Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

29. PHẨM KHỔ VUI1

 

1. TRƯỚC VUI SAU VUI2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn hạng người xuất hiện ở đời. Là bốn hạng nào? Hoặc có hạng người trước khổ sau vui, hoặc có hạng người trước vui sau khổ, hoặc có hạng người trước khổ sau cũng khổ, hoặc có hạng người trước vui sau cũng vui.

Hạng người nào trước khổ sau vui? Như có người sanh ra trong gia đình nghèo hèn, hoặc gia đình làm nghề giết mổ, hoặc gia đình làm thợ thủ công, hoặc sanh trong gia đình tà đạo, cho đến sanh trong các gia đình bần cùng khốn khổ, áo cơm chẳng đủ. Tuy sanh vào những gia đình đó nhưng người ấy không có tà kiến mà luôn ý thức rằng: “Có cúng dường, có bố thí, có người nhận, có đời này và đời sau, có Sa-môn và Bà-la-môn, có cha có mẹ, có A-la-hán, có người lãnh thọ giáo pháp và cũng có quả báo thiện ác.” Nếu người ấy thấy gia đình nào giàu có, liền biết đó là nhờ phước cúng dường, bố thí trước kia và không buông lung phóng túng. Nếu người ấy thấy nhà nào cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc thì biết rằng do họ không tạo phước bố thí, cúng dường nên phải luôn chịu nghèo thiếu. Người ấy tự suy xét: “Nay ta chịu cảnh nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, đều do ngày xưa ta không tạo phước, dối gạt người khác, làm điều sai trái. Do quả báo từ các việc xấu ác này nên ngày nay ta phải chịu cảnh nghèo hèn, áo cơm thiếu hụt.” Khi thấy Sa-môn, Bà-la-môn tu pháp thiện, người ấy liền hướng tâm cầu sám hối, sửa đổi lỗi lầm xưa kia. Tất cả của cải có dư, thảy đem chia đều cho mọi người. Người này sau khi qua đời sẽ sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời. Nếu sanh vào cõi người thì sẽ có nhiều tiền tài của báu, không bị thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước khổ sau vui.

Hạng người nào trước vui sau khổ? Như có người sanh vào nhà dòng dõi quyền quý, hoặc sanh vào dòng Sát-lợi, dòng Tỳ-xá, hoặc sanh vào trong gia đình danh gia vọng tộc, cho đến những gia đình giàu sang, áo cơm dư dật. Tuy được sanh vào trong những gia đình như thế, nhưng người ấy lại luôn ôm lòng tà kiến, chấp giữ biên kiến, có kiến chấp rằng: “Không có bố thí, không có người nhận, cũng không có quả báo đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, ở thế gian không có bậc A-la-hán, cũng không có người chứng đắc, lại cũng không có quả báo thiện ác.” Người ấy có những tà kiến như vậy. Nếu thấy gia đình giàu sang, họ liền nghĩ: “Người này lâu nay vẫn có của báu này, người nam lâu nay vẫn là người nam, người nữ lâu nay vẫn là người nữ, súc sanh lâu nay vẫn là súc sanh.” Người ấy không thích bố thí, không giữ giới luật. Khi thấy Samôn, Bà-la-môn trì giới, họ liền nổi giận rồi cho rằng: “Người này thật dối trá, làm gì có chỗ để cảm ứng phước báu?” Người này sau khi qua đời sẽ sanh vào địa ngục. Nếu được làm người thì sanh vào gia đình nghèo khổ, áo cơm chẳng đủ, thân thể lõa lồ, ăn mặc thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước vui sau khổ.

[0655b09] Hạng người nào trước khổ sau cũng khổ? Như có người sanh trong gia đình nghèo khó, hoặc trong gia đình làm nghề giết mổ, hoặc trong dòng tộc làm thợ thủ công, cho đến những gia đình thấp hèn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Đã sanh trong những gia đình như thế, người này lại còn ôm lòng tà kiến, chấp giữ biên kiến, luôn có kiến chấp: “Không có bố thí, không có người nhận, cũng không có quả báo thiện ác đời này đời sau, cũng không có cha mẹ, thế gian không có A-la-hán.” Người ấy không thích bố thí, không vâng giữ giới. Nếu gặp Sa-môn và Bà-la-môn, người ấy liền sanh tâm sân hận đối với các bậc Hiền thánh. Khi thấy người nghèo khổ thì họ cho rằng lâu nay đã như vậy, thấy người giàu sang thì cho rằng lâu nay vốn vậy, thấy cha thì nghĩ xưa nay vốn là cha, thấy mẹ họ cũng nghĩ xưa nay đã là mẹ. Người này sau khi qua đời sẽ sanh vào địa ngục, nếu được làm người thì rất nghèo hèn, áo cơm thiếu thốn. Hạng người này gọi là trước khổ sau cũng khổ.

Hạng người nào trước vui sau cũng vui? Như có người sanh trong gia đình giàu sang, hoặc dòng Sát-lợi, hoặc dòng Bà-la-môn, hoặc dòng dõi vua chúa, hoặc trong gia đình Tỳ-xá, cho đến sanh trong những gia đình giàu có dư dật. Nơi họ sanh ra không bị thiếu thốn. Tuy được sống trong những gia đình như vậy, nhưng người này lại luôn có chánh kiến, không có tà kiến. Họ hiểu biết rằng: “Có bố thí, có người nhận, có đời này đời sau, có Sa-môn, Bà-la-môn, cũng có quả báo thiện ác, có cha có mẹ, thế gian có A-la-hán.” Người này nếu thấy gia đình giàu sang, tiền của dư dật, liền nghĩ: “Người này nhờ xưa kia biết bố thí.” Nếu lại thấy gia đình nghèo khổ, liền nghĩ: “Người này do trước kia không biết bố thí. Vậy nay ta nên tùy thời bố thí, chớ để về sau phải sanh vào nhà nghèo khổ.” Vì thế, người ấy thường thích bố thí cho người. Nếu thấy Sa-môn, Đạo sĩ thì họ tùy thời thăm hỏi sức khỏe, cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh, v.v... thảy đều cúng dường đầy đủ. Nên sau khi qua đời, người này sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời. Nếu sanh vào cõi người thì được sanh trong gia đình giàu sang, tiền của dư dật. Người này gọi là trước vui sau cũng vui. [0655c06] Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:

– Con thấy ngay trong đời này có chúng sanh trước khổ sau vui, cũng có chúng sanh trước vui sau khổ, hoặc có chúng sanh trước khổ sau cũng khổ, hoặc có chúng sanh trước vui sau cũng vui.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tỳ-kheo kia:

– Vì nhân duyên này khiến chúng sanh trước khổ sau vui, cũng có chúng sanh trước vui sau khổ, lại có chúng sanh trước khổ sau cũng khổ, cũng có chúng sanh trước vui sau cũng vui.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Vì nhân duyên gì mà trước khổ sau vui? Vì nhân duyên gì trước vui sau khổ? Vì nhân duyên gì trước khổ sau cũng khổ? Vì nhân duyên gì trước vui sau cũng vui?

Thế Tôn bảo:

– Tỳ-kheo nên biết! Như người sống một trăm năm, tức là mười lần mười năm như vậy, người ấy sống trọn qua các mùa đông, hạ, xuân, thu. Này Tỳ- kheo, trong một trăm năm đó, người ấy đã tạo các công đức; rồi cũng trong một trăm năm đó, người ấy gây tạo các ác nghiệp và các tà kiến. Vậy thì ở một thời điểm khác, người ấy mùa đông được sung sướng, nhưng mùa hạ chịu khổ sở. Nếu trong một trăm năm, người ấy tạo công đức đầy đủ, chưa từng thiếu sót; thế nhưng trong vòng một trăm năm đó, người ấy cũng có tạo các tà kiến, làm điều bất thiện; do đó, người ấy trước chịu tội, sau thọ phước.

Hoặc có người lúc nhỏ làm phước, khi lớn gây tội thì ở đời sau, lúc nhỏ hưởng phước, khi lớn chịu tội.

Nếu lúc nhỏ tạo tội, lớn lên cũng tạo tội thì ở đời sau, người ấy trước khổ sau cũng khổ.

Nếu lúc nhỏ tạo các công đức, cúng dường,3 bố thí; khi lớn cũng tạo các công đức, cúng dường, bố thí thì ở đời sau, người ấy trước vui sau cũng vui.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là do nhân duyên này mà có chúng sanh trước khổ sau vui; cũng do nhân duyên này mà có chúng sanh trước vui sau khổ; cũng do nhân duyên này mà có chúng sanh trước khổ sau cũng khổ; cũng do nhân duyên này mà có chúng sanh trước vui sau cũng vui.

Tỳ-kheo bạch Phật:

– Kính bạch Thế Tôn! Nếu có chúng sanh nào muốn trước vui sau cũng vui thì nên thực hành bố thí để cầu phước báu trước vui sau cũng vui này

[0656a01] Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Tỳ-kheo, đúng như lời thầy nói. Nếu có chúng sanh nào muốn thành tựu Niết-bàn, cho đến quả vị A-la-hán và quả vị Phật thì phải hành bố thí, tạo các công đức.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. THÂN TÂM ĐỀU VUI4
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Thế gian có bốn hạng người. Là bốn hạng người nào? Đó là có hạng người thân vui mà tâm không vui; có hạng người tâm vui mà thân không vui; có hạng người tâm không vui, thân cũng không vui; có hạng người thân, tâm đều vui.

Những hạng người nào thân vui mà tâm không vui? Đó là hạng phàm phu biết tạo phước, họ tuy được cúng dường đầy đủ bốn món cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, thuốc thang trị bệnh nhưng không thoát khỏi ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cũng không thoát khỏi đường ác. Đây gọi là hạng người thân vui mà tâm không vui.

Những hạng người nào tâm vui mà thân không vui? Đó là bậc A-la-hán không tạo phước,5 tuy không được cúng dường đầy đủ bốn món cần dùng, điều kiện sống khó khăn,6 nhưng vị ấy vẫn thoát được nỗi khổ trong ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Giống như Tỳ-kheo La-hán Duy Dụ.7 Đó gọi là người tâm vui mà thân không vui.

Những hạng người nào thân không vui, tâm cũng không vui? Đó là hạng phàm phu không biết tạo phước, họ đã không được cung cấp đầy đủ bốn món cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh, lại cũng không thoát khỏi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Đó gọi là người thân không vui, tâm cũng không vui.

Những hạng người nào thân, tâm đều vui? Đó là các bậc A-la-hán biết tạo phước đức, các vị ấy vừa được cúng dường đầy đủ bốn món y phục, đồ ăn thức uống, giường chiếu, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh, lại cũng thoát khỏi ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Giống như Tỳ-kheo Thi-ba-la.8 Đó gọi là người thân, tâm đều vui.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Thế nên, các thầy Tỳ-kheo phải cầu phương tiện tu tập, phải giống như Tỳ-kheo Thi-ba-la!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. BỐN PHƯỚC CỦA PHẠM THIÊN9
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

[0656b01] Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Như Lai sẽ nói về bốn phước của Phạm thiên. Là bốn phước nào? Thiện nam, tín nữ nào xây dựng tháp miếu ở những nơi chưa có tháp miếu, đây là phước báu thứ nhất của Phạm thiên. Thiện nam, tín nữ nào tu sửa tinh xá cũ, đây là phước báu thứ hai của Phạm thiên. Thiện nam, tín nữ nào góp phần hòa hợp Thánh chúng, đây là phước báu thứ ba của Phạm thiên. Lại nữa, khi Như Lai10 lần đầu chuyển pháp luân, họ đã vì chư thiên và người đời mà khuyến thỉnh Như Lai chuyển pháp luân, đây là phước báu thứ tư của Phạm thiên. Đó gọi là bốn phước báu của Phạm thiên.

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Phước của Phạm thiên nhiều hay ít?

Thế Tôn bảo:
– Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, nay Như Lai sẽ giảng nói!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:
– Cõi nước Diêm-phù-đề từ Đông sang Tây, rộng bảy ngàn do-tuần, từ Nam sang Bắc rộng hai mươi mốt ngàn do-tuần, địa hình giống như bánh xe. Công đức của tất cả chúng sanh ở cõi này có được cũng chỉ bằng công đức của một vị Chuyển Luân Thánh vương.

Lại có cõi Cù-da-ni dọc ngang ba mươi hai vạn dặm, có hình bán nguyệt. Các Tỳ-kheo nên biết, công đức của tất cả mọi người trong cõi Diêm-phù-đề cộng với công đức của một Chuyển Luân Thánh vương chỉ bằng phước của một người ở Cù-da-ni này.

Lại nữa, Tỳ-kheo, cõi nước Phất-vu-đãi dọc ngang ba mươi sáu vạn dặm, địa hình vuông vức. Nếu ước tính thì phước của cả hai châu là Diêm-phù-đề và Cù-da-ni vẫn không bằng phước của một người ở cõi Phất-vu-đãi này.

Tỳ-kheo nên biết, cõi Uất-đan-việt dọc ngang bốn mươi vạn dặm, địa hình giống như mặt trăng tròn. Nếu ước tính thì phước của tất cả người dân trong ba cõi trên cũng không bằng phước của một người ở cõi Uất-đan-việt.

Tỳ-kheo nên biết, nếu ước tính thì phước của mọi người trong bốn châu thiên hạ đó vẫn không bằng phước của Tứ Thiên Vương. Nếu ước tính thì phước của mọi người dân trong bốn châu thiên hạ và phước của Tứ Thiên Vương cũng không bằng phước của cõi trời Ba Mươi Ba. Nếu ước tính thì phước của bốn châu thiên hạ cộng với phước của Tứ Thiên Vương và trời Ba Mươi Ba, cũng không bằng phước của một vị Thích-đề-hoàn-nhân. Nếu ước tính thì phước của bốn châu thiên hạ cộng với Tứ Thiên Vương, trời Ba Mươi Ba và Thích-đề-hoàn-nhân cũng không bằng phước của một vị ở cõi Diệm thiên. Nếu ước tính thì phước của bốn châu thiên hạ cộng với Tứ Thiên Vương, trời Ba Mươi Ba và Thích-đề-hoàn-nhân cho đến cõi Diệm thiên, cũng không bằng phước của một vị ở cõi trời Đâu-suất. Nếu ước tính thì phước của cả bốn châu thiên hạ cho đến phước của cõi trời Đâu-suất, cũng không bằng phước của một vị ở trời Hóa Tự Tại. Nếu ước tính thì phước của bốn châu thiên hạ cho đến trời Hóa Tự Tại cũng không bằng phước của một vị ở trời Tha Hóa Tự Tại. Nếu ước tính thì phước từ khắp bốn châu thiên hạ cho đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại cũng không bằng phước đức của một Phạm thiên vương.

[0656c04] Tỳ-kheo nên biết, đây là phước của Phạm thiên. Nếu có người thiện nam, thiện nữ nào mong cầu được phước này thì y theo đây mà lượng biết.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, muốn cầu phước Phạm thiên thì phải tìm cầu

phương tiện để thành tựu công đức này!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. BỐN LOẠI THỨC ĂN11
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Chúng sanh nhờ bốn loại thức ăn để được nuôi lớn. Là bốn loại nào? Đó là đoàn thực gồm có thô và tế, xúc thực,12 niệm thực và thức thực. Đây là bốn loại thức ăn.

Thế nào là đoàn thực? Đoàn thực là thức ăn của con người hiện nay, những vật có thể vo lại đưa vào miệng để ăn. Đây gọi là đoàn thực.

Thế nào là xúc thực? Xúc thực là những thứ khiến thân thể có cảm giác thoải mái như là y phục, dù lọng, hương hoa, lò sưởi, dầu thơm, gần gũi người nữ. Đây gọi là xúc thực.

Thế nào là niệm thực? Đó là tất cả những niệm tưởng, những tư duy từ trong tâm, hoặc do miệng nói, hoặc do thân xúc chạm, cho đến những gì được ghi nhớ. Đây gọi là niệm thực.

Thế nào là thức thực? Những gì được niệm tưởng bởi thức, được nhận biết bởi ý. Bắt đầu từ cõi Phạm thiên cho đến cõi trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng đều dùng thức làm thức ăn. Đây gọi là thức thực.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại thức ăn này. Chúng sanh do bốn loại thức ăn này mà xoay vần trong sanh tử từ đời này sang đời khác.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy xa lìa bốn loại thức ăn này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5. BỐN LOẠI BIỆN TÀI13
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn loại biện tài. Là bốn loại nào? Đó là nghĩa biện tài, pháp biện tài, từ biện tài và ứng biện tài.

Thế nào là nghĩa biện tài? Nghĩa biện tài là có khả năng phân biệt ý nghĩa đối với những gì được nói bởi người này hoặc người kia, hoặc được nói từ trời, rồng, quỷ thần. Đó gọi là nghĩa biện tài.

[0657a01] Thế nào là pháp biện tài? Tức là có khả năng thấu suốt nghĩa lý tất cả mười hai loại kinh được Như Lai tuyên thuyết, gồm có: Khế kinh, Kỳ-dạ, Bổn mạt, Kệ, Nhân duyên, Thọ ký, Tự thuyết, Tạo tụng, Sanh kinh, Phương đẳng, Hợp tập, Vị tằng hữu, cho đến các pháp hữu vi, pháp vô vi, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, các Pháp bảo không thể phá hoại. Đây gọi là pháp biện tài.

Thế nào là từ biện tài? Tức là có khả năng thuyết pháp tùy theo căn nguyên của chúng sanh, tùy theo từng trường hợp mà dùng lời nói có âm điệu dài hoặc ngắn, hoặc dùng lời của người nam, hoặc dùng lời của người nữ, hoặc dùng lời của Phật, lời của Bà-la-môn, trời, rồng, quỷ thần, hoặc dùng lời của a-tu-la, calưu-la, chân-đà-la để nói pháp. Đây gọi là từ biện tài.

Thế nào là ứng biện tài? Tức là khi thuyết pháp thì không có khiếp nhược, không có sợ hãi, khéo làm vui hòa bốn bộ chúng. Đó gọi là ứng biện tài.

Nay Như Lai khuyên dạy các thầy hãy như thầy Ma-ha Câu-hy-la.14 Vì sao vậy? Vì Ma-ha Câu-hy-la có đủ bốn biện tài này, có khả năng phân biệt giảng nói rộng rãi cho bốn bộ chúng. Nay Như Lai quán sát trong bốn chúng, không ai có được bốn biện tài hơn Ma-ha Câu-hy-la. Bốn biện tài này, Như Lai có đầy đủ.

Này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn biện tài này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6. BỐN ĐIỀU KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN15
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn điều không thể nghĩ bàn. Là bốn điều gì? Đó là chúng sanh không thể nghĩ bàn, thế giới không thể nghĩ bàn, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn và cảnh giới cõi Phật không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì không phải do bốn điều này mà đến được diệt tận, Niết-bàn.

Thế nào là chúng sanh không thể nghĩ bàn? Nghĩa là không thể lý giải các chúng sanh này từ đâu đến và đi về đâu? Từ đâu sanh khởi? Chết ở đây sẽ sanh về đâu? Đây gọi là chúng sanh không thể nghĩ bàn.

Thế nào là thế giới không thể nghĩ bàn? Vì những người tà kiến cho rằng: Thế giới là đoạn diệt, hoặc cho rằng thế giới là không đoạn diệt; thế giới này có giới hạn, hoặc thế giới này không có giới hạn; hoặc chấp mạng là thân; hoặc chấp chẳng phải mạng, cũng chẳng phải thân; hoặc chấp thế giới này do Phạm thiên tạo ra, hoặc do các đại quỷ thần tạo ra.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Phạm thiên tạo con người,
Quỷ thần tạo thế gian,
Hay các quỷ tạo tác,
Điều đó ai quyết được?
Phạm thiên, người, quỷ thần
Bị dục, sân trói buộc,
Tâm không được tự tại,
Phải chịu khổ thế gian.

[0657b05] Này Tỳ-kheo, đây gọi là thế giới không thể nghĩ bàn.

Thế nào là cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn? Thế nào, giọt mưa này là từ miệng rồng phun ra ư? Điều này không thể lý giải. Vì sao như vậy? Vì giọt mưa chẳng phải từ miệng rồng phun ra. Vậy thì từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra ư? Điều này cũng không thể lý giải. Vì sao vậy? Vì giọt mưa không phải là từ mắt, tai, mũi của rồng phun ra mà chỉ khi trong ý của rồng khởi niệm, dù là niệm ác hay niệm thiện đều khiến tuôn mưa. Hoặc do bản hạnh mà tạo mưa này. Vì sao như vậy? Như ở lưng chừng núi Tu-di có một vị trời tên là Đại Lực, có khả năng biết được suy nghĩ của chúng sanh. Vị trời này cũng có thể tạo mưa, nhưng mưa không từ miệng, mắt, tai, mũi của vị trời này tuôn ra mà đều do thần lực của vị trời ấy tạo ra. Thật vậy, Tỳ-kheo, cảnh giới rồng không thể nghĩ bàn.

Thế nào là cảnh giới cõi Phật không thể nghĩ bàn? Thân Như Lai là do cha mẹ tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai hấp thụ các khí trời, thanh tịnh không cấu uế.

Thân Như Lai là do con người tạo ra chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai vượt ra khỏi việc làm của con người.

Thân Như Lai là thân trời chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì thân Như Lai thì không thể tạo tác, chư thiên không thể sánh được.

Thọ mạng Như Lai là ngắn chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai có bốn thần túc.

Như Lai thọ mạng lâu dài chăng? Điều này cũng không thể nghĩ bàn. Vì sao vậy? Vì Như Lai xoay vần cùng thế gian, tương ưng với các phương tiện khéo léo.

Thân của Như Lai không thể đo lường, không thể nói cao hay thấp. Âm thanh của thế gian cũng không thể định chuẩn Phạm âm của Như Lai. Trí tuệ và biện tài của Như Lai không thể nghĩ bàn, người thế gian không thể sánh được. Đây gọi là cảnh giới cõi Phật không thể nghĩ bàn.

Như vậy, Tỳ-kheo, có bốn trường hợp này không thể nghĩ bàn, không phải là điều mà người thường tình có thể nghĩ bàn, nhưng bốn điều này cũng không phải cội gốc của việc thiện, cũng chẳng phải pháp giúp thành tựu Phạm hạnh, cũng không phải là pháp khiến đoạn trừ phiền não và cũng không đưa đến Niết-bàn. Chỉ khiến con người trở nên mê lầm, tâm ý thác loạn, khởi các nghi kiết.

0657c02] Vì sao như vậy? Các Tỳ-kheo nên biết, quá khứ xưa kia, trong thành Xá-vệ này có một người suy nghĩ như vầy: “Nay ta phải tư duy về thế giới.” Thế rồi, người kia rời khỏi thành Xá-vệ, đến bên một ao sen, ngồi kiếtgià tư duy về thế giới: “Thế giới này hình thành như thế nào? Tan hoại ra sao? Ai tạo ra thế giới này? Chúng sanh này từ đâu đến? Từ đâu xuất hiện? Sanh ra lúc nào?” Lúc người ấy đang tư duy thì thấy trong ao nước có bốn binh chủng đi ra đi vào. Người ấy liền nghĩ: “Ta nay thật mê lầm, tâm ý thác loạn. Điều ở thế gian không hề có mà nay ta lại thấy.” Thế rồi, người ấy bèn trở vào thành Xá-vệ, đến một ngõ phố, nói với mọi người: “Các Hiền giả nên biết, điều ở thế gian không hề có mà nay tôi lại thấy.”

Bấy giờ, có khá nhiều người đến hỏi người ấy: “Vì sao điều mà thế gian không hề có, nay ông lại thấy?” Người kia trả lời: “Thời gian qua, vì để tư duy về thế giới từ đâu sanh ra, tôi đã rời khỏi thành Xá-vệ, đến bên ao sen, khởi tâm tư duy: ‘Thế giới từ đâu mà có? Ai tạo ra thế giới này? Những chúng sanh này từ đâu đến? Do ai sanh ra? Sau khi qua đời sanh về chốn nào?’ Lúc đang tư duy như vậy, tôi thấy trong ao nước có bốn binh chủng đi ra đi vào. Điều ở thế gian không hề có mà nay tôi lại thấy.”

Bấy giờ, mọi người nói với ông ấy: “Cái thấy của ông quả thật mê lầm. Trong ao nước làm gì có bốn binh chủng. Ông là người mê muội nhất trong thế gian.”

Thế nên, này các Tỳ-kheo, Như Lai đã thấy rõ nghĩa lý này nên mới chỉ dạy cho các thầy. Vì sao vậy? Vì đây không phải cội gốc của việc thiện, cũng chẳng phải là pháp giúp thành tựu Phạm hạnh, cũng không phải là pháp khiến đoạn trừ phiền não, cũng không đưa đến Niết-bàn. Tư duy như vậy chỉ khiến con người trở nên mê lầm, tâm ý tán loạn.

Tuy nhiên, các Tỳ-kheo nên biết, người kia thật sự có thấy bốn binh chủng. Vì sao vậy? Bởi vì xưa kia chư thiên và a-tu-la đánh nhau. Trong trận chiến ấy, chư thiên chiến thắng, a-tu-la thất bại. Lúc đó, a-tu-la rất sợ hãi, liền biến thân thâu lại cực nhỏ và chui vào lỗ ngó sen, chỉ có mắt Phật mới thấy, người khác không thể thấy.16

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tư duy về bốn chân lý. Vì sao như vậy? Vì bốn chân lý này có ý nghĩa, có đạo lý, giúp thành tựu Phạm hạnh, là pháp mà hàng Sa-môn tu tập đạt đến Niết-bàn.

Vì vậy, này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy xa lìa các pháp thế gian, phải tìm phương tiện để tư duy bốn chân lý.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7. BỐN THẦN TÚC17
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn loại thần túc. Là bốn loại nào? Đó là tự tại tam-muội hành tận thần túc, tâm tam-muội hành tận thần túc, tinh tấn tam-muội hành tận thần túc và giới tam-muội hành tận thần túc.

Thế nào là tự tại tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là những ai đạt được tam-muội này sẽ tự tại đối với lòng mong cầu, tâm ưa thích; có khả năng khiến thân thể nhẹ nhàng, có khả năng biến thân cực nhỏ. Đây là thần túc thứ nhất.

Thế nào là tâm tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là tâm nhận biết pháp trùm khắp mười phương, có thể xuyên qua vách đá, không gì trở ngại. Đây là tâm tam-muội hành tận thần túc.

Thế nào là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là người đạt tammuội này thì không còn biếng nhác, cũng không sợ hãi, ý chí dũng mãnh. Đây gọi là tinh tấn tam-muội hành tận thần túc.

Thế nào là giới tam-muội hành tận thần túc? Nghĩa là người đạt được tammuội này, có khả năng biết được tất cả niệm tưởng sanh diệt trong tâm chúng sanh, biết được người ấy có tâm tham hay không tâm tham, có tâm sân hay không tâm sân, có tâm si hay không tâm si, có tâm đố kỵ hay không có tâm đố kỵ, có tâm loạn động hay không có tâm loạn động, có tâm nhỏ hẹp hay không có tâm nhỏ hẹp, có tâm rộng lớn hay không có tâm rộng lớn, có tâm tính toán hay không có tâm tính toán, có tâm an định hay không có tâm an định, có tâm giải thoát hay không có tâm giải thoát, tất cả đều biết rõ. Đây gọi là giới tammuội hành tận thần túc.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn loại thần túc. Nếu muốn biết tâm niệm của tất cả chúng sanh thì hãy tu hành bốn thần túc này!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8. ĐẮM TRƯỚC TỨ SỰ18
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Có bốn nguyên nhân khiến tâm ái sanh khởi. Như khi Tỳ-kheo khởi tâm ưa thích thì tâm ái sanh khởi. Đó là bốn nguyên nhân nào? Tỳ-kheo do duyên với y phục nên ái sanh khởi; do duyên với khất thực nên ái sanh khởi; do duyên với chỗ nằm, ngồi nên ái sanh khởi; do duyên với thuốc thang nên ái sanh khởi. Này các Tỳ-kheo, đây gọi là có bốn nguyên nhân khiến tâm ái sanh khởi và có đắm trước.

[0658b03] Nếu có Tỳ-kheo đắm trước y phục thì Như Lai không hoan hỷ với người này. Vì sao như vậy? Vì khi không được y phục, người ấy liền sanh tâm sân hận, khởi niệm đắm trước.

Nếu có Tỳ-kheo đắm trước thức ăn thì Như Lai không hoan hỷ với người này. Vì sao vậy? Vì khi khất thực chưa được thức ăn, người ấy liền sanh tâm sân hận, khởi niệm đắm trước.

Nếu có Tỳ-kheo đắm trước chỗ nằm, chỗ ngồi thì Như Lai không hoan hỷ với người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được chỗ nằm, chỗ ngồi, người ấy liền sanh tâm sân hận, khởi niệm đắm trước.

Nếu có Tỳ-kheo đắm trước vị thuốc tốt thì Như Lai không hoan hỷ với người này. Vì sao vậy? Vì khi chưa được vị thuốc tốt, người ấy liền sanh tâm sân hận, khởi niệm đắm trước.

Các Tỳ-kheo nên biết, nay Như Lai sẽ nói đến trường hợp nên thân cận và không nên thân cận đối với y phục.

Trường hợp nào thì nên thân cận? Trường hợp nào không nên thân cận? Nếu khi được y phục, vì quá đắm trước y phục mà khởi pháp bất thiện, vậy thì không nên thân cận. Nếu khi được y phục mà khởi pháp thiện, tâm không đắm trước, vậy thì nên thân cận. Nếu khi khất thực mà khởi pháp bất thiện, vậy thì không nên thân cận. Nếu khi khất thực mà khởi pháp thiện, vậy thì nên thân cận. Nếu được chỗ nằm, chỗ ngồi mà khởi pháp bất thiện, vậy thì không nên thân cận. Nếu được chỗ nằm, chỗ ngồi mà khởi pháp thiện, vậy thì nên thân cận. Đối với thuốc thang cũng giống như vậy.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy thân cận pháp thiện, trừ bỏ pháp ác.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo, các thầy hãy học tập điều này để giúp đàn-việt thí chủ kia có được công đức, hưởng phước vô cùng, nếm vị giải thoát.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Được cúng dường y phục,
Cùng những thứ cần dùng,
Với chúng hãy thong dong,19
Không sanh vào muôn cõi.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9. CON DÒNG HỌ THÍCH20
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn dòng sông lớn được bắt nguồn từ hồ A-nậu-đạt.21 Là bốn dòng sông nào? Đó là dòng sông Hằng-già,22 sông Tân-đầu,23 sông Bà-xoa24 và sông Tư-đà.25 Nước sông Hằng-già kia bắt nguồn từ Ngưu Đầu khẩu26 chảy về hướng Đông. Sông Tân-đầu bắt nguồn từ Sư Tử khẩu27 chảy về hướng Nam. Sông Tư- đà bắt nguồn từ Tượng khẩu28 chảy về hướng Tây. Sông Bà-xoa bắt nguồn từ Mã khẩu29 chảy về hướng Bắc.

[0658c04] Bấy giờ, bốn dòng sông lớn vây quanh ao A-nậu-đạt, dòng Hằnggià chảy vào biển Đông, dòng Tân-đầu chảy vào biển Nam, dòng Bà-xoa chảy vào biển Tây và dòng Tư-đà chảy vào biển Bắc.30 Khi bốn dòng sông lớn này đã chảy vào biển thì không còn tên gọi trước kia nữa mà chỉ gọi chung là biển.

Ở đây cũng vậy, có bốn dòng họ. Là bốn dòng họ nào? Đó là dòng họ Sát- đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá và Thủ-đà-la. Nếu người nào đã phát nguyện cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo, làm đệ tử Như Lai thì không còn dòng họ cũ, chỉ còn gọi là Sa-môn dòng họ Thích-ca. Vì sao vậy? Vì Tăng đoàn của Như Lai ví như biển lớn, bốn chân lý ví như bốn dòng sông lớn, diệt trừ kiết sử, vào được thành trì Niết-bàn vô úy.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, những ai trong bốn dòng họ phát nguyện cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo với lòng tin kiên cố, người ấy sẽ từ bỏ tên họ trước kia, tự xưng là đệ tử Thích-ca. Vì sao như vậy? Vì Như Lai hiện nay chính là con của dòng họ Thích-ca, xuất thân từ dòng họ Thích mà xuất gia học đạo.

Các Tỳ-kheo nên biết! Muốn nói đến ý nghĩa của đứa con được sanh ra, nên gọi là Sa-môn con dòng họ Thích. Vì sao vậy? Vì các Sa-môn đều do Như Lai sanh ra, từ pháp mà phát khởi, từ pháp mà hình thành.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để được làm con dòng họ Thích.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10. BỐN PHẠM ĐƯỜNG31
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn tâm vô lượng. Là bốn tâm nào? Đó là tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả.

Vì sao bốn loại tâm đó được gọi là bốn Phạm đường? Tỳ-kheo nên biết, có Phạm thiên, Đại Phạm thiên, không ai sánh bằng, không có ai vượt hơn, thống lãnh ngàn cõi nước, nhà của vị ấy gọi là Phạm đường. Này các Tỳ-kheo, bốn Phạm đường này rất có uy lực, vì có thể quan sát khắp ngàn cõi nước, cho nên được gọi là Phạm đường.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu có Tỳ-kheo hoặc bốn bộ chúng nào muốn vượt qua trời cõi dục để lên cõi vô dục thì phải tìm cầu phương tiện thành tựu bốn Phạm đường này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.32

***

Chú thích
1 Nguyên tác: Khổ lạc phẩm 苦樂品 (T.02. 0125.29. 0655a05).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.1. 0655a06)
3 Nguyên tác: Phân đàn bố thí (分檀布施). Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Phân đoạn bố thí (分段布施). Chú giải EĀ. 29.1 của Đài Đại Sư Tử Hống Phật học chuyên trạm (台大獅子吼佛學專站) cho rằng sửa sang, bày biện vật thực để bố thí (分送物資而布施)
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.2. 0656a06).
5 Nguyên tác: Công đức (功德).
6 Nguyên tác: Chung bất năng đắc (終不能得).
7 Nguyên tác: Duy Dụ Tỳ-kheo (唯喻比丘). Trường hợp vị Tỳ-kheo tuy chứng A-la-hán nhưng mãi luôn đói khổ, đến lúc sắp chết mới được no bụng một lần, được ghi nhận trong Soạn tập Bách duyên kinh 撰集百緣經 (T.04. 0200.94. 0251b29-0252b16), gọi là Tỳ-kheo Lê-quân-chi (梨軍支, S. Lekuñcikaḥ). Trong Chuyện tiền thân, số 41 (J. I. 234), gọi là Tỳ-kheo Losakatissa.
8 Nguyên tác: Thi-ba-la (尸波羅).
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.3. 0656a29).
10 Nguyên tác: Đa-tát-a-kiệt (多薩阿竭), phiên âm của Như Lai (如來, Tathāgata).
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.4. 0656c09). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02.0099.371. 0101c25); S. 12.11 - II. 11.
12 Nguyên tác: Cánh lạc thực (更樂食).
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.5. 0656c26).
14 Ma-ha Câu-hy-la (摩訶拘絺羅, Mahākoṭṭhita), vị được Phật khen là Biện tài đệ nhất.
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.6. 0657a18). Tham chiếu: A. 4.77 - II. 80.
16 Câu chuyện 4 binh chủng đi vào trong đóa sen cũng được ghi nhận trong S. 56.41 - V. 446.
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.7. 0658a05). Tham chiếu: S. 51.11 - V. 254.
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.8. 0658a27). Tham chiếu: A. 4.9 - II. 10.
19 Nguyên tác: Ư trung mạc khởi ái (於中莫起愛).
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.9. 0658b26).
21 A-nậu-đạt (阿耨達, Anotatta) còn được gọi là A-na-đà-đáp-đa (阿那陀答多), A-na-a-đạt-đa (阿那阿達多), A-na-bà-đạt-đa (阿那婆達多), A-na-bà-đáp-đa (阿那婆答多), dịch là Vô Nhiệt (無熱), Vô Nhiệt Não (無熱惱), nghĩa là không bị sức nóng làm cho khổ não. Suối A-nậu-đạt (阿耨達泉) là nguồn của 4 con sông lớn (四河): sông Hằng-già (恆伽河, S. = P. Gaṅgā), sông Tân-đầu (辛頭河, S. Sindhu), sông Bà-xoa (婆叉河, S. Vaksu), sông Tư-đà (私陀河, S. = P. Sītī).
22 Hằng-già (恒伽, S. = P. Gaṅgā): Sông Hằng, con sông linh thiêng ở Ấn Độ.
23 Tân-đầu (新頭, S. Sindhu).
24 Bà-xoa (婆叉, S. Vaksu) còn gọi là sông Phược-sô (嚩芻), Bà-thâu (婆輸), Hòa-xoa (和叉).
25 Tư-đà (斯陀, S. = P. Sītī) còn gọi là sông Đà (陀河), Tư-đà (斯陀) Tư-đa-hà (斯多), Tất-đà (悉陀).
26 Ngưu Đầu khẩu (牛頭口, Usabhamukha).
27 Sư Tử khẩu (師子口, Sīhamukha).
28 Tượng khẩu (象口, Hatthimukha).
29 Mã khẩu (馬口, Assamukha).
30 Tham chiếu: Thế ký kinh 世記經 (T.01. 0001.30.1. 0116c16).
31 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.29.10. 0658c18).
32 Bản Hán, hết quyển 21.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.