Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Thuở xưa, trời Đế-thích bảo với chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba: “Khi các khanh vào trận chiến lớn, nếu người nào có tâm lo lắng sợ hãi, hãy quay lại nhìn ngọn cờ cao lớn của ta, nếu ai thấy được ngọn cờ của ta thì không còn sợ hãi nữa. Nếu người nào không nhớ ngọn cờ của ta thì hãy nhớ ngọn cờ của Thiên vương Y-sa, đã nhớ ngọn cờ ấy thì tất cả sợ hãi sẽ tự tiêu tan. Nếu không nhớ cờ của ta và cờ của Thiên vương Y-sa, khi đó hãy nhớ ngọn cờ của Thiên vương Bà-lưu-na, đã nhớ ngọn cờ đó thì mọi sợ hãi sẽ tự tiêu tan.”
Nay Như Lai cũng khuyên các thầy! Nếu Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào trong lòng sợ hãi, toàn thân sởn gai ốc, bấy giờ hãy nhớ nghĩ đến Phật, rằng: “Đây là bậc Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn thị hiện ở đời.” Nếu người nào có sợ hãi, toàn thân sởn gai ốc thì khi niệm Phật mọi sợ hãi liền tự tiêu diệt.
Nếu như không thể nhớ nghĩ đến Phật, bấy giờ hãy nhớ nghĩ đến Pháp, rằng: “Pháp của Như Lai vô cùng nhiệm mầu, là sở học của người trí.”3 Đã nhớ nghĩ đến Pháp rồi thì tất cả sợ hãi liền tự tiêu diệt.
Nếu không thể nhớ nghĩ Phật, cũng không thể nhớ nghĩ đến Pháp, bấy giờ hãy nhớ nghĩ đến Tăng, rằng: “Thánh chúng của Như Lai tất cả hòa hợp, thành tựu pháp và tùy pháp, thành tựu giới, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến.4 Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám bậc. Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng cung kính, đáng phụng sự, là ruộng phước của thế gian. Đó gọi là Thánh chúng của Như Lai.” Bấy giờ, nếu nhớ nghĩ đến Tăng thì mọi sợ hãi đều tự tiêu diệt.
Tỳ-kheo nên biết, Thích-đề-hoàn-nhân vẫn còn tham, sân, si, nhưng khi thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba nhớ nghĩ đến ông ta, liền không còn sợ hãi, huống gì Như Lai đã không còn tham, sân, si, lẽ nào nhớ nghĩ đến Như Lai mà còn sợ hãi sao? Nếu Tỳ-kheo nào có sợ hãi, khi nhớ nghĩ đến Như Lai thì mọi sợ hãi sẽ tự tiêu diệt.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ nghĩ đến Phật, Pháp và Tăng. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong nước Bạt-kỳ có ác quỷ tên là Tỳ-sa,6 vô cùng hung bạo, giết người vô số. Quỷ này mỗi ngày giết một người, hoặc một ngày giết hai người, hoặc ba người, bốn người, năm người, mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người. Bấy giờ, các quỷ thần, la-sát đầy khắp trong nước đó.
Lúc ấy, dân chúng Bạt-kỳ nhóm họp lại bàn với nhau:
– Chúng ta phải lánh khỏi nước này, trốn sang nước khác, không nên ở đây.
Bấy giờ, ác quỷ Tỳ-sa biết được suy nghĩ của dân chúng nước này, liền nói với họ:
– Các ngươi chớ rời xứ này để đến nước khác làm gì. Vì sao vậy? Bởi vì cuối cùng các ngươi cũng không thoát khỏi tay ta. Nếu mỗi ngày các ngươi cúng tế cho ta một người, ta sẽ không quấy nhiễu các ngươi nữa.
Khi ấy, dân chúng Bạt-kỳ mỗi ngày bắt một người để cúng tế cho ác quỷ kia. Ác quỷ kia ăn thịt người xong, liền ném hài cốt vào một ngọn núi ở vùng khác, thế nên ngọn núi đó chất đầy xương cốt.
Bấy giờ, có vị trưởng giả tên là Thiện Giác cũng sống tại đây, là người có nhiều của cải, tài sản vô số; lừa, ngựa, lạc đà không thể tính kể; vàng bạc, châu báu, xà cừ, mã não, trân châu, hổ phách cũng không đếm xiết. Trưởng giả ấy chỉ có một đứa con trai duy nhất tên là Na-ưu-la, nên ông ấy rất mực yêu thương, không hề rời mắt. Chiếu theo kỳ hạn thì bấy giờ đến lượt cậu bé Na-ưu-la bị đem tế quỷ. Lúc đó, cha mẹ của Na-ưu-la tắm rửa cho cậu con trai và mặc y phục đẹp, rồi dẫn đến bãi tha ma nơi ở của con quỷ ấy. Đến nơi, cha mẹ cậu bé gào khóc kêu la vật vã, họ cùng nhau cầu xin:
– Xin các vị thần và thần đất hãy chứng minh cho. Chúng tôi chỉ có duy nhất đứa con này, xin các thần minh hãy chứng minh điều này. Cầu xin hai mươi tám vị vua quỷ thần lớn hãy gia hộ, cứu giúp chúng con thoát khỏi tai ách. Xin kính lễ hết thảy Bốn Thiên Vương, mong các vị bảo vệ đứa trẻ này, cứu nó thoát tai ách. Cũng xin đảnh lễ Thích-đề-hoàn-nhân, xin hãy cứu mạng đứa trẻ này. Lại xin đảnh lễ Phạm thiên vương, xin hãy cứu mạng đứa bé này. Lại xin đảnh lễ các quỷ thần bảo hộ thế gian, giúp thoát nạn này. Nay chúng con cũng xin kính lễ các vị A-la-hán đã sạch phiền não, đệ tử của Như Lai, giúp thoát nạn này. Cũng xin đảnh lễ các vị Độc giác không thầy chỉ dạy, tự mình giác ngộ, cứu thoát nạn này. Nay chúng con cũng xin kính lễ đức Như Lai, bậc hàng phục kẻ chưa được hàng phục, độ người chưa được độ, bảo hộ người chưa được bảo hộ, giúp người chưa giải thoát được giải thoát, giúp người chưa được Niết-bàn sẽ thành tựu Niết-bàn, cứu hộ người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù, là thầy thuốc giỏi chữa trị cho kẻ bệnh tật. Đối với trời, rồng, quỷ thần, tất cả nhân dân, chúng ma, hoặc thiên ma, Như Lai là bậc tôn quý bậc nhất, không ai có thể sánh bằng, là bậc đáng kính, đáng quý, làm ruộng phước lành cho mọi người gieo trồng, không ai vượt hơn Như Lai. Vậy nên, xin Như Lai hãy soi xét cho, xin Như Lai hãy soi thấu lòng thành này của chúng con.
Sau đó, cha mẹ Na-ưu-la phó thác con mình cho quỷ dữ rồi rời đi.
[0615c14] Bấy giờ, bằng thiên nhãn thanh tịnh và thiên nhĩ thấu suốt, nghe được những lời của cha mẹ Na-ưu-la khóc lóc van xin vật vã ấy, Thế Tôn liền dùng lực thần túc, đến chỗ ác quỷ ở trong núi kia. Lúc ấy, ác quỷ Tỳ-sa đang nhóm họp với quỷ thần ở phía Bắc núi Tuyết, Thế Tôn bèn đi vào nơi ở của ác quỷ Tỳ-sa và ngồi kiết-già, giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động.
Khi ấy, cậu bé Na-ưu-la lần hồi đi đến nơi ở của ác quỷ kia. Từ xa, Na-ưu-la trông thấy Như Lai đang ở chỗ ác quỷ, hào quang rực rỡ, thân ngay thẳng, ý bất động, buộc niệm ở trước, dung nghi đoan chánh hiếm có trên đời, các căn tịch tịnh, đầy đủ công đức, hàng phục các ma. Các đức như thế không thể tính kể. Phật có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm thân Ngài, như ngọn núi Tu-di vượt hơn các đỉnh núi khác. Gương mặt của Phật giống như mặt trời, mặt trăng, như ngọn núi vàng, ánh sáng chiếu xa. Thấy vậy rồi, Na-ưu-la phát tâm hoan hỷ, hướng về Như Lai mà khởi niệm tưởng: “Vị này chắc chắn không phải là ác quỷ Tỳ-sa. Vì sao vậy? Vì ta vừa thấy người ấy thì lòng vô cùng hoan hỷ. Nếu người ấy là ác quỷ thì cứ tùy ý ăn thịt ta.”
Lúc đó, Thế Tôn liền bảo:
– Này Na-ưu-la, đúng như những gì con nghĩ. Ta chính là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, đến để cứu con và hàng phục ác quỷ kia.
Na-ưu-la nghe được những lời này, vô cùng vui mừng không kiềm lòng được, liền đến bên Thế Tôn, cúi lạy chân Ngài rồi ngồi qua một bên.
[0616a02] Bấy giờ, Thế Tôn đem giáo lý nhiệm mầu giảng cho cậu bé nghe. Như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là nhơ uế, là bất tịnh, giải thoát là thiết yếu, dứt trừ được các loạn tưởng.
Khi thấy cậu bé Na-ưu-la tâm ý hoan hỷ, tánh tình nhu hòa, Thế Tôn liền đem tất cả giáo pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói đầy đủ cho cậu bé nghe. Nghe xong, ngay tại chỗ ngồi, Na-ưu-la sạch hết mọi phiền não, đạt được cái thấy thanh tịnh với Chánh pháp. Cậu ấy thấy pháp, đắc pháp, thành tựu các pháp, tiếp nhận các pháp không chút nghi ngờ, hiểu rõ lời dạy Như Lai, liền phát tâm quy y Phật, Pháp, Tăng và thọ trì năm giới.
Lúc này, ác quỷ Tỳ-sa trở về lại nơi ở của mình. Từ xa trông thấy Thế Tôn đang ngồi ngay ngắn tư duy thiền định, thân không dao động, ác quỷ liền nổi cơn giận dữ, cho mưa tuôn, sấm rền, sét giật lên thân Như Lai; trút trận mưa đao kiếm nhắm vào Như Lai, nhưng khi chưa rơi xuống đất, tất cả đều biến thành hoa sen ưu-bát. Khi đó, ác quỷ kia càng thêm tức giận, tuôn xuống những trận mưa núi, sông, vách đá, nhưng khi những thứ ấy chưa rơi xuống đất đã biến thành các loại thức ăn nước uống. Lúc này, ác quỷ kia lại biến thành con voi lớn, gầm thét lao đến chỗ Thế Tôn, Thế Tôn liền hóa thành sư tử chúa. Ác quỷ kia lại biến thành sư tử chúa lớn hơn gấp đôi, phóng đến chỗ Thế Tôn, Thế Tôn liền hóa thành một đám lửa lớn. Ác quỷ Tỳ-sa càng thêm giận dữ, biến thành con rồng to lớn có bảy đầu, Thế Tôn liền hóa thành chim đại bàng cánh vàng. Khi đó, ác quỷ Tỳ-sa suy nghĩ: “Ta đã trổ hết toàn bộ thần lực, thế mà chẳng làm lay động chút mảy lông của Sa-môn. Nay ta nên đến hỏi ông ta về nghĩa lý sâu xa.”
Khi đó, ác quỷ liền đến hỏi Thế Tôn:
– Ta là Tỳ-sa, nay muốn hỏi nghĩa lý sâu xa. Nếu ông không trả lời được, ta sẽ tóm hai chân ông ném xuống biển Nam.
Đức Thế Tôn bảo:
– Ác quỷ nên biết, Ta tự xét thấy không có vị trời hay người, hoặc Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc phi nhân nào có thể nắm hai chân Ta ném xuống biển Nam được cả. Nhưng nay ngươi muốn hỏi nghĩa thì có thể hỏi.
Khi đó, ác quỷ hỏi:
– Sa-môn, thế nào là nghiệp cũ?7 Thế nào là nghiệp mới? Thế nào là hết nghiệp?
Thế Tôn bảo:
– Ác quỷ nên biết, mắt là nghiệp cũ, được tạo ra trong quá khứ, do duyên với thọ mà thành nghiệp. Tai, mũi, lưỡi,8 thân, ý là các nghiệp cũ, được tạo ra trong quá khứ, do duyên với thọ mà thành nghiệp. Này ác quỷ, đây là nghiệp trong quá khứ.
[0616b01] Quỷ Tỳ-sa lại hỏi:
– Sa-môn, thế nào là nghiệp mới? Thế Tôn đáp:
– Những gì do chính mình tạo tác hôm nay, gồm thân làm ba việc, miệng nói bốn việc, ý nghĩ ba việc, này ác quỷ, đó gọi là nghiệp mới.
Ác quỷ hỏi:
– Thế nào là hết nghiệp? Thế Tôn bảo:
– Ác quỷ nên biết, nghiệp cũ được diệt hết, không còn sanh khởi, cũng không tạo nghiệp mới, làm chủ nghiệp này, khiến nó vĩnh viễn không còn sanh khởi, dứt hẳn không sót lại gì, đó gọi là hết nghiệp.
Bấy giờ, ác quỷ kia bạch Thế Tôn:
– Nay ta rất đói, sao lại đoạt mất thức ăn của ta? Đứa bé này chính là thức ăn của ta. Này Sa-môn, hãy trả đứa bé cho ta!
Thế Tôn bảo:
– Khi xưa, lúc Ta chưa thành đạo, từng làm Bồ-tát. Có con bồ câu bay tìm đến Ta, Ta còn không tiếc thân mạng để cứu nguy cho nó, huống gì ngày nay Ta đã thành Như Lai, sao có thể bỏ đứa bé này cho ngươi ăn thịt? Này ác quỷ, nay dù ngươi có dùng hết thần lực, Ta cũng quyết không trao đứa trẻ này cho ngươi. Vì sao vậy? Dưới thời Phật Ca-diếp, ngươi đã từng làm Sa-môn tu trì Phạm hạnh, nhưng về sau lại phạm giới nên sanh làm ác quỷ này.
Bấy giờ, ác quỷ Tỳ-sa nương oai thần của Phật, nhớ lại tất cả những nghiệp đã gây tạo trước đây. Nó liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và giãi bày:
– Con là kẻ u mê, không phân biệt đúng sai mới sanh tâm muốn hại Như Lai. Kính xin Thế Tôn cho con sám hối!
Ác quỷ trình bạch như vậy ba lần. Thế Tôn bảo:
– Như Lai chấp thuận sự hối lỗi của ngươi, về sau chớ tái phạm!
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho quỷ Tỳ-sa, khiến ác quỷ sanh tâm hoan hỷ. Sau đó, ác quỷ tự tay dâng lên Thế Tôn mấy ngàn lượng vàng và bạch:
– Nay con xin dâng cúng hang núi này làm nơi cư trú cho chư Tăng trong bốn phương,9 cùng với mấy ngàn lượng vàng này. Cúi xin Thế Tôn thọ nhận cho!
Tỳ-sa bạch ba lần như vậy.
Bấy giờ, Thế Tôn thọ nhận hang núi này, rồi nói kệ:
Cúng vườn quả xanh mát,
Làm cầu bắc qua sông,
Cấp vật dụng đời sống,
Hoặc làm tàu thuyền to,
Đêm ngày chẳng nghỉ ngơi,
Được phước không kể xiết,
Thành tựu pháp, nghĩa, giới,
Mạng chung sanh cõi trời.10
Khi đó, quỷ Tỳ-sa bạch Thế Tôn:
– Không biết Thế Tôn còn chỉ dạy gì nữa không?
– Thế Tôn bảo:
– Nay ngươi hãy xả bỏ thân hình cũ, khoác ba y làm Sa-môn, vào thành Bạt-kỳ, đến bất kỳ nơi nào cũng truyền lời dạy này: “Quý vị nên biết, Như Lai thị hiện ở đời, hàng phục kẻ chưa được hàng phục, độ người chưa được độ, giải thoát cho người chưa được giải thoát, cứu hộ người chưa được cứu hộ, làm mắt sáng cho người mù. Trong chư thiên, loài người, trời, rồng, quỷ thần, chúng ma, hoặc thiên ma, hoặc người, hoặc chẳng phải người, Như Lai là bậc tôn quý bậc nhất, không ai có thể sánh bằng, là bậc đáng kính, đáng quý, làm ruộng phước tốt lành cho mọi người. Hôm nay, Thế Tôn đã cứu cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa. Quý vị nên đến đó để được nhận lời chỉ dạy.”
[0616c07] Quỷ Tỳ-sa đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Bấy giờ, quỷ Tỳ-sa liền biến làm Sa-môn, đắp ba pháp y đi vào thôn xóm, truyền lời chỉ dạy của Thế Tôn: “Hôm nay, Thế Tôn đã cứu cậu bé Na-ưu-la và hàng phục ác quỷ Tỳ-sa. Quý vị nên đến đó để được nhận lời chỉ dạy.”
Ngay lúc ấy, khắp nước Bạt-kỳ, dân chúng nô nức truyền tai nhau lời này. Bấy giờ, trưởng giả Thiện Giác nghe được lời này, thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, dẫn tám mươi bốn ngàn người dân đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, trưởng giả cúi lạy chân Phật rồi ngồi qua một bên. Còn dân chúng thành Bạt-kỳ có người thì cúi lạy chân Phật, có người thì chắp tay xá chào.
Khi tám mươi bốn ngàn người đã ngồi xong, Thế Tôn lần lượt nói pháp vi diệu cho họ nghe. Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là nhơ uế, là phiền não, là tai họa lớn.
Bấy giờ, Thế Tôn quán sát tám mươi bốn ngàn người dân kia tâm ý đã hoan hỷ, liền đem tất cả giáo pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói đầy đủ cho họ nghe. Ngay tại chỗ ngồi, tất cả mọi người đều sạch hết phiền não, đạt được cái thấy thanh tịnh với Chánh pháp. Như chiếc áo sạch tinh, rất dễ nhuộm màu, tám mươi bốn ngàn người dân này cũng như vậy, tất cả mọi phiền não đều dứt sạch, đạt được cái thấy thanh tịnh với Chánh pháp, được pháp, thấy pháp, thấu rõ các pháp, không chút nghi ngờ, không còn sợ hãi, họ liền phát tâm quy y Phật, Pháp, Tăng và thọ trì năm giới.
Bấy giờ, trưởng giả cha của Na-ưu-la bạch Thế Tôn: – Cúi xin Thế Tôn nhận lời thỉnh cầu của con!
Khi đó, Thế Tôn im lặng nhận lời.
Sau khi thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Phật, rồi trở về nhà. Về đến nhà, ông ấy cho bày biện rất nhiều món ăn thức uống, đầy đủ các hương vị khác nhau. Sáng sớm hôm sau, trưởng giả đích thân đến thỉnh Thế Tôn.
Bấy giờ, đúng thời Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành Bạt-kỳ, đến nhà trưởng giả và vào chỗ ngồi. Thấy Thế Tôn đã ngồi, trưởng giả tự tay dâng cúng rất nhiều thức ăn nước uống. Sau khi Thế Tôn thọ trai và dùng nước rửa tay xong, trưởng giả lấy một chiếc ghế nhỏ đặt ngồi xuống trước Như Lai và bạch:
– Lành thay, Thế Tôn! Nếu bốn bộ chúng cần y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, xin hãy đến nhà con để nhận.
[0617a05] Thế Tôn bảo:
– Quý thay, trưởng giả. Như lời ông nói.
Thế Tôn liền nói pháp vi diệu cho trưởng giả. Thuyết pháp xong, Ngài rời chỗ ngồi đứng dậy mà đi.
Bấy giờ, như trong khoảnh khắc co duỗi cánh tay, Thế Tôn biến khỏi thành Bạt-kỳ, trở về lại tinh xá Kỳ Hoàn, ở nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Nếu bốn bộ chúng cần y áo, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, hãy đến nhà trưởng giả cha của cậu bé Na-ưu-la mà nhận.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói với các Tỳ-kheo:
– Hiện nay, trong chúng đệ tử ưu-bà-tắc của Như Lai, người bố thí không lẫn tiếc bậc nhất, chính là cha của Na-ưu-la.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại vườn Ni- câu-lưu,12 trong thành Ca-tỳ-la-vệ.13
Bấy giờ, có hàng ngàn người hào tộc thuộc dòng họ Thích cùng đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, họ cúi lạy chân Phật rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, những người họ Thích bạch Phật:
– Nay Ngài nên làm vua chăm lo nước nhà để dòng họ chúng ta không bị diệt vong, không để ngôi Chuyển Luân Thánh vương đến Ngài thì chấm dứt. Nếu Thế Tôn không xuất gia, Ngài sẽ làm Chuyển Luân Thánh vương trong thiên hạ, thống lãnh bốn châu thiên hạ, có đủ ngàn người con. Dòng họ chúng ta vang danh khắp nơi, rằng dòng họ Thích sanh ra Chuyển Luân Thánh vương. Vậy nên, Thế Tôn, xin hãy trở về làm vua cai trị đất nước, đừng để dòng tộc vua chúa đoạn dứt!
Thế Tôn bảo:
– Nay Như Lai chính là vua, gọi là Pháp vương. Vì sao vậy? Nay Như Lai hỏi các vị. Thế nào, những người họ Thích, các vị cho rằng Chuyển Luân Thánh vương có đầy đủ bảy báu, có ngàn người con dũng mãnh là nhất ư? Nay Như Lai là bậc tôn quý nhất, cao cả nhất trong ba ngàn cõi nước lớn, không ai có thể sánh bằng, thành tựu bảy giác chi quý báu và hàng ngàn người con là những bậc Thanh văn vây quanh.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Vương vị kia được gì?
Được rồi lại mất đi,
Ngôi Pháp vương bậc nhất,
Không kết thúc, khởi đầu.
Tự thắng, không thể tranh,
Thắng này hơn tất cả,
Phật hành vô lượng hạnh,
Không dấu, chẳng truy cầu.14
Thế nên, các vị họ Thích! Hãy tìm cầu phương tiện trị vì đất nước bằng Chánh pháp.
Thật vậy, này các vị họ Thích! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, những người họ Thích nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy sát chân rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, Tỳ-kheo kia bạch Phật:
–Thưa Thế Tôn! Có sắc nào thường còn, không biến đổi, tồn tại mãi ở thế gian mà không chuyển dời chăng? Có thọ, tưởng, hành, thức nào thường còn, không biến đổi, tồn tại mãi ở thế gian mà không chuyển dời chăng?
Thế Tôn bảo:
– Này Tỳ-kheo, không có sắc nào thường còn, không biến đổi, tồn tại mãi ở thế gian. Cũng không có thọ, tưởng, hành, thức nào thường còn, không biến đổi, tồn tại mãi ở thế gian. Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có sắc nào thường còn, không biến đổi, tồn tại mãi ở thế gian thì người Phạm hạnh không thể phân biệt.16 Nếu thọ, tưởng, hành, thức tồn tại mãi ở thế gian, không biến đổi thì người Phạm hạnh không thể phân biệt. Cho nên, này Tỳ-kheo, vì sắc không tồn tại mãi ở thế gian, cho nên người Phạm hạnh mới có thể phân biệt để dứt sạch tận cùng gốc khổ. Cũng không có thọ, tưởng, hành, thức nào tồn tại mãi ở thế gian, thế nên người Phạm hạnh mới có thể phân biệt để dứt sạch tận cùng gốc khổ.
Bấy giờ, Thế Tôn khảy một ít đất dính trong móng tay, rồi hỏi Tỳ-kheo kia:
– Thế nào Tỳ-kheo, thầy có thấy chút đất dính trên móng tay này không? Tỳ-kheo đáp:
– Thưa Thế Tôn! Con đã thấy. Phật bảo Tỳ-kheo:
– Giả sử có sắc bằng số đất này thường còn ở thế gian thì người Phạm hạnh không thể phân biệt để dứt sạch tận cùng khổ đau. Vì thế, này Tỳ-kheo, vì không có chút sắc như đây thường còn ở thế gian nên người Phạm hạnh có thể được thực hành để dứt sạch tận cùng khổ đau. Vì sao? Tỳ-kheo nên biết, xưa kia Như Lai từng làm Đại vương, thống lãnh bốn châu thiên hạ, dùng giáo pháp để trị vì và giáo hóa, chăm lo muôn dân, đầy đủ bảy báu là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và chủ binh báu.
Tỳ-kheo nên biết, lúc bấy giờ, Ta làm Chuyển Luân Thánh vương, thống lãnh bốn châu thiên hạ, có tám mươi bốn ngàn voi thần, voi tên là Bồ-hô. Lại có tám mươi bốn ngàn cỗ xe gắn lông chim quý, có xe được phủ bằng da sư tử, có xe được phủ bằng da chó sói, thảy đều có treo giăng cờ lọng. Lại có tám mươi bốn ngàn lâu đài cao rộng, giống như chỗ ở của Thiên đế. Lại có tám mươi bốn ngàn giảng đường, giống như giảng đường Thiện Pháp.17 Lại có tám mươi bốn ngàn ngọc nữ, giống như thiên nữ. Lại có tám mươi bốn ngàn tòa ngồi rộng lớn, thảy đều được làm bằng bảy báu như là vàng bạc,... Lại có tám mươi bốn ngàn y phục và trang sức, đều sáng đẹp, mềm mại. Lại có tám mươi bốn ngàn món ăn thức uống, với rất nhiều hương vị khác nhau.
[0617c09] Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, Ta cỡi một con voi lớn tên là Bồ-hô, màu trắng rất đẹp, miệng có sáu ngà, vàng bạc đeo đầy thân; nó có thể bay đi, cũng có thể ẩn hình, cũng có thể biến thành lớn hoặc nhỏ. Có khi Ta cỡi một con ngựa thần tên là Mao vương, lông đuôi màu đỏ thắm, bước đi vững chắc, thân đeo nhiều vàng bạc; nó có thể bay đi, cũng có thể ẩn hình, cũng có thể biến thành lớn hoặc nhỏ.
Bấy giờ, Ta sống tại một lâu đài trong số tám mươi bốn ngàn tòa lâu đài cao rộng. Lâu đài này tên là Tu-ni-ma, làm toàn bằng vàng. Lúc ấy, Ta nghỉ đêm trong giảng đường tên là Pháp Thuyết, làm toàn bằng vàng. Vào lúc bấy giờ, Ta cỡi cỗ xe gắn lông chim quý, làm bằng vàng ròng tên là Tối Thắng và dẫn theo một ngọc nữ để sai bảo, xem như chị em.
Thuở ấy, Ta từng ngồi trên một tòa trong số tám mươi bốn ngàn tòa cao rộng, được trang trí bằng vàng bạc, chuỗi ngọc không thể tính kể. Ta lúc đó mặc một bộ y phục đẹp tuyệt diệu, giống như y phục của chư thiên. Ta dùng thức ăn có hương vị giống như vị cam lộ.
Thuở bấy giờ, Ta làm Chuyển Luân Thánh vương, mỗi sáng đều có tám mươi bốn ngàn voi thần kéo đến ngoài cửa thành, gây tổn hại rất nhiều, không thể tính kể. Ta liền suy nghĩ: “Tám mươi bốn ngàn voi thần này sáng nào cũng kéo đến ngoài cửa thành gây tổn hại rất nhiều, không thể tính kể. Nay ý Ta muốn chia chúng thành hai nhóm. Mỗi sáng, bốn mươi hai ngàn con sẽ đến chúc tụng.”
Này Tỳ-kheo, bấy giờ Ta suy nghĩ: “Xưa kia Ta đã tạo phước đức gì mà nay được uy lực này?” Sau đó, Ta lại nghĩ: “Nhờ ba nhân duyên mà Ta có được phước đức này. Đó là bố thí, nhân từ và tự gìn giữ.”
Tỳ-kheo, hãy quán sát! Trong khi các pháp hữu vi đang bị diệt sạch vĩnh viễn, không chút dư tàn, vậy mà chúng sanh lại đắm mình trong dục vọng không biết chán đủ, nhưng lại thấy chán đủ đối với giới luật của Thánh hiền!
Thế nào, Tỳ-kheo, sắc này là thường hay vô thường?
[0618a03] Tỳ-kheo đáp:
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Nếu sắc là vô thường, là pháp biến đổi thì các thầy có nên sanh tâm cho rằng: “Cái này là của ta, ta thuộc về cái này” hay không?
Đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!
– Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường? Tỳ-kheo đáp:
– Vô thường, bạch Thế Tôn!
– Nếu là vô thường, là pháp biến đổi thì thầy có nên khởi tâm cho rằng: “Cái này là của ta, ta thuộc về cái này” hay không?
Đáp:
– Thưa không, bạch Thế Tôn!
– Cho nên, này Tỳ-kheo, tất cả sắc ở quá khứ, tương lai hay hiện tại, hoặc lớn hoặc nhỏ, hoặc tốt hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần đều chẳng phải của ta, ta không thuộc về sắc này. Đây là điều mà người trí cần phải hiểu rõ. Tất cả các thọ ở quá khứ, tương lai hay hiện tại,... hoặc xa hoặc gần, thọ này cũng chẳng phải của ta, ta không thuộc về thọ này. Đây là điều mà người trí cần phải hiểu rõ.
Này Tỳ-kheo, cần phải quán sát như vầy: “Hàng Thanh văn nhàm chán mắt, nhàm chán sắc, nhàm chán cái biết của mắt, cũng nhàm chán những khổ vui do duyên bởi mắt mà sanh. Cũng lại nhàm chán tai, nhàm chán âm thanh, nhàm chán cái biết của tai, cũng nhàm chán những khổ vui do duyên bởi tai mà sanh. Cũng nhàm chán mũi, lưỡi, thân, ý; cho đến nhàm chán hương, vị, xúc, pháp; cũng nhàm chán những khổ vui do duyên bởi mũi, lưỡi, thân, ý mà sanh. Đã nhàm chán rồi, liền được giải thoát. Đã được giải thoát, liền được trí giải thoát, biết như thật: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia được Thế Tôn chỉ dạy như vậy rồi, liền ở nơi yên vắng, tư duy thiền định, tự mình tu tập, vì mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, đắp ba pháp y, lìa bỏ gia đình, tu Phạm hạnh vô thượng, cho đến như thật biết rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Tỳ-kheo kia liền thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngồi bên cội Bồ-đề ở nước Ma-kiệt. Lúc ấy, Thế Tôn vừa mới thành Phật.
Bấy giờ, Thế Tôn suy nghĩ: “Nay Ta vừa chứng được pháp thâm sâu này, rất khó thấu, khó tỏ, khó rõ, khó biết, cực kỳ vi diệu, được giác tri bởi người trí. Nay Ta nên nói pháp này cho ai trước nhất? Ai là người thấu tỏ được pháp của Ta?”19
Thế Tôn lại suy nghĩ: “Ông La-lặc-ca-lam20 các căn đã thuần thục, đáng được độ trước. Hơn nữa, ông ấy luôn trông đợi pháp của Ta.”
Vừa nghĩ như vậy thì ở giữa hư không có vị trời bạch với Thế Tôn:
– La-lặc-ca-lam đã qua đời bảy ngày rồi!
[0618b05] Bấy giờ, Thế Tôn lại nghĩ: “Sao khổ thay, người ấy chưa được nghe pháp của Ta mà đã qua đời! Nếu được nghe pháp của Ta, người ấy sẽ được giải thoát.”
Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta nên nói pháp này cho ai trước nhất? Ai là người thấu tỏ được pháp của Ta? Ông Uất-đầu-lam-phất21 đáng được độ trước, Ta sẽ nói pháp cho ông ấy. Nghe pháp của Ta rồi, ông ấy sẽ được giải thoát trước nhất.”
Vừa nghĩ như vậy thì ở giữa hư không có vị trời bạch với Thế Tôn:
– Vào giữa đêm hôm qua, ông ấy đã qua đời!
Khi đó, Thế Tôn liền nghĩ: “Uất-đầu-lam-phất, sao khổ quá vậy! Ông chưa kịp nghe được pháp của Ta mà đã qua đời! Nếu được nghe pháp của Ta, ông sẽ được giải thoát.”
Bấy giờ, Thế Tôn lại suy nghĩ: “Ai là người nghe pháp trước nhất và được giải thoát?”
Thế Tôn lại suy nghĩ: “Năm Tỳ-kheo đã từng mang lại cho Ta nhiều lợi ích, họ đã luôn theo Ta từ khi Ta mới sanh.”
Thế Tôn lại nghĩ: “Năm Tỳ-kheo này hiện đang ở đâu?” Bấy giờ, Thế Tôn liền dùng thiên nhãn quán sát, thấy năm Tỳ-kheo này đang ở trong Vườn Nai, trú xứ Tiên nhân, nước Ba-la-nại. Thế Tôn nghĩ: “Nay Ta hãy đến đó nói pháp cho năm Tỳ-kheo này trước tiên, nghe pháp của Ta rồi, họ sẽ được giải thoát.”
Bấy giờ, suốt bảy ngày liền, Thế Tôn chuyên chú nhìn vào cội Bồ-đề, mắt không máy động.
Lúc ấy, Thế Tôn nói kệ:
Nay Ta ngồi chốn đây,
Trải tử sanh lâu dài,
Nắm chặt búa trí tuệ,
Đoạn sạch cội nguồn mê.
Thiên ma đến chốn này,
Cùng ma oán bủa vây,
Ta khéo hàng phục chúng,
Nhận vị giải thoát đầy.
Nay nơi cội cây này,
Tòa kim cang Ta ngồi,
Nhất thiết trí thành rồi,
Chứng đắc tuệ vô ngại.
Ta ngồi dưới cây này,
Thấu rõ khổ tử sanh,
Đã dứt nguồn tử sanh,
Già bệnh cũng đoạn sạch.
Nói kệ này xong, Thế Tôn rời chỗ ngồi đứng dậy, đi về hướng nước Ba-la-nại.
[0618c01] Lúc đó, Phạm chí Ưu-tỳ-già22 từ xa trông thấy Thế Tôn hào quang rực rỡ, che khuất ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Thấy vậy, ông hỏi Thế Tôn:
– Cù-đàm! Thầy của ông hiện đang ở đâu? Ông theo ai xuất gia học đạo? Thường vui thích giảng dạy giáo pháp gì? Ông từ đâu đến? Và muốn đi đâu?
Thế Tôn hướng về Phạm chí kia và nói kệ:
Ta thành A-la-hán,
Thế gian không ai bằng,
Giữa trời, người thế gian,
Ta là bậc Tối thượng.
Tuy không thầy chỉ dạy,
Nhưng không ai bằng Ta,
Tôn quý chẳng ai qua,
Tịch lặng, không dấy động.
Nay đến nước Ca-thi,23
Chuyển pháp luân vi diệu,
Dùng thuốc cam lộ vị,
Khai mở người tối tăm.
Ta đến Ba-la-nại,
Vương thổ nước Ca-thi,
Nơi có năm Tỳ-kheo,
Để nói pháp diệu kỳ.
Giúp họ sớm đạt đạo,
Và được Lậu tận thông,
Dứt trừ nguồn pháp ác,
Nên Ta rất tối tôn.
Khi đó, Phạm chí kia thở dài, lắc đầu, xoa tay, búng ngón tay, rồi mỉm cười bỏ đi.
Bấy giờ, Thế Tôn đến Ba-la-nại. Năm Tỳ-kheo từ xa trông thấy Thế Tôn đến, họ cùng bàn với nhau: “Đó là Sa-môn Cù-đàm, từ xa đến đây, tánh tình loạn động, tâm không chuyên nhất. Chúng ta đừng nói chuyện với ông ấy, cũng đừng đứng dậy đón tiếp, cũng chớ mời ngồi.”
Bấy giờ, năm Tỳ-kheo kia nói kệ:
Người này không đáng kính,
Chớ niềm nở đón chào,
Cũng đừng nói lời nào,
Hay mời ngồi gì cả.
Năm Tỳ-kheo kia nói kệ rồi, họ cùng nhau im lặng. Bấy giờ, đức Thế Tôn tiến dần đến chỗ năm Tỳ-kheo. Lúc đó, năm Tỳ-kheo kia cũng từ từ đứng lên tiếp đón. Người thì trải chỗ ngồi, người thì mang nước đến. Khi ấy, Thế Tôn đến ngồi trước mặt họ và nghĩ: “Những người mê muội này, rốt cuộc không thể giữ đúng giao ước của mình.”
Bấy giờ, năm người ấy gọi Thế Tôn bằng “bạn.”24 Thế Tôn nói với năm Tỳ-kheo:
– Các thầy chớ gọi bậc Vô Thượng Chí Chân, Đẳng Chánh Giác là bạn. Vì sao vậy? Vì nay Ta đã thành Vô Thượng Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, chứng đạt quả vị bất tử an ổn. Các ông hãy chú tâm lắng nghe giáo pháp của Ta.
[0619a02] Bấy giờ, năm Tỳ-kheo kia nói với Thế Tôn:
– Cù-đàm, trước kia Ngài tu khổ hạnh vẫn không thể chứng được pháp thượng nhân, huống gì hôm nay tâm ý loạn động mà nói đã đắc đạo ư?
Thế Tôn bảo:
– Thế nào các vị, các vị đã từng nghe Ta nói dối chưa? Năm Tỳ-kheo đáp:
– Chưa từng, thưa Cù-đàm! Thế Tôn bảo:
– Như Lai, Đẳng Chánh Giác đã được giải thoát. Các thầy hãy chú tâm lắng nghe Như Lai nói pháp.
Khi đó, Thế Tôn lại nghĩ thầm: “Nay Ta đủ khả năng hàng phục năm người này.”
Bấy giờ, Thế Tôn nói với họ:
– Các thầy nên biết, có bốn chân lý này. Là bốn chân lý nào? Đó là chân lý về sự khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về khổ diệt và chân lý về con đường đưa đến khổ diệt.
Thế nào là chân lý về sự khổ? Nghĩa là sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, lo lắng, buồn phiền khổ, sầu ưu khổ, không thể kể hết. Oán ghét gặp nhau là khổ, thương yêu chia lìa là khổ, điều mình mong cầu mà không được cũng khổ. Nói tóm lại, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là chân lý về sự khổ.
Thế nào là chân lý về nguyên nhân của khổ? Nghĩa là thọ nhận thân phần do ái nhiễm, hành theo thói quen đó không biết nhàm chán, tâm ý thường tham đắm. Đó gọi là chân lý về nguyên nhân của khổ.
Thế nào là chân lý về khổ diệt? Nghĩa là có thể khiến cho tham ái kia hết sạch, không còn sót lại, cũng không sanh khởi nữa. Đó gọi là chân lý về khổ diệt. Thế nào là chân lý về con đường đưa đến khổ diệt? Đó là tám đạo phẩm của Hiền thánh, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Đó gọi là giáo pháp bốn chân lý.
Lại nữa, này năm Tỳ-kheo, giáo pháp bốn chân lý này trước đây chưa từng được nghe. Chân lý về sự khổ làm phát sanh cái thấy, phát sanh trí, phát sanh minh, phát sanh giác, phát sanh ánh sáng, phát sanh trí tuệ, trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, chân lý về sự khổ này là chân thật, vững chắc, không dối, không giả, trọn không đổi khác, được Thế Tôn nói ra, cho nên gọi là chân lý về sự khổ.
Chân lý về nguyên nhân của khổ làm phát sanh cái thấy, phát sanh trí, phát sanh minh, phát sanh giác, phát sanh ánh sáng, phát sanh trí tuệ, trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, chân lý về nguyên nhân của khổ này là chân thật, vững chắc, không dối, không giả, trọn không đổi khác, được Thế Tôn nói ra, cho nên gọi là chân lý về nguyên nhân của khổ.
Chân lý về khổ diệt làm phát sanh cái thấy, phát sanh trí, phát sanh minh, phát sanh giác, phát sanh ánh sáng, phát sanh trí tuệ, trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, chân lý về khổ diệt này là chân thật, vững chắc, không dối, không giả, trọn không đổi khác, được Thế Tôn nói ra, cho nên gọi là chân lý về khổ diệt.
Chân lý về con đường đưa đến khổ diệt làm phát sanh cái thấy, phát sanh trí, phát sanh minh, phát sanh giác, phát sanh ánh sáng, phát sanh trí tuệ, trước đây chưa từng được nghe. Lại nữa, chân lý về con đường đưa đến khổ diệt này là chân thật, vững chắc, không dối, không giả, trọn không đổi khác, được Thế Tôn nói ra, cho nên gọi là chân lý về con đường đưa đến khổ diệt.
[0619b03] Năm Tỳ-kheo nên biết, pháp bốn chân lý này được Thế Tôn ba lần chuyển, gồm mười hai hành tướng.25 Người nào không biết đúng như thật về pháp này thì không thành Vô Thượng Chánh Chân, Đẳng Chánh Giác. Vì Ta đã biết rõ ba lần chuyển có mười hai hành của bốn chân lý này và biết như thật về nó, cho nên mới thành Vô Thượng Chánh Chân, Đẳng Chánh Giác.
Thế Tôn nói pháp này xong, A-nhã Câu-lân26 liền dứt hết mọi phiền não, đạt được cái thấy thanh tịnh với Chánh pháp. Lúc đó, Thế Tôn nói với A-nhã Câu-lân:
– Nay ông đã đến với pháp, đã chứng đắc pháp. Câu-lân đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn! Con đã đến với pháp, đã chứng đắc pháp. Khi đó, thần đất nghe được những lời này, liền thốt lời khen ngợi:
– Nay tại nước Ba-la-nại, Như Lai đã chuyển pháp luân, là điều mà chư thiên, loài người, chúng ma, thiên ma, người, cho đến loài phi nhân đều không chuyển được. Nay Như Lai chuyển pháp luân này, A-nhã Câu-lân liền được Pháp vị giải thoát.
Khi đó, thiên chúng cõi trời Tứ Thiên Vương nghe những lời thần đất khen ngợi, liền tiếp lời khen:
– A-nhã Câu-lân đã đắc Pháp vị giải thoát.
Lúc ấy, thiên chúng trời Ba Mươi Ba lại nghe từ thiên chúng trời Tứ Thiên Vương. Thiên chúng Diệm thiên nghe từ thiên chúng trời Ba Mươi Ba, cho đến thiên chúng cõi trời Đâu-suất lần lượt nghe được và thiên chúng cõi Phạm thiên cũng nghe được lời khen ngợi này: “Như Lai đã chuyển pháp luân, là điều mà chư thiên, loài người, chúng ma, thiên ma, người, cho đến loài phi nhân đều không chuyển được. Nay Như Lai chuyển pháp luân này, A-nhã Câu-lân đã được Pháp vị giải thoát.” Do vậy nên Tôn giả Câu-lân mới có tên gọi là A-nhã Câu-lân.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo năm Tỳ-kheo:
– Trong số các thầy, hai người ở lại để được chỉ dạy, ba người khác sẽ đi khất thực. Thức ăn ba người khất thực được thì sáu người cùng ăn. Sau đó ba người ở lại để được chỉ dạy, còn hai người khác đi khất thực. Thức ăn hai người khất thực được thì sáu người cùng ăn.
Những lời Thế Tôn chỉ dạy lúc ấy trở thành pháp Niết-bàn Vô sanh và năm vị Tỳ-kheo cũng đạt đến không sanh, không bệnh, không già, không chết. Lúc đó, cả thảy năm vị đều thành A-la-hán. Bấy giờ, ba ngàn đại thiên cõi nước có năm vị A-la-hán cùng với đức Phật là sáu.
Rồi Thế Tôn nói với năm Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy cùng nhau đi khất thực trong nhân gian, cẩn thận chớ đi riêng một mình. Đối với những chúng sanh căn tánh đã thuần thục thì phải nên hóa độ. Nay Ta sẽ đến thôn Ưu-lưu-tỳ27 và thuyết pháp tại đó.
Bấy giờ, Thế Tôn liền đi đến thôn Ưu-lưu-tỳ. Lúc ấy, bên bờ sông Liên- nhã28 có Ca-diếp29 đang dừng trú ở đó. Người này giỏi về thiên văn, địa lý, không gì không thông suốt; toán số, cây lá, thảy đều biết rõ. Ông ấy dẫn năm trăm đệ tử ngày ngày đi giáo hóa. Cách nơi ở của Ca-diếp không xa có một động đá và có con rồng độc đang sống tại đó.
[0619c04] Thế Tôn đến chỗ Ca-diếp và bảo:
– Ta muốn ngủ nhờ tại động đá một đêm. Nếu ông đồng ý thì Ta sẽ đến ở. Ca-diếp đáp:
– Tôi không tiếc gì, nhưng ở đó có một con rồng độc, sợ sẽ làm tổn hại đến Ngài.
Thế Tôn bảo:
– Ca-diếp đừng lo, rồng dữ sẽ không hại Ta! Chỉ cần ông đồng ý, Ta sẽ nghỉ lại đó một đêm.
Ca-diếp đáp:
– Nếu Ngài muốn ở thì cứ tùy ý.
Bấy giờ, đức Thế Tôn liền đến động đá, trải tòa mà nghỉ. Ngài ngồi kiết-già giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, buộc niệm trước mặt. Lúc đó, rồng độc trông thấy Thế Tôn tọa thiền, nó liền phun lửa độc. Thế Tôn bèn nhập Từ tam-muội, rồi rời Từ tam-muội mà nhập Diệm quang tam-muội. Lúc này lửa của rồng và hào quang Phật cùng lúc phát ra. Lúc đó, Ca-diếp đang đêm thức dậy quan sát tinh tú, thấy trong động đá có ánh lửa lớn, liền nói với các đệ tử:
– Sa-môn Cù-đàm này dung mạo đoan nghiêm, nay bị rồng hại, thật đáng thương tiếc. Từ trước ta đã cảnh báo ông ấy, ở đó có rồng dữ, không thể nghỉ lại đêm!
Lúc đó, Ca-diếp bảo năm trăm đệ tử:
– Các ông mang bình nước và chiếc thang dài đến đó dập lửa, giúp Sa-môn kia thoát khỏi nạn này.
Bấy giờ, Ca-diếp dẫn năm trăm đệ tử đến động đá để dập lửa. Người thì cầm nước rưới, người thì bắc thang, nhưng không thể dập tắt lửa. Đây đều do thần lực của Như Lai tạo nên.
Bấy giờ, Thế Tôn nhập Từ tam-muội, dần dần khiến cho rồng kia không còn sân hận nữa. Lúc này, rồng dữ kia trong lòng sợ hãi, bò lượn khắp nơi, muốn ra khỏi động đá, nhưng không thoát ra được. Khi đó, con rồng dữ kia bèn chui vào bình bát của Thế Tôn. Thế Tôn liền đưa tay phải vuốt nhẹ thân rồng dữ và nói kệ:
Rồng ra đời rất hiếm,
Rồng với rồng gặp nhau,
Chớ gây nên khổ đau,
Rồng ra đời rất hiếm.
Quá khứ hằng sa kiếp,
Chư Phật nhập Niết-bàn,
Ngươi do tâm hận, sân,
Nên chưa từng được gặp.
Phát tâm lành hướng Phật,
Độc sân mau xa rời,
Độc sân hận dứt rồi,
Liền sanh về thiên giới.30
[0620a10] Bấy giờ, rồng dữ kia thè lưỡi liếm tay và trìu mến nhìn Như Lai.
Sáng sớm hôm sau, Thế Tôn tay cầm rồng dữ này đến chỗ Ca-diếp và bảo:
– Đây là rồng dữ vô cùng hung bạo. Nay nó đã được hàng phục. Khi Ca-diếp nhìn thấy rồng dữ, lòng rất hoảng sợ, bạch Thế Tôn:
– Thôi, thôi, Sa-môn! Đừng tiến đến nữa, rồng sẽ hại tôi!
Thế Tôn bảo:
– Ca-diếp, đừng sợ! Nay Ta đã hàng phục nó, về sau sẽ không gây hại nữa.
Vì sao vậy? Vì rồng này đã được giáo hóa.
Bấy giờ, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử khen ngợi việc chưa từng có:
– Thật là kỳ diệu! Thật là hiếm có! Sa-môn Cù-đàm uy thần rất lớn, có thể hàng phục được rồng dữ, khiến nó không làm ác, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.31
Bấy giờ, Ca-diếp bạch Phật:
– Đại Sa-môn, hãy nhận lời thỉnh cầu cúng dường trong chín mươi ngày của tôi. Những thứ cần dùng như y áo, thức ăn thức uống, giường nằm tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, tôi xin được cung cấp đầy đủ.
Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Ca-diếp, sau đó đem rồng dữ này thả vào biển lớn. Rồng dữ kia tùy theo mạng sống dài ngắn, sau khi chết đi được sanh lên trời Tứ Thiên Vương. Bấy giờ, Thế Tôn trở về động đá nghỉ ngơi. Ca- diếp bày biện nhiều đồ ăn thức uống xong, đến bạch Thế Tôn:
– Thức ăn đã dọn, thỉnh Ngài đến dùng! Thế Tôn bảo:
– Ông hãy về trước, Ta sẽ đến sau!
Ca-diếp đi rồi, Thế Tôn đến phía trên cõi Diêm-phù-đề, nhặt quả Diêm- phù32 dưới gốc cây Diêm-phù, rồi quay trở về ngồi trong động đá của Ca-diếp. Lúc Ca-diếp về đến nơi, đã thấy Thế Tôn ở trong động đá, liền bạch Thế Tôn:
– Sa-môn, Ngài đến đây bằng đường nào vậy? Phật bảo Ca-diếp:
– Sau khi ông đi, Ta đến phía trên cõi Diêm-phù-đề, nhặt quả Diêm-phù, rồi trở về ngồi đây. Ca-diếp nên biết, quả này rất thơm ngon, ông hãy lấy dùng.
[0620b03] Ca-diếp đáp:
– Tôi không cần đâu. Sa-môn hãy dùng đi!
Bấy giờ, Ca-diếp lại suy nghĩ: “Sa-môn này có thần thông siêu việt, có uy lực lớn, mới có thể đến phía trên cõi Diêm-phù-đề nhặt trái ngon này, tuy nhiên vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Sáng sớm hôm sau, Ca- diếp đến chỗ Thế Tôn và thưa:
– Đã đến giờ cơm, thỉnh Ngài đến dùng! Phật bảo Ca-diếp:
– Ông hãy về trước, Ta sẽ đến sau!
Ca-diếp đi rồi, Phật liền đến phía trên cõi Diêm-phù-đề, hái quả a-ma-lặc33 rồi quay trở về ngồi trong động đá trước Ca-diếp.
Ca-diếp hỏi Thế Tôn:
– Sa-môn, Ngài đến đây bằng con đường nào? Phật bảo:
– Sau khi ông đi, Ta đến phía trên cõi Diêm-phù-đề để hái quả này rồi về đây. Quả này rất thơm ngon, nếu cần thì hãy lấy dùng.
Ca-diếp đáp:
– Tôi không cần đâu. Sa-môn hãy dùng đi!
Khi đó, Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn này thần lực siêu việt, có uy thần lớn, sau khi ta về, đã đi hái quả này và đến đây trước ta, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Sau khi dùng cơm xong, Thế Tôn trở về động đá nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Ca-diếp lại đến chỗ Thế Tôn, thỉnh bạch:
– Đã đến giờ cơm, thỉnh Ngài đến dùng! Phật bảo Ca-diếp:
– Ông hãy về trước, Ta sẽ đến sau!
Ca-diếp đi rồi, Thế Tôn đến phía Bắc cõi Uất-đan-việt lấy lúa gạo tự nhiên, rồi trở về động đá trước Ca-diếp. Ca-diếp hỏi Phật:
– Sa-môn, Ngài đến đây bằng đường nào? Thế Tôn bảo:
– Ca-diếp nên biết, sau khi ông đi, Ta đến phía Bắc cõi Uất-đan-việt lấy lúa gạo tự nhiên rồi về đây. Gạo này rất thơm ngon. Ca-diếp, nếu cần thì hãy lấy dùng.
Ca-diếp đáp:
– Tôi không cần đâu. Sa-môn hãy dùng đi!
Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn này có thần thông lớn, có uy thần lớn, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn bạch:
– Đã đến giờ cơm, thỉnh Ngài đến dùng!
– Phật bảo Ca-diếp:
– Ông hãy về trước, Ta sẽ đến sau!
Ca-diếp đi rồi, Thế Tôn liền đến cõi Cù-da-ni hái quả ha-lê-lặc,34 rồi trở về động đá trước Ca-diếp.
[0620c01] Ca-diếp hỏi Phật:
– Sa-môn đến đây bằng con đường nào? Phật nói với Ca-diếp:
– Sau khi ông đi, Ta đến cõi Cù-da-ni hái quả này về đây. Quả này vô cùng thơm ngon. Ca-diếp, nếu cần thì hãy lấy dùng.
Ca-diếp đáp:
– Tôi không cần đâu. Sa-môn hãy dùng đi!
Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn này có thần lực lớn, có uy thần lớn, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn bạch:
– Đã đến giờ cơm, thỉnh Ngài đến dùng! Phật bảo Ca-diếp:
– Ông hãy về trước, Ta sẽ đến sau!
Ca-diếp đi rồi, Thế Tôn đến cõi Phất-vu-đãi hái quả tỳ-hê-lặc,35 rồi trở về ngồi trong động đá trước Ca-diếp. Ca-diếp hỏi Phật:
– Sa-môn đến đây bằng đường nào? Phật bảo Ca-diếp:
– Sau khi ông đi, Ta đến cõi Phất-vu-đãi hái quả này rồi về đây. Quả này vô cùng thơm ngon. Ca-diếp, nếu cần thì hãy lấy dùng.
Ca-diếp đáp:
– Tôi không cần đâu. Sa-môn hãy dùng đi!
Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn này có thần lực lớn, có uy thần lớn, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi.
Bấy giờ, Ca-diếp đang chuẩn bị cúng tế lớn. Năm trăm người đệ tử cầm búa chẻ củi, tay nâng búa lên nhưng không chẻ xuống được. Lúc đó, Ca-diếp suy nghĩ: “Việc này hẳn là do Sa-môn Cù-đàm.” Khi đó, Ca-diếp đến hỏi Thế Tôn:
– Nay chúng tôi muốn chẻ củi, nhưng sao không hạ búa xuống được?
– Thế Tôn hỏi:
– Muốn hạ búa phải không?
– Đáp:
– Muốn hạ búa xuống.
Khi ấy búa liền hạ xuống, nhưng khi búa hạ xuống rồi thì lại không thể nhấc lên. Ca-diếp lại bạch Phật:
– Sao không thể nhấc búa lên được?
– Thế Tôn hỏi:
– Muốn nhấc búa lên phải không?
– Đáp:
– Muốn nhấc búa lên. Búa liền nhấc lên được.
Bấy giờ, các đệ tử của Ca-diếp muốn nhóm lửa mà lửa không cháy. Ca-diếp lại nghĩ: “Đây chắc là do Sa-môn Cù-đàm gây ra.” Ca-diếp liền bạch Phật:
– Vì sao nhóm lửa không cháy?
– Phật hỏi Ca-diếp:
– Muốn cho lửa cháy phải không?
– Đáp:
– Muốn cho cháy.
Tức thời lửa liền cháy, nhưng khi họ muốn dập lửa thì lửa không tắt. Ca- diếp lại bạch Phật:
– Vì sao dập lửa không tắt?
– Phật hỏi Ca-diếp:
– Muốn cho lửa tắt phải không?
– Đáp:
– Muốn cho tắt.
Lửa liền tắt. Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có buổi tế lễ lớn. Quốc vương và dân chúng sẽ đến đông đủ. Nếu họ thấy vị Sa-môn này thì ta sẽ không còn được cúng dường nữa. Ngày mai Sa-môn này không đến thì thật may mắn.”
[0621a04] Lúc ấy, Thế Tôn biết được tâm niệm của Ca-diếp. Vì vậy, sáng hôm sau, Thế Tôn đến cõi Uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa tươi, rồi đến suối A-nậu-đạt mà dùng bữa. Trọn ngày Thế Tôn an trú tại đó, đến chiều lại trở về động đá nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn hỏi:
– Sa-môn! Hôm qua, vì sao Ngài không đến? Phật nói với Ca-diếp:
– Hôm qua, ông đã có ý nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này diện mạo đoan chánh, hiếm có trong đời. Ngày mai ta có buổi tế lễ lớn. Quốc vương và dân chúng đều sẽ đến đông đủ. Nếu họ thấy Sa-môn này thì ta sẽ không còn được cúng dường nữa. Ngày mai Sa-môn này không đến thì thật may mắn.” Ta biết được suy nghĩ này của ông nên mới đến Uất-đan-việt lấy cơm gạo tự nhiên, đến Cù-da-ni lấy sữa tươi, rồi đến suối A-nậu-đạt mà dùng bữa. Trọn ngày Ta ở đó, đến chiều mới trở về động đá nghỉ ngơi.
Khi ấy Ca-diếp lại nghĩ: “Đại Sa-môn này rất có thần túc, rất có oai thần, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Ngay đêm hôm đó, Tứ Thiên Vương đến chỗ Thế Tôn để nghe kinh pháp. Tứ Thiên Vương cũng có hào quang sáng chói, đức Phật cũng phóng ánh hào quang lớn, chiếu khắp vùng núi sáng rực một màu.
Đêm hôm đó, Ca-diếp nhìn thấy ánh sáng nên rạng sáng hôm sau liền đến chỗ Thế Tôn, rồi bạch:
– Tối hôm qua có ánh sáng gì chiếu khắp vùng núi rừng này? Thế Tôn bảo:
– Đêm qua, Tứ Thiên Vương đến chỗ Ta nghe pháp. Đó là ánh sáng của Tứ Thiên Vương ấy.
Bấy giờ, Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn này rất có thần lực, mới có thể khiến cho Tứ Thiên Vương đến nghe pháp, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, liền trở về động đá nghỉ ngơi. Đến nửa đêm, lại có Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Thế Tôn nghe pháp. Hào quang của Thiên đế này lại chiếu sáng khắp vùng rừng núi đó. Lúc ấy, Ca-diếp đang đêm trở dậy ngắm sao, thấy được ánh sáng này. Rạng sáng hôm sau, Ca-diếp liền đến chỗ Thế Tôn hỏi:
– Cù-đàm, tối qua tôi thấy có ánh sáng rất lạ. Vì nhân duyên gì mà có ánh sáng này?
Thế Tôn bảo:
– Đêm qua, Thiên Đế-thích đến đây nghe kinh nên mới có ánh sáng như vậy. [0621b01] Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, có uy thần lớn, mới có thể khiến cho Thiên Đế-thích đến nghe kinh pháp, tuy vậy vẫn không bằng ta đã được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Nửa đêm lại có Phạm thiên vương đến chỗ Thế Tôn nghe kinh pháp, phóng ánh sáng lớn chiếu khắp núi này. Khi đó, Ca-diếp đang đêm thức dậy, nhìn thấy ánh sáng. Rạng sáng hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn hỏi:
– Tối qua có ánh sáng chiếu xa hơn ánh sáng mặt trời, mặt trăng. Vì nhân duyên gì mà có ánh sáng này?
Thế Tôn bảo:
– Ca-diếp nên biết, tối qua có Thiên vương cõi trời Đại Phạm đến chỗ Ta nghe kinh pháp.
Lúc đó, Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này rất có thần lực, mới khiến Tổ phụ của ta đến chỗ Sa-môn này để nghe kinh pháp, tuy vậy vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Bấy giờ, Thế Tôn được y năm mảnh cũ rách,36 có ý muốn giặt, bèn nghĩ: “Ta nên giặt chiếc y này ở đâu?”
Lúc đó, Thích-đề-hoàn-nhân biết được suy nghĩ của Thế Tôn, liền biến ra một cái ao, rồi bạch Thế Tôn:
– Ngài có thể giặt y ở đây.
Thế Tôn lại nghĩ: “Ta phải đứng ở đâu để giặt y này?”
Lúc đó, Tứ Thiên Vương biết được suy nghĩ của Thế Tôn, liền nhấc một tảng đá vuông lớn đặt ở mé nước, rồi bạch Thế Tôn:
– Thế Tôn có thể đứng lên đây để giặt y. Thế Tôn lại nghĩ: “Ta phơi y này ở đâu?”
Lúc đó, thần cây biết được suy nghĩ của Thế Tôn, liền rũ nhành cây xuống, rồi bạch Thế Tôn:
– Kính thỉnh Thế Tôn phơi y ở đây.
Sáng sớm hôm sau, Ca-diếp đến chỗ Thế Tôn và hỏi:
– Nơi này vốn không có ao, nay có ao này; vốn không có [nhành] cây, nay có nhành cây; vốn không có tảng đá, nay có tảng đá. Do nhân duyên gì mà có sự thay đổi này?
Thế Tôn bảo:
– Đây là do hôm qua Thiên Đế-thích biết Ta muốn giặt y, cho nên biến ra ao tắm này. Ta lại suy nghĩ: “Nên đứng ở đâu để giặt y?” Tứ Thiên Vương biết suy nghĩ của Ta, liền mang tảng đá này đến. Ta lại nghĩ: “Nên phơi y này ở đâu?” Thần cây biết được suy nghĩ của Ta, liền rũ xuống nhành cây này.
Lúc đó, Ca-diếp lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm tuy có thần lực nhưng vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
Thế Tôn dùng cơm xong, trở về động đá nghỉ ngơi. Nửa đêm hôm ấy, mây đen kéo đến, trời đổ mưa lớn, khiến dòng sông lớn Liên-nhã37 lũ tràn cuồn cuộn. Lúc đó, Ca-diếp suy nghĩ: “Con sông này lũ tràn cuồn cuộn, Sa-môn chắc là sẽ bị nước cuốn trôi. Nay ta ra xem thử.”
Thế rồi, Ca-diếp cùng năm trăm đệ tử đi ra bờ sông. Lúc ấy, Thế Tôn đang đi trên mặt nước mà chân không dính nước. Từ xa trông thấy Thế Tôn đi trên mặt nước, Ca-diếp liền nghĩ: “Thật là kỳ diệu! Sa-môn Cù-đàm có thể đi trên mặt nước. Ta cũng có thể đi trên mặt nước, nhưng chẳng thể khiến chân không dính nước. Sa-môn này tuy thật có thần lực nhưng vẫn không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.”
[0621c10] Khi đó, Thế Tôn nói với Ca-diếp:
– Ông không phải là A-la-hán, cũng không hiểu rõ đạo A-la-hán. Ông còn chưa biết danh xưng A-la-hán, nói gì đến đắc đạo? Ông là người mù, mắt chẳng thấy gì. Như Lai đã biến hiện những việc như vậy mà ông vẫn cứ bảo “không bằng ta đã đạt được đạo chân thật.” Như ông vừa nói, ông có thể đi trên mặt nước. Nay thật đúng lúc, ông có thể cùng Ta đi trên mặt nước chăng? Nay ông hãy bỏ tâm niệm tà kiến, chớ để gánh chịu khổ não lâu dài.
Ca-diếp nghe Thế Tôn nói như vậy rồi, liền đến trước Phật, đảnh lễ sát chân và bạch:
– Nay con xin hối lỗi, đã biết rõ phi pháp mà còn xúc phạm Thế Tôn.
Ngưỡng mong Thế Tôn cho con sám hối!
Ca-diếp thưa như vậy ba lần. Thế Tôn bảo:
– Ta chấp nhận sự sám hối của ông, ông đã tự biết lỗi xúc não Như Lai. Lúc đó, Ca-diếp nói với năm trăm đệ tử:
– Mọi người cứ theo tâm ý của mình để tu tập. Ta nay nguyện xin quy y Sa-môn Cù-đàm!
Khi ấy, năm trăm đệ tử bạch với Ca-diếp:
– Chúng con từ trước cũng đã có thiện tâm đối với Sa-môn Cù-đàm. Ngay lúc Cù-đàm hàng phục rồng dữ, chúng con đã muốn nương tựa Ngài ấy. Nếu thầy đã quy y Cù-đàm thì năm trăm đệ tử chúng con cũng xin quy y Cù-đàm.
Ca-diếp nói:
– Nay thật đúng lúc. Chỉ vì tâm ta cố chấp ngu si, nhìn thấy bao nhiêu biến hóa của Thế Tôn mà tâm ý vẫn không tỏ ngộ nên mới tự cho mình “được đạo chân thật.”
Bấy giờ, Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử vây quanh trước sau, cùng đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi đứng qua một bên, bạch với Thế Tôn:
– Kính xin Thế Tôn cho phép chúng con được làm Sa-môn, tu hạnh thanh tịnh!
Theo pháp thường của chư Phật, nếu được gọi: “Thiện lai Tỳ-kheo!” thì người ấy liền trở thành Sa-môn.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Ca-diếp:
– Thiện lai Tỳ-kheo!38 Pháp này vi diệu, ông hãy khéo tu Phạm hạnh.
Ngay khi ấy, y phục mà Ca-diếp đang mặc thảy đều biến thành cà-sa, tóc trên đầu tự rụng giống như tóc đã cạo được bảy ngày.
Bấy giờ, Ca-diếp đem tất cả dụng cụ học thuật và chú thuật ném hết xuống sông.
[0622a04] Tiếp đó, năm trăm người đệ tử cũng bạch Thế Tôn:
– Kính xin Thế Tôn cho chúng con được làm Sa-môn! Thế Tôn bảo:
– Thiện lai Tỳ-kheo!
Khi ấy, năm trăm đệ tử liền trở thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng.
Bấy giờ, thuận dòng về phía hạ lưu, có Phạm chí tên Giang Ca-diếp,39 sống bên bờ sông. Khi Giang Ca-diếp nhìn thấy dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, liền suy nghĩ: “Ôi chao! Đại huynh của ta bị nước dìm chết rồi!” Thế rồi Giang Ca-diếp liền dẫn ba trăm đệ tử men theo dòng sông đi lên phía thượng lưu để tìm thi thể của đại huynh. Từ xa, nhìn thấy Thế Tôn ngồi dưới tán cây, thuyết pháp cho đại huynh Ca-diếp cùng với năm trăm đệ tử vây quanh trước sau, ông liền đến trước Ca-diếp rồi hỏi:
– Việc này là tốt ư? Vốn làm thầy người khác, nay lại làm đệ tử. Đại huynh cớ sao lại làm đệ tử của Sa-môn?
Ca-diếp đáp:
– Nơi này tốt nhất, không đâu hơn nơi này.
Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp quay sang Giang Ca-diếp nói kệ:
Trời, người kính vị này,
Nay ta thờ làm Thầy,
Chư Phật hiện ở đời,
Rất khó gặp lắm thay!
Lúc đó, Giang Ca-diếp nghe danh hiệu Phật, lòng rất hoan hỷ, phấn khởi vô cùng không kiềm lòng được, liền đến bạch Phật:
– Xin cho con được tu đạo!
Thế Tôn bảo:
– Thiện lai Tỳ-kheo! Hãy khéo tu Phạm hạnh để dứt sạch tận cùng khổ đau. Khi đó, Giang Ca-diếp và ba trăm đệ tử liền thành Sa-môn, thân mặc cà-sa,
tóc trên đầu tự rụng. Thế rồi, Giang Ca-diếp cùng ba trăm đệ tử đem dụng cụ
chú thuật ném hết xuống sông.
Bấy giờ, về phía hạ lưu, lại có Phạm chí tên là Già-di Ca-diếp40 sống cạnh bên sông. Từ xa trông thấy dụng cụ chú thuật bị nước cuốn trôi, ông ấy liền nghĩ: “Ta có hai người anh đang tu đạo ở phía thượng nguồn. Nay dụng cụ chú thuật đều bị nước cuốn trôi, có lẽ hai đại huynh Ca-diếp cũng bị nước dìm.” Nghĩ rồi, ông liền dẫn hai trăm đệ tử đi về phía thượng lưu con sông, đến chỗ học thuật. Từ xa, trông thấy hai anh đã làm Sa-môn, Già-di Ca-diếp liền nói:
– Việc này là tốt ư? Vốn được người tôn kính, nay lại làm đệ tử Sa-môn!
[0622b01] Ca-diếp đáp:
– Nơi này tốt nhất, không đâu hơn nơi này.
Già-di Ca-diếp suy nghĩ: “Hai anh của ta học rộng hiểu nhiều. Nơi này chắc là đất lành, mới khiến hai sư huynh của ta học đạo tại đây. Nay ta cũng nên học đạo tại đây.” Thế rồi, Già-di Ca-diếp liền đến trước bạch với Thế Tôn:
– Kính xin Thế Tôn cho phép con làm Sa-môn! Thế Tôn bảo:
– Thiện lai Tỳ-kheo! Hãy khéo tu Phạm hạnh để dứt sạch tận cùng khổ đau. Già-di Ca-diếp liền trở thành Sa-môn, thân mặc cà-sa, tóc trên đầu tự rụng,
giống như cạo đầu mới được bảy ngày.
Lúc đó, Thế Tôn đang an trú dưới bóng cây Ni-câu-luật, bên dòng sông ấy. Sau khi thành Phật chưa bao lâu, Ngài đã có một ngàn đệ tử đều là bậc tôn túc kỳ cựu.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng ba cách để giáo hóa. Là ba cách nào? Đó là giáo hóa bằng thần thông, giáo hóa bằng sự giảng dạy và giáo hóa bằng giáo giới.41 Thế nào là giáo hóa bằng thần thông? Nghĩa là Thế Tôn hoặc biến ra nhiều
thân rồi hợp lại thành một; hoặc ẩn hoặc hiện; hoặc đi xuyên qua vách đá mà
không chút trở ngại; hoặc dưới lòng đất vọt lên; hoặc chui vào lòng đất, giống như vào dòng nước, không gì làm trở ngại; hoặc ngồi kiết-già khắp giữa hư không, như chim bay liệng ở giữa bầu trời, chẳng bị chướng ngại; như ngọn núi lửa lớn, phun khói không thể lường; như mặt trời, mặt trăng kia có thần lực lớn, không thể hạn lượng mà có thể dùng tay với đến; hoặc hiện thân cao đến Phạm thiên. Thế Tôn hiện thần túc như vậy.
Thế nào là giáo hóa bằng sự giảng dạy? Nghĩa là Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo nên từ bỏ điều này, nên giữ gìn điều kia; nên gần gũi điều này, nên xa lìa điều kia; nên nhớ nghĩ điều này, nên dứt trừ điều kia; nên quán điều này, không quán điều kia. Nên tu điều gì và không nên tu điều gì? Nên tu bảy giác chi,42 diệt trừ ba kiết sử. Nên quán điều gì và không nên quán điều gì? Nên khéo quán sát ba sự tốt lành đối với hàng Sa-môn, đó là hỷ lạc do xuất ly, hỷ lạc do không còn giận dữ và hỷ lạc do không còn não hại.43 Không nên quán điều gì? Đó là không nên quán ba sự khổ đối với hàng Sa-môn, đó là tham dục, giận dữ và não hại.44
Nên nhớ nghĩ những gì và không nhớ nghĩ những gì? Nghĩa là hãy thường nhớ nghĩ đến chân lý về sự khổ, chân lý về nguyên nhân của khổ, chân lý về khổ diệt, chân lý về con đường đưa đến khổ diệt. Không nhớ nghĩ đến những học thuyết sai lầm, như cho rằng thế gian là thường còn,45 thế gian là không thường còn;46 thế gian này có giới hạn, thế gian này không có giới hạn;47 kia là mạng, kia là thân;48 hoặc chấp kia không phải là mạng, kia không phải là thân;49 Như Lai có mạng chung hay Như Lai không có mạng chung; hay Như Lai vừa có mạng chung vừa không có mạng chung; hay Như Lai cũng không có mạng chung cũng không có không mạng chung. Không nên nhớ nghĩ như vậy.
Thế nào là giáo hóa bằng giáo giới? Nghĩa là đức Phật răn dạy nên đi như vậy, không nên đi như vậy; nên đến như vậy, không nên đến như vậy; nên im lặng như vậy, nên nói năng như vậy; phải thọ trì y như vậy, không được thọ trì y như vậy; nên vào thôn xóm như vậy, không nên vào thôn xóm như vậy. Đây gọi là giáo hóa bằng giáo giới.
[0622c04] Bấy giờ, Thế Tôn dùng ba cách này để giáo hóa một ngàn Tỳ- kheo. Những Tỳ-kheo kia sau khi nhận được sự giáo hóa của đức Phật, thảy đều trở thành A-la-hán.
Khi ấy, Thế Tôn đã thấy một ngàn Tỳ-kheo được quả A-la-hán. Bấy giờ, cõi Diêm-phù-đề có một ngàn A-la-hán và năm Tỳ-kheo cùng với đức Phật là sáu. Thế rồi, Thế Tôn ngồi quay mặt hướng về Ca-tỳ-la-vệ. Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp tự hỏi: “Vì sao Thế Tôn lại ngồi quay mặt hướng về Ca-tỳ-la-vệ?” Ưu-tỳ Ca- diếp liền đến quỳ trước Thế Tôn bạch:
– Chẳng rõ vì sao Như Lai ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ? Thế Tôn đáp:
– Như Lai thị hiện ở thế gian, cần phải làm năm việc. Là năm việc gì? Một là, chuyển pháp luân; hai là, thuyết pháp cho cha; ba là, thuyết pháp cho mẹ; bốn là, dẫn dắt phàm phu lập hạnh Bồ-tát; năm là, thọ ký cho Bồ-tát. Này Ca- diếp, đó gọi là Như Lai thị hiện ở thế gian cần phải làm năm việc này.
Lúc đó, Ưu-tỳ Ca-diếp chợt hiểu: “Như Lai vì nghĩ đến thân tộc và quê hương nên ngồi quay hướng về nơi đó.”
Khi ấy, năm Tỳ-kheo kia lần hồi đi đến bờ sông Ni-liên,50 đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Ưu-đà-da51 từ xa trông thấy Thế Tôn ngồi hướng về Ca-tỳ-la-vệ, liền nghĩ: “Nhất định Thế Tôn muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ để thăm thân quyến.” Bấy giờ, Ưu-đà-da liền đến quỳ trước Thế Tôn, bạch:
– Nay con có điều muốn hỏi, kính xin Thế Tôn chỉ dạy! Thế Tôn bảo:
– Có điều muốn hỏi thì thầy cứ hỏi! Ưu-đà-da bạch Thế Tôn:
– Theo con nghĩ, phải chăng Thế Tôn có ý muốn trở về Ca-tỳ-la-vệ? Thế Tôn bảo:
– Đúng vậy, như lời thầy nói. Ưu-đà-da nên biết, thầy hãy đến chỗ Bạch Tịnh vương52 trước, Như Lai sẽ đến sau. Vì sao vậy? Vì phải báo cho chủng tộc Sát-lợi biết tin trước, sau đó Như Lai sẽ đến. Thầy đến đó bẩm với vua rằng, bảy ngày sau Như Lai sẽ về thăm vua.
Ưu-đà-da đáp:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!
Ưu-đà-da liền từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh lại y phục, cúi lạy chân Phật rồi rời khỏi chỗ Thế Tôn, đi về Ca-tỳ-la-vệ, rồi đến đứng trước hoàng cung, đến chỗ của Vua Chân Tịnh.
[0623a02] Bấy giờ, Vua Chân Tịnh đang ngồi trên đại điện cùng với các thể nữ. Khi ấy, Ưu-đà-da bay giữa hư không. Vua Chân Tịnh thấy Ưu-đà-da tay ôm bình bát, tay cầm tích trượng đến đứng trước mặt mình, lòng sợ hãi tự hỏi: “Đây là ai? Là người hay chẳng phải người? Là trời hay quỷ? Là dạ-xoa, la-sát, trời, rồng, quỷ thần nào đây?”
Thế rồi, Vua Chân Tịnh hỏi Ưu-đà-da:
– Ông là ai?
Lại dùng lời kệ để hỏi Ưu-đà-da:
Nay trẫm muốn được biết,
Ông tên họ là gì,
Là trời hay là quỷ,
Hay là càn-thát-bà?
Lúc ấy, Ưu-đà-da lại dùng kệ để trả lời vua:
Tôi chẳng phải là trời,
Chẳng phải càn-thát-bà,
Là người Ca-tỳ-la,
Do Đại vương cai quản.
Xưa diệt mười tám ức
Quân Ba-tuần53 xấu ác,
Là Thích-ca, Thầy tôi,
Tôi đệ tử Ngài ấy.
Vua Chân Tịnh lại dùng kệ hỏi Ưu-đà-da:
Ai diệt mười tám ức,
Quân Ba-tuần ác ma,
Ai hiệu là Thích-ca,
Mà nay ông khen ngợi?
Ưu-đà-da lại nói bài kệ:
Lúc Như Lai đản sanh,
Đất trời đều rung chuyển,
Quyết làm xong thệ nguyện,
Vốn hiệu Tất-đạt-đa.
Ngài thắng mười tám ức,
Quân Ba-tuần ác ma,
Ngài là đấng Thích-ca,
Nay đã thành Phật đạo.
Còn tôi con dòng Thích,
Đệ tử của Cù-đàm,
Hôm nay làm Sa-môn,
Vốn tên Ưu-đà-da.
Vua Chân Tịnh nghe những lời này rồi, lòng rất vui mừng, không thể kiềm chế, liền hỏi Ưu-đà-da:
– Thế nào Ưu-đà-da, Thái tử Tất-đạt nay vẫn còn sao? Ưu-đà-da đáp:
– Phật Thích-ca hiện vẫn còn. Vua hỏi:
– Nay đã thành Phật rồi sao? Ưu-đà-da đáp:
– Nay đã thành Phật.
[0623b01] Vua lại hỏi:
– Hôm nay, Như Lai đang ở đâu? Ưu-đà-da đáp:
– Như Lai hiện đang ở dưới tàng cây Ni-câu-loại, tại nước Ma-kiệt. Rồi vua lại hỏi:
– Đệ tử theo học Ngài là những ai?
Ưu-đà-da đáp:
– Có hàng ức chư thiên và một ngàn Tỳ-kheo cùng với Tứ Thiên Vương luôn theo bên cạnh.
Vua lại hỏi:
– Y phục Ngài ấy mặc là loại nào? Ưu-đà-da đáp:
– Y Như Lai mặc gọi là cà-sa. Rồi vua hỏi:
– Ăn những loại thức ăn nào? Ưu-đà-da đáp:
– Thân Như Lai dùng pháp làm thức ăn. Vua lại hỏi:
– Thế nào Ưu-đà-da, trẫm có thể gặp được Như Lai không? Ưu-đà-da đáp:
– Bệ hạ chớ buồn lo, bảy ngày sau Như Lai sẽ vào thành.
Lúc này, Vua Chân Tịnh vô cùng vui mừng không kiềm lòng được, tự tay rót nước cúng dường Ưu-đà-da. Bấy giờ, Vua Chân Tịnh đánh trống rền vang, lệnh cho nhân dân cả nước nào là sửa sang đường sá, dọn dẹp rác bẩn, rưới nước thơm khắp mặt đất, treo giăng phướn lọng, trỗi các kỹ nhạc nhiều không kể xiết. Vua lại truyền lệnh khắp trong cả nước, những người đui, điếc, ngọng, câm đều không được xuất hiện, vì bảy ngày sau Tất-đạt sẽ vào thành.
Vua Chân Tịnh được tin Phật sẽ vào thành trong bảy ngày nữa thì suốt bảy ngày ấy cũng không ngủ được.
Bấy giờ đã đến ngày thứ bảy, Thế Tôn suy nghĩ: “Nay Ta nên dùng lực thần túc để đến nước Ca-tỳ-la-vệ.” Thế rồi Thế Tôn liền dẫn các Tỳ-kheo vây quanh trước sau đi đến nước Ca-tỳ-la-vệ. Đến nơi, Ngài vào vườn Tát-lư, phía Bắc thành.
Vua Chân Tịnh được tin Thế Tôn đã đến Ca-tỳ-la-vệ, đang an trú trong vườn Tát-lư, phía Bắc thành, vua liền dẫn những người họ Thích cùng đến chỗ Thế Tôn.
Khi ấy, Thế Tôn lại nghĩ: “Nếu Vua Chân Tịnh đích thân đến, việc này không hợp lẽ. Nay Ta phải đi gặp vua. Vì sao vậy? Vì cha mẹ ân nặng, dưỡng dục tình thâm.” Bấy giờ, Thế Tôn dẫn chúng Tỳ-kheo đi đến cửa thành, liền bay lên hư không, cách đất bảy nhận.54 Vua Chân Tịnh nhìn thấy Thế Tôn đoan chánh vô cùng, thế gian hiếm có, các căn tịch tĩnh, không chút vọng niệm, có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp tự trang nghiêm thân, vua liền phát tâm hoan hỷ, cúi lạy chân Phật rồi nói:
– Tôi là vua dòng Sát-lợi, tên là Chân Tịnh.
– Thế Tôn bảo:
– Chúc cho Đại vương hưởng thọ vô tận. Thế nên, Đại vương, hãy dùng Chánh pháp để trị nước, chớ dùng tà pháp. Đại vương nên biết, những ai dùng Chánh pháp trị nước, sau khi qua đời sẽ sanh vào đường lành hoặc cõi trời.
[0623c03] Khi đó, Thế Tôn đi giữa hư không, vào trong cung Vua Chân Tịnh. Đến nơi, Ngài ngồi vào tòa. Thấy Thế Tôn đã ngồi yên ổn, vua tự tay dâng cúng nhiều món ăn thức uống. Khi Thế Tôn ăn xong, dùng nước rửa tay rồi, vua đặt một chiếc ghế nhỏ, ngồi nghe Thế Tôn nói pháp.
Bấy giờ, đức Thế Tôn tuần tự nói nghĩa vi diệu cho Vua Chân Tịnh, như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, giải thoát là an lạc.
Khi thấy tâm ý của vua đã thông suốt, Thế Tôn liền đem giáo pháp mà chư Phật thường dạy là khổ, tập, diệt, đạo để giảng lại tường tận cho vua nghe. Khi đó, ngay tại chỗ ngồi, Vua Chân Tịnh sạch hết mọi phiền não, đạt được cái thấy thanh tịnh với Chánh pháp.
Thế Tôn thuyết pháp cho vua nghe xong, liền đứng dậy rời đi.
Lúc đó, Vua Chân Tịnh tập hợp toàn bộ người dòng họ Thích và nói:
– Các ông Sa-môn mặt mày đen xấu. Người dòng Sát-lợi mà dẫn theo chúng Bà-la-môn thì thật sự không thích hợp. Dòng họ Thích Sát-lợi phải có chúng Sát-lợi, như vậy mới tốt.
Những người họ Thích đáp:
– Đúng vậy, Đại vương! Như Đại vương dạy, dòng Sát-lợi phải có chúng Sát-lợi, như vậy mới tốt.
Bấy giờ, vua truyền lệnh trong nước: “Những gia đình nào có hai anh em trai thì một người phải đi xuất gia tu đạo. Nếu không theo lệnh sẽ bị xử phạt nặng.”
Trong dòng họ Thích nghe lệnh vua ban: “Những gia đình nào có hai anh em trai thì một người phải đi xuất gia tu đạo. Nếu không theo lệnh sẽ bị xử phạt nặng.” Lúc này, vương tử họ Thích là Đề-bà-đạt-đa55 nói với Thích A-nan:
– Nay Vua Chân Tịnh có lệnh, nhà nào có hai anh em thì một người phải đi tu đạo. Nay em hãy đi xuất gia học đạo, còn anh sẽ ở nhà giữ gìn gia nghiệp.
Lúc đó, Thích A-nan vui mừng hớn hở nói:
– Em sẽ y theo lời anh dạy.
Bấy giờ, Vương tử Thích Nan-đà cũng nói với Thích A-na-luật:
– Vua Chân Tịnh có lệnh: “Những gia đình nào có hai anh em trai thì một người phải đi xuất gia tu đạo. Nếu không theo lệnh sẽ bị xử phạt nặng.” Nay em hãy đi xuất gia, còn ta sẽ ở nhà.
Thích A-na-luật nghe xong, vui mừng phấn khởi, không thể kiềm chế, liền nói:
– Vâng, như lời anh bảo.
Bấy giờ, Vua Chân Tịnh và Thích Hộc Tịnh, Thích Thúc Tịnh, Thích Cam Lộ,56 bốn anh em cùng đi đến chỗ Thế Tôn. Vua Chân Tịnh ngự giá bằng xe bốn ngựa; xe trắng, lọng trắng, ngựa kéo xe cũng màu trắng. Vua Hộc Tịnh ngự giá bằng xe xanh, lọng xanh, ngựa kéo [xe] cũng màu xanh. Vua Thúc Tịnh ngự giá bằng xe màu vàng, lọng vàng, ngựa kéo [xe] màu vàng. Vua Cam Lộ ngự giá bằng xe màu đỏ, lọng đỏ, ngựa kéo [xe] màu đỏ. Khi ấy, cũng có những người họ Thích khác cỡi voi, cỡi ngựa theo sau, đồng đến chỗ Thế Tôn.
[0624a04] Từ xa trông thấy Vua Chân Tịnh dẫn chúng họ Thích đến, Thế Tôn bèn nói với các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy xem chúng họ Thích này, đồng thời nhìn những người đi theo Vua Chân Tịnh. Tỳ-kheo nên biết, vua trời Ba Mươi Ba lúc dạo vườn cũng giống như vậy, không có gì khác.
Khi đó, A-nan cỡi voi trắng lớn, mặc áo màu trắng, lọng cũng màu trắng.
Thấy vậy, Phật nói với các Tỳ-kheo:
– Các thầy có thấy Thích A-nan cỡi con voi trắng, mặc áo trắng kia không? Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con có thấy! Phật lại nói với các Tỳ-kheo:
– Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành đa văn bậc nhất, chịu theo thị giả Như Lai. Lại nữa, các thầy có nhìn thấy A-na-luật kia không?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Thưa vâng, Thế Tôn, chúng con có thấy! Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Người này sẽ xuất gia học đạo, trở thành thiên nhãn bậc nhất.
Khi ấy, bốn anh em Vua Chân Tịnh cùng với Nan-đà và A-nan đều đi bộ về phía trước, tháo năm món trang sức ra, đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy chân Phật rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, Vua Chân Tịnh bạch Thế Tôn:
– Tối hôm qua trẫm có suy nghĩ: “Chúng Sát-lợi không nên dẫn chúng Bà- la-môn mà nên dẫn chúng Sát-lợi thì mới thích hợp.” Trẫm liền truyền lệnh trong nước, gia đình nào có hai anh em trai thì một người phải đi xuất gia tu đạo. Kính xin Thế Tôn cho phép họ xuất gia học đạo.
Thế Tôn đáp:
– Quý thay, Đại vương! Điều này lợi ích vô cùng, trời, người được an vui. Vì sao vậy? Thiện tri thức này là ruộng phước tốt lành. Ta cũng nhờ thiện tri thức mà thoát được sanh, già, bệnh, chết.
Khi đó, chúng họ Thích liền được xuất gia. Thế rồi, Vua Chân Tịnh bạch lại Thế Tôn:
– Ngưỡng mong Thế Tôn dạy dỗ những vị Tỳ-kheo mới này giống như dạy dỗ Ưu-đà-da! Vì sao vậy? Tỳ-kheo Ưu-đà-da này rất có thần lực. Kính xin Thế Tôn cho phép Tỳ-kheo Ưu-đà-da ở lại trong cung để giáo hóa, giúp cho mọi người được an ổn lâu dài. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo này rất có thần lực. Trẫm vừa gặp Tỳ-kheo Ưu-đà-da liền phát tâm hoan hỷ và khởi ý niệm: “Đệ tử còn có thần lực, huống gì Như Lai kia mà không có thần lực này ư?”
Thế Tôn đáp:
– Thật vậy, Đại vương, đúng như lời Đại vương nói, Tỳ-kheo Ưu-đà-da này có thần lực lớn, có uy đức lớn.
[0624b02] Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, đệ tử bậc nhất về hiểu rộng biết nhiều, được quốc vương nghĩ đến chính là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân.57 Khéo khuyến hóa nhân dân chính là Tỳ-kheo Ưu-đà-da. Có trí nhạy bén chính là Tỳ-kheo Ma-ha-nam. Thường thích bay lên hư không chính là Tỳ-kheo Tu-bà-hưu. Qua lại giữa hư không chính là Tỳ-kheo Bà-phá. Có nhiều đệ tử là Tỳ-kheo Ưu-tỳ Ca-diếp. Thấu đạt lý Không là Tỳ-kheo Giang Ca-diếp. Ý đạt pháp chỉ và quán chính là Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp.58
Khi ấy, Thế Tôn giảng rộng pháp vi diệu cho Vua Chân Tịnh. Vua nghe pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy chân Phật, rồi lui ra.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo cùng Vua Chân Tịnh nghe Phật nói pháp xong đều hoan hỷ phụng hành.59
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Trong mười lăm ngày thì có ba ngày trai. Là ba ngày nào? Đó là ngày mùng tám, ngày mười bốn và ngày rằm. Tỳ-kheo nên biết, nếu như ngày trai là ngày mùng tám thì vào ngày này, Tứ Thiên Vương sai các vị thiên sứ61 đi xem xét thế gian có những ai làm lành, làm ác; những người nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc tôn trưởng; những người nào ưa thích bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, diễn rộng nghĩa kinh, giữ tám giới quan trai,62 v.v... các thần đều rõ biết tất cả. Nếu không có người nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các bậc tôn trưởng, lúc đó thiên sứ sẽ trình với Tứ Thiên Vương:
“Hiện tại, trong thế gian này không có người nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, đạo sĩ, thực hành bốn tâm vô lượng,63 thương xót chúng sanh.”
Tứ Thiên Vương nghe xong, trong lòng sầu lo, buồn bã không vui. Bấy giờ, Tứ Thiên Vương liền lên trời Đao-lợi, đi đến giảng đường Thiện Pháp,64 đem nhân duyên này trình bày đầy đủ lên Đế-thích:
“Thiên đế nên biết, hiện nay ở thế gian này không có người nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng bậc tôn trưởng.”
Bấy giờ, Đế-thích và chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba nghe những lời này rồi, trong lòng sầu lo, buồn bã không vui. Bởi vì chúng chư thiên sẽ giảm, chúng a-tu-la sẽ tăng.
[0624c06] Lại cũng có lúc chúng sanh ở thế gian có người biết hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng bậc tôn trưởng; biết giữ tám giới quan trai, tu hạnh thanh tịnh, không mảy may phạm vào giới cấm. Bấy giờ, thiên sứ sẽ vui mừng phấn khởi không thể kiềm chế, bạch Tứ Thiên Vương:
“Nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà- la-môn cùng bậc tôn trưởng.”
Tứ Thiên Vương nghe vậy, lòng rất vui mừng, liền đi đến chỗ Thích-đề- hoàn-nhân, đem nhân duyên này trình bạch đầy đủ:
“Thiên đế nên biết, nay thế gian này có nhiều chúng sanh hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng bậc tôn trưởng.”
Bấy giờ, Đế-thích và chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba thảy đều vui mừng không kiềm chế được, bởi vì chúng chư thiên sẽ tăng, chúng a-tu-la sẽ giảm, những sự tra khảo ở cõi địa ngục tự nhiên ngừng dứt, khổ sở không còn.
Nếu như ngày trai giới là ngày mười bốn thì thái tử được sai xuống quan sát thiên hạ, dò xét nhân dân làm thiện hoặc ác; xem có người nào tin Phật, tin Pháp, tin Tỳ-kheo-tăng, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng bậc tôn trưởng hay không? Có người nào ưa thích bố thí, thọ tám giới quan trai, đóng kín sáu căn, chế ngự năm dục hay không? Nếu không có chúng sanh nào tu theo Chánh pháp, hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn thì lúc đó thái tử sẽ trình bạch với Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương nghe xong, trong lòng sầu lo, buồn bã không vui, liền đi đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đem nhân duyên này trình bạch đầy đủ:
“Đại vương nên biết, nay thế gian này không có chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng bậc tôn trưởng.”
Bấy giờ, Thiên Đế-thích và chư thiên trời Ba Mươi Ba thảy đều sầu lo, buồn bã không vui, vì chúng chư thiên sẽ giảm, chúng a-tu-la sẽ tăng.
Nếu trong chúng sanh, có người biết hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la- môn, các bậc tôn trưởng, giữ tám giới quan trai thì lúc bấy giờ, thái tử vui mừng phấn khởi không kiềm chế được, liền đến trình bạch với Tứ Thiên Vương:
“Đại vương nên biết, nay thế gian này, có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các tôn trưởng.”
Tứ Thiên Vương nghe được những lời này, lòng rất vui mừng, liền đến chỗ Thích-đề-hoàn-nhân, đem nhân duyên này bạch lại đầy đủ với Thiên đế:
“Thánh vương nên biết, nay thế gian này có rất nhiều người hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng, biết nương tựa Ba ngôi báu, thật lòng khuyên can, thành tín không dối.”
Lúc bấy giờ, Thiên đế, Tứ Thiên Vương cùng chư thiên trời Ba Mươi Ba đều rất mừng vui không kiềm chế được, vì chúng chư thiên sẽ tăng, chúng a-tu- la sẽ giảm.
[0625a07] Tỳ-kheo nên biết, vào ngày rằm, đến giờ thuyết giới,65 có Tứ Thiên Vương đích thân xuống xem xét thiên hạ, quán sát dân chúng, xem có những người nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn, các bậc tôn trưởng; ưa thích bố thí, giữ tám giới quan trai, là pháp trai giới của Như Lai. Nếu không có người nào hiếu thuận với cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và bậc tôn trưởng thì Tứ Thiên Vương lòng rất sầu lo, buồn bã không vui, đến chỗ Đế-thích, đem nhân duyên này trình bạch đầy đủ với Đế-thích:
“Đại vương nên biết, nay ở thế gian, không có người nào hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn cùng các tôn trưởng.”
Thích-đề-hoàn-nhân và thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba thảy đều sầu lo, buồn bã không vui, vì chúng chư thiên sẽ giảm, chúng a-tu-la sẽ tăng.
Nếu như lúc ấy, có chúng sanh biết hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng, giữ tám giới quan trai thì bấy giờ Tứ Thiên Vương sẽ vui mừng phấn khởi không thể kiềm chế, liền đến chỗ Thiên đế, đem nhân duyên này trình bạch đầy đủ:
“Đại vương nên biết, nay ở thế gian có nhiều chúng sanh hiếu thuận cha mẹ, Sa-môn, Bà-la-môn và các tôn trưởng.”
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân, thiên chúng trời Ba Mươi Ba, cùng Tứ Thiên Vương đều vui mừng phấn khởi không kiềm chế được, bởi vì chúng chư thiên sẽ tăng, chúng a-tu-la sẽ giảm.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Pháp thọ trì tám giới quan trai vào ngày rằm như thế nào? Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Như Lai là vua các pháp, là khuôn mẫu của các pháp. Ngưỡng mong Thế Tôn hãy vì các Tỳ-kheo mà giảng rộng nghĩa này. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ phụng hành theo.
Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ giảng nói tường tận, các thầy hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ! Ở đây, này các Tỳ-kheo, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào vào ngày mùng tám, mười bốn và rằm trong tháng, là ngày trì trai thuyết giới thì phải đến giữa bốn bộ chúng mà thưa như vầy:
“Hôm nay là ngày trai giới, con muốn lãnh thọ và giữ gìn tám giới quan trai.
Kính xin Tôn giả vì con mà thuyết giới.”
Bấy giờ, bốn bộ chúng66 nên chỉ dạy và nói về tám giới quan trai. Trước hết nên bảo người đó:
“Này thiện nam, hãy tự xưng tên họ.”
Người kia đã xưng tên họ rồi thì hãy nói tám giới quan trai cho họ. Bấy giờ, vị giáo thọ nên dạy người đó nói như vầy:
“Con nguyện vâng giữ trai giới của Như Lai từ hôm nay cho đến sáng sớm ngày mai; nguyện giữ giới thanh tịnh, trừ bỏ pháp ác. Nếu thân làm ác, miệng nói lời ác, ý sanh niệm ác; ba việc nơi thân, bốn việc nơi miệng, ba việc từ ý; các điều ác đã làm, đang làm; hoặc do tham dục mà gây tạo, hoặc vì sân hận mà gây tạo, hoặc vì ngu si mà gây tạo; hoặc vì quyền thế mà gây tạo, hoặc vì gần gũi bạn xấu mà gây tạo; hoặc có thể do thân đời này, thân đời sau, vô số thân; hoặc có thể do không hiểu Phật, không hiểu Pháp, hoặc tranh cãi với Tỳ-kheo- tăng; hoặc giết hại cha mẹ và các bậc tôn trưởng, nay con xin sám hối, không tự che giấu, nguyện nương theo giới, nương theo pháp để thành tựu các giới hạnh, thọ trì tám giới quan trai của Như Lai.
[0625b14] Thế nào là tám giới quan trai? Nghĩa là gìn giữ tâm giống như bậc A-la-hán,67 suốt đời không giết hại, không có lòng giết hại, có lòng lân mẫn và thương yêu đối với chúng sanh. Nay con tên là..., nguyện xin giữ gìn trai giới cho đến sáng sớm ngày mai, không giết hại, không có lòng giết hại và khởi lòng từ đối với tất cả chúng sanh.
Như bậc A-la-hán không có niệm tà, suốt đời không trộm cướp, vui thích bố thí. Nay con tên là..., xin giữ gìn trai giới từ hôm nay cho đến sáng sớm ngày mai, nguyện không trộm cướp.68
Như bậc A-la-hán suốt đời không dâm dật, không có niệm tà, thường tu Phạm hạnh, thân thể thanh khiết. Con nay xin giữ gìn trai giới không dâm, cũng không nghĩ đến vợ mình, cũng không nghĩ đến người nữ khác cho đến sáng sớm ngày mai, không có trái phạm.
Như bậc A-la-hán suốt đời không nói dối, luôn biết thành thật, không dối gạt người. Từ hôm nay đến sáng sớm ngày mai, con nguyện không nói dối; từ nay về sau không nói dối nữa.69
Như bậc A-la-hán suốt đời không uống rượu, tâm ý không loạn động, giữ gìn giới cấm của Phật, không chút trái phạm. Nay con cũng như vậy, từ hôm nay cho đến sáng sớm ngày mai sẽ không uống rượu, giữ gìn giới cấm của Phật, nguyện không trái phạm.
Như bậc A-la-hán suốt đời không phạm trai pháp,70 luôn ăn đúng thời, ăn ít, biết đủ, không đắm mùi vị. Nay con cũng vậy, không phạm trai pháp, luôn ăn đúng thời, chỉ ăn vừa đủ, không đắm mùi vị, từ hôm nay cho đến sáng sớm ngày mai, nguyện không trái phạm.
[0625c03] Như bậc A-la-hán suốt đời không ngồi trên giường cao rộng.71 Giường cao rộng nghĩa là giường làm bằng vàng hoặc bạc, hoặc ngà voi, hoặc bằng sừng, hoặc tòa của Phật, tòa của bậc Độc giác, tòa của A-la-hán, tòa của các Tôn sư. A-la-hán không ngồi trên tám loại tòa này, nay con cũng nguyện một ngày một đêm không ngồi vào những chỗ này.72
Như A-la-hán suốt đời không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp. Nay con cũng vậy, nguyện một ngày một đêm không đeo hương hoa, trang điểm phấn sáp.73
Nay con tên là..., nguyện xa rời tám việc này, giữ gìn pháp tám giới quan trai để không rơi vào ba đường dữ. Xin nương công đức này mà không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và trong tám nạn, thường được gần gũi bạn lành, không theo bạn xấu, luôn sanh vào gia đình có cha mẹ hòa thuận, không sanh đến vùng đất xa xôi không có Phật pháp, không sanh lên cõi trời Trường Thọ, chẳng làm tôi tớ cho người, không làm Phạm thiên, không làm thân Đế-thích, cũng không làm Chuyển Luân Thánh vương, thường sanh ra thời có Phật, tự mình được gặp Phật, tự mình được nghe pháp, giúp các căn không loạn động. Con nguyện tu tập hướng đến Ba thừa, chóng thành đạo quả.”
Tỳ-kheo nên biết, nếu có ưu-bà-tắc, ưu-bà-di nào thọ trì tám giới quan trai này thì người thiện nam, thiện nữ đó sẽ sanh vào ba đường: Hoặc sanh cõi người, hoặc sanh lên trời, hoặc được Niết-bàn.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Không sát sanh, trộm cướp,
Không dâm dục, nói dối,
Tránh rượu, xa phấn hương,
Múa ca và hát xướng.
Không đắm vị, phạm trai,
Học hạnh A-la-hán,
Thọ trì tám quan trai,
Ngày đêm không quên sót.
Thoát khỏi khổ sanh tử,
Không còn hẹn luân hồi,
Yêu thương không tụ hội,
Hay oán ghét gặp nhau.
Nguyện diệt khổ năm uẩn,
Các bệnh, sanh, tử, lão,
Được Niết-bàn, dứt khổ,
Nay con nguyện về nương.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào muốn giữ tám giới quan trai, xa lìa các khổ, đến được chốn lành, muốn sạch phiền não, vào thành Niết-bàn thì phải tìm cầu phương tiện thành tựu tám giới quan trai này. Vì sao vậy? Bởi vì danh vị cõi người chưa đáng là quý, niềm vui cõi trời mới là vô kể. Nếu người thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu phước báu vô thượng thì hãy tìm cầu phương tiện thành tựu tám giới quan trai này.
[0626a04] Nay Như Lai răn dạy các thầy lần nữa, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào thành tựu tám giới quan trai, muốn cầu sanh lên cõi trời Tứ Thiên Vương thì sẽ được như nguyện. Người giữ giới kia sẽ được sở nguyện, cho nên Như Lai nói nghĩa này. Danh vị cõi người không đáng là quý. Nếu người thiện nam, thiện nữ nào giữ tám giới quan trai, sau khi chết sẽ sanh lên cõi trời tốt lành, hoặc sanh vào cõi Diệm thiên, hoặc trời Đâu-suất, trời Hóa Tự Tại, trời Tha Hóa Tự Tại, không chút giả dối. Vì sao vậy? Vì người giữ giới kia sẽ đạt được sở nguyện.
Này các Tỳ-kheo, nay Như Lai nhắc lại cho các thầy rõ, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào giữ tám giới quan trai, sẽ sanh về các trời dục giới, sanh về các trời sắc giới, thành tựu như sở nguyện của mình. Vì sao như vậy? Vì người giữ giới kia sẽ đạt được sở nguyện.
Lại nữa, nếu có người thiện nam, thiện nữ nào giữ tám giới quan trai mà muốn sanh về các trời vô sắc giới, cũng sẽ được như sở nguyện.
Tỳ-kheo nên biết, nếu người thiện nam, thiện nữ nào giữ tám giới quan trai, muốn sanh trong bốn chủng tánh,74 cũng sẽ được như sở nguyện.
Lại nữa, người thiện nam, thiện nữ nào giữ tám giới quan trai để mong cầu làm vua một phương, hoặc hai phương, ba phương, bốn phương thì cũng được như sở nguyện; muốn cầu làm Chuyển Luân Thánh vương, cũng sẽ được như sở nguyện. Vì sao vậy? Vì người giữ giới kia sẽ đạt được sở nguyện.
Nếu người thiện nam, thiện nữ nào muốn cầu thành bậc Thanh văn, Duyên giác, cho đến thành Phật, cũng sẽ thành tựu sở nguyện. Nay Như Lai thành Phật là nhờ giữ giới này. Nếu người giữ gìn năm giới, hoặc mười điều thiện thì mọi sở nguyện đều được thành tựu.
Này các Tỳ-kheo, nếu muốn thành tựu đạo nghiệp thì hãy học tập điều này. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Có ba điều nếu chúng xuất hiện76 thì khi ấy người thiện nam, người thiện nữ được phước vô lượng. Là ba điều nào? Một là, khi có sự xuất hiện về niềm tin thì người thiện nam, người thiện nữ được phước vô lượng. Hai là, khi có sự xuất hiện về tài vật77 thì người thiện nam, người thiện nữ được phước vô lượng. Ba là, khi có sự xuất hiện của bậc giữ gìn Phạm hạnh78 thì người thiện nam, người thiện nữ được phước vô lượng.
Do vậy, này các Tỳ-kheo! Khi có ba điều này xuất hiện thì được phước vô lượng.
[0626b03] Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:
Tín, tài, Phạm khó được,
Người thọ, bậc trì giới,
Rõ ba việc này rồi,
Sẽ tùy thời bố thí.
Được lâu dài an lạc,
Chư thiên luôn hộ trì,
Hưởng năm dục không chán,
Ngay đó tự vui chơi.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, người thiện nam, thiện nữ hãy tìm cầu phương tiện để thành tựu ba điều này!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ngụ tại vườn Cù-sư-la,80 thành Câu-thâm.81
Bấy giờ, Tỳ-kheo ở Câu-thâm thường hay tranh cãi, phạm các việc ác, khích bác lẫn nhau,82 có khi còn dùng cả dao gậy. Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, Thế Tôn đến chỗ các Tỳ-kheo kia. Đến nơi, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Này các Tỳ-kheo, cẩn thận chớ tranh cãi, chớ nói chuyện thị phi. Các Tỳ- kheo phải cùng nhau hòa hợp, bạn cùng một thầy thì phải như nước hòa với sữa, vì cớ gì mà lại tranh cãi lẫn nhau?
Bấy giờ, [các] Tỳ-kheo ở Câu-thâm bạch với Thế Tôn:
– Xin Thế Tôn chớ lo điều này, chúng con sẽ tự cân nhắc! Tội trạng này, chúng con tự biết rõ nó.
Thế Tôn hỏi:
– Thế nào, các thầy vì lệnh vua83 mà hành đạo, vì sợ hãi mà hành đạo hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Không phải như vậy, bạch Thế Tôn! Thế Tôn lại hỏi:
– Thế nào các Tỳ-kheo, các thầy lẽ nào chẳng phải vì muốn chấm dứt sanh tử, cầu đạo giải thoát nên hành đạo sao? Thế thì các thầy thật sự không nên chấp giữ thân năm uẩn này.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Thật vậy, bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn dạy, chúng con là những người thiện nam, sở dĩ xuất gia học đạo là vì cầu đạo giải thoát, dứt trừ chấp trước vào thân năm uẩn nên mới học đạo.
Thế Tôn bảo:
– Này các Tỳ-kheo, người tu đạo thì không nên tranh cãi nhau, đấm đá lẫn nhau, gặp mặt là buông lời thị phi, nói xấu lẫn nhau. Các thầy cần phải thành tựu hạnh này: Cùng tu một pháp, cùng học một thầy thì phải nên thực hành sáu pháp hàm dưỡng này;84 cũng nên tu tập về nghiệp của thân, miệng, ý và cũng nên biết tôn kính85 các bậc Phạm hạnh.
Các Tỳ-kheo đáp rằng:
– Đây là việc của chúng con, Thế Tôn đừng quá lo nghĩ về điều này! Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-thâm:
– Thế nào, những người mê muội, các thầy không tin lời Như Lai nói sao? Vậy nên các thầy mới bảo Như Lai chớ lo việc này. Thế thì các thầy phải tự gánh chịu báo ứng về tà kiến này.
[0626c01] Bấy giờ, Thế Tôn răn dạy các Tỳ-kheo kia:
– Quá khứ xưa kia, trong thành Xá-vệ này, có vị vua tên là Trường Thọ,86 thông minh trí tuệ, giỏi giang mọi việc. Tuy rất giỏi về cách bày binh bố trận nhưng vương triều lại thiếu bảo vật, kho lẫm không đầy, của cải thiếu hụt, bốn bộ binh87 cũng không nhiều, quần thần phò tá cũng lại ít ỏi.
Đương thời, ở nước Ba-la-nại, có vị vua tên là Phạm-ma-đạt, dũng mãnh kiên cường, hàng phục khắp nơi, tiền tài bảy báu thảy đều đầy kho, bốn bộ binh lại cũng không thiếu, quần thần phò tá đầy đủ.
Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt suy nghĩ: “Vua Trường Thọ này không có quần thần phò tá, cũng thiếu tài sản, không có châu báu. Nay ta nên đến chinh phạt nước này.” Thế rồi, Vua Phạm-ma-đạt liền khởi binh chinh phạt nước kia.
Vua Trường Thọ hay tin Vua Phạm-ma-đạt dẫn [binh chủng] chinh phạt nước mình, liền lập phương kế: “Nay ta tuy không có tài sản bảy báu, quần thần phò tá, binh lính bốn bộ, còn vua kia lại có nhiều binh chủng. Dù vậy, hôm nay một mình ta cũng đủ sức tiêu diệt trăm ngàn binh chủng kia. Nhưng như vậy thì ta sẽ sát hại chúng sanh nhiều vô số kể. Ta không thể vì vinh quang một đời mà tạo tội muôn đời. Nay ta nên rời khỏi thành này, tránh sang nước khác để không xảy ra chiến tranh.”
Bấy giờ, Vua Trường Thọ không báo với quần thần, âm thầm dẫn theo vương phi và một thứ phi cùng rời khỏi thành Xá-vệ, vào trong núi sâu. Lúc này, quần thần và nhân dân trong thành Xá-vệ vì không thấy Vua Trường Thọ đâu, đành sai sứ đưa tin đến chỗ Vua Phạm-ma-đạt tấu trình:
“Cúi mong Đại vương hãy đến cai trị đất nước này. Nay Vua Trường Thọ không biết ở đâu.”
Khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt liền đến trị vì đất nước Ca-thi.
Bấy giờ, Vua Trường Thọ có hai vương phi đều mang thai sắp đến ngày sanh. Một vị vương phi mộng thấy sanh nở trong chốn đô thị, ngay lúc mặt trời vừa mọc, có bốn bộ binh cầm đao dài năm thước đứng vây xung quanh, chỉ sanh một mình, không người giúp đỡ. Thấy rồi, bà giật mình tỉnh giấc, đem sự việc này kể lại với Vua Trường Thọ. Vua bèn nói với vương phi:
“Chúng ta đang ở trong rừng sâu, chứ đâu phải đang ở thành Xá-vệ mà nàng bảo là sanh giữa chốn đô thị? Nay nàng muốn sanh thì phải sanh như loài nai.”
Lúc ấy, phu nhân nói:
“Nếu thần thiếp không được sanh giống như vậy thì thần thiếp sẽ phải chết.”
Vua Trường Thọ nghe thế, ngay trong đêm đó, liền thay đổi y phục, không dẫn theo người nào, một mình trở vào thành Xá-vệ.
[0627a05] Thuở ấy, Vua Trường Thọ có vị đại thần tên là Thiện Hoa, hai người rất quý trọng nhau. Vị này nhân có chút việc phải ra ngoài thành nên gặp Vua Trường Thọ đang đi vào thành. Đại thần Thiện Hoa nhìn sững nhà vua, rơi lệ thở than rồi đi. Lúc này, Vua Trường Thọ liền đuổi theo đại thần kia, đến chỗ khuất và căn dặn ông ấy:
“Xin khanh cẩn thận, chớ cho ai biết!” Đại thần đáp:
“Thần sẽ y theo lời Đại vương dạy. Không biết Minh vương có chỉ dạy gì nữa không?”
Vua Trường Thọ nói:
“Nếu còn nhớ ơn xưa thì khanh nên đền đáp.” Đại thần thưa:
“Đại vương có sai bảo điều gì, thần đây sẽ lo liệu.” Vua Trường Thọ nói:
“Đêm qua, vương phi của trẫm mộng thấy sanh giữa đô thị, lại có bốn bộ binh đứng vây quanh; sanh được một thái tử rất đoan chánh. Nếu không sanh đúng như trong giấc mộng thì trong vòng bảy ngày vương phi sẽ chết.”
Đại thần đáp:
“Thần có thể thu xếp việc này theo đúng như lời Đại vương dạy.”
Nói xong, mỗi người đi mỗi đường.
Sau đó, đại thần liền đến chỗ Vua Phạm-ma-đạt tâu:
“Tâu Đại vương, trong vòng bảy ngày nữa thần muốn điểm binh, xem quân voi, quân ngựa, quân xe và quân bộ của Đại vương được bao nhiêu.”
Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt liền lệnh cho tùy tùng:
“Hãy đốc thúc binh chủng làm theo lời của Đại thần Thiện Hoa!”
Khi ấy, chỉ trong bảy ngày, Đại thần Thiện Hoa đã tập hợp được binh chủng có mặt ở giữa đô thị Xá-vệ. Trong bảy ngày đó, vị vương phi kia cũng đã vào trong đô thị. Đại thần Thiện Hoa từ xa nhìn thấy vương phi đến, liền nói:
“Hãy đến đây, hiền nữ! Nay thật đúng lúc.”
Bấy giờ, nhìn thấy bốn bộ binh, vương phi lòng vô cùng hoan hỷ, lệnh cho người hầu giăng một bức màn lớn. Đợi đến lúc mặt trời vừa lên, vương phi liền sanh một thái tử, đoan chánh vô song, hiếm có trên đời. Sau đó, vương phi bế thái tử trở về lại núi sâu. Vua Trường Thọ từ xa nhìn thấy vương phi bế hoàng nhi về, liền nói:
“Mong con sống lâu, thọ mạng vô cùng!” Phu nhân tâu vua:
“Xin Bệ hạ đặt tên cho con trai!” Vua liền đặt tên là Trường Sanh.88
Khi Thái tử Trường Sanh vừa được tám tuổi, vua cha Trường Thọ có chút việc phải vào thành Xá-vệ. Bấy giờ, có người tên là Kiếp-tỳ,89 là cận thần trước đây của Vua Trường Thọ nhìn thấy vua đi vào thành, liền quán sát nhà vua rất kỹ từ đầu đến chân. Sau đó, Kiếp-tỳ vội đến chỗ Vua Phạm-ma-đạt tâu:
“Tâu Đại vương! Thật là khinh suất, Vua Trường Thọ hiện nay đang ở trong thành này.”
Vua Phạm-ma-đạt liền nổi giận, sai người hầu cận nhanh chóng tìm bắt Vua Trường Thọ.
[0627b06] Bấy giờ, các đại thần thân cận dẫn Kiếp-tỳ đi theo, truy lùng khắp nơi. Khi Kiếp-tỳ từ xa trông thấy Vua Trường Thọ, liền chỉ tay và nói với các đại thần:
“Đó chính là Vua Trường Thọ.”
Họ liền đến bắt vua, dẫn đến trước Vua Phạm-ma-đạt, rồi tâu: “Đại vương, người này chính là Vua Trường Thọ.”
Bấy giờ, nhân dân trong nước thảy đều nghe tin Vua Trường Thọ đã bị bắt. Vương phi cũng được tin Vua Trường Thọ đã bị Phạm-ma-đạt bắt giữ, liền nghĩ: “Nay ta sống để làm gì? Thà chết cùng lúc với Đại vương.” Thế rồi vương phi dẫn thái tử đi vào thành Xá-vệ, sau đó nói với thái tử:
“Nay con hãy tự đi tìm nơi để sinh sống.”
Thái tử Trường Sanh nghe xong, im lặng không nói gì. Thế rồi vương phi một mình đi thẳng đến chỗ Vua Phạm-ma-đạt. Từ xa nhìn thấy vương phi đến, Vua Phạm-ma-đạt vui mừng phấn khởi không kiềm chế được, lập tức lệnh cho đại thần dẫn vương phi và Vua Trường Thọ đưa đến ngã tư đường để phân thây thành bốn mảnh. Các đại thần tuân theo lệnh vua, trói ngược Vua Trường Thọ và vương phi rồi dẫn đi vòng quanh thành Xá-vệ để muôn dân đều nhìn thấy. Bấy giờ, hết thảy dân chúng đều rất đau lòng.
Khi ấy, Thái tử Trường Sanh cũng ở trong đám đông, thấy cha mẹ bị đem đến chợ để giết, cố giữ sắc mặt không đổi. Vua Trường Thọ ngoái lại căn dặn Trường Sanh:
“Con chớ nhìn xa, cũng chớ trông gần!”90
Rồi vua nói kệ:
Báo oán, oán chồng chất,
Là định luật ngàn thu,
Không thù thắng hận thù,
Là đạo lý bất hủ.
Lúc đó, các đại thần bảo nhau:
“Vua Trường Thọ này mê loạn quá rồi, Thái tử Trường Sanh là ai, sao lại trước mặt chúng ta mà nói bài kệ này?”
Vua Trường Thọ nói với quần thần:
“Ta không hề mê loạn. Chỉ có bậc trí ở trong chúng đây mới hiểu lời ta nói. Các vị nên biết, chỉ cần sức lực một mình ta cũng đủ tiêu diệt hàng trăm vạn người. Nhưng ta lại nghĩ: ‘Số người bị giết chết thật không thể tính kể. Không nên chỉ vì một mình ta mà nhiều đời sau phải chịu tội.’ Oán thù không thể được lắng dịu bởi oán thù, định luật này đã có từ ngàn xưa; không oán thù mới có thể chiến thắng oán thù, đạo lý này là bất hủ.”91
[0627c03] Thế rồi quần thần đem Vua Trường Thọ và vương phi đến ngã tư đường phân thây thành bốn mảnh, sau đó bỏ đi. Thái tử Trường Sanh chờ đến chiều tối, thâu gom cây cỏ để hỏa táng cha mẹ rồi rời đi.
Lúc đó, Vua Phạm-ma-đạt ở trên lầu cao, xa thấy một cậu bé hỏa táng Vua Trường Thọ và vương phi, liền lệnh cho người hầu cận:
“Đây nhất định là thân quyến của Vua Trường Thọ. Các khanh hãy mau bắt về đây.”
Các quần thần liền đến nơi đó, nhưng chưa đến kịp thì cậu bé đã chạy trốn.
Thái tử Trường Sanh suy nghĩ: “Vua Phạm-ma-đạt này đã giết cha mẹ ta, lại ở trong nước của ta. Nay ta phải báo thù cho cha mẹ.” Thế rồi thái tử liền tìm đến chỗ thầy dạy đàn và nói:
“Nay con muốn học đánh đàn.” Thầy dạy đàn hỏi:
“Con họ gì? Cha mẹ đâu?” Cậu bé đáp:
“Con không còn cha mẹ. Con vốn ở trong thành Xá-vệ này. Cha mẹ đã mất sớm.” Thầy dạy đàn bảo:
“Con muốn học thì học.”
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Thái tử Trường Sanh học đánh đàn và ca hát. Thái tử Trường Sanh vốn có bẩm chất thông minh nên học chưa được vài ngày mà đã có thể đánh đàn, ca hát và thành thạo mọi thứ.
Bấy giờ, Thái tử Trường Sanh ôm đàn đến gần cung Vua Phạm-ma-đạt, ngồi trong chuồng voi, đợi lúc vắng người, một mình đánh đàn và cất tiếng hát trong trẻo. Khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt đang ngồi trên lầu cao nghe tiếng đàn ca, liền hỏi người hầu:
“Người nào ở trong chuồng voi, đánh đàn ca hát tự vui một mình vậy?” Người hầu tâu:
“Trong thành Xá-vệ này có một cậu bé thường một mình đánh đàn ca hát tự vui.”
Vua liền bảo thị vệ:
“Ngươi hãy bảo cậu bé ấy đến đây vui chơi. Trẫm muốn gặp nó.”
Thị vệ theo lời vua, liền đi gọi cậu bé này đến chỗ vua. Bấy giờ, Vua Phạm- ma-đạt hỏi cậu bé:
“Đêm qua, ngươi đàn trong chuồng voi phải không?” Cậu bé đáp:
“Đúng vậy, tâu Đại vương!” Phạm-ma-đạt lại hỏi:
“Nay ngươi hãy ở bên cạnh ta mà đánh đàn ca hát. Ta sẽ cung cấp quần áo, đồ ăn thức uống cho ngươi.”
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, Thái tử Trường Sanh ở trước Phạm-ma-đạt đánh đàn ca hát, âm thanh rất tuyệt diệu. Vua Phạm-ma-đạt nghe tiếng đàn này lòng rất hoan hỷ, liền bảo Thái tử Trường Sanh:
“Ngươi hãy giữ kho châu báu giúp ta.”
Thái tử Trường Sanh tuân theo lệnh vua, trông giữ kho châu báu chưa từng thất thoát; lại thường thuận theo ý vua, mỉm cười trước khi nói, luôn thấu hiểu lòng vua. Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt lại truyền lệnh:
“Tốt lắm, tốt lắm! Ngươi là người rất thông minh. Nay trẫm cho phép ngươi vào nội cung. Ngươi hãy khéo lo liệu!”
Thái tử Trường Sanh ở trong nội cung, đem tiếng đàn dạy cho các cung nữ, cũng dạy thêm kỹ thuật cỡi voi, cỡi ngựa, không việc gì không biết.
[0628a08] Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt muốn ra khỏi cung dạo chơi ngắm cảnh, vui thú dục lạc, liền sai Thái tử Trường Sanh nhanh chóng chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý. Thái tử Trường Sanh tuân theo lệnh vua, chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý, trang bị yên cương, dây cương bằng vàng bạc xong, sau đó đến tâu vua:
“Tâu Bệ hạ, xe đã chuẩn bị xong và cũng đã đúng thời.”
Vua Phạm-ma-đạt ngự cỗ xe có gắn lông chim quý, lệnh cho Thái tử Trường Sanh điều khiển, dẫn theo bốn bộ binh chủng.
Lúc này, Thái tử Trường Sanh điều khiển xe dẫn đường, thường giữ khoảng cách xa với quân binh. Khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt hỏi Thái tử Trường Sanh:
“Hiện tại quân lính đang ở đâu?” Trường Sanh tâu:
“Thần cũng không rõ quân lính hiện đang ở đâu, thưa Bệ hạ!” Vua liền bảo:
“Hãy dừng xe lại. Thân ta mệt lả, muốn nghỉ ngơi một chút.”
Thái tử Trường Sanh liền cho xe dừng lại để vua nghỉ ngơi, trong khi đó thì quân lính vẫn chưa đến.
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ Vua Phạm-ma-đạt kê đầu lên bắp vế Thái tử Trường Sanh rồi ngủ say. Thái tử Trường Sanh nhìn thấy vua ngủ, liền nghĩ: “Ông vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã giết chết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước của ta. Lúc này mà ta không báo thù thì đợi đến lúc nào nữa? Nay ta phải lấy mạng ông ấy.” Thái tử Trường Sanh tay phải rút kiếm, tay trái tóm tóc vua, nhưng suy nghĩ lại: “Lúc cha ta sắp lâm chung đã căn dặn ta: ‘Trường Sanh nên biết, con chớ nhìn xa, cũng chớ trông gần.’
Rồi còn nói kệ:
Báo oán, oán chồng chất,
Là định luật ngàn thu,
Không thù thắng hận thù,
Là đạo lý bất hủ.
Nay ta nên buông bỏ oán thù này.”
Thế rồi, thái tử tra kiếm vào vỏ. Làm như vậy đến ba lần. Thái tử lại suy nghĩ: “Ông vua này là kẻ thù lớn nhất của ta, đã giết chết cha mẹ ta, lại còn ở trên đất nước của ta. Lúc này mà ta không báo thù thì đợi đến lúc nào nữa? Nay ta phải lấy mạng ông ấy, mới gọi là báo thù.” Rồi thái tử lại nhớ đến lời vua cha dặn: ‘“Trường Sanh, con chớ nhìn xa, cũng chớ trông gần.’ Phụ vương còn dạy:
Báo oán, oán chồng chất,
Là định luật ngàn thu,
Không thù thắng hận thù,
Là đạo lý bất hủ.
Ta nên buông bỏ oán thù này.” Thế rồi, thái tử tra kiếm vào vỏ.
[0628b07] Trong khi ấy, Vua Phạm-ma-đạt mộng thấy Thái tử Trường Sanh con trai Vua Trường Thọ muốn giết mình nên sợ hãi giật mình tỉnh giấc. Thấy vậy, Thái tử Trường Sanh hỏi:
“Đại vương! Cớ sao sợ hãi giật mình như vậy?” Vua Phạm-ma-đạt nói:
“Lúc trẫm ngủ say, mộng thấy con trai Vua Trường Thọ là Thái tử Trường Sanh rút kiếm muốn giết trẫm. Vì thế nên trẫm hoảng sợ!”
Bấy giờ, Thái tử Trường Sanh suy nghĩ: “Nay ông vua này đã biết ta là Thái tử Trường Sanh.” Nên thái tử liền tay phải rút kiếm, tay trái nắm tóc vua mà nói:
“Tôi chính là Thái tử Trường Sanh, con Vua Trường Thọ đây! Ông là kẻ thù lớn nhất của tôi, đã giết cha mẹ tôi, lại còn ở trên đất nước của tôi. Nay tôi không báo thù thì đợi đến lúc nào?”
Vua Phạm-ma-đạt liền nhìn Trường Sanh mà nói:
“Nay mạng của ta ở trong tay khanh, xin khanh rủ lòng tha ta toàn mạng!” Trường Sanh đáp:
“Tôi có thể để Đại vương sống, nhưng sợ là Đại vương không để tôi toàn mạng!”
Vua hứa với Trường Sanh:
“Xin hãy tha mạng, ta sẽ không bao giờ giết khanh!”
Bấy giờ, Thái tử Trường Sanh và vua cùng thề: “Cùng tha mạng cho nhau, không bao giờ hại nhau.”
Tỳ-kheo nên biết, bấy giờ, Thái tử Trường Sanh liền tha mạng cho vua. Lúc đó, Vua Phạm-ma-đạt nói với Thái tử Trường Sanh:
“Xin Thái tử hãy cùng ta sửa soạn cỗ xe để trở về nước!”
Bấy giờ, thái tử liền chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý, rồi cả hai cùng ngồi xe đi thẳng về thành Xá-vệ. Vua Phạm-ma-đạt liền tập hợp quần thần lại và hỏi:
“Nếu các khanh gặp con trai Vua Trường Thọ, các khanh sẽ làm gì?”
Trong đó, có người thì nói: “Sẽ chặt chân tay”, có người lại bảo: “Sẽ phân thân làm ba đoạn”, hoặc có người đề nghị: “Nên giết chết.”
Lúc đó, Thái tử Trường Sanh ngồi bên cạnh vua, giữ thân ngay thẳng, tâm không loạn động, tư duy về những lời này. Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt đích thân cầm tay thái tử, rồi nói với quần thần:
“Đây là Thái tử Trường Sanh, con trai Vua Trường Thọ chính là người này. Các khanh không được nói những lời như vậy. Vì sao? Vì Thái tử Trường Sanh đã tha mạng cho ta. Ta cũng tha mạng cho người này.”
Quần thần nghe xong đều khen ngợi là việc chưa từng có:
“Đức vua và thái tử này thật là kỳ đặc, thật là hiếm có vì có thể đứng trước oán thù mà không báo thù.”
[0628c06] Lúc đó, Vua Phạm-ma-đạt hỏi Trường Sanh:
“Lẽ ra khanh giết ta, nhưng do đâu mà lại tha mạng cho ta? Có nhân duyên gì? Nay trẫm muốn nghe.”
Trường Sanh đáp:
“Đại vương hãy lắng nghe! Khi phụ vương tôi sắp băng hà đã căn dặn tôi: ‘Trường Sanh, con chớ nhìn xa, cũng chớ trông gần.’ Phụ vương còn dạy:
Báo oán, oán chồng chất,
Là định luật ngàn thu,
Không thù thắng hận thù,
Là đạo lý bất hủ.
Khi các đại thần nghe phụ vương tôi nói như vậy, liền bảo nhau: ‘Vua Trường Thọ này mê loạn quá rồi, nói nhiều quá vậy, Trường Sanh là ai?’ Vua Trường Thọ liền nói với quần thần: ‘Các vị nên biết, chỉ có người trí trong đây mới hiểu lời ta nói.’ Vì nhớ lại những lời này của phụ vương nên tôi mới tha mạng cho Đại vương.”
Vua Phạm-ma-đạt nghe xong, khen ngợi:
“Khanh thật là người kỳ đặc và hiếm có thì mới có thể vâng giữ lời căn dặn của người cha đã mất, không hề làm trái.”
Bấy giờ, Vua Phạm-ma-đạt nói với thái tử:
“Nghĩa lý những lời khanh nói, trẫm vẫn chưa hiểu. Nay khanh hãy nói tường tận nghĩa này để trẫm được thông suốt!”
Thái tử Trường Sanh đáp:
“Đại vương, hãy lắng nghe! Tôi sẽ nói rõ: Nếu Vua Phạm-ma-đạt bắt giết Vua Trường Thọ thì quần thần thân tín Vua Trường Thọ lại bắt giết Vua Phạm- ma-đạt, rồi sau đó quần thần thân tín của Vua Phạm-ma-đạt sẽ lại bắt giết quần thần thân tín của Vua Trường Thọ. Như vậy gọi là báo thù thì oán thù không bao giờ dứt. Muốn dứt oán thù thì chỉ có cách là không báo thù. Vì tôi đã thấu rõ nghĩa này, cho nên không giết Đại vương.”
Vua nghe xong, vui mừng phấn khởi không kiềm chế được, tự nghĩ: “Vị thái tử này rất là thông minh mới có thể giảng rộng nghĩa này.”
Khi đó, Vua Phạm-ma-đạt liền hướng về thái tử hối lỗi: “Là tội lỗi của ta, đã bắt giết Vua Trường Thọ.”
Thế rồi, Vua Phạm-ma-đạt liền cởi vương miện trao cho Thái tử Trường Sanh đội lên, sau đó gả công chúa và giao nước Xá-vệ cùng nhân dân lại cho Trường Sanh thống lãnh, còn mình trở về cai trị đất nước Ba-la-nại.
[0629a01] Tỳ-kheo nên biết, thuở xưa các vị vua đã tuân theo pháp thường này. Tuy có sự tranh giành đất nước nhưng vẫn biết nhẫn nhịn nhau chứ không gây tổn hại lẫn nhau. Vậy mà, Tỳ-kheo các thầy đã xuất gia học đạo vì lòng tin kiên cố, xả bỏ tham dục, sân hận, ngu si thì lại tranh cãi không hòa thuận nhau, không ai nhịn ai, không chịu hối cải. Này các Tỳ-kheo! Hãy y theo câu chuyện này để biết rằng đấu tranh chẳng phải là điều nên làm; cùng học một thầy thì phải như nước hòa với sữa, chớ tranh cãi nhau.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:
Không tranh cũng không cãi,
Lòng từ thương vạn loại,
Không oán ghét một ai,
Điều Như Lai khen ngợi.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Cần phải tu hạnh nhẫn nhục.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo ở Câu-thâm bạch đức Thế Tôn:
– Nguyện xin Thế Tôn chớ lo việc này. Chúng con sẽ tự phân giải. Thế Tôn tuy có lời chỉ dạy này nhưng sự việc không phải như vậy.
Khi ấy, Thế Tôn liền bỏ đi đến nước Bạt-kỳ.
Bấy giờ, trong nước Bạt-kỳ có ba vị thiện nam là A-na-luật, Nan-đề, Kim- tỳ-la.92 Những thiện nam này giao ước với nhau: “Vị nào ra ngoài đi khất thực thì vị ở lại phải rưới nước, quét dọn sạch sẽ, làm hết mọi việc. Vị đi khất thực về sẽ chia phần thức ăn cho. Đủ dùng thì tốt, không đủ thì san sẻ với nhau. Nếu có thức ăn dư thì sớt vào đồ đựng thức ăn, rồi để đó mà đi. Vị đi khất thực trở về sau cùng nếu có thức ăn đủ dùng thì tốt, nếu không đủ thì tự tay lấy thức ăn trong đồ đựng kia sớt vào bát mình mà dùng, kế đó mang bình nước cất vào một nơi. Mỗi ngày phải quét dọn phòng ốc, nhà cửa, rồi ở nơi yên vắng, giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, buộc niệm trước mặt, tư duy Diệu pháp, mỗi người tự giữ im lặng, không nói chuyện với nhau.”
Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật tư duy quán tưởng dục là bất tịnh,93 tâm được ly sanh hỷ, lạc,94 nên an trú vào Thiền thứ nhất. Lúc đó, Nan-đề và Kim-tỳ-la biết được tâm niệm của A-na-luật nên cũng tư duy quán tưởng dục là bất tịnh, tâm được hỷ, lạc, nên an trú vào Thiền thứ nhất. Nếu Tôn giả A-na-luật tư duy và an trú vào Thiền thứ hai, Thiền thứ ba và Thiền thứ tư thì Tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng tư duy và an trú vào Thiền thứ hai, Thiền thứ ba và Thiền thứ tư. Nếu Tôn giả A-na-luật tư duy để an trú vào Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì Tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy và an trú vào Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nếu Tôn giả A-na-luật tư duy và an trú vào Diệt tận định, bấy giờ Tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng lại tư duy và an trú vào Diệt tận định. Các pháp như thế, các Hiền giả tư duy pháp này.
[0629b05] Bấy giờ, Thế Tôn đến vườn Sư Tử,95 lúc đó người giữ vườn từ xa trông thấy Thế Tôn đến, liền thưa:
– Sa-môn, chớ có vào trong vườn! Vì sao vậy? Vì trong vườn này có ba vị thiện nam tên là A-na-luật, Nan-đề và Kim-tỳ-la đang tịnh tu, cho nên cẩn thận chớ gây phiền nhiễu.
Lúc đó, Tôn giả A-na-luật dùng thiên nhãn thanh tịnh và Thiên nhĩ thông, nghe người giữ vườn nói với Thế Tôn như vậy, không cho Thế Tôn vào vườn. Tôn giả A-na-luật liền đi ra bảo người giữ vườn:
– Đừng ngăn cản! Nay Thế Tôn muốn đến thăm nơi này.
Thế rồi, Tôn giả A-na-luật liền đi vào báo với Tôn giả Kim-tỳ-la:
– Nhanh lên, Thế Tôn hiện đang ở ngoài cổng vườn.
Bấy giờ, cả ba Tôn giả liền xuất định, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên và mỗi vị tự thưa:
– Lành thay, Thế Tôn đã đến!
Tôn giả A-na-luật đón lấy bình bát của Thế Tôn, Tôn giả Nan-đề trải chỗ ngồi, còn Tôn giả Kim-tỳ-la thì lấy nước cho Thế Tôn rửa chân.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả A-na-luật:
– Ba thầy ở đây sống hòa hợp với nhau, không khởi niệm khác, khất thực như ý chứ?
A-na-luật thưa:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn! Việc khất thực không gì khó nhọc. Vì sao vậy? Vì lúc con tư duy Thiền thứ nhất thì Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng tư duy Thiền thứ nhất. Nếu con tư duy Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt tận định thì khi ấy Nan-đề và Kim-tỳ-la cũng tư duy Thiền thứ hai, Thiền thứ ba, Thiền thứ tư, Không xứ, Thức xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Diệt tận định. Như vậy, bạch Thế Tôn, chúng con tư duy về pháp này.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay, A-na-luật! Vào lúc đó các thầy có đạt pháp thượng nhân chứ?
A-na-luật thưa:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn, chúng con đạt được pháp thượng nhân! Thế Tôn bảo:
– Thế nào là pháp thượng nhân? A-na-luật thưa:
– Có pháp vi diệu này vượt hơn cả pháp thượng nhân. Chẳng hạn như chúng con đem tâm từ trải đầy khắp một phương; hai phương, ba phương, bốn phương cũng lại như vậy; bốn phương phụ và phương trên, phương dưới cũng lại như vậy; trong tất cả, mỗi mỗi đều rải tâm từ trải đầy khắp trong đó, không có hạn lượng, không thể tính hết để tự an trú. Hoặc chúng con lại đem tâm bi, tâm hỷ, tâm trải đầy khắp một phương; hai phương, ba phương, bốn phương cũng lại như vậy; bốn phương phụ và phương trên, phương dưới cũng lại như vậy để tự an trú. Bạch Thế Tôn, đó gọi là chúng con lại được pháp thượng nhân này.
Bấy giờ, Tôn giả Nan-đề và Kim-tỳ-la nói với Tôn giả A-na-luật:
– Chúng tôi chưa từng đến hỏi Tôn giả nghĩa này, sao nay Tôn giả ở trước Thế Tôn lại tự nói ra vậy?
Tôn giả A-na-luật đáp:
– Các Hiền giả đúng là chưa từng đến hỏi tôi nghĩa này, nhưng chư thiên đã đến chỗ tôi để hỏi, cho nên tôi ở trước Thế Tôn nói như vậy. Lại nữa, lâu nay tôi đã rõ tâm ý của các Hiền giả, biết các Hiền giả đã đạt được tam-muội này, cho nên trước Thế Tôn tôi nói lời này.
Bấy giờ, trong lúc đang nói pháp này thì có Đại tướng Trường Thọ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ chân Phật rồi ngồi qua một bên. Sau đó, Đại tướng Trường Thọ bạch Thế Tôn:
– Hôm nay, phải chăng Thế Tôn vì các Tỳ-kheo này mà thuyết pháp?
Lúc ấy, Thế Tôn đem sự việc trên kể lại tường tận cho Đại tướng Trường Thọ. Khi đó, đại tướng bạch Thế Tôn:
– Nước lớn Bạt-kỳ sắp được lợi ích lớn, vì có ba vị thiện nam là A-na-luật, Nan-đề và Kim-tỳ-la này du hóa.
Thế Tôn bảo:
– Đúng vậy, đại tướng, như lời ông nói, nước lớn Bạt-kỳ sắp nhận được lợi ích tốt lành. Chẳng những nước lớn Bạt-kỳ mà nước lớn Ma-kiệt cũng được lợi ích tốt lành vì có ba vị thiện nam này. Nếu như người dân trong nước Ma-kiệt nhớ nghĩ đến ba vị thiện nam này thì sẽ được an ổn lâu dài. Đại tướng nên biết, nếu huyện, ấp, hay thành thị nào có ba vị thiện nam này thì người dân ở trong thành thị đó sẽ được an ổn lâu dài. Gia đình nào sanh ra ba vị thiện nam này cũng được lợi ích lớn, vì đã sanh ra những bậc thượng tôn này. Nếu năm dòng họ thân tộc cha mẹ biết nhớ nghĩ đến ba Tôn giả này thì cũng được lợi lớn. Hoặc trời, rồng, quỷ thần nhớ nghĩ đến ba vị thiện nam này thì cũng được lợi lớn. Nếu người nào khen ngợi bậc A-la-hán thì cũng nên khen ngợi ba vị này. Nếu có người khen ngợi người không tham dục, không ngu si, không sân hận thì cũng nên khen ngợi ba vị này. Nếu người nào khen ngợi người ruộng phước này thì cũng nên khen ngợi ba vị này. Như Ta ở trong ba a-tăng-kỳ kiếp tu tập tinh cần, thành tựu đạo Vô thượng, vì muốn giúp cho ba vị đây thành tựu nghĩa pháp này. Thế nên, đại tướng, cần phải khởi tâm hoan hỷ đối với ba vị thiện nam đây. Thật vậy, đại tướng! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, nghe Thế Tôn dạy xong thì đại tướng hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có ba kiết sử trói buộc, khiến chúng sanh không thể từ bờ này đến bờ kia được. Là ba kiết nào? Đó là thân tà, giới đạo và nghi.97
Thế nào gọi là thân tà? Nghĩa là chấp thân có ngã, rồi khởi tưởng phân biệt có ngã, có chúng sanh, có mạng, có thọ, có nhân, có tự ngã,98 có nhân duyên, có dính mắc. Đó gọi là sự trói buộc bởi thân tà.
Thế nào là giới đạo kiết? Cho rằng ta do giới này mà sanh vào gia đình vọng tộc, sanh trong nhà trưởng giả, sanh vào gia đình Bà-la-môn, hoặc sanh lên trời hay trong các thần. Đó gọi là sự trói buộc bởi giới đạo.
Thế nào là nghi kiết? Nghĩa là hồ nghi có ngã chăng? Vô ngã chăng? Có sanh chăng? Không sanh chăng? Có ngã, nhân, thọ, mạng chăng? Hay là không ngã, không nhân, không thọ, không mạng? Có cha mẹ chăng? Hay không có cha mẹ? Có đời này đời sau chăng? Hay không đời này đời sau? Có Sa-môn, Bà- la-môn chăng? Hay không Sa-môn, Bà-la-môn? Thế gian có A-la-hán chăng? Hay thế gian không có A-la-hán? Có người chứng đắc chăng? Hay không [có] người chứng đắc? Đó gọi là sự trói buộc bởi nghi ngờ.
Như vậy, này các Tỳ-kheo, có ba kiết này trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bờ này đến được bờ bên kia. Giống như hai con bò có chung một ách, mãi không thể rời nhau. Chúng sanh cũng như vậy, bị ba kiết trói buộc, không thể từ bờ này đến được bờ kia.
Thế nào là bờ này? Thế nào là bờ kia? Bờ này chính là thân tà; bờ kia chính là thân tà đã diệt. Này Tỳ-kheo, đó gọi là ba kiết trói buộc chúng sanh, khiến không thể từ bờ này đến được bờ kia.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Cần phải tìm cách diệt trừ ba kiết này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có ba loại tam-muội. Đó là Không tam-muội,100 Vô tướng101 tam-muội, Vô nguyện102 tam-muội.
Thế nào là Không tam-muội? Không nghĩa là quán tất cả các pháp đều rỗng không, hư giả. Đó gọi là Không tam-muội.
Thế nào là Vô tướng tam-muội? Vô tướng nghĩa là tất cả các pháp đều không có tướng gì để nhớ nghĩ, cũng không thể thấy được. Đó gọi là Vô tướng tam-muội.
Thế nào là Vô nguyện tam-muội? Vô nguyện nghĩa là không mong cầu đối với tất cả các pháp. Đó gọi là Vô nguyện tam-muội.
Như thế, này các Tỳ-kheo, ai không đạt được ba tam-muội này thì ở mãi trong sanh tử, không thể tự giác ngộ.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện đạt được tam-muội này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, nghe Phật dạy xong, các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:103
Tràng, Tỳ-sa, Pháp vương,
Cù-mặc, Thần túc hóa,
Trai giới, Hiện tại tiền,
Trường Thọ, Kiết, Tam-muội.
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Cao tràng phẩm 高幢品 (T.02. 0125.24. 0615a08).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.1. 0615a09). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.981. 0255a25); S. 11.2 - I. 217; S. 11.3 - I. 218.
3 Tham chiếu: S. 11.3 - I. 218 viết đây là pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu.
4 Nguyên tác: Giải thoát kiến tuệ thành tựu (解脫見慧成就). Trường A-hàm và Tạp A-hàm đều ghi: Giải thoát tri kiến (解脫知見).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.2. 0615b07).
6 Tỳ-sa (毘沙) còn gọi Tỳ-xá-xà (毘舍闍), quỷ chuyên hút tinh khí của người.
7 Nguyên tác: Hành (行, S. saṃskāra P. saṅkhāra). Câu-xá luận tụng sớ luận bổn 俱舍論頌疏論本 (T.41.1823.9. 0871b19) ghi: “Những nghiệp trong quá khứ gọi là hành” (宿諸業名行). Cố hành (故行, purāṇakammaṃ); tân hành (新行, navakammaṃ). Tham chiếu S. 35.145 - IV. 132: “Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết về các nghiệp mới và cũ, sự đoạn diệt các nghiệp, con đường đưa đến sự đoạn diệt các nghiệp. Hãy lắng nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng! Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp cũ? Mắt, này các Tỷ-kheo, cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý cần phải quán là nghiệp cũ, được tác thành, được tư niệm, được cảm thọ. Các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp cũ” (HT. Thích Minh Châu dịch).
8 Bản Đại Chánh ghi là “khẩu” (口). Bản Thánh (聖) ghi là “thiệt” (舌).
9 Nguyên tác: Chiêu-đề-tăng (招提僧, Cātuddisa-saṅgha): Chư Tăng trong bốn phương.
10 Xem S. I. 33.
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.3. 0617a14).
12 Ni-câu-lưu viên (尼拘留🖃, Nigrodhārāma): Vườn cây đa ở ngoài thành Ca-tỳ-la-vệ (迦毗羅衛).
13 Nguyên tác: Thích-sí (釋翅), tên gọi khác của thành Ca-tỳ-la-vệ.
14 Tham chiếu: Kinh xuất diệu, quyển 26, phẩm “Song yếu.”
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.4. 0617b07). Tham chiếu: S. 22.97 - III. 147.
16 Phân biệt (分別, vibhajanā): Sự lý giải.
17 Nguyên tác: Pháp giảng đường (法講堂). Có thể là giảng đường Thiện Pháp.
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.5. 0618a27). Tham chiếu: La-ma kinh 羅摩經 (T.01. 0026.204. 0775c07); M. 26. Ariyapariyesanā Sutta (Kinh Thánh cầu); Mv. 1.13.
19 Tham chiếu: M. 26. Ariyapariyesanā sutta (Kinh Thánh cầu): “Kassa nu kho ahaṃ paṭhamaṃ dhammaṃ deseyyaṃ; ko imaṃ dhammaṃ khippameva ājānissatī”ti. (Ta sẽ thuyết pháp cho ai đầu tiên? Ai sẽ mau hiểu Chánh pháp này?), HT. Thích Minh Châu dịch.
20 La-lặc-ca-lam (羅勒迦藍, Āḷārakālāma).
21 Uất-đầu-lam-phất (欝頭藍弗, Uddakarāmaputta).
22 Ưu-tỳ-già (優毘伽, Upaka).
23 Ca-thi (加尸, Kāsi), một trong 16 nước lớn với thủ đô là thành phố Ba-la-nại (Bārānasī).
24 Nguyên tác: Khanh (卿). Pāli ghi là āvuso, nghĩa là bạn.
25 Tam chuyển thập nhị hành (三轉十二行). Tam chuyển là “thị chuyển” (chỉ cho thấy, đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo); “khuyến chuyển” (khuyến khích tu tập, đây là khổ nên biết, đây là tập nên đoạn, đây là diệt nên chứng, đây là đạo nên tu); “chứng chuyển” (tự thân tác chứng, đây là khổ đã thấy, đây là tập đã đoạn, đây là diệt đã chứng, đây là đạo đã tu). Như vậy, 3 lần chuyển với 4 chân lý, thành ra 12 hành tướng vậy.
26 A-nhã Câu-lân (阿若拘隣, Aññāsi Koṇḍañña) còn gọi là A-nhã Kiêu-trần-như (阿若憍陳如).
27 Ưu-lưu-tỳ (優留毘, Uruvelā).
28 Liên-nhã (連若) còn gọi là sông Ni-liên-thiền (尼連禪, Nerañjarā), Ni-liên-thiền-na (尼連禪那), Ni-liên-nhiên (尼連然).
29 Ưu-la-tỳ Ca-diếp (優羅毘迦葉, Uruvela Kassapa) còn gọi Uất-tỳ-la Ca-diếp (鬱毘羅迦葉), Ưu-lâu- tần-loa Ca-diếp (優樓頻螺迦葉).
30 Bản Hán, hết quyển 14.
31 Đạo chân (道真, arahā). Thuật ngữ này ban đầu dùng chỉ chung cho các bậc Thánh. Kinh Tương ưng bộ (S. 3.11 - I. 77) đã đề cập một phần về thuật ngữ này trong cuộc hội đàm giữa Vua Ba-tư-nặc với đức Phật liên quan đến 6 vị giáo chủ. Về sau, Phật giáo sử dụng thuật ngữ này như một phẩm vị đặc thù chỉ cho bậc Thánh A-la-hán. Tham chiếu: Mahāvagga viết “Mahiddhiko kho mahāsamaṇo mahānubhāvo, yatra hi nāma cattāropi mahārājāno upasaṅkamissanti dhammassavanāya, na tveva ca kho arahā yathā aha’’nti. (Vị đại Sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả bốn vị Đại Thiên Vương còn đi đến gặp để nghe pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán [Arahā, bậc Thánh] giống như ta đây), Indacanda dịch.
32 Diêm-phù quả (閻浮果, Jambupakka). PED xác định tên khoa học của loài cây này là Eugenia Jambolana, tức là cây trâm mốc, cũng gọi là cây trâm vối, có ở Ấn Độ và cả Việt Nam.
33 A-ma-lặc (阿摩勒, āmalakī), loại cây này có tên khoa học là Phyllanthus Emblica. Quả của nó ở Ấn Độ, ngày nay gọi là quả amla, được sử dụng như một thực phẩm bổ sung sinh học. Ở Việt Nam gọi là me rừng, me mận hoặc chùm ruột núi...
34 Ha-lê-lặc (呵梨勒, harītakī) có tên khoa học là Terminalia Chebula, mọc nhiều ở Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á, trong đó có cả Việt Nam. Cây này còn được gọi là kha tử, chiêu liêu xanh, một vị thuốc trong Đông y hiện vẫn còn sử dụng.
35 Tỳ-hê-lặc (毘醯勒, vibhītaka) có tên khoa học là Terminalia Belerica. Ở Việt Nam, cây này được gọi là cây bàng mốc, cây choại, nhút... được sử dụng như một vị thuốc.
36 Tệ hoại ngũ nạp y (弊壞五納衣, paṃsukūla): Y phấn tảo.
37 Liên-nhã đại hà (連若大河): Sông lớn Liên-nhã, chỉ cho con sông Nerañjarā, tên gọi khác của sông Ni-liên-thiền.
38 Thiện lai Tỳ-kheo (善來比丘, Ehi Bhikkhu). Theo DA. 001, là tác pháp truyền giới Cụ túc được thực hiện bởi riêng đức Thế Tôn. Nghĩa là do nguyện lực của người kia và oai thần lực của đức Phật, Phật hướng về người muốn xuất gia gọi: “Thiện lai Tỳ-kheo!”, người ấy liền trở thành Sa-môn, râu tóc tự nhiên như được cạo, mặc cà-sa, được giới Cụ túc.
39 Giang Ca-diếp (江迦葉, Nadī Kassapa): Na-đề Ca-diếp.
40 Già-di Ca-diếp (伽夷迦葉, Gayā Kassapa).
41 Thần túc giáo hóa, ngôn giáo giáo hóa, huấn hối giáo hóa (神足教化, 言教教化, 訓誨教化). Tham chiếu: A. 3.144 - I. 291: Iddhipāṭihāriyena, ādesanāpāṭihāriyena, anusāsanīpāṭihāriyena (Thần biến thần thông, ký thuyết thần thông, giáo giới thần thông).
42 Nguyên tác: Thất giác ý (七覺意).
43 Nguyên tác: Xuất yếu lạc, vô khuể lạc, vô nộ lạc (出要樂, 無恚樂, 無怒樂). Đây muốn nói 3 thiện tầm (Pāli: Tayo kusalavitakkā): Xuất ly, vô khuể, vô hại.
44 Đây muốn nói 3 bất thiện tầm. Tham chiếu: S. 22.80 - III. 91 viết Akusalavitakkā: Kāmavitakko, byāpādavitakko, vihiṁsāvitakko (3 bất thiện tầm, gồm dục tầm, sân tầm và hại tầm).
45 Thường kiến (常見): Kiến chấp cho rằng thế giới là thường trụ không biến đổi, tự ngã của con người là bất diệt, tự ngã này sau khi chết cũng không tiêu diệt, vẫn có khả năng tái sanh và tái diễn lại hiện trạng tương tục, tức nói ngã là thường trụ. Xem Tạp. 雜 (T.02. 0099.34. 0241b12).
46 Vô thường kiến (無常見), trái ngược với thường kiến.
47 Hữu biên kiến, vô biên kiến (有邊見, 無邊見): Chấp thế gian có giới hạn, hoặc thế gian không có giới hạn.
48 Bỉ mạng bỉ thân (彼命彼身): Mạng và thân là dị biệt.
49 Phi mạng phi thân (非命非身): Mạng và thân không phải là một.
50 Ni-liên (尼連), đoạn trên ghi là Liên-nhã (連若).
51 Ưu-đà-da (優陀耶) cũng gọi là Ưu-đà-di (優陀夷, Udāyi).
52 Bạch Tịnh vương (白淨王), đoạn dưới ghi là Chân Tịnh vương (真淨王), quen gọi là Tịnh Phạn vương (Suddhodana).
53 Ba-tuần (波旬, Pāpiya): Loài ác ma đoạn thiện căn và sanh mạng con người.
54 Nhận (仞): Đơn vị đo lường thời xưa, bằng 8 thước hay 7 thước cổ Trung Hoa.
55 Nguyên tác: Đề-bà-đạt-đâu (提婆達兜).
56 Những người em của Vua Tịnh Phạn (淨飯, Suddhodana) gồm có: Hộc Tịnh (斛淨, Dhotodana), Thúc Tịnh (叔淨, Sukkodana), Cam Lộ (甘露, Amitodana).
57 A-nhã Câu-lân (阿若拘鄰, Aññā Koṇḍañña) còn gọi là A-nhã Kiêu-trần-như (阿若憍陳如).
58 Tượng Ca-diếp (象迦葉), tên khác của Già-da Ca-diếp (伽耶迦葉, Gayā Kassapa).
59 Bản Hán, hết quyển 15.
60 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.6. 0624b19). Tham chiếu: Trì trai kinh 持齋經 (T.01. 0026.202. 0770a16); Tạp. 雜 (T.02. 0099.1117. 0295c10); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.46. 0389a10); A. 3.37 - I. 142; A. 3.38 - I. 143.
61 Nguyên tác: Phụ thần (輔臣).
62 Nguyên tác: Bát quan trai (八關齋, aṭṭhaṅga samannāgata uposatha), còn gọi là bát quan giới trai, bát chi trai giới, bát phần trai giới, bát quan trai, bát giới trai, bát giới, bát cấm... đều chỉ cho việc người Phật tử tại gia thọ trì tám giới cấm trong một ngày một đêm. Xem nội dung kinh.
63 Nguyên tác: Tứ đẳng tâm (四等心).
64 Thiện Pháp giảng đường (善法講堂, Sudhamma sabhā): Hội trường của chư thiên cõi trời Ba Mươi Ba (三十三天).
65 Ngày Bố-tát (布薩), chúng Tăng thuyết giới, tức tụng giới Ba-la-đề-mộc-xoa (波羅提木叉).
66 Tứ bộ chúng (四部眾, catuparisā) gồm Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Thế nhưng, chúng ưu-bà-tắc và ưu-bà-di không thể truyền trai giới tám chi được. Ở đây nên hiểu là chỉ có hai bộ chúng là Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
67 Nguyên tác: Chân nhân (真★). Đây chỉ cho bậc A-la-hán. Xem MĀ. 202.
68 Nguyên tác: Tận hình thọ (盡形壽): Suốt đời.
69 Mệnh đề: Ngã tự kim dĩ hậu bất phục vọng ngữ (我自今以後不復妄語) không phù hợp với việc chỉ thọ giới một ngày một đêm.
70 Trai pháp (齋法): Không ăn quá ngọ.
71 Nguyên tác: Cao quảng chi sàng (高廣之床). DĀ. 21 ghi: Cao quảng đại sàng (高廣大床). Pāli: Uccāsayanamahāsayanaṃ (giường cao rộng).
72 Văn đoạn này cũng thiếu lời nguyện “một ngày một đêm.” Theo ngữ cảnh nên thêm vào.
73 Điều học này còn thiếu phân nửa: Không ca, múa, xướng hát và cố ý đi xem nghe. Xem MĀ. 202.
74 Tứ tánh (四姓, cattāro vaṇṇā) viết tắt của chữ “tứ chủng tánh” (四種姓), gồm Bà-la-môn (婆羅門), Sát-đế-lợi (刹帝利), Tỳ-xá (毗舍) và Thủ-đà-la (首陀羅).
75 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.7. 0626a25). Tham chiếu: A. 3.41 - I. 150.
76 Nguyên tác: Hiện tại tiền (現在前). A. 3.41 - I. 150: Sammukhībhāvā. Ở đây sammukha là hiện tiền và bhāva là sự có mặt, là hữu (有), là sự tồn tại (存在).
77 Nguyên tác: Tài (財): Tài vật dùng để cúng dường, bố thí. Theo A. 3.41 - I. 150: Sự có mặt của tài vật bố thí (deyyadhammassa).
78 Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Trì Phạm hạnh giả (持梵行者).
79 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.8. 0626b11). Tham chiếu: Trường Thọ vương bổn khởi kinh 長壽王本起經 (T.01. 0026.72. 0532c09); Ngưu Giác Sa-la lâm kinh 牛角娑羅林經 và (T.01. 0026.185. 0729b27); M. 31, Cūḷagosiṅga Sutta (Tiểu kinh khu rừng Sừng Bò); M. 48, Kosambiya Sutta (Kinh Kosampiya); M. 128, Upakkilesa Sutta (Kinh tùy phiền não); Mv. 10.
|80 Cù-sư-la viên (瞿師羅🖃, Ghositārāma).
81 Câu-thâm (拘深), bản khác ghi là Câu-thiểm-di (俱睒弥, Kosambī).
82 Nguyên tác: Diện tương đàm thuyết (面相談說). DĀ. 17 ghi: Diện tương hủy mạ (面相毀罵). M. 128: Aññamaññaṃ mukhasattīhi vitudantā (đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi), HT. Thích Minh Châu dịch.
83 Nguyên tác: Vương chủng (王種): Nòi giống hoàng gia. Theo Kinh chuyển pháp luân, số 5, phẩm 24, tr. 277 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.24.5. 0623c18) ghi: 諸釋眾聞王教令: 諸有兄弟二 ★, 當取一★為道, 其不從教, 當重謫罰. Thế nên “vương chủng” (王種) ở đây được hiểu là lệnh của vua.
84 Nguyên tác: Lục chủng chi pháp (六種之法): Sáu pháp dưỡng dục (六重養育). Ở phẩm 29 cũng trong bản kinh này ghi: Sáu pháp quý trọng (六重之法). MĀ. 142 gọi là 6 pháp an ủi, vỗ về (六慰勞法). M. 104: Chayime,... dhammā sāraṇīyā (sáu pháp khả niệm).
85 Nguyên tác: Cúng dường (供養, pujja). Trong ngữ cảnh này nên hiểu là tôn kính.
86 Trường Thọ (長壽, Dīghāyu).
87 Nguyên tác: Tứ bộ chi binh (四部之兵): Tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh.
88 Trường Sanh (長生, Dīghāyu).
89 Kiếp-tỳ (劫比). Xem chú thích 25, phẩm Tựa, tr. 11; Tự phẩm 序品 (T.02. 0125.1. 0549b09).
90 Nguyên tác: Nhữ mạc kiến trường, diệc mạc kiến đoản (汝莫見長, 亦莫見短). Mệnh đề này tương tự như văn Pāli trong Mahāvagga: Mā kho tvaṃ, tāta dīghāvu, dīghaṃ passa, mā rassaṃ (Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần), Indacanda dịch. Cú ngữ này hàm nghĩa “đừng mong mỏi báo thù cho cha mẹ.”
91 Nguyên tác: 怨怨不休息, 自古有此法, 無怨能勝怨, 此法終不朽. Tham chiếu: Mahāvagga: Na hi, tāta dīghāvu, verena verā sammanti; averena hi, tāta dīghāvu, verā sammantī’ti (Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu), Indacanda dịch.
92 A-na-luật (阿那律, Anuruddha), Nan-đề (難提, Nandiya), Kim-tỳ-la (金毘羅, Kimbila): Ba vương tử họ Thích.
93 Dục bất tịnh tưởng (欲不淨想): Quán tưởng dục là bất tịnh, còn gọi là “quán bất tịnh” (不淨觀, asubhānupassanā).
94 Nguyên tác: Niệm trì hỷ an (念持喜安). Cũng ở kinh này, phẩm “Bất đãi” thứ 11 ghi: Hữu ỷ niệm lạc (有猗念樂); phẩm “An-ban” thứ 17 và phẩm “Thanh văn” thứ 28 ghi: Niệm trì hỷ an (念持喜安). Trong khi đó, Trường A-hàm, Trung A-hàm và Tạp A-hàm đều ghi: Ly sanh hỷ, lạc (離生喜, 樂).
95 Nguyên tác: Sư Tử quốc (師子國). Có lẽ là tên khu vườn chứ không phải tên nước. Theo ngữ cảnh dưới nên hiểu đây là một khu vườn. Có lẽ chữ viên (🖃) bị ghi nhầm thành chữ quốc (國). Theo các bản Tống, Nguyên, Minh ghi là viên (🖃), nên ở đây chọn chữ “viên” để đúng với ngữ cảnh.
96 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.9. 0630a07).
97 Thân tà (身邪), giới đạo (戒盜), nghi (疑) còn gọi là thân kiến (身見, sakkāyadiṭṭhi), giới thủ (戒取, sīlabbataparāmāsa) và nghi (疑, vicikicchā); hoặc còn gọi là hữu thân kiến (有身見), giới cấm thủ (戒禁取) và nghi (疑).
98 Nguyên tác: Sĩ phu (士夫, purisa): Quan điểm chấp thường của ngoại đạo cho rằng có một linh hồn tồn tại bất biến. Các danh từ như “ngô ngã, chúng sanh, hữu mạng, hữu thọ, hữu nhân, hữu sĩ phu” (吾我, 眾生, 有命, 有壽, 有★, 有士夫) đều chỉ cho tính chất của một tự ngã, một linh hồn mà các ngoại đạo chấp là thường hằng.
99 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.24.10. 0630b02). Tham chiếu: A. 3.182/352 - I. 299.
100 Không tam-muội (空三昧, Suññata samādhi).
101 Nguyên tác: Vô tưởng (無想, Animitta). Các bản Tống, Nguyên, Minh đều ghi: Vô tướng (無相). Trường A-hàm cũng ghi: Vô tướng (無相).
102 Vô nguyện (無願, Appaṇihita).
103 Nguyên tác Nhiếp tụng: 幢, 毘沙, 法王; 瞿默, 神足化; 齋戒, 現在前; 長壽, 結, 三昧. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 16.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.