Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Loài có thân hình to lớn không loài nào hơn vua a-tu-la. Các Tỳ-kheo nên biết, thân hình a-tu-la cao lớn tám vạn bốn ngàn do-tuần, miệng rộng một ngàn do-tuần. Có lần vua a-tu-la muốn xâm phạm mặt trời, mặt trăng liền hóa thân cao lớn gấp đôi, bằng mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, đến trước mặt trời, mặt trăng. Vua Mặt trời và vua Mặt trăng thấy vậy, trong lòng rất lo sợ, nghĩ rằng chỗ ở của mình không còn an ổn. Vì sao thế? Vì thân hình a-tu-la rất đáng sợ. Vì sợ hãi nên vua Mặt trời và vua Mặt trăng kia không phát ánh sáng nữa. Nhưng a-tu-la không dám tiến đến bắt lấy mặt trời, mặt trăng. Vì sao? Vì vua Mặt trời và vua Mặt trăng có oai đức lớn, có thần lực lớn, thọ mạng rất dài, dung mạo đoan chánh, hưởng lạc vô tận. Thọ mạng của họ bao lâu? Đó là trụ được một kiếp. Hơn nữa, nhờ phước đức chúng sanh ở đây trợ giúp nên vua Mặt trời và vua Mặt trăng không bị vua a-tu-la quấy phá. Thế nên, a-tu-la buồn rầu biến thân rút lui.
Cũng vậy, này các Tỳ-kheo! Tệ ma Ba-tuần luôn ở phía sau các thầy, chúng tìm mọi cách để phá hoại thiện căn của các thầy. Ba-tuần biến hóa ra sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp cực kỳ tuyệt vời và hấp dẫn, muốn làm mê loạn tâm ý các Tỳ-kheo. Ba-tuần nghĩ rằng: “Ta sẽ chờ cơ hội sơ hở nơi mắt của các Tỳ-kheo và cả nơi tai, mũi, lưỡi, thân, ý.” Lúc này, các Tỳ-kheo tuy thấy lục tình tuyệt diệu như thế, nhưng tâm vẫn không nhiễm trước. Bấy giờ, Tệ ma Ba-tuần đành phải buồn rầu rút lui. Vì sao thế? Vì nhờ oai lực của Như Lai, bậc A-la-hán mà được như vậy. Vì sao? Vì các Tỳ-kheo không gần sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lại nữa, này các Tỳ-kheo, phải luôn ghi nhớ rằng: Thọ nhận đồ vật của tín thí cúng [dường], quả thật rất khó lòng; nếu không thể tiêu hóa sẽ rơi vào năm đường, không đến được đạo Vô thượng Chánh chân. Vì thế các thầy cần phải chuyên tâm tu tập, những gì chưa nhận ra thì phải nhận ra, điều gì chưa đạt được thì phải đạt được, điều chưa vượt qua thì phải vượt qua, chưa chứng ngộ thì phải chứng ngộ.
Thế nên, này các Tỳ-kheo, nếu chưa được tín thí cúng dường thì chớ khởi tâm mong cầu, đã được tín thí cúng dường thì phải khéo tiêu hóa, chớ để đắm nhiễm.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời sẽ làm lợi ích cho nhiều người, đem lại an ổn cho chúng sanh, thương xót người mê muội, giúp cho trời, người đều được phước đức. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán Đẳng Chánh Giác.4 Ðó là một người xuất hiện ở đời, làm lợi ích cho nhiều người, đem an ổn cho chúng sanh, thương xót người mê muội, giúp cho trời, người đều được phước đức.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn hết lòng cung kính đối với Như Lai. Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời thì tại thế gian liền có một bậc Giác Ngộ và cũng có hai sự thật, ba cửa giải thoát, bốn sự thật, năm căn, sáu tà kiến diệt, bảy giác chi, tám đạo phẩm Hiền thánh, chín nơi cư trú của chúng sanh, mười lực của Như Lai, mười một tâm từ giải thoát.
Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán Đẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời thì tại thế gian liền có một bậc Giác Ngộ và cũng có hai sự thật, ba cửa giải thoát, bốn sự thật, năm căn, sáu tà kiến diệt, bảy giác chi, tám đạo phẩm Hiền thánh, chín nơi cư trú của chúng sanh, mười lực của Như Lai, mười một tâm từ giải thoát.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn hết lòng cung kính đối với Như Lai và cũng nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở thế gian. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người mà khi xuất hiện ở đời liền có ánh sáng trí tuệ xuất hiện ở đời.
Thế nên, Tỳ-kheo các thầy phải có lòng tin đối với chư Phật, chớ có sai lạc. Như thế, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời thì vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt. Bấy giờ, kẻ phàm phu vì bị vô minh này trói buộc nên mãi chịu sanh tử trong năm đường mà không hay biết, xoay vần qua lại từ đời này đến đời sau, từ kiếp này đến kiếp khác, không thoát ra được. Khi ấy, nếu đức Như Lai, bậc A-la-hán Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời thì vô minh tăm tối liền tự tiêu diệt.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nhớ thừa sự chư Phật.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời liền có ba mươi bảy đạo phẩm xuất hiện ở đời. Ba mươi bảy đạo phẩm là gì? Đó là bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi, tám Thánh đạo. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán Ðẳng Chánh Giác.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn thừa sự đức Phật và nên học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi mất hẳn ở đời thì nhân loại ôm lòng buồn lo, chư thiên và loài người không còn bóng mát che chở. Người ấy là ai? Đó là đức Như Lai, bậc A-la-hán Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người nếu mất hẳn ở đời thì nhân loại ôm lòng buồn lo, chư thiên và loài người không còn bóng mát che chở. Vì sao thế? Nếu đức Như Lai không còn nơi cõi đời thì ba mươi bảy đạo phẩm cũng sẽ diệt tận.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải luôn cung kính chư Phật.
Như vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời thì chư thiên và loài người đều được thấm nhuần ánh sáng, liền khởi lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ. Ví như ánh trăng mùa thu tròn đầy trong suốt, chiếu khắp mọi nơi; ở đây cũng thế, nếu đức Như Lai, bậc A-la-hán Ðẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời thì chư thiên và loài người sẽ được thấm nhuần ánh sáng, liền khởi lòng tin đối với giới, văn, thí, tuệ; như ánh trăng tròn đầy chiếu khắp tất cả.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải hết lòng cung kính đối với Như Lai.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời thì lúc ấy chư thiên và loài người đều rất đông đúc, chúng sanh trong ba đường ác liền tự giảm đi. Ví như cõi nước lúc có Thánh vương cai trị và giáo hóa thì nhân dân trong thành đó đông mạnh vô cùng, còn nước láng giềng sẽ yếu sức hơn; ở đây cũng vậy, nếu đức Như Lai xuất hiện ở đời thì chúng sanh trong ba đường ác sẽ tự giảm bớt.
Vì thế, này các Tỳ-kheo! Hãy tin tưởng Phật. Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Có một người mà khi xuất hiện ở đời thì không ai sánh bằng, chẳng thể bắt chước; bước đi một mình, không cùng bè bạn; không ai sánh bằng, chư thiên và loài người không thể sánh kịp; người đầy đủ tín, giới, văn, thí, tuệ không ai có thể sánh kịp. Người đó là ai? Đó là đức Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác. Ðó là một người xuất hiện ở đời thì không có ai sánh bằng, chẳng thể bắt chước; bước đi một mình, không cùng bè bạn; không ai sánh bằng, chư thiên và loài người không thể sánh kịp; người có đầy đủ tín, giới, văn, thí, tuệ. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:13
Tu-luân, Ích, Nhất đạo,
Quang minh cập Ám minh,
Đạo phẩm, Một tận, Tín,
Xí thạnh, Vô dữ đẳng.14
***
Chú thích
1 Nguyên tác: A-tu-luân phẩm 阿須倫品 (T.02. 0125.8. 0560c05). A-tu-luân (阿須倫) còn gọi a-tu-la (阿修羅), một loại quỷ thần hiếu chiến trong văn hóa Ấn Độ, bị xem là ác thần và thường tranh đấu với trời Đế-thích.
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.1. 0560c06).
3 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.2. 0561a08). Tham chiếu: A. 1.170 - I. 22.
4 Đa-tát-a-kiệt A-la-ha Tam-da-tam Phật (多薩阿竭阿羅呵三耶三佛, Tathāgata arahaṃ sammāsambuddha).
5 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.3. 0561a17).
6 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.4. 0561b01). Tham chiếu: A. 1.175 - I. 22.
7 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.5. 0561b09).
8 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.6. 0561b18).
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.7. 0561b26). Tham chiếu: A. 1.173 - I. 22.
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.8. 0561c06).
11 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.9. 0561c16).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.8.10. 0561c24). Tham chiếu: A. 1.174 - I. 22.
13 Nguyên tác Nhiếp tụng: 須倫, 益, 一道; 光明及闇冥; 道品, 沒盡, 信; 熾盛, 無與等. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
14 Bản Hán, hết quyển 3.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.