nghe nhiều; đã thành tựu nghe nhiều liền được giải thoát; đã được giải thoát liền được Diệt độ nơi Niết-bàn Vô dư. Từ những điều đó cho thấy, giới là tối thắng.

Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật hướng về Thế Tôn mà nói tám điều suy niệm của bậc đại nhân.

Phật bảo A-na-luật:
– Lành thay, lành thay, này A-na-luật! Những điều thầy suy nghĩ cũng chính là điều suy nghĩ của bậc đại nhân: Ít muốn biết đủ, ở chỗ thanh vắng, thành tựu giới luật, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu nghe nhiều và thành tựu tinh tấn.55

Này A-na-luật! Hôm nay, thầy nên khởi tâm tư duy về tám điều suy niệm của bậc đại nhân. Là những điều nào?

Pháp này do người tinh tấn hành trì, không phải được hành trì bởi người biếng nhác. Vì sao như vậy? Bởi vì, Bồ-tát Di-lặc đúng ra sẽ thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác trong ba mươi kiếp, nhưng do sức tinh tấn nên Ta đã vượt lên và thành Phật trước.56

A-na-luật nên biết, các đức Phật, Thế Tôn đều cùng một bậc, tương đồng và không hề sai khác về giới luật, về giải thoát và về trí tuệ; cũng lại tương đồng, không hề sai khác về Không, Vô tướng và Vô nguyện, đều có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp để trang nghiêm thân, ngắm nhìn không nhàm chán, không thể thấy đỉnh đầu; thế nhưng chỉ có sự tinh tấn là không tương đồng. Ðối với chư Phật, Thế Tôn trong thời quá khứ và tương lai, Ta là vị tinh tấn tối thắng nhất.

Cho nên, này A-na-luật! Tám điều suy niệm của bậc đại nhân này là tối thượng, là tôn quý, là không thể ví dụ. Cũng như từ sữa mà có lạc, từ lạc mà có sanh tô, từ sanh tô mới có đề-hồ và trong đó đề-hồ là hơn hết, không thể so sánh. Ở đây cũng vậy, trong tám điều suy niệm của bậc đại nhân thì suy niệm về tinh tấn là tối thượng, thật sự không thể so sánh được.

Cho nên, này A-na-luật! Nên phụng hành theo tám điều suy niệm của bậc đại nhân, cũng nên vì bốn bộ chúng mà giảng nói ý nghĩa này. Nếu tám điều suy niệm của bậc đại nhân được lưu truyền ở thế gian thì sẽ khiến đệ tử của Ta đều được thành tựu quả vị Tu-đà-hoàn, quả vị Tư-đà-hàm, quả vị A-na-hàm và quả vị A-la-hán.

Vì sao như vậy? Vì pháp của Ta được người ít ham muốn hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người nhiều ham muốn. Pháp của Ta do người biết đủ hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người không biết đủ. Pháp của Ta do người ở chốn yên tịnh vắng vẻ hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người ở trong chúng hội. Pháp của Ta do người trì giới hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người phạm giới. Pháp của Ta do người định tĩnh hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người tán loạn. Pháp của Ta do người có trí hành trì, chẳng phải được hành trì bởi kẻ ngu si. Pháp của Ta do người nghe nhiều hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người không chịu học hỏi. Pháp của Ta do người tinh tấn hành trì, chẳng phải được hành trì bởi người biếng nhác.

Thế nên, này A-na-luật! Bốn bộ chúng nên tìm phương tiện để thực hành tám điều suy niệm của bậc đại nhân này.

Thật vậy, này A-na-luật! Nên học tập điều này.

[0754c12] Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

7. TÁM LOẠI HỘI CHÚNG57
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy nên biết, có tám bộ chúng. Là những chúng nào? Ðó là chúng Sát-lợi, chúng Bà-la-môn, chúng trưởng giả,58 chúng Sa-môn, chúng Tứ Thiên Vương, chúng trời Ba Mươi Ba, chúng Ma vương và chúng Phạm thiên.

Tỳ-kheo nên biết! Từ xưa đến nay, khi vào chúng Sát-lợi, Ta chào hỏi họ và cùng nhau nói năng luận bàn, nhưng chẳng có ai sánh được bằng Ta. Do Ta vượt bậc nên không có bạn bè và không có người sánh ngang. Ta ít muốn biết vừa đủ, tâm không tán loạn, thành tựu về giới, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu nghe nhiều và thành tựu tinh tấn.

Ta nhớ lại, lúc vào chúng Bà-la-môn, chúng trưởng giả, chúng Sa-môn, chúng Tứ Thiên Vương, chúng trời Ba Mươi Ba, chúng Ma vương, chúng Phạm thiên vương, Ta chào hỏi họ và cùng nhau nói năng luận bàn. Do Ta vượt bậc nên không có bạn bè và cũng không có người sánh ngang. Trong chúng tối thắng và tôn quý, nhưng cũng không có ai giống như Ta: Ít ham muốn biết vừa đủ, tâm không tán loạn, thành tựu về giới, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu nghe nhiều và thành tựu tinh tấn.

Bấy giờ, ở trong tám bộ chúng, Ta vượt bậc nên không có bạn bè, làm nơi che chở rộng lớn cho các chúng sanh ấy. Khi ấy, tám bộ chúng không thể thấy đỉnh đầu của Ta và cũng không dám chiêm ngưỡng dung nhan, huống hồ là được cùng Ta luận bàn. Vì sao như vậy? Bởi vì Ta cũng thấy trong cõi trời, cõi người, trong chúng ma hoặc thiên ma, chúng Sa-môn, chúng Bà-la-môn, không ai có thể thành tựu tám pháp này, ngoại trừ Như Lai là không bàn đến.

Thế nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện thực hành tám pháp này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

[0755a05] Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8. TRƯỞNG GIẢ CẤP CÔ ĐỘC59
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Ðộc đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên.

Lúc ấy, Thế Tôn hỏi trưởng giả:
– Trong nhà trưởng giả có thường bố thí rộng khắp không?

Trưởng giả bạch Phật:
– Thưa Thế Tôn, con thường bố thí cho người nghèo suốt đêm ngày không gián đoạn. Con thường bố thí ở tám nơi như: Ở bốn cửa thành, ở nơi chợ, ở trong nhà, bên vệ đường, nơi đức Phật và chúng Tỳ-kheo.

Như thế, bạch Thế Tôn! Nếu ai cần bất cứ thứ gì, như cần y phục thì con cho y phục, cần thức ăn thì con cho thức ăn, không hề phạm đến châu báu của quốc gia. Những loại như y phục, mền đệm, thực phẩm, giường đệm và thuốc thang trị bệnh, thảy đều bố thí đầy đủ.

Lại có chư thiên đến chỗ con, rồi ở giữa hư không mà bảo rằng: “Nên phân biệt tôn ti! Người này trì giới, người này phạm giới, cho người này thì được phước, cho người này thì không có kết quả.” Nhưng tâm con không phân biệt ở đây hay ở kia, không khởi tâm thêm chỗ này giảm bớt chỗ nọ, lòng từ của con bình đẳng bao trùm hết thảy chúng sanh. Hơn nữa, chúng sanh nương mạng căn mà thân thể tồn tại, có ăn mới sống được, không ăn thì mạng căn không thể giữ được. Phước báu bố thí cho tất cả chúng sanh thật là vô lượng, thọ nhận quả báo ấy cũng không tăng không giảm.

Phật bảo trưởng giả:
– Lành thay, lành thay, này trưởng giả! Bố thí bình đẳng thì phước bậc nhất. Tuy nhiên, căn cứ vào tâm của chúng sanh thì lại có hơn kém, như bố thí cho người trì giới thì hơn hẳn bố thí cho người phạm giới.

Lúc ấy, ở giữa hư không, các vị trời, thần vô cùng hoan hỷ, liền nói kệ này:

Phật dạy, chọn người cho,
Cho kẻ ngu ít phước,
Ruộng phước điền tối thượng,
Ai hơn chúng Như Lai?

– Lời của Thế Tôn quả thật tốt lành! Bố thí cho người trì giới sẽ hơn người phạm giới.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo trưởng giả Cấp Cô Ðộc:
– Nay Ta sẽ nói về chúng Hiền thánh cho ông nghe. Hãy khéo suy nghĩ, ghi nhớ trong tâm: Tuy bố thí ít nhưng được phước nhiều, hoặc bố thí nhiều thì phước càng thêm lớn.

[0755b01] Trưởng giả Cấp Cô Ðộc bạch Phật:
– Cúi xin Thế Tôn giảng nói về ý nghĩa ấy! Thế nào là bố thí ít nhưng được phước nhiều? Thế nào là bố thí nhiều thì phước càng thêm lớn?

Phật bảo trưởng giả Cấp Cô Ðộc:
– Này trưởng giả, đối với chúng Hiền thánh như chư vị hướng A-la-hán, chứng quả A-la-hán; hướng A-na-hàm, chứng quả A-na-hàm; hướng Tư-đà- hàm, chứng quả Tư-đà-hàm; hướng Tu-đà-hoàn, chứng quả Tu-đà-hoàn, tuy bố thí ít nhưng được phước nhiều, bố thí nhiều thì phước càng thêm lớn.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Người thành tựu bốn hướng,
Và bốn quả đã thành,
Ðây là chúng Hiền thánh,
Cúng họ phước tăng nhanh!

Các đức Phật, Thế Tôn ở đời quá khứ lâu xa cũng có chúng Hiền thánh này, cũng như Ta trong hiện tại đây. Giả sử vào đời vị lai, các đức Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời, cũng có chúng Hiền thánh như vầy. Cho nên, này trưởng giả! Hãy giữ tâm hoan hỷ và an vui khi cúng dường các bậc Thánh.

Lúc ấy, đức Phật giảng nói pháp vi diệu, ngay tại chỗ ngồi, trưởng giả thành tựu quả vị không thoái chuyển.60

Trưởng giả nghe pháp xong, rất đỗi vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân và nhiễu quanh Phật ba vòng rồi ra về.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Ðộc nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

9. TÁM CÁCH BỐ THÍ61
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có người thiện nam hay người thiện nữ nào đem của cải bố thí thì sẽ được tám công đức.62 Là những công đức nào? Một là, bố thí đúng thời,63 không phải bố thí phi thời. Hai là, bố thí thanh tịnh, không phải bố thí nhơ uế. Ba là, tự tay mình làm,64 không nhờ người khác. Bốn là, bố thí do thệ nguyện,65 không có tâm kiêu căng. Năm là, bố thí với tâm buông xả,66 không có tâm mong cầu báo đáp. Sáu là, bố thí vì cầu Niết-bàn,67 không phải vì mong cầu sanh lên cõi trời. Bảy là, bố thí tìm nơi ruộng tốt, không phải bố thí ở đất hoang. Tám là, đem công đức này bố thí cho chúng sanh, không giữ riêng mình.

Như thế, này các Tỳ-kheo! Người thiện nam hay người thiện nữ nào đem của cải để bố thí thì được tám công đức.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Người trí thí đúng thời,
Không có tâm tham tiếc,
Công đức đã tạo rồi,
Ban rải cho người hết.
Bố thí này tối thắng,
Ðược chư Phật ngợi khen,
Hiện đời thọ phước quả,
Đời sau hưởng phước trời.

[0755c04] Cho nên, này các Tỳ-kheo! Những ai muốn tìm cầu phước báu như trên thì nên thực hành tám việc này. Phước báu ấy vô lượng, không thể tính kể, đạt được của báu bất tử,68 rồi tuần tự xuôi về Niết-bàn.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10. ĐƯỜNG ĐẾN ĐỊA NGỤC VÀ NIẾT-BÀN69
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ giảng nói về con đường dẫn đến địa ngục và con đường hướng về Niết-bàn! Hãy khéo ghi nhớ, chớ để quên sót!

Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Đức Thế Tôn dạy:
– Thế nào là con đường dẫn đến địa ngục và con đường hướng về Niết-bàn? Thấy biết sai lệch là con đường dẫn đến địa ngục, thấy biết chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Tư duy70 sai lệch là con đường dẫn đến địa ngục, tư duy chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Lời nói không thật là con đường dẫn đến địa ngục, lời nói chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Tạo nghiệp xấu ác là con đường dẫn đến địa ngục, tạo nghiệp thuần thiện là con đường hướng về Niết-bàn. Nuôi mạng không chân chánh là con đường dẫn đến địa ngục, nuôi mạng chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Siêng năng71 sai quấy là con đường dẫn đến địa ngục, siêng năng chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Nhớ nghĩ sai lệch là con đường dẫn đến địa ngục, nhớ nghĩ chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn. Định tâm sai lệch là con đường dẫn đến địa ngục, định tâm chân chánh là con đường hướng về Niết-bàn.

Này các Tỳ-kheo! Ðó là con đường dẫn đến địa ngục và con đường hướng về Niết-bàn. Pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường giảng nói, nay Ta cũng đã giảng nói xong. Các thầy nên ở chỗ thanh vắng, ngồi bên gốc cây, hay nơi đồng trống, tư duy về thiện pháp,72 chớ khởi tâm biếng nhác, xem thường. Hôm nay không siêng năng, ngày sau hối hận vô ích.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:

Phi thời, Nê-lê, Đạo,
Tu-luân thiên, Địa động,
Đại nhân bát niệm, Chúng,
Thiện nam tử, Thí, Đạo.73

***

Chú thích
1 Nguyên tác: Bát nạn phẩm 八難品 (T.02. 0125.42. 0747a06).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.1. 0747a07). Tham chiếu: Bát nạn kinh 八難經 (T.01. 0026.124. 0613a27); A. 8.29 - IV. 225.
3 Thời tiết (時節): Đúng lúc, đúng thời gian. Pāli ghi là Khaṇa: Đúng thời; Akkhaṇa: Không đúng thời.
4 Trường Thọ thiên (長壽天) tức cõi trời Vô Tưởng (無想天).
5 Vô vi xứ (無為處, Akataṃ), tên khác của Giải thoát, Niết-bàn.
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.2. 0747c05). Tham chiếu: Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.4. 0121b28); A. 3.35 - I. 138.
7 Nửa cuối bài kệ giống với A. 3.35 - I. 138.
8 Nguyên tác: Đấu loạn chúng Tăng (鬪亂眾僧). Đấu loạn (鬪亂), P. Pisuṇa, nghĩa là ly gián.
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.3. 0748c24). Tham chiếu: Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0011a07); D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Ðại Bát-niết-bàn).
10 Câu-thi-na-kiệt (拘尸那竭, Kusinārā).
11 Lực sĩ (力士), dịch nghĩa từ chữ Malla. Malla, chữ này vừa mang nghĩa là lực sĩ, đồng thời cũng là tên riêng của một bộ tộc.
12 Bộ (步). Theo Hán-Việt đại từ điển, đơn vị đo chiều dài thời xưa, thời nhà Chu (周) định 8 thước là 1 bộ, thời nhà Tần (秦) định 6 thước là 1 bộ.
13 Ưu-bát liên hoa (憂鉢蓮華, uppala).
14 A-duy-việt-trí (阿維越致).
15 Đạo thọ (道樹).
16 Vị vô thường lực sở khiên, đương thủ Diệt độ (為無常力所牽, 當取滅度), đây là cách đặc tả về tác động của vô thường đối với các pháp hữu vi, như Ứng thân của Như Lai.
17 Tam đạt trí (三達智, Tisso vijjā) cũng gọi là Tam minh (三明), gồm Túc mạng minh (宿命明), Thiên nhãn minh (天眼明) và Lậu tận minh (漏盡明).
18 Thí chủ đàn-việt (施主檀越). Thí chủ (施主, dānapati), người chủ của tài vật được đem ra bố thí. Đàn-việt (檀越, dāyaka) chỉ cho người bố thí nói chung, theo ngữ cảnh của kinh nhằm chỉ cho người đang phụ giúp thực hiện việc bố thí. Tham chiếu: A. 5.34 - III. 38: Dāyako, sīha, dānapati bahuno janassa piyo hoti manāpo (Người bố thí, này Sīha, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích), HT. Thích Minh Châu dịch.
19 Dĩ căn lực giác đạo thành Như Lai thân (以根力覺道成如來身): Bốn chữ “căn, lực, giác, đạo” trong bản kinh quá cô đọng nên cần bổ sung để nghĩa lý được hiển bày rõ ràng.
20 Đương tận khổ tế (當盡苦際). Tạp. 雜 (T. 02. 0099.24. 0005b24) ghi: Cứu cánh khổ biên (究竟苦邊).
21 Nguyên tác: Đa-tát-a-kiệt (多薩阿竭), phiên âm từ chữ Tathāgata (Như Lai).
22 Nguyên tác: A-la-ha (阿羅呵), phiên âm từ chữ Arahant (Ứng Cúng).
23 Nguyên tác: Tam-da-tam Phật (三耶三佛).
24 Bản Hán hết phần thứ nhất của phẩm Bát nạn thứ 42, tức hết quyển 36.
25 Nguyên tác: Xa-na (車那, Channa) cũng gọi là Xa-nặc (車匿).
26 Đương dĩ Phạm pháp phạt chi (當以梵法罰之). Phạm pháp (梵法) tức Phạm-đàn (梵壇, Brahmadaṇḍo). Hán dịch: Mặc tẫn (默擯), Phạm pháp (梵法), Phạm thiên pháp trị (梵天法治), Phạm trượng (梵杖), một cách trị tội các Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni phạm giới. Duy ma kinh lược sớ 維摩經略疏 (T.38. 1778.1. 0568a16) nói: Phạm đàn là phép trị tội của Phạm thiên, tức lập riêng một cái đàn, bắt người phạm pháp vào trong đó, các Phạm chúng không được nói chuyện với người ấy. Về sau, đức Phật cũng phỏng theo pháp này mà chế định pháp trị tội đối với Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni vi phạm giới luật. Xem thêm Cứu-la-đàn-đầu kinh 究羅檀頭經 (T.01. 0001.23. 0098a27).
27 Ma-la (摩羅). Cũng chữ này nhưng phần đầu bản kinh thì dịch nghĩa là “lực sĩ”, còn ở đây là phiên âm.
28 Lục sư (六師): Sáu vị giáo chủ ngoại đạo nổi tiếng ở thời Phật.
29 Bất-lan Ca-diếp (不蘭迦葉, Pūraṇa Kassapa).
30 A-di-chuyên (阿夷耑, Ajita Kesakambala).
31 Cù-da-lâu (瞿耶樓, Makkhali Gosāla).
32 Chi-hưu Ca-chiên (胝休迦旃, Pakudha Kaccāyana).
33 Tiên-tỷ Lô-trì (先毘盧持, Sañjaya Belaṭṭhiputta).
34 Ni-kiền tử (尼揵子, Nigaṇṭha Nātaputta).
35 Nguyên tác: Đẳng kiến (等見), đẳng trị (等治), đẳng ngữ (等語), đẳng mạng (等命), đẳng nghiệp (等業), đẳng phương tiện (等方便), đẳng niệm (等念), đẳng tam-muội (等三昧).
36 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.4. 0752c24). Tham chiếu: Tịnh bất động đạo kinh 淨不動道經 (T.01. 0026.75. 0542b03); A. 8.19 - IV. 197.
37 Nguyên tác: Ba-ha-la A-tu-luân (波呵羅阿須倫, Pahārādo Asurinda).
38 Ngu nhạc (娛樂, abhiramantī).
39 Bất lục tiền danh, canh tác dư tự (不錄前名, 更作餘字). Xem thêm Tăng. 增 (T.02. 0125.29.9. 0658c12): Bỉ đương diệt bổn danh tự, tự xưng Thích-ca đệ tử (彼當滅本名字, 自稱釋迦弟子); A-tu-la kinh 阿修羅經 (T.01. 0026.35. 0477a25): Bỉ xả bổn danh, đồng viết Sa-môn (彼捨本名, 同曰沙門).
40 Tứ ý chỉ (四意止, cattāro satipaṭṭhānā).
41 Tứ ý đoạn (四意斷, catūsu sammappadhānesu).
42 Bát chân trực hạnh (八真直行).
43 Niệm giác ý (念覺意), pháp giác ý (法覺意), tinh tấn giác ý (精進覺意), hỷ giác ý (喜覺意), ỷ giác ý (猗覺意), định giác ý (定覺意), hộ giác ý (護覺意).
44 Bất khởi tam-muội (不起三昧), tên gọi khác của Vô tác tam-muội (無作三昧), cũng gọi là Vô nguyện tam-muội (無願三昧).
45 Chư Tỳ-kheo ư kỳ trung thậm tự ngu lạc (諸比丘於其中甚自娛樂). Tự ngu lạc (自娛樂), Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422b12) ghi là “thành tựu du” (成就遊). Tạp. 雜 (T.02. 0099.35. 0008a10) ghi là “cụ túc trụ” (具足住). P. Upasampajja viharanti, nghĩa là chứng đạt và an trú.
46 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.5. 0753c11). Tham chiếu: Địa động kinh 地動經 (T.01. 0026.36. 0477b23); S. 51.10 - V. 258; A. 8.70 - IV. 308; Ud. 61-2. 
47 Thiên địa đại động (天地大動). Tham chiếu: A. 8.70 - IV. 308: Bhūmicālo sumahā (quả đất chấn động mạnh).
48 Đại thần túc (大神足). Tạp. 雜 (T.02. 0099.503. 0133a03) ghi: Đại thần thông lực (大神通力, mahiddhikā).
49 Quán địa vô địa tưởng (觀地無地想). Địa động kinh 地動經 (T.01. 0026.36. 0477c19) ghi là “ư địa tác tiểu tưởng” (於地作小想). Bản Trung A-hàm do căn cứ vào từ nguyên nên hơi xa so với ý kinh. Tương đương với nghĩa này, trong A. V. 318 ở bản Pāli xác định khá rõ: pathaviyaṃ pathavisaññā vibhūtā hoti (ở trong đất không tưởng đến đất).
50 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.6. 0754a12). Tham chiếu: Bát niệm kinh 八念經 (T.01. 0026.74. 0540c18); A-na-luật bát niệm kinh 阿那律八念經 (T.01. 0046. 0835c12); A. 8.30 - IV. 228.
51 Nguyên tác: Thích-ca-văn Phật (釋迦文佛), một cách phiên âm sai khác từ Sakyāmuni Buddha.
52 Điều thứ 8 này bản Hán bị thiếu. Chúng tôi căn cứ vào phần sau của kinh và các kinh tham chiếu nêu trên để bổ chính.
53 Bát đại nhân niệm (八大★念). Đại nhân (大★), Tạp. 雜 (T.02. 0099.614. 0172a10) ghi: Đại trượng phu (大丈夫, Mahāpurisa).
54 Hạ tọa (夏坐). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0015a17) ghi: Hạ an cư (夏安居); Tạp. 雜 (T.02. 0099.858. 0218b15) ghi: Kiết hạ an cư (結夏安居).
55 Điều thứ 8 này bản Hán bị thiếu. Chúng tôi căn cứ vào phần sau của kinh và các kinh tham chiếu nêu trên để bổ chính.
56 Quan điểm này cũng lặp lại trong Tăng. 增 (T.02. 0125.20.6. 0600a17).
57 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.7. 0754c14). Tham chiếu: A. 8.69 - IV. 307.
58 Trưởng giả (長者), dịch nghĩa từ chữ seṭṭhi, chỉ cho tầng lớp thương buôn, giai cấp thứ 3 trong 4 giai cấp ở Ấn Độ cổ đại.
59 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.8. 0755a07). Nguyên tác: A-na-bân-để (阿那邠邸) được phiên âm từ chữ Anāthapiṇḍika là trưởng giả Cấp Cô Ðộc. Tham chiếu: Phước điền kinh福田經 (T.01. 0026.127. 0616a05); Tạp. 雜 (T.02. 0099.992. 0258c11); A. 2.35 - I. 62.
60 Bất thoái chuyển chi địa (不退轉之地) tương đương Sơ quả Tu-đà-hoàn.
61 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.9. 0755b18). Tham chiếu: A. 8.37 - IV. 243.
62 Nguyên tác: Hoạch bát công đức, vân hà vi bát? (獲八功德, 云何為八?). Có khả năng bản Hán nhầm, vì nội dung kinh nêu ra 8 cách thức bố thí. Nhờ 8 cách thức này mà dẫn đến kết quả thù thắng như phần cuối kinh đã ghi: Phước báu ấy vô lượng, không thể tính kể, đạt được của báu bất tử, rồi tuần tự xuôi về Niết-bàn.
63 Tùy thời huệ thí (隨時惠施, kāladāna): Bố thí đúng thời.
64 Thủ tự châm chước (手自斟酌, sahatthā dāna): Tự tay bố thí, cũng có nghĩa là trực tiếp bố thí.
65 Thệ nguyện huệ thí (誓願惠施). Thệ nguyện (誓願, paṇidhāna) ở đây chỉ cho ước nguyện trong sạch.
66 Giải thoát huệ thí (解脫惠施): Bố thí với tâm rộng mở, xả bỏ. P. cāgadhanaṃ (buông xả tài sản).
67 Huệ thí cầu diệt (惠施求滅): Bố thí mong cầu quả cứu cánh Niết-bàn. P. aparāmaṭṭha dāna, tức bố thí không nắm giữ, tức là bố thí vô lậu (vivattanissata dāna).
68 Cam lộ (甘露).
69 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.42.10. 0755c08).
70 Chánh trị (正治), cách gọi khác của “chánh tư duy” (正思惟, sammāsaṅkappa).
71 Chánh tiện (正便) còn gọi là “chánh tinh tấn” (正精進, sammāvāyāma).
72 Niệm hành thiện pháp (念行善法). Niệm hành (念行), P. manasikāra, nghĩa là tác ý.
73 Nguyên tác Nhiếp tụng: 非時, 泥犁, 道; 須倫天, 地動; 大★八念, 眾; 善男子, 施, 道. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 37.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.