Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

28. PHẨM THANH VĂN1

 

1. ĐỘ BẠT-ĐỀ, NAN-ĐÀ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

[0647a01] Bấy giờ, có bốn vị đại Thanh văn là Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, Tôn giả Ca-diếp, Tôn giả A-na-luật, Tôn giả Tân-đầu-lô, cùng nhóm họp một chỗ và bàn với nhau:

– Chúng ta cùng nhau quán sát trong thành La-duyệt này xem có người nào không biết tạo công đức cúng dường Phật, Pháp, Thánh chúng, chỉ vì họ không có tín tâm. Chúng ta hãy đến khuyên bảo, khiến họ tin theo pháp của Như Lai.

Bấy giờ, có vị trưởng giả tên là Bạt-đề, tiền bạc của cải nhiều không kể xiết; vàng bạc, trân bảo, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách, voi, ngựa, xe cộ, nô tỳ, kẻ hầu người hạ đều có đầy đủ, nhưng lại bỏn xẻn không chịu bố thí. Đối với Phật, Pháp, chúng Tăng, ông không gieo chút thiện duyên gì, cũng chẳng hề kính tin, phước cũ đã dùng hết, lại không biết tạo phước mới. Ông ấy thường chấp giữ tà kiến, cho rằng không có bố thí, không có phước đức, cũng không có người nhận, cũng không có quả báo thiện ác đời này và đời sau, cũng không có cha mẹ và người chứng đắc A-la-hán, lại cũng không có quả vị để chứng đắc. Nhà trưởng giả ấy có bảy lớp cửa, mỗi lớp cửa đều có người canh giữ không cho kẻ xin ăn đến. Ông ta lại còn dùng lưới sắt vây trùm khắp sân, vì sợ chim bay vào.

Trưởng giả này có người chị tên là Nan-đà, tánh tình cũng bỏn xẻn không chịu bố thí, không biết gieo trồng cội rễ công đức, phước cũ đã hưởng hết mà không chịu tạo thêm phước mới. Bà ta cũng chấp giữ tà kiến, cho rằng không có bố thí, không có phước đức, cũng không có người nhận, cũng không có quả báo thiện ác đời này và đời sau, cũng không có cha mẹ hay người chứng đắc A-la-hán, lại cũng không có quả vị để chứng đắc. Cửa nhà bà Nan-đà cũng có bảy lớp, cũng có người canh giữ không cho những kẻ xin ăn đến; lại còn dùng lồng lưới sắt vây phủ lên trên, không cho chim bay vào trong nhà.

Bốn vị Tôn giả bàn với nhau:  Hôm nay, chúng ta hãy khiến cho Nan-đà kính tin Phật, Pháp, chúng Tăng. ấy giờ, vào lúc sáng sớm, trưởng giả Bạt-đề đang ngồi ăn bánh. Khi ấy, Tôn giả A-na-luật đúng giờ đắp y, ôm bát, rồi từ dưới lòng đất trong nhà trưởng giả vọt lên, chìa bát cho trưởng giả. Lúc này, trưởng giả rất buồn phiền, đặt vào bát Tôn giả A-na-luật một ít bánh. Tôn giả A-na-luật được bánh rồi, liền trở về trụ xứ.

Bấy giờ, trưởng giả liền sanh tức giận, mắng người giữ cửa:

– Ta đã có lệnh không để cho ai vào trong nhà. Tại sao các ông lại cho người vào?

Người canh cửa thưa:

– Cửa nẻo rất kiên cố, không biết Đạo sĩ này vào bằng đường nào?

Bấy giờ, ông trưởng giả lặng thinh không nói.

[0647b01] Ăn bánh xong, trưởng giả lại ăn tiếp thịt cá. Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp đắp y, ôm bát, đến nhà trưởng giả, từ dưới đất vọt lên, chìa bát về phía trưởng giả. Trưởng giả lòng rất buồn phiền, đành sớt cho Tôn giả một ít thức ăn. Ca-diếp được thức ăn rồi liền biến mất, trở về trụ xứ.

Lúc này, trưởng giả lại càng tức giận hơn trước, mắng người canh cửa:

– Từ trước ta đã ra lệnh không cho người vào trong nhà. Tại sao các ngươi lại để hai Sa-môn vào nhà khất thực?

Người canh cửa thưa:

– Chúng tôi không biết các Sa-môn này vào nhà bằng đường nào nữa?

Trưởng giả bảo:

– Sa-môn đầu trọc này khéo dùng huyễn thuật để mê hoặc người thế gian, thật không có chánh hạnh!

Bấy giờ, vợ trưởng giả ngồi cách đó không xa trông thấy hết mọi việc. Người vợ này là em của trưởng giả Chất-đa,3 được cưới về từ Ma-sư-san.4 Lúc đó, người vợ nói với trưởng giả:

– Ông hãy giữ gìn khẩu nghiệp, chớ nói các Sa-môn học huyễn thuật. Vì sao? Bởi vì các Sa-môn này có oai thần lớn. Họ mà đến nhà là có nhiều lợi ích cho ông. Trưởng giả! Ông có biết vị Tỳ-kheo đến trước là ai không?

Trưởng giả đáp:

– Tôi không biết.

Người vợ nói:

– Trưởng giả có nghe nói về con trai Vua Hộc Tịnh, nước Ca-tỳ-la-vệ, tên là A-na-luật, ngay khi vừa chào đời thì mặt đất sáu lần rúng động, chung quanh hoàng cung trong vòng một do-tuần có các kho báu tự nhiên hiện ra hay không?

Trưởng giả đáp:

– Tôi có nghe nói A-na-luật nhưng chưa được gặp.

Người vợ nói với trưởng giả:

– Người con trai nhà hào tộc này đã rời xa gia đình để xuất gia học đạo, tu hành Phạm hạnh, chứng A-la-hán, là vị có thiên nhãn bậc nhất không ai hơn được. Chính Như Lai cũng nói: “Trong hàng đệ tử của Ta, người có thiên nhãn bậc nhất là Tỳ-kheo A-na-luật.” Lại nữa, ông có biết vị Tỳ-kheo thứ hai vào nhà mình khất thực là ai không?

Trưởng giả đáp:

– Tôi không biết.

Người vợ trưởng giả bảo:

– Trưởng giả! Ông có nghe trong thành La-duyệt này có vị đại Phạm chí tên Ca-tỳ-la5 của cải rất nhiều, không thể kể hết, có đến chín trăm chín mươi chín con bò cày ruộng không?

Trưởng giả đáp:

– Tôi có biết Phạm chí này.

Người vợ trưởng giả nói tiếp:

– Trưởng giả! Ông có nghe nói con trai của vị Phạm chí này tên là Tỷ-ba-lada-đàn-na,6 thân thể có màu vàng ròng, có vợ sắp cưới tên là Bà-đà,7 là người đẹp nhất trong phái nữ không? Giả sử đem vàng tử-ma8 đến đặt trước cô ấy thì cũng giống như đem sắc đen mà so với sắc trắng.

Trưởng giả đáp:

– Tôi có nghe vị Phạm chí này có con trai tên là Tỷ-ba-la-da-đàn-na, nhưng lại chưa gặp.

[0647c02] Người vợ trưởng giả nói:

– Chính là vị Tỳ-kheo đến sau vừa rồi đó. Ông ấy đã từ bỏ ngọc nữ quý báu này để xuất gia học đạo, nay đã chứng đắc A-la-hán, thường hành hạnh Đầu-đà. Người có đầy đủ các pháp hạnh Đầu-đà, không ai vượt hơn Tôn giả Đại Ca-diếp này. Thế Tôn cũng nói: “Trong hàng đệ tử của Ta, Tỳ-kheo hành hạnh Đầu-đà9  bậc nhất chính là Ðại Ca-diếp.” Hôm nay, trưởng giả được rất nhiều lợi lành mới khiến các vị Hiền thánh đến nơi này khất thực. Tôi đã quán biết được nghĩa lý này, cho nên mới khuyên ông khéo giữ gìn khẩu nghiệp, chớ phỉ báng bậc Hiền thánh, chớ nói rằng họ làm trò huyễn thuật. Ông nên khen ngợi các vị đệ tử của đức Phật Thích-ca đều có phẩm đức trong sạch.

Bấy giờ, lại có Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đắp y, ôm bát, phi thân lên hư không bay đến nhà trưởng giả, phá bỏ lưới sắt rồi ngồi kiết-già ở giữa hư không. Trưởng giả Bạt-đề thấy Tôn giả Mục-kiền-liên ngồi giữa hư không, liền sợ hãi nói:

– Ngài là trời chăng?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Tôi không phải trời.

– Ngài là càn-thát-bà chăng?

– Tôi không phải càn-thát-bà.

– Ông là quỷ ư?

– Tôi chẳng phải quỷ.

– Ông là quỷ la-sát ăn thịt người chăng?

– Tôi cũng không phải là quỷ la-sát ăn thịt người.

Bấy giờ, trưởng giả Bạt-đề liền nói bài kệ:

Là trời, càn-thát-bà,
La-sát, quỷ thần chăng?
Đáp rằng chẳng phải trời,
La-sát, hay quỷ thần.
Không giống càn-thát-bà,
Nơi du hành đến đi,
Vậy ông tên là gì,
Nay tôi muốn được biết?

Bấy giờ, Tôn giả Mục-kiền-liên lại dùng kệ đáp:

Không phải trời, càn-thát,
Cũng chẳng phải la-sát,
Ta đây là thân người,
Ba đời được giải thoát.
Khéo hàng phục chúng ma,
Thành tựu đạo Vô thượng,
Thích-ca là Thầy ta.

Ta tên Đại Mục-liên.

Bấy giờ, trưởng giả Bạt-đề nói với Tôn giả Mục-liên:

– Tỳ-kheo có điều gì dạy bảo tôi không?

Tôn giả Mục-kiền-liên đáp:

– Nay tôi muốn nói pháp cho ông nghe, hãy khéo ghi nhớ.

Khi ấy, trưởng giả lại nghĩ: “Các Đạo sĩ này lúc nào cũng để tâm đến việc ăn uống. Nay muốn luận bàn, chắc sẽ luận bàn về việc ăn uống mà thôi. Nếu xin ta thức ăn thì ta sẽ nói ‘không.’” Rồi ông ấy lại nghĩ: “Dù sao hôm nay ta cũng nên nghe thử xem người này nói điều gì.”

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên biết được tâm niệm của trưởng giả, liền nói bài kệ:

Như Lai nói hai thí,
Pháp thí và tài thí,
Nay tôi nói pháp thí,
Ông thành ý lắng nghe.

[0648a08] Khi ông trưởng giả nghe Tôn giả Mục-kiền-liên nói sẽ giảng về pháp thí thì trong lòng rất vui và thưa với Tôn giả Mục-liên:

– Mong thầy diễn nói. Tôi sẽ lắng nghe và hiểu rõ.

Mục-liên đáp:

– Trưởng giả nên biết, Như Lai nói về năm sự bố thí lớn, suốt đời hãy ghi nhớ tu hành.

Khi ấy, trưởng giả lại nghĩ: “Tôn giả Mục-liên vừa rồi muốn nói đến pháp thí, sao bây giờ lại nói có năm sự bố thí lớn?”

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên biết được tâm niệm của trưởng giả, liền nói với trưởng giả:

– Như Lai nói có hai sự bố thí lớn, đó là pháp thí và tài thí. Nay tôi sẽ nói về pháp thí, không nói đến tài thí.

Trưởng giả liền hỏi: – Thế nào là năm sự bố thí lớn?

Tôn giả Mục-liên đáp:

– Một là, không được sát sanh, đây gọi là bố thí lớn, trưởng giả nên suốt đời hành trì. Hai là, không trộm cướp, đây gọi là bố thí lớn, trưởng giả nên suốt đời hành trì. Ba là, không tà dâm. Bốn là, không nói dối. Năm là, không uống rượu, trưởng giả nên suốt đời hành trì. Này trưởng giả, đó gọi là có năm sự bố thí lớn, cần phải nhớ nghĩ mà hành trì.

Trưởng giả Bạt-đề nghe những lời này xong, lòng rất hoan hỷ, tự nghĩ: “Lời đức Phật Thích-ca nói rất là vi diệu. Những giới điều được giảng nói hôm nay không cần dùng đến của báu. Như hôm nay Phật bảo không được sát sanh, điều này ta có thể phụng hành. Vả lại, nhà ta của cải rất nhiều, chắc chắn sẽ không trộm cướp, đây cũng là việc làm của ta. Lại nữa, trong nhà ta đã có phụ nữ tuyệt đẹp nên nhất định không tà dâm, đây cũng là việc làm của ta. Ta không thích người nói dối, huống gì tự mình nói dối, đây cũng là việc làm của ta. Nay ta không hề nghĩ đến rượu, huống chi tự mình uống, đây cũng là việc làm của ta.” Thế rồi, trưởng giả thưa với Tôn giả Mục-liên:

– Tôi có thể thực hành theo năm điều bố thí này.

Bấy giờ, trưởng giả thầm nghĩ: “Nay ta nên mời Tôn giả Mục-liên dùng cơm.” Trưởng giả liền ngẩng đầu lên mời Tôn giả Mục-liên:

– Thỉnh thầy hạ cố an tọa dưới này!

[0648b01] Tôn giả Mục-liên liền hiện thân xuống và an tọa.

 Bấy giờ, trưởng giả Bạt-đề đích thân bày biện các món ăn thức uống dâng cúng Tôn giả Mục-liên. Tôn giả Mục-liên thọ thực xong, lấy nước rửa tay. Trưởng giả lại nghĩ: “Ta nên đem một tấm dạ để cúng dường Tôn giả Mụcliên.” Rồi ông vào kho chọn một tấm dạ trắng,10 định lấy loại xấu, nhưng lại cầm đúng tấm dạ tốt nên ông ấy bỏ lại và lựa tấm khác, nhưng vẫn cầm đúng tấm tốt, ông ấy lại bỏ để chọn tấm khác.

Mục-liên biết được tâm niệm của trưởng giả, bèn nói bài kệ:

Thí với tâm so đo,
Phước này Thánh hiền bỏ,
Khi thí chớ cân đo,
Đúng thời tùy tâm thí.

Bấy giờ, trưởng giả liền nghĩ: “Tôn giả Mục-liên đã biết được tâm niệm của ta.” Thế rồi, ông liền dâng tấm dạ trắng cúng dường Tôn giả Mục-liên. Khi ấy Tôn giả Mục-liên chú nguyện:

Xét rằng, thí bậc nhất,
Là biết hàng Thánh nhân,
Thí này là hơn cả,
Ruộng tốt sanh quả lành.

Khi chú nguyện xong, Tôn giả Mục-liên nhận lấy tấm dạ trắng ấy, khiến trưởng giả được phước vô cùng. Bấy giờ, trưởng giả liền ngồi qua một bên. Tôn giả Mục-liên lần lượt diễn nói pháp vi diệu cho ông ấy nghe. Như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, xuất ly là an vui. Tôn giả Mục-liên bấy giờ cũng đem những giáo pháp mà chư Phật, Thế Tôn đã nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói lại tường tận cho trưởng giả. Bấy giờ, ngay tại chỗ ngồi, trưởng giả ấy được Pháp nhãn thanh tịnh. Như tấm lụa mới trắng tinh, rất dễ nhuộm màu; cũng vậy, trưởng giả Bạt-đề ngay tại chỗ ngồi được Pháp nhãn thanh tịnh. Ông đã thấy pháp, đắc pháp, thấu rõ pháp ấy, không còn hoài nghi, xin trì năm giới, quy y Tam bảo là Phật, Pháp và Thánh chúng.

Sau khi thấy trưởng giả đã được Pháp nhãn thanh tịnh, Tôn giả Mục-liên liền nói kệ này:

Kinh giáo Như Lai thuyết,
Căn nguyên thảy vẹn toàn,
Mắt tịnh, không chút nhiễm,
Không do dự, nghi nan.

Khi ấy, trưởng giả kính thỉnh Tôn giả Mục-liên:

– Từ nay về sau, kính xin Tôn giả và bốn bộ chúng hãy thường xuyên nhận lời thỉnh cầu của con. Con xin cung cấp y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh mà không chút hối tiếc.

Sau khi nói pháp cho trưởng giả xong rồi, Tôn giả Mục-liên đứng dậy rời đi.

Bấy giờ, hai đại Thanh văn là Tôn giả Đại Ca-diếp và Tôn giả A-na-luật nói với Tôn giả Tân-đầu-lô:

– Chúng tôi đã độ trưởng giả Bạt-đề. Nay thầy hãy đến hàng phục lão bà Nan-đà kia.

[0648c01] Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

– Việc này rất ý nghĩa.

Bấy giờ, lão bà Nan-đà đang tự tay làm bánh sữa. Đúng thời, Tôn giả Tânđầu-lô đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, tuần tự đến nhà lão bà Nanđà. Tôn giả từ dưới lòng đất vọt lên, tay cầm chiếc bát đưa đến trước mặt lão bà Nan-đà để khất thực. Khi thấy Tôn giả Tân-đầu-lô, lão bà nổi cơn tức giận, buông lời mắng nhiếc:

– Tỳ-kheo nên biết! Dù ông có nài nỉ đến lòi con mắt, tôi cũng không bao giờ cho ông thức ăn.

Tôn giả Tân-đầu-lô liền nhập định khiến hai mắt lòi ra. Khi đó, lão bà Nanđà lại càng thêm tức giận, buông lời thậm tệ:

– Dù Sa-môn ông có treo ngược thân giữa hư không, tôi cũng quyết không cho ông thức ăn!

Tôn giả Tân-đầu-lô lại dùng định lực treo ngược thân ở giữa hư không. Khi đó, lão bà Nan-đà nổi giận gấp bội, buông lời hung ác:

– Dù toàn thân Sa-môn ông có bốc khói, tôi cũng nhất định không cho ông thức ăn!

Tôn giả Tân-đầu-lô lại dùng định lực khiến toàn thân bốc khói. Lão bà thấy vậy, càng thêm giận dữ nói:

– Dù toàn thân Sa-môn có bốc cháy, tôi đây cũng dứt khoát không cho ông thức ăn!

Tôn giả Tân-đầu-lô liền dùng định lực khiến toàn thân mình bốc cháy.

Lão bà thấy vậy, lại nói:

– Dù toàn thân Sa-môn có ra nước, tôi cũng cương quyết không cho ông thức ăn!

Tôn giả Tân-đầu-lô lại dùng định lực khiến khắp thân tuôn nước.

Lão bà thấy vậy, lại nói:

– Dù Sa-môn ông có chết trước mặt tôi, tôi cũng nhất định không cho ông thức ăn!

Bấy giờ, Tôn giả Tân-đầu-lô liền nhập Diệt tận định, không còn hơi thở ra vào, chết trước mặt lão bà. Lão bà thấy Tôn giả đã tắt thở, lòng rất sợ hãi, toàn thân nổi gai ốc, nghĩ thầm: “Sa-môn dòng họ Thích này được nhiều người biết đến, quốc vương cũng kính trọng. Nếu họ nghe tin ông ấy chết tại nhà ta thì chắc chắn ta phải đi hầu quan, sợ là không tránh khỏi liên lụy.” Thế rồi bà ta liền nói:

– Sa-môn hãy tỉnh lại đi! Tôi sẽ cho ông thức ăn.

Tôn giả Tân-đầu-lô liền xuất định. Khi ấy, lão bà Nan-đà lại nghĩ: “Cái bánh này lớn quá. Ta nên làm lại cái nhỏ hơn để cho ông ấy.” Thế là lão bà lấy một ít bột gạo để làm cái bánh khác, nhưng cái bánh càng lớn hơn trước. Lão bà thấy vậy, lại nghĩ: “Bánh này lớn quá! Phải làm cái nhỏ lại.” Thế nhưng cái bánh mới làm lại càng lớn hơn. Bà nghĩ: “Nên lấy cái làm đầu tiên để cho.” Nhưng khi bà lấy chiếc bánh đầu tiên thì các chiếc bánh lại dính vào nhau. Lúc này, lão bà Nan-đà nói với Tôn giả Tân-đầu-lô:

– Thầy Tỳ-kheo, ông cần ăn thì tự lấy mà ăn. Đâu cần phải phiền toái nhau thế!

[0649a03] Tôn giả Tân-đầu-lô đáp:

– Đại tỷ nên biết, tôi không cần thức ăn, chỉ muốn nói vài lời với lão bà mà thôi!

Lão bà Nan-đà nói:

– Tỳ-kheo muốn khuyên bảo điều gì?

Tôn giả Tân-đầu-lô nói:

– Lão bà nên biết, nay bà hãy mang bánh này đến chỗ Thế Tôn. Nếu Thế Tôn dạy bảo điều gì, chúng ta sẽ cùng làm theo.

Lão bà đáp:

– Việc này rất thú vị! Thế rồi, lão bà tự mình mang bánh theo sau Tôn giả Tân-đầu-lô đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, Tôn giả đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng sang một bên. Bấy giờ, Tôn giả Tân-đầu-lô bạch Thế Tôn:

– Lão bà Nan-đà này là chị của trưởng giả Bạt-đề, tánh tình ích kỷ, tham ăn một mình, không chịu bố thí. Kính xin Thế Tôn nói pháp phát khởi tín tâm, giúp bà ta được khai mở.

Khi ấy, Thế Tôn nói với lão bà Nan-đà:

– Bà hãy mang bánh đến cúng cho Như Lai và các Tỳ-kheo!

Lão bà Nan-đà liền dâng bánh cúng dường Như Lai và các vị Tỳ-kheo khác. Nhưng rồi bánh vẫn còn dư. Lão bà Nan-đà bạch Thế Tôn:

– Số bánh vẫn còn dư.

Thế Tôn bảo:

– Cúng dường lần nữa cho Phật và Tỳ-kheo-tăng!

Lão bà Nan-đà vâng lời Phật dạy, đem bánh cúng dường lần nữa cho Phật và chúng Tỳ-kheo. Nhưng rồi bánh vẫn còn dư. Đức Phật lại bảo lão bà Nan-đà:

– Nay bà hãy đem số bánh này cúng cho chúng Tỳ-kheo-ni và chúng ưubà-tắc, ưu-bà-di!

Thế nhưng bánh vẫn còn. Thế Tôn lại bảo:

– Hãy đem số bánh này bố thí cho những người nghèo khổ! Nhưng rồi bánh vẫn còn dư. Thế Tôn lại bảo:

– Hãy đem số bánh này để nơi đất sạch, hoặc cho vào trong nước thật sạch. Sở dĩ làm như vậy, bởi vì Như Lai chắc chắn không tìm thấy Sa-môn, Bà-lamôn, trời hay người nào có thể tiêu hết số bánh này, ngoại trừ Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác.

Bà thưa:

– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Khi ấy, lão bà Nan-đà liền đem số bánh này thả vào trong nước sạch, ngay lập tức lửa bùng lên. Lão bà Nan-đà thấy vậy, lòng rất sợ hãi, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn tuần tự nói pháp cho bà nghe, như là luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, phiền não là nhiễm ô, giải thoát là thiết yếu. Bấy giờ, Thế Tôn nhận thấy lão bà Nan-đà tâm ý đã khai mở, liền đem giáo pháp mà chư Phật, Thế Tôn thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói tường tận cho bà nghe.

[0649b02] Sau khi nghe pháp, ngay tại chỗ ngồi, lão bà được Pháp nhãn thanh tịnh. Như tấm vải trắng rất dễ nhuộm màu, cũng vậy, bà ấy bấy giờ đã dứt sạch trần cấu, được Pháp nhãn thanh tịnh. Bà ta đã đắc pháp, thành tựu pháp, không còn hồ nghi, vượt thoát do dự, được vô sở úy, liền phụng sự Tam bảo, thọ trì năm giới.

Bấy giờ, Thế Tôn giảng nói pháp lần nữa, khiến bà phát tâm hoan hỷ. Lão bà Nan-đà khi ấy bạch Thế Tôn:

– Từ nay về sau, xin Thế Tôn cho bốn bộ chúng đến nhà con nhận cúng dường. Từ giờ trở đi, con luôn hành bố thí, tu các công đức, phụng thờ Hiền thánh.

Sau đó, bà từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi rời đi.

Trưởng giả Bạt-đề và lão bà Nan-đà có người em trai tên Ưu-bà-ca-ni, là bạn thân với Vua A-xà-thế từ thuở nhỏ, hai người rất quý mến nhau. Bấy giờ, trưởng giả Ưu-bà-ca-ni đang canh tác ruộng nương, nghe tin anh Bạt-đề và chị Nan-đà đã được Như Lai giáo hóa nên thân tâm ông hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, suốt bảy ngày liền không thể ngủ nghỉ cũng chẳng ăn uống được. Sau khi công việc đồng áng đã xong, trưởng giả Ưu-bà-ca-ni quay về thành La-duyệt. Trên đường đi, ông nghĩ thầm: “Nay ta nên đến chỗ Thế Tôn trước, sau đó mới về nhà.” Thế rồi trưởng giả bèn đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, trưởng giả bạch Thế Tôn:

–Anh Bạt-đề cùng chị Nan-đà [của] con đã được Như Lai giáo hóa rồi chăng?

Thế Tôn bảo: – Đúng vậy, trưởng giả! Nay Bạt-đề và Nan-đà đã thấy được bốn sự thật và tu các pháp lành.

Trưởng giả Ưu-bà-ca-ni bạch Thế Tôn:

– Gia đình chúng con đã được lợi ích rất lớn.

Thế Tôn bảo:

– Thật vậy, này trưởng giả! Đúng như lời ông nói. Nay cha mẹ ông được lợi ích rất lớn, đã gieo phước đời sau.

Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Trưởng giả nghe xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra. Trưởng giả đi đến chỗ Vua A-xà-thế và ngồi một bên.

Vua hỏi trưởng giả:

– Anh và chị của khanh đã được Như Lai giáo hóa rồi ư?

Trưởng giả tâu:

– Đúng vậy, Đại vương!

Vua nghe lời này, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, liền gióng chuông trống truyền lệnh khắp trong thành: “Từ nay trở về sau, những nhà nào không thờ Phật thì phải nộp thuế. Còn những ai phụng sự Phật thì được chào đón khi đến, lúc đi được tiễn đưa, bởi vì họ là anh em đồng đạo với trẫm.”

[0649c02] Bấy giờ, Vua A-xà-thế ban cho trưởng giả Ưu-bà-ca-ni nhiều đồ ăn thức uống. Trưởng giả suy nghĩ: “Ta chưa bao giờ nghe Thế Tôn chỉ dạy hàng ưu-bà-tắc nên ăn thức ăn như thế nào? Nên uống loại thức uống như thế nào? Nay ta nên đến chỗ Thế Tôn trước để hỏi vấn đề này, sau đó mới ăn.” Trưởng giả liền bảo một người hầu cận:

– Ông hãy đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật, rồi trình bạch lời của ta lên Thế Tôn rằng: “Trưởng giả Ưu-bà-ca-ni thỉnh hỏi Thế Tôn pháp của ưubà-tắc11 phải hành trì bao nhiêu giới? Nếu phạm bao nhiêu giới thì không được gọi là ưu-bà-tắc? Nên ăn loại thức ăn như thế nào, uống loại thức uống ra sao?”

Người kia vâng lời trưởng giả, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Sau đó, người hầu cận kia lấy danh nghĩa trưởng giả, bạch lên Thế Tôn:

– Kính bạch Thế Tôn! Pháp của hàng ưu-bà-tắc cần phải giữ bao nhiêu giới? Phạm bao nhiêu giới thì chẳng phải là ưu-bà-tắc? Nên ăn loại thức ăn như thế nào và uống loại thức uống thế nào?

Thế Tôn đạy:

– Nay ông nên biết, thức ăn có hai trường hợp. Là hai trường hợp nào? Đó là trường hợp đáng thân cận và trường hợp không đáng thân cận. Nếu là thức ăn mà khi dùng khiến sanh khởi pháp bất thiện, làm tổn giảm pháp thiện thì thức ăn này không thể thân cận. Nếu là thức ăn mà khi dùng khiến tăng trưởng pháp thiện, làm tổn giảm pháp bất thiện thì thức ăn này đáng thân cận.

Thức uống cũng có hai trường hợp. Nếu là thức uống mà khi dùng lại khiến sanh khởi pháp bất thiện, tổn giảm pháp thiện thì không nên thân cận. Nếu thức uống mà khi dùng khiến tổn giảm pháp bất thiện, tăng trưởng pháp thiện thì nên thân cận.

Pháp của hàng ưu-bà-tắc, giới hạn có năm giới. Trong đó có thể giữ một giới, hoặc hai giới, hoặc ba giới, bốn giới cho đến năm giới, đều có thể thọ trì. Khi lãnh thọ, người trao truyền phải hỏi ba lần, người nào có thể thọ trì thì mới cho thọ trì. Nếu ưu-bà-tắc nào phạm một giới điều thì sau khi qua đời sẽ sanh vào địa ngục. Nếu ưu-bà-tắc nào phụng trì một giới, sẽ được sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời, huống là giữ được hai giới, ba giới, bốn giới cho đến năm giới.

Người hầu cận kia sau khi nghe đức Phật dạy xong, đảnh lễ sát chân Phật rồi rời đi.

Người kia đi chưa xa, bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Từ nay về sau, Như Lai cho phép các thầy truyền năm giới và Ba tự quy cho hàng ưu-bà-tắc. Như khi Tỳ-kheo muốn truyền giới cho hàng cư sĩ nam, cư sĩ nữ thì phải dạy họ để lộ cánh tay, chắp tay, xưng họ tên, phát nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, ba lần như vậy. Khi đã xưng họ tên và phát nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng rồi, sau đó tự phát nguyện, thưa: “Nay con đã quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo-tăng. Giống như đức Phật Thích-ca lần đầu tiên đã cho năm trăm khách buôn thọ Tam quy, con nguyện suốt đời không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.” Nếu thọ trì một giới thì còn lại bốn giới, nếu thọ trì hai giới thì còn lại ba giới, nếu thọ trì ba giới thì còn lại hai giới, nếu thọ bốn giới thì còn lại một giới, nếu thọ trì năm giới tức là thọ trì đầy đủ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. BỐN SỰ CHE LẤP12
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Mặt trời, mặt trăng bị bốn sự vật che khuất, khiến chúng không thể phóng ra ánh sáng. Là bốn vật gì? Một là mây, hai là gió bụi, ba là khói, bốn là a-tuluân.13 Bốn sự vật này đã che khuất mặt trời, mặt trăng, khiến chúng không phóng ánh sáng được. Này các Tỳ-kheo, mặt trời, mặt trăng bị bốn sự che khuất này, khiến chúng không thể phóng ánh sáng lớn. Ở đây cũng vậy, Tỳ-kheo bị bốn kiết sử che lấp tâm, khiến tâm không thể khai mở. Là bốn kiết sử gì? Một là dục kiết sử, che lấp tâm người, khiến tâm không khai mở được; hai là sân hận; ba là ngu si; bốn là lợi dưỡng, đã che lấp tâm người, khiến tâm không khai mở được.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn kiết sử này che lấp tâm người, khiến tâm không khai mở được. Các thầy hãy tìm cầu phương tiện diệt trừ bốn kiết này!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. BỐN LOẠI TÒA NGỒI14
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật an trú gần bên ngôi miếu A-la-tỳ.15 Bấy giờ, khí trời lạnh buốt, cây cối điêu tàn. Khi ấy, con trai của trưởng giả Thủ A-la-bà16 ra khỏi thành ấy, đi dạo bên ngoài, dần đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, cậu ta đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi ngồi sang một bên, sau đó bạch Thế Tôn:

– Không biết tối qua Thế Tôn ngủ có an giấc không?

Thế Tôn đáp:

– Này đồng tử! Thật sự Như Lai ngủ rất an giấc.

Con trai trưởng giả bạch Phật:

– Lúc này thời tiết lạnh buốt, muôn vật điêu tàn, Thế Tôn chỉ ngồi đệm cỏ, mặc y phục mỏng manh, sao Thế Tôn lại nói: “Ta ngủ rất an giấc”?

Đức Phật bảo:

– Đồng tử, hãy lắng nghe! Nay Như Lai hỏi lại, con y theo đó mà trả lời. Chẳng hạn như nhà của trưởng giả được che kín chắc chắn, phòng ốc không có gió bụi. Trong nhà đó có giường, đệm, thảm, đầy đủ mọi thứ. Có bốn ngọc nữ nhan sắc xinh đẹp, mặt như hoa đào, hiếm có trên đời, nhìn không biết chán. Đèn đuốc sáng trưng. Vậy trưởng giả ấy có thể ngủ an giấc không?

[0650b04] Đồng tử đáp:

– Kính bạch Thế Tôn! Có giường nằm tốt thì ngủ rất an giấc.

Thế Tôn bảo:

– Thế nào, con trai của trưởng giả! Nếu người kia đang ngủ an giấc mà lòng dục phát khởi. Do lòng dục này có khiến mất ngủ không?

Con trưởng giả thưa:

– Kính vâng, thưa Thế Tôn! Nếu người kia sanh khởi lòng dục, sẽ ngủ không an giấc.

Thế Tôn bảo:

– Người kia lòng dục nhiều, trong khi Như Lai đã dứt sạch không sót, không còn gốc rễ, sẽ không sanh khởi nữa. Thế nào, con trai của trưởng giả! Người ôm lòng sân hận, khởi tâm ngu si, lẽ nào ngủ an giấc chăng?

Đồng tử thưa:

– Không an giấc được. Sở dĩ như vậy là vì trong tâm người ấy có ba độc.

Thế Tôn bảo:

– Như Lai hôm nay không còn tâm này, dứt sạch không sót, cũng không còn gốc rễ. Đồng tử nên biết, nay Như Lai sẽ nói về bốn loại chỗ ngồi. Là bốn loại nào? Đó là chỗ ngồi bậc thấp, chỗ ngồi chư thiên, chỗ ngồi Phạm thiên và chỗ ngồi của Phật.

Đồng tử nên biết, chỗ ngồi bậc thấp là chỗ ngồi của Chuyển Luân Thánh vương. Chỗ ngồi chư thiên đó chính là chỗ ngồi của Thích-đề-hoàn-nhân. Chỗ ngồi Phạm thiên chính là chỗ ngồi của Phạm thiên vương. Chỗ ngồi của Phật chính là bốn chân lý.

Chỗ ngồi bậc thấp là chỗ ngồi của người hướng đến quả Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi chư thiên là chỗ ngồi của bậc đã chứng đắc Tu-đà-hoàn. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của bậc hướng đến quả Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi của Phật chính là bốn niệm xứ.

Chỗ ngồi bậc thấp là chỗ ngồi của người đã chứng đắc Tư-đà-hàm. Chỗ ngồi chư thiên là chỗ ngồi của bậc hướng đến A-na-hàm. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của bậc đã chứng đắc A-na-hàm. Chỗ ngồi của Phật chính là bốn tâm vô lượng.

Chỗ ngồi bậc thấp là chỗ ngồi của người ở cõi dục. Chỗ ngồi chư thiên là chỗ ngồi của người ở cõi sắc. Chỗ ngồi Phạm thiên là chỗ ngồi của người ở cõi vô sắc. Chỗ ngồi của Phật chính là bốn thần túc.

Thế nên, này đồng tử! Như Lai lấy bốn thần túc làm chỗ nằm, cho nên ngủ rất an giấc. Ở đó không còn khởi tham, sân, si. Do không khởi ba độc này nên ở nơi cõi Vô dư Niết-bàn mà thể nhập Bát-niết-bàn và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”

Thế nên, này con trai của trưởng giả! Như Lai đã quán sát nghĩa này rồi nên mới nói: “Như Lai ngủ rất an giấc.”

[0650c01] Bấy giờ, con trai của trưởng giả liền nói bài kệ:

Từ lâu con đã biết,
Phạm chí vào Niết-bàn,
Nhờ nương lực Như Lai,
Thấu rõ mà Diệt độ.
Tòa thấp và tòa thiên,
Tòa Phạm, cùng tòa Phật,
Như Lai đều phân biệt,
Nên giấc ngủ an nhiên.
Tự quy Nhân Trung Tôn,
Cũng quy Nhân Trung Thượng,
Con nay chưa biết được,
Phải nương những thiền nào?

Con trai của trưởng giả nói kệ xong, Thế Tôn liền hứa khả cho cậu ta. Bấy giờ, con trai trưởng giả nghĩ thầm: “Được Thế Tôn hứa khả, Ta rất vui mừng, lòng đầy hớn hở”, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật mà rời đi.

Bấy giờ, đồng tử kia nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

4. PHẠM CHÍ LỘC ĐẦU17
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong núi Kỳ-xà quật, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Thế Tôn rời tịnh thất, cùng Phạm chí Lộc Đầu18 đi xuống núi Linh Thứu, lần hồi du hành đến một bãi tha ma rất đáng kinh sợ. Khi ấy, Thế Tôn cầm một chiếc đầu lâu của người chết trao cho Phạm chí và nói:

– Này Phạm chí! Ông giỏi xem tinh tú, lại thông thạo y dược, có thể điều trị các chứng bệnh, biết rõ các hướng thọ sanh, cũng có thể biết được nhân duyên của người đã chết. Nay Như Lai hỏi ông, đây là đầu lâu của người nào? Là nam hay là nữ? Do bệnh gì mà qua đời?

Lúc này, Phạm chí liền cầm chiếc đầu lâu xoay qua xoay lại để quan sát, lại dùng tay gõ vào đó rồi bạch Thế Tôn: – Đây là đầu lâu của người nam, không phải của người nữ.

Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Phạm chí! Đúng như lời ông nói. Đây là đầu lâu của người nam, chẳng phải của người nữ.

Thế Tôn hỏi:

– Vì sao người này qua đời?

Phạm chí lại dùng tay gõ vào chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này mắc nhiều thứ bệnh, trăm đốt xương khớp đau nhức nên đã qua đời.

Thế Tôn lại hỏi: – Phải điều trị bằng phương thuốc nào?

Phạm chí Lộc Đầu bạch Phật:

– Phải dùng quả ha-lê-lặc19 hòa chung với mật ong, sau đó uống vào thì bệnh sẽ khỏi.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay! Đúng như lời ông nói, nếu người này được uống vị thuốc này thì cũng chưa qua đời. Sau khi qua đời, người này sanh về nơi nào?

Phạm chí nghe Phật hỏi, liền lấy tay gõ vào đầu lâu rồi bạch Thế Tôn:

– Người này qua đời đọa trong ba đường ác, không sanh về cõi lành.

[0651a02] Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Phạm chí! Như lời ông nói. Người này đọa trong ba đường ác, không được sanh về cõi lành.

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một chiếc đầu lâu khác đưa cho Phạm chí, rồi hỏi:

– Đây là người nào? Là nam hay nữ?

Lúc này, Phạm chí lại lấy tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Đầu lâu này vốn là thân người nữ.

Thế Tôn lại hỏi:

– Do bệnh gì mà chết?

Lúc này, Phạm chí Lộc Đầu lại lấy tay gõ vào [đầu lâu], rồi bạch Thế Tôn:

– Người nữ này do mang thai mà mất mạng.

Thế Tôn lại hỏi:

– Người nữ này tại sao lại chết khi mang thai?

Phạm chí bạch Phật:

– Thai chưa đủ tháng, người nữ này do sanh non nên qua đời.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay, Phạm chí! Đúng như lời ông nói. Lại nữa, bệnh của cô ta phải điều trị bằng phương thuốc gì?

Phạm chí bạch Phật:

– Căn bệnh này vốn dĩ cần có bơ và đề-hồ tốt để uống thì sẽ khỏi.

Thế Tôn bảo:

– Đúng thế, đúng thế! Như lời ông nói. Nay người nữ này đã sanh về nơi nào?

Phạm chí bạch Phật:

– Người nữ này qua đời đọa làm súc sanh.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay, Phạm chí! Đúng như lời ông nói.

Thế Tôn lại cầm một chiếc đầu lâu khác đưa cho Phạm chí và hỏi:

– Đây là nam hay nữ?

Phạm chí lại lấy tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Đầu lâu này vốn là thân người nam.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Người này do bệnh gì mà chết?

Phạm chí lại đưa tay gõ vào chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này chết vì ăn uống quá độ, bị thổ tả mà chết.

Thế Tôn bảo:

– Chứng bệnh này nên điều trị thế nào?

Phạm chí bạch Phật:

– Nhịn ăn trong ba ngày liền thì bệnh sẽ khỏi. Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Lại nữa, người này qua đời sanh vào chốn nào?

Lúc này, Phạm chí lại đưa tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này qua đời đọa làm ngạ quỷ. Sở dĩ như vậy là vì ý niệm luôn nghĩ về nước.

Thế Tôn bảo: – Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói.

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một chiếc đầu lâu nữa, đưa cho Phạm chí và hỏi:

– Đây là nam hay là nữ?

Phạm chí lúc này lấy tay gõ chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Chiếc đầu lâu này vốn là thân người nữ.

[0651b01] Thế Tôn bảo: – Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Người này do bệnh gì mà qua đời?

Phạm chí lại gõ, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này đang sanh con thì qua đời.

Thế Tôn bảo: – Tại sao lại chết lúc đang sanh con?

Phạm chí lại gõ vào chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người nữ này sức lực suy kiệt, lại bị đói khát dẫn đến mất mạng.

Thế Tôn bảo: – Người này qua đời sanh về chốn nào?

Lúc này, Phạm chí đưa tay gõ đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này qua đời được sanh làm người.

Thế Tôn bảo: – Thông thường người chết vì đói mà sanh vào cõi lành thì không hợp lẽ, đọa vào ba đường ác thì đúng lý hơn!

Lúc này, Phạm chí lại dùng tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người nữ này giữ giới đầy đủ cho đến khi qua đời.

Thế Tôn bảo: – Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Người nữ kia giữ giới đầy đủ đến khi qua đời. Vì sao như vậy? Vì hễ người nam, người nữ nào giữ giới đầy đủ thì sau khi qua đời sẽ sanh về hai đường, đó là cõi trời hoặc cõi người.

Bấy giờ, Thế Tôn lại cầm một chiếc đầu lâu khác, đưa cho Phạm chí và hỏi:

– Đây là đầu của nam hay nữ?

Lúc này, Phạm chí lại đưa tay gõ chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Đầu lâu này là thân người nam.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói, nhưng người này do bệnh gì mà qua đời?

Phạm chí lại đưa tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Người này không bệnh mà do bị người khác hại dẫn đến mất mạng.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói, người này bị người khác hại mà mất mạng.

Thế Tôn lại hỏi:

– Người này qua đời sanh đến chốn nào? Lúc này, Phạm chí lấy tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn: – Người này qua đời sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.

Thế Tôn bảo: – Theo như lời ông nói thì ý trước và ý sau không khớp với nhau.

Phạm chí bạch Phật: – Sao lại không khớp với nhau?

Thế Tôn bảo:

– Bởi vì những người nam, người nữ nào mà bị người khác hại dẫn đến chết thì đều sanh về ba đường ác. Sao ông lại nói người này sanh về cõi lành, sanh lên cõi trời?

Phạm chí lại đưa tay gõ vào đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Vì người này giữ năm giới và tu tập mười điều thiện nên sau khi qua đời được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Người nào giữ giới, không trái phạm, sẽ được sanh vào cõi lành, sanh lên cõi trời.

[0651c01] Thế Tôn lại hỏi: – Người này đã giữ được bao nhiêu giới trước khi qua đời?

Bấy giờ, Phạm chí nhất tâm tinh chuyên, không khởi tạp niệm, đưa tay gõ chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Là giữ một giới chăng? Không phải. Hay là giữ hai, ba, bốn, năm giới? Cũng không phải. Người này đã giữ giới bát quan trai.

Thế Tôn bảo:

– Hay thay, hay thay! Đúng như lời ông nói. Người này giữ giới bát quan trai trước khi qua đời.

Bấy giờ, tại phía Nam ngọn núi Phổ Hương, nằm ở hướng Đông, có Tỳkheo Ưu-đà-diên an trụ cõi Vô dư Niết-bàn mà nhập Niết-bàn. Khi ấy, Thế Tôn trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, đã đến lấy chiếc đầu lâu của vị Tỳkheo kia đưa cho Phạm chí và hỏi:

– Đây là nam hay nữ?

Lúc này, Phạm chí lại lấy tay gõ chiếc đầu lâu, rồi bạch Thế Tôn:

– Tôi xem xét chiếc đầu lâu này, nhận thấy nguồn gốc của nó không phải người nam cũng chẳng phải người nữ. Vì sao như vậy? Bởi vì khi quán sát chiếc đầu lâu này, tôi không thấy có sự sanh cũng chẳng thấy có sự diệt,20 cũng không thấy xoay vần qua lại. Vì sao như vậy? Bởi vì tôi xem xét khắp tám phương và trên dưới đều không thấy tung tích người này. Nên tôi chưa rõ đầu lâu này là của ai?

Thế Tôn nói:

– Thôi được rồi, Phạm chí! Chắc chắn ông sẽ không biết đây là đầu lâu của ai. Ông nên biết, chiếc đầu lâu này không có khởi đầu cũng không có kết thúc, cũng không có sanh tử, cũng không trụ vào nơi nào trong tám phương và trên dưới. Đây chính là đầu lâu của Tỳ-kheo Ưu-đà-diên tại phía Nam núi Phổ Hương, ở hướng Đông, đã an trụ cõi Vô dư Niết-bàn mà thể nhập Niết-bàn. Đây là đầu lâu của một vị A-la-hán.

Sau khi Phạm chí nghe những lời này xong, khen là việc chưa từng có, rồi bạch Thế Tôn:

– Nay tôi quán sát loài trùng, loài kiến này từ nơi nào đến, tôi đều biết cả. Nghe âm thanh của chim muông, cầm thú liền có thể phân biệt rõ con nào đực, con nào cái. Thế nhưng khi tôi quán sát vị A-la-hán này thì hoàn toàn không thấy được gì, không thấy nơi đến, cũng không biết chốn đi. Chánh pháp Như Lai rất là kỳ đặc. Vì sao như vậy? Vì nguồn gốc giáo pháp đều được nói ra từ kim khẩu của Như Lai, còn A-la-hán thì được sanh ra từ gốc rễ của kinh pháp.

Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Phạm chí! Đúng như lời ông nói. Gốc rễ của giáo pháp được nói ra từ kim khẩu Như Lai. Ngay đến chư thiên, người đời, ma hoặc thiên ma cũng không thể biết chỗ đến của bậc A-la-hán.

Bấy giờ, Phạm chí đảnh lễ và bạch Phật:

– Con có thể biết hết chỗ hướng đến của chín mươi sáu loại đạo. Thảy đều biết tất cả, nhưng chỗ mà pháp của Như Lai hướng đến thì con không thể biết được. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được vào đạo.

[0652a02] Thế Tôn bảo:

– Lành thay, Phạm chí! Ông hãy tu Phạm hạnh, như vậy thì không có người nào biết được chỗ ông hướng đến.

Bấy giờ, Phạm chí liền được xuất gia học đạo. Ông ở nơi yên vắng tư duy lý đạo, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y,... cho đến như thật biết rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Lúc này, Phạm chí Lộc Đầu trở thành A-la-hán.

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Đầu bạch Thế Tôn:

– Nay con đã biết pháp tu của A-la-hán.

Thế Tôn bảo:

– Thầy hiểu thế nào về pháp tu của A-la-hán?

Tôn giả Lộc Đầu bạch Phật:

– Có bốn loại giới. Là bốn loại nào? Đó là đất, nước, lửa, gió. Thưa Thế Tôn, đó gọi là có bốn giới này. Khi một người qua đời, những gì thuộc đất sẽ trở về với đất, nước trở về với nước, lửa trở về với lửa, gió trở về với gió.

Thế Tôn lại hỏi:

– Thế nào, Tỳ-kheo, nay có bao nhiêu loại giới?

Tôn giả Lộc Đầu bạch Phật:

– Thật sự là có bốn loại giới, nhưng xét về nghĩa thì có tám.

Thế Tôn hỏi:

– Thế nào là bốn loại giới, nhưng về nghĩa thì có tám?

Tôn giả Lộc Đầu bạch Phật:

– Nay có bốn loại giới. Những gì là bốn giới? Đó là đất, nước, lửa, gió. Đây gọi là bốn loại giới.

Tại sao xét về nghĩa thì có tám loại giới? Bởi vì loại đất có hai, đó là loại đất bên trong và loại đất bên ngoài. Những gì là loại đất bên trong? Đó là tóc, lông, móng, răng, thân thể, da, gân, cốt, tủy, não, ruột, bao tử, gan, mật, tỳ, thận. Đây gọi là loại đất bên trong. Thế nào là loại đất bên ngoài? Những gì cứng chắc thì gọi là loại đất bên ngoài. Đây gọi là hai loại đất.

Thế nào là loại nước? Loại nước cũng có hai, đó là loại nước bên trong và loại nước bên ngoài. Loại nước bên trong gồm có đờm dãi, nước mắt, nước tiểu, máu, tủy. Đó gọi là loại nước bên trong. Các vật mềm ướt bên ngoài thì gọi là loại nước bên ngoài. Đây gọi là hai loại nước.

Thế nào là loại lửa? Loại lửa có hai, đó là loại lửa bên trong và loại lửa bên ngoài. Thế nào là loại lửa bên trong? Đó là sự tiêu hóa tất cả những vật được ăn vào, không còn dư sót. Đó gọi là loại lửa bên trong. Thế nào là loại lửa bên ngoài? Những vật ở bên ngoài có chức năng giữ nhiệt, gọi là loại lửa bên ngoài.

Thế nào là loại gió? Loại gió cũng có hai, đó là loại gió bên trong và loại gió bên ngoài. Loại gió bên trong là gì? Đó là gió ở môi, gió ở mắt, gió nơi đầu, gió ở hơi thở ra, gió ở hơi thở vào, gió trong sự cử động hai tay, hai chân. Đó gọi là loại gió bên trong. Thế nào là loại gió bên ngoài? Đó là những vật làm dao động nhẹ, hoặc dao động mạnh. Đó gọi là loại gió bên ngoài. Bạch Thế Tôn, đó gọi là có hai loại gió. Cho nên, sự thật thì có bốn loại giới, nhưng chi tiết là có tám loại giới.

Thật vậy, bạch Thế Tôn! Con quán sát nghĩa này, nhận thấy con người sau khi qua đời, mỗi loại trong bốn giới sẽ trở về cội gốc của chúng.

[0652b05] Thế Tôn dạy:

– Pháp vô thường cũng không thể hợp chung với pháp thường. Vì sao như vậy? Vì loại đất có hai, là loại đất bên trong và loại đất bên ngoài. Bấy giờ, loại đất bên trong là pháp vô thường, là pháp biến đổi; còn loại đất bên ngoài là pháp thường còn, không biến đổi.21 Đó gọi là loại đất có hai loại, không tương ưng với thường và vô thường. Ba loại còn lại cũng giống như vậy, cũng không tương ưng với pháp thường và pháp vô thường. Vậy nên, này Lộc Đầu! Tuy có tám loại, nhưng sự thật chỉ có bốn. Thật vậy, Lộc Đầu! Hãy học tập điều này.22

Bấy giờ, Tôn giả Lộc Đầu nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

5. BỐN GIÁO PHÁP LỚN23
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Như Lai sẽ giảng nghĩa rộng rãi về bốn giáo pháp lớn.24 Là bốn loại nào? Đó là Khế kinh, Luật, Luận25 và Giới. Đó gọi là bốn.

Tỳ-kheo nên biết, nếu có Tỳ-kheo từ phương Đông đến, biết tụng kinh, trì pháp và phụng hành cấm giới. Vị ấy nói rằng: “Tôi có thể tụng kinh, trì pháp, vâng giữ cấm giới và học rộng nghe nhiều.” Giả sử, Tỳ-kheo ấy có nói những gì thì các thầy khoan vội thừa nhận và cũng chớ dốc lòng tin ngay mà hãy cùng Tỳ-kheo kia nghị luận y cứ theo pháp. Thế nào là y cứ theo pháp để cùng nghị luận? Y cứ theo pháp để nghị luận, nghĩa là y cứ vào bốn giáo pháp lớn này để nghị luận, tức là y cứ theo Khế kinh, Luật, Luận và Giới. Các thầy nên hướng đến Tỳ-kheo ấy để thuyết Khế kinh, nói rõ Luật, phân biệt pháp. Giả sử khi thuyết Khế kinh, khi giảng rõ Luật và phân biệt pháp, nếu như những điều vị Tỳ-kheo kia nói ra tương ưng với Khế kinh, tương ưng với Luật và tương ưng với pháp thì nên thọ trì; nếu không tương ưng với Khế kinh, với Luật và Luận thì hãy trả lời với vị Tỳ-kheo kia rằng: “Hiền giả nên biết, đây chẳng phải là những lời dạy của Như Lai. Những lời thầy nói, chẳng phải gốc của chánh kinh. Vì sao như vậy? Bởi vì nay tôi thuyết Khế kinh, Luật, Luận đều không tương ưng với lời của Hiền giả.” Do không tương ưng nên các thầy phải hỏi về giới hạnh. Nếu như không tương ưng với giới hạnh thì các thầy nên nói với Tỳ-kheo kia: “Đây chẳng phải là kho báu của Như Lai!” rồi lập tức đuổi Tỳ-kheo kia đi. Đây gọi là gốc rễ ý nghĩa của Giáo pháp lớn thứ nhất được giảng thuyết.

[0652c02] Lại nữa, này Tỳ-kheo! Nếu có Tỳ-kheo từ phương Nam đến rồi nói rằng: “Tôi có thể tụng kinh, trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều.” Giả sử, Tỳ-kheo ấy có nói những gì thì các thầy khoan vội thừa nhận và cũng chớ dốc lòng tin ngay mà hãy cùng Tỳ-kheo kia nghị luận. Giả sử những điều Tỳ-kheo kia nói ra mà không tương ưng với nghĩa thì nên đuổi đi. Nếu tương ưng với nghĩa thì hãy nói với Tỳ-kheo kia rằng: “Đây là nghĩa được nói, nhưng không phải gốc chánh kinh.” Bấy giờ, các thầy nên ghi nhận nghĩa đó, chứ không cho đó là gốc chánh kinh. Vì sao như vậy? Bởi vì nghĩa là cội nguồn để hiểu kinh. Đây gọi là gốc rễ ý nghĩa Giáo pháp lớn thứ hai được giảng thuyết.

Lại nữa, Tỳ-kheo! Nếu có Tỳ-kheo từ phương Tây đến, biết tụng kinh, trì pháp, vâng giữ cấm giới, học rộng nghe nhiều thì các thầy nên nói với Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, Luận. Tuy nhiên, Tỳ-kheo kia chỉ dẫn giải về ngôn từ mà không giảng nghĩa thì các thầy hãy nói với Tỳ-kheo kia rằng: “Chúng tôi không rõ những điều thầy nói đó có phải là những lời được thuyết bởi Như Lai hay không.” Giả sử khi vị ấy thuyết Khế kinh, Luật, Luận mà chỉ dựa trên ngôn từ, chứ không giải nghĩa thì tuy lắng nghe Tỳ-kheo kia nói, nhưng các thầy không nên khen hay, cũng chớ vội chê dở mà nên đem giới hạnh để hỏi Tỳ-kheo kia. Nếu những điều vị ấy nói tương ưng với giới hạnh thì ghi nhớ và tiếp nhận. Vì sao như vậy? Bởi vì giới hạnh tương ưng với ngôn từ, dù nghĩa lý chưa thể sáng tỏ. Đây gọi là gốc rễ ý nghĩa Giáo pháp lớn thứ ba được giảng thuyết. Lại nữa, Tỳ-kheo! Nếu có Tỳ-kheo từ phương Bắc đến, biết tụng kinh, trì pháp, phụng hành cấm giới, rồi nói rằng: “Các Hiền giả, nếu có nghi vấn thì hãy đến hỏi nghĩa, tôi sẽ nói cho.” Giả sử Tỳ-kheo kia có nói điều gì thì các thầy chớ vội thọ trì và cũng không nên đọc tụng mà phải hỏi Tỳ-kheo kia về Khế kinh, Luật, Luận và Giới. Nếu những lời của Tỳ-kheo ấy nói tương ưng với Khế kinh, Luật, Luận và Giới thì nên hỏi nghĩa. Nếu lời của Tỳ-kheo ấy nói cũng tương ưng với nghĩa thì nên khen ngợi vị Tỳ-kheo kia rằng: “Lành thay, lành thay, Hiền giả! Đây chính là nghĩa mà Như Lai đã nói, không nhầm lẫn, tất cả đều tương ưng với Khế kinh, Luật, Luận và Giới.” Bấy giờ, các thầy hãy tiếp đãi cúng dường Tỳ-kheo kia đúng như pháp. Vì sao như vậy? Vì Như Lai cung kính pháp. Những ai cung kính pháp tức là đã cung kính Như Lai. Người nào thấy pháp thì người đó đã thấy Như Lai.26 Người nào có pháp thì người ấy có Như Lai. Đã có pháp thì có Tỳ-kheo-tăng. Có pháp thì có bốn bộ chúng. Có pháp thì có bốn dòng dõi ở đời. Vì sao như vậy? Bởi vì nhờ có pháp ở đời nên trong Hiền kiếp có Đại Oai Vương ra đời, từ đó về sau liền có bốn dòng dõi ở đời.

Nếu pháp có nơi đời, liền có bốn dòng dõi ở đời. Đó là dòng Sát-lợi, dòng Bà-la-môn, dòng thợ thủ công và dòng cư sĩ. Nếu pháp có ở đời thì sẽ có ngôi vị Chuyển Luân Thánh vương tiếp nối không dứt. Nếu pháp có ở đời thì có Tứ Thiên Vương và trời Đâu-suất, trời Diệm, trời Hóa Tự Tại và trời Tha Hóa Tự Tại xuất hiện ở đời. Nếu pháp có ở đời, liền có trời dục giới, trời sắc giới, trời vô sắc giới xuất hiện ở thế gian. Nếu pháp có ở đời, liền có quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán, quả Độc giác, Phật thừa xuất hiện ở đời. Cho nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy khéo cung kính pháp, tùy thời cúng dường, cung cấp mọi thứ cần dùng cho Tỳ-kheo kia. Nên nói với Tỳ-kheo kia rằng: “Hay thay, hay thay! Đúng như lời thầy nói: ‘Những lời thầy nói hôm nay, đúng thật như lời Như Lai đã nói.’”

Này cácTỳ-kheo, đó gọi là có ý nghĩa của bốn giáo pháp lớn được giảng thuyết.

[0653a14] Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy giữ tâm, nhiếp ý thực hành bốn điều này, chớ để quên sót.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6. TRƯỚC KHỔ SAU VUI27
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trời vừa hừng sáng, Vua Ba-tư-nặc tập hợp bốn binh chủng, ngự trên cỗ xe gắn lông chim quý, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn hỏi đại vương:

– Đại vương từ đâu đến mà thân thể dính đầy bụi vậy? Tập hợp bốn binh chủng có chuyện gì sao?

Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

– Đất nước hiện tại đang có nạn giặc lớn hoành hành. Nửa đêm hôm qua, con dẫn binh truy bắt nên thân thể mệt mỏi, muốn trở về cung, nhưng trên đường về con lại suy nghĩ: “Ta nên đến chỗ Như Lai trước đã, sau đó mới về cung.” Vì nạn giặc này mà con ngủ nghỉ không yên. Nay đã dẹp yên giặc giã, thân tâm con hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, cho nên đến đảnh lễ vấn an Thế Tôn. Nếu tối hôm qua con không hưng binh thì không thể bắt được giặc.

Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Đại vương! Như lời Đại vương nói. Đại vương nên biết, có bốn điều tuy trước khổ mà sau vui. Là bốn điều gì? Sáng thức dậy sớm thì trước khổ mà sau vui. Nếu ăn dầu, bơ thì trước khổ mà sau vui. Uống thuốc trị bệnh thì trước khổ mà sau vui. Lo cho gia nghiệp, tổ chức cưới gả thì trước khổ mà sau vui. Đại vương, đó gọi là có bốn điều trước khổ mà sau vui. 

[0653b04] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

– Thế Tôn nói rất hợp lẽ, thật sự có bốn điều trước khổ sau vui này. Vì sao như vậy? Như ngày hôm nay, con nhìn thấy bốn điều này rõ như nhìn hạt châu trên bàn tay, đều là nghĩa trước khổ mà sau vui.

Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho Vua Ba-tư-nặc, khiến vua phát tâm hoan hỷ. Sau khi nghe pháp rồi, vua bạch Thế Tôn:

– Việc nước bận rộn, con muốn trở về cung.

Thế Tôn bảo:

– Đại vương cứ tùy ý!

Vua Ba-tư-nặc từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân và nhiễu quanh Phật ba vòng rồi rời đi. Vua đi chưa lâu, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Nay có bốn điều này, trước khổ mà sau vui. Là bốn điều gì? Đó là tu tập Phạm hạnh thì trước khổ mà sau vui. Tụng tập văn kinh thì trước khổ mà sau vui. Tọa thiền niệm định thì trước khổ mà sau vui. Đếm hơi thở ra vào thì trước khổ mà sau vui. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là thực hành theo bốn điều này thì trước khổ nhưng sau được an vui.

Nếu có Tỳ-kheo nào thực hành theo pháp trước khổ sau vui này, nhất định về sau sẽ được an vui với bốn quả Sa-môn. Là bốn quả nào?

Tỳ-kheo siêng năng tu pháp này, lìa bỏ dục và các pháp bất thiện, có giác có quán, cùng với hỷ, lạc được sanh ra do sự viễn ly, chứng đạt và an trú Thiền thứ nhất.28 Đó gọi là đạt được lạc trú thứ nhất của quả Sa-môn.

Kế đến, lìa bỏ giác và quán, trong tâm bình đẳng thanh tịnh, có hỷ, lạc do định sanh, chứng đạt và an trú Thiền thứ hai, không giác không quán. 29 Đó gọi là lạc trú thứ hai của quả Sa-môn.

Kế nữa, lìa bỏ hỷ, an trú xả, với chánh niệm và tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, chứng đạt và an trú Thiền thứ ba, điều mà bậc Thánh gọi là lạc trú trong xả và có chánh niệm.30 Đó gọi là được lạc trú thứ ba của quả Sa-môn.

Kế nữa, khi đã diệt trừ ưu và hỷ trước đó nên buông bỏ cả khổ và lạc, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, một trạng thái không khổ không lạc, gọi là xả niệm thanh tịnh.31 Đây là lạc trú thứ tư của quả Sa-môn. Đó gọi là có bốn lạc trú của quả Sa-môn.

Lại nữa, Tỳ-kheo! Tỳ-kheo nào thực hành pháp trước khổ sau vui này, về sau sẽ được hỷ lạc với bốn quả Sa-môn, đoạn trừ ba kiết,32 thành tựu quả vị Tuđà-hoàn bất thoái chuyển, nhất định đến được Niết-bàn.

Lại nữa, Tỳ-kheo! Nếu vị nào đã đoạn trừ ba kiết, giảm bớt tham, sân, si thì sẽ chứng quả Tư-đà-hàm, nhưng còn phải sanh lại cõi này để đoạn sạch gốc khổ.

Lại nữa, Tỳ-kheo! Tỳ-kheo nào đoạn trừ năm hạ phần kiết sử33 sẽ thành tựu quả A-na-hàm, ở đó chứng nhập Niết-bàn, không trở lại cõi đời này nữa.

[0653c03] Lại nữa, Tỳ-kheo! Tỳ-kheo nào dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, chứng đạt tâm giải thoát và tuệ giải thoát, ngay trong pháp hiện tại, tự thân tác chứng để tự an trú và biết như thật: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”

Đó gọi là Tỳ-kheo tu tập pháp trước khổ sau vui, về sau được hỷ lạc với bốn quả Sa-môn.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu pháp trước khổ sau vui này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7. BỐN HẠNG SA-MÔN34
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn hạng Sa-môn xuất hiện ở đời. Là bốn hạng nào? Có hạng Sa-môn giống như hoa sứ,35 có hạng Sa-môn giống như hoa sen trắng,36 có hạng Sa-môn nhu hòa, có hạng Sa-môn nhu hòa trong nhu hòa.

Thế nào là Sa-môn giống như hoa sứ? Nghĩa là nếu có một người dứt trừ ba kiết sử, sẽ thành tựu pháp bất thoái chuyển Tu-đà-hoàn, nhất định đến được Niết-bàn, chậm nhất là trải qua bảy lần sanh lại cõi này; hoặc thành bậc Gia gia,37 Nhất chủng,38 giống như hoa sứ sáng hái, chiều mọc lại. Tỳ-kheo này cũng như vậy, ba kiết đã dứt sạch, thành tựu pháp bất thoái chuyển Tu-đà-hoàn, nhất định đến được Niết-bàn, chậm nhất là trải qua bảy lần sanh lại cõi này. Nếu vị nào phát tâm dũng mãnh tìm cầu phương tiện, hoặc thành bậc Gia gia, hoặc thành bậc Nhất chủng, rồi chắc chắn chứng nhập Niết-bàn. Đó gọi là hàng Sa-môn giống như hoa sứ.

Thế nào gọi là Sa-môn giống như hoa sen trắng? Như người đã dứt sạch ba kiết, giảm bớt tham, sân, si, chứng quả Tư-đà-hàm, nhưng còn phải sanh lại cõi này để dứt sạch gốc khổ. Nếu người hơi chậm thì trở lại cõi này một lần nữa để dứt sạch gốc khổ. Nếu người dũng mãnh thì ngay trong đời này dứt sạch gốc khổ. Giống như hoa sen trắng sáng nở, chiều khô tàn. Đó gọi là Sa-môn giống như hoa sen trắng.

Thế nào là hàng Sa-môn nhu hòa? Như người đoạn năm hạ phần kiết sử, sẽ chứng quả A-na-hàm, rồi ở đó chứng nhập Niết-bàn, không trở lại cõi đời này nữa. Đó gọi là hàng Sa-môn nhu hòa.

Thế nào là hàng Sa-môn nhu hòa trong nhu hòa? Như người dứt sạch hữu lậu, thành tựu vô lậu, chứng đạt tâm giải thoát và tuệ giải thoát; ngay trong pháp hiện tại, tự thân tác chứng để tự an trú và biết như thật: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Đó gọi là hàng Sa-môn nhu hòa trong nhu hòa.

[0654a04] Tỳ-kheo! Đây gọi là có bốn hạng người này xuất hiện ở đời. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Các thầy hãy tìm cầu phương tiện để làm Sa-môn nhu hòa trong nhu hòa.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:39

Tu-đà, Tu-ma, Quân,
Tân-đầu-lô, Ế, Thủ,
Lộc-đầu, Quảng diễn, Nghĩa,
Hậu lạc, Nhu nhuyến kinh.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Thanh văn phẩm 聲聞品 (T.02. 0125.28. 0646c28).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.1. 0646c29). Tham chiếu: DhA. 4.5.
3 Chất-đa trưởng giả (質多長者, Citta gahapati). S. 41.1 - IV. 281 có ghi nhận về sự việc này.
4 Ma-sư-san (摩師山) phiên âm từ Macchikāsaṇḍa. Theo S. 41.1 - IV. 281, đó là một thị trấn ở Kāsi.
5 Ca-tỳ-la (迦毘羅) phiên âm từ Kapila, tên người Bà-la-môn, là thân phụ ngài Đại Ca-diếp.
6 Tỷ-ba-la-da-đàn-na (比波羅耶檀那), P. Pippali, tên của Tôn giả Đại Ca-diếp.
7 Bà-đà (婆陀), tên của ngài Bhaddhā Kāpilāni.
8 Nguyên tác: Tử-ma kim (紫磨金), một loại vàng thượng đẳng.
9 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
10 Nguyên tác: Bạch điệp (白㲲).
11 Nguyên tác:Thanh tín sĩ (清信士), còn gọi là ưu-bà-tắc (優婆塞), cận sự nam (近事男), cư sĩ nam (居士男).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.2. 0650a08). Tham chiếu: A. 4.50 - II. 53.
13 A-tu-luân (阿須倫). A. 4.50 - II. 53: Rāhu asurinda.
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.3. 0650a20). Tham chiếu: A. 3.34 - I. 136.
15 A-la-tỳ (阿羅毘, Ālavī).
16 Thủ A-la-bà (手阿羅婆, Hatthaka).
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.4. 0650c12). Tham chiếu: DhA. 26.37.
18 Lộc Đầu Phạm chí (鹿頭梵志) vốn là người dòng Bà-la-môn, xuất gia theo ngoại đạo, cuối cùng theo Phật và trở thành vị Trưởng lão A-la-hán. Ông có biệt tài gõ vào đầu lâu mà biết người chết sanh về đâu.
19 Ha-lê-lặc (呵梨勒, harītakī, harītaka) còn gọi là quả kha tử (訶子), một vị thuốc được sử dụng trong Đông y. Xem chú thích 34, kinh số 5, phẩm 24, tr. 286.
20 Nguyên tác: Đoạn (斷).
21 Nguyên tác: Ngoại địa chủng giả, hằng trụ, bất biến dị (外地種者, 恒住, 不變易). Sự hằng trụ, bất biến của ngoại địa giới này khi so sánh với nội địa giới mang nghĩa tương đối. Vì lẽ, khi chết đi, nội địa giới phải trở về với ngoại địa giới.
22 Câu trả lời của Thế Tôn hơi đặc dị. Bản Pāli tham chiếu không có phần này.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.5. 0652b13). Tham chiếu: Du hành kinh 遊行 經 (T.01. 0001.2. 0011a07); D. 16, Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Ðại Bát-niết-bàn); A. 4.180 - II. 167.
24 Nguyên tác: Kim hữu tứ đại quảng diễn chi nghĩa (今有四大廣演之義). Đây là bốn y cứ để thẩm sát những điều do chính Phật nói. Du hành kinh 遊行經 (T.01. 0001.2. 0017c01) ghi: Tứ đại giáo pháp (四大教法).
25 Nguyên tác: A-tỳ-đàm (阿毘曇).
26 Nguyên tác: Kỳ quán pháp giả, tắc quán ngã dĩ (其觀法者, 則觀我已). Tham chiếu: S. 22.87 - III. 119: Dhammaṃ passati so maṃ passati (Ai thấy pháp, người ấy thấy Ta).
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.6. 0653a18).
28 Nguyên tác: 若有比丘勤於此法, 無欲惡法, 念持喜安, 遊心初禪.
29 Nguyên tác: 復次, 有覺, 有觀息, 內[有喜心, 專精一意, 無覺, 無觀, 念持喜安, 遊於二禪.
30 Nguyên tác: 復次, 無念遊心於護, 恒自覺知, 覺身有樂, 諸賢聖所喜望者, 護念樂, 遊心三禪.
31 Nguyên tác: 復次, 苦樂已盡, 先無有憂慼之患, 無苦無樂, 護念清淨, 遊心四禪.
32 Tam kiết (三結): Hữu thân kiến kiết (有身見結, sakkāyadiṭṭhi), giới cấm thủ kiết (戒禁取結, sīlabbataparāmāsa) và nghi kiết (疑結, vicikicchā).
33 Ngũ hạ phần kiết (五下分結, pañca orambhāgiya saṃyojana), theo MĀ, gồm có: tham dục (貪 欲, kāmarāga), sân khuể (瞋恚, vyāpāda), thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), giới cấm thủ (戒禁取, sīlabbataparāmāsa), nghi (疑, vicikicchā).
 34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.28.7. 0653c11). Tham chiếu: A. 4.88 - II. 88.
35 Nguyên tác: Hoàng lam hoa (黃藍花), cũng viết là hoàng hoa (黃花), kim sắc hoa (金色花), chiêm-bác-ca (瞻博迦), chiêm-bặc (瞻蔔), chiêm-ba (詹波). Theo Nhất thiết kinh âm nghĩa, quyển 13, 27, 28, 32, 52, loài hoa này quả đúng như kinh nói: Sáng hái, chiều mọc lại (朝取暮長).
36 Nguyên tác: Phân-đà-lợi hoa (邠陀利花, puṇḍarīka), chỉ cho hoa sen trắng.
37 Gia gia (家家), một trong 18 bậc thánh Hữu học của hàng Thanh văn, gồm có: Tùy tín hành, Tùy pháp hành, Tín giải, Kiến đáo, Thân chứng, Gia gia, Nhất chủng, Tu-đà-hoàn hướng, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đàhàm hướng, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm hướng, A-na-hàm quả, Trung Bát-niết-bàn, Sanh Bát-niết-bàn, Hành Bát-niết-bàn, Vô hành Bát-niết-bàn, Thượng lưu Sắc Cứu Cánh.
38 Nhất chủng (一種), một trong 18 bậc Thánh Hữu học của hàng Thanh văn.
39 Nguyên tác Nhiếp tụng: 須陀, 修摩, 均; 賓頭盧, 翳, 手; 鹿頭, 廣演, 義; 後樂, 柔軟經. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bài kệ này tóm tắt đến 10 bài kinh, nhưng phẩm này chỉ có 7 bài kinh. Thật ra, Kinh Tu-đà, Tu-ma và Quân-đầu thuộc phẩm “Tu-đà”, số 30. Bản Hán, hết quyển 20.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.