Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

21.PHẨM TAM BẢO1

 

1.BA ĐỨC TAM BẢO2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba phước đức quý báu cho những ai tự mình trở về nương tựa.3 Đó là nương tựa Phật, được phước đức quý báu thứ nhất. Nương tựa Pháp, được phước đức quý báu thứ hai. Nương tựa Tăng, được phước đức quý báu thứ ba.

[0602a01] Vì sao gọi là được phước đức quý báu khi nương tựa Phật? Bởi vì trong tất cả chúng sanh, hoặc hai chân, bốn chân, nhiều chân; hoặc có hình sắc, không hình sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến cõi trời Ni-duy-tiên4 thì Như Lai là bậc Tối Tôn, Tối Thượng không ai có thể sánh bằng. Cũng như từ bò mà có sữa, từ sữa mà có lạc, từ lạc mà có tô, từ tô mà được đề-hồ. Trong các loại này thì đề-hồ là thức ngon thượng hạng, không gì sánh bằng. Cũng như vậy, trong tất cả chúng sanh, hoặc hai chân, hoặc bốn chân cho đến nhiều chân; hoặc có hình sắc, không hình sắc; hoặc có tưởng, không tưởng; cho đến cõi trời Ni- duy-tiên thì Như Lai là bậc Tối Tôn, Tối Thượng không ai có thể sánh bằng. Cho nên, những chúng sanh nào phụng thờ Phật, đó gọi là phụng thờ bậc có phước đức quý báu nhất. Đã nương tựa bậc có [phước] đức quý báu nhất này rồi sẽ hưởng phước cõi trời ngay trong cõi người. Đây gọi là được phước đức bậc nhất.

Vì sao gọi là được phước đức quý báu khi nương tựa Pháp? Bởi trong tất cả pháp, hoặc pháp hữu lậu, vô lậu; hữu vi, vô vi; vô dục, vô nhiễm; diệt tận, Niết- bàn thì pháp Niết-bàn là tối tôn, tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Cũng như từ bò mà có sữa, từ sữa mà có lạc, từ lạc mà có tô, từ tô mà có được đề-hồ. Trong các loại này thì đề-hồ là thức ngon thượng hạng, không gì sánh bằng. Cũng như vậy, trong tất cả các pháp, hoặc hữu lậu, vô lậu; hữu vi, vô vi; vô dục, vô nhiễm; diệt tận, Niết-bàn thì pháp Niết-bàn là tối tôn, tối thượng, không pháp nào có thể sánh bằng. Cho nên, chúng sanh nào phụng thờ Pháp, đó gọi là sự phụng thờ được phước đức bậc nhất. Đã được phước đức bậc nhất này rồi, sẽ hưởng phước cõi trời ngay trong cõi người. Đây gọi là được phước đức bậc nhất. Vì sao gọi là được phước đức quý báu khi nương tựa Thánh chúng? Bởi trong tất cả các Thánh chúng, tức là đại chúng do chúng sanh hữu hình nhóm họp lại thì chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không đại chúng nào có thể sánh bằng. Cũng như từ bò mà có sữa, từ sữa mà có lạc, từ lạc mà có tô, từ tô mà được đề-hồ. Trong các loại này thì đề-hồ là thức ngon thượng hạng, không gì sánh bằng. Cũng như vậy, trong tất cả các đại chúng do chúng sanh hữu hình nhóm họp lại thì chúng Tăng của Như Lai là tối tôn, tối thượng, không đại chúng nào có thể sánh bằng. Đây gọi là phụng thờ được phước đức bậc nhất. Đã được phước đức bậc nhất rồi, sẽ hưởng phước cõi trời ngay trong cõi người. Đây gọi là được phước đức bậc nhất.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Thứ nhất phụng thờ Phật,         
Bậc Tối Thượng, Tối Tôn,           
Kế đến phụng thờ Pháp,                                               
Đạo vô dục, ly nhiễm.
Kính phụng Hiền thánh Tăng,                                 
Ruộng phước lành tối thượng,
Người ấy trí bậc nhất,     
Hưởng phước nhất trong đời.
Nếu sanh chốn trời, người,                                             
Dẫn họ đi đường chánh,
Ngự bảo tòa thượng diệu,         
An nhiên thọ cam lộ.
Thân mặc y bảy báu,   
Được mọi người kính tôn,
Giới thành tựu vẹn toàn,          
Các căn không khuyết mất.
Được trí tuệ như biển,                                               
Dần đến cõi Niết-bàn,                           
Ai có Tam quy này,
Đến đạo không hề khó.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.BA PHƯỚC NGHIỆP5
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba loại phước nghiệp. Là ba loại nào? Đó là phước nghiệp bố thí, phước nghiệp bình đẳng6 và phước nghiệp tư duy.

Thế nào gọi là phước nghiệp bố thí? Như có người mở lòng bố thí cúng dường cho Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng, người cô độc, người không nơi nương tựa; ai cần thức ăn thì cho thức ăn, cần nước uống thì cho nước uống, cần y phục, đồ ăn thức uống, giường đệm, ngọa cụ, thuốc thang trị bệnh, hương hoa, chỗ ngủ nghỉ, tùy theo nhu cầu bản thân họ, người ấy đều bố thí hết, không gì luyến tiếc. Đó gọi là phước nghiệp bố thí.

Thế nào gọi là phước nghiệp bình đẳng? Như có người không sát sanh, không trộm cướp, thường biết hổ thẹn, không khởi niệm ác. Người ấy cũng không trộm cướp, thích bố thí cho người, không tham lam, không bỏn xẻn, nói năng hòa nhã, không làm tổn thương người. Người ấy cũng không gian dâm với vợ hoặc chồng người khác, tự tu Phạm hạnh, tự biết vừa đủ với tình cảm của vợ hoặc chồng mình. Người ấy cũng không vọng ngữ, luôn biết thành thật, không lời dối trá, được mọi người tôn kính, không có dời đổi. Người ấy cũng không uống rượu, luôn biết tránh xa loạn động, lại đem tâm từ ban rải khắp một phương; hai phương, ba phương và bốn phương cũng như vậy; cho đến tám phương, trên dưới, đầy khắp trong đó; không có hạn lượng, không thể tính kể, đem tâm từ này rải khắp tất cả, khiến được an ổn.

Vị ấy lại đem tâm bi, tâm hỷ, tâm xả ban rải khắp một phương; hai phương, ba phương và bốn phương cũng như vậy; cho đến tám phương, trên dưới, đầy khắp trong đó; không có hạn lượng, không thể tính kể, đem tâm bi, tâm hỷ, tâm xả8 này ban rải khắp trong đó. Đó gọi là phước nghiệp bình đẳng.

[0602c02] Thế nào gọi là phước nghiệp tư duy? Nghĩa là Tỳ-kheo tu hành niệm giác ý,9 nương vào vô dục, nương quán sát nghĩa không,10 nương nơi diệt tận, nương vào xuất yếu. Vị ấy lại tu trạch pháp giác ý,11 tu hỷ giác ý, tu khinh an giác ý,12 tu định giác ý, tu xả giác ý,13 nương vào vô dục, nương quán sát nghĩa không, nương nơi diệt tận, nương vào xuất yếu. Đó gọi là phước nghiệp tư duy. Như vậy, Tỳ-kheo, đó gọi là ba phước nghiệp.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Bố thí và bình đẳng,                
Từ tâm, xả, tư duy,
Ba nghiệp này tu trì,                
Được người trí gần gũi.
Cõi người hưởng phước báu,
Sanh cõi trời cũng vậy,
Nhờ ba phước nghiệp ấy,                     
Nhất định sanh cõi trời.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện thành tựu ba phước nghiệp này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.NHÂN DUYÊN THỌ THAI14
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Có ba trường hợp thức đến thọ thai. Đó là ba trường hợp nào?

Này các Tỳ-kheo, trong trường hợp người mẹ có tâm dục, cha mẹ cùng ở một chỗ và cùng ngủ chung, nhưng thức bên ngoài chưa đến kịp lúc thì bào thai không thể hình thành.15

Trường hợp thức muốn đến nhập thai, nhưng cha mẹ không hòa hợp thì bào thai không thể hình thành.

Trường hợp người mẹ không ham muốn, dù cha mẹ hòa hợp, lúc đó tâm dục của cha mạnh nhưng tâm dục người mẹ không ân cần thì bào thai không thể hình thành.

Trường hợp cha mẹ cùng hòa hợp một chỗ, lòng dục của người mẹ mạnh mà cha lại không ân cần thì bào thai cũng không thể hình thành.

Trường hợp cha mẹ hòa hợp một chỗ, nhưng cha mắc bệnh phong, mẹ có bệnh lạnh thì bào thai không thể hình thành.

Trường hợp khi cha mẹ hòa hợp một chỗ, nhưng mẹ bị bệnh phong, cha bị bệnh lạnh thì bào thai không thể hình thành.

Có lúc cha mẹ hòa hợp một chỗ, thân cha khí lạnh nhiều, mẹ không có chứng bệnh này thì bào thai cũng không thể hình thành.

Hoặc có khi cha mẹ hòa hợp một chỗ, tướng cha có con, nhưng tướng mẹ không có con thì bào thai cũng không thể hình thành.

Nếu khi cha mẹ hòa hợp một chỗ, tướng mẹ có con, nhưng tướng cha không [có] con thì bào thai cũng không thể hình thành.

Hoặc có lúc tướng cha mẹ đều không [có] con thì bào thai không thể hình thành

[0603a02] Hoặc có lúc thần thức hướng đến thọ thai, đáng ra cha mẹ phải ở cùng nhau, nhưng người mẹ lại đi xa, không có mặt nên bào thai không thể hình thành. Hoặc có lúc cha mẹ đã hòa hợp một chỗ, thần thức có hướng đến, nhưng thân cha gặp bệnh nặng thì bào thai cũng không thể hình thành. Hoặc có lúc cha mẹ đã hòa hợp một chỗ, thần thức có đến, nhưng thân người mẹ mắc bệnh nặng thì bào thai không thể hình thành. Hoặc có lúc cha mẹ đã hòa hợp một chỗ, thần thức có đến, nhưng cha mẹ đều mắc bệnh thì bào thai không thể hình thành.

Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu cha mẹ hòa hợp một chỗ, cha mẹ đều không bệnh, có thần thức hướng đến, đồng thời tướng cha mẹ đều có con, trong trường hợp này thì bào thai sẽ hình thành. Đó gọi là ba nhân duyên thần thức đến nhập thai.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm phương tiện đoạn trừ ba nhân duyên này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4.BA NƠI NƯƠNG TỰA16
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu những người nào muốn khởi tâm từ, có lòng tin chí thành, vâng lời phụng sự cha mẹ, anh em, dòng tộc, vợ con, bè bạn, tri thức... thì nên an lập họ vào ba nơi để tín tâm của họ không dời đổi. Là ba nơi nào?

Thứ nhất, nên khuyên họ phát tâm hoan hỷ nơi đức Như Lai bằng lòng tin không lay chuyển. Vì Như Lai là bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.

Thứ hai, khiến họ phát tâm đối với Chánh pháp. Pháp của Như Lai diễn bày vô ngại, cực kỳ vi diệu, nhờ pháp này mà thành tựu đạo quả. Như vậy, người trí cần phải học để biết pháp ấy.

Thứ ba, khiến họ phát tâm đối với Thánh chúng. Thánh chúng của Như Lai tất cả hòa hợp, không có lẫn lộn, thành tựu pháp và tùy pháp, thành tựu giới luật, thành tựu thiền định,17 thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng ấy gồm có bốn đôi tám bậc, mười hai Hiền thánh.18 Đây là Thánh chúng của Như Lai, đáng kính, đáng quý, là ruộng phước vô thượng ở thế gian.

Tất cả các Tỳ-kheo nào học tập ba điều này, sẽ thành tựu quả báo lớn. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5.TỲ-KHEO CÙ-BA-LY19
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tỳ-kheo Cù-ba-ly20 đến chỗ đức Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Sau đó, Tỳ-kheo ấy bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã làm việc hung ác, tạo các nghiệp ác.

Thế Tôn bảo:

– Chớ nói như vậy, thầy hãy phát tâm hoan hỷ đối với đệ tử Như Lai. Tỳ- kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên luôn làm việc lành, không làm việc xấu ác.

Khi đó, Tỳ-kheo Cù-ba-ly ba lần bạch Thế Tôn:

– Những điều Như Lai nói thật không hư vọng. Tuy nhiên, Tỳ-kheo Xá-lợi- phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đã làm nhiều việc hung ác, không có gốc thiện.

Thế Tôn nói:

– Thầy là người mê muội, không chịu tin lời Như Lai nên mới nói Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên làm việc hung ác. Nay thầy tạo nghiệp ác này không lâu sau phải chịu khổ báo.

Bấy giờ, ngay tại chỗ ngồi, trên thân Tỳ-kheo kia liền mọc mụt nhọt độc, lớn bằng hạt cải, sau đó lớn dần bằng hạt đậu, rồi bằng quả a-ma-lặc, dần bằng quả óc chó, rồi lớn bằng nắm tay, máu mủ tuôn ra, ngay đó qua đời và sanh vào địa ngục Hoa Sen.21

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hay tin Cù-ba-ly qua đời, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Lát sau, Tôn giả rời chỗ ngồi, bạch Thế Tôn:

– Thưa Thế Tôn! Tỳ-kheo Cù-ba-ly sanh vào chốn nào? Thế Tôn bảo:

– Người đó qua đời, đọa vào địa ngục Hoa Sen. Bấy giờ, Tôn giả Mục-liên bạch với Thế Tôn:

– Nay con muốn vào địa ngục đó để giáo hóa người này. Thế Tôn bảo:

– Mục-liên, thầy không nên đến đó! Mục-liên bạch Thế Tôn lần nữa:

– Con muốn đến địa ngục đó giáo hóa ông ấy.

Lúc này, Thế Tôn im lặng không đáp. Thế rồi, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biến mất khỏi thành Xá- vệ, hiện đến trong địa ngục lớn Hoa Sen. Đúng lúc đó, Tỳ-kheo Cù-ba-ly thân thể đang bị lửa thiêu đốt, lại có hàng trăm con trâu cày trên lưỡi ông ấy.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ngồi kiết-già ở giữa hư không, khảy móng tay báo Tỳ-kheo ấy. Tỳ-kheo ấy liền ngước lên hỏi:

– Ông là ai?

Mục-kiền-liên đáp:

– Cù-ba-ly, tôi là đệ tử đức Phật Thích-ca Mâu-ni,22 tên Mục-kiền-liên, họ Câu-lợi-đà.

Khi nhìn thấy Mục-liên rồi, Tỳ-kheo ấy liền thốt ra lời hung dữ:

– Nay ta đã đọa vào đường ác này rồi mà vẫn không tránh khỏi phải đối mặt với ông ư?

Ông ấy vừa dứt lời, lập tức bị cả ngàn con trâu đến cày lên lưỡi.

[0603c03] Mục-liên thấy vậy, lòng càng buồn rầu, sanh lòng hối hận nên rời khỏi nơi đó. Khi trở về Xá-vệ, Tôn giả đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Bấy giờ, Tôn giả đem nhân duyên này trình bạch đầy đủ với đức Phật.

Thế Tôn bảo:

– Như Lai đã nói với thầy trước rồi, không nên đến đó để gặp người ác kia. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Con người khi sanh ra,   
Búa rìu sẵn trong miệng,
Sở dĩ tự chém ta,                     
Là do lời cay nghiệt.
Người dừng, ta cũng nghỉ, 
Cả hai vui điều lành,
Nghiệp ác đã tạo thành,                            
Ắt phải rơi đường ác.
Ác nhất trong các tội,                           
Là phỉ báng Như Lai,
Dẫu tan nát hình hài,                                               
Tội này còn chưa dứt!
Có một vạn ba ngàn,                
Sáu mươi mốt ngục Tro,
Rơi vào đó là do,                      
Chê bai bậc Hiền thánh.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy cần phải học ba pháp để thành tựu Phạm hạnh của mình. Là ba pháp nào? Đó là thân làm thiện, miệng nói thiện và ý nghĩ thiện.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6.TU TẬP BA PHÁP23
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu Tỳ-kheo nào thành tựu ba pháp thì ngay trong hiện tại sẽ được an lạc, dũng mãnh tinh tấn, dứt sạch hữu lậu. Là ba pháp nào? Ở đây, này các Tỳ-kheo, đó là các căn tịch tĩnh, ăn uống biết tiết độ và không bỏ việc kinh hành.24

Thế nào là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh? Nghĩa là Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc mà không khởi tưởng dính mắc, không nhớ nghĩ phân biệt25 thì nhãn căn được thanh tịnh. Vì mong cầu thoát khỏi các đắm nhiễm đó nên luôn phòng hộ nhãn căn, như tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp mà không khởi tưởng dính mắc, không nhớ nghĩ phân biệt thì ý căn được thanh tịnh. Vì mong cầu thoát khỏi các đắm nhiễm đó nên luôn phòng hộ ý căn. Như vậy gọi là Tỳ-kheo có các căn tịch tịnh.

Thế nào là Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ? Nghĩa là Tỳ-kheo suy xét đồ ăn thức uống này từ đâu mà có, ăn không phải vì mong cầu khỏe đẹp mà chỉ vì muốn giữ gìn hình hài bốn đại được vẹn nguyên. Thường tự xét nghĩ: “Nay ta phải trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, giúp thân thể có [đủ] sức lực để thành tựu con đường tu tập, để Phạm hạnh không bị đoạn dứt.” Giống như thân thể của người nam, người nữ mọc mụt nhọt độc, cần phải dùng cao thuốc thoa lên. Sở dĩ thoa lên mụt nhọt là muốn được nhanh khỏi. Ở đây cũng vậy, các Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ, tức là Tỳ-kheo suy xét đồ ăn thức uống từ đâu mà có, ăn không phải vì mong cầu khỏe đẹp mà chỉ vì muốn giữ gìn hình hài bốn đại được vẹn nguyên, thường tự xét nghĩ: “Nay ta phải trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, giúp thân thể có đủ sức lực để thành tựu con đường tu tập, để Phạm hạnh không bị đoạn dứt.” Giống như chiếc xe chở nặng, sở dĩ bôi dầu mỡ vào trục bánh xe, là muốn xe chở nặng này được đi đến nơi. Tỳ-kheo cũng như vậy, ăn uống biết tiết độ, xét nghĩ đồ ăn thức uống từ đâu mà có, ăn không vì mong cầu khỏe đẹp mà chỉ muốn giữ gìn hình hài bốn đại được vẹn nguyên, thường tự xét nghĩ: “Nay ta phải trừ cảm thọ cũ, khiến cảm thọ mới không sanh, giúp thân thể có đủ sức lực để thành tựu con đường tu tập, để Phạm hạnh không bị đoạn dứt.” Như vậy gọi là Tỳ-kheo ăn uống biết tiết độ.

[0604a13] Thế nào gọi là Tỳ-kheo không bỏ việc kinh hành? Ở đây có nghĩa là đầu hôm, cuối hôm, Tỳ-kheo luôn nhớ kinh hành không sai thời khóa, thường nhớ nghĩ để tâm an trụ trong đạo phẩm. Nếu là ban ngày, lúc đi hoặc khi ngồi luôn tư duy Diệu pháp để diệt trừ phiền não ngăn che.26 Vào lúc đầu đêm, khi đi hoặc khi ngồi luôn tư duy đến Diệu pháp để diệt trừ phiền não ngăn che. Đến giữa đêm thì nằm nghiêng bên phải, tư duy buộc tâm vào ánh sáng. Rồi đến cuối đêm thức dậy, lúc đi hoặc khi ngồi luôn tư duy Diệu pháp để diệt trừ phiền não ngăn che. Như vậy gọi là Tỳ-kheo không bỏ việc kinh hành.

Nếu Tỳ-kheo nào các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ việc kinh hành, thường nhớ nghĩ và an trụ tâm trong Diệu pháp27 thì Tỳ-kheo này liền thành tựu một trong hai quả, ngay trong đời này sẽ chứng được chánh trí A-la- hán,28 hoặc đắc quả A-na-hàm. Giống như người điều khiển xe giỏi, trên con đường bằng phẳng điều khiển xe bốn ngựa kéo, không có gì trở ngại, muốn đến nơi nào chắc chắn đến được, không gì phải nghi ngờ. Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, các căn tịch tịnh, ăn uống biết tiết độ, không bỏ việc kinh hành, thường nhớ nghĩ và an trụ tâm trong Diệu pháp thì Tỳ-kheo này liền thành tựu một trong hai quả, ngay trong hiện đời được dứt sạch các lậu, sẽ chứng được chánh trí A-la- hán, hoặc đắc quả A-na-hàm.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7.BA CHỨNG BỆNH NẶNG29
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Có ba chứng bệnh nặng. Là ba bệnh nào? Phong là bệnh nặng, đàm là bệnh nặng, lạnh rét là bệnh nặng. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là ba bệnh nặng. Lại có ba vị thuốc hay để trị ba bệnh nặng này. Là ba vị thuốc nào? Nếu mắc bệnh phong thì dùng tô30 làm vị thuốc hay và dùng tô làm thức ăn. Nếu mắc bệnh đàm thì dùng mật làm vị thuốc hay và dùng mật làm thức ăn. Nếu mắc bệnh lạnh rét thì dùng dầu31 làm vị thuốc hay và dùng dầu làm thức ăn. Này các Tỳ- kheo, đó gọi là ba loại bệnh nặng và có ba vị thuốc hay này.

[0604b06] Như vậy, Tỳ-kheo cũng có ba bệnh nặng này. Là ba bệnh nào? Đó là tham dục, sân hận và ngu si. Tỳ-kheo, đó gọi là ba chứng bệnh nặng. Tuy nhiên, lại có ba vị thuốc hay để đối trị ba chứng bệnh nặng này. Là ba vị thuốc nào? Nếu khi tham dục khởi thì dùng pháp quán bất tịnh để đối trị và tư duy về pháp quán bất tịnh. Đối với bệnh nặng sân hận thì dùng tâm từ để đối trị và tư duy về pháp tu rải tâm từ. Đối với bệnh nặng ngu si thì dùng trí tuệ để đối trị và tư duy về nguyên nhân sanh khởi ngu si. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là ba loại bệnh nặng và có ba thứ thuốc hay này.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải tìm phương tiện để có được ba loại thuốc hay này.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.BA NGHIỆP32
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:

– Có ba nghiệp ác. Là ba nghiệp ác nào? Đó là thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác. Tỳ-kheo, đó gọi là ba nghiệp ác. Các thầy phải tìm cầu phương tiện tu tập ba nghiệp thiện. Là ba nghiệp thiện nào? Nếu thân làm ác, phải tu tập thân hành thiện; miệng nói ác, phải tu tập miệng nói thiện; ý nghĩ ác, phải tu tập ý nghĩ thiện.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Hãy ngăn thân làm ác,             
Thân tu tập hạnh lành,
Thân học làm điều lành,                                   
Thân nhớ buông việc ác.
Giữ miệng không nói ác,                                               
Miệng tu tập hạnh lành,
Miệng học nói điều lành,                                               
Miệng nhớ không nói ác.
Hãy ngăn tâm nghĩ ác,                                               
Tâm tu tập hạnh lành,
Tâm nhớ nghĩ điều lành,                                               
Tâm nhớ lìa niệm ác.
Lành thay, thân hành thiện,                     
Miệng cũng nói lời hay,
Ý nghĩ cũng lành thay,                                               
Tất cả đều như vậy.
Giữ tâm, miệng trong ngần,     
Việc ác lìa khỏi thân,
Làm sạch thân, miệng, ý,                                               
Đến chốn Phật,33 vô vi.

[0604c04] Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy từ bỏ ba nghiệp ác, tu tập ba nghiệp thiện.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.NGUY HẠI CỦA DỤC34
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo đến giờ, đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Lúc đó, có nhiều Tỳ-kheo suy nghĩ như vầy: “Giờ này còn quá sớm để chúng ta vào thành khất thực nên chăng cùng nhau đến chỗ Phạm chí ngoại đạo.”35 Thế rồi, nhiều vị Tỳ-kheo cùng đến chỗ Phạm chí ngoại đạo. Đến nơi, chào hỏi nhau xong, họ ngồi xuống một bên. Lúc đó, Phạm chí ngoại đạo hỏi các Tỳ-kheo:

– Đạo sĩ Cù-đàm thường luận bàn về dục, về sắc, về thọ, về tưởng. Như vậy, những luận thuyết này có gì khác nhau? Những gì Phạm chí chúng tôi luận bàn cũng là điều các Sa-môn nói. Những gì [các] Sa-môn nói cũng là điều chúng tôi luận bàn. Các vị thuyết pháp cũng giống sự thuyết pháp của chúng tôi, sự dạy dỗ cũng giống sự dạy dỗ của chúng tôi.

Khi nghe những lời này rồi, các Tỳ-kheo không khẳng định đúng, không thừa nhận sai, liền từ chỗ ngồi đứng dậy rời đi, đồng thời suy nghĩ: “Chúng ta nên đem nghĩa này đến hỏi Thế Tôn.”

Sau khi các Tỳ-kheo thọ trai xong, liền đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi đó, các Tỳ-kheo đem tất cả đầu đuôi sự việc từ chỗ Phạm chí trình bạch tường tận lên Thế Tôn.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu Phạm chí kia hỏi như vậy, Tỳ-kheo các thầy nên đem nghĩa này hỏi lại họ: “Vị ngọt của dục là gì? Dục có nguy hại gì mà phải lìa bỏ? Vị ngọt của sắc là gì? Sắc có nguy hại gì mà phải lìa bỏ? Vị ngọt của thọ là gì? Thọ có nguy hại gì mà phải xa lìa?” Nếu các thầy đem những lời này đáp lại câu hỏi ấy thì các Phạm chí sẽ lặng im không trả lời được. Cho dù họ có trả lời chăng nữa cũng không thể giải thích được nghĩa sâu xa này mà chỉ càng lộ ra sự mờ mịt, rơi vào ngõ cụt. Vì sao vậy? Vì chẳng phải cảnh giới của họ. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, trong chúng ma cho đến Thiên ma, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương, Sa-môn, Bà-la-môn, người, loài phi nhân, không ai có thể hiểu nghĩa sâu mầu này; ngoại trừ Như Lai, bậc Đẳng Chánh Giác, hàng Thánh chúng của Như Lai, người nhận được sự dạy bảo từ Như Lai, với những hạng người này thì không bàn đến.36

[0605a02] Thế nào là vị ngọt của dục? Đó chính là năm dục. Năm dục gồm những gì? Nghĩa là sắc mà mắt nhìn thấy, làm sanh khởi nhãn thức, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích, như tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, rất đáng yêu, đáng nhớ, được người đời ưa thích. Từ trong năm dục này mà sanh tâm khổ, vui, đó gọi là vị ngọt của dục.

Dục nguy hại thế nào? Nếu có người thiện nam học tập các nghề nghiệp để tự mưu sanh, như học làm ruộng vườn, học viết lách, học làm thuê, học tính toán, học mẹo cân non, học chạm khắc, học làm sứ thần hay làm quan đại thần mà không quản ngại thân mình phải chịu nắng rét, mệt nhọc cần khổ, không được tự do. Người ấy làm việc cực khổ như thế chỉ mong cầu có được tiền tài sản nghiệp. Đó là tai họa lớn của dục.

Cả cuộc đời khổ đau, phiền muộn bởi thương yêu, ân oán, cũng đều do tham dục mà ra. Tuy nhiên, người thiện nam kia làm việc khổ nhọc như vậy nhưng không được của cải nên buồn lo, khổ não không thể tính kể, liền tự suy nghĩ: “Ta đã bỏ ra biết bao công lao, mất nhiều phương kế mà chẳng được tài vật gì.” So sánh như vậy nên vị ấy nghĩ đến việc lìa bỏ. Đó gọi là lìa bỏ dục.

Lại nữa, hoặc khi người thiện nam kia bày ra phương kế để mưu cầu tài sản; khi đã được tài sản rồi thì phải tìm đủ mọi cách để giữ gìn, vì sợ vua chiếm đoạt, sợ giặc trộm cướp, sợ nước cuốn trôi, sợ lửa thiêu cháy. Vị ấy lại nghĩ: “Ta muốn chôn giấu tài sản, nhưng sợ về sau quên mất. Ta muốn cho vay để sanh lời, lại sợ không thu được; hoặc sợ con cái trong nhà hư hỏng tiêu phá tài sản của ta.” Đó là tai họa lớn của dục, duyên nơi gốc rễ của dục mà đưa đến nguy hại này.

Lại nữa, người thiện nam kia luôn để tâm gìn giữ tài sản, nhưng sau đó tài sản vẫn bị vua chiếm đoạt, bị giặc cướp đi, bị nước cuốn trôi, bị lửa thiêu cháy. Tài sản dù đã chôn giấu nhưng lại không tìm ra; cho vay để sanh lời thì không thu được; con cái trong nhà hư hỏng nên tiêu phá tài sản, tiền bạc cả ngàn vạn nhưng không giữ được một đồng, cho nên ôm lòng sầu, lo, khổ, não, đấm ngực kêu la: “Tài sản của ta đã tiêu tan hết cả!” Người này liền cuồng điên, tâm ý rối loạn. Thế mới nói, dục là mối nguy hại lớn, do gốc dục này mà không đến được cõi vô vi.

Lại nữa, vì gốc dục này mà con người mặc giáp, cầm gậy, đánh phá lẫn nhau. Họ dàn trận đánh nhau, hoặc tiến đánh bằng voi chiến, hoặc tiến đánh bằng ngựa chiến, hoặc tiến đánh bằng chiến xa, hoặc tiến đánh bằng binh lính; chứng kiến voi chiến đấu nhau, chứng kiến ngựa chiến đấu nhau, chứng kiến chiến xa đấu nhau, chứng kiến binh lính đấu nhau; hoặc chém nhau, bắn nhau, hoặc đâm nhau... Do đây mà biết, dục là họa lớn, dục là nguyên nhân xảy ra biến loạn này.

[0605b05] Lại nữa, do căn nguyên của dục mà con người mặc giáp, cầm gậy đánh chém lẫn nhau ngay ở cổng thành, hoặc ở trên thành; hoặc dùng giáo đâm, hoặc dùng bánh xe sắt nghiến đầu, hoặc rót sắt nung chảy, chịu biết bao đau đớn, chết chóc nhiều vô kể. Lại nữa, dục này cũng vô thường, thay nhau biến đổi không ngừng, không dừng lại, không thoát ra được. Vì dục này biến đổi vô thường nên nói dục này là họa lớn.

Vì sao phải lìa bỏ dục? Nếu người khéo tu hành dứt trừ tham dục, gọi đó là bậc lìa bỏ dục. Các Sa-môn, Bà-la-môn không biết tai họa của dục, lại cũng không biết nguyên do lìa bỏ dục thì những người này thật sự không hiểu biết Sa-môn và oai nghi của Sa-môn, không biết Bà-la-môn và oai nghi của Bà-la- môn. Những người này đã không phải là Sa-môn, cũng chẳng phải Bà-la-môn nên không thể tự thân tác chứng để tự an trú. Nghĩa là các Sa-môn, Bà-la-môn nào biết rõ dục là tai họa lớn, khéo lìa bỏ dục, như thật không hư dối thì vị ấy biết Sa-môn có oai nghi của Sa-môn, biết Bà-la-môn có oai nghi của Bà-la- môn, tự thân tác chứng để tự an trú. Đó gọi là lìa bỏ dục.

Thế nào là vị ngọt của sắc? Giả sử có con gái dòng Sát-đế-lợi, con gái dòng Bà-la-môn, con gái dòng trưởng giả, độ tuổi mười bốn, mười lăm, mười sáu, dáng người không cao, không thấp, không mập, không gầy, không trắng, không đen, xinh đẹp vô song, hiếm có ở đời; vừa nhìn thấy nhan sắc ấy, người kia liền khởi tưởng yêu thích. Đó gọi là vị ngọt của sắc.

Vì sao nói sắc là tai họa lớn? Lại nữa, nếu về sau nhìn thấy người con gái kia tuổi đã tám mươi, chín mươi, cho đến trăm tuổi, nhan sắc đổi khác, hết thời thiếu niên, tráng niên; cô ấy răng rụng, tóc bạc, thân thể cáu bẩn, da chùng, mặt nhăn, lưng còng, thở dốc, thân như xe mục, thân thể run rẩy, phải chống gậy đi.

Thế nào, này các Tỳ-kheo, ban đầu thấy tuyệt sắc, về sau thấy đổi khác. Đây chẳng phải là tai họa lớn ư?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, nếu thấy cô gái kia thân mang trọng bệnh, nằm liệt trên giường, đại tiện, tiểu tiện không thể đứng dậy. Thế nào Tỳ-kheo, vốn là tuyệt sắc giai nhân, nay mắc bệnh này. Đây chẳng phải là tai họa lớn ư?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Này các Tỳ-kheo, vậy nên nói sắc là tai họa lớn.

[0605c02] Lại nữa, Tỳ-kheo, hoặc thấy cô gái kia tắt thở lìa đời, được đưa đến bãi tha ma. Thế nào, Tỳ-kheo, vốn là tuyệt sắc, nay đã biến đổi, ngay trong đó mà khởi tưởng khổ vui. Đây chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, hoặc thấy cô gái kia chết đã một ngày, hoặc chết đã hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày; thân thể sình trướng, hôi thối, dơ bẩn, rơi vãi khắp nơi. Thế nào, Tỳ-kheo, vốn là tuyệt sắc, nay thay đổi đến vậy, chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, nếu xác cô gái kia bị quạ, chim thước, diều hâu tranh nhau đến rỉa thịt; hoặc bị cáo, chó sói, hổ trông thấy liền đến cắn xé; hoặc bị các loài côn trùng nhỏ nhiệm biết ngọ nguậy nhìn thấy liền bu lại rúc rỉa. Thế nào, Tỳ-kheo, vốn là tuyệt sắc giai nhân, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, đây chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, hoặc thấy thân thể cô gái kia bị trùng, quạ ăn thịt hết phân nửa; phơi ruột, dạ dày, máu thịt ô uế dơ bẩn. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn là tuyệt sắc, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, đây chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, hoặc thấy thân thể cô gái kia đã hết máu thịt, chỉ còn bộ hài cốt liền nhau. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn là tuyệt sắc, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, hoặc thấy thân thể cô gái kia đã hết máu thịt, chỉ còn những sợi gân ràng rịt như buộc củi. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn là tuyệt sắc, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, hoặc thấy cô gái kia từng đốt xương rời rạc vương vãi khắp nơi; nào là xương chân một nơi, xương tay một nơi; hoặc xương đùi một nơi, xương hông một nơi; hoặc xương sườn, xương bả vai, mỗi thứ rơi một nơi; hoặc xương cổ một nơi, đầu lâu một nẻo. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn tuyệt đẹp, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, chẳng phải là tai họa lớn sao?

[0606a04] Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, nếu thấy cô gái kia xương cốt bạc trắng giống màu chim bồ câu. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn tuyệt đẹp, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, nếu thấy cô gái kia, hài cốt trải qua nhiều năm, hoặc bị mục nát tan rã, cùng màu với màu đất. Thế nào, Tỳ-kheo, người ấy vốn tuyệt đẹp, nay biến thành như vậy; ở trong đó mà khởi tưởng khổ vui, chẳng phải là tai họa lớn sao?

Các Tỳ-kheo thưa:

– Đúng vậy, thưa Thế Tôn! Thế Tôn bảo:

– Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Lại nữa, sắc này vô thường biến đổi, không được lâu dài, không có bền vững. Thế nên nói sắc là tai họa lớn.

Vì sao nói phải xa lìa sắc? Nếu có thể ngay nơi sắc mà lìa bỏ sắc, trừ các loạn tưởng thì gọi là lìa bỏ sắc. Nghĩa là các Sa-môn, Bà-la-môn thấy sắc liền đắm trước vào sắc, không biết sắc là tai họa lớn, cũng không biết xả ly, như thật mà không biết thì đây chẳng phải là Sa-môn, Bà-la-môn; dự vào hàng Sa-môn mà không biết oai nghi của Sa-môn, ở trong hàng Bà-la-môn mà không biết oai nghi của Bà-la-môn, không thể tự thân tác chứng để tự an trú. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào thấy sắc mà không đắm trước nơi sắc, biết rất rõ sắc là tai họa lớn, khéo biết xả ly thì gọi là người dự vào hàng Sa-môn khéo biết oai nghi của Sa-môn, trong hàng Bà-la-môn khéo biết oai nghi của Bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú. Đó gọi là đối với sắc đã lìa bỏ!

Thế nào là vị của thọ? Ở đây, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, biết rõ ta đang cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, liền biết rõ ta đang cảm thọ khổ. Khi có cảm thọ không khổ không lạc, biết rõ ta đang có cảm thọ không khổ không lạc. Khi có cảm thọ lạc bởi vật dục, liền biết rõ ta đang có cảm thọ lạc bởi vật dục. Hoặc khi có cảm thọ khổ bởi vật dục, liền tự biết rõ ta đang cảm thọ khổ bởi vật dục; hoặc khi có cảm thọ không khổ không lạc bởi vật dục, liền tự biết rõ ta đang cảm thọ không khổ không lạc bởi vật dục. Hoặc khi có cảm thọ khổ không bởi vật dục, liền tự biết rõ ta đang cảm thọ khổ không bởi vật dục; khi có cảm thọ lạc không bởi vật dục, liền tự biết rõ ta đang cảm thọ lạc không bởi vật dục; hoặc khi có cảm thọ không khổ không lạc không bởi vật dục, liền tự biết rõ ta đang cảm thọ không khổ không lạc không bởi vật dục.

[0606b03] Lại nữa, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ lạc, khi ấy không có cảm thọ khổ, cũng không có cảm thọ không khổ không lạc; bấy giờ ta tự biết chỉ có cảm thọ lạc. Khi có cảm thọ khổ, khi ấy không có cảm thọ lạc, cũng không có cảm thọ không khổ không lạc, bấy giờ ta tự biết chỉ có cảm thọ khổ.

Lại nữa, Tỳ-kheo, khi có cảm thọ không khổ không lạc, khi ấy không có cảm thọ lạc và cảm thọ khổ, bấy giờ ta tự biết chỉ có cảm thọ không khổ không lạc.

Lại nữa, thọ là pháp vô thường biến đổi. Đã biết thọ là pháp vô thường biến đổi, cho nên nói thọ là tai họa lớn.

Vì sao phải xa lìa thọ? Nếu có thể ngay nơi thọ mà lìa bỏ thọ, trừ các loạn tưởng thì gọi là lìa bỏ cảm thọ. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với thọ mà đắm trước thọ, không biết thọ là tai họa lớn, cũng không lìa bỏ, không biết đúng như thật thì đây chẳng phải Sa-môn, Bà-la-môn; dự vào hàng Sa-môn mà không biết oai nghi của Sa-môn, ở trong hàng Bà-la-môn mà không biết oai nghi của Bà-la-môn, không thể tự thân tác chứng để tự an trú. Những Sa-môn, Bà-la-môn nào ngay nơi thọ mà không đắm trước thọ, biết rõ thọ là tai họa lớn, khéo biết lìa bỏ thì đây gọi là người dự vào hàng Sa-môn khéo biết oai nghi của Sa-môn, ở trong hàng Bà-la-môn khéo biết oai nghi của Bà-la-môn, tự thân tác chứng mà tự an trú. Thế nên phải xa lìa thọ.

Lại nữa, Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào không biết đúng như thật về cảm thọ khổ, cảm thọ lạc, cảm thọ không khổ không lạc mà lại chỉ dạy người khác thực hành theo, việc này không thích hợp. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào có thể xả ly thọ, biết đúng như thật về thọ, lại khuyên dạy người xả ly thọ, như vậy thì thích hợp. Thế nên nói phải xả ly thọ.

Các thầy Tỳ-kheo, nay Như Lai đã nói về sự đắm trước dục, vị ngọt của dục, dục là tai họa lớn, phải khéo xả ly dục; cũng nói về việc đắm vào sắc, vị của sắc, sắc là tai họa lớn, phải khéo xả ly sắc; đã nói đến sự đắm trước thọ, vị của thọ, thọ là tai họa lớn, phải khéo xả ly thọ. Những gì Như Lai cần làm, những điều cần giảng nói thì Như Lai đã thực hành hoàn mãn. Các thầy phải luôn niệm tưởng an trụ ở gốc cây hoặc nơi yên vắng để tọa thiền tư duy, chớ có biếng nhác. Đó là lời dạy của Như Lai.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10.KHÔNG BỀN CHẮC37
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có ba thứ không bền chắc. Là ba thứ nào? Đó là thân không bền chắc, mạng không bền chắc và tài sản không bền chắc. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là ba thứ không bền chắc.

Như vậy, Tỳ-kheo, đối với ba thứ không bền chắc, phải tìm cách khiến chúng trở thành ba thứ bền chắc. Là ba trường hợp nào? Thân không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc. Mạng không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc. Tài sản không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc.

Thân không bền chắc phải tìm cầu sự bền chắc bằng cách nào? Nghĩa là biết khiêm cung, kính lễ, thường xuyên thăm hỏi. Đây gọi là thân không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc.

Mạng không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc bằng cách nào? Nghĩa là ở đây, người thiện nam, thiện nữ suốt đời không sát sanh, không dùng đao kiếm, thường biết hổ thẹn, có tâm từ bi, nhớ nghĩ đến tất cả chúng sanh; suốt đời không trộm cướp, thường niệm bố thí, tâm không bỏn xẻn; suốt đời không dâm dật, cũng không tà dâm với người khác; suốt đời không nói dối, thường nghĩ biết thành thật, không dối gạt mọi người; suốt đời không uống rượu, tâm ý không rối loạn, giữ gìn cấm giới của Phật. Đó là mạng không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc.

Tài sản không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc bằng cách nào? Như người thiện nam, người thiện nữ thường nhớ nghĩ cúng dường Sa-môn, Bà-la- môn và bố thí cho những người nghèo khó. Người cần thức ăn thì cho thức ăn, cần nước uống thì cho nước uống; y phục, đồ ăn thức uống, giường đệm, tọa cụ, thuốc thang trị bệnh, nhà cửa, thành quách, những gì họ cần, thảy đều cho cả. Đó là tài sản không bền chắc, phải tìm cầu sự bền chắc.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo, có ba thứ không bền chắc, phải tìm cầu ba sự bền chắc này.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Biết thân không kiên cố,          
Mạng cũng chẳng vững bền,
Tài sản quá bấp bênh,                                               
Nên tìm cầu vững chãi.
Thân người rất khó được,  
Mạng cũng chẳng dừng lâu,
Tài sản mãi giảm hao,                                               
Hãy thường vui bố thí.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:38

Đệ nhất đức, Phước nghiệp,     
Tam nhân, Tam an,
Cù, Tam dạ, Bệnh, Ác hạnh,                                      
Khổ trừ, Bất lao yếu.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Tam bảo phẩm三寶品 (T.02. 0125.21. 0601c26).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.1. 0601c27). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.902. 0225c21); Tạp. 雜 (T.02. 0099.903. 0225c25); Tạp. 雜 (T.02. 0099.904. 0226a02); A. 4.34 - II. 34; S. 45.139/1 - V. 41; It. 87
3 Nguyên tác: Tự quy (自歸). Tạp A-hàm ghi: Quy y (歸依). Tiếng Pāli tương đương: Saraṇaṃ gacchāmi.
4 Ni-duy-tiên (尼維先, Nevasaññināsaññino): Phi tưởng phi phi tưởng.
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.2. 0602b12). Tham chiếu: Chúng tập kinh 眾集經 (T.01. 0001.9. 0050a19).
6 Bình đẳng (平等), theo nội dung kinh nên hiểu là phước nghiệp của việc trì giới. Ở đây, có khả năng “bình đẳng” được trực dịch từ sama, vừa có nghĩa bình đẳng, vừa có nghĩa chân chánh. Đơn cử như Samacārin chỉ cho bậc Chánh hạnh (正行者).
7 Nguyên tác: Tư duy (思惟). Theo Du-già sư địa luận 瑜伽師地論 (T.30. 1579.37. 0497c12) có nghĩa là tu tập, quán sát, thiền quán (謂居遠離, 樂思惟法, 推度其義, 解了決定). Nghĩa này gần tương đồng với chữ bhāvanā trong Pāli.
8 Nguyên tác: Hộ tâm (護心).
9 Nguyên tác: Niệm giác ý (念覺意), còn gọi là “niệm giác chi” (念覺支).
10 Nguyên tác: Y vô quán (依無觀).
11 Nguyên tác: Pháp giác ý (法覺意), còn gọi là “trạch pháp giác chi” (擇法覺支).
12 Nguyên tác: Ỷ giác ý (猗覺意), còn gọi là “ỷ” (猗), “ỷ tức” (猗息), “hưu tức” (休息), “chỉ tức” (止息), nghĩa là “khinh an” (輕安, passaddhi).
13 Nguyên tác: Hộ giác ý (護覺意), còn gọi là “xả giác chi” (捨覺支).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.3. 0602c16). Tham chiếu: Trà-đế kinh 𠻬帝經 (T.01. 0026.201. 0766b28). M. 38, Mahātaṇhāsaṅkhaya Sutta (Ðại kinh đoạn tận ái).
15 Nguyên tác: Tam nhân duyên (三因緣), là 3 điều kiện căn bản, gồm: (i) Những yếu tố thuận lợi từ người cha; (ii) Những yếu tố thuận lợi từ người mẹ; (iii) Thần thức. Đoạn kinh sau liệt kê những bất cập, không gặp gỡ giữa 3 yếu tố này nên bào thai không thể thành hình.
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.4. 0603a15). Tham chiếu: A. 3.75 - I. 222.
17 Nguyên tác: Tam-muội (三昧).
18 Nguyên tác: Thập nhị hiền sĩ (十二賢士), một dạng thức điệp ngữ, mục đích làm cho câu văn đăng đối, tức là cộng lại từ bốn đôi (四雙) và tám bậc (八輩). Việc cộng lại này là một nhầm lẫn. Vì lẽ, bốn đôi và tám bậc chính là hướng Tu-đà-hoàn, quả Tu-đà-hoàn; hướng Tư-đà-hàm, quả Tư-đà-hàm; hướng A-na-hàm, quả A-na-hàm; hướng A-la-hán, quả A-la-hán. Cú ngữ này có thể mang dấu ấn từ một bản kinh liên quan đến số lượng chúng Tăng, đó là Kinh thập nhị hiền giả (十二賢者經). Bản kinh này hiện chưa tìm thấy, nhưng tên gọi của bản kinh được Xuất Tam tạng ký tập 出三藏記集 (T.55. 2145.3. 0015c06) xác nhận, ngài Đạo An đã đưa bộ kinh này vào kinh lục của mình, gọi là Đạo An lục (道安錄). Mặc dù vậy, nhầm lẫn vừa nêu vẫn xuất hiện trong nhiều bản kinh như Đại phương tiện Phật báo ân kinh 大方便佛報恩經 (T.03. 0156.3. 0141b24); Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.8. 0654c10); Phật thuyết chư đức phước điền kinh 佛說諸德福田經 (T.16. 0683. 0778c12), v.v…
19 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.5. 0603b02). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1278. 0351b12). Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.276. 0470a14); S. 6.9 - I. 323; S. 6.10 - I. 325; A. 10.89 - V. 170.
20 Cù-ba-ly (瞿波離, Kokālika).
21 Liên Hoa địa ngục (蓮華地獄): Địa ngục Hoa Sen. Bản Pāli ghi rõ là địa ngục Sen Hồng (Padumaniraya).
22 Nguyên tác: Thích-ca-văn (釋迦文, Sakyamuni). Văn (文) là phiên âm từ Muni.
23 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.6. 0603c18). Tham chiếu: A. 3.16 - I. 113.
24 Nguyên tác: Bất thất kinh hành (不失經行). Theo Luật tứ phần, quyển 59, một trong 5 lợi ích của kinh hành là làm cho tư duy tịch tĩnh (能靜思惟). A. 3.16 - I. 113 viết Jāgariyaṃ anuyutto: Tinh cần tỉnh giác.
25 Nguyên tác: Bất khởi tưởng trước, bất hữu thức niệm (不起想著, 無有識念). A. 3.16 - I. 113: Na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī (không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng).
26 Ấm cái (陰蓋): Những phiền não che đậy tâm.
27 Nguyên tác: Đạo phẩm (道品).
28 Nguyên tác bị thiếu cụm từ 得阿羅漢若. Bản Tống, Nguyên, Minh đã bổ sung.
29 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.7. 0604a28). Tham chiếu: Thất xứ tam quán kinh 七處三觀經 (T.02. 0150A.45. 0882a11); A. 3.68 - I. 199; A. 10.108 - V. 219.
30 Tô (酥) gồm sanh tô và thục tô.
31 Du (油): Dầu, thường là dùng dầu mè.
32 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.8. 0604b16). Tham chiếu: It. 58-9.
33 Nguyên tác: Tiên (仙), chỉ cho đức Phật. Đức Phật Thích-ca còn được gọi là Đệ Thất Tiên. Tham chiếu: Phẩm Tựa, tr. 1 trong tập này; Tự phẩm 序品 (T.02. 0125.1. 0549b12).
34 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增(T.02. 0125.21.9. 0604c07). Tham chiếu: Khổ ấm kinh 苦陰經 (T.01. 0026.99. 0584c08); Khổ ấm kinh 苦陰經 (T.01. 0053. 0846c05); M. 13, Mahādukkhakkhandha Sutta (Ðại kinh khổ uẩn).
35 Dị học Phạm chí (異學梵志) giống như ngoại đạo Phạm chí.
36 Bản Thánh (聖): Thử tắc bất luận (此則不論).
37 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.21.10. 0606c01).
38 Nguyên tác Nhiếp tụng: 第一德, 福業; 三因, 三安, 瞿; 三夜, 病, 惡行; 苦除, 不牢要. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.