Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp thì ngay trong hiện đời được an vui vô cùng, muốn trừ sạch phiền não cũng sẽ trừ được. Là bảy pháp nào? Đó là Tỳ- kheo biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết về mình, biết vừa đủ,3 lại biết sống trong chúng và biết quán sát hội chúng. Ðó là bảy pháp.
[0728c02] Thế nào là Tỳ-kheo biết pháp? Tỳ-kheo biết pháp là biết: Khế kinh,4 Kỳ-dạ,5 Kệ,6 Nhân duyên,7 Thí dụ,8 Bổn mạt,9 Quảng diễn,10 Phương đẳng,11 Vị tằng hữu,12 Quảng phổ,13 Thọ quyết,14 Sanh kinh.15 Tỳ-kheo không biết pháp là không biết mười hai thể loại kinh điển, người này chẳng phải là Tỳ-kheo. Bởi vì, Tỳ-kheo thì phải có khả năng hiểu rõ pháp, gọi là biết pháp. Như thế gọi là Tỳ-kheo thông đạt pháp.
Thế nào là Tỳ-kheo hiểu rõ nghĩa lý? Đó là, Tỳ-kheo biết nơi quy hướng của Như Lai, hiểu rõ nghĩa lý thâm sâu, không chút nghi ngờ. Nếu Tỳ-kheo không thông đạt nghĩa lý thì không phải Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo có khả năng thấu đạt nghĩa lý sâu xa nên gọi là thông hiểu nghĩa lý. Như thế gọi là Tỳ-kheo có khả năng hiểu rõ nghĩa lý.
Thế nào là Tỳ-kheo biết thời nghi? Đó là, Tỳ-kheo biết đúng thời, lúc nên tu quán thì tu quán, lúc nên tu chỉ thì tu chỉ, lúc nên im lặng thì biết im lặng, lúc nên hành trì thì biết hành trì, lúc nên tụng đọc thì biết tụng đọc, lúc nên dạy bảo cho người thì biết dạy bảo cho người, lúc cần nói thì biết phải nói. Nếu Tỳ-kheo chẳng biết những điều này, chẳng biết nên tu chỉ hay tu quán, chẳng biết tiến tới hay dừng lại thì chẳng phải là Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nào biết đúng thời, không để mất thời nghi thích hợp, đó gọi là tùy thời thích hợp. Như thế gọi là Tỳ-kheo biết rõ thời nghi.
Thế nào là Tỳ-kheo có khả năng tự mình tu tập? Đó là, Tỳ-kheo có khả năng tự biết rõ chính mình: “Ta có sự thấy, nghe, nhớ nghĩ, hiểu biết, có trí tuệ như thế, lúc đi, khi bước, tiến hay dừng, luôn thuận theo Chánh pháp.” Tỳ-kheo nào không có khả năng tự biết đúng thời nghi theo sự hiểu biết của mình, khi ra, lúc vào, khi đi, lúc đến, vị ấy không phải Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo có khả năng tự mình tu tập, khi tiến lúc dừng đều thích hợp. Ðây gọi là vị tự mình biết tu trì. Như thế gọi là Tỳ-kheo có khả năng tự biết rõ về mình.
Thế nào là Tỳ-kheo tự biết đủ? Đó là, Tỳ-kheo có khả năng tự tiết chế và thích nghi đối với sự ngủ nghỉ, tỉnh thức, ngồi, nằm, kinh hành, lúc tiến, khi dừng đều có thể biết vừa đủ. Tỳ-kheo nào không biết tiết chế như thế thì chẳng phải Tỳ-kheo. Tỳ-kheo có khả năng hiểu rõ điều này gọi là biết đủ. Như thế gọi là vị Tỳ-kheo biết đủ.
Thế nào là Tỳ-kheo biết cách hành xử trong chúng? Đó là, Tỳ-kheo biết phân biệt đại chúng: “Ðây là dòng Sát-lợi, đây là chúng Bà-la-môn, đây là chúng trưởng giả, đây là chúng Sa-môn. Ta sẽ dùng phép tắc này để ứng xử thích nghi với chúng đó”, lúc nên nói hay nên im lặng đều hành xử phù hợp. Nếu Tỳ-kheo chẳng biết cách hành xử trong chúng thì chẳng phải Tỳ-kheo. Vì Tỳ-kheo biết hành xử trong chúng nên gọi là vị biết nhập chúng. Như thế gọi là Tỳ-kheo biết hành xử trong chúng.
[0729a04] Thế nào là Tỳ-kheo biết căn cơ của mọi người? Tỳ-kheo nên biết! Có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng thứ nhất muốn đến tinh xá để thăm hỏi Tỳ-kheo, còn hạng thứ hai không thích đến gặp Tỳ-kheo. Hạng người muốn đến tinh xá để thăm hỏi Tỳ-kheo là hạng tối thắng bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng thứ nhất tuy đến chỗ Tỳ-kheo nhưng không tùy nghi tham vấn. Hạng thứ hai thì chẳng vào trú xứ gặp Tỳ-kheo. Hạng người đến trú xứ là tối thắng bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng thứ nhất đến gặp Tỳ-kheo rồi tùy nghi thưa hỏi. Hạng thứ hai không đến gặp Tỳ-kheo để tùy nghi thưa hỏi. Hạng người đến trú xứ tối thắng hơn hạng vừa nêu.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng thứ nhất đến chỗ Tỳ-kheo chú tâm nghe pháp. Hạng người thứ hai không đến chỗ Tỳ-kheo, cũng chẳng chú tâm nghe pháp. Đối với hai hạng người trên, hạng người chú tâm nghe pháp là tối thắng bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng người thứ nhất có khả năng quán sát các pháp, thọ trì, đọc tụng. Hạng người thứ hai không thể thọ trì, đọc tụng. Đối với hai hạng người trên, hạng người thọ trì, đọc tụng là tối thắng bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng người thứ nhất nghe pháp rồi hiểu nghĩa. Hạng người thứ hai nghe pháp mà không hiểu nghĩa. Đối với hai hạng người trên, hạng người nghe pháp hiểu nghĩa là tối thắng bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng người thứ nhất nghe pháp rồi thực hành theo pháp. Hạng người thứ hai chẳng nghe pháp, chẳng thực hành theo pháp. Đối với hai hạng người trên, hạng người nghe pháp rồi thực hành theo pháp là bậc nhất.
Này Tỳ-kheo! Lại có hai hạng người. Là hai hạng nào? Hạng người thứ nhất nghe pháp rồi có thể kham nhẫn tu hành, hiểu rõ và hộ trì Chánh pháp. Hạng người thứ hai chẳng thể kham nhẫn tu hành theo pháp ấy. Đối với hai hạng người trên, hạng người có khả năng tu hành theo pháp kia là tối thắng bậc nhất. Cũng giống như từ sữa bò mới có lạc, từ lạc mới có tô, từ tô mới có đề-hồ, đề-hồ là tối thắng hơn cả, không gì sánh bằng.16 Ở đây cũng vậy, những ai có thể tu hành, người ấy là tối thắng bậc nhất, không ai sánh bằng. Ðó gọi là Tỳ-kheo biết quán sát căn cơ của người khác. Những ai không biết rõ điều này thì chẳng phải Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nghe pháp, thông đạt nghĩa lý như vậy, là vị tối thắng bậc nhất. Đó gọi là Tỳ-kheo quán sát căn cơ của người khác.
Tỳ-kheo nào thành tựu bảy pháp này thì ngay trong đời hiện tại được Niết- bàn an lạc, trong tâm muốn đoạn trừ phiền não thì không trở ngại gì.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bảy pháp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Cây Trú Độ18 ở cõi trời Ba Mươi Ba, gốc cây to năm mươi do-tuần, cao một trăm do-tuần, bóng cây che phủ bốn phía rộng năm mươi do-tuần. Chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba vui chơi ở đó suốt bốn tháng. Tỳ-kheo nên biết! Cho đến lúc hoa lá của cây Trú Độ úa vàng rơi rụng trên mặt đất. Lúc thấy điềm lành này, hết thảy chư thiên đều vui vẻ, hân hoan trong lòng: “Cây này chẳng bao lâu sẽ đơm hoa kết trái.”19
Tỳ-kheo nên biết! Đến lúc hoa trái của cây Trú Độ rơi rụng đầy mặt đất. Bấy giờ, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba càng thêm vui mừng, liền bảo nhau: “Cây này không bao lâu sẽ chuyển thành màu xám tro.”
Tỳ-kheo nên biết! Trải qua một khoảng thời gian, cây ấy chuyển thành màu xám tro. Bấy giờ, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba lại rất vui mừng bảo nhau: “Cây này đã chuyển sang màu xám tro, chẳng bao lâu sẽ ươm nụ.”20 Chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba thấy cây Trú Độ đã ươm nụ, chẳng bao lâu sẽ ướm nụ tròn.21 Thấy rồi, chư vị ấy rất hoan hỷ: “Hôm nay, cây này đã ướm nụ tròn, chẳng bao lâu sẽ nở hoa.”22
Tỳ-kheo nên biết! Thấy hoa dần dần nở trên cây, chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba liền vui mừng: “Hoa đã dần nở trên cây, chẳng bao lâu hoa sẽ nở đầy khắp thân cây.”
Tỳ-kheo nên biết! Đến lúc hoa nở đầy khắp thân cây, mọi người đều hoan hỷ: “Hôm nay, hoa đã nở đầy khắp thân cây.” Bấy giờ, hương thơm bay ngược gió, dù cách xa một trăm do-tuần nhưng ai cũng ngửi được mùi thơm. Lúc ấy, chư thiên vui chơi suốt bốn tháng ở đó, thích thú vô ngần.
[0729c03] Cũng vậy, đệ tử Hiền thánh lúc muốn xuất gia học đạo, cũng giống như cây kia lúc sắp rụng lá.
Lại nữa, đệ tử Hiền thánh từ bỏ vợ con, tài sản, xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, cạo bỏ râu tóc cũng giống như cây kia rụng lá đầy mặt đất.
Tỳ-kheo nên biết! Đệ tử Hiền thánh lìa bỏ dục và các pháp bất thiện, có giác có quán, cùng với hỷ, lạc được sanh ra do sự xa lìa, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất, như cây Trú Độ chuyển màu xám tro.
Lại nữa, đệ tử Hiền thánh lìa bỏ giác và quán, trong tâm bình đẳng, thanh tịnh, có hỷ, lạc do định sanh, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, không giác không quán, ví như cây đã ươm nụ.
Lại nữa, đệ tử Hiền thánh lìa bỏ hỷ, an trú xả, với chánh niệm và tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, điều mà bậc Thánh gọi là lạc trú trong xả và có chánh niệm, giống như cây kia đã ướm nụ tròn.
Lại nữa, đệ tử Hiền thánh khi đã diệt trừ ưu và hỷ trước đó nên buông bỏ cả khổ và lạc, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, một trạng thái không khổ không lạc, gọi là xả niệm thanh tịnh, giống như cây kia dần dần nở hoa.
Lại nữa, đệ tử Hiền thánh dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự thân chứng ngộ, biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa”, giống như cây kia nở hoa đầy khắp.
Bấy giờ, hương giới đức của đệ tử Hiền thánh tỏa khắp bốn phương, ai cũng khen ngợi. Suốt cả bốn tháng an vui thiền lạc, tâm an trú vào Thiền thứ tư, muôn hạnh đầy đủ.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện thành tựu hương giới đức. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Ta sẽ nói bảy ví dụ về nước liên quan đến bảy hạng người.24 Hãy lắng nghe! Lắng nghe! Khéo suy nghĩ về điều này.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!
Thế Tôn bảo:
– Thế nào gọi là bảy ví dụ về nước liên quan đến bảy hạng người. Ví như, có người bị chìm xuống đáy nước, có người tạm ngoi lên mặt nước rồi chìm xuống lại, có người ngoi lên mặt nước rồi ngước nhìn, có người ngoi lên mặt nước rồi đứng lại, có người bơi trong nước, có người ra khỏi nước muốn đến bờ bên kia, có người đã lên hẳn trên bờ. Ðó là, này [các] Tỳ-kheo! Có bảy ví dụ về nước xuất hiện ở đời.
[0730a03] Thế nào là hạng người chìm xuống đáy nước không ra khỏi được? Đó là, có người khắp thân bị bủa vây bởi các pháp bất thiện, trải qua kiếp số không thể chữa trị. Ðó gọi là người chìm xuống đáy nước.
Thế nào là hạng người ngoi lên khỏi mặt nước rồi chìm xuống lại? Đó là, người có lòng tin mỏng manh, suy giảm, tuy có pháp lành nhưng không bền chắc. Người ấy thân làm lành, miệng nói lời hòa dịu, ý suy nghĩ thiện lành nhưng về sau thân làm ác, miệng nói lời ác và ý luôn nghĩ ác. Sau khi qua đời, người ấy bị đọa vào địa ngục. Ðó gọi là người vừa ngoi lên khỏi mặt nước lại chìm xuống.
Thế nào là hạng người ngoi lên khỏi mặt nước rồi ngước nhìn? Đó là, người có niềm tin vào gốc rễ điều lành; thân, miệng, ý đều làm lành nhưng không tăng trưởng, chỉ ngừng lại tại đó. Người ấy sau khi qua đời, sanh trong loài a-tu-la. Ðó gọi là người ngoi lên khỏi mặt nước rồi ngước nhìn.
Thế nào là hạng người ngoi lên khỏi mặt nước rồi đứng lại? Đó là, hạng người có lòng tin, luôn siêng năng, đoạn trừ ba kiết sử,25 lòng không thoái chuyển, chắc chắn đạt được đạo Vô thượng rốt ráo. Ðó gọi là người ngoi lên khỏi mặt nước rồi đứng lại.26
Thế nào là hạng người muốn bơi ra khỏi nước? Đó là, hạng người có tín căn và tinh tấn, thường giữ lòng hổ thẹn, đoạn trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham dục, sân hận và ngu si, chỉ còn trở lại cõi này một lần nữa để rồi đoạn dứt tất cả khổ đau. Ðó gọi là người muốn bơi ra khỏi nước.27
Thế nào là người muốn đến bờ bên kia? Đó là, người có tín căn và tinh tấn, đoạn trừ năm hạ phần kiết sử,28 thành tựu quả vị A-na-hàm, liền nhập Niết-bàn, không trở lại cõi đời này nữa. Ðó gọi là người muốn đến bờ bên kia.
Thế nào là người đã đến bờ bên kia? Đó là, hoặc người có tín căn và tinh tấn, luôn biết hổ thẹn, dứt hết hữu lậu, thành tựu vô lậu, tự an vui ngay trong đời này vì biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa”, an trú vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Ðó gọi là người đã qua đến bờ bên kia.
Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy ví dụ về nước và người, Ta vừa thuyết giảng cho các thầy. Giáo pháp của chư Phật, Thế Tôn cần phải thực hành để tiếp độ chúng sanh, nay đã được thực hành. Các thầy nên ở nơi vắng lặng, hoặc ở bên gốc cây, hãy nhớ tọa thiền, chớ có lười biếng. Ðó là lời dạy bảo của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Bậc Thánh vương cai trị cõi nước ở vùng biên viễn, nếu thành tựu bảy pháp thì chẳng bị oan gia hay giặc cướp bắt bớ, không ai có thể xâm phạm. Là những pháp nào? Thành quách rất cao lớn, sửa sang tề chỉnh, gọi là vị vua ấy thành tựu pháp thứ nhất.
Lại nữa, cửa thành thật kiên cố, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ hai.
Lại nữa, bên ngoài thành có lũy cao, hào sâu, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ ba.
Lại nữa, trong thành chứa nhiều lúa gạo, kho lẫm tràn đầy, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ tư.
Lại nữa, thành ấy lại chứa nhiều củi đốt, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ năm.
Lại nữa, thành ấy lại có nhiều binh khí, đầy đủ các khí cụ chiến đấu, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ sáu.
Lại nữa, người chủ thành kia lại thông minh tài cao, biết rõ lòng người, đáng dùng roi vọt thì dùng roi vọt, đáng trị tội thì trị tội, đó gọi là thành ấy thành tựu pháp thứ bảy, khiến cho bên ngoài không thể đến xâm phạm.
Này Tỳ-kheo! Vị thủ thành nào thành tựu được bảy pháp như vậy thì người ngoài không thể đến xâm phạm.
Tỳ-kheo cũng vậy, nếu thành tựu được bảy pháp thì Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội. Là những pháp nào? Đó là, Tỳ-kheo thành tựu giới luật, đầy đủ oai đức, nếu như lỡ phạm dù chỉ là điều nhỏ nhặt thì đã rất sợ hãi, huống gì phạm tội lớn. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ nhất, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, ví như thành kia, cao rộng nghiêm ngặt, không thể phá hoại.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu mắt thấy sắc chẳng khởi tưởng dính mắc, cũng không khởi niệm, nhãn căn thanh tịnh, giữ gìn nhãn căn không để thiếu khuyết. Vị ấy giữ gìn tai đối với tiếng, mũi đối với hương, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc và ý đối với pháp cũng như vậy, cũng chẳng khởi tưởng, ý căn thanh tịnh, không hề loạn tưởng, giữ gìn ý căn trọn vẹn. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ hai, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, như cửa thành kiên cố.
Lại nữa, Tỳ-kheo nghe nhiều chẳng quên, luôn nhớ nghĩ, tư duy về Chánh pháp mà đức Phật đã giảng dạy, trải qua nhiều kiếp xưa đều hiểu biết trọn vẹn. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ ba, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, như hào lũy bên ngoài thành vừa sâu, vừa rộng.
Lại nữa, Tỳ-kheo có nhiều phương tiện đối với các pháp phần đầu thiện, ở giữa thiện và phần cuối cũng thiện, thanh tịnh tròn đầy, thành tựu Phạm hạnh. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ tư, như thành quách kia có nhiều lúa gạo, giặc bên ngoài không dám đến xâm lấn.
[0730c03] Lại nữa, Tỳ-kheo tư duy bốn pháp tăng thượng tâm,30 không hề thiếu sót. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ năm, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, như thành quách có nhiều củi đốt, người ngoài không thể đến quấy phá.
Lại nữa, Tỳ-kheo thành tựu bốn thần túc31 thì mọi việc không bị trở ngại. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ sáu, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, như trong thành có đầy đủ binh khí.
Lại nữa, Tỳ-kheo có khả năng thông hiểu trọn vẹn uẩn, xứ, giới, cũng như hiểu rõ pháp sanh khởi của mười hai nhân duyên. Ðó gọi là Tỳ-kheo thành tựu pháp thứ bảy, khiến Tệ ma Ba-tuần không có cơ hội, như người chủ thành quách thông minh tài cao, những gì đáng thâu nhận thì thâu nhận, đáng buông bỏ liền buông bỏ. Tỳ-kheo cũng như vậy, hiểu biết đầy đủ và rõ ràng về những họa hoạn của uẩn, xứ, giới.32
Nếu Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp này thì Tệ ma Ba-tuần sẽ không có cơ hội. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để hiểu rõ về uẩn, xứ, giới và mười hai nhân duyên, chẳng mất thứ lớp, liền vượt thoát khỏi cảnh giới của ma, không còn ở trong đó nữa.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
[0730c19] Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ta sẽ thuyết giảng về bảy trú xứ của thức, các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ kỹ!
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào gọi là bảy trú xứ của thức? Nghĩa là có chúng sanh có nhiều loại thân với nhiều loại tưởng khác nhau, như cõi trời và cõi người.
Lại nữa, có chúng sanh nhiều loại thân nhưng chỉ có một tưởng như trời Phạm-ca-di34 khi mới xuất hiện ở thế gian.
Lại nữa, có chúng sanh chỉ một thân nhưng có nhiều tưởng như trời Quang Âm.
Lại nữa, có chúng sanh chỉ một thân, một tưởng đó là trời Biến Tịnh. Lại nữa, có chúng sanh với vô lượng không, như trời Không Xứ.
Lại nữa, có chúng sanh với vô lượng thức, như trời Thức Xứ.
Lại nữa, có chúng sanh không có nơi chốn, như trời Vô Sở Hữu Xứ.
Này Tỳ-kheo! Ðó là bảy trú xứ của thức. Nay Ta đã giảng nói xong bảy trú xứ của thức, chư Phật, Thế Tôn đối với những việc cần làm để hóa độ chúng sanh hôm nay đã hoàn mãn. Các thầy nên ở bên gốc cây, hoặc nơi vắng vẻ, siêng năng tu hành, chớ có biếng nhác. Ðây là lời giáo huấn của Ta.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả Quân-đầu lâm bệnh nặng, nằm liệt giường không thể tự ngồi dậy. Thế rồi, Tôn giả liền nghĩ: “Hôm nay, con chẳng thấy Như Lai, Thế Tôn rủ lòng lân mẫn, con đang bệnh nặng, không thể tiếp nhận thuốc thang, mạng sống cũng chẳng còn bao lâu nữa. Con cũng nghe Thế Tôn nói rằng: ‘Nếu một người chưa được độ thì Như Lai không bao giờ từ bỏ.’ Nhưng nay con thấy Thế Tôn đã bỏ rơi con, còn gì đau khổ hơn thế!”
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ, Thế Tôn nghe Tỳ-kheo Quân-đầu nói những lời than trách như thế. Lúc ấy, Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy tập hợp, cùng Ta đến chỗ Tỳ-kheo Quân-đầu để thăm bệnh thầy ấy.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo dần đi đến phòng Tỳ-kheo Quân-đầu. Bấy giờ, thấy Thế Tôn từ xa đi đến, Tỳ-kheo Quân-đầu liền gieo mình xuống đất. Khi ấy, Thế Tôn bảo Quân-đầu rằng:
– Thầy đang bị bệnh rất nặng, không cần phải xuống giường. Như Lai tự có chỗ ngồi.
Thế Tôn bảo Quân-đầu:
– Bệnh của thầy tăng hay giảm, hay không tăng không giảm? Có thể lãnh hội lời dạy của Như Lai không?
Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:
– Hôm nay, đệ tử bệnh rất nặng, chỉ có tăng chứ không giảm, có uống thuốc thang nhưng cũng chẳng tác dụng gì.
Thế Tôn hỏi:
– Ai săn sóc bệnh cho thầy? Tỳ-kheo Quân-đầu thưa:
– Các vị Phạm hạnh đến chăm sóc con. Bấy giờ, Thế Tôn bảo Quân-đầu:
– Thầy có thể nói pháp bảy giác chi36 cho Ta nghe không?
Quân-đầu liền nêu đề mục bảy giác chi ba lần rồi thưa:
– Con có thể đối trước Như Lai để nói về pháp bảy giác chi. Thế Tôn bảo:
– Nếu có thể đối trước Như Lai mà nói thì thầy hãy nói ngay đi! Khi ấy, Tỳ-kheo Quân-đầu bạch Phật:
– Bảy giác chi là những pháp mà Như Lai đã dạy. Là những pháp nào? Đó là niệm giác chi, trạch pháp giác chi,37 tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi,38 định giác chi và xả giác chi.39 Bạch Thế Tôn, đây là bảy giác chi, thứ lớp như vậy.
Bấy giờ, Tôn giả Quân-đầu vừa nói xong thì bệnh tật lành hẳn, không còn chút đau đớn nào.
Thế rồi, Quân-đầu liền bạch Thế Tôn:
– Phương thuốc hiệu nghiệm nhất trong các phương thuốc chính là pháp bảy giác chi này. Ý con muốn nói, trong tất cả các phương thuốc, không phương thuốc nào hay hơn bảy giác chi này. Nhờ tu tập về bảy giác chi này mà hết thảy bệnh tật của con đều được lành hẳn.
[0731b05] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy thọ trì pháp bảy giác chi này, hãy khéo suy nghĩ tụng đọc, chớ khởi nghi ngờ đối với Phật, Pháp và Tăng, bất cứ ai nếu như mắc bệnh thì cũng được lành hẳn. Vì sao như vậy? Vì bảy giác chi này rất khó thấu hiểu. Với tất cả các pháp, nếu đã thông suốt thì sẽ làm sáng tỏ tất cả các pháp. Cũng như thuốc hay thì sẽ chữa lành các loại bệnh tật, cũng như vị cam lộ ăn mãi không chán. Nếu không thông đạt bảy giác chi này thì chúng sanh mãi lưu chuyển trong sanh tử. Các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở thế gian thì có bảy báu cùng xuất hiện. Bảy báu đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời liền có bảy báu xuất hiện trong thế gian.
Lúc Như Lai xuất hiện ở thế gian, có báu bảy giác chi cùng xuất hiện. Là những giác chi nào? Ðó là niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi, khinh an giác chi, định giác chi và xả giác chi cùng xuất hiện ở đời. Lúc Như Lai xuất hiện [ở] thế gian, liền có bảy giác chi quý báu này cùng xuất hiện. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện tu bảy giác chi này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở thế gian, liền chọn lựa đất tốt để xây thành quách, phía Đông, phía Tây hai mươi do-tuần. Phía Nam, phía Bắc bảy do-tuần, đất đai màu mỡ, đời sống sung túc, an lạc hạnh phúc không thể tính kể. Bấy giờ, bên ngoài thành quách ấy có bảy lớp thành bao quanh, được làm bằng bảy báu. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, hổ phách, mã não và xà cừ. Đó gọi là bảy báu. Thành ấy lại có bảy lớp hào bằng bảy báu vây quanh, rất sâu và rộng, khó vượt qua được, toàn cát vàng trong ấy. Lại có bảy lớp cây mọc ở đó. Các loại cây ấy lại có bảy màu: Vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, xà cừ, mã não và hổ phách. Chung quanh thành có bảy lớp cửa kiên cố, cũng làm bằng bảy báu. Khung cửa bạc thì cánh cửa bằng vàng, khung cửa vàng thì cánh cửa bằng bạc, khung cửa thủy tinh thì cánh cửa bằng lưu ly, khung cửa lưu ly thì cánh cửa thủy tinh, khung cửa mã não thì cánh cửa hổ phách, an vui vô cùng, thật không thể diễn tả hết. Bốn mặt trong thành có bốn hồ tắm. Mỗi hồ tắm dài rộng một do-tuần, có nước bằng vàng, bạc, thủy tinh, tự nhiên tạo thành. Hồ nước bạc đông lại thành báu bạc. Hồ nước vàng đông lại thành báu vàng. Chuyển Luân Thánh vương sử dụng châu báu ở các hồ nước ấy.
[0731c14] Bấy giờ, trong thành lại có bảy loại âm thanh. Là những loại nào? Ðó là tiếng tù và, tiếng trống, tiếng trống con, tiếng chuông, tiếng trống tế yêu,42 tiếng ca múa và tiếng hát xướng. Ðó là bảy loại âm thanh. Lúc ấy, dân chúng cùng nhau thưởng thức những âm thanh ấy. Những chúng sanh cõi ấy không bị nóng lạnh, không bị đói khát, cũng không tật bệnh. Vị Chuyển Luân Thánh vương sống ở đời, thành tựu được bảy báu này và bốn thần túc, không chút thiếu thốn, chẳng bị mất mát. Thế nào là Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bảy báu? Ðó là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu. Lại có một ngàn người con hết sức dũng mãnh, có thể hàng phục giặc bên ngoài. Ðối với cõi Diêm-phù-đề này thì không sử dụng dao gậy để giáo hóa dân chúng.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như thế nào? Thế Tôn trả lời:
– Bấy giờ, vào sáng sớm ngày rằm, Chuyển Luân Thánh vương tắm rửa, gội đầu rồi ngự trên điện lớn, các ngọc nữ vây quanh. Thế rồi, bánh xe báu đầy đủ ngàn căm từ phương Ðông đến trước điện, ánh sáng chiếu rực rỡ, không phải do người tạo ra, cách mặt đất bảy nhận,43 dần dần đến trước vua rồi dừng lại. Thấy vậy, Chuyển Luân Thánh vương liền nghĩ: “Ta nghe người xưa nói, vào ngày rằm, Chuyển Luân Thánh vương tắm rửa, gội đầu, rửa tay rồi ngự trên điện. Bánh xe báu từ phương Ðông đến dừng ở trước vua. Bây giờ, ta hãy thử bánh xe báu này!” Thế rồi, Chuyển Luân Thánh vương đưa tay phải nắm bánh xe báu và nói: “Ngươi hãy xoay chuyển cho đúng pháp, chớ xoay chuyển phi pháp.” Bấy giờ, bánh xe báu tự nhiên xoay chuyển rồi dừng lại giữa hư không. Chuyển Luân Thánh vương dẫn theo bốn bộ binh cũng trụ giữa hư không. Lúc ấy, bánh xe báu đi về hướng Ðông, Chuyển Luân Thánh vương cũng theo bánh xe báu đi về phương ấy. Lúc bánh xe báu dừng thì Chuyển Luân Thánh vương và chúng tùy tùng cũng dừng giữa hư không. Khi ấy, vua và dân chúng các nước nhỏ44 ở phương Ðông từ xa thấy Chuyển Luân Thánh vương đến, đều đứng lên nghinh đón, lại đem bát vàng đựng đầy bạc, bát bạc đựng đầy vàng, dâng lên Chuyển Luân Thánh vương và tâu:
“Lành thay, Thánh vương đến! Xứ này dân chúng đông đúc, an lạc hiếm có, không thể tính kể. Kính mong Đại vương hãy cai trị chốn này.”
Chuyển Luân Thánh vương bảo dân chúng rằng:
“Các ngươi nên sống theo phép tắc, chớ làm việc phi pháp, cũng đừng sát sanh, trộm cướp, tà dâm. Cẩn thận chớ làm việc phi pháp.”
Bấy giờ, bánh xe báu lại di chuyển đến phương Nam, phương Tây và phương Bắc. Chuyển Luân Thánh vương đi đến đâu cũng vỗ về, khuyên nhủ dân chúng. Rồi bánh xe báu quay trở về cõi nước vua cai trị, trụ cách mặt đất bảy nhận.
Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bánh xe báu như vậy.
[0732a17] Lúc ấy, Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu voi báu như thế nào? Thế Tôn bảo:
– Tỳ-kheo nên biết! Vào ngày rằm, Chuyển Luân Thánh vương tắm rửa rồi ngự trên điện lớn. Khi ấy, voi báu từ phương Nam đến, có sáu ngà, bộ lông trắng muốt, bảy chỗ đầy đặn, được trang sức bằng vàng bạc, châu báu, có thể bay lên giữa hư không. Bấy giờ, Chuyển Luân Thánh vương thấy vậy liền nghĩ: “Voi báu này rất thù thắng, vi diệu, hiếm có ở đời, tánh nết nhu hòa, không hung bạo. Ta hãy thử cỡi nó.” Thế rồi, vào sáng sớm, khi mặt trời vừa lên, Chuyển Luân Thánh vương liền cỡi voi báu này dạo khắp bốn biển, cai trị dân chúng. Chuyển Luân Thánh vương thành tựu voi báu như thế.
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như thế nào? Thế Tôn bảo:
– Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời, ngựa báu liền từ phương Tây đến, lông thuần màu xanh thẫm, lông đuôi ánh đỏ, bước đi vững chãi, có thể bay giữa hư không, không hề chướng ngại. Vua thấy xong, rất đỗi vui mừng liền nói: “Ngựa báu này rất thù thắng, vi diệu, ta nên sử dụng nó. Tánh nó lại hiền lành, không hề trở chứng. Nay ta hãy thử ngựa báu.” Lúc ấy, Chuyển Luân Thánh vương liền cỡi ngựa này đi khắp bốn châu thiên hạ, cai trị dân chúng, rồi trở về cõi nước vua đang cai trị. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu ngựa báu như thế.
[0732b05] Tỳ-kheo bạch Phật:
– Lại do nhân duyên gì, Chuyển Luân Thánh vương thành tựu được châu báu?
Thế Tôn bảo:
– Này Tỳ-kheo! Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời, châu báu liền từ phương Đông đến, có tám góc, bốn mặt tỏa ánh sáng, dài một thước sáu tấc. Thấy rồi, Chuyển Luân Thánh vương liền nghĩ: “Châu báu này rất thù thắng, vi diệu, nay ta sẽ thử nó.” Vào nửa đêm, Chuyển Luân Thánh vương liền triệu tập bốn bộ binh, đem báu ma-ni này đặt trên ngọn cờ cao, ánh sáng của ngọc chiếu xa mười hai do-tuần trong cõi nước ấy. Bấy giờ, dân chúng trong thành thấy ánh sáng này, họ liền bảo nhau: “Mặt trời đã mọc, hãy lo việc nhà!” Lúc ấy, Chuyển Luân Thánh vương ngự trên điện, thấy khắp dân chúng rồi, liền trở về cung, đem báu ma-ni này đặt trong cung, trong ngoài đều sáng, chiếu khắp mọi nơi. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu châu báu như thế.
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu ngọc nữ báu như thế nào?
Thế Tôn bảo:
– Tỳ-kheo nên biết! Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời, có ngọc nữ báu này tự nhiên xuất hiện, dung mạo đoan chánh, mặt tựa hoa đào, không cao không thấp, không trắng không đen, tánh nết nhu hòa, không hề hung dữ, miệng thơm hương hoa sen xanh, thân thơm hương chiên-đàn, luôn hầu hạ bên cạnh Thánh vương, không trái thời khắc, diện mạo luôn tươi tắn, hòa nhã khi nhìn vua. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu ngọc nữ báu này như thế.
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu thế nào? Thế Tôn bảo:
– Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời, liền có cư sĩ báu này xuất hiện ở thế gian. Vị ấy không cao không thấp, thân thể hồng hào, tài trí cao siêu, việc gì cũng thông suốt, lại đạt được thiên nhãn thông. Lúc ấy, cư sĩ đến chỗ vua, tâu rằng: “Ngưỡng mong Thánh vương thọ mạng vô cùng! Nếu Đại vương cần vàng bạc, châu báu, tôi sẽ cung cấp đầy đủ.” Thế rồi, cư sĩ dùng thiên nhãn quán sát, thấy hết khắp nơi, ở đâu có kho báu hay không có kho báu. Vua cần báu gì thì cung cấp đúng lúc. Chuyển Luân Thánh vương muốn thử cư sĩ này, liền đưa cư sĩ qua sông. Khi chưa đến bờ bên kia, vua liền bảo cư sĩ: “Ta đang cần vàng bạc, châu báu, phải chuẩn bị ngay bây giờ.” Cư sĩ đáp: “Bước lên bờ hạ thần sẽ cung cấp cho.” Chuyển Luân Thánh vương bảo: “Ta cần ngay bây giờ, không thể đợi lên bờ.” Bấy giờ, cư sĩ liền quỳ gối, chắp tay hướng xuống mặt nước, bảy báu trong nước tức thời vọt lên. Lúc đó, Chuyển Luân Thánh vương bảo cư sĩ: “Thôi, thôi! Cư sĩ! Ta không cần châu báu nữa!” Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu cư sĩ báu như thế.
[0732c11] Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
– Chuyển Luân Thánh vương thành tựu điển binh báu thế nào?
Thế Tôn bảo:
– Này Tỳ-kheo! Lúc Chuyển Luân Thánh vương xuất hiện ở đời, liền có điển binh báu này tự nhiên đến hầu, thông minh cái thế, biết rõ lòng người, thân thể hoàn mỹ, đến trước Chuyển Luân Thánh vương, tâu rằng: “Ngưỡng mong Thánh vương cứ tự nhiên hưởng thụ khoái lạc. Lúc nào Thánh vương cần binh lính, biết rõ thời nghi, tiến dừng đúng lúc, thần sẽ cung cấp ngay.” Thế rồi, điển binh báu tùy thuận ý vua, tập hợp binh chủng, đứng hầu bên cạnh vua. Bấy giờ, Chuyển Luân Thánh vương muốn thử điển binh báu, liền bảo: “Hãy khiến cho binh chủng của ta tập hợp ngay!” Tức thời, binh chủng liền tập hợp ngoài cửa thành. Chuyển Luân Thánh vương muốn binh chủng dừng, họ liền dừng, muốn tiến, họ liền tiến. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu điển binh báu này như thế.
Tỳ-kheo nên biết! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu được bảy báu như thế. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
– Chuyển Luân Thánh vương làm thế nào để thành tựu bốn thần túc, được thiện lợi nhanh chóng?
Phật bảo Tỳ-kheo:
– Đó là, Chuyển Luân Thánh vương có dung mạo đoan chánh, hiếm có ở đời, vượt hẳn mọi người, dù cho thiên tử cũng không sánh bằng. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ nhất như thế.
Lại nữa, Chuyển Luân Thánh vương thông minh tuyệt đỉnh, thông thạo mọi việc, là bậc hùng mạnh trong loài người, không ai có trí tuệ hơn bậc Chuyển Luân Thánh vương này. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ hai như thế.
[0733a01] Lại nữa, Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương không có tật bệnh, thân thể tráng kiện, thực phẩm vào thân tự nhiên tiêu hóa, không lo đại tiện, tiểu tiện. Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu được thần túc thứ ba như thế.
Lại nữa, Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thọ mạng dài lâu không thể tính kể, không ai có thể sống lâu hơn Chuyển Luân Thánh vương. Này Tỳ- kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu thần túc thứ tư như thế.
Này Tỳ-kheo! Chuyển Luân Thánh vương thành tựu bốn thần túc như vậy. Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Phật:
– Sau khi qua đời, Chuyển Luân Thánh vương sẽ sanh về đâu? Thế Tôn bảo:
– Sau khi qua đời, Chuyển Luân Thánh vương sẽ sanh vào cõi trời Ba Mươi Ba, sống lâu ngàn tuổi. Vì sao như thế? Chuyển Luân Thánh vương không tự mình sát sanh, lại dạy người khác không sát sanh; tự mình không trộm cướp, lại dạy người khác không trộm cướp; tự mình không dâm dục, lại dạy người khác không dâm dục; tự mình không nói sai sự thật, lại dạy người khác không nói sai sự thật; tự mình thực hành mười điều lành, lại dạy người khác thực hành mười điều lành. Tỳ-kheo nên biết! Do công đức này, Chuyển Luân Thánh vương sau khi qua đời sẽ sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia liền nghĩ: “Chuyển Luân Thánh vương rất đáng được ngưỡng mộ, tuy gọi là người, nhưng lại không phải là người, kỳ thực không phải là trời mà thực thi việc của trời, thọ nhận các lạc thú thù thắng, chẳng đọa vào ba đường ác. Nếu hôm nay ta nỗ lực trì giới, ta sẽ có phước, vào đời sau sẽ được làm Chuyển Luân Thánh vương thì thật là vui thích.”
Bấy giờ, Thế Tôn biết tâm niệm Tỳ-kheo ấy, liền bảo:
– Ở trước Như Lai, thầy đừng nên suy nghĩ như thế. Vì sao như vậy? Chuyển Luân Thánh vương tuy thành tựu bảy báu, có bốn thần túc không ai sánh bằng, nhưng vẫn chưa thoát khỏi ba đường ác là địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ. Vì sao như thế? Vì Chuyển Luân Thánh vương chưa chứng đắc bốn thiền, chưa chứng đắc bốn thần túc và chưa thông đạt bốn Thánh đế, do nhân duyên này, lại đọa vào ba đường ác. Thân người rất khó được, gặp phải tám nạn, mong cầu thoát ra cực kỳ khó khăn. Được sanh ở cõi nước phồn vinh cũng chẳng phải dễ dàng, mong gặp được bạn hiền thiện cũng không phải dễ, muốn gặp được bậc thiện tri thức cũng chẳng dễ dàng, muốn theo học đạo trong giáo pháp Như Lai cũng rất khó gặp. Như Lai xuất hiện thật khó được gặp. Giáo pháp được diễn thuyết cũng khó gặp như thế. Các pháp giải thoát, pháp bốn Thánh đế và pháp bốn phi thường45 thật chẳng thể được nghe. Đối với bốn pháp này, Chuyển Luân Thánh vương cũng không thể đạt được rốt ráo.
Này Tỳ-kheo! Lúc Như Lai xuất hiện ở đời, bảy báu liền xuất hiện ở thế gian, đó là báu bảy giác chi của Như Lai, đạt đến sự rốt ráo không giới hạn, trời và người đều khen ngợi. Trong hiện tại, nếu Tỳ-kheo khéo tu Phạm hạnh thì sẽ trừ sạch gốc khổ ngay trong đời này, vậy thì cần gì bảy báu của Chuyển Luân Thánh vương?
[0733b06] Khi ấy, Tỳ-kheo kia nghe Như Lai dạy như thế rồi, liền ở nơi thanh vắng, tư duy về giáo pháp mà một người thiện nam cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, vì muốn tu chánh nghiệp vô thượng, liền biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia liền thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Đồng Chân Ca-diếp47 ngụ ở vườn Trú Ám,48 thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào lúc nửa đêm, Tôn giả Ca-diếp đang kinh hành. Có vị trời đến chỗ Tôn giả Ca-diếp, ở giữa hư không rồi nói với Tôn giả rằng:
– Tỳ-kheo nên biết! Ngôi nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày bị lửa thiêu đốt. Có Bà-la-môn bảo người có trí rằng: “Bây giờ, ông hãy cầm dao đào núi. Khi đào núi, chắc chắn sẽ gặp gánh nặng, ông hãy nhấc nó lên, rồi tiếp tục đào núi. Khi đào núi, chắc chắn sẽ thấy núi, ông hãy bỏ núi ấy đi và hãy tiếp tục đào núi. Khi đào núi, ông sẽ thấy con ễnh ương, hãy bỏ qua con ễnh ương rồi hãy tiếp tục đào núi. Khi đào núi, ông sẽ thấy một đống thịt. Thấy đống thịt rồi, hãy rời bỏ và tiếp tục đào núi. Khi đào núi, ông sẽ gặp gông cùm, hãy rời bỏ gông cùm rồi tiếp tục đào núi. Khi đào núi, ông sẽ thấy hai con đường, hãy bỏ qua hai con đường để rồi tiếp tục đào núi. Khi đào núi, ông sẽ thấy cành cây, thấy cành cây rồi, hãy bỏ qua nó để tiếp tục đào núi. Cuối cùng, ông sẽ thấy con rồng. Thấy rồng rồi, ông đừng trò chuyện mà hãy quy y, cung kính khiến ông được nơi an trú.”
Này Tỳ-kheo! Hãy khéo suy nghĩ về ý nghĩa này. Nếu ông không hiểu, hãy đến thành Xá-vệ thưa hỏi đức Thế Tôn về ý nghĩa này. Nếu Như Lai có dạy bảo điều gì, hãy khéo ghi nhớ và thực hành. Vì sao như vậy? Vì tôi chẳng thấy có người nào, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, ma hay thiên ma có thể hiểu được nghĩa này, chỉ trừ đức Như Lai và đệ tử của Ngài. Theo tôi được nghe như vậy.
[0733c02] Tôn giả Ca-diếp đáp:
– Việc này quả thật tuyệt!
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Tôn giả Ca-diếp đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên, đem nhân duyên này thưa lại đầy đủ với Thế Tôn:
– Nay con xin thưa hỏi đức Như Lai về những điều vị trời muốn nói có ý nghĩa gì? Vì sao lại nói: “Nên biết ngôi nhà này ban đêm bốc khói, ban ngày sẽ bị lửa đốt?” Vì sao gọi là Bà-la-môn? Sao gọi là người trí? Lại nói là đào núi, ý nghĩa này như thế nào? Lại nói về dao, con cũng không hiểu. Vì sao gọi là gánh nặng? Sao gọi là núi, nghĩa này thế nào? Vì sao lại nói ễnh ương? Sao lại nói đống thịt? Sao lại nói gông cùm? Vì cớ gì lại nói hai con đường? Cành cây, nghĩa này thế nào? Sao lại gọi là rồng?
Thế Tôn dạy:
– Ngôi nhà chính là thân thể do bốn đại tạo thành, thọ nhận tinh cha huyết mẹ, dần dần khôn lớn, được nuôi dưỡng bằng thức ăn, không để thiếu thốn, là pháp phân tán. Ban đêm bốc khói là chỉ tâm niệm của chúng sanh. Ban ngày lửa thiêu đốt chính là thân, miệng và ý tạo các nghiệp. Bà-la-môn chính là A-la- hán. Người trí là người có học. Ðào núi chính là tâm siêng năng. Con dao chính là trí tuệ. Gánh nặng là năm kiết sử. Núi là kiêu mạn. Ễnh ương là tâm sân hận. Ðống thịt là tham dục. Gông cùm là năm dục. Hai con đường là sự nghi ngờ. Cành cây là vô minh. Rồng chính là Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Những điều vị trời ấy nói có ý nghĩa như thế. Thầy hãy suy nghĩ thật kỹ càng, không bao lâu sẽ dứt sạch hết phiền não.
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp tiếp nhận lời dạy của Như Lai xong, liền đến nơi thanh vắng để tự tu tập. Sở dĩ người thiện nam cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo là vì muốn tu Phạm hạnh, để biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Khi ấy, Tôn giả Ca-diếp liền thành bậc A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Ca-diếp nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ ở vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Khi ấy, Tôn giả Mãn Nguyện Tử50 cùng năm trăm Tỳ-kheo đang đi du hóa ở quê nhà.
Bấy giờ, sau khi an cư chín mươi ngày ở thành La-duyệt xong, Thế Tôn tuần tự du hóa trong nhân gian rồi đến vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Khi ấy, nhiều Tỳ-kheo cư ngụ đây đó trong nhân gian cũng đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên.
[0734a06] Khi ấy, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy đã an cư ở đâu?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Chúng con an cư ở quê hương.
Thế Tôn bảo:
– Này các thầy! Quê hương của các thầy chính là ở trong chúng Tỳ-kheo. Các thầy phải siêng năng thực hành hạnh A-lan-nhã,51 lại khen ngợi hạnh A-lan- nhã. Tự mình thực hành hạnh khất thực và dạy người khác thực hành hạnh khất thực, không trái thời nghi. Tự mình mặc y chắp vá, lại dạy người khác mặc y chắp vá. Tự mình tu hạnh biết đủ, lại hay khen ngợi hạnh biết đủ. Tự mình thực hành hạnh ít muốn, lại khen ngợi hạnh ít muốn. Tự mình ưa thích nơi nhàn vắng, lại khuyên người khác nên ở chỗ nhàn vắng. Tự mình giữ gìn những hạnh này, lại khuyên người khác giữ gìn những hạnh này. Tự mình thành tựu giới hạnh thanh tịnh trọn vẹn, lại dạy người khác thực thành giới hạnh thanh tịnh trọn vẹn. Tự mình thành tựu chánh định, lại dạy người khác thực hành chánh định. Tự mình thành tựu trí tuệ, lại khiến người thành tựu trí tuệ. Tự mình thành tựu giải thoát, lại dạy người khác thực hành pháp giải thoát. Tự mình thành tựu giải thoát tri kiến, lại dạy người thành tựu pháp này, tự mình giáo hóa không biết nhàm chán, thuyết pháp không hề mệt mỏi.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Trong chúng Tỳ-kheo này, có Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử luôn siêng năng giáo hóa, chính mình tu tập hạnh A-lan-nhã, cũng lại khen ngợi hạnh A-lan- nhã; thân mặc y chắp vá, ít muốn biết đủ, siêng năng dũng mãnh, hành hạnh khất thực, ưa chỗ nhàn vắng, thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, lại dạy người khác khiến thực hành pháp này, tự mình giáo hóa, thuyết pháp không hề mệt mỏi.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các Tỳ-kheo. Lắng nghe Phật thuyết pháp rồi, các Tỳ-kheo nán lại giây lát rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi lui ra.
Lúc ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất ở cách Thế Tôn không xa, đang ngồi kiết-già, thân tâm ngay thẳng, buộc niệm trước mặt rồi nghĩ: “Mãn Nguyện Tử sẽ mau được thiện lợi. Vì sao như vậy? Vì các Tỳ-kheo Phạm hạnh khen ngợi đức hạnh của Tôn giả và điều này đã được đức Thế Tôn ấn chứng, không hề phản đối. Hôm nào đó, ta nên diện kiến và đàm luận cùng Tôn giả ấy.”
[0734b04] Bấy giờ, Tôn giả Mãn Nguyện Tử đang ở quê nhà, đi khất thực và giáo hóa trong nhân gian, dần dần đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Thế Tôn tuần tự thuyết pháp cho Tôn giả ấy. Nghe thuyết pháp xong, Tôn giả Mãn Nguyện Tử từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân Phật rồi lui ra, xếp tọa cụ lên vai phải, đi về vườn Trú Ám.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo trông thấy Tôn giả Mãn Nguyện Tử xếp tọa cụ trên vai phải, đang đi đến khu vườn kia, liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, thưa:
– Tôn giả Mãn Nguyện Tử, vị thường được Phật khen ngợi, vừa đến chỗ Thế Tôn nghe pháp, hiện đang trú trong khu vườn này. Tôn giả nên biết, nay đã đúng thời.
Nghe Tỳ-kheo kia nói như thế, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đứng dậy, xếp tọa cụ lên vai phải, đi đến khu vườn kia.
Lúc ấy, Tôn giả Mãn Nguyện Tử đang ngồi kiết-già bên một gốc cây. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng đến bên một gốc cây, ngồi ngay ngắn tư duy. Thế rồi, Tôn giả Xá-lợi-phất liền đứng dậy, đi đến chỗ của Tôn giả Mãn Nguyện Tử, cùng chào hỏi nhau rồi ngồi một bên. Tôn giả Xá-lợi-phất liền hỏi Tôn giả Mãn Nguyện Tử:
– Thưa Tôn giả Mãn Nguyện Tử! Có phải do nương nơi Thế Tôn mà Tôn giả nguyện làm đệ tử và tu học Phạm hạnh chăng?
Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Ðúng thế, đúng thế!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Có phải nhân nơi Thế Tôn mà Tôn giả tu tập giới thanh tịnh chăng?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
– Có phải do tâm thanh tịnh đối với Như Lai mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Có phải do thấy biết thanh tịnh đối với Như Lai mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Vậy có phải do bởi không do dự mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi:
– Có phải do nương theo pháp tu thanh tịnh52 mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
– Vậy có phải do trí thanh tịnh về con đường tu tập53 mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
– Có phải do tri kiến thanh tịnh54 mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh?
[0734c01] Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Không phải vậy!
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Tôi đã hỏi Tôn giả: “Có phải nương nơi Như Lai mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh chăng?” Tôn giả đã trả lời: “Ðúng thế!” Tôi lại hỏi: “Có phải do vì trí tuệ, tâm thanh tịnh, đạo và tri kiến thanh tịnh mà Tôn giả tu tập Phạm hạnh chăng?” Tôn giả đáp: “Không phải vậy!” Vậy thì, tại sao Tôn giả lại nương theo Như Lai để tu tập Phạm hạnh?
Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Do giới thanh tịnh nên tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh nên thấy biết thanh tịnh. Do thấy biết thanh tịnh nên không do dự thanh tịnh. Do không do dự thanh tịnh nên pháp tu thanh tịnh. Do pháp tu thanh tịnh nên có trí thanh tịnh về con đường tu tập. Do con đường tu tập thanh tịnh nên tri kiến thanh tịnh. Do tri kiến thanh tịnh nên đạt đến Niết-bàn. Đó gọi là nương theo Như Lai để tu tập Phạm hạnh.
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
– Ý nghĩa Tôn giả đã nói, mục đích là gì?
Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Tôi sẽ dùng ví dụ để giải nghĩa này. Người trí nhờ ví dụ mà hiểu nghĩa nên người trí tự mình giác ngộ. Ví như hôm nay, Vua Ba-tư-nặc đi từ thành Xá- vệ đến nước Bạt-kỳ,55 khoảng cách giữa hai nước đặt bảy cỗ xe. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ra khỏi thành, ngồi xe thứ nhất đi đến xe thứ hai, lên xe thứ hai bỏ xe thứ nhất; đi thêm một đoạn lại bỏ xe thứ hai, lên xe thứ ba; đi thêm một đoạn lại bỏ xe thứ ba, lên xe thứ tư; đi thêm một đoạn lại bỏ xe thứ tư, lên xe thứ năm; đi thêm một đoạn lại bỏ xe thứ năm, lên xe thứ sáu; đi thêm một đoạn lại bỏ xe thứ sáu, lên xe thứ bảy rồi vào đến nước Bạt-kỳ. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc đã vào trong cung. Nếu có người hỏi: “Hôm nay, Đại vương dùng xe nào đến cung này?” Nhà vua sẽ đáp thế nào?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Nếu có người hỏi, vua sẽ đáp thế này: “Tôi ra khỏi thành Xá-vệ. Trước hết, ngồi xe thứ nhất, lên xe thứ hai, rồi bỏ xe thứ hai lên xe thứ ba, lại bỏ xe thứ ba lên xe thứ tư, bỏ xe thứ tư lên xe thứ năm, lại bỏ xe thứ năm lên xe thứ sáu, lại bỏ xe thứ sáu lên xe thứ bảy, rồi đến nước Bạt-kỳ. Vì sao như thế? Tất cả đều do từ xe đầu tiên đến xe thứ hai, lần lượt tiếp nối nhau mà đến được nước kia.” Nếu có người hỏi, vua sẽ đáp như thế.
Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Ý nghĩa giới thanh tịnh cũng như thế. Do tâm thanh tịnh nên được thấy biết thanh tịnh. Do thấy biết thanh tịnh đưa đến không do dự thanh tịnh. Do không do dự thanh tịnh nên đưa đến pháp tu thanh tịnh. Do pháp tu thanh tịnh nên đưa đến trí thanh tịnh về con đường tu tập. Do trí thanh tịnh về con đường tu tập nên đưa đến tri kiến thanh tịnh. Do tri kiến thanh tịnh nên đưa đến Niết- bàn, nên nương theo Như Lai để tu tập Phạm hạnh.
Bởi vì sao? Vì giới thanh tịnh là tướng của đối đãi,56 thế nhưng, Như Lai nói nên xa lìa sự đối đãi. Tâm thanh tịnh cũng là tướng đối đãi, thế nhưng, Như Lai nói nên xa lìa sự đối đãi,... cho đến do tri kiến cũng là đối đãi và Như Lai nói nên xa lìa sự đối đãi,... cho đến Niết-bàn, nên nương theo Như Lai để tu tập Phạm hạnh.
Nếu vì giới thanh tịnh mà nương theo Như Lai tu tập Phạm hạnh thì kẻ phàm phu cũng sẽ được giải thoát. Vì sao như vậy? Vì phàm phu cũng có giới pháp này. Thế Tôn đã giảng nói, do thứ lớp mà chứng thành đạo quả, đạt đến cảnh giới Niết-bàn, chứ không phải chỉ riêng giới thanh tịnh mà được giải thoát.
Ví như có người muốn lên đến lầu bảy tầng, chắc chắn phải lên theo thứ tự. Giới thanh tịnh cũng như vậy, từ giới thanh tịnh dần dần đưa đến tâm thanh tịnh. Do tâm thanh tịnh đưa đến thấy biết thanh tịnh. Do thấy biết thanh tịnh đưa đến không do dự thanh tịnh. Do không do dự thanh tịnh đưa đến pháp tu thanh tịnh. Do pháp tu thanh tịnh mà có trí thanh tịnh về con đường tu tập. Do trí thanh tịnh về con đường tu tập nên đưa đến tri kiến thanh tịnh. Do tri kiến thanh tịnh nên đạt đến Niết-bàn.
[0735a18] Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất liền khen ngợi:
– Lành thay, lành thay! Tôn giả giảng nói ý nghĩa này thật hay. Tôn giả tên họ là gì? Các Tỳ-kheo Phạm hạnh gọi Tôn giả bằng tên gì?
Tôn giả Mãn Nguyện Tử đáp:
– Các Tỳ-kheo gọi tôi là Mãn Nguyện Tử. Mẹ tôi họ Di-đa-da-ni.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Lành thay, lành thay! Tôn giả Mãn Nguyện Tử! Trong pháp Hiền thánh thật không ai sánh bằng, Tôn giả đã giữ gìn pháp bất tử57 để rồi ban rải cùng khắp. Tôi đã thưa hỏi nghĩa lý thâm sâu mà Tôn giả đều diễn nói thông suốt. Giả sử các vị Phạm hạnh có đội Tôn giả trên đầu rồi đi khắp thế gian, cũng không thể báo đáp được ân này. Những ai đến gần gũi thưa hỏi, người ấy sẽ nhanh chóng được lợi ích. Nay tôi cũng được lợi ích nhờ tiếp nhận những lời dạy bảo này.
Tôn giả Mãn Nguyện Tử nói:
– Lành thay, lành thay! Như lời Tôn giả nói. Tôn giả tên họ là gì? Các Tỳ- kheo gọi Tôn giả là gì?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Tôi tên Ưu-ba-đề-xá. Mẹ tên là Xá-lợi. Các Tỳ-kheo gọi tôi là Xá-lợi-phất.
Tôn giả Mãn Nguyện Tử nói:
– Hôm nay, tôi được cùng đàm luận với bậc Đại nhân. Trước đó, tôi không hề biết rằng bậc Tướng quân của Chánh pháp đã đến đây! Nếu tôi biết Tôn giả Xá-lợi-phất đến, tôi đã không đối đáp, biện luận với Tôn giả thế này. Tuy nhiên, nghĩa lý Tôn giả đã hỏi rất thâm sâu nên tôi cứ tùy nghi giải đáp. Lành thay! Tôn giả Xá-lợi-phất! Tôn giả là bậc thượng thủ trong hàng đệ tử của Phật, thường dùng pháp vị giải thoát để tự an vui. Giả sử các vị Phạm hạnh đội Tôn giả Xá-lợi-phất trên đầu rồi đi khắp thế gian, hết năm này qua năm khác, cũng không thể nào báo đáp được một chút ân này. Chúng sanh nào đến thăm hỏi, gần gũi Tôn giả, người ấy chắc chắn được lợi ích. Chúng tôi cũng chóng được lợi ích.
Bấy giờ, hai Hiền giả cùng đàm luận trong khu vườn như thế.
Thế rồi, hai Tôn giả cùng lắng nghe nhau xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt mười bài kinh trên:
Đẳng pháp cập Trú Độ,
Thủy cập Thành quách dụ,
Thức, Quân-đầu, Nhị luân,
Ba Mật cập Thất xa.58
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Đẳng pháp phẩm 等法品 (T.02. 0125.39. 0728b25).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.1. 0728b26). Tham chiếu: Thiện pháp kinh 善法經 (T.01. 0026.1. 0421a12); Thất tri kinh 七知經 (T.01.0027. 0810a03); A. 7.68 - IV. 113.
3 Nguyên tác: Tri túc (知足). Theo Thiện pháp kinh 善法經 (T.01. 0026.1. 0421b09) gọi là “tri tiết” (知節, mattaññū) tức là biết tiết độ.
4 Khế kinh (契經) phiên âm là Tu-đa-la (修多羅), P. Sutta.
5 Kỳ-dạ (祇夜, Geyya): Thể kệ lặp lại nội dung đoạn kinh trước, còn gọi là Trùng tụng (重頌) hoặc Ứng tụng (應頌).
6 Kệ (偈) phiên âm là Già-đà (伽陀, Gāthā).
7 Nhân duyên (因緣) phiên âm là Ni-đà-na (尼陀那, Nidāna).
8 Thí dụ (譬喻) phiên âm là A-ba-đà-na (阿波陀那, Avadāna).
9 Bổn mạt (本末) cũng gọi là Bổn sự (本事). Pāli gọi là Itivuttaka (Phật thuyết như vậy).
10 Quảng diễn (廣演) cũng gọi là Luận nghị (S. Upadeśa, P. Upadesa).
11 Phương đẳng (方等) cũng viết là Phương quảng (方廣, Vedalla).
12 Vị tằng hữu (未曾有) là cách nói lược của Vị tằng hữu pháp (Abbhutadhamma).
13 Quảng phổ (廣普). Sanskrit ghi: Udāra, nghĩa là rộng rãi. Trong Pāli tương đương chính là thể loại Kinh tự thuyết (自說, Udāna). Đáng chú ý, cả Sanskrit và Pāli khi nói đến 9 thể tài kinh điển đều viết bằng một tự dạng là Udāna. Ở đây, có khả năng do sự nhầm lẫn về tự dạng hoặc phát âm sai, nên từ Udāna đã trở thành Udāra. Đây là điểm khác biệt đặc thù về tên gọi của một thể tài kinh điển giữa Hán tạng và Nikāya.
14 Thọ quyết (授決) cũng gọi là Thọ ký (受記, Veyyākaraṇa).
15 Sanh kinh (生經) tức Bổn sanh (Jātaka).
16 Đề-hồ (醍醐). Trong văn hóa ẩm thực ở Ấn Độ cổ đại, có 5 loại thực phẩm có nguồn gốc từ sữa, gọi là “ngũ vị” (五味, pañca rasā) và tối thắng nhất trong số chúng chính là đề-hồ (醍醐, maṇḍa).
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.2. 0729b11). Tham chiếu: Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422a18); Viên Sanh thọ kinh 🖃生樹經 (T.01. 0028. 0810c03); A. 7.69 - IV. 117.
18 Trú Độ thọ (晝度樹, Pārichattaka). Viên Sanh thọ (圓生樹), cây trên trời Đao-lợi (Tāvatiṃsa), làm chuẩn để tính ngày.
19 Đương cánh sanh hoa thật (當更生華實): Hoa cùng với quả. Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422a24) ghi: Đương hoàn sanh (當還生, jālakajāto).
20 Đương sanh la võng (當生羅網). Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh từ điển (妙法蓮華經詞典), “la võng” (羅網) có nghĩa là cái nụ tròn (jāla). Theo PED, jāla có nghĩa là cái kén hoa (jaṭita).
21 Đương sanh bạc tiết (當生雹節). Bản Tống, Nguyên, Minh đọc 雹 là “pháo” (皰). Như vậy, 皰節 là cái kén hoa đã tròn trịa, cũng gọi là nụ hoa. Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422a27) ghi: Đương sanh như điểu uế (當生如鳥喙, kuṭumalakajāto), nghĩa là giống như cái mỏ chim.
22 Khai phu (開敷). Trú Độ thọ kinh 晝度樹經 (T.01. 0026.2. 0422a29) ghi: Đương khai như bát (當開如鉢), nghĩa là hoa nở như cái bát. Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh từ điển (妙法蓮華經詞典), “khai phu” (開敷) chính là nở hoa. Sanskrit ghi: supuṣpita. Pāli ghi: sabbaphāliphullo.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.3. 0729c24). Tham chiếu: Thủy dụ kinh 水喻經 (T.01. 0026.4. 0424a13); Hàm thủy dụ kinh 鹹水喻經 (T.01. 0029. 0811b01); A. 7.15 - IV. 11.
24 Nguyên tác: Thất sự thủy dụ, nhân diệc như thị (七事水喻, ★亦如是). Nếu dịch sát nghĩa là 7 ví dụ về nước, con người cũng như vậy. Bản dịch điều chỉnh, bổ sung vài từ nhằm góp phần hoàn thiện nghĩa kinh. Tham chiếu: A. 7.15 - IV. 11: Sattime, bhikkhave, udakūpamā puggalā santo saṁvijjamānā lokasmiṁ. (Này các Tỷ-kheo, có bảy hạng người được ví dụ với nước, có mặt hiện hữu ở đời), HT. Thích Minh Châu dịch.
25 Tam kiết sử (三結使) gồm thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa) và nghi (疑, vicikicchā).
26 Chỉ cho bậc Dự lưu (預流, Sotāpanna).
27 Chỉ cho bậc Nhất lai (一來, Sakadāgāmi).
28 Theo Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0051b10): Ngũ hạ phần kiết (五下分結, pañca orambhāgiyāni saṃyojanāni) gồm tham dục (貪欲, kāmarāga), sân khuể (瞋恚, vyāpāda), thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa), nghi (疑, vicikicchā).
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.4. 0730b02). Tham chiếu: Thành dụ kinh
城喻經 (T.01. 0026.3. 0422c09); A. 7.67 - IV. 106.
30 Tứ tăng thượng tâm (四增上心): Bốn tâm định tĩnh trong 4 thiền chứng. Tham chiếu: Hoàng lô viên kinh 黃蘆🖃經 (T.01. 0026.157. 0679c15-29).
31 Tứ thần túc (四神足). Phần thứ 3 trong 37 phẩm trợ đạo, gồm dục thần túc (欲神足), tinh tấn thần túc (精進神足), nhất tâm thần túc (一心神足) và quán thần túc (觀神足). Tham chiếu: Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.14. 0350b02): 又在四種, 為欲住心, 為得勝定, 修方便者. 心住如意,能生長門. 一, 樂出離欲; 二, 受持讀誦,悔過精進; 三, 能取賢善定相之心; 四, 住空閑處, 觀察諸法.
32 Ấm trì nhập chư bệnh (陰, 持, 入諸病).
33 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.5. 0730c19). Tham chiếu: Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0049b26); Đại nhân kinh 大因經 (T.01. 0026.97. 0578b07); D. 33, Saṅgīti Sutta (Kinh phúng tụng); D. 34, Dasuttara Sutta (Kinh thập thượng); A. 7.44 - IV. 39.
34 Phạm-ca-di (梵迦夷, Brahmakāyika): Cõi trời Sơ thiền thuộc sắc giới.
35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.6. 0731a05). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.727. 0195b29); S. 46.16 - V. 81. Điểm khác biệt lớn ở hai bản kinh là S. 46.16 - V. 81 cho rằng, người bệnh là đức Thế Tôn, nhờ Sa-di Quân-đầu tụng thất giác chi khiến Thế Tôn khỏi bệnh.
36 Thất giác ý (七覺意): Bảy phương cách tu tập khiến trí tuệ phát sanh, đạt đến giải thoát giác ngộ, một chi phần trong 37 phẩm trợ đạo.
37 Pháp giác ý (法覺意), theo Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a18), gọi là trạch pháp giác chi (擇法覺支).
38 Ỷ giác ý (猗覺意): Khinh an. Kinh niệm xứ, số 1, phẩm 12, tr. 87 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.32.1. 0569a21) ghi “ỷ” (猗); Lõa hình Phạm chí kinh 倮形梵志經 (T.01. 0001.25. 0103b17) và Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a19) đều ghi “tức” (息), “chỉ” (止); Tạp. 雜 (T.02. 0099.931. 0237c27) ghi “ỷ tức” (猗息), “hưu tức” (休息), “chỉ tức” (止息).
39 Hộ giác ý (護覺意). Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a19) ghi: Xả giác chi (捨覺支). Tạp. 雜 (T.02. 0099.182. 0047c07) ghi: Xả giác phần (捨覺分).
40 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.7. 0731b14). Tham chiếu: Thất bảo kinh 七寶經 (T.01. 0026.58. 0493a10); Luân Vương thất bảo kinh 輪王七寶經 (T.01. 0038. 0821a18). Tạp. 雜 (T.02. 0099.721. 0194a05); Tạp. 雜 (T.02. 0099.722. 0194a23); S. 46.42 - V. 99.
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.8. 0731b26). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.722. 0194a23); M. 129, Bālapaṇḍita Sutta (Kinh hiền ngu).
42 Tế yêu cổ thanh (細腰鼓聲, paṇavasadda), âm thanh của một loại nhạc cụ, còn gọi là “yêu cổ” (腰鼓), 2 tang trống thì lớn, ở giữa thắt lại, vì vậy mà có tên.
43 Nhận (仞): Đơn vị đo chiều dài ngày xưa, 7 thước là một “nhận.”
44 Túc tán vương (粟散王). Theo PQĐTĐ, rất đông vua các nước nhỏ, số nhiều giống như vãi lúa, nên gọi là “túc tán.”
45 Tứ phi thường (四非常) tức vô thường, khổ, không và vô ngã.
46 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.9. 0733b12). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1079. 0282a22); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.95. 0407b13); M. 23, Vammika Sutta (Kinh gò mối).
47 Đồng Chân Ca-diếp (童真迦葉) tức Kumāra Kassapa.
48 Trú Ám viên (晝闇🖃). Tạp. 雜 (T.02. 0099.57. 0013c10) ghi: An-đà lâm (安陀林, Andhavana), là một khu rừng phía Nam thành Xá-vệ.
49 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.39.10. 0733c28). Tham chiếu: Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9. 0429c28); M. 24, Rathavinīta Sutta (Kinh trạm xe).
50 Mãn Nguyện Tử (滿願子). Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9) gọi là Mãn Từ Tử (滿慈子); M. 24 ghi là Puṇṇa Mantāniputta.
51 Nguyên tác: A-luyện-nhã (阿練若), sống ở rừng núi, tu trong rừng.
52 Hành tích thanh tịnh (行跡清淨). “Hành tích” nghĩa là dấu vết trên con đường, cũng mang nghĩa là phương pháp tu tập. Thất xa kinh 七車經 (T.01. 0026.9. 0430c01) gọi là biết rõ hoàn toàn đường chánh và nẻo tà (道非道知見淨).
53 Ư đạo chi trung trí tu thanh tịnh (於道之中智修清淨). Bản Tống, Nguyên, Minh không có chữ “tu” (修).
54 Tri kiến thanh tịnh (知見清淨). Tri kiến (知見) là tên khác của trí tuệ. Theo Diệu Pháp Liên Hoa kinh từ điển (妙法蓮華經詞典).
55 Nguyên tác: Bà-kỳ (婆祇), phiên âm khác của nước Bạt-kỳ (Vajjī).
56 Thọ nhập (受入) đồng nghĩa với tiếp nạp (接納). Theo Hán ngữ đại từ điển (漢語大辭典), “tiếp nạp” có nghĩa là tiếp đãi (接待).
57 Cam lộ (甘露).
58 Nguyên tác Nhiếp tụng: 等法及晝度; 水及城郭喻; 識, 均頭, 二輪; 波蜜及七車. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 33.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.