Viện Nghiên Cứu Phật Học

13. PHẨM LỢI DƯỠNG1

 

 

1. BỎ ĐẠO VÌ LỢI DƯỠNG2
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Nhận lợi dưỡng của thí chủ thật sự không dễ dàng vì sẽ khiến con người không đến được cảnh giới vô vi. Vì sao như vậy? Vì nếu không tham lợi dưỡng thì Tỳ-kheo Tu-la-đà3 sẽ không bao giờ ở trong pháp của Như Lai mà xả bỏ ba y để trở về sống đời tục gia.
[0571b02] Trước đây, Tỳ-kheo Tu-la-đà vốn tu theo hạnh A-lan-nhã, đến giờ thì đi khất thực, ngồi một lần ăn một bữa, hoặc ăn đúng ngọ; hoặc ngồi bên gốc cây, hoặc ngồi nơi đất trống, thích nơi yên tĩnh; khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y; hoặc thích sống nơi bãi tha ma, siêng tu khổ hạnh, hành hạnh Đầu-đà này. Nhưng về sau, Tỳ-kheo Tu-la-đà thường nhận đủ loại thức ăn ngon ngọt, được cúng dường mỗi ngày từ Quốc vương Bồ-hô.4
Thế rồi Tỳ-kheo ấy khởi tâm đắm nhiễm thức ăn nên dần dà rời xa hạnh A-lan- nhã, không còn thực hành pháp tu: Đến giờ thì khất thực, ngồi một lần ăn một bữa, ăn đúng giờ ngọ; ngồi bên gốc cây, hoặc ngồi nơi đất trống, thích nơi yên tĩnh; khoác y năm mảnh, hoặc trì ba y; hoặc thích sống nơi bãi tha ma, siêng tu khổ hạnh. Sau khi xa rời các hạnh này, ông ấy lại từ bỏ ba y, trở về thế tục, hành nghề đồ tể mổ bò, sát sanh vô số, không thể tính kể, nên sau khi qua đời ông ta đọa vào địa ngục.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy quán sát việc này để biết rõ lợi dưỡng thật sự rất nặng, khiến cho con người không đến được với đạo Vô thượng Chánh chân. Nếu tâm tham lợi dưỡng chưa sanh hãy chế ngự chớ để sanh khởi, còn nếu đã sanh thì phải tìm cách trừ diệt.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***
 

2. THAM VỊ NGON5
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy diệt trừ một pháp, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành tựu thần thông,6 dứt sạch các lậu. Một pháp đó là gì? Ðó là tham đắm vị ngon. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy diệt trừ tâm tham đắm mùi vị, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành tựu thần thông, dứt sạch các lậu.
Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Chúng sanh đắm vị ngon,  
Chết đọa trong cõi ác,
Từ bỏ tâm đắm này,    
Liền thành A-la-hán.

Thế nên, này các thầy Tỳ-kheo! Phải diệt trừ niệm tưởng tham đắm vị ngon. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. KẺ ĐI TÌM CON7
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, trong thành Xá-vệ có một trưởng giả vừa mất một đứa con trai mà ông rất mực yêu thương, chưa từng rời xa. Thấy con đã chết, ông liền phát điên, lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi: “Có thấy con tôi không?”
[0571c03] Thế rồi, ông ấy đi dần đến tinh xá Kỳ Hoàn, đến chỗ Thế Tôn và đứng một bên. Bấy giờ, ông ta bạch với Thế Tôn:
–    Sa-môn Cù-đàm! Ngài có thấy con tôi không?
Thế Tôn hỏi lại trưởng giả:
–    Sao mặt mày ông bơ phờ, tướng mạo thất thần thế kia?
Trưởng giả thưa:
–    Bạch Cù-đàm, sao tôi không ủ dột hốc hác được? Tôi chỉ có đứa con trai duy nhất, bởi vô thường đến nên nó bỏ tôi ra đi. Tôi rất yêu thương nó, chưa từng rời mắt. Vì quá thương tiếc đứa con này nên tôi phát điên. Nay xin hỏi Sa- môn Cù-đàm có thấy con của tôi ở đâu không?
Thế Tôn bảo:
–    Thật vậy trưởng giả! Đúng như những gì ông hỏi. Sanh, già, bệnh, chết là lẽ thường ở thế gian. Thương yêu mà chia lìa là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ. Đứa con trai rời bỏ ông vô thường như vậy, làm sao ông không thương tiếc được?
Bấy giờ, nghe Thế Tôn giảng nói, nhưng ông ấy lại không để tâm nên chẳng nhớ được gì rồi bỏ đi. Trên đường gặp ai, ông cũng vặn hỏi: “Sa-môn Cù-đàm bảo rằng, thương yêu mà chia lìa sẽ được vui vẻ. Cù-đàm nói như vậy, thật sự có đúng không?”
Người đi đường đáp:
–    Thương yêu mà chia lìa thì làm sao vui được?
Ngay lúc đó, cách thành Xá-vệ không xa, có nhiều người đang đánh bạc với nhau. Bấy giờ, ông ta liền suy nghĩ: “Những người đàn ông này thông minh trí tuệ, không việc gì không biết. Nay ta nên đến hỏi họ việc này.”
Thế rồi ông ta đến chỗ đánh bạc, hỏi mọi người:
–    Sa-môn Cù-đàm bảo tôi rằng: “Thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ. Đây [đều] là niềm vui.” Theo các ông thì thế nào?
Lúc đó những người đánh bạc trả lời:
–    Thương yêu chia lìa có gì vui đâu! Nếu bảo việc này là vui thì thật không đúng.
Bấy giờ, ông ta lại nghĩ: “Lời Như Lai không bao giờ hư dối. Nhưng thương yêu xa lìa mà được vui vẻ ư? Lý này không đúng.”
Rồi ông ấy vào thành Xá-vệ, đứng ngoài cửa cung nói to: “Sa-môn Cù-đàm dạy rằng: ‘Thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ. Ðây [đều] là niềm vui.’”
Bấy giờ, khắp thành Xá-vệ và trong cung đều truyền nhau lời này, không nơi nào mà không nghe, không biết. Ngay lúc đó, Đại vương Ba-tư-nặc8 và phu nhân Mạt-lợi9 đang ở trên lầu cao, nghe được lời này, Vua Ba-tư-nặc liền nói với phu nhân Mạt-lợi:
–    Sa-môn Cù-đàm thật sự có nói: “Thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ.
Đây đều là niềm vui” sao?
[0572a02] Phu nhân đáp:
–    Thiếp chưa được nghe những lời dạy này từ Như Lai, nhưng nếu đúng Như Lai có dạy như vậy thì việc này chưa hẳn không đúng.
Vua Ba-tư-nặc bảo:
–    Ví như người thầy dạy đệ tử: “Nên làm điều này, hãy bỏ điều này.” Ðệ tử sẽ đáp: “Xin vâng, Đại sư!” Nay Mạt-lợi nàng cũng giống như thế. Sa- môn Cù-đàm kia tuy nói lời như vậy mà nàng vẫn thuận theo, cho là đúng thật như vậy, không có hư dối. Vậy thì nàng hãy mau đi đi, không cần ở trước mặt ta nữa.
Bấy giờ, phu nhân Mạt-lợi bảo Bà-la-môn Trúc-bác:10
–    Khanh hãy đến tinh xá Kỳ Hoàn, đến bên Như Lai, nhân danh ta, quỳ sát chân Thế Tôn rồi đem nghĩa này bạch đầy đủ lên Ngài ấy rằng: “Người khắp thành Xá-vệ và trong cung đang xôn xao về những lời mà Thế Tôn nói: ‘Thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ. Đây đều là niềm vui.’ Không rõ Thế Tôn có dạy điều này không?” Nếu Thế Tôn có dạy điều gì thì khanh hãy khéo ghi nhớ, trở về thuật lại cho ta hay.
Thế rồi, Bà-la-môn Trúc-bác vâng lệnh phu nhân, tìm đến tinh xá Kỳ Hoàn, đến chỗ Thế Tôn lễ bái chào hỏi; sau khi chào hỏi xong, bèn ngồi qua một bên. Lúc đó, Bà-la-môn Trúc-bác bạch với Thế Tôn:
–    Mạt-lợi phu nhân nhờ con thay mặt xin được đảnh lễ sát chân Thế Tôn, thăm hỏi Thế Tôn đi đứng có an ổn, khí lực có mạnh khỏe không? Giáo hóa chúng sanh mê muội có cực nhọc lắm không? Và cũng muốn thỉnh hỏi một việc. Khắp nơi trong thành Xá-vệ này đều rao truyền, nói Sa-môn Cù-đàm dạy rằng: “Thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ. Ðây đều là niềm vui.” Không rõ Thế Tôn có dạy như thế chăng?
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Trúc-bác:
–    Trong thành Xá-vệ này, có ông trưởng giả mất đứa con trai. Ông ta thương nhớ đứa con này đến nỗi phát điên, thất thần, đi lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi: “Có thấy con tôi không?” Như vậy, này Bà-la-môn, thương yêu chia lìa là khổ, oán ghét gặp gỡ là khổ. Việc này không có gì là vui vẻ cả.
Trước kia trong thành Xá-vệ này, từng có một người vì vô thường đến nên mẹ già ra đi, cũng phát điên dại, không biết gì cả.
Lại cũng có người vì vô thường đến mà mất đi cha già, cũng có người vì vô thường đến mà mất cả anh em, chị em. Do gặp phải vô thường, biến đổi nên khiến họ phát điên, thất thần, không còn biết gì.
Này Bà-la-môn! Trước kia trong thành Xá-vệ này, cũng có anh chàng mới rước về một cô vợ xinh đẹp đoan chánh. Nhưng không lâu sau cậu ta trở nên nghèo túng. Lúc ấy, cha mẹ vợ thấy cậu ta nghèo khổ, liền nảy sanh ý nghĩ: “Ta nên đòi lại con gái để gả cho người khác.”
Cậu ta trộm nghe được chuyện cha mẹ vợ muốn đoạt lại vợ mình để gả cho người khác, bèn giấu dao bén trong áo, đi đến nhà vợ. Lúc đó, cô vợ đang kéo tơ bên hiên nhà, cậu ta bước đến chỗ cha mẹ vợ và hỏi:
“Vợ con đang ở đâu?” Mẹ vợ đáp:
“Vợ con đang kéo sợi dưới bóng mát ngoài hiên.” Cậu ta liền đi đến chỗ vợ và hỏi:
“Nghe nói cha mẹ nàng muốn đoạt nàng về để gả cho người khác phải không?” Vợ đáp:
“Cha mẹ thật sự có nói như vậy, nhưng thiếp chẳng thích nghe những điều này.”
Khi ấy, cậu ta liền rút dao bén đâm chết người vợ, rồi lại đâm vào bụng mình tự sát và nói: “Cả hai ta cùng chết.”
Này Bà-la-môn, ông hãy quán sát việc này để biết rõ, thương yêu chia lìa là khổ, oán ghét gặp gỡ là khổ. Ðây đều là việc đau buồn, không lời nào tả xiết.
[0572b13] Bấy giờ, Bà-la-môn Trúc-bác bạch Thế Tôn:
–    Ðúng vậy, thưa Thế Tôn! Gặp những chuyện buồn phiền này, quả thật rất đau khổ. Vì sao như vậy? Vì trước đây con có một đứa con trai, vì vô thường nên nó bỏ con ra đi, khiến con ngày đêm thương nhớ, không phút nào nguôi. Vì quá nhớ thương, khiến tâm con mê muội, lang thang khắp nơi, gặp ai cũng hỏi: “Thấy con tôi đâu không?” Nay những gì Ngài nói, quả đúng như vậy. Hiện tại việc nước bận rộn, con xin phép trở về.
Thế Tôn dạy:
–    Ông hãy về đi!
Bà-la-môn Trúc-bác liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nhiễu quanh đức Phật ba vòng rồi rời đi. Về đến chỗ phu nhân Mạt-lợi, ông đem việc này tâu lại đầy đủ với phu nhân. Thế rồi phu nhân Mạt-lợi liền đến chỗ Vua Ba-tư-nặc thưa:
–    Nay thiếp có điều muốn hỏi, mong Đại vương nghe qua rồi trả lời cho từng việc. Xin hỏi Đại vương! Đại vương có thương nhớ Vương tử Lưu-ly11 không?
Vua đáp:
–    Ta rất nhớ thương, canh cánh trong lòng.
Phu nhân lại hỏi:
–    Nếu vương tử có mệnh hệ gì, Đại vương có buồn đau không?
Vua lại đáp:
–    Đúng như khanh nói, ta rất buồn đau!
Phu nhân lại hỏi:
–    Ðại vương nên biết, thương yêu chia lìa đều dẫn đến buồn khổ. Thế nào, Đại vương có nhớ Vương tử Y-la12 chăng?
Vua đáp:
–    Ta rất thương quý. Phu nhân hỏi:
–    Ðại vương! Nếu vương tử có mệnh hệ gì, Đại vương có buồn đau không? Vua đáp:
–    Ta rất buồn đau.
Phu nhân nói:
–    Cứ theo việc này thì đủ thấy thương yêu mà chia lìa thì không bao giờ vui.
Lại nữa, Đại vương có thương nhớ Tát-la-đà13 dòng Sát-lợi không?
Vua đáp:
–    Rất thương nhớ và yêu quý. Phu nhân nói:
–    Thưa Ðại vương! Giả như phu nhân Tát-la-đà có mệnh hệ gì, Đại vương có buồn đau không?
[0572c01] – Ta buồn đau chứ.
–    Ðại vương nên biết, thương yêu mà chia lìa, điều này thật sự đau khổ.
Phu nhân lại hỏi:
–    Đại vương có thương yêu thần thiếp không?
Vua đáp:
–    Ta rất thương ái khanh.
–    Giả sử bản thân thần thiếp có mệnh hệ gì, Đại vương có buồn đau không?
–    Nếu khanh có mệnh hệ gì thì ta đương nhiên rất buồn đau.
–    Đại vương hãy suy ngẫm việc này để biết rõ thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ thì không bao giờ hạnh phúc cả.
Phu nhân lại nói:
–    Thế nào, Đại vương có thương tưởng đến dân chúng Ca-thi14 và Câu- tát-la15 không?
–    Ta rất thương tưởng đến dân chúng Ca-thi và Câu-tát-la.
–    Nếu như dân chúng Ca-thi và Câu-tát-la có biến cố gì, Đại vương có buồn đau không?
–    Nếu dân chúng Ca-thi và Câu-tát-la có biến cố gì thì mạng ta cũng chẳng còn, nói gì đến đau buồn. Vì sao vậy? Vì ta nhờ vào sức lực của dân chúng nước Ca-thi và Câu-tát-la mới được tồn tại. Trong tình cảnh đó cũng đủ biết mạng ta còn không giữ được, nói gì đến buồn đau!
–    Do đây mà biết, thương yêu chia lìa, oán ghét gặp gỡ đều chịu khổ đau, không hề vui vẻ.
Bấy giờ, Vua Ba-tư-nặc quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Thế Tôn mà khen ngợi: “Thật kỳ diệu! Thật kỳ diệu! Đức Thế Tôn đã nói pháp này. Giá như Sa-môn Cù-đàm đến đây, vậy thì ta có thể cùng đàm luận với Ngài ấy.”
Vua lại nói với phu nhân Mạt-lợi:
–    Từ nay về sau ta càng xem trọng ái khanh hơn trước, nàng được phép mang phục sức giống với ta.
Bấy giờ, Thế Tôn biết việc phu nhân Mạt-lợi đưa ra những lập luận như vậy với đại vương, liền nói với các Tỳ-kheo:
–    Phu nhân Mạt-lợi rất thông minh. Nếu Vua Ba-tư-nặc hỏi Như Lai những lời như vậy thì Như Lai cũng dùng nghĩa lý ấy để nói cho vua nghe, không khác những gì phu nhân đã nói.
Đức Phật lại bảo các Tỳ-kheo:
–    Trong hàng đệ tử của Như Lai, ưu-bà-di có niềm tin kiên cố bậc nhất chính là phu nhân Mạt-lợi.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. THÂN BỆNH, TÂM KHÔNG BỆNH16  

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại Vườn Nai, trong rừng Quỷ,17 núi Thi-mục-ma- la,18 nước Bạt-kỳ.19
Bấy giờ, trưởng giả cha của Na-ưu-la20 đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi sang một bên. Giây lát sau, ông rời chỗ ngồi, đến bạch Thế Tôn:
–    Con nay già yếu, lại thêm bệnh tật, nhiều nỗi buồn lo. Ngưỡng mong Thế Tôn tùy thời dạy dỗ khiến chúng sanh được an ổn lâu dài!
Bấy giờ, Thế Tôn bảo trưởng giả rằng:
–    Đúng như những gì ông nói, thân này phải chịu nhiều lo sợ và đau đớn, đâu đáng để cậy nương. Nó chỉ có lớp da mỏng che đậy bên ngoài. Này trưởng giả, ông hãy nên biết, ai nương tấm thân này, cầu niềm vui thoáng chốc, kẻ đó lòng si mê, người trí không kính quý. Cho nên, này trưởng giả, dù thân có bệnh, cũng chớ để tâm bệnh. Thật vậy, này trưởng giả! Hãy học tập điều này.
Sau khi nghe những lời Phật dạy xong, trưởng giả liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi ra về.
Thế rồi, trưởng giả lại suy nghĩ: “Nay ta nên đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất để hỏi về điều này.” Lúc này, Tôn giả Xá-lợi-phất đang tĩnh tọa bên gốc cây cách đó không xa. Cha của Na-ưu-la bèn đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, đảnh lễ sát chân rồi ngồi sang một bên.
Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi trưởng giả:
–    Hôm nay trưởng giả sắc diện tươi vui, các căn tịch tĩnh, hẳn là có nguyên do. Phải chăng trưởng giả đã được nghe pháp từ Thế Tôn?
Lúc đó, trưởng giả thưa với Tôn giả Xá-lợi-phất:
–    Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, sắc mặt con không tươi vui sao được? Vui như vậy là vì vừa rồi con đã được Thế Tôn rót pháp vị giải thoát vào lòng.
Tôn giả Xá-lợi-phất hỏi:
–    Trưởng giả, Thế Tôn đã rót pháp vị giải thoát như thế nào? Trưởng giả đáp:
–    Thưa Tôn giả Xá-lợi-phất, con đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Lúc ấy, con bạch với Thế Tôn: “Con nay già yếu, thường mang tật bệnh, lắm nỗi khổ đau, không thể kể xiết. Ngưỡng mong Thế Tôn nói rõ về thân này, giúp khắp chúng sanh đều được an ổn.” Bấy giờ, Thế Tôn liền nói với con: “Đúng thật như thế trưởng giả, thân này chịu nhiều sợ hãi và đau đớn, nào đáng để cậy nương. Nó chỉ có lớp da mỏng che đậy bên ngoài. Này trưởng giả, ông hãy nên biết, ai nương tấm thân này, cầu niềm vui thoáng chốc mà không biết lâu dài sẽ chịu khổ vô biên. Cho nên, này trưởng giả, dù thân có bệnh, cũng chớ để tâm bệnh. Thật vậy, này trưởng giả! Hãy học tập điều này.” Thế Tôn đã đem pháp vị giải thoát này rót vào lòng con.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–    Này trưởng giả! Sao ông không hỏi thêm Thế Tôn nghĩa này: “Thế nào là thân có lo sợ nhưng tâm không lo sợ? Thế nào là thân có bệnh nhưng tâm không bệnh?”
Trưởng giả thưa:
–    Đúng là con đã chưa hỏi thêm Thế Tôn về nghĩa lý: “Thân có lo sợ, tâm cũng có lo sợ; thân có lo sợ nhưng tâm không lo sợ.” Tôn giả Xá-lợi-phất chắc hiểu rõ nghĩa lý này, mong ngài phân tích đầy đủ giúp cho!
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–    Tôi sẽ giảng rộng nghĩa này, ông hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
Trưởng giả đáp:
–    Xin vâng, Tôn giả Xá-lợi-phất! Con sẽ ghi nhớ lời ngài dạy!
Tôn giả Xá-lợi-phất bảo trưởng giả:
–    Người phàm phu không gặp được Thánh nhân, không lãnh thọ Thánh giáo, không nghe theo lời giáo huấn, cũng không gặp được thiện tri thức, không cộng sự cùng thiện tri thức. Họ chấp sắc là ngã, sắc là của ngã, ngã là của sắc, trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, sắc kia và sắc ta cùng tập hợp một chỗ. Sắc kia và sắc ta vì đã tập hợp một chỗ nên khi sắc hư hoại, thay đổi không dừng thì liền sanh khởi buồn, lo, khổ, não ngay trong đó. Cho đến thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy. Họ thấy ngã là thức, trong thức có ngã, trong ngã có thức, thức kia và thức ta hòa hợp một chỗ. Thức kia và thức ta vì đã hòa hợp một chỗ nên khi thức hư hoại, dời đổi không dừng thì liền sanh khởi buồn, lo, khổ, não ngay trong đó. Như vậy, này trưởng giả, đó gọi là thân có lo sợ, tâm cũng có lo sợ.
Trưởng giả lại hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:
–    Thế nào là thân có lo sợ nhưng tâm không lo sợ?
Tôn giả Xá-lợi-phất nói:
–    Này trưởng giả, nghĩa là đệ tử Hiền thánh khéo phụng sự bậc Thánh hiền, tu tập hành trì giới cấm, biết cộng sự cùng thiện tri thức, gần gũi thiện tri thức. Họ không thấy ngã là sắc, không thấy trong sắc có ngã, trong ngã có sắc, không thấy sắc là của ngã, ngã là của sắc mà biết rõ sắc kia dời đổi không dừng. Nhờ thấy được sắc kia dời đổi không dừng nên vị ấy không sanh buồn, lo, khổ, não khi sắc kia tan hoại. Cho đến thọ, tưởng, hành, thức cũng giống như vậy. Họ không thấy trong thức có ngã, trong ngã có thức, cũng không thấy thức là của ngã, cũng không thấy ngã là của thức. Thức kia và thức ta hòa hợp một chỗ; khi thức bị hư hoại cũng không sanh khởi buồn, lo, khổ, não. Như vậy, này trưởng giả, đó gọi là thân có buồn lo mà tâm không buồn lo.
Thật vậy, này trưởng giả! Nên tu tập như vậy, buông bỏ cả thân, tâm, chớ nên đắm nhiễm. Này trưởng giả! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, cha của Na-ưu-la nghe Tôn giả Xá-lợi-phất dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

***

 

5. VÍ DỤ TẤM VẢI21
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn thuyết pháp cho hàng nghìn vạn người đang vây quanh. Lúc ấy, có Bà-la-môn Giang Trắc đang gánh một gánh nặng đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, ông đặt gánh xuống, đứng bên cạnh Thế Tôn, im lặng không nói gì. Khi ấy, Bà-la-môn này suy nghĩ: “Hôm nay, Sa-môn Cù-đàm thuyết pháp cho hàng nghìn vạn người vây quanh. Hiện tại ta cũng thanh tịnh không khác gì Sa-môn Cù-đàm. Sở dĩ như vậy là vì Sa-môn Cù-đàm dùng gạo cơm ngon cùng các loại thức ăn tốt, còn ta hiện nay chỉ ăn trái cây để tự nuôi sống.”
Bấy giờ, biết rõ những suy nghĩ trong tâm Bà-la-môn này, Thế Tôn bèn nói với các Tỳ-kheo:
– Nếu chúng sanh nào mà tâm còn bị hai mươi mốt phiền não22 trói buộc thì nên biết rõ người đó chắc chắn rơi vào đường dữ, không sanh về cõi lành. Hai mươi mốt phiền não đó là gì? Đó là tâm bị trói buộc bởi: Sân hận, não hại, thụy miên, trạo cử, nghi ngờ, phẫn nộ, oán hận, buồn rầu, ganh tị, ghét bỏ, không biết hổ, không biết thẹn, không thật, gian trá, giả dối, tranh đấu, tự kiêu, ngạo mạn, ghen ghét, tăng thượng mạn, tham lam.23 Này các Tỳ-kheo, nếu người nào tâm bị hai mươi mốt phiền não này trói buộc thì nên biết rõ người đó chắc chắn sẽ đọa đường dữ, không sanh về cõi lành.
Giống như chiếc áo dạ trắng mới tinh, vì để lâu ngày nên áo mục nát, bám nhiều bụi bẩn thì dù có muốn nhuộm thành màu xanh hoặc màu vàng, hay là màu đỏ, màu đen cũng không thể nào nhuộm được. Vì sao vậy? Vì nó đã dính quá nhiều bụi bẩn. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu người nào bị hai mươi mốt phiền não này trói buộc tâm thì nên biết rõ người đó chắc chắn rơi vào đường dữ, không sanh về cõi lành.
Giả sử có người không bị hai mươi mốt phiền não này trói buộc tâm thì nên biết rõ, người này chắc chắn sanh lên cõi trời, không đọa địa ngục. Giống như chiếc áo dạ mới, trắng sạch, tùy ý muốn nhuộm thành bất cứ màu gì, hoặc màu xanh, vàng, đỏ, đen thì chắc chắn sẽ nhuộm thành, không hề hư hại. Vì sao vậy? Vì sự tinh sạch của nó. Ở đây cũng vậy, người nào không bị hai mươi mốt phiền não này trói buộc tâm thì nên biết rõ người đó chắc chắn sanh lên cõi trời, không đọa đường ác.
Nếu đệ tử Hiền thánh kia vừa khởi tâm phiền não sân hận thì hãy nhận biết rõ, liền trừ được tâm này. Nếu khởi tâm phiền não giận hờn, não hại, thụy miên, trạo cử, nghi ngờ, phẫn nộ, oán hận, buồn rầu, ganh tị, ghét bỏ, không biết hổ, không biết thẹn, không thật, gian trá, giả dối, tranh đấu, tự kiêu, ngạo mạn, ghen ghét, tăng thượng mạn, tham lam thì hãy nhận biết rõ, liền diệt trừ được chúng.
[0574a06] Nếu đệ tử Hiền thánh kia không sân hận, không giận hờn, không có mê muội, tâm ý hòa vui, trải tâm từ đầy khắp một phương để tự an trú; hoặc ban rải khắp hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; cho đến bốn phương phụ, phương trên, phương dưới; ở trong tất cả, cũng như khắp cả thế gian, vị ấy tự an trú với tâm không sân hận, không giận hờn, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Trải tâm từ này đầy khắp các phương, vị ấy ngay nơi đây liền được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Lại trải tâm bi đầy khắp một phương để tự an trú; hoặc ban rải khắp hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; cho đến bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng giống như vậy; ở trong tất cả, cũng như khắp cả thế gian, vị ấy tự an trú với tâm không sân hận, không giận hờn, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Trải tâm bi này đầy khắp các phương, vị ấy ngay nơi đây liền được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Lại trải tâm hỷ đầy khắp một phương để tự an trú; hoặc ban rải khắp hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; cho đến bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng giống như vậy; ở trong tất cả, cũng như khắp cả thế gian, vị ấy tự an trú với tâm không sân hận, không giận hờn, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Trải tâm hỷ này đầy khắp các phương, vị ấy ngay nơi đây liền được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Lại trải tâm xả đầy khắp một phương để tự an trú; hoặc ban rải khắp hai phương, ba phương, bốn phương cũng như vậy; cho đến bốn phương phụ, phương trên, phương dưới cũng giống như vậy; ở trong tất cả, cũng như khắp cả thế gian, vị ấy tự an trú với tâm không sân hận, không giận hờn, vô lượng, vô hạn, không thể tính kể. Trải tâm xả đầy khắp các phương, vị ấy ngay nơi đây liền được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Bấy giờ, vị ấy thành tựu niềm tin vững chắc đối với Như Lai, niềm tin đó không dời đổi. Vị ấy đã dựng ngọn cờ cao hiển mà chư thiên, long thần, a-tu- la, Sa-môn, Bà-la-môn, hoặc người thế gian không thể lay chuyển, từ đó được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh. Vị ấy tin chắc đây là Như Lai, bậc Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn; vị ấy ngay nơi đây liền được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Người ấy cũng lại thành tựu tín tâm đối với pháp; giáo pháp của Như Lai rất thanh tịnh, không thể dời đổi, được mọi người tôn kính, thế nên người trí quán sát điều này. Vị ấy ngay nơi đây mà được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
Người ấy lại thành tựu tín tâm đối với Thánh chúng; Thánh chúng của Như Lai rất thanh tịnh, tánh hạnh thuận hòa, thành tựu pháp và tùy pháp, thành tựu giới luật, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm có bốn đôi tám bậc.24 Đó là Thánh chúng của Như Lai, đáng được cung kính, đáng được cúng dường. Vị ấy ngay nơi đây mà được hoan hỷ, tâm ý liền thanh tịnh.
[0574b07] Với tam-muội này, tâm vị ấy thanh tịnh không tì vết, hết sạch các kiết sử, cũng không còn hoen ố, tánh hạnh nhu hòa mà chứng đắc thần thông, liền tự biết mọi việc trong vô lượng đời trước, từ nơi nào đến, không gì là không biết; hoặc biết mọi việc trong một đời, hoặc hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, trăm ngàn đời; hoặc trong kiếp thành bại, kiếp không thành bại, kiếp vừa thành bại vừa không thành bại; kiếp vô số thành bại, kiếp vô số không thành bại; ta đã từng thọ thân tại đó, hiệu đó, tên đó, họ đó, sống như thế, ăn như thế, chịu khổ vui như thế, thọ mạng dài ngắn ra sao; chết từ chỗ kia sanh ra ở chỗ kia, chết từ chỗ kia sanh ra ở chỗ này. Như thế, vị ấy tự biết mọi việc trong vô số kiếp trước.
Với tam-muội này, tâm vị ấy thanh tịnh không tì vết, thấy biết mọi suy nghĩ trong tâm của chúng sanh. Vị ấy lại dùng thiên nhãn quán sát chúng sanh, thấy rõ có sanh ra, có chết đi; có người đẹp, có người xấu; có đường lành, có nẻo dữ; có tốt, có xấu; tùy vào tạo tác của chúng sanh mà đưa đến quả báo, vị ấy thảy đều biết rõ. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, chê bai Hiền thánh, tạo ra các nghiệp tà kiến để khi chết rồi rơi vào ba đường ác, đọa vào địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân làm thiện, miệng nói thiện, ý nghĩ thiện, không chê bai Hiền thánh, chánh kiến chứ không tà kiến, nên sau khi qua đời được sanh về cõi trời. Đó gọi là dùng thiên nhãn thanh tịnh quán sát chúng sanh, thấy rõ có sanh ra, có chết đi; có người đẹp, có người xấu; có đường lành, có nẻo dữ; có tốt, có xấu; tùy vào tạo tác của chúng sanh mà đưa đến quả báo; vị ấy thảy đều biết rõ.
Với tam-muội này, tâm vị ấy thanh tịnh không tì vết, không có kiết sử, tâm tánh nhu nhuyến mà chứng đắc thần thông. Lại dùng Lậu tận thông để tự an trú. Vị ấy quán sát đây là khổ, như thật biết rõ đây là khổ; lại quán sát nguyên nhân của khổ, quán sát khổ diệt và quán sát về con đường đưa đến khổ diệt, vị ấy biết như thật về chúng. Vị ấy quán sát như vậy rồi, tâm dục lậu được giải thoát; tâm hữu lậu, tâm vô minh lậu đều được giải thoát. Đã được giải thoát rồi, liền được trí giải thoát, vị ấy như thật biết rõ: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.”
Như vậy, này các Tỳ-kheo, đệ tử Hiền thánh tâm đã được giải thoát, dù có ăn lúa gạo tốt nhất và các loại thức ăn ngon nhiều như Tu-di đi nữa thì cũng chẳng có tội gì. Vì sao vậy? Vì họ không còn dục ái, đã dứt sạch dục ái, không còn sân, hết sạch hận, không còn ngu si, đã dứt sạch ngu si. Đó gọi là Tỳ-kheo trong Tỳ-kheo, bên trong đã gột rửa hoàn toàn.
[0574c09] Bấy giờ, Bà-la-môn Giang Trắc bạch với Thế Tôn:
–    Thưa Sa-môn Cù-đàm, Ngài nên đến sông Tôn-đà-la25 tắm rửa! Thế Tôn bảo rằng:
–    Này Bà-la-môn, vì sao gọi là nước sông Tôn-đà-la? Bà-la-môn thưa:
–    Dòng nước sông Tôn-đà-la là nơi hội tụ phước đức, là ánh sáng của thế gian. Nếu người nào tắm gội trong dòng nước sông ấy thì tất cả nhơ uế đều được tẩy sạch.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Vô số kiếp thân ta,  
Tắm gội nơi sông đó,
Ngay đến các ao nhỏ,    
Đều đã tắm gội qua.
Người ngu thích việc đó,    
Vấy bẩn, thêm mê mờ,
Thân dẫy đầy tội cũ,    
Nước há tẩy sạch dơ?
Người tịnh luôn an lạc,    
Giới thanh tịnh thường vui,
Người sạch làm hạnh sạch,    
Sở nguyện ắt tựu thành.
Trì giới, không trộm cướp,    
Hành từ, không sát sinh,
Thành thật, không nói dối,    
Tâm liền được an bình.
Nay ông tắm sông ấy,    
Chắc an ổn dài lâu,
Sông kia chảy về đâu,  
Ông hoàn toàn mờ mịt.

Bấy giờ, Bà-la-môn bạch Thế Tôn:
–    Thôi, thôi, thưa Cù-đàm! Giống như giúp cho người lưng gù được duỗi thẳng, kẻ tối thấy ánh sáng, người lạc lối được chỉ đường, trong nhà tối được thắp đèn, người không có mắt được cho mắt, Sa-môn Cù-đàm đã dùng vô số phương tiện giảng nói Diệu pháp này cũng giống như vậy. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con được xuất gia học đạo!
Bấy giờ, Bà-la-môn Giang Trắc liền được xuất gia tu tập, lãnh thọ giới Cụ túc, vì mục đích mà con nhà danh giá xuất gia học đạo, tu Phạm hạnh vô thượng, cho đến biết như thật rằng: “Sanh tử đã chấm dứt, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa.” Lúc ấy, Tôn giả Tôn-đà-la Đế-lợi26 liền thành A-la-hán.
Bấy giờ, Tôn giả Tôn-đà-la Đế-lợi nghe Phật dạy xong liền hoan hỷ phụng hành.

***

 

6. NGHIỆP THIỆN27
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong núi Kỳ- xà quật, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, khi ngày đã qua, trời đã gần tối, Thích-đề-hoàn-nhân đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên. Khi ấy, Thích-đề-hoàn- nhân liền dùng kệ tụng để thưa hỏi Như Lai:

Cù-đàm, dòng đã vượt,    
Chứng vô lậu, giảng bày,
Đã thoát vực sanh tử,    
Nay kính xin hỏi Ngài.
Con thấy nghiệp phước đức,    
Bao chúng sanh tạo nên,
Phẩm hạnh vốn khác nhau,    
Thí ai, phước hơn hết?
Thế Tôn tại Linh Thứu,    
Xin giảng giải nghĩa này,
Để con rõ đường hay,    
Truyền đạt cho người thí.

Bấy giờ, Thế Tôn dùng kệ đáp:

Bốn hướng28 phước rộng tạo,
Bốn quả29 phước đủ đầy,
Học, Vô học kiến đạo,    
Nên tin phụng pháp này.
Người không tham, không sân,  
Dứt si, đạt vô lậu,
Vượt qua mọi vực sâu,    
Thí họ được quả lớn.
Trong các chúng sanh ấy,    
Phước đức họ tạo nên,
Phẩm hạnh có khác nhau,    
Thí Tăng phước hơn hết.
Thí Tăng phước khôn lường,    
Như biển cho trân bảo,
Phước Thánh chúng cũng thế,    
Diễn pháp khai trí tuệ.
Đế-thích! Việc thiện ấy,    
Là cúng dường chúng Tăng,
Ðược phước không nghĩ bàn,    
Đây là điều Ta dạy.

Sau khi nghe Phật dạy, Thích-đề-hoàn-nhân liền đảnh lễ sát chân Thế Tôn rồi lui ra.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân nghe Phật dạy xong liền hoan hỷ phụng hành.

***

 

7. ĐẾ-THÍCH THĂM BỆNH30
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với đại chúng năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ trong núi Kỳ-xà quật, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề cũng ở sườn núi Kỳ-xà quật, thành Vương Xá, làm riêng một chòi tranh để tự thiền định. Khi ấy, Tôn giả Tu-bồ-đề31 thân đang lâm bệnh rất ư trầm trọng, tự mình suy nghĩ: “Cảm giác đau đớn này của ta từ đâu sanh, do đâu mất và sẽ đến nơi nào?” Rồi Tôn giả Tu-bồ-đề liền trải tọa cụ nơi đất trống, giữ thân ngay thẳng, tâm không loạn động, tinh chuyên nhất tâm, kiết-già tĩnh tọa, tư duy về các nhập32 để trấn áp cơn đau.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân biết được suy nghĩ của Tôn giả Tu-bồ-đề, liền ra lệnh Ba-giá-tuần33 bằng bài kệ:

Thiện Nghiệp,34 thoát buộc ràng,
Bậc Giải không, định tĩnh,
Đang bệnh nặng trong mình,  
Hiện ở núi Linh Thứu.
Ông mau đến thăm nom,    
Chăm sóc bậc thượng tôn,
Sẽ nhận được phước lớn,    
Gieo đức không đâu hơn.

Ba-giá-tuần đáp:
– Xin vâng!
Rồi Thích-đề-hoàn-nhân dẫn năm trăm thiên chúng cùng với Ba-giá-tuần, chỉ trong khoảnh khắc giống như lực sĩ co duỗi cánh tay, họ đã biến mất từ trời Ba Mươi Ba và xuất hiện tại núi Linh Thứu, cách Tôn giả Tu-bồ-đề không xa. Thích-đề-hoàn-nhân lại dùng lời kệ bảo Ba-giá-tuần:

Ông nên biết Thiện Nghiệp,  
Đang thiền định sâu xa,
Hãy dùng âm hòa nhã,    
Để ngài xuất thiền-na.

Ba-giá-tuần thưa:
– Xin vâng!
Ba-giá-tuần vâng lời Thích-đề-hoàn-nhân, chỉnh dây đàn lưu ly, rồi đến bên Tôn giả Tu-bồ-đề, ngâm bài kệ tán thán Tôn giả:

Bậc đã sạch kiết sử,    
Niệm loạn động tiêu tan,
Trần cấu sạch hoàn toàn,    
Mong người hãy xuất định!
Tâm tịch, vượt sanh tử,    
Thoát kiết sử, hàng ma,
Công đức tựa hải hà,    
Xin người mau xuất định!
Mắt tịnh như hoa sen,    
Uế trược thôi bám dính,
Bậc người người quy kính,    
Xin rời tam-muội Không!
Vượt bốn dòng,35 vô vi,    
Thấu rõ không già bệnh,
Để thoát khổ hữu vi,    
Mong ngài rời giấc định.
Năm trăm thiên chúng ấy,    
Cùng Đế-thích đích thân,
Đến thăm Thánh tôn nhan,    
Bậc Giải không, xin dậy!

Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề liền xuất định đứng dậy, khen ngợi Ba-giá-tuần:
– Lành thay, Ba-giá-tuần! Nay âm giọng của ông đã hòa quyện với âm thanh tiếng đàn không khác. Thật vậy, tiếng đàn hòa với giọng ngâm, giọng
ngâm không tách rời tiếng đàn, cả hai hòa quyện với nhau nên mới có được âm
thanh tuyệt diệu.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân bèn đi đến chỗ Tôn giả Tu-bồ-đề, đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên, kế đó thăm hỏi Tôn giả:
–    Thế nào rồi, thưa Tôn giả Thiện Nghiệp! Bệnh tình của Tôn giả có thuyên giảm chăng? Nay thân bệnh này là từ đâu sanh? Từ thân sanh hay từ ý sanh?
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề nói với Thích-đề-hoàn-nhân:
–    Lành thay, Câu-dực!36 Pháp pháp tự sanh, pháp pháp tự diệt, pháp pháp tác động qua lại, pháp pháp tự dừng lắng. Này Câu-dực, giống như có thuốc độc thì nhất định có thuốc giải độc. Ở đây cũng vậy, pháp pháp tác động qua lại, pháp pháp tự dừng, pháp có thể sanh ra pháp, pháp có thể diệt trừ pháp, pháp tối thì dùng pháp sáng để trị, pháp sáng thì dùng pháp tối để trị. Này Thiên Đế- thích, bệnh tham dục thì dùng pháp quán bất tịnh để trị, bệnh sân hận thì dùng tâm từ để trị, bệnh ngu si thì dùng trí tuệ để trị. Như vậy, Thích-đề-hoàn-nhân, tất cả “có” đều quy về “không”, không ngã, không nhân, không thọ, không mạng; không sĩ, không phu, không hình, không bóng, không nam, không nữ. Này Thích-đề-hoàn-nhân, giống như gió lớn thì hại đến cây cối, cành lá rơi rụng; mưa đá thì hại đến mầm non, hoa quả. Hoa quả vừa sanh trưởng tươi tốt mà thiếu nước ắt sẽ héo tàn; nhờ trời mưa xuống, mầm sống mới hồi sanh. Cũng vậy, này Thiên Đế-thích, pháp pháp tác động qua lại, pháp pháp tự dừng lắng. Những đau nhức, khổ não của tôi trước đây, nay đã trừ hết, không còn bức bách khó chịu nữa.
Bấy giờ, Thích-đề-hoàn-nhân bạch Tôn giả Tu-bồ-đề:
–    Tôi cũng có buồn, lo, khổ, não, nhưng nay được nghe lời pháp này, tôi không còn buồn, lo nữa. Tôi muốn trở về trời, vì công việc rất nhiều, việc của chính mình và việc của chư thiên đều nhiều cả.
Lúc này, Tôn giả Tu-bồ-đề nói:
– Hiện đã đúng lúc, ông nên trở về.
Khi ấy, Thích-đề-hoàn-nhân liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ sát chân Tôn giả Tu-bồ-đề, nhiễu quanh ba vòng rồi rời đi.
Bấy giờ, Tôn giả Tu-bồ-đề liền nói kệ:

Năng Nhân dạy lời này,    
Trước sau thảy đủ đầy,
Người trí được nghe pháp,    
An ổn, bệnh dứt ngay.

Bấy giờ, sau khi nghe Tôn giả Tu-bồ-đề nói xong, Thích-đề-hoàn-nhân hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:37

Điều-đạt cập nhị kinh,    
Bì cập Lợi-sư-la,
Trúc-bác, Tôn-đà-lợi,    
Thiện Nghiệp, Thích-đề-hoàn.38

 

Chú thích

1 Nguyên tác: Lợi dưỡng phẩm 利養品 (T.02. 0125. 13. 0571a26).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.1. 0571a27).
3 Tu-la-đà (修羅陀). Theo Cv. 7, có khả năng chỉ cho Tỳ-kheo Samuddadatta thuộc nhóm Đề-bà-đạt-đa.
4 Bồ-hô (蒲呼). Bản Tống, Nguyên, Minh ghi: Mãn-hô (滿呼).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.2. 0571b17).
6 Thần thông (神通, abhiññā): Tác dụng vô ngại tự tại, siêu việt nhân gian, không thể nghĩ bàn, nhờ tu tập mà đạt được.
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.3. 0571b28). Tham chiếu: Ái sanh kinh愛生經 (T.01. 0026.216. 0800c20); Bà-la-môn tử mạng chung ái niệm bất ly kinh 婆羅門子命終愛念不離經 (T.01. 0091. 0915a04); M. 87, Piyajātika Sutta (Kinh ái sanh).
8 Ba-tư-nặc (波斯匿, Pasenadi): Vua nước Xá-vệ.
9 Nguyên tác: Ma-lợi (摩利, Mallikā), cũng gọi là Mạt-lợi (末利), phu nhân của Vua Ba-tư-nặc.
10 Trúc-bác (竹膊, Nāḷijaṅgha).
11 Lưu-ly vương tử (琉璃王子, Viḍūḍabha): Thái tử nước Xá-vệ, con Vua Ba-tư-nặc (波斯匿, Pasenadi) và phu nhân Tát-la-đà (薩羅陀, Vāsabhā).
12 Vương tử Y-la (伊羅王子). Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大藏經) chú thích là Viḍūḍabha Senāpati, tức Tướng quân Viḍūḍabha. Theo lịch sử, Vương tử Lưu-ly khi lớn lên đã từng nhậm chức tướng quân (senāpati). Như vậy, nếu cho rằng Vương tử Y-la (伊羅王子) là Tướng quân Viḍūḍabha, cũng chính là thân phận về sau của Lưu-ly vương tử (琉璃王子, Viḍūḍabha). Trong khi đó, căn cứ
vào nội dung bản kinh này thì đây là hai vị vương tử khác nhau. Như vậy, chú thích vừa nêu trong Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh đã có sự nhầm lẫn.
13 Tát-la-đà (薩羅陀, Vāsabhā), một phu nhân khác của Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi).
14 Ca-thi (迦尸, Kāsi), một trong 16 quốc gia ở thời Phật.
15 Câu-tát-la (拘薩羅, Kosala) cũng gọi là Kiêu-tát-la (憍薩羅), tên khác của nước Xá-vệ (舍衛, Sāvatthi).
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.4. 0573a01). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.0107. 0033a06); S. 22.1 - III. 1.
17 Quỷ lâm (鬼林). Pāli có thể là Bhesakalāvana (một vườn xoài ở xứ Bagga).
18 Thi-mục-ma-la (尸牧摩羅, Sumsumāragiri).
19 Bạt-kỳ (拔祇), theo chú thích của Đại Chánh, chỉ cho địa danh Bhagga.
20 Na-ưu-la công (那憂羅公, Nakulapitā).
21 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.5. 0573c01). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1185. 0321a24); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.98. 0408b25); Thủy Tịnh Phạm chí kinh 水淨梵志經 (T.02. 0026.93. 0575a19); Phạm chí Kế Thủy Tịnh kinh 梵志計水淨經 (T.01. 0051. 0843c13); M. 7, Vatthūpama Sutta (Kinh ví dụ tấm vải).
22 Nguyên tác: Kiết (結), tên gọi khác của “phiền não” (kilesa).
23 Sân (瞋, dosa). Khuể hại (恚害, palāsa): Ác ý, ác hiểm, hiểm độc; MĀ. 89 ghi: Ác ý (惡意). Thụy miên (睡眠, middha): Buồn ngủ, dã dượi. Điệu hý (調戲, uddhacca), tân dịch là “trạo cử” (掉舉). Nghi (疑, vicikicchā). Nộ (怒, kodha). Kỵ (忌) dùng như “oán hận” (怨恨, upanāha). Não (惱, upāyāsa): Buồn khổ, não nùng, ai oán. Tật (疾, issā); MĀ. 89 ghi: Tật đố (嫉妒). Tắng (憎, dessa): Ghét bỏ, đáng ghét, không ưa. Vô tàm (無慚, ahirīka). Vô quý (無愧, anottappa). Huyễn (幻, māyā). Gian (姦, dhutta). Ngụy (偽, sātheyya). Tranh (諍, sārambha). Kiêu (憍, vidhā). Mạn (慢, māna). Đố (妬, usūyaka). Tăng thượng mạn (增上慢, adhimāna). Tham (貪, lobha).
24 Xem chú thích 11, trang 24.|
25 Tôn-đà-la (孫陀羅, Sundarikā), một con sông thiêng ở nước Câu-tát-la (拘薩羅, Kosala) trong tín niệm của Bà-la-môn.
26 Tôn-đà-la Đế-lợi (孫陀羅諦利, Sundarika Bhāradvāja), tên của Bà-la-môn Giang Trắc sau khi được đức Phật cho xuất gia thọ giới.
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.6. 0575a05). Tham chiếu: Tạp. 雜 (T.02. 0099.1124-1125. 0334a05-c05); Biệt Tạp. 別雜 (T.02. 0100.52. 0390c27); S. 11.16 - I. 232.
28 Nguyên tác: Tứ thú (四趣). Bốn hạng người trong tiến trình tu tập, thú hướng đến 4 quả là Tu-đà-hoàn hướng (須陀洹向), Tư-đà-hàm hướng (斯陀含向), A-na-hàm hướng (阿那含向) và A-la-hán hướng (阿羅漢向).
29 Tứ quả (四果). Theo SĀ. 618, bốn quả Thanh văn là Tu-đà-hoàn quả (須陀洹果, Sotāpannaphala), Tư-đà-hàm quả (斯陀含果, Sakadāgāmiphala), A-na-hàm quả (阿那含果, Anāgāmiphala), A-la-hán quả (阿羅漢果, Arahattaphala).
30 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.13.7. 0575a29).
31 Tu-bồ-đề (須菩提, Subhūti), một trong những đệ tử tối thắng của đức Phật, là người hiểu rõ và lý giải nghĩa không bậc nhất. Xem MĀ. 169.
32 Nhập (入) cũng gọi là xứ (處, āyatana).
33 Ba-giá-tuần (波遮旬, Pañcasikha): Ngũ Kế càn-thát-bà, vị thần âm nhạc của Thiên Đế-thích.
34 Thiện Nghiệp (善業) tức là ngài Tu-bồ-đề (Subhūti).
35 Tứ lưu (四流, cattāro oghā) chỉ cho 4 dòng thác lũ là dục lưu (欲流), hữu lưu (有流), kiến lưu (見流) và vô minh lưu (無明流).
36 Câu-dực (拘翼, Kosiya) còn được phiên âm là Kiêu-thi-ca (憍尸迦, Kosika). Tham chiếu: Tạp (T.02. 0099.1106. 0281a10): Thích-đề-hoàn-nhân xưa kia khi còn làm người là người của dòng tộc Kiêu-thi (憍尸). Do nhân duyên này nên Thích-đề-hoàn-nhân còn gọi là Kiêu-thi-ca (彼釋提桓因本為★時, 為憍尸族姓★. 以是因緣故, 彼釋提桓因復名憍尸迦).
37 Nguyên tác Nhiếp tụng: 調達及二經; 皮及利師羅; 竹膞, 孫陀利; 善業, 釋提桓. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh. Bài kệ này tóm tắt 8 kinh, trong đó có 4 kinh thuộc phẩm 12, gồm 2 Kinh Điều-đạt, Kinh bì và Kinh Lợi-sư-la. Trong khi đó, phẩm này có 7 kinh thì chỉ nêu 4 kinh.
38 Bản Hán, hết quyển 6.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.