Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

 

41. PHẨM ĐỪNG SỢ HÃI1

 

1. THÍCH TỬ MA-HA-NAM2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Ni-câu-lũ3 của dòng họ Thích, thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ.

Khi ấy, Thích Ma-ha-nam đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân Phật rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Thích Ma-ha-nam bạch Thế Tôn:
– Đích thân con được Như Lai dạy như vầy: “Người thiện nam hay người thiện nữ nào đoạn trừ được ba kiết sử, đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, gọi là bậc Bất thoái chuyển, chắc chắn sẽ thành tựu đạo quả, chẳng còn tìm cầu ở các ngoại đạo dị học nữa, cũng không cần quán sát những điều người khác nói”. Tuy Thế Tôn nói thế nhưng sự việc không như vậy. Bởi vì khi con gặp trâu, ngựa hoặc lạc đà hung dữ thì con khiếp sợ, toàn thân sởn gai ốc, rồi con nghĩ rằng: “Với sự khiếp sợ như vậy, nếu ngay lúc này mà ta qua đời thì không biết sẽ sanh về đâu?”

Thế Tôn bảo Ma-ha-nam:
– Chớ sanh lòng sợ hãi. Giả sử ông có qua đời cũng không bị đọa vào ba đường ác. Vì sao như thế? Bởi vì, do ba ý nghĩa của sự đoạn trừ. Là ba ý nghĩa nào? Nếu có tham muốn và vướng mắc vào dâm dục thì mới phát sanh phiền não, rồi lại khởi tâm làm hại người khác. Còn như bản thân không có tâm tham muốn này thì thứ nhất, không sanh khởi tâm sát hại; thứ hai, ở trong đời hiện tại không phát sanh khổ não; thứ ba, những ai có các pháp xấu ác, bất thiện, tham dục thì sẽ tự hại mình, còn như không có pháp này thì sẽ không có sự nhiễu loạn, sầu ưu. Như vậy, này Ma-ha-nam, do có ba ý nghĩa của sự đoạn trừ này nên biết rằng, khi có những pháp xấu ác, bất thiện thì sẽ đi xuống, khi có các pháp thiện lành thì sẽ đi lên. Cũng như bình bơ bị vỡ trong nước, các mảnh sành sẽ chìm xuống dưới, còn bơ nổi lên trên. Ở đây cũng vậy, các pháp ác, bất thiện chìm xuống, còn các pháp thiện nổi lên trên.

Ma-ha-nam nên biết, thuở xưa, lúc Ta chưa thành Phật, trải qua sáu năm khổ hạnh ở Ưu-lưu-tỳ,4 không dùng thức ăn thơm ngon nên thân thể gầy gò, ốm yếu như người trăm tuổi, do bởi nhịn ăn nên mới như vậy. Lúc Ta muốn đứng dậy, liền té ngã xuống đất. Khi ấy, Ta nghĩ rằng: “Nếu ngay lúc này Ta mạng chung thì sẽ sanh về đâu?” Và Ta liền nghĩ: “Nếu Ta mạng chung vào lúc này, chắc chắn sẽ không sanh vào đường ác.” Tuy nhiên, ý nghĩa [của sự tu tập này] không phải từ an vui đưa đến an vui mà phải do khổ đau sau đó mới có được an vui.5

Bấy giờ, Ta đến sống trong hang Tiên nhân. Có rất nhiều Ni-kiền tử đang tu hành ở nơi này. Khi ấy, có vị Ni-kiền tử tu hành bằng cách đưa tay chỉ mặt trời, phơi mình giữa nắng, có người tu hành bằng cách ngồi xổm. Ta đến chỗ các Ni-kiền tử kia và hỏi:
“Sao các ông không ngồi xuống mà lại đưa tay, kiễng chân như thế?”

Ni-kiền tử kia đáp:
“Cù-đàm nên biết! Thuở xưa, thầy của chúng tôi làm điều bất thiện nên nay chúng tôi lấy sự khổ hạnh này để muốn diệt trừ tội lỗi kia. Tuy để lộ thân thể thì cũng có chút hổ thẹn, nhưng sẽ tiêu trừ được tội ấy. Cù-đàm nên biết! Nghiệp hết thì khổ cũng hết, khổ hết thì nghiệp cũng hết, khổ và nghiệp đã hết rồi thì đạt đến Niết-bàn.”

[0744b06] Lúc ấy, Ta nói với các Ni-kiền tử:
“Điều này không đúng! Không phải do nghiệp hết thì khổ cũng hết, cũng không do khổ hết thì nghiệp cũng hết, rồi đạt đến Niết-bàn. Chỉ khi nào khổ và nghiệp đều đoạn trừ sạch, liền đạt đến Niết-bàn thì điều này rất đúng! Tuy nhiên, [cách tu học của các ông] không phải từ an vui đưa đến an vui.”

Ni-kiền tử đáp:
“Vua Tần-tỳ-sa-la6 từ an vui đến an vui, có gì khổ đâu?”

Khi ấy, Ta lại bảo Ni-kiền tử:
“Sự an vui của Vua Tần-tỳ-sa-la đâu bằng sự an lạc của Ta?”

Ni-kiền tử đáp:
“Sự an vui của Vua Tần-tỳ-sa-la hơn hẳn sự an lạc của Ngài.”

Ta lại bảo Ni-kiền tử:
“Vua Tần-tỳ-sa-la có thể ngồi kiết-già bảy ngày bảy đêm không cử động như Ta chăng? Giả sử ông ta có thể ngồi kiết-già trong sáu ngày, năm ngày, bốn ngày, ba ngày, hai ngày cho đến một ngày có được không?”

Ni-kiền tử đáp:
“Không thể được! Thưa Cù-đàm.”

Ta bảo:
“Ta có thể ngồi kiết-già, thân không cử động. Thế nào, này Ni-kiền tử! Vua Tần-tỳ-sa-la và Ta, ai an lạc hơn?”

Ni-kiền tử đáp:
“Sa-môn Cù-đàm an lạc hơn.”

Như vậy, này Ma-ha-nam! Nên dùng phương tiện này để biết rằng, không thể từ an vui đưa đến an vui mà phải từ khổ mới dẫn đến an vui. Này Ma-ha- nam! Ví như hai bên ngôi làng lớn có hồ nước rộng, chu vi một do-tuần, chứa đầy nước, có người đến đó lấy một giọt nước. Này Ma-ha-nam! Ông nghĩ sao? Nước ở đâu nhiều hơn? Một giọt nước nhiều hơn hay nước trong hồ nhiều hơn?

Ma-ha-nam đáp:
– Nước trong hồ nhiều hơn, một giọt nước thì quá ít.

Thế Tôn bảo:
– Ðiều này cũng thế. Ðệ tử Hiền thánh đã đoạn sạch các khổ, không còn tái sanh, phần khổ còn lại chỉ như một giọt nước mà thôi. Trong chúng của Ta, người chứng quả vị thấp nhất cũng không quá bảy lần chết đi, bảy lần tái sanh thì vượt thoát khổ đau. Nếu vị ấy lại nỗ lực tinh tấn thì sẽ đạt đến quả vị Gia gia,7 rồi thành tựu đạo quả.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Ma-ha-nam một lần nữa. Nghe pháp xong, Ma-ha-nam liền đứng dậy ra về.

Khi ấy, Ma-ha-nam nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

2. TÔN GIẢ NA-GIÀ-BA-LA8
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Na-già-ba-la ngụ trong thành Lộc Dã.

Khi ấy, có Bà-la-môn lớn tuổi, từng là bạn sơ giao với Tôn giả Na-già-ba-la, đi đến chỗ Tôn giả, cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi sang một bên.

Bấy giờ, Bà-la-môn9 nói với Tôn giả Na-già-ba-la:
– Trong tất cả các sự an lạc, Tôn giả đạt được sự an lạc hiếm có nhất.

Na-già-ba-la nói:
– Ông quán sát những nghĩa lý nào mà cho rằng trong tất cả mọi sự an lạc, sự an lạc của tôi là hiếm có nhất?

Bà-la-môn đáp:
– Chỉ trong bảy ngày vừa qua, tôi mất đi bảy đứa con trai, chúng nó đều khỏe mạnh, tài cao, trí tuệ ít người sánh kịp. Rồi trong sáu ngày gần đây, mười hai người giúp việc cho tôi cũng qua đời, họ rất siêng năng không chút biếng nhác. Năm ngày kế đó, bốn anh em của tôi cũng chết, họ biết nhiều nghề nghiệp, việc gì cũng làm được. Rồi cách đây bốn ngày, cha mẹ tôi vừa qua đời, vừa gần trăm tuổi, bỏ tôi mà đi. Cách đây ba ngày, hai người vợ của tôi cũng quá vãng, dung mạo của họ đoan chánh, thế gian rất hiếm có. Lại nữa, trong nhà tôi có tám hầm châu báu, hôm qua tôi đi tìm khắp nhưng không biết ở nơi nào. Mấy hôm nay, tôi gặp biết bao chuyện khổ đau, phiền não, không sao tính kể. Tuy nhiên, thưa Tôn giả! Ngài đã vĩnh viễn xa lìa những hoạn nạn đó, không còn sầu khổ, lo buồn, chỉ lấy đạo pháp làm niềm vui cho riêng mình. Tôi quán sát nghĩa lý như vậy nên mới cho rằng, trong tất cả mọi sự an lạc, Tôn giả đạt được sự an lạc hiếm có nhất.

Khi ấy, Tôn giả Na-già-ba-la bảo vị Bà-la-môn:
– Tại sao ông không tìm cách khiến cho những người ấy đừng chết đi?

Bà-la-môn đáp:
– Tôi đã làm nhiều cách để mong họ đừng chết và để tôi không mất tiền của. Tôi cũng tùy thời bố thí, tạo lập công đức, cầu khẩn chư thiên, cúng dường các trưởng lão Phạm chí, thờ phụng các thần thánh, tụng các chú thuật, xem sao giải hạn, rồi cũng pha chế thảo dược, cũng cung cấp thức ăn, đồ uống ngon ngọt cho kẻ khốn cùng. Tôi làm các việc như thế kể ra không hết mà vẫn không thể nào cứu được mạng sống của họ.

Khi ấy, Tôn giả Na-già-ba-la liền nói kệ này:

Nào chú thuật, thuốc thang,
Uống ăn, bao thứ khác,
Bố thí chẳng ích gì,
Khác chi thêm hành xác.
Dẫu tế thần, khấn bạch,
Tẩy tịnh,10 dâng hương hoa,
Kết quả lại hóa ra,
Khổ đau vẫn bức bách.
Dẫu cho đi mọi thứ,
Phạm hạnh gắng hành trì,
Kết quả chẳng được gì,
Toàn vô phương chữa trị.

[0745a05] Bấy giờ, Bà-la-môn liền hỏi:
– Làm thế nào để không còn bị các tai họa, phiền não, đau khổ này?

Tôn giả Na-già-ba-la liền nói kệ này:

Gốc vô minh, ân ái,
Khiến khổ não kéo dài,
Nhổ phăng gốc rễ này,
Khổ đau hết gây hại.

Bà-la-môn nghe xong liền nói kệ này:

Con già nhưng minh mẫn,
Còn nhanh nhẹn tay, chân,
Xin cho con xuất gia,
Ðể thoát bao khổ nạn.

Khi ấy, Tôn giả Na-già-ba-la liền truyền ba y, khiến ông ta được xuất gia học đạo, rồi bảo rằng:

– Này Tỳ-kheo! Thầy nên quán sát thân này từ đầu đến chân: Tóc, lông, răng, móng này từ đâu đến? Thân thể, da dẻ, xương, tủy, ruột, bao tử từ đâu mà đến? Giả sử từ đây mà đi thì sẽ đi về đâu? Thế nên, Tỳ-kheo! Chớ lo nghĩ quá nhiều về những khổ đau, phiền não của thế gian, hãy nên quán sát sự sanh diệt trong từng lỗ chân lông trên thân này, rồi tìm cầu phương tiện để thành tựu pháp bốn Thánh đế.

Thế rồi, Tôn giả Na-già-ba-la nói kệ này:

Trừ tưởng, chớ lo nhiều,
Mau chóng được mắt pháp,
Vô thường nhanh như chớp,
Không gặp phước lớn này.
Quán từng lỗ chân lông,
Nguồn gốc sanh và diệt,
Vô thường nhanh như chớp,
Chuyên tâm hướng Niết-bàn.

Bấy giờ, Tỳ-kheo trưởng lão nhận lời dạy như thế rồi, liền ở nơi thanh vắng, tư duy về nghĩa lý này. Sở dĩ người thiện nam cạo bỏ râu tóc, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo, vì muốn tu tập Phạm hạnh vô thượng. Vị ấy như thật biết rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Thế rồi, Tỳ-kheo ấy thành bậc A-la-hán.

Lúc đó, có một vị trời vốn là bạn cũ của Tỳ-kheo trưởng lão, thấy Tỳ-kheo ấy thành tựu A-la-hán, liền đến chỗ Tôn giả Na-già-ba-la, rồi trụ giữa hư không mà nói kệ này:

Thành tựu giới trọn vẹn,
Ở nơi thanh vắng kia,
Ðắc đạo, hết vướng mắc,
Nguồn gốc khổ đã lìa.

[0745b04] Thế rồi, vị trời ấy dùng hoa trời rải lên Tôn giả rồi ẩn mất.

Bấy giờ, Tỳ-kheo và vị trời kia nghe Tôn giả Na-già-ba-la giảng nói xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. PHÁP THƯỢNG NHÂN11
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nên tu tập12 thuần thục về bảy yếu tố và bốn pháp thì ở trong đời hiện tại được gọi là bậc Thượng nhân.13 Này các Tỳ-kheo! Thế nào gọi là tu tập thuần thục bảy yếu tố?

Này Tỳ-kheo! Đó là, nên đem tâm từ ban rải khắp một phương, hai phương, ba phương, bốn phương, bốn hướng, phương trên và phương dưới cũng như thế, đều đem lòng từ rải khắp thế gian. Tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, Không, Vô tướng và Vô nguyện cũng lại như thế. Các căn đầy đủ, ăn uống điều độ, thường tự giác ngộ. Như thế, này Tỳ-kheo! Đó là tu tập thuần thục bảy yếu tố.

Này Tỳ-kheo! Thế nào là tu tập pháp bốn niệm xứ?14 Này Tỳ-kheo! Đó là, quán thân trong thân, trừ bỏ sầu lo, an trú niệm nơi thân;15 quán thân ngoài thân, an trú niệm nơi thân; quán thân trong và ngoài thân, an trú niệm nơi thân. Quán thọ nơi nội thọ, an trú niệm nơi thọ; quán thọ nơi ngoại thọ, an trú niệm nơi thọ; quán thọ nơi nội ngoại thọ, an trú niệm nơi thọ. Quán tâm nơi nội tâm, an trú niệm nơi tâm; quán tâm nơi ngoại tâm, an trú niệm nơi tâm; quán tâm nơi nội ngoại tâm, an trú niệm nơi tâm, trừ bỏ sầu lo, không còn khổ đau, phiền não. Quán pháp nơi nội pháp, an trú niệm nơi pháp; quán pháp nơi ngoại pháp, an trú niệm nơi pháp; quán pháp nơi nội ngoại pháp, an trú niệm nơi pháp. Như thế, này Tỳ-kheo! Hãy tu tập thuần thục bốn pháp này.

Này Tỳ-kheo! Nếu ai có thể tu tập thuần thục bảy yếu tố và bốn pháp thì đó là bậc Thượng nhân trong đời hiện tại.

Thế nên, này Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện để thành tựu thuần thục bảy yếu tố và bốn pháp.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. THÁNH ĐẠO TÁM CHI16
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong vườn Ni-câu-lũ của dòng họ Thích, thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Chúng con muốn đi du hóa ở phương Bắc.

[0745c01] Thế Tôn bảo:
– Nay thật đúng lúc!

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy có từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất không?

Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!

Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy đến từ giã Tỳ-kheo Xá-lợi-phất. Vì sao như thế? Tỳ-kheo Xá-lợi-phất thường giáo giới cho các vị đồng Phạm hạnh. Thầy ấy thuyết pháp không hề mệt mỏi.

Thế rồi, đức Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo. Nghe pháp xong, các Tỳ-kheo đứng dậy, cúi lạy sát chân Thế Tôn, đi nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui ra.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngụ trong ngôi tháp của dòng họ Thích. Những Tỳ-kheo ấy đến chỗ Xá-lợi-phất, cùng hỏi thăm nhau rồi ngồi sang một bên. Những Tỳ-kheo ấy bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Chúng tôi muốn đến phương Bắc để giáo hóa nhân gian, nay đã từ giã Thế Tôn.

Xá-lợi-phất nói:
– Các thầy nên biết, dân chúng, Sa-môn và Bà-la-môn ở phương Bắc thảy đều thông minh, trí tuệ khó sánh kịp. Dân chúng ở đó lại ưa thích đến tỷ thí, tranh luận. Nếu như họ hỏi các thầy: “Thầy của chư Hiền có những luận thuyết gì?” Giả sử họ hỏi như thế thì các thầy định trả lời thế nào?

Các Tỳ-kheo đáp:
– Nếu có người đến hỏi như thế, chúng tôi sẽ trả lời ý nghĩa như vầy: “Sắc là vô thường. Những gì vô thường là khổ. Những gì khổ đều vô ngã. Vô ngã tức là không. Do không, vô ngã nên nó rỗng không. Người trí quán sát như thế. Thọ, tưởng, hành, thức cũng vô thường, khổ, không và vô ngã. Thật ra, cái không ấy, là do vô ngã nên không. Đó là điều người trí học tập. Năm uẩn này thảy đều là không, là vắng lặng, do nhân duyên hòa hợp, đều sẽ trở về hoại diệt, không lâu dài, không bền chắc. Thánh đạo tám chi cùng bảy giác chi phụ trợ, đây chính là điều Thầy tôi giảng nói.” Nếu các hàng Sát-lợi, Bà-la-môn và dân chúng đến hỏi chúng tôi về nghĩa lý, chúng tôi sẽ đáp như vậy.

Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy giữ vững tâm ý, chớ có khinh suất!

Thế rồi, Tôn giả Xá-lợi-phất thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho các Tỳ-kheo. Nghe xong, họ liền từ chỗ ngồi đứng dậy rồi đi ra.

Khi các Tỳ-kheo ấy đi chưa bao xa, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi các Tỳ-kheo:
– Nên thực hành Thánh đạo tám chi và pháp bảy giác chi thế nào?

Các Tỳ-kheo bạch Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Chúng tôi từ xa đến đây vì muốn được nghe ý nghĩa này, cúi mong Tôn giả giảng thuyết!

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Các thầy lắng nghe, lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ, tôi sẽ giảng nói!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

[0746a02] Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Nếu nhất tâm tư duy về chánh kiến, tức là niệm giác chi17 không rối loạn. Chánh tư duy18 là nhất tâm tư duy tất cả pháp, là trạch pháp giác chi.19 Chánh ngữ20 là thân và tâm đều tinh tấn, tức tinh tấn giác chi. Chánh nghiệp21 là tất cả các pháp sanh khởi, là hỷ giác chi. Chánh mạng22 là biết đủ đối với tài sản của Hiền thánh, xả bỏ hết gia nghiệp, thân thể an ổn là khinh an giác chi.23 Chánh tinh tấn24 là đạt được pháp bốn đế của Hiền thánh, trừ sạch các kiết sử, tức định giác chi. Chánh niệm25 là quán bốn niệm xứ,26 quán thân này không bền chắc, đều là không, là vô ngã, tức xả giác chi. Chánh định27 là điều chưa thành tựu rồi sẽ thành tựu, người chưa giải thoát sẽ được giải thoát, người chưa chứng đắc sẽ được chứng đắc.

Nếu có người đến hỏi nghĩa lý như vầy: “Làm thế nào để tu tập Thánh đạo tám chi và bảy giác chi?” Các thầy nên đáp như thế. Vì sao như vậy? Tỳ-kheo nào tu Thánh đạo tám chi và bảy pháp giác chi thì tâm được giải thoát khỏi phiền não.

Tôi nói lại cho các thầy một lần nữa, Tỳ-kheo nào tu tập, tư duy Thánh đạo tám chi và bảy pháp giác chi thì vị ấy sẽ thành tựu quả vị thứ hai, không có gì phải nghi ngờ và sẽ chứng đắc A-la-hán. Tạm bỏ qua việc này, nếu như không thể tu tập được nhiều thì trong một ngày, vị nào tu tập Thánh đạo tám chi và bảy pháp giác chi sẽ được phước báu không thể tính kể, chứng đắc A-na-hàm hoặc A-la-hán.

Vì thế, này chư Hiền! Nên tìm cầu phương tiện để tu tập Thánh đạo tám chi và bảy giác chi, chắc chắn sẽ đắc đạo, chớ có hồ nghi!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5. PHÓ CHÚC PHÁP BẢO28
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Ca-diếp:
– Thầy tuổi đã già, không còn tráng kiện nữa,29 nên nhận vật thực và y phục của các thí chủ.

Ðại Ca-diếp bạch Phật:
– Con không thể thọ nhận y phục và thực phẩm ấy. Vì con mặc y chắp vá từng mảnh30 này, tùy thời khất thực, an lạc hiếm có không gì sánh bằng. Vì sao như vậy? Bởi vì, đời sau sẽ có các Tỳ-kheo thân thể yếu ớt, tâm tham đắm y phục, vật thực tốt đẹp rồi bỏ bê việc tham thiền, không thể tu tập khổ hạnh. Họ lại bảo rằng: “Quá khứ vào thời Phật, các Tỳ-kheo cũng nhận lời người thỉnh, cũng thọ nhận y phục, vật thực, tại sao chúng ta không làm theo pháp của bậc Thánh thuở xưa?” Bởi lẽ, do tham đắm y phục và vật thực nên họ sẽ từ bỏ pháp phục, làm người cư sĩ, khiến các bậc Hiền thánh không còn oai thần nữa. Bốn bộ chúng dần dần giảm bớt. Thánh chúng đã suy giảm thì tháp miếu Phật sẽ bị hủy hoại. Tháp miếu Phật bị hủy hoại thì kinh sách sẽ bị thất lạc. Khi ấy chúng sanh không còn thông tuệ nữa, do không còn thông tuệ nên tuổi thọ sẽ ngắn ngủi. Thế rồi, sau khi qua đời, chúng sanh kia đều bị đọa vào ba đường ác. Như trong đời hiện tại, chúng sanh nào có nhiều phước đức đều được sanh lên cõi trời, trong đời vị lai do tạo nhiều tội lỗi nên đều bị đọa vào địa ngục.

[0746b07] Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay! Ca-diếp đã làm nhiều điều lợi ích. Thầy là bạn tốt, là ruộng phước cho người đời. Này Ca-diếp, thầy nên biết! Sau khi Ta nhập Niết-bàn khoảng hơn một ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo bỏ bê việc tham thiền, chẳng thực hành pháp Đầu-đà31 nữa, cũng không khất thực, không mặc y phấn tảo mà chỉ tham lam thu nhận y phục, thực phẩm của thí chủ thỉnh mời. Họ cũng chẳng ngồi bên gốc cây, ở nơi thanh vắng, chỉ ưa thích trang hoàng nhà cửa, phòng ốc, cũng không dùng trần khí dược để làm thuốc32 mà chỉ đam mê các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, rồi tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường tranh chấp nhau.

Bấy giờ, đàn-việt thí chủ dốc lòng tin sâu Phật pháp, ưa thích bố thí chẳng tiếc của cải. Thế rồi, đàn-việt thí chủ sau khi qua đời đều sanh lên cõi trời, còn Tỳ-kheo biếng nhác, sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Thật vậy, này Ca- diếp! Tất cả các pháp hữu vi thảy đều vô thường, không gì bền lâu.

Lại nữa, Ca-diếp nên biết! Trong tương lai, sẽ có Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc nhưng sống theo thế tục, tay trái bồng con trai, tay phải bế con gái, lại cầm đàn sáo, đi khất thực trên đường phố. Lúc ấy, đàn-việt thí chủ còn được phước vô cùng, huống gì ngày nay những người khất thực đều tu hành chân chánh. Thật vậy, này Ca-diếp! Tất cả các pháp hữu vi thảy đều vô thường, không gì bền lâu.

Ca-diếp nên biết! Trong tương lai, sẽ có Sa-môn Tỳ-kheo bỏ Thánh đạo tám chi và bảy pháp giác chi, là pháp bảo trong hiện tại mà Ta đã tu tập trong ba a-tăng-kỳ kiếp. Trong tương lai, các Tỳ-kheo sẽ dùng đàn ca, hát xướng trong khi khất thực ở giữa đám đông để tự nuôi sống. Tuy vậy, các đàn-việt thí chủ khi cúng dường thức ăn cho các Tỳ-kheo ấy cũng còn được phước, huống gì ngày nay lại không được phước sao?

Nay Ta đem pháp này truyền trao lại cho Tỳ-kheo Ca-diếp và Tỳ-kheo A-nan. Vì sao như vậy? Ta già rồi, tuổi đã gần kề tám mươi. Không bao lâu nữa Như Lai sẽ Diệt độ. Hôm nay, Ta đem pháp bảo phó chúc cho hai thầy, hãy khéo ghi nhớ đọc tụng, lưu truyền trong thế gian, đừng để cho đoạn tuyệt. Những ai phạm lỗi làm cho lời dạy của bậc Thánh bị đoạn tuyệt thì sẽ bị đọa vào chốn biên địa. Vì thế, hôm nay Ta dặn dò, giao phó kinh pháp cho các thầy. Các thầy đừng để đoạn tuyệt.

[0746c03] Khi ấy, Tôn giả Ðại Ca-diếp và Tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
– Do duyên cơ gì để Thế Tôn đem kinh pháp này giao phó cho hai chúng con mà không giao phó cho người khác? Trong chúng của Như Lai, các vị thần thông bậc nhất không thể tính kể, sao Thế Tôn không giao phó, dặn dò?

Thế Tôn bảo Ca-diếp:
– Ta quán sát khắp cõi trời và cõi người, không thấy người nào có thể thọ trì Pháp bảo này bằng Ca-diếp và A-nan. Trong hàng Thanh văn cũng không ai hơn hai thầy. Chư Phật trong đời quá khứ cũng có hai vị thọ trì kinh pháp, giống như Tỳ-kheo Ca-diếp và Tỳ-kheo A-nan trong hiện tại, rất mực thù thắng, vi diệu. Vì sao như thế? Bởi vì, Tỳ-kheo thực hành hạnh Đầu-đà trong thời Phật quá khứ, khi pháp còn thì vị ấy còn, khi pháp diệt thì vị ấy cũng Diệt độ. Hôm nay, Tỳ-kheo Ca-diếp của Ta còn hiện hữu ở đời, cho đến khi Phật Di-lặc ra đời, sau đó mới nhập diệt. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo Ca-diếp trong hiện tại hơn hẳn chúng Tỳ-kheo thuở quá khứ.

Lại nữa, vì sao Tỳ-kheo A-nan hơn hẳn thị giả thời quá khứ? Thị giả chư Phật thời quá khứ nghe Phật giảng nói, sau đó mới hiểu, còn Tỳ-kheo A-nan trong hiện tại, Như Lai chưa nói ra đã hiểu, nên Như Lai không cần nói, A-nan cũng hiểu rõ hết. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả chư Phật thuở quá khứ. Cho nên, này Ca-diếp, A-nan! Nay Ta giao phó cho các thầy Pháp bảo này, đừng để thiếu sót, diệt mất.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Pháp hữu vi vô thường,
Có sanh nên có diệt,
Không sanh thì không diệt,
Tịch diệt, vui tối thượng.

Khi ấy, Tôn giả Ðại Ca-diếp và Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.33

***

Chú thích
1 Nguyên tác: Mạc úy phẩm 莫畏品 (T.02. 0125.41. 0744a01).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.41.1. 0744a02). Tham chiếu: Khổ ấm kinh 苦陰經 (T.01. 0026.100. 0586b02); Thích Ma-nam bổn tứ tử kinh 釋摩男本四子經 (T.01. 0054. 0848b03); Khổ ấm nhân sự kinh 苦陰因事經 (T.01. 0055. 0849b23); Tạp. 雜 (T.02. 0099.930. 0237b21); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.155. 0432b14); M. 14, Cūladukkhakkhandha Sutta (Tiểu kinh khổ uẩn); S. 55.21- V. 371.
3 Ni-câu-lũ (尼拘屢, Nigrodha) còn đọc Ni-câu-lâu-đà (尼拘婁陀), Ni-câu-luật (尼拘律), Ni-câu-đà (尼拘陀), Ni-câu-loại (尼拘類), Ni-câu-lưu (尼拘留).
4 Ưu-lưu-tỳ (優留毘, Uruvelā) cũng gọi là Ưu-lâu-tần-loa (優樓頻螺).
5 Nguyên tác: Bất khả tùng lạc chí lạc, yếu đương do khổ, nhiên hậu chí lạc (不可從樂至樂, 要當由苦然後至樂). Thích Ma-nam bổn tứ tử kinh 釋摩男本四子經 (T.01. 0054. 0848b19): Phật dạy Ma-nam: Khi Ta là Bồ-tát thường nghĩ đến thế gian nhiều khổ, ít vui; do bởi điều đó nên tìm cầu đạo giải thoát (佛告摩男: 我為菩薩時, 常念世間樂少苦多, 以是故求無為之道).
6 Tần-tỳ-sa-la (頻毘娑羅, Bimbisāra) thường gọi là Tần-bà-sa-la (頻婆娑羅) hay Bình-sa (瓶沙).
7 Gia gia (家家, Kolaṅkola): Quả vị thứ 6 trong 18 giai vị Hữu học. Xem Phước điền kinh 福田經 (T.01. 0026.127. 0616a05).
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.41.2. 0744c03).
9 Nguyên tác: Phạm chí (梵志).
10 Mộc dục (沐浴), một nghi lễ của Ấn giáo, dùng nước của 5 loại hương hoa rảy lên tượng thờ. Nghi lễ này có nguồn gốc từ Atharva Veda. Sanskrit viết là Abhiṣeka.
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.41.3. 0745b07). Tham chiếu: S. 22.57 - III. 61.
12 Đương quán (當觀). “Quán” (觀) ở đây chính là quán sát. Quán sát là cách nói khác của việc tu hành. PQĐTĐ viết 如實修行, 稱為觀察 (như thật tu hành, xưng vi quán sát).
13 Thượng nhân (上★): Bậc tài đức hơn người, ở đây chỉ cho bậc Thánh nói chung.
14 Nguyên tác: Tứ xứ chi pháp (四處之法).
15 Nguyên tác: Thân ý chỉ (身意止).
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.41.4. 0745b26). Tham chiếu: S. 22.2 - III. 5.
17 Niệm giác ý (念覺意). Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 00260.10. 0432c17) gọi là “niệm giác chi” (念覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.0182. 0047b23) gọi là “niệm giác phần” (念覺分).
18 Nguyên tác: Đẳng trị (等治).
19 Nguyên tác: Pháp giác ý (法覺意).
20 Nguyên tác: Đẳng ngữ (等語).
21 Nguyên tác: Đẳng nghiệp (等業).
22 Nguyên tác: Đẳng mạng (等命).
23 Nguyên tác: Ỷ giác ý (猗覺意).
24 Nguyên tác: Đẳng phương tiện (等方便).
25 Nguyên tác: Đẳng niệm (等念).
26 Nguyên tác: Tứ ý chỉ (四意止).
27 Nguyên tác: Đẳng tam-muội (等三昧).
28 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.41.5. 0746a21). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1141. 0301c70); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1142. 0302a01); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1143. 0302b02); Tạp.雜 (T.02. 0099.1144. 0302c13); S. 16.5 - II. 202.
29 Vô thiếu tráng chi ý (無少壯之意). Bản Tống, Nguyên, Minh không có 2 chữ “chi ý” (之意).
30 Nguyên tác: Nạp y (納衣), còn gọi là “phấn tảo y” (糞掃衣): Y được may từ những tấm vải bị vứt bỏ.
31 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
32 Bất dụng đại tiểu tiện vi dược (不用大小便為藥), nghĩa là không sử dụng một loại thuốc bình thường, thông dụng, tức lấy phân và nước tiểu để làm thuốc. Đây là cách nói vắn tắt về một phương thuốc dùng phân của con bê và nước tiểu của bò để làm thuốc (犢糞牛尿), gọi là “trần khí dược” (陳棄藥). Theo Nam Hải ký quy nội pháp truyện 南海寄歸內法傳 (T.54. 2125.3. 0225a22).
33 Bản Hán, hết quyển 35.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.