Viện Nghiên Cứu Phật Học

9. PHẨM MỘT ĐỨA CON1

 

 

1. ƯU-BÀ-DI DẠY CON TRAI2
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
_ Ví như người mẹ có tín tâm vững chắc, bà chỉ có đứa con trai duy nhất nên thường suy nghĩ: “Phải dạy dỗ thế nào để nó thành người?”
Các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:
_ Bạch đức Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này. Thế Tôn là gốc của các pháp, những gì Ngài chỉ dạy, không ai là không thọ nhận. Cúi mong Thế Tôn giảng nói diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Nghe xong, chúng con sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
_ Như Lai sẽ giảng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
Các Tỳ-kheo thưa:
_ Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, đức Thế Tôn liền dạy:
_ Ưu-bà-di có tín tâm vững chắc kia dạy bảo đứa con trai của mình rằng: “Nếu sống tại gia thì con phải như trưởng giả Chất-đa, hoặc như đồng tử Tượng.3 Vì sao? Vì đây là chuẩn mực, đây là khuôn phép. Trưởng giả Chất-đa và đồng tử Tượng chính là đệ tử đã chứng ngộ của Thế Tôn. Còn nếu con muốn cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo, mặc ba pháp y thì nên như Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên. Vì sao? Vì đây là chuẩn mực, đây là khuôn phép. Bởi vì Tỳ-kheo Xá-lợi-phất và Tỳ-kheo Mục-kiền-liên đều thích tu học Chánh pháp, không làm điều tà, không khởi phi pháp. Nếu con khởi tâm nhiễm trước thì sẽ rơi vào ba đường ác.”

Vì thế, các thầy cần phải chuyên tâm tu tập, điều gì chưa thành tựu thì phải thành tựu, điều gì chưa đạt được thì phải đạt được, điều chưa chứng ngộ thì nay cần phải chứng ngộ. Vì sao như thế? Này các Tỳ-kheo! Vì vật phẩm cúng dường của tín thí thật sự rất nặng, khó bề tiêu hóa, sẽ khiến các thầy không đến được đạo.
Thế nên, này các thầy Tỳ-kheo! Chớ khởi tâm nhiễm trước, nếu đã sanh khởi thì phải trừ diệt.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

2. ƯU-BÀ-DI DẠY CON GÁI4
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn hỏi các Tỳ-kheo:
_ Ưu-bà-di tín tâm vững chắc chỉ có đứa con gái duy nhất, bà ấy phải dạy bảo thế nào để nó thành người?
Các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:
_ Kính bạch Thế Tôn, chúng con không hiểu nghĩa này! Thế Tôn là gốc của các pháp, những gì Ngài chỉ dạy, không ai là không thọ nhận. Cúi mong Thế Tôn giảng nói diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Nghe xong, chúng con sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn liền bảo các Tỳ-kheo:
_ Như Lai sẽ giảng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
Các Tỳ-kheo thưa:
_ Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
_ Ưu-bà-di tín tâm vững chắc sẽ dạy đứa con gái của mình như vầy: “Nếu con sống tại gia thì nên như ưu-bà-di Câu-thù-đa-la và Nan-đà Mẫu.5 Vì sao? Vì đây là chuẩn mực, đây là khuôn phép. Ưu-bà-di Câu-thù-đa-la và Nan-đà Mẫu chính là đệ tử đã chứng ngộ của Thế Tôn. Còn nếu con muốn cạo tóc, mặc ba pháp y, xuất gia học đạo thì nên như Tỳ-kheo-ni Sấm-ma và Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc.6 Vì sao? Vì đây là chuẩn mực, đây là khuôn phép. Bởi vì Tỳ-kheo-ni Sấm-ma và Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc đều thích tu học Chánh pháp, không làm điều tà, không khởi phi pháp. Nếu con khởi tâm đắm nhiễm sẽ rơi vào ba đường ác.”
Vì thế, các thầy cần phải chuyên tâm tu tập, điều gì chưa thành tựu thì phải thành tựu, điều gì chưa đạt được thì phải đạt được, điều chưa chứng ngộ thì nay cần phải chứng ngộ. Vì sao như thế? Này các Tỳ-kheo! Vì vật phẩm cúng dường của tín thí thật sự rất nặng, khó bề tiêu hóa, sẽ khiến các thầy không đến được đạo. Thế nên, này các thầy Tỳ-kheo, chớ khởi tâm nhiễm trước, nếu đã sanh khởi thì phải trừ diệt!
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

3. TÂM NHANH NHẠY7
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Như Lai không thấy một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm, không thể ví dụ, không8 có phương pháp nào hay cách gì có thể đo lường được sự xoay chuyển mau lẹ của tâm. Cho nên, này các Tỳ-kheo, người phàm phu thì khó có thể quán sát được tâm ý.
Vì vậy, này các Tỳ-kheo! Phải luôn hàng phục tâm ý, khiến hướng theo đường lành và cần nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

4. TÂM VÔ THƯỜNG9
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Như Lai không thấy một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm, khó có thể ví dụ, giống như khỉ vượn, vừa buông cành này liền chụp cành kia, lòng không an định. Tâm cũng như thế, niệm trước và niệm sau đã không giống nhau. Cho nên, này các Tỳ-kheo, người phàm phu không thể quán sát được tâm ý là do đây vậy.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn hàng phục tâm ý, khiến hướng theo đường lành.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

5. ĐỌA LẠC10
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Như Lai thường quán sát và thấy được suy nghĩ trong tâm một người. Người này đọa vào địa ngục nhanh như khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sở dĩ như vậy là do tâm ác. Tâm mà sanh bệnh, sẽ rơi vào địa ngục.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Ví như có một người,    
Trong lòng ôm sân hận,
Nghĩa này Ta giảng rộng,    
Các thầy hãy lắng nghe.
Ngay lúc ôm sân hận,    
Nếu người ấy qua đời,
Liền rơi vào địa ngục,  

 Bởi tâm hành xấu ác.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải hàng phục tâm, chớ để sanh khởi những niệm xấu ác.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, đều hoan hỷ phụng hành.

***

6. SANH THIÊN11
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Như Lai thường quán sát và thấy được suy nghĩ trong tâm một người. Người này được sanh lên cõi trời nhanh như khoảnh khắc co duỗi cánh tay. Sở dĩ được như vậy là nhờ tâm thiện. Ðã khởi tâm thiện liền sanh lên cõi trời.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Nếu lại có một người,    
Thường khởi tâm thiện diệu,
Nghĩa này Ta giảng rộng,    
Các thầy hãy lắng nghe.
Lúc khởi tâm thiện diệu,    
Nếu người ấy qua đời,
Liền sanh lên cõi trời, 
Nhờ tâm hành thiện diệu  

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải giữ gìn tâm ý trong sạch, chớ để sanh khởi những niệm xấu ác.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

7. SẮC NỮ12
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào có sức lôi cuốn, tuyệt đẹp, mê hoặc người đời, khiến không được định tĩnh, bị gông cùm như lao ngục, không dễ thoát ra được như là người nam trông thấy sắc của người nữ, thấy rồi liền khởi tưởng đắm trước, nặng lòng yêu thương, khiến tâm không được định tĩnh, bị gông cùm như lao ngục, không dễ thoát ra được, lòng chẳng muốn rời xa, xoay vần qua lại đời này đời sau, trôi lăn năm đường, trải bao số kiếp.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Tiếng Phạm âm hòa nhã,    
Ta bảo: Khó thấy ra,
Buộc niệm ngay trước mặt,    
Có lúc sẽ thấy ra.
Đừng giao thiệp, chuyện trò,  
 Lân la với người nữ,
Lưới nữ nhân trói giữ,    
Không đến được vô vi.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải dứt trừ sắc dục, chớ khởi tưởng đắm trước. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

8. SẮC NAM13
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào có sức lôi cuốn, tuyệt đẹp, mê hoặc người đời, khiến không được định tĩnh, bị gông cùm như lao ngục, không dễ thoát ra được như là người nữ trông thấy sắc của người nam, thấy rồi liền khởi tưởng đắm trước, nặng lòng yêu thương, khiến tâm không được định tĩnh, bị gông cùm như lao ngục, không dễ thoát ra được, lòng chẳng muốn rời xa, xoay vần qua lại đời này đời sau, trôi lăn năm đường, trải bao số kiếp.
Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nếu sinh tưởng tà vạy,    
Và khởi niệm ái ân,
Trừ ý niệm nhơ này,  
 Các uế sẽ dứt ngay.

Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải dứt trừ sắc dục, chớ khởi tưởng đắm trước. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

9. DỤC TƯỞNG (1)14
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào mà không có tưởng dục liền khiến khởi tưởng dục, tưởng dục đã khởi lại khiến tăng trưởng; không có tưởng sân liền khiến khởi sân, sân hận đã khởi lại khiến tăng trưởng; không có tưởng thụy miên liền khiến khởi thụy miên, thụy miên đã khởi lại khiến tăng trưởng; không có tưởng trạo cử liền khiến khởi trạo cử, trạo cử đã khởi lại khiến tăng trưởng; không có tưởng nghi liền khiến khởi tưởng nghi, tưởng nghi đã khởi lại khiến tăng trưởng. Thế nên, cần phải quán tưởng bất tịnh ô uế nơi thân. Nếu tâm loạn tưởng thì dù không có tưởng dục liền khởi tưởng dục, tưởng dục đã khởi thì sẽ tăng trưởng; không có tưởng sân liền khởi sân, sân hận đã khởi thì sẽ tăng trưởng; không có tưởng thụy miên liền khởi thụy miên, thụy miên đã khởi thì sẽ tăng trưởng; không có tưởng trạo cử liền khởi trạo cử, trạo cử đã khởi thì sẽ tăng trưởng; không có tưởng nghi liền khởi tưởng nghi, tưởng nghi đã khởi thì sẽ tăng trưởng.
Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ có loạn tưởng, phải luôn chánh niệm! Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

10. DỤC TƯỞNG (2)15
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy các Tỳ-kheo:
– Ở trong chúng này, Ta không thấy một pháp nào mà tưởng dục chưa sanh thì khiến tưởng dục không sanh, tưởng dục đã sanh thì khéo trừ diệt; tưởng sân chưa sanh thì khiến không sanh, tưởng sân đã sanh thì khéo trừ diệt; tưởng thụy miên chưa sanh thì khiến không sanh, tưởng thụy miên đã sanh thì khéo trừ diệt; tưởng trạo cử chưa sanh thì khiến không sanh, tưởng trạo cử đã sanh thì khéo trừ diệt; tưởng nghi chưa sanh thì khiến không sanh, tưởng nghi đã sanh thì khéo trừ diệt. Thế nên, cần phải quán tưởng bất tịnh ô uế nơi thân. Đã khéo quán tưởng bất tịnh ô uế rồi sẽ khiến tưởng dục chưa sanh sẽ không sanh, tưởng dục đã sanh liền bị trừ diệt; sân chưa sanh sẽ không sanh, sân đã sanh liền bị trừ diệt,... cho đến tưởng nghi chưa sanh sẽ không sanh, tưởng nghi đã sanh liền bị trừ diệt.
Cho nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn chuyên tâm quán tưởng bất tịnh. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.

***

Kệ tóm tắt:16

Nhị tư cập Nhị tâm,    
Nhất đọa, Nhất sanh thiên,
Nam nữ tưởng thọ lạc,    
Nhị dục tưởng tại hậu.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Nhất tử phẩm 一子品 (T.02. 0125.9. 0562a13).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.1. 0562a14). Tham chiếu: S. 17.6 - II. 229; S. 17.23 - II. 235; S. 17.24 - II. 236.
3 Chất-đa trưởng giả (質多長者, Citta gahapati) và Tượng đồng tử (象童子, Hatthaka). Tham chiếu: S. 17.23 - II. 235: Yādiso citto ca gahapati hatthako ca āḷavako (Hãy giống như gia chủ Citta, hãy giống như Hatthaka ở Āḷava!), HT. Thích Minh Châu dịch.
4 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.2. 0562b08). Tham chiếu: S. 17.6 - II. 229; S. 17.23 - II. 235; S. 17.24 - II. 236.
5 Câu-thù-đa-la (拘讎多羅, Khujjuttarā) và Nan-đà Mẫu (難陀母, Nandāmātā).
6 Sấm-ma (讖摩, Khemā) và Ưu-bát Hoa Sắc (優鉢華色,Uppalavaṇṇā).
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.3. 0562c02). Tham chiếu: SĀ. 289; S. 12.61 - II. 94.
8 Đoạn này vốn có 27 chữ (譬可喻猶如獼猴捨一取一心不專定心亦如是前想後想所不同者), nhưng ở đây lược bỏ theo bản Tống, Nguyên, Minh vì giữ nguyên sẽ bị trùng lặp với đoạn kinh kế tiếp.
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.4. 0562c10). Tham chiếu: SĀ. 289; S. 12.61 -II. 94.
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.5. 0562c18). Tham chiếu: A. 1.43 - I. 8.
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.6. 0563a01). Tham chiếu: A. 1.44 - I. 8.
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.7. 0563a13). Tham chiếu: Phật thuyết Pháp thọ trần kinh 佛說法受塵經 (T.17. 0792. 0736c21); A. 1.1/5 - I. 1.
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.8. 0563a27). Tham chiếu: A. 1.6/10 - I. 1.
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.9. 0563b11). Tham chiếu: A. 1.11/15 - I. 3.
15Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.9.10. 0563b23). Tham chiếu: A. 1.16/20 - I. 3.
16 Nguyên tác Nhiếp tụng: 二斯及二心; 一墮, 一生天; 男女想受樂; 二欲想在後. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.