Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

23.PHẨM ĐỊA CHỦ1

 

1.VUA ĐỊA CHỦ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc ban lệnh cho các quần thần:

– Các khanh hãy chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý,3 trẫm muốn đến chỗ Thế Tôn để lễ bái, thăm hỏi.

Khi ấy, quần thần vâng lệnh chuẩn bị cỗ xe gắn lông chim quý, xong đến tâu vua:

– Tâu Bệ hạ, ngựa xe đã sẵn sàng, thời gian đã thích hợp!

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc liền ngự cỗ xe được trang trí bằng lông chim quý, cùng với vài ngàn người đi bộ hoặc cỡi ngựa vây quanh trước sau, ra khỏi thành Xá-vệ, thẳng đến tinh xá Kỳ Hoàn, đến chỗ Thế Tôn. Theo phép của các vua, Vua Ba-tư-nặc liền cởi bỏ năm thứ nghi vệ là lọng, mũ, kiếm, giày và quạt vàng để ở một nơi rồi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, sau đó ngồi qua bên cạnh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn thuyết pháp sâu xa vi diệu cho vua nghe, khích lệ, chỉ dạy khiến vua khởi tâm hoan hỷ.

Sau khi nghe pháp xong, Vua Ba-tư-nặc bạch với Thế Tôn:

– Kính xin Thế Tôn chấp thuận cho con được cúng dường Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo-tăng trong ba tháng an cư, chớ đến nơi khác!

Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu của Vua Ba-tư-nặc.

Thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời thỉnh cầu, Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi xin phép trở về.

Về đến thành Xá-vệ, vua ra lệnh cho các quần thần:

– Trẫm muốn cúng dường phẩm vật lên đức Phật và Tỳ-kheo-tăng trong ba tháng an cư, cung cấp những thứ cần dùng như y phục, đồ ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Các khanh cũng nên phát tâm hoan hỷ.

[0609b01] Quần thần đáp:

– Thưa vâng!

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc liền cho dựng bên ngoài cửa cung một giảng đường lớn, cực kỳ tráng lệ, treo giăng phướn lọng, rồi tấu các thứ kỹ nhạc, không thể kể xiết. Vua lại cho xây nhiều bể tắm, sửa soạn nhiều đèn dầu, chưng dọn nhiều món ăn có đến trăm loại. Thế rồi, Vua Ba-tư-nặc liền đến bạch Phật:

– Đã đến giờ, kính thỉnh Thế Tôn thân lâm đến chốn này.

Bấy giờ, biết đã đến giờ, đức Thế Tôn bèn đắp y, ôm bát, dẫn chúng Tỳ- kheo-tăng tuần tự theo sau, vào thành Xá-vệ, rồi đến giảng đường ấy. Đến nơi, Thế Tôn vào chỗ ngồi, các Tỳ-kheo-tăng cũng theo thứ tự mà ngồi.

Khi đó, Vua Ba-tư-nặc hướng dẫn những người trong cung, tự tay dâng thức ăn đến và cung cấp những thứ cần dùng như y áo, thức ăn, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Suốt trong ba tháng, không để thiếu thốn.

Thấy Thế Tôn thọ thực xong, vua liền rải các loại hoa thơm cúng dường lên đức Phật và Tỳ-kheo-tăng, sau đó chọn một chiếc ghế nhỏ rồi ngồi xuống trước Như Lai và bạch:

– Con đã từng nghe Phật dạy về gốc ngọn nhân duyên như vầy: Nếu bố thí thức ăn cho súc sanh thì được phước trăm lần; cúng dường thức ăn cho người phạm giới thì được phước ngàn lần; cúng dường thức ăn cho người giữ giới thì được phước mười ngàn lần; cúng dường thức ăn cho Tiên nhân đã đoạn dục thì được phước trăm ngàn lần; cúng dường thức ăn cho vị hướng Tu-đà-hoàn thì được phước không thể tính kể, huống gì là cúng cho bậc đã chứng quả Tu-đà-hoàn; bậc hướng Tư-đà-hàm, bậc đã chứng quả Tư-đà-hàm; bậc hướng A-na-hàm, bậc đã chứng quả A-na-hàm; bậc hướng A-la-hán, bậc đã chứng quả A-la-hán; bậc hướng đến Độc giác, bậc đã chứng quả Độc giác; bậc hướng đến quả vị Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, bậc đã thành Phật, cho đến các Tỳ-kheo-tăng. Phước đức đó không thể tính kể. Vậy thì, hôm nay những việc làm công đức của con đã xong.

Thế Tôn bảo:

– Đại vương, chớ nói như vậy! Làm phước không bao giờ đủ, vì sao hôm nay lại nói việc làm công đức đã xong? Vì sao như vậy? Vì sanh tử dài lâu không thể tính kể.

Vào thời quá khứ xa xưa, có vị vua tên là Địa Chủ, thống lãnh cõi Diêm- phù-đề này. Vua ấy có đại thần tên là Thiện Minh, ngay từ thuở nhỏ đã kề cận vua, không ngại nguy khó. Bấy giờ, vua ấy chia nửa cõi Diêm-phù-đề cho đại thần đó trị vì.

Lúc đó, Tiểu vương Thiện Minh tự xây thành quách, bề dọc dài mười hai do-tuần, bề ngang bảy do-tuần, đất đai màu mỡ, dân chúng đông đúc. Thành ấy tên là Viễn Chiếu. Đệ nhất phu nhân của Vua Thiện Minh tên là Nhật Nguyệt Quang, dáng người cân đối, không cao không thấp, không mập không gầy, không đen không trắng, dung mạo đoan chánh, hiếm có trên đời. Miệng nàng tỏa hương hoa sen, thân tỏa hương trầm. Không lâu sau, phu nhân mang thai, bèn đến tâu vua:

“Thần thiếp đã có thai.”

Vua nghe lời này, vui mừng hớn hở không kiềm lòng được, liền sai những người hầu cận thiết trí giường đệm cực kỳ êm ái. Đến ngày khai hoa nở nhụy, phu nhân sanh một bé trai. Khi đang sanh, đất cõi Diêm-phù-đề bỗng nhiên rực sáng sắc vàng. Thái tử tướng mạo xinh đẹp, đủ ba mươi hai tướng tốt, toàn thân màu vàng. Đại vương Thiện Minh nhìn thấy thái tử lòng rất vui mừng, hạnh phúc vô cùng, liền mời các thầy xem tướng Bà-la-môn, đạo sĩ đến, rồi vua đích thân bế thái tử đến để họ xem tướng. Vua nói:

“Nay trẫm vừa sanh thái tử, các khanh hãy xem tướng và đặt tên cho.”

[0609c10] Khi đó, các thầy tướng vâng lệnh vua, mỗi người đích thân bế thái tử để xem tướng mạo, rồi cùng tâu lên vua:

“Tâu Thánh vương, thái tử đoan chánh vô song, các căn không khuyết, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, nên thái tử sẽ có hai hướng đi: Một là, nếu sống ở đời thì thái tử sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương, đầy đủ bảy báu, đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và tướng quân báu; lại có một ngàn người con dũng mãnh kiên cường, giỏi dẹp trừ quân địch, không cần đến đao binh mà vẫn nhiếp phục được bốn biển. Hai là, nếu thái tử xuất gia học đạo thì sẽ thành Vô Thượng Chánh Giác, danh đức vang xa khắp cả thế giới. Vào ngày thái tử ra đời, ánh sáng tỏa chiếu rất xa, nên nay xin đặt tên cho thái tử là Đăng Quang.”

Sau khi đặt tên xong, các thầy tướng liền rời khỏi chỗ mà ra về.

Bấy giờ, Vua Thiện Minh suốt ngày bồng bế thái tử, không chút rời mắt. Vua xây cho thái tử ba cung điện thích hợp với ba mùa: Thu, đông và hạ; cung nhân thể nữ đầy khắp trong cung, rồi để thái tử vui chơi trong đó.

Khi tròn hai mươi chín tuổi, với lòng tin vững chắc, vương thái tử xuất gia học đạo. Ngày xuất gia, ngay trong đêm đó thái tử thành Phật.

Bấy giờ, khắp cõi Diêm-phù-đề thảy đều hay tin: “Vương thái tử ấy đã xuất gia học đạo và thành Phật ngay trong ngày.” Sáng sớm vua cha nghe tin vương thái tử đã xuất gia học đạo và thành Phật ngay trong đêm, liền suy nghĩ: “Tối hôm qua, ta nghe chư thiên ở giữa hư không thảy đều khen: ‘Lành thay!’ Đây ắt là điềm lành, chứ không phải điềm xấu. Nay ta nên đến gặp thái tử.”

[0610a01] Thế rồi, vua dẫn bốn mươi ức nam nữ theo sau, đi đến chỗ Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, vua đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức nam nữ đều cùng đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Lúc đó, Như Lai lần lượt nói pháp vi diệu cho vua cha và bốn mươi ức người đi cùng, như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là nhiễm ô, phiền não4 là bất tịnh, giải thoát5 là thiết yếu, được phước báu thanh tịnh.

Bấy giờ, đức Đăng Quang Như Lai quán sát tâm ý của những vị này, nhận thấy tâm tánh đã hòa dịu, liền đem giáo pháp mà chư Phật thường dạy là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói lại tường tận nghĩa này cho vua và bốn mươi ức người cùng nghe. Khi đó, khiến họ ngay tại chỗ ngồi liền dứt sạch mọi trần cấu, được Pháp nhãn tịnh.

Thế rồi bốn mươi ức người này bạch với Đăng Quang Như Lai: “Chúng con nguyện cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo.”

Đại vương nên biết! Bấy giờ, bốn mươi ức người đều được xuất gia học đạo, và ngay trong hôm đó họ đều thành A-la-hán.

Bấy giờ, Đăng Quang Như Lai dẫn bốn mươi ức Tăng chúng, đều là bậc Vô trước,6 du hóa trong cõi nước ấy, được nhân dân trong nước cúng dường tứ sự, y áo, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, không để thiếu hụt.

Khi đó, Vua Địa Chủ hay tin con của mình là Thái tử Đăng Quang đã thành bậc Vô Thượng Chánh Chân, Đẳng Chánh Giác, đang dẫn bốn mươi ức Tăng chúng, đều là bậc Vô trước, du hóa trong nước kia, liền suy nghĩ: “Nay ta phải sai sứ giả đến thỉnh Như Lai sang du hóa tại đất nước mình. Nếu Như Lai đến thì ta mãn nguyện, còn Ngài ấy không đến, ta sẽ đích thân đến lễ lạy, thăm hỏi.”

Vua liền chỉ dụ cho một đại thần:

“Khanh hãy đến đó, lấy danh nghĩa của trẫm, đảnh lễ sát chân, thăm hỏi Như Lai đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có khỏe mạnh không? Khanh hãy trình bạch: ‘Vua Địa Chủ thăm hỏi Như Lai đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có khỏe mạnh không? Cúi xin Thế Tôn thân lâm về bản quốc!’”

Đại thần vâng theo lệnh vua, đi đến đất nước kia. Đến nơi, ông ấy đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên, sau đó thưa:

“Đại vương Địa Chủ kính đảnh lễ sát chân Như Lai, thăm hỏi Như Lai đời sống có nhẹ nhàng, đi đứng có khỏe mạnh không? Cúi xin Thế Tôn thân lâm về bản quốc!”

Bấy giờ, Thế Tôn im lặng nhận lời thỉnh cầu.

Thế rồi, Như Lai Đăng Quang dẫn theo đại chúng, lần lượt du hóa trong dân gian, đi đến chốn nào cũng đều được cung kính, cúng dường y áo, thức ăn thức uống, giường đệm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Như Lai và đại chúng dần đến đất nước của Vua Địa Chủ. Khi ấy, Vua Địa Chủ được tin Đăng Quang Như Lai cùng với bốn mươi ức đại Tỳ-kheo đã về đến nước mình, hiện đang an trú trong vườn Bà-la ở phía Bắc, liền nghĩ: “Nay ta nên đích thân đến nghinh đón.”

Khi đó, Đại vương Địa Chủ cũng dẫn bốn mươi ức người cùng đến chỗ Như Lai Đăng Quang. Đến nơi, vua đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Bốn mươi ức người đi theo cũng đảnh lễ sát chân Như Lai rồi ngồi qua một bên.

[0610b04] Lúc này, Như Lai Đăng Quang lần lượt diễn nói pháp vi diệu cho vua và bốn mươi ức người cùng nghe, như luận về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là nhiễm ô, phiền não là bất tịnh, giải thoát là thiết yếu, sẽ được phước báu thanh tịnh.

Bấy giờ, đức Đăng Quang Như Lai quán sát tâm ý của những người này, nhận thấy tâm tánh đã hòa dịu, liền đem giáo pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói lại tường tận nghĩa này cho vua và bốn mươi ức người cùng nghe khiến họ ngay nơi chỗ ngồi, mọi trần cấu đều dứt sạch, được Pháp nhãn tịnh.

Thế rồi, bốn mươi ức người này bạch với Đăng Quang Như Lai: “Chúng con nguyện cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo!”

Đại vương nên biết! Bấy giờ, bốn mươi ức người ấy đều được xuất gia học đạo và ngay hôm đó, họ đều thành A-la-hán. Còn Quốc vương Địa Chủ từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi rời đi.

Bấy giờ, Đăng Quang Như Lai dẫn tám mươi ức chúng Tỳ-kheo, đều là bậc A-la-hán, du hóa trong cõi nước ấy, được nhân dân trong nước cúng dường bốn vật dụng cần thiết là y áo, thức ăn uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, cung cấp mọi thứ, không để thiếu hụt.

Một thời gian sau, Quốc vương Địa Chủ lại dẫn quần thần cùng đến chỗ Như Lai Đăng Quang, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi đó, Như Lai Đăng Quang giảng nói pháp vi diệu cho quốc vương nghe. Sau đó, Quốc vương Địa Chủ bạch với Như Lai:

“Kính xin Thế Tôn chấp thuận cho trẫm suốt đời cúng dường Ngài và Tỳ- kheo-tăng. Trẫm xin cúng dường y phục, thức ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, không để thiếu thốn thứ gì.”

Bấy giờ, Như Lai Đăng Quang im lặng chấp thuận thỉnh cầu của vua. Khi thấy đức Phật im lặng nhận lời, vua thưa với đức Phật lần nữa:

“Nay trẫm có điều thỉnh cầu với Thế Tôn, kính xin Thế Tôn hoan hỷ chấp thuận!”

Thế Tôn bảo:

“Trong pháp của Như Lai chỉ chấp thuận những thỉnh cầu đúng pháp.”7

Vua bạch:

“Thỉnh cầu của trẫm hôm nay rất tịnh diệu!” Thế Tôn hỏi:

“Thỉnh cầu của Đại vương tịnh diệu như thế nào?” Vua bạch Thế Tôn:

“Theo tâm nguyện của trẫm thì hôm nay chúng Tăng thọ trai bằng chiếc bát này, ngày mai nên dùng chiếc bát khác; hôm nay chúng Tăng mặc loại y phục này, ngày mai đổi lại loại y phục khác; hôm nay chúng Tăng ngồi loại tọa cụ này, ngày mai ngồi loại tọa cụ khác; hôm nay người này đến thừa sự chúng Tăng, ngày mai đổi lại người khác đến. Thỉnh cầu của trẫm chính là như vậy.”

Như Lai Đăng Quang bảo:

“Tùy thuận tâm nguyện của Đại vương, nay là đúng lúc!”

[0610c03] Bấy giờ, Đại vương Địa Chủ vui mừng phấn khởi không kiềm nén được, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui về. Về đến hoàng cung, vua nói với quần thần:

“Nay trẫm phát nguyện trọn đời cúng dường Đăng Quang Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác và chúng Tỳ-kheo các thứ cần dùng như là y phục, thức ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh. Các khanh cũng nên hỗ trợ trẫm sắp đặt việc cúng dường.”

Các đại thần đáp:

“Xin tuân lệnh Đại vương!”

Cách thành không xa, khoảng độ một do-tuần, vua cho xây dựng một ngôi giảng đường, điêu khắc chạm trổ năm màu rực rỡ; rồi cho treo giăng phướn lọng, trỗi các thứ kỹ nhạc, rưới nước thơm khắp mặt đất, sửa sang hồ tắm, trưng nhiều đèn dầu, dọn nhiều món ăn thức uống ngon ngọt, thiết trí chỗ ngồi. Sau đó, vua đến bạch Phật:

“Nay đã đúng thời, kính thỉnh Thế Tôn lân mẫn quang lâm!”8

Đăng Quang Như Lai biết đã đến giờ, liền đắp y, ôm bát, dẫn chúng Tỳ-kheo tuần tự theo sau, cùng đến giảng đường. Đến nơi, mỗi người theo thứ tự mà ngồi. Đại vương Địa Chủ thấy Phật và Tỳ-kheo-tăng đều đã an tọa, liền lệnh cho các thể nữ và các đại thần tự tay rót nước, bày biện thức ăn có đến trăm món.

Đại vương nên biết, thuở ấy Quốc vương Địa Chủ đã cúng dường Đăng Quang Như Lai và tám mươi ức vị A-la-hán suốt bảy mươi ngàn năm, chưa từng lười mỏi hay bỏ dở giữa chừng; còn đức Như Lai kia sau khi giáo hóa cùng khắp, liền ở nơi Vô dư Niết-bàn giới9 mà thể nhập Bát-niết-bàn.

Bấy giờ, Đại vương Địa Chủ dùng hàng trăm loại hoa thơm để cúng dường, đồng thời cho xây dựng bốn ngôi tháp tại bốn giao lộ lớn. Mỗi tháp đều được làm bằng bảy báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh... và treo giăng phướn lọng khắp trong đó. Tám mươi ức vị A-la-hán cũng lần lượt ở nơi Vô dư Niết-bàn giới mà thể nhập Bát-niết-bàn. Bấy giờ, Đại vương Địa Chủ thâu thập Xá-lợi của tám mươi ức Tỳ-kheo A-la-hán ấy, rồi xây dựng tháp, treo giăng phướn lọng, hương hoa cúng dường.

Đại vương nên biết, Đại vương Địa Chủ lại xây tháp phụng thờ Như Lai Đăng Quang và tám mươi ức vị A-la-hán, suốt bảy mươi ngàn năm, lúc nào cũng treo giăng phướn lọng, đốt đèn, rải hoa dâng lên cúng dường. Đại vương nên biết, mãi đến khi giáo pháp của Đăng Quang Như Lai để lại đã hoàn toàn mất đi, sau đó vị vua này mới Diệt độ.

Thuở ấy, Đại vương Địa Chủ đâu phải ai khác? Chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì Đại vương Địa Chủ lúc đó chính là Như Lai đây. Ta lúc bấy giờ, trong suốt bảy mươi ngàn năm, lúc nào cũng cúng dường đức Phật ấy y phục, thức ăn thức uống, giường nằm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, không để thiếu hụt. Sau khi đức Phật Đăng Quang vào Niết-bàn rồi, trong suốt bảy mươi ngàn năm tiếp theo, Ta luôn cúng dường hình tượng, Xá-lợi, thắp hương, đốt đèn, treo giăng phướn lọng, không để thiếu hụt. Lúc đó, Ta đem công đức này cầu được phước lành trong cõi sanh tử, không cầu giải thoát.

Đại vương nghĩ sao, bao nhiêu phước đức có được lúc đó, có còn dư lại đến hôm nay chăng? Chớ nghĩ như vậy! Hôm nay, Ta xét thấy phước đức kia không còn lại một chút nào, cho dù chỉ bằng mảy lông sợi tóc. Vì sao như vậy? Bởi lẽ sanh tử triền miên không thể tính kể, ở trong dòng sanh tử ấy đã hưởng hết phước, không còn sót lại một chút nào cả, cho dù chỉ bằng mảy lông sợi tóc. Cho nên, Đại vương chớ nên nguyện rằng: “Hôm nay, trẫm tạo phước đức đã xong.” Đại vương nên nói rằng: “Hôm nay, những việc phước đức mà trẫm đã làm từ thân, miệng, ý, đều xin hồi hướng đến sự giải thoát, chứ không mong cầu hưởng phước trong sanh tử. Như thế sẽ được vô lượng an ổn lâu dài.”

[0611a13] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc trong lòng kinh sợ, toàn thân sởn gai ốc, vừa buồn vừa khóc, đưa tay gạt lệ, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi tự trình bày lỗi lầm:

– Con quá mê lầm ngu muội, không hiểu biết gì. Kính xin Thế Tôn cho con sám hối. Nay con xin gieo năm vóc sát đất, nguyện xin sửa đổi lỗi lầm trước đây, không nói những lời này nữa. Ngưỡng mong Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con!

Vua bạch như vậy ba lần. Thế Tôn liền bảo:

– Lành thay, lành thay! Nay Đại vương đã ở trước Như Lai sám hối những việc sai trái mà mình đã từng làm và nguyện xin sửa đổi về sau. Nay Như Lai nhận sự sám hối của Đại vương, từ nay chớ tái phạm!

Bấy giờ, trong đại chúng có Tỳ-kheo-ni tên là Ca-chiên-diên, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi bạch Thế Tôn:

– Những điều hôm nay Thế Tôn giảng nói thật là vi diệu. Lại nữa, Thế Tôn nói với Vua Ba-tư-nặc: “Đại vương nên nguyện rằng: ‘Hôm nay, những việc phước đức mà trẫm đã làm từ thân, miệng, ý, đều xin hồi hướng đến sự giải thoát, chứ không mong cầu hưởng phước trong sanh tử. Như thế sẽ được vô lượng an ổn lâu dài.’” Vì sao như vậy? Vì con nhớ lại ba mươi mốt kiếp về trước, có đức Như Lai Thi-khí,10 Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc,11 Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu,12 Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn13 xuất hiện ở thế gian, du hóa tại thế giới Dã Mã.

Bấy giờ, đức Phật ấy đến giờ, đắp y, ôm bát vào thành Dã Mã khất thực. Lúc đó, trong thành có một người làm thuê tên là Thuần Hắc. Ông ta nhìn thấy Như Lai ôm bát vào thành khất thực, liền suy nghĩ rằng: “Nay Như Lai vào thành, hẳn là Ngài cần thức ăn nước uống.” Ông ấy lập tức vào nhà mang thức ăn ra cúng dường Như Lai, đồng thời phát nguyện: “Nguyện đem công đức này, hồi hướng cho con không rơi vào ba đường ác, trong đời tương lai cũng sẽ được gặp vị Thánh Tôn như thế, cũng được nghe Thánh Tôn ấy thuyết pháp, khiến được giải thoát.” Thế Tôn và Vua Ba-tư-nặc hẳn đều biết rõ! Người làm thuê Thuần Hắc lúc đó là ai khác chăng? Chớ nghĩ như vậy! Vì sao? Vì người làm thuê Thuần Hắc lúc đó, nay chính là con.

[0611b08] Lúc cúng dường thức ăn cho Như Lai Thi-khí, con đã phát nguyện: “Nương công đức này, cầu mong cho con không rơi vào ba đường ác, trong đời tương lai cũng sẽ được gặp vị Thánh Tôn như thế, cũng được nghe Thánh Tôn ấy thuyết pháp, khiến được giải thoát.” Nhờ vậy mà trong ba mươi mốt kiếp, con không đọa ba đường ác, được sanh trong cõi trời, cõi người và ở hiện tại được thọ thân này, được gặp Thánh Tôn, xuất gia học đạo, dứt hết lậu hoặc, thành A-la-hán. Đúng như những gì Thế Tôn giảng nói, rất là vi diệu.

Rồi Tỳ-kheo-ni nói với Vua Ba-tư-nặc:

– Những việc phước đức đã làm từ thân, miệng, ý đều nên hồi hướng đến sự giải thoát, chớ nên mong cầu hưởng phước trong sanh tử. Nếu tôi có gặp Tỳ- kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di với tâm ý hoan hỷ hướng đến Như Lai, tôi liền suy nghĩ: “Vì sao tâm của những Hiền sĩ này vẫn còn do dự, chưa tôn kính cúng dường Như Lai?”14 Nếu tôi gặp bốn bộ chúng, tôi sẽ đến hỏi: “Này các Hiền giả! Các vị cần gì? Y bát? Tọa cụ? Ống đựng kim? Bình nước rửa?

Cho đến các vật dụng khác của Sa-môn, tôi xin được cung cấp đầy đủ.” Khi đã hứa điều này, tôi sẽ đi khất cầu khắp nơi. Nếu như có được thì đó là điều may mắn lớn. Giả như không được, tôi sẽ đến các châu như Uất-đan-việt, Cù-da-ni, Phất-vu-đãi khất cầu để cúng dường cho các vị ấy. Vì sao như vậy? Bởi vì nhờ bốn bộ chúng này mà được thành tựu Niết-bàn.

Bấy giờ, Thế Tôn quán sát tâm ý của Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên rồi nói với các Tỳ-kheo:

– Các thầy đã từng thấy ai có tín tâm giải thoát giống như Tỳ-kheo-ni Ca- chiên-diên này không?

Các thầy Tỳ-kheo thưa:

– Không thấy, bạch Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Trong hàng đệ tử Thanh văn của Ta, Tỳ-kheo-ni được tín giải thoát15 bậc nhất chính là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên.

Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên và Vua Ba-tư-nặc nghe Phật thuyết pháp xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.TÔN GIẢ BÀ-CÂU-LƯ16
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại núi Kỳ- xà quật, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Tôn giả Bà-câu-lư đang vá y cũ ở bên sườn núi. Khi đó, Thích- đề-hoàn-nhân từ xa trông thấy Tôn giả Bà-câu-lư đang vá y cũ ở bên sườn núi, liền nghĩ: “Tôn giả Bà-câu-lư này đã chứng quả A-la-hán, mọi sự trói buộc đã được tháo gỡ, sống lâu vô lượng, luôn tự hàng phục, thường nhớ nghĩ đến vô thường, khổ, không, vô ngã, không vướng việc thế tục, lại cũng không nói pháp cho người khác, lặng lẽ tự tu, giống như hàng ngoại đạo dị học. Không rõ Tôn giả có khả năng nói pháp cho người khác, hay là không có khả năng này? Hôm nay, ta hãy nghiệm xem.”

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân biến khỏi trời Ba Mươi Ba, hiện đến núi Kỳ- xà quật, đứng trước Tôn giả Bà-câu-lư, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, sau đó Thích-đề-hoàn-nhân nói kệ:

Bậc trí khen thuyết pháp,      
Sao thầy không giảng bày?
Phá kiết, được hạnh Thánh,  
Sao lặng lẽ ở đây?

Tôn giả Bà-câu-lư lại dùng kệ đáp lời Thích-đề-hoàn-nhân:

Có Phật, Xá-lợi-phất,               
A-nan, Bàn,17 Quân-đầu,18
Cùng các bậc Tôn trưởng,  
Đều giỏi nói pháp mầu.

Thích-đề-hoàn-nhân bạch với Tôn giả Bà-câu-lư:

– Căn tánh của chúng sanh có rất nhiều chủng loại. Tôn giả nên biết, Thế Tôn cũng nói chủng loại chúng sanh nhiều hơn số bụi đất. Sao Tôn giả Bà-câu- lư lại không vì người khác mà thuyết pháp?

Bà-câu-lư đáp:

– Chủng loại chúng sanh khó có thể biết được. Thế giới có bao nhiêu quốc độ chẳng đồng, chúng sanh trong đó thảy đều chấp vào của ta và chẳng phải của ta. Vì thấy rõ nghĩa lý này nên tôi mới không thuyết pháp.

Thích-đề-hoàn-nhân nói:

– Kính xin Tôn giả nói cho tôi nghe nghĩa lý “của ta và chẳng phải của ta”! Tôn giả Bà-câu-lư nói:

– Tự ngã, chúng sanh, thọ mạng,19 hoặc nam, hoặc nữ, hết thảy mọi người đều nương vào thân mạng này mà được tồn tại. Nhưng này Câu-dực,20 Thế Tôn cũng có dạy: “Tỳ-kheo nên biết, hãy tự mình thắp sáng, không khởi tà pháp và cũng nên im lặng như Hiền thánh.” Vì thấy rõ nghĩa lý này, cho nên tôi an trú trong tịch lặng.

[0612a01] Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân chắp tay từ xa hướng về Thế Tôn và nói kệ:

Kính lạy đấng Thập Lực,         
Hào quang tỏa trong ngần,
Luôn vì mọi chúng sanh,                                               
Điều này rất kỳ đặc.

Tôn giả Bà-câu-lư hỏi:

– Tại sao Đế-thích lại nói: “Điều này rất kỳ đặc”? Thích-đề-hoàn-nhân đáp:

– Tôi nhớ đã có lần đến chỗ Thế Tôn, sau khi lễ sát chân Thế Tôn, tôi liền hỏi nghĩa này: “Loài trời và loài người suy nghĩ những gì?” Bấy giờ, Thế Tôn nói với tôi: “Thế giới này có nhiều chủng loại, mỗi loài đều khác nhau, nguồn gốc cũng không đồng.” Tôi nghe những lời này rồi, liền đáp: “Thật vậy, bạch Thế Tôn, đúng như những lời Thế Tôn đã nói, thế giới này có nhiều chủng loại, mỗi loài đều không giống nhau. Giả sử nói pháp cho những chúng sanh ấy, khiến họ đều thọ trì thì sẽ có người thành tựu đạo quả.” Vì vậy nên tôi nói: “Điều này rất kỳ đặc.” Những điều mà Tôn giả Bà-câu-lư đã nói, cũng giống như vậy: “Thế giới này có nhiều chủng loại, mỗi loài đều không giống nhau.”

Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân liền nghĩ: “Tôn giả này có khả năng thuyết pháp cho người, chứ không phải không có khả năng.” Thế rồi, Thích-đề-hoàn- nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy rời đi.

Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân nghe Tôn giả Bà-câu-lư nói pháp xong, hoan hỷ phụng hành.

***

3.NHỊ THẬP ỨC NHĨ21
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật an trú bên hồ Lôi Thanh,22 tại thành Chiêm-ba.23

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ24 đang ở nơi yên vắng, tự tu theo Chánh pháp, không bỏ mười hai hạnh Đầu-đà,25 đêm ngày kinh hành, không lìa giáo lý ba mươi bảy phẩm trợ đạo; khi đi, khi ngồi luôn tu Chánh pháp; đầu đêm, giữa đêm, cuối đêm luôn tự nỗ lực, không phút xao lãng, thế nhưng tâm của Tôn giả vẫn chưa giải thoát khỏi những phiền não trói buộc trong cõi dục.

Khi ấy, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ siêng năng kinh hành đến độ bàn chân rách nát, máu thấm ướt cả lối đi, giống như những nơi giết mổ trâu bò; quạ, diều nhìn thấy, kéo đến ăn máu, nhưng tâm của Tôn giả vẫn chưa giải thoát khỏi những phiền não trói buộc trong cõi dục.

Thế rồi, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ suy nghĩ: “Trong số đệ tử siêng năng tu tập khổ hạnh của đức Thế Tôn thì ta là người đứng đầu. Nhưng mãi đến hôm nay, tâm của ta vẫn chưa giải thoát khỏi những phiền não trói buộc trong cõi dục. Vả lại, gia nghiệp của ta cũng giàu có, nên chăng ta xả bỏ pháp phục, trở về sống đời cư sĩ, rồi đem tài vật bố thí rộng rãi. Làm Sa-môn như hiện nay thật sự khó quá, không hề dễ dàng.”

Bấy giờ, Thế Tôn từ xa biết được tâm niệm của Nhị Thập Ức Nhĩ, liền nương hư không mà đi, đến chỗ Tôn giả đang kinh hành rồi trải tọa cụ ngồi. Khi đó, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên.

[0612b03] Thế Tôn hỏi Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ:

– Vừa rồi vì sao thầy lại có suy nghĩ: “Trong số đệ tử siêng năng tu tập khổ hạnh của đức Thế Tôn thì ta là người đứng đầu. Nhưng mãi đến hôm nay, tâm của ta vẫn chưa giải thoát khỏi những phiền não trói buộc trong cõi dục. Vả lại, gia nghiệp của ta cũng giàu có, nên chăng ta xả bỏ pháp phục, trở về sống đời cư sĩ, rồi đem tài vật bố thí rộng rãi. Làm Sa-môn như hiện nay thật sự khó quá, không hề dễ dàng.”

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:

– Thật đúng như vậy, bạch Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Nay Như Lai lại hỏi thầy, thầy theo đó mà trả lời. Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, trước kia khi còn tại gia, thầy giỏi đánh đàn phải không?

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:

– Đúng vậy, kính bạch Thế Tôn! Khi còn tại gia con rất giỏi đánh đàn. Thế Tôn hỏi:

– Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn quá căng thì âm thanh không hòa hợp,26 khi đó tiếng đàn nghe có hay không?

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn! Thế Tôn lại bảo:

– Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu dây đàn bị chùng thì tiếng đàn nghe có hay không?

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:

– Thưa không, bạch Thế Tôn! Thế Tôn lại bảo:

– Thế nào, Nhị Thập Ức Nhĩ, nếu khi dây đàn không căng và cũng không chùng thì âm thanh tiếng đàn nghe có hay không?

Nhị Thập Ức Nhĩ đáp:

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Nếu dây đàn không chùng cũng không căng, lúc đó âm thanh tiếng đàn nghe rất hay.

Thế Tôn bảo:

– Việc này cũng như vậy. Nếu quá tinh tấn thì giống với trạo cử,27 nếu biếng lười thì rơi vào tà kiến. Khéo trụ ở trung đạo, đó mới là pháp tu tối thượng. Thầy hãy tu tập như thế thì không bao lâu sẽ thành bậc vô lậu.

Thế Tôn nói pháp vi diệu cho Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ xong, liền trở về an trú bên bờ hồ Lôi Âm.28

Bấy giờ, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ tư duy lời dạy của Thế Tôn không phút xao lãng. Thầy ấy ở nơi yên vắng, tinh chuyên tu tập pháp này, vì mục đích mà người thiện gia nam xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, tu Phạm hạnh vô thượng là để biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Khi ấy, Tôn giả Nhị Thập Ức Nhĩ liền thành bậc A-la-hán.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Trong hàng đệ tử Thanh văn của Như Lai, người siêng năng tu khổ hạnh bậc nhất, chính là Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4.TRƯỞNG GIẢ BÀ-ĐỀ29
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có trưởng giả Bà-đề30 mắc bệnh rồi qua đời. Do vì trưởng giả đó không có con cái nên toàn bộ gia sản đều sung vào cung vua. Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc với thân thể dính đầy bụi bặm, đi đến chỗ Thế Tôn,

đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Thế Tôn hỏi vua:

– Đại vương có chuyện gì mà đến đây với thân hình đầy bụi như vậy? Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

– Hôm nay, trong thành Xá-vệ này có trưởng giả tên là Bà-đề vừa qua đời. Ông ấy không có con cái nên trẫm đích thân đến trưng thu tài sản, sắp xếp việc sung công. Tài sản của ông ấy chỉ tính riêng vàng ròng thì đã có đến tám mươi ngàn cân, huống gì những vật linh tinh khác. Thế nhưng lúc còn sống, trưởng giả ấy toàn ăn những thức ăn rất dở tệ, không dùng đồ ngon, lại còn mặc y phục dơ bẩn, cỡi xe ngựa với con ngựa gầy yếu.

Thế Tôn bảo:

– Thật vậy, Đại vương! Đúng như Đại vương vừa nói, người tham lam bỏn xẻn tuy được tiền của mà không dám ăn, không cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, cũng không tặng cho bạn bè hay người quen biết, cũng không cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc tôn trưởng. Nếu người trí có được tài bảo này thì họ sẽ biết bố thí, cúng dường, cứu giúp rộng rãi, không gì luyến tiếc, cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc cao đức.

Khi đó, Vua Ba-tư-nặc hỏi:

– Bạch Thế Tôn! Trưởng giả Bà-đề này qua đời sẽ sanh vào chốn nào? Thế Tôn bảo:

– Trưởng giả Bà-đề này qua đời sẽ đọa vào địa ngục Gào Khóc Lớn.31 Vì sao vậy? Vì người này đã mất thiện căn nên sau khi chết đọa vào địa ngục Gào Khóc Lớn.

Vua Ba-tư-nặc liền hỏi:

– Trưởng giả Bà-đề đã mất thiện căn ư? Thế Tôn bảo:

– Đúng vậy, Đại vương! Như Đại vương đã nói, trưởng giả ấy đã đoạn mất thiện căn. Hơn nữa, vị trưởng giả ấy phước cũ đã hết nhưng lại không biết tạo thêm phước mới.

Vua Ba-tư-nặc hỏi:

– Trưởng giả kia không còn sót lại chút phước nào sao, thưa Thế Tôn? Thế Tôn bảo:

– Không còn, Đại vương! Không còn sót lại một chút nào cả. Giống như người nhà nông kia chỉ thu hoạch mà không gieo trồng thì về sau sẽ trở thành nghèo nàn, khốn khổ, rồi dần qua đời. Vì sao vậy? Vì kẻ nhà nông này tiêu pha tài sản cũ mà không chịu làm ra tài sản mới. Trưởng giả này cũng như vậy, chỉ biết hưởng thụ phước cũ mà không tạo phước mới. Đêm nay, ông ta sẽ đọa vào địa ngục Thế Khốc [Lớn].

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc trong lòng kinh sợ, gạt lệ bạch Phật:

– Trước đây trưởng giả này đã gieo trồng công đức, phước nghiệp gì mà được sanh vào nhà giàu sang, nhưng lại gieo hạt giống bất thiện gì mà không được hưởng của cải giàu sang và cũng không được hưởng trọn niềm vui năm dục?

[0613a03] Bấy giờ, Thế Tôn nói với Vua Ba-tư-nặc:

– Vào thời Phật Ca-diếp ở quá khứ xa xưa, trưởng giả này là một nông dân, sống trong thành Xá-vệ. Khi ấy Phật đã nhập diệt, có bậc Độc giác32 xuất hiện ở đời và đến nhà của trưởng giả này. Thấy bậc Độc giác đứng trước cửa nhà, trưởng giả này liền nghĩ: “Tôn giả này xuất hiện ở đời rất khó gặp được. Nay ta hãy mang đồ ăn thức uống đến cúng dường cho vị này.”

Bấy giờ, trưởng giả liền cúng dường thức ăn cho vị Độc giác kia. Vị Độc giác nhận thức ăn rồi, liền nương hư không mà rời khỏi nơi đó.

Khi vị trưởng giả thấy vị Độc giác hiện thần túc, liền phát thệ nguyện: “Nguyện đem việc thiện này hồi hướng đời đời không đọa ba đường dữ, sanh đến nơi nào cũng luôn có nhiều của báu.” Tuy nhiên sau đó, ông ta lại sanh tâm hối tiếc: “Số thức ăn vừa rồi ta nên đem cho tôi tớ, chẳng nên cho đạo nhân đầu trọc kia ăn.”

Trưởng giả nhà nông lúc đó là người nào khác chăng? Chớ nghĩ như vậy. Vì trưởng giả nhà nông lúc đó, nay chính là trưởng giả Bà-đề.

Do vì cúng dường xong, ông ấy phát thệ nguyện này, cho nên nhờ công đức đó mà không đọa đường dữ, sanh ra nơi nào cũng luôn có nhiều của cải, sanh trong nhà giàu sang, không thiếu thốn thứ gì. Nhưng vì sau khi cúng dường rồi, lại khởi niệm hối tiếc, nghĩ ngợi: “Ta thà cho tôi tớ ăn, chẳng nên cho đạo nhân đầu trọc kia ăn.”

Vì nguyên nhân này nên nay ông ấy không hưởng được của cải giàu có, cũng không được vui trong năm dục. Ông ấy không tự mình cúng dường, lại không cho cha mẹ, vợ con, tôi tớ, bạn bè và người quen biết; cũng không cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn và các bậc tôn trưởng, chỉ biết hưởng hết phước cũ mà không tạo phước mới. Thế nên, Đại vương, nếu là người trí, khi có được của cải thì nên bố thí rộng khắp, lòng không hối tiếc, rồi sau sẽ được của cải vô số. Thật vậy, Đại vương! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bạch Thế Tôn:

– Từ nay về sau trẫm sẽ cúng dường không hạn lượng cho Sa-môn, Bà-la- môn và bốn bộ chúng. Nhưng các dị học ngoại đạo đến xin thức ăn thì trẫm không thể cho.

Thế Tôn bảo:

– Đại vương, chớ nghĩ như vậy. Vì sao? Vì tất cả chúng sanh đều nhờ ăn uống mà tồn tại, không ăn uống thì sẽ chết.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Mở rộng lòng bố thí,                
Quyết không bỏ tâm lành,
Ắt sẽ gặp Hiền thánh,                                               
Vượt thoát dòng tử sanh.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:

– Nay trẫm càng thêm hoan hỷ hướng về Như Lai. Vì sao vậy? Vì tất cả chúng sanh đều nhờ ăn uống mà tồn tại, không ăn uống thì sẽ chết.

Vua Ba-tư-nặc lại thưa:

– Từ nay về sau trẫm sẽ bố thí rộng khắp, lòng không hối tiếc.

[0613b06] Khi ấy, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho Vua Ba-tư-nặc. Nghe xong, vua từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

5.BA LOẠI HƯƠNG33
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở nơi yên vắng, khởi niệm suy nghĩ: “Thế gian có loại hương nào khi ngược gió cũng thơm, khi xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm chăng?” Rồi Tôn giả A-nan rời chỗ ngồi đứng dậy, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và ngồi qua một bên. Khi ấy, Tôn giả A-nan bạch Thế Tôn:

– Con ở nơi yên vắng, có khởi ý nghĩ: “Thế gian có loại hương nào khi ngược gió cũng thơm, khi xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm chăng?”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan:

– Có loại diệu hương này, khi ngược gió cũng thơm, khi xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm.

A-nan bạch Thế Tôn:

– Đó là loại hương nào mà khi ngược gió cũng thơm, khi xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm, thưa Thế Tôn?

Thế Tôn bảo:

– Có loại hương này mà mùi hương của nó khi ngược gió cũng thơm, khi xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm.

A-nan bạch Phật:

– Đó là những loại hương nào, dù ngược gió cũng thơm, xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm?

Thế Tôn bảo:

– Có ba loại hương này dù ngược gió cũng thơm, xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm.

A-nan bạch:

– Là ba loại hương nào, thưa Thế Tôn? Thế Tôn bảo:

– Đó là hương thơm của giới hạnh, hương thơm từ việc nghe pháp và hương thơm của bố thí. Này A-nan, đó là ba loại hương dù ngược gió cũng thơm, xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm. Trong các hương thơm có trên thế gian thì ba loại hương này tốt đẹp nhất, cao quý nhất, không hương nào sánh bằng, không hương nào bì kịp. Cũng như từ bò có sữa, từ sữa có lạc, từ lạc có tô, từ tô có đề-hồ thì đề-hồ này là thượng hạng, không loại nào sánh bằng, không loại nào bì kịp. Ở đây cũng vậy, trong các loại hương thơm có trên thế gian thì ba loại hương này tốt đẹp nhất, cao quý nhất, không hương nào sánh bằng, không hương nào bì kịp.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Chiên-đàn và mộc mật,34         
Ưu-bát và các hương,
Trong tất cả các hương,                                               
Hương giới là hơn hết.
Thành tựu hương giới này,                                               
Các dục chẳng nhiễm vây,
Chánh trí mà giải thoát,                                               
Ma chẳng biết đường này.
Hương chiên-đàn, mộc mật,                                        
Tuy là hương diệu kỳ,
Nhưng hương giới diệu nhất,                                       
Mười phương khắp bay đi.
Chiên-đàn hương ngát bay,                                        
Ưu-bát cùng hương khác,
Hương nghe pháp thơm nhất,                                       
Trong tất cả hương này.
Chiên-đàn hương ngát bay,      
Ưu-bát cùng hương khác,
Hương bố thí thơm nhất,                                       
Trong tất cả hương này.

Đó gọi là có ba loại hương này, dù ngược gió cũng thơm, xuôi gió cũng thơm, dù ngược gió hay xuôi gió cũng thơm. Thế nên, này A-nan, hãy tìm cầu phương tiện thành tựu ba loại hương này.

Thật vậy, này A-nan! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

6.ÁC TRI THỨC ĐỀ-BÀ-ĐẠT-ĐA 35
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú tại vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Hôm ấy, khi đã đến giờ, đức Thế Tôn liền đắp y, ôm bát rồi vào thành La-duyệt khất thực. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đa36 cũng vào thành khất thực. Đề-bà- đạt-đa đi vào một ngõ nhỏ, đức Phật cũng đến nơi đó. Thế nhưng, khi đức Phật từ xa nhìn thấy Đề-bà-đạt-đa đang đi đến thì Ngài muốn quay lại. Thấy vậy, A-nan bạch Thế Tôn:

– Vì sao Thế Tôn muốn tránh đi đường này?

Thế Tôn bảo:

– Đề-bà-đạt-đa đang đi trên con đường này cho nên Như Lai phải tránh. A-nan bạch Phật:

– Thế Tôn sao lại sợ Đề-bà-đạt-đa? Thế Tôn bảo:

– Như Lai không sợ Đề-bà-đạt-đa nhưng không nên gặp hạng người xấu ác này.

A-nan thưa:

– Nhưng Thế Tôn có thể khiến cho Đề-bà-đạt-đa rời sang nơi khác mà? Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:

Ta không hề khởi tâm,
Khiến họ đi nơi khác,
Nghiệp người đó tạo tác,                                         
Dẫn họ đến nơi kia.

[0614a02] A-nan bạch Thế Tôn:

– Nhưng Đề-bà-đạt-đa có lỗi với Thế Tôn.

– Thế Tôn bảo:

– Không nên gặp gỡ người mê muội!

Thế rồi, Thế Tôn quay nhìn A-nan mà nói kệ:

Không nên gặp người ngu,       
Chớ làm việc cùng họ,
Cũng đừng cùng chuyện trò,                              
Việc đúng sai với họ.

Khi đó, A-nan lại dùng kệ hỏi Thế Tôn:

Người ngu giỏi việc gì,            
Người ngu có lỗi chi,
Nếu luận bàn với họ,                                               
Kết cuộc mất mát gì?

Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ trả lời:

Người ngu tự tạo nghiệp,         
Việc làm đều trái ngang,
Thấy biết37 trái lệ thường,                                               
Tà kiến càng lớn tiếp.

– Thế nên, này A-nan! Chớ thuận theo ác tri thức. Vì sao vậy? Vì thuận theo người mê muội sẽ không có niềm tin, không có giới hạnh, không được nghe pháp và không có trí tuệ. Còn như thuận theo thiện tri thức thì các công đức ngày càng tăng trưởng, giới hạnh được thành tựu đầy đủ.

Thật vậy, này A-nan! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, A-nan nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

7.LỢI DƯỠNG38
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Vua A-xà-thế mỗi ngày đều mang năm trăm mâm thức ăn đến cúng dường cho Đề-bà-đạt-đa. Lúc đó, Đề-bà-đạt-đa danh vang bốn phương, dân chúng lầm tưởng rằng thầy ấy giới đức đầy đủ, khắp nơi khen ngợi, mới có thể khiến cho Vua A-xà-thế cúng dường mỗi ngày.

Khi nghe tin Đề-bà-đạt-đa được lợi dưỡng như thế, các Tỳ-kheo đến bạch Thế Tôn:

– Muôn dân trong nước đều khen ngợi Đề-bà-đạt-đa, danh tiếng vang xa, mới khiến cho Vua A-xà-thế thường đến cúng dường.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Tỳ-kheo các thầy chớ có tâm tham đắm lợi dưỡng giống như Đề-bà-đạt- đa. Vì sao vậy? Vì kẻ mê muội Đề-bà-đạt-đa đã gây tạo ba nghiệp từ thân, miệng, ý mà không hề kinh sợ, cũng không lo lắng. Kẻ mê muội Đề-bà-đạt-đa sẽ mất hết các công đức lành. Giống như bắt con chó dữ rồi đánh đau lỗ mũi của nó thì sẽ làm cho con chó càng hung dữ thêm.39 Kẻ u mê Đề-bà-đạt-đa cũng hệt như vậy, nhận được lợi dưỡng này liền khởi tâm cống cao.

Thế nên, này các Tỳ-kheo, các thầy chớ khởi tâm tham đắm lợi dưỡng. Tỳ- kheo nào tham đắm lợi dưỡng sẽ không thành tựu được ba pháp. Là ba pháp gì? Đó là giới đức của bậc Hiền thánh, tam-muội của Hiền thánh, trí tuệ của Hiền thánh, đều không được thành tựu. Tỳ-kheo nào không tham đắm lợi dưỡng thì sẽ thành tựu ba pháp. Là ba pháp gì? Đó là thành tựu giới đức của Hiền thánh, tam-muội của Hiền thánh, trí tuệ của Hiền thánh. Nếu muốn thành tựu ba pháp này thì nên phát thiện tâm, không tham đắm lợi dưỡng.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.GỐC RỄ THIỆN VÀ BẤT THIỆN40
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Có ba gốc rễ bất thiện. Là ba gốc rễ nào? Đó là gốc rễ bất thiện tham lam, gốc rễ bất thiện sân hận và gốc rễ bất thiện si mê. Tỳ-kheo nào có ba gốc rễ bất thiện này sẽ rơi vào ba đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Như vậy, Tỳ-kheo! Nếu người nào có ba gốc rễ bất thiện này thì sẽ có ba đường dữ.

Tỳ-kheo nên biết, có ba gốc rễ thiện. Là ba gốc rễ nào? Đó là gốc rễ thiện vô tham, gốc rễ thiện vô sân, gốc rễ thiện vô si. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba gốc rễ thiện. Nếu người nào có ba gốc rễ thiện này liền có hai đường lành và đường Niết-bàn là ba. Hai đường lành chính là cõi người và cõi trời. Tỳ-kheo, đó gọi là ai có ba gốc rễ thiện này sẽ sanh vào ba nơi tốt đẹp này.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy đoạn trừ ba gốc rễ bất thiện, tu tập ba gốc rễ thiện.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.BA TỤ41
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba tụ này. Đó là chánh tụ,42 tà tụ và bất định tụ.

Những gì là chánh tụ? Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.43 Đó gọi là chánh tụ.

Những gì là tà tụ? Đó là tà kiến, tà tư duy,44 tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn,45 tà niệm, tà định. Đó gọi là tà tụ.

Những gì là bất định tụ? Đó là không biết thế nào là khổ, không biết thế nào là nguyên nhân của khổ, không biết thế nào là khổ diệt, không biết thế nào là con đường đưa đến khổ diệt, không biết thế nào là chánh tụ, không biết thế nào là tà tụ. Đó gọi là bất định tụ.

Các Tỳ-kheo nên biết, lại có ba tụ. Là ba tụ nào? Đó là thiện tụ, chánh tụ và định tụ.

Thế nào gọi là thiện tụ? Nghĩa là ba gốc thiện, gồm có: Gốc thiện vô tham, gốc thiện vô sân và gốc thiện vô si. Đó gọi là thiện tụ.

Thế nào gọi là chánh tụ? Chính là tám đạo phẩm của Hiền thánh, gồm có: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó gọi là chánh tụ.

Thế nào gọi là định tụ? Nghĩa là biết rõ sự khổ, biết rõ nguyên nhân của khổ, biết rõ khi khổ diệt, biết rõ con đường đưa đến khổ diệt; biết rõ thiện tụ, biết rõ ác thú, biết rõ định tụ. Đó gọi là định tụ.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Trong ba tụ này thì tà tụ và bất định tụ phải nên tránh xa! Đối với thiện tụ, chánh tụ và định tụ46 thì nên phụng hành.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10.BA NIỆM TƯỞNG47
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba loại niệm tưởng. Là ba loại nào? Đó là niệm tưởng dục, niệm tưởng sân hận và niệm tưởng sát hại. Tỳ-kheo, đó gọi là có ba loại niệm tưởng.

Tỳ-kheo nên biết, nếu người nào có niệm tưởng dục thì sau khi qua đời sẽ đọa vào địa ngục; nếu có niệm tưởng sân hận thì sau khi qua đời sẽ sanh trong loài súc sanh, làm loài gà, loài chó, hoặc sanh làm loài rắn độc; nếu có niệm tưởng sát hại thì sau khi qua đời sẽ sanh trong loài ngạ quỷ, thân thể bị thiêu đốt, khổ sở không kể xiết. Tỳ-kheo nên biết, những ai có ba niệm tưởng này sẽ rơi vào ba đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Lại cũng có ba niệm tưởng. Là ba niệm tưởng nào? Đó là niệm tưởng lìa dục, niệm tưởng không sát hại, niệm tưởng không sân hận. Người nào có niệm tưởng lìa dục, sau khi qua đời sẽ sanh trong loài người. Người nào có niệm tưởng không sát hại, sau khi qua đời sẽ sanh cõi trời. Nếu người nào có niệm tưởng không sân hận, sau khi qua đời sẽ đoạn trừ năm kiết sử, ngay nơi đó mà nhập Niết-bàn. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là có ba niệm tưởng như vậy, các thầy luôn nhớ tu tập. Đối với ba niệm tưởng xấu ác thì cần phải dứt trừ.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:48

Địa chủ, Bà-câu, Nhĩ,              
Bà-đề, Nghịch thuận hương,
Ngu, Thế, Tam bất thiện,
Tam tụ, Quán tại hậu.

***

Chú thích                                                                                     

1 Nguyên tác: Địa chủ phẩm 地主品 (T.02. 0125.23. 0609a13).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.1. 0609a14).
3 Nguyên tác: Vũ bảo chi xa (羽寶之車). Xem chú thích 37, phẩm 19, tr. 196; Tăng. 增 (T.02. 0125.19.11. 0595c29).
4 Nguyên tác: Lậu (漏), là tên gọi khác của phiền não.
5 Nguyên tác: Xuất gia (出家, nekkhamma), được hiểu là xuất gia và mang cả nghĩa ly dục, ở đây chỉ cho sự xuất ly hay ly dục.
6 Vô trước (無著) dịch nghĩa từ A-la-hán, tức là không còn chấp trước.
7 Nguyên tác: Như Lai pháp giả, dĩ quá thử nguyện (如來法者, 以過此願). Tham chiếu: Tứ phần luật四分律 (T.22. 1428.10. 0629b01): Như Lai chỉ hứa khả những thỉnh nguyện đúng như pháp (如來不與★過願).
8 Nguyên tác: Thời đáo, kim chánh thị thời, nguyện tôn khuất cố (時到, 今正是時, 願尊屈顧).
9 Vô dư Niết-bàn giới (無餘涅槃界, Anupādisesā Nibbānadhātu): Đã đoạn hết nhân sanh tử, lại không còn quả sanh tử, đạt đến cảnh giới Niết-bàn rốt ráo gọi là Vô dư Niết-bàn.
10 Nguyên tác: Thức Cật Như Lai (式詰如來), còn gọi là Phật Thi-khí (Sikhī Buddha).
11 Nguyên tác: Minh Hạnh Thành Vi (明行成為, Vijjācaraṇasampanno).
12 Nguyên tác: Vô Thượng Sĩ Đạo Pháp Ngự (無上士道法御, Anuttaro Purisadammasārathi).
13 Nguyên tác: Chúng Hựu (眾祐, Bhagavā).
14 Nguyên tác: Thử chư Hiền sĩ dụng ý do bất ái kính cúng phụng Như Lai? (此諸賢士用意猶不愛敬供奉如來?).
15 Tín giải thoát giả (信解脫者, Saddhāvimutto).
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.2. 0611c02).
17 Nguyên tác: Bàn (槃), chỉ cho Tỳ-kheo Bàn-đặc (槃特).
18 Quân-đầu (均頭): Sa-di Quân-đầu (Cunda), thị giả của ngài Xá-lợi-phất.
19 Nguyên tác: Ngã, nhân, thọ mạng (我, ★, 壽命). Các từ chỉ cho tự ngã. Tiếng Pāli tương đương: Attā (tự ngã), puggala (con người, cá thể), jīva (sanh mạng).
20 Câu-dực (拘翼), tên gọi khác của Thích-đề-hoàn-nhân.
21 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.3. 0612a17). Tham chiếu: Sa-môn Nhị Thập Ức kinh 沙門二十億經 (T.01. 0026.123. 0611c26); Tạp. 雜 (T.02. 0099.254. 0062b22); A. 6.55 - III. 374; Mv. 5.3.
22 Lôi Thanh trì (雷聲池, Gaggarā Pokkharaṇī), một hồ nước lớn ở thủ đô Campā. Hồ này do Hoàng hậu Gaggarā xây dựng, cũng còn gọi là hồ Già-già (伽伽), hồ Yết-già (揭伽).
23 Chiêm-ba quốc (占波國, Campā), thành phố thủ đô của nước Ương-già (鴦伽, Aṅgā), một trong 16 quốc gia thời Phật.
24 Nhị Thập Ức Nhĩ (二十億耳, Soṇa Koḷivīsa).
25 Đầu-đà (頭陀). Xem chú thích 18, phẩm 4, tr. 34; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04).
26 Nguyên tác: Tề đẳng (齊等). Tham chiếu: Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện kinh khoa chú 地藏菩薩本願經科注 (X.21. 0384. 0713c20): “釋名, 釋親屬”: 士庶★曰妻, 妻, 齊也. 夫賤不足以尊稱, 故齊等言也.
27 Nguyên tác: Điệu hý (調戲).
28 Lôi Âm (雷音). Phần đầu kinh viết Lôi Thanh.
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.4. 0612c01). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1232. 0337a14); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.59. 0393c12); S. 3.19 - I. 89.
30 Bà-đề trưởng giả (婆提長者) phiên âm từ chữ Seṭṭhi gahapati, là một trưởng giả giàu có, không phải tên riêng.
31 Thế Khốc đại địa ngục (涕哭大地獄, Mahāroruva).
32 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛, Paccekabuddha). Xem chú thích 23, phẩm Tựa, tr. 9
33 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.5. 0613b10). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1073. 0278c08); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.12. 0376c15); Phật thuyết giới đức hương kinh 佛說戒德香經 (T.02. 116. 0507b11); Phật thuyết giới hương kinh 佛說戒香經 (T.02. 117. 0508a06); A. 3.79 - I. 225.
34 Mộc mật (木櫁): Nhựa của một loại cây khi bỏ vào nước thì chìm, thông tục gọi là “trầm hương”, cách gọi đầy đủ là “trầm thủy mộc mật” (沈水木櫁).
35 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.6. 0613c18). Tham chiếu: Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.26. 0727b08).
36 Nguyên tác: Đề-bà-đạt-đâu (提婆達兜).
37 Nguyên tác: Chánh kiến (正見), nhận thức riêng của người nào đó.
38 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.7. 0614a18). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1064. 0276b20); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 100.3. 0374b09); Tăng. 增 (T.02. 0125.12.7. 0570b20); S. 17.35 - II. 241; S. 17.36 - II. 242; A. 4.68 - II. 73; Cv. 7.359.
39 Tham chiếu: S. 17.36 - II. 242: Seyyathāpi, bhikkhave, caṇḍassa kukkurassa nāsāya pittaṃ bhindeyyuṃ, evañhi so, bhikkhave, kukkuro bhiyyosomattāya caṇḍataro assa. (Ví như, này các Tỷ-kheo, đem bóp nát lá gan (pitta: túi mật (BBT)) trước lỗ mũi một con chó dữ. Như vậy, con chó ấy lại càng dữ tợn bội phần), HT. Thích Minh Châu dịch.
40 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.8. 0614b09).
41 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.9. 0614b22).
42 Nguyên tác: Đẳng tụ (等聚).
43 Nguyên tác: Đẳng kiến (等見), đẳng trị (等治), đẳng ngữ (等語), đẳng nghiệp (等業), đẳng mạng (等命), đẳng phương tiện (等方便), đẳng niệm (等念), đẳng định (等定).
44 Nguyên tác: Tà trị (邪治).
45 Nguyên tác: Tà phương tiện (邪方便).
46 Nguyên tác: Thử chánh tụ (此正聚). Thử (此) dùng như chữ “như thử” (如此), mang tính liệt kê chỉ cho các tụ thuộc về chánh tụ.
47 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.23.10. 0614c13).
48 Nguyên tác Nhiếp tụng: 地主, 婆拘, 耳; 婆提, 逆順香; 愚, 世, 三不善; 三聚, 觀在後. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bản Hán, hết quyển 13.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.