Viện Nghiên Cứu Phật Học

16. PHẨM LỬA TẮT1

 

 

1.TÔN GIẢ NAN-ĐÀ2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà ở trong vườn Tượng Hoa, tại thành Xá-vệ. Khi đang ở chốn thanh vắng, Tôn giả Nan-đà tự nghĩ: “Như Lai ức kiếp mới thị hiện ở đời, rất là hiếm có, thật sự khó gặp. Trải qua thời gian lâu xa Như Lai mới xuất hiện. Như loài hoa Ưu-đàm-bát rất lâu mới nở một lần. Cũng vậy, Như Lai ức kiếp mới thị hiện ở đời, rất là hiếm có, thật sự khó gặp. Để đạt được điều này cũng rất khó, đó là tất cả các hành đều dừng nghỉ, các ái hoàn toàn dứt sạch, không còn nhiễm ô, được diệt tận, Niết-bàn.”

Bấy giờ, có một thiên ma3 biết được những ý nghĩ trong tâm của Tôn giả Nan-đà, liền đến chỗ nàng Tôn-đà-lợi thuộc dòng họ Thích, ở giữa hư không, dùng kệ báo tin:

Cô hãy vui, trang điểm,           
Tấu đủ nhạc ngũ dục,
Nan-đà bỏ pháp phục,      
Sẽ đến cùng hưởng vui.

Sau khi nghe lời nhắn của thiên ma này, nàng Tôn-đà-lợi dòng họ Thích vui mừng hớn hở, phấn khởi vô cùng, liền tự trang điểm, sửa soạn nhà cửa, trải tọa cụ tốt, trỗi nhạc ca múa, giống như lúc Nan-đà còn ở tục gia.

Lúc này, Vua Ba-tư-nặc đang ở tại giảng đường Phổ Hội, nghe tin Tỳ-kheo Nan-đà trả lại pháp phục, trở về đời sống tục gia, bởi vì có vị trời ở giữa hư không báo tin với người vợ ông ấy như vậy. Nghe được những lời này, Vua Ba-tư-nặc trong lòng rất buồn, liền ngự xe voi trắng, tiến thẳng đến khu vườn Tượng Hoa. Đến nơi, từ xa nhìn thấy Tôn giả Nan-đà, vua liền tiến đến bên cạnh, đảnh lễ sát chân rồi lui ngồi một bên.

[0578b04] Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà hỏi Vua Ba-tư-nặc:

– Đại vương, sao đến nơi này với sắc diện khác lạ như thế? Ngài đến chỗ tôi hẳn có việc gì chăng?

Vua Ba-tư-nặc đáp:

– Thưa Tôn giả! Khi nãy tại giảng đường Phổ Hội, trẫm hay tin Tôn giả xả bỏ pháp phục trở về đời sống tục gia. Vì biết tin này nên trẫm vội đến đây. Chưa rõ Tôn giả xác tín việc ấy thế nào?

Lúc đó, Tôn giả Nan-đà mỉm cười và từ tốn nói với vua:

– Không đích thân thấy nghe, Đại vương dựa vào đâu mà quả quyết như thế? Lẽ nào ngài chưa nghe Như Lai chứng tri cho tôi đã dứt trừ các kiết sử và như thật biết rõ: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa, đã thành A-la-hán, tâm được giải thoát” ư?

Vua Ba-tư-nặc thưa:
– Trẫm chưa nghe Như Lai chứng tri cho Tỳ-kheo Nan-đà sanh tử đã chấm dứt, chứng đắc A-la-hán, tâm được giải thoát. Vì sao vậy? Bởi vì có vị trời đến báo cho nàng Tôn-đà-lợi dòng họ Thích sự việc như vậy, sau khi nghe tin ấy, nàng Tôn-đà-lợi liền trỗi kỹ nhạc, trang điểm phục sức, trải tọa cụ tốt. Trẫm nghe thế nên mới vội đến đây.

Tôn giả Nan-đà nói với vua:
– Không đích thân thấy nghe, Đại vương dựa vào đâu mà quả quyết như thế? Tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, không ai là không vui với niềm vui tịch tĩnh, niềm vui thiện thệ, niềm vui của Sa-môn, niềm vui Niết-bàn này mà không tự thân quán sát hầm lửa dục lạc. Đã thấy rõ rồi, lại còn lao vào thì thật phi lý!

Quán sát thân này, xương như xích khóa, thịt tựa đá chồng, dục lạc như mật dính trên dao bén, tham chút lợi nhỏ sẽ không tránh khỏi họa lớn về sau. Như cây trĩu quả, dễ khiến gãy cành, như đã vay mượn thì phải sớm trả, như đầm lầy lớn cắm đầy kiếm nhọn, như thuốc độc hại, như lá cây độc, như hoa quả độc. Đã thấy dâm dục hiểm nguy như vậy mà tâm còn đắm trước thì thật phi lý!

Nếu không quán sát hầm lửa dục lạc, cho đến hiểm nguy như hoa quả độc mà muốn vượt qua dục lưu,4 hữu lưu,5 kiến lưu6 và vô minh lưu7 thì không bao giờ vượt được. Đã không vượt qua dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu mà lại muốn vào cảnh giới Vô dư Niết-bàn mà nhập diệt8 thì không bao giờ có việc này.

Đại vương nên biết, tất cả Sa-môn, Bà-la-môn đã quán biết niềm vui tịch tĩnh, niềm vui thiện thệ, niềm vui Sa-môn, niềm vui Niết-bàn này thì không còn tham đắm dục lạc. Các vị ấy nhờ quán sát nên hiểu rõ hầm lửa dâm dục, do xương kết nối, nhờ thịt chất chồng, dục lạc như mật dính trên dao bén, như cây trĩu quả, dễ khiến gãy cành; như mượn chốc lát, lại như rừng kiếm, chẳng khác cây độc, như thuốc độc hại. Khi đã quán sát thấy rõ điều này, họ liền thấu tỏ đầu mối dấy khởi lửa dục, vị ấy liền vượt qua được dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu. Điều này là chắc chắn. Các vị ấy đã vượt qua dục lưu, hữu lưu, kiến lưu và vô minh lưu. Đây là lẽ tất nhiên.

Thế nào Đại vương, ngài thấy biết thế nào lại quả quyết như thế? Thưa Đại vương, nay tôi đã thành A-la-hán, sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa, tâm đã được giải thoát.

[0578c11] Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc lòng đầy hoan hỷ, thiện tâm phát sanh, liền bạch với Tôn giả Nan-đà:
– Nay trẫm không còn mảy may nghi ngờ nào nữa, biết chắc rằng Tôn giả đã thành A-la-hán. Giờ đây trẫm xin được cáo từ, vì bận nhiều việc nước.

Tôn giả Nan-đà đáp:
– Nay đã đúng lúc.

Vua Ba-tư-nặc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân rồi cáo lui ra về. Vua Ba-tư-nặc đi chưa bao lâu, thiên ma kia lại đến chỗ Tôn giả Nan-đà, đứng giữa hư không, dùng lời kệ này dụ dỗ Tôn giả Nan-đà:

Phu nhân mặt tựa trăng,           
Thân đeo ngọc, bạc, vàng,
Nhớ vẻ đẹp của nàng,     
Thường vui nhạc ngũ dục.
Gảy đàn, trống, hát ca,      
Giọng âm thật hòa nhã,
Mọi sầu lo dứt cả,                   
Rừng này có gì vui?

Bấy giờ, Tôn giả Nan-đà liền suy nghĩ và nhận ra đây là thiên ma. Biết rõ như vậy nên Tôn giả bèn dùng kệ đáp trả:

Xưa tâm ta đã từng                  
Tham dục không biết chán,
Bị dâm dục buộc ràng,    
Nào hay già, bệnh, chết.
Ta đã qua hố dục,                    
Hết vấy bẩn, nhiễm ô,
Vinh hoa toàn là khổ,           
Chỉ vui pháp chân như.
Nay ta hết kiết sử,            
Dứt sạch dâm, nộ, si,
Dục lạc đã đoạn trừ,                
Kẻ ngu nên biết thế.

Sau khi nghe những lời này, thiên ma lòng đầy buồn rầu, liền biến mất. Bấy giờ, các Tỳ-kheo đem nhân duyên này bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Thế

Tôn liền nói với các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo đoan chánh không ai hơn Tỳ-kheo Nan-đà, các căn thanh bạch cũng chính là Tỳ-kheo Nan-đà, không có tâm dục cũng là Tỳ-kheo Nan-đà, không có sân hận cũng là Tỳ-kheo Nan-đà, không còn ngu muội cũng là Tỳ- kheo Nan-đà, thành A-la-hán cũng là Tỳ-kheo Nan-đà. Vì sao vậy? Vì Tỳ-kheo Nan-đà đoan chánh, các căn tịch tĩnh.

Thế Tôn lại bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử Thanh văn của Như Lai, người đoan chánh bậc nhất chính là Tỳ-kheo Nan-đà, người có các căn tịch tĩnh cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2.NIẾT-BÀN GIỚI9
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai loại Niết-bàn giới.10 Đó là Hữu dư Niết-bàn giới11 và Vô dư Niết- bàn giới.12 Thế nào gọi là Hữu dư Niết-bàn giới? Nghĩa là Tỳ-kheo đã diệt năm hạ phần kiết sử, sẽ Bát-niết-bàn nơi kia và không còn trở lại thế gian này nữa. Đó gọi là Hữu dư Niết-bàn giới. Thế nào gọi là Vô dư Niết-bàn giới? Nghĩa là Tỳ-kheo dứt sạch hữu lậu, trở thành vô lậu, được tâm giải thoát, được tuệ giải thoát, tự thân tác chứng rồi tự an trú và biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Đó gọi là Vô dư Niết-bàn giới. Đây là hai loại Niết-bàn giới.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để đạt đến Vô dư Niết- bàn giới. Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3.VÍ DỤ LOÀI QUẠ13
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Như Lai sẽ nói thí dụ về loài quạ, cũng sẽ nói thí dụ về loài heo. Các thầy hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ, Như Lai sẽ giảng nói.

Các Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời, đức Phật dạy:
– Thế nào là người được ví như loài quạ? Giống như có người ở nơi vắng vẻ, thường sống theo thói dâm dục, tạo các nghiệp xấu ác, sau đó hổ thẹn, tự mình hối lỗi và bộc bạch với người khác về những việc đã làm. Vì sao vậy? Vì sợ bị những vị đồng Phạm hạnh biết được mà chê trách rằng: “Người này theo thói dâm dục, làm các việc xấu ác, sau khi làm các việc xấu ác rồi, tự biết hổ thẹn, hối lỗi với người.” Giống như loài quạ kia thường chịu nạn đói khổ, đành ăn những thứ nhơ bẩn rồi vội vàng quẹt mỏ, sợ loài chim khác nhìn thấy sẽ chê bai loài quạ này ăn đồ nhơ bẩn. Đây cũng như vậy, nếu có người nào ở nơi vắng vẻ, thường học thói dâm dục, làm các việc xấu ác, sau đó hổ thẹn, tự mình hối lỗi, bộc bạch với người khác về những việc đã làm. Vì sao vậy? Vì sợ bị những vị đồng Phạm hạnh biết được mà chê trách rằng: “Người này theo thói dâm dục, làm các việc xấu ác.” Đó gọi là hạng người giống như loài quạ.

Thế nào là người được ví như loài heo? Có người sống nơi vắng vẻ, mãi học theo thói dâm dục, làm các việc xấu ác, nhưng không biết hổ thẹn, cũng không hối lỗi, lại tự khen mình trước mọi người, luôn cống cao, tự đắc, khoe khoang bản thân được hưởng thú vui ngũ dục, còn những người khác thì không. Kẻ ấy đã tự làm những việc xấu ác, lại không biết hổ thẹn. Người này được ví như loài heo, thường ăn thức ăn uế tạp, nằm chỗ nhơ bẩn, chạy loăng quăng theo các con heo khác. Ở đây cũng vậy, có người sống nơi vắng vẻ, mãi học theo thói dâm dục, làm các việc xấu ác, nhưng không biết hổ thẹn, cũng không hối lỗi, lại tự khen mình trước mọi người, luôn cống cao, tự đắc, khoe khoang bản thân được hưởng thú vui ngũ dục, còn những người khác thì không. Đó gọi là hạng người ví như loài heo.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy trừ bỏ, hãy tránh xa việc làm này. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4.VÍ DỤ CON LỪA14
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Như Lai sẽ nói đến hạng người giống loài lừa và hạng người giống loài bò, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời, đức Phật liền dạy:
– Thế nào gọi là hạng người giống loài lừa? Như có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Thế nhưng, bấy giờ người ấy các căn không định tĩnh, mắt vừa thấy sắc liền duyên theo mà khởi sắc tưởng, rồi tơ tưởng đủ điều. Do nhãn căn không thanh tịnh nên sanh ra các loạn tưởng, không thể chế ngự, những pháp xấu ác đồng loạt kéo đến, cũng không thể phòng hộ được nhãn căn. Hoặc khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, duyên theo đó mà sanh khởi nhận thức sai lầm rồi tơ tưởng đủ điều. Lúc này ý căn không thanh tịnh nên sanh ra các loạn tưởng, không thể chế ngự, những pháp xấu ác đồng loạt kéo đến, cũng không thể phòng hộ được ý căn, đến nỗi mất hết oai nghi lễ tiết, đi đứng, tiến lùi, co duỗi, cúi ngước, đắp y, ôm bát đều trái với giới cấm, liền bị những bạn đồng Phạm hạnh thấy biết bèn chê trách: “Ôi, người ngu này tợ như Sa-môn!”; lại bị hạch tội: “Nếu là Sa-môn, lẽ ra không nên như vậy.” Kẻ kia lại chống chế: “Tôi cũng là Sa-môn! Tôi cũng là Sa-môn!” Giống như con lừa lạc trong đàn bò rồi tự bảo: “Ta cũng là bò! Ta cũng là bò!” Nhưng rõ ràng hai lỗ tai của nó lại không hề giống con bò, sừng cũng không giống, đuôi cũng không giống, cho đến tiếng kêu và tất cả đều khác. Bấy giờ, đàn bò kia hoặc dùng sừng húc, hoặc lấy chân đá, hoặc dùng miệng cắn con lừa này. Nay Tỳ-kheo này cũng lại như vậy, các căn không định tĩnh, mắt vừa thấy sắc liền duyên theo mà khởi sắc tưởng, rồi tơ tưởng đủ điều. Do nhãn căn không thanh tịnh nên sanh ra các loạn tưởng, không thể chế ngự, những pháp xấu ác đồng loạt kéo đến, cũng không thể phòng hộ nhãn căn. Hoặc khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp, duyên theo đó mà sanh khởi nhận thức sai lầm rồi tơ tưởng đủ điều. Lúc này ý căn không thanh tịnh nên sanh ra các loạn tưởng, không thể chế ngự, những pháp xấu ác đồng loạt kéo đến, cũng không thể phòng hộ ý căn, đến nỗi mất hết oai nghi lễ tiết, đi đứng, tiến lùi, co duỗi, cúi ngước, đắp y, ôm bát đều trái với giới cấm, lại bị những bạn đồng Phạm hạnh thấy biết chê trách: “Ôi, người ngu này tợ như Sa-môn!”; lại bị hạch tội: “Nếu là Sa-môn, lẽ ra không nên như vậy.” Kẻ kia lại chống chế: “Tôi là Sa-môn!” Giống như con lừa lạc trong đàn bò. Đó gọi là hạng người giống con lừa.

Thế nào gọi là hạng người giống với loài bò? Như có người cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo. Bấy giờ, người này các căn định tĩnh, ăn uống biết tiết chế, kinh hành cả ngày chưa từng lìa bỏ, tâm ý luôn nhớ nghĩ đến ba mươi bảy đạo phẩm. Khi mắt thấy sắc, người ấy không khởi sắc tưởng, không khởi niệm tơ tưởng đủ điều. Bấy giờ, nhãn căn thanh tịnh, sanh khởi những niệm thiện, cũng khéo chế ngự, không còn các niệm xấu ác, thường phòng hộ nhãn căn. Hoặc khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp nhưng không sanh khởi nhận thức sai lầm. Bấy giờ, ý căn được thanh tịnh. Người này liền đến chỗ các vị đồng Phạm hạnh. Các vị đồng Phạm hạnh từ xa trông thấy, ai cũng gọi to: “Quý thay, đồng học!” và tùy thời cúng dường không để thiếu hụt. Giống như con bò tốt ở lẫn trong đàn bò và tự bảo: “Ta là bò!” Vì lông, đuôi, tai, sừng, tiếng kêu của nó thảy đều đúng là loài bò. Những con bò khác nhìn thấy đều đến liếm mình nó. Ở đây cũng như vậy, người này cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo với niềm tin kiên cố. Bấy giờ, các căn người này tịch tĩnh, ăn uống biết tiết chế, kinh hành suốt ngày chưa từng lìa bỏ, ý luôn nghĩ đến ba mươi bảy đạo phẩm. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không khởi sắc tưởng, không khởi niệm tơ tưởng đủ điều. Bấy giờ, nhãn căn được thanh tịnh, sanh khởi các niệm thiện, cũng khéo biết chế ngự, không còn những niệm xấu ác, thường phòng hộ nhãn căn. Hoặc khi tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý biết pháp nhưng không sanh khởi nhận thức sai lầm. Bấy giờ, ý căn được thanh tịnh. Đây gọi là hạng người giống loài bò.

Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập hạnh như loài bò, chớ nên theo thói con lừa.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5.THIỆN VÀ BẤT THIỆN15
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Như Lai sẽ nói về hạnh thiện và bất thiện, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!

Thế Tôn dạy:
– Thế nào gọi là bất thiện? Thế nào gọi là thiện? Sát sanh là bất thiện, không sát sanh là thiện; không cho mà lấy là bất thiện, cho mới nhận là thiện; dâm là bất thiện, không dâm là thiện; nói dối là bất thiện, không nói dối là thiện; nói thêm bớt là bất thiện, không nói thêm bớt là thiện; nói lưỡi đôi chiều là bất thiện, không nói lưỡi đôi chiều là thiện; nói hai chiều là bất thiện, không nói hai chiều là thiện;16 tham của người khác là bất thiện, không tham của người khác là thiện; tà kiến là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như thế, này các Tỳ-kheo, nếu ai tạo các nghiệp xấu ác này, sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu người nào hành thiện, liền sanh về cõi người, cõi trời và các đường lành trong cõi a-tu-la. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy xa lìa việc xấu ác, tu tập hạnh lành.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Nên học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

6.HAI PHÁP17
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ nói pháp vi diệu cho các thầy, phần đầu thiện, phần giữa thiện, cho đến phần cuối cũng thiện, có nghĩa, có văn,18 hoàn toàn thanh tịnh, thành tựu Phạm hạnh.19 Đó là hai pháp. Nay Như Lai sẽ giảng nói đầy đủ, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!

Sau khi các Tỳ-kheo vâng lời, Thế Tôn liền dạy:
– Thế nào là hai pháp? Đó là tà kiến và chánh kiến, tà tư duy và chánh tư duy, tà ngữ và chánh ngữ, tà nghiệp và chánh nghiệp, tà mạng và chánh mạng, tà tinh tấn và chánh tinh tấn, tà niệm và chánh niệm, tà định và chánh định. Này các Tỳ-kheo, đó gọi là hai pháp. Nay Như Lai đã giảng nói hai pháp này cho các thầy nghe. Những điều Như Lai cần làm, nay đã làm xong. Các thầy hãy khéo suy nghĩ, khéo tập tụng, chớ có biếng nhác. Nếu không hành trì ngay hôm nay, về sau hối tiếc thì cũng đã muộn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7.PHÁP SOI SÁNG20
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nay Như Lai sẽ nói về pháp soi sáng, cũng sẽ nói về những hạnh nghiệp thú hướng đến đạo nhờ sự soi sáng này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!

Các Tỳ-kheo thưa:
– Kính vâng, bạch Thế Tôn!

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Thế nào gọi là soi sáng? Nghĩa là tham dâm, sân hận và ngu si đã hoàn toàn dứt sạch. Thế nào gọi là những hạnh nghiệp thú hướng đến đạo nhờ sự soi sáng này? Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đó là những hạnh nghiệp thú hướng đến đạo nhờ sự soi sáng này. Như Lai đã vì các thầy mà nói về sự soi sáng, cũng nói về những hạnh nghiệp thú hướng đến đạo nhờ sự soi sáng này. Những việc Như Lai cần làm, nay đã làm xong. Các thầy hãy khéo suy nghĩ, tập tụng, chớ có biếng nhác. Nếu không hành trì ngay hôm nay, về sau hối tiếc thì cũng đã muộn.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8.HAI LỰC21
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Có hai loại sức mạnh. Đó là hai loại nào? Là sức mạnh của nhẫn nhục và sức mạnh của tư duy. Nếu Như Lai không có hai sức mạnh này thì không thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Lại nữa, nếu không có hai sức mạnh này, Như Lai đã không thể khổ hạnh sáu năm ở xứ Ưu-lưu-tỳ,22 cũng không thể hàng phục ma oán, an trụ nơi đạo tràng mà thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân. Vì Như Lai có lực nhẫn nhục và lực tư duy này nên mới có thể hàng phục quân ma, an trụ nơi đạo tràng mà thành tựu đạo Vô thượng Chánh chân.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy tìm cầu phương tiện để tu tập sức mạnh nhẫn nhục và sức mạnh tư duy để thành tựu đạo quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, từ Vô dư Niết-bàn giới mà thể nhập Bát-niết-bàn.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9.TÔN GIẢ A-NA-LUẬT23

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật đang ở tại quê hương của mình là nước Câu-thi- na-kiệt.24 Lúc ấy, Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng năm trăm chư thiên và hai mươi tám đại quỷ thần vương đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật. Đến nơi, họ đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, sau đó dùng lời kệ này khen ngợi A-na-luật:

Kính lễ bậc Thượng nhân, 
Đấng muôn người tôn kính,
Nay chúng tôi không biết,  
Ngài đang trú thiền nào?

Khi ấy, lại có Phạm chí tên Xà-bạt-tra, là đệ tử của Phạm-ma-du, cũng đi đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân, ngồi qua một bên, rồi hỏi Tôn giả A-na-luật rằng:
– Xưa kia tôi sống trong vương cung nhưng chưa từng nghe mùi hương tự nhiên này. Chắc hẳn có người nào đến nơi đây? Là trời, rồng, quỷ thần, người hay loài chẳng phải người?

Tôn giả A-na-luật nói với vị Phạm chí:
– Vừa rồi có Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng năm trăm chư thiên và hai mươi tám đại quỷ thần vương đồng đến chỗ tôi, đảnh lễ sát chân, đứng qua một bên, rồi dùng lời kệ này ca ngợi tôi:

Kính lễ bậc Thượng nhân, 
Đấng muôn người tôn kính,
Nay chúng tôi không biết,  
Ngài đang trú thiền nào?

Phạm chí lại hỏi:
– Sao tôi không thấy bóng dáng họ đâu cả? Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương đang ở chỗ nào?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Vì ông không có thiên nhãn cho nên không thấy được Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng năm trăm chư thiên và hai mươi tám đại quỷ thần vương.

Phạm chí hỏi:
– Nếu tôi có thiên nhãn thì sẽ thấy được Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng năm trăm chư thiên và hai mươi tám đại quỷ thần vương ư?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Nếu ông có thiên nhãn, ông sẽ thấy được Đế-thích, Phạm thiên, Tứ Thiên Vương cùng năm trăm chư thiên và hai mươi tám đại quỷ thần vương. Tuy nhiên, này Phạm chí, thiên nhãn này cũng đâu có gì kỳ lạ. Có vị Phạm thiên tên là Thiên Nhãn. Ông ấy thấy được khắp ngàn thế giới này giống như người có mắt sáng ngắm nhìn vương miện của mình đang đặt trong lòng bàn tay. Vị Phạm thiên này cũng như vậy, có thể nhìn thấy ngàn thế giới này mà không chút chướng ngại. Tuy nhiên, vị Phạm thiên này lại không thể tự thấy phục sức mình đang mặc.

Phạm chí hỏi:
– Vì sao Phạm thiên Thiên Nhãn không thể tự thấy phục sức trên người mình?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Vì vị Phạm thiên kia không có con mắt trí tuệ vô thượng nên không thể tự thấy phục sức trên người mình.

Phạm chí hỏi:
– Nếu tôi được con mắt trí tuệ vô thượng thì có thể nhìn thấy phục sức trên thân mình hay không?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Nếu ông có con mắt trí tuệ vô thượng, ông có thể thấy được phục sức trên thân mình.

Phạm chí thưa:
– Xin Tôn giả giảng nói pháp vi diệu cho tôi nghe để tôi đạt được mắt trí tuệ vô thượng!

Tôn giả A-na-luật hỏi:
– Ông có giới không?

Phạm chí hỏi:
– Thế nào là giới?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Không làm các việc ác, không phạm điều phi pháp.

Phạm chí thưa:
– Giới là như vậy thì tôi xin được phụng trì giới này.

Tôn giả A-na-luật nói:
– Này Phạm chí, nay ông hãy giữ gìn giới cấm, chớ để mảy may sai sót, lại còn phải dứt trừ kiết sử kiêu mạn, chớ có khởi tưởng chấp trước ngô ngã.25

Lúc đó, Phạm chí lại hỏi Tôn giả A-na-luật:
– Thế nào là ngô? Thế nào là ngã? Thế nào là kiết sử kiêu mạn?

Tôn giả A-na-luật đáp:
– Ngô là thần thức, ngã là toàn bộ hình thể. Ngay trong đó khởi phân biệt có ngô ngã, đó chính là kiết sử kiêu mạn.

Cho nên, này Phạm chí! Hãy tìm cầu phương tiện dứt trừ các kiết sử này. Thật vậy Phạm chí! Hãy học tập điều này.

Phạm chí liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Tôn giả A-na-luật, nhiễu quanh ba vòng rồi rời đi. Trên đường trở về nhà, ông luôn suy nghĩ về nghĩa này, nhân đó các trần cấu đều sạch, liền đắc Pháp nhãn tịnh.26

Bấy giờ, có vị trời là bạn thân trước đây của Phạm chí này, biết tâm của Phạm chí nay đã dứt sạch mọi trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Vị trời kia lại đến chỗ Tôn giả A-na-luật, đảnh lễ sát chân rồi đứng qua một bên, sau đó dùng lời kệ này khen ngợi Tôn giả A-na-luật:

Phạm chí chưa đến nhà,           
Giữa đường đã thấy đạo,
Cấu sạch, đắc nhãn tịnh,   
Hết do dự, dứt nghi.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật dùng kệ đáp lời:

Ta vốn biết ông ấy,                 
Giữa đường sẽ chứng đạo,
Vì thời Phật Ca-diếp,       
Đã từng nghe pháp này.

Bấy giờ, Tôn giả A-na-luật rời khỏi trụ xứ ấy, du hành trong nhân gian, đi dần đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ngồi một bên. Khi ấy, Thế Tôn liền đem giáo pháp truyền dạy đầy đủ cho Tôn giả A-na-luật. Sau khi lãnh thọ lời Phật dạy, Tôn giả A-na-luật liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Phật rồi lui ra.

Bấy giờ, đức Phật bảo các Tỳ-kheo:
– Trong hàng đệ tử Thanh văn của Như Lai, người được thiên nhãn bậc nhất chính là Tỳ-kheo A-na-luật.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

10.PHẬT DẠY LA-VÂN27
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Tôn giả La-vân tuy nghiêm trì giới cấm, không chút trái phạm, tội nhỏ còn tránh nói gì đến tội lớn, thế nhưng trong tâm vẫn chưa thoát khỏi hữu lậu. Khi ấy, các Tỳ-kheo đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân, lui ngồi một bên, rồi bạch:
– Bạch Thế Tôn! Tỳ-kheo La-vân nghiêm trì giới cấm, không chút sai phạm, nhưng sao tâm thầy ấy vẫn chưa thoát khỏi hữu lậu.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói bài kệ:

Giữ giới luật trọn vẹn,             
Làm tịch tịnh các căn,
Tất cả các kiết sử,            
Dần dần sẽ tiêu trừ.

Cho nên, này các Tỳ-kheo! Hãy luôn ghi nhớ tu tập theo Chánh pháp, không để thiếu sót.

Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.

Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:28

Nan-đà, Niết-bàn, Ô,               
Lư, Bất thiện hữu nhị,
Chúc cập Nhẫn tư duy,      
Phạm chí cập La-vân.

 

Chú thích
1 Nguyên tác: Hỏa diệt phẩm 火滅品 (T.02. 0125.16. 0578a12).
2 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.1. 0578a13). Tham chiếu: Thag. 2.19.
3 Nguyên tác: Ma hạng thiên tử (魔行天子), còn gọi là thiên tử ma (天子魔). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.85.68. 0533c21-0534a06), là một trong bốn loại ma, gồm phiền não ma (煩惱魔), ngũ chúng ma (五眾魔), tử ma (死魔) và thiên tử ma (天子魔). Thiên tử ma là vua của dục giới, do dính mắc sâu dày dục lạc thế gian và xem đó là sở đắc nên sanh tà kiến, ganh tị với hết thảy Hiền thánh, đạo pháp, Niết-bàn nên gọi là thiên tử ma (天子魔者, 欲界主, 深著世間樂, 用有所得故生邪見, 憎嫉一切賢聖涅槃道法, 是名天子魔).
4 Dục lưu (欲流, kāmaogha): Những phiền não trói buộc khiến chúng sanh lưu chuyển trong cõi dục.
5 Hữu lưu (有流, bhavogha): Những phiền não tham, mạn, nghi trói buộc khiến chúng sanh lưu chuyển trong cõi sắc và cõi vô sắc.
6 Kiến lưu (見流, diṭṭhogha): Những nhận thức sai lầm, tà kiến.
7 Vô minh lưu (無明流, avijjogha): Ngu si là thứ phiền não khiến chúng sanh trôi lăn mãi trong ba cõi.
8 Bát-niết-bàn (般涅槃, Parinibbāna): Niết-bàn tối hậu, không còn dư báo sắc thân.
9 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.2. 0579a12). Tham chiếu: It. 38, 44.
10 Niết-bàn giới (涅槃界, Nibbānadhātu): Cảnh giới Niết-bàn.
11 Hữu dư Niết-bàn giới (有餘涅槃界). It. 38 giải thích: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc, khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn giới có dư y” (HT. Thích Minh Châu dịch).
12 Vô dư Niết-bàn giới (無餘涅槃界). It. 38 giải thích: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ, ưa thích sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn giới không có dư y” (HT. Thích Minh Châu dịch).
13 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.3. 0579a24).
14 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.4. 0579b21). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.828. 0212b18); A. 3.82 - I. 229.
15 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.5. 0580a16).
16 Nguyên tác: Vọng ngữ... ỷ ngữ... lưỡng thiệt... đấu loạn bỉ thử (妄語... 綺語... 兩舌... 鬪亂彼此). Nói hai chiều và chia rẽ đôi bên (兩舌... 鬪亂彼此) thực chất chỉ là một vấn đề. Nguyên tác không đề cập đến ác khẩu (惡口), là một trong 4 yếu tố quan trọng của khẩu nghiệp. Khiếm khuyết này giống trường hợp ở Kinh nói dối, số 7, phẩm 14, tr. 122 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.14.7. 0576c09). Trong khi đó ở Kinh Tu-bồ-đề, số 3, phẩm 51, tr. 966 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.51.3. 0816b20) lại ghi đầy đủ: 妄言, 綺語, 惡口, 兩舌鬪亂彼此.
17 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.6. 0580b02).
18 Nguyên tác: Hữu vị (有味). Vị (味), ngoài nghĩa mùi vị, còn mang nghĩa văn từ (byañjana).
19 Nguyên tác: Đắc tu cụ túc Phạm hạnh chi pháp (得修具足梵行之法). Tham chiếu: Kinh thành lũy ở biên cương, số 4, phẩm 39, tr. 657 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.39.4. 0730c01): 具足清淨, 得修梵行. Xem thêm MĀ. 3: 具足清淨顯現梵行; SĀ. 53: 純一滿淨梵行清白. Bản dịch dựa trên những cơ sở tham chiếu này.
20 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.7. 0580b15).
21 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.8. 0580b26).
22 Ưu-lưu-tỳ (優留毘, Uruvela).
23 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.9. 0580c09).
24 Câu-thi-na-kiệt quốc (拘尸那竭國, Kusinārā).
25 Nguyên tác: Mạc kế ngô ngã nhiễm trước chi tưởng (莫計吾我染著之想). Ngô ngã (吾我) chỉ cho tự ngã, bản ngã độc tôn. Tham chiếu: DĀ. 5: 不恃吾我憍慢之心.
26 Pháp nhãn tịnh (法眼淨): Con mắt pháp thanh tịnh, nhìn thấy rõ chân đế.
27 Tựa đề được đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.16.10. 0581b15).
28 Nguyên tác Nhiếp tụng: 難陀, 涅槃, 烏; 驢, 不善有二; 燭及忍思惟; 梵志及羅雲. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.