Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy diệt trừ một pháp, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành bậc A-na- hàm.3 Một pháp đó là gì? Ðó là tham dục. Này các Tỳ-kheo! Hãy diệt trừ tham dục, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy đắc quả A-na-hàm.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Bị tham dục buộc ràng,
Đường ác mãi lang thang,
Siêng tu lìa tham dục,
Liền chứng A-na-hàm.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy diệt trừ một pháp, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành bậc A-na- hàm. Một pháp đó là gì? Đó là sân hận. Này các Tỳ-kheo! Hãy diệt trừ sân hận, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy đắc quả A-na-hàm.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Bị sân hận buộc ràng,
Đường ác mãi lang thang,
Siêng tu lìa sân hận,
Liền chứng A-na-hàm.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy diệt trừ một pháp, xa lìa một pháp, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành bậc A-na-hàm. Một pháp đó là gì? Ðó là ngu si. Thế nên, này các Tỳ- kheo! Hãy diệt trừ ngu si, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy đắc quả A-na-hàm.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nhiễm trước bởi ngu si,
Đường ác lầm lũi đi,
Siêng tu, ngu si hết,
Thành Na-hàm tức thì.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy diệt trừ một pháp, xa lìa một pháp, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy thành bậc A-na-hàm. Một pháp đó là gì? Ðó là xan tham. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy diệt trừ xan tham, Như Lai sẽ ấn chứng cho các thầy đắc quả A-na-hàm.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Nhiễm trước bởi xan tham,
Khổ đường ác phải mang,
Xan tham siêng từ bỏ,
Sẽ thành A-na-hàm.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Như Lai hoàn toàn không thấy một pháp nào không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các quả khổ như là tâm. Này các Tỳ-kheo, tâm này không thể hàng phục, khó có được thời cơ thích nghi, chịu các khổ báo. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy phân biệt tâm, hãy tư duy tâm, khéo suy nghĩ đến các gốc rễ thiện.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Như Lai hoàn toàn không thấy một pháp nào dễ hàng phục, dễ có được thời cơ thích nghi, hưởng các quả báo tốt đẹp như là tâm. Này các Tỳ-kheo! Hãy phân biệt tâm, khéo suy nghĩ đến các gốc rễ thiện.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, nếu có người nào suy nghĩ điều gì, Như Lai đều biết rõ. Tuy rằng người này không vì ăn uống mà ở trong đại chúng nói lời giả dối, nhưng vào lúc khác, Như Lai lại quán thấy người này sanh tâm đắm nhiễm, nghĩ nhiều đến tài vật nên đã ở trong chúng nói lời giả dối. Vì sao như vậy? Này các Tỳ-kheo, vì tâm đắm nhiễm tài vật rất khó dứt bỏ, khiến cho con người đọa vào ba đường ác, không đến được chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu đã sanh tâm đắm nhiễm tài vật thì hãy dứt bỏ, còn nếu chưa sanh thì chớ để sanh.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, có người tự nghĩ: “Thà bỏ thân mạng, quyết không nói dối ở trong đại chúng.” Nhưng vào lúc khác, Như Lai lại quán thấy người này sanh tâm đắm nhiễm, nghĩ nhiều đến tài vật nên đã ở trong đại chúng nói lời giả dối. Vì sao như vậy? Này các Tỳ-kheo, vì tâm đắm nhiễm tài vật rất khó dứt bỏ, khiến cho con người rơi [vào] ba đường ác, không đến được chỗ vô vi. Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu đã sanh tâm đắm nhiễm tài vật thì hãy dứt bỏ, còn nếu chưa sanh thì chớ để sanh.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ ở Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
– Thế nào, này các Tỳ-kheo! Các thầy có thấy pháp của Ðề-bà-đạt-đa thanh tịnh không? Thật ra, Ðề-bà-đạt-đa tạo ác rất nặng, chịu tội một kiếp không thể cứu chữa. Trong giáo pháp của Như Lai, không thấy ông ấy tạo một chút điều lành nào để có thể ghi nhận. Vì thế, nay Như Lai mới nói cội gốc các tội của Ðề-bà-đạt-đa là không thể cứu chữa. Giống như một người bị rơi vào hố phânsâu, thân thể chìm ngập, không còn chỗ nào sạch sẽ. Bấy giờ, có người muốn đến cứu mạng người đó đặt lên chỗ sạch, bèn nhìn quanh hố phân và thân thể người đó xem còn chỗ nào sạch sẽ để đưa tay kéo lên, nhưng nhìn kỹ rồi không thấy chỗ nào sạch sẽ để nắm lấy, người ấy đành phải bỏ đi. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, Như Lai xét thấy Ðề-bà-đạt-đa là người ngu si vô trí, không có một chút pháp thiện nào có thể ghi nhận, chịu tội một kiếp, không thể cứu chữa. Sở dĩ như thế là vì Ðề-bà-đạt-đa ương ngạnh, ngu si, tham đắm lợi dưỡng, tạo tội ngũ nghịch,12 sau khi qua đời sẽ sanh vào đường ác. Thật vậy, này các Tỳ-kheo, xem nặng lợi dưỡng sẽ khiến con người không đến được nơi an ổn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, đã sanh tâm lợi dưỡng thì hãy lìa bỏ, còn nếu chưa sanh thì chớ để phát sanh.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo ngụ tại Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đà, thuộc thành La-duyệt.
Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo nghe Như Lai thọ ký cho Ðề-bà-đạt-đa14 sẽ chịu tội một kiếp không thể cứu chữa, vị ấy liền đến chỗ Tôn giả A-nan. Đến nơi, chào hỏi nhau xong, ngồi qua một bên, rồi Tỳ-kheo kia hỏi Tôn giả A-nan:
– Thưa Tôn giả A-nan! Thế Tôn đã quán sát tận cùng căn nguyên của Ðề- bà-đạt-đa, rồi sau đó thọ ký ông ta sẽ chịu tội một kiếp không thể cứu chữa ư? Liệu có nguyên do để thọ ký như vậy chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
– Lời Như Lai nói không bao giờ hư dối, những việc làm từ thân và miệng của Như Lai không hề đổi khác. Như Lai chắc thật thọ ký Ðề-bà-đạt-đa sẽ chịu tội rất nặng, trải qua một kiếp không thể cứu chữa.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan bèn đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ sát chân Phật rồi đứng qua một bên và bạch:
– Có một Tỳ-kheo đến chỗ con và hỏi như vầy: “Thế nào, thưa Tôn giả A-nan, Như Lai đã quán sát tận cùng căn nguyên của Ðề-bà-đạt-đa, rồi sau đó thọ ký ông ta sẽ chịu tội một kiếp không thể cứu chữa ư? Liệu có nguyên do để thọ ký như vậy chăng?” Chất vấn xong, thầy ấy bỏ đi.
Thế Tôn bảo:
– Tỳ-kheo đó hẳn là xuất gia tu học trễ muộn, đến với giáo pháp của Như Lai chưa được bao lâu. Những lời Như Lai nói ra không hề hư dối, sao lại khởi tâm nghi ngờ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:
– Thầy hãy đến nói với Tỳ-kheo kia là Như Lai gọi.
A-nan đáp:
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Thế rồi, Tôn giả A-nan vâng lời Thế Tôn đến chỗ Tỳ-kheo kia và bảo:
– Như Lai gọi thầy.
Tỳ-kheo kia đáp:
– Vâng, thưa Tôn giả!
Tỳ-kheo kia liền chỉnh sửa y phục, đi cùng A-nan đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi, đảnh lễ sát chân Phật rồi ngồi qua một bên.
Bấy giờ, Thế Tôn nói với Tỳ-kheo kia:
– Này kẻ mê muội kia! Thầy không tin những gì Như Lai nói ư? Những gì Như Lai chỉ dạy không hề hư vọng mà nay thầy lại muốn tìm hư vọng nơi Như Lai.
Tỳ-kheo kia liền bạch Phật:
– Tỳ-kheo Ðề-bà-đạt-đa có thần lực lớn, có oai thế lớn. Vì sao Thế Tôn lại thọ ký ông ta chịu tội rất nặng trải qua một kiếp?
[0567c03] Phật bảo:
– Hãy cẩn thận lời nói của ông, chớ để mãi chịu khổ khôn cùng! Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:
Hành thiền chứng ngũ thông,15
Rốt cuộc không giải thoát,
Chẳng đến được Niết-bàn,
Lại còn đọa địa ngục.
Nếu Như Lai nhận thấy tự thân Ðề-bà-đạt-đa có một mảy may thiện pháp thì Như Lai không bao giờ thọ ký ông ta sẽ chịu tội một kiếp không thể cứu chữa. Thế nhưng, này kẻ mê muội kia, vì Như Lai không thấy tự thân Ðề-bà- đạt-đa có một mảy may thiện pháp nào nên mới thọ ký ông ta sẽ chịu tội một kiếp không thể cứu chữa.
Sở dĩ như thế là vì Ðề-bà-đạt-đa ương ngạnh, ngu si, tham đắm lợi dưỡng, khởi tâm nhiễm trước, tạo ác ngũ nghịch, sau khi qua đời sẽ rơi vào địa ngục. Vì sao như vậy? Vì tâm lợi dưỡng sâu nặng sẽ phá nát gốc thiện, khiến con người không đến được nơi an ổn.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu đã khởi tâm lợi dưỡng, liền phải tìm cách diệt trừ; nếu chưa sanh khởi tâm này thì chớ để sanh khởi.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, Tỳ-kheo kia từ chỗ ngồi đứng dậy, chỉnh sửa y phục, đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
– Nay con xin tự hối lỗi, ngưỡng mong Thế Tôn từ bi tha thứ. Do vì ngu si nên con gây tạo những nghiệp bất thiện. Như Lai giảng thuyết không có hai lời, thế mà con đã ngu si khởi tâm nghi ngờ. Kính xin Thế Tôn nhận sự hối lỗi của con. Con nguyện sẽ sửa đổi sai lầm trước đây, tu tập những điều thiện lành sắp đến.
Tỳ-kheo kia bạch như vậy ba lần xong. Thế Tôn bèn dạy:
– Lành thay, Tỳ-kheo! Thầy đã biết hối cải những suy nghĩ sai lầm của mình. Như Lai sẽ tha thứ những hiểu biết chưa thấu đáo của thầy, chớ có nghi ngờ đối với Như Lai! Nay Như Lai ghi nhận sự hối lỗi của thầy, về sau chớ làm thế nữa.
Đức Phật nhắc nhở ba lần như vậy. Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:
Nếu đã tạo tội nặng,
Hối lỗi, nguyện xin chừa,
Lấy giới luật ngăn ngừa,
Nhổ phăng gốc tội nặng.
Bấy giờ, vị Tỳ-kheo kia và bốn bộ chúng nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:16
Tứ chủng A-na-hàm,
Nhị tâm cập Nhị thực, Bà-đạt,17
Nhị khế kinh,
Trí giả đương giác tri.
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Bất hoàn phẩm 不還品 (T.02. 0125.11. 0566b05). Tên phẩm dựa theo 3 bản Tống, Nguyên, Minh. Bất hoàn (不還) nghĩa là không còn thọ sanh trở lại, dịch nghĩa của A-na-hàm (阿那含, Anāgāmi).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.1. 0566b06). Tham chiếu: It. 01.
3 A-na-hàm (阿那含, Anāgāmī): Bậc Thánh quả thứ 3 trong 4 quả Thanh văn. Theo Câu-xá luận, vị này đã đoạn trừ hết 9 phẩm tư hoặc ở cõi dục và không còn thọ sanh trở lại cõi dục nữa.
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.2. 0566b14). Tham chiếu: It. 01.
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.3. 0566b22). Tham chiếu: It. 2.
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.4. 0566c01). Tham chiếu: It. 5.
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.5. 0566c09). Tham chiếu: A. 1.21/30 - I. 5.
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.6. 0566c16).Tham chiếu: A. 1.21/30 - I. 5.
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.7. 0566c22).Tham chiếu: S. 17.11 - II. 233; S. 17.12 - II. 233; S. 17.11/20 - II. 234.
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.8. 0567a04). Tham chiếu: S. 17.11 - II. 233; S. 17.12 - II. 233; S. 17.11/20 - II. 234.
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.9. 0567a14). Tham chiếu: A. 3.27 - I. 126.
12 Ngũ nghịch (五逆): Năm tội cực ác, gồm giết mẹ, giết cha, giết A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, phá hòa hợp Tăng.
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.11.10. 0567b04).
14 Nguyên tác: Điều-đạt (調達), tên khác của Đề-bà-đạt-đa.
15 Tham chiếu: Cv. 7.341-363.
16 Nguyên tác Nhiếp tụng: 四種阿那含; 二心及二食; 婆達, 二契經; 智者當覺知. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
17 Bà-đạt (婆達) ở đây là viết tắt tên Đề-bà-đạt-đa (提婆達多).
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.