Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Lậu3 đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi nhau xong ngồi sang một bên. Khi ấy, Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
– Thật khổ thay khi sống trong hang sâu rừng vắng! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó!
Thế Tôn bảo:
– Thật vậy, Bà-la-môn, đúng như lời ông nói: “Thật khổ thay khi sống trong hang sâu rừng vắng! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó!” Sở dĩ như vậy là vì thuở xưa, lúc còn hành hạnh Bồ-tát, chưa thành Phật đạo, Như Lai thường suy nghĩ: “Thật khổ thay khi sống trong hang sâu rừng vắng! Sống một mình, đi đứng một mình, dụng tâm thật khó!”
Bà-la-môn bạch Phật:
Trong số những thiện nam con nhà hào tộc xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố thì Sa-môn Cù-đàm là bậc nhất, đem lại nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho chúng sanh.
Thế Tôn nói:
– Thật vậy, Bà-la-môn, đúng như lời ông nói: “Trong số các thiện nam con nhà hào tộc xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố thì Như Lai là bậc nhất, đem lại nhiều lợi ích, làm người dẫn đường cho các chúng sanh.” Giả sử thấy Như Lai, họ đều cảm thấy hổ thẹn rồi đến ẩn cư trong núi sâu hang vắng.
Bấy giờ, Như Lai suy nghĩ: “Có những Sa-môn, Bà-la-môn có thân nghiệp4 không thanh tịnh mà đến nơi vắng vẻ để tu tập với thân nghiệp không thanh tịnh thì cũng chỉ nhọc công vô ích. Đó chẳng phải là hạnh tu chân thật mà là pháp xấu ác, bất thiện, đáng kinh sợ. Còn nay Như Lai ở nơi vắng vẻ với thân nghiệpcđã thanh tịnh. Trong số những người có thân nghiệp không thanh tịnh mà thích ở nơi vắng vẻ, nhất định không có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì nay thân nghiệp của Như Lai đã thanh tịnh. Trong số các bậc A-la-hán có thân nghiệp thanh tịnh, lại thích ở nơi vắng vẻ thì Như Lai là bậc nhất.” Như vậy, này Bà-la-môn! Như Lai tự quán sát việc làm của thân đã thanh tịnh, lại thích ở nơi vắng vẻ, nên càng tăng thêm hỷ lạc.
[0665c10] Lúc đó, Như Lai lại suy nghĩ: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào với ý nghiệp không thanh tịnh, mạng không thanh tịnh mà thích ở nơi vắng vẻ thì dù họ có hạnh này, nhưng vẫn không phải chân chánh. Họ dẫy đầy những pháp xấu ác, bất thiện, còn Như Lai hoàn toàn không có. Vì sao như vậy? Vì những việc làm từ thân, miệng, ý, mạng của Như Lai đều thanh tịnh. Trong số các Sa-môn, Bà-la-môn có thân, miệng, ý, mạng đều thanh tịnh, lại thích sống nơi vắng vẻ, nhất định có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì nay những việc làm từ thân, miệng, ý, mạng của Như Lai đều thanh tịnh. Trong số các bậc A-la-hán có thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, lại thích ở nơi vắng vẻ thì Như Lai là bậc nhất.” Như vậy, này Bà-la-môn! Khi Như Lai có thân, miệng, ý, mạng thanh tịnh, lại thích ở nơi vắng vẻ, nên càng tăng thêm niềm hỷ lạc.
Bấy giờ, Như Lai lại suy nghĩ: “Sa-môn, Bà-la-môn tâm còn nhiều sợ hãi mà ở nơi vắng vẻ, bấy giờ họ liền sợ hãi pháp xấu ác, bất thiện, nhưng nay Như Lai thích ở nơi vắng vẻ với tâm hoàn toàn không còn sợ hãi. Trong số các Sa- môn, Bà-la-môn có tâm sợ hãi mà thích ở nơi vắng vẻ thì nhất định không có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai đã hoàn toàn không còn sợ hãi, ở nơi vắng vẻ với tâm tự tại an vui. Trong số những người có tâm sợ hãi mà thích ở nơi vắng vẻ, nhất định không có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai đã dứt hết khổ đau, cho nên không giống với họ.” Như vậy, này Bà-la-môn! Như Lai đã thấy rõ nghĩa lý này, không còn sợ hãi, nên càng tăng thêm hỷ lạc.
“Có những Sa-môn, Bà-la-môn thường khen mình, chê người thì dù ở nơi vắng vẻ, vẫn có niệm tưởng không thanh tịnh, nhưng này Bà-la-môn, Như Lai không chê bai người khác, cũng không tự khen mình. Trong số những người tự khen mình và chê bai người khác, nhất định không có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai không có tâm khinh mạn. Trong số các bậc Hiền thánh không có tâm khinh mạn thì Như Lai là bậc nhất.” Như Lai thấy rõ nghĩa lý này rồi nên càng tăng thêm hỷ lạc.
[0666a03] “Có những Sa-môn tham cầu lợi dưỡng, không tự biết đủ, nhưng Như Lai ngày nay thì không tham cầu lợi dưỡng. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai không có tâm mong cầu nơi người khác, cũng tự mình biết đủ. Trong số những người biết đủ thì Như Lai là bậc nhất.” Như Lai đã thấy rõ nghĩa lý này nên càng tăng thêm hỷ lạc.
“Có những Sa-môn, Bà-la-môn tâm thường biếng nhác, không siêng năng tinh tấn lại thích ở nơi vắng vẻ, còn Như Lai thì không. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai có tâm dũng mãnh, không hề biếng nhác. Trong số các bậc Hiền thánh có tâm dũng mãnh thì Như Lai là bậc nhất.” Như Lai thấy rõ nghĩa lý này rồi nên càng tăng thêm hỷ lạc.
Bấy giờ, Như Lai lại suy nghĩ: “Có những Sa-môn, Bà-la-môn tâm thường xao lãng mà thích ở nơi vắng vẻ thì tuy có hạnh này, họ vẫn sanh khởi pháp xấu ác, bất thiện. Còn nay Như Lai đã không còn tâm xao lãng. Lại nữa, này Bà- la-môn! Trong số những người có tâm xao lãng, nhất định không có Như Lai. Trong các bậc Hiền thánh không có tâm xao lãng thì Như Lai là bậc nhất.” Nay Như Lai thấy rõ nghĩa lý này rồi nên ở nơi vắng vẻ, càng tăng thêm hỷ lạc.
Rồi Như Lai lại suy nghĩ: “Có những Sa-môn, Bà-la-môn tâm ý tán loạn, bất định thì họ liền sanh khởi pháp xấu ác, bất thiện, cùng với việc làm ác. Còn nay Như Lai tâm không loạn động, luôn trụ chánh niệm. Trong số những người tâm ý tán loạn, bất định, chắc chắn không có Như Lai. Vì sao như vậy? Vì Như Lai luôn an trụ trong chánh niệm. Trong các bậc Hiền thánh có tâm chánh niệm, định tĩnh thì Như Lai là bậc nhất.” Nay Như Lai đã thấy rõ nghĩa lý này, cho nên ở nơi vắng vẻ, càng tăng thêm hỷ lạc.
Lúc ấy, Như Lai lại suy nghĩ: “Có những Sa-môn, Bà-la-môn mê muội tăm tối chẳng khác gì loài dê, họ thường sanh khởi pháp xấu ác, bất thiện. Trong số những người mê muội đó, nhất định không có Như Lai. Như Lai luôn có trí tuệ, không chút mê muội, thích ở nơi vắng vẻ. Giả như có người mê muội lại thích ở nơi vắng vẻ thì trong số đó không có Như Lai. Ngày hôm nay, Như Lai đã thành tựu trí tuệ. Trong số các bậc Hiền thánh thành tựu trí tuệ thì Như Lai là bậc nhất.” Nay Như Lai đã thấy rõ nghĩa lý này, cho nên ở nơi vắng vẻ, càng tăng thêm hỷ lạc.
Khi Như Lai ở nơi vắng vẻ, giả sử lúc đó cây cối gãy đổ, chim muông, cầm thú bay chạy tứ tán. Bấy giờ, Như Lai suy nghĩ: “Đây là khu rừng đáng kinh sợ.” Nhưng Như Lai lại nghĩ: “Nếu có điều kinh sợ xảy đến, Ta sẽ tìm cách khiến nó không xảy đến.” Khi Như Lai đi kinh hành, nếu có điều đáng sợ xảy đến, lúc đó Như Lai không ngồi, cũng không nằm, cốt yếu để dứt trừ tâm kinh sợ, sau đó mới ngồi. Khi Như Lai đứng, nếu có điều đáng sợ xảy đến, lúc ấy Như Lai không kinh hành, cũng không ngồi, cốt yếu để dứt trừ được tâm kinh sợ, sau đó mới ngồi. Khi Như Lai ngồi, nếu có điều đáng sợ xảy đến, lúc ấy Như Lai không đi kinh hành, cốt yếu để dứt trừ được sự kinh sợ, sau đó mới đi kinh hành. Khi Như Lai nằm, nếu điều đáng sợ xảy đến, lúc ấy Như Lai không đi kinh hành, cũng không ngồi, cốt yếu để dứt trừ được sự kinh sợ, sau đó mới ngồi.
[0666b09] Bà-la-môn nên biết, có những Sa-môn, Bà-la-môn không hiểu đạo lý ban ngày và ban đêm, Như Lai nói người ấy rất mê muội. Nhưng này Bà-la-môn, Như Lai hiểu rõ đạo lý ban ngày và ban đêm,5 nên tâm càng thêm dũng mãnh, không có hư dối, ý không tán loạn, luôn giữ nhất tâm, không có niệm tham dục, có giác có quán, cùng với hỷ, lạc được sanh ra do sự viễn ly, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất. Này Bà-la-môn, đó là tâm thứ nhất mà Như Lai tự thân chứng đạt rồi tự an trú6 ngay trong hiện tại.
Kế đến, lìa bỏ giác và quán, trong tâm bình đẳng, thanh tịnh, có hỷ, lạc do định sanh, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, không giác không quán. Này Bà- la-môn, đó là tâm thứ hai mà Như Lai tự thân chứng đạt rồi tự an trú ngay trong hiện tại.
Kế nữa, lìa bỏ hỷ, an trú xả, với chánh niệm và tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, điều mà bậc Thánh gọi là lạc trú trong xả và có chánh niệm. Này Bà-la-môn, đó là tâm thứ ba [mà Như Lai tự thân chứng đạt rồi tự an trú ngay trong hiện tại].
Khi đã diệt trừ ưu và hỷ trước đó nên buông bỏ cả khổ và lạc, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, một trạng thái không khổ không lạc, gọi là xả niệm thanh tịnh. Này Bà-la-môn, đó là tâm tăng thượng thứ tư mà Như Lai tự thân chứng đạt rồi tự an trú [ngay trong hiện tại].
Khi Như Lai ở nơi vắng vẻ, đã đạt được bốn tâm tăng thượng này. Như Lai dùng tâm định tĩnh thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, cũng không còn kiết sử này mà thành tựu vô sở úy, tự biết mọi việc trong vô lượng đời trước. Bấy giờ, Như Lai nhớ lại mọi việc trong một đời, hoặc hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, hoặc trong kiếp thành, kiếp hoại, thảy đều biết rõ. Ta đã từng thọ thân tại đó, hiệu đó, tên đó, ăn thức ăn như thế, chịu khổ vui như thế, chết chỗ kia sanh ra ở đây, chết ở đây sanh ra chỗ kia, mọi nhân duyên gốc ngọn, Như Lai đều biết tường tận.
Bà-la-môn nên biết! Vào đầu hôm, khi Như Lai chứng được Minh thứ nhất7 thì vô minh từ quá khứ liền bị trừ sạch, không còn mê tối nữa, tâm vui thích sống nơi vắng vẻ mà tự giác tri.
Lại nữa, Như Lai với tâm định tĩnh, không chút cấu nhiễm, cũng không còn các kiết sử, tâm ý an định, được vô sở úy, biết rõ sự sanh ra và chết đi của chúng sanh. Như Lai lại dùng thiên nhãn quán biết các loài chúng sanh, thấy rõ có sanh ra, có chết đi, có người đẹp, có kẻ xấu, có đường lành, có nẻo dữ, có người tốt, có người xấu, tùy theo nghiệp thiện ác của họ, Như Lai đều biết tường tận. Có những chúng sanh thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, chê bai Hiền thánh, luôn chấp giữ tà kiến, sống với tà kiến, nên sau khi qua đời đọa vào địa ngục. Có những chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không chê bai Hiền thánh, thường tu chánh kiến, sống với chánh kiến, nên sau khi qua đời sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Như Lai lại dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút cấu nhiễm quán biết các loài chúng sanh, thấy rõ có sanh ra, có chết đi, có người đẹp, có kẻ xấu, có đường lành, có nẻo dữ, có người tốt, có người xấu, tùy theo nghiệp thiện ác của họ, Như Lai đều biết tường tận.
[0666c12] Bà-la-môn nên biết, vào lúc giữa đêm, Như Lai chứng được Minh thứ hai,8 không còn mê tối nữa, vui thích ở nơi vắng vẻ mà tự giác tri.
Như Lai với tâm định tĩnh thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, cũng không kiết sử, tâm ý an định, được vô sở úy, thành tựu tâm vô lậu, biết rõ như thật không hư dối: “Đây là khổ.” Ngay khi Như Lai có được tâm này, tâm dục lậu được giải thoát, tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu đều được giải thoát. Đã được giải thoát rồi, liền được trí giải thoát và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Này Bà-la-môn! Vào lúc cuối đêm, Như Lai chứng được Minh thứ ba,9 không còn bị mê tối nữa.
Thế nào, Bà-la-môn! Như Lai có những tâm này chăng? Như Lai có tâm dục, tâm sân hận, tâm ngu si chưa được dứt trừ mà ở nơi vắng vẻ chăng? Này Bà-la-môn, chớ nghĩ như thế. Vì sao như vậy? Vì ngày nay Như Lai đã hoàn toàn dứt trừ các lậu, thường thích ở nơi vắng vẻ, không thích chốn đông người. Nay Như Lai đã quán biết hai nghĩa này rồi nên thích ở nơi vắng vẻ. Đó là hai nghĩa nào? Đó là tự mình an trú nơi vắng vẻ và độ thoát hết thảy chúng sanh không thể tính kể.
Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Lậu bạch Phật:
– Ngài vì thương xót chúng sanh mà nguyện độ cho tất cả.
Rồi Bà-la-môn lại bạch Phật:
– Xin hãy ngừng lại, thưa Thế Tôn! Những điều Ngài dạy đã là quá nhiều. Con như người gù được dựng thẳng lưng, như kẻ lạc đường được chỉ lối, như người mù được sáng mắt, như trong tối thấy được ánh sáng. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện để thuyết pháp cho con. Nay con xin quy y Phật, Pháp, Tăng. Từ nay về sau con nguyện thọ trì năm giới, nguyện không sát sanh, làm ưu-bà-tắc.
Bấy giờ, Bà-la-môn Sanh Lậu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cù-sư, nước Câu-thâm, nơi bốn đức Phật thời quá khứ đã từng cư ngụ.
Bấy giờ, Vua Ưu-điền11 cùng phu nhân Xá-di và năm trăm cung nữ muốn đến vườn Cù-sư dạo chơi ngắm cảnh. Lúc ấy, trong thành Xá-vệ có vị Tỳ-kheo suy nghĩ: “Ta xa Thế Tôn đã lâu, nay ta nên đến đảnh lễ thăm hỏi Ngài.” Khi ấy cũng đã đến giờ, vị Tỳ-kheo này đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thọ thực xong, vị ấy thu xếp y bát, tọa cụ, rồi dùng thần túc bay lên hư không để đến nước Câu-thâm. Đến nơi, Tỳ-kheo ấy xả thần túc rồi đi vào rừng, đến nơi vắng vẻ ngồi kiết-già tĩnh tọa, giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, buộc niệm trước mặt.
Khi ấy, phu nhân Xá-di dẫn năm trăm cung nữ đi đến khu rừng này. Phu nhân Xá-di từ xa trông thấy Tỳ-kheo dùng thần túc bay đến ngồi dưới tàng cây, bà liền đến đảnh lễ sát chân rồi chắp tay đứng trước Tỳ-kheo này. Năm trăm cung nữ cũng đồng đến đảnh lễ và chắp tay đứng xung quanh.
Lúc ấy, Vua Ưu-điền từ xa trông thấy năm trăm cung nữ chắp tay đứng xung quanh Tỳ-kheo này, liền nghĩ: “Ở đó chắc có bầy nai, hoặc là loài thú nào đó, nhất định như vậy, không nghi ngờ gì!” Thế rồi, vua liền phi ngựa tức tốc đến chỗ các cung nữ đang tụ tập.
Phu nhân Xá-di từ xa nhìn thấy nhà vua phi ngựa đến, liền nghĩ: “Vua Ưu- điền vô cùng hung ác, có thể sẽ hại vị Tỳ-kheo này.” Phu nhân bèn đưa cánh tay phải lên, tâu vua:
– Thưa Đại vương! Đây là Tỳ-kheo, Đại vương chớ làm kinh động. Vua liền xuống ngựa, thâu lại cung tên, đến chỗ Tỳ-kheo và nói:
– Này thầy Tỳ-kheo! Hãy nói pháp cho trẫm nghe!
Vị Tỳ-kheo ấy đưa mắt nhìn vua, rồi lặng thinh không nói lời nào.
Vua lại bảo Tỳ-kheo:
– Hãy mau nói pháp cho trẫm nghe!
Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy lại đưa mắt nhìn vua, nhưng vẫn im lặng không nói.
Khi ấy, nhà vua suy nghĩ: “Nay ta nên hỏi những vấn đề về thiền. Nếu Tỳ-kheo nói pháp cho ta, ta sẽ suốt đời cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Còn nếu thầy ấy không chịu nói pháp cho ta nghe thì ta sẽ giết.” Thế rồi, nhà vua lại bảo Tỳ-kheo:
– Này thầy Tỳ-kheo! Hãy nói pháp cho ta!
Vị Tỳ-kheo kia vẫn im lặng không nói gì.
[0667b03] Bấy giờ, thần cây biết được tâm niệm của vua, liền hóa ra một bầy nai ở đằng xa, cố ý làm loạn tai mắt, muốn nhà vua phân tán tư tưởng. Vua từ xa nhìn thấy bầy nai liền suy nghĩ: “Ta tạm thời tha cho Sa-môn này. Thầy ấy cũng không trốn đâu thoát.” Nghĩ rồi, vua liền phi ngựa rượt bắn bầy nai.
Lúc này, phu nhân bèn hỏi vị Tỳ-kheo:|
– Nay thầy định đến đâu?
Tỳ-kheo đáp:
– Tôi muốn đến trú xứ của bốn đức Phật để đảnh lễ thăm hỏi Thế Tôn.
Phu nhân thưa:
– Tỳ-kheo! Nay đã đúng lúc. Thầy hãy mau đến đó, đừng ở đây nữa mà bị vua sát hại, như vậy thì vua sẽ mang tội rất nặng.
Khi ấy, Tỳ-kheo kia liền đứng lên, thu xếp y bát rồi bay lên hư không đi được một khoảng xa. Thấy Tỳ-kheo đã bay cao giữa hư không, phu nhân liền từ xa nói với vua:
– Mong Đại vương hãy ngước nhìn vị Tỳ-kheo kia, thầy ấy có đại thần túc, có thể bay lên hư không và ẩn hiện rất tự tại. Tỳ-kheo ấy còn có thần lực như vậy, huống gì đức Phật Thích-ca12 thì ai có thể sánh kịp?
Bấy giờ, Tỳ-kheo ấy đến vườn Cù-sư, buông xả thần túc, trở lại bình thường mà đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên. Thế Tôn hỏi Tỳ-kheo:
– Thế nào, Tỳ-kheo! Thầy an cư mùa hạ ở thành Xá-vệ có nhọc nhằn chăng?
Tùy thời khất thực có mệt mỏi không?
Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn! Con ở thành Xá-vệ không có gì mệt mỏi.
Phật lại hỏi Tỳ-kheo:
– Hôm nay, thầy đến đây có việc gì sao?
Tỳ-kheo bạch Phật:
Con muốn đến đảnh lễ và vấn an sức khỏe Thế Tôn.
Thế Tôn nói:
– Nay thầy thấy được Như Lai và trụ xứ của bốn đức Phật thời quá khứ rồi phải không? Thầy đã thoát khỏi tay vua, điều này rất hy hữu, nhưng sao thầy không nói pháp cho vua nghe? Hơn nữa, Vua Ưu-điền cũng đã nói: “Này Tỳ- kheo! Hãy nói pháp cho ta. Nay tại sao thầy không thuyết pháp cho ta nghe?” Nếu thầy thuyết pháp cho Vua Ưu-điền thì vua sẽ rất hoan hỷ. Khi đã hoan hỷ, vua sẽ suốt đời cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh.
Bấy giờ, Tỳ-kheo bạch Phật:
– Vì vua muốn hỏi những vấn đề liên quan đến thiền, cho nên con không trả lời.
Thế Tôn hỏi:
– Này Tỳ-kheo! Tại sao thầy không nói cho vua nghe những vấn đề về thiền?
[0667c01] Tỳ-kheo thưa:
– Vua Ưu-điền học pháp thiền này để làm gì? Trong khi lòng dạ nhà vua vốn hung bạo, không có tâm từ, sát hại chúng sanh nhiều vô số kể, mãi sống trong dục, ba độc lẫy lừng, chìm trong vực sâu, không thấy Chánh pháp, nghi hoặc vô tri, toàn làm chuyện ác, hành xử kiêu mạn, cậy quyền thế vua, tham đắm tiền của, xem thường người khác, giống như người mù không có đôi mắt. Hạng người như thế, tu thiền làm gì? Pháp thiền vốn dĩ là pháp vi diệu trong tất cả các pháp, khó thấu rõ được, không có hình tướng, không phải cảnh giới suy lường của tâm, hạng người bình thường khó lòng đạt đến, chỉ có người trí mới thấy biết được. Vì những lẽ đó nên con không nói pháp thiền cho vua.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy:
– Như chiếc áo dơ cũ, cần phải giặt giũ mới sạch. Cũng vậy, tâm tham dục lớn mạnh, cần phải quán tưởng bất tịnh mới dứt trừ được. Nếu tâm sân hận lớn mạnh thì phải dùng tâm bi để đối trị. Tâm ngu si lớn mạnh thì dùng pháp mười hai duyên mới có thể dứt trừ. Này Tỳ-kheo! Vì sao thầy không nói pháp cho Vua Ưu-điền nghe? Nếu thầy nói pháp, vua sẽ rất hoan hỷ. Đến như ngọn lửa bùng cháy cỡ nào, vẫn còn dập được, huống nữa con người?
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia im lặng không nói. Đức Phật lại dạy Tỳ-kheo:
– Như Lai độ đời cũng rất kỳ diệu và cũng đặc thù. Dù là trời, rồng, quỷ thần, hay càn-thát-bà muốn hỏi nghĩa lý Phật pháp, Như Lai cũng sẽ giảng nói. Giả sử quốc vương, đại thần, hay là thường dân hỏi về đạo lý, Như Lai đều sẽ giảng nói. Nếu dòng Sát-đế-lợi và bốn chủng tánh đến hỏi đạo lý, Như Lai cũng sẽ giảng nói. Vì sao như vậy? Vì nay Như Lai đã thành tựu bốn vô sở úy, thuyết pháp không có khiếp nhược; cũng chứng đắc bốn thiền, tự tại trong bốn thiền; đồng thời đạt được bốn thần túc chẳng thể tính kể, lại cũng hành trì bốn tâm vô lượng. Thế nên, Như Lai thuyết pháp không có khiếp nhược, hàng A-la-hán, hay bậc Độc giác13 không thể sánh kịp. Vậy nên Như Lai thuyết pháp không khó.
Này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy tìm phương tiện để thực hành bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Vì sao như vậy? Nếu Tỳ-kheo gặp chúng sanh, thiện tri thức, cha mẹ, cho đến thân bằng quyến thuộc, đều nên lấy bốn điều này để chỉ dạy, giúp họ thấu hiểu pháp Phật. Bốn điều ấy là gì:
Một là, nên cung kính Phật, bậc Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, đấng Độ Người Vô Lượng.
Hai là, nên cầu Giáo pháp, là phương pháp tu hành theo chân chánh, trừ bỏ việc xấu ác. Đây là pháp tu của người trí.
Ba là, nên siêng năng14 cúng dường chúng Tăng. Thánh chúng của Như Lai luôn hòa hợp, không tranh cãi, thành tựu pháp và tùy pháp, thành tựu giới luật, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám bậc, mười hai Hiền thánh.15 Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý, là ruộng phước vô thượng ở thế gian.
Bốn là, nên khuyến hóa người khác hành trì theo pháp và giới luật của bậc Hiền thánh, không có nhiễm ô, tịch tịnh vô vi. Nếu có Tỳ-kheo nào muốn tu đạo thì phải hành trì đầy đủ bốn điều này.16 Vì sao thế? Vì pháp cúng dường Tam bảo là tôn quý nhất, là cao thượng nhất, không gì sánh bằng.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có bốn con đường.18 Là bốn đường nào? Có con đường an vui mà sự chứng đắc chậm lụt,19 đây là con đường thứ nhất. Có con đường an vui mà sự chứng đắc nhanh chóng.20 Có con đường khổ mà sự chứng đắc chậm lụt.21 Có con đường khổ mà sự chứng đắc nhanh chóng.22
Thế nào gọi là con đường an vui mà sự chứng đắc chậm lụt? Như người có tâm tham dục, sân hận và ngu si lớn mạnh, phương pháp hành trì rất khó nhọc, vì không phù hợp với căn cơ. Người ấy với năm căn ngu tối, không được lanh lợi. Năm căn ấy là gì? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn. Do căn tánh chậm lụt mà cầu thành tựu tam-muội, dứt sạch hữu lậu nên gọi đó là con đường an vui của người độn căn đắc đạo.
Thế nào gọi là con đường an vui mà sự chứng đắc nhanh chóng? Như người không có tham cầu, không dâm dục, luôn tự giảm thiểu và không ân cần đối với tham dục; tận lực giảm thiểu tâm sân hận và ngu si; năm căn lanh lợi, không có buông lung. Là năm căn nào? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn, đó là năm căn. Nhờ năm căn này mà thành tựu tam-muội, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu nên gọi đó là con đường an vui của người lợi căn đắc đạo.
Thế nào gọi là con đường khổ mà sự chứng đắc chậm lụt? Như người có tâm dâm dục lớn mạnh; tâm sân hận, ngu si cũng lớn mạnh. Người ấy nương những pháp đó rồi tự an trú, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là con đường khổ của người độn căn đắc đạo.
[0668b01] Thế nào gọi là con đường khổ mà sự chứng đắc nhanh chóng? Như người mà tâm dục và tâm dâm cạn mỏng, không có sân hận, cũng không khởi tưởng, tu tập ba pháp này. Bấy giờ, người ấy cũng có đầy đủ năm căn, không bị khiếm khuyết. Là năm căn nào? Đó là tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn, đó là năm căn. Người ấy nhờ tu tập pháp này mà thành tựu tam-muội, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu. Đó gọi là con đường khổ của người lợi căn đắc đạo.
Do đó, này Tỳ-kheo! Có bốn con đường này. Các thầy hãy tìm phương tiện dứt bỏ ba con đường trước, phụng trì con đường sau cùng. Vì sao như vậy? Vì lẽ, với con đường khổ, tuy khó chứng đắc tam-muội, nhưng khi đã chứng đắc thì sẽ thành tựu đạo quả, tồn tại lâu dài ở đời. Vì sao? Bởi vì chẳng thể dùng vui để cầu vui, nhờ khổ tu nên về sau mới thành đạo.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy thường dùng phương tiện để thành tựu con đường sau cùng này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, có bốn Bà-la-môn đều đã chứng đắc ngũ thông, tu tập thiện pháp, nhóm họp lại một chỗ rồi cùng nhau bàn luận: “Lúc thần chết24 đến, người có thế lực cũng không thể trốn khỏi. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy lo ẩn nấp để thần chết không thể tìm thấy.”
Bấy giờ, một vị Bà-la-môn bay lên hư không, mong được thoát chết nhưng chẳng tránh khỏi, nên chết trong hư không. Vị Bà-la-môn thứ hai thì lặn xuống đáy biển lớn, mong được thoát chết, nhưng cũng bỏ mạng dưới lòng biển cả. Vị Bà-la-môn thứ ba lại chui vào lòng núi Tu-di, mong được thoát chết, nhưng rồi cũng chết ở trong lòng núi. Còn vị Bà-la-môn thứ tư thì chui xuống lòng đất, đến trốn trong vùng đất rắn chắc như kim cương, mong được thoát chết, nhưng rồi cũng chết ở đó.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng thiên nhãn xem thấy bốn Bà-la-môn kia, mỗi người đều muốn trốn khỏi thần chết, nhưng rồi tất cả đều đã chết. Thế Tôn liền nói kệ này:
Ẩn hư không, biển cả,
Chui núi thẳm, hang sâu,
Nhưng không một nơi nào,
Thoát khỏi tay thần chết.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở đây, này các Tỳ-kheo! Có bốn Bà-la-môn tập trung một chỗ, bàn bạc với nhau, mong được thoát chết. Mỗi người trốn chạy một nơi, rồi cũng không thoát chết. Một người bay lên hư không, một người lặn xuống đáy biển, một người ẩn vào lòng núi, một người chui xuống lòng đất, nhưng tất cả đều đã chết.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu muốn thoát chết thì phải tư duy bốn pháp nền tảng.25 Là bốn pháp nào?
Tất cả các hành đều vô thường, đó là pháp căn bản thứ nhất, hãy nhớ tu tập. Tất cả các hành là khổ, đó là pháp căn bản thứ hai, hãy cùng tư duy.
Tất cả các pháp đều vô ngã, đó là pháp căn bản thứ ba, hãy cùng tư duy. Diệt tận là Niết-bàn, đó là pháp căn bản thứ tư, hãy cùng tư duy.
Như thế, này các Tỳ-kheo! Hãy cùng tư duy bốn pháp nền tảng này. Vì sao như vậy? Vì muốn thoát khỏi cội nguồn của nỗi khổ sanh, già, bệnh, chết, lo, buồn, khổ, não này.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn pháp này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Cõi trời Ba Mươi Ba có bốn khu vườn cảnh, chư thiên thường đến đó dạo chơi, thưởng thức năm loại âm nhạc. Là bốn khu vườn nào? Đó là vườn Nan- đàn-bàn-na,27 vườn Thô Sáp,28 vườn Họa Lạc29 và vườn Tạp Chủng.30
Trong bốn khu vườn đó có bốn ao tắm. Có ao tắm nước rất lạnh, có ao tắm nước thơm hương, có ao tắm nước rất dễ chịu, có ao tắm nước trong vắt. Là bốn ao tắm nào? Đó là ao tắm Nan-đà, ao tắm Nan-đà-đảnh, ao tắm Tô-ma, ao tắm Hoan Duyệt.
Tỳ-kheo nên biết! Bốn ao tắm trong bốn khu vườn này giúp cho thân thể chư thiên thơm sạch, không còn bụi nhơ.
Vì sao gọi là vườn Nan-đàn-bàn-na? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào khu vườn Nan-đàn-bàn-na, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, ở trong đó mà thỏa thích vui chơi, cho nên gọi là vườn Nan-đàn-bàn-na.
Vì sao gọi là vườn Thô Sáp? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong khu vườn này thì thân thể họ trở nên sần sùi. Ví như đến mùa đông, người ta phải bôi hương liệu lên thân, khiến cho thân thể trở nên sần sùi. Ở đây cũng như vậy, nếu chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong khu vườn này thì thân thể trở nên sần sùi, không giống bình thường. Vì thế nên gọi là vườn Thô Sáp.
Vì sao gọi là vườn Họa Lạc? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong khu vườn này thì nhan sắc sẽ đổi khác, trở thành nhiều dáng vẻ khác nhau. Giống như người nữ mặc rất nhiều loại xiêm y khác nhau; mỗi lần đổi xiêm y, hình dáng sẽ không giống với ban đầu. Ở đây cũng vậy, nếu chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong vườn này, sẽ biến thành nhiều dáng vẻ khác nhau, không giống lúc ban đầu. Vì thế nên gọi là vườn Họa Lạc.
[0669a04] Vì sao gọi là vườn Tạp Chủng? Vì khi các vị trời bậc thượng và các vị trời bậc trung, cho đến các vị trời bậc thấp đã vào khu vườn này rồi thì đều trở thành ngang hàng với nhau. Nếu là trời bậc thấp nhất thì không được vào ba khu vườn trên. Ví dụ như khu vườn mà Vua Chuyển Luân đã vào thì các vị vua khác không được vào khu vườn ấy để tắm rửa. Còn hàng thường dân thì chỉ có thể nhìn ngắm từ xa. Ở đây cũng vậy, nếu là khu vườn mà vị trời tối cao đã vào tắm rửa thì các vị trời bậc thấp không được vào. Vì thế nên gọi là vườn Tạp Chủng.
Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà?31 Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong ao tắm này thì trong lòng rất vui vẻ. Thế nên gọi là ao tắm Nan-đà.
Vì sao gọi là ao tắm Nan-đà-đảnh? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào ao tắm này, tắm gội bằng cách dùng hai bàn tay xoa chà đảnh đầu. Đối với thiên nữ cũng giống như vậy. Thế nên gọi là ao tắm Nan-đà-đảnh.
Vì sao gọi là ao tắm Tô-ma? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong ao tắm này thì dung mạo chư thiên hoàn toàn giống như dung mạo loài người, không có gì khác. Thế nên gọi là ao tắm Tô-ma.
Vì sao gọi là ao tắm Hoan Duyệt? Vì khi chư thiên ở cõi trời Ba Mươi Ba vào trong ao tắm này rồi thì tất cả đều không còn tâm kiêu mạn phân biệt cao thấp, lòng buồn giận vơi đi, chỉ chuyên tâm tắm gội. Thế nên gọi là ao tắm Hoan Duyệt. Này các Tỳ-kheo! Vì nhân duyên này, mà có tên gọi như vậy.
Nay trong Chánh pháp của Như Lai cũng giống như vậy, cũng có bốn khu vườn. Là bốn khu vườn gì? Đó là vườn Từ, vườn Bi, vườn Hỷ và vườn Xả. Này các Tỳ-kheo, trong Chánh pháp Như Lai có bốn khu vườn này.
Vì sao gọi là vườn Từ? Tỳ-kheo nên biết, nhờ thân cận vườn Từ này mà được sanh lên cõi Phạm thiên; từ cõi trời Phạm thiên đó qua đời, sẽ sanh trong gia đình tôn quý, có nhiều của cải, luôn được thưởng thức năm loại kỹ nhạc, chưa từng rời mắt. Vì vậy nên gọi là vườn Từ.
Vì sao gọi là vườn Bi? Tỳ-kheo nên biết, nếu khéo thân cận vườn Bi này thì tâm được giải thoát, sanh lên cõi trời Phạm Quang Âm. Nếu sanh lại trong loài người thì được sanh vào gia đình tôn quý, không có sân hận, cũng được giàu có của cải. Vì vậy nên gọi là vườn Bi.
[0669b02] Vì sao gọi là vườn Hỷ? Nếu người hay thân cận vườn Hỷ thì sanh lên cõi trời Quang Âm. Nếu sanh lại trong loài người thì được sanh vào gia đình vua chúa, tâm luôn hoan hỷ. Vì thế nên gọi là vườn Hỷ.
Vì sao gọi là vườn Xả? Nếu người nào thân cận với vườn Xả thì sẽ sanh lên cõi trời Vô Tưởng, thọ tám vạn bốn ngàn kiếp. Nếu sanh lại trong loài người thì được sanh vào gia đình ở chốn thành thị, không có tâm sân hận, luôn từ bỏ tất cả việc làm phi pháp. Vì thế nên gọi là vườn Xả.
Tỳ-kheo nên biết, trong Chánh pháp của Như Lai lại có bốn khu vườn này, giúp chúng Thanh văn được vui chơi ở đó. Trong bốn khu vườn này cũng có bốn ao tắm để chúng Thanh văn tắm gội và tự vui chơi trong ấy, khiến dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, không còn bụi bẩn. Là bốn ao nào? Đó là ao tắm có giác có quán; ao tắm không giác không quán; ao tắm xả niệm32 và ao tắm không khổ không lạc.
Vì sao gọi là ao tắm có giác có quán? Như khi Tỳ-kheo nào đã chứng đắc Thiền thứ nhất thì luôn có giác có quán đối với các pháp, tư duy các pháp, trừ bỏ kiết sử trói buộc, vĩnh viễn không còn sót lại. Vì thế nên gọi là ao tắm có giác có quán.
Vì sao gọi là ao tắm không giác không quán? Giống như Tỳ-kheo đã đắc Thiền thứ hai thì lìa bỏ giác và quán, dùng thiền định làm thức ăn. Vì thế nên gọi là ao tắm không giác không quán.
Vì sao gọi là ao tắm xả niệm? Như khi Tỳ-kheo đã chứng đắc Thiền thứ ba thì lìa bỏ giác và quán, không giác không quán, luôn lạc trú trong xả và có chánh niệm. Vì thế nên gọi là ao tắm xả niệm.
Vì sao gọi là ao tắm không khổ không lạc? Như khi Tỳ-kheo chứng đắc Thiền thứ tư rồi thì không nhớ đến lạc, cũng không còn nghĩ khổ, cũng không nhớ nghĩ đến quá khứ hay vị lai, chỉ dụng tâm ở trong pháp hiện tại. Vì thế nên gọi là ao tắm không khổ không lạc.
Do vậy, này các Tỳ-kheo! Trong Chánh pháp của Như Lai có bốn ao tắm này để chúng Thanh văn tắm gội trong đó, khiến diệt trừ hai mươi mốt kiết sử,33 vượt biển sanh tử, vào thành Niết-bàn.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu muốn vượt biển sanh tử này, các thầy hãy tìm phương tiện dứt trừ hai mươi mốt kiết sử để vào thành Niết-bàn.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ví như có bốn con rắn độc rất to và hung dữ bị nhốt chung trong một cái lồng. Nếu có người ở phương khác đến mong cầu được sống, không muốn chết, mong muốn được vui, không muốn khổ, không mê muội, không u tối, không loạn tâm, không bị trói buộc. Khi ấy, nếu vua hay đại thần của vua gọi người này đến và ra lệnh: “Nay có bốn con rắn độc rất to và hung bạo. Ông hãy tùy thời nuôi nấng và tắm rửa sạch sẽ cho chúng; tùy thời cho ăn uống, đừng để chúng thiếu thốn. Nay thật đúng lúc, ông hãy bắt đầu làm việc đi.”
Người kia trong lòng sợ hãi không dám tiến về phía trước, liền bỏ chạy thục mạng, chẳng còn biết phương hướng. Ông ta lại còn được vua cảnh báo rằng: “Nay ta sẽ sai năm người cầm đao kiếm đuổi theo ông. Nếu họ bắt được thì họ sẽ lấy mạng ông. Cho nên ông không được chậm trễ.”
Bấy giờ, người kia sợ bốn con rắn độc lớn, lại sợ năm người cầm đao kiếm đuổi theo nên cắm đầu chạy thục mạng, không còn biết phương hướng. Ông ta lại được vua cảnh báo rằng: “Nay ta sẽ sai sáu kẻ oan gia đuổi theo ông. Nếu họ bắt được, họ sẽ lấy mạng ông. Ông muốn làm gì thì mau làm đi.”
Bấy giờ, người kia sợ bốn con rắn độc, lại sợ năm người cầm đao kiếm và sợ sáu kẻ oan gia, cho nên cứ cắm đầu chạy thật nhanh. Ông ta nhìn thấy một ngôi làng hoang vắng, muốn vào bên trong lẩn trốn, nhưng khi vào đó thì chỉ thấy nhà cửa trống không, tường vách sụp đổ, không có chỗ nào kiên cố; lại thấy các vật dụng đều trống rỗng, chẳng có thứ gì. Khi ấy, có một người bạn muốn giúp ông ta thoát nạn nên mới khuyên: “Nơi hoang vắng này có nhiều giặc cướp, ông muốn làm gì thì hãy làm nhanh đi.”
Người kia đã sợ bốn con rắn độc, lại sợ năm người cầm đao kiếm, lại sợ sáu tên oan gia, lại càng sợ ngôi làng hoang vắng kia, cho nên bỏ chạy như bay. Người này chạy về phía trước, gặp một con sông lớn vừa sâu vừa rộng, nhưng không có người dân hay cầu, đò để có thể qua được bờ bên kia. Hơn nữa, nơi ông ấy đang đứng lại có nhiều giặc cướp hung ác. Lúc đó, người ấy suy nghĩ: “Con sông này rất sâu và rộng, lại có nhiều giặc cướp, bây giờ ta phải làm sao để qua được bờ bên kia? Nay ta nên gom nhặt cây cối, dùng cỏ kết chúng lại thành chiếc bè, rồi nương chiếc bè này để đi từ bờ này qua bờ kia.” Thế rồi, người ấy liền gom nhặt cây cỏ để kết làm chiếc bè và đi qua được bờ kia, chí không dời đổi.
[0670a02] Các Tỳ-kheo nên biết! Nay Như Lai nêu ra ví dụ, các thầy hãy suy nghĩ để hiểu rõ chúng. Như Lai nói những ví dụ này là có ý nghĩa gì?
Bốn con rắn độc là dụ cho bốn đại. Bốn đại là những gì? Đó là đất, nước, gió và lửa. Năm người cầm kiếm là dụ cho năm thủ uẩn.35 Năm thủ uẩn là gì? Đó là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Sáu kẻ oan gia là dục cho ái dục. Ngôi làng hoang vắng là dụ cho sáu căn bên trong. Sáu căn bên trong ấy là gì? Đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
Nếu người có trí tuệ khi dùng mắt quán sát thì nhận thấy hết thảy đều không thật có, chỉ do nhân duyên sanh, không có gì bền chắc. Khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý phân biệt pháp, nhận biết hết thảy đều không thật có, chỉ do nhân duyên sanh, đều là hư dối, đều là tịch lặng, không gì bền chắc.
Dòng sông là dụ cho bốn lưu.36 Bốn lưu là gì? Đó là dục lưu, hữu lưu, vô minh lưu và kiến lưu.
Chiếc bè lớn là dụ cho tám đạo phẩm của bậc Hiền thánh. Tám đạo phẩm là gì? Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó là tám đạo phẩm của bậc Hiền thánh.
Muốn vượt qua dòng sông là dụ cho sức mạnh tinh tấn, phương tiện khéo léo. Bờ này là dụ cho thân kiến.37 Bờ kia là dụ cho thân kiến đã diệt. Bờ này là chỉ cho lãnh thổ của Vua A-xà-thế. Bờ kia chỉ cho lãnh thổ của Vua Tỳ-sa. Bờ này chỉ cho cõi nước của Ba-tuần. Bờ kia là cõi nước của Như Lai.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có vị ưu-bà-tắc vừa qua đời và tái sanh vào gia đình của một trưởng giả giàu có tại thành Xá-vệ, ở trong thai của vị phu nhân chính thất. Bằng thiên nhãn thanh tịnh không chút cấu nhiễm, Thế Tôn thấy vị ưu-bà-tắc này sanh vào gia đình trưởng giả giàu nhất thành Xá-vệ. Ngay ngày hôm đó, lại có vị Bà-la-môn qua đời đọa vào địa ngục. Bấy giờ, cũng bằng thiên nhãn, Thế Tôn thấy rõ việc này. Trong ngày đó, trưởng giả Cấp Cô Độc qua đời, được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Cũng bằng thiên nhãn, Thế Tôn thấy rõ việc này. Ngay hôm đó, cũng có một vị Tỳ-kheo chứng nhập Niết-bàn. Cũng bằng thiên nhãn, Thế Tôn thấy rõ việc này.
[0670b01] Bấy giờ, Thế Tôn nhìn thấy bốn việc này rồi, Ngài liền nói kệ này:
Con người sống ở đời,
Tạo ác đọa địa ngục,
Làm thiện sanh cõi trời,
Vô lậu nhập Niết-bàn.
Nay người hiền ở đời,
Phạm chí vào địa ngục,
Tu-đạt sanh cõi trời,
Tỳ-kheo được Diệt độ.
Khi ấy, Thế Tôn rời tịnh thất, đi đến giảng đường Phổ Tập an tọa, rồi Ngài dạy các Tỳ-kheo:
– Có bốn điều này, nếu người nào khéo tu tập thì sau khi qua đời sẽ được sanh trong loài người. Bốn điều ấy là gì? Nghĩa là thân, miệng, ý và mạng đều thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, sau khi qua đời sẽ được sanh trong loài người.
Này các Tỳ-kheo! Lại có bốn điều, nếu ai hành theo thì người đó sẽ đọa vào địa ngục. Bốn điều ấy thế nào? Đó là thân, miệng, ý và mạng không thanh tịnh. Này các Tỳ-kheo, đó là bốn điều mà ai thân cận thì sau khi qua đời sẽ bị đọa vào địa ngục.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Lại có bốn pháp, nếu ai tu tập theo thì sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời. Bốn pháp ấy là gì? Đó là huệ thí, nhân ái, lợi người, đồng lợi.39 Này các Tỳ-kheo! Người nào tu tập bốn pháp này, sau khi qua đời sẽ sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo! Lại có bốn pháp, nếu ai thực hành thì sẽ dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Bốn pháp ấy là gì? Đó là thiền có giác có quán; thiền khổ, lạc diệt; thiền không giác không quán; thiền xả niệm; thiền khổ, lạc diệt.40 Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là có bốn pháp này, nếu ai tu tập sẽ dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu có thiện gia nam tử hoặc chúng sanh trong bốn bộ chúng muốn được sanh vào cõi người thì hãy tìm phương tiện thực hành thân, miệng, ý và mạng thanh tịnh. Nếu muốn được sanh lên cõi trời thì phải tìm phương tiện tu tập bốn nhiếp sự. Nếu muốn dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, trí tuệ giải thoát thì cũng phải tìm phương tiện tu tập bốn thiền.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ trong khu rừng bên ngoài thành Tỳ-xá-ly.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Xưa kia, lúc chưa thành đạo, Như Lai ở ẩn trong núi Đại Úy. Dù là người có lòng dục hay không có lòng dục, một khi đã vào trong núi này rồi thì toàn thân nổi gai ốc. Gặp lúc thời tiết nóng bức, quáng nắng chiếu dọc ngang, Như Lai để mình trần mà tĩnh tọa, ban đêm thì vào rừng sâu. Nếu gặp lúc trời lạnh buốt, gió mưa dồn dập thì ban ngày Như Lai vào rừng sâu, ban đêm thì tĩnh tọa ngoài trời.
Bấy giờ, Như Lai tụng bài kệ mà trước đây chưa từng nghe, chưa từng thấy:
Giữa núi rừng Đại Úy,
Đêm lặng lẽ vô thanh,
Lộ hình tu khổ hạnh,
Là thệ nguyện của Ta.
Cũng có khi Như Lai đến bãi tha ma, lấy áo của người chết để che thân mình. Lúc đó, người trong thôn Án-trá có người lấy cành cây chọc vào tai hoặc vào mũi Như Lai; có người thì nhổ nước bọt, hoặc lấy nước tiểu, hay lấy tro đất bôi trét lên thân Như Lai. Thế nhưng Như Lai vẫn không hề khởi niệm gì với họ, vì lúc đó Như Lai có tâm xả. Có khi Như Lai đến nơi chuồng bò, nếu thấy phân bê, Như Lai liền cầm lên ăn; nếu không có phân bê thì ăn phân bò. Khi ăn loại đồ ăn này, Như Lai suy nghĩ: “Nay Ta ăn để làm gì, hay là trọn ngày không ăn.” Lúc Như Lai khởi niệm này, chư thiên liền đến nói với Như Lai:
“Thế Tôn chớ nên tuyệt thực nữa. Nếu Ngài tuyệt thực mãi, chúng con sẽ dâng vị cam lộ để Thế Tôn hồi phục sức khỏe, duy trì mạng sống.”
Bấy giờ, Như Lai lại suy nghĩ: “Nay Ta đã quyết tuyệt thực, cớ gì lại để chư thiên đem cam lộ cho Ta? Như vậy là tự lừa dối mình.” Sau đó, Như Lai lại nghĩ: “Nay Ta có thể ăn mè và gạo.”
Bấy giờ, mỗi ngày Như Lai ăn một hạt mè và một hạt gạo, cho nên thân thể suy nhược, xương cốt dính nhau, đỉnh đầu mọc mụt nhọt và da thịt bị hư hoại. Giống như trái bầu bị khô vỡ, không lành lặn, đầu của Như Lai lúc ấy cũng vậy, trên đỉnh [đầu] mọc mụt nhọt, da thịt hư hoại, đều do nhịn ăn. Lúc ấy, mắt Như Lai sâu thẳm, giống như sao trời hiện trong đáy giếng, đều do nhịn ăn. Giống như chiếc xe cũ kỹ hư mục, thân thể Như Lai cũng giống như vậy, hư rã toàn bộ, không theo ý mình. Cũng như dấu chân của con lạc đà, hai bàn tọa của Như Lai cũng thế. Khi Như Lai đưa tay ấn vào bụng thì chạm đến xương sống, nếu ấn vào xương sống, lại chạm vào da bụng. Thân thể Như Lai gầy yếu như vậy, đều do nhịn ăn.
[0671a04] Bấy giờ, mỗi ngày Như Lai ăn một hạt mè và một hạt gạo, nhưng rồi cuối cùng cũng chỉ vô ích, vẫn không chứng ngộ được pháp vô thượng. Lúc Như Lai đi đại tiện, tiểu tiện thì bị ngã quỵ xuống đất, không thể tự đứng dậy. Bấy giờ, chư thiên nhìn thấy, liền nói: “Sa-môn Cù-đàm đã Diệt độ rồi!” Cũng có chư thiên bảo: “Vị Sa-môn này vẫn chưa qua đời, nhưng hôm nay chắc sẽ qua đời.” Có chư thiên lại nói: “Vị Sa-môn này sẽ không qua đời! Sa-môn này là bậc A-la-hán. Pháp tu của bậc A-la-hán là phải hành trì khổ hạnh như vậy.”
Bấy giờ, thần thức Như Lai vẫn còn, có thể nhận biết ngoại cảnh, nên lại suy nghĩ: “Nay Ta sẽ nhập thiền nén hơi thở.” Thế rồi Như Lai liền nhập thiền nén hơi thở, theo dõi hơi thở ra vào. Do theo dõi hơi thở ra vào nên Như Lai biết rõ hơi thở thoát ra từ lỗ tai; khi ấy, tiếng gió mà nghe giống như tiếng sấm. Như Lai lại nghĩ: “Nay Ta nên ngậm miệng, bịt tai, không cho hơi thở thoát ra ngoài.” Do hơi thở không thể thoát ra từ miệng và tai, cho nên thoát ra từ tay và chân. Ngay khi hơi không thoát ra từ tai, mũi, miệng thì bên trong cơ thể có âm thanh giống như tiếng sấm rền. Bấy giờ, Như Lai cũng có trạng thái như vậy. Lúc ấy, thần thức vẫn còn lưu chuyển theo thân.
Như Lai lại nghĩ: “Ta nên vào lại thiền nén hơi thở.” Khi ấy, Như Lai phong bế hết các lối thoát hơi thở. Vì phong bế các đường ra vào của hơi thở khiến cho đỉnh đầu Như Lai đau nhức dữ dội, giống như có người lấy cái dùi khoan mà khoan vào đầu. Như Lai cũng vậy, ở trên đỉnh đầu đau nhức vô cùng.
Bấy giờ, thần thức Như Lai vẫn còn, rồi Như Lai lại tự suy nghĩ: “Nay Ta nên nhập thiền, đè nén hơi thở, không cho hơi thở ra vào.” Khi ấy, Như Lai liền bít lối hơi thở ra vào, cho nên toàn bộ hơi thở đều dồn xuống bụng. Lúc này, hơi thở di chuyển rất yếu ớt, toàn thân Như Lai vô cùng đau đớn, giống như sự đau đớn của một con bò khi bị đồ tể cầm đao giết nó, Như Lai cũng vậy, vô cùng đau đớn. Như một người yếu ớt bị hai người mạnh khỏe tóm lấy rồi quăng lên đống lửa đỏ rực, sự đau đớn này không thể nào chịu nổi. Như Lai cũng vậy, sự đau đớn này không thể tả xiết. Lúc này, thần thức Như Lai vẫn còn tồn tại. Như Lai tọa thiền đè nén hơi thở như vậy mỗi ngày, dẫn đến hình sắc không giống con người. Có người nhìn thấy Như Lai, liền nói: “Vị Sa-môn này hình sắc đen quá.” Cũng có người nói: “Sắc diện vị này giống như người chết.”
Này các Tỳ-kheo! Suốt sáu năm ròng Như Lai tu hành khổ hạnh như vậy, nhưng không chứng ngộ được pháp tối thượng.
[0671b04] Bấy giờ, Như Lai suy nghĩ: “Nay mỗi ngày Ta nên ăn một quả trái cây.” Thế rồi Như Lai mỗi ngày ăn một quả trái cây. Khoảng thời gian đó, thân thể Như Lai yếu ớt, không thể đi đứng, giống như người già một trăm hai mươi tuổi, từng đốt xương rời rạc, không thể tự chống đỡ. Tỳ-kheo nên biết, một quả trái cây khi ấy chỉ bằng một quả táo nhỏ hiện nay. Bấy giờ, Như Lai lại nghĩ: “Phương pháp tu này chẳng phải cội gốc giúp Ta thành đạo, Ta phải nên tìm một phương pháp khác.”
Khi ấy, Như Lai suy nghĩ và hồi ức lại những ngày trước kia: “Lúc tĩnh tọa dưới cội cây của Phụ vương, Ta không có niệm tham dục, trừ bỏ pháp xấu ác bất thiện, an trú Thiền thứ nhất. Lìa bỏ giác và quán, không giác không quán, an trú Thiền thứ hai. Lạc trú trong xả, chánh niệm thanh tịnh, không có các tưởng, an trú Thiền thứ ba. Không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh, an trú Thiền thứ tư. Những trạng thái này có thể là đạo. Nay Ta nên tìm đạo này.”
Trong suốt sáu năm, Như Lai tinh tấn tu tập khổ hạnh để mong đạt đạo, nhưng không kết quả. Có lúc Như Lai nằm trên bụi gai, có lúc thì nằm trên ván đóng đinh, có khi treo ngược thân thể lên cao cách xa mặt đất, hai chân lên trời đầu chúi ngược xuống đất. Có lúc bắt tréo chân mà ngồi xổm; hoặc để râu, tóc dài mà không cạo hớt; hoặc ngồi giữa trời nắng như lửa đốt, hoặc mùa đông lạnh buốt mà ngồi trên tảng băng, ngâm mình trong nước; hoặc im lặng không nói; hoặc một ngày ăn một bữa, hoặc hai ngày ăn một bữa, hoặc ba ngày ăn một bữa, hoặc bốn ngày ăn một bữa, cho đến bảy ngày ăn một bữa; hoặc ăn rau quả, hoặc ăn lúa mè, hoặc ăn rễ cỏ, hoặc ăn trái cây, hoặc ăn hương của hoa, hoặc ăn các loại dưa. Có lúc thì Như Lai để mình trần, có lúc thì mặc y phục rách nát, có lúc lại mặc y bằng cỏ gấu,42 có lúc thì mặc y bằng lông thú, có lúc lại lấy tóc của người khác để mà che thân; có lúc để tóc dài, có lúc lấy tóc [của] người khác đội thêm lên đầu.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Trước kia Như Lai khổ hạnh đến thế, nhưng vẫn không đạt được cội gốc của bốn pháp. Đó là bốn pháp nào? Nghĩa là giới luật Hiền thánh khó hiểu, khó biết; trí tuệ Hiền thánh khó hiểu, khó biết; giải thoát Hiền thánh khó hiểu, khó biết; tam-muội Hiền thánh khó hiểu, khó biết. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp mà xưa kia Như Lai tu khổ hạnh nhưng không đạt được cội gốc của bốn pháp này.
Bấy giờ, Như Lai lại suy nghĩ: “Nay Ta nhất định phải tìm được đạo Vô thượng.” Thế nào là đạo Vô thượng? Đó là hướng về bốn pháp này: Giới luật Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh và giải thoát Hiền thánh.
Rồi Như Lai lại nghĩ: “Không thể cầu đạo Tối thượng với thân hình gầy yếu này. Ta nên ăn một ít để có chút khí lực nuôi dưỡng thân thể. Có sức khỏe tốt thì mới có thể tấn tu đạo nghiệp.”
Khi Như Lai thọ nhận thức ăn, thân thể có chút khí lực thì năm Tỳ-kheo đã rời bỏ Như Lai, vì họ nghĩ rằng: “Sa-môn Cù-đàm này tu hành sai trái, đã từ bỏ pháp môn chân chánh để theo đường tà.”
[0671c07] Lúc đó, Như Lai rời chỗ ngồi đứng dậy, đi kinh hành theo hướng Đông, đồng thời suy nghĩ: “Vị trí mà hằng sa chư Phật thời quá khứ xa xưa thành đạo là nơi nào?” Ngay khi ấy, có thiên thần đứng giữa hư không nói với Như Lai:
“Hiền sĩ nên biết, hằng sa chư Phật, Thế Tôn thời quá khứ đều ngồi dưới bóng mát của cội Bồ-đề mà thành Phật.”
Rồi Như Lai lại nghĩ: “Ngồi nơi nào để thành Phật? Là ngồi hay là đứng?”
Chư thiên lại nói với Như Lai:
“Hằng sa chư Phật, Thế Tôn thời quá khứ đều ngồi trên đệm cỏ để thành Phật.”
Khi ấy, cách Như Lai không xa, có Bà-la-môn Cát Tường đang cắt cỏ. Như Lai liền đến đó hỏi thăm:
“Ông là ai? Tên họ là gì?”
Bà-la-môn đáp:
“Tôi tên Cát Tường, họ là Phất Tinh.” Như Lai liền nói với người ấy:|
“Lành thay, lành thay! Người có họ tên như thế rất hiếm trên đời. Danh tánh không hư vọng sẽ thành tựu tên gọi này. Cầu mong cho ông đời hiện tại tốt lành, không gặp điều bất lợi, không còn sanh, già, bệnh, chết. Ông họ Phất Tinh thật phù hợp với Ta. Nay Ta muốn xin ông một ít cỏ.”
Cát Tường hỏi:
“Thưa Cù-đàm! Hôm nay, Ngài dùng cỏ này để làm gì?”
Như Lai liền đáp:
“Ta muốn trải dưới gốc Thọ vương43 để tìm cầu bốn pháp. Bốn pháp ấy là gì? Đó là giới luật Hiền thánh, tam-muội Hiền thánh, trí tuệ Hiền thánh và giải thoát Hiền thánh.”
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Bà-la-môn Cát Tường đích thân đem cỏ đến trải dưới gốc Thọ vương. Như Lai liền lên tòa cỏ, kiết-già tĩnh tọa, thân tâm ngay thẳng, buộc niệm trước mặt. Bấy giờ, Như Lai dứt trừ tham dục và các pháp xấu ác bất thiện, an trú Thiền thứ nhất, có giác có quán; trừ bỏ giác và quán, an trú Thiền thứ hai; lạc trú trong xả và có chánh niệm, an trú Thiền thứ ba; trừ sạch hỷ và ưu, an trú Thiền thứ tư.
Bấy giờ, Như Lai với tâm thanh tịnh, dứt sạch các kiết sử, thành tựu vô sở úy, tự biết mọi hình hài, đời sống trong vô lượng đời trước. Như Lai nhớ rõ mọi việc trong vô lượng đời trước; hoặc biết việc trong một đời, hoặc hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, trăm ngàn đời, vạn đời; hoặc trong kiếp thành, kiếp hoại, vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, vô số kiếp vừa thành vừa hoại; Ta từng chết ở đây sanh ra chỗ kia, chết chỗ kia sanh ra ở đây; tường tận nhân duyên của từng cảnh giới. Mọi việc trong vô số đời trước như thế, Như Lai đều nhớ rõ.
[0672a06] Như Lai lại dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, quán biết như thật các loài chúng sanh, thấy rõ có sanh ra, có chết đi; có người đẹp, có người xấu; có đường lành, có nẻo dữ; có tốt, có xấu; tùy theo hạnh nghiệp của họ, Như Lai thảy đều biết rõ. Hoặc có chúng sanh thân làm việc ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, chê bai Hiền thánh, tạo ra các nghiệp tà kiến, sống với tà kiến, nên sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Hoặc có chúng sanh thân làm việc thiện, miệng nói thiện, tâm nghĩ thiện, không chê bai Hiền thánh, sống với chánh kiến, nên sau khi qua đời, được sanh vào cõi người. Đây là chúng sanh mà thân, miệng, ý không tạo tà nghiệp.
Như Lai lại dùng tâm tam-muội thanh tịnh, không chút cấu nhiễm, dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, được tâm giải thoát, được trí tuệ giải thoát và biết rõ như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Bấy giờ, Như Lai thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân.
Này các Tỳ-kheo! Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào biết rõ các đường tái sanh thì những đường này vốn dĩ xưa kia Như Lai đều đã kinh qua, ngoại trừ cõi trời Tịnh Cư thì Như Lai chưa đến, vì đã sanh lên cõi đó thì sẽ không còn tái sanh trở lại cõi này. Đối với một số Sa-môn, Bà-la-môn thì đó là nơi đáng để tái sanh, nhưng Như Lai lại không sanh lên đó, do không thích hợp. Vì đã sanh lên cõi trời Tịnh Cư thì không còn trở lại thế gian này nữa.
Tỳ-kheo các thầy đạt được giới luật Hiền thánh mà Như Lai đã đạt được. Các thầy đạt được tam-muội Hiền thánh mà Như Lai đã đạt được. Các thầy đạt được giải thoát Hiền thánh mà Như Lai đã đạt được. Các thầy đạt được giải thoát tri kiến Hiền thánh mà Như Lai đã đạt được. Như Lai đã cắt đứt gốc rễ của sự thọ sanh, sanh tử vĩnh viễn chấm dứt, không còn tái sanh nữa.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện thành tựu bốn pháp. Vì sao? Vì Tỳ-kheo nào được bốn pháp này thì sẽ dễ dàng thành tựu đạo quả. Như nay Như Lai thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân, đều là nhờ bốn pháp này.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Vào thời quá khứ lâu xa, ở cõi trời Ba Mươi Ba, Thích-đề-hoàn-nhân cùng các ngọc nữ đến vườn Nan-đàn-bàn-na45 dạo chơi. Khi ấy, có một vị trời46 nói kệ này:
Chưa dạo vườn Nan-đàn,
Chưa biết rõ diệu lạc,
So với cõi trời khác,
Không đâu hơn nơi này.
Bấy giờ, có một vị trời khác nói với vị trời kia:
“Ông đúng là không có trí tuệ, không biết phân biệt chánh lý. Sự vật buồn khổ mà lại cho đó là vui. Sự vật không bền chắc mà cho là bền chắc. Sự vật vô thường, lại cho là thường còn. Sự vật không kiên cố, lại bảo là kiên cố. Vì sao như vậy? Lẽ nào ông chưa từng được nghe Như Lai nói bài kệ này ư?
Các hành đều vô thường,
Có sanh ắt có tử,
Không sanh thì không tử,
Tịch diệt mới chân thường.
Đã có nghĩa lý này, còn có bài kệ này, vậy sao ông lại nói chốn này vui nhất? Nay ông nên biết, Như Lai cũng nói pháp về bốn dòng thác.47 Nếu chúng sanh nào chìm trong những dòng thác này thì mãi mãi không đạt đạo. Bốn dòng thác ấy là gì? Đó là dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu.
Thế nào là dục lưu? Đó là năm món dục. Nghĩa là mắt thấy sắc liền khởi tưởng phân biệt, tai nghe tiếng liền khởi tưởng phân biệt, mũi ngửi mùi liền khởi tưởng phân biệt, lưỡi nếm vị liền khởi tưởng phân biệt, thân xúc chạm liền khởi tưởng phân biệt. Đó gọi là dục lưu.
Thế nào là hữu lưu? Đó là ba hữu, gồm có: Dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu. Đó là hữu lưu.
Thế nào gọi là kiến lưu? Nghĩa là chấp thế gian là thường, thế gian là vô thường; thế gian là có giới hạn, thế gian là không có giới hạn; kia là thân, kia là mạng; kia chẳng phải thân, kia chẳng phải mạng; hoặc chấp rằng Như Lai có chết, Như Lai không chết; hoặc Như Lai vừa có chết vừa không chết, cũng chẳng phải Như Lai vừa có chết vừa không chết. Đó gọi là kiến lưu.
Thế nào là vô minh lưu? Vô minh nghĩa là không hiểu biết, không tin nhận, không thấy rõ tâm ý tham dục, luôn luôn mong cầu và có năm thứ che đậy, đó là che đậy bởi tham dục, che đậy bởi sân hận, che đậy bởi ngủ nghỉ, che đậy bởi trạo cử và che đậy bởi nghi ngờ. Lại còn không biết rõ sự khổ, không biết nguyên nhân của khổ, không biết sự khổ diệt, không biết con đường đưa đến khổ diệt. Đó gọi là vô minh lưu.
Thiên tử nên biết, Như Lai nói bốn dòng thác này. Nếu ai rơi vào bốn dòng thác này thì không thể chứng đạo.”
[0672c06] Khi vị trời kia nghe lời này xong, trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, đã rời khỏi cõi trời Ba Mươi Ba, đến chỗ Như Lai, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, sau đó bạch Như Lai:
“Lành thay, thưa Thế Tôn! Ngài đã khéo nói nghĩa này. Thế Tôn đã giảng nói về bốn dòng thác. Nếu hàng phàm phu nào không được nghe về bốn dòng thác này thì không có được bốn niềm vui. Bốn niềm vui ấy là gì? Đó là niềm vui tịch tĩnh, niềm vui Chánh giác, niềm vui Sa-môn và niềm vui Niết-bàn. Nếu người phàm phu nào không biết rõ bốn dòng thác thì không có được bốn niềm vui này.”
Ông ấy nói xong, Như Lai liền bảo:
“Thật vậy, thiên tử! Đúng như lời ông nói, nếu không thấy rõ bốn dòng thác thì không cảm nhận được bốn niềm vui này.”
Rồi Như Lai tuần tự nói pháp cho vị trời kia nghe. Như luận về bố thí, luận về trì giới, luận về sanh thiên, dục là bất tịnh, lậu hoặc là tai họa lớn, giải thoát là an vui.
Khi ấy, vị trời đã phát tâm hoan hỷ, Như Lai liền diễn nói rộng về pháp bốn dòng thác và bốn sự an lạc. Bấy giờ, vị trời kia chuyên tâm nhất ý tư duy pháp này, ngay đó các trần cấu dứt sạch, được Pháp nhãn thanh tịnh. Ngày nay Như Lai cũng nói về bốn dòng thác và bốn niềm vui này, giúp cho tất cả chứng được pháp bốn chân lý.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nên tu tập về tưởng vô thường, nên lưu bố rộng khắp về tưởng vô thường. Đã khéo tu tập tưởng vô thường, lưu bố rộng khắp tưởng vô thường thì sẽ đoạn trừ tham ái ở cõi dục, tham ái ở cõi sắc, tham ái ở cõi vô sắc, trừ sạch vô minh, dứt hết kiêu mạn. Giống như châm lửa đốt cỏ cây thì tất cả đều cháy rụi. Ở đây cũng vậy, nếu tu tập tưởng vô thường thì dứt sạch hết tất cả kiết sử. Vì sao như vậy? Vì thuở xưa, có một thiên tử dẫn theo năm trăm ngọc nữ đến dạo chơi trong vườn Nan-đàn-bàn-na, đi dần đến dưới bóng cây Ca-ni, vui hưởng niềm vui năm dục. Bấy giờ, vị thiên tử kia leo lên cây để chơi đùa, do tâm ý bông đùa, dang tay hái hoa nên rơi xuống đất mà chết. Khi ấy, ông ta tái sanh vào gia đình của một đại trưởng giả trong thành Xá-vệ này. Lúc đó, năm trăm ngọc nữ đấm ngực gào khóc, vật vã không nguôi.
[0673a04] Như Lai dùng thiên nhãn trông thấy thiên tử vừa chết đã tái sanh vào gia đình một đại trưởng giả trong thành Xá-vệ. Khoảng tám, chín tháng sau, phu nhân hạ sanh một bé trai vô cùng đoan chánh, đẹp như màu hoa đào. Khi đứa con trai dần dần khôn lớn, vợ chồng trưởng giả cưới vợ cho con. Lấy vợ chưa được bao lâu, con trai trưởng giả đã vội qua đời, sanh làm loài rồng sống trong biển lớn. Khi ấy, tất cả mọi người trong gia đình trưởng giả đều than khóc tiếc thương, đau khổ vô cùng. Bấy giờ, con rồng kia không lâu sau lại bị loài chim Cánh Vàng ăn thịt, sau khi chết rồi sanh trong địa ngục. Các long nữ lúc này cũng đau xót tiếc thương rồng, không thể tả hết.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:
Lúc thiên tử hái hoa,
Tâm ý loạn, chẳng an,
Như lũ cuốn thôn làng,
Nhấn chìm không cứu được.
Khi ấy các ngọc nữ,
Cùng vây quanh khóc than,
Người dung mạo đoan chánh,
Thích hoa mà mất mạng.
Cõi người cũng khóc than,
Vì mất đi khúc ruột,
Cưới vợ xong, đoản mạng,49
Vô thường làm tiêu tan.
Làm rồng, long nữ hầu,
Chúng rồng đều khao khát,
Rồng bảy đầu dũng mãnh,
Chết bởi chim Cánh Vàng.50
Đọa địa ngục chịu khổ,
Cõi trời đã buồn đau,
Ở cõi người cũng vậy,
Long nữ càng ưu sầu.
Pháp bốn đế mầu nhiệm,
Chân thật, lại chẳng hay,
Có sanh phải có chết,
Chẳng thoát biển lớn này.
Hãy khởi tưởng quán sát,
Pháp thanh tịnh gắng hành,
Nhất định lìa khổ não,
Không còn họa tử sanh.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải tu tập tưởng vô thường, lưu bố rộng khắp tưởng vô thường sẽ đoạn trừ tham ái ở cõi dục, tham ái ở cõi sắc và tham ái ở cõi vô sắc, cũng trừ được kiêu mạn, dứt sạch hoàn toàn vô minh.
Như thế, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, đệ tử của Tôn giả Mục-liên và đệ tử của Tôn giả A-nan nói với nhau: – Hai chúng ta cùng nhau tụng kinh xem ai giỏi hơn!
Lúc ấy, có nhiều Tỳ-kheo nghe được hai người này thảo luận như vậy, nghe xong bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Sau đó, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Hôm nay, có hai Tỳ-kheo bàn luận với nhau rằng: “Hai chúng ta cùng nhau tụng kinh xem ai giỏi hơn!”
Thế Tôn liền bảo một Tỳ-kheo:
– Thầy hãy đi gọi hai Tỳ-kheo ấy đến đây!
Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Tỳ-kheo này vâng lời Phật dạy, đến gặp hai Tỳ-kheo kia và nói:
– Thế Tôn cho gọi hai thầy!
Hai Tỳ-kheo kia nghe vậy, liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng một bên. Bấy giờ, Thế Tôn nói với hai thầy Tỳ-kheo ấy:
– Các thầy là người thiếu trí tuệ. Thật sự các thầy có nói rằng: “Chúng ta cùng nhau tụng kinh xem ai giỏi hơn”, phải không?
Hai Tỳ-kheo đáp:
– Thật vậy, bạch Thế Tôn!
Đức Phật bảo:
– Các thầy có từng nghe Như Lai nói pháp “cạnh tranh với nhau” này chưa?
Nếu có pháp này thì đâu khác gì những Bà-la-môn?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Chúng con chưa nghe Như Lai nói pháp này.
Thế Tôn bảo:
– Do từ trước đến nay Như Lai không chỉ dạy pháp này cho các Tỳ-kheo, vì vậy mà các thầy phân tranh hơn thua sao? Ngày nay sở dĩ Như Lai nói pháp là muốn hàng phục mọi người, giáo hóa cho người. Những Tỳ-kheo nào khi thọ lãnh pháp, phải nhớ tư duy về pháp bốn duyên, nghĩa là xem xét có khế ứng với Kinh, Luật, Luận hay không? Nếu khế ứng thì hãy nhớ hành trì theo.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ này:
Tụng nhiều có ích gì,
Mầu nhiệm chi cách đó,
Giống như đếm số bò,
Chẳng phải pháp Sa-môn.
Đọc tụng nhiều hay ít,
Cốt nương pháp hành trì,
Cách này tối thượng vị,
Đáng gọi pháp Sa-môn.
Tuy tụng đến ngàn chương,
Vô nghĩa, ích gì đâu!
Chẳng bằng tụng một câu,
Nghe xong liền đắc đạo.
Tuy tụng cả ngàn lời,
Vô nghĩa, ích gì đâu!
Chẳng bằng tụng một nghĩa,
Nghe xong chứng đạo mầu.
Một mình trên chiến trường,
Chiến thắng ngàn quân địch,
Đâu bằng tự thắng mình,
Là chiến công tối thượng.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Từ nay trở đi, các thầy chớ nên tranh tụng, chớ có tâm hơn thua. Vì sao như vậy? Bởi vì là Tỳ-kheo thì phải nhớ cảm hóa tất cả mọi người. Nếu Tỳ-kheo nào có tâm hơn thua, có tâm cạnh tranh thì phải dùng pháp cùng với giới luật để mà trị phạt. Vì thế, này các Tỳ-kheo! Hãy tự tiến tu.
Bấy giờ, hai thầy Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật và phát nguyện sám hối:
– Từ nay về sau, chúng con không dám tái phạm. Ngưỡng mong Thế Tôn chấp thuận sự sám hối của chúng con!
Thế Tôn lại nói:
– Giáo pháp Như Lai rất hoan hỷ với người biết hối lỗi, người tự biết mình có tâm hơn thua. Nay Như Lai chấp thuận sự sám hối của các thầy. Này các Tỳ-kheo! Chớ nên tái phạm.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:52
Tăng thượng, Tọa, Hành tích,
Vô thường, Viên quán trì,
Vô lậu, Vô tức, Thiền,
Tứ lạc, Vô tránh tụng.
***
Chú thích:
1 Nguyên tác: Tăng thượng phẩm 增上品 (T.02. 0125.31. 0665b16).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.1. 0665b17). Tham chiếu: M. 4. Bhayabherava Sutta (Kinh sợ hãi và khiếp đảm).
3 Sanh Lậu (生漏, Jāṇussoṇi).
4 Thân hành (身行): Nghiệp do thân tạo tác.
5 Tham chiếu M. 4: “Này Bà-la-môn, có một số Sa-môn, Bà-la-môn nghĩ rằng ngày giống như đêm, nghĩ rằng đêm giống như ngày. Như vậy, Ta nói rằng những Sa-môn, Bà-la-môn ấy sống trong si ám. Này Bà-la-môn, Ta nghĩ rằng đêm là đêm, nghĩ rằng ngày là ngày” (HT. Thích Minh Châu dịch).
6 Nguyên tác: Nhi tự ngô lạc (而自娛樂) tức “tự an trú”, hoặc tùy ngữ cảnh có thể dịch “chứng đạt rồi an trú.” Trong Tăng nhất A-hàm, cú ngữ này còn được sử dụng với các dạng thức như “tự du hý” (自遊戲), “nhi đắc khoái lạc” (而得歡樂), hoặc “du ư” (遊於)... Cú ngữ này ở Trường A-hàm gọi là “nhi tự ngô lạc” (而自娛樂), Trung A-hàm gọi là “thành tựu du” (成就遊), Tạp A-hàm gọi là “cụ túc trụ” (具足住), đều xuất phát từ hợp ngữ Pāli: Upasampajja viharati (chứng đạt và an trú).
7 Túc mạng minh (宿命明). Tạp. 雜 (T.02. 0099.885. 0223b12) giải thích: Trí hiểu rõ tường tận về kiếp sống quá khứ của bậc Vô học gọi là Túc mạng minh.
8 Thiên nhãn minh (天眼明): Tạp. 雜 (T.02. 0099.885. 0223b12) giải thích: Trí hiểu rõ tường tận về cảnh giới sanh tử của bậc Vô học.
9 Lậu tận minh (漏盡明). Tạp. 雜 (T.02. 0099.885. 0223b12) giải thích: Trí hiểu rõ tường tận về việc đoạn trừ tất cả lậu hoặc của bậc Vô học.
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.2. 0667a04).
11 Ưu-điền (優填, Udena), quốc vương nước Kosambī, Hán dịch là Câu-thâm (拘深).
12 Nguyên tác: Thích-ca-văn (釋迦文), tức là đức Phật Thích-ca Mâu-ni.
13 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛). Xem chú thích 23, phẩm Tựa, tr. 9.
14 Nguyên tác: Phương tiện (方便).
15 Nguyên tác: Thập nhị Hiền sĩ (十二賢士). Xem chú thích 18, kinh số 5, phẩm 21, tr. 222.
16 Nguyên tác: Tứ sự chi pháp (四事之法): Bốn pháp phụng thờ, tức kính Phật, Pháp, Tăng và giới.
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.3. 0668a12). Tham chiếu: A. 4.162 - II. 149.
18 Nguyên tác: Tứ sự hành tích (四事行跡, catasso paṭipadā), còn gọi là “tứ chủng thông hành” (四種通行), “tứ chánh hành” (四正行). A. 4.162 - II. 149: paṭipadā, thường được dịch là “đạo” (道), “hành đạo” (行道), “đạo tích” (道跡) đều mang nghĩa là phương pháp tu tập, con đường tu tập.
19 Nguyên tác: Lạc hành tích sở hành ngu hoặc (樂行跡所行愚惑). A. 4.162 - II. 149: Sukhā paṭipadā dandhābhiññā (Đạo hành lạc, thắng tri chậm), HT. Thích Minh Châu dịch.
20 Nguyên tác: Lạc hành tích sở hành tốc tật (樂行跡所行速疾). A. 4.162 - II. 149: Sukhā paṭipadā khippābhiññā (Đạo hành lạc, thắng tri nhanh), HT. Thích Minh Châu dịch.
21 Nguyên tác: Khổ hành tích sở hành ngu hoặc (苦行跡所行愚惑). A. 4.162 - II. 149: Dukkhā paṭipadā dandhābhiññā (Đạo hành khổ, thắng tri chậm), HT. Thích Minh Châu dịch.
22 Nguyên tác: Khổ hành tích sở hành tốc tật (苦行跡所行速疾). A. 4.162 - II. 149: Dukkhā paṭipadā khippābhiññā (Đạo hành khổ, thắng tri nhanh), HT. Thích Minh Châu dịch.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.4. 0668b14). Tham chiếu: Dh. v. 127-28.
24 Nguyên tác: Tứ mạng (伺命): Giám sát sanh mạng, tức là thần chết.
25 Nguyên tác: Tứ pháp bản (四法本): Bốn pháp ấn (四法印).
26 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.5. 0668c12). Tham chiếu: Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.8. 0131a03).
27 Nan-đàn-bàn-na (難檀槃那, Nandanavana), Hán dịch là vườn Đại Hỷ (大喜🖃), vườn Hoan Hỷ (歡喜🖃).
28 Thô Sáp (麤澀, Phārusa).
29 Nguyên tác: Trú dạ (晝夜). Theo giải thích đoạn sau, bản Hán có khả năng nhầm. Tham chiếu: Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.8. 0131b27) ghi: Viên lâm danh viết Họa Lạc (🖃林名曰畫樂).
30 Tạp Chủng (雜種, Missaka).
31 Nan-đà (難陀), Hán dịch là Hoan Hỷ (歡喜).
32 Nguyên tác: Hộ niệm (護念).
33 Nhị thập nhất kết (二十一結). Theo MĀ. 93 thì 21 cấu uế gồm tâm cấu uế do tà kiến, tâm cấu uế do dục vọng bất chánh, tâm cấu uế do tham muốn lệch lạc, tâm cấu uế do tà pháp, tâm cấu uế do dục tham, tâm cấu uế do sân hận, tâm cấu uế do mê ngủ, tâm cấu uế do loạn động, tâm cấu uế do nghi hoặc, tâm cấu uế do phẫn nộ, tâm cấu uế do che giấu, tâm cấu uế do bỏn xẻn, tâm cấu uế do ganh ghét, tâm cấu uế do dối gạt, tâm cấu uế do dua nịnh, tâm cấu uế do không tự thẹn, tâm cấu uế do không xấu hổ, tâm cấu uế do mạn, tâm cấu uế do đại mạn, tâm cấu uế do ngạo mạn và tâm cấu uế do buông lung. (邪見, 非法欲, 惡貪,邪法, 貪, 恚, 睡眠, 掉悔, 疑惑, 瞋纏, 不語結, 慳, 嫉, 欺誑, 諛諂, 無慚, 無愧, 慢, 大慢, 憍慠, 放逸).
34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.6. 0669c02). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1172. 0313b14); S. 35.238 - IV. 172.
35 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm (五盛陰).
36 Tứ lưu (四流). Xem định nghĩa về “tứ lưu” tại Tăng. 增 (T.02. 0125.31.9. 0672b19-c04).
37 Nguyên tác: Thân tà (身邪) cũng gọi là “hữu thân kiến” (有身見, sakkāyadiṭṭhi).
38 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.7. 0670a21).
39 Huệ thí (惠施), nhân ái (仁愛), lợi nhân (利★), đẳng lợi (等利), tức là “bốn nhiếp sự” (四攝事): Bố thí (佈施), ái ngữ (愛語), lợi hành (利行), đồng sự (同事).
40 Tương ứng với tứ thiền. Xem kinh số 5, tr. 448 ở trước.
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增(T.02. 0125.31.8. 0670c02). Tham chiếu: M. 12. Mahāsīhanāda Sutta (Ðại kinh sư tử hống).
42 Nguyên tác: Sa thảo (莎草), cũng gọi là “hương phụ” (香附).
43 Thọ vương (樹王) chỉ cho cây Bồ-đề.
44 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.9. 0672b03). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.567. 0153c05); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.161. 0435a06); S. 1.11 - I. 5.
45 Nguyên tác: Nan-đàn-bàn-na viên (難檀槃那🖃), cũng gọi là vườn Hoan Hỷ (歡喜🖃, Nandana).
46 Nguyên tác: Thiên nhân (天★), chỉ cho chúng sanh cõi trời.
47 Tứ lưu (四流): Bốn dòng chảy, chỉ cho kiến lưu (見流), dục lưu (欲流), hữu lưu (有流) và vô minh lưu (無明流).
48 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.10. 0672c22).
49 Nguyên tác: Tầm phục thủ mạng chung (尋復取命終). Câu kệ tiếng Việt được dịch theo ý văn kinh phía trên.
50 Chuyện chim Cánh Vàng ăn thịt rồng, xem tại Thế ký kinh 世記經 (T.01. 001.30.5. 0127a27).
51 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.31.11. 0673b01). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1138. 0300b09); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.113. 0415a05); S. 16.6 - II. 203. Dh. v. 376.
52 Nguyên tác Nhiếp tụng: 增上, 坐, 行跡; 無常, 🖃觀池; 無漏, 無息, 禪; 四樂, 無諍訟. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bài kệ này chỉ có 10 bài kinh, trong khi phẩm này có 11 bài kinh. Bản Hán, hết quyển 23.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.