Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hôm nay, Như Lai sẽ nói về nhóm các pháp thiện, các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ!
Các Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy rồi, Thế Tôn liền nói:
– Thế nào gọi là nhóm các pháp thiện? Đó chính là năm căn. Năm căn gồm có tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Này các Tỳ-kheo, có năm căn này. Nếu Tỳ-kheo nào tu tập năm căn, chắc chắn sẽ chứng quả Tu-đà-hoàn, được bất thoái chuyển và nhất định sẽ thành tựu đạo Vô thượng. Tu tập tiến thêm, sẽ chứng quả Tư-đà-hàm và còn trở lại cõi đời này một lần nữa để dứt sạch gốc khổ. Tu tập tiến thêm nữa, sẽ chứng quả A-na-hàm, không còn sanh lại cõi đời này nữa, đưa đến Bát-niết-bàn. Tu tập tiến lên thêm nữa, sẽ dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, tự thân tác chứng mà tự an trú và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Nhóm các pháp thiện chính là năm căn. Vì sao vậy? Vì đây là nhóm lớn nhất, là vi diệu nhất trong các nhóm. Nếu ai không tu tập những pháp này thì không đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Độc giác, cho đến Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Nếu ai có được năm căn này thìsẽ thành tựu bốn quả vị và Ba thừa. Nói đến nhóm các pháp thiện thì năm căn này là hơn hết.
Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện tu tập năm căn này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hôm nay, Như Lai sẽ nói về nhóm các pháp bất thiện, các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ!
Các Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy rồi, Thế Tôn liền nói:
– Thế nào gọi là nhóm các pháp bất thiện?4 Đó chính là năm triền cái. Năm triền cái gồm có: Tham dục, sân hận, thụy miên, trạo cử5 và nghi. Đó gọi là năm triền cái. Nên biết, nhóm các pháp bất thiện chính là năm triền cái. Vì sao như vậy? Này các Tỳ-kheo, nếu người nào có năm triền cái này thì sẽ dự phần trong ba đường ác là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục. Tất cả các điều bất thiện đều từ năm triền cái này mà sanh khởi. Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để diệt trừ năm triền cái là tham dục, sân hận, thụy miên, trạo cử và nghi.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thừa sự và kính lễ đức Phật sẽ được năm công đức. Đó là năm công đức gì? Một là, thân tướng tốt đẹp. Hai là, có giọng nói hay. Ba là, của cải dồi dào. Bốn là, được sanh vào nhà trưởng giả. Năm là, sau khi qua đời sẽ được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Sở dĩ được như vậy là do Như Lai không ai có thể sánh bằng, Như Lai đã thành tựu niềm tin, thành tựu giới hạnh, thành tựu nghe nhiều, thành tựu trí tuệ và thành tựu tướng hảo, nhờ đây mà được thành tựu năm công đức.
Lại nữa, vì sao kính lễ đức Phật lại được thân tướng tốt đẹp? Vì nhờ chiêm ngưỡng hình tướng Như Lai nên phát tâm hoan hỷ. Vì nhân duyên này mà được thân tướng tốt đẹp.
Vì sao kính lễ đức Phật lại được giọng nói hay? Vì nhờ chiêm ngưỡng hình tướng Như Lai nên tự niệm danh hiệu Phật ba lần: “Kính lạy đức Như Lai, bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.” Vì nhân duyên này mà được giọng nói hay.
Vì sao kính lễ đức Phật lại được của cải dồi dào? Vì nhờ chiêm ngưỡng hình tướng Như Lai nên liền phát tâm bố thí rộng lớn, rải hoa, đốt đèn, cho đến bố thí nhiều phẩm vật khác. Vì nhân duyên này mà được của cải dồi dào.
Lại nữa, vì sao kính lễ đức Phật lại được sanh vào gia đình trưởng giả? Vì nhờ chiêm ngưỡng hình tướng Như Lai nên tâm sẽ không khởi niệm đắm nhiễm, quỳ gối sát đất, chắp tay chí thành đảnh lễ đức Phật. Nhờ nhân duyên này mà được sanh vào gia đình trưởng giả.
Lại nữa, vì sao kính lễ đức Phật thì sau khi qua đời sẽ được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời? Theo thường pháp của chư Phật, Thế Tôn, nếu chúng sanh nào dùng năm duyên sự để kính lễ Như Lai thì người ấy được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.
Này các Tỳ-kheo, đó là năm nhân duyên mà người kính lễ đức Phật được năm công đức. Cho nên, này các Tỳ-kheo! Nếu người thiện nam, thiện nữ nào muốn có được năm công đức này thì hãy tìm cầu phương tiện kính lễ đức Phật.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Giống như căn nhà có hai cửa đối nhau và có người sống trong đó. Lại có người đứng ở trên quán sát bên dưới nhà, nếu ai ra vào, đến đi thảy đều thấy biết rõ tất cả.8 Cũng giống như vậy, Như Lai bằng thiên nhãn quán sát tất cả các loại chúng sanh, thấy có sanh ra, có chết đi; có đường lành, có nẻo dữ; có người đẹp, có kẻ xấu; có người tốt, có người xấu, tùy theo nghiệp lực mà họ gieo trồng, Như Lai đều biết rõ tất cả.
Hoặc có chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không chê bai Hiền thánh, thường tu chánh kiến, sống với chánh kiến, sau khi qua đời sẽ sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Đó gọi là chúng sanh làm thiện.
Hoặc có chúng sanh tu tập theo pháp thiện này, không tạo nghiệp ác, sau khi qua đời thì được sanh vào cõi người.
Hoặc có chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, tạo nghiệp bất thiện, sau khi qua đời thì bị đọa vào ngạ quỷ.
Hoặc có chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền thánh, sống với tà kiến, sau khi qua đời thì bị đọa vào súc sanh.
Hoặc có chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, phỉ báng Hiền thánh, sau khi qua đời thì bị đọa vào địa ngục.
[0674c01] Khi ấy, cai ngục dẫn tội nhân này đến trình Vua Diêm-la9 rồi nói: “Đại vương nên biết, người này khi còn sống ở nhân gian, thân làm ác, miệng nói ác,10 ý nghĩ ác, tạo các nghiệp ác, nên bị đọa vào địa ngục này. Đại vương hãy xem xét người này nên xử về tội gì?”
Bấy giờ, Vua Diêm-la lần lượt tra hỏi riêng với người ấy về những tội mà ông ta đã tạo. Vua Diêm-la hỏi:
“Thế nào, ông kia! Khi còn làm thân người ở nhân gian, lẽ nào ông không thấy con người được sanh ra, được làm thân người thật khó hay sao? Khi ở trong thai kỳ thì vô cùng nguy khốn, đau đớn không thể chịu nổi, đến lúc lớn lên lại phải nuôi dưỡng, cho bú mớm, tắm rửa vất vả biết bao!”
Tội nhân đáp: “Tôi thật có thấy, thưa Đại vương!”
Diêm vương lại hỏi:
“Thế nào, ông kia! Ông không tự biết việc cần phải làm đối với đời sống quý báu11 này hay sao? Đó là thân, miệng, ý phải tu tập các hạnh lành.”
Tội nhân đáp:
“Thật vậy, Đại vương! Đúng như Đại vương dạy, chỉ vì ngu si nên tôi không biết rõ những hạnh lành.”
Diêm vương bảo:
“Đúng như ông nói, không sai chút nào. Ta cũng biết rõ những việc mà thân, miệng, ý của ông không làm. Nhưng hôm nay, ta chỉ sẽ tra xét những tội trạng mà ông đã tạo ra do buông lung, không phải do cha mẹ ông làm, cũng chẳng phải do vua hay đại thần gây ra. Xưa kia ông tự mình tạo tội thì ngày nay phải tự nhận quả báo.”
Vua Diêm-la hỏi tội người kia, rồi chiếu theo đó mà trị phạt xong thì lại có thiên sứ thứ hai tra hỏi người kia:
“Khi còn làm thân người ở nhân gian, lẽ nào ông không thấy người già, thân thể yếu ớt, cất bước khó khăn, áo quần dơ bẩn, đi đứng run rẩy, hơi thở nặng nề, không còn sức sống sao?”
Lúc ấy, tội nhân đáp: “Thưa vâng, Đại vương! Tôi có thấy.”
Vua Diêm-la nói: “Lẽ ra ông phải tự nhận biết rằng: ‘Thân thể của ta cũng sẽ già suy,12 tuổi già bức bách, cần phải tu tập hạnh lành.’”
Tội nhân đáp:
“Thật vậy, Đại vương! Nhưng lúc ấy tôi thật sự chưa tin điều này.”
Diêm vương bảo:
“Ta cũng biết rõ những việc mà thân, miệng, ý của ông không làm, nên ta sẽ trị phạt để về sau ông không tái phạm. Những việc ác do ông gây tạo, không phải do cha mẹ ông làm, cũng chẳng phải do vua, đại thần, hay nhân dân gây ra. Ông đã tự mình tạo tội thì phải tự mình thọ báo.”
Diêm vương sai thiên sứ thứ hai này chỉ bảo xong thì lại có thiên sứ thứ ba tra hỏi người kia:
“Khi còn làm thân người ở nhân gian, lẽ nào ông không thấy có người bệnh nặng phải nằm trên phẩn tiểu, không thể tự đứng dậy được hay sao?”
Tội nhân đáp: “Thưa vâng, Đại vương! Tôi thật có thấy.”
Diêm vương lại hỏi:
“Thế nào, ông kia! Sao ông không tự biết rằng, như ta đây rồi cũng mắc bệnh như vậy và không thể tránh khỏi tai họa này!”
Tội nhân đáp: “Thật vậy, thưa Đại vương! Tôi thật sự không thấu hiểu điều này!”
Diêm vương nói:
“Ta cũng biết rằng ông ngu si không hiểu nên ta sẽ trị phạt để về sau ông không tái phạm. Tội này ông đã gây tạo, không phải do cha hay mẹ ông tạo ra, cũng chẳng phải quốc vương hoặc đại thần gây tạo.”
[0675a05] Vua Diêm-la sau khi nói lời này xong thì lại có thêm thiên sứ thứ tư hỏi tội người kia:
“Thế nào, ông kia! Ông đã từng nhìn thấy thân hình như cây khô, hơi nóng không còn, hơi thở đã ngừng, không còn tri giác, bà con thân quyến vây quanh khóc lóc chưa?”
Tội nhân đáp: “Thưa vâng, Đại vương! Tôi đã được thấy.”
Diêm vương nói:
“Sao ông không nghĩ, rồi mình cũng không thoát khỏi sự chết giống y như vậy?”
Tội nhân đáp: “Đúng vậy, Đại vương! Tôi thật sự chưa tỏ ngộ.”
Diêm vương nói: “Ta cũng tin là ông chưa tỏ ngộ pháp này, nên ta sẽ trị phạt để về sau ông không tái phạm. Tội bất thiện này vốn không phải do cha hay mẹ ông gây tạo, cũng chẳng phải quốc vương, đại thần hay nhân dân tạo ra, mà chính do ông đã tạo ra nó, nên nay ông phải tự mình chịu tội.”
Bấy giờ, Vua Diêm-la lại sai thiên sứ thứ năm tra hỏi người kia:
“Khi còn làm thân người ở nhân gian, lẽ nào ông không thấy những việc như: Bọn giặc cướp đến đục tường phá nhà, lấy tài sản người khác, hoặc dùng lửa đốt, hoặc che giấu trên đường. Nếu bị vua bắt được thì bị chặt tay chân, hoặc bị giết chết, hoặc bị giam vào lao ngục, hoặc bị trói ngược mang đi bêu ngoài chợ, hoặc sai vác cát đá, hoặc đem treo ngược, hoặc bắn tên, hoặc lấy nước đồng sôi dội lên mình, hoặc lấy lửa nướng thân, hoặc lột da ra rồi bắt tự ăn, hoặc mổ bụng ra lấy cỏ nhét vào, hoặc bỏ vào nước sôi nấu, hoặc dùng dao chặt, lấy bánh xe nghiến đầu, hoặc cho voi giày chết, hoặc treo lên ngọn cây cho đến chết đi?”
Tội nhân đáp: “Tôi thật có thấy.”
Diêm vương nói: “Vậy thì tại sao ông lại còn lén trộm đồ vật của người khác? Trong lòng đã biết có hình phạt ấy, sao lại còn phạm?”
Tội nhân đáp:
“Thưa vâng, Đại vương! Tôi thật ngu muội.”
Diêm vương nói:
“Ta cũng tin lời ông nên ta sẽ trị phạt để về sau ông không còn tái phạm.
Tội này vốn không phải cha hay mẹ ông gây tạo, cũng chẳng phải quốc vương, đại thần hay nhân dân tạo ra, mà do ông tạo, nên nay ông phải tự mình chịu tội.”
Sau khi hỏi tội xong, Diêm vương liền sai cai ngục:
“Mau đem giam người này vào ngục!”
Khi ấy, cai ngục tuân lệnh Diêm vương, liền đem tội nhân này giam vào địa ngục. Xung quanh địa ngục lửa cháy dữ dội. Thành quách bằng sắt, mặt đất cũng bằng sắt. Có bốn cửa thành hôi thối nồng nặc, như thể phẩn tiểu, trông thật nhơ bẩn. Lại có núi đao, rừng kiếm vây quanh bốn bề. Lại có lồng sắt phủ chụp lên trên.
[0675b04] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Bốn vách, bốn cửa thành,
Rộng dài thật cứng chắc,
Phía trên phủ lồng sắt,
Không kỳ hạn ra thành.
Lúc ấy, trên nền sắt,
Lửa dữ dội bốc cao,
Trăm do-tuần tường vách,
Cháy đỏ rực một màu.
Chính giữa có bốn trụ,
Vừa nhìn đã hãi hùng,
Phía trên, kiếm làm khung,
Quạ mỏ sắt chực mổ.
Quá hôi không thể ở,
Vừa thấy sởn da gà,
Nhiều khí cụ đáng sợ,
Mười sáu chốn khảo tra.
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ cai ngục dùng nhiều loại khí cụ tàn độc để tra khảo người này. Khi tội nhân kia bước chân vào ngục thì máu thịt đã tuôn chảy hết, chỉ còn trơ bộ xương. Khi ấy, cai ngục lại dẫn tội nhân này đi, sau đó dùng búa chặt chẻ thân thể, đau đớn không kể xiết, muốn chết cũng không thể được, chỉ khi nào hết sạch tội thì sau đó mới mong thoát khỏi. Người kia phải trả cho hết những nghiệp tội mà mình đã từng làm khi ở trong nhân gian thì sau đó mới mong thoát khỏi.
Cai ngục lại bắt tội nhân này leo lên leo xuống trên một thân cây có nhiều đao kiếm. Khi tội nhân ở trên cây, lại còn bị quạ mỏ sắt mổ rỉa thịt ăn, hoặc mổ đầu lấy não ăn, hoặc mổ tay chân, hoặc mổ xương lấy tủy, nhưng tội vẫn chưa hết, chỉ khi nào hết sạch tội thì sau đó mới mong thoát khỏi.
Bấy giờ, cai ngục lại bắt tội nhân kia ngồi ôm cột đồng cháy. Do vì đời trước tham đắm dâm dật dẫn đến tội này, bị tội đuổi theo không thể thoát khỏi. Có lúc cai ngục lại rút gân từ gót chân lên đến trên cổ, kéo về phía trước, hoặc dùng xe để rút, hoặc tiến hoặc lùi, không phút nghỉ ngơi, thống khổ nơi này không thể tính kể, chỉ khi nào hết sạch tội thì sau đó mới mong thoát khỏi.
Cai ngục lại bắt tội nhân kia đặt lên núi lửa, rượt đuổi chạy lên rồi lại chạy xuống, mãi cho đến khi tội nhân chín nhừ, sau đó mới mong thoát khỏi. Dù phải chịu tội như vậy nhưng ngay lúc đó tội nhân muốn chết cũng không chết được, chỉ khi nào trả hết sạch tội thì sau đó mới mong thoát khỏi.
[0675c02] Cai ngục lại rút lưỡi tội nhân kéo ra sau lưng, thống khổ nơi này không thể tính kể, muốn chết chẳng được. Cai ngục lại ném tội nhân lên núi đao, hoặc chặt chân, hoặc chặt đầu, hoặc chặt tay, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Cai ngục lại dùng lá sắt nóng lớn phủ lên thân tội nhân, giống như mặc áo khi họ còn sống. Lúc này, người kia đau đớn khổ sở cùng cực, cũng vì tham dục nên phải chuốc lấy tội này. Khi ấy, cai ngục lại bắt tội nhân chịu năm khổ hình, xô cho ngã xuống rồi lấy đinh sắt đóng vào chân tay, rồi lại lấy đinh đóng vào tim tội nhân, thống khổ nơi này thật không kể xiết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Cai ngục lại bắt tội nhân treo ngược thân lên, rồi đưa vào trong vạc nấu. Bấy giờ, phần thân dưới chín nhừ, lật lại thân trên cũng đã chín nhừ, bốn phía thân thể đều chín rục hết, đau đớn khổ sở không thể tính kể, phần ngoài cũng nhừ, phần trong cũng nhừ. Như cái nồi lớn nấu hạt đậu đỏ, có phần ở trên, có phần ở dưới, nấu tội nhân này cũng giống như vậy, phần ngoài cũng nhừ, phần trong cũng nhừ, thống khổ nơi đây thật không kể xiết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Tỳ-kheo nên biết, trong địa ngục ấy hoặc lại có lúc phải qua nhiều năm cửa Đông mới mở. Khi ấy tội nhân đua nhau chạy đến thì cửa ngục tự nhiên đóng lại, rồi những người ấy đều ngã quỵ xuống và phải ở trong đây chịu bao thống khổ, không thể tính kể. Thế rồi mỗi người lại oán trách nhau: “Chính vì các ông mà tôi không được thoát ra khỏi cửa!”
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Kẻ ngu thường thích thú,
Như ở trời Quang Âm,
Người trí thường lo nghĩ,
Như sống trong ngục tù.
Ở trong địa ngục lớn này trải qua trăm ngàn vạn năm thì cửa Bắc lại mở. Bấy giờ tội nhân ùa về cửa Bắc, nhưng cửa liền đóng, chỉ khi hết tội mới mong thoát ra. Tội nhân kia phải trải qua hàng trăm vạn năm mới được thoát khỏi, cho đến khi nào những tội đã tạo khi còn làm người đã được trừ hết.
[0676a01] Cai ngục lại dùng búa sắt chặt thân tội nhân, trải qua rất nhiều khổ hình như vậy, khiến cho sửa đổi, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Tỳ-kheo nên biết, lại cũng có lúc cửa Đông địa ngục mở ra lần nữa. Lúc ấy, những tội nhân kia chạy đến cửa Đông, nhưng rồi cửa kia liền tự đóng lại, không ai ra được. Dù thoát ra được thì bên ngoài cửa địa ngục lại có một ngọn núi lớn, nếu phải chạy tiếp vào trong núi thì lại bị hai vách núi ép chặt, như ép dầu mè, thống khổ nơi này, thật không kể xiết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi. Bấy giờ, tội nhân tiến về phía trước thì lại gặp địa ngục Tro Nóng,13 ngang dọc hàng ngàn vạn do-tuần. Ở trong ngục này, tội nhân chịu khổ không thể kể hết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Tiến lên trước nữa, lại có địa ngục Dao Đâm.14 Khi tội nhân vào trong địa ngục Đao Kiếm này, liền có gió mạnh thổi qua, phá nát gân cốt thân thể tội nhân, thống khổ nơi này thật không kể xiết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Kế đến lại có địa ngục Tro Nóng Lớn.15 Khi tội nhân vào trong địa ngục Tro Nóng Lớn này thì thân thể nát nhừ, chịu khổ vô lượng, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Bấy giờ, tội nhân tuy thoát khỏi địa ngục Tro Nóng Lớn này, nhưng lại gặp địa ngục Đao Kiếm,16 ngang dọc hàng ngàn vạn dặm. Khi tội nhân vào trong địa ngục Đao Kiếm này, ở đây chịu khổ không thể kể hết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Kế đến lại có địa ngục Phân Sôi,17 trong đó có loài trùng nhỏ, sẽ ăn rúc tận xương tủy tội nhân. Tuy ra được địa ngục này, nhưng lại gặp ngay cai ngục. Lúc này, cai ngục liền hỏi tội nhân: “Các ông từ đâu đến và muốn đi đâu?” Các tội nhân đáp: “Chúng tôi không biết từ chỗ nào đến, lại cũng không biết sẽ phải đi đâu. Nhưng bây giờ, chúng tôi vô cùng đói khổ, rất muốn được ăn.” Cai ngục nói: “Chúng tôi sẽ cung cấp cho.” Khi ấy, cai ngục bảo tội nhân nằm ngửa, rồi bắt phải nuốt hòn sắt nóng lớn. Như vậy, tội nhân chịu khổ không sao tính kể. Lúc đó, hòn sắt nóng từ miệng chạy xuống, ruột và dạ dày đều chín nhừ hết. Tội nhân chịu khổ không thể kể hết, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Tuy nhiên, những tội nhân kia không thể chịu nổi những thống khổ này nên đành quay lại địa ngục Phân Sôi, địa ngục Đao Kiếm và địa ngục Tro Nóng Lớn. Khi quay trở lại các địa ngục này, các chúng sanh kia càng không chịu nổi những sự thống khổ, bèn quay đầu lại địa ngục Phân Sôi. Lúc ấy, cai ngục hỏi những chúng sanh kia: “Các ông từ đâu đến và muốn đi đâu?” Tội nhân liền đáp: “Chúng tôi không biết từ nơi nào đến, lại cũng không biết sẽ phải đi đâu.” Cai ngục lại hỏi: “Nay các ông cần gì?” Tội nhân liền đáp: “Chúng tôi rất khát, muốn có nước uống.” Khi ấy, cai ngục bắt tội nhân nằm ngửa, rồi lấy nước đồng sôi rót vào trong miệng cho chảy xuống bụng. Ở đây, tội nhân chịu khổ khôn cùng, chỉ khi hết tội mới mong thoát khỏi.
Bấy giờ, những tội nhân kia không sao chịu nổi những thống khổ này nên lần lượt quay trở vào địa ngục Phân Sôi, địa ngục Rừng Kiếm, địa ngục Tro Nóng, rồi lại trở vào đại địa ngục.
[0676b09] Tỳ-kheo nên biết, lúc ấy tội nhân chịu khổ đau đớn, khó lòng tả hết. Giả sử tội nhân kia mắt dù có thấy sắc, nhưng tâm không hề thọ lạc; nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp đều khởi tâm sân hận. Sở dĩ như thế là vì xưa kia không gieo nhân lành mà thường tạo nghiệp ác, cho nên đưa đến tội này.
Bấy giờ, Diêm vương bảo những tội nhân kia:
“Các ông không được lợi lành. Trước kia, khi ở cõi người hưởng phước cõi người, vậy mà thân, miệng, ý lại làm những việc trái với đạo lý, cũng không biết bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự,18 vậy nên ngày nay phải chịu khổ này. Nghiệp ác này chẳng phải do cha mẹ tạo, cũng không phải do quốc vương hay đại thần tạo ra. Những chúng sanh nào thân, miệng, ý thanh tịnh, không nhiễm ô thì giống như ở cõi trời Quang Âm. Còn chúng sanh nào tạo các hạnh ác thì họ giống như ở trong địa ngục. Vì thân, miệng, ý của các ông không thanh tịnh, cho nên phải chuốc lấy tội này.”
Các Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Vua Diêm-la lại nói: “Ngày nào ta mới thoát khổ nạn này, được sanh làm người? Nếu được làm người thì ta sẽ xuất gia, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo.”
Vua Diêm-la mà còn nghĩ được như vậy, huống là các thầy, đời nay đã được thân người, lại được làm Sa-môn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ tu tập thân, khẩu, ý nghiệp, chớ có buông lung. Hãy dứt trừ năm kiết sử và tu tập năm căn.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Đông Viên, giảng đường Lộc Tử Mẫu,20 thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, vào ngày rằm tháng Bảy, Thế Tôn trải tòa ngồi giữa khoảnh đất trống, đại chúng Tỳ-kheo ngồi vây quanh trước sau. Khi ấy, Phật bảo A-nan:
– Hôm nay, tại khoảnh đất trống này, thầy hãy mau đánh kiền chùy. Vì sao vậy? Vì ngày rằm tháng Bảy là ngày thọ tuế.21
[0676c03] Lúc ấy, Tôn giả A-nan quỳ gối phải sát đất, chắp tay kính thỉnh Thế Tôn bằng kệ:
Đấng Tịnh Nhãn Vô Thượng,
Mọi việc đều quán thông,
Trí tuệ không đắm trước,
Thọ tuế là thế nào?
Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng kệ trả lời A-nan:
Thọ tuế giúp ba nghiệp,
Thân, khẩu, ý sạch làu,
Hai Tỳ-kheo đối nhau,
Tự trình bày khuyết điểm.
Tự xưng tên và bạch:
“Nay chúng Tăng thọ tuế,
Tôi cũng tịnh tâm thọ,
Cúi xin chỉ lỗi cho.”
Tôn giả A-nan lại dùng kệ hỏi nghĩa này:
Vô số Phật quá khứ,
Độc giác và Thanh văn,
Pháp này của chư Phật,
Hay riêng của Thế Tôn?22
Đức Phật lại dùng kệ trả lời A-nan:
Vô số Phật quá khứ,
Tâm thanh tịnh Thanh văn,23
Đều là pháp chư Phật,
Chẳng riêng của Thế Tôn.
Độc giác không đệ tử,
Không thọ tuế pháp này,
Độc giác không bạn lữ,
Không thuyết pháp cho người.24
Phật, Thế Tôn vị lai,
Vô số không thể kể,
Cũng thực hành thọ tuế,
Như pháp Phật hôm nay.25
Sau khi nghe những lời này rồi, Tôn giả A-nan thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền lên giảng đường, tay cầm kiền chùy rồi thưa:
– Nay tôi đánh kiền chùy này để truyền tín lệnh của Thế Tôn. Tất cả chúng đệ tử Như Lai đều phải vân tập đầy đủ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan lại nói kệ này:
Hàng phục mọi ma oán,
Trừ kiết chẳng còn gì,
Đất trống đánh kiền chùy,
Tỳ-kheo nghe đến dự.
Những ai muốn nghe pháp,
Vượt thoát biển tử sanh,
Nghe kiền chùy diệu âm,
Hãy về đây vân tập.
[0677a01] Sau khi đánh kiền chùy xong, Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên và bạch Thế Tôn:
– Nay đã đúng thời, kính thỉnh Thế Tôn chỉ dạy!
Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:
– Các thầy hãy ngồi theo thứ tự! Như Lai tự biết thời.
Bấy giờ, Thế Tôn ngồi xuống tòa cỏ, rồi bảo các Tỳ-kheo:
– Tất cả các thầy hãy ngồi xuống đệm cỏ.
Chúng Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn! Các Tỳ-kheo đều ngồi xuống đệm cỏ. Bấy giờ, Thế Tôn im lặng quán sát chúng Tỳ-kheo rồi hỏi:
– Nay Như Lai muốn thọ tuế! Đối với đại chúng, Như Lai có lỗi gì không? Thân, miệng, ý có phạm lỗi gì không?
Như Lai hỏi xong, các Tỳ-kheo đều im lặng không đáp. Khi ấy, đức Phật ba lần hỏi các Tỳ-kheo:
– Nay Như Lai muốn thọ tuế! Đối với đại chúng, Như Lai có lỗi gì không?
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối, chắp tay bạch Thế Tôn:
– Các chúng Tỳ-kheo đều xét thấy thân, miệng, ý của Như Lai không có lỗi gì cả. Vì sao như vậy? Bởi vì Thế Tôn đã độ người chưa được độ, giúp người chưa giải thoát được giải thoát, giúp người chưa Niết-bàn sẽ thành tựu Niết-bàn, cứu hộ người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù, là thầy thuốc giỏi chữa trị cho kẻ bệnh tật, là bậc tôn quý bậc nhất trong ba cõi, không ai có thể sánh bằng, là bậc đáng kính đáng quý, giúp người chưa phát đạo tâm được phát đạo tâm, giúp người chưa thức tỉnh được thức tỉnh, giúp người chưa nghe pháp được nghe pháp mầu, giúp người mê lầm thấy được lối đi, dẫn họ về Chánh pháp. Do duyên sự này nên Thế Tôn không có lỗi đối với mọi người, đồng thời thân, miệng, ý của Thế Tôn cũng không có lỗi.
Rồi Xá-lợi-phất lại bạch Thế Tôn:
– Nay con xin hướng về Như Lai, xin tự phát lồ! Không biết đối với Như Lai và chúng Tỳ-kheo, con có lỗi gì không?
Thế Tôn bảo: – Này Xá-lợi-phất! Thân, miệng, ý của thầy không làm những việc trái với Phạm hạnh. Vì sao vậy? Bởi vì thầy có trí tuệ không ai sánh bằng, đầy đủ các loại trí tuệ, như là trí tuệ vô lượng, trí tuệ vô biên, trí không gì sánh bằng; có trí nhạy bén, có trí nhanh nhẹn, có trí sâu xa, có trí bình đẳng; ít muốn biết đủ, thích nơi yên vắng, có nhiều phương tiện, tâm không tán loạn, đạt tam-muội tổng trì, đầy đủ căn nguyên, thành tựu giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến, dũng mãnh, khéo nhẫn, không nói lời ác, không làm điều phi pháp, tâm tánh an tường cẩn trọng, không vội vàng khinh suất. Giống như thái tử lớn của Chuyển Luân Thánh vương, sẽ nối ngôi vua, chuyển bánh xe pháp. Xá-lợi-phất cũng vậy, chuyển bánh xe pháp vô thượng mà chư thiên, loài người, cho đến rồng, quỷ [thần], ma và thiên ma đều không thể chuyển. Những lời nói của thầy về nghĩa lý luôn đúng với Chánh pháp, chưa từng trái lý.
[0677b03] Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất liền bạch Phật: – Năm trăm Tỳ-kheo này cũng muốn thọ tuế. Năm trăm Tỳ-kheo này đều không có lỗi gì đối với Như Lai chăng?
Thế Tôn dạy: – Những việc làm từ thân, miệng, ý của năm trăm Tỳ-kheo này cũng không có gì đáng quở trách. Vì sao vậy? Này Xá-lợi-phất, đại chúng trong đây rất mực thanh tịnh, không chút nhiễm ô. Vị ngồi ở chỗ thấp nhất trong đại chúng này cũng đã chứng quả Tu-đà-hoàn, nhất định sẽ tiến đến pháp bất thoái chuyển. Vì vậy nên Như Lai không chê trách gì đại chúng này.
Khi ấy, Tôn giả Đa-kỳ-xa26 rời khỏi chỗ ngồi, đến trước Thế Tôn đảnh lễ sát chân rồi bạch:
– Con có vài điều xin được thưa thỉnh!
Thế Tôn bảo:
– Thầy muốn nói điều gì thì nay thật đúng lúc.
Đa-kỳ-xa liền đối trước đức Phật rồi dùng kệ ca ngợi Phật và chúng Tăng:
Vào ngày rằm thanh tịnh,
Nhóm năm trăm Tỳ-kheo,
Đã đoạn sạch phiền não,
Không ái, không thọ sanh.
Như Chuyển Luân Đại Thánh,
Được quần thần vây quanh,
Đi khắp các thế giới,
Thế gian và cõi trời.
Cõi người, bậc Đại tướng,
Vì chúng sanh dẫn đường,
Đệ tử vui theo bước,
Đủ Ba minh, Sáu thông.
Đều là đệ tử Phật,
Bụi dơ chẳng còn gì,
Dứt sạch mọi dục ái,
Nay con xin quy y.
Khi ấy, Thế Tôn liền ghi nhận những lời của Đa-kỳ-xa. Tôn giả Đa-kỳ-xa thấy Như Lai đã ghi nhận lời mình nói nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền đứng dậy lễ Phật rồi trở lại chỗ ngồi.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Đệ tử giỏi làm kệ tụng bậc nhất trong hàng Thanh văn của Như Lai chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa. Lời nói không có gì phải ngờ vực cũng chính là Tỳ-kheo Đa-kỳ-xa. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, ở cõi trời Ba Mươi Ba có một thiên tử hiện ra năm tướng suy hao, báo hiệu sắp chết. Đó là năm tướng nào? Một là, vòng hoa trên đầu tự héo; hai là, y phục dơ bẩn; ba là, dưới nách tiết mồ hôi; bốn là, không còn ưa thích ngôi vị của mình; năm là, ngọc nữ xa lánh. Khi ấy, thiên tử kia buồn rầu, khổ não, đấm ngực than thở. Thích-đề-hoàn-nhân nghe vị thiên tử ấy buồn rầu, khổ não và đấm ngực than thở, liền sai một thiên tử đi xem xét đó là âm thanh gì mà vang đến tận nơi này.
[0677c06] Thiên tử kia trở về tâu:
– Thưa Thiên vương, hôm nay có một thiên tử sắp mạng chung, hiện ra năm tướng suy hao, báo hiệu sắp chết. Đó là vòng hoa trên đầu tự héo, y phục dơ bẩn, nách tiết mồ hôi, không còn ưa thích ngôi vị của mình, ngọc nữ xa lánh.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân đi đến chỗ vị thiên tử sắp mạng chung, rồi hỏi vị ấy:
– Vì sao hôm nay ông buồn rầu, khổ não đến như vậy?
Thiên tử đáp:
– Thưa Thích-đề-hoàn-nhân! Làm sao tôi không buồn khổ được khi mạng sống của tôi sắp hết, hiện ra năm tướng báo hiệu sắp mạng chung, đó là vòng hoa trên đầu tự héo, y phục dơ bẩn, dưới nách tiết mồ hôi, không còn ưa thích ngôi vị của mình, ngọc nữ xa lánh. Cung điện bảy báu này rồi sẽ mất đi, năm trăm ngọc nữ sẽ bị phân tán, món cam lộ mà tôi ăn cũng không còn mùi vị.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân nói với thiên tử ấy:
– Lẽ nào ông chưa từng nghe Như Lai nói kệ:
Các pháp là vô thường,
Có sanh phải có tử,
Không sanh thì không tử,
Tịch diệt mới chân thường.
Vì cớ gì mà ông lại buồn rầu đến như vậy? Tất cả các pháp là vô thường mà ông muốn nó thường còn, điều này không thể được.
Thiên tử đáp:
– Thưa Thiên đế! Làm sao tôi không buồn rầu được? Bởi vì hiện tại tôi là thân trời thanh tịnh không nhiễm ô, giống như mặt trời, mặt trăng chiếu sáng khắp mọi nơi. Nhưng sau khi xả bỏ thân này, tôi sẽ sanh làm loài heo trong thành La-duyệt, khi sống thì ăn thức ăn cặn bã, lúc chết lại bị nỗi khổ xẻ thây.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân bảo thiên tử kia:
– Nay ông nên phát nguyện quy y Phật, quy y Pháp và quy y chúng Tăng thì lúc lâm chung ông sẽ không bị đọa vào ba đường dữ.
Thiên tử thưa:
– Quy y Tam bảo có thể không đọa vào ba đường dữ hay sao?
Thích-đề-hoàn-nhân nói:
– Đúng vậy, này thiên tử! Những ai quy y Tam bảo sẽ không bị đọa vào ba đường dữ.
Như Lai cũng đã nói kệ này:
Những ai quy y Phật,
Không đọa ba đường dữ,
Sạch lậu làm người, trời,
Niết-bàn dễ đến nơi.28
[0678a03] Bấy giờ, thiên tử kia hỏi Thích-đề-hoàn-nhân:
– Thưa Đế-thích! Như Lai hiện đang ở đâu?
Thích-đề-hoàn-nhân đáp:
– Như Lai hiện đang ở cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt, nước Ma-kiệt-đà.
Thiên tử nói:
– Nay tôi không còn đủ sức để đến đó thăm hỏi Như Lai nữa.
Thích-đề-hoàn-nhân bảo:
– Này thiên tử! Ông hãy quỳ gối sát đất, chắp tay hướng về Thế Tôn và thưa thỉnh như sau: “Kính xin Thế Tôn khéo quán sát cho. Nay con sắp rơi vào chỗ khốn cùng, cầu mong Ngài thương xót. Con xin quy y Tam bảo, đấng Như Lai, Vô Sở Trước.”
Bấy giờ, thiên tử kia vâng lời Thích-đề-hoàn-nhân, liền quỳ gối, chắp tay hướng về Thế Tôn, tự xưng tên họ và phát nguyện quy y Phật, Pháp, Tăng; suốt đời làm người Phật tử chân chánh, không màng ngôi vị thiên tử. Nói như thế ba lần. Sau khi phát nguyện quy y xong, thiên tử không còn bị đọa làm heo nữa mà được sanh vào gia đình trưởng giả.
Vị thiên tử kia sau khi thấy được nhân duyên này, liền hướng về Thích-đềhoàn-nhân và nói kệ này:
Duyên này thật phước thiện,
Vì pháp, chẳng vì tiền,
Dẫn tôi vào chánh đạo,
Ngài đây đáng ngợi khen.
Nhờ ngài, tôi không đọa,
Làm thân heo khốn cùng,
Được sanh nhà trưởng giả,
Nhân đó gặp Thế Tôn.
Khi ấy, thiên tử thuận theo thọ mạng dài ngắn rồi tái sanh vào gia đình trưởng giả trong thành La-duyệt. Lúc đó, vợ trưởng giả tự biết mình đã mang thai, gần mười tháng sau sanh ra một bé trai khôi ngô tuấn tú, hiếm có trên đời. Khi biết cậu bé ấy đã lên mười, Thích-đề-hoàn-nhân thường xuyên đến nhắc:
– Ông hãy nhớ lại duyên lành xưa kia đã gieo! Ông đã từng nói: “Tôi sẽ nhờ nhân duyên đó mà được gặp Phật.” Nay thật đúng lúc. Ông hãy đến gặp Thế Tôn. Nếu không đến, sau này nhất định sẽ hối tiếc.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đúng thời đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, dần dần đến nhà trưởng giả kia, đứng yên lặng ngoài cửa. Khi ấy, con trai trưởng giả nhìn thấy Tôn giả Xá-lợi-phất đắp y, ôm bát, dung mạo phi phàm, liền đến trước Tôn giả Xá-lợi-phất thưa:
– Thưa Tôn giả, ngài là ai? Ngài là đệ tử của ai? Ngài đang thực hành pháp gì?
[0678b01] Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Thầy ta từ dòng họ Thích-ca mà xuất gia học đạo. Thầy ta được tôn xưng là đấng Như Lai, bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác. Ta theo Ngài ấy thọ pháp.
Lúc này, cậu bé liền hướng về Tôn giả Xá-lợi-phất và nói kệ này:
Tôn giả đứng lặng thinh,
Ôm bát, dáng đoan chánh,
Những gì ngài mong muốn,
Vì ai mà đứng đây?
Tôn giả Xá-lợi-phất dùng kệ đáp:
Ta không xin của cải,
Cũng chẳng cầu áo cơm,
Ta đến đây vì cậu,
Hãy lắng nghe lời ta!
Trên cõi trời thuở xưa,
Cậu đã từng phát nguyện,
Làm người, sẽ gặp Phật,
Nên đến nhắc duyên xưa.
Hiếm như hoa Ưu-đàm,
Phật ra đời khó gặp,
Hiếm được nghe giáo pháp,
Thân người đâu dễ làm.
Nay cậu theo tôi đến
Diện kiến đức Thế Tôn,
Ngài sẽ dạy pháp yếu,
Khiến cậu đến cõi lành.
Sau khi nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói, cậu bé liền đến gặp cha mẹ, cúi lạy sát chân rồi đứng qua một bên và thưa với cha mẹ:
– Xin cha mẹ cho phép con đến chỗ Thế Tôn để cúng dường, đảnh lễ, vấn an sức khỏe Ngài!
Cha mẹ cậu ấy đáp:
– Nay là lúc thích hợp.
Khi ấy, cậu bé liền mang hương hoa và xấp vải trắng tốt, đi theo Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, họ cùng đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:
– Cậu con trai trưởng giả này sống tại thành La-duyệt, chưa biết Tam bảo. Kính xin Thế Tôn hãy thuyết pháp, giúp đứa bé này được độ thoát!
Khi ấy, bé trai nhìn thấy Thế Tôn uy dung đoan chánh, các căn tịch tịnh, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân, uy nghiêm như núi chúa Tu-di, gương mặt giống như mặt trời, mặt trăng, nhìn mãi không chán, liền đến trước Phật, đảnh lễ sát chân rồi đứng sang một bên. Kế đó, cậu ta rải hương hoa lên Như Lai, lại đem tấm vải dạ trắng mới dâng cúng Như Lai rồi đảnh lễ sát chân và đứng sang một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự nói pháp cho cậu ấy như giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên, chỉ rõ dục là bất tịnh, lậu hoặc là tai họa lớn, xuất gia là việc thiết yếu. Khi thấy tâm ý của cậu bé đã khai mở, có thể lãnh thọ Chánh pháp, Thế Tôn liền đem giáo pháp mà chư Phật thường dạy là khổ, tập, diệt và đạo29 để giảng lại tường tận cho cậu ấy nghe.
[0678c02] Lúc đó, ngay nơi chỗ ngồi, con trai trưởng giả sạch hết mọi phiền não, được Pháp nhãn thanh tịnh, không còn chút nhiễm ô.
Thế rồi, cậu ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
– Kính xin Thế Tôn cho phép con được xuất gia làm Sa-môn!
Thế Tôn bảo:
– Phàm là người xuất gia học đạo, nếu chưa từ biệt cha mẹ thì không được làm Sa-môn.
Lúc ấy, con trai trưởng giả bạch Thế Tôn:
– Con sẽ xin phép cha mẹ!
Thế Tôn bảo:
– Nay là lúc thích hợp.
Bấy giờ, cậy ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi rời đi. Về đến nhà, cậu ấy thưa với cha mẹ:
– Cúi xin cha mẹ cho phép con được làm Sa-môn!
Cha mẹ cậu ấy đáp:
– Hiện tại cha mẹ chỉ có mình con, hơn nữa, tài sản nhà ta giàu có dồi dào, còn việc thực hành theo pháp Sa-môn cũng chẳng dễ dàng.
Cậu con trai thưa:
– Như Lai thị hiện ở đời ức kiếp mới có một lần, thật khó gặp được, rất lâu mới xuất hiện. Giống như hoa Ưu-đàm-bát rất lâu mới nở; cũng vậy, Như Lai ức kiếp mới hiện ra nơi đời.
Lúc này, cha mẹ của cậu bé đều thở dài và nói:
– Nay đã đúng lúc, thôi tùy ý con!
Lúc ấy, cậu bé lạy sát chân cha mẹ rồi từ biệt mà đi, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên. Sau đó, cậu ấy cung kính bạch Thế Tôn:
– Cha mẹ con đã cho phép. Cúi xin Thế Tôn cho phép con xuất gia học đạo! Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Thầy hãy độ cậu bé này làm Sa-môn!
Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Tôn giả Xá-lợi-phất vâng lời Phật dạy, độ con trai trưởng giả, cho làm Sadi, hằng ngày dạy dỗ.
Bấy giờ, chú Sa-di này đến nơi yên vắng, tinh tấn tu tập, vì mục đích mà người thiện nam cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng là để chấm dứt khổ đau. Không lâu sau, chú Sa-di thành tựu quả vị A-la-hán, liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật và trình bạch:
– Nay con đã thấy Phật, nghe pháp, không có nghi ngờ gì nữa.
Thế Tôn hỏi:
– Con đã thấy Phật, nghe pháp như thế nào mà không có nghi ngờ gì nữa?
Sa-di bạch Phật:
– Theo thấy biết của con thì sắc là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Đây là điều được người trí thấy biết. Thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. Vô thường tức là khổ. Khổ là vô ngã. Vô ngã tức là không. Không là chẳng phải có, chẳng phải không có, cũng không có ngã. Đây là điều được người trí thấy biết. Năm thủ uẩn30 này là vô thường, khổ, không, vô ngã, không thật có, gây nhiều khổ não, không thể chữa trị, bất tịnh nhơ uế, không được bền lâu, hoàn toàn không có ngã. Hôm nay, con quán sát pháp như vậy nên thấy được Như Lai.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, Sa-di! Nay Như Lai cho phép con được làm đại Sa-môn. Bấy giờ, Sa-di nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy: Một thời, Tôn giả Na-la-đà32 trú trong rừng trúc của một vị trưởng giả, tại nước Ba-la-lê.33 Bấy giờ, chánh hậu của Vua Văn-trà34 qua đời. Bà là người được vua sủng ái và nhớ thương không lúc nào quên. Khi ấy, có người đến tâu vua: – Tâu Đại vương! Hoàng hậu đã qua đời. Được tin hoàng hậu qua đời, nhà vua vô cùng đau buồn, lập tức lệnh cho người đến báo tin: – Các khanh hãy mau tẩm thi hài hoàng hậu trong dầu mè để trẫm được nhìn thấy. Người kia vâng lệnh vua, liền đưa thi hài hoàng hậu đến tẩm trong dầu mè. Sau khi hoàng hậu mất, vua rất đau buồn, không thiết ăn uống, không màng vương pháp, cũng chẳng còn tâm trí để xử lý việc triều đình. Bấy giờ, trong số quần thần có người tên là Thiện Niệm,35 thường cầm kiếm hầu cận đại vương. Ông ấy tâu vua: – Muôn tâu Đại vương! Trong nước ta có vị Sa-môn tên là Na-la-đà đã chứng A-la-hán, có đại thần túc, hiểu rộng biết nhiều, tinh tường mọi việc, biện tài dũng tuệ, niềm nở ân cần.36 Kính xin Đại vương hãy thử đến đó để nghe vị ấy thuyết pháp. Nghe pháp xong, Đại vương sẽ không còn đau buồn, sầu khổ nữa. Vua đáp: – Tốt lắm, tốt lắm, lời này rất hay! Này Thiện Niệm, khanh hãy mau đến đó báo trước với Sa-môn ấy. Vì sao? Bởi vì thông lệ của Chuyển Luân Thánh vương muốn đến nơi nào thì sai người đi báo trước. Nếu không sai người báo trước thì không hợp lẽ. Thiện Niệm thưa: – Tuân lệnh Đại vương! Thế rồi Thiện Niệm liền đi vào vườn trúc của trưởng giả, đến chỗ Sa-môn Na-la-đà, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Thiện Niệm thưa với Tôn giả Na-la-đà: – Thưa Tôn giả! Hoàng hậu vừa qua đời. Bởi quá thương tiếc nên Đại vương không thiết ăn uống, cũng không còn tâm trí để xử lý việc nước. Nay vua muốn đến gặp ngài. Xin ngài hãy khéo nói pháp cho vua nghe, giúp vua không còn buồn đau. [0679b01] Tôn giả Na-la-đà nói: – Nay là lúc thích hợp, ông hãy mời Đại vương đến! Thiện Niệm nghe xong, liền đảnh lễ sát chân rồi rời đi. Trở về cung, Thiện Niệm liền tâu vua: – Thần đã báo cho Sa-môn, kính xin Đại vương biết thời!
Vua liền bảo Thiện Niệm: – Khanh hãy mau chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý, nay trẫm muốn đến gặp Sa-môn! Thiện Niệm liền chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý, rồi đến tâu vua: – Tâu Đại vương! Hạ thần đã chuẩn bị xong. Mời ngài ngự giá xuất cung. Bấy giờ, vua liền ngự xe gắn lông chim quý ra khỏi thành, vào trong vườn trúc của trưởng giả, rồi xuống xe đi bộ đến chỗ Tôn giả Na-la-đà. Y theo pháp của các bậc đế vương, vua tháo bỏ năm tín vật trang nghiêm37 đặt ở một nơi, sau đó đảnh lễ sát chân Tôn giả Na-la-đà rồi ngồi sang một bên. Lúc ấy, Tôn giả Na-la-đà nói với vua: – Đại vương nên biết, các pháp ở thế gian vốn là mộng huyễn, như bong bóng nước, như bọt tuyết trắng, như hoa đốm giữa hư không. Vậy nên Đại vương chớ vì các pháp hư vọng này mà buồn đau. Vì sao như vậy? Bởi vì Như Lai từng dạy: “Thế gian có năm điều không thể ngăn chặn được. Năm điều ấy là gì? Sự vật nào đã đến lúc phải mất đi mà muốn nó không mất thì điều này không bao giờ được. Sự vật nào đã đến thời kỳ hoại diệt mà muốn nó không hoại diệt thì điều này không thể được. Thân người đến thời kỳ già nua mà muốn nó không già thì điều này không thể được. Lại nữa, có thân thì có bệnh mà muốn không bệnh tật thì điều này không thể được. Lại nữa, con người ai cũng sẽ chết mà muốn không chết thì điều này không thể được.” Này Đại vương, đó là năm điều không thể được mà Như Lai đã giảng nói. Bấy giờ, Tôn giả Na-la-đà nói kệ: Không thể dùng buồn đau, Để mong cầu hạnh phúc, Nếu giữ chặt buồn đau, Ngoại cảnh càng ép thúc. Nếu là người có trí, Thì không buồn khổ lâu, Ngoại cảnh phải cúi đầu, Vì không sai khiến được. Giữ oai nghi lễ tiết, Hành bố thí rộng sâu, Phương pháp này nên cầu, Sẽ được phước lợi lớn. Với năm điều “không thể”, Ta và người hiểu rõ, Dứt hoạn nạn, sầu lo, Phước quả không tính kể. Đại vương nên biết, những gì đến lúc phải mất đi thì nó sẽ mất. Thế nhưng khi nó mất đi, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn thốt lên: “Sự vật ta yêu thích nay đã mất rồi!” Đây gọi là sự vật đến lúc phải mất đi thì nó sẽ mất. Thế nhưng khi nó mất đi, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn không nguôi. Này Đại vương, đây là chiếc gai buồn lo thứ nhất đâm vào tâm ý. Điều này là lẽ thường của hàng phàm phu, họ không hề biết sanh, già, bệnh, chết từ đâu đến.
[0679c04] Đệ tử của bậc Hiền thánh đa văn, khi đối diện với những sự mất mát như thế thì vị ấy không buồn rầu, khổ não mà luôn tư duy rằng: “Sự mất mát này chẳng phải chỉ xảy đến với riêng ta mà tất cả mọi người đều bị quy luật này chi phối. Nếu ta buồn rầu, khổ não khi gặp điều này thì thật không thích hợp; hoặc sẽ làm cho thân quyến của ta buồn khổ, còn kẻ oan gia thì lại vui mừng. Cũng vì buồn đau mà ăn uống không tiêu hóa, dẫn đến bệnh tật, thân thể bức bách khó chịu. Vì nguyên nhân này dẫn đến mạng chung.” Bấy giờ, vị ấy nhổ bỏ chiếc gai buồn lo, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, không còn khổ đau, hoạn nạn. Lại nữa Đại vương, sự vật đến lúc phải hoại diệt thì nó sẽ hoại diệt. Thế nhưng khi nó hoại diệt, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn thốt lên: “Vật ta yêu thích nay đã hoại diệt.” Đó gọi là sự vật đến lúc phải hoại diệt thì nó sẽ hoại diệt. Thế nhưng khi nó hoại diệt, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn không nguôi. Này Đại vương, đây là chiếc gai buồn lo thứ hai đâm vào tâm ý. Điều này là lẽ thường của hàng phàm phu, họ không hề biết sanh, già, bệnh, chết từ đâu đến. Đệ tử của bậc Hiền thánh đa văn, khi đối diện với những sự hoại diệt như thế thì vị ấy không buồn rầu, khổ não mà luôn tư duy rằng: “Sự hoại diệt này chẳng phải chỉ xảy đến với riêng ta mà tất cả mọi người đều bị quy luật này chi phối. Nếu ta buồn rầu, khổ não khi gặp điều này thì thật không thích hợp; hoặc sẽ làm cho thân quyến của ta buồn khổ, còn kẻ oan gia lại vui mừng. Cũng vì buồn đau mà ăn uống không tiêu hóa, dẫn đến bệnh tật, thân thể bức bách khó chịu. Vì nguyên nhân này dẫn đến mạng chung.” Bấy giờ, vị ấy nhổ bỏ chiếc gai buồn lo, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, không còn khổ đau, hoạn nạn. Lại nữa Đại vương, sự vật đến lúc phải già thì nó sẽ già. Thế nhưng khi nó già, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn thốt lên: “Vật ta yêu thích nay đã già.” Đó gọi là sự vật đến lúc phải già thì nó sẽ già. Thế nhưng khi nó già, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn không nguôi. Này Đại vương, đây là chiếc gai buồn lo thứ ba đâm vào tâm ý. Điều này là lẽ thường của hàng phàm phu, họ không hề biết sanh, già, bệnh, chết từ đâu đến. Đệ tử của bậc Hiền thánh đa văn, khi đối diện với những sự già nua như thế thì vị ấy không buồn rầu, khổ não mà luôn tư duy rằng: “Sự già nua này chẳng phải chỉ xảy đến với riêng ta mà tất cả mọi người đều bị quy luật này chi phối. Nếu ta buồn rầu, khổ não khi gặp điều này thì thật không thích hợp; hoặc sẽ làm cho thân quyến của ta buồn khổ, còn kẻ oan gia lại vui mừng. Cũng vì buồn đau mà ăn uống không tiêu hóa, dẫn đến bệnh tật, thân thể bức bách khó chịu. Vì nguyên nhân này dẫn đến mạng chung.” Bấy giờ, vị ấy nhổ bỏ chiếc gai buồn lo, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, không còn khổ đau, hoạn nạn. [0680a05] Lại nữa Đại vương, sự vật đến lúc phải bệnh thì nó sẽ bệnh. Thế nhưng khi nó bệnh, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn thốt lên: “Vật ta yêu thích nay đã bệnh rồi.” Đó gọi là sự vật đến lúc phải bệnh thì nó sẽ bệnh. Thế nhưng khi nó bệnh, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn không nguôi. Này Đại vương, đây là chiếc gai buồn lo thứ tư đâm vào tâm ý. Điều này là lẽ thường của hàng phàm phu, họ không hề biết sanh, già, bệnh, chết từ đâu đến. Đệ tử của bậc Hiền thánh đa văn, khi đối diện với những sự bệnh tật như thế thì vị ấy không buồn rầu, khổ não mà luôn tư duy rằng: “Sự bệnh tật này chẳng phải chỉ xảy đến với riêng ta mà tất cả mọi người đều bị quy luật này chi phối. Nếu ta buồn rầu, khổ não khi gặp điều này thì thật không thích hợp; hoặc sẽ làm cho thân quyến của ta buồn khổ, còn kẻ oan gia lại vui mừng. Cũng vì buồn đau mà ăn uống không tiêu hóa, dẫn đến bệnh tật, thân thể bức bách khó chịu. Vì nguyên nhân này dẫn đến mạng chung.” Bấy giờ, vị ấy nhổ bỏ chiếc gai buồn lo, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, không còn khổ đau, hoạn nạn. Lại nữa Đại vương, sự vật đến lúc phải chết thì nó sẽ chết. Thế nhưng khi nó chết, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn thốt lên: “Vật ta yêu thích nay đã chết rồi!” Đó gọi là sự vật đến lúc phải chết thì nó sẽ chết. Thế nhưng khi nó chết, lại khiến chúng ta buồn rầu, khổ não, đau đớn không nguôi. Này Đại vương, đây là chiếc gai buồn lo thứ năm đâm vào tâm ý. Điều này là lẽ thường của hàng phàm phu, họ không hề biết sanh, già, bệnh, chết từ đâu đến. Đệ tử của bậc Hiền thánh đa văn, khi đối diện với những sự chết này thì vị ấy không buồn rầu, khổ não mà luôn tư duy rằng: “Sự chết này chẳng phải chỉ xảy đến với riêng ta mà tất cả mọi người đều bị quy luật này chi phối. Nếu ta buồn rầu, khổ não khi gặp điều này thì thật không thích hợp; hoặc sẽ làm cho thân quyến của ta buồn khổ, còn kẻ oan gia lại vui mừng. Cũng vì buồn đau mà ăn uống không tiêu hóa, dẫn đến bệnh tật, thân thể bức bách khó chịu. Vì nguyên nhân này dẫn đến mạng chung.” Bấy giờ, vị ấy nhổ bỏ chiếc gai buồn lo, thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, không còn khổ đau, hoạn nạn. Bấy giờ, nhà vua hỏi Tôn giả Na-la-đà: – Đây gọi là pháp gì và nên phụng hành như thế nào? Tôn giả Na-la-đà đáp: – Đây gọi là Kinh dứt trừ buồn lo. 38 Đại vương hãy ghi nhớ phụng hành! Nhà vua nói: – Thật đúng như lời Tôn giả nói, đây là Kinh dứt trừ buồn lo. Lý do vì sao? Bởi vì sau khi nghe lời kinh này rồi, tất cả mọi buồn khổ trong lòng trẫm đã được trừ sạch. Nay kính thỉnh Tôn giả thường xuyên vào cung chỉ dạy Phật pháp để trẫm được cúng dường, nhờ đó nhân dân trong nước được hưởng phước không cùng. Cũng xin Tôn giả diễn rộng pháp này, khiến cho Phật pháp còn mãi ở thế gian, giúp bốn bộ chúng được an ổn lâu dài. Giờ đây, trẫm xin được quy y với Tôn giả Na-la-đà.
[0680b05] Tôn giả Na-la-đà nói: – Đại vương chớ quy y với tôi mà hãy quy y đức Phật. Lúc đó, vua liền hỏi: – Đức Phật hiện ở đâu? Tôn giả Na-la-đà đáp: – Đại vương nên biết, đức Phật vốn là thái tử con vua nước Ca-tỳ-la-vệ, tên là Tất-đạt, xuất thân từ họ Thích, thuộc dòng Chuyển Luân Thánh vương, xuất gia học đạo, nay tự mình giác ngộ thành Phật, hiệu là Thích-ca. Đại vương hãy quy y với Ngài ấy. Nhà vua lại hỏi: – Đức Phật hiện đang ở đâu? Cách đây bao xa? Tôn giả Na-la-đà đáp: – Như Lai đã vào Niết-bàn. Nhà vua nói: – Sao Như Lai lại Diệt độ sớm quá vậy! Nếu Thế Tôn còn tại thế, dù cách xa ngàn vạn do-tuần, trẫm cũng sẽ đến lễ bái thăm hỏi. Bấy giờ, nhà vua rời chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay thưa: – Con xin quy y Phật, Pháp, Tăng, nguyện trọn đời làm ưu-bà-tắc, giữ giới không sát sanh! Sau đó, vua lại nói: – Vì việc nước bận rộn, trẫm xin phép trở về cung. Tôn giả Na-la-đà nói: – Xin Vua hãy tùy ý! Vua liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân và nhiễu quanh Tôn giả ba vòng rồi rời đi. Bấy giờ, sau khi nghe Tôn giả Na-la-đà chỉ dạy, Vua Văn-trà hoan hỷ phụng hành. *** 8. NGƯỜI BỆNH39 Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo: – Có năm điều này, nếu người bệnh nào phạm phải thì khó có thể lành bệnh, nằm mãi trên giường không thể dậy nổi. Đó là năm điều nào? Một là, không biết lựa chọn đồ ăn thức uống. Hai là, không ăn uống đúng giờ. Ba là, không gần gũi thuốc thang. Bốn là, nhiều lo lắng, sân hận. Năm là, không trân quý người nuôi bệnh. Này Tỳ-kheo, đó là năm điều mà người bệnh nào phạm phải thì khó có thể lành bệnh. Lại có năm điều, nếu người nào hành theo thì bệnh sẽ mau khỏi. Đó là năm điều nào? Một là, biết lựa chọn đồ ăn thức uống. Hai là, ăn uống đúng giờ. Ba là, thường gần gũi thuốc thang. Bốn là, lòng không buồn lo. Năm là, biết trân quý người nuôi bệnh. Này Tỳ-kheo, đó là năm điều mà bệnh nhân nào thực hành theo thì sẽ mau lành bệnh. Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ từ bỏ năm điều trước và thực hành theo năm điều sau. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành. *** 9. NGƯỜI NUÔI BỆNH40 Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: – Có năm điều này, nếu người nuôi bệnh nào phạm phải thì người bệnh sẽ khó lành, nằm mãi trên giường không thể dậy nổi. Đó là năm điều nào? Một là, người nuôi bệnh không hiểu rõ về thuốc thang. Hai là, lười biếng, không nhiệt tình. Ba là, thường sân hận và ham ngủ nghỉ. Bốn là, chăm sóc người bệnh chỉ vì sự ăn uống. Năm là, không chăm sóc người bệnh đúng cách và không chuyện trò, chia sẻ với người bệnh. Này các Tỳ-kheo, nếu người nuôi bệnh nào phạm phải năm điều này thì bệnh nhân sẽ khó lành bệnh. Này các Tỳ-kheo! Lại có năm điều, nếu người nuôi bệnh nào thực hành theo thì bệnh nhân sẽ mau lành bệnh, không nằm mãi trên giường. Đó là năm điều nào? Một là, người nuôi bệnh hiểu rõ về thuốc thang, cũng không lười biếng. Hai là, thức trước người bệnh và ngủ sau người bệnh. Ba là, biết cách chia sẻ với người bệnh và không ham ngủ nghỉ. Bốn là, chăm sóc người bệnh đúng cách và không ham ăn uống. Năm là, khéo nói pháp cho người bệnh. Này các Tỳ-kheo, nếu người nuôi bệnh nào thực hành theo năm điều này thì bệnh nhân sẽ mau lành bệnh.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, người chăm sóc bệnh nhân phải xa rời năm điều trước và thực hành theo năm điều sau. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành. *** 10. CÔNG ĐỨC BỐ THÍ41 Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong rừng Di Hầu, tại thành Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Đại tướng Sư Tử42 đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên. Khi ấy, Phật hỏi Đại tướng Sư Tử: – Thế nào, gia đình ông có thường bố thí không? Đại tướng Sư Tử bạch Phật: – Con luôn tùy thời bố thí bên ngoài bốn cửa thành và trong chốn thành thị, không để thiếu sót. Ai cần thức ăn thì cung cấp thức ăn,... cho đến y phục, hương hoa, xe cộ, tọa cụ; họ cần những gì thì con đều cung cấp đầy đủ. Phật bảo Đại tướng Sư Tử: – Lành thay, lành thay! Ông có thể bố thí mà không chút hối tiếc. Người thí chủ, người bố thí43 nào mà biết tùy thời bố thí thì sẽ được năm công đức. Đó là năm công đức gì? Tiếng thơm của người thí chủ, người bố thí vang xa, mọi người đều khen ngợi: “Tại thôn làng kia có người thí chủ, người bố thí luôn hết lòng tiếp đón Sa-môn, Bà-la-môn, cúng dường mọi thứ cần dùng, không để thiếu sót.” Này Đại tướng Sư Tử, đây là công đức thứ nhất mà người thí chủ, người bố thí nhận được. Lại nữa, này Đại tướng Sư Tử! Khi người thí chủ, người bố thí này đến trong chúng Sa-môn, Sát-lợi, Bà-la-môn, hay hàng trưởng giả thì lòng không hổ thẹn, cũng không sợ hãi. Giống như sư tử, vua của loài thú ở giữa bầy nai, không hề lo sợ. Này Đại tướng Sư Tử, đây là công đức thứ hai mà người thí chủ, người bố thí nhận được.
Lại nữa, này Đại tướng Sư Tử! Người thí chủ, người bố thí này được mọi người kính ngưỡng, ai thấy cũng vui mừng, giống như con gặp cha, ưa thích nhìn mãi. Này Đại tướng Sư Tử, đây là công đức thứ ba mà người thí chủ, người bố thí nhận được. Lại nữa, này Đại tướng Sư Tử! Người thí chủ, người bố thí này sau khi qua đời sẽ được sanh lên cõi trời, hoặc được sanh trong cõi người. Nếu sanh lên cõi trời thì được chư thiên kính trọng, nếu sanh trong cõi người thì được mọi người quý mến. Này Đại tướng Sư Tử, đây là công đức thứ tư mà người thí chủ, người bố thí nhận được. Lại nữa, Đại tướng Sư Tử! Người thí chủ, người bố thí này sẽ có trí tuệ vượt hơn mọi người, đời này dứt sạch các lậu, không còn sanh lại cõi đời này nữa. Này Đại tướng Sư Tử, đây là công đức thứ năm mà người thí chủ, người bố thí nhận được. Như vậy, người biết bố thí, cúng dường thì sẽ được năm công đức luôn theo bên mình. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này: Tâm luôn thích bố thí, Công đức sẽ tràn đầy, Đến đâu không nghi ngại, Chẳng sợ hãi điều gì. Người trí nên bố thí, Tâm chưa từng tiếc than, Được sanh trời Đao-lợi,44 Ngọc nữ thường vây quanh. Đại tướng Sư Tử nên biết! Do vì nhân duyên như vậy nên người thí chủ, người bố thí sẽ được sanh vào hai cõi lành; đời này dứt hết các lậu hoặc thì sẽ đạt đến chốn giải thoát vô vi. Khi ấy, Thế Tôn lại nói kệ này: Thí để phước đời sau, Đưa đến nơi rốt ráo, Thiện thần theo hộ trì, Tâm luôn được hoan hỷ. Vì sao vậy? Đại tướng Sư Tử nên biết, vì khi bố thí mà lòng luôn hoan hỷ, thân tâm kiên định nên các công đức lành thảy đều đầy đủ, tâm được thành tựu tam-muội, cũng không tán loạn; đồng thời biết như thật rằng: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường diệt khổ”, vị ấy biết đúng như vậy. Cho nên, này Đại tướng Sư Tử! Hãy tìm cầu phương tiện để tùy thời bố thí, nếu muốn chứng đắc quả vị Thanh văn hay quả vị Độc giác cũng đều được như ý. Thật vậy, này Đại tướng Sư Tử! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, Đại tướng Sư Tử nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: – Người thí chủ, người bố thí có năm pháp bố thí để thành tựu năm công đức. Đó là năm pháp bố thí nào? Một là, bố thí sanh mạng. Hai là, bố thí tài vật.46 Ba là, bố thí sự an ổn. Bốn là, bố thí sức lực. Năm là, bố thí biện tài. Đó là năm pháp bố thí. Lại nữa, người thí chủ, người bố thí thành tựu năm công đức gì? Một là, bố thí sanh mạng thì được phước trường thọ. Hai là, bố thí tài vật thì được phước xinh đẹp. Ba là, bố thí sự an ổn thì được phước không bệnh tật. Bốn là, bố thí sức lực thì được phước có sức mạnh hơn người. Năm là, bố thí biện tài thì được biện tài vô thượng chánh chân. Tỳ-kheo nên biết, đây gọi là người thí chủ, người bố thí khi bố thí thì sẽ được năm công đức này. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này: Bố thí đủ năm thứ, Mạng, sắc, an, sức, biện, Sẽ được năm công đức, Sau hưởng phước vô biên. Người trí nên bố thí, Trừ tâm dục, tham lam, Đời nay được tiếng thơm, Sanh cõi trời cũng vậy. Nếu thiện nam, thiện nữ nào muốn được năm công đức này thì hãy thực hành năm pháp bố thí như trên. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành. *** 12. BỐ THÍ ĐÚNG THỜI47 Tôi nghe như vầy: Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: – Bố thí đúng thời48 có năm trường hợp. Đó là năm trường hợp nào? Một là, bố thí cho người từ xa đến. Hai là, bố thí cho người sắp đi xa. Ba là, bố thí cho người bệnh tật. Bốn là, bố thí cho người trong lúc khốn khó.49 Năm là, cúng dường cho bậc tinh tấn trì giới những loại cây trái mới hái, hoặc ngũ cốc vừa thu hoạch, rồi sau đó mình mới ăn. Này các Tỳ-kheo! Ðó gọi là bố thí đúng thời có năm trường hợp này. Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này: Người trí thí đúng thời, Niềm tin không đoạn dứt, Ngay đó được an vui, Sanh thiên đủ công đức. Tùy thời thường bố thí, Được phước như tiếng vang, Vĩnh viễn không nghèo thiếu, Sanh đâu cũng giàu sang. Thí đủ đầy thiện hạnh, Đạt quả vị tối tôn, Niệm lẫn tiếc không còn, Niềm vui càng thêm lớn. Giữ tâm luôn chánh niệm, Ý loạn động tiêu tan, Biết thân thường tịnh an, Tâm liền được giải thoát. Vậy nên người có trí, Bất luận nữ hay nam, Hãy hành năm pháp thí, Phải đúng pháp, đúng thời. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu thiện nam, thiện nữ muốn cúng dường bố thí đúng thời thì hãy nhớ thực hành theo năm trường hợp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành. *** Kệ tóm tắt: Thiện, Bất thiện, Lễ Phật, Thiên sứ, Tuế, Ngũ thụy, Văn-trà, Thân, Chiêm bệnh, Ngũ thí, Tùy thời thí.50
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Thiện tụ phẩm 善聚品 (T.02. 0125.32. 0673c19).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.1. 0673c20). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.644. 0182b02); S. 48.3 - V. 194; A. 5.2 - III. 2.
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.2. 0674a11). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.725. 0195b0); Tạp. 雜 (T.02. 0099.767. 0200b23); S. 47.5 - V. 145; A. 5.52 - III. 65.
4 Bất thiện tụ (不善聚, akusalarāsi).
5 Nguyên tác: Điệu hý (調戲, uddhacca): Sự phóng dật, sự trạo cử, sự phóng tâm, phóng túng.
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.3. 0674a23).
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.4. 0674b16). Tham chiếu: Thế ký kinh 世 記經 (T.01. 0001.30.4. 0121b28); Khởi thế kinh 起世經 (T.01. 0024. 0310a02); Khởi thế nhân bổn kinh 起世因本經 (T.01. 0025. 0365a11); Thiên sứ kinh 天使經 (T.01. 0026.64. 0503a21); Thiết thành nê-lê kinh 鐵城泥犁經 (T.01. 0042. 0826c26); Diêm-la vương ngũ thiên sứ giả kinh 閻羅王 五天使者經 (T.01. 0043. 0828b12); Phân biệt bố thí kinh 分別布施經 (T.01. 0084. 0903b23); Ngũ khổ chương cú kinh五苦章句經 (T.17. 0741. 0543c03); M. 130, Devadūta Sutta (Kinh thiên sứ); A. 3.36 - I. 138.
8 Tham chiếu: M. 130: Seyyathāpi, bhikkhave, dve agārā sadvārā, tattha cakkhumā puriso majjhe ṭhito passeyya manusse gehaṃ pavisantepi nikkhamantepi anucaṅkamantepi anuvicarantepi. (Ví như, này các Tỷ-kheo, có hai nhà có cửa; ở đây, một người có mắt đứng chính giữa có thể thấy những người đi vào nhà, đi ra khỏi nhà, đi qua, đi lại), HT. Thích Minh Châu dịch.
9 Diêm-la (閻羅, Yama).
10 Để bản thiếu “ác khẩu” (惡口), theo văn trên nên bổ sung.
11 Nguyên tác: Sanh pháp (生法, jātidhamma): Những pháp thuộc về sự sống.
12 Nguyên tác: Hình lão chi pháp ( 形老之法, jarādhamma): Những pháp thuộc về sự già suy của thân thể.
13 Nhiệt Hôi địa ngục (熱灰地獄).
14 Đao Thích địa ngục (刀刺地獄).
15 Đại Nhiệt Hôi địa ngục (大熱灰地獄).
16 Đao Kiếm địa ngục (刀劍地獄).
17 Phất Thỉ địa ngục (沸屎地獄).
18 Nguyên tác: Huệ thí, nhân ái, lợi nhân, đẳng lợi (惠施, 仁愛, 利人, 等利): Bốn nhiếp sự (四攝事).
19 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.5. 0676b28) Tham chiếu: Thỉnh thỉnh kinh 請請經 (T.01. 0026.121. 0610a08); Thọ tân tuế kinh 受新歲經 (T.01. 0061. 0858a11); Tân tuế kinh 新 歲經 (T.01. 0062. 0859a25); Giải hạ kinh 解夏經 (T.01. 0063. 0861b10); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1212. 0330a04); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.228. 0457a29); S. 8.7 - I. 190 (2nd ed-410).
20 Nguyên tác: Đông Uyển Lộc Mẫu viên trung (東苑鹿母園中), còn gọi là Đông Viên Lộc Tử Mẫu giảng đường (東園鹿子母講堂, Pubbārāma Migāramātupāsāda): Giảng đường Lộc Tử Mẫu, do bà Visākhā xây dựng ở Đông Viên (東園, Pubbārāma).
21 Thọ tuế (受歲): Thêm một tuổi đạo, tức ngày chư Tăng tự tứ sau 3 tháng kết thúc an cư
22 Nguyên tác: Thích-ca-văn (釋迦文).
23 Nguyên tác: Đệ tử thanh tịnh tâm (弟子清淨心). P. Sāvaka, vừa mang nghĩa là đệ tử vừa có nghĩa là bậc Thánh, hàng Thanh văn.
24 Nguyên tác: Bất dữ tha thuyết pháp (不與他說法). Đây là nói về hành hoạt của vị Độc giác trước khi chứng đắc, do cần phải nỗ lực tu tập nên không chú tâm đến việc thuyết pháp. Tham chiếu Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.34. 0477c07): Bản tánh của bậc Độc giác trước khi chứng đắc quả vị Bồ-đề kia có hạt giống thương yêu chưa lớn mạnh. Do nhân duyên này nên đối với việc thuyết giảng Chánh pháp, làm lợi ích cho hữu tình thì tâm không yêu thích (本性獨覺先未證得彼菩提時有薄悲種 姓, 由是因緣於說正法利有情事心不愛樂).
25 Nguyên tác: Như kim Cù-đàm pháp (如今瞿曇法).
26 Đa-kỳ-xa (多耆奢, Vaṅgīsa).
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.6. 0677b28).
28 Nguyên tác: Chư hữu tự quy Phật, bất đọa tam ác thú, tận lậu xử thiên nhân, tiện đương chí Niết-bàn (諸有自歸佛, 不墮三惡趣, 盡漏處天人, 便當至涅槃). Tham chiếu: D. 20: Ye keci buddhaṃ saraṇaṃ gatāse, na te gamissanti apāyabhūmiṃ; Pahāya mānusaṃ dehaṃ, devakāyaṃ paripūressanti. (Những ai quy y Phật, sẽ không đọa ác thú; sau khi bỏ thân người, sẽ sanh làm chư thiên), HT. Thích Minh Châu dịch.
29 Nguyên tác: Khổ (苦), tập (習), tận (盡), đạo (道).
30 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm (五盛陰).
31 Tựa đề được Phật dạy trong phần cuối kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.7. 0679a08). Tham chiếu: A. 5.50 - III. 57.
32 Nguyên tác: Na-la-đà (那羅陀, Nārada).
33 Ba-la-lê quốc (波羅梨國, Pāṭaliputta) còn được dịch là Ba-liên-phất (巴連弗, Pāṭaliputta) hoặc Hoa Thị thành (華氏城).
34 Văn-trà vương (文茶王, Muṇḍa). Theo A. 5.50 - III. 57, vị chánh hậu này có tên là Bhaddā.
35 Thiện Niệm (善念, Piyaka).
36 Nguyên tác: Ngữ thường hàm tiếu (語常含笑).
37 Ngũ uy dung (五威容). Theo Kinh Vua Địa Chủ, số 1, phẩm 23, tr. 245 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.23.1. 0609a14), “ngũ uy dung” gồm có lọng, mũ thiên quan, kiếm, giày và quạt vàng (五飾, 所謂蓋, 天冠, 劍, 履屣及金拂).
38 Nguyên tác: Thử kinh danh viết trừ ưu chi hoạn (此經名曰除憂之患).
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.10. 0680c18). Tham chiếu: Kinh bố thí bình đẳng, số 6, phẩm 52, tr. 1006 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.52.6. 0826a01); A. 5.34 - III. 38.
42 Sư Tử đại tướng (師子大將, Sīhasenapati).
43 Nguyên tác: Thí chủ đàn-việt (施主檀越). Thí chủ (施主, dānapati): Người chủ của tài vật được đem ra bố thí. Đàn-việt (檀越, dāyaka) chỉ cho người bố thí nói chung, theo ngữ cảnh của kinh nhằm chỉ cho người đang phụ giúp thực hiện việc bố thí. Tham chiếu: A. 5.34 - III. 38: Dāyako, sīha, dānapati bahuno janassa piyo hoti manāpo (Người bố thí, này Sīla, người thí chủ được quần chúng ái mộ và ưa thích), HT. Thích Minh Châu dịch.
44 Nguyên tác: Tam Thập Tam thiên (三十三天), tức cõi trời Ba Mươi Ba, cũng gọi là cõi trời Đao-lợi (忉利天).
45 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.11. 0681a29). Tham chiếu: Thực thí hoạch ngũ phước báo kinh 食施獲五福報經 (T.02. 0132a. 0854c04); Thực thí hoạch ngũ phước báo kinh 食 施獲五福報經 (T.02. 0132b. 0855a14); A. 5.37 - III. 42.
46 Nguyên tác: Sắc (色), theo Đạo hạnh Bát-nhã kinh từ điển (道行般若經詞典) nghĩa là sắc chất, tài vật (rūpa).
47 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.32.12. 0681b16). Tham chiếu: Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 0150A.15. 0878a23); A. 5.36 - III. 41.
48 Ứng thời thí (應時施, kāladāna): Bố thí đúng thời điểm.
49 Nguyên tác: Tứ giả kiệm thời thí (四者儉時施). Kiệm (儉) ở đây chỉ cho sự suy bại (指衰敗). Tham chiếu: Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 0150A.15. 0878a23): Bố thí khi lúa gạo khó khăn (穀貴時布施). A. 5.36 - III. 41: Dubbhikkhe dānaṃ deti (Bố thí trong thời đói), HT. Thích Minh Châu dịch.
50 Nguyên tác Nhiếp tụng: 善, 不善, 禮佛; 天使, 歲, 五瑞; 文茶, 親, 瞻病; 五施, 隨時施. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bài kệ này tóm tắt 11 bài kinh, trong khi phẩm này có 12 bài kinh. Bản Hán, hết quyển 24.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.