Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

25.PHẨM BỐN CHÂN LÝ1

 

1.BỐN CHÂN LÝ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hãy tu tập pháp bốn chân lý.3 Là bốn chân lý nào? Một là, chân lý về sự khổ, nghĩa này không thể tận, nghĩa này không thể cùng, thuyết pháp cũng không cùng tận. Hai là, chân lý về nguyên nhân của khổ, nghĩa này không thể tận, nghĩa này không thể cùng, thuyết pháp cũng không cùng tận. Ba là, chân lý về khổ diệt, nghĩa này không thể tận, nghĩa này không thể cùng, thuyết pháp cũng không cùng tận. Bốn là, chân lý về con đường đưa đến khổ diệt, nghĩa này không thể tận, nghĩa này không thể cùng, thuyết pháp cũng không cùng tận.

Thế nào là chân lý về sự khổ? Nghĩa là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo lắng buồn phiền khổ, oán ghét mà gặp nhau là khổ, thương yêu mà chia lìa là khổ, điều mình mong cầu mà không được cũng khổ. Nói tóm lại, năm thủ uẩn4 là khổ. Đó gọi là chân lý về sự khổ.

Thế nào là chân lý về nguyên nhân của khổ? Nghĩa là khát ái tương ưng với dục, tâm thường đắm nhiễm. Đó gọi là chân lý về nguyên nhân của khổ.

Thế nào là chân lý về khổ diệt? Nghĩa là ái dục đã dứt sạch không còn sót lại, cũng không sanh khởi nữa. Đó gọi là chân lý về khổ diệt.

Thế nào là chân lý về con đường đưa đến khổ diệt? Đó là tám đạo phẩm của Hiền thánh, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.5 Đó gọi là chân lý về con đường đưa đến khổ diệt.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, bốn chân lý này thật sự tồn tại, không hư dối, được Thế Tôn nói ra, cho nên gọi là chân lý. Trong các loài chúng sanh, từ loài hai chân, ba chân, bốn chân, cho đến nhiều chân; ở cõi dục, cõi sắc hoặc cõi vô sắc; hoặc có tưởng, hoặc không có tưởng thì Như Lai là đấng Tối Thượng, đã thành tựu bốn chân lý này, nên gọi là bốn chân lý cao thượng.

Như vậy, này các Tỳ-kheo, có bốn chân lý này, do vì chúng sanh không nhận biết rõ cho nên phải ở mãi trong sanh tử, xoay chuyển trong năm đường.6 Ngày hôm nay, Như Lai đã thấu rõ bốn chân lý này nên mới từ bờ này đến được bờ kia, thành tựu nghĩa này, đoạn trừ cội gốc sanh tử, như thật biết rằng không còn tái sanh nữa.

[0631b02] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Với bốn sự thật này,                
Nếu không như thật biết,
Sanh tử mãi vần xoay,                                               
Không có ngày giải thoát.
Với bốn sự thật này,                                               
Nhận biết rõ ràng rồi,
Đoạn trừ gốc sanh tử,  
Vòng tái sanh hết xoay.

Trong bốn bộ chúng, nếu có người nào không thấu đạt chân lý này và không thể giác tri thì sẽ rơi vào năm đường.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn chân lý này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.BỐN PHÁP LỢI ÍCH7
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn pháp đem đến nhiều lợi ích cho chúng sanh. Là bốn pháp nào? Một là nên gần gũi thiện tri thức.8 Hai là nên nghe pháp. Ba là nên biết pháp.9 Bốn là nên thực hành pháp và tùy pháp.10 Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn pháp đem đến nhiều lợi ích cho chúng sanh.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu bốn pháp này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.PHÁP HY HỮU11
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

– Khi Như Lai thị hiện ở đời thì sẽ có bốn pháp hy hữu xuất hiện ở đời. Là bốn pháp nào? Chúng sanh này phần nhiều bị chấp trước,12 khi Như Lai thuyết pháp không chấp trước thì họ sẽ tiếp nhận, ghi nhớ, tu tập, thực hành theo pháp đó, tâm không rời xa. Nếu Như Lai thị hiện ở đời sẽ có bốn pháp hy hữu xuất hiện ở đời. Đây là pháp hy hữu thứ nhất xuất hiện ở đời.

Lại nữa, A-nan, chúng sanh luân chuyển không dừng, ở mãi trong năm đường, nếu Như Lai muốn thuyết pháp, chúng sanh sẽ tiếp nhận, tâm không rời xa. Khi Như Lai thị hiện ở đời sẽ có pháp hy hữu thứ hai này xuất hiện ở đời.

Lại nữa, A-nan, chúng sanh thường ôm lòng kiêu mạn, không chịu từ bỏ. Nếu Như Lai thuyết pháp, chúng sanh sẽ tiếp nhận, tâm không rời xa. Lại nữa, A-nan, chúng sanh thường ôm lòng kiêu mạn, không chịu từ bỏ dù chỉ trong chốc lát, nhưng nếu Như Lai thuyết pháp, chúng sanh cũng tiếp nhận. Đây là pháp hy hữu thứ ba xuất hiện ở đời.

[0631c03] Lại nữa, A-nan, chúng sanh đây bị vô minh che đậy. Nếu Như Lai thuyết pháp về trí sáng suốt13 thì họ cũng tiếp nhận và không quên sót. Lại nữa, này A-nan, khi Như Lai thuyết pháp về trí sáng suốt và vô minh14 thì tâm ý chúng sanh được nhu hòa, luôn vui thích tu hành. Này A-nan, đó gọi là khi Như Lai thị hiện ở đời sẽ có pháp hy hữu thứ tư này xuất hiện ở đời.

Nếu Như Lai thị hiện ở thế gian thì sẽ có bốn pháp hy hữu này xuất hiện ở đời.

Thế nên, này A-nan! Hãy phát tâm hoan hỷ hướng về Như Lai.

Thật vậy, A-nan! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

4.GÁNH NẶNG15
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nay Như Lai sẽ nói về gánh nặng, cũng sẽ nói về người mang gánh nặng, cũng sẽ nói về nguyên nhân của gánh nặng và cũng sẽ nói về việc buông gánh nặng.16 Các Tỳ-kheo! Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, nay Như Lai sẽ giảng nói.

Các Tỳ-kheo thưa:

– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Bấy giờ, khi các Tỳ-kheo đã vâng lời Phật, đức Thế Tôn dạy:

– Thế nào gọi là gánh nặng? Đó là năm thủ uẩn,17 gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức uẩn. Đó gọi là gánh nặng.

Thế nào gọi là người mang gánh nặng? Người mang gánh đó là thân người, tên gì, họ gì, được sanh ra như vậy, ăn uống như vậy, nhận khổ vui như vậy, thọ mạng dài ngắn như vậy. Đó gọi là người mang gánh nặng.

Thế nào là nguyên nhân của gánh nặng? Ái nhiễm là nguyên nhân, cùng đi với dục, tâm không lìa bỏ. Đó gọi là nguyên nhân của gánh nặng.

Thế nào gọi là buông gánh nặng? Nghĩa là ái nhiễm đã dứt sạch, không sót lại gì, đã dứt trừ, đã nhổ bỏ. Đó gọi là buông gánh nặng.

Như vậy, này Tỳ-kheo, nay Như Lai đã nói về gánh nặng, đã nói về nguyên nhân của gánh nặng, đã nói về người mang gánh nặng, đã nói về sự buông gánh nặng. Những gì mà đấng Như Lai cần làm thì nay Như Lai đã làm xong. Các thầy nên ở dưới bóng cây, hoặc nơi yên vắng, hoặc ngồi giữa trời, thường nhớ tọa thiền, chớ có buông lung.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Hãy nhớ buông gánh nặng, 
Và chớ đừng tạo thêm,
Gánh nặng bệnh thế gian,   
Buông gánh, an lạc nhất.
Cũng nên trừ ái kiết,                
Buông bỏ nghiệp chẳng lành,
Xa lìa và dứt sạch,   
Sẽ không còn tái sanh.                                                                                                            

[0632a04] Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện buông bỏ gánh nặng.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5.BỐN HÌNH THỨC THỌ SANH18
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn hình thức thọ sanh. Là bốn hình thức nào? Đó là noãn sanh, thai sanh, thấp sanh và hóa sanh.

Thế nào là noãn sanh? Nghĩa là những loài được sanh ra từ trứng, như là gà, chim, quạ, bồ câu, khổng tước, rắn, cá, kiến, v.v... đều sanh ra từ trứng. Đó gọi là noãn sanh.

Thế nào gọi là thai sanh? Nghĩa là những loài được sanh ra từ bào thai, như loài người, các loài súc sanh, cho đến các loài vật hai chân. Đó gọi là thai sanh. Thế nào gọi là thấp sanh?19 Nghĩa là những loài được sanh ra do ẩm thấp, như các loài trùng được sanh từ trong thớ thịt bị thối rữa, các loại trùng trong nhà xí, trùng trong thây chết... đều được gọi là thấp sanh.

Thế nào gọi là hóa sanh? Nghĩa là những loài được sanh ra từ sự biến hóa, như là chư thiên, địa ngục, ngạ quỷ, hoặc người, hoặc súc sanh. Đó gọi là hóa sanh.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn hình thức thọ sanh này. Các Tỳ-kheo hãy lìa bỏ bốn hình thức thọ sanh này, phải tìm cầu phương tiện thành tựu pháp bốn chân lý cao thượng!

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

 

6.KIẾT SỬ20
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất bảo các Tỳ-kheo:

– Thế gian có bốn hạng người này. Là bốn hạng nào? Một là, người có kiết sử tiềm ẩn, bên trong có kiết sử mà không như thật nhận biết. Hai là, người có kiết sử tiềm ẩn, bên trong có kiết sử và như thật nhận biết là có. Ba là, người không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử mà không như thật nhận biết là không có. Bốn là, người không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử và như thật nhận biết không có.

Các Hiền giả nên biết, hạng người thứ nhất có kiết sử tiềm ẩn, bên trong có kiết sử mà không như thật nhận biết có. Trong hai hạng người có kiết sử thì hạng người này rất thấp kém.

Hạng người thứ hai có kiết sử tiềm ẩn, bên trong có kiết sử và như thật nhận biết có. Trong hai hạng người có kiết sử thì hạng người này tối ưu hơn.

Hạng người thứ ba không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử mà không như thật nhận biết. Trong hai hạng người không có kiết sử thì hạng người này thấp kém hơn.

Hạng người thứ tư không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử và như thật nhận biết không có kiết sử. Trong hai hạng người không có kiết sử thì hạng người này tối ưu hơn.

Các Hiền giả nên biết, thế gian có bốn hạng người này.

[0632b05] Bấy giờ, Tôn giả Mục-kiền-liên hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

– Vì lý do gì, trong hai hạng người cùng có kiết sử tiềm ẩn, nhưng một người thì thấp kém, một người thì tối ưu? Lại vì lý do gì, trong hai [hạng] người không có kiết sử tiềm ẩn mà một người thì thấp kém, một người thì tối ưu?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

– Bởi vì người có kiết sử tiềm ẩn, nhưng không như thật nhận biết bên trong có kiết sử, nên người ấy suy nghĩ: “Ta hãy quán tưởng thanh tịnh.” Người ấy liền tư duy quán tưởng thanh tịnh. Lúc người ấy quán tưởng thanh tịnh thì lòng dục liền sanh khởi. Khi lòng dục đã sanh khởi rồi, người ấy qua đời với lòng tham dục, sân hận, ngu si. Người ấy đã không tìm cầu phương tiện để dứt trừ lòng dục này, cho nên qua đời với lòng tham dục, sân hận và ngu si.

Mục-liên nên biết, giống như có người đến chợ mua được chiếc bình bằng đồng, bụi bặm bám đầy, rất là nhơ nhớp và người ấy không thường xuyên lau chùi, không thường xuyên rửa sạch nên đồ dùng kia ngày càng thêm nhơ bẩn, hoen ố. Hạng người thứ nhất này cũng giống như vậy, cáu bẩn bám theo, bên trong có kiết sử mà không như thật nhận biết, nên người ấy suy nghĩ: “Ta sẽ tư duy quán tưởng thanh tịnh.” Khi đã tư duy quán tưởng thanh tịnh, người ấy liền sanh khởi lòng dục. Khi lòng dục sanh khởi, người ấy không tìm cầu phương tiện để dứt trừ lòng dục này, cho nên qua đời với lòng tham dục, sân hận và ngu si.

Hạng người thứ hai có kiết sử tiềm ẩn, nhưng như thật nhận biết bên trong có kiết sử, cho nên suy nghĩ: “Nay ta nên xả bỏ quán tưởng thanh tịnh, tư duy quán tưởng bất tịnh.” Người ấy liền xả bỏ quán tưởng thanh tịnh, tư duy quán tưởng bất tịnh. Khi người ấy đã tư duy quán tưởng bất tịnh thì không sanh khởi lòng tham dục. Vị ấy tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, thành tựu những gì chưa thành tựu, không còn tham dục, sân hận, ngu si. Người ấy qua đời mà không có kiết sử.

Giống như có người vào chợ mua được chiếc bình bằng đồng có dính bụi bẩn. Biết vậy nên người ấy đã thường xuyên lau chùi, tẩy rửa sạch sẽ. Hạng người thứ hai này cũng giống như vậy, có kiết sử tiềm ẩn, nhưng như thật nhận biết bên trong có kiết sử. Cho nên, người này liền dứt trừ quán tưởng thanh tịnh, tư duy quán tưởng bất tịnh. Khi tư duy quán tưởng bất tịnh, người này tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người này qua đời với tâm không còn tham dục, không còn sân hận, không còn ngu si. Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người có kiết sử tiềm ẩn, nhưng một người thì thấp kém, một người lại tối ưu.

[0632c03] Tôn giả Mục-liên lại hỏi:

– Lại vì lý do gì khiến cho hai hạng người không có kiết sử tiềm ẩn, nhưng một người thì thấp kém, một người lại tối ưu?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

– Hạng người thứ ba không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử mà không như thật nhận biết. Người ấy liền tư duy: “Ta không tìm cầu phương tiện tư duy chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng.” Cho nên, người ấy qua đời với tâm bị trói buộc bởi tham dục, sân hận, ngu si. Giống như có người ra chợ mua chiếc bình đồng [không] bị dính bụi bẩn,21 nhưng không thường xuyên lau chùi, cũng không thường xuyên tẩy rửa, hạng người thứ ba này cũng giống như vậy, không có kiết sử tiềm ẩn mà không như thật nhận biết bên trong không có kiết sử, cũng không học tập tư duy: “Ta nên tìm cầu phương tiện diệt trừ các kiết sử này.” Cho nên, người ấy qua đời với tâm tham dục, sân hận và ngu si.

Hạng người thứ tư không dính mắc với kiết sử, bên trong không có kiết sử và như thật nhận biết bên trong không có kiết sử. Người ấy tự tư duy, tìm cầu phương tiện để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người ấy qua đời mà không có các kiết sử. Giống như có người ra chợ mua được đồ đồng tốt và rất tinh sạch, lại thường xuyên chăm sóc lau chùi đồ dùng ấy. Bấy giờ, đồ dùng bằng đồng kia ngày càng sạch đẹp. Hạng người thứ tư này cũng lại như vậy, không có kiết sử tiềm ẩn, bên trong không có kiết sử và như thật nhận biết bên trong không có kiết sử. Người ấy tự tư duy, tìm cầu phương tiện chứng đắc những gì chưa chứng đắc, đạt được những gì chưa đạt được, tác chứng những gì chưa tác chứng. Người ấy qua đời với tâm không còn kiết sử tham dục, sân hận và ngu si.

Này Mục-liên, đó gọi là có hai hạng người không có kiết sử tiềm ẩn, nhưng một người thì cao quý, một người lại thấp kém.

Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất: – Thế nào gọi là kiết sử?

Tôn giả Xá-lợi-phất đáp:

– Mục-liên nên biết, từ các pháp xấu, bất thiện mà sanh khởi các tà kiến, đó gọi là kiết sử. Hoặc lại có người suy nghĩ: “Mong Như Lai hỏi nghĩa ta trước, sau đó mới thuyết pháp cho các Tỳ-kheo, chứ không phải hỏi nghĩa các Tỳ- kheo khác trước, sau đó thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.” Nhưng lại có lúc Thế Tôn hỏi nghĩa các Tỳ-kheo khác xong, sau đó thuyết pháp, chứ không hỏi nghĩa với Tỳ-kheo kia rồi mới thuyết pháp. Tỳ-kheo ấy suy nghĩ: “Như Lai không hỏi nghĩa với ta mà đã thuyết pháp cho các Tỳ-kheo.” [Tỳ-kheo như vậy] là có bất thiện, có tham dục. Đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

[0633a03] Hoặc lại có lúc vị Tỳ-kheo suy nghĩ: “Ta phải luôn đi trước các Tỳ-kheo khác khi vào thôn khất thực, chẳng để Tỳ-kheo khác đi trước các Tỳ- kheo khi vào thôn khất thực.” Tuy nhiên, có lúc Tỳ-kheo khác đi trước khi vào thôn khất thực, không để Tỳ-kheo ấy đi trước các Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực. Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ: “Ta không được đi trước Tỳ-kheo khi vào thôn khất thực.” [Vị Tỳ-kheo suy nghĩ như vậy] là đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Mục-liên nên biết, hoặc có lúc vị Tỳ-kheo suy nghĩ: “Ta sẽ ngồi phía trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước, không để Tỳ-kheo khác ngồi trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước.” Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo khác ngồi phía trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước mà không để Tỳ-kheo ấy ngồi trước các Tỳ-kheo, nhận nước trước, được thức ăn trước. Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ: “Ta không được ngồi phía trước các Tỳ- kheo, không được nhận nước trước, không được thức ăn trước.” [Vị Tỳ-kheo suy nghĩ như vậy] là đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo ấy suy nghĩ: “Khi ta dùng cơm xong sẽ thuyết pháp cho thí chủ, không để Tỳ-kheo khác thuyết pháp cho thí chủ sau khi ăn xong.” Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác thuyết pháp cho thí chủ sau khi ăn xong, chứ không để cho Tỳ-kheo ấy thuyết pháp cho thí chủ sau khi ăn xong. Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ: “Ta không được thuyết pháp cho thí chủ sau khi ăn xong.” [Vị Tỳ-kheo suy nghĩ như vậy] là đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo tự nghĩ: “Ta nên đến trong vườn để thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn, chẳng để Tỳ-kheo khác vào trong vườn mà thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn.” Nhưng có lúc Tỳ-kheo khác đến trong vườn mà thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn, không để Tỳ-kheo ấy đến trong vườn mà thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn. Tỳ-kheo ấy bèn nghĩ: “Ta không được đến trong vườn thuyết pháp cho trưởng giả, Bà-la-môn.” [Vị Tỳ- kheo suy nghĩ như vậy] là đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo tự nghĩ: “Nay ta phạm giới, mong các Tỳ-kheo khác không biết ta phạm giới.” Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo ấy phạm giới và bị các Tỳ-kheo biết Tỳ-kheo ấy phạm giới. Thế là vị ấy đã có bất thiện, lại thêm tham dục, cả hai việc này đều bất thiện.

[0633b01] Hoặc có lúc Tỳ-kheo tự nghĩ: “Nay ta dù phạm giới, nhưng ta không để Tỳ-kheo khác nói ta phạm giới.” Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo ấy phạm giới, đã bị Tỳ-kheo khác nói Tỳ-kheo ấy phạm giới. Thế là vị ấy đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Hoặc lại có lúc Tỳ-kheo ấy tự nghĩ: “Nay ta phạm giới, hãy để Tỳ-kheo thanh tịnh nói lỗi ta, không để Tỳ-kheo không thanh tịnh nói lỗi của ta.” Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo ấy bị Tỳ-kheo không thanh tịnh nói là Tỳ-kheo ấy đã phạm giới. Thế là vị ấy đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Hoặc có lúc Tỳ-kheo tự nghĩ: “Nay ta phạm giới, nếu có Tỳ-kheo nào nói lỗi của ta thì nên nói ở nơi khuất kín, không [nói] ở giữa đại chúng.” Nhưng lại có lúc Tỳ-kheo ấy phạm giới, đã bị Tỳ-kheo khác nói tội ở giữa đại chúng, không [nói] ở nơi khuất kín. Thế là vị ấy đã có bất thiện, lại thêm tham dục nên cả hai việc này đều bất thiện.

Mục-liên nên biết, gốc của các pháp này sanh khởi các hành vi này, gọi đó là kiết sử.

Mục-liên nên biết, những người trong bốn bộ chúng mà phạm vào các việc này thì mọi người đều nghe, đều biết. Cho dù có nói: “Tôi ở chốn a-lan-nhã, sống nơi thanh vắng, khoác y năm mảnh, thường hành khất thực không chọn giàu nghèo, đi không thô tháo, đến đi, dừng ở, đứng ngồi, động tịnh, nói năng hay im lặng đều trong an tịnh.” Tỳ-kheo ấy tự nghĩ: “Cầu mong Tỳ-kheo, Tỳ- kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, các vị Phạm hạnh này thường đến cung kính cúng dường ta.” Tỳ-kheo ấy tuy có nghĩ vậy, nhưng bốn bộ chúng cũng không tùy thời cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy chưa dứt trừ các việc ác, bất thiện mà mọi người đều thấy nghe, đều nghĩ biết. Giống như người nọ có chiếc bình đồng rất sạch đẹp, nhưng lại đem những vật dơ bẩn chất chứa trong chiếc bình, rồi lấy đồ dùng khác phủ lên trên, sau đó mang đi khắp nước. Mọi người nhìn thấy, liền hỏi người ấy: “Anh mang vật gì vậy? Chúng tôi muốn được thấy qua.” Lúc đó, mọi người đều đã đói lả nên thốt lên rằng: “Ồ! Có lẽ là thức ăn uống ngon.” Thế rồi họ mở nắp đậy ra, nhưng đều nhìn thấy những đồ vật dơ bẩn. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, tuy có ở chốn a-lan-nhã, tùy thời khất thực, mặc y năm mảnh, giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, buộc niệm ở trước, nhưng vị ấy chỉ khởi ý niệm: “Mong các vị Phạm hạnh tùy thời đến cúng dường ta.” Thế nhưng các vị Phạm hạnh lại không tùy thời cúng dường. Vì sao? Vì Tỳ-kheo ấy vẫn chưa diệt hết kiết sử, pháp ác, bất thiện.

[0633c02] Mục-liên nên biết, những Tỳ-kheo nào không có pháp ác, bất thiện, kiết sử đã được trừ sạch, được mọi người thấy nghe, nghĩ biết thì dù vị ấy đi lại trong thành thị cũng vẫn là người trì pháp. Nếu được người thỉnh mời, hoặc được trưởng giả cúng dường, Tỳ-kheo ấy vẫn không khởi niệm tưởng tham dục. Khi ấy, bốn bộ chúng và các vị Phạm hạnh đều đến cúng dường. Vì sao như vậy? Vì vị Tỳ-kheo ấy việc làm thanh tịnh được mọi người thấy nghe, nghĩ biết.

Giống như người nọ có chiếc bình đồng đẹp tốt, đựng đầy thức ăn uống ngon, mùi vị rất thơm, lại lấy đồ vật đậy lên, rồi mang đi khắp nước. Mọi người nhìn thấy, liền hỏi người ấy: “Đây là vật gì? Chúng tôi muốn được xem qua.” Thế rồi họ mở ra xem, nhìn thấy thức ăn uống ngon, cùng nhau lấy ăn. Ở đây cũng như vậy, Tỳ-kheo được mọi người thấy nghe, được nghĩ biết, tuy đi trong thành thị, được sự cúng dường của trưởng giả nhưng vị ấy không tự nghĩ: “Mong các vị Phạm hạnh đến cúng dường ta.” Tuy vậy, các vị Phạm hạnh đều đến cúng dường vị ấy. Vì sao như vậy? Vì vị Tỳ-kheo ấy đã dứt trừ sạch các việc ác, bất thiện.

Cho nên, Mục-liên! Y cứ vào các việc làm này nên gọi là kiết sử. Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên khen ngợi:

– Lành thay, lành thay, Xá-lợi-phất! Vì sao? Trước kia tôi ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, thành La-duyệt này. Một hôm, đến giờ tôi đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực, đến nhà một người thợ, đứng im lặng ở ngoài cửa. Lúc ấy, người thợ kia đang cầm búa đẽo gỗ; lại có một người thợ già có chút việc cần nên đến nhà người thợ này. Khi người thợ kia đang sửa bản gỗ thì người thợ già này nảy sanh ý nghĩ: “Chú thợ trẻ này đẽo gỗ như ý ta không? Nay ta phải xem thử.” Lúc ấy, chú thợ trẻ này đẽo bỏ hết những chỗ không vừa ý, người thợ già kia thấy vậy, lòng rất hoan hỷ, nghĩ rằng: “Hay thay, hay thay! Chú này đẽo gỗ rất vừa ý ta.”

Đây cũng như vậy, có những Tỳ-kheo tâm không nhu hòa, bỏ hạnh Sa- môn, có lòng dối trá, không theo pháp Sa-môn, tánh hạnh thô tháo, không biết hổ thẹn, dương mặt chịu nhục, hành vi thấp kém, không có dũng mãnh, hoặc thường lơ đễnh, không nhớ việc làm, tâm ý không định, việc làm nhầm lẫn, các căn không định, nay các vị ấy cần được Tôn giả Xá-lợi-phất quán sát tánh hạnh để mà sửa trị.

[0634a02] Những người thiện nam vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo, rất cung kính giới, không bỏ pháp Sa-môn Hiền thánh, không có giả dối, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói thường mỉm cười, không mích lòng người, tâm luôn chuyên nhất, không có thị phi, các căn không loạn. Những vị ấy nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói xong, liền tự vâng nhận, không để quên sót.

Giống như có những người nam, người nữ xinh đẹp vô cùng, thường tự tắm gội, mặc y phục mới, dùng hương thoa thân, lại được người khác tặng thêm hoa sen. Người ấy được hoa liền đội lên đầu, vui mừng hớn hở không kiềm chế được. Ở đây cũng vậy, nếu có người thiện nam nào vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo, cung kính giới luật, không trái pháp Sa-môn, không có giả dối, không hành thô tháo, tâm ý nhu hòa, nói luôn mỉm cười, không phiền lòng người, tâm thường chuyên nhất, không có thị phi, các căn chẳng loạn. Người ấy được nghe Tôn giả Xá-lợi-phất nói những lời này rồi, lòng rất vui mừng không kiềm chế được, vâng nhận lời dạy. Như vậy, Tôn giả Xá-lợi-phất nói giáo pháp này cho các vị thiện nam.

Bấy giờ, mỗi vị Hiền giả được nghe những lời dạy này rồi đều hoan hỷ phụng hành.

***

7.BỐN LOẠI TRÁI CÂY22
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn loại trái cây. Là bốn loại nào? Hoặc có trái sống mà tợ như chín, hoặc có trái chín mà tợ như sống, hoặc có trái chín mà tợ như chín, hoặc có trái sống mà tợ như sống. Này các Tỳ-kheo, thế gian có bốn loại trái cây này. Ở trong thế gian có bốn hạng người cũng giống như vậy. Là bốn hạng nào? Hoặc có người sống mà tợ như chín, hoặc có người chín mà tợ như sống, hoặc có người sống mà tợ như sống, hoặc có người chín mà tợ như chín.

Thế nào gọi là hạng người sống mà tợ như chín? Như có Tỳ-kheo khi đi, khi bước không chút thô tháo, ánh mắt xem nhìn luôn theo giáo pháp, đắp y, ôm bát cũng đúng theo pháp; khi bước, khi đi mắt luôn nhìn xuống, không ngó hai bên, nhưng lại phạm giới, không theo chánh hạnh; chẳng phải Sa-môn mà tợ Sa-môn, không tu Phạm hạnh mà lại tự nói mình tu Phạm hạnh; làm thương tổn và hủy hoại Chánh pháp, gốc rễ hạt giống đã bị hư hoại. Người này gọi là sống mà tợ như chín.

Thế nào là hạng người chín mà tợ như sống? Như có Tỳ-kheo tánh hạnh như kẻ quê mùa, ánh mắt nhìn ngó trông không đứng đắn, đi đứng cũng không thuận theo Chánh pháp, thường liếc ngó hai bên, nhưng vị này lại siêng năng học hỏi, tu tập pháp lành, luôn giữ giới luật, không mất oai nghi, thấy chút việc phi pháp lòng liền lo sợ. Người này gọi là chín mà tợ như sống.

[0634b04] Thế nào là hạng người sống mà tợ như sống? Như vị Tỳ-kheo không giữ giới luật, không giữ oai nghi khi đi, khi bước; cũng không biết phép tắc ra vào, tới lui; cũng lại không biết cách thức đắp y, ôm bát; các căn loạn động, tâm ý đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Người ấy phạm giới, không tu Chánh pháp, không phải Sa-môn mà tợ Sa-môn, không tu Phạm hạnh mà tợ Phạm hạnh, là người mà gốc rễ đã hư hoại, không thể cứu chữa. Đó gọi là hạng người sống mà tợ như sống.

Thế nào là hạng người chín mà tợ như chín? Như có Tỳ-kheo giữ gìn giới cấm, ra vào, bước đi không trái lễ tiết, nhìn ngó không mất oai nghi; lại rất tinh tấn tu hành pháp thiện, oai nghi lễ tiết thảy đều thành tựu, thấy điều phi pháp nhỏ mà tâm đã lo sợ, huống gì lỗi lớn. Đây gọi là hạng người chín mà tợ như chín.

Này các Tỳ-kheo, thế gian có bốn hạng người giống như bốn loại trái cây này. Các thầy hãy học theo hạng người chín mà tợ như chín.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.GIÓ LỐC23
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Hôm nay, trên bầu trời có gió lốc. Nếu như có con chim nào bay đến đó, hoặc là chim ô thước, hoặc là chim hồng hộc mà gặp cơn gió này thì đầu, não, lông, cánh mỗi thứ mỗi nơi. Ở đây, vị Tỳ-kheo cũng lại như vậy, sau khi đã bỏ giới cấm và sống đời cư sĩ thì lúc ấy sáu vật tùy thân như ba y, bình bát, ống đựng kim, v.v... mỗi thứ ở mỗi nơi, giống như cơn gió lốc thổi chết loài chim kia.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tu hành Phạm hạnh. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.BỐN LOẠI CHIM24
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo nên biết, có bốn loài chim. Là bốn loài nào? Hoặc có loài chim tiếng hót hay mà thân hình xấu xí. Hoặc có loài chim thân hình đẹp mà tiếng hót khó nghe. Hoặc có loài chim tiếng hót khó nghe mà thân hình cũng xấu xí. Hoặc có loài chim thân hình đẹp và tiếng hót cũng hay.

[0634c02] Loài chim nào tiếng hót hay mà thân hình xấu xí? Đó là chim câu- sí-la.25 Chim này tiếng hót hay mà thân hình xấu xí.

Loài chim nào thân hình đẹp mà tiếng hót khó nghe? Đó là chim chí.26 Chim này có thân hình đẹp mà tiếng hót khó nghe.

Loài chim nào tiếng hót khó nghe và thân hình cũng xấu xí? Đó là chim cú.

Chim này tiếng hót khó nghe và thân hình cũng xấu xí.

Loài chim nào tiếng hót hay và thân hình cũng đẹp? Đó là chim công. Chim này tiếng hót hay và thân hình cũng đẹp.

Này Tỳ-kheo, đó gọi là có bốn loại chim này, mọi người cần phải biết rõ.

Ở đây cũng vậy, thế gian cũng có bốn hạng người giống như loài chim, mọi người cần phải biết rõ. Là bốn hạng người nào?

Hạng người có thân hình đẹp mà tiếng không hay: Như có Tỳ-kheo dung mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, ôm bát, co duỗi, cúi ngước đầy đủ oai nghi, nhưng lại không thể đọc tụng được những kinh pháp mà đoạn đầu thiện, đoạn giữa thiện, đoạn cuối cũng thiện; không thể vâng lãnh giáo pháp, cũng lại không thể khéo trì tụng kinh. Đây là hạng người có thân hình đẹp mà tiếng không hay.

Hạng người có tiếng hay nhưng thân hình xấu xí: Như có Tỳ-kheo, ra vào, đi lại, co duỗi, cúi ngước, đắp y, ôm bát không đúng oai nghi, thường nói dông dài. Nhưng vị ấy lại siêng năng trì giới, nghe pháp liền biết chỗ nào cần học; lại thêm nghe hiểu tất cả các pháp mà đoạn đầu thiện, đoạn giữa thiện, đoạn cuối cũng thiện, hiểu sâu nghĩa lý, tu tập Phạm hạnh đầy đủ; lại còn khéo thọ trì, đọc tụng pháp ấy. Đây là hạng người có tiếng hay nhưng thân hình xấu xí.

Hạng người tiếng đã khó nghe mà thân hình cũng xấu xí: Như có người phạm giới, không siêng năng tu, không chịu nghe nhiều, những gì đã nghe thì liền quên lãng. Ở trong giáo pháp này thì cần phải thực hành đầy đủ Phạm hạnh, nhưng người này không vui kham nhận và thọ trì. Đây gọi là hạng người tiếng đã khó nghe mà thân hình cũng xấu xí.

Hạng người có tiếng hay và thân hình cũng đẹp: Như có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, ra vào, đi lại, đắp y, ôm bát, không ngó hai bên; lại còn siêng năng tu tập thiện pháp, giới luật đầy đủ, thấy điều phi pháp nhỏ liền lo sợ, huống gì lỗi lớn; lại còn nghe nhiều biết rộng, ghi nhận không quên, khéo tu tất cả pháp lành mà đoạn đầu thiện, ở giữa thiện và phần cuối cũng thiện. Những pháp như vậy, vị ấy khéo thọ trì, đọc tụng. Đây gọi là hạng người có tiếng hay và thân hình cũng đẹp.

Đó gọi là thế gian có bốn hạng người này ở đời, cần phải cùng nhau nhận biết.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập hạng người có tiếng hay và thân hình cũng đẹp.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10.BỐN LOẠI MÂY27
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có bốn loại mây. Là bốn loại nào? Một là, có mây, có sấm mà không có mưa. Hai là, có mây, có mưa mà không có sấm. Ba là, có mây, có mưa và cũng có sấm. Bốn là, có mây, không có mưa và cũng không có sấm. Đó gọi là bốn loại mây.

Thế gian cũng có bốn hạng người giống như mây. Là bốn hạng người nào? Một là, hạng Tỳ-kheo có sấm mà không mưa. Hai là, hạng Tỳ-kheo có mưa mà không có sấm. Ba là, hạng Tỳ-kheo vừa không có mưa vừa không có sấm. Bốn là, hạng Tỳ-kheo vừa có mưa vừa có sấm.

Thế nào là Tỳ-kheo có sấm mà không có mưa? Như có Tỳ-kheo lớn tiếng đọc tụng: Khế kinh,28 Kỳ-dạ,29 Thọ quyết,30 Kệ,31 Bổn mạt,32 Nhân duyên,33 Dĩ thuyết,34 Sanh kinh,35 Tụng,36 Phương đẳng,37 Vị tằng hữu pháp,38 Thí dụ.39 Những pháp như vậy vị ấy đều khéo đọc tụng, không mất nghĩa lý, nhưng lại không rộng thuyết pháp cho người khác. Đây gọi là người có sấm mà không có mưa.

Thế nào là Tỳ-kheo có mưa mà không sấm? Như có Tỳ-kheo tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đến đi, tiến dừng thảy đều đầy đủ, tu các pháp lành không sót mảy may; nhưng lại không nghe rộng hiểu nhiều, cũng không lớn tiếng đọc tụng, lại không tu hành: Khế kinh, Kỳ-dạ, Thọ quyết, Kệ, Bổn mạt, Nhân duyên, Dĩ thuyết, Sanh kinh, Tụng, Phương đẳng, Vị tằng hữu pháp, Thí dụ. Tuy vị ấy có học tập từ người khác và không quên sót, cũng ưa gần gũi thiện tri thức, cũng thích thuyết pháp cho người khác. Đây gọi là người có mưa mà không sấm.

Thế nào là Tỳ-kheo không có mưa và cũng không có sấm? Như Tỳ-kheo tướng mạo không đoan chánh, oai nghi ra vào, đến đi, tiến dừng thảy đều thiếu sót, không tu các pháp thiện; lại còn không học rộng hiểu nhiều, cũng không giỏi đọc tụng, lại không tu hành: Khế kinh,... (cho đến) Phương đẳng,40 cũng lại không vì người khác thuyết pháp. Đây gọi là người vừa không có mưa cũng không có sấm.

Thế nào là Tỳ-kheo vừa có mưa vừa có sấm? Như người có tướng mạo đoan chánh, oai nghi ra vào, đến đi, tiến dừng thảy đều đầy đủ; ham thích học hỏi, sở học không quên, cũng thích thuyết pháp cho người khác nghe, khuyến khích người khác khiến họ vâng nhận. Đó gọi là người vừa có mưa vừa có sấm.

Tỳ-kheo, đó gọi là thế gian có bốn hạng người này. Thật vậy, [này các] Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:41

Đế, Nhiêu ích, A-nan,              
Trọng đảm, Tứ sinh, Kiết,
Tứ quả, Tùy lam phong,                                    
Tứ điểu, Lôi tại hậu.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Tứ đế phẩm 四諦品 (T.02. 0125.25. 0631a06).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.1. 0631a07). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.403. 0108a04); S. 56.21 - V. 431.
3 Nguyên tác: Tứ đế (四諦). Tạp A-hàm viết: Tứ Thánh đế (四聖諦, Cattāri Ariyasaccāni).
4 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm (五盛陰).
5 Nguyên tác: Chánh tam-muội (正三昧).
6 Ngũ đạo (五道): Năm con đường thọ sanh tùy theo nghiệp của mỗi chúng sanh, gồm có trời, người, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục.
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.2. 0631b11). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.843. 0215b15).
8 Nguyên tác: Thân cận thiện tri thức (親近善知識, kalyāṇamittatā).
9 Nguyên tác: Tri pháp (知法). Trong Tạp. 雜 (T.02.0099.843. 0215b15), thuật ngữ này được dịch là “nội chánh tư duy” (內正思惟), là cách diễn dịch khác của “như lý tác ý” (如理作意, yoniso manasikāya).
10 Nguyên tác: Pháp pháp tương minh (法法相明). Trong Tạp. 雜 (T.02. 0099.843. 0215b15), thuật ngữ này được dịch là “pháp thứ pháp hướng” (法次法向). Pāli: Dhammānudhammappaṭipanna (thực hành pháp và tùy pháp).
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.3. 0631b19). Tham chiếu: A. 4.128 - II. 131. Vị tằng hữu pháp (未曾有法, abbhūtadhamma): Pháp xưa nay chưa từng có.
12 Nguyên tác: Sở trước (所著). Tham chiếu: A. 4.128 - II. 131: Ālaya (nắm giữ, chấp trước). Tác phẩm Thành duy thức luận 成唯識論 (T.31. 1585. 0015a28) gọi là a-lại-da (阿賴耶) và xem bản kinh này là một trong những cơ sở quan trọng để hình thành thức a-lại-da.
13 Nguyên tác: Hữu minh (有明).
14 Nguyên tác: Hữu minh, vô minh pháp (有明, 無明法). Bản Hán quá cô đọng nên nghĩa chưa rõ. Tham chiếu: A. II. 131: “Khi Như Lai thuyết pháp nhiếp phục vô minh” (HT. Thích Minh Châu dịch).
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.4. 0631c11). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.73. 0019a15); S. 22.22 - III. 25.
16 Trọng đảm (重擔, bhāra): Gánh nặng. Hà trọng đảm (荷重擔, bhārahāra): Mang gánh nặng. Xả trọng đảm (捨重擔, bhāranikkhepana): Buông gánh nặng. Theo A-tỳ-đạt-ma Câu-xá luận 阿毘達磨俱舍論 (T.29. 1558.30. 0155a27).
17 Nguyên tác: Ngũ thạnh ấm (五盛陰).
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.5. 0632a07).
19 Nguyên tác: Nhân duyên sanh (因緣生), tức là thấp sanh.
20 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.6. 0632a20). Tham chiếu: Uế kinh 穢經 (T.01. 0026.87. 0566a13); Cầu dục kinh 求欲經 (T 01. 0049. 0839a05); M. 5, Anaṅgaṇa Sutta (Kinh không uế nhiễm).
21 Nguyên tác: Trần cấu sở nhiễm (塵垢所染). Nếu theo nội dung kinh trong đoạn này thì phải có phủ định từ, để phù hợp với hạng người bên trong không có kiết sử (內無結). Có thể bản Hán ghi nhầm, bản dịch hiệu chú theo cơ sở vừa nêu.
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.7. 0634a17). Tham chiếu: A. 4.105 - II. 106.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.8. 0634c18). Tham chiếu: S. 17.9 - II. 231.
24 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.9. 0634b27).
25 Câu-sí-la (拘翅羅, kokila) cũng gọi là chim ca-lan-đà (迦蘭陀, karaṇḍaka).
26 Nguyên tác: Chí điểu (鷙鳥), chỉ cho các loài chim dữ như diều hâu, ó...
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.25.10. 0635a03). Tham chiếu: Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 150A.10. 0877b04); A. 4.102 - II. 103.
28 Khế kinh (契經, Sutta) cũng gọi là Quán kinh (貫經), Chánh kinh (正經).
29 Kỳ-dạ (祇夜, Geyya): Thể kệ lặp lại nội dung đoạn kinh trước, gọi là Trùng tụng (重頌) hoặc Ứng tụng (應頌).
30 Thọ quyết (受決) cũng gọi là Thọ ký (受記, Veyyākaraṇa).
31 Kệ (偈, Gāthā) cũng gọi là Kệ-tha (偈他), Già-đà (伽陀), chỉ cho thể loại kinh văn thể hiện thông qua thi kệ như Kinh Pháp cú, Trưởng lão Tăng kệ, Trưởng lão Ni kệ...
32 Bổn mạt (本末) cũng gọi là Bổn sự (本事), Thiên bổn (天本). Pāli gọi là Itivuttaka (Kinh Phật thuyết như vậy).
33 Nhân duyên (因緣) phiên âm là Ni-đà-na (尼陀那, Nidāna). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.33. 0307b05), Ni-đà-na nghĩa là giáo pháp mà chư Phật nói vốn phát khởi từ nhân duyên. Do nhân duyên gì mà Phật nói về việc đó. Do có người hỏi nên nói việc này. Theo Luật tạng, vì có người phạm lỗi này nên đã kết giới đó. Tất cả lời dạy của đức Phật đều phát khởi từ nhân duyên nên gọi là Ni-đà-na. (尼陀那者, 說諸佛法本起因緣, 佛何因緣說此事. 有★問故說是事. 毘尼中有★犯是事,故結是戒. 一切佛語緣起事皆名尼陀那).
34 Dĩ thuyết (已說) cũng gọi là Tự thuyết (自說), hoặc còn gọi là Ưu-đà-na (優陀那, Udāna).
35 Sanh kinh (生經) cũng gọi là Sanh xứ (生處), Bổn duyên (本緣), hoặc phiên âm là Xà-đa-già (闍多伽, Jātaka).
36 Tụng (頌) còn gọi là Đại giáo kinh (大教經), là thể tài kinh điển nhằm mở rộng nghĩa lý từ những lời dạy cô đọng của đức Phật. Thể tài này còn được gọi là Quảng diễn (廣演), hoặc Luận nghị (論議, S. Upadeśa, 優波提舍). Do vì thể tài này thường được quảng diễn từ một đoạn kệ tụng cô đọng và ngắn gọn, nên ở đây viết tắt là Tụng (頌).
37 Phương đẳng (方等) cũng gọi là Quảng kinh (廣經), cũng viết là Phương quảng (方廣, Vedalla).
38 Vị tằng hữu pháp (未曾有法, Abbhutadhamma) cũng gọi là A-phù-đa-đạt-ma (阿浮多達摩, Abbhutadhamma), chỉ cho thể loại giáo pháp vô cùng hy hữu và bất khả tư nghì.
39 Thí dụ (譬喻) cũng gọi là Chứng dụ kinh (證喻經), là thể tài kinh điển dùng ví dụ để chứng minh, phiên âm là A-ba-đà-na (阿波陀那, Avadāna).
40 Phương đẳng (方等). Thông thường, trong 12 thể tài kinh điển, Phương đẳng được sắp ở vị trí sau cùng. Ý là vị Tỳ-kheo này không đọc tụng, tu tập đầy đủ đến thể tài cuối cùng của 12 thể loại kinh.
41 Nguyên tác Nhiếp tụng: 諦, 饒益, 阿難; 重擔, 四生, 結; 四果, 隨嵐風; 四鳥, 雷在後. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 17.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.