Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Xá-lợi-phất cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng thăm hỏi nhau rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy, các Tỳ-kheo thưa:
– Tỳ-kheo trì giới thì nên tư duy những pháp gì?
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Tỳ-kheo trì giới nên tư duy năm thủ uẩn3 là vô thường, khổ đau, phiền não và nhiều lo sợ; cũng nên tư duy về khổ, không và vô ngã. Là năm thủ uẩn nào? Đó là sắc uẩn, thọ uẩn,4 tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Tỳ-kheo trì giới tư duy về năm uẩn này, liền chứng quả vị Tu-đà-hoàn.
Các Tỳ-kheo thưa:
– Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn nên tư duy những pháp gì?
Tôn giả đáp:
– Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn cũng nên tư duy năm thủ uẩn này là khổ đau, phiền não và nhiều lo sợ, cũng nên tư duy về khổ, không và vô ngã. Chư Hiền nên biết, Tỳ-kheo Tu-đà-hoàn tư duy về năm uẩn này sẽ thành tựu quả vị Tư-đà-hàm.
Các Tỳ-kheo hỏi:
– Tỳ-kheo Tư-đà-hàm nên tư duy những pháp gì?
Tôn giả đáp:
– Tỳ-kheo Tư-đà-hàm cũng nên tư duy năm thủ uẩn này là khổ đau, phiền não và nhiều lo sợ; cũng nên tư duy về khổ, không và vô ngã. Tỳ-kheo Tư-đà- hàm tư duy về năm thủ uẩn này sẽ thành tựu quả vị A-na-hàm.
[0690a02] Các Tỳ-kheo thưa:
– Tỳ-kheo A-na-hàm nên tư duy những pháp gì?
Tôn giả đáp:
– Tỳ-kheo A-na-hàm cũng nên tư duy năm thủ uẩn này là khổ đau, phiền não và nhiều lo sợ; cũng nên tư duy về khổ, không và vô ngã. Tỳ-kheo A-na- hàm tư duy về năm thủ uẩn sẽ thành tựu quả vị A-la-hán.
Các Tỳ-kheo hỏi:
– Tỳ-kheo A-la-hán nên tư duy những pháp gì?
Tôn giả đáp:
– Điều các thầy hỏi có vượt xa quá chăng? Tỳ-kheo A-la-hán việc làm đã xong, không còn tạo nghiệp, tâm hữu lậu đã được giải thoát, không còn trôi lăn trong biển sanh tử năm đường, không còn thọ thân sau thì còn tạo tác gì nữa? Thế nên, chư Hiền! Tỳ-kheo trì giới, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm nên tư duy về năm thủ uẩn.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
2. VƯƠNG NẠN TỲ-LƯU-LY5
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Lộc Uyển, trú xứ của chư tiên, thuộc nước Ba-la-nại.
Bấy giờ, đức Như Lai thành đạo chưa lâu, thế gian tôn xưng Ngài là bậc Đại Sa-môn. Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc mới lên ngôi, nối ngôi. Nhà vua thầm nghĩ: “Ta mới lên ngôi nên cưới con gái dòng họ Thích. Nếu được họ gả thì ta sẽ mãn nguyện, bằng không, ta sẽ dùng vũ lực để bức ép.”
Lúc ấy, Vua Ba-tư-nặc sai một vị đại thần:
– Khanh hãy đi đến vương cung dòng họ Thích ở thành Ca-tỳ-la-vệ, nhân danh ta báo cho họ biết rằng: “Vua Ba-tư-nặc vấn an sức khỏe, mong cuộc sống luôn luôn thuận lợi.” Rồi hãy bảo họ rằng, ta muốn cưới con gái dòng họ Thích. Nếu chấp thuận thì ta sẽ ghi mãi ơn đức, nếu như trái lời thì ta sẽ dùng vũ lực đến áp bức.
Tuân lệnh vua, đại thần liền đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Bấy giờ, năm trăm người dòng họ Thích ở Ca-tỳ-la-vệ cùng tập hợp một chỗ. Đến nơi, đại thần liền nhân danh Vua Ba-tư-nặc rồi truyền lệnh rằng:
– Vua Ba-tư-nặc ân cần hỏi thăm sức khỏe, mong cuộc sống luôn luôn thuận lợi. Nhà vua muốn cưới con gái họ Thích, nếu thuận tình thì quả là đại phúc, ngược lại nếu như trái lời thì nhà vua sẽ dùng vũ lực áp bức.
Nghe xong, dòng họ Thích vô cùng tức giận: “Chúng ta là dòng dõi cao quý sao lại kết thân với kẻ hèn?” Trong chúng có người bảo nên thuận theo, cũng có người bàn ngược lại.
[0690b01] Bấy giờ, trong những người họ Thích có người tên Ma-ha-nam bảo rằng:
– Chư Hiền chớ sân hận. Vì sao như thế? Vua Ba-tư-nặc là người bạo ác, nếu chống cự thì ông ta sẽ chinh phạt nước ta. Tôi sẽ đích thân hội kiến nhà vua rồi cùng bàn về sự tình này.
Lúc ấy, người tỳ nữ trong nhà Ma-ha-nam có một cô con gái dung mạo đoan chánh, hiếm có trên đời. Ma-ha-nam sai người tắm rửa, cho mặc áo đẹp, rồi dùng xe trang trí bằng lông chim quý, đưa cô ta đến chỗ Vua Ba-tư-nặc rồi tâu:
– Ðây là con gái tôi, ngài có thể thành thân với nó.
Lấy được cô gái này, Vua Ba-tư-nặc hết sức vui mừng, liền lập cô làm đệ nhất phu nhân. Ít lâu sau, phu nhân mang thai, trải qua tám, chín tháng sanh ra một đứa trẻ đoan chánh vô song, thế gian hiếm có. Vua Ba-tư-nặc liền triệu tập các thầy tướng để đặt tên cho thái tử.
Xem thái tử xong, các thầy tướng liền tâu rằng:
– Tâu Đại vương! Lúc ngài xin lập Hoàng hậu, dòng họ Thích tranh luận với nhau, có người nói “nên gả”, kẻ nói “không nên”, khiến đôi bên chia rẽ. Nay nên theo đó đặt tên là Tỳ-lưu-lặc.6
Đặt tên xong, các thầy tướng đứng dậy ra về.
Vua Ba-tư-nặc rất mực yêu thương thái tử, chưa từng rời mắt. Khi Thái tử Lưu-ly tròn tám tuổi, nhà vua bảo rằng:
– Nay con đã lớn, hãy đến thành Ca-tỳ-la-vệ học bắn cung.
Khi đó, Vua Ba-tư-nặc sai những người hầu, cỡi voi lớn đưa thái tử đến vương cung dòng họ Thích, vào nhà Ma-ha-nam rồi thưa rằng:
– Phụ thân bảo con đến đây học cách bắn cung. Cúi mong ông bà ngoại dạy dỗ mọi sự.
Ma-ha-nam bảo:
– Muốn học bắn cung thì phải siêng năng tập luyện.
Thích Ma-ha-nam liền tập hợp năm trăm trẻ con cùng học bắn cung. Lúc ấy, Thái tử Lưu-ly cùng học bắn cung với năm trăm đứa trẻ này.
Bấy giờ, trong thành Ca-tỳ-la-vệ mới dựng một giảng đường. Trời, người, ma và thiên ma đều chưa từng ở đó. Những người họ Thích nói với nhau:
– Giảng đường này vừa mới hoàn thành, sơn vẽ đã hoàn tất, không khác gì cung trời. Trước hết, chúng ta nên thỉnh Như Lai và chúng Tỳ-kheo vào đây để cúng dường, sẽ được phước vô cùng.
Khi ấy, dòng họ Thích trang hoàng giảng đường bằng các loại tọa cụ, treo kết phướn lọng, rưới dầu thơm trên đất, đốt các loại hương quý, chuẩn bị nước sạch, thắp sáng đèn đuốc. Bấy giờ, Thái tử Lưu-ly dẫn năm trăm đứa trẻ đến giảng đường, rồi leo ngay lên tòa sư tử. Thấy vậy, những người họ Thích hết sức giận dữ, liền đến nắm tay thái tử, kéo ra ngoài cửa rồi cùng nhau mắng nhiếc:
– Này đứa tiện tỳ! Chư thiên và người đời chưa có ai dám vào đây, nhà ngươi là con của tiện tỳ sao lại dám vào đây ngồi?
Rồi họ xô Thái tử Lưu-ly ngã lăn xuống đất. Thái tử Lưu-ly đứng bật dậy, ngoái nhìn phía sau rồi thở dài. Khi đó, có người con của Phạm chí tên là Hiếu Khổ đang đứng hầu, Thái tử Lưu-ly liền bảo Hiếu Khổ rằng:
– Họ Thích sỉ nhục ta như vậy, sau này nếu ta nối ngôi vua, ông nên nhắc lại chuyện này.
[0690c12] Hiếu Khổ, con của Phạm chí đáp:
– Xin tuân lệnh thái tử!
Từ đó, mỗi ngày người con của Phạm chí kia tâu thái tử ba lần:
– Hãy nhớ mối nhục họ Thích! Rồi nói kệ:
Tất cả sẽ lụi tàn,
Quả chín cũng sẽ rụng,
Hội họp ắt sẽ tan,
Có sanh thì có chết.
Ðến khi mãn duyên ở trần thế, Vua Ba-tư-nặc băng hà, Thái tử Lưu-ly lên nối ngôi vua. Phạm chí Hiếu Khổ liền tâu rằng:
– Tâu Đại vương! Hãy nhớ xưa kia bị họ Thích sỉ nhục. Vua Lưu-ly đáp:
– Lành thay, lành thay! Khéo nhớ việc cũ.
Khi ấy, Vua Lưu-ly liền nổi trận lôi đình hỏi quần thần:
– Hiện nay, ai là chúa tể của muôn dân?
Quần thần tâu:
– Muôn dân hiện nay do Đại vương thống lãnh.
Vua Lưu-ly bảo:
– Các ngươi cấp tốc chuẩn bị triệu tập bốn binh chủng.7 Ta muốn chinh phạt dòng họ Thích.
Quần thần đáp:
– Xin tuân lệnh Đại vương!
Nhận lệnh vua, quần thần liền tập hợp bốn binh chủng. Vua Lưu-ly dẫn bốn binh chủng đến nước Ca-tỳ-la-vệ.
Bấy giờ, hay tin Vua Lưu-ly chinh phạt họ Thích, chúng Tỳ-kheo liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi đứng sang một bên, đem nhân duyên này thuật lại tường tận với Ngài. Nghe xong, đức Thế Tôn liền ra tiếp đón Vua Lưu-ly. Ngài đến một cây khô không có cành lá rồi ngồi kiết-già. Từ xa, thấy đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, nhà vua liền xuống xe đến chỗ đức Phật, cúi lạy sát đất rồi đứng sang một bên.
[0691a03] Bấy giờ, Vua Lưu-ly bạch đức Thế Tôn:
– Có những cây tốt, cành lá sum suê như cây Ni-câu-lưu... Sao Ngài lại ngồi bên cội cây khô này?
Đức Thế Tôn đáp:
– Bóng của thân tộc mát hơn người ngoài.
Vua Lưu-ly liền nghĩ: “Hôm nay, đức Thế Tôn đã vì thân tộc, ta nên quay về nước mình, không nên chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ.”
Vua Lưu-ly liền cáo từ rồi lui binh. Khi ấy, Phạm chí Hiếu Khổ lại tâu vua:
– Hãy nhớ khi xưa bị họ Thích làm nhục!
Nghe xong, nhà vua lại nổi giận:
– Các ngươi mau sửa soạn xe cộ, tập hợp bốn binh chủng. Ta muốn chinh phạt Ca-tỳ-la-vệ.
Quần thần lập tức triệu tập bốn bộ binh chủng ra khỏi thành Xá-vệ đến Ca- tỳ-la-vệ chinh phạt họ Thích. Khi ấy, chúng Tỳ-kheo nghe tin liền đến bạch Thế Tôn:
– Vua Lưu-ly đang hưng binh tấn công dòng họ Thích.
Nghe vậy, đức Thế Tôn liền dùng thần túc đến bên vệ đường, tĩnh tọa bên cội cây khô. Từ xa trông thấy, nhà vua liền xuống xe đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Vua Lưu-ly thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Còn có những cây tốt sao Ngài không đến ngồi, lý do gì mà phải ngồi bên cội cây khô này?
Đức Thế Tôn đáp:
– Bóng của thân tộc mát hơn người ngoài.
Khi ấy, đức Thế Tôn liền nói kệ:
Bóng mát của thân tộc,
Phật, dòng Thích sanh ra,
Ðều cành lá của Ta,
Nên ngồi bên cây này.
Vua Lưu-ly lại nghĩ: “Đức Thế Tôn vốn xuất thân từ dòng họ Thích. Ta không nên chinh phạt mà nên lui binh về nước.”
Vua Lưu-ly liền trở về thành Xá-vệ. Phạm chí Hiếu Khổ lại tâu vua:
– Đại vương hãy nhớ khi xưa bị họ Thích làm nhục!
Nghe xong, nhà vua lại triệu tập bốn bộ binh chủng kéo ra khỏi thành Xá- vệ, đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Khi ấy, hay tin Vua Lưu-ly chinh phạt dòng họ Thích, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Tôn giả Ðại Mục-kiền-liên bạch Thế Tôn:
– Hôm nay, Vua Lưu-ly triệu tập bốn bộ binh chủng đi chinh phạt dòng họ Thích. Con có khả năng ném Vua Lưu-ly và bốn bộ binh chủng sang thế giới khác.
[0691b03] Đức Thế Tôn bảo:
– Thầy có thể ném nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích sang phương khác được chăng?
Tôn giả Mục-liên bạch Phật:
– Quả thật con không thể ném nghiệp duyên đời trước sang phương khác.
Đức Thế Tôn lại bảo Mục-liên:
– Thầy hãy về chỗ ngồi đi.
– Con có thể dời thành Ca-tỳ-la-vệ này đặt giữa hư không.
Thế Tôn bảo:
– Thầy có thể dời nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích đặt giữa hư không chăng?
Mục-liên đáp:
– Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
Đức Phật bảo Mục-liên:
– Thầy hãy về chỗ của mình!
Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên lại bạch Phật:
– Cúi mong đức Thế Tôn cho phép con lấy lồng sắt che phủ lên thành Ca- tỳ-la-vệ!
Đức Thế Tôn bảo:
– Này Mục-liên! Thầy có thể lấy lồng sắt che phủ lên nghiệp duyên đời trước chăng?
Mục-liên đáp:
– Thưa không, bạch đức Thế Tôn!
– Thầy hãy trở về chỗ đi! Hôm nay, nghiệp duyên đời trước của dòng họ Thích đã chín muồi, đã đến lúc phải lãnh thọ quả báo.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ này:
Khiến hư không thành đất,
Đất biến thành hư không,
Bị duyên xưa trói dẫn,
Nghiệp này vẫn chưa tan.
Lúc ấy, Vua Lưu-ly tiến đến thành Ca-tỳ-la-vệ. Dòng họ Thích nghe tin Vua Lưu-ly đem bốn bộ binh chủng đến công phạt, họ liền tụ tập bốn bộ binh chủng trong khoảng một do-tuần để nghinh chiến.
Khi ấy, từ khoảng cách một do-tuần, dòng họ Thích bắn tên vào Vua Lưu-ly, hoặc bắn vào tai mà không gây thương tổn đến tai, hoặc bắn vào búi tóc nhưng không tổn thương đầu, hoặc bắn cho cung gãy, hoặc bắn đứt dây cung nhưng không tổn hại đến người, hoặc bắn áo giáp nhưng không thương tổn người, hoặc bắn vào chỗ ngồi nhưng không hại người, hoặc bắn hỏng bánh xe nhưng không thương tổn người, hoặc làm gãy cờ xí nhưng không hại người.
Bấy giờ, Vua Lưu-ly thấy việc này liền sợ hãi nên bảo quần thần:
– Các khanh xem cung tên này từ đâu bay tới?
Quần thần đáp:
– Do các Thích tử bắn cách đây một do-tuần.
Vua Lưu-ly bảo:
– Nếu họ cố ý muốn hại ta thì chúng ta đã chết cả rồi! Hãy mau trở về Xá-vệ!
Bấy giờ, Phạm chí Hiếu Khổ đến tâu rằng:
– Ðại vương chớ sợ! Những Thích tử này đều trì giới, côn trùng còn chẳng làm hại huống là hại người. Nay ta nên tiến quân ắt có thể tiêu diệt được họ Thích.
[0691c02] Vua Lưu-ly đưa quân tiến về phía họ Thích. Dòng họ Thích rút vào trong thành. Vua Lưu-ly ở ngoài thành truyền lệnh rằng:
– Các ngươi mau mở cổng thành! Nếu không tuân lệnh, ta sẽ đánh chiếm và giết sạch các ngươi!
Bấy giờ, trong thành Ca-tỳ-la-vệ có đứa trẻ họ Thích, tuổi mới mười lăm tên là Xa-ma, nghe Vua Lưu-ly đang ở ngoài cửa liền mặc giáp, cầm gậy, lên trên thành một mình quyết chiến với Vua Lưu-ly. Khi ấy, đồng tử Xa-ma giết hại nhiều binh lính khiến họ chạy tán loạn và tự hỏi:
– Ðây là người nào? Là trời hay là quỷ thần? Nhìn từ xa trông giống như đứa bé.
Lúc ấy, Vua Lưu-ly quá sợ hãi liền vào hang trú ẩn.
Khi ấy, dòng họ Thích nghe binh lính của Vua Lưu-ly bị hại, họ liền gọi đồng tử Xa-ma đến bảo rằng:
– Ngươi tuổi còn nhỏ, cớ sao dám làm nhục gia phong chúng ta? Lẽ đâu chẳng biết họ Thích thực hành pháp lành? Chúng ta đã không thể hại côn trùng huống là mạng người? Chúng ta có thể tiêu diệt quân lính này, một người địch muôn người, nhưng đã nghĩ rằng: “Như vậy là giết hại chúng sanh nhiều không kể xiết.” Thế Tôn đã dạy: “Phàm ai giết mạng người, chết sẽ đọa địa ngục. Nếu sanh trong loài người, thọ mạng sẽ ngắn ngủi.” Ngươi mau đi đi, không được ở đây nữa.
Khi ấy, đồng tử Xa-ma liền đi ra khỏi nước, không trở lại Ca-tỳ-la-vệ nữa.
Vua Lưu-ly lại đến giữa cửa bảo người gác thành rằng:
– Hãy mau mở cửa thành, chớ để ta đợi lâu!
Khi ấy, những người dòng họ Thích vẫn đang phân vân: “Nên mở cửa thành hay không?”
Bấy giờ, Tệ ma Ba-tuần ở trong họ Thích, biến thành một Thích tử và bảo:
– Các ông nên mở cửa thành, chớ để hôm nay cùng chịu khổ nạn!
Họ Thích liền cho mở cửa thành. Khi ấy, Vua Lưu-ly liền bảo quần thần:
– Dân chúng họ Thích rất đông, đao kiếm không thể tàn sát hết được, hãy bắt tất cả binh lính chôn chân trong đất, rồi sau cho voi dữ giày chết.
Bấy giờ, quần thần vâng lệnh vua, liền cho voi giày chết cả. Vua Lưu-ly ra lệnh quần thần:
– Các khanh hãy chọn cho ta năm trăm thiếu nữ dung nhan xinh đẹp của họ Thích!
Tuân lệnh vua, quần thần liền chọn năm trăm cô gái đoan chánh đem đến chỗ vua. Khi ấy, Thích Ma-ha-nam đến chỗ Vua Lưu-ly rồi bảo rằng:
– Xin cho tôi một ân huệ!
[0692a02] Vua Lưu-ly nói:
– Ông cần ân huệ gì?
Ma-ha-nam bảo:
– Tôi sẽ lặn xuống nước, trong khoảng thời gian đó, hãy cho những người họ Thích được chạy trốn! Đến khi tôi ngoi lên mặt nước thì các ông cứ tùy ý chém giết.
Vua Lưu-ly nói:
– Việc này hợp lý!
Thích Ma-ha-nam liền nhảy xuống nước, cột tóc vào gốc cây để tự vẫn. Khi ấy, những người họ Thích trong thành Ca-tỳ-la-vệ, ra từ cửa Ðông lại đi vào cửa Nam, hoặc ra từ cửa Nam lại đi vào cửa Bắc, hoặc ra từ cửa Tây lại đi vào cửa Bắc. Bấy giờ, Vua Lưu-ly bảo quần thần:
– Tổ phụ Ma-ha-nam cớ sao lại ẩn dưới nước đến giờ chưa ngoi lên?
Các quần thần nghe lệnh vua, nhảy xuống nước kéo Ma-ha-nam lên nhưng ông đã chết.
Chứng kiến cái chết của Ma-ha-nam, Vua Lưu-ly cảm thấy hối hận và bảo:
– Ông ngoại của ta đã chết vì yêu thân tộc. Ta không biết trước nên để ông tự vẫn. Nếu biết thế, ta không bao giờ chinh phạt họ Thích.
Khi ấy, Vua Lưu-ly đã giết chín ngàn chín trăm chín mươi vạn người, máu chảy thành sông, thiêu rụi thành Ca-tỳ-la-vệ, rồi đến vườn Ni-câu-lưu.8 Bấy giờ, Vua Lưu-ly bảo năm trăm cô gái họ Thích rằng:
– Các khanh yên tâm, chớ có sầu lo, ta là phu quân của các khanh, các khanh là thê thiếp của ta, hãy cùng vui chơi thỏa thích!
Khi ấy, Vua Lưu-ly liền vung tay bắt một cô, muốn đùa cợt. Cô gái hỏi:
– Ðại vương muốn làm gì vậy?
Vua đáp:
– Muốn cùng cô giao tình!
Cô gái đáp:
– Sao ta phải cộng giao với con của nô tỳ?
Vua Lưu-ly vô cùng giận dữ, ra lệnh cho quần thần:
– Mau đem cô gái này chặt tay chân rồi quẳng xuống hầm sâu!
Quần thần tuân lệnh vua chặt tay chân cô gái, quẳng cô xuống hầm. Năm trăm cô gái đều mắng nhiếc vua:
– Tiếc gì mạng sống mà phải thông giao với con của nô tỳ?
Vua giận dữ bắt hết năm trăm cô gái chặt tay chân và xô xuống hầm sâu. Sau khi đã phá hủy hết Ca-tỳ-la-vệ rồi, Vua Lưu-ly liền trở về thành Xá-vệ.
Bấy giờ, Thái tử Kỳ-đà ở trong thâm cung vui đùa cùng kỹ nữ. Vua Lưu-ly nghe tiếng đàn hát liền hỏi:
– Âm thanh gì vang vọng đến đây?
[0692b01] Quần thần tâu:
– Đó là tiếng ca múa, đàn hát vui chơi của Vương tử Kỳ-đà ở trong thâm cung.
Vua Lưu-ly liền sai người hầu:
– Hãy quay voi đến chỗ Vương tử Kỳ-đà!
Từ xa trông thấy vua đến, người giữ cửa liền tâu:
– Đại vương hãy thong thả, Vương tử Kỳ-đà đang vui thú năm dục ở trong cung, xin chớ quấy nhiễu!
Vua Lưu-ly liền rút gươm giết người giữ cửa. Vương tử Kỳ-đà nghe Vua Lưu-ly đứng ở ngoài cửa, chẳng kịp từ giã kỹ nữ, liền đi ra ngoài để vấn an:
– Quý hóa thay vì Đại vương đến! Mời ngài vào đây tạm nghỉ ngơi.
Vua Lưu-ly bảo:
– Ngươi không biết ta đánh nhau với họ Thích sao?
Kỳ-đà đáp:
– Có nghe!
Vua Lưu-ly nói:
– Sao ngươi vui đùa với kỹ nữ mà không chịu giúp ta?
Vương tử Kỳ-đà đáp:
– Ta không thể giết hại mạng sống chúng sanh.
Vua Lưu-ly hết sức giận dữ, rút gươm chém chết Vương tử Kỳ-đà. Sau khi qua đời, Vương tử Kỳ-đà sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba, lại vui chơi cùng năm trăm thiên nữ.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn quán sát, thấy Vương tử Kỳ-đà qua đời đã sanh lên cõi trời Ba Mươi Ba, liền nói kệ này:
Phẩm hạnh của Kỳ-đà,
Cõi trời, người hưởng phước,
Làm lành sau hưởng quả,
Do hạnh nghiệp hiện đời.
Trước lo, sau cũng lo,
Lưu-ly lo hai nơi,
Làm ác sau chịu khổ,
Do hạnh nghiệp hiện đời.
Nên nương vào phước lực,
Trước sau làm không ngưng,
Hoặc riêng một mình làm,
Hoặc làm người chẳng biết.
Làm ác biết ác báo,
Trước sau làm như nhau,
Hoặc riêng một mình làm,
Hoặc làm không ai biết.
Trong trời, người hưởng phước,
Phước dày cả hai nơi,
Làm lành sau hưởng quả,
Do hạnh nghiệp hiện đời.
Trước lo, sau cũng lo,
Làm ác lo hai nơi,
Làm ác sau thọ khổ,
Do hạnh nghiệp hiện đời.
[0692c01] Bấy giờ, năm trăm cô gái họ Thích nhớ đến đức Phật, kêu gào danh hiệu Như Lai và than:
– Như Lai xuất thân ở đây, cũng từ đây xuất gia học đạo, về sau thành Phật, thế mà hôm nay chẳng thấy Ngài nhớ nghĩ đến chúng con, chẳng biết chúng con gặp khổ não, chịu đau đớn cùng tột này. Thế Tôn vì sao không thấy, không nghĩ đến chúng con?
Bấy giờ, bằng thiên nhĩ thông suốt, Thế Tôn nghe các cô gái dòng họ Thích than oán với Ngài. Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy đến đây, cùng Như Lai đi thăm Ca-tỳ-la-vệ và những người thân vừa qua đời.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, bạch đức Thế Tôn!
Bấy giờ, Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo ra khỏi thành Xá-vệ đến Ca-tỳ-la-vệ. Từ xa, trông thấy Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến, năm trăm cô gái họ Thích đều rất hổ thẹn.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân và Thiên vương Tỳ-sa-môn đứng quạt hầu sau Thế Tôn. Đức Thế Tôn quay lại bảo Thích-đề-hoàn nhân:
– Những cô gái họ Thích này đều rất hổ thẹn.
Thích-đề-hoàn-nhân đáp:
– Ðúng vậy, bạch Thế Tôn!
Thích-đề-hoàn-nhân liền lấy y trời trùm lên thân thể năm trăm cô gái này.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Thiên vương Tỳ-sa-môn:
– Các cô gái này đói khát lâu ngày, ông nên làm điều gì cho thuận hợp.
Thiên vương Tỳ-sa-môn bạch Phật:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Rồi Thiên vương Tỳ-sa-môn liền bày biện các thức ăn tự nhiên của cõi trời làm cho các cô gái họ Thích đều được no đủ. Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp vi diệu cho họ nghe. Ngài dạy:
– Con người hay vạn vật đều phải ly tán, đã hội ngộ tất phải biệt ly. Các cô nên biết, năm thủ uẩn này đều phải chịu các đau khổ, phiền não, đọa trong năm đường. Phàm thọ thân năm thủ uẩn, ắt sẽ chịu nghiệp báo này, đã có nghiệp báo liền có thọ thai, đã thọ thai thì phải chịu quả báo khổ vui. Nếu không có năm thủ uẩn thì không thọ thân nữa. Nếu không thọ thân thì không có sanh. Vì không sanh nên sẽ không già, vì không già thì không có bệnh, đã không có bệnh thì không chết, đã không có chết thì không có khổ não vì hội họp biệt ly. Thế nên, các cô nên nhớ nghĩ sự biến đổi thành bại của năm ấm này. Sở dĩ như thế, vì khi biết năm ấm thì biết năm dục, đã biết năm dục thì biết ái pháp,9 đã biết ái pháp thì biết pháp nhiễm trước. Biết các điều này rồi thì không tái sanh nữa, đã không tái sanh thì không sanh, già, bệnh, chết.
Bấy giờ, Thế Tôn lại tuần tự thuyết pháp này cho các cô gái họ Thích. Ngài giảng nói về bố thí, về trì giới, về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, giải thoát là an vui. Bấy giờ, Thế Tôn quán sát tâm ý của các cô gái này đã khai mở, Ngài liền thuyết giảng cho họ về những pháp khổ, tập, diệt, đạo, như pháp mà chư Phật, Thế Tôn đều thuyết.
Bấy giờ, các cô gái sạch hết trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh, lâm chung ngay tại đó và đều được sanh lên cõi trời.
[0693a06] Khi ấy, Thế Tôn đến cửa thành phía Ðông, thấy khói lửa ngùn ngụt, liền nói kệ này:
Tất cả hành vô thường,
Có sanh ắt có tử,
Không sanh thì không tử,
Tịch diệt, vui tối thượng.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tất cả các thầy hãy đến vườn Ni-câu-lưu, theo thứ lớp mà ngồi!
Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ðây là vườn Ni-câu-lưu. Thuở xưa, Ta ở đây thuyết giảng giáo pháp cho các Tỳ-kheo nhưng ngày nay trống vắng chẳng có bóng người! Ngày xưa hàng ngàn vạn chúng ở đây đắc đạo, được Pháp nhãn thanh tịnh. Từ đây về sau, Như Lai chẳng còn đến đây nữa!
Thế Tôn thuyết pháp xong thì cùng các Tỳ-kheo rời khỏi chỗ ngồi đi đến Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Sau bảy ngày nữa, Vua Lưu-ly và binh lính chẳng còn một ai.
Bấy giờ, Vua Lưu-ly nghe Thế Tôn dự ký rằng nhà vua và quân lính sau bảy ngày sẽ chẳng còn một ai, liền khiếp sợ, bảo quần thần:
– Nay Như Lai đã dự ký rằng Vua Lưu-ly chẳng còn ở đời lâu, sau bảy ngày sẽ cùng binh lính bị tận diệt. Các khanh hãy quan sát ngoài biên cương xem có các nạn giặc cướp, nước, lửa hay nguy biến đến xâm phạm đất nước chăng? Vì sao như vậy? Vì chư Phật, Như Lai không có hai lời, những gì nói ra chắc chắn không sai.
Bấy giờ, Phạm chí Hiếu Khổ tâu:
– Đại vương chớ sợ hãi! Nay bên ngoài không có giặc cướp đáng sợ, cũng không có nạn nước, lửa hay nguy biến, nên Đại vương cứ thỏa thích hưởng lạc.
Vua Lưu-ly nói:
– Phạm chí nên biết, chư Phật, Thế Tôn không bao giờ sai lời.
Vua Lưu-ly sai người đếm ngày, đến đầu ngày thứ bảy, đại vương vô cùng mừng rỡ, phấn khởi tột cùng, liền dẫn các binh chủng cùng các thể nữ đến bên bờ sông A-chi-la10 vui chơi rồi nghỉ ở đó. Nửa đêm, mây đen bất ngờ kéo đến, gió giật mưa tuôn, Vua Lưu-ly và quân lính bị nước cuốn trôi, chẳng ai sống sót, sau khi chết rồi, đọa vào trong địa ngục A-tỳ. Cung điện, thành quách lại bị lửa trời thiêu rụi.
[0693b04] Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn quan sát thấy Vua Lưu-ly và bốn bộ binh chủng bị nước cuốn trôi, chết đọa địa ngục.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Tạo nghiệp ác cùng cực,
Do thân, miệng khiến xui,
Thân khổ não gian truân,
Thọ mạng cũng ngắn ngủi.
Lúc sống ở nhân gian,
Lửa khổ đau thiêu đốt,
Khi thọ mạng không còn,
Ắt đọa vào địa ngục.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Vua Lưu-ly và bốn bộ binh chủng đã qua đời rồi sanh về đâu?
Thế Tôn bảo:
– Vua Lưu-ly bị đọa vào trong địa ngục A-tỳ.
Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Dòng họ Thích thuở xưa tạo nhân duyên gì mà ngày nay bị Vua Lưu-ly làm hại?
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, trong thành La-duyệt này có một làng đánh cá. Khi ấy gặp thời đói kém cùng cực, dân chúng phải ăn rễ cây để sống, giá một đấu vàng bằng một đấu gạo. Khi ấy trong làng có ao nước lớn có rất nhiều cá. Dân chúng trong thành La-duyệt đều đến bắt ăn. Lúc đó, trong ao có hai con cá. Một tên Câu Tỏa, hai tên Lưỡng Thiệt, chúng bảo với nhau: “Ta đâu lầm lỗi với những người này, ta vốn là loài phải sống trong nước, không sống trên bờ, nay không duyên cớ, bọn họ kéo đến ăn thịt chúng ta. Nếu trong đời trước có bao phước đức, ta sẽ dùng hết, quyết trả thù này.”
Khi đó trong làng có một đứa bé vừa tròn tám tuổi. Nó không đánh bắt cũng không giết cá, nhưng khi thấy cá chết la liệt quanh bờ ao thì đứa bé đó vui mừng hớn hở.
– Tỳ-kheo nên biết! Các thầy đừng nghĩ dân chúng trong thành La-duyệt thuở ấy là ai xa lạ mà chính là những người họ Thích hôm nay. Con cá Câu Tỏa lúc đó, nay là Vua Lưu-ly. Con cá Lưỡng Thiệt lúc đó, nay là Phạm chí Hiếu Khổ. Ðứa bé thấy cá trên bờ liền mừng rỡ lúc đó, nay chính là Ta. Họ Thích thuở xưa, bắt cá giết ăn, bởi nghiệp duyên này nên phải đọa vào địa ngục đã vô số kiếp, ngày nay cũng phải trả món nợ xưa. Thuở ấy Ta thấy, sanh lòng cười vui, do nghiệp duyên đó nên nay đầu Ta đau như đá đè, tựa hồ dùng đầu đội núi Tu-di. Vì sao như thế? Vì Như Lai đã không còn thọ thân, xả bỏ tạo tác,11 qua hết ách nạn. Vậy nên, này các Tỳ-kheo! Do nhân duyên này nên nay phải chịu quả báo như vậy. Các Tỳ-kheo nên giữ gìn hành động của thân, miệng và ý, nên nhớ cung kính thừa sự người Phạm hạnh.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nên biết thiên tử khi sắp mạng chung sẽ có năm điềm báo ứng hiện ra trước. Là năm điềm nào? Một là hoa trên mũ héo. Hai là y phục dơ bẩn. Ba là thân thể hôi hám. Bốn là không thích chỗ ngồi của mình. Năm là thiên nữ lảng tránh xa. Ðó là năm điềm báo ứng của thiên tử lúc sắp mạng chung. Bấy giờ, thiên tử hết sức sầu lo, đấm ngực than khóc. Khi ấy, các thiên tử khác đến chỗ thiên tử này rồi bảo:
Tương lai ông có thể sanh vào cõi lành, đã sanh cõi lành, ắt được thiện lợi, đã được thiện lợi nên nhớ an trú nơi thiện nghiệp.
Khi đó, các vị trời khuyên nhủ thiên tử như thế.
Bấy giờ, có một Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Trời Ba Mươi Ba được sanh cõi lành là thế nào? Thế nào là chóng được thiện lợi? Thế nào là an trú nơi thiện nghiệp?
Thế Tôn dạy:
– Đối với chư thiên, cõi người là cõi lành. Ðược thiện lợi là được sanh vào nhà chánh kiến, thân cận bậc thiện tri thức, có tín căn trong pháp Như Lai. Ðó gọi là ắt được thiện lợi. Thế nào gọi là an trú thiện nghiệp? Đã có tín căn đối với pháp Như Lai, cạo bỏ râu tóc, do lòng tin kiên cố nên xuất gia học đạo. Khi đã học đạo, giới tánh đầy đủ, các căn toàn vẹn, ăn uống tiết độ, siêng năng kinh hành, chứng đắc Tam minh, như thế gọi là an trú thiện nghiệp.
Thế Tôn liền nói kệ này:
Người, cõi lành của trời,
Bạn tốt là thiện lợi,
Xuất gia là nghiệp lành,
Dứt lậu, thành vô lậu.
[0694a02] Tỳ-kheo nên biết, trời Ba Mươi Ba tham đắm vào năm dục. Họ cho rằng cõi người là cõi lành, ở trong pháp Như Lai được xuất gia, thực hành thiện lợi mà được Tam minh.13 Vì sao như thế? Chư Phật, Thế Tôn đều xuất hiện ở cõi người, chẳng phải do nơi cõi trời mà đạt được. Thế nên, Tỳ-kheo! Qua đời ở cõi này sẽ sanh lên cõi trời.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia bạch Thế Tôn:
– Thế nào gọi là Tỳ-kheo sẽ sanh về cõi lành?
Thế Tôn dạy:
– Niết-bàn là cõi lành của Tỳ-kheo. Này Tỳ-kheo, các thầy nên tìm cầu phương tiện để đạt Niết-bàn!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Sa-môn xuất gia có năm điều bị khinh chê. Là năm điều nào? Một là để tóc dài. Hai là để móng tay dài. Ba là y phục bẩn thỉu. Bốn là chẳng biết thời nghi. Năm là bàn luận quá nhiều.
Vì sao như thế? Vì Tỳ-kheo bàn luận nhiều lại có năm điều. Là năm điều nào? Một là nói không ai tin. Hai là chẳng ai nghe mình dạy. Ba là không ai muốn gặp. Bốn là nói dối. Năm là tranh đấu lẫn nhau.
Người bàn luận nhiều có năm điều như vậy. Tỳ-kheo nên từ bỏ năm điều này, không nên suy nghĩ sai lệch!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Khi đó, Vua Tần-bà-sa-la16 ra lệnh cho quần thần:
– Mau sửa soạn cỗ xe gắn lông chim quý17 để trẫm đến thành Xá-vệ thăm viếng đức Thế Tôn!
Tuân lệnh vua, quần thần sửa soạn xe xong, đến trước vua, tâu:
– Xe đã sẵn sàng, xin Bệ hạ ngự giá!
Bấy giờ, Vua Tần-bà-sa-la lên xe quý ra khỏi thành La-duyệt đi đến thành Xá-vệ, đến nơi rồi vào tinh xá Kỳ Hoàn. Phàm theo pháp của vị vua Quán đảnh phải luôn có năm sự tôn nghiêm, vua đều cởi bỏ sang một bên, đi đến trước Thế Tôn đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Khi ấy, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp vi diệu cho vua. Nghe pháp xong, nhà vua bạch đức Thế Tôn:
– Cúi mong đức Như Lai hãy an cư tại thành La-duyệt, con sẽ cúng dường y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men trị bệnh!
[0694b02] Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Vua Tần-bà- sa-la. Biết Thế Tôn yên lặng nhận lời thỉnh rồi, vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân, đi nhiễu ba vòng rồi hồi cung, trở về thành La-duyệt. Khi ấy, Vua Tần-bà-sa-la ở nơi vắng vẻ chợt nghĩ: “Ta đủ sức cúng dường Như Lai và chúng Tỳ-kheo cho đến trọn đời về y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men, nhưng cũng nên đoái thương những người thấp kém khác.”
Thế rồi, Vua Tần-bà-sa-la bảo các quần thần:
– Hôm qua, trẫm suy nghĩ như vầy: “Ta đủ sức cúng dường Như Lai và chúng Tỳ-kheo cho đến trọn đời về y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men, nhưng cũng nên đoái thương những người thấp kém khác.” Các khanh nên dốc sức, thay nhau dâng cúng thực phẩm cho Như Lai và chư Hiền, sẽ được hưởng phước lâu dài không cùng tận.
Khi ấy, vua nước Ma-kiệt liền xây một giảng đường lớn trước cung điện, lại bày biện vật dụng đựng thức ăn.
Bấy giờ, Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo ra khỏi nước Xá-vệ, du hóa trong nhân gian, dần dần đến Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thành La-duyệt. Nghe Thế Tôn đến Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, Vua Tần-bà-sa-la liền lên xe quý đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn:
– Con ở chỗ nhàn vắng suy nghĩ như vầy: “Nay ta có thể cúng dường y phục, thực phẩm, giường đệm, thuốc men, rồi nhớ đến người thấp kém khác”, con liền bảo quần thần: “Các khanh nên đích thân sắm sửa thực phẩm, thay nhau cúng dường thức ăn lên Phật.” Kính bạch Thế Tôn, việc này có nên làm chăng?
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay! Ðại vương đã tạo nhiều lợi ích. Vì trời, người mà làm ruộng phước.
Vua Tần-bà-sa-la bạch Thế Tôn:
– Cúi mong Thế Tôn ngày mai vào cung thọ thực!
Lúc ấy, thấy Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu. Vua Tần-bà-sa-la liền đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra.
Sáng hôm sau, Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành đi đến cung vua, mỗi người ngồi theo thứ lớp. Khi ấy, nhà vua sửa soạn món ăn trăm vị, tự tay dâng cúng, chú tâm hoan hỷ. Khi thấy Thế Tôn thọ thực xong, đã dọn rửa bát, nhà vua liền đặt một ghế thấp rồi ngồi trước Như Lai.
[0694c03] Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp vi diệu, khiến nhà vua phát tâm hoan hỷ. Thế Tôn lại thuyết pháp vi diệu cho vua và các đại thần như bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, dâm dục là xấu ác, giải thoát là an vui.
Khi biết tâm của các chúng sanh này đã khai mở, không còn hoài nghi, Thế Tôn liền thuyết giảng cho họ về khổ, tập, diệt, đạo, như pháp mà chư Phật thường giảng nói. Hơn sáu mươi người liền dứt sạch các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Sáu mươi đại thần và năm trăm thiên nhân cũng xa lìa các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ tụng cho Vua Tần-bà-sa-la và đại chúng:
Tế tự, lửa trên hết,
Kinh thư, tụng dẫn đầu,
Loài người, vua quý nhất,
Biển là nguồn muôn sông.
Giữa ánh sáng trăng, sao,
Mặt trời rực rỡ nhất,
Trên, dưới và bốn phương,
Khắp hết thảy vạn vật.
Cõi trời cùng loài người,
Phật, bậc tôn quý nhất,
Ai muốn cầu phước đức,
Nên phụng sự chư Phật.18
Nói kệ này rồi, Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy trở về. Bấy giờ, dân chúng trong thành La-duyệt, tùy theo gia cảnh sang hèn, người nhiều kẻ ít đều cúng dường thức ăn đến Phật và chúng Tỳ-kheo.
Bấy giờ, đức Phật ở Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, dân chúng trong thành này đều cúng dường Ngài. Đến lượt các Phạm chí trong thành La-duyệt cúng thức ăn. Lúc đó, họ nhóm họp lại một chỗ và cùng nhau bàn luận:
– Mỗi người nên bỏ ra ba lượng tiền vàng để sắm sửa vật thực cúng dường.
Bấy giờ, trong thành La-duyệt có Phạm chí Kê-đầu rất mực nghèo khó, chỉ đủ đắp đổi qua ngày, không có tiền để nộp, liền bị các Phạm chí trục xuất ra khỏi chúng. Khi ấy, Phạm chí Kê-đầu trở về nhà bảo vợ:
– Này bà! Ta bị các Phạm chí xua đuổi, không cho ở trong chúng. Vì sao ư? Vì ta không có tiền.
[0695a01] Người vợ bảo:
– Ông hãy vào thành vay mượn người ta, ắt cũng sẽ có. Rồi khất chủ nợ: “Bảy ngày sau sẽ trả, nếu không trả được thì vợ chồng tôi sẽ làm tôi tớ.”
Nghe lời vợ, Phạm chí liền vào trong thành, đi khắp nơi hỏi mượn, nhưng chẳng ai cho, trở về bảo vợ:
– Ta không vay mượn được, làm sao bây giờ?
Người vợ nói:
– Phía Ðông thành La-duyệt có đại trưởng giả tên Bất-xà-mật-đa-la lắm tiền nhiều của, có thể đến vay ông ấy, bảo rằng: “Hãy đồng ý cho vay ba lượng tiền vàng, sau bảy ngày sẽ đem trả lại. Nếu không trả được, vợ chồng tôi sẽ làm tôi tớ.”
Nghe theo lời vợ, Phạm chí đến nhà Bất-xà-mật-đa-la để mượn tiền vàng, bảo rằng: “Nội trong bảy ngày sẽ đem trả, nếu không thể thì vợ chồng tôi sẽ đem thân làm tôi tớ.”
Bất-xà-mật-đa-la liền đưa tiền cho. Phạm chí Kê-đầu liền đem số tiền này về nói với vợ:
– Ðã vay được tiền, ta phải nên làm gì?
Người vợ bảo:
– Nên đem tiền này nộp cho chúng Phạm chí!
Phạm chí cầm tiền đến chúng nộp. Các Phạm chí kia bảo:
– Chúng tôi đã sắm sửa đầy đủ rồi, ông hãy đem tiền về đi, ở đây không cần nữa!
Phạm chí liền trở về nhà, thuật lại với vợ. Người vợ bảo:
– Hai chúng ta cùng đến chỗ đức Thế Tôn để thưa trình thiển ý.
Bấy giờ, Phạm chí cùng vợ đến chỗ Thế Tôn, vấn an Ngài rồi ngồi sang một bên. Người vợ cũng đảnh lễ sát chân Phật và ngồi một bên. Khi ấy, Phạm chí đem chuyện này bạch đức Thế Tôn. Thế Tôn bảo Phạm chí:
– Ông hãy bày biện thực phẩm để cúng dường Như Lai và chúng Tỳ-kheo!
Phạm chí liền bàn bạc với vợ. Người vợ đáp:
– Hãy vâng theo lời Phật dạy, chớ có nghi ngờ!
Bấy giờ, Phạm chí đứng dậy đến trước Phật, thưa:
– Cúi mong Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo hãy nhận lời mời của con!
Thế Tôn im lặng nhận lời.
Lúc đó, Thích-đề-hoàn-nhân đang chắp tay đứng hầu sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn quay lại bảo:
– Ông hãy giúp vị Phạm chí này sửa soạn thức ăn!
Thích-đề-hoàn-nhân bạch Phật:
– Xin vâng, bạch Thế Tôn!
[0695b01] Thế rồi, cách Như Lai không xa, Thiên vương Tỳ-sa-môn dẫn theo các chúng quỷ thần đông không tính kể, quạt hầu Thế Tôn. Thích-đề-hoàn- nhân bảo Thiên vương Tỳ-sa-môn:
– Ông cũng nên giúp vị Phạm chí này sửa soạn phẩm vật!
Tỳ-sa-môn đáp:
– Xin vâng, thưa Thiên vương!
Thiên vương Tỳ-sa-môn đến trước Phật đảnh lễ sát chân, nhiễu Phật ba vòng, rồi tự ẩn thân trời, hiện thành hình người, cùng năm trăm quỷ thần sửa soạn thức ăn. Lúc đó, Thiên vương Tỳ-sa-môn bảo các quỷ thần:
– Các ông hãy mau đến rừng chiên-đàn, lấy gỗ chiên-đàn [mang về dựng nhà bếp]!
Bấy giờ, trong nhà bếp có năm trăm quỷ thần cùng sửa soạn thức ăn.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân bảo thiên tử Tự Tại:
– Hôm nay, Tỳ-sa-môn đã dựng nhà bếp để chuẩn bị thức ăn dâng Phật và chúng Tỳ-kheo. Ông hãy hóa làm giảng đường để Phật và chúng Tỳ-kheo thọ trai trong đó.
Thiên tử Tự Tại đáp:
– Việc này rất tốt!
Khi ấy, nghe lời Thích-đề-hoàn-nhân, thiên tử Tự Tại liền hóa ra một giảng đường bảy báu, gần thành La-duyệt. Bảy báu là vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly, mã não, xích châu và xà cừ. Lại hóa làm bốn cầu thang bằng vàng, bạc, thủy tinh và lưu ly. Trên cầu thang vàng hóa làm cây bạc, trên cầu thang bạc hóa làm cây vàng; rễ vàng, thân bạc, cành bạc, lá bạc. Nếu ở trên cầu thang vàng thì hóa làm lá bạc, cành bạc. Trên cầu thang thủy tinh hóa làm cây lưu ly, cũng đủ các loại không thể tính kể. Lại dùng đủ loại báu chất ở giữa, bảy báu trùm lên trên, bốn phía đều treo các linh vàng lộng lẫy. Các linh đó đều phát ra tám loại âm thanh. Lại hóa ra giường ghế tốt, trải đệm tốt đẹp, treo kết cờ phướn, lọng dù, hiếm có ở đời. Họ lại dùng Ngưu Đầu chiên-đàn đốt lửa nấu thức ăn, khiến mười hai do-tuần ở gần thành La-duyệt ngào ngạt hương thơm. Vua nước Ma-kiệt bảo các quần thần:
– Ta lớn lên trong thâm cung, chưa từng ngửi thấy mùi hương này. Bên thành La-duyệt do đâu lại thoảng mùi hương này?
Quần thần tâu vua:
– Đây là hương thơm của gỗ chiên-đàn cõi trời được đốt từ nhà bếp của Phạm chí Kê-đầu. Mùi hương hiếm lạ này từ loại gỗ đó.
Vua Tần-bà-sa-la bảo các quần thần:
– Mau sửa soạn xe quý, ta muốn đến chỗ Thế Tôn thưa hỏi nguyên do này!
[0695c01] Các quần thần đáp vua:
– Xin vâng, thưa Đại vương!
Vua Tần-bà-sa-la liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi đứng sang một bên. Thấy trong nhà bếp có năm trăm người đang chế biến thức ăn, nhà vua hỏi:
– Ai là người sửa soạn thực phẩm này vậy?
Các quỷ thần hình người đáp:
– Phạm chí Kê-đầu thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo nên sửa soạn để cúng dường. Quốc vương lại thấy ở xa có giảng đường cao rộng, liền hỏi người hầu:
– Ai đã tạo lập giảng đường này? Thuở xưa chưa có? Ai đã dựng nên?
Quần thần đáp:
– Chúng thần không biết việc này!
Khi ấy, Vua Tần-bà-sa-la nghĩ: “Ta nên đến chỗ Thế Tôn thưa hỏi điều này, vì Phật, Thế Tôn thông tỏ mọi sự việc.”
Bấy giờ, Vua Tần-bà-sa-la nước Ma-kiệt đến chỗ Thế Tôn cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Nhà vua thưa:
– Thưa Thế Tôn! Trước đây không có giảng đường cao rộng này, sao nay lại xuất hiện? Ngày xưa chẳng thấy nhà bếp này, hôm nay lại thấy? Chúng được làm bằng gì và do ai biến hóa ra?
Thế Tôn bảo:
– Ðại vương nên biết! Thiên vương Tỳ-sa-môn tạo dựng nhà bếp, thiên tử Tự Tại lập giảng đường này.
Vừa nghe việc đó, vua nước Ma-kiệt cảm động buồn khóc, chẳng thể cầm lòng. Thế Tôn liền hỏi:
– Ðại vương! Vì sao lại rơi lệ sầu thương đến thế?
Vua Tần-bà-sa-la thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Con không dám buồn khóc, chỉ nghĩ đến nhân loại đời sau chẳng gặp được bậc Thánh ra đời. Người đời sau bỏn xẻn, tham đắm tài vật chẳng có oai đức, ngay cả tên của báu vật kỳ diệu này còn chưa được nghe, huống là được thấy? Nay nhờ ân đức Như Lai mà có sự biến hóa lạ lùng này xuất hiện ở đời, thế nên con cảm động buồn khóc.
Thế Tôn bảo:
– Đời sau, quốc vương và dân chúng chẳng thể thấy được sự biến hóa này.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho quốc vương, khiến phát tâm hoan hỷ. Vua nghe pháp rồi liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui ra. Lúc ấy, Thiên vương Tỳ-sa-môn bảo Phạm chí Kê-đầu:
– Ông đưa bàn tay phải ra!
Kê-đầu liền xòe bàn tay phải. Thiên vương Tỳ-sa-môn trao cho một thỏi vàng rồi bảo:
– Hãy ném thỏi vàng này xuống đất!
Phạm chí ném thỏi vàng xuống đất, nó liền biến thành trăm ngàn lượng vàng. Thiên vương Tỳ-sa-môn bảo:
– Hãy đem số vàng này vào trong thành mua đủ loại thực phẩm đem về đây.
[0696a01] Vâng lời Thiên vương, Phạm chí liền đem vàng vào thành mua sắm đủ các loại thực phẩm đem về nhà bếp. Khi ấy, Thiên vương Tỳ-sa-môn tắm rửa cho Phạm chí, cho mặc y phục sang trọng, tay bưng lư hương rồi dạy lời thỉnh cho Phạm chí:
– Giờ đã đến, nay đã đúng thời. Mong Thế Tôn lân mẫn!
Khi ấy, Phạm chí vâng lời tay bưng lư hương, thưa:
– Ðã đến giờ, cúi mong [Thế Tôn] lân mẫn!
Biết đã đúng thời, Thế Tôn đắp y, ôm bát cùng chúng Tỳ-kheo đi đến giảng đường rồi ngồi theo thứ lớp. Chúng Tỳ-kheo-ni cũng tuần tự ngồi theo thứ tự. Phạm chí Kê-đầu thấy thức ăn rất nhiều mà chúng Tăng lại ít, liền đến trước bạch Thế Tôn:
– Hôm nay, phẩm vật cúng dường quá nhiều mà chúng Tỳ-kheo lại ít, con chưa biết phải xử lý ra sao?
Thế Tôn bảo:
– Này Phạm chí! Ông hãy bưng lư hương lên trên đài cao, hướng về Ðông, Tây, Nam và Bắc rồi thưa rằng: “Hết thảy đệ tử của Phật Thích-ca được sáu thần thông, lậu tận A-la-hán, kính thỉnh các ngài vân tập về giảng đường này.”
Phạm chí bạch:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Vâng lời Phật dạy, Phạm chí liền lên trên lầu để thỉnh các bậc A-la-hán lậu tận. Khi ấy, phương Ðông có hai vạn một ngàn A-la-hán quang lâm nơi giảng đường. Phương Nam có hai vạn một ngàn, phương Tây có hai vạn một ngàn và phương Bắc có hai vạn một ngàn A-la-hán vân tập tại giảng đường này. Bấy giờ, trên giảng đường có tám vạn bốn ngàn A-la-hán cùng vân tập. Vua Tần- bà-sa-la cùng quần thần đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài và chúng Tỳ- kheo. Khi ấy, được diện kiến chúng Tỳ-kheo, Phạm chí Kê-đầu thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền dâng thức ăn cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo, tự tay dâng cúng, hoan hỷ không hề mỏi mệt, nhưng thức ăn vẫn còn rất nhiều. Phạm chí Kê-đầu đến trước bạch đức Thế Tôn:
– Con đã cúng dường Phật và chúng Tỳ-kheo xong nhưng thức ăn vẫn không hết.
Thế Tôn dạy:
– Ông nên thỉnh Phật và chúng Tỳ-kheo, xin được cúng dường bảy ngày!
Phạm chí đáp:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Khi ấy, Phạm chí Kê-đầu quỳ trước Thế Tôn, thưa:
– Con xin kính thỉnh và nguyện cúng dường đức Phật và chúng Tỳ-kheo trong bảy ngày, con xin dâng cúng y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men!
Thế Tôn yên lặng nhận lời. Khi ấy, trong đại chúng có Tỳ-kheo-ni tên Xá- cưu-lợi bạch Phật:
– Con đang thầm nghĩ, còn đệ tử lậu tận A-la-hán nào của Phật Thích-ca không vân tập ở đây? Rồi con dùng thiên nhãn quán sát khắp bốn hướng Ðông, Tây, Nam, Bắc thấy hết thảy đều vân tập. Trong đại pháp hội này thuần là La- hán Chân nhân vân tập.
[0696b06] Thế Tôn bảo:
– Ðúng thế! Này Xá-cưu-lợi. Ðúng như lời cô nói. Ðại pháp hội này toàn là Chân nhân; Ðông, Tây, Nam, Bắc thảy đều vân tập.
Bấy giờ, Thế Tôn đem nhân duyên này hỏi các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy trong hàng Tỳ-kheo-ni, có vị nào thiên nhãn thấy suốt như Tỳ-kheo-ni Xá-cưu-lợi không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Chúng con không thấy, bạch Thế Tôn!
Thế Tôn dạy:
– Đệ tử [Ni] có thiên nhãn bậc nhất trong hàng Thanh văn của Ta, chính là Tỳ-kheo-ni Xá-cưu-lợi.
Phạm chí Kê-đầu cúng dường Thánh chúng y phục, thực phẩm, giường đệm và thuốc men trị bệnh suốt bảy ngày, lại dùng hương hoa rải trên Như Lai. Khi ấy, hoa kết ở trên hư không hóa thành đài châu ngọc, bảy báu. Thấy đài châu ngọc, Phạm chí thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng rồi đến trước bạch Phật:
– Cúi mong Thế Tôn cho phép con được vào đạo, được làm Sa-môn!
Bấy giờ, Phạm chí Kê-đầu liền được vào đạo, các căn tịch tịnh, tự rèn ý chí, trừ bỏ ngủ nghỉ, khi mắt thấy sắc cũng không khởi niệm tưởng, nhãn căn cũng không rong ruổi theo các niệm tưởng xấu ác, luôn biết phòng hộ nhãn căn. Hoặc tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm cũng chẳng khởi tưởng xúc chạm, ý biết pháp cũng như thế. Lúc ấy, Phạm chí liền diệt được năm kiết sử che lấp tâm người, khiến mất trí tuệ; cũng không có ý niệm sát hại, tâm luôn thanh tịnh, không giết, không nghĩ giết, không bảo người giết, tay không cầm dao gậy, khởi lòng từ với tất cả chúng sanh; trừ bỏ tâm không cho mà lấy, chẳng khởi tâm trộm cướp, tâm luôn thanh tịnh, thường có tâm bố thí cho tất cả chúng sanh nên khiến cho họ không trộm cướp; tự mình không dâm dật, cũng dạy người không dâm dật, thường tu Phạm hạnh, thanh tịnh không chút cấu nhiễm, luôn an trú trong Phạm hạnh mà tịnh tâm mình. Tự mình không nói dối, cũng không dạy người nói dối, tâm luôn thành thật, không dối trá lừa gạt thế gian, luôn tịnh tâm mình; lại không nói đôi chiều, cũng không dạy người nói đôi chiều; nếu nghe điều gì ở đây, không truyền đến chỗ khác; nếu nghe từ chỗ khác, không truyền đến nơi này, tâm luôn an trú, thanh tịnh.
Ðối với sự ăn uống, vị ấy biết đủ, không tham đắm mùi vị, chẳng dính mắc sắc đẹp, không chấp thủ dáng vóc, da dẻ, chỉ muốn duy trì thân thể, bảo toàn tính mạng; muốn diệt trừ cảm thọ cũ, ngăn cảm thọ mới, tu hành đắc đạo, an trú vô vi. Ví như người nam hay nữ dùng thuốc bôi lên vết thương vì chỉ muốn cho mau lành; ở đây cũng như thế, sở dĩ đối với thức ăn, vị ấy biết đủ là muốn khiến cho cảm thọ cũ được trừ, cảm thọ mới chẳng sanh.
[0696c08] Lúc này, vị ấy tu tập từ lúc tinh sương, không bỏ thời nào, luôn thực hành ba mươi bảy đạo phẩm, khi ngồi lúc đi đều đoạn trừ sự chướng ngại của ngủ nghỉ. Đầu hôm, khi ngồi hoặc đi đều đoạn trừ sự chướng ngại của ngủ nghỉ. Đến nửa đêm, nằm nghiêng hông phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, buộc tâm vào ánh sáng. Vào cuối đêm, lúc ngồi hoặc kinh hành đều giữ tâm thanh tịnh.
Khi ăn uống, vị ấy luôn biết đủ, kinh hành đúng thời, trừ bỏ dục và các tưởng bất tịnh, không còn hạnh xấu ác, liền nhập Thiền thứ nhất có giác có quán. Vị ấy giữ tâm chuyên nhất, trải nghiệm hỷ, lạc19 mà vào Thiền thứ hai; ly hỷ, giữ tâm thanh tịnh, thân cảm thọ lạc, điều mà bậc Thánh mong cầu, giữ niệm thanh tịnh mà vào Thiền thứ ba. Vị ấy khổ, vui đã diệt, không còn sầu lo, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh mà vào Thiền thứ tư.
Với tâm định, thanh tịnh không chút cấu nhiễm, đạt được vô sở úy, vị ấy chứng đắc tam-muội, nhớ được vô số đời trước. Vị ấy liền nhớ việc quá khứ, hoặc một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, ngàn đời, vạn đời, nhiều ngàn vạn đời, kiếp thành, kiếp hoại, kiếp thành hoại: “Ta từng sanh ở chỗ kia, họ đó tên đó, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế, thọ mạng dài ngắn, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây”, nhân duyên gốc ngọn đều biết tường tận. Vị ấy lại dùng tâm định, thanh tịnh không chút cấu nhiễm, chứng vô sở úy, quán sát sự sanh tử của chúng sanh. Lại dùng thiên nhãn quán sát chúng sanh: Người sanh, kẻ chết; cõi lành, đường ác; sắc lành, sắc dữ; hoặc đẹp, hoặc xấu, tùy theo hạnh nghiệp đã tạo, thảy đều biết cả. Hoặc có chúng sanh thân, miệng và ý tạo ác, chê bai Hiền thánh, tạo gốc nghiệp tà, sau khi qua đời đọa vào địa ngục. Lại có chúng sanh thân, miệng và ý làm lành, không chê bai Hiền thánh, sau khi qua đời sanh vào đường lành, cõi trời. Lại dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát chúng sanh hoặc đẹp, hoặc xấu; nẻo lành, đường dữ; sắc lành, sắc ác thảy đều biết cả, được vô sở úy. Lại vận tâm đã sạch hết phiền não để quán đây là khổ và như thật biết rằng: Ðây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khi khổ đã diệt và đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Quán sát như thế rồi, tâm vị ấy giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Ðã giải thoát rồi liền được trí giải thoát, biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Bấy giờ, Phạm chí Kê-đầu liền chứng đắc A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Kê-đầu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế gian có năm việc rất khó để đạt được. Là năm việc nào? Vật đáng bị mất mà không muốn cho mất thì điều này không thể được. Pháp phải hoại diệt mà muốn không hoại diệt thì điều này không thể được. Pháp phải già mà muốn cho không già thì điều này không thể được. Pháp phải bệnh mà muốn cho không bệnh thì điều này không thể được. Pháp phải chết mà muốn không chết thì điều này không thể được.
Này Tỳ-kheo! Đó là năm việc mà chung cuộc không thể đạt được. Cho dù Như Lai xuất hiện hay không thì thế giới này vẫn luôn tồn tại theo cách như vậy, ngay cả những tên gọi về sự sanh, già, bệnh, chết cũng không hề thay đổi, không bị diệt mất. Những gì được sanh ra hoặc phải chết đi đều trở về cội gốc. Này Tỳ-kheo! Do vậy nên Ta nói năm việc này rất khó đạt được.
Hãy tìm cầu phương tiện tu hành năm căn. Là năm căn nào? Nghĩa là tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Tỳ-kheo tu tập năm căn này rồi, sẽ chứng quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm,21 thành Tư-đà-hàm; kế đến diệt năm kiết sử, thành A-na-hàm rồi nhập Niết-bàn ở đó, không trở lại đời này nữa; tiến thêm nữa là diệt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát và tuệ giải thoát, tự thân tác chứng, thành tựu và an trú rồi biết như thật rằng không còn thọ thân sau nữa.
Hãy tìm cầu phương tiện trừ bỏ năm việc trước, rồi sau đó tu tập năm căn! Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm hạng người không thể chữa trị. Là năm hạng người nào? Người dua nịnh, không thể chữa trị. Người gian tà, không thể chữa trị. Người nói lời ác không thể chữa trị. Người ganh ghét không thể chữa trị. Người không biết báo đáp không thể chữa trị.
Này các Tỳ-kheo! Đó là năm hạng người không thể chữa trị.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Người ác khẩu, gian tà,
Ganh ghét, không báo đáp,
Hạng này không thể chữa,
Bị người trí tránh xa.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Thường nên học tập tâm ý ngay thẳng, từ bỏ ganh ghét, giữ gìn oai nghi, nói năng như pháp; phải biết báo ân, nhớ ân dưỡng dục, ân nhỏ chẳng quên, huống là ân lớn; chớ tham lam bỏn xẻn; đừng tự khen mình, cũng đừng chê người.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, Thích-đề-hoàn-nhân nói với các vị trời Ba Mươi Ba rằng: “Khi các vị đánh nhau với a-tu-la, nếu a-tu-la thua, chư thiên thắng thì các vị hãy bắt a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói năm vòng rồi đưa đến đây.”
Lúc đó, a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại bảo các a-tu-la:
“Hôm nay, các ông đánh nhau với chư thiên, nếu thắng hãy trói Thích-đề- hoàn-nhân đưa đến đây!”
Tỳ-kheo nên biết! Bấy giờ, hai bên đánh nhau, chư thiên thắng, a-tu-la thua, các vị trời Ba Mươi Ba bắt a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la trói lại đem đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân rồi để ngoài cổng. Thấy mình bị trói năm vòng, vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la liền nghĩ: “Pháp của chư thiên là chánh, còn a-tu-la làm điều phi pháp. Nay ta không thích làm a-tu-la nữa, ta muốn sống ở cung điện chư thiên này.” Khi ấy, do suy nghĩ “pháp của chư thiên là chánh, còn a-tu-la làm điều phi pháp”, nên vừa nghĩ như vậy xong, lập tức vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa- la liền tự cảm thấy thân không còn bị trói nữa mà còn được vui hưởng năm dục thỏa thích. Giả sử, lúc đó vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la suy nghĩ như vầy: “Chư thiên là phi pháp, a-tu-la là chánh, ta không muốn ở cung trời Ba Mươi Ba này, ta muốn trở về cung a-tu-la”, khi ấy thân vua a-tu-la liền bị trói năm vòng, thú vui năm dục tự nhiên biến mất.
[0697c06] Tỳ-kheo nên biết, không có sự trói buộc nào nhanh chóng hơn việc này, nhưng bị ma trói buộc lại còn nhanh hơn thế. Nếu khởi kiết sử liền bị ma trói buộc; dao động thì ma trói buộc, không dao động thì thoát khỏi ràng buộc của ma. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện khiến tâm chẳng bị trói buộc, ưa thích nơi nhàn vắng. Sở dĩ như thế, vì các kiết sử này là cảnh giới ma. Nếu các thầy ở trong cảnh giới ma thì không thể giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, chẳng thoát khỏi ưu, bi, khổ, não. Nay Ta sẽ nói về sự dứt khổ này. Nếu có Tỳ-kheo tâm không dao động, chẳng dính mắc các kiết sử thì liền thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Ta đã nói về sự dứt khổ. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên học như vầy: Không có kiết sử thì vượt khỏi cảnh giới của ma.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng sang một bên. Tôn giả thưa:
– Bạch đức Thế Tôn! Thế nào gọi là diệt tận? Những pháp gì được gọi là diệt tận?25
Thế Tôn dạy:
– Này A-nan! Sắc là vô vi,26 do bởi nhân duyên nên có tên này. Vô dục, vô vi là pháp vắng lặng.27 Do vì chúng vắng lặng nên gọi là pháp diệt tận.28 Thọ, tưởng, hành, thức cũng là vô vi, vô tác,29 đều là pháp vắng lặng, vô dục, vô nhiễm. Do vì chúng đã diệt tận nên gọi là vắng lặng.
A-nan nên biết, năm thủ uẩn cũng là vô dục, vô tác, vì chúng là pháp vắng lặng. Do vì chúng đã bị diệt tận nên gọi là vắng lặng. Năm thủ uẩn này khi đã vắng lặng hoàn toàn, không còn sanh khởi trở lại thì được gọi là diệt tận.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
[0698a01] Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu31 đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Khi ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
– Thưa Cù-đàm! Do nhân duyên gì, có hạnh nghiệp xưa nào khiến cho loài người có tận, có diệt, có giảm bớt? Xưa là thành quách, nay đã tan hoại; xưa có dân chúng, ngày nay hoang vắng?
Thế Tôn bảo:
– Phạm chí nên biết! Do loài người này thực hành phi pháp nên khiến xưa có thành quách, ngày nay tan hoang; xưa đông dân chúng, ngày nay hoang vắng, đều do dân chúng bị bỏn xẻn trói buộc, quen hành ái dục mà gây nên, khiến gió mưa trái mùa; do mưa trái mùa nên cây giống gieo trồng không sanh trưởng được, lúc ấy người chết đầy đường. Phạm chí nên biết, do nhân duyên này, khiến đất nước bị hủy hoại, dân chúng không đông đúc.
Lại nữa, Phạm chí, dân chúng làm điều phi pháp khiến sấm chớp, sét giật tự nhiên ứng hiện, trời tuôn mưa đá, hư hoại mùa màng. Bấy giờ, dân chúng chết chóc nhiều không kể xiết.
Lại nữa, Phạm chí, do dân chúng làm điều phi pháp, cùng đánh nhau, hoặc dùng tay đấm, lấy gạch đá ném nhau, hai bên đều tổn hại tính mạng.
Lại nữa, Phạm chí, dân chúng kia đã đấu tranh nhau, chẳng thể ở yên; quốc vương không an, hai bên hưng binh công phạt lẫn nhau, khiến dân chúng chết nhiều không kể xiết, hoặc chết do đao, hoặc chết bởi giáo, tên. Như thế, Phạm chí! Do nhân duyên này khiến dân chúng giảm thiểu, chẳng còn đông đúc nữa.
Lại nữa, Phạm chí, dân chúng làm điều phi pháp nên khiến thần linh không đoái hoài, ban phước, kẻ gặp nguy khốn, người bệnh liệt giường, hiếm ai lành bệnh, người [bị] bệnh dịch chết nhiều. Này Phạm chí! Do nhân duyên này khiến dân chúng giảm thiểu, không thể đông đúc.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
– Bạch Cù-đàm! Lời Ngài thật hay khi nói về nghĩa giảm thiểu của con người thuở xưa. Đúng như Ngài dạy, xưa có thành quách, hôm nay tan hoang; xưa có dân chúng, ngày nay hoang vắng. Vì sao như thế? Do có phi pháp liền sanh keo kiệt, ganh ghét; đã sanh keo kiệt, ganh ghét liền sanh nghiệp tà; đã sanh nghiệp tà nên khiến trời mưa không đúng thời, ngũ cốc không chín, dân chúng chẳng mạnh, nên khiến phi pháp lưu hành, trời giáng tai ương làm hư mầm hạt. Ðó là do dân chúng làm điều phi pháp, dính mắc, tham lam, keo kiệt, ganh ghét. Khi đó, quốc vương chẳng yên, hai bên hưng binh, công phạt lẫn nhau, người chết la liệt, nên khiến đất nước hoang tàn, nhân dân ly tán. Hay thay những điều Thế Tôn nói! Do phi pháp đưa đến tai họa này. Như bị người bắt, đoạn dứt mạng sống; cũng vậy, do phi pháp nên sanh tâm trộm cướp, đã sanh tâm trộm cướp thì sẽ bị vua giết, vì sanh niệm tà nên bị phi nhân chi phối, cũng vì lẽ này, khiến phải mất mạng, nhân dân giảm bớt, nên khiến không có thành quách để ở.
[0698b07] Thưa Cù-đàm! Những gì Ngài nói hôm nay đã quá nhiều. Ví như người gù được thẳng, người mù được đôi mắt, trong bóng tối được ánh sáng. Ngài làm mắt sáng cho người không có mắt. Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện thuyết pháp. Con lại xin quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng, mong được làm ưu-bà-tắc, suốt đời không dám sát sanh nữa. Sa-môn Cù-đàm! Khi gặp Ngài, cho dù con cỡi voi, cỡi ngựa, cũng xin Ngài nhận sự cung kính của con. Sở dĩ như thế, bởi vì Vua Ba-tư-nặc, Vua Tần-bà-sa-la, Vua Ưu-điền, Vua Ác Sanh và Vua Ưu-đà-diên đều nhận sự ban phước từ con. Con sợ thất đức. Nếu con bày vai phải, cúi mong Thế Tôn nhận biết con đang lễ bái! Nếu đang đi bộ mà gặp Cù-đàm đến, con sẽ cởi giày, cúi mong Thế Tôn nhận biết sự cung kính của con!
Bấy giờ, Thế Tôn gật đầu hứa khả. Phạm chí Sanh Lậu thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, tiến đến trước Phật, thưa:
– Con xin quy y Sa-môn Cù-đàm một lần nữa! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc!
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, khiến ông phát tâm hoan hỷ. Nghe pháp xong, Phạm chí liền từ chỗ ngồi đứng dậy lui ra.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.32
***
1 Nguyên tác: Đẳng kiến phẩm 等見品 (T.02. 0125.34. 0689c13). Căn cứ vào Kinh Tăng nhất A-hàm, ở các kinh: 10.2; 19.2, 23.9; 24.5… phần nói về tám chi Thánh đạo, có thể xác định rằng, đẳng kiến (等見) chính là tên gọi khác của chánh kiến (正見).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.1. 0689c14). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.259. 0065b05); S. 22.122 - III. 167.
3 Nguyên tác: Thạnh ấm (盛陰).
4 Nguyên tác: Thống ấm (痛陰).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.2. 0690a13). Tham chiếu: DhA. 4.3; J. IV. 465.
6 Tỳ-lưu-lặc (毘婁勒, Viḍūḍabha) còn gọi là Tỳ-lưu-ly.
7 Tứ bộ binh (四部兵) gồm tượng binh (象兵), mã binh (馬兵), xa binh (車兵) và bộ binh (步兵). Theo Chuyển Luân Thánh vương tu hành kinh 轉輪聖王修行經 (T.01. 0001.6. 0040a07).
8 Ni-câu-lưu (尼拘留, Nigrodha).
9 Ái pháp (愛法): Các pháp ái nhiễm. Ngoài ra, “ái pháp” còn chỉ cho vô minh (愛法即是無明). Theo Ma-ha chỉ quán 摩訶止觀 (T.46. 1911.5. 0065c06).
10 A-chi-la (阿脂羅, Aciravatῑ).
11 Nguyên tác: Xả chúng hành (捨眾行): Buông bỏ mọi tạo tác. SĀ. 0064 ghi: Vô sở vi tác (無所為作, anabhisaṅkhata).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.3. 0693c10). Tham chiếu: It. 76.
13 Tam đạt (三達) tức Tam minh (三明).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.4. 0694a10).
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.5. 0694a20).
16 Nguyên tác: Tần-tỳ-sa-la (頻毘娑羅, Bimbisāra), vị vua trị vì Ma-kiệt-đà.
17 Bảo vũ chi xa (寶羽之車), cỗ xe được trang hoàng bằng 5 loại lông chim quý, là nghi trượng của bậc đế vương. Theo Nhất thiết kinh âm nghĩa 一切經音義 (T.54. 2128.74. 0787b07); Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích 四分律名義標釋 (X.44. 0744.22. 0570c24).
18 Bài kệ này cũng xuất hiện trong kinh D. 5: Kūtadanta Sutta (Kinh Cứu-la-đàn-đầu) và trong Cứu-la- đàn-đầu kinh 究羅檀頭經 (T.01. 0001.23. 0096c16).
19 Nguyên tác: Ỷ hoan lạc (猗歡樂).
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.6. 0697a12). Tham chiếu: A. 5.48 - III. 54.
21 Nguyên tác: Gia gia (家家).
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.7. 0697b02).
23 Tỳ-ma-chất-đa (毘摩質多, Vepaciti). Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.8. 0697b16). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1110. 0292b14); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.39. 0386a16); S. 11.4 - I. 220.
24 Tăng. 增 (T.02. 0125.34.9. 0697c18). Tựa đề dựa theo S. 23.19 - III. 197, Khayadhamma Sutta (Kinh tận pháp).
25 Diệt tận pháp (滅盡法). S. 23.19 - III. 197: Khayadhamma.
26 Vô vi (無為) mang nghĩa là không tạo tác. Tham chiếu: Kinh du thiên pháp bổn, số 5, phẩm 36, tr. 565 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.36.5. 0707c19): Hết thảy các pháp thảy đều vắng lặng, không tạo, không tác (一切諸法皆悉空寂,無造, 無作).
27 Nguyên tác: Diệt tận pháp (滅盡法, nirodhadhamma).
28 Nguyên tác: Tận (盡, vaya): Biến hoại, đoạn diệt.
29 Nguyên tác: Vô vi, vô tác (無為, 無作). Tương tự ý kinh vừa dẫn trên: 無造, 無作.
30 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.34.10. 0697c29).
31 Nguyên tác: Sanh Lậu Phạm chí (生漏梵志, Jāṇussoṇi).
32 Bản Hán, hết quyển 26.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.