Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an trú tại Bồ-đề đạo tràng, thuộc nước Ma-kiệt.
Khi ấy, Thế Tôn thành đạo chưa bao lâu, liền tự suy nghĩ: “Giáo pháp sâu xa mà Ta chứng ngộ vốn khó hiểu, khó thấu, khó nhận biết được, không thể tư duy, tịch tĩnh vi diệu, chỉ có người trí mới thấu rõ được, mới có thể phân biệt nghĩa lý, tu tập không chán, đạt được hoan hỷ. Nếu Ta nói pháp vi diệu này cho tất cả mọi người thì họ sẽ không tin và cũng không thực hành theo, thế nên không những uổng công vô ích mà còn bị tổn hại. Do vậy Ta nên im lặng, không nên thuyết pháp.”
[0593b01] Bấy giờ, trên cõi Phạm thiên, Phạm thiên vương biết được suy nghĩ của Như Lai nên trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, ông rời cõi Phạm thiên, hiện thân đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, sau đó bạch Thế Tôn:
– Cõi Diêm-phù-đề này chắc chắn sẽ bị tan hoại, ba cõi mất đi con mắt, bởi vì Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở thế gian lẽ ra sẽ giảng nói Pháp bảo, nhưng nay lại không diễn bày pháp vị. Ngưỡng mong Như Lai vì tất cả chúng sanh mà giảng rộng giáo pháp sâu xa. Lại nữa, căn tánh chúng sanh vốn dĩ dễ độ, nhưng nếu không được nghe giáo pháp thì họ vĩnh viễn không đạt được Pháp nhãn. Những chúng sanh này chính là những con người tiếp nối Phật pháp. Giống như hoa sen xanh,3 hoa sen hồng,4 hoa sen trắng,5 tuy có những cánh hoa mới nhô lên khỏi bùn đất, nhưng vẫn chưa vươn lên khỏi mặt nước, cũng chưa nở bung ra. Bởi vì lúc ấy hoa kia chỉ mới bắt đầu tăng trưởng nên chưa vươn lên khỏi mặt nước, đến khi hoa đã vươn lên khỏi mặt nước thì chúng sẽ không bị dính nước. Các chúng sanh này cũng giống như vậy, lẽ ra khi nhận thấy sự bức bách của sanh, già, bệnh, chết thì các căn sẽ thuần thục, nhưng do không được nghe pháp nên bị đánh mất thiện căn. Như vậy không khổ lắm sao? Nay thật đúng thời, kính xin Thế Tôn hãy vì chúng sanh mà thuyết pháp!
Bấy giờ, Thế Tôn biết rõ suy nghĩ trong tâm Phạm thiên, đồng thời thương xót tất cả chúng sanh, nên nói kệ:
Nay Phạm thiên thỉnh cầu,
Phật giảng pháp vi diệu,
Người nghe vững lòng tin,
Phân biệt sâu pháp yếu.
Như đứng trên núi cao,
Thấy khắp cả muôn loài,
Nay Ta đem Pháp bảo,
Khai trí tuệ chúng sanh.
Khi ấy, Phạm thiên suy nghĩ: “Như Lai nhất định sẽ vì chúng sanh mà nói pháp vi diệu”, cho nên thân tâm hoan hỷ, phấn khởi tột cùng, đảnh lễ sát chân Thế Tôn, rồi trở về trời.
Bấy giờ, Phạm thiên nghe đức Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật an trú tại xứ Tiên Nhân, trong vườn Lộc Uyển,7 thuộc nước Ba-la-nại. Khi ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Có hai việc mà người học đạo không nên gần gũi. Là hai việc gì? Đó là tham đắm dục lạc, là pháp của kẻ phàm phu thấp kém và thực hành các pháp khổ hạnh bằng trăm cách khổ não. Đó gọi là hai việc mà người học đạo không nên gần gũi.
Như vậy, khi đã dứt bỏ hai việc này, Như Lai chọn con đường trung đạo để thành tựu Chánh giác, được Pháp nhãn, được trí tuệ, tâm ý tịch tĩnh, chứng các thần thông, đắc quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn. Đâu là con đường trung đạo thành tựu được Chánh giác, được Pháp nhãn, được trí tuệ, tâm ý tịch tĩnh, chứng các thần thông, đắc quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn? Đó là tám đạo phẩm Hiền thánh, gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó gọi là con đường trung đạo, giúp Như Lai thành tựu được Chánh giác, được Pháp nhãn, được trí tuệ, tâm ý tịch tĩnh, chứng các thần thông, đắc quả Sa-môn, đạt đến Niết-bàn.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học dứt bỏ hai việc ấy và tu tập theo con đường trung đạo.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt mười kinh trên:
La-vân, Ca-diếp, Rồng,
Hai Nan, Đại Ái Đạo,
Phỉ báng, Phi, Phạm thỉnh,
Hai việc ở sau cùng.8
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên rồi cung kính bạch Thế Tôn:
_ Thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát, đạt đến chỗ rốt ráo an ổn, không còn nạn tai, được trời, người tôn kính?
Thế Tôn bảo Thích-đề-hoàn-nhân:
_ Này Câu-dực!10 Nếu Tỳ-kheo nào nghe pháp Không này mà thấu rõ được tất cả đều không thật có, tức đã hiểu rõ được tất cả các pháp và biết đúng như thật về các pháp. Tự thân nhận biết các pháp khổ, hoặc pháp lạc, hoặc pháp không khổ không lạc. Ngay nơi thân này, vị ấy tự quán biết tất cả đều vô thường, đều trở về không. Khi đã quán biết như thật về sự biến đổi của trạng thái không khổ không lạc này, vị ấy cũng không khởi tưởng. Do không khởi tưởng nên không sợ hãi, vì không sợ hãi nên đạt được Bát-niết-bàn. Vị ấy như thật biết rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” [Này] Thích-đề-hoàn-nhân! Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục, được tâm giải thoát, an ổn rốt ráo, không còn nạn tai, được trời, người tôn kính.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh ba vòng rồi trở về trời.
Cũng ngay lúc đó, cách Thế Tôn không xa, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đang ngồi kiết-già, giữ thân ngay thẳng, tâm không loạn động, buộc niệm trước mặt. Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên suy nghĩ: “Vừa rồi Đế-thích đã nhận ra dấu đạo11 mà hỏi nghĩa, hay là chưa nhận ra dấu đạo mà hỏi nghĩa? Nay ta nên thử ông ấy xem sao.”
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền dùng thần túc, chỉ trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay đã lên đến trời Ba Mươi Ba.
[0594a04] Thích-đề-hoàn-nhân từ xa trông thấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến, liền đứng dậy tiếp đón và nói:
_ Quý thay Tôn giả Đại Mục-kiền-liên! Đã lâu rồi Tôn giả không đến đây.
Rất mong được luận bàn pháp nghĩa cùng Tôn giả. Mời Tôn giả ngồi đây.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên hỏi Thích-đề-hoàn-nhân:
_ Thế Tôn đã nói pháp đoạn ái dục cho ông. Tôi cũng muốn được nghe pháp ấy. Nay là lúc thích hợp, ông hãy nói lại cho tôi nghe.
Thích-đề-hoàn-nhân bạch rằng:
_ Nay tôi bận việc chư thiên, vừa có việc riêng, lại vừa có việc của chư thiên. Những gì nghe được, tôi đã quên mất. Thưa ngài Mục-kiền-liên! Xưa kia khi đánh nhau với các a-tu-la, trận đánh hôm đó, chư thiên đắc thắng, a-tu-la thất bại. Bấy giờ, tôi cũng đích thân giao chiến, rồi dẫn chư thiên trở về thiên cung, ngồi tại giảng đường Tối Thắng.12 Nhân vì chiến thắng nên gọi nơi này là giảng đường Tối Thắng. Nơi này đường bậc thang thành hàng, đường sá giao nhau, mỗi chỗ giao nhau đều có một vọng tháp.13 Lại có bảy trăm lầu gác, trên mỗi một lầu gác đều có bảy ngọc nữ, mỗi một ngọc nữ đều có bảy người hầu. Mời Tôn giả Mục-liên đến đó ngắm xem.
Rồi Thích-đề-hoàn-nhân cùng Thiên vương Tỳ-sa-môn đi theo sau Tôn giả Mục-liên đến giảng đường Tối Thắng. Thích-đề-hoàn-nhân và Thiên vương Tỳ-sa-môn bạch với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
_ Đây là giảng đường Tối Thắng, ngài có thể dạo xem. Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Thiên vương:
_ Chỗ này rất tuyệt diệu, đều nhờ phước đức đời trước đã gieo mới được đến bảo đường tự nhiên này. Giống như một vài nơi vui chơi ở chốn nhân gian, mỗi người tự hưởng niềm vui, cũng như ở thiên cung không khác, đều do đời trước tạo phước mà được.
Bấy giờ, đột nhiên ngọc nữ chung quanh Thích-đề-hoàn-nhân đều bỏ chạy tứ tán, họ đều ôm lòng hổ thẹn, giống như những nơi cấm kỵ ở nhân gian. Các ngọc nữ bên cạnh Thích-đề-hoàn-nhân cũng giống như vậy, từ xa trông thấy
Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến, đều hổ thẹn bỏ chạy tứ tán. Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên suy nghĩ: “Thích-đề-hoàn-nhân này tâm ý rất phóng dật. Ta phải khiến ông ấy sợ hãi mới được.”
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền dùng ngón chân phải ấn xuống đất, làm cho cung điện sáu phen rung chuyển. Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân cùng Thiên vương Tỳ-sa-môn vô cùng khiếp sợ, mình nổi gai ốc, suy nghĩ: “Đại Mục-kiền-liên này có thần túc lớn mới có thể khiến cho cung điện này sáu phen rung chuyển. Thật là kỳ đặc, thật chưa từng có!”
[0594b04] Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên thầm nghĩ: “Nay Thích-đề- hoàn-nhân này đã kinh sợ rồi, ta nên hỏi về nghĩa sâu xa kia.”
_ Thế nào Câu-dực! Kinh đoạn ái dục mà Như Lai đã nói, nay là lúc thích hợp, xin ông nói lại cho tôi nghe.
Thích-đề-hoàn-nhân đáp:
_ Thưa Tôn giả Mục-liên! Trước đây tôi có đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên. Lúc ấy, tôi liền bạch Thế Tôn: “Thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát, đạt đến chỗ rốt ráo an ổn, không còn các phiền não, được trời, người tôn kính?” Bấy giờ, Thế Tôn nói với tôi: “Này Câu-dực! Nếu Tỳ-kheo nào nghe pháp rồi mà không còn gì để đắm trước, cũng không đắm vào sắc, thấu rõ được tất cả các pháp đều không thật có. Đã hiểu rõ được tất cả các pháp rồi, hoặc pháp khổ, hoặc pháp lạc, hoặc pháp không khổ không lạc, quán biết các pháp thảy đều vô thường, tịch lặng hoàn toàn, nhưng cũng không mất hẳn.14 Nhờ quán sát như vậy rồi nên không còn gì để đắm trước. Do không khởi niệm tưởng đắm nhiễm các pháp thế gian nên không còn sợ hãi. Vì không sợ hãi nên được Niết-bàn và như thật biết rằng: ‘Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.’ Thích- đề-hoàn-nhân! Đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục, được tâm giải thoát, đạt đến chỗ cứu cánh vô vi, không còn khổ nạn, được trời, người tôn kính.”
Sau khi nghe những lời dạy này rồi, tôi liền đảnh lễ sát chân Thế Tôn, nhiễu quanh ba vòng, rồi trở về cõi trời.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đem giáo pháp sâu xa này giảng nói tường tận cho Thích-đề-hoàn-nhân và Tỳ-sa-môn nghe. Sau khi đã thuyết pháp đầy đủ rồi, chỉ trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền biến mất ở trời Ba Mươi Ba, trở về lại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc thành Xá-vệ, đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên ở ngay trên tòa, bạch với Thế Tôn:
_ Trước đây Như Lai nói pháp diệt trừ ái dục cho Thích-đề-hoàn-nhân, nay kính xin Thế Tôn hãy nói lại cho con!
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:
_ Thầy nên biết, Thích-đề-hoàn-nhân đến chỗ Ta, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên. Rồi Thích-đề-hoàn-nhân hỏi Ta nghĩa này: “Thưa Thế Tôn! Thế nào là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát?” Bấy giờ, Ta nói với Thích- đề-hoàn-nhân rằng: “Này Câu-dực! Nếu Tỳ-kheo nào thấu rõ được tất cả đều không thật có, hoàn toàn không có gì, cũng không có cái gì để chấp trước. Tỳ- kheo ấy hiểu rõ tất cả các pháp vốn không thật có. Do quán biết tất cả các pháp là vô thường, tịch lặng hoàn toàn, nhưng cũng không mất hẳn. Nhờ quán sát như vậy nên không có gì để đắm trước. Do không khởi niệm tưởng đắm trước thế gian nên không còn sợ hãi. Do không sợ hãi nên đạt được Niết-bàn, vị ấy như thật biết rằng: ‘Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.’ Này Thích-đề-hoàn-nhân, đó gọi là Tỳ-kheo đoạn ái dục, tâm được giải thoát.” Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi trở về cõi trời.
Bấy giờ, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe đức Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế gian có hai hạng, dù có gặp phải sấm rền, sét giật cũng không sợ hãi. Đó là hai hạng nào? Là loài sư tử, vua của muông thú và bậc A-la-hán lậu tận.16 Này Tỳ-kheo, đó là hai hạng ở thế gian, dù có gặp phải sấm rền, sét giật cũng không sợ hãi.
Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy học theo bậc A-la-hán lậu tận. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có hai pháp làm cho con người không có trí tuệ. Là hai pháp nào? Một là, không thích học hỏi những người hơn mình. Hai là, chỉ ham ngủ nghỉ, tâm không tinh tấn. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến cho con người không được trí tuệ.
Lại có hai pháp khiến cho con người thành tựu trí tuệ lớn. Là hai pháp gì? Một là, thích hỏi nghĩa với người khác. Hai là, không ham ngủ nghỉ, tâm luôn tinh tấn. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này giúp cho con người có được trí tuệ. Các thầy hãy học xa lìa những pháp xấu ác!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có hai pháp khiến người nghèo hèn, không có tài sản. Đó là hai pháp nào? Một là, khi thấy người khác cúng dường, bố thí thì tìm cách ngăn cản; hai là, bản thân không chịu cúng dường, bố thí. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người nghèo hèn, không có tài sản.
Tỳ-kheo nên biết, lại có hai pháp khiến người giàu sang. Đó là hai pháp gì? Một là, khi thấy người khác bố thí tài vật cho người thì hoan hỷ trợ giúp; hai là, tự thân cũng thích bố thí. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến người giàu sang.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học hạnh bố thí, lòng chớ tham lam. Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có hai pháp khiến chúng sanh sanh vào nhà nghèo khổ. Đó là hai pháp gì? Một là, bất hiếu với cha mẹ và các bậc Sư trưởng. Hai là, không kính phụng người giỏi hơn mình. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này khiến chúng sanh sanh vào nhà nghèo khổ.
Tỳ-kheo nên biết, lại có hai pháp khiến chúng sanh sanh vào nhà quyền quý. Đó là hai pháp gì? Một là, biết cung kính cha mẹ, anh em, dòng họ. Hai là, bố thí tài sản của mình. Này các Tỳ-kheo, có hai pháp này sẽ khiến chúng sanh sanh vào nhà hào tộc.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật nhập Niết-bàn chưa bao lâu.21 Bấy giờ, có con gái Phạm chí tên là Tu-thâm đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la.22 Đến nơi, cô ấy đảnh lễ sát chân Tôn giả rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, cô Tu-thâm con gái Phạm chí kia bạch Tôn giả Đại Câu-hy-la:
_ Tôn giả Ưu-đạp-lam-phất,23 La-lặc-ca-lam24 ở trong pháp sâu mầu của Thế Tôn mà rốt cuộc lại không nhận sự giáo hóa, rồi qua đời. Thế Tôn thọ ký cho hai vị này rằng: “Một người sanh vào Bất dụng xứ,25 một người sanh vào Hữu tưởng vô tưởng xứ.26 Sau khi tuổi thọ hết, họ qua đời, một người sanh làm quốc vương vùng biên địa, gây hại cho lê dân không thể tính kể. Một người sanh làm loài chồn ác có cánh, những loài thú biết bay hoặc biết chạy nhảy đều không thoát khỏi tay nó. Và rồi sau khi mạng chung, họ sẽ sanh vào trong địa ngục.” Tuy nhiên, Thế Tôn lại không thọ ký cho họ bao giờ sẽ dứt hết tận cùng biên tế sự khổ.27 Vì sao Thế Tôn không thọ ký cho họ sẽ dứt hết tận cùng biên tế sự khổ, thưa Tôn giả?
Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hy-la nói với cô Tu-thâm:
_ Sở dĩ Thế Tôn không thọ ký, bởi vì không có người hỏi nghĩa này. Cho nên, Thế Tôn không thọ ký họ bao giờ sẽ dứt hết tận cùng biên tế sự khổ.
[0595b02] Cô Tu-thâm thưa:
_ Hiện tại Như Lai đã vào Niết-bàn, cho nên con không hỏi được. Nếu Thế Tôn còn tại thế, con sẽ đến hỏi nghĩa này. Vậy nay xin Tôn giả Đại Câu-hy-la hãy nói cho con biết lúc nào họ sẽ dứt hết tận cùng biên tế sự khổ?
Bấy giờ, Tôn giả Đại Câu-hy-la liền nói kệ:
Quả báo vốn không đồng,
Cõi chúng sanh sai khác,
Với tự giác, giác tha,
Tôi không giải rõ được.
Với thiền trí, giải thoát,
Thiên nhãn, nhớ kiếp trước,
Khéo dứt gốc khổ đau,
Tôi không biện giải được.
Lúc đó, cô Tu-thâm liền nói kệ:
Thiện Thệ có trí này,
Không tì vết, chính trực,
Dũng mãnh, con kính phục,
Cầu học hạnh Đại thừa.
Lúc này, Tôn giả Đại Câu-hy-la lại nói kệ:
Cô phát tâm hiếm có,
Sẽ lãnh hội pháp mầu,
Trí tôi chưa thâm sâu,
Biện việc phi thường đó.
Bấy giờ, Tôn giả nói đầy đủ pháp yếu cho Tu-thâm nghe, cô liền khởi tâm hoan hỷ. Sau đó, cô rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Tôn giả rồi lui ra.
Bấy giờ, cô Tu-thâm nghe Tôn giả Đại Câu-hy-la dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Tôn giả Ma-ha Ca-chiên-diên29 hướng dẫn đại chúng gồm năm trăm vị Tỳ-kheo du hành đến bên cạnh một hồ sâu, tại nước Bà-na.30
Bấy giờ, danh tiếng của Tôn giả Ca-chiên-diên đã vang khắp bốn phương. Đúng lúc ấy, trưởng lão Bà-la-môn Gian-trà31 cũng đang du hóa ở đây. Nghe tin Tôn giả Ca-chiên-diên dẫn đại chúng gồm năm trăm vị Tỳ-kheo đang du hóa bên cạnh hồ này, Bà-la-môn bèn nghĩ: “Tôn giả Ca-chiên-diên công đức đầy đủ, nay ta nên đến thăm hỏi người này.”
Bấy giờ, trưởng lão Bà-la-môn dẫn theo năm trăm đệ tử đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên, chào hỏi nhau xong, ngồi qua một bên. Lúc ấy, Bà-la-môn kia trách cứ Tôn giả Ca-chiên-diên:
_ Theo như cách hành xử của Tôn giả Ca-chiên-diên thì quả thật không đúng pháp tắc, luật lệ. Là Tỳ-kheo trẻ tuổi sao lại không chịu hành lễ với các vị cao đức Bà-la-môn chúng tôi!
[0595c01] Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
_ Bà-la-môn nên biết, đức Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác chúng tôi có nói đến hai địa vị. Là hai địa vị nào? Một là, địa vị lão niên.32 Hai là, địa vị tráng niên.
Bà-la-môn hỏi:
_ Thế nào gọi là địa vị lão niên? Thế nào là địa vị tráng niên? Tôn giả Ca-chiên-diên đáp:
_ Này Bà-la-môn, cho dù tuổi đã tám mươi hay chín mươi, nhưng người kia chưa dừng được dâm dục, làm các hạnh xấu ác. Này Bà-la-môn, đây gọi là người tuy già cả, nhưng hiện đang ở địa vị tráng niên.
Bà-la-môn hỏi:
_ Thế nào gọi là tráng niên mà ở địa vị lão niên? Tôn giả Ca-chiên-diên đáp:
_ Bà-la-môn, nếu có Tỳ-kheo tuy ở độ tuổi hai mươi, ba mươi, bốn mươi hay năm mươi, nhưng người kia không học theo thói dâm dục, cũng không làm điều xấu ác. Này Bà-la-môn, đây gọi là tráng niên mà ở địa vị lão niên.
Bà-la-môn hỏi:
_ Trong đại chúng này, có Tỳ-kheo nào không hành dâm dục, không tạo hạnh xấu ác chăng?
Tôn giả Ca-chiên-diên đáp:
_ Trong đại chúng của tôi không có Tỳ-kheo nào học theo dâm dục hay tạo hạnh xấu ác cả.
Lúc ấy, Bà-la-môn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân các Tỳ-kheo và nói lời này:
_ Nay, các thầy tuy tuổi trẻ nhưng ở địa vị lão niên, còn tôi tuổi đã già mà lại ở địa vị tráng niên!
Sau đó Bà-la-môn kia đến chỗ Tôn giả Ca-chiên-diên, đảnh lễ sát chân rồi tự trình bày:
_ Nay, con xin quy y Tôn giả Ca-chiên-diên và Tỳ-kheo-tăng, suốt đời không sát sanh!
Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
_ Ông chớ nên quy y tôi mà hãy hướng về nơi tôi đã quy y! Bà-la-môn hỏi:
_ Tôn giả Ca-chiên-diên đã quy y ai?
Tôn giả Ca-chiên-diên liền quỳ gối, hướng về nơi Như Lai đã Niết-bàn và nói:
_ Có người dòng họ Thích đã xuất gia học đạo. Tôi luôn quy y Ngài ấy.
Ngài ấy chính là thầy của tôi.
Bà-la-môn thưa:
_ Sa-môn Cù-đàm hiện đang ở đâu? Nay con muốn được gặp Ngài ấy. Tôn giả Ca-chiên-diên nói:
_ Đức Như Lai ấy đã vào Niết-bàn rồi! Bà-la-môn thưa:
_ Nếu Như Lai còn tại thế thì dù cách trăm ngàn do-tuần con cũng đến thăm hỏi Ngài. Vị Như Lai ấy tuy đã vào Niết-bàn, nhưng nay một lần nữa con xin quy y đảnh lễ Phật, Pháp và Thánh chúng, nguyện suốt đời không phạm sát sanh!
Bấy giờ, trưởng lão Bà-la-môn nghe Tôn giả Ca-chiên-diên dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có hai hạng người xuất hiện ở thế gian, rất khó gặp được. Là hai hạng người nào? Một là, người giỏi thuyết pháp xuất hiện ở thế gian, thật là khó gặp. Hai là, người hay nghe pháp và biết thọ trì phụng hành, thật là khó gặp. Này các Tỳ-kheo, đó là hai hạng người xuất hiện ở thế gian, thật khó gặp được.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy học thuyết pháp, hãy học nghe pháp. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa tại nước Ma-kiệt, lần hồi đến thành Tỳ-xá-ly. Bấy giờ, Ngài cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong vườn Am-bà- bà-lợi,35 phía Bắc thành Tỳ-xá-ly.
Lúc này, cô gái Am-bà-bà-lợi36 nghe tin Thế Tôn và năm trăm vị Tỳ-kheo đang an trú trong vườn này, liền ngồi trên cỗ xe gắn lông chim quý37 đi ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến ngả rẽ hẹp, cô tự xuống xe và đi đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, Thế Tôn từ xa trông thấy cô ấy đến, liền bảo các Tỳ-kheo:
_ Tất cả các thầy hãy nhất tâm, chớ khởi niệm tà!
Lúc ấy, cô gái đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật và ngồi qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho cô. Sau khi nghe pháp vi diệu rồi, cô ấy bạch với đức Phật:
_ Cúi xin Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo-tăng nhận lời mời thỉnh của con!
Thế Tôn im lặng nhận lời. Cô thấy Thế Tôn đã im lặng nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi xin phép trở về.
Bấy giờ, nam nữ lớn nhỏ trong thành Tỳ-xá-ly đều hay tin Thế Tôn cùng với đại chúng gồm năm trăm vị Tỳ-kheo đang an trú trong vườn Am-bà-bà-lợi. Lúc ấy, trong thành có năm trăm đồng tử cỡi các cỗ xe lộng lẫy. Trong đó có người thì cỡi xe trắng ngựa trắng, y phục, dù lọng, tràng phan, tùy tùng cũng đồng màu trắng. Có người thì cỡi xe đỏ ngựa đỏ, y phục, dù lọng, tràng phan, tùy tùng cũng đồng màu đỏ. Có người thì cỡi xe xanh ngựa xanh, y phục, dù lọng, tràng phan, tùy tùng cũng đồng màu xanh. Có người thì cỡi xe vàng ngựa vàng, y phục, dù lọng, tràng phan, tùy tùng cũng đồng màu vàng. Dung nghi phục sức giống như hàng vương tôn công tử. Họ rời khỏi thành Tỳ-xá-ly để đến chỗ Thế Tôn. Trên đường đi, họ va phải xe của cô Am-bà-bà-lợi đang ngồi trên chiếc xe trâu đang chạy vào thành. Khi ấy, các đồng tử hỏi cô
_ Cô là con gái, lẽ ra nên biết xấu hổ! Sao lại đánh xe chạy gấp vào thành như vậy?
[0596b01] Cô đáp:
_ Các bạn hiền nên biết, tôi có thỉnh Phật và các Tỳ-kheo-tăng ngày mai đến thọ trai, cho nên mới đánh xe nhanh như vậy!
Các đồng tử nói:
_ Chúng tôi cũng muốn thỉnh Phật và Tỳ-kheo-tăng thọ trai. Bây giờ, chúng tôi cho cô một ngàn lượng vàng ròng, đổi lại buổi thỉnh ngày mai cô để chúng tôi cúng dường.
Cô gái đáp:
_ Thôi đi, quý công tử! Tôi không đồng ý! Các đồng tử lại nói:
_ Vậy chúng tôi cho cô hai ngàn lượng, ba ngàn lượng, bốn ngàn lượng, năm ngàn lượng, cho đến trăm ngàn lượng vàng. Cô đồng ý cho chúng tôi ngày mai thỉnh Phật và Tỳ-kheo-tăng thọ thực hay không?
Cô gái đáp:
_ Tôi không đồng ý. Vì sao vậy? Vì Thế Tôn thường dạy: “Có hai ước muốn mà người đời không thể dứt bỏ. Là hai ước muốn gì? Đó là ước muốn lợi lộc và ước muốn mạng sống.” Ai có thể đảm bảo cho tôi đến ngày mai? Tôi đã thỉnh Như Lai trước nên hôm nay phải chuẩn bị đầy đủ.
Các đồng tử phẩy tay nói:
_ Chúng ta bao nhiêu người như vầy mà chẳng bằng một cô gái!
Nói rồi, họ bỏ đi. Bấy giờ, các đồng tử đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên. Khi thấy các đồng tử đến, Thế Tôn nói với các thầy Tỳ-kheo:
_ Tỳ-kheo các thầy hãy nhìn dung nghi, phục sức của các đồng tử này, không khác gì Thiên Đế-thích lúc ra ngoài dạo chơi.
Rồi Thế Tôn nói với các đồng tử:
_ Thế gian có hai việc rất khó làm được. Đó là hai việc gì? Một là, biết đền ân. Hai là, thọ ân nhỏ còn thường chẳng quên, huống là ân lớn. Này các đồng tử, đó gọi là hai việc rất khó làm được. Các đồng tử nên biết, phải nghĩ đến đền ân và biết cách để không quên ân nhỏ, huống là ân lớn.38
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Ai tri ân, báo đáp,
Người dạy dỗ, chẳng quên,
Được người trí quý mến,
Danh vang khắp trời, người.
Thật vậy, này các đồng tử! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, Thế Tôn nói pháp vi diệu đầy đủ cho các đồng tử. Sau khi nghe xong, họ từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ra về.
Cũng vào tối hôm đó, cô gái kia bày biện sẵn các món ăn uống ngon ngọt, trải các tọa cụ. Sáng sớm hôm sau, cô đến bạch Phật:
_ Hiện tại cũng đã đúng thời, kính thỉnh Thế Tôn quang lâm tệ xá!
Bấy giờ, Thế Tôn đắp y, ôm bát, dẫn chúng Tỳ-kheo tuần tự trước sau đi đến nhà cô gái trong thành Tỳ-xá-ly.
Khi thấy Thế Tôn đã an tọa, cô ấy liền tự tay dâng thức ăn lên Phật và Tỳ- kheo-tăng. Đức Phật cùng Tỳ-kheo-tăng dùng cơm và rửa tay bằng nước sạch xong, cô liền lấy chiếc ghế nhỏ chạm vàng, đặt ngồi phía trước Thế Tôn.
[0596c02] Bấy giờ, cô ấy bạch với Thế Tôn:
_ Vườn Am-bà-bà-lợi này, con xin thành kính cúng dường Như Lai và Tỳ- kheo-tăng để chúng Tăng quá khứ, hiện tại và tương lai được dừng nghỉ ở đây. Ngưỡng mong Thế Tôn từ bi chấp thuận!
Lúc bấy giờ, Thế Tôn vì cô ấy mà nhận khu vườn này, rồi ban lời chú nguyện:
Cúng vườn quả xanh mát,
Làm cầu, đò đưa người,
Dựng nhà xí39 bên đường,
Giúp mọi người khinh an.
Phước ấy không kể xiết,
Đêm ngày thường an yên,
Thành tựu các cấm giới,
Mạng chung sanh cõi trời.40
Sau khi nói lời ghi nhận này xong, Thế Tôn liền đứng dậy ra về.
Bấy giờ, nàng Am-bà-bà-lợi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:41
Đoạn ái cập Sư tử,
Vô trí, Thiểu ư Tài,
Gia bần, Tu-thâm nữ
Ca-chiên, Pháp thuyết, Nữ.42
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Khuyến thỉnh phẩm 勸請品 (T.02. 0125.19. 0593a23).
2 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.1. 0593a24). Tham chiếu: S. 6.1 - I. 136.
3 Nguyên tác: Ưu-bát liên hoa (優鉢蓮華, uppala).
4 Nguyên tác: Câu-mâu-đầu hoa (拘牟頭華, kumuda).
5 Nguyên tác: Phân-đà-lợi hoa (分陀利華, puṇḍarīka).
6 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.2. 0593b24). Tham chiếu: Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0109.109. 03b02); S. 56.11 - V. 420.
7 Lộc Uyển (鹿苑): Vườn Nai, nơi Thế Tôn lần đầu tiên chuyển pháp luân sau khi thành đạo. Theo Kinh xuất diệu, quyển 14, Lộc Uyển là nơi các thần tiên và những người chứng đắc ngũ thông thường tới lui, không phải chỗ ở của phàm phu, cho nên còn gọi là vườn Tiên Nhân.
8 Nguyên tác: 羅云, 迦葉, 龍; 二難, 大愛道; 誹謗, 非, 梵{法}[請]; 二事最在後. Bài kệ Nhiếp tụng này tóm tắt 8 kinh của phẩm trước và 2 kinh đầu của phẩm này. Dường như có sự bất cập trong việc sắp xếp các bài kệ tóm tắt cũng như phân chia các kinh theo phẩm, điều mà ngài Đạo An đã nói là có hiệu chính lại trong Lời tựa, nhưng hình như việc hiệu chính ấy vẫn chưa hoàn thiện như thấy ở đây.
9 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.3. 0593c13). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.505. 0133b24); M. 37, Cūḷataṇhāsaṅkhaya Sutta (Tiểu kinh đoạn tận ái); A. 7.61 - IV. 85.
10 Câu-dực (拘翼) còn được phiên âm là Kiêu-thi-ca (憍尸迦, Kosiya). Tham chiếu: Tạp (T.02. 0099.1106. 0281a10): Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người là người của dòng tộc Kiêu-thi. Do nhân duyên này nên Thích-đề-hoàn-nhân còn gọi là Kiêu-thi-ca (彼釋提桓因本為★時, 為憍尸族姓★. 以是因緣故, 彼釋提桓因復名憍尸迦).
11 Nguyên tác: Đắc đạo tích (得道跡). Tăng. 增 (T.02. 0125.36.5. 0703b13) viết là Kiến đạo tích (見道跡). DĀ. 14 gọi là Kiến đạo đế (見道諦), tức thấy được dấu đạo, nhận ra chân lý, đồng thời liền đắc Sơ quả Tu-đà-hoàn. Xem thêm SĀ. 604.
12 Tối Thắng giảng đường (最勝講堂, Vejayanta pāsāda): Cung điện Chiến Thắng.
13 Nguyên tác: Giai đầu (階頭, niyyūha): Vọng tháp. Cung điện Chiến Thắng có 100 vọng tháp. Mỗi vọng tháp có 700 ngôi lầu.
14 Nguyên tác: Vô đoạn hoại (無斷壞). Tham chiếu: Phật thuyết Phật mẫu Bảo Đức Tạng Bát-nhã Ba-la-mật kinh 佛說佛母寶德藏般若波羅蜜經 (T.08. 0229.1. 0678c29): Khi Nhất thiết trí thanh tịnh, như cõi hư không không hư hoại (若一切智清淨時, 如虛空界不斷壞).
15 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.4. 0594c13). Tham chiếu: A. 2.59 - I. 77.
16 Lậu tận A-la-hán (漏盡阿羅漢): Bậc A-la-hán đã dứt sạch các phiền não.
17 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.5. 0594c20).
18 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.6. 0594c29).
19 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.7. 0595a09).
20 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.8. 0595a18).
21 Nguyên tác: Nhất thời, Phật tại Xá-vệ quốc Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (一時, 佛在舍衛國祇樹給孤獨🖃). Câu quán ngữ này không phù hợp, vì trong nội dung bài kinh này đã xác định rằng đức Phật đã nhập Niết-bàn (如來以取涅槃). Do y cứ vào đó nên đã sửa lại phần mở đầu.
22 Đại Câu-hy-la (大拘絺羅, Mahākoṭṭhita), một trong những đệ tử ưu tú bậc nhất của đức Phật.
23 Ưu-đạp-lam-phất (優蹋藍弗, Uddaka Rāmaputta) còn gọi là Uất-đầu-lam-phất.
24 La-lặc-ca-lam (羅勒迦藍, Āḷāra Kālāma).
25 Bất dụng xứ (不用處, Ākiñcaññāyatana) còn gọi là Vô sở hữu xứ.
26 Hữu tưởng vô tưởng xứ (有想無想處, Nevasaññā-nāsaññāyatana) còn gọi là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
27 Nguyên tác: Khổ tế (苦際, dukkhassanta): Giới hạn tận cùng của khổ, cũng tức là thân cuối cùng chịu khổ sanh tử. Theo Kinh Trung A-hàm, quyển 15.
28 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.9. 0595b21). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.547. 0141c16); A. 2.38 - I. 62.
29 Nguyên tác: Ma-ha Ca-già-diên (摩訶迦遮延, Mahākaccāna), tức là Ma-ha Ca-chiên-diên.
30 Bà-na (婆那). P. Gundāvana.
31 Gian-trà (姦茶, kaṇḍarāyana).
32 Lão địa (老地, vuddhabhūmi).
33 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.10. 0596a08).
34 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.19.11. 0595c29). Tham chiếu: D. 16. Mahāparinibbāna Sutta (Kinh Đại Bát-niết-bàn).
35 Am-bà-bà-lợi viên (闇婆婆利🖃, Ambapālivana).
36 Am-bà-bà-lợi nữ (闇婆婆利女, Ambapāligaṇikā).
37 Vũ bảo chi xa (羽寶之車): Cỗ xe được trang hoàng bằng 5 loại lông chim quý, là nghi trượng của bậc đế vương. Theo Nhất thiết kinh âm nghĩa 一切經音義 (T.54. 2128.74. 0787b07); Tứ phần luật danh nghĩa tiêu thích 四分律名義標釋 (X.44. 0744.22. 0570c24).
38 Đoạn này tương đương ý kinh trong A. I. 61.
39 Thanh xí (圊廁): Nhà vệ sinh công cộng.
40 Bài kệ này tương đương với bài kệ trong S. I. 33.
41 Nguyên tác Nhiếp tụng: 斷愛及師子; 無智, 少於財; 家貧, 須深, 女; 迦旃, 法說, 女. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
42 Bản Hán, hết quyển 10.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.