Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

30. PHẨM TU-ĐÀ1

 

1. SA-DI TU-ĐÀ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại núi Basa, thuộc nước Ma-kiệt-đà.

Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn rời tịnh thất ra bên ngoài kinh hành. Lúc đó, Sa-di Tu-đà kinh hành theo sau Thế Tôn. Khi ấy, Thế Tôn quay lại bảo Sa-di:
– Nay Như Lai muốn hỏi con về nghĩa lý. Con hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Sa-di Tu-đà đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:
– Sắc hữu thường và sắc vô thường là một nghĩa hay nhiều nghĩa?

Sa-di Tu-đà bạch Phật:
– Sắc hữu thường và sắc vô thường vốn có nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa. Vì sao như vậy? Vì sắc hữu thường thì ở bên trong, sắc vô thường thì ở bên ngoài,3 cho nên có nhiều nghĩa chứ chẳng phải một nghĩa.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói, con đã khéo nói nghĩa này. Sắc thường và sắc vô thường thì có nhiều nghĩa chứ chẳng phải một nghĩa. Thế nào, Tu-đà! Nghĩa hữu lậu và nghĩa vô lậu là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?

Sa-di Tu-đà thưa:
– Nghĩa hữu lậu và nghĩa vô lậu là nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa. Vì sao như vậy? Vì nghĩa hữu lậu là phiền não sanh tử, nghĩa vô lậu là pháp Niết-bàn, cho nên có nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói. Hữu lậu là sanh tử, vô lậu là Niết-bàn.

Thế Tôn lại hỏi:
– Pháp tụ, pháp tán là một nghĩa hay là nhiều nghĩa?

Sa-di Tu-đà bạch Phật:
– Sắc của pháp tụ và sắc của pháp tán là nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa. Vì sao như vậy? Vì sắc của pháp tụ là thân tứ đại, sắc của pháp tán là khổ diệt,4 cho nên là nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói. Sắc của pháp tụ và sắc của pháp tán có nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa. Thế nào, Tu-đà! Nghĩa của thủ5 và nghĩa của uẩn là một nghĩa hay có nhiều nghĩa?

[0659b02] Sa-di Tu-đà bạch Phật: – Nghĩa của thủ và nghĩa của uẩn thì có nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa. Vì sao như vậy? Vì thủ thì vô hình không thể thấy, uẩn thì có sắc nên có thể thấy, cho nên có nhiều nghĩa chứ không phải một nghĩa.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói. Thủ và uẩn có nhiều nghĩa chứ chẳng phải một nghĩa.

Thế Tôn lại hỏi:
– Chữ “hữu” và chữ “vô” có nhiều nghĩa hay là một nghĩa?

Sa-di bạch Phật:
– Chữ “hữu” và chữ “vô” có nhiều nghĩa, không phải một nghĩa. Vì sao như vậy? Vì chữ “hữu” là phiền não sanh tử, chữ “vô” là Niết-bàn, cho nên có nhiều nghĩa chứ chẳng phải một nghĩa.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói. Chữ “hữu” là phiền não sanh tử, chữ “vô” là Niết-bàn.

Thế Tôn lại hỏi:
– Thế nào, Tu-đà! Vì sao nói chữ “hữu” là sanh tử, chữ “vô” là Niết-bàn?

Sa-di bạch Phật:
– Chữ “hữu” nghĩa là có sanh, có tử, có kết thúc, có khởi đầu. Chữ “vô” tức là không sanh, không tử, không kết thúc, không khởi đầu.

Thế Tôn bảo:
– Hay thay, hay thay, Tu-đà! Đúng như lời con nói. Chữ “hữu” là pháp sanh tử, “vô” là pháp Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Sa-di:
– Con trình bày rất giỏi. Nay Như Lai cho phép con làm đại Tỳ-kheo.6

Bấy giờ, Thế Tôn trở về giảng đường Phổ Tập nói với các Tỳ-kheo:
– Đất nước Ma-kiệt sắp được lợi lành mới khiến cho Sa-di Tu-đà đến nơi này. Nếu ai biết cúng dường y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh thì sẽ được lợi lành. Cha mẹ của thầy ấy cũng được lợi ích vì đã sanh ra Tỳ-kheo Tu-đà này. Nếu Tỳ-kheo Tu-đà sanh trong gia đình nào, gia đình ấy liền được may mắn lớn. Nay Như Lai khuyên các Tỳ-kheo, hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo Tu-đà rất là thông minh, thuyết pháp thông suốt và không khiếp nhược.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy học như Tỳ-kheo Tu-đà.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. SA-DI TU-MA-NA7
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại tinh xá Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

[0659c01] Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho vô số đại chúng vây quanh trước sau. Khi ấy, có vị Tỳ-kheo trưởng lão đang ở trong hội chúng này ngồi duỗi chân về phía Thế Tôn mà ngủ gật. Lúc này, cách Thế Tôn không xa, có Sa-di Tu-ma-na mới tám tuổi đang kiết-già tĩnh tọa, an trú trong chánh niệm. Bấy giờ, Thế Tôn từ xa trông thấy Tỳ-kheo trưởng lão đang duỗi chân ngủ gật, lại thấy Sa-di ngồi ngay ngắn tư duy, khi đã thấy rồi, Thế Tôn liền nói kệ này:

Được gọi là Trưởng lão,
Chẳng phải cạo tóc, râu,
Cho dù tuổi tác cao,
Không tránh khỏi ngờ nghệch.
Ai thấy được chân lý,
Không não hại chúng sanh,
Các hạnh xấu buông nhanh,
Mới xứng danh Trưởng lão.
Nay Ta gọi Trưởng lão,
Không vì xuất gia trước,
Vì gốc thiện khéo tu,
Chánh hạnh phân biệt được.
Dù tuổi tác còn nhỏ,
Nhưng các căn tịnh thanh,
Bậc Trưởng lão xứng danh,
Hiểu, thực hành Chánh pháp.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy Tỳ-kheo trưởng lão ấy ngồi duỗi chân ngủ gật không?

Các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy!

Thế Tôn bảo:
– Trong năm trăm kiếp trước, vị Tỳ-kheo trưởng lão này thường làm thân rắn.8 Đời này, sau khi qua đời cũng sẽ sanh vào loài rắn. Vì sao như vậy? Vì Tỳ-kheo ấy không có tâm cung kính Phật, Pháp và Tăng. Nếu người nào không có tâm cung kính Phật, Pháp và Tăng thì sau khi qua đời sẽ sanh vào loài rắn. Các thầy có thấy Sa-di Tu-ma-na mới tám tuổi, đang tọa thiền cách Như Lai không xa không?

Các Tỳ-kheo thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con có thấy!

Khi ấy, Thế Tôn lại nói với các Tỳ-kheo:
– Bảy ngày sau, Sa-di này sẽ chứng đắc bốn thần túc và pháp bốn sự thật, đạt được tự tại trong bốn thiền, khéo tu bốn chánh đoạn. Vì sao như vậy? Vì Sadi Tu-ma-na này có tâm cung kính Phật, Pháp và Tăng. Thế nên, các thầy phải dốc lòng cung kính Phật, Pháp và Tăng.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. THIẾU NỮ TU-MA-ĐỀ9
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳkheo ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có vị trưởng giả tên Cấp Cô Độc10 là người giàu có, của cải dồi dào, vàng bạc, châu báu, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thạch anh, lưu ly, voi, ngựa, trâu, dê; nô tỳ, tôi tớ không thể tính kể. Lúc ấy, trong thành Mãn Phú cũng có vị trưởng giả tên là Mãn Tài, cũng là người giàu có, của cải dồi dào, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, thạch anh, lưu ly; voi, ngựa, trâu, dê; nô tỳ, tôi tớ không thể tính kể. Ông lại là bạn cũ từ thời niên thiếu của trưởng giả Cấp Cô Độc. Họ quý mến nhau chưa từng lãng quên. Trưởng giả Cấp Cô Độc luôn có hàng chục ngàn món hàng châu báu được mua bán trao đổi trong thành Mãn Phú kia, giao cho trưởng giả Mãn Tài quản lý trông coi. Còn trưởng giả Mãn Tài cũng có hàng chục ngàn món hàng châu báu được mua bán trong thành Xávệ, giao cho trưởng giả Cấp Cô Độc quản lý trông coi.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc có cô con gái tên là Tu-ma-đề,11 nhan sắc xinh đẹp như màu hoa đào, thế gian hiếm có. Khi ấy, trưởng giả Mãn Tài có chút việc vào thành Xá-vệ, sau đó đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Trưởng giả ra tiếp đón mời ông vào chỗ ngồi. Lúc này, cô Tu-ma-đề từ trong phòng riêng đi ra, đến quỳ lạy cha mẹ, kế đó quỳ lạy trưởng giả Mãn Tài, rồi trở về phòng riêng.

Trưởng giả Mãn Tài nhìn thấy cô Tu-ma-đề có nhan sắc xinh đẹp như màu hoa đào, thế gian hiếm có, liền hỏi trưởng giả Cấp Cô Độc:
– Đây là con gái nhà ai?

Cấp Cô Độc đáp:
– Đó là con gái của tôi.

Trưởng giả Mãn Tài hỏi:
– Tôi có đứa con trai chưa hôn ước. Ông có thể làm thông gia với tôi không?

Trưởng giả Cấp Cô Độc liền đáp:
– Điều này không thích hợp.

Trưởng giả Mãn Tài liền hỏi:
– Tại sao không thích hợp? Vì dòng tộc hay vì tài sản?

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
– Dòng tộc và tài sản đều tương xứng, nhưng việc thờ thần, cúng tế thì ông không giống với tôi. Con gái tôi quy y Phật và chúng Tăng. Còn gia đình ông lại phụng thờ hàng ngoại đạo, bởi vậy tôi không thể chiều ý ông được!

Khi ấy, trưởng giả Mãn Tài nói:
– Gia đình tôi sẽ phụng thờ theo tín ngưỡng của chúng tôi. Còn con gái ông cứ phụng thờ theo tín ngưỡng của riêng mình.

Trưởng giả Cấp Cô Độc nói:
– Nếu như con gái tôi phải gả đến nhà ông thì của cải bỏ ra không thể tính kể. Trưởng giả cũng phải bỏ ra của cải không thể kể xiết.

[0660b02] Trưởng giả Mãn Tài hỏi:
– Nay ông muốn thách cưới bao nhiêu?

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
– Nay tôi cần sáu vạn lượng vàng.

Trưởng giả Mãn Tài liền trao cho trưởng giả Cấp Cô Độc sáu vạn lượng vàng. Khi ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc suy nghĩ: “Ta đã tìm cách để từ khước ông ta trước, nhưng vẫn không được.” Thế rồi, trưởng giả Cấp Cô Độc nói với trưởng giả Mãn Tài:
– Nếu như tôi gả con gái thì tôi phải đến thưa hỏi đức Phật trước đã. Thế Tôn dạy bảo thế nào, tôi sẽ làm theo như vậy.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc xếp đặt tươm tất mọi việc rồi rời khỏi nhà, đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, ông đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc bạch Thế Tôn:
– Trưởng giả Mãn Tài trong thành Mãn Phú muốn cưới con gái Tu-ma-đề của con cho con trai ông ấy. Con có nên đồng ý không, thưa Thế Tôn?

Thế Tôn bảo:
– Nếu con gái của ông được gả đến thành Mãn Phú, sẽ mang lại nhiều lợi ích vì sẽ hóa độ người dân nơi đó nhiều không tính kể.

Bấy giờ, trưởng giả Cấp Cô Độc suy nghĩ: “Thế Tôn đã dùng Trí phương tiện bảo ta nên gả con gái sang thành kia.” Thế rồi, trưởng giả đảnh lễ sát chân Phật, nhiễu quanh Phật ba vòng rồi rời đi. Về đến nhà, ông cho người bày biện nhiều món ăn thức uống thơm ngon thết đãi trưởng giả Mãn Tài. Trưởng giả Mãn Tài nói:
– Đâu cần ông thết đãi tôi ăn uống thế này. Nay ông có chịu gả con gái cho con trai tôi không?

Trưởng giả Cấp Cô Độc đáp:
– Ông đã muốn vậy, tôi sẽ thuận theo ý ông. Mười lăm ngày sau, ông bảo con trai ông đến đây.

Bàn chuyện xong, họ từ biệt nhau.

Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài chuẩn bị đầy đủ những vật dụng cần thiết, ngồi xe gắn lông chim quý, vượt qua khoảng tám mươi do-tuần12 để đến nhà trưởng giả Cấp Cô Độc. Trong khi đó, gia đình trưởng giả Cấp Cô Độc cũng lo trang điểm, tắm gội, xông hương cho con gái mình, rồi đánh xe gắn lông chim quý đưa con gái đi đón con trai trưởng giả Mãn Tài. Khi họ gặp nhau, trưởng giả Mãn Tài đón con dâu đưa về thành Mãn Phú.

Đương thời, nhân dân trong thành Mãn Phú đã có điều lệ: “Nếu gia đình nào gả con gái mình đến thành khác, hoặc đến thành khác cưới vợ về, cũng đều phải chịu hình phạt nặng.” Người dân trong thành đều tuân theo điều lệ này. Khi ấy, trong thành này có sáu ngàn vị Bà-la-môn.13 Nếu ai làm trái quy định thì phải đãi cơm cho sáu ngàn Bà-la-môn đó.

Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài tự biết mình đã trái phạm quy định nên phải lo đãi cơm cho sáu ngàn Bà-la-môn. Tuy nhiên, thức ăn của các Bà-la-môn đều được chế biến bằng thịt heo, canh cũng phải có thịt heo, cho đến rượu uống cũng phải được chưng cất lại. Lại nữa, y phục của các Bà-la-môn này chất liệu bằng dạ trắng, hoặc bằng lông thú. Phép tắc của các Bà-la-môn này là mỗi khi vào thành thì phải vắt y lên vai phải để lộ nửa thân.

[0660c03] Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài đến trụ xứ của các Bà-la-môn này thỉnh bạch:
– Cũng đã đến giờ, thức ăn uống đã bày biện đầy đủ.

Khi ấy, sáu ngàn Bà-la-môn đều vắt y lên vai để lộ nửa thân, đi đến nhà trưởng giả. Thấy các Bà-la-môn đến, trưởng giả đi bằng hai đầu gối ra cửa tiếp đón, cung kính lễ lạy. Vị Bà-la-môn lớn nhất đưa tay xoa đầu ban phước và choàng tay qua cổ trưởng giả, sau đó đến ngồi vào vị trí. Các Bà-la-môn khác cũng theo thứ tự mà ngồi.

Sau khi sáu ngàn Bà-la-môn đã an định chỗ ngồi, trưởng giả nói với Tuma-đề:
– Con hãy thành kính lễ lạy thầy chúng ta!

Cô Tu-ma-đề thưa:
– Dạ không đâu, thưa cha! Con không lễ lạy những người khỏa thân đó được.

Trưởng giả nói:
– Các vị này không phải là những người khỏa thân không biết xấu hổ. Cách ăn mặc đó chính là pháp phục của họ.

Cô Tu-ma-đề thưa:
– Họ là những người không biết hổ thẹn, thân thể đều để lộ ra ngoài, có mặc pháp phục gì đâu. Xin cha hãy nghe con! Thế Tôn cũng nói, có hai nhân duyên được người thế gian quý trọng, đó là biết tự thẹn với mình, biết xấu hổ với người. Nếu không có hai điều này thì đối với cha mẹ, anh em, dòng họ, thân tộc sẽ không biết phân biệt được tôn ti thứ lớp. Như vậy thì có khác gì loài gà, chó, heo, dê, lừa, la, không có tôn ti. Nhờ có hai pháp này tồn tại trên thế gian nên con người mới biết tôn ti thứ lớp.14 Vậy mà những người ấy lại lìa bỏ hai pháp này, thế thì họ đồng hàng với loài gà, chó, heo, dê, lừa, la. Thật tình con không thể lễ lạy họ được.

Lúc này, chồng Tu-ma-đề liền bảo vợ mình:
– Nay cô hãy lễ lạy thầy chúng ta! Những vị này đều là đấng tối cao mà tôi phụng sự.

Cô Tu-ma-đề đáp:
– Thôi đi, công tử! Tôi không lễ lạy những người lõa hình không biết hổ thẹn đó đâu. Tôi là con người, cớ sao phải lễ lạy hạng người không khác loài lừa, loài chó!

Người chồng lại nói:
– Thôi đi, cô nương! Chớ nói như vậy, cẩn thận lời nói, đừng nên xúc phạm. Họ chẳng phải loài lừa, v.v..., cũng chẳng phải người cuồng mê. Thứ họ đang mặc chính là pháp y.

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề rơi lệ khóc than, nhan sắc biến đổi, nói:
– Thà rằng cha mẹ dòng họ của tôi mất mạng, thân thể tôi dù bị phân thành năm đoạn, tôi quyết không rơi vào tà kiến này.

Lúc này, sáu ngàn Bà-la-môn đồng thanh nói lớn:
– Thôi, thôi, trưởng giả! Sao lại để con tiện tỳ này mắng chửi như thế? Nếu đã thỉnh mời thì hãy bày biện đồ ăn thức uống ra đi!

Trưởng giả cùng chồng cô Tu-ma-đề liền bày biện các món thịt heo, canh thịt heo và rượu chưng nóng, phục vụ sáu ngàn vị Bà-la-môn ăn uống đầy đủ. Các Bà-la-môn ăn xong, bàn luận đôi điều rồi đứng dậy ra về.

[0661a04] Sau đó, trưởng giả Mãn Tài ngồi trên lầu cao, buồn phiền oán giận, một mình suy nghĩ: “Ta đón cô gái này về chỉ khổ tan nhà nát cửa, khiến gia đình ta nhục nhã.”

Bấy giờ, có vị Bà-la-môn tên là Tu-bạt, đã chứng ngũ thông và đắc tứ thiền, rất được trưởng giả Mãn Tài quý trọng. Bà-la-môn Tu-bạt này suy nghĩ: “Ta và trưởng giả Mãn Tài đã lâu không gặp, nay ta nên ghé thăm ông ấy.” Thế rồi, Bà-la-môn Tu-bạt vào thành Mãn Phú, đến nhà trưởng giả hỏi người gác cửa:
– Trưởng giả hiện đang làm gì?

Người gác cửa thưa:
– Trưởng giả hiện ở trên lầu, đang rất buồn bã, không muốn nói năng gì. Bà-la-môn Tu-bạt liền đi thẳng lên lầu, gặp được trưởng giả, Bà-la-môn liền hỏi:
– Vì sao ông sầu muộn đến nỗi này? Bị tai họa quan phủ, trộm cướp, nước, lửa xâm phạm chăng? Hay là gia đình ông không được hòa thuận?

Trưởng giả đáp:
– Không hề bị họa quan phủ hay trộm cướp. Chỉ là trong gia đình tôi có chút chuyện không như ý.

Bà-la-môn hỏi:
– Mong được nghe nguyên do sự việc!

Trưởng giả đáp:
– Hôm qua, vì cưới vợ cho con trai, tôi đã làm trái quy định trong nước, nên dòng tộc chịu nhục. Gia đình có mời các thầy Bà-la-môn đến nhà đãi cơm, tôi bảo đứa con dâu đến lễ lạy các thầy, nhưng đứa con dâu này không vâng lời.

Bà-la-môn Tu-bạt hỏi:
– Ông cưới dâu gần, xa? Nhà cô này ở nước nào?

Trưởng giả đáp:
– Con dâu tôi là con gái của trưởng giả Cấp Cô Độc, ở trong thành Xá-vệ.

Bà-la-môn Tu-bạt nghe xong, quá đỗi kinh ngạc, hai tay bịt tai nói:
– Ối chao, trưởng giả! Thật kỳ lạ! Thật hiếm có! Cô gái này vẫn có thể sống mà không tự sát, không gieo mình xuống lầu, như vậy thật vô cùng may mắn. Vì sao như vậy? Vì những vị thầy mà cô gái này phụng thờ đều là bậc Phạm hạnh. Hôm nay, cô ta còn sống, quả thật rất diệu kỳ.

Trưởng giả nói:
– Nghe ông nói vậy, tôi muốn phì cười. Vì sao vậy? Vì ông là ngoại đạo dị học, sao lại đi khen hạnh tu của hàng Sa-môn dòng họ Thích? Thầy mà cô gái này phụng thờ có oai đức gì? Có thần biến gì?

Bà-la-môn đáp:
– Này trưởng giả! Ông muốn biết phẩm đức cao quý của Thầy cô gái này ư? Nay tôi sẽ nói sơ qua điều này.

Trưởng giả thưa:
– Tôi mong được nghe!

[0661b01] Bà-la-môn nói:
– Trước kia, khi đến phía Bắc ngọn Tuyết Sơn, tôi đi khất thực trong nhân gian. Được thức ăn rồi, tôi bay đến bên suối A-nậu-đạt. Trời, rồng, quỷ thần nơi đó từ xa thấy tôi, đều cầm đao kiếm tiến đến bảo: “Tiên ông Tu-bạt! Ông chớ đến bên suối này, chớ làm bẩn dòng suối. Nếu không nghe lời, ta sẽ lấy mạng ông ngay.” Tôi nghe họ nói vậy, liền rời khỏi dòng suối này một khoảng không xa để ngồi thọ thực.

Trưởng giả nên biết, vị Thầy mà cô gái này phụng thờ có người đệ tử Sa-di nhỏ tuổi tên là Quân-đầu. Sa-di này cũng đến phía Bắc Tuyết Sơn khất thực, sau đó bay đến suối A-nậu-đạt, trên tay có cầm cái áo của người chết dính đầy máu từ bãi tha ma. Khi ấy, đại thần ở suối A-nậu-đạt, cùng với trời, rồng, quỷ thần đều đứng dậy tiến đến nghinh đón, cung kính thăm hỏi: “Kính chào vị thầy của loài người! Mời thầy đến đây ngồi.” Sa-di Quân-đầu liền đến an tọa bên dòng suối.

Lại nữa, này trưởng giả! Chính giữa dòng suối này có một cái bàn dài bằng vàng ròng. Bấy giờ, Sa-di Quân-đầu đem cái áo của người chết ngâm vào trong nước, sau đó ngồi thọ trai. Thọ trai xong, rửa bát, rồi Sa-di đến ngồi kiết-già trên cái bàn bằng vàng này, tư duy thiền định, buộc niệm trước mặt rồi an trú vào Thiền thứ nhất. Xuất định Thiền thứ nhất rồi nhập Thiền thứ hai. Xuất định Thiền thứ hai rồi nhập Thiền thứ ba. Xuất định Thiền thứ ba rồi nhập Thiền thứ tư. Xuất định Thiền thứ tư rồi lại nhập Không xứ. Xuất định Không xứ, lại nhập Thức xứ. Xuất định Thức xứ, lại nhập Vô sở hữu xứ. Xuất định Vô sở hữu xứ, lại nhập Phi tưởng phi phi tưởng. Xuất định Phi tưởng phi phi tưởng, lại nhập Diệt tận định. Xuất định Diệt tận định, lại nhập Diệm quang tam-muội. Xuất Diệm quang tam-muội, lại nhập Thủy khí tam-muội. Xuất Thủy khí tam-muội, lại nhập Diệm quang tam-muội. Kế đó lại lần lượt thể nhập Diệt tận tam-muội, Phi tưởng phi phi tưởng xứ tam-muội, Vô sở hữu xứ tam-muội, Thức xứ tam-muội, Không xứ tam-muội, Thiền thứ tư, Thiền thứ ba, Thiền thứ hai, Thiền thứ nhất. Sau đó, Sa-di xuất định Thiền thứ nhất rồi đến giặt áo của người chết. Lúc ấy, trời, rồng, quỷ thần cùng đến trợ giúp, vị thì vò giặt chiếc áo, vị thì giội nước lên áo, vị thì đi lấy nước sạch mời Sa-di uống. Chiếc áo giặt xong, được hong phơi chỗ nắng. Sau đó, Sa-di Quân-đầu thu lại áo, phi thân lên hư không, trở về trụ xứ.

Trưởng giả nên biết, lúc đó tôi chỉ từ xa nhìn thấy chứ không được đến gần vị Sa-di kia. Người đệ tử nhỏ nhất của vị Thầy cô gái này phụng thờ còn có thần lực như vậy, huống nữa là đệ tử lớn thì có ai bì kịp? Huống chi vị Thầy kia là đức Như Lai, Chí Chân, Chánh Đẳng Chánh Giác thì ai có thể sánh bằng? Xét biết nghĩa này nên tôi mới nói: “Thật kỳ lạ! Thật hiếm có! Cô gái này vẫn có thể sống, không tự sát!”

[0661c05] Lúc đó, trưởng giả Mãn Tài hỏi Bà-la-môn:
– Chúng tôi có thể gặp vị Thầy mà cô gái này phụng thờ không?

Bà-la-môn đáp:
– Nên hỏi cô ấy!

Trưởng giả bèn hỏi Tu-ma-đề:
– Nay ta muốn gặp vị Thầy mà con phụng thờ. Con có thể mời Ngài ấy đến không?

Nghe xong, Tu-ma-đề vui mừng hớn hở, liền thưa:
– Xin hãy chuẩn bị đồ ăn thức uống đầy đủ! Ngày mai Như Lai sẽ đến đây cùng với chúng Tỳ-kheo.

Trưởng giả nói:
– Hôm nay, con đích thân thỉnh mời nhé! Ta không biết cách.

Bấy giờ, Tu-ma-đề tắm gội sạch sẽ, tay bưng lò hương đi lên lầu cao, chắp tay hướng về Thế Tôn mà bạch:
– Kính xin Thế Tôn, đấng Vô Năng Kiến Đảnh,15 hãy khéo quán sát! Thế Tôn không việc gì không biết rõ, không việc gì không tường tận. Nay con đang ở nơi nguy khốn này, ngưỡng mong Thế Tôn quán sát rõ cho!

Rồi cô dùng kệ ca ngợi Thế Tôn:

Con mắt Phật quán sát,
Thấy rõ khắp thế gian,
Hàng phục quỷ thần vương,
Và loài quỷ tử mẫu.
Có quỷ ăn thịt người,
Xâu ngón tay thành chuỗi,
Còn muốn hại mẹ mình,
Nhưng được Phật quy phục.
Lúc ở thành La-duyệt,
Voi dữ đến hại Ngài,
Khi thấy, liền quy phục,
Chư thiên khen: Lành thay!
Phật đến nước Mã-đề,
Gặp long vương hung ác,
Thấy Lực sĩ Mật Tích,16
Long vương tự quy mạng.
Bao trường hợp hiểm nguy,
Ngài khiến vào chánh đạo,
Nay con đang gặp nguy,
Xin Thế Tôn chiếu cố.
Bấy giờ, hương xông ngát,17
Như mây giữa hư không,
Quyện bay đến Kỳ Hoàn,
Và dừng ở trước Phật.
Khắp hư không thiên chúng,
Hoan hỷ lễ Như Lai,
Trước mặt, hương thơm bay,
Biết Ma-đề khẩn thỉnh.
Họ liền tuôn mưa hoa,
Nhiều không sao tính kể,
Đầy khắp rừng Kỳ Hoàn,
Phật mỉm cười phóng quang.

[0662a04] Bấy giờ, thấy trong Kỳ Hoàn có mùi hương kỳ diệu này, Tôn giả A-nan bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Sau đó, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:
– Kính bạch Thế Tôn! Đây là hương gì mà xông ngát tinh xá Kỳ Hoàn?

Thế Tôn bảo:
– Hương thơm này là hương thỉnh Phật, do tín nữ Tu-ma-đề ở trong thành Mãn Phú phụng thỉnh. Nay thầy hãy gọi các Tỳ-kheo vân tập về một chỗ rồi tác pháp hành trù18 với thông tri rằng: “Những Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, đã đắc thần túc thì hãy nhận thẻ, ngày mai vào thành Mãn Phú nhận lời thỉnh của Tu-ma-đề.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Tôn giả A-nan vâng lời Phật dạy, nhóm họp các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội, rồi thưa:
– Những vị nào đã chứng A-la-hán thì hãy lấy thẻ, ngày mai đến thành Mãn Phú theo lời thọ thỉnh của Tu-ma-đề.

Lúc đó, trong chúng Tăng có vị Thượng tọa tên là Quân-đầu-ba-hán19 mới chứng Tu-đà-hoàn, kiết sử chưa dứt sạch, cũng chưa được thần túc. Thượng tọa này suy nghĩ: “Nay trong đại chúng, ta là hàng Thượng tọa lớn nhất, nhưng kiết sử chưa dứt, cũng chưa được thần túc. Ngày mai, ta không được đến thành Mãn Phú thọ thỉnh. Tuy nhiên, trong chúng của Như Lai có Sa-di hạ tọa nhỏ nhất tên là Quân-đầu, người này có thần túc, có oai lực lớn, được đến đó thọ thỉnh. Nay ta cũng sẽ đến đó thọ thỉnh.” Bấy giờ, vị Thượng tọa này dùng tâm thanh tịnh, trụ vào địa Hữu học mà nhận thẻ.

Lúc đó, Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh thấy Quân-đầu-ba-hán đang trụ trong địa Hữu học mà nhận thẻ, rồi đạt được địa Vô học, Thế Tôn liền nói với các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử của Như Lai, người khéo nhận thẻ bậc nhất chính là Tỳkheo Quân-đầu-ba-hán.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các vị Tỳ-kheo có thần túc, gồm có: Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-việt, Tu-bồ-đề, Ưu-tỳ Ca-diếp, Maha Ca-thất-na, La-hầu-la, Châu-lợi-bàn-đặc và Sa-di Quân-đầu:
– Các thầy hãy dùng thần túc để đến thành ấy trước!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Sáng sớm hôm sau, người cận sự của chúng Tăng tên là Càn-trà, vác cái chõ lớn bay trên không trung để đến thành kia.

[0662b01] Lúc đó, trưởng giả Mãn Tài và nhân dân bách tính trong thành đều đi lên lầu cao mong được nhìn thấy Thế Tôn. Xa thấy cận sự của chúng Tăng vai vác cái chõ bay đến, trưởng giả bèn dùng kệ để hỏi Tu-ma-đề:

Cư sĩ tóc dài kia,
Phi thân nhanh như gió,
Lại vác cái chõ lớn,
Là Thầy con đó ư?

Cô Tu-ma-đề cũng dùng kệ đáp:

Chẳng phải, đệ tử Phật,
Là cận sự Thế Tôn,
Chứng tam đạo,20 ngũ thông,21
Vốn tên là Càn-trà.

Bấy giờ, cận sự Càn-trà nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cùng lúc đó, Sa-di Quân-đầu hóa ra năm trăm cây hoa đủ các màu sắc, thảy đều nở rộ, rực rỡ đẹp tươi, giống như hoa sen ưu-bát; đủ các loại hoa như vậy, không thể kể hết, đều được mang đến thành kia.

Từ xa nhìn thấy Sa-di đến, trưởng giả liền dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Lại có vị thần túc,
Biến hóa trong hư không,
Vô vàn hoa rực rỡ,
Đó phải Thầy con không?

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Vị Sa-di bên suối,
Tu-bạt nói trước đây,
Đó chính là người này,
Đệ tử Xá-lợi-phất.

Sa-di Quân-đầu khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cùng lúc đó, Tôn giả Bàn-đặc hóa ra năm trăm con bò lông xanh, rồi Tôn giả ngồi kiết-già trên lưng con bò để đến thành kia.

Từ xa nhìn thấy Tôn giả Bàn-đặc đến, trưởng giả Mãn Tài lại dùng kệ để hỏi Tu-ma-đề:

Đàn bò to lớn đó,
Lông toàn một màu xanh,
Người ngồi trên lưng nó,
Phải chăng là Thầy con?

Cô Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Hóa hiện ngàn Tỳ-kheo,
Trong khu vườn Kỳ-vực,
Thần trí luôn sáng rực,
Bàn-đặc, chính người này.


Bấy giờ, Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nhiễu quanh thành kia ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả. Kế đó, Tôn giả La-hầu-la cũng hóa ra năm trăm con khổng tước, đủ các màu sắc rồi ngồi kiết-già trên lưng khổng tước mà bay đến thành kia.

[0662c01] Trưởng giả trông thấy, lại dùng kệ này để hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm con khổng tước,
Đẹp có một không hai,
Chắc Đại tướng quân kia,
Là Thầy con có phải?

Cô dùng kệ đáp:

Giới cấm Như Lai lập,
Ngài không phạm mảy may,
Nghiêm trì giới luật đây,
Là La-vân, con Phật.

Bấy giờ, La-vân nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Ca-thất-na hóa ra năm trăm con chim Cánh Vàng vô cùng dũng mãnh rồi ngồi kiết-già trên lưng chim mà đến thành kia. Từ xa trông thấy, trưởng giả lại dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm chim Cánh Vàng,
Dũng mãnh thật vô song,
Người ngồi không sợ hãi,
Đó là Thầy con chăng?

Cô Tu-ma-đề liền dùng kệ đáp:

Khéo hành pháp hít thở,
Tâm luôn tu thiện hạnh,
Sức tuệ thật dũng mãnh,
Đó là Ca-thất-na.

Tôn giả Ca-thất-na khi ấy nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Tiếp đó, Tôn giả Ưu-tỳ Ca-diếp hóa ra năm trăm con rồng đều có bảy đầu, Tôn giả ngồi kiết-già trên lưng rồng mà đến thành kia.

Từ xa nhìn thấy, trưởng giả lại dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Loài rồng bảy đầu này,
Tướng mạo thật đáng nể,
Người đến nhiều vô kể,
Đó là Thầy con chăng?

Tu-ma-đề đáp:

Luôn có ngàn đệ tử,
Thần túc độ Tỳ-sa,
Ngài Ưu-tỳ Ca-diếp,
Đích thật là vị này.

Bấy giờ, Tôn giả Ưu-tỳ Ca-diếp nhiễu quanh thành này ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Tu-bồ-đề hóa ra ngọn núi lưu ly, rồi vào trong đó ngồi kiết-già mà bay đến thành kia.

Từ xa trông thấy, trưởng giả liền dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Ngọn núi này tuyệt đẹp,
Làm toàn bằng lưu ly,
Người đang ngồi trong đó,
Là Thầy của con ư?

[0663a02] Cô Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Công đức ngày nay được,
Là nhờ phước bố thí,
Người thành tựu ruộng phước,
Giải không, Tu-bồ-đề.

Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên lại hóa ra năm trăm con thiên nga có lông màu trắng tinh, rồi cùng bay đến thành kia.

Từ xa trông thấy, trưởng giả bèn dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm thiên nga trắng,
Bay liệng khắp hư không,
Vị đi giữa chúng đó,
Là Thầy con đó chăng?

Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Khéo phân biệt nghĩa, cú,
Khế kinh Phật giảng tuyên,
Giảng rõ kiết sử, tụ,
Đó là Ca-chiên-diên.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-chiên-diên nhiễu quanh thành ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Ly-việt hóa ra năm trăm con hổ rồi ngồi trên lưng hổ mà đến thành kia.

Trưởng giả trông thấy, dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm con hổ đó,
Lông chúng thật mượt mà,
Người ngồi trên lưng nó,
Phải chăng là Thầy con?

Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Trước kia tại Kỳ Hoàn,
Sáu năm bất động loạn,
Người thiền định bậc nhất,
Ly-việt, tên vị này.

Tôn giả Ly-việt khi ấy nhiễu xung quanh thành ấy ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả A-na-luật hóa ra năm trăm con sư tử rất dũng mãnh rồi ngồi trên lưng chúng mà đến thành kia.

Trưởng giả trông thấy, liền dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm sư tử này,
Dũng mãnh thật đáng sợ,
Người đang ngồi trên đó,
Có phải Thầy con không?

Tu-ma-đề lại dùng kệ đáp:

Đất rung chuyển khi sinh,
Châu báu đầy mặt đất,
Vị ấy được nhãn tịnh,
A-na-luật, em Phật.

Tôn giả A-na-luật khi ấy nhiễu xung quanh thành này ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cùng lúc đó, Tôn giả Đại Ca-diếp hóa ra năm trăm con tuấn mã có màu lông đỏ thẫm, đều được trang sức bằng vàng bạc. Sau đó, Tôn giả đến ngồi trên lưng tuấn mã, rồi làm cơn mưa hoa trời mà đi đến thành kia.

[0663b02] Từ xa trông thấy, trưởng giả liền dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Năm trăm ngựa vàng ròng,
Màu lông đều đỏ thẫm,
Đó là Vua Chuyển Luân,
Hay là Thầy của con?

Cô lại dùng kệ đáp:

Hành Đầu-đà bậc nhất,
Hay thương kẻ bần cùng,
Nhận nửa tòa của Phật,
Là Đại Ca-diếp đây.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp nhiễu quanh thành này ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Cũng lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hóa ra năm trăm con voi trắng sáu ngà, có bảy chỗ đầy đặn, chúng đều được trang sức bằng vàng bạc. Tôn giả ngồi trên lưng voi mà đến thành kia, lại phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp thế giới; ở giữa hư không, trỗi xướng các loại kỹ nhạc không thể kể xiết, lại tuôn mưa hoa đủ loại và treo giăng phướn lọng khắp giữa hư không, vô cùng kỳ diệu.

Từ xa trông thấy, trưởng giả liền dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Cỡi voi trắng sáu ngà,
Như Thiên vương ngự tọa,
Kỹ nhạc tuyệt diệu quá,
Phải chăng Thích-ca-văn?

Cô Tu-ma-đề liền dùng kệ đáp:

Từng trên ngọn núi lớn,
Độ long vương Nan-đà,
Vị thần túc bậc nhất,
Tên là Đại Mục-liên.
Chỉ chúng đệ tử đến,
Thầy con chưa thân lâm,
Khi Thánh sư con đến,
Ánh sáng rực khắp trời.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khi ấy nhiễu quanh thành này ba vòng, rồi đến nhà trưởng giả.

Bấy giờ, Thế Tôn biết đã đúng thời, liền khoác Tăng-già-lê bay lên hư không cách đất bảy nhận;22 đứng hầu bên phải Như Lai là Tôn giả A-nhã Câulân, bên trái Như Lai là Tôn giả Xá-lợi-phất. Khi ấy, Tôn giả A-nan nương oai thần Phật, tay cầm phất tử theo sát phía sau Như Lai. Lại có một ngàn hai trăm đệ tử vây quanh trước sau, Thế Tôn ở vị trí chính giữa. Ngay đến các đệ tử có thần túc như: A-nhã Câu-lân hóa làm Nguyệt thiên tử, Xá-lợi-phất hóa làm Nhật thiên tử; các Tỳ-kheo có thần túc khác thì có vị hóa làm Thích-đề-hoànnhân, có vị hóa làm Phạm thiên, hoặc có vị hóa làm Đề-đầu-lại-tra, hoặc làm Tỳ-lưu-lặc, hoặc làm Tỳ-lưu-bác-xoa, hoặc hóa làm Tỳ-sa-môn để lãnh đạo các quỷ thần, hoặc có vị hóa làm Chuyển Luân Thánh vương, cũng có vị nhập Hỏa quang tam-muội, cũng có vị nhập Thủy tinh tam-muội, có vị thì phóng ánh sáng, có vị thì phun khói, hóa hiện vô số thần biến.

Lúc này, Phạm thiên vương hầu bên phải Như Lai, Thích-đề-hoàn-nhân tay cầm phất tử hầu bên trái Như Lai, Lực sĩ Kim Cang Mật Tích tay cầm chày kim cang hầu phía sau Như Lai, Tỳ-sa-môn Thiên vương tay cầm lọng bảy báu đứng giữa hư không để che cho Như Lai, vì sợ có bụi bặm bám thân Ngài. Cùng lúc này, Ban-giá-tuần23 khảy đàn lưu ly tán thán công đức Như Lai, cho đến các thiên thần đều ở giữa hư không tấu lên ngàn vạn thứ kỹ nhạc, đồng thời tuôn mưa hoa trời để cúng dường Như Lai.

[0663c12] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc, trưởng giả Cấp Cô Độc và nhân dân trong thành Xá-vệ đều thấy Như Lai ở giữa hư không, cách mặt đất bảy nhận, họ đều vui mừng phấn khởi, hớn hở vô cùng. Lúc ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc liền nói kệ:

Như Lai thần diệu thật,
Thương muôn loại như con,
Vui thay! Tu-ma-đề,
Sẽ nhận pháp của Phật.

Lúc bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc và trưởng giả Cấp Cô Độc cũng rải các loại danh hương và các thứ hoa để cúng dường.

Khi ấy, Thế Tôn dẫn các chúng Tỳ-kheo vây quanh trước sau, cùng với nhiều thiên thần đông không kể xiết, tựa như phượng hoàng bay giữa hư không mà đến thành kia.

Bấy giờ, Ban-giá-tuần dùng kệ ca ngợi Phật:

Bậc dứt hẳn trói buộc,
Ý niệm luôn chánh chân,
Bụi trần hết chướng ngăn,
Tự tại vào thành ấy.
Bậc thể tính thanh tịnh,
Sạch ác niệm, tà ma,
Công đức như biển cả,
Nay vào đất nước kia.
Dung mạo Ngài đẹp lạ,
Não phiền trọn lìa xa,
Vì người, luôn hành hóa,
Nay vào đất nước kia.
Người vượt bốn thác dữ,24
Sanh, già, chết không còn,
Gốc tái sanh đã đoạn,
Nay vào đất nước kia.

[0664a01] Lúc ấy, trưởng giả Mãn Tài thấy đức Thế Tôn từ xa đi lại, các căn tịch tĩnh hiếm có trên đời, sạch như vàng ròng, trên thân có đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm. Thế Tôn giống như ngọn núi Tu-di vượt hơn các núi, lại như khối vàng tỏa ánh sáng lớn.

Khi ấy, trưởng giả Mãn Tài dùng kệ hỏi Tu-ma-đề:

Nắng mặt trời phải chăng?
Nắng này chưa từng thấy,
Ngàn vạn ức ánh quang,
Thật không dám nhìn thẳng.

Bấy giờ, Tu-ma-đề quỳ gối, chắp tay hướng về Như Lai, dùng kệ đáp:

Chẳng phải, nhưng cũng phải,
Người tỏa ngàn ánh quang,
Vì giáo hóa muôn loại,
Đó chính là Thầy con.
Người người ca ngợi Phật,
Như trên đã trình bày,
Muốn được phước lớn này,
Phải cúng dường cần mẫn.

Bấy giờ, trưởng giả Mãn Tài quỳ gối phảisát đất, lại dùng kệ ca ngợi Như Lai:

Tự quy đấng Mười Lực,
Thân vàng ròng, hào quang,
Được trời, người ngợi khen,
Nay con xin quy mạng.
Ngài là đấng Nhật Vương,
Như trăng giữa ngàn sao,
Độ người chưa được độ,
Nay con xin quy mạng.
Ngài như bậc Thiên Đế,
Bậc Phạm hạnh tâm từ,
Tự độ, độ chúng sanh,
Nay con xin quy mạng.
Bậc nhất trong trời, người,
Vượt các quỷ thần vương,
Hàng phục chúng ngoại đạo,
Nay con xin quy mạng.

Bấy giờ, cô Tu-ma-đề quỳ gối, chắp tay ca ngợi Thế Tôn:

Tự hàng, hàng phục người,
Tự sửa, khéo sửa người,
Tự độ, cũng độ người,
Tự thoát, giải thoát người.
Tự tịnh, giúp người tịnh,
Tự soi, soi quần sinh,
Hết thảy đều được độ,
Trừ loạn, không đấu tranh.
An trụ trong tịch tịnh,
Tâm ý chẳng chuyển dời,
Đấng Mười Lực cứu đời,
Con xin thành kính lễ.

[0664b02] Thế Tôn có tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả;25 đầy đủ Không, Vô tướng, Vô nguyện, là đấng Tôn Quý bậc nhất trong cõi dục, vượt trên cõi trời, đầy đủ bảy Thánh tài.26 Các hàng trời, người, đấng Tự nhiên,27 hàng Phạm sanh28 cũng không ai sánh bằng, tướng mạo cũng không ai bì được. Nay con xin quy mạng.

Bấy giờ, sáu ngàn Bà-la-môn thấy Thế Tôn hóa hiện các thần biến như thế, họ tự bảo nhau: “Chúng ta nên rời nước này để sang nước khác. Sa-môn Cù-đàm đã hàng phục tất cả dân chúng trong nước này.” Thế rồi, sáu ngàn Bàla-môn liền rời khỏi đất nước này, không trở lại nữa. Ví như sư tử, vua của loài thú, khi ra khỏi hang núi, nó quan sát bốn phương, rồi gầm rống ba lần sau đó mới đi tìm mồi. Chim muông, cầm thú nghe thấy tiếng gầm ấy đều bỏ chạy tứ tán, chẳng còn biết phương hướng, vội vàng lẩn trốn. Ngay đến loài voi có thần lực, khi nghe tiếng rống của sư tử, chúng cũng tìm đường bỏ chạy, không dám ở yên. Vì sao như vậy? Vì sư tử kia là vua của muông thú, rất có oai thần. Ở đây cũng vậy, sáu ngàn Bà-la-môn kia nghe tiếng của Thế Tôn, thảy đều bỏ chạy, không ở yên được. Vì sao như vậy? Vì Sa-môn Cù-đàm có oai lực lớn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn xả thần túc, trở về bình thường, rồi đi vào trong thành Mãn Phú. Khi chân Thế Tôn vừa đặt lên ngạch cửa, lập tức trời đất rúng động mạnh, chư thiên, tôn thần đều rải hoa cúng dường. Dân chúng nhìn thấy dung nhan Thế Tôn các căn tịch tĩnh, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, họ liền ca ngợi:

Đấng Lưỡng Túc vi diệu,
Bà-la-môn kinh sợ,
Lầm thờ Bà-la-môn,
Nhỡ mất Nhân Trung Tôn.

Thế Tôn vào nhà trưởng giả, đến tòa tĩnh tọa. Bấy giờ, dân chúng ở đất nước này rất đông. Nhà trưởng giả lúc ấy có đến tám vạn bốn ngàn người cùng nhau kéo đến để được chiêm ngưỡng Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo, khiến nhà cửa trưởng giả gần như muốn hư sập. Bấy giờ, Thế Tôn tư duy: “Với tình hình này thì dân chúng ở đây chắc sẽ bị tổn hại. Ta nên dùng thần lực giúp cho nhân dân cả nước đều được nhìn thấy Ta và chúng Tỳ-kheo.”

Thế rồi Thế Tôn liền biến nhà cửa của trưởng giả Mãn Tài trở thành nhà bằng lưu ly, có thể nhìn suốt trong ngoài, giống như xem viên minh châu trong lòng bàn tay. Khi ấy, cô Tu-ma-đề đến trước Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật với tâm trạng buồn vui lẫn lộn và nói kệ này:

Đấng Trí Tuệ vẹn toàn,
Vượt qua tất cả pháp,
Cắt đứt lưới dục ái,
Nay con xin quy mạng.
Thà để cha mẹ con,
Hủy hoại đôi mắt con,
Đừng để con đến đây,
Trong ngũ nghịch, tà kiến.
Xưa gây nghiệp ác gì,
Mà nay bị đến đây?
Như chim sa lưới bẫy,
Nguyện dứt mối nghi này.
 

[0664c08] Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp:

Nay con chớ phiền muộn,
Định tĩnh mở lòng mình,
Cũng đừng khởi tưởng chấp,
Ta giảng giải phân minh.
Con vốn không do tội,
Khiến phải đến nơi đây,
Mà vì con từng nguyện,
Muốn độ chúng sanh này.
Gốc khổ hãy nhổ sạch,
Không đọa ba đường ác,
Trong ngàn vạn chúng sanh,
Con sẽ được độ trước.
Hãy trừ sạch phiền não,
Được mắt tuệ sáng soi,
Khiến trời, người, muôn loại,
Thấy con như xem châu.

Cô Tu-ma-đề nghe những lời này xong, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng.

Bấy giờ, trưởng giả dẫn tùy tùng của mình dâng cúng nhiều loại món ăn thức uống thơm ngon. Thấy Thế Tôn thọ trai xong, đã dùng nước rửa tay, trưởng giả bèn chọn một chiếc ghế nhỏ đặt ngồi trước Như Lai, các tùy tùng và tám vạn bốn ngàn người dân cũng theo thứ tự mà ngồi, cũng có người tự xưng tên họ rồi mới ngồi.

Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt diễn nói pháp vi diệu cho trưởng giả Mãn Tài và tám vạn bốn ngàn người dân kia nghe. Như luận về trì giới, luận về bố thí, luận về sanh thiên, dục là tưởng bất tịnh, phiền não là nhiễm ô, giải thoát là thiết yếu.

Khi Thế Tôn nhận thấy trưởng giả Mãn Tài và Tu-ma-đề cùng tám vạn bốn ngàn người dân tâm ý đã khai mở, liền đem giáo pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói lại tường tận cho họ. Mọi người ngay tại chỗ ngồi liền dứt sạch các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Như tấm vải trắng tinh thì rất dễ nhuộm màu; ở đây cũng như vậy, trưởng giả Mãn Tài và cô Tu-ma-đề cùng tám vạn bốn ngàn người dân đều sạch các trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, đạt đến trạng thái không còn sợ hãi. Thế rồi họ đều phát nguyện quy y Tam bảo, thọ trì năm giới.

[0665a02] Khi ấy, Tu-ma-đề ở trước Phật nói kệ:

Như Lai tai trong suốt,
Nghe con gặp khổ này,
Giáng thần đến nơi đây,
Mọi người được Pháp nhãn.

Thế Tôn nói pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, trở về trú xứ.

Lúc này, các Tỳ-kheo bạch Phật:
– Cô Tu-ma-đề vốn đã tạo nhân duyên gì mà được sanh trong gia đình giàu sang? Lại tạo nhân duyên gì mà bị gả vào nhà tà kiến này? Lại nhờ công đức lành gì mà nay được Pháp nhãn thanh tịnh? Lại tạo công đức gì mà giúp tám vạn bốn ngàn người đều được Pháp nhãn thanh tịnh?

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Quá khứ lâu xa trong Hiền kiếp này, có đức Phật Ca-diếp, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài cùng đại chúng hai vạn vị Tỳ-kheo đi du hóa ở nước Ba-la-nại. Thuở ấy, vua nước này tên là Ai Mẫn có cô công chúa tên là Tu-ma-na. Cô công chúa này rất có tâm cung kính hướng về Như Lai Ca-diếp, vâng giữ giới cấm, thường thích bố thí và cúng dường bốn việc. Là bốn việc gì? Một là bố thí, hai là ái kính, ba là lợi người, bốn là đồng lợi.29 Cô luôn hướng về đức Như Lai Ca-diếp mà tụng Pháp cú. Ở trên lầu cao, cô lớn tiếng tụng tập và phát thệ nguyện: “Con luôn thực hành đầy đủ bốn nhiếp thọ30 này, thường đối trước Như Lai mà tụng Pháp cú. Nhân việc làm này, nếu được chút phước, con nguyện hồi hướng đời sau không rơi vào ba đường dữ, cũng không sanh trong gia đình nghèo khổ. Ở đời vị lai, con nguyện sẽ được gặp bậc tối tôn giống như Ngài, giúp con được Pháp nhãn thanh tịnh ngay trong thân nữ.”

Nhân dân trong thành sau khi nghe công chúa phát thệ nguyện này, đều cùng nhau đến chỗ cô và nói: “Ngày nay công chúa rất có lòng kính tin, tạo các công đức, thực hành đầy đủ bốn việc: Bố thí, kiêm ái, lợi người, đồng lợi, lại cũng phát nguyện đời sau được gặp bậc Thế Tôn như vậy, được Ngài nói pháp cho và chứng đắc Pháp nhãn thanh tịnh. Nay công chúa đã phát thệ nguyện này thì xin hãy nguyện cho nhân dân cả nước chúng ta cũng đều được độ.”

Bấy giờ, công chúa đáp: “Tôi nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả mọi người, chúng ta cùng được nghe Như Lai thuyết pháp, cùng được độ thoát.”

[0665b01] Tỳ-kheo các thầy vẫn nghi ngờ chăng? Đừng khởi tưởng như vậy. Vua Ai Mẫn lúc ấy, nay chính là trưởng giả Tu-đạt. Công chúa lúc ấy, nay chính là Tu-ma-đề. Nhân dân trong nước lúc ấy, nay chính là tám vạn bốn ngàn người dân. Nhờ thệ nguyện đó mà nay cô ấy được gặp Như Lai, được nghe pháp và chứng đạo, cho đến dân chúng kia cũng đều được Pháp nhãn thanh tịnh.

Đó chính là nguyên do, các thầy hãy ghi nhớ phụng hành. Vì sao như vậy? Vì bốn nhiếp sự này là ruộng phước tốt nhất. Nếu có Tỳ-kheo nào thân cận bốn nhiếp sự, sẽ được thành tựu bốn sự thật. Thế nên, các thầy phải tìm cầu phương tiện thành tựu bốn nhiếp sự!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.31

***

Chú thích:

1 Nguyên tác: Tu-đà phẩm 須陀品 (T.02. 0125.30. 0659a05).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.30.1. 0659a06). Tham chiếu: DhA. 6.80.
3 Nguyên tác: Hữu thường sắc giả thị nội, vô thường sắc giả thị ngoại (有常色者是內, 無常色者是外). Hữu thường sắc giả thị nội (有常色者是內), chỉ cho cảnh giới giải thoát thường hằng của chư Phật thì luôn tồn tại bên trong. Tham chiếu: Đại pháp cổ kinh 大法鼓經 (T.09. 0270.1. 0292c10): Giải thoát thường hằng không phải là tên gọi, vì an trú trong Báo thân trạm nhiên, chẳng phải là cảnh giới của Thanh văn, Độc giác và Bồ-tát (常解脫非名, 妙色湛然住, 非聲聞緣覺, 菩薩之境界).
4 Nguyên tác: Khổ tận đế (苦盡諦). Đây là cách viết khác của “khổ diệt.” Tham chiếu: Kinh chuyển pháp luân, số 5, phẩm 24, tr. 277 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.24.5. 0619a15): Thế nào là chân lý về sự diệt sạch khổ đau? Nghĩa là có thể khiến cho tham ái kia hết sạch, không sót lại gì, cũng không sanh khởi nữa. Đó gọi là chân lý về khổ diệt. (云何苦盡諦? 能使彼愛滅盡無餘, 亦不更生, 是謂苦 盡諦).
5 Nguyên tác: Thọ (受), trong ngữ cảnh này dịch là “thủ”, “chấp thủ” (取, 執取, upādāna).
6 Nguyên tác: Khoái thuyết thử ngôn, kim tức thính nhữ vi đại Tỳ-kheo (快說此言,今即聽汝為大比 丘). Theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.14. 0074b25-c01), quan điểm của các Luận sư thuộc bộ phái Tỳ-bà-sa chủ trương có 10 loại đắc giới. Trường hợp của Sa-di Tô-đà-di (蘇 陀夷) do khéo trả lời đúng câu hỏi của Thế Tôn nên đắc giới Cụ túc dù chưa đủ 20 tuổi.
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.30.2. 0659b29).
8 Nguyên tác: Long (龍, nāga). Nāga còn được Hán dịch là con voi (象), con rồng (龍) hay con rắn (蛇). Theo ngữ cảnh kinh văn này nên hiểu là con rắn.
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.30.3. 0660a01). Tham chiếu: Tu-ma-đề nữ kinh 須摩提女經 (T.02. 0128a. 0835c16); (T.02. 0128b. 0837c09); Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu bộ Tỳnại-da dược sự 根本說一切有部毘奈耶藥事 (T.24. 1448.3. 0010a17); S. Divyāvadāna (Thiên nghiệp thí dụ), truyện Pūrṇāvadāna.
10 Nguyên tác: A-na-bân-để (阿那邠邸).
11 Tu-ma-đề (修摩提). S. Sumati.
12 Nguyên tác: Do-diên (由延).
13 Nguyên tác: Phạm chí (梵志).
14 Xem thêm A. 1.9 - I. 51.
15 Vô năng kiến đảnh (無能見頂) còn gọi là “vô kiến đảnh tướng” (無能頂相), là một trong 80 vẻ đẹp của Phật.
16 Mật Tích Lực sĩ (密迹力士): Thần dạ-xoa bảo hộ Phật pháp.
17 Từ câu: “Bấy giờ, hương xông ngát... cho đến… Phật mỉm cười, phóng quang” là phần kinh văn tiếp theo, không phải lời của Tu-ma-đề.
18 Nguyên tác: Hành trù (行籌, salākā): Phát thẻ để kiểm đếm số lượng Tăng chúng
19 Quân-đầu-ba-hán (君頭波漢, Kuṇḍadhāna), theo Tăng. 增 (T.02. 0125.4.3. 0557b18), gọi là Quân-đầuba-mạc (軍頭波漠), là vị xứng đáng nhận thẻ, không trái phép tắc.
20 Tam đạo (三道), theo Đại trí độ luận大智度論 (T.25. 1509.18. 0195a26), tức Kiến đạo (見道), Tu đạo (修道) và Vô học đạo (無學道).
21 Trừ Lậu tận thông (漏盡通) là chưa chứng đắc.
22 Nhận (仞): Đơn vị đo lường thời xưa, bằng 8 thước hay 7 thước cổ của Trung Hoa.
23 Ban-giá-tuần (般遮旬) còn gọi là Ban-giá-dực (般遮翼), nhạc thần càn-thát-bà Ngũ Kế (Pañcasikha), thần âm nhạc của Thiên chủ Đế-thích
24 Tứ lưu (四流): Kiến lưu (見流), dục lưu (欲流), hữu lưu (有流), vô minh lưu (無明流).
25 Nguyên tác: Hộ (護).
26 Thất tài (七財) còn gọi là “thất Thánh tài”, là 7 loại tài sản của bậc Thánh. Theo MĀ. 86 gồm có: Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài (七財信財戒慚愧聞施慧財).
27 Tự nhiên (自然), tên khác chỉ Phạm thiên (Brahman).
28 Phạm sanh (梵生): Được sanh bởi Phạm thiên (Brahman), chỉ cho hàng chư thiên thượng đẳng.
29 Tứ sự (四事) còn gọi “bốn nhiếp sự” (四攝事), gồm bố thí (佈施), ái ngữ (愛語), lợi hành (利行) và đồng sự (同事).
30 Tứ thọ chi pháp (四受之法) được hiểu là “bốn pháp nhiếp thọ” (四法攝受), tức “bốn nhiếp pháp” (四攝法) hay “bốn nhiếp sự” (四攝事) (cattāri saṅgahavatthūni).
31 Bản Hán, hết quyển 22.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.