Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có sáu sức mạnh hiện hữu trong đời. Là sáu loại nào? Một là, trẻ con lấy tiếng khóc làm sức mạnh, muốn đòi hỏi điều gì, trước tiên phải khóc la. Hai là, phụ nữ lấy sân hận làm sức mạnh, sân hận nổi lên trước, kế đó mới phát ngôn. Ba là, Sa-môn và Bà-la-môn lấy nhẫn nhục làm sức mạnh, thường nghĩ về kẻ dưới, khiêm hạ với người, rồi sau mới nói về mình. Bốn là, quốc vương lấy kiêu ngạo làm sức mạnh, lấy hào quý và thế lực của mình để thể hiện bản thân. Năm là, bậc A-la-hán lấy sự tinh chuyên làm sức mạnh để khẳng định mình. Sáu là, chư Phật, Thế Tôn thành tựu đại từ bi, lấy đại từ bi làm sức mạnh để giáo hóa rộng rãi, làm lợi ích cho chúng sanh. Do đó, này các Tỳ-kheo! Có sáu sức mạnh hiện hữu trong đời như thế. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải nhớ tu hành theo hạnh từ bi rộng lớn này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nên tư duy, quán chiếu về vô thường, truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô thường. Đã tư duy, truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô
thường rồi, các thầy sẽ đoạn dứt luyến ái cõi dục, luyến ái cõi sắc, luyến ái cõi vô sắc, cũng đoạn trừ hết vô minh, kiêu mạn. Ví như lấy lửa thiêu đốt cây cỏ, cháy rụi không sót thứ gì, cũng chẳng còn dấu vết. Ở đây cũng vậy, nếu tu tập quán chiếu về vô thường thì đoạn trừ hết luyến ái cõi dục, luyến ái cõi sắc, luyến ái cõi vô sắc, vô minh, kiêu mạn, không còn sót lại gì. Vì sao như thế? Này các Tỳ-kheo! Trong khi tu tập quán chiếu về vô thường, vị ấy không có tâm tham dục, đã không có tâm tham dục thì có thể phân biệt các pháp, tư duy về nghĩa lý các pháp, không có sầu lo, khổ đau, phiền não. Vị ấy đã tư duy về nghĩa lý các pháp thì không còn ngu si, mê hoặc. Khi tu tập, nếu thấy có ai tranh cãi, vị ấy liền nghĩ: “Các Hiền sĩ không tu tập quán chiếu về vô thường, không truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô thường nên mới dẫn đến sự tranh cãi như vậy. Khi đã tranh cãi thì không thể quán sát được nghĩa lý này, đã không quán sát được nghĩa lý này thì tâm bị mê hoặc, rồi bám víu vào sự ngu si mê muội này, sau khi qua đời sẽ đọa vào ba đường ác là ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục.”
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên tu tập quán chiếu về vô thường, truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô thường thì sẽ không còn sân hận, ngu si mê mờ, có khả năng quán sát các pháp, quán sát được nghĩa lý các pháp. Nếu tu tập được như vậy, sau khi qua đời sẽ sanh vào ba đường lành là sanh trong cõi trời, sanh trong loài người và đạt đến Niết-bàn.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ bên bờ sông Ưu-ca-chi,5 thuộc nước Ma-kiệt.
Bấy giờ, Thế Tôn đến bên một cội cây, tự trải tòa ngồi, thân ngay thẳng, tâm định tĩnh, buộc niệm trước mặt.
Lúc đó, có một Phạm chí đang đến nơi ấy. Khi thấy dấu chân của đức Thế Tôn thật là kỳ diệu, Phạm chí liền nghĩ: “Dấu chân này của hạng người nào? Là của trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, loài người hay loài chẳng phải người? Hay là thủy tổ Phạm thiên của ta chăng?”
Thế rồi, Phạm chí lần theo dấu chân tiến về phía trước. Từ xa, thấy đức Thế Tôn ngồi bên một cội cây, thân ngay thẳng, tâm định tĩnh, buộc niệm trước mặt, Phạm chí liền hỏi:
– Ngài có phải là thiên thần không? Thế Tôn đáp:
– Ta không phải là thiên thần.
– Là càn-thát-bà chăng?6
– Ta không phải là càn-thát-bà.
– Là rồng chăng?
– Ta chẳng phải là rồng.
– Là dạ-xoa chăng?
– Ta chẳng phải là dạ-xoa.
– Là thủy tổ [Phạm thiên] chăng?
– Ta chẳng phải là thủy tổ [Phạm thiên].
[0718a01] Lúc ấy, Phạm chí hỏi Thế Tôn:
– Vậy Ngài là ai?
Thế Tôn bảo:
– Người có ái thì có thủ,7 có thủ thì có ái, do nhân duyên hội tụ rồi cùng sanh ra đủ chủng loại về sau. Như thế, năm thủ uẩn8 không bao giờ gián đoạn hay chấm dứt. Ðã biết rõ về ái thì biết năm dục, cũng biết sáu trần bên ngoài, sáu căn bên trong, tức biết rõ gốc ngọn của thủ uẩn này.
Lúc ấy, Thế Tôn liền nói kệ này:
Thế gian có năm dục,
Nuôi dưỡng ý thứ sáu,
Biết sáu thứ trong ngoài,
Phải nghĩ đoạn dứt khổ.
Thế nên, hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ sáu căn bên trong và sáu trần bên ngoài.
Thật vậy, Phạm chí! Hãy học tập điều này.
Lúc ấy, nghe lời Phật dạy như thế, Phạm chí liền chuyên tâm luyện tập, lòng không buông bỏ, ngay tại chỗ ngồi dứt sạch trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, Phạm chí nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, lúc Ta còn là Bồ-tát, chưa thành tựu quả vị Phật, Ta khởi niệm như vầy: “Thế gian này thật là khổ đau, có sanh, có già, có bệnh, có chết, nhưng không thể đoạn trừ tận gốc rễ của năm thủ uẩn này.” Và rồi, Ta lại nghĩ: “Do nhân duyên nào mà có sanh, có già, có bệnh, có chết? Lại do nhân duyên nào đưa đến tai họa này?” Lúc Ta đang tư duy như thế, ý niệm này lại phát sanh: “Có sanh ắt có già, có bệnh, có chết.” Lúc đang tư duy về điều này, ý niệm này lại phát sanh: “Do nhân duyên nào có sanh? Sanh do hữu mà có.” Rồi ý niệm này lại phát sanh: “Hữu do đâu mà có?” Trong lúc Ta tư duy như vậy, ý niệm này lại phát sanh: “Hữu do thủ mà có.” Lại nghĩ: “Thủ này do đâu mà có?” Bấy giờ, Ta dùng trí quán sát: “Do ái mà có thủ.” Lại suy nghĩ thêm: “Ái này do đâu mà sanh?” Ta quán sát lần nữa: “Do thọ10 mà có ái.” Lại suy nghĩ thêm: “Thọ này do đâu mà sanh?” Lúc ấy, Ta quán sát như vầy: “Do xúc11 mà có thọ.” Lại tư duy tiếp: “Xúc này do đâu mà có?” Ta liền khởi niệm: “Do sáu nhập mà có xúc này.” Rồi Ta lại tư duy: “Sáu nhập này do đâu mà có?” Lúc quán sát như vậy, Ta biết: “Do danh sắc mà có sáu nhập.” Rồi Ta lại nghĩ rằng: “Danh sắc do đâu mà có?” Ta quán sát thì biết: “Do thức mà có danh sắc.” Ta lại nghĩ rằng: “Thức này do đâu mà có?” Ta quán sát thì biết: “Do hành sanh thức.” Rồi Ta lại nghĩ: “Hành do đâu mà sanh?” Ta quán sát thì biết: “Hành do vô minh12 sanh.” Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu nhập, sáu nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên sầu, ưu, khổ, não, nhiều không tính kể. Như thế gọi là sự tập khởi của một khối khổ đau.
[0718b07] Bấy giờ, Ta lại nghĩ: “Do nhân duyên nào mà diệt được sanh, già, bệnh, chết?”
Thế rồi Ta quán sát: “Sanh diệt thì già diệt, bệnh diệt, chết diệt.” Rồi Ta nghĩ: “Do đâu mà không có sanh?” Ta quán sát nguồn gốc của sanh thì thấy: “Do hữu diệt thì sanh sẽ diệt.” Lại nghĩ: “Do đâu mà không có hữu?” Ta quán sát thì thấy: “Do thủ diệt thì hữu sẽ diệt.” Rồi Ta lại nghĩ: “Do đâu mà thủ diệt?” Ta quán sát thì thấy: “Do ái diệt thì thủ diệt.” Ta lại nghĩ như vầy: “Do đâu mà ái diệt?” Ta quán sát thêm nữa: “Thọ diệt thì ái diệt.” Lại tư duy: “Do đâu mà thọ diệt?” Quán sát thì thấy: “Xúc diệt thì thọ diệt.” Lại tư duy: “Xúc do đâu mà diệt?” Quán sát thì thấy: “Sáu nhập diệt thì xúc diệt.” Lại tư duy: “Do đâu mà sáu nhập này diệt?” Lúc ấy, Ta quán sát thấy: “Danh sắc diệt thì sáu nhập diệt.” Ta lại quán: “Danh sắc do đâu mà diệt?” Quán sát nên biết: “Thức diệt thì danh sắc diệt.” Ta lại quán sát: “Thức này do đâu mà diệt?” Quán sát thì biết: “Hành diệt thì thức diệt.” Lại tư duy: “Hành này do đâu mà diệt?” Quán sát thì biết: “Vô minh diệt thì hành diệt.” Hành diệt thì thức diệt. Thức diệt thì danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì sáu nhập diệt. Sáu nhập diệt thì xúc diệt. Xúc diệt thì thọ diệt. Thọ diệt thì ái diệt. Ái diệt thì thủ diệt. Thủ diệt thì hữu diệt. Hữu diệt thì sanh diệt. Sanh diệt thì già, bệnh diệt. Già, bệnh diệt thì chết diệt. Ðó gọi là năm thủ uẩn diệt.
Rồi Ta lại nghĩ như vầy: “Thức này là nguồn gốc tiên quyết đưa chúng sanh đến sanh, già, bệnh, chết; nhưng chúng sanh chẳng thể biết nguồn gốc của sanh, già, bệnh, chết này.” Ví như có người men theo con đường mòn nhỏ đi vào rừng núi, từ từ tiến lên phía trước, liền thấy một con đường lớn mà ngày xưa mọi người qua lại nơi đây. Bấy giờ, người ấy liền men theo con đường này, đi thêm một quãng thì thấy thành quách, vườn cảnh, ao tắm cổ xưa vẫn còn tốt đẹp, nguyên vẹn, tuy nhiên trong thành kia không có dân cư. Thấy vậy, người đó liền quay trở về nước, tâu vua rằng: “Hôm qua, thần dạo chốn núi rừng thấy có thành quách đẹp đẽ, cây cối sum suê, nhưng trong thành đó không có dân chúng. Tâu Đại vương! Đại vương nên cho dân chúng vào thành đó ở.” Bấy giờ, sau khi nghe như vậy, nhà vua liền cho dân chúng đến ở và thành quách này trở nên đông đúc dân cư như xưa, an lạc hiếm có không đâu sánh bằng.
[0718c05] Các Tỳ-kheo nên biết! Thuở xưa, lúc Ta chưa thành Bồ-tát, học đạo ở trong rừng núi, thấy chốn hành hóa của chư Phật thời xưa, liền theo con đường ấy mà biết được nguồn gốc sanh khởi của sanh, già, bệnh, chết; có sanh, có diệt thảy đều phân biệt rõ ràng. Biết rõ khổ của sanh, sự tập khởi của sanh, sự đoạn diệt của sanh và con đường đoạn diệt sanh,13 thảy đều thông đạt. Hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập, danh sắc, thức, hành, vô minh cũng lại như thế. Vô minh khởi thì hành khởi. Hành tạo tác là do thức. Nay Ta đã biết tường tận về thức nên giảng nói điều căn bản này cho bốn bộ chúng để cho tất cả đều biết nơi phát sanh nguồn gốc này: Biết khổ, biết tập, biết diệt, biết đạo, được nhận hiểu rõ ràng. Ðã biết sáu nhập thì biết sanh, già, bệnh, chết. Sáu nhập diệt thì sanh, già, bệnh, chết diệt.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện diệt trừ sáu nhập. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số trăm ngàn vạn chúng. Lúc ấy, Tôn giả A-na-luật đang ngồi ngủ gục giữa đại chúng. Thấy A-na-luật ngủ gục, đức Phật liền nói kệ này:
Nghe pháp ưa ngủ gục,
Nhưng tâm hằng định yên,
Pháp Thánh hiền tuyên thuyết,
Khiến người trí tịnh an.
Như nước ở vực sâu,
Lắng trong không bẩn cáu,
Cũng thế, nghe pháp mầu,
Khiến tâm tịnh, an lạc.
Như tảng đá lớn nặng,
Gió không thể chuyển lay,
Với người tâm an định,
Khen, chê chẳng lung lay.
Thế rồi, Thế Tôn bảo Tôn giả A-na-luật:
– Có phải thầy sợ pháp luật của vua chúa hay sợ giặc cướp mà hành đạo chăng? A-na-luật đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Phật hỏi A-na-luật:
– Vì nguyên do nào mà thầy xuất gia học đạo?
[0719a01] A-na-luật bạch Phật:
– Bởi con chán ngán sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não, vì bị khổ bức bách nên muốn từ bỏ. Vì thế, con xuất gia học đạo.
Thế Tôn bảo:
– Này người thiện nam!15 Thầy đã có lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo.
Hôm nay, Thế Tôn đang thuyết pháp, tại sao thầy lại ngồi ngủ gục?
Tôn giả A-na-luật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bày áo vai bên phải, quỳ gối chắp tay thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Từ nay về sau, cho dù có tan thân mất mạng, con quyết không bao giờ ngủ gục trước Như Lai.
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật thức suốt đến sáng, không hề chợp mắt, nhưng không thể thoát khỏi cơn buồn ngủ mà mắt thầy ấy lại bị tổn thương. Khi ấy, Thế Tôn bảo A-na-luật:
– Thầy đã chuyên cần mà lại thêm tinh tấn thì sẽ tương ưng với trạo cử, nếu như biếng nhác thì sẽ khế hợp với các kiết sử. Thầy nên thực hành đúng mực.
– Trước đây, con đã phát lời nguyện trước Như Lai, nay con không thể làm trái lời nguyện của mình được.
Thế rồi, Thế Tôn bảo Kỳ-bà:16
– Ông hãy chữa trị mắt cho A-na-luật! Kỳ-bà thưa:
– Nếu Tôn giả A-na-luật chịu ngủ một chút, con mới chữa lành mắt được. Thế Tôn bảo A-na-luật:
– Thầy nên ngủ nghỉ. Vì sao như thế? Vì tất cả các pháp đều nhờ thức ăn mà tồn tại, không ăn thì không thể tồn tại. Con mắt lấy giấc ngủ làm thức ăn, tai lấy âm thanh làm thức ăn, mũi lấy hương làm thức ăn, lưỡi lấy mùi vị làm thức ăn, thân lấy xúc chạm làm thức ăn, ý lấy pháp làm thức ăn. Ta cũng khẳng định rằng Niết-bàn cũng có thức ăn.
A-na-luật bạch Phật:
– Niết-bàn lấy những gì làm thức ăn? Phật bảo A-na-luật:
– Niết-bàn lấy không buông lung làm thức ăn, nương vào không buông lung đạt đến Niết-bàn.17
A-na-luật bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Tuy rằng giấc ngủ là thức ăn của mắt, nhưng con chẳng thiết ngủ nghỉ.
Bấy giờ, A-na-luật vá lại y phục cũ. Khi ấy, mặc dù mắt đã bị hư tổn nhưng Tôn giả đã đắc thiên nhãn, không còn chút cấu nhiễm. A-na-luật dùng cách vá y như những người thường nên không thể xâu chỉ qua lỗ kim. Thế rồi, A-na-luật liền nghĩ: “Xin các bậc A-la-hán đắc đạo trong thế gian, hãy xâu kim giúp tôi!”
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ thanh tịnh, Thế Tôn nghe được âm thanh: “Xin các bậc A-la-hán đắc đạo trong thế gian, hãy xâu kim giúp tôi!” Thế Tôn liền đến chỗ A-na-luật rồi bảo:
– Thầy đưa kim đây, Như Lai xâu cho!
[0719b01] A-na-luật bạch Phật:
– Vừa rồi con có nguyện rằng: “Những ai ở thế gian muốn cầu phước này, hãy xâu kim cho con.”
Thế Tôn bảo:
– Người cầu phước ở thế gian không ai hơn Ta. Với sáu pháp, Như Lai không bao giờ nhàm chán. Là sáu pháp nào? Một là, bố thí. Hai là, dạy dỗ. Ba là, nhẫn nhục. Bốn là, nói pháp, giảng nghĩa. Năm là, cứu giúp chúng sanh. Sáu là, cầu đạo Vô thượng Chánh chân. Này A-na-luật! Ðó là sáu điều Như Lai không hề nhàm chán.
A-na-luật thưa:
– Thân của Như Lai là Pháp thân chân thật thì còn mong cầu pháp nào nữa? Như Lai đã qua khỏi biển sanh tử, thoát khỏi ái nhiễm tham đắm, nhưng nay đối với việc làm phước, vì sao Ngài vẫn đặc biệt chú trọng?
Thế Tôn bảo:
– Ðúng thế, A-na-luật. Ðúng như lời thầy nói. Như Lai cũng biết sáu pháp này, không bao giờ nhàm chán. Nếu chúng sanh biết nguồn gốc của tội ác đều do thân, miệng và ý tạo ra thì vĩnh viễn không đọa trong ba đường ác. Vì chúng sanh kia không biết nguồn gốc tội ác nên mới bị đọa trong ba đường ác.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Mọi sức mạnh thế gian,
Đến cả trời, người tạo,
Sức mạnh phước đứng đầu,
Nhờ phước thành Phật đạo.
Thế nên, này A-na-luật! Nên tìm cầu phương tiện để thành tựu sáu pháp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo vào thành Xá-vệ khất thực, nghe bên ngoài cổng cung Vua Ba-tư-nặc có đám đông dân chúng khua tay, kêu la oán trách: “Trong nước có tên giặc Ương-quật-ma-la19 cực kỳ hung ác, giết người như rạ, không chút lòng từ thương xót chúng sanh. Dân chúng trong nước đều căm phẫn. Mỗi ngày, hắn đều bắt người rồi giết hại, lấy ngón tay xâu lại làm vòng hoa, gọi là ‘Vòng hoa ngón tay.’ Cúi mong Đại vương hãy đến tiêu diệt hắn!”
Khất thực xong, các Tỳ-kheo trở về tinh xá Kỳ Hoàn, thu dọn y bát, xếp tọa cụ20 lên vai, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, những Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Số đông Tỳ-kheo chúng con vào thành Xá-vệ khất thực, thấy dân chúng ở trước cổng cung vua kêu than, oán trách: “Nay nước nhà có tên giặc Ương- quật-ma-la là người hung ác, bạo tàn, không có lòng từ, giết bất cứ ai hắn gặp, dân chúng chết chóc, đất nước điêu đứng đều do kẻ này, vì hắn lấy ngón tay người làm vòng hoa.”
[0719c05] Bấy giờ, nghe Tỳ-kheo kia nói xong, đức Thế Tôn liền từ tòa đứng dậy, yên lặng rời đi.
Khi ấy, Thế Tôn tìm đến chỗ tên giặc kia. Những người lượm củi, gánh cỏ hoặc những người chăn trâu, chăn dê thấy Thế Tôn đi đến đoạn đường đó, liền can Phật rằng:
– Sa-môn! Sa-môn! Chớ đi vào đường đó! Vì sao như vậy? Vì bên vệ đường đó có tên giặc Ương-quật-ma-la ẩn núp. Những ai muốn đi con đường này, dù phải đi thành từng nhóm mười người, hoặc hai mươi người, hoặc ba mươi, bốn mươi, năm mươi người mà còn không thể vượt qua, đều bị Ương-quật-ma-la bắt hết. Sa-môn Cù-đàm lại đi một mình không có bạn, sẽ bị Ương-quật-ma-la làm hại, việc này không thể không dè chừng!
Dù được dân chúng can ngăn như vậy, nhưng Thế Tôn không dừng lại mà vẫn đi tiếp.
Bấy giờ, mẹ của Ương-quật-ma-la mang thức ăn đến cho ông ta. Lúc ấy, Ương-quật-ma-la nghĩ: “Vòng ngón tay của ta không biết đã đủ chưa?” Thế rồi, ông ta liền đếm ngón tay, thấy chưa đủ số. Ông ta đếm lại một lần nữa, thấy chỉ thiếu một ngón. Ương-quật-ma-la liền nhìn xung quanh tìm người muốn bắt giết để lấy ngón tay, nhưng nhìn bốn phía cũng chẳng thấy ai, liền nghĩ: “Thầy ta có dạy: ‘Những ai có thể làm hại mẹ mình, sẽ được sanh lên cõi trời.’ Bây giờ, mẹ ta tự đến đây, ta nên bắt giết, gom đủ số ngón tay thì chắc chắn sẽ sanh lên cõi trời.”
Thế rồi, Ương-quật-ma-la dùng tay trái giữ đầu của mẹ, tay phải rút kiếm, nói rằng:
– Mẹ ơi, hãy dừng lại một lát!
Khi ấy, Thế Tôn liền nghĩ: “Ương-quật-ma-la này sẽ phạm năm tội cực ác.”21 Lập tức, Ngài liền phóng hào quang giữa chặng mày chiếu sáng khắp cả núi rừng kia. Thấy ánh sáng, Ương-quật-ma-la liền hỏi mẹ:
– Ánh sáng gì chiếu khắp rừng núi này? Có phải nhà vua tập hợp binh lính để vây đánh ta chăng?
Người mẹ bảo:
– Con nên biết! Ánh sáng này không phải là ánh lửa của mặt trời hay mặt trăng, cũng không phải là ánh sáng của Đế-thích hay Phạm thiên vương.
Bấy giờ, người mẹ liền nói kệ này:
Ánh sáng này không phải
Của Thích, Phạm, trời, trăng,
Chim muông chẳng kinh hãi,
Hót vang hơn ngày thường.
Ánh sáng cực thanh tịnh,
Khiến người rất hân hoan,
Ắt hẳn đấng Chánh Giác,
Mười Lực đến vì mình.
Trong cõi trời, loài người,
Dùng thiên nhãn quán sát,
Vì muốn con độ thoát,
Nên Phật đã đến đây.
[0720a06] Khi vừa nghe đến tiếng Phật, Ương-quật-ma-la thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng liền nói:
– Thầy ta cũng đã từng dạy: “Nếu ngươi giết được mẹ và giết cả Sa-môn Cù-đàm, nhất định sẽ được sanh lên cõi trời.”
Ương-quật-ma-la bảo mẹ:
– Mẹ cứ để cơm ở đó. Con giết Sa-môn Cù-đàm trước đã, rồi sẽ ăn sau. Nói rồi, Ương-quật-ma-la buông mẹ ra, đuổi theo Thế Tôn. Từ xa, thấy Thế
Tôn đi đến như khối vàng tỏa sáng khắp nơi, Ương-quật-ma-la liền mỉm cười
rồi nói:
– Hôm nay, Sa-môn Cù-đàm rơi vào tay ta, nhất định sẽ chết không nghi ngờ gì nữa. Dân chúng muốn đi đường này đều phải tập hợp thành nhóm, còn Sa-môn Cù-đàm chỉ đi một mình, không có bạn bè, nay ta sẽ bắt giết.
Khi ấy, Ương-quật-ma-la liền rút kiếm chạy đến đón đường Thế Tôn. Đức Thế Tôn liền quay trở lại, thong thả bước đi. Ương-quật-ma-la cố sức đuổi theo Như Lai, nhưng không tài nào đuổi kịp. Ông ta giục Thế Tôn:
– Dừng lại, Sa-môn hãy dừng lại! Thế Tôn bảo:
– Như Lai đã dừng lâu rồi, còn ông mới chưa dừng lại! Ương-quật-ma-la vừa chạy vừa nói kệ này:
Ðang đi, bảo đã dừng,
Cho rằng tôi không dừng,
Hãy giúp tôi hiểu nghĩa,
Ngài dừng, tôi chẳng dừng?
Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ đáp:
Ta bảo Ta đã dừng,
Vì không hại ai cả,
Ông đang tâm sát hại,
Nguồn ác chẳng thoát ra.
Ta trụ đất tâm từ,
Thương giúp khắp tất cả,
Ông gieo khổ địa ngục,
Nguồn ác chẳng thoát ra.
Nghe bài kệ xong, Ương-quật-ma-la liền nghĩ: “Ta đã làm ác thật sao? Thầy ta bảo rằng: ‘Ðây là tế đàn lớn, được quả báo lớn. Nếu ai có thể giết ngàn người, lấy ngón tay làm vòng hoa thì sẽ đạt kết quả như mong muốn. Ai làm được như thế, sau khi qua đời, sẽ được sanh vào cõi lành, cõi trời.’ Nếu ai giết mẹ và Sa- môn Cù-đàm sẽ được sanh lên cõi Phạm thiên.”
Khi ấy, Phật dùng oai thần khiến thần trí22 ông ta bừng tỉnh. Ương-quật-ma- la liền nghĩ: “Các sách vở Phạm chí cũng dạy như vầy: ‘Như Lai ra đời rất hiếm gặp, hơn cả ức kiếp mới xuất hiện. Lúc Ngài xuất hiện ở đời, người chưa độ sẽ được độ, người chưa giải thoát sẽ được giải thoát. Pháp của Ngài giảng thuyết để diệt trừ sáu kiến chấp. Là những kiến chấp nào? Một là, với người chấp ngã kiến, Ngài liền thuyết pháp diệt trừ ngã kiến.23 Hai là, với người chấp không có ngã kiến, Ngài liền thuyết pháp diệt trừ không có ngã kiến. Ba là, với người chấp vừa có ngã kiến vừa không có ngã kiến, Ngài liền thuyết pháp diệt trừ vừa có ngã kiến vừa không có ngã kiến. Bốn là, Ngài tự mình quán sát, thuyết pháp dùng để quán sát. Năm là, tự thuyết pháp vô ngã. Sáu là, thuyết những pháp chẳng phải do Ta giảng nói, cũng chẳng phải do Ta không giảng nói.’ Nếu Như Lai xuất hiện ở đời, Ngài sẽ thuyết pháp để diệt trừ sáu kiến chấp này. Hơn nữa, lúc ta chạy có thể đuổi kịp voi, ngựa, xe cộ và hết thảy loài người, nhưng Sa- môn này đi rất thư thả, vậy mà ta chẳng theo kịp. Chắc chắn đây là Như Lai.”
[0720b15] Lúc ấy, Ương-quật-ma-la liền nói kệ này:
Vì con, Ngài đã thuyết,
Nghĩa kệ rất nhiệm mầu,
Kẻ ác thấy lẽ chân,
Đều nhờ uy thần Phật.
Con ném ngay kiếm bén
Vào tận trong hầm sâu,
Kính lễ sát chân Phật,
Mong được làm Sa-môn.
Ương-quật-ma-la liền đến trước bạch Phật:
– Bạch đức Thế Tôn! Cúi mong Ngài cho con được làm Sa-môn. Thế Tôn bảo:
– Lành thay, Tỳ-kheo!
Ương-quật-ma-la lập tức trở thành Sa-môn, mặc ba pháp y. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Tóc ông cạo thế nào,
Trừ kiết cũng thế đó,
Dứt não phiền, thấy đạo,
Sẽ hết khổ, buồn, lo.
Khi ấy, Ương-quật-ma-la nghe xong, lập tức sạch hết các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Bấy giờ, Thế Tôn dẫn Tỳ-kheo Ương-quật-ma-la trở về tinh xá Kỳ Hoàn trong thành Xá-vệ.
Vua Ba-tư-nặc đang tập hợp bốn bộ binh chủng, muốn đến dẹp trừ sát nhân Ương-quật-ma-la. Khi ấy, nhà vua nghĩ: “Ta nên đến trình bày nhân duyên này với Thế Tôn. Nếu Thế Tôn dạy làm như thế nào, ta sẽ vâng theo.” Thế rồi, Vua Ba-tư-nặc liền tập hợp bốn bộ binh chủng và đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Thế Tôn hỏi vua:
– Hôm nay, Đại vương định đi đâu mà bụi bặm đầy mình như thế?
[0720c04] Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
– Hiện nay trong nước con có tên giặc Ương-quật-ma-la vô cùng hung ác, không có lòng từ đối với tất cả chúng sanh, khiến đất nước điêu đứng, dân tình tứ tán, đều do tên giặc này. Kẻ đó giết người rồi lấy ngón tay làm vòng hoa. Ðây là ác quỷ chứ chẳng phải là người. Nay con muốn giết chết hắn.
Thế Tôn bảo:
– Nếu bây giờ Đại vương thấy Ương-quật-ma-la có lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo thì nhà vua sẽ làm gì?
Vua thưa:
– Còn biết làm sao nữa! Con sẽ phụng sự cúng dường, tùy thời lễ bái, nhưng thưa Thế Tôn! Ương-quật-ma-la là kẻ ác, không có một mảy may thiện lành, luôn giết hại thì làm sao có thể phát tâm xuất gia học đạo được? Việc này hoàn toàn không thể có được!
Khi ấy, Ương-quật-ma-la đang ngồi kiết-già cách Thế Tôn chẳng xa, thân đoan chánh, tâm định tĩnh, buộc niệm trước mặt. Bấy giờ, Thế Tôn đưa tay phải chỉ cho nhà vua rồi bảo:
– Người này là Ương-quật-ma-la.
Nhà vua nghe xong liền kinh hãi, toàn thân sởn gai ốc. Thế Tôn bảo:
– Đừng nên kinh sợ, hãy đến trước vị ấy, rồi nhà vua sẽ hiểu ý.
Vua nghe Phật nói như thế, liền đến trước Ương-quật-ma-la rồi hỏi:
– Ngài họ gì vậy? Ương-quật-ma-la đáp:
– Tôi họ Già-già, tên mẹ là Mãn-túc.
Nhà vua cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Thế rồi, nhà vua thưa:
– Thầy hãy an trú trong Chánh pháp này, chớ có biếng nhác, tu tập Phạm hạnh thanh tịnh, sẽ dứt trừ hết nguồn gốc khổ đau. Tôi sẽ trọn đời cúng dường y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men chữa bệnh.
Ương-quật-ma-la im lặng không đáp. Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi trở lại chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, nhà vua bạch Phật:
– Người không quy hàng khiến phải quy hàng, người không khuất phục khiến phải khuất phục. Thật là kỳ diệu! Thật là hiếm có! Ngài có thể hàng phục những kẻ cực ác. Ngưỡng nguyện Thế Tôn thọ mạng vô cùng để nuôi dưỡng chúng sanh. Nhờ ân đức của Thế Tôn mà chúng con thoát khỏi hoạn nạn này. Việc nước quá bề bộn, nay con muốn trở về thành.
Thế Tôn bảo:
– Đại vương, nay đã đúng lúc!
Lúc ấy, nhà vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân rồi ra về.
[0721a01] Bấy giờ, Ương-quật-ma-la tu hạnh tịch tĩnh, đắp y phấn tảo, đến giờ ôm bát đến từng nhà khất thực, đi giáp vòng rồi trở lại từ đầu, đắp y rách vá rất thô xấu, ngồi nơi trống trải, không gì che thân. Tôn giả Ương-quật-ma-la luôn ở nơi vắng vẻ, tự tu Phạm hạnh. Mục đích của người thiện nam xuất gia học đạo là muốn tu Phạm hạnh vô thượng để biết một cách như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Thế rồi, Ương-quật-ma-la chứng đắc A-la-hán, Sáu thông thanh tịnh trong sáng, không chút bụi nhơ, vì đã thành tựu A-la-hán.
Lúc ấy, đến giờ Tôn giả đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khi đó có một sản phụ đang lâm bồn vô cùng nguy nan. Thấy vậy, Tôn giả nghĩ: “Các loài chúng sanh phải chịu sự đau khổ cùng cực của sự thọ thai, thật không tả xiết.”
Thế rồi, sau khi thọ trai, Ương-quật-ma-la liền thu dọn y bát, xếp tọa cụ lên vai đến trước Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, Ương- quật-ma-la bạch Phật:
– Con vừa đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, thấy một sản phụ đang lâm bồn thật nguy nan. Khi ấy con nghĩ rằng: “Do đâu chúng sanh phải chịu khổ não đến nông nỗi này?”
Thế Tôn bảo:
– Thầy hãy đến chỗ sản phụ và nói: “Từ khi được sanh ra trong pháp Hiền thánh đến nay, tôi chưa từng sát sanh.” Hãy nói lời chân thật này khiến sản phụ kia lâm bồn yên ổn.
Ương-quật-ma-la thưa:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
Thế rồi, ngay hôm ấy, Ương-quật-ma-la liền đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ, đến nhà sản phụ kia rồi bảo:
– Từ khi được sanh ra trong pháp Hiền thánh đến nay, tôi chưa từng sát sanh. Với lời nói chân thật như vầy, nguyện cho thai nhi được sanh ra dễ dàng.
Khi ấy, sản phụ kia liền lâm bồn.
Bấy giờ, Ương-quật-ma-la đi khất thực trong thành, ai ai trông thấy cũng đều bảo nhau:
– Ông này là Ương-quật-ma-la, đã giết hại chúng sanh nhiều không thể tính kể, nay lại vào thành khất thực.
Thế rồi, dân chúng trong thành liền lấy ngói, đá ném vào thầy ấy. Có người lấy dao chém khiến thầy ấy bị thương tích khắp đầu mặt, y phục rách nát, máu tươm khắp thân. Bấy giờ, Tôn giả liền ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn.
Từ xa, nhìn thấy Ương-quật-ma-la đầu mặt đầy thương tích, máu tươm thấm y đang đi đến, Thế Tôn liền bảo:
– Thầy nên kham nhẫn. Vì sao như thế? Vì những tội lỗi thầy đã gây ra nên phải chịu khổ đau lâu dài.
Khi ấy, Ương-quật-ma-la đến trước Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên, rồi nói kệ này:
Nghe pháp luôn chăm chú,
Pháp Phật gắng hành trì,
Bạn tốt cố thân gần,
Liền đến nơi diệt tận.
Con vốn là giặc ác,
Tên Ương-quật-ma-la,
Bị trôi theo dòng tà,
Nhờ Thế Tôn cứu vớt.
Đã thấy nghiệp quả mình,
Thấy gốc pháp chân thật,
Đã chứng đắc Tam minh,
Thành tựu hạnh nghiệp Phật.
Con vốn tên Vô Hại,
Lại hại nhiều vô ngần,
Nay tên Chân Ðế Thật,
Không làm hại một ai.
Giả như thân, miệng, ý,
Ðều không có tâm hại,
Đã gọi “Không Sát Hại”,
Tưởng hại làm sao sanh?
Bậc trí điều thân này,
Như thợ cung nắn góc,
Thợ mộc đẽo gỗ, cây,
Trị thủy dẫn nước đầy.
Dẫu bị roi, gậy vụt,
Bị xúc xiểm, vu oan,
Đánh trả con chẳng màng,
Nay con tự hàng phục.
Trước là người làm ác,
Về sau không tái phạm,
Sẽ thắp sáng thế gian,
Như mây tan, trăng hiện.
Trước là người làm ác,
Về sau không tái phạm,
Sẽ thắp sáng thế gian,
Mây tan, mặt trời hiện.
Tỳ-kheo già hay trẻ,
Nương pháp Phật tu hành,
Sẽ thắp sáng thế gian,
Như trăng lên, mây tán.
Tỳ-kheo già hay trẻ,
Nương pháp Phật tu hành,
Sẽ thắp sáng thế gian,
Mặt trời lên, mây tán.
Nay con chịu đau ít,
Biết đủ với uống, ăn,
Mọi khổ đau thoát hẳn,
Duyên xưa đã đoạn trừ.
Hết theo chân thần chết,
Cũng chẳng thiết ở đời,
Nay chỉ đợi đúng thời,
Hân hoan không tán loạn.
Lúc ấy, Như Lai ấn khả lời thưa của Ương-quật-ma-la.
Thấy Như Lai hứa khả rồi, Ương-quật-ma-la liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân Thế Tôn rồi lui ra.
[0721c03] Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Ương-quật-ma-la vốn tạo công đức gì mà nay được trí tuệ sáng suốt, diện mạo đoan chánh, hiếm có ở đời? Đã tạo nghiệp ác gì mà đời này sát hại chúng sanh nhiều vô kể? Đã tạo công đức nào mà nay được gặp Thế Tôn, được đắc quả A-la-hán?
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, vào thời quá khứ lâu xa, trong thời Hiền kiếp có đức Phật hiệu Ca-diếp Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời. Sau khi đức Như Lai Ca-diếp nhập diệt, có Vua Ðại Quả thống lãnh cõi nước ở Diêm-phù- đề. Vua có đến tám vạn bốn ngàn cung phi thể nữ, nhưng vẫn không có con. Bấy giờ, Vua Ðại Quả khẩn cầu hết thảy các thần cây, thần núi, thần mặt trời, mặt trăng và các vì sao, mong có con cái. Thế rồi, đệ nhất phu nhân mang thai, trải qua tám, chín tháng sau, sanh được một bé trai, dung mạo đoan chánh, hiếm có ở đời. Nhà vua liền nghĩ: “Ta vốn không có con, trải qua thời gian lâu mới sanh được nên phải đặt tên để con ta an hưởng trong năm dục.”
Khi ấy, nhà vua cho mời những quần thần biết xem tướng đến rồi bảo: “Ta đã hạ sanh thái tử, nay nhờ các khanh đặt tên!”
Quần thần nghe lệnh vua, liền tâu:
“Thái tử thật là kỳ diệu, đoan chánh không ai bì, mặt như màu hoa đào, chắc chắn sẽ có thế lực lớn. Ta hãy đặt tên cho thái tử là Ðại Lực.”
Đặt tên cho thái tử xong, các thầy tướng đứng dậy đi ra.
Quốc vương rất mực yêu chiều thái tử, chưa hề rời mắt. Lúc vừa tám tuổi, thái tử dẫn theo các hầu cận đến chỗ phụ vương, chào hỏi viếng thăm. Vua cha liền nghĩ: “Thái tử thật là đặc biệt, hiếm thấy”, rồi bảo rằng:
“Ta muốn cưới vợ cho con có được không?” Thái tử tâu vua:
“Con còn thơ ấu, cưới vợ làm gì!”
Vua cha liền tạm hoãn không cưới vợ cho thái tử. Ðến lúc thái tử hai mươi tuổi, vua lại bảo rằng:
“Ta muốn cưới vợ cho con.” Thái tử tâu:
“Con không cần lấy vợ.”
Nhà vua truyền lệnh cho quần thần và dân chúng:
“Ta vốn không con, trải qua thời gian lâu dài mới sanh được một thái tử.
Nay thái tử không chịu lấy vợ, muốn thanh tịnh không vấy cấu nhiễm.” Bấy giờ, nhà vua đổi tên cho thái tử là Thanh Tịnh.
[0722a02] Khi Thái tử Thanh Tịnh tròn ba mươi tuổi, vua lại ra lệnh cho quần thần:
“Nay ta tuổi cao suy yếu, lại hiếm con cái, chỉ có Thái tử Thanh Tịnh. Nay ngai vàng cao tột của ta phải truyền cho thái tử, nhưng thái tử chẳng màng năm dục, làm sao lo việc nước?”
Quần thần đáp:
“Phải dùng mọi cách để thái tử ưa thích năm dục.”
Khi ấy, nhà vua truyền lệnh gióng trống, khua chiêng, loan báo cho dân chúng trong nước: “Ai có thể khiến cho Thái tử Thanh Tịnh ưa thích năm dục, ta sẽ ban cho ngàn vàng và nhiều châu báu.”
Bấy giờ, có một thiếu nữ tên là Dâm Chủng, thông thạo sáu mươi bốn cách mua vui. Nghe vua truyền lệnh: “Ai có thể khiến thái tử ưa thích năm dục, sẽ được ban cho ngàn vàng và nhiều châu báu”, thiếu nữ ấy liền vào cung, tâu vua:
“Được ban cho ngàn vàng và nhiều châu báu, thần sẽ khiến cho thái tử quen dần với năm dục.”
Vua đáp:
“Quả thật nếu ngươi làm được như vậy thì trẫm trọng thưởng, sẽ không trái lời.”
Kỹ nữ liền hỏi nhà vua:
“Cung điện của thái tử ở nơi nào?” Vua đáp:
“Ở tòa nhà phía Đông, không có nữ giới, có duy nhất một thanh niên hầu cận.” Thiếu nữ tâu:
“Cúi mong Đại vương truyền lệnh khắp nội cung, nếu ai gặp tôi xin đừng cản trở để tôi được tùy ý ra vào.”
Thế rồi, vào canh hai đêm ấy, thiếu nữ đứng bên cửa phòng thái tử, cất tiếng khóc than. Nghe tiếng phụ nữ khóc, thái tử liền gọi người hầu đến hỏi:
“Người nào đang khóc thế?” Hầu cận đáp:
“Có một thiếu nữ đang đứng khóc bên cửa.” Thái tử bảo:
“Ngươi hãy mau đến hỏi xem tại sao lại khóc?” Người hầu liền đến hỏi cô ta vì sao khóc. Kỹ nữ đáp: “Tôi bị chồng bỏ nên mới than khóc.”
Người hầu trở vào tâu thái tử:
“Người phụ nữ này bị chồng bỏ, lại sợ bọn cướp, vì thế mà khóc lóc.”
Thái tử bảo:
“Hãy dẫn cô ta đến chuồng voi.”
Ðến đó, cô ta cũng khóc, lại dẫn đến chuồng ngựa, cô ta cũng tiếp tục khóc.
Thái tử bảo người hầu: “Ðưa cô ta vào đây.”
Người hầu liền dẫn cô ta vào cung. Vào cung của thái tử rồi, cô ta lại đứng khóc than. Thái tử đích thân đến hỏi:
“Tại sao vẫn còn khóc?” Kỹ nữ đáp:
“Thưa Thái tử! Phận nữ nhi yếu đuối cô đơn, vô cùng sợ hãi vì thế tôi khóc.” Thái tử bảo:
“Lên giường của ta đi, có thể cô sẽ hết sợ hãi.”
Thế rồi, thiếu nữ im lặng không nói, thôi không khóc nữa. Rồi cô ta cởi bỏ y phục, nắm tay thái tử để lên ngực mình. Thái tử bỗng thoáng chốc e dè, nhưng rồi dục tưởng dần dần khởi lên. Tâm dục đã khởi, thái tử liền thành thân với cô ta.
[0722b03] Sáng sớm hôm sau, Thái tử Thanh Tịnh đến chỗ phụ vương. Từ xa trông thấy sắc diện của con khác hơn thường ngày, vua cha liền nói:
“Điều con mong muốn, nay thành rồi chăng?” Thái tử đáp:
“Ðúng như lời Phụ vương nói.”
Lúc ấy, vua cha thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, bảo rằng: “Con muốn điều gì, ta sẽ ban cho?”
Thái tử nói:
“Ban cho con rồi không nên hối tiếc thì con sẽ cầu xin.” Nhà vua bảo:
“Ta giữ đúng lời, không hề hối tiếc. Con muốn cầu xin điều gì?” Thái tử tâu:
“Phụ vương! Hiện tại, Phụ vương thống lãnh cõi Diêm-phù-đề, được toàn quyền tự do, tất cả các cô gái chưa xuất giá trong Diêm-phù-đề phải đến thành thân với con trước, sau đó mới được lấy chồng.”
Vua đáp:
“Ta sẽ làm theo lời con.”
Vua liền ra lệnh cho dân chúng trong nước: “Ai có con gái chưa xuất giá, trước tiên phải cho đến ở với Thái tử Thanh Tịnh, sau đó mới được gả chồng.” Bấy giờ, trong thành có một thiếu nữ tên là Tu Man, theo thứ tự phải đến lượt
vào cung. Lúc ấy, con gái trưởng giả tên Tu Man liền khỏa thân, đi chân trần vào
giữa đám đông, không chút hổ thẹn. Mọi người trông thấy liền bảo nhau:
“Cô này là con gái ông trưởng giả nổi tiếng khắp nơi, cớ sao lại khỏa thân đi giữa đám đông, chẳng khác gì con lừa?”
Cô gái bảo mọi người:
“Tôi chẳng phải con lừa, tất cả các người mới chính là con lừa. Mọi người có thấy phụ nữ nào gặp phụ nữ lại xấu hổ không? Hết thảy trong thành này đều là phụ nữ, chỉ có Thái tử Thanh Tịnh là đàn ông! Khi đi đến cửa cung của Thái tử Thanh Tịnh, tôi sẽ mặc y phục.”
Khi ấy, dân chúng trong thành bảo nhau:
“Lời cô ta nói thật là hợp ý tôi. Chúng ta đúng là phụ nữ, chẳng đáng mặt đàn ông. Chỉ có Thái tử Thanh Tịnh mới là đàn ông. Hôm nay, chúng ta sẽ hành động theo cách của đàn ông!”
Thế rồi, dân chúng trong thành chuẩn bị dụng cụ để chiến đấu. Họ mặc áo giáp, cầm gậy gộc vào tận cung vua, tâu rằng:
“Chúng thần muốn cầu xin hai điều, xin Vua chấp thuận!” Vua hỏi:
“Hai điều ấy là gì?” Dân chúng tâu:
“Nếu Đại vương muốn sống, hãy giết Thái tử Thanh Tịnh. Nếu Thái tử muốn sống, hôm nay chúng tôi sẽ giết vua. Chúng tôi không thể phụng sự Thái tử Thanh Tịnh, làm nhục phép nước!”
[0722c01] Khi ấy, nhà vua liền nói kệ này:
Vì nhà, mất một người,
Vì làng, mất một nhà,
Vì nước, mất một làng,
Vì thân, mất thế gian.
Vua nói kệ xong, bảo dân chúng rằng:
“Ngay lúc này đây, tùy ý các ngươi!”
Thế rồi, dân chúng liền bắt Thái tử Thanh Tịnh, trói hai tay dẫn ra ngoài thành rồi bảo nhau:
“Chúng ta cùng lấy ngói, đá ném cho chết. Ðâu cần một người giết?” Lúc sắp chết, Thái tử Thanh Tịnh nói:
“Các ngươi giết ta thật oan uổng, chính vua cha ban ước nguyện ấy cho ta. Hôm nay, ta chịu chết cũng chẳng dám oán than. Mong đời sau ta sẽ báo được thù này, lại khiến ta gặp được bậc Chân nhân La-hán mau được giải thoát.”
Sau khi giết thái tử xong, dân chúng liền giải tán.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy đừng nghĩ Vua Ðại Quả thuở xưa là người nào khác mà chính là thầy của Ương-quật-ma-la hiện nay. Nàng kỹ nữ lúc đó nay chính là người vợ của ông thầy ấy. Dân chúng thuở xưa, chính là tám vạn dân bị giết ngày nay đó. Thái tử Thanh Tịnh là Tỳ-kheo Ương-quật-ma-la hiện nay. Lúc sắp chết ông ấy phát lời nguyền như vậy, nay trở lại báo oán không sót một ai, do nhân duyên này nên ông ta giết hại vô số. Lời nguyện sau cùng, ông ấy muốn được gặp Phật nên hiện tại được giải thoát, chứng đắc A-la-hán. Nguyên do và ý nghĩa của việc này như thế, nên ghi nhớ phụng hành.
Khi ấy, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Trong hàng đệ tử của Ta, người có trí thông minh lanh lợi chính là Tỳ-kheo Ương-quật-ma-la.”
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.25
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm vị đại Tỳ-kheo ngụ tại núi Kỳ-xà quật27 thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nhìn thấy ngọn núi Linh Thứu này chăng? Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Có thấy.
– Các thầy nên biết, thuở quá khứ lâu xa, ngọn núi này có tên khác. Các thầy nhìn thấy ngọn núi Quảng Phổ28 không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Có thấy.
– Các thầy nên biết, thuở quá khứ lâu xa, ngọn núi này lại có tên khác, không giống tên gọi ngày nay. Các thầy thấy ngọn núi Bạch Thiện29 chăng?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Có thấy.
– Thuở quá khứ lâu xa, núi này lại có tên khác, không giống tên gọi ngày nay. Các thầy nhìn thấy ngọn núi Phụ Trọng30 này không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Có thấy.
– Bạch Thế Tôn! Có thấy.
– Ngọn núi này từ thuở quá khứ lâu xa cũng chỉ có một tên, không có tên khác. Vì sao như vậy? Vì núi Tiên Nhân này thường là nơi cư ngụ của hàng Bồ-tát thần thông, bậc La-hán đắc đạo, là chỗ ở của Thần tiên, các bậc Độc giác cũng thường qua lại nơi đây. Hôm nay, Ta sẽ giảng nói về danh hiệu các bậc Độc giác, các thầy hãy lắng nghe, suy nghĩ thật kỹ!
Có các bậc Độc giác hiệu là A-lợi-tra, bậc Độc giác Bà-lợi-tra, bậc Độc giác Thẩm Ðế Trùng, bậc Độc giác Thiện Quán, bậc Độc giác Cứu Cánh, bậc Độc giác Thông Minh, bậc Độc giác Vô Cấu, bậc Độc giác Ðế-xà Niệm Quán, bậc Độc giác Vô Diệt, bậc Độc giác Vô Hình, bậc Độc giác Thắng, bậc Độc giác Tối Thắng, bậc Độc giác Cực Ðại, bậc Độc giác Cực Lôi Ðiện Quang Minh. Này Tỳ-kheo! Khi Như Lai chưa xuất hiện, có năm trăm bậc Độc giác cư ngụ nơi ngọn núi này.
Như Lai ở cung trời Ðâu-suất, lúc muốn giáng sanh, thiên tử Tịnh Cư sẽ đích thân đến đây loan báo: “Khắp cõi thế gian, hãy làm sạch như cõi Phật, hai năm sau, Như Lai sẽ xuất hiện ở đời.”Nghe thiên tử nói xong, các vị Độc giác bay lên hư không, nói kệ này:
Chư Phật chưa xuất hiện,
Hiền thánh ngụ nơi đây,
Bậc Độc giác tự ngộ,
Thường ở trong núi này.
Nên gọi núi Tiên Nhân,
Nơi bậc Độc giác ngụ,
La-hán và Tiên nhân,
Không lúc nào thiếu vắng.
[0723b06] Khi ấy, các bậc Độc giác trụ trong hư không, tự hỏa thiêu và nhập Niết-bàn. Vì sao như thế? Vì thế gian không thể đồng thời tồn tại hai danh hiệu Phật nên các Ngài nhập diệt. Trong một đoàn lái buôn, không thể có hai người dẫn đường. Trong một nước không thể tồn tại hai vua. Trong một cảnh giới Phật, không thể có hai tôn hiệu. Vì sao như thế? Thuở quá khứ lâu xa, trong thành La-duyệt này có nhà vua tên Hỷ Ích. Nhà vua thường nhớ nghĩ đến nỗi thống khổ của địa ngục, cũng nghĩ về sự khổ đau của ngạ quỷ, súc sanh. Lúc ấy, vua nghĩ rằng: “Ta thường nhớ nghĩ đến nỗi thống khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, không nên vào lại ba đường ác này. Ta hãy bỏ hết ngôi vị quốc vương, vợ con, tôi tớ, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo.”
Khi ấy, Đại vương Hỷ Ích nhàm chán sự khổ đau, liền bỏ ngôi vua, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, ở nơi thanh vắng, chế ngự bản thân, quán năm thủ uẩn,32 quán rõ lý vô thường. Nghĩa là đây là sắc, đây là sự tập khởi của sắc, đây là sự diệt tận của sắc. Thọ,33 tưởng, hành, thức cũng như thế, thảy đều vô thường. Lúc đang quán sát năm thủ uẩn này, thấy rằng các pháp có thể tập khởi đều là pháp diệt vong. Quán sát pháp này như thế xong, về sau thành tựu quả vị Độc giác. Khi ấy, bậc Độc giác Hỷ Ích đã thành tựu quả vị Phật, liền nói kệ này:
Ta nhớ khổ địa ngục,
Súc sanh, cả năm đường,
Nay xa lìa, học đạo,
Đi một mình, chẳng lo.
Khi ấy, bậc Độc giác này cư ngụ trong núi Tiên Nhân. Tỳ-kheo nên biết! Nhờ lẽ đó mới biết trong ngọn núi này thường có hàng Bồ-tát thần thông, bậc Chân nhân đắc đạo và người tu tập đạo Tiên thường cư trú, nên mới có tên gọi là núi Tiên Nhân, không có tên nào khác. Lúc Như Lai chưa xuất hiện ở đời, trong ngọn núi Tiên Nhân này, chư thiên thường đến kính ngưỡng. Vì sao như thế? Vì trong núi này toàn là bậc Chân nhân, không lẫn lộn hạng người nào khác. Cho đến khi đức Phật Di-lặc giáng trần thì tên các ngọn núi đều thay đổi, chỉ riêng núi Tiên Nhân này không hề có tên khác. Trong Hiền kiếp này, tên ngọn núi này cũng chẳng khác. Này các Tỳ-kheo! Các thầy nên gần gũi ngọn núi này, phụng sự cung kính thì sẽ được tăng trưởng các công đức.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nên tự mình tu tập bằng cách trú tâm vào một chỗ.35 Thế nào gọi là trú tâm vào một chỗ? Ở đây, này Tỳ-kheo! Khi đi biết mình đi, lúc cử động, tiến dừng, co duỗi, cúi ngước, mặc áo, ngủ nghỉ, thức tỉnh, hoặc nói hoặc im, đều phải tỉnh giác trong những lúc ấy. Tỳ-kheo nào tâm ý chuyên chánh, Tỳ-kheo ấy dục lậu36 chưa sanh liền chẳng sanh, đã sanh liền trừ diệt; hữu lậu37 chưa sanh khiến chẳng sanh, đã sanh liền trừ diệt; vô minh lậu38 chưa sanh khiến chẳng sanh, đã sanh khiến trừ diệt. Nếu trú tâm vào việc phân biệt sáu nhập39 thì không bao giờ bị đọa vào đường ác.
Vì sao gọi sáu nhập là đường ác? Mắt thấy sắc này, hoặc đẹp hoặc xấu, thấy đẹp thì vui thích, thấy xấu thì chán ghét. Tai nghe tiếng hoặc hay hoặc dở, nghe hay thì vui thích, nghe dở thì chán ghét. Mũi, miệng, thân và ý cũng giống như thế. Ví như có sáu loại sinh vật, nghiệp chủng mỗi loài một khác, không hề giống nhau. Nếu có người lấy dây cột những loài cầm thú như chó, cáo, khỉ, cá, rắn và chim vào chung một chỗ rồi thả ra. Sáu con vật ấy, mỗi con một tánh nết riêng, con chó thì muốn chạy vào thôn xóm, con cáo thì muốn chạy ra gò mả, cá thì muốn xuống nước, khỉ thì muốn vào rừng, rắn độc thì muốn bò vào hang, còn chim thì muốn bay lên trời. Sáu loại sinh vật, mỗi con đều có những tánh nết chẳng giống nhau.
Nếu có người đem sáu sinh vật này nhốt chung một chỗ, khiến chúng không thể chạy quanh bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Khi ấy, sáu sinh vật này tuy cũng chuyển động, nhưng không thể rời khỏi chỗ. Sáu căn này40 cũng lại như thế, mỗi loại đều có chủ sở hữu riêng biệt, không hề giống nhau. Đối tượng quán sát cũng sai khác, hoặc tốt hoặc xấu. Lúc ấy, Tỳ-kheo buộc sáu căn này vào một chỗ.
Do vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy tinh chuyên trú tâm vào một chỗ, tâm không tán loạn thì Tệ ma Ba-tuần sẽ không bao giờ có dịp làm hại, sẽ thành tựu trọn vẹn các công đức. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên hộ trì41 nhãn căn cũng như tất cả các căn,42 ở trong đời hiện tại được chứng đắc hai quả vị: Hoặc A-na-hàm, hoặc A-la-hán.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm vị đại Tỳ-kheo ngụ tại vườn Lộc Dã,44 nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nên tư duy, quán chiếu về vô thường, truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô thường. Đã tư duy, quán chiếu về vô thường, truyền bá rộng
rãi cách quán chiếu về vô thường rồi thì sẽ đoạn trừ tham ái cõi dục, đoạn trừ tham ái cõi sắc và đoạn trừ tham ái cõi vô sắc, đoạn trừ hết kiêu mạn, vô minh. Vì sao? Thuở xưa, thời quá khứ lâu xa, có bậc Độc giác hiệu là Thiện Mục, dung mạo đoan chánh, mặt như màu hoa đào, ngắm mãi không chán, miệng thơm hương hoa sen xanh,45 thân thơm hương chiên-đàn.
Khi ấy, vị Độc giác Thiện Mục đến giờ đắp y, ôm bát vào thành Ba-la-nại khất thực, dần dần đi đến nhà đại trưởng giả, đứng yên lặng bên ngoài cửa. Thế rồi, con gái trưởng giả từ xa trông thấy có vị đạo sĩ đứng ngoài cửa, đoan chánh không ai sánh bằng, dung mạo thù thắng hiếm có ở đời, miệng tỏa hương hoa sen xanh, thân thơm hương chiên-đàn, nàng liền khởi lòng dục nên bảo Sa-môn ấy rằng:
“Thầy thật là đoan chánh, mặt như màu hoa đào, rất hiếm có ở đời! Thiếp tuy phận nữ nhi, nhưng cũng đoan chánh, hai ta nên cùng nhau sum vầy. Nhà thiếp châu báu dồi dào, tài sản không thể tính kể, Thầy làm Sa-môn quá ư khổ nhọc.”
Vị Độc giác liền hỏi:
“Này cô gái! Cô thích Ta chỗ nào?” Nàng ấy đáp:
“Tôi quá thích đôi mắt của Thầy, miệng lại tỏa hương hoa sen xanh, thân thơm hương chiên-đàn.”
Vị Độc giác liền xòe tay trái ra, dùng tay phải móc mắt đặt vào lòng bàn tay ấy rồi bảo:
“Đây chính là vật cô bảo là con mắt yêu thích. Này cô gái! Bây giờ, cô mê đắm chỗ nào? Ví như mụt nhọt, không có chút nào đáng ưa thích, trong con mắt này cũng rỉ chảy ra những thứ bất tịnh. Cô nên biết! Mắt như bọt nước, không hề chắc bền, giả dối không thật, mê hoặc thế gian. Mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý đều không bền chắc, giả dối chẳng chân thật. Miệng là nơi khạc nhổ ra những thứ bất tịnh. Thân là nơi chứa nhóm khổ đau, toàn là xương trắng, là pháp hoại diệt, nơi luôn chứa những thứ hôi hám, vi trùng hủy hoại. Cũng như cái bình, bên ngoài có họa tiết đẹp, nhưng bên trong chứa đầy những thứ bất tịnh. Này cô gái! Cô còn mê đắm chỗ nào? Vì thế, cô nên chuyên tâm tư duy pháp này là giả huyễn, không chân thật. Nếu cô tư duy về mắt, thấy sắc là vô thường thì tưởng tham dục đắm trước sẽ tự tiêu diệt. Tai, mũi, miệng, thân và ý thảy đều vô thường. Tư duy như thế rồi, những tâm niệm tham dục của cô sẽ tự tiêu trừ, tư duy về sáu nhập thì sẽ không còn nghĩ tưởng về dục.”
[0724b08] Khi ấy, nàng ta khiếp sợ, liền đến trước đảnh lễ sát chân bậc Độc giác, bạch rằng:
“Từ nay trở đi, con xin sửa lỗi làm lành, không dám khởi tưởng dục nữa.
Cúi mong Ngài cho con sám hối.”
Nàng thưa ba lần như vậy. Vị Độc giác bảo:
“Thôi, thôi! Này cô gái! Ðây chẳng phải là lỗi của cô mà chính là tội lỗi của Ta thuở xưa, nay phải thọ thân hình này khiến cho ai thấy cũng khởi tình ý mê đắm. Hãy quán sát kỹ con mắt này: Mắt này không phải ta, ta cũng chẳng phải do mắt mà có, cũng không phải ta tạo ra mắt, mắt cũng không phải tự có, từ nơi không có mà sanh, có sanh ắt sẽ bị tan rã, cũng không phải đời trước, không phải đời này, cũng chẳng phải đời sau mà đều do nhân duyên nhóm họp. Nhân duyên nhóm họp là do duyên như vậy nên hiện hữu như vậy, cái này khởi thì cái kia khởi, cái này không thì cái kia không, cái này diệt thì cái kia diệt. Mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý cũng lại như thế, thảy đều rỗng rang vắng lặng. Thế nên, này cô gái! Chớ đắm trước nhãn sắc, vì không đắm trước sắc thì sẽ đạt đến sự an ổn, không có dục tình. Thật vậy, này cô gái! Nên học tập điều này.”
Sau khi thuyết giảng bốn pháp vô thường cho cô ấy rồi, vị Độc giác liền bay lên hư không, hiện mười tám pháp thần biến rồi trở về bản xứ.
Bấy giờ, cô gái kia liền quán sát mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý, biết rõ không có sở hữu, ở nơi nhàn vắng mà tư duy pháp này. Cô ấy lại tư duy sáu căn không có chủ tể, liền được an trụ trong bốn tâm bình đẳng,46 sau khi qua đời được sanh lên cõi Phạm thiên.
Tỳ-kheo nên biết! Nếu tư duy, quán chiếu về vô thường, truyền bá rộng rãi cách quán chiếu về vô thường, sẽ đoạn trừ hết tham ái ở cõi dục, tham ái ở cõi sắc và tham ái ở cõi vô sắc; kiêu mạn, vô minh thảy đều trừ sạch.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bảo người đánh xe:
– Khanh hãy sửa soạn xe gắn lông chim quý,48 ta muốn xem xét bên ngoài thành!
Tuân lệnh vua, người hầu liền sửa soạn xe xong, đến trước vua, tâu:
– Ðã sửa soạn xe gắn lông chim quý xong, xin Đại vương đi cho kịp lúc!
[0724c03] Vua Ba-tư-nặc bảo người hầu đánh xe ra khỏi thành Xá-vệ đến khu vườn kia, quan sát muôn loài cây cỏ, thấy bốn bề yên ắng, không một bóng người, vắng lặng như tờ. Thấy như vậy rồi, nhà vua chợt nhớ lời Như Lai giảng nói về nguồn gốc của các pháp. Khi đó, người hầu cầm quạt đứng phía sau hầu quạt nhà vua. Vua bảo:
– Vườn hoa trái, cây cối này không hề có tiếng động, không một bóng người, vắng vẻ tịch lặng. Ta muốn thỉnh đức Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác đến du hóa ở đây, nhưng chẳng biết đức Như Lai đang ở đâu, ta muốn đến thăm hỏi Ngài.
Người hầu cận tâu:
– Dòng họ Thích có ngôi làng tên Lộc Ðường. Đức Như Lai đang du hóa ở đó.
Vua Ba-tư-nặc hỏi:
– Làng Lộc Ðường cách đây bao xa? Người hầu tâu vua:
– Trú xứ của Như Lai cách đây không xa, quãng đường đến đó chừng ba do-tuần.49
Vua Ba-tư-nặc bảo:
– Mau lấy xe gắn lông chim quý, trẫm muốn tiếp kiến đức Như Lai!
Tuân lệnh vua, người hầu liền chuẩn bị xe gắn lông chim quý xong, đến trước vua, tâu:
– Nay xe đã sẵn sàng, xin Đại vương đi cho kịp lúc! Vua liền lên xe đi đến ngôi làng kia.
Khi ấy, chúng Tỳ-kheo đang kinh hành ở khoảng đất trống. Nhà vua liền xuống xe đến chỗ các Tỳ-kheo, cúi lạy sát chân rồi đứng sang một bên. Vua thưa các Tỳ-kheo:
– Đức Như Lai đang ở đâu? Con muốn được diện kiến Ngài. Các Tỳ-kheo đáp:
– Đức Thế Tôn đang ngụ trong giảng đường, Đại vương hãy đến gặp, chẳng trở ngại gì!
Nhà vua liền nhẹ nhàng bước vào, không gây ra tiếng động. Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc quay lại nhìn người hầu cận, ông ta liền nghĩ: “Đại vương muốn một mình đến gặp Thế Tôn. Ta nên đứng hầu ở đây.”
Thế rồi, nhà vua đi một mình đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, bằng thiên nhãn quán sát nên đức Thế Tôn trông thấy Vua Ba-tư-nặc đứng ở ngoài cửa, Ngài liền từ tòa đứng dậy mở cửa cho nhà vua. Nhìn thấy đức Thế Tôn, nhà vua liền cúi lạy sát chân và xưng tên họ ba lần:
– Con là Vua Ba-tư-nặc. Thế Tôn bảo:
– Ông là nhà vua, còn Ta dòng họ Thích, xuất gia học đạo. Vua thưa:
– Ngưỡng mong Thế Tôn thọ mạng không cùng tận để cho hàng trời, người luôn được an ổn!
Thế Tôn bảo:
– Nguyện cho Đại vương được thọ mạng không cùng tận, dùng pháp trị dân, chẳng dùng phi pháp. Những ai dùng pháp trị dân đều được sanh lên cõi trời, cõi lành. Giả như sau khi chết thì danh xưng bất hủ, nhân gian sẽ loan truyền rằng: “Thuở xưa có vị Quốc vương dùng pháp trị dân, chưa từng áp bức.” Dân chúng trong nước thảy đều ca ngợi công đức của vua, nhớ mãi không quên. Lúc vua ở cõi trời lại được tăng thêm sáu công đức. Là những công đức nào? Một là, thọ mạng cõi trời. Hai là, sắc đẹp cõi trời. Ba là, thú vui cõi trời. Bốn là, thần túc cõi trời. Năm là, oai đức cõi trời. Sáu là, ánh sáng cõi trời. Thế nên, Đại vương! Hãy dùng pháp trị nước, chớ dùng phi pháp. Hiện tại, do tự thân Ta có công đức này nên xứng đáng nhận người cung kính lễ bái.
[0725a09] Vua bạch Phật:
– Công đức Như Lai xứng đáng nhận lễ bái của người khác. Thế Tôn bảo:
– Vì sao Đại vương lại cho rằng Như Lai xứng đáng nhận người lễ bái? Vua bạch Phật:
– Như Lai có sáu công đức, xứng đáng được người lễ bái. Là những công đức nào? Chánh pháp của Như Lai rất thâm sâu vi diệu, được người trí tu hành. Ðó là công đức đầu tiên của Như Lai đáng phụng thờ, đáng kính ngưỡng.
Lại nữa, Thánh chúng của Như Lai rất mực hòa thuận, thành tựu tất cả các pháp; thành tựu giới, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát và thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm bốn đôi tám bậc,50 đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng cung kính, đáng quý trọng, là ruộng phước lớn của thế gian. Ðó là công đức thứ hai của Như Lai.
Lại nữa, bốn bộ chúng của Như Lai đều thực hành các pháp đã được học tập, không phiền nhiễu Như Lai thêm lần nào nữa. Ðó là công đức thứ ba của Như Lai.
Lại nữa, bạch Thế Tôn! Con thấy dòng Sát-lợi, Bà-la-môn, Cư sĩ, Sa-môn, các vị tài cao khắp thiên hạ đều đến hội họp luận bàn: “Chúng ta hãy đem điều tranh luận này đến hỏi Như Lai. Nếu Sa-môn Cù-đàm không giải đáp được sự tranh luận này tức ông ta có khuyết điểm. Nếu ông ấy trả lời được thì chúng ta sẽ khen ngợi.” Bấy giờ, bốn chủng tộc đều cùng nhau đến chỗ Thế Tôn để hỏi về sự tranh luận, cũng có người im lặng. Thế Tôn thuyết pháp cho họ. Nghe pháp xong, không ai hỏi lại điều gì nữa, huống hồ là tranh luận. Họ đều tôn Như Lai làm thầy. Ðó là công đức thứ tư của Như Lai.
Lại nữa, những người có sáu mươi hai luận thuyết, dối gạt thế gian, không hiểu Chánh pháp, do vậy dẫn đến sự ngu si, nhưng Thế Tôn có khả năng dập tắt những luận thuyết sai lầm ấy khiến họ tu theo chánh kiến. Ðó là công đức thứ năm của Như Lai.
Lại nữa, chúng sanh thân, miệng và ý tạo nghiệp ác, lúc sắp qua đời, nhớ nghĩ công đức của Như Lai liền lìa xa ba đường ác, được sanh lên cõi trời. Cho dù người cực ác cũng được sanh lên cõi trời. Ðó là công đức thứ sáu của Như Lai. Chúng sanh nào thấy được Như Lai cũng đều khởi tâm cung kính, cúng dường.
[0725b04] Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay! Ðại vương có thể ở trước Như Lai rống tiếng sư tử, diễn nói các công đức của Như Lai. Thế nên, Đại vương! Nên thường khởi tâm nhớ nghĩ đến Như Lai.
Thật vậy, này Đại vương! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, đức Thế Tôn giảng nói pháp vi diệu cho Vua Ba-tư-nặc, khiến cho nhà vua hoan hỷ. Ðại vương nghe Phật giảng pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân rồi lui ra.
Lát sau, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy nên giữ gìn, tôn trọng và khéo đọc tụng, nhớ nghĩ về pháp này. Vì sao như vậy? Vì đây là lời của Vua Ba-tư-nặc đã nói. Các thầy cũng nên thuyết giảng rộng rãi nghĩa lý này cho bốn bộ chúng.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm vị đại Tỳ-kheo ngụ tại vườn trúc Ca-lan- đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Vua A-xà-thế bảo quần thần:
– Các khanh mau chuẩn bị xe gắn lông chim quý, trẫm muốn đến diện kiến đức Thế Tôn.
Tuân lệnh vua, quần thần liền sửa soạn xe gắn lông chim quý rồi đến trước vua, tâu:
– Xe đã chuẩn bị xong, Đại vương đi cho kịp lúc.
Nhà vua cỡi xe ấy đi đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, Vua A-xà-thế bạch Thế Tôn:
– Cúi mong Thế Tôn nhận lời thỉnh của con mà an cư chín mươi ngày ở thành La-duyệt.
Thế Tôn yên lặng nhận lời. Thấy Thế Tôn yên lặng nhận lời thỉnh, vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân rồi lui ra.
Thế rồi, Vua A-xà-thế tùy thời cúng dường y phục, thực phẩm, giường đệm và các loại thuốc men.
Bấy giờ, quỷ thần tại thành Tỳ-xá-ly rất lộng hành khiến dân chúng chết chóc nhiều không tính kể. Chỉ trong một ngày mà chết cả trăm người. Quỷ thần, la-sát, đầy dẫy trong đó. Người bệnh sắc mặt vàng vọt, trải qua ba, bốn ngày rồi qua đời. Dân chúng trong thành Tỳ-xá-ly kinh sợ khiếp vía, tập trung một chỗ rồi bàn luận với nhau: “Trong thành lớn này vốn rất phồn vinh, đất tốt được mùa, dân chúng giàu có, vui sướng vô hạn như cung điện của trời Ðế-thích. Vậy mà hôm nay bị quỷ thần làm hại, rồi chúng ta sẽ chết hết, nơi đây sẽ hoang vu như rừng thẳm. Ai có oai thần, đức độ để đẩy lùi tai họa này?”
[0725c03] Thế rồi họ bảo nhau: “Chúng ta nghe nói Sa-môn Cù-đàm hễ đi đến đâu thì những ma quỷ xấu ác không thể đến gần quấy phá. Nếu Như Lai đến đây thì quỷ thần này sẽ chạy tứ tán, nhưng nay Thế Tôn đang cư ngụ ở trong thành La-duyệt, được Vua A-xà-thế cúng dường, e rằng Ngài sẽ không đến đây du hóa.”
Có người bảo: “Đức Như Lai có lòng từ bi rộng lớn, thương xót chúng sanh. Ngài sẽ quán sát khắp tất cả, khiến người chưa được độ sẽ được độ, không bỏ tất cả chúng sanh, như mẹ yêu con. Nếu có người thỉnh thì Như Lai đến ngay, Vua A-xà-thế cũng chẳng giữ được Ngài. Ai nhận lãnh trọng trách đi đến cõi nước của Vua A-xà-thế bạch với Thế Tôn rằng: ‘Trong thành chúng con gặp việc nguy khốn như vầy, cúi mong Thế Tôn từ mẫn chiếu cố!’”
Khi ấy, đại trưởng giả Tối Ðại cũng đang có mặt trong chúng hội kia. Mọi người nói với trưởng giả: “Chúng tôi nghe Sa-môn Cù-đàm đi đến đâu thì các ma quỷ tà ác không thể hại được. Nếu Như Lai đến đây thì tai họa này có thể trừ được. Ông hãy đến chỗ Thế Tôn bạch với Ngài đầy đủ như thế để thành quách này tồn tại mãi.”
Trưởng giả im lặng nhận lời của mọi người, từ chỗ ngồi đứng dậy trở về nhà. Thế rồi, ông sửa soạn hành trang lên đường, dẫn theo người hầu đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, trưởng giả bạch Thế Tôn:
– Dân chúng trong thành Tỳ-xá-ly đang gặp tai họa, người chết rất nhiều, trong một ngày, xe chở xác chết trong thành lên đến số trăm. Cúi xin Thế Tôn thương xót cứu giúp để những người còn lại được an ổn, không còn lo sợ! Chúng con được nghe: “Thế Tôn đi đến đâu thì trời, rồng, quỷ thần đều không dám quấy nhiễu.” Cúi mong Ngài rủ lòng chiếu cố đến thành kia, độ cho dân chúng an ổn, không còn lo sợ.
Thế Tôn bảo:
– Ta đã nhận lời thỉnh của Vua A-xà-thế ở thành La-duyệt. Chư Phật, Thế Tôn không nói hai lời, nếu Vua A-xà-thế bằng lòng thì Như Lai sẽ đến.
Trưởng giả Tối Ðại bạch Phật:
– Việc này rất khó, Vua A-xà-thế chắc chắn không thể bằng lòng để Như Lai đến nước con. Vì sao như thế? Vua A-xà-thế không hề có chút mảy may thân thiện với nước con, lúc nào cũng tìm phương chước muốn hại dân chúng nước con. Nếu Vua A-xà-thế trông thấy con là giết ngay, huống là chịu nghe con phân giải! Nếu nghe được dân chúng nước con bị quỷ thần làm hại thì ông ta sẽ vui mừng vô hạn.
[0726a04] Thế Tôn bảo:
– Chớ nên sợ hãi! Ông hãy đến trước vua và tâu như vầy: “Như Lai thọ ký cho vua, không hề dối trá, không có hai lời. Phụ vương của ngài vô tội mà bị giết. Ðáng lẽ ngài phải bị đọa vào địa ngục A-tỳ suốt một kiếp, nhưng hôm nay, ngài đã lìa bỏ lỗi lầm này, sửa đổi tội lỗi, thành tựu tín căn đối với pháp Như Lai. Do cội gốc công đức này mà diệt trừ được tội lỗi kia, không còn sót lại mảy may nào. Thân đời này mất, ngài sẽ đọa vào địa ngục Phách Cầu.52 Qua đời ở đó, ngài được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương. Qua đời ở đây, lại sanh lên cõi Diệm thiên, qua đời ở cõi này, ngài được sanh lên cõi trời Ðâu-suất, cõi trời Hóa Tự Tại, cõi trời Tha Hóa Tự Tại, rồi trở lại cõi trời Tứ Thiên Vương. Ðại vương nên biết! Trong hai mươi kiếp ngài không bị đọa vào đường ác, luôn được sanh trong loài người, cõi trời, nhờ có lòng tin kiên cố nên thân cuối cùng, ngài cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, thành bậc Độc giác hiệu là Trừ Ác.” Vua kia nghe xong thì thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, sẽ bảo ông rằng: “Ngươi cầu xin điều gì tùy ý, ta sẽ chấp thuận.”
Lúc ấy, trưởng giả bạch Thế Tôn:
– Nay con sẽ nương oai thần của Thế Tôn để đến cung vua ấy!
Thế rồi, trưởng giả từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát chân, đi đến cung vua.
Bấy giờ, Vua A-xà-thế cùng các quần thần đang bàn luận ở trên điện. Ðại trưởng giả đi đến trước vua. Từ xa trông thấy, vua hỏi quần thần:
– Nếu kẻ kia đến đây thì các khanh muốn xử trí thế nào? Có người nói:
– Chúng ta sẽ bắt đem chặt thành năm khúc. Có người nói:
– Nên bêu đầu!
Vua A-xà-thế ra lệnh:
– Các khanh hãy bắt giết nhanh đi, đừng để gã gặp trẫm! Nghe như vậy, trưởng giả vô cùng kinh sợ, vội lớn tiếng nói:
– Thần là người được Phật sai đến.
Vua nghe tiếng Phật liền rời tòa, quỳ gối phải sát đất, hướng về phía Phật đang ngụ rồi hỏi trưởng giả ấy rằng:
– Như Lai sai ông đến dạy bảo điều gì? Trưởng giả đáp:
– Thế Tôn đã thọ ký trước cho Thánh vương, không hề dối trá, lời dạy từ chính Ngài phát ra, không có hai lời. Như Lai dạy: “Đại vương đã giết hại vua cha, do phạm tội này lẽ ra phải đọa vào địa ngục A-tỳ suốt một kiếp, nhưng về sau, Đại vương lại biết sám hối lỗi lầm với Như Lai, nên sẽ bị đọa trong địa ngục Phách Cầu. Qua đời ở cõi đó, Đại vương sẽ được sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương, lần lượt sanh lên cõi trời Tha Hóa Tự Tại, rồi sanh trở lại cõi trời Tứ Thiên Vương. Trong hai mươi kiếp, Đại vương không rơi vào ba đường ác, luôn được sanh trong loài người, cõi trời. Do có niềm tin kiên cố nên lúc thọ thân cuối cùng, Đại vương xuất gia học đạo, thành bậc Độc giác hiệu là Trừ Ác, xuất hiện trong đời.”
[0726b08] Vua nghe xong, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền bảo đại trưởng giả:
– Ông muốn cầu xin điều gì, ta sẽ ban cho! Trưởng giả tâu:
– Điều thần cầu xin, mong Đại vương chấp thuận! Vua A-xà-thế bảo:
– Ông cầu xin điều gì, ta sẽ chấp thuận hết!
Trưởng giả tâu vua:
– Dân chúng thành Tỳ-xá-ly gặp tai họa, bị quỷ thần làm hại, khổ không tả xiết. Hiện tại quỷ thần, la-sát rất hung bạo. Cúi mong Đại vương bằng lòng để Thế Tôn đến nước thần, khiến tất cả quỷ thần bỏ chạy tứ tán. Vì sao như thế? Chúng thần từng nghe: “Như Lai đi đến đâu thì trời, rồng, quỷ thần không thể làm hại. Cúi mong Đại vương hứa khả để Thế Tôn đến nước của thần.”
Nghe xong, vua liền thở dài rồi bảo trưởng giả:
– Việc này quá lớn với người bình thường, không xử lý được. Nếu ông xin ta thành quách, làng xóm, của cải, quốc gia hay vợ con thì ta chẳng tiếc. Ta không ngờ ông đến cầu khẩn Thế Tôn, nhưng lúc nãy ta đã hứa chấp thuận mong cầu của ông, nên nay đành phải làm theo vậy.
Lúc ấy, trưởng giả rất đỗi vui mừng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cáo từ rồi lui ra. Thế rồi, trưởng giả trở về trú xứ của Thế Tôn, thưa:
– Vua A-xà-thế đã chấp thuận để Thế Tôn đến nước con. Thế Tôn bảo:
– Ông hãy trở về trước. Như Lai tự biết lúc nào thân lâm. Trưởng giả liền cúi lạy sát chân, nhiễu Phật ba vòng rồi lui ra.
Sáng sớm, Thế Tôn cùng các chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau, cùng rời khỏi vườn trúc Ca-lan-đà đi đến thành Tỳ-xá-ly. Vua A-xà-thế đang ở trên lầu cao cùng với một người hầu cầm lọng che, trông thấy Thế Tôn đi về phía nước kia liền than thở bảo quần thần:
– Chúng ta đã bị ông trưởng giả kia lừa dối. Trẫm sống có ích gì nữa khi để Như Lai ra khỏi nước này!
[0726c01] Thế rồi, Vua A-xà-thế sai đem năm trăm chiếc lọng tiễn chân Thế Tôn, vì sợ bụi bặm bám thân Ngài. Dân chúng trong thành La-duyệt cũng đem năm trăm chiếc lọng báu theo sau đức Thế Tôn. Thích-đề-hoàn-nhân biết ý Thế Tôn nên cũng đem năm trăm chiếc lọng báu che giữa hư không, vì sợ bụi đất bám vào thân Như Lai. Các vị thần sông cũng cầm năm trăm lọng báu che giữa hư không. Bấy giờ, dân chúng thành Tỳ-xá-ly nghe tin hôm nay Thế Tôn sẽ vào thành, cũng đem năm trăm lọng báu đến trước cung đón Thế Tôn. Lúc ấy, có cả thảy hai ngàn năm trăm lọng báu treo giữa hư không.
Trông thấy các lọng báu như vậy, Thế Tôn liền mỉm cười. Theo thường pháp của chư Phật, Thế Tôn, khi Như Lai mỉm cười, trong miệng của Ngài phóng ra ánh sáng năm màu gồm màu xanh, màu vàng, màu trắng, màu đen và màu đỏ.
Thị giả A-nan thấy ánh sáng này liền thầm nghĩ: “Do nhân duyên gì mà có điều này? Thế Tôn cười ắt có nhân duyên, không phải vô cớ.” Tôn giả A-nan liền quỳ xuống chắp tay bạch Thế Tôn:
– Như Lai mỉm cười không phải vô cớ, nhất định phải có nhân duyên.
Thế Tôn bảo:
– Thầy có thấy hai ngàn năm trăm lọng báu đang cúng dường Như Lai chăng? Tôn giả A-nan thưa:
– Thưa thấy, bạch đức Thế Tôn! Thế Tôn bảo:
– Nếu Như Lai không xuất gia học đạo thì trong hai ngàn năm trăm kiếp sẽ làm Chuyển Luân Thánh vương cai trị dân chúng. Vì Như Lai xuất gia học đạo nên không nhận lọng báu này. A-nan nên biết! Thuở quá khứ lâu xa có vị vua tên Thiện Hóa Trị, ở nước Mật-hy-la, dùng pháp cai trị, thu nạp các phương, thống lãnh cõi Diêm-phù-đề, mọi người đều phục lệnh. Bấy giờ, vua có tám vạn bốn ngàn phu nhân và thể nữ đều thuộc dòng Sát-lợi. Ðệ nhất phu nhân tên là Nhật Quang cũng không có con nối dõi.
Bấy giờ, nhà vua liền nghĩ: “Ta thống trị cõi Diêm-phù-đề, nhưng không có con cái.” Vua liền cầu khẩn thần núi, thần cây, thần ánh sáng trong trời đất mong được một đứa con. Một thời gian sau, phu nhân hoài thai. Thế rồi, Hoàng hậu Nhật Quang báo tin: “Ðại vương nên biết! Thiếp biết đã mang thai, hãy cùng thiếp giữ gìn.” Trải qua tám, chín tháng, hoàng hậu hạ sanh một thái tử, nhan sắc đoan chánh như màu hoa đào. Trông thấy con, hoàng hậu vô cùng mừng rỡ báo tin cho vua. Khi thấy con, nhà vua thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng. Tám vạn bốn ngàn phu nhân biết tin thái tử mới sanh, ai cũng phấn khởi.
[0727a02] Lúc ấy, quốc vương cho triệu tập quần thần, quốc sư và đạo sĩ đến xem tướng, cho đặt tên để dân chúng xưng hô. Bấy giờ, các thầy tướng tâu vua: “Thái tử mới sanh rất mực đoan chánh, khác với thế gian, ai ai trông thấy cũng đều yêu mến, ta nên đặt tên là Ái Niệm.”
Ðặt tên cho thái tử xong, mọi người liền ra về. Bấy giờ, quốc vương thương yêu thái tử chưa hề rời mắt, liền cho xây cung điện ba mùa, lại ban cho đông đảo thể nữ cùng an hưởng với thái tử trong cung điện ấy.
Bấy giờ, thái tử liền nghĩ: “Thể nữ ở cung điện này có thường còn, không lìa thế gian, cũng không biến đổi chăng? Ta quán sát thấy tất cả mọi người ở đây thảy đều vô thường, chẳng ai còn mãi ở đời, tức là huyễn hóa, hư dối, không chân thật, lại khiến nhân loại đắm nhiễm yêu thích, không ai biết lìa bỏ. Nay ta sử dụng họ làm gì? Nên bỏ hết mà học đạo.”
Thế rồi, trong ngày hôm đó, Thái tử Ái Niệm cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo. Ngay đêm ấy, thái tử dứt sạch mọi phiền não trói buộc, tư duy pháp có tập khởi đều là pháp hoại diệt, liền thành tựu quả vị Độc giác. Thành Phật rồi, Ngài liền nói kệ này:
Tham dục, pháp vô thường,
Biến đổi không chắc thật,
Biết đây là họa lớn,
Đi riêng, không chung đường.
Nói kệ xong, bậc Độc giác liền bay lên hư không, vòng quanh thành Mật- hy-la ba vòng.
Bấy giờ, quốc vương đang ngự trên điện cao cùng vui đùa với các cung phi, thấy vị Độc giác bay quanh thành ba vòng nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, bảo: “Thái tử của ta đang bay trên không trung như chim bay.” Vua không biết thái tử đã thành bậc Độc giác nên bảo:
“Này con! Hãy xuống cung điện để vui chơi cùng trẫm.”
Bấy giờ, này A-nan! Vị Độc giác xuống cung điện vì muốn độ cho cha mẹ.
Nhà vua bảo:
“Này Thái tử! Sao hôm nay con lại mặc áo thể nữ, cạo bỏ râu tóc khác người thế kia?”
Phật Độc giác đáp:
“Y phục con mặc rất cao quý, tao nhã, chẳng phải cách của người thường.” Vua lại hỏi:
“Vì sao con không vào cung?” Phật Độc giác đáp:
“Từ nay về sau, con không theo thói dục tình nữa, cũng không ham thích năm thứ dục lạc.”
Nhà vua bảo:
“Nếu không ham thích năm dục này thì đến ở sau vườn của trẫm.”
[0727b02] Thế rồi, quốc vương đích thân vào trong vườn, tạo dựng nhà cửa. Bấy giờ, vì muốn độ cho cha mẹ nên bậc Độc giác đến cư ngụ trong khu vườn ấy, nhận lãnh sự cúng dường của vua một thời gian rồi nhập vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn. Vua đem nhục thân hỏa thiêu,53 thu Xá-lợi rồi dựng một ngôi tháp54 lớn ở đó. Một ngày kia, nhà vua lại đến thăm khu vườn, thấy ngôi tháp ấy hư hoại điêu tàn, liền nghĩ: “Ðây là ngôi tháp của con trai ta, nay đã bị hư hoại.” Thế rồi, do lòng thương yêu chưa dứt nên nhà vua liền lấy lọng của mình che lên ngôi tháp kia.
Thế nên, này A-nan! Chớ có nghĩ người nào khác. Vua Thiện Hóa thuở ấy chính là Ta. Ta đã vì con mà lấy lọng che trên ngôi tháp. Do nguồn gốc công đức này lưu chuyển trong trời, người mà mấy trăm ngàn lần Ta làm Chuyển Luân Thánh vương, hoặc làm Ðế-thích, Phạm thiên. Lúc ấy, Ta không biết con Ta là bậc Độc giác. Nếu Ta biết là bậc Độc giác thì công đức không thể đo lường. Nếu Như Lai không thành đạo Vô thượng Chánh chân thì sẽ làm Chuyển Luân Thánh vương cai trị thiên hạ thêm hai ngàn năm trăm lần nữa. Vì Ta đã thành đạo nên hôm nay có hai ngàn năm trăm chiếc lọng tự nhiên ứng hiện. Vì thế, này A-nan! Do nhân duyên này nên Như Lai mỉm cười. Phụng sự chư Phật thì công đức không thể kể xiết. Thế nên, này A-nan! Hãy tìm cầu phương tiện cúng dường chư Phật, Thế Tôn.
Thật vậy, này A-nan! Hãy học tập điều này.
Thế rồi, đức Thế Tôn cùng chúng Tỳ-kheo vào thành Tỳ-xá-ly. Ngài đứng giữa cửa thành nói kệ này:
Ta đã thành Chánh Giác,
Cao quý nhất thế gian,
Ðây là lời chánh chân,
Tỳ-xá-ly hết nạn.
Đây là Pháp chân thật,
Ðưa đến cõi Niết-bàn,
Ðây là lời chân thật,
Tỳ-xá-ly bình an.
Đây là Tăng chân thật,
Chúng Hiền thánh thượng tôn,
Ðây là lời chánh chân,
Tỳ-xá-ly yên ổn.
Loài hai chân an ổn,
Loài bốn chân cũng thế,
Người đi đường bình an,
Người đến đây cũng thế.
Ngày đêm thường an ổn,
Không một ai nhiễu phiền,
Ðây là lời chân thật,
Khiến Tỳ-xá bình yên.
[0727c03] Như Lai nói kệ này xong, la-sát, quỷ thần bỏ chạy tứ tán, không chốn yên thân, không dám trở vào thành Tỳ-xá-ly nữa, ai mắc bệnh gì cũng đều chữa khỏi.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cư ngụ bên ao Di Hầu, dân chúng trong nước phụng sự cúng dường đầy đủ y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men, tùy theo khả năng của mình để cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo, cũng thọ trì bát quan trai giới, không bỏ lỡ dịp nào.
Lúc ấy, nhóm lục sư55 đang du hóa trong thành Tỳ-xá-ly. Lục sư gồm Bất- lan Ca-diếp, A-di-chuyên, Cù-da-lâu, Bỉ-hưu Ca-chiên, Tiên-tỷ Lô-trì và Ni- kiền tử. Các vị lục sư nhóm họp một chỗ, nói như vầy: “Sa-môn Cù-đàm ở thành Tỳ-xá-ly được dân chúng cúng dường, còn chúng ta chẳng được ai cúng, chúng ta hãy đến tranh luận với ông ta, xem ai thắng, ai thua.”
Bất-lan Ca-diếp nói: “Có các Sa-môn, Bà-la-môn chưa bị người khác chỉ trích liền tìm cách đến cật vấn, đây chẳng phải là pháp của Sa-môn, Bà-la-môn. Sa-môn Cù-đàm này chưa bị người khác chỉ trích mà tìm cách đến cật vấn thì chúng ta đâu được tranh luận với ông ta.”
A-di-chuyên nói: “Không bố thí, không thọ nhận, cũng không có người cho, cũng chẳng có chúng sanh đời này, chẳng có chúng sanh đời sau, cũng không có quả báo thiện ác.”
Cù-da-lâu nói: “Bên bờ này của sông Hằng thì giết hại dân chúng không thể tính kể, thây chất thành núi, ở bên kia bờ sông Hằng thì tạo lập các công đức. Do duyên như vậy nên không hề có quả báo thiện ác.”
Bỉ-hưu Ca-chiên nói: “Dù cho ở bên kia bờ sông Hằng có bố thí, trì giới, tùy thời cung cấp không để thiếu thốn thì cũng chẳng có chút phước báu nào.” Tiên-tỷ Lô-trì nói: “Không có lời nói, cũng không có quả báo của lời nói.
Chỉ có im lặng là an lạc hiếm có.”
Ni-kiền tử nói: “Có lời nói, cũng có quả báo của lời nói. Sa-môn Cù-đàm cũng là người, chúng ta cũng là người, điều Sa-môn Cù-đàm biết, chúng ta cũng biết. Sa-môn Cù-đàm có thần túc, chúng ta cũng có thần túc. Nếu Sa-môn kia hiện một thần túc, chúng ta sẽ hiện hai thần túc. Ông ấy hiện hai thần túc, ta sẽ hiện bốn thần túc. Ông ấy hiện bốn thần túc, ta sẽ hiện tám thần túc. Ông ấy hiện tám thần túc, ta hiện mười sáu thần túc. Ông ấy hiện mười sáu thần túc, ta hiện ba mươi hai thần túc, khiến tăng thêm nhiều lần, không bao giờ chịu thua, chúng ta đủ sức thi thố cùng ông ấy. Nếu ông ấy không chịu tranh luận với chúng ta thì đó là lỗi của ông ấy, dân chúng nghe được sẽ không cúng dường nữa, chúng ta sẽ nhận được sự cúng dường.”
[0728a04] Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo-ni nghe tin nhóm lục sư hội họp một chỗ, cùng nhau bàn luận: “Nếu Sa-môn Cù-đàm không chịu tranh luận với người khác thì chúng ta hoàn toàn thắng cuộc.” Thế rồi, Tỳ-kheo-ni Thâu-lô liền bay lên hư không, hướng về nhóm lục sư nói kệ này:
Thầy ta không ai sánh,
Tôn quý không ai hơn,
Ta là đệ tử Ngài,
Tỳ-kheo-ni Thâu-lô.
Nếu ngươi đủ trí tài,
Hãy cùng ta tranh biện,
Ta giải đáp từng việc,
Như sư tử bắt nai.
Ngoài Tôn sư Như Lai,
Chẳng ai bằng Ngài được,
Ta là Tỳ-kheo-ni,
Đủ sức hàng ngoại đạo.
Tỳ-kheo-ni nói kệ này xong, nhóm lục sư chẳng dám ngước nhìn dung nhan, huống hồ đòi tranh luận.
Bấy giờ, từ xa trông thấy Tỳ-kheo-ni ở trên hư không, cùng tranh luận với nhóm lục sư nhưng họ không thể trả lời, dân chúng trong thành Tỳ-xá-ly thảy đều vui mừng, hoan hỷ khôn xiết: “Hôm nay, nhóm lục sư bị khuất phục rồi.”
Thế rồi, nhóm lục sư buồn bã vô hạn rời khỏi thành Tỳ-xá-ly, không trở vào thành nữa.
Khi ấy, số đông Tỳ-kheo nghe tin Tỳ-kheo-ni Thâu-lô thắng nhóm lục sư khi tranh luận. Nghe như vậy rồi, họ liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy sát chân rồi trình bày đầy đủ sự việc này với Thế Tôn. Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo-ni Thâu-lô có thần túc cao siêu, có oai thần rộng lớn, trí tuệ, nghe nhiều. Ta vẫn thường nghĩ: “Không có ai tranh luận nổi với nhóm lục sư, chỉ có Như Lai và Tỳ-kheo-ni này.”
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo-ni nào khác có thể hàng phục ngoại đạo như Tỳ-kheo-ni này không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn! Thế Tôn bảo:
– Này các Tỳ-kheo! Trong hàng đệ tử của Ta, Tỳ-kheo-ni hàng phục ngoại đạo bậc nhất là Tỳ-kheo-ni Thâu-lô.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có sáu xúc xứ.57 Là những xứ nào? Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý căn. Ðó là sáu căn thân.58 Hàng phàm phu khi mắt thấy sắc liền khởi tâm dính mắc, không thể xả bỏ. Bởi do thấy sắc liền khởi tâm tham ái tột độ nên phải lưu chuyển trong sanh tử, không có kỳ hạn giải thoát. Các căn59 còn lại cũng như vậy, khởi tâm tham nhiễm, đắm trước, không thể xả bỏ, do đó mãi trôi lăn, không có kỳ hạn giải thoát.
Nếu là đệ tử Hiền thánh của Thế Tôn thì khi mắt thấy sắc sẽ không tham nhiễm, đắm trước, không có tâm nhiễm ô. Vị ấy có khả năng phân biệt như: Mắt này là pháp vô thường, là pháp khổ, là pháp không, là pháp vô ngã. Đối với các căn còn lại cũng vậy, không khởi tâm nhiễm ô, phân biệt được các căn này là pháp vô thường, là pháp khổ, là pháp không, là pháp vô ngã. Khi quán chiếu như vậy, ngay trong đời này liền chứng đắc hai quả vị: Hoặc chứng đắc A-na-hàm hoặc chứng A-la-hán. Ví như, có người quá đói, muốn chà xát vỏ lúa, sàng sảy cho sạch rồi nấu ăn để hết đói khát. Bậc đệ tử Hiền thánh cũng vậy, đối với sáu căn này nên quán chiếu là ô uế bất tịnh, liền chứng thành đạo quả, nhập Vô dư Niết-bàn.
Thế nên, Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ [ái nhiễm của] sáu căn này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.60
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Lực phẩm 力品 (T.02. 0125.38. 0717b16).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.1. 0717b17). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.692-693. 0188b02-08); A. 8.27 - IV. 223.
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.2. 0717b28).
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.3. 0717c18). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.0101. 0028a20); A. 4.36 - II. 37.
5 Ưu-ca-chi (憂迦支, Ukkaṭṭha).
6 Càn-đạp-hòa (乾沓和), cách phiên âm khác của càn-thát-bà (乾闥婆, gandhabba).
7 Nguyên tác: Thọ (受), trong ngữ cảnh này dịch là “thủ”, “chấp thủ” (取, 執取, upādāna).
8 Ngũ khổ thạnh ấm (五苦盛陰).
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.4. 0718a13). Tham chiếu: Đại bổn kinh 大本經 (T.01. 0001.1. 0001b11); Thất Phật kinh 七佛經 (T.01. 0002. 0150a03); Tỳ-bà-thi Phật kinh 毘婆尸佛經 (T.01. 0003. 0154b05); Thất Phật phụ mẫu tánh tự kinh 七佛父母姓字經 (T.01. 0004. 0159a24); Tạp. 雜 (T.02. 0099.287. 0080b24); D. 14, Mahāpadāna Sutta (Kinh đại bổn); S. 12.65 - II. 104.
10 Thống (痛).
11 Cánh lạc (更樂).
12 Si (癡).
13 Nguyên tác: Tri sanh khổ, sanh tập, sanh tận, sanh đạo (知生苦, 生習, 生盡, 生道).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.5. 0718c17).
15 Tộc tánh tử (族姓子, kulaputta) còn gọi là tộc tánh nam (族姓男), cũng gọi là thiện nam tử (善男子).
16 Kỳ-vực (耆域) còn gọi là Kỳ-bà (耆婆, Jīvaka), tên của vị lương y thời đức Phật.
17 Vô vi (無為).
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.6. 0719b20). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1077. 0280c18); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.118. 0417a23); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.119.0417c09); Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.17. 0702b07); M. 86, Aṅgulimāla Sutta (Kinh Aṅgulimāla).
19 Nguyên tác: Ương-quật-ma (鴦掘魔), còn gọi là Ương-quật-ma-la (央掘魔羅, Aṅgulimāla), tên của một kẻ sát nhân, lấy ngón tay kết làm vòng hoa, về sau được đức Phật chuyển hóa và chứng quả A-la-hán.
20 Ni-sư-đàn (尼師檀, nisīdana) dịch là tọa cụ, tức tấm vải dùng để trải ngồi lúc tọa thiền, thuyết pháp...
21 Ngũ nghịch (五逆) còn gọi là “ngũ nghịch tội” (五逆罪) hoặc “ngũ vô gián nghiệp” (五無間業), tức 5 trọng tội. Phạm 5 tội này sẽ bị đọa vào địa ngục Vô Gián. Theo SĀ. 792, 5 trọng tội này bao gồm giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, ác tâm làm thân Phật chảy máu (謂殺父, 殺母, 殺阿羅漢, 破僧, 惡心出佛身血).
22 Thần thức (神識).
23 Ngôn hữu ngã kiến giả, tức thuyết diệt lục kiến chi pháp (言有我見者, 即說滅六見之法). Có khả năng ghi nhầm giữa “ngã” (我) thành “lục” (六). Theo ngữ cảnh thì câu kinh này phải là 言有我見者,即說滅我見之法. Chúng tôi hiệu chú theo quan điểm này.
24 Bốn câu kệ này tương đương với 4 câu kệ trong Pháp cú kinh 法句經 (T.04. 0210.1. 0564a09 ): 弓工調角, 水★調船, 材匠調木, 智者調身 (Như thợ giỏi vuốt cung, người đi thuyền khéo chống, thợ mộc chuyên gỗ cây, bậc trí rõ thân này). Tham chiếu: Dh. v. 80, 145; Thag. v. 19, 877.
25 Bản Hán, hết quyển 31.
26 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.7. 0723a06). Tham chiếu: M. 116, Isigili Sutta (Kinh thôn tiên).
27 Theo Từ điển Phật học tinh tuyển, Kỳ-xà quật (耆闍崛, Gijjhakūta) còn gọi là Linh Sơn (靈山), Linh Thứu Sơn (靈鷲山), Thứu Phong (鷲峰), hoặc Thứu Lãnh (鷲嶺), tên ngọn núi nằm ở Đông Bắc thành Vương Xá, nước Ma-kiệt-đà. Thánh tích này hiện tại nằm ở phía Đông Rajgir của Ấn Độ.
28 Quảng Phổ Sơn (廣普山, Vepulla). Theo Pháp Hoa văn cú ký 法華文句記 (T.34. 1719.1. 0164c09): Quảng Phổ là tên khác của núi Linh Thứu: 佛在靈鷲告諸比丘, 久遠同名靈鷲, 更有別名, 汝等知不?亦名廣普山, 負重山, 仙★窟山...
29 Bạch Thiện (白善, Paṇḍava).
30 Phụ Trọng (負重, Vebhāra).
31 Tiên Nhân quật (仙★掘, Isigili).
32 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm (五盛陰).
33 Nguyên tác: Thống (痛): Đau đớn.
34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.8. 0723c06). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1170. 0312c24); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1171. 0313a14); S. 35.247 - IV. 198.
35 Chuyên niệm (專念).
36 Dục lậu (欲漏): Phiền não ở dục giới (欲界), một trong 3 lậu (三漏) gồm dục lậu (欲漏, kāmāsava), hữu lậu (有漏, bhavāsava) và vô minh lậu (無明漏, avijjāsava).
37 Hữu lậu (有漏): Phiền não ở sắc giới (色界) và vô sắc giới (無色界).38 Vô minh lậu (無明漏): Phiền não, si mê tồn tại ở ba cõi.
39 Lục nhập (六入): Nội lục nhập là sáu căn (六根), ngoại lục nhập là sáu trần (六塵).
40 Nguyên tác: Nội lục tình (內六情). Sáu giác quan của con người gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.5. 0100b25).
41 Niệm (念), theo Đại thừa nghĩa chương 大乘義章 (T.44. 1851.12. 0710c13), giữ tâm vào một đối cảnh, gọi là “niệm” (守境名念).
42 Cụ túc nhãn căn (具足眼根). Chúng tôi đã bổ sung sau khi tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1171. 0313a14); S. IV. 198.
43 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.9. 0724a07).
44 Còn gọi là Lộc Uyển (鹿苑) hay Lộc Dã Uyển (鹿野苑, Sarnath), là nơi đức Phật chuyển pháp luân. Thánh tích này ngày nay nằm ở bang Uttar Pradesh, Đông Ấn Độ, cách Varanasi 13km về phía Đông Bắc, gần ngã ba sông Hằng và sông Gormati.
45 Ưu-bát hoa hương (優鉢華香, uppala).
46 Tứ đẳng tâm (四等心): Bốn tâm bình đẳng, đó là tâm từ (慈, mettā), tâm bi (悲, karuṇā), tâm hỷ (喜, muditā) và tâm xả (捨, upekkhā); còn gọi “tứ vô lượng tâm” (四無量心), “tứ Phạm hạnh” (四梵行) hay “tứ Phạm trú” (四梵住).
47 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.10. 0724b28). Tham chiếu: Pháp trang nghiêm kinh 法莊嚴經 (T.01. 0026.213. 0795b17); M. 89, Dhammacetiya Sutta (Kinh pháp trang nghiêm); A. 10.30 - V. 65.
48 Tứ song bát bối (四雙八輩): Bốn đôi tám bậc, tức là Dự lưu đạo (預流道), Dự lưu quả (預流果); Nhất lai đạo (一來道), Nhất lai quả (一來果); Bất lai đạo (不來道), Bất lai quả (不來果); A-la-hán đạo (阿羅漢道), A-la-hán quả (阿羅漢果). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.21. 0219a06) định nghĩa: Trong hàng chúng Tăng có bậc A-la-hán, hướng A-la-hán,… cho đến Tu-đà-hoàn, hướng Tu-đà-hoàn, [gọi là] tứ song bát bối (僧中有阿羅漢, 向阿羅漢, 乃至須陀洹, 向須陀洹, 四雙八輩).
49 Do-tuần (由旬, yojana): Đơn vị đo chiều dài của Ấn Độ cổ đại. Theo A Dictionary of Chinese Buddhist Terms, p. 431, 1 do-tuần bằng khoảng 9 dặm Anh, 1 dặm Anh bằng 1,6km.
50 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.11. 0725b14). Tham chiếu: DhA. 21.1.
51 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.11. 0725b14). Tham chiếu: DhA. 21.1.
52 Theo Pháp Hoa kinh huyền tán yếu tập 法華經玄贊要集 (X.34. 0638.11. 0418b21): Đọa địa ngục trong chốc lát, gọi là Phách Cầu (墮地獄速疾, 名拍毬).
53 Da-duy (耶維) phiên âm từ jhāpeti, tân dịch là trà-tỳ (茶毗), nghĩa là hỏa thiêu.
54 Thần tự (神寺).
55 Lục sư (六師): Sáu vị giáo chủ ngoại đạo nổi tiếng ở thời Phật.56 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.38.12. 0728b01).
57 Nguyên tác: Lục tế hoạt canh lạc nhập (六細滑更樂入), theo Phân biệt lục giới kinh 分別六界經(T.01. 0026.163. 0692b29), gọi là lục canh lạc xứ (六更樂處, cha phassāyatanā), tức sáu xúc xứ.
58 Nguyên tác: Lục nhập (六入), theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.90. 0696b14) là chỗ nương tựa và tồn tại của 6 căn (六根) nên gọi là “lục nhập” (為六情依止住處故, 但說六入).
59 Nguyên tác: Lục tình (六情) chỉ cho 6 căn, phần trên đã nói nhãn căn (眼根) nên ở đây chỉ cho các căn còn lại.
60 Bản Hán, hết quyển 32.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.