Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có năm vị quốc vương lớn do Vua Ba-tư-nặc đứng đầu, cùng nhóm họp và bàn luận với nhau. Năm vị đó gồm những ai? Ðó là Vua Ba-tư-nặc,3 Vua Tỳ-sa,4 Vua Ưu-điền,5 Vua Ác Sanh6 và Vua Ưu-đà-diên.7
Năm vua tập hợp ở một nơi và cùng nhau bàn luận:
– Chư Hiền nên biết! Như Lai nói về năm dục. Năm dục gồm những gì? Như mắt thấy sắc đáng yêu thì ưa thích nghĩ nhớ, là chỗ tìm cầu của người đời. Như tai thích nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương, lưỡi ham nếm vị, thân ưa sự tiếp xúc dễ chịu, Như Lai gọi đó là năm dục. Trong năm dục này thì dục nào là tối diệu? Mắt thấy sắc là tối diệu chăng? Tai nghe tiếng là tối diệu chăng? Mũi ngửi mùi là tối diệu chăng? Lưỡi biết vị là tối diệu chăng? Thân ưa sự tiếp xúc dễ chịu là tối diệu chăng? Trong năm dục này thì dục nào là tối diệu?
Bấy giờ, có vị quốc vương nói: “Sắc là tối diệu.” Hoặc có vị luận: “Thanh là tối diệu.” Hoặc có vị luận: “Hương là tối diệu.” Hoặc có vị luận: “Vị là tối diệu.” Hoặc có vị luận: “Xúc dễ chịu là tối diệu.”
Trong đó, người nói sắc tối diệu là Vua Ưu-đà-diên. Người nói thanh tối diệu là Vua Ưu-điền. Người nói hương tối diệu là Vua Ác Sanh. Người nói vị tối diệu là Vua Ba-tư-nặc. Người nói xúc dễ chịu tối diệu là Vua Tỳ-sa. Năm vua liền bảo nhau:
– Chúng ta bàn luận về năm dục này nhưng vẫn không biết dục nào là tối diệu.
[0682a06] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bảo bốn vua:
– Như Lai hiện ở gần đây, tại nước Xá-vệ, trong rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc. Chúng ta cùng nhau đến chỗ đức Thế Tôn để hỏi nghĩa này, nếu đức Thế Tôn có điều gì dạy bảo thì chúng ta nên nương theo đó mà vâng làm.
Các vua nghe Vua Ba-tư-nặc nói xong, liền cùng nhau đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Ngài rồi ngồi sang một bên. Vua Ba-tư-nặc đem việc bàn luận về năm dục bạch lại đầy đủ với đức Như Lai.
Lúc ấy, Thế Tôn liền dạy năm vua:
– Các Đại vương bàn luận dựa theo ý thích của mỗi người. Vì sao như thế? Vì người có tánh hạnh đam mê, dính mắc với sắc, ngắm mãi không chán thì người ấy sẽ cho sắc là tối diệu, tối thượng không có gì hơn. Khi đó, người ấy sẽ không dính mắc vào âm thanh, hương, vị và cả sự xúc chạm. Đối với người này, sắc được xem là tối diệu nhất trong năm dục.
Nếu có người với tánh hạnh đắm nhiễm âm thanh, khi được nghe âm thanh hay, người ấy cực kỳ hoan hỷ, không biết đủ cũng không biết chán. Đối với người này, âm thanh là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, âm thanh là tối diệu.
Nếu có người với tánh hạnh dính mắc hương, khi được ngửi mùi thơm, người ấy cực kỳ hoan hỷ, không biết đủ cũng không biết chán. Đối với người này, hương là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, hương là tối diệu.
Nếu có người với tánh hạnh mê đắm vị, khi được nếm vị, người ấy cực kỳ hoan hỷ, không biết đủ cũng không biết chán. Đối với người này, vị là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, vị là tối diệu.
Nếu có người với tánh hạnh ưa thích sự tiếp xúc dễ chịu, khi được tiếp xúc, người ấy cực kỳ hoan hỷ, không biết đủ cũng không biết chán. Đối với người này, sự tiếp xúc dễ chịu là tối thượng, tối diệu. Trong năm dục, sự tiếp xúc dễ chịu là tối diệu.
Nếu như tâm của người kia đã dính mắc với sắc thì sẽ không dính mắc với các pháp như thanh, hương, vị và xúc. Nếu như tánh hạnh của người kia đắm nhiễm với âm thanh thì sẽ không dính mắc với các pháp như sắc, hương, vị và sự tiếp xúc dễ chịu. Nếu như tánh hạnh của người kia ham thích vị thì sẽ không dính mắc các pháp như sắc, thanh, hương và sự tiếp xúc dễ chịu. Nếu như tánh hạnh của người kia ưa thích sự tiếp xúc dễ chịu thì sẽ không dính mắc vào các pháp như sắc, thanh, hương và vị.
[0682b02] Khi ấy, đức Thế Tôn liền nói kệ này:
Khi lòng dục hừng hực,
Thích rồi, cố cầu mong,
Được rồi càng vui thích,
Thỏa nguyện chẳng còn nghi.
Sắc dục thỏa nguyện rồi,
Lòng tham dục không bỏ,
Lấy đó làm niềm vui,
Nương đó làm tối diệu.
Hoặc lúc tai nghe tiếng,
Thích rồi, cố cầu mong,
Nghe rồi càng vui thích,
Thỏa nguyện chẳng còn nghi.
Nghe đã thỏa nguyện rồi,
Lòng tham dục không bỏ,
Lấy đó làm niềm vui,
Nương đó làm tối diệu.
Hoặc khi mũi ngửi mùi,
Thích rồi, cố cầu mong,
Ngửi rồi càng vui thích,
Thỏa nguyện chẳng còn nghi.
Ngửi mùi thỏa nguyện rồi,
Lòng tham dục không bỏ,
Lấy đó làm niềm vui,
Nương đó làm tối diệu.
Hoặc khi lưỡi nếm vị,
Thích rồi, cố cầu mong,
Nếm rồi càng vui thích,
Thỏa nguyện chẳng còn nghi.
Nếm vị thỏa nguyện rồi,
Lòng tham dục không bỏ,
Lấy đó làm niềm vui,
Nương đó làm tối diệu.
Lúc được xúc dễ chịu,
Thích rồi, cố cầu mong,
Chạm rồi càng vui thích,
Thỏa nguyện chẳng còn nghi.
Được xúc dễ chịu rồi,
Lòng tham dục không bỏ,
Lấy đó làm niềm vui,
Nương đó làm tối diệu.
Thế nên Đại vương! Nếu nói sắc là tối diệu thì nên chân thật mà bàn luận. Vì sao như thế? Vì sắc có vị ngọt. Nếu như sắc không có vị ngọt thì chúng sanh đã không dính mắc. Do vị ngọt đó nên trong năm dục, sắc là tối diệu. Tuy nhiên, sắc cũng chứa đựng sự nguy hiểm. Nếu như sắc không nguy hiểm thì chúng sanh đã không nhàm chán. Vì sắc nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán. Sắc có tánh xuất ly. Nếu như sắc không có tánh xuất ly thì các loài chúng sanh sẽ không ra khỏi biển sanh tử. Do vì sắc có tánh xuất ly nên chúng sanh mới vào được trong bảo thành Niết-bàn không sợ hãi. Trong năm dục, sắc là tối diệu.
[0682c01] Lại nữa, Đại vương! Nếu nói âm thanh là tối diệu thì nên chân thật mà bàn luận. Vì sao như thế? Vì âm thanh có vị ngọt. Nếu như âm thanh không có vị ngọt thì chúng sanh đã không dính mắc. Do vị ngọt đó nên trong năm dục, âm thanh là tối diệu. Tuy nhiên, trong âm thanh cũng chứa đựng sự nguy hiểm. Nếu như âm thanh không nguy hiểm thì chúng sanh đã không nhàm chán. Vì âm thanh nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán. Âm thanh cũng có tánh xuất ly. Nếu như âm thanh không có tánh xuất ly thì các loài chúng sanh sẽ không ra khỏi biển sanh tử. Do vì âm thanh có tánh xuất ly nên chúng sanh mới vào được trong bảo thành Niết-bàn không sợ hãi. Trong năm dục, âm thanh là tối diệu.
Ðại vương nên biết! Nếu nói hương là tối diệu thì nên chân thật mà bàn luận. Vì sao như thế? Vì hương có vị ngọt. Nếu như hương không có vị ngọt thì chúng sanh đã không dính mắc. Do vị ngọt đó nên trong năm dục, hương là tối diệu. Tuy nhiên, trong hương cũng chứa đựng sự nguy hiểm. Nếu như hương không nguy hiểm thì chúng sanh đã không nhàm chán. Vì hương nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán. Hương cũng có tánh xuất ly. Nếu như hương không có tánh xuất ly thì các loài chúng sanh sẽ không ra khỏi biển sanh tử. Do vì hương có tánh xuất ly nên chúng sanh mới vào được trong bảo thành Niết-bàn không sợ hãi. Trong năm dục, hương là tối diệu.
Lại nữa, Đại vương! Nếu nói vị là tối diệu thì nên chân thật mà bàn luận. Vì sao như thế? Vì vị có vị ngọt. Nếu như vị không có vị ngọt thì chúng sanh đã không dính mắc. Do vị ngọt đó nên trong năm dục, vị là tối diệu. Tuy nhiên, trong vị cũng chứa đựng sự nguy hiểm. Nếu như trong vị không nguy hiểm thì chúng sanh đã không nhàm chán. Vì vị nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán. Vị cũng có tánh xuất ly. Nếu như vị không có tánh xuất ly thì các loài chúng sanh sẽ không ra khỏi biển sanh tử. Do vì vị có tánh xuất ly nên chúng sanh mới vào được trong bảo thành Niết-bàn không sợ hãi. Trong năm dục, vị là tối diệu.
Lại nữa, Đại vương nên biết! Nếu nói sự tiếp xúc dễ chịu là tối diệu thì nên chân thật mà bàn luận. Vì sao như thế? Vì sự tiếp xúc dễ chịu có vị ngọt. Nếu như sự tiếp xúc dễ chịu không có vị ngọt thì chúng sanh đã không dính mắc. Do vị ngọt đó nên trong năm dục, sự tiếp xúc dễ chịu là tối diệu. Tuy nhiên, trong sự tiếp xúc dễ chịu cũng chứa đựng nguy hiểm. Nếu như sự tiếp xúc dễ chịu không nguy hiểm thì chúng sanh đã không nhàm chán. Vì sự tiếp xúc dễ chịu nguy hiểm nên chúng sanh nhàm chán. Sự tiếp xúc dễ chịu cũng có tánh xuất ly. Nếu như sự tiếp xúc dễ chịu không có tánh xuất ly thì các loài chúng sanh sẽ không ra khỏi biển sanh tử. Do vì sự tiếp xúc dễ chịu có tánh xuất ly nên chúng sanh mới vào được trong bảo thành Niết-bàn không sợ hãi. Trong năm dục, sự tiếp xúc dễ chịu là tối diệu.
Thế nên, Đại vương! Nơi nào có sự ưa thích thì tâm liền dính mắc. Quả thật như thế, Đại vương nên biết điều này.
Bấy giờ, năm vua nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có trưởng giả Nguyệt Quang rất giàu có, voi, ngựa, bảy báu đều đầy đủ, vàng bạc, của cải không thể đếm hết, thế nhưng trưởng giả Nguyệt Quang lại không [có] con cái. Do vì không có con nên trưởng giả đã cầu khẩn các vị thiên thần, như thần mặt trời, mặt trăng, thiên thần, địa thần, quỷ tử mẫu, Tứ Thiên Vương, hai mươi tám vị đại quỷ thần vương, Ðế- thích và Phạm thiên, thần núi, thần cây, thần ngũ đạo, thần cây cối, dược thảo... nơi nào cũng đến đảnh lễ cầu xin, mong các ngài ban cho một đứa con trai.
Vài ngày sau, phu nhân của trưởng giả Nguyệt Quang tự cảm hoài thai, liền nói với trưởng giả:
– Thiếp đã có thai!
Nghe xong, trưởng giả thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền sắm sửa cho phu nhân giường nằm tốt đẹp, bồi bổ thức ăn ngon, sắm cho quần áo đẹp. Tám, chín tháng sau, phu nhân liền hạ sanh một đứa con trai, nhan sắc đoan chánh, đẹp như hoa đào, thế gian hiếm có. Khi vừa sanh ra, hai tay đứa bé cầm bảo châu ma-ni vô giá, rồi nói kệ:
Nhà này nhiều tiền của,
Báu vật và thức ăn,
Nay tôi muốn bố thí,
Cho mọi kẻ nghèo hèn.
Nếu không có tiền của,
Báu vật và thức ăn,
Dùng bảo châu vô giá,
Ban cho kẻ nghèo hèn.
Vừa nghe kệ xong, người thân trong nhà đều bỏ chạy tứ tán vì nghĩ rằng: “Tại sao lại sanh ra loài quỷ mị này?” Chỉ có cha mẹ vì thương xót con nên vẫn ở lại.
Người mẹ liền hướng về con rồi dùng kệ hỏi:
Là trời, càn-thát-bà?9
Quỷ mị hay la-sát?
Là ai? Tên họ gì?
Nay ta muốn được rõ.
Lúc đó, đứa trẻ liền dùng kệ trả lời mẹ:
Chẳng phải càn-thát-bà,
Trời, quỷ mị, la-sát,
Cha mẹ đã sanh con,
Là người, đừng nghi nữa.
[0683b03] Phu nhân nghe xong, lòng mừng khấp khởi, liền đem chuyện này tỏ rõ đầu đuôi với trưởng giả Nguyệt Quang.
Trưởng giả liền nghĩ: “Ðây là duyên gì? Ta nên đem việc này thưa hỏi đạo sĩ Ni-kiền tử.” Rồi ông ẵm đứa bé đến chỗ Ni-kiền tử, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên. Bấy giờ, trưởng giả đem chuyện đã nêu nói lại đầy đủ cho vị Ni- kiền tử nghe. Nghe xong, Ni-kiền tử liền bảo:
– Ðứa bé này là kẻ bạc phước, không đem lợi lạc đến cho người thân, nên giết ngay đi. Nếu như không giết thì gia đình sẽ lâm vào cảnh suy hao và người thân sẽ chết hết.
Lúc ấy, trưởng giả Nguyệt Quang suy nghĩ: “Từ trước đến nay, ta vốn muộn màng con cái. Bởi vậy mới cầu thỉnh trời đất ở khắp mọi nơi, trải qua bao năm mới sanh được đứa con này. Ta không thể giết nó được. Thôi, hãy đi hỏi thêm các vị Sa-môn, Bà-la-môn khác để dứt nghi cho ta.”
Khi ấy, đức Như Lai thành Phật chưa được bao lâu. Mọi người gọi Ngài là Đại Sa-môn. Trưởng giả Nguyệt Quang liền nghĩ: “Ta có thể đem câu chuyện này thỉnh thị với vị Đại Sa-môn.”
Rồi trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, ẵm đứa bé đến chỗ đức Thế Tôn. Giữa đường ông lại chợt nghĩ: “Đã từng hỏi vị trưởng lão Phạm chí, tuổi vào hàng cao niên, thông minh trí tuệ, được mọi người cung kính mà ông ta còn không thông tỏ, huống gì vị Sa-môn Cù-đàm này, tuổi thì còn trẻ, học đạo chưa bao lâu, làm sao có thể biết được việc này? E rằng không thể giải được mối nghi ngờ của ta. Phải chăng ta nên quay bước trở về nhà.”
Lúc ấy, có một vị thiên thần vốn là bạn cũ của trưởng giả, biết tâm niệm của ông, liền ở trên hư không nói với trưởng giả:
– Trưởng giả nên biết! Chỉ cần tiến lên một chút ắt sẽ được lợi lạc, được phước quả lớn, vì sẽ đưa đến cõi bất tử. Như Lai xuất hiện ở đời rất khó gặp. Như Lai giáng mưa cam lộ, đúng thời mới có.
Lại nữa, này trưởng giả! Có bốn việc tuy nhỏ nhưng chớ xem thường. Là bốn việc nào? Quốc vương tuy nhỏ nhưng không thể xem thường, đốm lửa tuy nhỏ nhưng không thể xem thường, rồng tuy nhỏ nhưng không thể xem thường, người học đạo dù tuổi còn trẻ nhưng không thể xem thường. Thật vậy, này trưởng giả! Có bốn sự việc không thể xem thường.
[0683c01] Lúc ấy, thiên thần liền nói kệ:
Quốc vương tuy tuổi nhỏ,
Quyền định đoạt trong tay,
Chút lửa dù nhỏ nhoi,
Sẽ thiêu tàn rừng thẳm.
Thần rồng tuy hiện nhỏ,
Tuôn mưa xuống tùy thời,
Đạo nhân ít tuổi đời,
Ðộ người không hạn lượng.10
Nghe xong kệ này, tâm trí của trưởng giả Nguyệt Quang bừng sáng, ông mừng rỡ vô vàn, liền đi đến chỗ của đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên, rồi bạch với đức Phật về nhân duyên con cái.
Thế Tôn bảo trưởng giả:
– Đứa trẻ này có phước rất lớn, khi lớn lên sẽ dẫn theo năm trăm đồ chúng đến chỗ Ta xuất gia học đạo và chứng quả A-la-hán. Trong hàng đệ tử của Ta, vị này là người phước đức bậc nhất, không ai sánh bằng.
Trưởng giả nghe Phật dạy xong thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền bạch đức Thế Tôn:
– Xin tuân lời Phật dạy, chẳng nghe Ni-kiền tử nói càn!
Ngay khi ấy, trưởng giả Nguyệt Quang lại bạch Thế Tôn:
– Cúi mong đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo thương xót chúng con và đứa bé này mà nhận lời cầu thỉnh thọ trai vào ngày mai!
Ðức Thế Tôn yên lặng nhận lời.
Thấy Phật yên lặng nhận lời, trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy sát đất rồi ra về. Trở về nhà, ông bày biện các món ăn thức uống thượng vị và sắp đặt chỗ ngồi trang nghiêm. Sáng sớm hôm sau, ông đến bạch Phật:
– Ðã đến giờ, kính thỉnh Thế Tôn quang lâm!
Biết giờ thọ trai đã đến, Thế Tôn liền cùng các Tỳ-kheo tuần tự trước sau vào thành Xá-vệ, đến nhà trưởng giả và an tọa vào chỗ ngồi. Thấy Phật và chúng Tỳ-kheo đã an tọa, trưởng giả liền bày các món ăn uống, tự mình dâng cơm nước trong trang nghiêm, hoan hỷ. Khi thấy đức Phật cùng đại chúng thọ thực xong và đã rửa tay cất bình bát, ông liền lấy một ghế nhỏ an tọa trước Như Lai, vì muốn nghe đức Phật thuyết Diệu pháp. Trưởng giả Nguyệt Quang bạch Thế Tôn:
– Hôm nay, con đem tất cả sản nghiệp như nhà cửa, ruộng vườn giao phó cho đứa trẻ này. Cúi mong đức Thế Tôn hãy đặt tên cho nó!
Thế Tôn dạy:
– Lúc đứa trẻ này mới sanh ra, mọi người đều bỏ chạy, vì tưởng quỷ Thi-bà- la. Nay Ta sẽ đặt tên, gọi là Thi-bà-la.11
Thế Tôn tuần tự giảng dạy giáo pháp vi diệu cho vợ chồng trưởng giả. Ngài giảng về bố thí, về trì giới, về việc sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, phiền não là tai họa lớn, giải thoát là vi diệu.
Biết vợ chồng trưởng giả tâm ý đã khai mở, không còn hồ nghi, Thế Tôn liền giảng nói cho trưởng giả tất cả các pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường thuyết là khổ, tập, diệt,12 đạo, khiến họ phát tâm hoan hỷ. Ngay tại chỗ ngồi, vợ chồng trưởng giả liền dứt sạch các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Như tấm vải trắng mới thì dễ nhuộm màu, vợ chồng trưởng giả cũng vậy, ở ngay tại chỗ ngồi được Pháp nhãn thanh tịnh. Họ đã thấy pháp, thông đạt giáo pháp, vượt qua do dự, không còn hoài nghi, được vô sở úy, hiểu được nghĩa sâu mầu của pháp Như Lai, liền thọ năm giới.
[0684a08] Thế Tôn liền nói kệ:
Thờ tự, lửa trên hết,
Các luận, tụng dẫn đầu,
Loài người, vua quý nhất,
Biển, nguồn cội muôn sông.
Với sao, trăng sáng nhất,
Ánh sáng mặt trời hơn,
Tám phương và trên, dưới,
Trong vạn vật sanh ra,
Giữa những người cầu phước,
Tối cao nhất, Phật-đà.
Thế Tôn nói bài kệ rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy rồi rời đi.
Bấy giờ, trưởng giả tìm năm trăm đồng tử để hầu hạ Thi-bà-la. Vào năm hai mươi tuổi, Thi-bà-la đến trước cha mẹ và thưa:
– Cúi xin cha mẹ cho con xuất gia học đạo!
Song thân liền chấp thuận. Vì sao như thế? Vì đức Thế Tôn đã thọ ký trước rồi: “Ông sẽ dẫn năm trăm đồng tử đến chỗ Thế Tôn cầu làm Sa-môn.”
Lúc đó, Thi-bà-la và năm trăm người cúi lạy cha mẹ rồi đi đến chỗ đức Thế Tôn, lạy sát chân Ngài và đứng sang một bên. Thi-bà-la bạch Thế Tôn:
– Cúi xin Thế Tôn chấp thuận cho con vào đạo!
Thế Tôn liền chấp thuận cho Thi-bà-la làm Sa-môn. Chỉ vài ngày sau, Tôn giả liền chứng quả A-la-hán, đầy đủ Lục thông diệu dụng cùng tám món giải thoát. Khi ấy, năm trăm đồng tử đến bạch với đức Thế Tôn:
– Cúi mong Thế Tôn cho chúng con làm Sa-môn!
Thế Tôn yên lặng đồng ý. Xuất gia chưa được vài ngày, tất cả các vị này đều chứng A-la-hán.
Tôn giả Thi-bà-la trở về làng cũ tại nước Xá-vệ. Mọi người kính ngưỡng, đem bốn thứ cần dùng cúng dường như y phục, thức ăn nước uống, giường nằm và thuốc thang trị bệnh. Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la liền nghĩ: “Ở trong làng thật phiền phức vì ồn náo, ta nên đi du hóa trong nhân gian!”
Đúng thời, Tôn giả Thi-bà-la đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, Tôn giả trở về chỗ cũ thu dọn tọa cụ, đắp y, ôm bát rời khỏi tinh xá Kỳ Hoàn, cùng năm trăm Tỳ-kheo tuần tự trước sau du hóa trong nhân gian. Ði đến đâu, chư vị cũng được cúng dường đầy đủ các thứ y phục, thức ăn nước uống, giường nằm và thuốc thang trị bệnh, vì thường có chư thiên báo cho thôn xóm:
– Có Tôn giả Thi-bà-la, vị phước đức bậc nhất đã chứng quả A-la-hán cùng năm trăm Tỳ-kheo du hóa trong nhân gian. Chư Hiền nên đến để cúng dường! Hôm nay không cúng dường, ngày sau hối tiếc vô ích.
[0684b09] Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la nghĩ: “Ta thật mệt mỏi với sự cúng dường này, phải tránh nơi nào để không có người biết chỗ của ta.” Ngài liền vào núi sâu. Chư thiên lại báo cho từng người trong thôn xóm:
Nay Tôn giả Thi-bà-la ở trong núi này, hãy đến đó mà cúng dường! Hôm nay không cúng dường ngày sau hối tiếc vô ích.
Dân chúng nghe chư thiên báo liền mang thức ăn nước uống đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la và thỉnh cầu:
– Cúi xin Tôn giả vì chúng con mà lưu trú nơi đây!
Tôn giả Thi-bà-la cùng với năm trăm vị đại Tỳ-kheo tuần tự du hóa trong nhân gian, đi đến Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt, cũng được cúng dường y phục, ẩm thực, giường nằm và thuốc men. Tôn giả Thi-bà-la lại nghĩ: “Nay ta phải đi đâu để nhập hạ, sao cho người đừng biết chỗ của ta?” Rồi ngài lại nghĩ: “Nên đến phía Ðông núi Kỳ-xà, phía Tây núi Quảng Phổ mà nhập hạ.” Thế rồi, ngài dẫn theo năm trăm Tỳ-kheo đến núi đó nhập hạ.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân biết Thi-bà-la trong tâm suy nghĩ như thế, liền ở trong núi biến hóa đầy đủ chùa tháp, vườn quả, rừng cây, xung quanh có hồ tắm và đồng thời lại hóa ra năm trăm đài cao, năm trăm sàng tòa lớn, năm trăm sàng tòa nhỏ, năm trăm giường dây, dâng thức ăn cam lộ của chư thiên.
Tôn giả Thi-bà-la liền nghĩ: “Nay kiết hạ đã xong, lâu ngày chưa gặp Như Lai, nay ta phải đích thân đến hầu Phật.” Tôn giả liền dẫn năm trăm Tỳ-kheo đến thành Xá-vệ. Bấy giờ, tiết trời nóng bức, chúng Tỳ-kheo đổ mồ hôi, thân thể dơ bẩn. Tôn giả Thi-bà-la liền nghĩ: “Hôm nay, thân thể chúng Tỳ-kheo nóng bức, ước gì có đám mây nhỏ trên trời, một trận mưa nhỏ, một hồ tắm nhỏ và có nước uống thì hay biết bao.”
Tôn giả vừa nghĩ xong, trên hư không liền có đám mây lớn và xuất hiện một cơn mưa nhỏ, lại gặp ngay hồ tắm và có bốn phi nhân gánh nước mát lành do Tỳ-sa-môn vương sai đến, với lời thưa:
– Cúi mong Tôn giả và chúng Tỳ-kheo thọ nhận nước ngon ngọt này! Tôn giả nhận nước rồi cùng uống với chúng Tỳ-kheo.
Tôn giả Thi-bà-la lại nghĩ: “Ta nên nghỉ qua đêm ở nơi đây.” Thích-đề- hoàn-nhân biết tâm niệm của Tôn giả Thi-bà-la, liền tức khắc hóa ra năm trăm phòng nhà với giường nằm đầy đủ ở bên đường. Lúc ấy, chư thiên dâng lên thức ăn uống. Tôn giả Thi-bà-la thọ thực xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy rời đi.
Bấy giờ, người chú của Tôn giả Thi-bà-la ở thành Xá-vệ rất giàu có, không thiếu món gì nhưng lại tham lam không chịu bố thí, không tin Tam bảo, không tạo công đức. Những người thân tộc bảo ông ta:
– Trưởng giả dùng của cải này làm gì mà không tạo tư lương cho đời sau?
Trưởng giả nghe lời khuyên, nội trong một ngày, đem ngàn lượng vàng bố thí cho Phạm chí ngoại đạo, chẳng hướng về Tam bảo. Tôn giả Thi-bà-la nghe chú mình đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo dị học, không cúng dường cho Tam bảo. Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la liền đến chỗ đức Thế Tôn ở tinh xá Kỳ Hoàn, cúi lạy sát chân rồi ngồi sang một bên, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho Thi-bà-la. Tôn giả Thi-bà-la nghe Như Lai thuyết pháp xong, từ chỗ ngồi đứng lên đảnh lễ Thế Tôn, đi nhiễu bên phải ba vòng rồi lui ra.
Ngay trong ngày ấy, Tôn giả Thi-bà-la đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ tuần tự khất thực, đến trước nhà chú mình rồi đứng lặng yên bên cửa. Trưởng giả thấy Tôn giả Thi-bà-la ở ngoài cửa khất thực, liền bảo:
– Ngày hôm qua sao thầy không đến? Tôi vừa bố thí cả trăm ngàn lượng vàng. Giờ đây, tôi chỉ có thể cúng dường cho thầy một tấm vải được chăng?
Tôn giả Thi-bà-la đáp:
– Tôi chẳng dùng vải để làm gì! Hôm nay tôi đến đây chỉ để khất thực. Trưởng giả đáp:
– Hôm qua, tôi đã bố thí cả trăm ngàn lượng vàng nên không thể bố thí nữa. Vì muốn độ cho trưởng giả nên Tôn giả Thi-bà-la bay lên không trung, trên thân phun nước, dưới thân phun lửa, ngồi, nằm, kinh hành tùy nghi tự tại. Trưởng giả thấy sự biến hóa của Tôn giả, liền nói:
– Xin Tôn giả hãy xuống ngay đây, an tọa nơi này! Tôi sẽ phát tâm bố thí.
[0685a04] Tôn giả Thi-bà-la liền xả thần túc, trở về chỗ ngồi. Trưởng giả liền đem thức ăn nước uống dở tệ, thô xấu cúng cho Tôn giả Thi-bà-la. Tôn giả Thi-bà-la vốn sanh trong nhà hào tộc, ăn uống đủ vị, nhưng vì muốn độ cho trưởng giả ấy nên đã thọ thức ăn. Thọ thực xong, Tôn giả Thi-bà-la trở về chỗ của mình.
Ðêm ấy, thiên nhân ở trên hư không báo cho trưởng giả:
Thiện thí, thí lớn nhất,
Thí cho Thi-bà-la,
Bậc vô dục giải thoát,
Dứt ái, chẳng còn nghi.
Lúc nửa đêm và khi gần sáng, thiên nhân lại nói kệ này:
Thiện thí, thí lớn nhất,
Thí cho Thi-bà-la,
Bậc vô dục giải thoát,
Dứt ái, chẳng còn nghi.
Nghe thiên nhân nói, trưởng giả liền nghĩ: “Hôm qua, ta đem trăm ngàn lượng vàng bố thí cho ngoại đạo mà không có sự linh ứng này. Hôm nay, ta lấy thức ăn dở tệ bố thí cho Thi-bà-la mà có cảm ứng đến thế. Đợi khi trời sáng, ta sẽ tự tay đem trăm ngàn lượng vàng hiến cúng cho Tôn giả Thi-bà-la.”
Ngay trong ngày đó, trưởng giả kiểm đếm gia sản trong nhà có đủ trăm ngàn lượng vàng, liền đem đến cúng dường Tôn giả Thi-bà-la. Đến nơi, trưởng giả cúi lạy sát đất và đứng sang một bên. Lúc ấy, trưởng giả kính dâng trăm ngàn lượng vàng lên Tôn giả Thi-bà-la và thưa:
– Cúi mong ngài thọ nhận trăm ngàn lượng vàng này!
Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la đáp:
– Cầu mong trưởng giả hưởng phước vô biên, trường thọ cùng trời đất! Thế nhưng đức Như Lai không cho phép Tỳ-kheo thọ nhận trăm ngàn lượng vàng.
Trưởng giả liền đến chỗ đức Thế Tôn. Đến nơi, trưởng giả cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên, bạch Phật:
– Cúi mong Thế Tôn cho phép ngài Thi-bà-la nhận trăm ngàn lượng vàng để con được hưởng phước!
Thế Tôn dạy một Tỳ-kheo:
– Thầy hãy đến chỗ Tỳ-kheo Thi-bà-la rồi bảo rằng Như Lai gọi!
Tỳ-kheo đáp:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Vâng lời Phật dạy, Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả Thi-bà-la, chuyển lời của đức Thế Tôn.
[0685b01] Nghe vị Tỳ-kheo kia truyền gọi, Tôn giả Thi-bà-la liền đến chỗ đức Thế Tôn, cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn bảo Thi-bà-la:
– Nay thầy có thể nhận trăm ngàn lượng vàng của trưởng giả để cho ông ta được phước quả. Ðây là nghiệp duyên đời trước nên có phước báu này.
Ngài Thi-bà-la đáp:
– Xin vâng, thưa Thế Tôn!
Khi ấy, Tôn giả Thi-bà-la liền nói kệ rằng:
Bố thí y, vật dụng,
Muốn nhờ phước đức này,
Sanh nhân loại, chư thiên,
Để hưởng vui năm dục.
Từ nhân loại, chư thiên,
Vượt qua không ách nạn,
Cõi vô vi Niết-bàn,
Chư Phật thường an trú.
Huệ thí không ngăn ngại,
Nhờ vậy được phước nhiều,
Nên khởi lòng thương yêu,
Tạo phước không lười mỏi.
Tôn giả Thi-bà-la bảo trưởng giả:
– Ông có thể đem trăm ngàn lượng vàng này để ở phòng tôi.
Vâng lời dạy, trưởng giả đem trăm ngàn lượng vàng này sắp đặt trong phòng của Tôn giả Thi-bà-la rồi lui ra.
Ngài Thi-bà-la bảo các Tỳ-kheo:
– Vị nào có thiếu thốn vật gì, hãy đến đây mà lấy. Nếu cần y phục, thức ăn, giường đệm, thuốc men thì nên đến chỗ tôi mà lấy, chớ cầu chỗ khác. Hãy truyền báo cho mọi người rõ điều này.
Bấy giờ, số đông Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Ngài Thi-bà-la này xưa tạo phước lành gì mà sanh trong nhà trưởng giả, đoan chánh vô song, đẹp như hoa đào? Lại tạo phước gì mà hai tay nắm hạt châu khi vừa sanh ra từ trong thai mẹ? Lại tạo phước gì mà dẫn năm trăm người đến chỗ đức Thế Tôn xuất gia học đạo, gặp Như Lai xuất hiện ở đời? Lại tạo phước gì mà đi đến đâu cũng có cơm áo tự nhiên, không lo thiếu thốn? Các Tỳ- kheo khác không ai sánh bằng?
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vào thời quá khứ lâu xa, cách nay chín mươi mốt kiếp, có đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai, Ứng Cúng,13 Chánh Biến Tri,14 Minh Hạnh Túc,15 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,16 Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn xuất hiện ở đời, giáo hóa ở nước Bàn-đầu cùng sáu mươi vạn tám ngàn chúng, đầy đủ bốn món cúng dường như y phục, ẩm thực, giường đệm, thuốc men. Bấy giờ, có Phạm chí tên là Da-nhã-đạt17 đang ở nước đó, có nhiều tiền của, vàng bạc, châu báu, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách nhiều không tính kể.
Bấy giờ, Da-nhã-đạt ra khỏi nước, đến chỗ Như Lai Tỳ-bà-thi. Đến rồi cùng thăm hỏi và ngồi sang một bên. Đức Như Lai Tỳ-bà-thi tuần tự thuyết pháp khiến ông phát tâm hoan hỷ. Khi ấy, Da-nhã-đạt bạch Phật Tỳ-bà-thi:
“Cúi mong Ngài hãy nhận lời cầu thỉnh của con, con muốn cúng dường ngọ trai cho Phật và chúng Tỳ-kheo.”
Lúc ấy, đức Như Lai yên lặng nhận lời. Thấy đức Thế Tôn yên lặng nhận lời, Phạm chí Da-nhã-đạt liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi đi. Về nhà, ông chuẩn bị thức ăn nước uống hợp vị.
[0685c09] Vào khoảng giữa đêm, Da-nhã-đạt chợt nghĩ: “Nay ta đã làm xong thức ăn và nước uống, chỉ thiếu tô lạc. Sáng sớm ngày mai ta sẽ vào thành, ai bán tô lạc, ta sẽ mua hết.”
Sáng sớm, Da-nhã-đạt sửa soạn chỗ ngồi trang nghiêm ở tư gia, rồi đến cửa thành để tìm tô lạc. Ngay khi ấy, có người chăn bò tên là Thi-bà-la mang tô lạc đi cúng tế. Phạm chí Da-nhã-đạt bảo người chăn bò:
“Ông hãy bán tô lạc đi, tôi sẽ mua với giá cao nhất.”
Thi-bà-la nói:
“Phần tô lạc này tôi đã dành vào việc cúng tế.”
Phạm chí bảo:
“Ông cúng tế thiên thần để cầu việc gì? Hãy bán tô lạc cho ta, ta sẽ trả ông một cách xứng đáng.”
Người chăn bò tò mò hỏi:
“Này ông Phạm chí! Ông dùng tô lạc này để làm gì?”
Phạm chí đáp:
“Tôi đang thiết trai cúng dường đức Như Lai Tỳ-bà-thi và chúng Tỳ-kheo. Các món ẩm thực đã bày biện đủ, chỉ thiếu tô lạc.”
Thi-bà-la hỏi Phạm chí:
“Đức Như Lai Tỳ-bà-thi tướng mạo thế nào?”
Phạm chí đáp:
“Đức Như Lai không có ai bằng, giới hạnh thanh tịnh, tuệ, định tam-muội không ai bì kịp. Dù ở cõi trời hay ở chốn nhân gian nhưng sẽ không có ai sánh với Ngài được.”
Lúc ấy, Phạm chí Da-nhã-đạt tán thán công đức Như Lai. Nghe xong, Thi- bà-la tâm ý khai mở liền bảo Phạm chí:
“Nay tôi sẽ đích thân đem tô lạc này đến cúng Như Lai, cúng trời ích gì.” Phạm chí Da-nhã-đạt đưa người chăn bò về nhà, rồi đến bạch Phật:
“Giờ thọ trai đã đến, cúi mong đức Thế Tôn quang lâm.”
Biết đã đến giờ, Như Lai liền đắp y, ôm bát cùng các Tỳ-kheo tuần tự trước sau đến nhà Phạm chí Da-nhã-đạt. Đại chúng ngồi theo thứ lớp.
Bấy giờ, người chăn bò thấy Như Lai có dung mạo hiếm có trên đời, các căn thuần tịnh, với ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân tướng trang nghiêm, ví như mặt trời, mặt trăng với ánh sáng chiếu xa, nơi đâu cũng soi đến và đức cao chất ngất như núi chúa Tu-di. Người ấy thấy rồi, hoan hỷ đến trước Thế Tôn và thưa:
“Công đức Như Lai thật đúng như lời Phạm chí nói, do vậy con xin cúng Như Lai và tất cả chúng Tăng một bình đầy tô lạc.”
Rồi Thi-bà-la bạch Thế Tôn:
“Xin Ngài nhận tô lạc này.”
Đức Như Lai đưa bát nhận tô lạc, sau đó theo thứ lớp cúng cho tất cả chúng Tỳ-kheo mà tô lạc vẫn còn dư.
[0686a07] Người chăn bò thưa Thế Tôn:
“Vẫn còn dư tô lạc.”
Như Lai bảo:
“Vậy ông hãy đem tô lạc này dâng cho Phật và chúng Tỳ-kheo lần nữa.”
“Xin vâng, thưa Thế Tôn!”
Người chăn bò sau đó lại chia tô lạc một lần nữa, thế nhưng tô lạc cũng còn dư. Người chăn bò lại bạch Phật:
“Con đã cúng hai lần mà vẫn còn dư tô lạc.”
Đức Thế Tôn bảo người ấy:
“Vậy ông hãy đem tô lạc này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà- di khiến cho các vị ấy được no đủ.”
Sau khi cúng xong cho các vị này, tô lạc vẫn còn dư. Phật bảo người chăn bò:
Vậy ông hãy đem tô lạc này phân chia cho chủ nhân và các người lo việc cúng dường.”
“Xin vâng, thưa Thế Tôn!”
Người chăn bò tiếp tục đem chia tô lạc cho chủ nhân và các người lo việc cúng dường xong nhưng vẫn còn dư. Ông lại đem bố thí cho người bần khổ, ăn xin. Bố thí xong thì tô lạc cũng còn dư. Người chăn bò liền đến bạch Phật:
“Con đã bố thí cho mọi người mà tô lạc vẫn còn dư.”
Phật bảo:
“Vậy ông hãy đem tô lạc này bỏ ở chỗ đất sạch, hoặc đổ trong nước. Vì sao thế? Vì Ta không thấy có ai trong hàng trời, người có thể tiêu hóa được tô lạc này, ngoại trừ đức Như Lai.”
Vâng lời Phật dạy, người chăn bò đem tô lạc này bỏ vào trong nước. Ngay lúc ấy trong nước có ngọn lửa sáng rực bốc cao vài chục thước.18 Trông thấy điều quái lạ như thế, người chăn bò khen ngợi là điều chưa từng có rồi trở về chỗ Thế Tôn cúi lạy sát đất, chắp tay lập thệ nguyện này:
“Nay con đã đem tô lạc cúng dường cho bốn bộ chúng. Nhờ phước đức này cầu mong cho con không bị đọa vào chốn tám nạn, chớ sanh vào nhà nghèo khổ, khi sanh ra được mặt mũi đoan chánh, sáu căn đầy đủ và chẳng thích sống đời tại gia. Mong ở đời tương lai con cũng được gặp bậc Thánh Tôn như hôm nay vậy.”
Tỳ-kheo nên biết, ba mươi mốt kiếp về trước, lại có đức Phật xuất hiện ở đời hiệu là Thi-khí Như Lai. Khi ấy, đức Thi-khí19 Như Lai du hóa trong cõi Dã Mã cùng với đại chúng Tỳ-kheo mười vạn người.
Bấy giờ, đức Như Lai Thi-khí đến giờ đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Trong thành có một thương khách lớn tên là Thiện Tài. Ông từ xa trông thấy đức Như Lai Thi-khí, các căn tịch tĩnh, dung mạo đoan chánh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân tướng trang nghiêm như mặt trời, mặt trăng. Thấy rồi, ông liền phát tâm hoan hỷ, tiến đến trước đức Thế Tôn cúi lạy sát đất rồi ngồi sang một bên. Vị khách buôn đem châu báu thượng hạng cúng dường lên thân của đức Như Lai. Ngay khi ấy, ông phát khởi thệ nguyện:
“Nguyện nhờ công đức này, nơi nào con sanh ra, tiền tài luôn đầy đủ, châu báu luôn sung túc, không vật gì thiếu thốn, trong tay con lúc nào cũng đong đầy tiền của, cho đến trong thai mẹ cũng nắm giữ tiền tài.”
[0686b09] Vào thời Trung kiếp, lại có đức Tỳ-xá-la-bà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Bấy giờ, có trưởng giả tên là Thiện Giác nhiều tiền lắm của, đã thỉnh đức Tỳ-xá-la-bà Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri và chúng Tỳ-kheo. Do vì lúc ấy thiếu người sai việc nên trưởng giả tự thân bày biện các món thức ăn nước uống ngon ngọt dâng lên đức Như Lai với lời thệ nguyện:
“Nguyện đem công đức này, mong rằng khi được sanh ra ở nơi đâu, con thường được gặp Tam bảo, không thiếu thốn điều gì, thường có nhiều người phụ trợ, khiến đời sau được gặp Thế Tôn như hôm nay.”
Vào trong Hiền kiếp này, có đức Phật hiệu là Câu-lưu-tôn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri xuất hiện ở đời. Bấy giờ, có trưởng giả Ða Tài, lại thỉnh đức Như Lai Câu-lưu-tôn và chúng Tỳ-kheo thọ thực trong bảy ngày. Ông cúng dường y phục, thức ăn nước uống, giường đệm và thuốc men cùng với lời nguyện:
“Nơi nào con sanh ra thường có nhiều tiền của, không sanh vào nhà bần cùng khốn khổ. Nơi nào con sanh ra, nơi ấy thường được bốn món cúng dường. Dù bốn bộ chúng như quốc vương, dân chúng... nhưng khi trông thấy con thảy đều tôn kính. Ngay cả trời, rồng, quỷ thần, người và phi nhân khi thấy con đều hoan hỷ tiếp rước, đãi ngộ.”
Các Tỳ-kheo nên biết! Phạm chí Da-nhã-đạt là người khác sao? Chớ nghĩ như thế! Vì sao như vậy? Vì đó chính là trưởng giả Nguyệt Quang. Người chăn bò Thi-bà-la đem tô lạc cúng dường Phật, nay chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Khách buôn Thiện Tài đâu phải ai xa lạ. Chớ nghĩ như thế! Vì đó cũng chính là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Trưởng giả Thiện Giác là ai khác sao? Chớ nghĩ như thế! Vì đó cũng là Tỳ-kheo Thi-bà-la. Cũng vậy, trưởng giả Ða Tài là người nào khác? Chớ nghĩ như thế! Vì đó cũng là Tỳ-kheo Thi-bà-la.
[0686c03] Các Tỳ-kheo nên biết! Tỳ-kheo Thi-bà-la phát thệ nguyện như vầy: “Khiến tôi sanh ra thường được đoan chánh, không ai sánh bằng, thường sanh trong nhà phú quý, khiến trong đời tương lai được gặp Thế Tôn. Nếu Ngài vì tôi thuyết pháp, tôi sẽ được giải thoát, được xuất gia làm Sa-môn.” Do công đức này nên Tỳ-kheo Thi-bà-la được sanh trong nhà phú quý, đoan chánh vô song, khi gặp được Ta, liền đắc A-la-hán.
Tỳ-kheo nên biết! Do vì ông ấy đã lấy bảo châu cúng dường trên thân Như Lai, do công đức này nên ở trong thai mẹ đã cầm hai hạt châu quý báu mà sanh ra, có giá trị bằng cõi Diêm-phù-đề. Khi vừa sanh ra, Thi-bà-la liền biết nói.
Ông đã cúng dường đức Như Lai Câu-lưu-tôn với lời nguyện được nhiều người để phụ trợ, nay đã dẫn theo năm trăm đồ chúng đến chỗ Ta, xuất gia học đạo và đắc A-la-hán.
Và trong bảy ngày, ông đã cúng dường đức Như Lai Câu-lưu-tôn với lời cầu mong luôn được bốn món cúng dường. Hôm nay, thầy ấy chẳng thiếu y phục, thức ăn thức uống, giường đệm và thuốc men. Do những công đức này nên các Tỳ-kheo khác không sánh kịp. Thích-đề-hoàn-nhân tự thân đến cúng dường các món cần thiết, lại có chư thiên loan tin để cho làng trên xóm dưới đều hay, khiến cho bốn bộ chúng biết ngài Thi-bà-la do bởi những ý nghĩa như thế.
Trong hàng đệ tử của Ta, bậc phước đức lớn nhất là Tỳ-kheo Thi-bà-la.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm hạng trượng phu mạnh mẽ, có thể chiến đấu, xuất hiện ở đời. Là năm hạng nào?
Ở đây, có người mặc giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu, từ xa trông thấy gió bụi liền sanh lòng sợ hãi, đó là hạng chiến sĩ thứ nhất.
Hạng chiến sĩ thứ hai, mặc giáp, cầm gậy muốn vào trận chiến, thấy gió bụi tuy không sợ hãi, nhưng thấy ngọn cờ đối phương giương cao liền ôm lòng sợ hãi, không thể tiến đánh, đó là hạng thứ hai.
Hạng chiến sĩ thứ ba, mặc giáp, cầm gậy muốn vào trận chiến đấu, thấy gió bụi hay cờ xí tuy không sợ hãi, nhưng thấy cung tên liền sợ hãi, không thể chiến đấu, đó là hạng thứ ba.
Hạng chiến sĩ thứ tư, mặc giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu, thấy gió bụi, cờ xí hoặc cung tên tuy không sợ hãi, nhưng khi lâm trận bị kẻ địch bắt hoặc giết chết, đó là hạng thứ tư.
Hạng chiến sĩ thứ năm, mặc giáp, cầm gậy muốn vào trận đánh, thấy gió bụi, cờ xí hoặc thấy cung tên, hoặc bị quân địch bắt, thậm chí giết chết cũng không sợ hãi, có thể phá tan quân địch trong ngoài bờ cõi mà thống lãnh dân chúng, đó là hạng thứ năm.
Như vậy, này Tỳ-kheo! Thế gian có năm hạng người này và nay trong chúng Tỳ-kheo cũng có năm hạng người như vậy xuất hiện trong đời. Là năm hạng nào?
Hoặc có Tỳ-kheo du hành trong thôn xóm, thầy ấy nghe trong thôn có người phụ nữ đoan chánh vô song, mặt tựa hoa đào. Nghe xong, thầy ấy đến giờ khất thực thì đắp y, ôm bát vào làng, gặp cô gái nhan sắc vô song này liền khởi lòng dục, rồi xả ba y, bỏ giới cấm của Phật, làm người cư sĩ. Ví như người chiến sĩ nọ, thấy gió bụi đã sợ hãi, Tỳ-kheo này cũng như thế.
Hoặc có Tỳ-kheo nghe trong thôn xóm có cô gái đoan chánh, không ai sánh bằng. Đến giờ khất thực, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào làng, tuy gặp cô gái và không khởi lòng dục, nhưng nếu cùng cô gái ấy đùa cợt, chuyện trò; do sự đùa cợt này, thầy ấy liền bỏ pháp phục trở về làm cư sĩ. Trường hợp này giống như hạng chiến sĩ thứ hai, thấy gió bụi không sợ, nhưng thấy cờ xí đối phương tung bay liền ôm lòng sợ hãi, Tỳ-kheo này cũng như vậy.
Hoặc có Tỳ-kheo nghe trong thôn xóm có cô gái dung mạo đoan chánh, như sắc hoa đào, hiếm gặp ở đời. Đến giờ khất thực, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào làng, dù thấy cô gái và không khởi lòng dục, giả như được cùng cô giỡn cười thì cũng không khởi lòng dục. Thế nhưng khi cùng cô gái kia nắm tay nhau, hoặc cùng xúc chạm vuốt ve, liền khởi lòng dục, Tỳ-kheo liền bỏ ba pháp y, trở lại làm người cư sĩ, tập tành gia nghiệp. Trường hợp này như hạng chiến sĩ thứ ba, lúc vào trận thấy gió bụi, thấy cờ xí không sợ hãi, nhưng khi thấy cung tên liền ôm lòng lo sợ.
Hoặc có Tỳ-kheo nghe trong thôn xóm có cô gái mặt mũi đoan chánh, thế gian hiếm có. Ðến giờ khất thực, Tỳ-kheo đắp y, ôm bát vào làng, dù trông thấy cô gái nhưng thầy ấy không khởi lòng dục, giả như có chuyện trò thì cũng không khởi lòng dục. Thế nhưng khi được cô gái kia xúc chạm, vuốt ve liền khởi lòng dục, nhưng vị ấy không cởi bỏ pháp phục mà tập tành gia nghiệp. Trường hợp này như hạng chiến sĩ thứ tư, khi vào quân trận bị địch bắt hoặc đoạt mạng sống, không thể thoát khỏi.
[0687b04] Hoặc có Tỳ-kheo ở trong thôn xóm, thầy ấy nghe trong thôn có cô gái. Ðến giờ khất thực, thầy ấy đắp y, ôm bát vào làng, dù thấy cô gái cũng không khởi lòng dục, hoặc cùng nói cười cũng không khởi lòng dục, hoặc bị vuốt ve cũng không khởi lòng dục. Khi ấy, Tỳ-kheo quán ba mươi sáu thứ dơ bẩn, bất tịnh trong thân: “Ai đắm trước vào đây? Do đâu mà khởi dục? Dục này an trú ở đâu? Ở đầu chăng? Xuất phát từ thân thể chăng? Quán các vật này không có gì cả. Từ đầu đến chân cũng lại như thế, đều thuộc ngũ tạng, không phải tưởng tượng, cũng không phải từ nơi khác đến.” Thầy ấy quán sát nguồn gốc nhân duyên của dục vọng và chẳng biết từ đâu đến! Tỳ-kheo lại nghĩ: “Ta quán dục này từ nhân duyên sanh.”
Quán sát như thế rồi, Tỳ-kheo ấy tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu,21 liền chứng trí giải thoát và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Như người chiến sĩ thứ năm kia, không ngại quân địch mà tự do tung hoành. Vì lý do đó nên Ta nói rằng, người này xả bỏ ái dục, vào nơi không sợ hãi, đến được thành Niết-bàn. Do vậy, Tỳ-kheo! Có năm hạng người này xuất hiện trong đời.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Dục, ta biết gốc ngươi,
Ngươi sanh từ tư tưởng,
Nếu ta không nghĩ tưởng,
Thì ngươi làm sao sanh?
Do đó, các Tỳ-kheo! Muốn trừ bỏ sắc dục thì hãy quán sát dâm dục là hạnh bất tịnh, là sự dơ bẩn.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có năm hạng chiến sĩ xuất hiện ở đời. Là năm hạng nào?
Hoặc có người mặc giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu. Khi thấy gió bụi, ông ta lo sợ nên chẳng dám xông pha vào trong trận lớn, đó là hạng người thứ nhất.
[0687c02] Hạng chiến sĩ thứ hai, mặc giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu. Khi thấy gió bụi, ông ta không sợ hãi, nhưng khi nghe tiếng trống trận liền kinh sợ, đó là hạng người thứ hai.
Hạng chiến sĩ thứ ba, mặc giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu. Khi thấy gió bụi, ông ta không sợ hãi, dù nghe tiếng trống, tiếng tù và, cũng không làm ông lo sợ. Tuy nhiên, khi thấy ngọn cờ đối phương giương cao, ông ta liền sợ hãi, chẳng thể chiến đấu, đó là hạng người thứ ba.
Hạng chiến sĩ thứ tư, mặc giáp, cầm gậy vào quân trận chiến đấu. Khi thấy gió bụi, ông ta không sợ hãi, dù nghe tiếng trống, tiếng tù và, cũng không làm ông lo sợ, hoặc thấy ngọn cờ đối phương giương cao, cũng không thể làm ông sợ hãi. Thế nhưng, ông ta có thể bị địch bắt và giết chết, đó là hạng người thứ tư.
Thứ năm, có người mặc giáp, cầm gậy vào quân trận tham chiến. Ông ta có khả năng phá tan quân địch hoàn toàn, mở mang bờ cõi, đó là hạng chiến sĩ thứ năm xuất hiện ở đời.
Tỳ-kheo nên biết! Chúng Tỳ-kheo ngày nay cũng có năm hạng người xuất hiện ở đời. Là năm hạng nào?
Hoặc có Tỳ-kheo ở trong thôn xóm, thầy ấy biết có người con gái đoan chánh vô song, sắc đẹp tựa hoa đào. Đến giờ khất thực, Tỳ-kheo ấy đắp y, ôm bát vào làng, không giữ gìn căn môn, chẳng hộ trì thân, miệng, ý. Nếu thấy người con gái thì thầy ấy liền khởi lòng dục, xả bỏ giới cấm, thực hành pháp cư sĩ. Như hạng người đầu tiên kia, khi nghe tiếng gió bụi nổi lên thì không thể chiến đấu, sanh lòng sợ hãi. Do vậy nên Ta nói về hạng người này.
Hoặc có Tỳ-kheo ở trong thôn xóm, vị ấy biết trong thôn có cô gái đoan chánh vô song, sắc mặt đẹp tựa hoa đào, liền bỏ giới cấm, thực hành pháp cư sĩ. Như hạng chiến sĩ thứ hai kia, vừa nghe tiếng trống, tiếng tù và thì không thể chiến đấu. Vị Tỳ-kheo này cũng như vậy.
Hoặc có Tỳ-kheo ở trong thôn xóm, nghe có cô gái ở thôn xóm kia. Vừa nghe xong ông ta liền khởi lòng dục. Nếu thấy cô gái, ông ta không khởi dục tưởng, chỉ khi nào cùng người con gái đó đùa cợt thì khi đó mới bỏ giới cấm, thực hành pháp cư sĩ. Như hạng chiến sĩ thứ ba kia, từ xa trông thấy cờ địch liền sợ hãi, không thể chiến đấu. Do vậy nên Ta nói về hạng người này. Ðó là hạng chiến sĩ thứ ba.
Hoặc có Tỳ-kheo ở trong thôn xóm, Tỳ-kheo đó nghe trong thôn có người con gái. Nghe rồi liền đắp y, ôm bát vào làng khất thực, chẳng giữ gìn thân, miệng và ý. Khi thấy người con gái đoan chánh vô song, thầy ấy liền khởi lòng dục, hoặc cùng người con gái ấy đụng chạm, hoặc dùng tay vuốt ve, liền xả bỏ giới cấm trở về làm cư sĩ. Như hạng chiến sĩ thứ tư kia, ở trong đại quân bị địch bắt và giết chết. Do vậy nên Ta nói về hạng người này.
[0688a07] Hoặc có Tỳ-kheo nghe trong thôn xóm có người con gái xinh đẹp hiếm có ở đời. Tuy nghe như thế, thầy ấy không khởi lòng dục. Đến giờ khất thực, vị Tỳ-kheo ấy giữ gìn thân, miệng và ý; đắp y, ôm bát vào làng. Tuy thấy người con gái nhưng thầy ấy không khởi lòng dục, không có niệm tà, dù cùng người con gái đó trò chuyện cũng chẳng khởi lòng dục, cũng không niệm tà. Nếu như cùng người con gái đó xúc chạm, nắm tay, lúc ấy Tỳ-kheo liền khởi lòng dục, thân, miệng và ý liền buông lung. Khi lòng dục quá độ, thầy ấy trở về chốn a-lan-nhã, đến chỗ Tỳ-kheo trưởng lão, đem nhân duyên này thưa với trưởng lão Tỳ-kheo:
“Chư Hiền nên biết! Nay tôi lòng dục quá độ, khó tự kiềm chế. Cúi mong chư Hiền thuyết pháp khiến cho tôi thoát khỏi sự nhơ nhớp, bất tịnh của lòng dục.”
Bấy giờ, trưởng lão Tỳ-kheo bảo:
“Ông nên quán lòng dục này từ đâu sanh? Từ đâu diệt? Như Lai đã dạy: ‘Người muốn trừ dục nên dùng pháp quán bất tịnh để trừ. Vì pháp quán bất tịnh là một phương pháp tu hành.’”
Tỳ-kheo trưởng lão liền nói kệ:
Nếu biết lòng điên đảo,
Khiến tâm thêm bừng bừng,
Hãy trừ tâm dấy tưởng,
Lòng dục liền dứt ngưng.
“Chư Hiền nên biết, lòng dục này do vọng tưởng sanh, vì dấy niệm tưởng liền sanh lòng dục. Lòng dục này có thể hại mình và hại người, sanh khởi nhiều tai họa nguy khốn, ở hiện đời đã chịu khổ, lo toan, đời sau phải chịu khổ vô lượng. Lòng dục đã trừ, không tự hại mình, cũng chẳng hại người khác, phước báu hiện đời không thọ khổ đau. Thế nên, nay hãy dứt trừ niệm tưởng. Do không còn niệm tưởng thì không có lòng dục, đã không có lòng dục thì sẽ không loạn tưởng.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nhận lời dạy bảo liền tư duy tưởng bất tịnh. Do tư duy tưởng bất tịnh nên tâm được giải thoát khỏi phiền não, đạt đến chỗ vô vi, như người thứ năm kia mặc giáp, cầm gậy vào trận chiến đấu. Dù thấy quân địch nhưng ông ta không hề sợ hãi. Nếu có người đến hại, tâm ông ta không dao động, có thể phá diệt giặc thù ngoài biên, mở mang bờ cõi. Do vậy nên nói hạng người này có thể phá chúng ma, diệt trừ loạn tưởng, đạt đến chỗ vô vi. Ðó là hạng người thứ năm xuất hiện trên đời.
Tỳ-kheo nên biết! Thế gian này có năm hạng người xuất hiện ở đời. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ tu hành, dục là tưởng bất tịnh.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người quét đất do năm việc nên không có công đức. Là năm việc nào? Ở đây, người quét đất chẳng biết ngược gió, chẳng biết thuận gió, không biết gom lại, không quét sạch dơ bẩn và quét xong rồi nhưng chỗ đã quét lại không sạch sẽ. Do vậy, này Tỳ-kheo! Người quét đất do năm việc nên không có công đức lớn.
Lại nữa, này Tỳ-kheo! Người quét đất thành tựu năm công đức. Là năm công đức nào? Ở đây, người quét đất biết được thuận gió, biết khi ngược gió, biết cách gom lại, biết cách quét sạch dơ bẩn nhưng không bỏ sót và làm cho mọi nơi sạch sẽ, tốt đẹp. Do vậy, này Tỳ-kheo! Nhờ năm việc này sẽ thành tựu công đức lớn.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên trừ bỏ năm việc trước, tu năm pháp sau.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có người quét tháp25 nhưng không được năm thứ công đức. Là năm công đức nào? Đó là, quét tháp nhưng không lấy nước rưới đất; không gom nhặt ngói, đá; không sửa sang cho bằng phẳng; không chánh niệm khi quét tháp và không tẩy sạch dơ bẩn. Do vậy, này Tỳ-kheo! Người quét tháp nhưng không thành tựu năm công đức.
Tỳ-kheo nên biết! Người quét tháp thành tựu năm công đức. Là năm công đức nào? Ở đây, người quét tháp lấy nước rưới đất; gom nhặt ngói, đá; san bằng đất đai; chánh niệm trong khi quét và tẩy sạch dơ bẩn. Do vậy, này Tỳ-kheo! Có năm việc khiến người quét tháp được công đức.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Người muốn cầu công đức nên làm năm việc này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người du hành nhiều có năm trở ngại. Là năm trở ngại nào? Ở đây, người thường du hành không đọc tụng giáo pháp, hay lãng quên giáo pháp vốn đã đọc tụng, tâm không định tĩnh, tuy đạt được định27 nhưng lại đánh mất và nghe pháp nhưng không ghi nhớ. Như vậy, này Tỳ-kheo! Người du hành nhiều có năm trở ngại này.
Tỳ-kheo nên biết! Người không du hành nhiều có năm công đức. Là năm công đức nào? Pháp chưa từng nghe thì sẽ được nghe; đã nghe rồi thì không quên mất; nghe nhiều và có thể giữ gìn điều đã nghe; tâm được định tĩnh và đã đạt được định thì không đánh mất nữa.
Do vậy, này Tỳ-kheo! Người không du hành nhiều có năm công đức này.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Chớ nên du hành nhiều.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nếu có Tỳ-kheo trụ lâu một chỗ sẽ có năm điều phi pháp. Là năm điều nào? Ở đây, vị Tỳ-kheo ở một chỗ thì tâm sẽ dính mắc vào nhà cửa, sợ người khác chiếm đoạt; hoặc tâm dính mắc vào tài sản nên sợ người [khác] chiếm đoạt; hoặc tích chứa nhiều vật dụng giống như người đời;29 dính mắc vào đồ chúng, không muốn cho người khác qua lại nhà của đồ chúng và thường giao du qua lại với cư sĩ. Do vậy, này Tỳ-kheo! Người ở một chỗ có năm điều phi pháp này.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nên tìm cầu phương tiện, chớ ở một chỗ.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Người không trụ một chỗ có năm công đức. Là năm công đức nào? Không tham đắm nhà cửa, không tham đắm đồ vật, không chứa nhiều tài vật, không dính mắc bà con và chẳng qua lại giao thiệp với cư sĩ. Như thế, này Tỳ-kheo! Người không trụ một chỗ có năm công đức này.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thực hành năm việc này.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ bên hồ Quang Minh, thuộc nước Ma-kiệt.
Bấy giờ, đức Thế Tôn cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo đi du hóa trong nhân gian.
Khi ấy, đức Thế Tôn thấy một cây lớn bị lửa đốt cháy. Thấy rồi, Như Lai ngồi xuống bên một gốc cây rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào, Tỳ-kheo! Thà đem thân này nhảy vào trong lửa hay nên cùng giao du với người nữ đoan chánh?
Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Nên cùng người nữ tiếp xúc giao du chứ không nên nhảy vào trong lửa. Vì sao như thế? Vì lửa này nóng bức, không thể diễn tả, nó sẽ đoạn dứt mạng sống, chịu khổ vô biên.
Đức Thế Tôn bảo:
– Nay Ta bảo các thầy: Không phải hàng Sa-môn mà nhận là Sa-môn, không phải bậc Phạm hạnh mà nhận là bậc Phạm hạnh, chưa nghe Chánh pháp mà bảo rằng từng nghe Chánh pháp. Người như thế chẳng có gì trong sạch, thà nhảy vào đống lửa này chứ không nên cùng người nữ giao thiệp. Vì sao như vậy? Vì kẻ kia tuy phải chịu đau khổ cùng cực khi nhảy vào trong lửa, còn hơn là phải đọa vào địa ngục, chịu khổ vô lượng.
Thế nào, Tỳ-kheo! Thà được người cung kính lễ bái hay phải chịu người dùng kiếm bén cắt đứt chân tay.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Nên để người cung kính lễ bái, còn hơn là phải bị người dùng kiếm bén cắt đứt chân tay? Vì sao như vậy? Vì chặt tay chân đau đớn không tả xiết.
Thế Tôn dạy:
– Nay Ta bảo các thầy: Không phải hàng Sa-môn mà nhận là Sa-môn, không phải bậc Phạm hạnh mà nhận là Phạm hạnh, chưa từng nghe Chánh pháp mà bảo rằng đã nghe Chánh pháp, đây là hạng người không trong sạch, mất hết căn lành. Người như thế, thà đưa thân mình chịu chém, còn hơn là không giới hạnh mà nhận sự cung kính của người. Vì sao như thế? Vì nỗi đau do bị đao kiếm chỉ thoáng chốc mà thôi, thế nhưng thống khổ ở địa ngục thì không thể tính kể.
Thế nào, Tỳ-kheo! Thà thọ nhận y phục của người, còn hơn là phải bị lấy dây sắt nóng quấn lấy thân?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Nên thọ nhận y phục của người chứ không thể chịu đựng nỗi thống khổ này. Vì sao như thế? Vì điều thống khổ ấy không thể tính kể.
Thế Tôn dạy:
– Ta nhắc lại một lần nữa để các thầy biết: Người không giới hạnh thì thà lấy dây sắt nóng quấn vào thân, chớ không nên thọ nhận y phục của người. Sở dĩ như vậy là vì sự thống khổ do sắt nóng quấn thân chỉ trong chốc lát, còn sự đau khổ ở chốn địa ngục thì lâu dài không thể tính kể.
Thế nào, Tỳ-kheo! Thà nhận thức ăn của tín thí hay nên nuốt hòn sắt nóng?
[0689b04] Các Tỳ-kheo đáp:
– Nên nhận thức ăn của tín thí chứ không thể nuốt hòn sắt nóng. Sở dĩ như vậy là vì nuốt hòn sắt nóng quá đau đớn không thể chịu đựng.
Thế Tôn dạy:
– Nay Ta bảo các thầy: Thà nuốt hòn sắt nóng chứ không nên không có giới hạnh mà thọ nhận của tín thí. Vì sao như thế? Vì nuốt hòn sắt nóng chỉ khổ đau trong chốc lát, chớ nên thọ của tín thí mà lại không giới hạnh.
Thế nào, Tỳ-kheo! Nên nhận giường chiếu, ngọa cụ của người hay phải chịu nằm trên giường sắt nóng?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Chúng con nên nhận giường chiếu, ngọa cụ của người, chứ không chịu nằm trên giường sắt nóng. Sở dĩ như thế là vì nằm trên giường sắt nóng đau khổ muôn vàn.
Thế Tôn dạy:
– Kẻ ngu si kia, không có giới hạnh, chẳng phải Sa-môn mà nhận là Sa-môn, không tu Phạm hạnh mà bảo tu Phạm hạnh thì thà nằm trên giường sắt nóng, chớ nên không có giới hạnh mà thọ của tín thí. Sở dĩ như thế là vì nằm trên giường sắt nóng chịu khổ chốc lát, chớ nên thọ của tín thí mà không giới hạnh.
Tỳ-kheo nên biết! Hôm nay, Ta nói về thọ báo của người không giới hạnh. Nếu người ấy ở trong nhân gian thì hình hài khô héo, hộc máu miệng, máu mũi mà chết.
Do vậy, chớ nên cùng người nữ giao du, không có đức hạnh thì chớ nhận người kính lễ và cũng không nên thọ nhận y phục, thực phẩm, giường chiếu, ngọa cụ và thuốc thang của người. Do vì người không giới hạnh này chẳng e dè tội lỗi đời trước hoặc đời sau, chẳng đoái hoài đến mạng sống nên phải chịu sự khổ đau cùng cực này. Người không giới hạnh sẽ bị đọa vào ba đường ác. Vì sao như thế? Vì tạo hạnh xấu ác nên phải bị đọa lạc vào đây.
Hôm nay, Như Lai cũng nói về phước quả của người làm lành, dù họ bị đau đớn do đao kiếm cắt thân, hay bị đoạn mạng sống. Vì sao như vậy? Vì họ chấp nhận xả bỏ thân này để hưởng phước của cõi trời và sẽ sanh vào cõi lành. Quả báo thù thắng đó là do phước báu từ việc lành ở đời trước đem đến.
Do vậy, này Tỳ-kheo! Phải thường nhiếp niệm sự tu hành về giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân và giải thoát tri kiến thân. Muốn đời này có phước báu, thấy rõ con đường bất tử thì tuy phải thọ nhận y phục, thực phẩm, giường nằm và thuốc thang nhưng không được lầm lỗi, khiến cho đàn-việt được phước lạc vô biên.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
[0689c01] Lúc đức Phật dạy bài pháp này thì sáu mươi Tỳ-kheo được tâm giải thoát, phiền não dứt sạch và cũng có sáu mươi Tỳ-kheo từ bỏ pháp phục trở về làm cư sĩ.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:
Ngũ vương cập Nguyệt Quang,
Thi-bà, Nhị chủng đấu,
Nhị tảo, Nhị hành pháp,
Khứ trụ hữu nhị chủng,
Khô thụ tối tại hậu.32
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Ngũ vương phẩm 五王品 (T.02. 0125.33. 0681c15).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.1. 0681c16). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099. 1149. 0306a21); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.72. 0399b28); S. 3.12 - I. 79.
3 Ba-tư-nặc (波斯匿, Pasenadi). Xem chú thích 14, phẩm 6, tr. 48; Tăng. 增 (T.02. 0125.6.3. 0560a07).
4 Tỳ-sa (毘沙, Bimbisāra). Xem chú thích 12, phẩm 6, tr. 48; Tăng. 增 (T.02. 0125.6.3. 0560a06).
5 Ưu-điền (優填). Theo Đại Đường Tây Vức ký 大唐西域記 (T.51. 2087.5. 0898a07), cổ dịch là Ưu-điền (優填), tân dịch là Ô-đà-diễn-na (鄔陀衍那), còn gọi là Ưu-đà-diên (優陀延), hoặc Ưu- đà-diên-na (優陀延那, S. Udayana, P. Udena), trùng tên với vị vua được đề cập trong bản kinh này. Xem chú thích 7, ở dưới.
6 Ác Sanh (惡生) còn gọi là A-xà-thế (阿闍世, Ajātasattu). Xem chú thích 16, phẩm 6, tr. 48; Tăng. 增 (T.02. 0125.6.3. 0560a08).
7 Ưu-đà-diên (優陀延). Theo SĀ. 1165, gọi là Ưu-đà-diên-na (優陀延那, Udayana), vua nước Bà-sa (婆蹉, Vaṃsā), là một trong 16 quốc gia hùng mạnh thời Phật, thủ đô là Kosambī. Nhà vua thâm tín Phật pháp, từng tham vấn với Tôn giả Ānanda, Tôn giả Piṇḍola Bhāradvāja và cúng dường nhiều y phục quý đến 2 vị Tôn giả này. Xem thêm chú thích 17, phẩm 6, tr. 49; Tăng. 增 (T.02. 0125.6.3.0560a08).
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.2. 0683a06). Tham chiếu: Ud. 15; Ap. 545; DhA. 7.9; ThagA. 1.60: Sīvalittheragāthā (Kệ ngôn của Trưởng lão Sīvalī); J. I. 100.
9 Nguyên tác: Càn-đạp-hòa (乾沓和, P. gandhabba), tên gọi khác của “càn-thát-bà” (乾闥婆), “kiện- thát-bà” (楗撻婆), còn được dịch là “kiện-đạt-phược” (健達縛).
10 Xem thêm bài kệ tương đương trong S. 3.1 - I. 68.
11 Nguyên tác: Thi-bà-la (尸婆羅, Sīvali).
12 Nguyên tác: Tận (盡).
13 Nguyên tác: Chí Chân (至真).
14 Nguyên tác: Đẳng Chánh Giác (等正覺).
15 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為).
16 Nguyên tác: Đạo Pháp Ngự (道法御).
17 Da-nhã-đạt (耶若達).
18 Nguyên tác: Nhận (仞). Nhà Chu (周) định 8 thước là một “nhận.”
19 Nguyên tác: Thức-cật Như Lai (式詰如來).
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.3. 0686c20). Tham chiếu: A. 5.75 - III. 89.
21 Dục lậu (欲漏, kāmāsava): Hết thảy phiền não trong cõi dục, ngoại trừ “vô minh”, gọi là “dục lậu.” Hữu lậu (有漏, bhavāsava): Hết thảy phiền não trong cõi sắc và vô sắc, trừ “vô minh”, gọi là “hữu lậu.” Vô minh lậu (無明漏, avijjāsava): Tổng nhiếp vô minh trong cả ba cõi, gọi đó là “vô minh lậu.” Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.89. 0802a13).
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.4. 0687b27) Tham chiếu: A. 5.76 - III. 93.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.5. 0688b09).
24 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.6. 0688b21).
25 Nguyên tác: Thâu-bà (偷婆, thūpa). Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0020b03) ghi: Tháp miếu (塔廟).
26 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.7. 0688c04). Tham chiếu: A. 5.221 - III. 257.
27 Nguyên tác: Tam-muội (三昧, samādhi): Chánh định; ngoài ra còn có các phiên âm khác như tam-ma-địa (三摩地), tam-ma-đề (三摩提).
28 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.8. 0688c16). Tham chiếu: A. 5.223 - III. 258.
29 Nguyên tác: Bạch y (白衣). SĀ. 1032 gọi là “cư gia bạch y” (居家白衣); MĀ. 63 ghi: Tại gia bạch y (在家白衣).
30 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.9. 0688c25). Tham chiếu như kinh trên.
31 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.33.10. 0689a04). Tham chiếu: Mộc tích dụ kinh 木積喻經 (T.01. 0026.5. 0425a16); A. 7.68 - IV. 128.
32 Nguyên tác Nhiếp tụng: 五王及月光; 尸婆, 二種鬥; 二掃, 二行法; 去住有二種; 枯樹最在後. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 25.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.