Viện Nghiên Cứu Phật Học

 

18. PHẨM TÀM QUÝ1

 

 

1.TÀM QUÝ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai pháp tốt đẹp hộ trì thế gian. Là hai pháp nào? Đó là có tàm và có quý. Này các Tỳ-kheo, nếu không có hai pháp này thì con người ở thế gian sẽ không phân biệt được có cha có mẹ, có anh có em, vợ con, tri thức, tôn trưởng, lớn nhỏ, sẽ tương đồng với sáu loại gia súc như heo, gà, chó, ngựa, bò, dê. Nhờ thế gian có hai pháp này hộ trì nên con người trong thế gian mới phân biệt có cha mẹ, anh em, vợ con, tôn trưởng, lớn nhỏ, lại cũng không giống với sáu loại gia súc.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Cần phải học tập có tàm, có quý. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.CẤT GIẤU VÀ BỐ THÍ3
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế gian có hai hạng người không biết chán đủ cho đến khi chết. Là hai hạng người nào? Đó là hạng người khi có được tài vật thì luôn cất giấu và hạng người khi có được tài vật thì thích chia sẻ cho người khác. Đó gọi là có hai hạng người không biết chán đủ cho đến khi chết.

Bấy giờ, có Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Kính bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa lý tóm lược này! Thế nào là hạng người khi có được tài vật thì luôn cất giấu và hạng người khi có được tài vật thì thích chia sẻ cho người khác? Ngưỡng mong Thế Tôn giảng rộng giúp cho!

Thế Tôn bảo:
– Ta sẽ giảng rộng nghĩa này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

[Các] Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Ở đây, có người thiện nam học các kỹ thuật, như học làm ruộng vườn, viết lách, kế toán, thiên văn, địa lý, xem tướng, hoặc học làm sứ thần hay quan đại thần, không quản ngại nắng rét, đói lạnh, khổ nhọc để tự mưu sanh. Người ấy dốc hết sức làm việc để được tài vật nhưng không dám ăn tiêu, cũng không lo cho vợ con, cũng chẳng cho tôi tớ hay bà con quyến thuộc. Tiền của tuy có được nhưng không cho ai cả. Những tài vật của người ấy có thể sẽ bị vua tước đoạt, hoặc bị giặc cướp đi; hoặc bị lửa thiêu, hoặc bị nước cuốn trôi đến nơi khác, không tìm lại được; hoặc là bị người thân trong nhà làm cho tiêu tán, không thể cất giữ. Này Tỳ-kheo, đây gọi là hạng người khi có được tài vật thì luôn cất giấu.

Thế nào gọi là người khi có được tài vật thì thích chia sẻ cho người khác? Như có người thiện nam học các kỹ thuật, như học làm ruộng vườn, viết lách, kế toán, thiên văn, địa lý, bói tướng, hoặc học làm sứ thần hay quan đại thần, không quản ngại nắng rét, đói lạnh, khổ nhọc để tự mưu sanh. Người ấy dốc hết sức làm việc để được tài vật, lại đem tài vật này phụng dưỡng cha mẹ, chu cấp cho vợ con, cúng dường rộng rãi đến Sa-môn, Bà-la-môn, phân phát cho tôi tớ, bố thí cho chúng sanh, lại còn tạo các công đức, gieo phước cõi trời. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hạng người khi có được tài vật thì thích bố thí.

Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hai hạng người không biết chán đủ. Các thầy hãy tránh xa việc làm của hạng người thứ nhất, có tài vật mà cất giấu; hãy học theo hạnh của hạng người thứ hai, có tài vật mà biết bố thí rộng rãi!

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.THỪA TỰ PHÁP4
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Các thầy hãy là người thừa tự pháp, chớ nên làm kẻ thừa tự tài vật. Vì sao như vậy? Bởi vì các thầy đã được phước báu tốt đẹp. Nếu là đệ tử của Như Lai thì phải cung kính pháp, không tham lợi dưỡng. Người nào tham lợi dưỡng thì có lỗi lớn với Như Lai. Vì sao? Vì những chúng sanh không thấu hiểu giáo pháp, sẽ chê bai lời dạy của Thế Tôn. Đã chê bai lời dạy của Thế Tôn thì về sau không đến được đạo Niết-bàn. Điều đó làm Như Lai cảm thấy hổ thẹn. Vì sao vậy? Vì đệ tử của Như Lai mà lại tham đắm lợi dưỡng, không hành theo giáo pháp, không hiểu rõ giáo pháp, chê bai lời dạy của Thế Tôn, không thuận theo Chánh pháp. Đã chê bai lời dạy của Thế Tôn thì sẽ không đến được đạo Niết-bàn.

Này Tỳ-kheo, các thầy nên tư duy đến thừa tự pháp, chớ nhớ nghĩ đến thừa tự tài vật, các thầy sẽ được tiếng thơm vang khắp bốn phương. Các thầy biết cung kính pháp, không tham tài vật, vậy thì Như Lai không cảm thấy hổ thẹn. Vì sao vậy? Vì đệ tử của Như Lai chỉ mong thừa tự pháp, không tham nghĩ thừa tự vật dục.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nghĩ đến thừa tự pháp, chớ học tập thừa tự tài vật. Này các Tỳ-kheo, Như Lai nói nghĩa này, vì nhân nghĩa gì mà nói duyên này?

[0588a01] Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Kính xin Thế Tôn nói rõ từng việc!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Xưa kia, có một người thỉnh Như Lai đến để cúng dường. Khi ấy, Như Lai có để lại một ít thức ăn, có thể bỏ đi. Bấy giờ, có hai Tỳ-kheo từ phương xa đến, thân thể mệt mỏi, thần sắc bạc nhược. Khi ấy, Như Lai nói với hai Tỳ-kheo kia: “Có thức ăn dư, có thể bỏ đi. Nếu thấy cần thì các thầy cứ tùy ý lấy mà dùng.”

Lúc ấy, một Tỳ-kheo tự nghĩ: “Hôm nay, Thế Tôn có thức ăn dư, có thể bỏ đi, ai cần thì cứ tùy ý lấy dùng. Nếu chúng ta không lấy ăn, thức ăn này cũng sẽ đem bỏ nơi đất sạch, hay bỏ vào trong nước. Vậy nay chúng ta nên dùng nó để ngăn cơn đói, lấy lại sức lực.”

Nhưng sau đó vị Tỳ-kheo ấy lại nghĩ: “Đức Phật cũng từng dạy, hãy sống thừa tự pháp, chớ nghĩ đến thừa tự tài vật. Vì sao vậy? Vì bố thí hơn hết, không gì hơn bố thí tài vật. Nhưng trong đó, bố thí pháp được tôn trọng nhất. Nay ta chịu đựng suốt ngày không ăn, vẫn có thể tự vượt qua, không cần nhận phước từ tín thí kia.” Nghĩ vậy nên Tỳ-kheo ấy quyết định không lấy thức ăn, dù cho thân thể mệt lả hoặc tính mạng bị lâm nguy.

Trong khi ấy, vị Tỳ-kheo còn lại tự mình suy nghĩ: “Thế Tôn còn thức ăn dư, có thể bỏ đi. Nếu chúng ta không lấy dùng sẽ khiến cho thân thể mệt lả. Nay ta nên dùng thức ăn này để ngăn cơn đói, lấy lại sức lực, giúp ta trọn ngày yên ổn.” Thế rồi, Tỳ-kheo kia liền lấy ăn, nhờ vậy sức lực đầy đủ, trọn ngày yên ổn.

Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Tuy vị Tỳ-kheo sau đã nhận thức ăn cúng dường, trừ được cơn đói, sức lực đầy đủ, nhưng không bằng vị Tỳ-kheo trước, đáng kính, đáng quý, rất đáng tôn trọng. Tỳ-kheo ấy tiếng thơm vang xa lâu dài, giữ hạnh tri túc, không tham ăn uống.5 Này các Tỳ-kheo! Hãy học thừa tự pháp, chớ nghĩ đến thừa tự tài vật. Những điều Như Lai vừa nói ở trên, chính do nhân duyên này.

Dạy như vậy xong, Thế Tôn rời chỗ ngồi đứng dậy trở về tịnh thất. Lúc ấy, các Tỳ-kheo lại phân vân: “Vừa rồi Thế Tôn chỉ nói tóm lược những điều cốt yếu, Ngài vẫn chưa giảng rộng mà đã rời chỗ ngồi đứng dậy trở về tịnh thất. Hiện nay trong hội chúng này ai có đủ khả năng giảng rộng nghĩa tóm lược này?”

Bấy giờ, phần lớn các Tỳ-kheo lại nghĩ: “Hiện nay, Tôn giả Xá-lợi-phất là người rất được Thế Tôn khen ngợi. Chúng ta hãy cùng nhau đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất.”

Thế rồi, các Tỳ-kheo liền đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, cùng nhau lễ bái rồi ngồi qua một bên. Sau đó, các Tỳ-kheo đem nghĩa lý đã nghe được từ Thế Tôn trình bày tường tận với Tôn giả Xá-lợi-phất.

[0588b05] Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi các Tỳ-kheo:
– Thế nào là đệ tử Thế Tôn tham đắm lợi dưỡng, không tu tập theo giáo pháp? Thế nào là đệ tử Thế Tôn siêng tu tập giáo pháp, không tham lợi dưỡng?

Lúc đó, các Tỳ-kheo thưa:
– Chúng con từ xa đến đây là muốn thưa hỏi nghĩa lý này để tu tập. Tôn giả Xá-lợi-phất là người có khả năng, xin hãy giảng nói tường tận giúp chúng con.

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
– Tôi sẽ nói rộng nghĩa này, các vị hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo thưa:
– Xin vâng!

Tôn giả Xá-lợi-phất bảo:
– Điều mà đệ tử Thế Tôn cần tu tập chính là sống tịch tĩnh, an định, nhưng chúng đệ tử lại không học theo như vậy. Thế Tôn dạy những pháp cần phải diệt trừ nhưng các Tỳ-kheo cũng không diệt trừ pháp ấy, lại còn ở trong pháp ấy buông lung, khởi các loạn tưởng, việc cần làm thì không chịu làm theo, việc không cần làm thì lại ưa làm.

Này các Hiền giả! Tỳ-kheo trưởng lão cảm thấy hổ thẹn đối với ba việc. Đó là ba việc nào? Một là, Thế Tôn thường ưa thích nơi tịch tĩnh6 nhưng các đệ tử không học theo điều này, nên Tỳ-kheo trưởng lão có sự hổ thẹn. Hai là, Thế Tôn dạy đệ tử phải diệt trừ pháp này nhưng các Tỳ-kheo lại không thực hành theo, nên Tỳ-kheo trưởng lão có sự hổ thẹn. Ba là, các Tỳ-kheo lại ở trong pháp đó mà khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trưởng lão có sự hổ thẹn.

Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trung niên có sự hổ thẹn đối với ba việc. Đó là ba việc nào? Một là, Thế Tôn thường ưa thích nơi tịch tĩnh nhưng các đệ tử không học theo điều này, nên Tỳ-kheo trung niên cảm thấy hổ thẹn. Hai là, Thế Tôn dạy đệ tử phải diệt trừ pháp này nhưng các Tỳ-kheo lại không thực hành theo, nên Tỳ-kheo trung niên có sự hổ thẹn. Ba là, các Tỳ-kheo lại ở trong pháp đó mà khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trung niên có sự hổ thẹn.

Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo tuổi trẻ có sự hổ thẹn đối với ba việc. Đó là ba việc nào? Một là, Thế Tôn thường ưa thích nơi tịch tĩnh nhưng các đệ tử không học theo điều này, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi cảm thấy hổ thẹn. Hai là, Thế Tôn chỉ dạy đệ tử phải diệt trừ pháp này nhưng các Tỳ-kheo lại không thực hành theo, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi có sự hổ thẹn. Ba là, các Tỳ-kheo lại ở trong pháp đó mà khởi niệm loạn tưởng, ý không chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi có sự hổ thẹn.

Này các Hiền giả, đó gọi là tham đắm tài vật, không mong cầu nơi pháp.

[0588c03] Các Tỳ-kheo lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Thế nào là Tỳ-kheo tham cầu pháp, không [tham] đắm tài vật?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Này các Tỳ-kheo, nghĩa là Thế Tôn ưa thích nơi tịch tĩnh thì đệ tử cũng học theo Như Lai mà ưa thích nơi tịch tĩnh. Thế Tôn dạy hãy diệt trừ pháp này thì các Tỳ-kheo liền diệt trừ pháp ấy, không lười biếng, không loạn tưởng, điều đáng làm thì làm theo, điều không nên làm thì sẽ không làm.

Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trưởng lão có ba trường hợp được tiếng khen. Là ba trường hợp nào? Một là, Thế Tôn ưa thích nơi tịch tĩnh, đệ tử cũng ưa thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo trưởng lão có được tiếng khen. Hai là, Thế Tôn dạy hãy diệt trừ pháp này, các Tỳ-kheo liền diệt trừ pháp ấy, nên Tỳ-kheo trưởng lão có được tiếng khen. Ba là, các Tỳ-kheo ở trong pháp đó mà không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trưởng lão có được tiếng khen.

Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trung niên có ba trường hợp được tiếng khen. Là ba trường hợp nào? Một là, Thế Tôn ưa thích nơi tịch tĩnh, đệ tử cũng ưa thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo trung niên có được tiếng khen. Hai là, Thế Tôn dạy hãy diệt trừ pháp này, các Tỳ-kheo liền diệt trừ pháp ấy, nên Tỳ-kheo trung niên có được tiếng khen. Ba là, các Tỳ-kheo ở trong pháp đó mà không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trung niên có được tiếng khen.

Các Hiền giả nên biết, Tỳ-kheo trẻ tuổi có ba trường hợp được tiếng khen. Là ba trường hợp nào? Một là, Thế Tôn ưa thích nơi tịch tĩnh, đệ tử cũng ưa thích nơi tịch tĩnh, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi có được tiếng khen. Hai là, Thế Tôn dạy hãy diệt trừ pháp này, các Tỳ-kheo liền diệt trừ pháp ấy, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi có được tiếng khen. Ba là, các Tỳ-kheo ở trong pháp đó mà không khởi niệm loạn tưởng, ý thường chuyên nhất, nên Tỳ-kheo trẻ tuổi có được tiếng khen.

Các Hiền giả nên biết, tham chính là bệnh, là tai họa rất lớn, sân hận cũng vậy. Ai diệt được tham dâm, sân hận, liền được trung đạo, đắc Pháp nhãn tịnh, trí tuệ phát sanh, dứt hết trói buộc, đạt đến Niết-bàn. Xan tham, tật đố là bệnh, bệnh rất trầm trọng, bị phiền não thiêu đốt. Kiêu mạn sâu dày, lại thêm giả dối, không chân thật, không biết hổ thẹn, không biết xả ly, làm mất chánh hạnh. Mạn và tăng thượng mạn cũng không dứt bỏ. Nếu hai mạn này diệt, liền được trung đạo, đắc Pháp nhãn tịnh, trí tuệ phát sanh, dứt hết trói buộc, đạt đến Niết-bàn.

Tỳ-kheo thưa:
– Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất! Thế nào là được trung đạo, đắc Pháp nhãn tịnh, trí tuệ phát sanh, dứt hết trói buộc, đạt đến Niết-bàn?

Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
– Các Hiền giả nên biết, người thành tựu được tám đạo phẩm của bậc Hiền thánh, đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thì gọi là được trung đạo, đắc Pháp nhãn tịnh, trí tuệ phát sanh, dứt hết trói buộc, đạt đến Niết-bàn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4.TÔN GIẢ CA-DIẾP7
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, đúng thời, Thế Tôn đắp y, ôm bát vào thành La-duyệt khất thực trong một ngõ hẻm. Lúc ấy, tại ngõ hẻm kia có vợ của một Phạm chí muốn cúng dường cơm cho Bà-la-môn nên cô ta đi ra ngoài. Từ xa trông thấy Thế Tôn, cô ta liền đến chỗ Thế Tôn và hỏi:
– Ngài có thấy vị Bà-la-môn nào không?

Lúc này, Tôn giả Đại Ca-diếp đã có mặt tại con hẻm đó từ trước nên Thế Tôn liền đưa tay chỉ Tôn giả Đại Ca-diếp và nói:
– Đó là Bà-la-môn.

Người vợ Phạm chí nhìn chăm chú vào mặt Như Lai, lặng thinh không nói. Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Người không dục, không sân,   
Dứt ngu, chẳng còn si,
A-la-hán lậu tận,                     
Đó gọi là Phạm chí.
Người không dục, không sân,
Dứt ngu, chẳng còn si,
Đã dứt các kiết sử,        
Đó gọi là Phạm chí.
Người không dục, không sân,   
Dứt ngu, chẳng còn si,
Đã trừ mạn, ta, người,         
Đó gọi là Phạm chí.
Người nào muốn biết pháp,      
Do bậc Chánh Giác8 nói,
Hãy chí thành quy y          
Đấng Tối Tôn Vô Thượng.

Nói xong, Thế Tôn bảo Tôn giả Đại Ca-diếp:
– Thầy hãy đến giúp vợ của Phạm chí thoát được tội cũ ngay nơi thân hiện tại. Tôn giả Đại Ca-diếp vâng lời Phật dạy, đến nhà vợ Phạm chí, ngồi vào chỗ ngồi. Khi ấy, vợ Phạm chí kia liền bày biện các món ăn uống ngon bổ để cúng dường Tôn giả Đại Ca-diếp.

Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp liền thọ dụng vật thực. Vì muốn độ người nên Tôn giả đã vì cô ta mà nói kệ chú nguyện này:

Cúng tế, lửa trên hết,               
Kinh thư, tụng9 đứng đầu,
Loài người, vua quý nhất, 
Các dòng, biển tối tôn.
Các sao, trăng sáng nhất,         
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Soi bốn phương, trên dưới,      
Vùng miền, các phương xa.
Cõi trời đến loài người,      
Phật là bậc Tối Thượng,
Người nào muốn cầu phước,    
Nương Chánh Giác quy y.10

Sau khi nghe những lời dạy này, vợ Phạm chí thân tâm hoan hỷ, khôn xiết vui mừng, đến trước Tôn giả Đại Ca-diếp bạch:
– Kính xin Tôn giả nhận lời thỉnh cầu, thường đến thọ thực tại nhà của con!

Thế rồi, Tôn giả Đại Ca-diếp chấp thuận lời mời. Thấy Tôn giả Đại Ca-diếp thọ thực đã xong, vợ Phạm chí liền lấy một chiếc ghế nhỏ đặt ngồi trước ngài. Lúc đó, Tôn giả Đại Ca-diếp lần lượt diễn nói pháp vi diệu cho cô ta nghe. Ngài giảng về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, dứt sạch các lậu là trên hết, xuất ly11 là thiết yếu.

Khi biết rõ người vợ Phạm chí kia tâm ý đã khai mở, Tôn giả Đại Ca-diếp lòng rất vui mừng, liền đem tất cả giáo pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói cho vợ Phạm chí nghe. Bấy giờ, ngay tại chỗ ngồi, vợ Phạm chí tất cả trần cấu đều dứt sạch, được Pháp nhãn tịnh. Như tấm lụa mới trắng tinh, không có bụi bẩn, rất dễ nhuộm màu, vợ Phạm chí cũng giống như vậy, ngay tại chỗ ngồi được Pháp nhãn tịnh. Cô ta đã đắc pháp, thấy pháp, thấu rõ pháp ấy không chút hoài nghi, đến được vô úy, liền xin quy y Tam bảo là Phật, Pháp, Thánh chúng và thọ trì năm giới. Bấy giờ, Tôn giả Đại Ca-diếp một lần nữa thuyết pháp vi diệu cho vợ Phạm chí, rồi rời chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Tôn giả Đại Ca-diếp đi chưa được bao lâu thì ông Phạm chí chồng cô ấy trở về đến nhà. Ông Phạm chí thấy sắc diện vợ tươi vui khác thường, liền hỏi nguyên do. Người vợ đem nhân duyên này kể lại đầy đủ với chồng. Sau khi nghe những lời này xong, Phạm chí liền dẫn vợ cùng đến tinh xá, đến chỗ Thế Tôn. Vị Phạm chí này chào hỏi Thế Tôn rồi ngồi qua một bên, còn cô vợ đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi cũng ngồi qua một bên. Phạm chí bạch Thế Tôn:
– Vừa rồi có vị Bà-la-môn đã đến nhà tôi, hiện giờ không biết ngài ấy ở đâu?

[0589c03] Khi ấy, Tôn giả Đại Ca-diếp ở cách Thế Tôn không xa, đang ngồi kiết-già, giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, tư duy về Diệu pháp.

Thế Tôn từ xa chỉ về Tôn giả Đại Ca-diếp và nói:
– Người này là Tôn trưởng Bà-la-môn.

Ông Phạm chí nói:
– Thưa ngài Cù-đàm, Sa-môn tức là Bà-la-môn ư? Sa-môn và Bà-la-môn lẽ nào không khác nhau?

Thế Tôn bảo:
– Ông muốn nói đến Sa-môn thì chính là bản thân Ta đây. Vì sao như vậy? Vì Ta chính là Sa-môn. Tất cả giới luật mà các Sa-môn phải hành trì thì Ta đều đã làm được. Nay ông muốn bàn về Bà-la-môn thì cũng chính là bản thân Ta đây. Vì sao như vậy? Vì Ta tức là Bà-la-môn. Tất cả những pháp hành mà các Bà-la-môn xưa kia đã vâng giữ thì Ta cũng biết tường tận. Cũng vậy, muốn nói đến Sa-môn thì chính là Đại Ca-diếp. Vì sao như vậy? Vì tất cả giới luật của Sa-môn thì Tỳ-kheo Đại Ca-diếp đều hành trì trọn vẹn. Nay ông muốn bàn về Bà-la-môn thì cũng chính là Tỳ-kheo Đại Ca-diếp. Vì sao như vậy? Vì tất cả cấm giới mà các Bà-la-môn phụng trì thì Tỳ-kheo Đại Ca-diếp đều phụng trì và tường tận.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Ta không bao giờ bảo,             
Phạm chí giỏi chú thuật,
Sẽ sanh lên Phạm thiên,  
Bởi họ còn trói buộc.
Thoát trói, không nẻo sanh, 
Cởi bỏ mọi kiết phược,
Phước cõi trời đã vượt,            
Là Phạm chí, Sa-môn.

Bấy giờ, Phạm chí bạch Thế Tôn:
– Ngài nói kiết phược. Vậy thì những gì gọi là kiết?

Thế Tôn bảo:
– Dục ái là kiết. Sân hận là kiết. Ngu si là kiết. Như Lai không còn dục ái này, đã dứt sạch hoàn toàn. Sân hận, ngu si cũng đã dứt sạch. Như Lai không còn các kiết này.

Phạm chí thưa:
– Kính xin Thế Tôn nói pháp sâu xa vi diệu về sự không còn các kiết phược này!

Bấy giờ, Thế Tôn lần lượt nói pháp vi diệu cho vị Phạm chí kia, như nói về bố thí, trì giới, sanh thiên, dục là bất tịnh, dứt sạch các lậu là trên hết, xuất ly là thiết yếu.

Khi Thế Tôn biết Phạm chí kia tâm ý đã khai mở, trong lòng rất hoan hỷ, liền đem tất cả giáo pháp mà chư Phật thường nói là khổ, tập, diệt, đạo để giảng nói cho Phạm chí nghe. Bấy giờ, Phạm chí ngay tại đó tất cả trần cấu đều dứt sạch, được Pháp nhãn tịnh. Như tấm lụa mới trắng tinh, không có bụi bẩn, rất dễ nhuộm màu, Phạm chí cũng như vậy, ngay tại chỗ ngồi liền đắc Pháp nhãn tịnh. Ông ấy đã đắc pháp, thấy pháp, thấu rõ pháp ấy không chút hoài nghi, đến được vô úy, liền xin quy y Tam bảo là Phật, Pháp, Thánh chúng và thọ trì năm giới, làm đệ tử chân thật của Như Lai, không còn thoái chuyển.

Bấy giờ, vợ chồng Phạm chí kia nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5.THẾ TÔN HÀNG PHỤC VOI DỮ12
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo an trú trong vườn trúc Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.

Bấy giờ, Vua A-xà-thế có con voi tên Na-la-kỳ-lê13 rất hung dữ, dũng mãnh, giỏi đánh bại kẻ thù. Nhờ sức mạnh của con voi này đã khiến khắp nơi đều quy phục đất nước Ma-kiệt.

Lần nọ, Đề-bà-đạt-đa đi đến chỗ Vua A-xà-thế rồi nói như vầy:
– Đại vương nên biết, nay con voi hung dữ này có khả năng hàng phục các kẻ thù. Chúng ta hãy dùng rượu mạnh chuốc cho nó say. Sáng mai, Sa-môn Cù-đàm chắc chắn sẽ vào thành khất thực, lúc ấy hãy thả voi say này để giẫm chết ông ta!

Nghe theo lời xúi giục của Đề-bà-đạt-đa, Vua A-xà-thế liền truyền lệnh đến dân chúng trong nước: “Sáng sớm ngày mai [ta] sẽ thả voi say, cấm người dân đi lại mọi ngả đường trong thành.”

Rồi Đề-bà-đạt-đa nói với Vua A-xà-thế:
– Nếu Sa-môn Cù-đàm kia có Nhất thiết trí,14 biết được việc tương lai thì ngày mai ắt sẽ không vào thành khất thực.

Vua A-xà-thế nói:
– Đúng như lời ngài nói, nếu người có Nhất thiết trí thì sáng sớm ngày mai sẽ không vào thành khất thực.

Bấy giờ, tất cả nam nữ, già trẻ trong thành La-duyệt đều kính phụng Phật. Hay tin Vua A-xà-thế sớm mai sẽ thả voi say để hại Như Lai thì mọi người đều lo lắng. Họ cùng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên rồi bạch Thế Tôn:
– Sáng sớm ngày mai xin Thế Tôn chớ vào thành! Bởi vì hôm nay Vua A-xà-thế có truyền lệnh rằng: “Ngày mai, tất cả người dân trong thành không được đi lại nơi các ngả đường. Trẫm muốn thả voi say để hại Sa-môn Cù-đàm. Nếu Sa-môn Cù-đàm có Nhất thiết trí thì sáng sớm ngày mai sẽ không vào thành khất thực.” Vì vậy, kính xin Thế Tôn chớ vào thành nữa! Nếu Như Lai bị hại thì chẳng khác nào thế gian mất đi một con mắt, sẽ không còn ai cứu giúp.

[0590b01] Thế Tôn bảo:
– Thôi, thôi! Các ưu-bà-tắc chớ có buồn lo. Vì sao như vậy? Vì thân của Như Lai không giống như thân phàm tục, cho nên hoàn toàn không có việc bị người khác làm tổn hại. Các ưu-bà-tắc nên biết, đất đai cõi Diêm-phù-đề từ Đông sang Tây rộng bảy ngàn do-tuần, từ Nam đến Bắc dài hai mươi mốt ngàn do-tuần. Cõi Cù-da-ni15 dài và rộng tám ngàn do-tuần, có dáng giống như hình bán nguyệt. Phất-vu-đãi16 dài và rộng chín ngàn do-tuần, đất đai vuông vức. Uất-đan-việt dài và rộng mười ngàn do-tuần, thế đất hình tròn như trăng tròn đầy. Cho dù khắp bốn châu thiên hạ này nơi đâu cũng có đầy voi say, nhiều như lúa mè, cây cối trong rừng, nhưng cũng không thể tổn thương Như Lai dù chỉ mảy may, huống gì có thể hại Như Lai được sao. Không bao giờ có việc đó.

Ngoài bốn thiên hạ ra, lại còn có ngàn thiên hạ, ngàn mặt trời, mặt trăng, ngàn núi Tu-di, ngàn nước bốn biển, ngàn Diêm-phù-đề, ngàn Cù-da-ni, ngàn Phất-vu-đãi, ngàn Uất-đan-việt, ngàn Tứ Thiên Vương, ngàn cõi trời Ba Mươi Ba, ngàn cõi trời Đâu-suất, ngàn cõi trời Diệm, ngàn cõi trời Hóa Tự Tại, ngàn cõi trời Tha Hóa Tự Tại, đây gọi là ngàn thế giới. Cho đến hai ngàn thế giới, đây gọi là trung thiên thế giới. Cho đến ba ngàn thế giới, đây gọi là tam thiên đại thiên thế giới. Cho dù trong đó có đầy dẫy long vương Y-la-bát đi chăng nữa, cũng vẫn không thể tổn thương đến Như Lai dù chỉ mảy may, huống gì chỉ một con voi này mà muốn hại Như Lai được sao? Không bao giờ có chuyện đó. Vì sao như vậy? Vì thần lực của Như Lai là không thể nghĩ bàn. Như Lai xuất hiện ở đời, vĩnh viễn không ai có thể làm tổn hại được. Các vị hãy trở về nhà. Như Lai tự biết xử trí.

Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp vi diệu rộng rãi cho bốn bộ chúng. Các ưu- bà-tắc, ưu-bà-di sau khi nghe Chánh pháp xong, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi ra về.

Sáng sớm hôm sau, Thế Tôn đắp y, ôm bát chuẩn bị vào thành La-duyệt khất thực. Khi ấy Thiên vương Đề-đầu-lại-tra17 dẫn chúng càn-thát-bà, v.v... từ phương Đông đến để theo hầu Thế Tôn. Lại có Thiên vương Tỳ-lưu-lặc18 dẫn chúng câu-bàn-trà, từ phương Nam đến để theo hầu Như Lai. Ở phương Tây có Thiên vương Tỳ-lưu-lặc-xoa19 dẫn các chúng rồng đến theo hầu Như Lai. Phương Bắc thì có Thiên vương Câu-tỳ-la20 dẫn chúng quỷ la-sát đến để theo hầu Như Lai. Lại có Thích-đề-hoàn-nhân dẫn hàng ngàn vạn chúng chư thiên biến mất từ trời Đâu-suất mà hiện đến chỗ Thế Tôn. Lại có Phạm thiên vương dẫn hàng ngàn vạn chúng Phạm thiên từ cõi Phạm thiên đến chỗ Thế Tôn. Bấy giờ, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng hai mươi tám thiên nhân và đại quỷ thần vương nói với nhau: “Hôm nay, chúng ta phải xem thần voi và rồng đấu nhau. Ai là người thắng, ai là kẻ bại?”

[0590c04] Lúc này, bốn bộ chúng trong thành La-duyệt từ xa trông thấy Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo vào thành khất thực, người dân khắp thành đều lớn tiếng tung hô. Vua A-xà-thế nghe được âm thanh này, liền hỏi tùy tùng:

– Đó là âm thanh gì mà vang đến tận nơi đây?

Cận thần đáp:
– Đó là tiếng tung hô của dân chúng khi thấy Như Lai vào thành khất thực.

Vua A-xà-thế nói:
– Sa-môn Cù-đàm không có Thánh đạo, cũng không biết được tâm người, hãy tạo biến cố để thử nghiệm xem sao.

Vua A-xà-thế liền bảo người huấn luyện voi:
– Khanh hãy mau cho voi uống rượu mạnh và để vòi quấn thanh kiếm bén, rồi lập tức thả cho nó chạy!

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn các Tỳ-kheo đi đến cửa thành, vừa nhấc chân bước vào cửa thì đất trời rúng động mạnh, các vị trời và thần ở giữa hư không tung xuống các loại hoa. Khi ấy, năm trăm vị Tỳ-kheo nhìn thấy voi say lao đến, liền bỏ chạy tứ tán, không còn biết phương hướng. Bấy giờ, con voi dữ kia từ xa nhìn thấy Như Lai, nó liền lao đến. Thấy voi say đang lao đến, thị giả A-nan theo sau Thế Tôn lòng thấy bất an, bèn bạch Thế Tôn:
– Voi này rất hung dữ, sợ sẽ làm hại Như Lai. Cần phải tránh xa nó!

Thế Tôn bảo:
– A-nan, chớ sợ! Nay Như Lai sẽ dùng thần lực để hàng phục voi này.

Thế rồi, Thế Tôn quan sát con voi hung hãn đang lao đến một khoảng cách vừa tầm, không gần cũng không xa, Ngài liền biến hóa ra các sư tử chúa vây ở hai bên voi và sau lưng nó là hầm lửa lớn. Nhìn thấy hai bên có sư tử chúa và ngay phía sau là hầm lửa lớn, con voi dữ kia sợ đến vãi phẩn tiểu, không còn đường tháo chạy, đành tiến đến trước Như Lai.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ này:

Ngươi chớ hại loài Rồng,        
Rồng hiện rất khó gặp,
Nhờ không hại đến Rồng,   
Mà được sanh chỗ thiện.

Khi nghe Thế Tôn nói kệ này, voi dữ cảm giác như bị lửa đốt, liền tự nhả thanh kiếm, đến trước Như Lai, sụp quỳ hai gối sát đất, rồi lấy vòi liếm chân Như Lai. Lúc này, Thế Tôn đưa tay phải xoa đầu voi và nói:

Sân hận đọa địa ngục,             
Làm rắn, rết, súc sanh,
Nên phải trừ sân hận,      
Khỏi thọ thân các loài.

Bấy giờ, các vị thiên thần ở giữa hư không dùng trăm ngàn loài hoa tung rải trên Như Lai. Khi đó, Thế Tôn nói pháp vi diệu cho bốn bộ chúng cùng trời, rồng, quỷ thần. Sau khi thấy Phật hàng phục voi dữ, hơn sáu vạn thiện nam tín nữ được dứt sạch mọi trần cấu, đắc Pháp nhãn tịnh, tám vạn chư thiên cũng đắc Pháp nhãn tịnh. Lúc đó, trong thân voi say kia khởi lên ngọn gió bén như dao kiếm, khiến voi ngã ra chết, rồi sanh về cung trời Tứ Thiên Vương.

Bấy giờ, bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, cùng với trời, rồng, quỷ thần nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6.TỲ-KHEO NAN-ĐÀ21
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà đắp y rất đẹp, màu sắc chói mắt, mang đôi giày viền bằng vàng, lại còn tô vẽ hai mắt, tay ôm bình bát, đi vào thành Xá-vệ.

Khi ấy, có các Tỳ-kheo từ xa nhìn thấy Tôn giả Nan-đà đắp y rất đẹp đi vào thành Xá-vệ khất thực, liền đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Lát sau, các Tỳ-kheo liền rời chỗ ngồi, đến bạch Thế Tôn:
– Vừa rồi Tỳ-kheo Nan-đà đắp y đẹp lộng lẫy, màu sắc chói mắt, đi vào thành Xá-vệ khất thực, thưa Thế Tôn!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
– Thầy hãy nhanh chóng đến nói với Tỳ-kheo Nan-đà là Như Lai cho gọi.

Tỳ-kheo kia đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Tỳ-kheo kia vâng lời, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi đi đến chỗ Tỳ-kheo Nan- đà. Đến nơi, vị Tỳ-kheo này nói với Tỳ-kheo Nan-đà:
– Thế Tôn gọi thầy!

Nghe Tỳ-kheo kia nói vậy, Nan-đà liền đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, Nan- đà đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, Thế Tôn bảo Nan-đà:
– Hôm nay, cớ sao thầy lại đắp y thật đẹp và mang giày viền bằng vàng để vào thành Xá-vệ khất thực?

Tôn giả Nan-đà im lặng không nói. Thế Tôn lại bảo:
– Sao vậy Nan-đà? Lẽ nào thầy không phải vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo ư?

Nan-đà thưa:
– Thật vậy, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:
– Thầy là nam tử thuộc dòng hào tộc mà không hành theo giới luật. Vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo nhưng sao lại đắp y thật đẹp và trau chuốt ngoại hình để vào thành Xá-vệ khất thực. Vậy thì thầy đâu có khác gì những kẻ bạch y kia?

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Bao giờ Ta mới thấy,               
Nan-đà ưa thanh nhàn,
Tâm vui pháp Sa-môn,   
Khổ hạnh đạt Niết-bàn.

– Nan-đà! Từ nay thầy chớ làm những việc như vậy nữa!

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà cùng bốn bộ chúng nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7.HÓA ĐỘ NAN-ĐÀ22
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà không kham nổi đời sống Phạm hạnh nên có ý định xả bỏ pháp y để sống đời bạch y. Lúc ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Tỳ-kheo Nan-đà không kham nổi đời sống Phạm hạnh, muốn xả bỏ pháp y để sống đời tại gia.

Thế Tôn liền bảo một thầy Tỳ-kheo:
– Thầy hãy đến chỗ Nan-đà nói là Như Lai cho gọi!

Tỳ-kheo kia đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Tỳ-kheo kia vâng lời Thế Tôn, rời chỗ ngồi đứng dậy, lễ sát chân Phật và lui ra, rồi đến chỗ Tỳ-kheo Nan-đà kia, nói:
– Thế Tôn cho gọi thầy!

Nan-đà đáp:
– Xin vâng!

Bấy giờ, Tỳ-kheo Nan-đà đi theo vị Tỳ-kheo này cùng đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.

Thế Tôn hỏi Nan-đà:
– Sao vậy Nan-đà! Thầy không thích tu Phạm hạnh, muốn xả bỏ pháp y để sống đời bạch y sao?

Nan-đà thưa:
– Thật vậy, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn hỏi:
– Vì sao vậy Nan-đà?

Nan-đà thưa:
– Vì lòng dục của con quá mạnh, không thể tự kiềm chế!

Thế Tôn bảo:
– Sao thế Nan-đà? Chẳng phải thầy là nam tử dòng hào tộc xuất gia học đạo ư?

Nan-đà thưa:
– Thật vậy, Thế Tôn! Con là nam tử dòng hào tộc, vì lòng tin kiên cố mà xuất gia học đạo.

Thế Tôn bảo:
– Thầy là nam tử dòng hào tộc thì chẳng nên như vậy. Đã lìa xa gia đình để xuất gia học đạo, tu hạnh thanh tịnh, do duyên cớ gì mà thầy lại từ bỏ Chánh pháp, muốn sống đời ô trược? Nan-đà nên biết! Có hai pháp không biết chán đủ. Nếu người nào sống theo hai pháp này thì không bao giờ biết chán đủ. Là hai pháp nào? Đó là dâm dục và uống rượu. Đó gọi là hai pháp không biết chán đủ. Nếu người nào vướng vào hai pháp này thì không bao giờ biết chán đủ. Do nghiệp quả này khiến không thể đạt đến chỗ vô vi. Cho nên, này Nan-đà! Thầy phải tâm niệm từ bỏ hai pháp này thì về sau nhất định sẽ thành tựu quả báo vô lậu. Nan-đà! Nay thầy hãy khéo tu Phạm hạnh, bởi vì đường đến đạo quả thảy đều do đây.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nhà lợp không kín,                 
Trời mưa sẽ dột,
Người không hành trì,             
Sinh tham, sân, si.
Nhà khéo lợp kín,               
Trời mưa không dột,
Người khéo hành trì,               
Dứt tham, sân, si.

Thế Tôn lại tự nghĩ: “Nam tử dòng hào tộc này tâm dục quá nhiều. Nay Ta nên dùng lửa để dập tắt lửa.”

Thế rồi, Thế Tôn liền dùng thần lực nắm tay Nan-đà, chỉ trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, Ngài đã đưa Nan-đà lên đỉnh Hương Sơn. Bấy giờ, trên núi có một hang đá, trong đó có một con khỉ mù đang ở. Thế Tôn tay phải nắm tay Nan-đà bảo:
– Nan-đà, thầy có thấy con khỉ mù này không?

Đáp:
– Có thấy, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn bảo:
– Bên nào đẹp? Cô gái Tôn-đà-lợi họ Thích xinh đẹp hay con khỉ mù này xinh đẹp?

Nan-đà thưa:
– Giống như có người đả thương lỗ mũi con chó xấu xí, lại còn bôi thêm chất độc vào, khiến con chó kia càng thêm xấu xí. Ở đây cũng vậy, cô gái Tôn- đà-lợi họ Thích, nếu đem so sánh với con khỉ mù thì không thể nào so được. Giống như đống lửa lớn đốt cháy núi rừng mà còn bỏ thêm củi khô vào thì lửa càng hừng hực. Ở đây cũng vậy, con nhớ cô gái dòng họ Thích kia, lòng không hề nguôi.

Bấy giờ, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, Thế Tôn dẫn theo Nan- đà biến khỏi núi này, hiện đến cõi trời Ba Mươi Ba. Khi ấy, chư thiên trên cõi trời này đều tụ tập tại giảng đường Thiện Pháp. Cách giảng đường Thiện Pháp không xa, lại có cung điện với năm trăm ngọc nữ đang vui đùa với nhau, ở đây toàn là người nữ không có người nam. Nan-đà từ xa trông thấy năm trăm thiên nữ tự đánh đàn ca hát, vui đùa với nhau, bèn hỏi Thế Tôn:
– Đây là nơi nào mà có năm trăm thiên nữ đánh đàn ca hát, vui đùa với nhau?

Thế Tôn bảo:
– Nan-đà, thầy tự đến đó hỏi đi!

Tôn giả Nan-đà liền đến chỗ năm trăm thiên nữ, nhìn thấy cung điện, nhà cửa kia trải hàng trăm thứ tọa cụ tốt, ở đây chỉ có người nữ không có người nam. Tôn giả Nan-đà hỏi một thiên nữ:
– Các cô là thiên nữ thế nào mà chơi đùa với nhau vui vẻ như thế?

Thiên nữ đáp:
– Chúng thiếp có năm trăm người, thảy đều thanh tịnh, chưa có chồng. Chúng tôi nghe nói có đệ tử Thế Tôn tên là Nan-đà, là con của di mẫu đức Phật, đang tu Phạm hạnh thanh tịnh ở chỗ Như Lai. Sau khi qua đời, thầy ấy sẽ sanh về cõi này làm chồng của chúng tôi, cùng vui đùa với nhau.

Lúc này, Tôn giả Nan-đà vô cùng mừng rỡ, phấn khích tột cùng, liền suy nghĩ: “Hiện tại ta là đệ tử Thế Tôn, lại là con di mẫu. Những thiên nữ này đều sẽ làm vợ ta.” Thế rồi, Nan-đà quay về chỗ Thế Tôn.

Thế Tôn hỏi:
– Thế nào Nan-đà, các ngọc nữ kia nói gì?

Nan-đà thưa:
– Các ngọc nữ kia nói: “Chúng thiếp đều chưa có chồng. Nghe nói có đệ tử Thế Tôn tên Nan-đà, con di mẫu Phật khéo tu Phạm hạnh, sau khi qua đời sẽ sanh về đây.”

Thế Tôn bảo:
– Nan-đà! Ý thầy thế nào?

Nan-đà thưa:
– Bấy giờ, con tự suy nghĩ: “Mình là đệ tử Thế Tôn, lại là con của di mẫu đức Phật. Tất cả thiên nữ này đều sẽ làm vợ mình.”

Thế Tôn bảo:
– Thích thật, Nan-đà! Hãy khéo tu Phạm hạnh, Ta sẽ xác chứng cho thầy để năm trăm người nữ này đều sẽ thuộc về thầy.

Thế Tôn lại bảo:
– Thế nào Nan-đà, cô gái Tôn-đà-lợi họ Thích xinh đẹp, hay là năm trăm thiên nữ này xinh đẹp?

Nan-đà thưa:
– Như con khỉ mù trên đỉnh núi đứng trước mặt nàng Tôn-đà-lợi thì nó chẳng chút xinh đẹp, không chút lộng lẫy. Ở đây cũng vậy, Tôn-đà-lợi nếu đứng trước mặt những thiên nữ kia, nàng ấy cũng chẳng chút xinh đẹp, lộng lẫy.

Thế Tôn bảo:
– Thầy khéo tu Phạm hạnh, Như Lai sẽ xác chứng cho thầy có được năm trăm thiên nữ này.

Thế Tôn lại nghĩ: “Nay Ta sẽ dùng lửa để dập tắt lửa của Nan-đà.” Trong khoảnh khắc như lực sĩ co duỗi cánh tay, Thế Tôn tay phải cầm cánh tay Nan- đà, đưa đến địa ngục. Bấy giờ, chúng sanh trong địa ngục đang chịu biết bao đau khổ. Khi ấy, trong địa ngục kia có một cái vạc lớn trống rỗng không người. Nan-đà nhìn thấy, lòng rất sợ hãi, mình nổi gai ốc, đến trước Thế Tôn và bạch:
– Các chúng sanh ở trong địa ngục này đều chịu khổ đau, chỉ riêng cái vạc này vẫn còn trống rỗng chưa có người!

Thế Tôn bảo:
– Đây gọi là địa ngục A-tỳ.

Bấy giờ, Nan-đà càng thêm khiếp sợ, thân nổi gai ốc, bạch Thế Tôn:
– Đây là địa ngục A-tỳ, nhưng sao riêng cái vạc này còn trống, không có tội nhân?

Thế Tôn bảo:
– Nan-đà, thầy tự đến đó hỏi xem!

Tôn giả Nan-đà liền đến đó hỏi:
– Sao vậy cai ngục, đây là ngục gì? Vì sao ngục này trống không, chưa có người?

Cai ngục đáp:
– Tỳ-kheo nên biết, đệ tử đức Phật Thích-ca tên là Nan-đà, đang tịnh tu Phạm hạnh ở chỗ Như Lai. Sau khi qua đời, ông ấy sanh về cõi trời tốt lành, sống lâu ngàn tuổi, tự vui đùa khoái lạc. Sau khi qua đời ở đó, ông ta sẽ rơi vào trong địa ngục A-tỳ này. Cái vạc trống này chính là dành cho ông ấy.

Tôn giả Nan-đà nghe xong những lời này, lòng rất lo sợ, thân nổi gai ốc, liền nghĩ: “Cái vạc trống này chính là dành cho ta ư?” Rồi trở lại chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân và bạch Phật:
– Xin Thế Tôn cho con sám hối, tội lỗi là do con, không lo tu Phạm hạnh lại còn phiền quấy Như Lai!

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà, liền nói kệ:

Đời người đâu đủ quý,            
Phước trời hết, cũng tàn,
Địa ngục khổ vô vàn,        
Niết-bàn vui hơn cả.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Nan-đà:
– Lành thay, lành thay! Đúng như lời thầy nói, Niết-bàn là vui hơn cả. Này Nan-đà! Như Lai cho phép thầy sám hối. Người mê muội như thầy đã tự biết có lỗi với Như Lai, nay Như Lai chấp thuận cho thầy sám hối, về sau chớ tái phạm.

Bấy giờ, trong khoảnh khắc như co duỗi cánh tay, Thế Tôn dắt Nan-đà biến [mất] khỏi địa ngục, trở về đến vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, ở thành Xá-vệ. Lúc đó, Thế Tôn bảo Nan-đà:
– Này Nan-đà! Nay thầy hãy tu tập hai pháp. Là hai pháp gì? Đó là pháp chỉ và pháp quán. Lại phải tu thêm hai pháp. Là hai pháp gì? Đó là thấu rõ sanh tử không đáng vui và nhận biết Niết-bàn là an lạc. Đó là hai pháp. Lại tu thêm hai pháp. Là hai pháp gì? Đó là trí và biện.

Bấy giờ, Thế Tôn đem những pháp này giảng nói cho Nan-đà. Sau khi lãnh thọ lời Thế Tôn dạy xong, Tôn giả Nan-đà từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi rời đi. Đến rừng An-đà, Tôn giả ngồi kiết-già bên một gốc cây, giữ thân ngay thẳng, tâm không loạn động, buộc niệm trước mặt, tư duy lời dạy này của Như Lai.

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà ở nơi vắng vẻ, thường tư duy lời dạy của Như Lai, không phút xao lãng, vì mục đích mà con nhà hào tộc do lòng tin kiên cố xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng, cho đến biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Lúc bấy giờ, Tôn giả Nan-đà liền thành A-la-hán.

Sau khi thành A-la-hán, Tôn giả Nan-đà rời chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Tôn giả bạch Thế Tôn:
– Thế Tôn trước đây có hứa sẽ cho đệ tử năm trăm thiên nữ, nay con xin từ bỏ hết!

Thế Tôn bảo:
– Nay thầy sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu. Ta sẽ bỏ lời hứa! Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nay Như Lai đã thấy,              
Thầy hành pháp Sa-môn,
Xấu ác thảy không còn,           
Khổ hạnh không hề mất.

Lúc đó, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Người đắc A-la-hán, nay chính là Tỳ-kheo Nan-đà. Không còn tham, sân, si cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.ĐẠI ÁI ĐẠO23
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong dân chúng Thích-ca24 tại vườn Ni-câu-lưu, thuộc thành Ca-tỳ-la-vệ.

Bấy giờ, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di25 đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi bạch Thế Tôn:
– Ngưỡng mong Thế Tôn giữ gìn sức khỏe để mãi giáo hóa chúng sanh ngu tối!

Thế Tôn bảo:
– Cù-đàm-di! Không nên nói như vậy với Như Lai. Như Lai thọ rất lâu, luôn biết chăm sóc bản thân.

Bấy giờ, Đại Ái Đạo Cù-đàm-di liền dùng kệ thưa:

Kính lễ bậc Tối Thắng,            
Vượt hơn hẳn thế gian,
Mọi hồ nghi khéo đoạn,   
Do đâu dạy như vậy?

Bấy giờ, Thế Tôn lại dùng kệ đáp:

Ý tinh tấn luôn đủ,                  
Tâm dũng mãnh hằng đầy,
Xem Thanh văn bình đẳng,  
Đó là lễ Như Lai.

Thế rồi, Đại Ái Đạo bạch Thế Tôn:
– Từ nay về sau, con luôn kính lễ Thế Tôn. Thế Tôn đã dạy: “Hãy xem tất cả chúng sanh với tâm bình đẳng.” Trong cõi trời, loài người, cho đến cõi a-tu-la, Như Lai là tối thượng.

Khi ấy, Thế Tôn hứa khả lời thưa của Đại Ái Đạo. Bà liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui về.

Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
– Trong hàng Thanh văn của Ta, đệ tử bậc nhất biết rộng hiểu nhiều chính là Đại Ái Đạo.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.PHỈ BÁNG VÀ KHÔNG PHỈ BÁNG26
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Nếu có hai hạng người này, trong chúng sẽ phát sanh phỉ báng Như Lai. Là hai hạng người nào? Một là, hạng người cho phi pháp là pháp. Hai là, hạng người cho pháp là phi pháp. Đó là hai hạng người phỉ báng Như Lai.

Lại có hai hạng người không phỉ báng Như Lai. Là hai hạng người nào? Một là, hạng người đối với phi pháp thì cho là phi pháp. Hai là, hạng người đối với thật pháp thì cho là thật pháp. Đó là hai hạng người không phỉ báng Như Lai.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Phi pháp thì phải nói là phi pháp, thật pháp thì nên nói là thật pháp.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10.KHEN NGỢI ĐÚNG PHÁP27
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Độc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai hạng người được phước vô lượng. Là hai hạng người nào? Một là, hạng người khen ngợi điều đáng khen ngợi. Hai là, hạng người không khen ngợi điều không đáng khen ngợi. Đó là hai hạng người được phước vô lượng.

Lại có hai hạng người chịu tội vô lượng. Là hai hạng người nào? Một là, hạng người đối với điều đáng khen ngợi thì lại chê bai. Hai là, hạng người đối với điều không đáng khen ngợi thì lại khen ngợi.

Này các Tỳ-kheo, chớ học theo hạng thứ hai này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe đức Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.28

***

Chú thích
1 Nguyên tác: Tàm quý phẩm 慚愧品 (T.02. 0125.18. 0587b05).
2 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.1. 0587b06). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1243. 0340c22); A. 2.9 - I. 51: Hirottappa.
3 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.2. 0587b16). Tham chiếu: A. 2.9 - I. 51.
4 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.3. 0587c16). Tham chiếu: Cầu pháp kinh 求法經 (T.01. 0026.88. 0569c23); M. 3, Dhammadāyāda Sutta (Kinh thừa tự pháp).
5 Nguyên tác: Dị mãn (易滿). A-tỳ-đàm Tỳ-bà-sa luận 阿毘曇毘婆沙論 (T.28. 1546.22. 0164c24) định nghĩa: Thế nào gọi là dị mãn? Đáp: Không tham lam ăn uống gọi là dị mãn (云何易滿?答曰: 不多食,不多飲是也).
6 Nguyên tác: Tịch tĩnh chi xứ (寂靜之處, viveka), nghĩa là sống đời ẩn dật, viễn ly.
7 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.4. 0589a09).
8 Nguyên tác: Tam Phật (三佛, Sambuddha) tức là đức Phật Chánh Giác.
9 Tụng (頌) chỉ cho các thể loại kệ tụng trong văn chương Ấn Độ cổ đại nói chung.
10 Bài kệ này tương tự như bài kệ trong Kinh thừa sự Như Lai, số 5, phẩm 34, tr. 533 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.34.5. 0694a20).
11 Nguyên tác: Xuất gia (出家, nekkhamma). Đây chỉ cho sự xuất ly hay ly dục.
12 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.5. 0590a08). Tham chiếu: Cv. 7.3.2.
13 Na-la-kỳ-lê (那羅祇梨, Nālāgiri).
14 Nhất thiết trí (一切智): Trí thấu rõ tất cả các pháp.
15 Cù-da-ni (瞿耶尼) còn gọi là Cù-đà-ni (瞿陀尼), tức là Tây Ngưu Hóa châu (西牛貨洲, Goyāniya hoặc Aparagoyāna).
16 Phất-vu-đãi (弗于逮, Videha), ngài Huyền Trang dịch là Tỳ-đề-ha (毘提訶), tức cõi Đông Thắng Thần châu (東勝神洲, Pubbavideha).
17 Đề-đầu-lại-tra (提頭賴吒, Dhataraṭṭha) còn gọi là Trì Quốc Thiên vương (持國天王).
18 Tỳ-lưu-lặc (毘留勒, Virūḷhaka) còn gọi là Tăng Trưởng Thiên vương (增長天王).
19 Tỳ-lưu-lặc-xoa (毘留波叉, Virūpakkha) còn gọi là Quảng Mục Thiên vương (廣目天王).
20 Câu-tỳ-la (拘毘羅, Vessavaṇa) còn gọi là Tỳ-sa-môn Thiên vương (毘沙門天王) hoặc Đa Văn Thiên vương (多聞天王).
21 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.6. 0591a08). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1067. 0277a10); S. 21.8 - II. 281.
22 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.7. 0591b04). Tham chiếu: DhA. 1.9.
23 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.8. 0592c10).
24 Nguyên tác: Thích-sí-sấu (釋翅瘦, Sakkesu), trong dân chúng Thích-ca. Ở đây, Sakka (Thích-ca) + esu (Hán dịch là “sấu” chỉ cho nơi chốn, số nhiều) = Sakkesu (trong dân chúng Thích-ca).
25 Đại Ái Đạo Cù-đàm-di (大愛道瞿曇彌, Mahāpajāpatī Gotamī): Di mẫu của đức Phật.
26 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.9. 0592c29). Tham chiếu: A. 2.25/26 - I. 60.
27 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.18.10. 0593a09). Tham chiếu: A. 2.134 - I. 88.
28 Bản Hán, hết quyển 9.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.