Viện Nghiên Cứu Phật Học

5. PHẨM TỲ-KHEO-NI1

 

 

1. TỲ-KHEO-NI ÐẠI ÁI ÐẠO VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG2
 

Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai xuất gia học đạo đã lâu, được quốc vương cung kính là Tỳ-kheo-ni Ðại Ái Ðạo Cù-đàm-di.3

Thông minh trí tuệ là Tỳ-kheo-ni Sấm-ma.4

Thần túc bậc nhất cảm đến các thần là Tỳ-kheo-ni Ưu-bát Hoa Sắc.5

Hành pháp Đầu-đà với mười một điều giới hạn6 là Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá Cù-đàm-di.7

Thiên nhãn bậc nhất, nhìn không ngăn ngại là Tỳ-kheo-ni Xa-câu-lê.8 Tọa thiền nhập định, tâm không loạn động là Tỳ-kheo-ni Xa-ma.

Hiểu rõ nghĩa lý, giảng rõ pháp tu là Tỳ-kheo-ni Ba-đầu-lan-đồ-na. Phụng trì giới luật, không chút trái phạm là Tỳ-kheo-ni Ba-la-giá-na.9

Ðược Tín giải thoát, không còn thoái chuyển là Tỳ-kheo-ni Ca-chiên-diên. Ðược bốn biện tài, tâm không khiếp nhược là Tỳ-kheo-ni Tối Thắng.

Ðại Ái và Sấm-ma,                  
Ưu-bát, Cơ-đàm-di,
Câu-lợi, Xa, Lan-đồ,                
Ba-la, Ca-chiên, Thắng.

 ***

2. TỲ-KHEO-NI BÀ-ĐÀ CA-TỲ-LY VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG10
 

Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai tự biết rõ những việc trong vô số kiếp trước là Tỳ-kheo-ni Bà-đà Ca-tỳ-ly.11

Dung mạo đoan chánh, mọi người kính mến là Tỳ-kheo-ni Hê-ma-xà. Hàng phục ngoại đạo quy hướng chánh giáo là Tỳ-kheo-ni Thâu-na. Thấu rõ nghĩa lý, giảng rõ từng phần là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề-na.

Đắp y thô xấu mà lòng không thẹn là Tỳ-kheo-ni Ưu-đa-la.

Các căn tịch tĩnh, tâm luôn chánh niệm là Tỳ-kheo-ni Quang Minh. Y phục trang nghiêm, giữ đúng như pháp là Tỳ-kheo-ni Thiền Ðầu. Biện luận xuyên suốt, không hề do dự là Tỳ-kheo-ni Ðàn-đa.

Khéo làm kệ tụng xưng tán Như Lai là Tỳ-kheo-ni Thiên Dữ. Hiểu biết rộng sâu, thương dạy người dưới là Tỳ-kheo-ni Cù-ty.

Bạt-đà, Xà, Thâu-na,                                              
Ðàm-ma-na, Ưu-đa,
Quang Minh, Thiền, Ðàn-đa,                                   
Thiên Dữ và Cù-ty.

 ***

3. TỲ-KHEO-NI VÔ ÚY VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG12
 

Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai ở chốn yên tịnh, không thích đông người là Tỳ-kheo-ni Vô Úy.

Kham nhẫn khất thực, không chọn sang hèn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xá-khư. Ngồi yên một chỗ, không ưa dời đổi là Tỳ-kheo-ni Bạt-đà-bà-la.

Hóa duyên khắp chốn, rộng độ mọi người là Tỳ-kheo-ni Ma-nộ-ha-lợi. Chóng thành đạo quả, không trệ giữa chừng là Tỳ-kheo-ni Ðà-ma.

Luôn giữ ba y, quyết không rời bỏ là Tỳ-kheo-ni Tu-đà-ma. Thường ngồi dưới cây, không mong dời đổi là Tỳ-kheo-ni Lệ-na.13 Tĩnh tọa ngoài trời, không cầu am thất là Tỳ-kheo-ni Xa-đà.

Thích nơi vắng vẻ, không thích đông người là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-la. Thường ngồi đệm cỏ, trang sức chẳng màng là Tỳ-kheo-ni Ly-na

 

Đắp y năm mảnh, tuần tự khất thực là Tỳ-kheo-ni A-nô-ba-ma.

Vô Úy, Tỳ-xá-khư,14               
Bạt-đà, Ma-nộ-ha,15
Đà,16 Tu-đà,17 Lệ, Xa,18                                       
Ưu-ca, Ly, A-nô.

 ***

4. TỲ-KHEO-NI ƯU-CA-MA VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG19
 

Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai thích ở Thi lâm20 là Tỳ-kheo-ni Ưu-ca-ma.

Thường khởi từ mẫn, thương tưởng chúng sanh là Tỳ-kheo-ni Thanh Minh. Thương những chúng sanh chưa biết đến đạo là Tỳ-kheo-ni Tố-ma.

Gặp đạo thường vui, nguyện ban cùng khắp là Tỳ-kheo-ni Ma-đà-lợi. Giữ gìn các nghiệp,21 tâm không lãng xao là Tỳ-kheo-ni Ca-la-già.

Đạt được nghĩa không, nhận biết hư dối, thấu rõ tất cả vốn không thật có là Tỳ-kheo-ni Ðề-bà-tu.

Tâm vui Vô tưởng, dứt mọi chấp trước là Tỳ-kheo-ni Nhật Quang. Thực hành Vô nguyện, rộng lòng cứu giúp là Tỳ-kheo-ni Mạt-na-bà. Không nghi các pháp, độ người vô hạn là Tỳ-kheo-ni Tỳ-ma-đạt.

Giảng rộng nghĩa lý, tường tận pháp mầu là Tỳ-kheo-ni Phổ Chiếu.

*

Ưu-ca, Minh, Tố-ma,             
Ma-đà, Ca, Ðề-bà,
Nhật Quang, Mạt-na-bà,  
Tỳ-ma-đạt, Phổ Chiếu.

 ***

5. TỲ-KHEO-NI ÐÀM-MA-ĐỀ VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG22
 

Tỳ-kheo-ni bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai tu hạnh nhẫn nhục, bao dung như đất là Tỳ-kheo-ni Ðàm-ma-đề.

Khéo giáo hóa người, lập hội bố thí là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma. Xếp đặt giường tòa, tọa cụ đầy đủ cũng là Tỳ-kheo-ni Tu-dạ-ma.

Tâm đã vắng lặng, không dấy loạn tưởng là Tỳ-kheo-ni Nhân-đà-xà. Quán rõ các pháp, không chút nhàm chán là Tỳ-kheo-ni Long.

Ý chí dũng mãnh, không bị nhiễm trước là Tỳ-kheo-ni Câu-na-la. Nhập Thủy tam-muội, gội nhuần tất cả là Tỳ-kheo-ni Bà-tu.

Nhập Diệm quang định,23 chiếu soi mọi loài là Tỳ-kheo-ni Hàng-đề. Quán thân bất tịnh, rõ lý Duyên khởi là Tỳ-kheo-ni Giá-ba-la.

Nuôi dưỡng mọi người, giúp kẻ khốn khó là Tỳ-kheo-ni Thủ-ca.

Tỳ-kheo-ni bậc nhất cuối cùng trong chúng Thanh văn của Như Lai là Tỳ- kheo-ni Bạt-đà Quân-đà-la, người nước Câu-di.

*

Ðàm-ma, Tu-dạ-ma,                 
Nhân-đà, Long, Câu-na,
Bà-tu, Hàng, Giá-ba,                
Thủ-ca, Bạt-đà-la.

***

Năm mươi Tỳ-kheo-ni này cần được diễn nói rộng rãi như phẩm trước.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Tỳ-kheo-ni phẩm 比丘尼品 (T.02. 0125.5. 0558c20).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.5.1. 0558c21). Tham chiếu: Phật thuyết A-la-hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.235/247 - I. 25.
3 Đại Ái Đạo Cù-đàm-di (大愛道瞿曇彌, Mahāpajāpatī Gotamī).
4 Sấm-ma (讖摩, Khemā).
5 Ưu-bát Hoa Sắc (優缽華色, Uppalavaṇṇā) còn gọi là Liên Hoa Sắc (蓮華色).
6 Theo 11 điều giới hạn: chú thích 18, phẩm 4, tr. 34 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b08), hạnh Đầu-đà có 12 điều quy định lối sống khổ hạnh, nhưng Tỳ-kheo-ni Cơ-lê-xá Cù-đàm-di không thực hành hạnh A-lan-nhã mà sống với đại chúng để đảm bảo an toàn cho phận nữ, do đó chỉ còn 11 điều.
7 Cơ-lê-xá Cù-đàm-di (機梨舍瞿曇彌, Kisā Gotamī).
8 Xa-câu-lê (奢拘梨, Sakulā).
9 Ba-la-giá-na (波羅遮那, Paṭācāra).
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.5.2. 0559a10). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.235/247 - I. 25.
11 Bà-đà Ca-tỳ-ly (扙陀迦毘離, Bhaddā Kāpilānī).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.5.3. 0559a23). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.235/247 - I. 25.
13 Bản Tống, Nguyên, Minh ghi là Lệ-na (珕那). Căn cứ vào nội dung kinh thì có nhiều điểm tương đồng với Tỳ-kheo-ni Selā, được đề cập trong Thīg. 129; ThīgA. 61.
14 Nguyên tác Nhiếp tụng ghi là Đa-tỳ-xá (多毘舍). Khảo toàn bộ tạng Đại Chánh, không tìm thấy vị Tỳ-kheo-ni nào có tên như vậy. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung kinh thì đó là Tỳ-kheo-ni Tỳ-xá-khư (毘舍佉), tên gọi vốn được phiên âm từ Visākhā. Đây là tên của một vị Tỳ-kheo-ni được đề cập trong Thīg. 124; ThīgA. 20. Bản dịch ghi là Tỳ-xá-khư dựa vào những diễn giải vừa nêu.
15 Bản Tống, Nguyên, Minh ghi Bạt-đà, Ma-nộ-ha (拔陀, 摩怒訶). Bản dịch sử dụng nghĩa này.
16 Nguyên tác Nhiếp tụng ghi là Đàn (檀). Đây là trường hợp nhầm lẫn giữa hai tự căn: Đàn (檀, Dā) và Đà (陀, Dha). Trong khi đó ở nội dung kinh, tên của vị Tỳ-kheo-ni này là Đà-ma (陀摩), tên gọi vốn được dịch âm từ Dhammā. Đây là tên của vị Tỳ-kheo-ni được đề cập trong Thīg. 125; ThīgA. 23. Bản dịch ghi là Đà dựa vào những diễn giải vừa nêu.
17 Nguyên tác Nhiếp tụng ghi là Tu-đàn (須檀). Đàn (檀) ở đây cũng là sự nhầm lẫn về tự căn như vừa nêu. Tu-đàn ở đây chỉ cho vị Tỳ-kheo-ni tên là Tu-đà-ma (須陀摩). Bản dịch ghi là Tu-đà dựa vào những diễn giải vừa nêu.
18 Nguyên tác Nhiếp tụng theo bản Tống, Nguyên, Minh là Lệ, Xa (珕, 奢), tức chỉ cho hai vị Tỳ-kheo- ni Lệ-na (珕那) và Xa-đà (奢陀).
19 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.5.4. 0559b09). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.235/247 - I. 25.
20 Nguyên tác: Trủng gian (塚間). Xem chú thích 42, phẩm 4, tr. 36.
21 Nguyên tác: Chư hành (諸行). Theo Luận Câu-xá, quyển 9, “nghiệp cũ” gọi là “hành.”
22 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.5.5. 0559b22). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.235/247 - I. 25.
23 Nguyên tác: Tam-muội (三昧). Chúng tôi sử dụng nghĩa tương đương là “định” (定).

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.