Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

35. PHẨM TÀ TỤ1

 

1.  NHẬN BIẾT XẤU - TỐT2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu người sống trong tà kiến thì có dấu hiệu như thế nào, nhân duyên ra sao?

Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Đức Như Lai là vua của các pháp, tối cao trong các pháp. Lành thay, thưa đức Thế Tôn! Hãy vì chúng Tỳ-kheo mà giảng nói nghĩa này. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ vâng làm.

Thế Tôn dạy:
– Ta sẽ giảng về nghĩa này, các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Thế Tôn dạy:
– Người sống trong tà kiến thì sẽ có năm dấu hiệu để nhận biết. Do thấy năm dấu hiệu này mà biết người kia sống trong tà kiến. Là những dấu hiệu nào? Ðáng cười mà không cười, đáng hoan hỷ mà không hoan hỷ, đáng khởi lòng thương mà không khởi lòng thương, làm ác mà không biết xấu hổ và nghe lời tốt đẹp mà không chú tâm thì nên biết người này sống trong tà kiến. Nếu có chúng sanh đang sống trong tà kiến thì nên dùng năm dấu hiệu này để nhận biết.

Lại nữa, nếu có chúng sanh sống với những điều chân chánh thì có những dấu hiệu nào, nhân duyên ra sao?

Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Đức Như Lai là vua của các pháp, tối cao trong các pháp. Lành thay, thưa đức Thế Tôn! Hãy vì chúng Tỳ-kheo mà giảng nghĩa này. Sau khi nghe xong, chúng con sẽ vâng làm.

Thế Tôn dạy:
– Ta sẽ giảng về nghĩa này, các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!

Khi ấy, các Tỳ-kheo vâng lời lắng nghe. Thế Tôn dạy:
– Người sống với những điều chân chánh sẽ dựa vào năm việc mà biết. Do thấy năm việc này thì sẽ biết người này sống với những điều chân chánh. Là năm việc nào? Ðáng cười thì cười, đáng hoan hỷ thì hoan hỷ, đáng khởi lòng thương thì khởi lòng thương, đáng xấu hổ thì xấu hổ và nghe những điều tốt đẹp thì chú tâm. Nên biết người này đang sống với những điều chân chánh.

Do vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy trừ diệt những tập tính xấu và sống với những điều tốt đẹp, chân chánh.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. VIỆC CỦA NHƯ LAI3
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Khi Như Lai xuất hiện ở đời sẽ vì năm việc. Là năm việc nào? Một là, chuyển pháp luân. Hai là, độ thoát cha mẹ. Ba là, khởi lập niềm tin vững chắc cho người không có niềm tin. Bốn là, khiến cho người chưa phát tâm Bồ-tát sẽ phát tâm Bồ-tát. Năm là, thọ ký cho vị Phật tương lai.

Đấng Như Lai xuất hiện ở đời sẽ thực hiện năm việc này. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải khởi lòng biết ơn4 đối với Như Lai.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

3. BỐ THÍ KHÔNG ĐƯỢC PHƯỚC VÀ ĐƯỢC PHƯỚC5
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm việc bố thí mà không được phước. Là năm việc nào? Một là, lấy dao thí cho người. Hai là, lấy độc thí cho người. Ba là, lấy bò rừng thí cho người. Bốn là, lấy dâm nữ thí cho người. Năm là, xây dựng miếu thờ thần. Đó là, này Tỳ-kheo, có năm việc bố thí mà không được phước.

Tỳ-kheo nên biết, lại có năm việc bố thí sẽ được phước lớn. Là năm việc nào? Một là, làm nhà dịch trạm.6 Hai là, trồng cây gây rừng. Ba là, xây dựng cầu, đường. Bốn là, tạo thuyền lớn giúp người qua sông, biển. Năm là, tạo phòng ốc, chốn ăn ở miễn phí cho khách mười phương. Đó là, này Tỳ-kheo, bố thí năm việc này sẽ được phước.

Thế Tôn liền nói kệ này:

Làm dịch trạm, đường sá,
Cầu, thuyền cho người qua,
Trồng rừng tạo bóng mát,
Nhà cho khách phương xa.
Ai làm đủ năm việc,
Ngày đêm hưởng phước lành,
Thêm giới, định trọn vẹn,
Chắc chắn sẽ sanh thiên.7

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ tu hành năm công đức bố thí. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

4. SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI NỮ8
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người nữ có năm thế lực sẽ xem thường chồng. Là những thế lực nào? Một là, sức mạnh của sắc đẹp. Hai là, sức mạnh của dòng tộc. Ba là, sức mạnh của gia nghiệp. Bốn là, sức mạnh của con cái. Năm là, sức mạnh do tự phòng hộ. Như vậy, người nữ có năm sức mạnh này. Tỳ-kheo nên biết, người nữ đã dựa vào năm sức mạnh này mà xem thường chồng.

Tuy nhiên, người chồng cũng có một sức mạnh, che phủ hết những sức mạnh của người nữ. Thế nào là một sức mạnh? Đó là sức mạnh của phú quý. Với sức mạnh phú quý của người chồng thì sức mạnh của sắc đẹp, dòng tộc, gia nghiệp, con cái và tự bảo hộ đều không thể sánh bằng. Ðó là do một sức mạnh mà thắng bao nhiêu sức mạnh.

[0699b07] Nay Tệ ma Ba-tuần cũng có năm sức mạnh. Là những sức mạnh nào? Đó là sức mạnh của sắc, sức mạnh của thanh, sức mạnh của hương, sức mạnh của vị và sức mạnh của xúc. Kẻ phàm phu mê muội do đắm trước các pháp như sắc, thanh, hương, vị, xúc nên không thể vượt qua được cảnh giới của Ma Ba-tuần.

Nếu vị Thánh đệ tử thành tựu một sức mạnh thì sẽ thắng bấy nhiêu sức mạnh đó. Thế nào là một sức mạnh? Đó là sức mạnh không buông lung. Nếu đệ tử của bậc Hiền thánh thành tựu không buông lung thì sẽ không bị sắc, thanh, hương, vị và xúc trói buộc. Vì không bị năm dục trói buộc nên có thể thấu suốt các pháp sanh, già, bệnh, chết; thắng năm sức mạnh của ma, không rơi vào cảnh giới ma, vượt qua được các nạn đáng sợ, chứng đắc Niết-bàn.9

Thế Tôn liền nói kệ này:

Giới là đường bất tử,
Buông lung là đường chết,
Không tham thì không chết,
Lạc lối là mất mình.

Phật dạy các Tỳ-kheo:
– Phải nhớ tu hành, chớ có buông lung!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

5. ƯỚC VỌNG CỦA NGƯỜI NỮ10
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người nữ thường suy tư về năm ước vọng. Là những ước vọng nào? Một là, sanh vào nhà hào quý. Hai là, được gả cho nhà giàu sang. Ba là, sai khiến chồng, chồng sẽ nghe theo. Bốn là, có nhiều con cái. Năm là, một mình quyết đoán mọi việc trong nhà. Như vậy, này các Tỳ-kheo! Người nữ thường suy tư về năm ước vọng đó.

Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Tỳ-kheo của Ta cũng nên tư duy về năm ước vọng. Là những ước vọng nào? Một là, giữ giới. Hai là, nghe nhiều. Ba là, thành tựu thiền định. Bốn là, có trí tuệ. Năm là, có trí tuệ giải thoát. Ðó là năm ước vọng mà Tỳ-kheo cần phải tư duy.

[0699c01] Thế Tôn liền nói kệ này:

Mong sanh dòng hào tộc,
Được gả nhà giàu sang,
Có thể sai khiến chồng,
Vô phước, không thành tựu.
Muốn có nhiều con cái,
Phấn sáp trau thân mình,
Tuy có ước mong này,
Vô phước, không thành tựu.
Mong tín, giới tròn đủ,
Tam-muội vững không lay,
Trí tuệ cũng tròn đầy,
Biếng nhác, không thành tựu.
Muốn được thành đạo quả,
Chẳng dạo vực tử sanh,
Nguyện thẳng đến Niết-bàn,11
Biếng nhác, không thành tựu.

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện, thực hành pháp lành, trừ bỏ pháp ác, dần dần thẳng tiến, tâm không hối tiếc giữa chừng.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành

*** 

6. LỄ LẠY ĐÚNG LÚC12
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm khoảng thời gian không nên lễ người. Là năm lúc nào? Một là, lúc ở trong tháp,13 không nên lễ. Hai là, lúc ở trong đại chúng, không nên lễ. Ba là, lúc trên đường đi, không nên lễ. Bốn là, lúc bệnh tật nằm trên giường, không nên lễ. Năm là, lúc đang ăn uống, không nên lễ. Như vậy, này các Tỳ-kheo, có năm khoảng thời gian không nên làm lễ với người.

Lại có năm lúc hợp thời để làm lễ. Là năm lúc nào? Một là, không ở trong tháp. Hai là, không ở trong đại chúng. Ba là, không ở trên đường đi. Bốn là, lúc không đau bệnh. Năm là, không phải khi ăn uống. Đó là những lúc hợp thời để làm lễ.

Do vậy, này các Tỳ-kheo! Nên tùy phương tiện mà thực hành, hợp thời hãy thực hiện.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

*** 

7. PHƯỚC BÁU CÚNG NƯỚC14
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Ưu-đầu-bàn:
– Thầy hãy vào thành La-duyệt xin một ít nước nóng, vì hôm nay Ta bị trúng gió nên đau lưng!

Tôn giả Ưu-đầu-bàn bạch Phật:

– Xin vâng, thưa Thế Tôn!

Thế rồi, vâng lời Phật dạy, Tôn giả Ưu-đầu-bàn đến giờ đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt xin nước nóng. Tôn giả Ưu-đầu-bàn liền nghĩ: “Vì nhân duyên gì mà Thế Tôn sai ta đi xin nước nóng? Đấng Như Lai thì đã trừ sạch mọi kiết sử, vô số điều lành đã tụ hội về, vậy mà Như Lai lại còn bảo rằng: ‘Ta bị trúng gió.’ Hơn nữa, Thế Tôn còn không cho biết tên họ của thí chủ nên không biết phải đến nhà ai?”

[0700a03] Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đầu-bàn dùng thiên nhãn quán sát mọi người trong thành La-duyệt xem người nào đáng độ. Khi ấy, Tôn giả biết được trong thành La-duyệt có trưởng giả tên Tỳ-xá-la-tiên, chưa từng trồng căn lành, không hành giới luật, không có niềm tin, theo tà kiến, có cái nhìn cực đoan đối với Phật, Pháp và Tăng. Ông ta chấp giữ quan điểm: “Không thí, không cho, không người nhận, cũng không có quả báo thiện ác, không có đời này, không có đời sau, không cha, không mẹ, đời này không có Sa-môn, Bà-la-môn nào chứng Thánh quả, hoặc tự thân tác chứng và an trú, dù đời này hay cả đời sau.”

Thọ mạng của ông ta rất ngắn, sau năm ngày nữa sẽ qua đời. Ông lại thờ cả Ngũ Đạo đại thần.15 Bấy giờ, Ưu-đầu-bàn suy nghĩ: “Như Lai muốn độ trưởng giả này. Sở dĩ như vậy, là vì trưởng giả này sau khi qua đời sẽ đọa trong địa ngục Gào Khóc.”16

Khi đó, Ưu-đầu-bàn liền mỉm cười. Từ xa, Ngũ Đạo đại thần thấy Tôn giả mỉm cười liền ẩn thân của mình, biến hóa thành thân người thường rồi đến chỗ Ưu-đầu-bàn để ngài sai khiến. Tôn giả Ưu-đầu-bàn dẫn người này đến ngoài cửa nhà trưởng giả và đứng yên lặng. Dõi mắt trông ra, thấy có đạo nhân đứng ngoài cửa, trưởng giả liền nói kệ:

Này ông đứng yên lặng,
Cạo tóc, mặc cà-sa,
Muốn gì ở nơi ta,
Nhân việc gì mà đến?
Ưu-đầu-bàn liền dùng kệ đáp:
Ðấng Vô Trước Như Lai,
Hôm nay bị gió nhập,
Nếu như có nước ấm,
Như Lai muốn tẩy trần.

Trưởng giả lặng im không đáp. Ngũ Đạo đại thần bảo Tỳ-xá-la-tiên:
– Trưởng giả nên lấy nước nóng để bố thí, chắc chắn được phước vô lượng, sẽ được phước báu bất tử.

Trưởng giả đáp:
– Ta tự có Ngũ Đạo đại thần. Cần Sa-môn này làm gì? Đâu tăng thêm ích lợi? Ngũ Đạo đại thần nói kệ này:

Thuở Như Lai đản sanh,
Thiên đế đã hầu hạ,
Ai vượt qua điều này,
Ai có thể so sánh?
Nương Ngũ Đạo được gì,
Không giúp ông hữu ích,
Cúng dường Thầy dòng Thích,
Được phước quả lớn lao.

[0700b04] Bấy giờ, Ngũ Đạo đại thần lại bảo trưởng giả:
– Ông nên giữ gìn nghiệp của thân, miệng, ý. Ông chẳng biết oai lực của Ngũ Đạo đại thần hay sao?

Khi ấy, Ngũ Đạo đại thần liền hóa thân làm quỷ thần lớn, tay phải cầm kiếm rồi bảo trưởng giả:
– Ta chính là Ngũ Đạo đại thần. Mau lấy nước nóng cúng cho Sa-môn này, chớ nên do dự.

Khi ấy, trưởng giả liền nghĩ: “Kỳ diệu thay! Lạ lùng thay! Đã là Ngũ Đạo đại thần lại còn bắt ta cúng dường cho Sa-môn này.”

Trưởng giả liền lấy nước nóng thơm đưa cho Đạo nhân, lại lấy đường phèn đưa cho Sa-môn. Ngũ Đạo đại thần tự bưng nước thơm này, cùng Ưu-đầu-bàn đến chỗ đức Thế Tôn, dâng lên cho Ngài. Thế Tôn lấy nước nóng thơm tắm rửa thân thể, liền hết bị gió, không còn đau nữa.

Thế rồi, năm ngày sau, trưởng giả từ trần liền sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương. Nghe tin trưởng giả qua đời, Tôn giả Ưu-đầu-bàn liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên và bạch:
– Bạch Thế Tôn, vị trưởng giả này qua đời rồi sanh về nơi nào?

Thế Tôn dạy:
– Sau khi qua đời, trưởng giả này đã sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương.

Ưu-đầu-bàn bạch Phật:
– Sau khi qua đời ở đó thì trưởng giả lại sanh về đâu

Thế Tôn dạy:
– Qua đời ở đó sẽ sanh trong cõi trời Tứ Thiên Vương, trời Ba Mươi Ba cho đến sanh trong cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Ở Tha Hóa Tự Tại qua đời thì sẽ sanh lại vào cõi trời Tứ Thiên Vương. Trưởng giả trải qua sáu mươi kiếp không đọa vào đường ác, thân sau cùng sanh trong cõi người, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thành bậc Độc giác. Sở dĩ được như thế là nhờ công đức bố thí nước nóng nên được phước như vậy.

Thế nên, Ưu-đầu-bàn, phải luôn nhớ lo nước tắm cho chúng Tăng và siêng nghe pháp!

Thật vậy, Ưu-đầu-bàn! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đầu-bàn nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

*** 

8. DIỆT TÂM THAM DỤC17
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo không thích tu Phạm hạnh, muốn xả giới cấm trở về làm cư sĩ.

Thế rồi, Tỳ-kheo ấy đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên. Vị Tỳ-kheo đó bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Nay con không thích tu Phạm hạnh, muốn xả giới trở về làm cư sĩ.

[0700c03] Thế Tôn hỏi:
– Vì sao thầy không thích tu Phạm hạnh mà muốn xả giới trở về làm cư sĩ?

Tỳ-kheo thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Hiện tại lòng con hừng hực, trong thân như lửa đốt. Những khi con thấy cô gái xinh đẹp, đoan chánh thì lúc ấy con nghĩ: “Ước gì được cùng nàng ấy giao tình.” Rồi con lại nghĩ: “Điều này là phi pháp, nếu ta cứ để tâm ý rong ruổi theo điều này thì thật sai trái.” Lúc ấy, con lại nghĩ: “Ðây là thuận với pháp xấu ác, không thuận theo điều thiện. Ðây là pháp xấu ác, chẳng phải pháp thiện.” Nay con muốn xả giới cấm trở về làm cư sĩ. Giới cấm của Sa-môn thực sự không thể phạm. Con nguyện làm người thế tục và thực hành các hạnh bố thí.

Thế Tôn bảo:
– Người nữ có năm thứ uế trược. Là những thứ nào? Một là, bất tịnh ô uế. Hai là, nói đôi chiều. Ba là, ganh ghét. Bốn là, sân hận. Năm là, ít biết báo ân.18

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Buồn, vui do tài lợi,
Trong ác, ngoài hiện hiền,
Hại người lìa đường thiện,
Như chim ưng bỏ ao.19

Thế nên, Tỳ-kheo! Nên trừ bỏ những suy nghĩ không trong sạch, tư duy về quán bất tịnh. Tỳ-kheo khi đã tư duy quán sát và thành tựu về quán bất tịnh sẽ đoạn hết dục ái, sắc ái và vô sắc ái, đoạn hết vô minh, kiêu mạn. Này Tỳ-kheo, lòng dục từ đâu sanh? Từ tóc sanh chăng? Nhưng tóc dơ bẩn chẳng sạch. Đều do huyễn hóa, dối gạt người đời. Tay, móng, răng... và những chi phần của thân thể đều là chỗ bất tịnh. Chỗ nào là chân? Chỗ nào là thật? Từ đầu đến chân thảy đều như thế. Gan, mật, ngũ tạng và những cơ phần hữu hình, không một chỗ nào đáng để tham đắm. Vậy thì chân thật ở đâu? Này Tỳ-kheo, lòng dục của thầy từ đâu sanh? Thầy hãy khéo tu Phạm hạnh, giáo pháp của Như Lai sẽ giúp thầy tận diệt khổ đau. Mạng người rất ngắn, chẳng thọ dài lâu. Tuy được trường thọ nhưng có mấy người vượt qua trăm tuổi.

Tỳ-kheo nên biết, Như Lai xuất hiện ở đời rất khó gặp, việc nghe Chánh pháp cũng khó như thế, được thân bốn đại cũng lại gian nan, các căn đầy đủ cũng khó muôn phần, thật sự cũng khó được sanh vào cõi nước phồn vinh, được gặp thiện tri thức cũng là việc khó khăn, được nghe Diệu pháp cũng khó bội phần, phân biệt nghĩa lý cũng là việc khó, thành tựu pháp và thứ lớp giáo pháp cũng là việc gian nan.

Này Tỳ-kheo! Nay Ta nói tóm lược về nghĩa này. Nếu được thân cận với thiện tri thức thì nhờ đó mà có thể phân biệt các pháp và cũng nên giảng giải nghĩa lý rộng rãi cho người. Nếu đã nghe pháp xong thì sẽ biết phân biệt, đã biết phân biệt pháp rồi thì có thể nói rõ nghĩa lý. Không có nghĩ tưởng về tham dục, sân hận, ngu si thì sẽ lìa xa ba độc, liền giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết.

[0701a05] Bấy giờ, Tỳ-kheo kia vâng nhận lời Phật dạy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân đức Thế Tôn rồi lui ra.

Lúc ấy, vị Tỳ-kheo ở nơi thanh vắng, tư duy về pháp này. Sở dĩ một người thiện nam dám cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo là vì muốn tu Phạm hạnh vô thượng và đã thấy biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Lúc ấy, vị Tỳ-kheo kia liền thành A-la-hán.

Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

*** 

9. NGUỒN GỐC CỦA DỤC20
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Khi ấy, đã đến giờ khất thực nên Tôn giả A-nan và Tôn giả Ða-kỳ-xa đắp y, ôm bát vào thành. Bất chợt, trong một ngõ nhỏ, Tôn giả Ða-kỳ-xa trông thấy cô gái rất mực đoan chánh, hiếm có ở đời. Sau khi thấy rồi, lòng dạ Tôn giả bối rối không yên, nôn nao khó tả.

Lúc đó, Tôn giả Ða-kỳ-xa dùng kệ nói với ngài A-nan:

Bị lửa dục nung nấu,
Tâm ý nóng bừng bừng,
Xin chỉ cách dứt ngưng,
Để tôi nhiều lợi ích.

A-nan lại dùng kệ đáp:

Biết dục pháp điên đảo,
Làm tâm ý nóng bừng,
Hãy trừ tâm tưởng tượng,
Lòng dục liền tự ngưng.

Ða-kỳ-xa lại dùng kệ nói:

Tâm là gốc thân hình,
Mắt là cội ngóng trông,
Nằm ngủ thấy bay bổng,
Hình tựa cỏ úa nhàu.

Tôn giả A-nan liền tiến tới, dùng tay phải xoa đầu Ða-kỳ-xa rồi nói kệ này:

Niệm Phật dứt tham dục,
Diệt dục cho Nan-đà,
Xem trời, thăm địa ngục,
Giữ ý, lìa năm đường.

[0701b01] Nghe Tôn giả A-nan nói xong, Ða-kỳ-xa liền ngăn:
– Thôi, thôi, A-nan! Hãy cùng khất thực xong, trở về chỗ Thế Tôn.

Lúc ấy, cô gái từ xa thấy Ða-kỳ-xa liền mỉm miệng cười. Ða-kỳ-xa thấy cô gái cười, liền nghĩ như vầy: “Thân thể của cô gái kia là do da thịt ràng rịt, cũng như bình gốm họa vẽ bên ngoài mà bên trong chứa đầy bất tịnh, dối gạt người đời, khiến họ khởi loạn tưởng.”

Bấy giờ, Tôn giả Ða-kỳ-xa quán cô gái ấy từ đầu đến chân: “Trong thân thể này có gì đáng tham? Ba mươi sáu thứ thảy đều bất tịnh. Các vật uế này từ đâu sanh ra?”

Tôn giả Ða-kỳ-xa lại nghĩ: “Ta quán thân thể người khác thì chẳng bằng tự quán trong thân của mình. Dục này từ đâu sanh? Từ đất sanh chăng? Từ nước, lửa, gió sanh chăng? Nếu từ đất sanh, đất cứng cỏi không thể tan hoại. Nếu từ nước sanh, nước thì mềm nhuyễn không thể nắm giữ. Nếu từ lửa sanh, lửa dao động nên khó nắm giữ. Nếu từ gió sanh, gió không hình tướng nên không thể nắm giữ.” Tôn giả liền nghĩ: “Dục này chỉ từ tư tưởng sanh.”

Bấy giờ, Tôn giả liền nói kệ này:

Dục, ta biết gốc ngươi,
Ngươi sinh từ tư tưởng,
Nếu ta không nghĩ tưởng,
Thì ngươi làm sao sinh?

Nói kệ này rồi, Tôn giả Ða-kỳ-xa chú tâm suy tư về tưởng bất tịnh, ngay tại chỗ đó, tâm hữu lậu được giải thoát.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan và Ða-kỳ-xa ra khỏi thành La-duyệt, trở về chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Tôn giả Ða-kỳ-xa bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn! Con rất vui mừng vì hôm nay thành tựu thiện lợi, vì được giác ngộ một phần.

Thế Tôn bảo:
– Thầy tự mình giác ngộ thế nào?

Ða-kỳ-xa bạch Phật:
– Sắc không bền chắc, cũng không kiên cố, chẳng thể xem thấy, hư ảo không thật. Thọ21 không bền chắc, cũng không kiên cố, cũng như bọt nước, hư ảo không thật. Tưởng không bền chắc, cũng không kiên cố, hư ảo không thật, cũng như quáng nắng.22 Hành không bền chắc, cũng không kiên cố, như ruột cây chuối. Thức không bền chắc, cũng không kiên cố, hư ảo không thật.

Tôn giả lại bạch Phật:
– Thân năm uẩn này không bền chắc, cũng không kiên cố, hư ảo không thật. Tôn giả Ða-kỳ-xa liền nói kệ này:

Bậc Tối Thắng thường dạy:        

Sắc giống như đám bọt,
Thọ như bóng nước trôi,
Tưởng như quáng nắng trời,
Hành như ruột chuối thôi,
Thức là pháp huyễn hóa.
Con suy ngẫm thế rồi,
Nhớ lời Thiện Thệ dạy,
Quán hết thảy các hành,
Tất cả đều vắng lặng,
Không hành nào chân chánh,
Ðều từ thân này sanh.
Nên đoạn diệt ba pháp,
Thấy sắc là bất tịnh,
Thân này vốn uế tạp,
Hư ảo không chánh chân.
Đều là pháp tổn hại,
Năm uẩn chẳng chắc bền,
Thấu tỏ pháp vô thường,
Con đang đi đúng hướng.

[0701c08] Như thế, bạch Thế Tôn! Những điều con vừa nói chính là sự giác ngộ của con.

Thế Tôn bảo:
– Lành thay, Ða-kỳ-xa! Thầy khéo quán sát nguồn cội của năm uẩn này. Thầy phải nên biết, là người tu hành nên quán sát nguồn gốc của năm uẩn đều không bền chắc. Vì sao như vậy? Vì Ta đã từng quán thân năm uẩn này khi ở bên cội Bồ- đề để thành Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng như thầy đang quán sát hôm nay.

Lúc Phật nói pháp này, có sáu mươi Tỳ-kheo ngay tại chỗ ngồi của mình đã đoạn sạch phiền não, được tâm giải thoát.

Khi ấy, Tôn giả Ða-kỳ-xa nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

*** 

10. TÔN GIẢ TĂNG-CA-MA23
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tăng-ca-ma,24 con của trưởng giả, đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất và ngồi sang một bên rồi bạch Phật rằng:
– Kính mong Thế Tôn cho con nhập đạo.

Lúc ấy, con vị trưởng giả liền được nhập đạo, ở chỗ vắng vẻ, kiểm thúc tu hành, đạt được pháp vị, thấy ra lẽ thật: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Đó là lý do mà một người thiện nam dám cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo là để chứng đạt. Khi ấy, Tăng-ca-ma liền thành A-la-hán.

Bấy giờ, ở chỗ nhàn tĩnh, ngài khởi suy niệm: “Như Lai xuất hiện vô cùng khó gặp. Vì Như Lai25 đúng thời mới hiện, cũng như hoa sen đúng lúc mới nở. Điều này cũng thế, Như Lai xuất hiện ở đời đúng thời mới gặp, tất cả các hành tịch tĩnh là điều khó gặp, việc xuất ly cũng khó, diệt hết ái dục, đến được vô dục, vào cõi Niết-bàn, là những điều quan yếu.”

Bấy giờ, mẹ vợ Tăng-ca-ma nghe con rể xuất gia tu đạo, không còn đắm trước dục lạc, từ bỏ cả gia nghiệp, lại còn làm thương tổn con gái mình vì đã bỏ nàng như bỏ đống nước bọt.

Người mẹ liền đến chỗ con gái, hỏi:
– Chồng con thật đã đi tu rồi ư?

[0702a01] Cô gái đáp:
– Con cũng không rõ chàng đi tu hay chưa.

Mẹ của cô gái bảo:
– Hôm nay, con nên trang điểm và chưng diện thật đẹp, ẵm con trai và cả con gái cùng ta đến chỗ Tăng-ca-ma.

Bấy giờ, hai mẹ con cùng đến chỗ Tăng-ca-ma. Tôn giả Tăng-ca-ma đang ngồi kiết-già bên một gốc cây. Hai người đến trước mặt, đứng lặng yên. Khi ấy, người mẹ và cô gái đứng nhìn Tăng-ca-ma từ đầu đến chân rồi bảo Tăng- ca-ma rằng:
– Vì sao anh không nói chuyện với con gái tôi? Còn hai đứa trẻ này là con của anh. Những việc anh làm hôm nay quả là phi lý, không thể chấp nhận. Suy nghĩ của anh không phải là hành vi của con người.

Khi ấy, Tôn giả Tăng-ca-ma liền nói kệ này:

Ngoài nơi đây, không thiện,
Ngoài nơi đây, không diệu,
Ngoài nơi đây, không thật,
Niệm lành không đâu hơn.

Bấy giờ, mẹ vợ bảo Tăng-ca-ma:
– Con gái ta có tội tình gì? Nó có làm điều gì phi pháp? Lý do gì anh lại bỏ con gái ta rồi xuất gia học đạo?

Tăng-ca-ma liền nói kệ này:

Hạnh nhơ uế, bất tịnh,
Sân hận, ưa dối trá,
Ganh ghét, tâm không ngay,
Là điều Như Lai dạy.

Bà mẹ bảo Tăng-ca-ma:
– Không riêng gì con gái ta có những điều này mà tất cả người nữ đều giống như vậy. Dân chúng trong thành Xá-vệ hễ thấy con gái ta thì tâm tư đều bấn loạn, muốn cộng giao với nó, như kẻ khát thèm nước uống, ngắm mãi không chán, sanh lòng say đắm. Hôm nay, không những anh bỏ nó để học đạo mà còn chê bai nó thậm tệ là vì lý do gì? Nếu anh không thương con gái ta nữa thì hai đứa con này ta giao luôn để anh tự lo liệu.

Tăng-ca-ma lại nói kệ này:

Ta cũng không con cái,
Sản nghiệp và gia tài,
Chẳng tùy tùng, quyến thuộc,
Chẳng tôi tớ bảo sai.
Đi một mình, không bạn,
Vui ở nơi yên nhàn,
Thực hành pháp Sa-môn,
Cầu chánh đạo của Phật.
Người có trai, có gái,
Tập hạnh của người ngu,
Thân ta còn chẳng có,
Há lại có gái, trai?

[0702b02] Khi đó, mẹ, vợ và hai con nghe kệ này rồi đều tự nghĩ rằng: “Theo như ta thấy, ý ông ta hôm nay đã quyết không trở về nhà.”

Và rồi, họ lại ngắm nhìn Tôn giả từ đầu đến chân, thở dài áo não rồi đến trước quỳ xuống nói:
– Nếu như thân, miệng, ý có điều gì không phải, cầu mong ngài tha lỗi cho! Rồi họ nhiễu quanh ngài ba vòng rồi trở về nhà.

Khi ấy, Tôn giả A-nan đến giờ đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, từ xa thấy bà mẹ và cô gái, liền hỏi:
– Vừa rồi các vị có gặp Tăng-ca-ma chăng?

Người mẹ bảo:
– Tuy gặp cũng như không gặp.

A-nan hỏi:
– Có nói chuyện không?

Người mẹ đáp:
– Tuy có nói chuyện nhưng chẳng hợp ý tôi.

Tôn giả A-nan liền nói kệ này:

Muốn khiến lửa sinh nước,
Lại khiến nước sinh lửa,
Pháp không, muốn thành có,
Không dục, muốn có dục.

Tôn giả A-nan khất thực xong trở về vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, đến chỗ Tăng-ca-ma, ngồi một bên rồi bảo Tăng-ca-ma:
– Thầy đã biết pháp chân như chưa? Tăng-ca-ma đáp:
– Tôi đã giác ngộ pháp chân như.

A-nan bảo:
– Thầy giác ngộ pháp chân như thế nào?

Tăng-ca-ma đáp:
– Sắc là vô thường. Do nghĩa vô thường này nên đó cũng là khổ. Khổ chính là vô ngã, vô ngã tức là không. Thọ, tưởng, hành, thức thảy đều vô thường, nghĩa vô thường này tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Năm thủ uẩn này là nghĩa vô thường. Nghĩa vô thường tức là khổ. Ta không thuộc về chúng và chúng không thuộc về ta.

Khi ấy, Tăng-ca-ma liền nói kệ này:

Khổ sinh khổ triền miên,
Vượt khổ, vượt tất cả,
Tám đạo phẩm Thánh hiền,
Dẫn đến nơi tịch diệt.
Không trở lại đời này,
Cõi trời, người lưu chuyển,
Nguồn khổ đau cạn kiệt,
Mãi vắng lặng, chẳng lay.
Nẻo Không, tôi đã thấy, 
Như lời Phật giảng bày,
Nay đắc A-la-hán,
Trọn không còn tái sanh.26

[0702c01] Khi ấy, Tôn giả A-nan khen ngợi:
– Lành thay! Pháp chân như, thầy đã khéo thấu triệt. Tôn giả A-nan liền nói kệ này:

Khéo giữ đường Phạm hạnh,
Nẻo chánh đạo tiến tu,
Mọi kiết sử đoạn trừ,
Chánh chân Phật, đệ tử.

Tôn giả A-nan nói kệ xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Tôn giả A-nan đem nhân duyên này bạch lại đầy đủ cho Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu chân chánh luận bàn về bậc A-la-hán thì vị đáng nói nhất là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Giỏi hàng phục quyến thuộc ma cũng là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo Tăng-ca-ma đã hàng ma đến bảy lần, nay mới thành đạo. Từ nay về sau, Ta cho phép được bảy lần ra vào đạo, nếu quá giới hạn này là phi pháp.

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Ta, Tỳ-kheo hàng phục ma bậc nhất, nay mới thành đạo, chính là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.27

*** 

Chú thích:

1 Nguyên tác: Tà tụ phẩm 邪聚品 (T.02. 0125.35. 0698c05).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.1. 0698c06).
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.2. 0699a03).
4 Nguyên tác: Đương khởi từ tâm hướng ư Như Lai (當起慈心向於如來). Ở đây, một trong những nghĩa ít phổ dụng của từ tâm (慈心) chính là lòng biết ơn. Tham chiếu: Đạo hạnh Bát-nhã kinh 道行般若經 (T.08. 0224.9. 0468c21) do Chi-lâu-ca-sấm dịch vào thời Hậu Hán. Nguyên tác: 阿難! 當作是念: 般若波羅蜜莫使缺減. 何以故? 今佛現在, 有慈心佛恩德, 欲報佛恩具足供養者, 汝設有慈心於佛者, 當受持般若波羅蜜, 當恭敬作禮供養, 設有是行, 汝悉為供養佛報.
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.3. 0699a11).
6 Tạo tác viên quán (造作🖃觀). Viên quán là ngôi nhà công cộng thời cổ đại, là nơi dừng chân, nghỉ ngơi cho khách lữ hành và cũng là nơi các đạo sĩ trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
7 Xem thêm bài kệ tương đương trong kinh S. I. 33.
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.4. 0699a28). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.19. 0380a16); S. 37.27 - IV. 246; S. 37.28 - IV. 246.
9 Nguyên tác: Vô vi (無為), tên gọi khác của Niết-bàn.
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.5. 0699b22).
11 Niết-bàn (涅槃, Nibbāna).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.6. 0699c14).
13 Thâu-bà (偷婆, S. stūpa, P. thūpa).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.7. 0699c24). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1181. 0319b15); Biệt Tạp. 別譯雜 (T.02. 0100.95. 0407b13); S. 7.13 - I. 174.
15 Ngũ Đạo đại thần (五道大神): Các vị thần lớn trong 5 cõi, gồm trời, người, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Ở đây chỉ cho vị trưởng giả tin theo tín niệm đa thần.
16 Nguyên tác: Đề Khốc địa ngục (啼哭地獄, Roruva), một trong 8 đại địa ngục.
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.8. 0700b27).
18 Nguyên tác: Phản phục (反復, katavedī): Báo ân, đền ơn.
19 Nguyên tác: Như ưng xả ô trì (如鷹捨污池). Bản Minh (明) dùng chữ “vu” (于) thay chữ “ô” (污). Bản dịch căn cứ vào bản Minh.
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.9. 0701a12). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1214. 0331a18); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.230. 0458a25); S. 8.6 - I. 188.
21 Nguyên tác: Thống (痛).
22 Nguyên tác: Dã mã (野馬, marīci) còn gọi là “dương diệm” (陽焰), tức ảo hóa từ ánh sáng của mặt trời.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.35.10. 0701c15). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1072. 0278b11); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.11. 0376b21); Ud. 5.
24 Tương đương Pāli: Saṅgāmaji.
25 Đa-tát-a-kiệt (多薩阿竭) phiên âm từ Tathāgatha.
26 Nguyên tác: Bất thọ bào thai (不受胞胎), chỉ cho sự không còn tái sanh.
27 Bản Hán, hết quyển 27.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.