Viện Nghiên Cứu Phật Học

40. PHẨM BẢY MẶT TRỜI1

 

 

1. KIẾP THÀNH, KIẾP HOẠI2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Lúc ấy, sau giờ thọ trai, chúng Tỳ-kheo cùng nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội rồi bàn luận như vầy:
– Núi Tu-di3 này rất cao lớn, các ngọn núi khác không thể sánh bằng, rất kỳ diệu, hiếm có, cao lớn hùng vĩ. Tuy vậy, chẳng bao lâu nữa ngọn núi này sẽ bị sụp đổ, không còn lại gì. Những ngọn núi lớn khác dựa vào núi Tu-di cũng bị sụp đổ theo.

Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, đức Thế Tôn nghe những Tỳ-kheo bàn luận như thế, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến giảng đường rồi ngồi xuống.

Khi ấy, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy ở đây bàn luận điều gì? Muốn thực hành điều gì chăng?

Các Tỳ-kheo đáp:
– Chúng con nhóm họp ở đây để bàn luận về các pháp, những điều chúng con vừa bàn luận đều như pháp.

Thế Tôn bảo:
– Lành thay! Tỳ-kheo! Các thầy xuất gia, khi bàn luận cần phải đúng pháp, cũng không nên xa lìa pháp im lặng của Hiền thánh. Vì sao như vậy? Vì khi Tỳ-kheo cùng nhóm họp một chỗ, có hai việc cần phải làm. Thứ nhất, cùng nhau đàm luận Phật pháp. Thứ hai, im lặng như Hiền thánh. Các thầy thực hành đúng theo hai điều này thì sẽ luôn an ổn, không trái thời nghi. Vừa rồi, các thầy bàn luận nghĩa lý như pháp như thế nào?

[0735c05] Các Tỳ-kheo đáp:
– Chúng con nhóm họp ở giảng đường này, bàn luận như vầy: “Thật là kỳ diệu! Thật là hiếm có! Núi Tu-di này rất cao lớn. Tuy cao lớn là vậy nhưng chẳng bao lâu nữa núi Tu-di này sẽ bị sụp đổ, những ngọn núi Thiết Vi ở bốn phía sẽ bị sụp đổ như thế.” Chúng con nhóm họp ở đây vừa bàn luận những điều như pháp như vậy.

Thế Tôn dạy:
– Các thầy có muốn nghe sự biến đổi và tan rã của cõi thế gian này không?

Các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Quả thật đúng lúc, cúi mong Thế Tôn diễn nói việc hợp thời, khiến cho tâm của nhiều loài chúng sanh được giải thoát.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ trong lòng.

Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy.

Thế Tôn bảo:
– Núi Tu-di ấy rất cao lớn, những ngọn núi khác không thể sánh bằng. Tỳkheo nên biết! Núi Tu-di cao hơn mực nước khoảng tám vạn bốn ngàn do-tuần,4 chìm sâu dưới nước cũng tám vạn bốn ngàn do-tuần. Núi Tu-di do bốn loại báu tạo thành: Vàng, bạc, thủy tinh và lưu ly. Bốn góc cũng được tạo thành bởi bốn loại báu: Vàng, bạc, thủy tinh và lưu ly. Thành bằng vàng thì tường bằng bạc, thành bằng bạc thì tường bằng vàng, thành [bằng] thủy tinh thì tường bằng lưu ly, thành lưu ly thì tường bằng thủy tinh. Trên núi Tu-di có năm cung trời cư ngụ, đều do nhân duyên nhiều kiếp mà được cư ngụ ở đó. Đó là năm cung trời nào? Cung trời Tế Cước cư ngụ trong thành bằng bạc. Cung trời Thi-lợi-sa cư ngụ trong thành bằng vàng, cung trời Hoan Duyệt cư ngụ trong thành bằng thủy tinh và cung trời Lực Thạnh cư ngụ trong thành bằng lưu ly. Ở giữa thành vàng và thành bạc có vua trời Tỳ-sa-môn cùng các dạ-xoa,5 nhiều không thể tính kể cư ngụ. Ở giữa thành vàng và thành thủy tinh có vua trời Tỳ-lưu-bác-xoa cùng các long thần cư ngụ. Ở giữa thành thủy tinh và thành lưu ly có vua trời Tỳ-lưu-lặcxoa cư ngụ. Ở giữa thành lưu ly và thành bạc có vua trời Ðề-đầu-lại-tra cư ngụ.

Tỳ-kheo nên biết! Phía dưới núi Tu-di là nơi ở của a-tu-la.6 Nếu lúc a-tu-la muốn đánh nhau với chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba, trước hết họ đánh nhau với chư thiên Tế Cước, nếu đánh thắng, họ lại đến thành bằng vàng đánh với chư thiên Thi-lợi-sa. Thắng chư thiên Thi-lợi-sa rồi, họ lại đến thành thủy tinh đánh chư thiên Hoan Duyệt. Thắng rồi, họ lại đến thành lưu ly đánh chư thiên Lực Thạnh. Thắng được chư thiên cõi trời này, cuối cùng mới đánh nhau với chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba.

[0736a06] Tỳ-kheo nên biết! Cõi trời Ba Mươi Ba tọa lạc trên đỉnh núi Tudi, ánh sáng chiếu soi cả ngày lẫn đêm. Ngọn núi này tự phát ra ánh sáng chiếu soi nên mới như thế. Mặt trời, mặt trăng nương vào núi Tu-di mà vận hành. Thành quách của Nhật thiên tử chu vi năm mươi mốt do-tuần, thành quách của Nguyệt thiên tử chu vi ba mươi chín do-tuần. Ngôi sao lớn nhất chu vi một do tuần, ngôi sao nhỏ nhất chu vi hai trăm bộ.7 Trên đỉnh Tu-di, chu vi bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rộng tám mươi bốn ngàn do-tuần. Về phía Nam, gần núi Tu-di có dãy núi Ðại Thiết Vi, dài tám mươi bốn ngàn dặm, cao tám ngàn dặm. Ở phía ngoài dãy núi này, có dãy núi Ni-di-đà bao bọc xung quanh. Kế dãy núi Ni-di-đà lại có dãy núi Khư-la. Kế dãy núi này lại có dãy núi Tỷ-sa. Kế dãy núi này lại có dãy núi Mã Đầu, rồi lại đến dãy núi Tỳ-na-da. Kế dãy núi Tỳ-na-da lại có dãy Thiết Vi và Ðại Thiết Vi.

Ở giữa núi Thiết Vi có tám địa ngục lớn. Mỗi địa ngục lớn đều chia thành mười sáu ngục nhỏ. Núi Thiết Vi này đem lại rất nhiều lợi ích cho cõi Diêm-phù-đề. Nếu không có núi Thiết Vi này thì cõi Diêm-phù-đề thường có mùi xú uế. Bên ngoài dãy Thiết Vi có ngọn núi Hương Tích, có tám vạn bốn ngàn voi chúa trắng sinh sống bên sườn núi này, mỗi con có sáu ngà, được trang sức bằng vàng, bạc. Trong ngọn núi Hương Tích có tám vạn bốn ngàn hang động, những loài voi ở trong đó đều được tạo thành bởi vàng, bạc, thủy tinh và lưu ly. Thích-đề-hoàn-nhân cỡi voi thù thắng nhất, còn Chuyển Luân Thánh vương cỡi voi bậc thấp nhất. Bên cạnh núi Hương Tích có hồ nước Ma-đà, được bao phủ đầy hồ bởi hoa sen xanh8 và hoa sen trắng,9 những loài voi kia đào củ sen để ăn. Bên cạnh hồ nước Ma-đà là ngọn núi Ưu-xà-già-la, có vô số chủng loại cây cỏ, chim muông và côn trùng sinh sôi ở trong ấy. Lại có những bậc đắc đạo có thần thông cùng cư ngụ trong ngọn núi này. Kế đó lại có ngọn núi Bàn-trà-bà, kế đó nữa có ngọn núi Kỳ-xà quật,10 đây chính là nơi nương tựa của cõi Diêm-phù-đề.

[0736b01] Tỳ-kheo nên biết! Cho đến lúc, khi thế gian này sắp tan hoại, lúc ấy trời hạn hán, tất cả hạt giống đều không thể nảy mầm, hết thảy khe suối, sông hồ đều khô cạn. Các pháp hữu vi đều thuộc vô thường, không tồn tại mãi.

Tỳ-kheo nên biết! Cho đến lúc bốn dòng sông lớn là sông Hằng-già,11 sông Tư-đầu, sông Tử-đà và sông Bà-xoa cũng đều khô cạn, không còn một giọt nước. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Vô thường biến đổi trăm lần, chính là điều này.

Này Tỳ-kheo! Cho đến lúc thế gian này xuất hiện hai mặt trời, khi ấy tất cả cỏ cây, hoa lá đều rơi rụng, điêu tàn. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Vô thường biến đổi, chẳng gì bền lâu. Bấy giờ, các nguồn nước nhỏ như khe, suối, thảy đều cạn kiệt. Tỳ-kheo nên biết, khi hai mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn thảy đều khô cạn cả một trăm do-tuần, cạn dần đến bảy trăm do-tuần, nước tự nhiên khô cạn dần.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc thế gian có ba mặt trời xuất hiện, nước trong bốn biển lớn tự nhiên khô cạn cả một ngàn do-tuần, cạn dần đến bảy ngàn do-tuần, nước tự nhiên khô cạn.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc bốn mặt trời xuất hiện ở thế gian, nước trong bốn biển lớn chỉ còn sâu một ngàn do-tuần. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Các pháp hữu vi đều thuộc vô thường, không tồn tại mãi.

Tỳ-kheo nên biết! Cho đến lúc năm mặt trời xuất hiện ở thế gian, khi đó nước trong bốn biển lớn còn bảy trăm do-tuần, dần dần rút hết chỉ còn một trăm do-tuần.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc năm mặt trời xuất hiện, khi ấy nước biển chỉ còn một do-tuần rồi dần dần khô cạn không còn một giọt. Đến lúc năm mặt trời xuất hiện, mực nước chỉ còn đúng bảy thước. Lúc năm mặt trời xuất hiện, bốn biển khô cạn không còn một giọt. Tỳ-kheo nên biết! Các pháp hữu vi, đều thuộc vô thường, không tồn tại mãi.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc sáu mặt trời xuất hiện, mặt đất dày sáu vạn tám ngàn do-tuần này thảy đều bốc khói. Núi Tu-di cũng dần dần tan chảy. Lúc sáu mặt trời xuất hiện, ba ngàn đại thiên cõi nước này đều tan chảy hết, ví như người thợ gốm nung đồ gốm. Lúc ấy, ba ngàn đại thiên cõi nước cũng lại như thế, lửa cháy hừng hực, bao trùm khắp nơi. Tỳ-kheo nên biết! Lúc sáu mặt trời xuất hiện, tám địa ngục lớn cũng bị hủy diệt, loài người đều bị chết sạch. Năm chư thiên ở cõi trời núi Tu-di cũng đều mạng chung, cõi trời Ba Mươi Ba, cõi Diệm thiên cho đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại cũng đều mạng chung, cung điện trống trơn. Lúc sáu mặt trời xuất hiện, núi Tu-di và ba ngàn đại thiên cõi nước đều trống không, chẳng còn sót lại gì. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Các pháp hữu vi đều thuộc vô thường, không tồn tại mãi.

[0736c03] Tỳ-kheo nên biết! Cho đến lúc bảy mặt trời xuất hiện ở đời, mặt đất này tuy dày đến sáu vạn tám ngàn do-tuần và có đến ba ngàn đại thiên cõi nước nhưng đều bốc lửa. Lúc bảy mặt trời xuất hiện, núi Tu-di dần dần tan chảy, trong khoảng một trăm ngàn do-tuần tự nhiên sụp đổ, không sót lại gì, chẳng thể nhìn thấy một chút khói bụi, huống hồ là thấy tro tàn. Khi ấy, tất cả cung điện từ cung trời Ba Mươi Ba cho đến trời Tha Hóa Tự Tại đều bốc lửa, ánh lửa hực nóng đến trời Phạm thiên. Thiên tử mới sanh ở cung trời ấy, vì chưa bao giờ chứng kiến kiếp thiêu,12 nên khi thấy ánh lửa nóng này thì rất hoảng sợ, lo lắng sẽ bị lửa đốt, nhưng những vị thiên tử sống lâu, đã từng chứng kiến kiếp thiêu liền đến an ủi những thiên tử mới sanh: “Các ngươi chớ khiếp sợ, ngọn lửa ấy không bao giờ cháy đến nơi này.”

Tỳ-kheo nên biết! Lúc bảy mặt trời xuất hiện, từ cõi này đến sáu tầng trời cõi dục, cho đến ba ngàn đại thiên cõi nước đều biến thành tro đất, không còn dấu vết của hình hài, vật chất. Thật vậy, này Tỳ-kheo! Các pháp hữu vi thảy đều vô thường, chẳng thể giữ lâu, đều phải diệt tận. Khi ấy, loài người qua đời hết, rồi tái sanh vào những cõi nước phương khác hoặc sanh lên cõi trời. Những chúng sanh ở trong địa ngục nếu tội cũ đã hết thì được sanh lên cõi trời hoặc những cõi nước phương khác. Tỳ-kheo nên biết! Lúc bảy mặt trời xuất hiện, không còn dấu vết của ánh sáng mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Khi đó mặt trời, mặt trăng đã tiêu tan, không còn ngày đêm. Này Tỳ-kheo! Đó là do duyên nghiệp báo ứng nên mới bị tan hoại như thế.

Lại nữa, Tỳ-kheo nên biết! Cho đến khi kiếp thành tựu trở lại, lúc ấy lửa tự biến mất, có đám mây lớn xuất hiện giữa hư không, rồi dần dần mưa xuống. Thế rồi nước tràn ngập khắp ba ngàn đại thiên thế giới, lên đến cõi trời Phạm thiên. Tỳ-kheo nên biết! Khi ấy nước dần dần tụ lại rồi tự rút hết. Lại có cơn gió nổi lên, tên là Tùy-lam13 thổi nước này tụ vào một chỗ. Thế rồi, cơn gió kia thổi lên một ngàn núi Tu-di, một ngàn núi Kỳ-di-đà, một ngàn núi Ni-di-đà, một ngàn núi Khư-la, một ngàn núi Y-sa, một ngàn núi Tỳ-na, một ngàn núi Thiết Vi, một ngàn núi Ðại Thiết Vi. Lại sanh tám ngàn địa ngục, lại hiện ra một ngàn núi Mã Đầu, một ngàn núi Hương Tích, một ngàn núi Bàn-trà-bà, một ngàn núi Ưu-xà-già, một ngàn cõi Diêm-phù-đề,14 một ngàn cõi Cù-da-ni,15 một ngàn cõi Phất-vu-đãi,16 một ngàn cõi Uất-đan-việt,17 lại sanh ra nước trong một ngàn biển cả, lại sanh một ngàn cung trời Tứ Thiên Vương, một ngàn cõi trời Ba Mươi Ba, một ngàn cõi Diệm thiên, một ngàn cõi trời Ðâu-suất, một ngàn cõi trời Hóa Tự Tại, một ngàn cõi trời Tha Hóa Tự Tại.

[0737a05] Tỳ-kheo nên biết! Lúc ấy, nước biến mất, mặt đất được khôi phục. Khi ấy, có lớp đất màu mỡ phủ lên mặt đất tự nhiên, cực kỳ thơm ngon, hơn cả vị cam lộ. Mùi vị của lớp đất màu mỡ này ngọt ngon được ví như vị ngọt của rượu nho.18

Tỳ-kheo nên biết! Khi ấy, chư thiên cõi trời Quang Âm bảo nhau: “Chúng ta nên đến cõi Diêm-phù-đề để xem thử hình dáng cõi ấy lúc mới khôi phục.” Chư thiên cõi trời Quang Âm liền xuống thế gian, thấy trên mặt đất phủ một lớp đất màu mỡ này, liền dùng tay bốc đưa vào miệng nếm thử. Thế rồi, hễ thiên tử nào ăn lớp đất màu mỡ này càng nhiều thì càng trở nên mất hết oai thần, cũng không còn ánh sáng, thân thể trở nên nặng nề rồi sanh ra xương thịt, mất hết thần túc, không bay được nữa. Còn thiên tử nào ăn ít đất màu mỡ này thì thân thể không nặng, không bị mất thần túc, còn có thể bay trong hư không.

Khi các thiên tử mất hết thần túc, liền than khóc và bảo nhau: “Hôm nay, chúng ta thật là nguy khốn, bị mất hết thần túc, phải ở lại thế gian, không thể về trời được nữa!” Họ liền ăn lớp đất màu mỡ này và nhìn ngắm nhan sắc của nhau. Thế rồi, thiên tử nào lòng dục nhiều thì trở thành thân nữ, rồi cùng hành dâm, cùng nhau thỏa thích.

Do vậy, này Tỳ-kheo! Khi cõi nước này mới hình thành thì pháp dâm dục này cũng bắt đầu lan khắp thế gian. Ðây cũng là lẽ thường cổ xưa khi có người nữ xuất hiện ở thế gian, là sự trở về pháp cổ xưa, chẳng phải mới hiện hữu.

Khi ấy, các thiên tử còn lại trên cõi trời Quang Âm, thấy các thiên tử này bị đọa lạc, đều đến trách mắng họ: “Cớ sao các ngươi lại làm hạnh bất tịnh này?” Thế rồi, các chúng sanh liền nghĩ: “Chúng ta phải tìm phương cách nào đó để sống chung với nhau mà chẳng ai nhìn thấy.” Rồi dần dần họ làm nhà cửa để che đậy thân thể. Này Tỳ-kheo! Đó là nguyên nhân mà ngày nay có nhà cửa.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc ấy, lớp đất màu mỡ tự nhiên hòa lẫn vào mặt đất, về sau lúa gạo mọc lên, rất mực tốt tươi, sạch sẽ không có vỏ trấu, lại cực kỳ thơm ngon, khiến con người ăn vào luôn khỏe đẹp,19 hễ thu hoạch buổi sáng thì chiều lúa gạo sanh ra, nếu thu hoạch buổi chiều thì sáng mai lại sanh. Này Tỳ-kheo! Tên gọi lúa gạo cũng từ đây mà có.

Này Tỳ-kheo! Thuở ấy dân chúng biếng nhác, không siêng năng làm lụng, họ lại nghĩ như vầy: “Mỗi ngày chúng ta thu hoạch gạo thóc làm gì? Nên để hai ngày thu hoạch một lần.” Khi ấy, cứ hai ngày mọi người mới thu hoạch một lần. Bấy giờ, dân chúng lần lượt mang thai. Từ đây mới có sự sanh sản.

[0737b04] Lại có người bảo người kia rằng:
“Chúng ta hãy cùng nhau thu hoạch lúa gạo.”

Người kia đáp:
“Tôi đã tích trữ lương thực cho hai ngày rồi.”

Người này nghe xong liền nghĩ:
“Ta nên dự trữ lương thực cho bốn ngày.” Rồi người ấy liền dự trữ lương thực cho bốn ngày.

Lại có người bảo người kia rằng:
“Chúng ta hãy cùng nhau thu hoạch lúa gạo.”

Người này đáp:
“Tôi đã thu hoạch lương thực cho bốn ngày rồi.”

Người kia nghe xong, liền nghĩ: “Ta nên chuẩn bị lương thực cho tám ngày.” Và rồi, người ấy lo dự trữ thực phẩm cho tám ngày. Khi ấy, lúa gạo kia không sanh ra nữa.

Bấy giờ, mọi người đều nghĩ: “Thế gian này có tai nạn lớn. Hiện nay, lúa gạo này không còn như trước nữa. Phải phân chia lúa gạo này ra.” Rồi họ chia lúa gạo cho nhau. Lúc ấy, dân chúng lại nghĩ: “Ta hãy đem giấu lúa gạo của mình rồi trộm cướp lúa gạo của người khác.” Thế rồi, chúng sanh kia giấu lúa gạo của mình rồi lấy trộm lúa gạo của người khác. Người chủ bắt gặp kẻ trộm lúa gạo, bảo rằng:
“Cớ sao lại lấy lúa gạo của ta? Lần này ta tha tội cho ngươi, chớ có tái phạm.”

Bấy giờ, ở thế gian này bắt đầu xuất hiện người có tâm trộm cướp.

Lại có chúng sanh biết được việc này, liền nghĩ: “Ta nên giấu lúa gạo của mình rồi lấy trộm lúa gạo của người khác.” Thế rồi, chúng sanh kia cất giấu lúa gạo của mình rồi lấy trộm của người khác. Người chủ kia bắt gặp, liền bảo người ấy rằng:
“Cớ sao ông lại lấy cắp lúa gạo của ta?”

Người ấy im lặng không đáp. Lúc đó, người chủ liền dùng tay đánh kẻ kia rồi bảo: “Từ nay về sau chớ có xâm phạm.”

Khi ấy, dân chúng đều nghe mọi người trộm cướp lẫn nhau, họ cùng hội họp và cùng bảo nhau:
“Đã xảy ra việc phi pháp ở thế gian, vì mọi người trộm cướp lẫn nhau. Chúng ta hãy cắt cử người giữ ruộng để giữ gìn ruộng vườn. Có vị nào thông minh tài cao, hãy lập làm chủ giữ ruộng.”

Bấy giờ, họ tuyển chọn điền chủ và bảo với người này:
“Các ông nên biết! Đã xuất hiện sự trộm cướp, phi pháp ở thế gian. Các ông hãy gìn giữ ruộng vườn, sẽ được trả công xứng đáng, những ai đến lấy lúa gạo của người khác thì trừng phạt họ.”

Khi ấy, họ liền lập điền chủ.

Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ, những người gìn giữ ruộng đất được gọi là dòng Sát-lợi.20 Ðây là pháp thức thuở xưa, chẳng phải pháp mới được lập.

[0737c01] Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ này:

Trước tiên dòng Sát-lợi,
Tối thượng trong các dòng,
Tài cao lại thông minh,
Ðược trời, người cung kính.

Lúc ấy, hễ có ai xâm phạm tài vật của người khác, sẽ bị dòng Sát-lợi trừng phạt. Nhưng nếu người kia vẫn không ăn năn hối cải, cố ý tái phạm thì chúa dòng Sát-lợi sẽ ra lệnh dùng đao, gậy để bắt giữ, chém đầu. Thế rồi, từ đây thế gian mới bắt đầu có sát sanh. Dân chúng khi nghe lệnh: “Ai trộm cướp lúa gạo của người khác, sẽ bị chúa dòng Sát-lợi bắt giết”, họ liền kinh sợ, sởn cả gai ốc. Thế rồi, có người dựng am tranh để ngồi thiền, tu tập Phạm hạnh, nhất tâm chuyên chú, xả bỏ gia nghiệp, vợ con thê thiếp, ở nơi nhàn tịnh, quyết chí tu tập Phạm hạnh. Nhân đây, mới xuất hiện dòng họ Bà-la-môn.21 Như thế, đã có hai dòng họ xuất hiện trên thế gian.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc đó, do trộm cướp mà có sát sanh, do sát sanh nên có đao, gậy.

Bấy giờ, chúa dòng Sát-lợi loan báo trong dân chúng: “Người nào đoan chánh tài cao, hãy cho thống lãnh dân chúng này.” Chúa dòng Sát-lợi lại loan báo: “Nếu người dân nào trộm cướp thì sẽ bị trị tội.” Khi đó, dòng họ Tỳ-xá22 liền xuất hiện ở đời.

Lúc ấy, có nhiều chúng sanh nghĩ rằng: “Hiện nay, chúng sanh giết hại lẫn nhau đều do nghề nghiệp mà ra. Ta nên đi giúp việc khắp nơi để tự kiếm sống.” Bấy giờ, dòng họ Thủ-đà-la23 liền xuất hiện ở thế gian.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:

Trước tiên dòng Sát-lợi,
Kế đến Bà-la-môn,
Thứ ba là Tỳ-xá,
Sau cùng Thủ-đà-la.
Bốn chủng tộc sống chung,
Mầm cạnh tranh lớn dần,
Ðều là thân trời xuống,
Nên tánh nết tương đồng.

Tỳ-kheo nên biết! Lúc có tâm giết hại và trộm cướp thì lúa gạo không còn tự nhiên hiện ra nữa. Bấy giờ, có năm loại hạt giống hoa màu: Một là, hạt giống từ rễ. Hai là, hạt giống từ thân cây. Ba là, hạt giống từ cành. Bốn là, hạt giống từ hoa. Năm là, hạt giống từ trái. Các loại hạt giống khác được sanh ra từ năm loại này. Năm loại hạt giống này đều theo cơn gió từ cõi nước phương khác thổi đến, người ta lấy để trồng trọt, sử dụng để sanh sống.

Thật vậy, này Tỳ-kheo! Thế gian có những điềm lành và cũng có sanh, già, bệnh, chết. Cho đến hôm nay, dù đã có thân năm uẩn24 này, nhưng vẫn chưa diệt sạch nguồn gốc khổ đau.

Như vậy là sự biến đổi của kiếp thành, kiếp hoại, Ta đã giảng nói với các thầy. Điều mà chư Phật, Thế Tôn thường thực hiện, nay Ta đã giảng nói hết cho các thầy. Các thầy hãy tìm yên vui nơi vắng vẻ, nên ngồi thiền quán sát, chớ khởi tưởng biếng nhác. Hôm nay không gắng siêng năng, ngày sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. BẢY PHÁP BẤT THOÁI25
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.26

Bấy giờ, Vua A-xà-thế27 nước Ma-kiệt28 ra lệnh cho quần thần:
– Nước Bạt-kỳ29 rất thịnh vượng, dân cư đông đúc. Ta sẽ chinh phạt, thống trị nước đó.

Lúc ấy, Vua A-xà-thế bảo Bà-la-môn Bà-lợi-ca:30
– Khanh hãy đến chỗ đức Thế Tôn, nhân danh ta kính thỉnh an Ngài, cung kính lễ bái rồi thưa giúp trẫm rằng: “Vua A-xà-thế kính bạch đức Thế Tôn: Nhà vua có ý muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, việc đó có nên chăng?” Nếu Như Lai có dạy bảo điều gì, ngươi hãy khéo ghi nhớ rồi về tâu lại cho trẫm. Vì sao như thế? Vì Như Lai không nói hai lời.

Tuân lệnh vua, Bà-la-môn liền đến chỗ Thế Tôn, thưa hỏi Ngài rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Bà-la-môn bạch Phật:
– Vua A-xà-thế kính lễ đức Thế Tôn, nhờ con kính lời thăm hỏi Ngài.

Và lại bạch thêm:
– Nhà vua muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ nên đến thỉnh ý Phật trước, việc đó có nên chăng?

Khi ấy, Bà-la-môn kia lấy áo che trên đầu, chân mang giày bằng ngà voi, lưng đeo kiếm bén, nên đức Phật không thuyết pháp cho ông ta.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ thực hành theo bảy pháp này thì vĩnh viễn không bị giặc bên ngoài phá hoại. Là những pháp nào?

Nếu như dân chúng của nước Bạt-kỳ tập hợp một chỗ, không chia bè kết phái thì sẽ không bị nước khác phá hoại. Ðó gọi là pháp đầu tiên để không bị giặc bên ngoài phá hoại.

Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ trên thuận dưới hòa thì dân chúng nước Bạt-kỳ không bị người ngoài bắt giữ. Này A-nan! Ðó là pháp thứ hai để không bị giặc bên ngoài phá hoại.

[0738b02] Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ không dụ dỗ hay chiếm đoạt vợ con người khác, đó là pháp thứ ba để không bị giặc bên ngoài phá hoại.

Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ không lan truyền việc nơi này đến nơi kia, cũng không đem việc nơi kia thuật lại nơi này, đó là pháp thứ tư để không bị giặc bên ngoài phá hoại.

Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ biết cúng dường Sa-môn, Bàla-môn, biết thân cận và lễ kính người Phạm hạnh thì đó là pháp thứ năm để không bị giặc bên ngoài phá hoại.

Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ không tham lam tài sản quý báu của người khác thì đó là pháp thứ sáu để không bị giặc bên ngoài phá hoại. 

Lại nữa, A-nan! Nếu dân chúng nước Bạt-kỳ đều chung một lòng, tôn trọng tháp miếu,31 giữ tâm chuyên nhất thì chẳng bị giặc bên ngoài phá hoại. Ðó là pháp thứ bảy không bị giặc bên ngoài phá hoại.

Như vậy, này A-nan! Dân chúng Bạt-kỳ thực hành theo bảy pháp này thì không bao giờ bị giặc bên ngoài phá hoại.

Khi ấy, Bà-la-môn32 bạch Phật:
– Giả sử dân chúng nước Bạt-kỳ chỉ thành tựu một pháp thôi, cũng không ai có thể phá hoại được, huống gì đến bảy pháp thì làm sao phá hoại được? Thôi, thôi! Bạch đức Thế Tôn, việc nước bề bộn, con xin trở về.

Bấy giờ, Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy rồi lui ra.

Bà-la-môn rời đi chưa bao xa, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ giảng nói bảy pháp không thoái chuyển, các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ!

Các Tỳ-kheo bạch Phật: – Xin vâng, bạch đức Thế Tôn! Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Thế Tôn dạy: – Thế nào là bảy pháp không thoái chuyển? Tỳ-kheo nên biết! Nếu Tỳkheo nhóm họp một chỗ, hòa thuận với nhau, kính trên nhường dưới, giúp nhau hướng thượng, tu các pháp lành, lòng không thoái chuyển, cũng không để ma có cơ hội. Đó là pháp không thoái chuyển đầu tiên.

Lại nữa, chúng Tăng hòa hợp, thuận theo giáo pháp, ngày một thẳng tiến, lòng không thoái chuyển, chẳng bị Ma vương phá hoại. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ hai.

Lại nữa, Tỳ-kheo không đam mê thế sự,33 không huân tập việc thế gian, ngày một thẳng tiến, không để Thiên ma có cơ hội. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ ba.

Lại nữa, Tỳ-kheo không tụng đọc sách vở tạp loạn, suốt ngày thúc liễm tâm ý, ngày một thẳng tiến, không để Ma vương có cơ hội. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ tư.

[0738c02] Lại nữa, Tỳ-kheo siêng năng tu tập theo giáo pháp, trừ bỏ sự ngủ nghỉ, luôn tự cảnh tỉnh mình, ngày một thẳng tiến, không để Tệ ma34 có cơ hội. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ năm.

Lại nữa, Tỳ-kheo không học tập toán số, chú thuật, cũng không dạy người khác học tập theo, ưa thích nơi vắng lặng, tu tập theo giáo pháp, ngày một thẳng tiến, không để Tệ ma có cơ hội. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ sáu.

Lại nữa, Tỳ-kheo khởi tưởng rằng, tất cả thế gian không có gì đáng ưa thích, tu tập thiền định, kiên nhẫn đối với giáo pháp, ngày một thẳng tiến, không để ma vương có cơ hội. Ðó là pháp không thoái chuyển thứ bảy. Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp này, luôn hòa thuận với nhau thì ma vương không có cơ hội quấy phá.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:

Buông mọi sự thế gian,
Lìa tư duy tạp loạn,
Nếu không hành pháp đó,
Sẽ không đắc chánh định.
Sống an lạc trong pháp,
Nghĩa lý hiểu rõ ràng,
Thực hành pháp lạc an,
Tỳ-kheo đắc chánh định.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu bảy pháp này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. BẢY GIÁC CHI35
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ giảng nói về bảy thứ phiền não sai khiến,36 các thầy hãy khéo ghi nhớ!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Thế Tôn bảo:
– Đó là những thứ nào? Một là, bị sai khiến bởi tham dục.37 Hai là, bị sai khiến bởi sân hận.38 Ba là, bị sai khiến bởi kiêu mạn.39 Bốn là, bị sai khiến bởi si mê.40 Năm là, bị sai khiến bởi nghi ngờ, do dự.41 Sáu là, bị sai khiến bởi tà kiến42 và bảy là bị sai khiến bởi tham muốn thế gian.43

Này Tỳ-kheo, đó là bảy loại phiền não sai khiến. Nó sai khiến chúng sanh ở mãi trong u tối, khiến thân bị trói buộc, luân chuyển trong thế gian không hề ngừng nghỉ, cũng không thể biết đâu là cội nguồn sống chết. Ví như có hai con trâu, một con trâu đen và một con trâu trắng cùng mang một cái ách, cùng kéo với nhau, không thể tách rời. Những chúng sanh này cũng như thế, bị phiền não tham dục, phiền não vô minh sai khiến, trói buộc không thể chia lìa. Năm thứ phiền não sai khiến, trói buộc còn lại kia cũng thường đuổi theo. Năm thứ phiền não sai khiến đeo bám, đuổi theo thì bảy thứ cũng như thế. Phàm phu nào bị bảy phiền não sai khiến này trói buộc thì lưu chuyển trong sanh tử, không được giải thoát, không thể biết rõ nguồn gốc khổ đau.

[0739a04] Tỳ-kheo nên biết! Do bảy phiền não sai khiến này mà có ba đường ác: Địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Do bảy phiền não sai khiến này mà không thể vượt qua khỏi cảnh giới của Tệ ma. Tuy nhiên, có bảy phương thuốc để đối trị bảy phiền não sai khiến này. Là những phương thuốc nào? Dùng niệm giác chi44 để đối trị phiền não bị tham dục sai khiến. Dùng trạch pháp giác chi45 để đối trị phiền não bị sân hận sai khiến. Dùng tinh tấn giác chi46 để đối trị phiền não bị tà kiến sai khiến. Dùng hỷ giác chi47 để đối trị phiền não bị tham muốn thế gian sai khiến. Dùng khinh an giác chi48 để đối trị phiền não kiêu mạn sai khiến. Dùng định giác chi49 để đối trị phiền não nghi ngờ, do dự sai khiến. Dùng xả giác chi50 để đối trị phiền não si mê sai khiến.

Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy giác chi51 dùng để đối trị với bảy phiền não sai khiến. Tỳ-kheo nên biết! Lúc Ta chưa thành Phật, đang thực hành hạnh Bồ-tát, khi ngồi bên cội cây Bồ-đề, Ta khởi niệm như vầy: “Chúng sanh trong cõi dục bị những gì trói buộc?” Rồi lại nghĩ: “Chúng sanh bị bảy thứ phiền não sai khiến trói buộc, luân chuyển trong sanh tử, vĩnh viễn không giải thoát được. Ta cũng đang bị bảy thứ phiền não sai khiến này trói buộc nên không thể giải thoát.” Lúc ấy Ta lại nghĩ: “Bảy thứ phiền não sai khiến này dùng pháp gì để đối trị?” Ta lại suy nghĩ tiếp: “Sẽ dùng bảy giác chi để đối trị bảy thứ phiền não sai khiến này”, nên Ta tư duy về bảy giác chi. Trong lúc Ta tư duy về bảy giác chi thì dứt sạch tâm hữu lậu, liền được giải thoát, về sau thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân. Ta lại ngồi kiết-già trong bảy ngày, tư duy về bảy giác chi này thêm một lần nữa.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu muốn trừ bỏ bảy thứ phiền não sai khiến này, phải nên ghi nhớ tu tập theo pháp bảy giác chi.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. BẢY HẠNG NGƯỜI52
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bảy hạng người đáng phụng sự, đáng cung kính, là ruộng phước vô thượng của thế gian. Là những hạng người nào? Một là, thực hành từ. Hai là, thực hành bi. Ba là, thực hành hỷ. Bốn là, thực hành xả.53 Năm là, thực hành không. Sáu là, thực hành vô tướng. Bảy là, thực hành vô nguyện.

Ðó là bảy hạng người đáng phụng sự, đáng cung kính, là ruộng phước vô thượng của thế gian. Vì sao như thế? Bởi vì, chúng sanh nào thực hành bảy pháp này thì ngay trong đời hiện tại đạt được phước quả như thế.

[0739b02] Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
– Vì sao Như Lai không giảng nói về Tu-đà-hoàn,54 Tư-đà-hàm,55A-na-hàm,56 A-la-hán,57 bậc Độc giác58 và quả vị Phật mà lại giảng nói về bảy pháp này?

Thế Tôn bảo:
– Bảy hạng người, từ hạng người thực hành lòng từ cho đến hạng người thực hành Vô nguyện, so với bảy quả vị từ Tu-đà-hoàn cho đến quả vị Phật đều không giống nhau. Dù cúng dường bậc Tu-đà-hoàn cho đến cúng dường Phật cũng không được phước quả ngay hiện tại, nhưng cúng dường bảy hạng người này thì sẽ được phước quả ngay trong hiện tại.

Thế nên, này A-nan! Hãy siêng năng dũng mãnh hơn nữa để thành tựu bảy pháp này.

Thật vậy, này A-nan! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

5. MƯỜI PHÁP QUÁN NIỆM59
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ bên ao Di Hầu, thuộc thành Tỳ-xá-ly.

Khi ấy, đến giờ khất thực, đức Thế Tôn cùng Tôn giả A-nan đắp y, ôm bát đi vào thành Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, trong thành Tỳ-xá-ly có vị đại trưởng giả tên Tỳ-la-tiên,60 vàng bạc, châu báu của ông ta nhiều vô lượng, nhưng lại keo kiệt tham lam, không có tâm bố thí, chỉ hưởng phước cũ, không hề tạo thêm phước mới. Lúc đó, trưởng giả ấy đang cùng các kỹ nữ đàn ca hát xướng, vui chơi ở hậu cung.

Bấy giờ, Thế Tôn đi về hướng ấy. Tuy Phật đã biết nhưng vẫn hỏi Tôn giả A-nan:
– Tiếng đàn ca hát xướng Ta đang nghe là của nhà nào?

A-nan bạch Phật:
– Âm thanh ấy phát ra từ nhà trưởng giả Tỳ-la-tiên.

Phật bảo A-nan:
– Sau bảy ngày nữa, ông trưởng giả ấy sẽ qua đời, liền bị đọa vào trong địa ngục Gào Khóc.61 Vì sao như thế? Bởi đó là quy luật xưa nay vậy. Người nào đoạn mất gốc rễ thiện lành thì sau khi qua đời đều bị đọa vào địa ngục Gào Khóc. Ông trưởng giả này hiện tại phước cũ đã hết, lại không chịu tạo phước mới.

Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Có nhân duyên nào khiến trưởng giả này thoát chết sau bảy ngày nữa chăng?

Phật bảo A-nan:
– Không có nhân duyên nào khiến ông ta thoát chết cả! Phước thọ mạng mà ông ta gieo trồng thuở xưa, đến nay đã hết, không thể nào thoát chết được.

A-nan bạch Phật:
– Có cách nào khiến trưởng giả này không bị đọa vào địa ngục Gào Khóc chăng?

Phật bảo:
– Này A-nan! Có phương cách này có thể khiến trưởng giả không bị đọa vào địa ngục.

A-nan bạch Phật:
– Những nhân duyên nào khiến trưởng giả không bị đọa vào địa ngục?

Phật bảo A-nan:
– Nếu trưởng giả ấy chịu cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y,62 xuất gia học đạo, liền được thoát khỏi khổ nạn này.

[0739c01] A-nan bạch Phật:
– Con có thể khiến cho trưởng giả này xuất gia học đạo.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan từ giã Thế Tôn, đi đến nhà ông trưởng giả rồi đứng ngoài cửa. Lúc ấy, từ xa trông thấy Tôn giả A-nan đến, trưởng giả liền ra tiếp đón, thỉnh ngài vào ngồi. Tôn giả A-nan bảo trưởng giả:
– Ở bên cạnh bậc Nhất Thiết Trí, tôi được nghe Như Lai thọ ký rằng, sau bảy ngày nữa, ông sẽ qua đời và bị đọa vào địa ngục Gào Khóc.

Vừa nghe xong, trưởng giả vô cùng kinh hãi, toàn thân sởn gai ốc, liền thưa với Tôn giả A-nan:
– Có nhân duyên nào khiến con thoát chết trong bảy ngày nữa hay không?

A-nan bảo:
– Không có nhân duyên nào khiến ông thoát chết trong bảy ngày nữa.

Trưởng giả lại bạch:
– Có nhân duyên nào khiến sau khi con qua đời mà không bị đọa vào địa ngục Gào Khóc không?

A-nan bảo: – Đức Thế Tôn cũng có dạy rằng: “Nếu trưởng giả cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì sẽ không bị đọa vào địa ngục Gào Khóc.” Ông nên xuất gia học đạo, sẽ đạt được giải thoát.63

Trưởng giả thưa:
– Tôn giả A-nan hãy về trước đi, con sẽ đến ngay!

Khi ấy, Tôn giả A-nan liền ra về. Trưởng giả liền nghĩ: “Tuy nói là bảy ngày nhưng vẫn còn lâu, ta cứ vui chơi, hưởng thụ năm dục rồi sau hãy xuất gia học đạo.”

Qua hôm sau, Tôn giả A-nan lại đến nhà trưởng giả, bảo ông ta:
– Một ngày đã trôi qua, còn lại sáu ngày thôi, ông nên xuất gia!

Trưởng giả thưa:
– Tôn giả A-nan cứ đi trước, con sẽ đi theo sau ngay!

Thế nhưng, trưởng giả ấy vẫn không chịu đi.

Thế rồi, sang ngày thứ hai, ngày thứ ba cho đến ngày thứ sáu, Tôn giả A-nan đều đến nhà trưởng giả, bảo ông ta:
– Hãy xuất gia ngay, nếu không về sau hối tiếc không kịp! Nếu không xuất gia thì hôm nay sẽ chết, rồi bị đọa vào địa ngục Gào Khóc.

Trưởng giả nói với Tôn giả A-nan:
– Tôn giả hãy đi trước, con sẽ theo sau!

A-nan bảo:
– Này trưởng giả! Hôm nay, ông dùng thần túc nào để đến nơi ấy mà bảo ta đi trước? Ta muốn đi cùng với ông!

Thế rồi, Tôn giả A-nan đưa trưởng giả đến chỗ đức Thế Tôn. Sau khi đến nơi, Tôn giả cúi lạy sát chân rồi bạch Phật:
– Hôm nay, trưởng giả này muốn xuất gia học đạo, cúi mong Như Lai hãy cạo bỏ râu tóc cho, để ông ta được học đạo.

Phật bảo A-nan:
– Nay thầy hãy đích thân độ cho trưởng giả này đi!

Vâng lời Phật dạy, Tôn giả A-nan lập tức cạo bỏ râu tóc cho trưởng giả, chỉ bảo cách đắp ba pháp y và giảng dạy Chánh pháp cho ông ta. Lúc ấy, Tôn giả A-nan dạy Tỳ-kheo kia rằng:
– Ông phải nên tu tập về quán niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo-tăng, niệm giới, niệm thí, niệm thiên, niệm tịch tĩnh,64 niệm hơi thở ra vào,65 niệm thân và niệm sự chết. Nên tu hành theo những pháp như thế. Này Tỳ-kheo! Thực hành mười pháp quán niệm này sẽ thành tựu quả báo lớn, đạt được pháp vị giải thoát.66

[0740a06] Bấy giờ, sau khi tu tập các pháp như thế rồi, Tỳ-la-tiên liền qua đời và ngay trong ngày hôm ấy, được sanh trong cõi trời Tứ Thiên Vương. Lúc ấy, Tôn giả A-nan liền hỏa táng67 thân xác Tỳ-kheo ấy xong, quay trở về chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi đứng sang một bên.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Vừa rồi, Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên đã qua đời, đã được sanh về cõi nào?

Thế Tôn bảo:
– Tỳ-kheo kia qua đời, đã được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương.

A-nan bạch Phật:
– Sau khi qua đời ở cõi ấy, ông ta sẽ sanh về đâu?

Thế Tôn bảo:
– Sau khi qua đời ở cõi ấy, ông ta sẽ được sanh vào cõi trời Ba Mươi Ba, rồi lần lượt sanh vào cõi Diệm thiên, cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, rồi đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Sau khi qua đời từ cõi trời này, ông ta lại sanh trở lại, lần lượt cho đến cõi trời Tứ Thiên Vương. Này A-nan! Sau bảy lần lưu chuyển sanh tử trong cõi trời và cõi người như thế, khi thọ thân người ở kiếp cuối cùng, Tỳ-kheo Tỳ-la-tiên được xuất gia học đạo, dứt trừ sạch nguồn gốc khổ đau. Vì sao như thế? Bởi vì ông ta có lòng tin đối với Như Lai.

A-nan nên biết! Cõi Diêm-phù-đề này, phía Nam và phía Bắc đều rộng lớn hai vạn một ngàn do-tuần, phía Đông và phía Tây đều rộng lớn bảy ngàn do-tuần, nếu có người cúng dường hết thảy dân chúng trong cõi Diêm-phù-đề, phước đó có nhiều không?

Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Rất nhiều! Rất nhiều! Bạch đức Thế Tôn.

Phật bảo A-nan:
– Nếu có chúng sanh chỉ trong một khoảnh khắc, luôn giữ vững lòng tin, tu hành mười pháp quán niệm này thì phước báu không thể đo lường, không thể tính kể được.

Thật vậy, này A-nan! Hãy tìm cầu phương tiện tu hành mười pháp quán niệm này.

Thật vậy, này A-nan! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

6. PHÁP THANH TỊNH TẤT CẢ LẬU HOẶC68
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ thuyết pháp rất mực vi diệu, phần đầu, phần giữa và sau cuối đều thiện, nghĩa lý thâm sâu để thành tựu Phạm hạnh viên mãn. Bản kinh này gọi là Pháp thanh tịnh tất cả lậu hoặc. Các thầy hãy khéo suy nghĩ kỹ!

Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe.

Đức Thế Tôn dạy:
– Tại sao gọi là “Pháp thanh tịnh tất cả lậu hoặc”? Có lậu hoặc do thấy biết mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do kham nhẫn69 mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do thọ dụng70 mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do tránh né71 mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do từ bỏ72 mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do phòng hộ73 mà được đoạn trừ, có lậu hoặc do tu tập74 mà được đoạn trừ.

[0740b04] Thế nào là lậu hoặc do thấy biết mà được đoạn trừ? Ở đây, hạng phàm phu không gặp được bậc Thánh, không tu tập theo giáo pháp Như Lai, không thể giữ gìn pháp của bậc Hiền thánh, không được gần gũi bậc thiện tri thức, cũng chẳng được tu tập cùng với bậc thiện tri thức. Vị ấy nghe pháp nhưng chẳng thể phân biệt được pháp ấy nên tư duy hay không, do đó, pháp không nên tư duy thì lại tư duy, nên hết thảy phiền não trong cõi dục75 chưa sanh liền sanh khởi, hết thảy phiền não trong cõi dục đã sanh liền tăng trưởng thêm; hết thảy phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc76 chưa sanh liền sanh khởi, hết thảy phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc đã sanh liền tăng trưởng thêm; phiền não vô minh trong ba cõi77 chưa sanh liền sanh khởi, phiền não vô minh trong ba cõi đã sanh liền tăng trưởng thêm. Ðây gọi là pháp chẳng nên tư duy mà lại tư duy.

Thế nào gọi là pháp nên tư duy nhưng vị ấy lại không tư duy? Pháp nên tư duy là, hết thảy phiền não trong cõi dục chưa sanh khiến chẳng sanh khởi, hết thảy phiền não trong cõi dục đã sanh khiến được đoạn trừ; hết thảy phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc chưa sanh khiến chẳng sanh khởi, hết thảy phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc đã sanh khiến được đoạn trừ; phiền não vô minh trong ba cõi chưa sanh khiến chẳng sanh khởi, phiền não vô minh đã sanh khiến được đoạn trừ.

Ðó gọi là pháp đáng tư duy nhưng lại không tư duy, pháp không nên tư duy thì lại tư duy. Do pháp đáng tư duy lại không tư duy nên phiền não trong cõi dục chưa sanh liền sanh khởi, phiền não trong cõi dục đã sanh càng tăng trưởng; phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc chưa sanh liền sanh khởi, phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc đã sanh liền tăng trưởng; phiền não vô minh trong ba cõi chưa sanh liền sanh khởi, phiền não vô minh trong ba cõi đã sanh liền tăng trưởng.

Vị ấy tư duy như vầy: “Quá khứ lâu xa như thế nào? Ta có hiện hữu trong quá khứ lâu xa ấy?” Vị ấy lại tư duy: “Làm gì có quá khứ lâu xa? Làm gì có hiện hữu trong quá khứ lâu xa? Ai đã từng hiện hữu trong quá khứ lâu xa? Có tương lai lâu xa về sau không? Ta có hiện hữu trong tương lai lâu xa về sau không?” Hoặc lại cho rằng: “Làm gì có tương lai lâu xa về sau? Làm gì có sự hiện hữu trong tương lai lâu xa về sau? Ai sẽ là người hiện hữu trong tương lai lâu xa về sau? Phải chăng chúng sanh này đã hiện hữu từ lâu xa? Phải chăng chúng sanh này từ lâu xa đến đây? Rồi từ đây, chúng sanh này chết sẽ sanh về đâu?”

Vị ấy khởi lên suy nghĩ không thiện lành này, liền phát sanh sáu kiến chấp, rồi lần lượt sanh khởi tư tưởng tà vạy: Thấy có ngã, quả thật có phát sanh kiến chấp này; thấy không có ngã, quả thật có phát sanh kiến chấp này; vừa thấy có ngã vừa thấy không có ngã, trong đó quả thật có phát sanh kiến chấp này. Lại tự quán thân rồi khởi lên kiến chấp: “Đối với tự ngã mà không thấy tự ngã.” Lại khởi lên kiến chấp: “Đối với vô ngã mà không thấy vô ngã”, ở trong đó mà phát sanh những kiến chấp này. Bấy giờ, vị ấy lại sanh khởi tà kiến như vầy: “Cái ngã ấy, chính là cái ngã trong đời này, cũng là cái ngã của đời sau, thường tồn tại ở thế gian không bị tan hoại, cũng không biến đổi, cũng chẳng di chuyển.” Ðó gọi là sự hội họp các tà kiến. Tà kiến, tai họa, ưu, bi, khổ, não đều do đây mà sanh khởi, không thể chữa trị, cũng không thể xả bỏ, nguồn gốc đau khổ mãi tăng trưởng. Do đó không phải là hạnh của bậc Sa-môn, đạo quả Niết-bàn.

[0740c08] Lại nữa, này Tỳ-kheo! Đệ tử Hiền thánh tu hành pháp này không mất thứ lớp, khéo léo hộ trì, cùng tu tập với bậc thiện tri thức. Vị ấy có thể thông đạt, biết rõ pháp nào không nên tư duy, cũng biết rõ pháp nào nên tư duy. Vị ấy không tư duy những pháp không nên tư duy, vị ấy chỉ tư duy những pháp nào cần tư duy.

Thế nào gọi là pháp không nên tư duy thì vị ấy không tư duy? Đó là, đối với các pháp khiến phiền não trong cõi dục chưa sanh liền sanh khởi, phiền não trong cõi dục đã sanh liền tăng trưởng; phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc chưa sanh liền sanh khởi, phiền não trong cõi sắc và vô sắc đã sanh liền tăng trưởng; phiền não vô minh trong ba cõi chưa sanh liền sanh khởi, phiền não vô minh trong ba cõi đã sanh liền tăng trưởng. Ðó là những pháp không nên tư duy.

Những pháp nào nên tư duy thì vị ấy tư duy? Ðó là, đối với các pháp khiến phiền não trong cõi dục chưa sanh chẳng sanh khởi, phiền não trong cõi dục đã sanh liền đoạn trừ; phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc chưa sanh chẳng sanh khởi, phiền não trong cõi sắc và cõi vô sắc đã sanh liền đoạn trừ; phiền não vô minh trong ba cõi chưa sanh chẳng sanh khởi, phiền não vô minh trong ba cõi đã sanh liền đoạn trừ. Ðây gọi là những pháp nên tư duy.

Những điều gì không nên tư duy thì vị ấy không tư duy, điều gì nên tư duy liền tư duy. Vị ấy tư duy như thế liền diệt trừ được ba pháp. Là ba pháp nào? Đó là thân kiến,78 giới cấm thủ79 và nghi. Nếu không biết, không thấy thì tăng thêm nghiệp lậu hoặc. Nếu ai có thể thấy, nghe, nhớ, biết thì chẳng tăng thêm nghiệp lậu hoặc. Ðã biết, đã thấy thì lậu hoặc chẳng sanh. Đó gọi là lậu hoặc do thấy biết mà được đoạn trừ.

Thế nào là lậu hoặc do kham nhẫn mà được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Kham nhẫn sự đói lạnh, chịu khổ gió mưa, muỗi mòng, lời nói ác, mắng nhiếc, thân sanh ra đau đớn, quá đỗi phiền phức, thân mạng sắp chấm dứt cũng có thể kham nhẫn. Nếu không kham nhẫn được liền khởi lên đau khổ phiền não. Những ai có thể kham nhẫn được thì những phiền não như thế chẳng sanh khởi. Ðó gọi là lậu hoặc do kham nhẫn mà được đoạn trừ.

[0741a01] Thế nào là lậu hoặc do thọ dụng mà được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Giữ tâm khi thọ nhận y áo, không khởi tâm mong cầu trang sức, chỉ muốn giữ gìn thân thể, muốn trừ lạnh nóng, muốn mưa gió không chạm vào thân. Lại muốn che thân thể không lộ ra ngoài. Lại giữ tâm khi khất thực đúng thời, không khởi tâm tham nhiễm, đắm trước, chỉ muốn giữ gìn thân thể, khiến cho bệnh cũ được lành, bệnh mới chẳng sanh; giữ gìn các hạnh không để vi phạm, mong được an ổn lâu dài để tu tập Phạm hạnh, tồn tại bền lâu ở đời. Lại giữ gìn tâm ý khi thọ dụng giường đệm, cũng không đắm nhiễm những phục sức xa hoa; chỉ muốn trừ đói lạnh, gió mưa, các loại muỗi mòng, che chở thân thể để tu hành đạo pháp. Lại giữ gìn tâm ý khi thọ dụng thuốc men, chẳng sanh tâm đắm nhiễm, đối với thuốc men chỉ muốn bệnh tật được lành, thân thể được an ổn. Nếu không thọ dụng thì sanh tai họa lậu hoặc, nếu thọ dụng thì không sanh tai họa lậu hoặc. Ðó gọi là lậu hoặc do thọ dụng mà được đoạn trừ.

Thế nào gọi là lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳkheo! Diệt trừ loạn tưởng, phải xem như voi ác, lạc đà, trâu, ngựa, cọp, beo, chó, rắn độc, hầm sâu, bờ hiểm, gai góc, sườn dốc, bùn sình, thảy đều tránh né. Không tập tành theo bạn bè xấu ác, cũng không gần gũi, giao du với kẻ ác, phải tư duy thuần thục, không xa rời giềng mối của tâm. Nếu không giữ gìn như thế thì lậu hoặc sanh khởi, nếu giữ gìn như thế thì lậu hoặc không sanh khởi. Ðó gọi là lậu hoặc do tránh né được đoạn trừ.

Thế nào gọi là lậu hoặc do từ bỏ mà được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Tưởng tham dục sanh khởi mà chẳng từ bỏ, tưởng sân hận sanh khởi cũng chẳng từ bỏ, tưởng si mê sanh khởi cũng chẳng từ bỏ. Nếu chẳng từ bỏ thì lậu hoặc sanh khởi. Những ai có thể từ bỏ tưởng ấy thì lậu hoặc không thể sanh khởi. Ðó gọi là lậu hoặc do từ bỏ mà được đoạn trừ.

Thế nào là lậu hoặc do phòng hộ mà được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy sắc nhưng không khởi tưởng đối với sắc, cũng không khởi tâm nhiễm ô, nhãn căn toàn vẹn, giữ gìn nhãn căn không để thiếu khuyết. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm80 và ý biết pháp, đều không khởi tâm nhiễm ô, cũng không khởi tưởng chấp trước, luôn gìn giữ ý căn. Nếu không thu nhiếp oai nghi thì lậu hoặc sanh khởi, nếu thu nhiếp oai nghi thì không có tai họa lậu hoặc. Ðó gọi là lậu hoặc do phòng hộ mà được đoạn trừ.

Những lậu hoặc nào do tu tập được đoạn trừ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Tu niệm giác chi, nương vào pháp không tham dục, nương vào pháp không nhiễm ô, nương vào pháp diệt tận mà mong cầu giải thoát. Tu tập trạch pháp giác chi,81 tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi,82 định giác chi, xả giác chi,83 nương vào pháp không tham dục, nương vào pháp không nhiễm ô, nương vào pháp diệt tận mà mong cầu giải thoát. Nếu không tu tập như vậy thì tai họa lậu hoặc sẽ sanh khởi, những ai tu tập như vậy thì tai họa lậu hoặc không sanh khởi. Ðó gọi là lậu hoặc do tu tập mà được đoạn trừ.

[0741b06] Này Tỳ-kheo! Với Tỳ-kheo còn lậu hoặc, lậu hoặc nào do thấy biết mà được đoạn trừ thì hãy dùng thấy biết để đoạn trừ; lậu hoặc nào do kham nhẫn mà được đoạn trừ, hãy dùng kham nhẫn để đoạn trừ; lậu hoặc nào do thọ dụng mà được đoạn trừ, hãy dùng thọ dụng để đoạn trừ; lậu hoặc nào do tránh né mà được đoạn trừ, hãy dùng tránh né để đoạn trừ; lậu hoặc nào do phòng hộ mà được đoạn trừ, hãy dùng phòng hộ để đoạn trừ; lậu hoặc nào do tu tập mà được đoạn trừ, hãy dùng tu tập để đoạn trừ.

Này Tỳ-kheo! Khi đầy đủ tất cả mọi sự phòng hộ thì sẽ đoạn trừ kiết sử, xa lìa ái dục, vượt thoát bốn lưu,84 dần dần thoát khỏi khổ đau.

Này Tỳ-kheo! Ðó là pháp diệt trừ lậu hoặc, là pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường thực hành, vì lòng từ bi đối với tất cả loài hữu tình, nay Ta đã thực hành xong. Các thầy nên ưa thích nơi nhàn vắng, ở bên gốc cây, siêng năng tinh tấn, chớ có biếng nhác. Hôm nay không siêng năng, ngày sau hối hận vô ích. Ðây là lời dạy bảo của Ta.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.85

***

7. BẢY PHƯỚC ĐỨC86
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo cư ngụ bên bờ sông A-du-xà.87

Khi ấy, Ðại Quân-đầu đang ở nơi yên vắng, liền khởi niệm như vầy: “Có việc làm nào khiến công đức tăng thêm mãi hay không?”

Đại Quân-đầu liền đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, Đại Quân-đầu bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Vừa rồi con ở nơi yên vắng, suy nghĩ như vầy: “Có những việc làm nào khiến công đức được tăng thêm mãi hay không?” Nay con xin hỏi Thế Tôn, cúi mong Ngài thuyết giảng cho!

[0741c02] Thế Tôn bảo:
– Có thể được tăng thêm công đức.

Đại Quân-đầu bạch Phật:
– Làm thế nào để được tăng thêm công đức?

Thế Tôn bảo:
– Có bảy việc khiến cho phước báu ấy tăng thêm, không thể đo lường, cũng không ai có thể tính toán được. Là những việc nào? Đó là, người thiện nam hoặc người thiện nữ nào chưa từng tạo dựng già-lam cho chư Tăng, liền tạo lập già-lam thì phước báu này không thể tính kể.

Lại nữa, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ đem giường đệm, tọa cụ cúng dường cho chùa viện và chúng Tỳ-kheo. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ hai.

Lại nữa, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ cúng dường thực phẩm cho chúng Tỳ-kheo. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ ba.

Lại nữa, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ cúng dường áo che mưa cho chúng Tỳ-kheo. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ tư.

Lại nữa, này Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ cúng dường thuốc men cho chúng Tỳ-kheo. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ năm.

Lại nữa, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ đào giếng tốt nơi chốn đồng trống. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ sáu.

Lại nữa, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam hoặc người thiện nữ xây nhà dọc đường cho khách vãng lai có chỗ tá túc. Này Đại Quân-đầu, đó là phước báu không thể tính kể thứ bảy.

Như thế, này Quân-đầu! Đó là pháp bảy công đức, phước báu này không thể đo lường được. Hoặc lúc đi, khi ngồi, cho dù qua đời thì phước báu ấy cũng theo sau như bóng theo hình. Bảo rằng có bao nhiêu phước đức thì không thể nào tính kể được, cũng như nước trong biển cả thì không thể dùng thăng hay đấu88 mà đo lường rồi bảo có bao nhiêu nước. Bảy công đức này cũng lại như thế, phước báu ấy không có giới hạn.

Thế nên, này Đại Quân-đầu! Người thiện nam, người thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu bảy công đức này.

Thật vậy, này Quân-đầu! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

8. TƯỞNG VỀ SỰ CHẾT89
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy tu tập quán tưởng về sự chết,90 tư duy quán tưởng về sự chết.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo đang ngồi trong chúng, liền bạch Thế Tôn:
– Con thường tu tập, tư duy quán tưởng về sự chết.

[0742a01] Thế Tôn hỏi:
– Thầy tư duy, tu tập quán tưởng về sự chết thế nào?

Tỳ-kheo bạch Phật:
– Khi tư duy, quán tưởng về sự chết, con nghĩ rằng con chỉ còn sống bảy ngày nữa nên tư duy về bảy giác chi trong giáo pháp của đức Như Lai, vì sẽ có nhiều lợi ích, sau khi qua đời sẽ không hối tiếc. Bạch Thế Tôn! Con tư duy, quán tưởng về sự chết như thế.

Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, này Tỳ-kheo! Ðây chẳng phải là tu hành quán tưởng về sự chết. Ðây gọi là pháp buông lung.

Có một Tỳ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Con có thể kham nhẫn tu tập quán tưởng về sự chết.

Thế Tôn hỏi:
– Thầy tu tập, tư duy quán tưởng về sự chết thế nào?

Tỳ-kheo bạch Phật:
– Con nghĩ rằng chỉ còn sống sáu ngày nữa nên tư duy về Chánh pháp Như Lai rồi ngay đó sẽ qua đời. Ðiều này thật là lợi ích. Con tư duy, quán tưởng về sự chết như thế.

Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, này Tỳ-kheo! Đây cũng là pháp buông lung, chẳng phải là tư duy, quán tưởng về sự chết.

Lại có Tỳ-kheo bạch Phật:
– Con sẽ tư duy rằng, chỉ còn sống năm ngày, hoặc bốn ngày, hoặc ba ngày, hai ngày, cho đến chỉ còn một ngày.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thôi, thôi, này Tỳ-kheo! Ðây cũng là pháp buông lung, chẳng phải là tư duy, quán tưởng về sự chết.

Khi ấy, có một Tỳ-kheo khác bạch Thế Tôn:
– Con có thể kham nhẫn tu tập quán tưởng về sự chết như vầy: Lúc đến giờ, con đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, xong ra khỏi thành Xá-vệ trở về chỗ của mình rồi vào trong thất vắng lặng, tư duy về bảy giác chi rồi qua đời. Ðây là tư duy, quán tưởng về sự chết.

Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi, này Tỳ-kheo! Ðây cũng chẳng phải tư duy, tu hành quán tưởng về sự chết. Lời nói của các thầy đều là hạnh buông lung, chẳng phải là pháp môn tu hành quán tưởng về sự chết.

Lúc đó, Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Ai có thể tu tập như Tỳ-kheo Bà-ca-lợi91 mới gọi là tư duy, quán tưởng về sự chết. Tỳ-kheo ấy tư duy, quán tưởng về sự chết một cách khéo léo, nhàm chán thân này nhơ uế, bất tịnh. Nếu Tỳ-kheo tư duy, quán tưởng về sự chết, phải buộc tâm ở trước mặt, tâm không lay động, ghi nhớ số hơi thở ra, hơi thở vào, đồng thời tư duy về bảy giác chi thì ở trong pháp Như Lai sẽ được nhiều lợi ích. Vì sao như thế? Bởi vì tất cả các pháp hữu vi đều rỗng rang, đều vắng lặng. Sự sanh khởi và diệt mất của pháp hữu vi đều là huyễn hóa, không chân thật.

Thế nên, này [các] Tỳ-kheo! Hãy tư duy quán tưởng về sự chết trong từng hơi thở ra, hơi thở vào thì sẽ thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, sầu, ưu, khổ, não.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9. THIÊN SƯ A-TƯ-ĐÀ92
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ra lệnh cho quần thần:
– Hãy mau sửa soạn xe gắn lông chim quý,93 trẫm muốn đến lễ bái, thăm hỏi đức Thế Tôn.

Thế rồi, đại vương liền ra khỏi thành, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồisang một bên. Khi ấy, Như Lai đang thuyết pháp cho vô số chúng vây quanh.

Bấy giờ, cách chỗ Thế Tôn không xa, có bảy vị Ni-kiền tử, bảy người lõa thể, bảy hắc Phạm chí, bảy Bà-la-môn lõa thể đang đi qua.

Khi thấy những người này đi qua cách chỗ Thế Tôn không xa, Vua Ba-tưnặc liền bạch Phật:
– Con quan sát thấy những người này đi khắp nơi, không trụ lại chỗ nào, họ đều là những người ít muốn biết đủ, không có gia sản, sự nghiệp. Ở thế gian này, họ chính là những bậc thượng thủ trong hàng A-la-hán. Vì sao như thế? Bởi vì, so với mọi người thì họ quá ư khổ hạnh, không tham lợi dưỡng.

Thế Tôn bảo:
– Này Đại vương! Vua chưa biết về bậc A-la-hán chân thật, vì không phải do phơi bày thân thể mà được gọi là bậc A-la-hán. Ðại vương nên biết! Các biểu hiện ấy đều không phải là hạnh chân thật. Cần phải nên quán sát thật lâu dài về mọi diễn biến từ xa xưa. Phải nên quán sát những ai đáng thân thì nên kết thân, đáng gần gũi thì nên gần gũi.

Vì sao như thế? Vì trong thời quá khứ lâu xa, có bảy Phạm chí cùng nhau tu tập, đến khi quá già yếu, họ kết cỏ để mặc, lượm hạt cỏ để ăn, rồi khởi lên các kiến chấp sai lệch, ai cũng nghĩ như vầy: “Chúng ta tu tập pháp khổ hạnh này để đời sau làm đại quốc vương, hoặc cầu mong sanh lên cõi trời Đế-thích, Phạm thiên và cõi trời Tứ Thiên Vương.”

Bấy giờ, có A-tư-đà, bậc thầy của chư thiên,94 vốn là thủy tổ của các Bà-la-môn ấy, biết được tâm niệm của các Phạm chí kia, liền từ cõi trời Phạm thiên hiện thân xuống chỗ bảy Bà-la-môn ấy. Bấy giờ, Thiên sư A-tư-đà cởi bỏ phục sức cõi trời, hóa thành một Bà-la-môn rồi đi kinh hành ở khoảng đất trống. Từ xa, thấy đạo sĩ A-tư-đà đang đi kinh hành, bảy Phạm chí đều nổi giận và nói:

“Hạng người tham đắm dục lạc nào mà lại dám đi trước những người Phạm hạnh như chúng ta? Chúng ta sẽ đọc chú, khiến ông ta tan thành tro bụi.”

Thế rồi, bảy Phạm chí liền dùng tay vốc nước rảy lên Phạm chí kia rồi thì thầm chú rằng:
“Ông hãy mau tan thành tro bụi!”

Thế nhưng, những Bà-la-môn càng sân hận bao nhiêu thì nhan sắc đạo sĩ A-tư-đà càng thêm đoan chánh bấy nhiêu. Tại sao như thế? Bởi vì lòng từ có khả năng diệt tan sân hận. Bấy giờ, bảy vị Phạm chí liền nghĩ: “Chẳng lẽ giới cấm của chúng ta sắp suy giảm rồi sao, ngay lúc chúng ta khởi sân hận thì người kia liền thêm đoan chánh?”

[0742c03] Khi ấy, bảy Phạm chí dùng kệ hỏi Thiên sư:

Chúng tôi không biết ngài,
Là trời, càn-thát-bà,
Hay quỷ thần, la-sát,
Phải gọi thế nào đây?

Khi ấy, Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ đáp rằng:

Không phải càn-thát-bà,
Hay quỷ thần, la-sát,
Thiên sư A-tư-đà,
Chính là thân ta vậy.

“Ta biết trong tâm các ông đang nghĩ gì nên từ cõi trời Phạm thiên xuống đây. Cõi Phạm thiên cách xa cõi này vô cùng, thân trời Ðế-thích kia đâu dễ có được, thân Chuyển Luân Thánh vương cũng khó như thế. Không thể dùng khổ hạnh này mà mong được làm Đế-thích, Phạm thiên hay Tứ Thiên Vương.”

Khi ấy, Thiên sư A-tư-đà liền nói kệ này:

Trong, niệm tưởng dẫy đầy,
Ngoài, ăn mặc nhếch nhác,
Chánh kiến, nếu siêng tu,
Mới xa lìa đường ác.
Tâm giữ giới thanh tịnh,
Thân, miệng gắng nghiêm trì,
Lìa niệm xấu ác đi,
Sẽ sanh về thiên giới.

Lúc ấy, bảy Phạm chí thưa Thiên sư:
“Ngài có thật là Thiên sư không?”

Thiên sư đáp:
“Thật vậy! Nhưng này Phạm chí! Không phải do lõa thể mà được sanh lên cõi trời, chưa chắc tu khổ hạnh này mà được sanh lên cõi Phạm thiên, cũng không phải do phơi bày thân thể, làm bấy nhiêu khổ hạnh mà được sanh lên các cõi kia. Ai có thể thu nhiếp tâm ý khiến không lay động, liền được sanh lên cõi trời, chứ không phải do sự tu tập của các ông mà được sanh vào các cõi ấy.”

Này Đại vương! Qua đó có thể biết, chẳng phải do lõa hình mà được gọi là A-la-hán. Người phàm phu muốn biết được bậc chân nhân, việc này rất khó, nhưng bậc chân nhân lại biết rõ các hạnh nghiệp chứa nhóm của phàm phu. Lại nữa, người phàm phu không thể biết hạnh nghiệp của phàm phu. Bậc chân nhân thì biết được hạnh nghiệp của phàm phu. Nếu Đại vương muốn biết về họ thì nên tìm phương tiện để biết rõ họ từ lâu xa cho đến nay, chứ không thể lấy những việc trước mắt để đoán định họ. Thật vậy, này Đại vương! Nên dùng phương tiện mà học tập điều này.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:
– Như Lai giảng thuyết thật vi diệu! Người đời chẳng thể nào hiểu rõ. Việc nước quá bề bộn, con muốn trở về.

[0743a01] Phật bảo nhà vua:
– Hãy đi cho kịp lúc, Đại vương! Nhà vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân Thế Tôn rồi lui ra.

Khi ấy, Vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

10. PHÁP VỊ CAM LỘ95
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong vườn Ni-câu-lưu96 của dòng họ Thích, thuộc nước Ca-tỳ-la-vệ.

Lúc ấy, sau giờ thọ trai, đức Thế Tôn rời vườn Ni-câu-lưu đi đến làng Tỳla-da-trí rồi ngồi bên một gốc cây. Khi ấy, có vị Chấp Trượng dòng họ Thích97 cũng rời thành Ca-tỳ-la-vệ, đi đến chỗ Thế Tôn rồi đứng im lặng trước mặt Ngài. Bấy giờ, Chấp Trượng hỏi Thế Tôn:
– Sa-môn giảng dạy những gì? Có những luận thuyết gì?

Thế Tôn bảo:
– Phạm chí nên biết! Ðiều bàn luận của Ta, không có hàng trời, rồng hay quỷ thần nào có thể sánh bằng, chẳng dính mắc vào thế gian, cũng chẳng phải trụ ở thế gian. Luận thuyết của Ta chính là như thế.

Khi ấy, Chấp Trượng dòng họ Thích cúi đầu thở dài rồi bỏ đi.

Bấy giờ, đức Như Lai liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về chỗ nghỉ.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vừa rồi Ta ngồi trong khu vườn kia, có Chấp Trượng dòng họ Thích đến hỏi Ta rằng: “Sa-môn có những luận thuyết gì?” Ta đáp: “Luận thuyết của Ta, tất cả các hàng trời, người chẳng thể sánh bằng, chẳng dính mắc vào thế gian, cũng chẳng phải trụ ở thế gian. Luận thuyết của Ta chính là như thế.” Khi ấy, Chấp Trượng dòng họ Thích nghe Ta nói xong, liền bỏ đi.

Khi ấy, có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Thế nào là không dính mắc vào thế gian, cũng không trụ ở thế gian?

Thế Tôn bảo:
– Những luận thuyết của Ta đều không dính mắc vào thế gian, như hiện tại đã được giải thoát khỏi các dục, dứt trừ hết thảy nghi ngờ trong dòng họ Thích,98 không còn các tưởng. Luận thuyết của Ta chính là như thế.

Thế Tôn giảng nói như vậy xong, liền đứng dậy đi vào thất.

Lúc đó, các Tỳ-kheo bảo nhau:
– Vừa rồi Thế Tôn chỉ giảng nói sơ lược ý nghĩa của luận thuyết kia. Ai có khả năng giảng nói, mở rộng nghĩa này thêm không?

Thế rồi, các Tỳ-kheo bàn bạc với nhau:
– Đức Thế Tôn thường khen ngợi Tôn giả Ðại Ca-chiên-diên.99 Hiện tại, chỉ có Tôn giả Đại Ca-chiên-diên mới có thể diễn thuyết ý nghĩa này.

Khi ấy, các Tỳ-kheo thưa Tôn giả Đại Ca-chiên-diên:
– Vừa rồi, Thế Tôn chỉ giảng nói sơ lược ý nghĩa này, cúi mong Tôn giả hãy giảng thuyết, mở rộng ý nghĩa, phân biệt rành rẽ cho mọi người được thấu hiểu.

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên đáp:
– Ví như ở thôn xóm kia, có người muốn đi tìm lõi cây100 nên đã ra khỏi thôn. Người ấy thấy một cây lớn, liền đốn hạ xuống, rồi chặt lấy cành lá mà đi về. Nay các thầy cũng giống như thế. Các thầy đã bỏ Như Lai rồi đi theo cành lá mà tìm cầu lõi cây. Bởi Như Lai quán sát thấy khắp tất cả, không đâu không cùng khắp, chiếu sáng thế gian, là vị dẫn đường của cõi trời, cõi người. Như Lai là vị chủ tể của các pháp, các thầy nên tùy theo thời gian thích hợp, tự nhiên sẽ gặp lúc Như Lai giảng nói nghĩa này.

[0743b06] Các Tỳ-kheo đáp:
– Như Lai tuy là vị chủ tể của các pháp, giảng rộng ý nghĩa này, nhưng Tôn giả đã được Như Lai thọ ký nên đủ khả năng giảng nói ý nghĩa này.

Tôn giả Đại Ca-chiên-diên đáp:
– Các thầy hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ thật kỹ, tôi sẽ giảng nói rõ ràng ý nghĩa này!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Lành thay, thưa Tôn giả!

Các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Tôn giả Đại Ca-chiên-diên bảo:
– Như Lai có giảng nói: “Luận thuyết của Ta, chẳng phải trời, rồng hay quỷ thần có thể sánh kịp, chẳng dính mắc vào thế gian, cũng chẳng phải trụ vào thế gian.” Bởi Như Lai đã giải thoát mọi pháp ấy, đoạn trừ các sự nghi ngờ, không còn do dự nữa, nhưng nay chúng sanh ưa thích tranh luận nên khởi các loạn tưởng. Như Lai lại nói: “Ở trong đó, Ta không còn khởi tâm đắm nhiễm, dính mắc.” Ở trong đó tức là sự sai khiến của tham dục, sân hận, tà kiến; sự sai khiến của dục vọng thế gian, sự sai khiến của kiêu mạn, sự sai khiến của nghi ngờ, sự sai khiến của vô minh, hoặc đưa đến quả báo gây khổ đau cho nhau bằng dao gậy, hoặc cùng với người tranh đấu, kiện tụng nhau... gây nên biết bao nghiệp bất thiện, sanh khởi các loạn tưởng cùng với hạnh nghiệp bất thiện.

Như do mắt thấy sắc mà khởi thức tưởng, do ba điều này làm duyên cho nhau, tương tác cho nhau mà có xúc.101 Do có xúc liền có thọ,102 đã có thọ liền có giác tri, có giác tri liền có tưởng, đã có tưởng nên có suy xét, rồi sanh khởi niệm tưởng chấp trước. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà khởi thức tưởng, do ba điều này làm nhân duyên, tương tác cho nhau mà có xúc, đã có xúc liền có thọ, đã có thọ liền có giác tri, đã có giác tri liền có tưởng, đã có tưởng nên có suy xét, rồi sanh khởi niệm tưởng chấp trước. Ðây là sự sai khiến của tham dục, của sân hận, của tà kiến, của kiêu mạn, của tham muốn thế gian, của si mê, của nghi ngờ, tất cả đều gây nên tai họa về đao gậy và vô số tai họa khác, chẳng thể tính kể.

Nếu có người cho rằng: “Mắt cũng không có, sắc cũng không có, nhưng có xúc.” Điều này không đúng. Nếu lại có người cho rằng: “Không có xúc mà có thọ.” Điều này cũng không đúng. Nếu cho rằng: “Không thọ mà có tưởng dính mắc.” Điều này không đúng. Nếu có người cho rằng: “Không có tai, không có tiếng; không có mũi, không mùi hương; không có lưỡi, không có vị; không có thân, không xúc chạm; không có ý, không có pháp, mà cho rằng chỉ có thức”, thì không bao giờ có lý này. Nếu cho rằng: “Không có thức mà có xúc.” Điều này không đúng. Nếu cho rằng: “Không có xúc mà cho rằng có thọ.” Điều này không đúng. Nếu cho rằng: “Không có thọ mà có tưởng chấp trước.” Điều này cũng không đúng.

Nếu có người cho rằng: “Khi có mắt và có sắc liền sanh khởi thức”, điều này rất đúng. Nếu cho rằng: “Khi có tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc chạm, ý và pháp, liền sanh khởi thức”, điều này rất đúng.

Chư Hiền nên biết, do nhân duyên này, đức Thế Tôn mới nói rằng: “Luận thuyết của Ta, trời và người, ma hay thiên ma không thể sánh kịp, cũng chẳng dính mắc vào thế gian, cũng chẳng trụ ở thế gian. Thế nên, Ta được giải thoát khỏi các dục, dứt sạch các nghi ngờ, không còn do dự.” Do nhân duyên ấy, Thế Tôn mới lược nói ý nghĩa này. Nếu các thầy còn điều gì không hiểu thì hãy đến chỗ Như Lai để thưa hỏi lại nghĩa này. Nếu Như Lai có giảng nói điều gì nên ghi nhớ phụng trì.

[0743c14] Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Đại Ca-chiên-diên giảng nói xong, họ chẳng khen hay, cũng chẳng nói là không đúng, liền đứng dậy đi ra rồi bảo nhau rằng: “Chúng ta nên đem ý nghĩa này đến thưa hỏi Như Lai, nếu Thế Tôn có dạy bảo điều gì, chúng ta sẽ phụng hành.”

Rồi những Tỳ-kheo ấy đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, các Tỳ-kheo đem việc này trình bày đầy đủ với đức Thế Tôn. Khi ấy, Như Lai bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo Đại Ca-chiên-diên thông minh, khéo léo thuyết giảng, đã giảng nói ý nghĩa này thật sâu rộng. Các thầy đến chỗ Ta để thưa hỏi về ý nghĩa này, Ta cũng sẽ giảng nói với các thầy như thế.

Khi ấy, Tôn giả A-nan đang ở phía sau đức Như Lai, liền thưa:
– Nghĩa lý của kinh này rất sâu xa. Ví như có người đi đường gặp được cam lộ liền lấy ăn, cực kỳ thơm ngon, ăn không biết chán. Ðiều này cũng như thế, người thiện nam, người thiện nữ nào được nghe pháp này sẽ không biết nhàm chán.

Tôn giả A-nan lại bạch Thế Tôn:
–Kinh này tên là gì, chúng con phải phụng hành thế nào?

Phật bảo A-nan:
– Kinh này tên là Pháp vị cam lộ. Hãy ghi nhớ, phụng hành!

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Thất nhật phẩm 七日品 (T.02. 0125.40. 0735b19).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.1. 0735b20). Tham chiếu: Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.9. 0137b01); Thất nhật kinh 七日經 (T.01. 0026.8. 0428c07); D. 27, Aggañña Sutta (Kinh khởi thế nhân bổn); A. 7.66 - IV. 100.
3 Tu-di sơn (須彌山, Sineru): Núi Tu-di còn gọi là Diệu Cao (妙高), Diệu Quang (妙光), tên một ngọn núi cao lớn nhất trong thần thoại Ấn Độ cổ đại, là trung tâm của một tiểu thế giới.
4 Do-tuần (由旬). Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422b04) ghi là do-diên (由延); Pháp trang nghiêm kinh 法莊嚴經 (T.01. 0026.213. 0795c01) ghi là câu-lâu-xá (拘婁舍, yojana). Theo PED, do tuần là đơn vị đo chiều dài, khoảng 7 dặm Anh.
5 Duyệt-xoa (閱叉). Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30. 0117c11) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.101. 0028b01) ghi là dạ-xoa hoặc duyệt-xoa (夜叉/悅叉), Ngưu Giác Sa-la lâm kinh 牛角娑羅林經 (T.01. 0026.185. 0730c26) ghi là “quỷ thiên” (鬼天, yakkha). Theo Phật học đại từ điển (佛學大辭典), “dạ-xoa” là 1 loài trong 8 bộ chúng, được phân làm 3 loại: Loại thứ nhất ở trên mặt đất, loại thứ 2 ở giữa hư không, loại thứ 3 ở trên các cõi trời.
6 A-tu-luân (阿須倫). Theo Phật học đại từ điển (佛學大辭典), “a-tu-luân” dịch là phi thiên (非天), một trong 8 bộ chúng, thường đánh nhau với cõi trời Đế-thích.
7 Bộ (步). Theo Hán-Việt đại từ điển (漢越大辭典): Đơn vị đo chiều dài thời xưa, thời nhà Chu (周) định 8 thước là một bộ, thời nhà Tần (秦) định 6 thước là một bộ.
8 Ưu-bát liên hoa (優鉢蓮華): Hoa sen xanh.
9 Câu-mâu-đầu hoa (拘牟頭華) còn gọi câu-vật-đầu (拘勿頭): Hoa sen trắng.
10 Kỳ-xà quật (耆闍崛, Gijjhakūta), tên một ngọn núi gần thành Vương Xá (Rājagaha), còn gọi là núi Thứu Phong (鷲峰山), Linh Thứu (靈鷲山). Do tảng đá trên ngọn núi có hình con chim kên kên, nhân đó mà đặt tên.
11 Hằng-già (恒伽, Gaṅgā), một con sông lớn ở phía Bắc Trung bộ Ấn Độ, chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và đổ vào vịnh Bengal.
12 Kiếp thiêu (劫燒): Đại hỏa tai (大火災). Kiếp nạn lửa lớn xảy ra trong chu kỳ kiếp hoại.
13 Tùy-lam (隨嵐): Ngọn gió mang hơi ẩm của rừng núi.
14 Diêm-phù-đề (閻浮提, Jambudīpa) hoặc Thiệm-bộ châu (贍部洲): Châu lục nằm phía Nam núi Tu-di (須彌山, Sineru). Theo Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30. 0115b19): Phía Nam núi Tu-di có thiên hạ tên là Diêm-phù-đề, đất đai phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, ngang rộng 7 ngàn do-tuần, mặt người cũng vậy, giống như hình đất.
15 Cù-da-ni (瞿耶尼) hoặc Cù-đà-ni (瞿陀尼): Tây Ngưu Hóa châu (西牛貨洲, Goyāniya hoặc Aparagoyāna), nằm phía Tây núi Tu-di. Theo Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30. 0115b17): Phía Tây núi Tu-di có thiên hạ tên là Cù-da-ni (拘耶尼), địa hình như nửa mặt trăng, ngang rộng 8 ngàn do-tuần, mặt người cũng vậy, giống như hình đất.
16 Phất-vu-đãi (弗于逮) hoặc Tỳ-đề-ha (毘提訶): Đông Thắng Thần châu (東勝神洲, Pubbavideha), nằm phía Đông núi Tu-di. Theo Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30. 0115b15): Phía Đông núi Tu-di có một thiên hạ tên là Phất-vu-đãi, lãnh thổ tròn trịa, ngang rộng 9 ngàn do-tuần, mặt người cũng tròn, giống như hình đất.
17 Uất-đan-viết (欝單曰) hoặc Uất-đan-việt (鬱單越): Bắc Câu-lô châu (北俱盧洲), nằm phía Bắc núi Tu-di. Theo Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30. 0115b13): “Phật bảo các Tỳ-kheo: Phía Bắc núi Tu-di có một thiên hạ tên là Uất-đan-việt, lãnh thổ vuông vức, ngang rộng một vạn do-tuần, mặt người cũng vuông, giống như hình đất.” Trong bản dịch thống nhất dùng âm “Uất-đan-việt.”
18 Bồ đào tửu (蒲桃酒): Rượu nho.
19 Phì bạch (肥白). Trong quan điểm mỹ học ở Ấn Độ cổ đại, béo mập là tiêu chuẩn lý tưởng của sức khỏe và cái đẹp.
20 Sát-lợi (剎利, Khattiya): Giai cấp thứ 2 trong 4 giai cấp của Ấn Độ, giai cấp vua chúa.
21 Bà-la-môn (婆羅門, Brāhmaṇa): Giai cấp cao nhất trong 4 giai cấp của Ấn Độ, giai cấp tu sĩ, tế tự.
22 Tỳ-xá (毘舍, Vessa) hoặc gọi Phệ-xá (吠舍): Giai cấp thứ 3 trong 4 giai cấp của Ấn Độ, giai cấp thương nhân.
23 Thủ-đà-la (首陀羅, Sudda): Giai cấp nô lệ, giai cấp thứ tư trong 4 giai cấp của Ấn Độ.
24 Ngũ thạnh ấm thân (五盛陰身). Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0051b08) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.13. 0002c01) đều ghi: Ngũ thọ ấm (五受陰); Độ kinh 度經 (T.01. 0026.13. 0435c28) và Tăng. 增 (T.02. 0125.10.4. 0564c03) đều ghi: Ngũ thạnh ấm (五盛陰): Đó là sắc thủ uẩn (色取蘊), thọ thủ uẩn (受取蘊), tưởng thủ uẩn (想取蘊), hành thủ uẩn (行取蘊) và thức thủ uẩn (識取蘊). Xem Kinh người thí và người thọ thí đều tôn quý, số 4, phẩm 10, tr. 72 trong tập này.
25 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.2. 0738a11). Tham chiếu: Du hành kinh 遊行 經 (T.01. 0001.2. 0011a07); Vũ-thế kinh 雨勢經 (T.01. 0026.142. 0648a24); D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn); A. 7.22 - IV. 17.
26 La-duyệt (羅閱), tên khác của thành Vương Xá (王舍, Rājagaha), một thời là kinh đô của vương quốc Ma-kiệt-đà hùng mạnh, hiện nay là Rajgir thuộc bang Bihar miền Đông Bắc Ấn.
27 A-xà-thế (阿闍世, Ajātasattu).
28 Ma-kiệt (摩竭) tức Ma-kiệt-đà (摩揭陀, Magadha).
29 Bạt-kỳ (拔祇) cũng viết Bạt-kỳ (跋祇, Vajjī).
30 Bà-lợi-ca (婆利迦, Vassakāra).
31 Thần tự (神寺, cetiya). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0011b07) ghi: Tông miếu (宗廟). Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603b14) ghi: Tự (寺). Tạp. 雜 (T.02. 0099.585. 0155c01) ghi: Tháp sở (塔所).
32 Nguyên tác: Phạm chí (梵志).
33 Bất trước sự vụ (不著事務). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0011c08) ghi: Bất hảo đa vi (不好 多為). Vũ-thế kinh 雨勢經 (T.01. 0026.142. 0649c11) ghi: Bất nhạo ư nghiệp (不樂於業).
34 Tệ ma (弊魔) tức Ma vương Ba-tuần (魔王波旬).
35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.3. 0738c20). Tham chiếu: A. 7.11 - IV. 9.
36 Sử (使, anuseti), tên gọi khác của phiền não (煩惱). Tạp. 雜 (T.02. 0099.15. 0003a18) ghi: Tùy sử sử (隨使使).
37 Tham dục sử (貪欲使) chỉ cho tham dục phiền não, một trong 10 căn bản phiền não. Tham dục phiền não trói buộc chúng sanh khiến trôi lăn trong 3 cõi. Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054b27) ghi là “dục ái sử” (欲愛使); Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603c14) ghi là dục sử (欲 使); Tạp. 雜 (T.02. 0099.470. 0120a16) ghi: Tham sử (貪使) hoặc “tham dục sử” (貪欲使).
38 Sân khuể sử (瞋恚使). Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603c14) ghi là “khuể sử” (恚使).
39 Kiêu mạn sử (憍慢使). Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054b27) và Mật hoàn dụ kinh 蜜 丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603c14) đều ghi: Mạn sử (慢使).
40 Si sử (癡使) tức “vô minh.” Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001.10. 0054b28) và Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603c15) đều ghi: Vô minh sử (無明使); Tạp. 雜 (T.02. 0099.490. 0127a29) ghi: Vô minh sử (無明使) hoặc si sử (癡使).
41 Nghi sử (疑使). Theo Đại thừa nghĩa chương 大乘義章 (T.44. 1851.5. 0561b21), gọi là “sử”, vì luôn trói buộc tâm ý, “sử” này tức phiền não, như tội nhân ở thế gian bị bắt bớ, giam cầm, phiền não này cũng như thế, giam cầm chúng sanh lâu dài, trói buộc trong 3 cõi, không thể thoát ra được nên gọi là “sử”.
42 Kiến sử (見使) tức “tà kiến sử” (邪見使).
43 Dục thế gian sử (欲世間使). Thập thượng kinh 十上經 (T.01. 0001. 0054b27) và Tạp. 雜 (T.02. 0099.490. 0127a28) đều ghi: Hữu ái sử (有愛使); Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603c14) ghi: Hữu sử (有使).
44 Niệm giác ý (念覺意). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012a02) ghi: Niệm giác ý (念覺意); Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0432c17) ghi: Niệm giác chi (念覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047b28) ghi: Niệm giác phần (念覺分).
45 Pháp giác ý (法覺意). Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a18) ghi: Trạch pháp giác chi (擇 法覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047c06) ghi: Trạch pháp giác phần (擇法覺分).
46 Tinh tấn giác ý (精進覺意). Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a18) ghi: Tinh tấn giác chi (精進覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047c06) ghi: Tinh tấn giác phần (精進覺分).
47 Hỷ giác ý (喜覺意). Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a18) ghi: Hỷ giác chi (喜覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047c07) ghi: Hỷ giác phần (喜覺分).
48 Ỷ giác ý (猗覺意) tức khinh an. Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0012a04) ghi: Ỷ giác ý (猗 覺意); Đẳng tâm kinh 等心經 (T.01. 0026.21. 0449a01) ghi: Tức (息); Hà nghĩa kinh 何義經 (T.01. 0026.042. 0485a25) ghi: Chỉ (止); Tạp. 雜 (T.02. 0099.109. 0035a09) ghi: Ỷ tức (猗息), Tạp. 雜 (T.02. 0099.255. 0064b05) ghi: Hưu tức (休息), Tạp. 雜 (T.02. 0099.212. 0053c26) ghi: Chỉ tức (止息).
49 Định giác ý (定覺意).
50 Nguyên tác: Hộ giác ý (護覺意). Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.010. 0432c18) ghi: Xả giác chi (捨覺支); Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047c07) ghi: Xả giác phần (捨覺分).
51 Thất giác ý (七覺意): 7 phương cách tu tập khiến cho trí tuệ phát sanh, đạt đến giải thoát giác ngộ, 1 chi phần trong 37 phẩm trợ đạo.
52 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.4. 0739a24).
53 Nguyên tác: Hộ (護).
54 Tu-đà-hoàn (須陀洹, Sotāpanna) chỉ cho bậc Nhập lưu (入流者).
55 Tư-đà-hàm (斯陀含, Sakadāgāmī) chỉ cho bậc Nhất lai (一來者).
56 A-na-hàm (阿那含, Anāgamī) chỉ cho bậc Bất lai (不還者).
57 A-la-hán (阿羅漢, Arahant) chỉ cho bậc Ứng cúng (應供者), Vô sanh (無生者).
58 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛, Paccekabuddha). Xem chú thích 23, phẩm Tựa, tr. 9. Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.18. 0191b05), Bích-chi Phật có 2 nghĩa: (i) Sanh vào thời không có Phật, lúc ấy Phật pháp đã diệt, nhưng nhờ nhân duyên tu hành đời trước, nương vào trí tuệ của chính mình mà được đạo, còn gọi là bậc Độc giác (獨覺); (ii) Tự mình giác ngộ, không nương theo người khác, nhờ quán xét và giác ngộ về khổ, vô thường và vô ngã.
59 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.5. 0739b10).
60 Tỳ-la-tiên (毘羅先).
61 Thế Khốc địa ngục (涕哭地獄, Roruva): Địa ngục Gào Khóc, còn gọi là địa ngục Đề Khốc (啼哭), một trong 8 địa ngục lớn. Kinh tám địa ngục, số 2, phẩm 42, tr. 722 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.36.2. 0748a01) ghi: Vì nhân duyên gì gọi là địa ngục Gào Khóc? Bởi chúng sanh kia đã đoạn mất gốc rễ thiện lành, không còn sót mảy may nào, liền bị đọa vào địa ngục kia, chịu vô số khổ não, nên ở trong đó kêu gào oán hận, tiếng kêu không dứt. Vì nhân duyên này nên gọi là địa ngục Gào Khóc.
62 Tam pháp y (三法衣): Y phục của một Tỳ-kheo. Có ba loại: Tiểu y, trung y và đại y. Tiểu y hay nội y (內衣) gọi là y An-đà-hội (安陀會, Antaravāsaka) là y mặc bên trong. Trung y gọi là y Uất-đa-la-tăng (欝多羅僧, Uttarāsaṅga), là y mặc ở trên (上衣) y An-đà-hội. Đại y (大衣) hay trọng y (重衣) gọi là y Tăng-già-lê (僧伽梨, Saṅghāṭī) là y đắp ngoài của chư Tăng
63 Đắc đáo bỉ ngạn (得到彼岸): Giải thoát (解脫), Niết-bàn (涅槃), còn được viết là “độ vô cực” (度無極).
64 Niệm hưu tức (念休息) còn gọi là “tịch tĩnh tùy niệm” (寂靜隨念), là làm cho thân hành trở nên tịch tĩnh.
65 Niệm an-ban (念安般): Niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Di-hê kinh 彌醯經 (T.01. 0026.56. 0491c16) ghi: Tu tức xuất tức nhập (修息出息入); Tạp. 雜 (T.02. 0099.746. 0198a06) ghi: An-na-bát-na niệm (安那般那念).
66 Cam lộ (甘露).
67 Xà-duy (闍維) cũng gọi là trà-tỳ (茶毘): Hỏa táng, hỏa thiêu.
68 Tựa đề được đức Phật dạy trong nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.6. 0740a25). Tham chiếu: Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0431c13); Nhất thiết lưu nhiếp thủ nhân kinh 一切流攝守因經 (T.01. 0031. 0813a05); M. 2, Sabbāsava Sutta (Kinh tất cả lậu hoặc); A. 6.58 - III. 387.
69 Bản Đại Chánh ghi thiếu. Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Cung kính (恭敬). Tương đương nghĩa cung kính là “tôn kính” (尊敬), có nguyên tác Phạn ngữ là saṃmata với √man nghĩa là sự đồng ý, đồng tình. Trong nhiều nghĩa của từ này, có nghĩa là “nhẫn” (忍). Tương tự bản kinh này, Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0432a12) ghi: Nhẫn (忍).
70 Thân cận (親近). Cụm từ này có nguyên tác Phạn ngữ là pūjayati có √pūj, vừa mang nghĩa thân tín, thân cận (習近) vừa có nghĩa là thọ dụng với sự tôn trọng. Tương đồng với nghĩa đó, Lậu tận kinh 漏 盡經 (T.01. 0026.010. 0432a12) ghi: Dụng (用).
71 Viễn ly (遠離, S. prativirata, P. parivajjana). Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0432a11) ghi: Ly (離).
72 Ngu lạc (娛樂). Hán ngữ tương đương là “khinh an” (輕安), Phạn ngữ ghi là pratiprasrabdhi, cũng có nghĩa là giải trừ, loại bỏ. Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.10. 0432a12) ghi: Trừ (除) hoặc “trừ khử” (除去).
73 Oai nghi (威儀). Phạn ngữ ghi: saṃvara, còn mang nghĩa kiểm thúc, phòng hộ. Lậu tận kinh 漏盡經 (T.01. 0026.010. 0432a11) ghi: Hộ (護).
74 Tư duy (思惟). Phạn ngữ ghi: bhāvayati, có nghĩa là “tu tập” (修習).
75 Dục lậu (欲漏, kāmāsrava, P. kāmāsava): Hết thảy phiền não trong cõi dục, ngoại trừ vô minh ra, gọi là “dục lậu.”
76 Hữu lậu (有漏, bhavāsrava, P. bhavāsava): Hết thảy phiền não trong cõi sắc và vô sắc, trừ vô minh ra, gọi là “hữu lậu.”
77 Vô minh lậu (無明漏, avidyāsrava, P. avijjāsava). Theo Du-già sư địa luận, 瑜伽師地論 (T.30. 1579.89. 0802a18), tổng nhiếp vô minh trong cả 3 cõi, gọi đó là “vô minh lậu” (於彼三界所有無智, 總攝為一, 立無明漏).
78 Thân da (身耶).
79 Giới đạo (戒盜).
80 Tế cốt (細滑). Đại bổn kinh 大本經 (T.01. 0001.1. 0005a14); Phân biệt Thánh đế kinh 分別聖諦經 (T.01. 0026.31. 0467c26); Tạp. 雜 (T. 02. 0099.58. 0009b20) đều ghi: Xúc (觸).
81 Pháp giác ý (法覺意).
82 Ỷ giác ý (猗覺意).
83 Hộ giác ý (護覺意).
84 Tứ lưu (四流). Bốn kiến hoặc trong ba cõi, đó là dục lưu (欲流), hữu lưu (有流), kiến lưu (見流) và vô minh lưu (無明流).
85 Bản Hán, hết quyển 34.
86 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.7. 0741b24). Tham chiếu: Thế gian phước kinh 世間福經 (T.01. 0026.7. 0427c25).
87 A-du-xà (阿踰闍, Ayojjhā). Theo DPPN, địa danh này là tên gọi của một thành phố, nằm bên bờ sông Sarayū, là thủ đô của Nam Kosala (Dakkhinā Kosala).
88 Thăng đấu (升斗): Đơn vị đo lường thuở xưa.
89 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.8. 0741c27). Tham chiếu: A. 6.19 - III. 303; A. 8.73 - IV. 316.
90 Tử tưởng (死想, maraṇassati). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0011c28) ghi: Niệm tử tưởng (念死想); Tạp. 雜 (T.02. 0099.742. 0197b10) ghi: Tùy tử niệm (隨死念).
91 Bà-ca-lợi (婆迦利)
92 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.9. 0742b30). Tham chiếu: A-nhiếp-hòa kinh 阿攝惒經 (T.01. 0026.151. 0663b25); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1148. 0305c21); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.71. 0399a19); M.
93, Assalāyana Sutta (Kinh Assalāyana); S. 3.11 - I. 77. 93 Vũ bảo chi xa (羽寶之車). Xem chú thích 37, phẩm 19, tr. 196; Tăng. 增 (T.02. 0125.34.5. 0694a20).
94 Thiên sư (天師): Bậc thầy của chư thiên
95 Tựa đề được đức Phật dạy cuối kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.40.10. 0743a04). Tham chiếu: Mật hoàn dụ kinh 蜜丸喻經 (T.01. 0026.115. 0603b09). M. 18, Madhupiṇḍika Sutta (Kinh mật hoàn).
96 Ni-câu-lũ (尼拘屢, Nigrodha) còn gọi là Ni-câu-lưu (尼拘留).
97 Chấp Trượng Thích chủng (執杖釋種, Daṇḍapānī Sakka).
98 Ở đây có thể ghi dư chữ “Thích chủng” (釋種). Xem đoạn kinh dưới sẽ rõ.
99 Đại Ca-chiên-diên (大迦栴延, Mahākaccāna).
100 Chân thật chi vật (真實之物).
101 Cánh lạc (更樂).
102 Thống (痛).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.