Viện Nghiên Cứu Phật Học

4. PHẨM ÐỆ TỬ1

 

1.TỲ-KHEO KIÊU-TRẦN-NHƯ VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG2
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai có lòng từ bao dung, kiến thức sâu rộng, có tài khuyến hóa, nuôi dưỡng Thánh chúng, không mất oai nghi chính là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân.3 Người đầu tiên thọ nhận pháp vị, tư duy tứ đế cũng là Tỳ-kheo A-nhã Câu-lân.

Khéo léo khuyên bảo, dẫn người vào đạo, tu tạo phước điền, độ khắp muôn dân là Tỳ-kheo Ưu-đà-di.4

Tốc chứng thần thông, giữa đường không hối là Tỳ-kheo Ma-ha-nam.5 Thân phi hư không, chân không chạm đất là Tỳ-kheo Thiện-trửu.6

Tùy duyên giáo hóa, tâm không cầu vinh là Tỳ-kheo Bà-phá.7 Sống vui cõi trời, không sống cõi người là Tỳ-kheo Ngưu Tích.8

Thường luôn quán tưởng thân thể bất tịnh là Tỳ-kheo Thiện Thắng.9

Nuôi dưỡng Thánh chúng, cúng dường tứ sự là Tỳ-kheo Ưu-lưu-tỳ Ca-diếp.10 Tâm ý an tịnh, hàng phục kiết sử là Tỳ-kheo Giang Ca-diếp.11

Thấu rõ các pháp, tâm không đắm trước là Tỳ-kheo Tượng Ca-diếp.12

*Câu-lân, Đà-di, Nam,               
Thiện-trửu rồi Bà-phá,       
Ngưu Tích đến Thiện Thắng,                                  
Ba anh em Ca-diếp.

 ***

2. TỲ-KHEO MÃ SƯ VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG13
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai oai nghi đoan chánh, đi đứng khoan thai là Tỳ-kheo Mã Sư.14

Trí tuệ sâu rộng, giải rõ các nghi là Tỳ-kheo Xá-lợi-phất.15

Thần túc nhẹ nhàng, dạo khắp mười phương là Tỳ-kheo Ðại Mục-kiền-liên.16 Dũng mãnh tinh tấn, kham chịu khổ hạnh là Tỳ-kheo Nhị Thập Ức Nhĩ.17 Hành trì Đầu-đà,18 mười hai khổ hạnh là Tỳ-kheo Ðại Ca-diếp.19

Thiên nhãn bậc nhất, thấy hết các cõi nước ở khắp mười phương là Tỳ-kheo A-na-luật.20

Tọa thiền nhập định, tâm không loạn động là Tỳ-kheo Ly-viết.21

Khéo léo khuyến dẫn, thiết hội giảng kinh là Tỳ-kheo Ðà-la-bà Ma-la.22

Xây cất am thất cho Tăng mười phương là Tỳ-kheo Tiểu Đà-la-bà Ma-la.23 Dòng dõi cao quý, xuất gia học đạo là Tỳ-kheo La-tra-bà-la.24

Khéo phân biệt nghĩa, diễn bày giáo pháp là Tỳ-kheo Ðại Ca-chiên-diên.25

Mã Sư, Xá-lợi-phất,                
Câu-luật, Nhĩ, Ca-diếp,
A-na-luật, Ly-viết,                   
Ma-la, Tra, Chiên-diên.26

 ***

3. TỲ-KHEO QUÂN-ĐẦU-BA-MẠC VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG27
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai xứng đáng nhận thẻ28 không trái phép tắc là Tỳ-kheo Quân-đầu-ba-mạc.29

Hàng phục ngoại đạo, khuyến theo Chánh pháp là Tỳ-kheo Tân-đầu-lô.30 Giỏi chăm sóc bệnh, cung cấp thuốc thang là Tỳ-kheo Sấm.31 Cúng dường tứ sự, y phục, uống ăn cũng là Tỳ-kheo Sấm.

Thường làm kệ tụng, khen hạnh đức Phật là Tỳ-kheo Bằng-kỳ-xá.32 Lời lẽ trôi chảy, biện luận rõ ràng, cũng là Tỳ-kheo Bằng-kỳ-xá.

Ðược bốn biện tài, chất vấn đáp ngay là Tỳ-kheo Ma-ha Câu-hy-la.33 Thích chốn thanh tịnh, không ưa đông người là Tỳ-kheo Kiên Lao.34 Nhẫn nại khất thực, không tránh nắng, rét là Tỳ-kheo Nan-đề.35

Tĩnh tọa một mình, chuyên tâm niệm đạo là Tỳ-kheo Kim-tỳ-la.36

Theo nhất tọa thực,37 không thích dời đổi là Tỳ-kheo Thi-la.38 Khi ăn, lúc nghỉ, không rời ba y là Tỳ-kheo Phù-di.39

Quân-đầu, Tân-đầu-lô,             
Sấm, Bằng, Câu-hy-la,         
Kiên Lao và Nan-đề,                                               
Kim-tỳ, Thi-la, Di.

 ***

4. TỲ-KHEO HỒ NGHI LY-VIẾT VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG40
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai tọa thiền dưới [gốc] cây, tâm không lay động là Tỳ-kheo Hồ Nghi Ly-viết.41

Ngồi thiền giữa trời, không tránh gió mưa là Tỳ-kheo Bà-sa. Vui nơi vắng vẻ, một lòng tư duy là Tỳ-kheo Ðà-tố.

Đắp y năm mảnh, không thích xa hoa là Tỳ-kheo Ni-bà.

Thích sống thi lâm,42 không thích gần người là Tỳ-kheo Ưu-đa-la.43 Thường ngồi đệm cỏ, làm phước độ người là Tỳ-kheo Lô-hê-ninh.

Không thích chuyện trò, nhìn xuống khi đi là Tỳ-kheo Ưu-kiềm-ma-ni-giang. Đi, đứng, nằm, ngồi, trú trong chánh định là Tỳ-kheo San-đề.

Thích đến nhiều nơi, giáo hóa dân chúng là Tỳ-kheo Ðàm-ma-lưu-chi. Vui họp Thánh chúng, sẻ chia pháp vị là Tỳ-kheo Ca-lệ.

Hồ Nghi Ly, Bà-sa,                  
Ðà-tố, Bà, Ưu-đa,
Lô-hê, Ưu-kiềm-ma,                
San,44 Ðàm-ma-lưu, Lệ.

 ***

5. TỲ-KHEO BÀ-CÂU-LA VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG45
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai thọ mạng dài lâu, quyết không chết yểu là Tỳ-kheo Bà-câu-la.46 Thích sống ẩn dật, không thích đông người cũng là Tỳ-kheo Bà-câu-la.

Thuyết giảng rộng sâu, tinh tường nghĩa lý là Tỳ-kheo Mãn Nguyện Tử.47 Giới luật tinh nghiêm, không hề sai phạm là Tỳ-kheo Ưu-ba-ly.48

Ðược tín giải thoát, tâm không nghi ngại là Tỳ-kheo Bà-ca-lợi.49

Thân nghiêm tựa trời, khác hẳn thế gian là Tỳ-kheo Nan-đà.50 Các căn tịch tĩnh, tâm không loạn động, cũng là Tỳ-kheo Nan-đà.

Biện tài vô ngại, giải nghi cho người là Tỳ-kheo Bà-đà.

Khéo giảng rộng nghĩa, lý không trái nghịch là Tỳ-kheo Tư-ni. Thường đắp y tốt, Phạm hạnh thanh tịnh là Tỳ-kheo Thiên Tu-bồ-đề. Luôn muốn dạy bảo cho người học sau là Tỳ-kheo Nan-đà-ca.

Khéo dạy giới luật cho Tỳ-kheo-ni là Tỳ-kheo Tu-ma-na.

Bà-câu, Mãn, Ba-ly,                 
Bà-ca-lợi, Nan-đà,
Ðà, Ni, Tu-bồ-đề,          
Nan-đà, Tu-ma-na.

 ***

6. TỲ-KHEO THI-BÀ-LA VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG51
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai công đức tràn đầy, không hề khuyết thiếu là Tỳ-kheo Thi-bà-la.52

Thực hành đầy đủ các phần đạo phẩm là Tỳ-kheo Ưu-ba-tiên Ca-lan-đà tử. Lời nói hòa nhã không tổn thương người là Tỳ-kheo Bà-đà-tiê

Quán niệm hơi thở, quán tưởng bất tịnh là Tỳ-kheo Ma-ha Ca-diên-na. Hiểu ngã, vô thường, tâm không chấp có là Tỳ-kheo Ưu-đầu-bàn.

Am tường Luận tạng, tâm thức hân hoan là Tỳ-kheo Câu-ma-la Ca-diếp.53 Đắp y thô xấu mà không hổ thẹn là Tỳ-kheo Diện Vương.

Không phạm giới cấm, đọc tụng siêng năng là Tỳ-kheo La-vân. Thường vận thần túc để tự ẩn thân là Tỳ-kheo Bàn-đặc.

Đổi dạng thay hình, biến hóa tướng trạng là Tỳ-kheo Châu-lợi-bàn-đặc.

Thi-bà, Ưu-ba-tiên,                  
Bà-đà, Ca-diên-na,         
Ưu-đầu, Vương, Ca-diếp,                                       
La-vân, hai Bàn-đặc.

 ***

7. TỲ-KHEO THÍCH VƯƠNG VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG54
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai, gia tộc giàu sang, tánh tình hòa nhã là Tỳ-kheo Thích Vương.

Siêng tu khất thực, giáo hóa miệt mài là Tỳ-kheo Bà-đề-bà-la. Khí lực mạnh mẽ, không sợ khó khăn, cũng là Tỳ-kheo Bà-đề-bà-la.

Giọng nói trong trẻo, vang đến Phạm thiên là Tỳ-kheo La-bà-na-bà-đề. Thân thể thơm hương, quyện tỏa bốn phương là Tỳ-kheo Ương-ca-xà.

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai giỏi về rõ vật biết thời, chỗ đến không nghi, nhớ ghi vững chãi, học rộng thấy xa, kham phụng bề trên là Tỳ-kheo A-nan.

Y phục trang nghiêm, đi nhìn xuống bóng là Tỳ-kheo Ca-trì-lợi. Các vua hậu đãi, quần thần kính nể là Tỳ-kheo Nguyệt Quang.

Trời, người kính phụng, mỗi sớm cúng dường là Tỳ-kheo Thâu-đề. Vượt hơn thân người, tướng mạo như trời, cũng là Tỳ-kheo Thâu-đề.

Thầy của chư thiên, truyền dạy Chánh pháp là Tỳ-kheo Thiên. Nhớ rõ túc mạng nhiều kiếp đã qua là Tỳ-kheo Quả Y. 

Thích Vương, Bà-đề-bà,           
La-bà, Ương-ca-xà,
A-nan, Ca, Nguyệt Quang,      
Thâu-đề, Thiên, Quả Y.55

 ***

8. TỲ-KHEO ƯƠNG-QUẬT-MA-LA VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG56
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai thân tâm lanh lợi, trí tuệ sâu xa là Tỳ-kheo Ương-quật-ma.

Khéo hàng phục ma và tà nghiệp của ngoại đạo tà là Tỳ-kheo Tăng-ca-ma. Nhập Thủy tam-muội57 vô cùng dễ dàng là Tỳ-kheo Chất-đa Xá-lợi-phất. Hiểu biết rộng sâu, mọi người kính nhớ, cũng là Tỳ-kheo Chất-đa Xá-lợi-phất.

Nhập Hỏa tam-muội58 chiếu khắp mười phương là Tỳ-kheo Thiện Lai. Hàng phục rồng dữ quy ngưỡng Tam tôn là Tỳ-kheo Na-la-đà.

Hàng phục quỷ thần bỏ ác tu thiện là Tỳ-kheo Quỷ-đà. Hàng càn-thát-bà, khiến tu hạnh tốt là Tỳ-kheo Tỳ-lô-giá.

Vui với định Không, giỏi giải nghĩa không là Tỳ-kheo Tu-bồ-đề. Để tâm vắng lặng, sáng đẹp đức nghiệp, cũng là Tỳ-kheo Tu-bồ-đề.

Nhập định Vô tưởng,59 trừ bỏ vọng tâm là Tỳ-kheo Kỳ-lợi-ma-nan. Nhập định Vô nguyện,60 tâm không dấy loạn là Tỳ-kheo Diệm Thạnh.

Ương-quật, Tăng-ca-ma,          
Chất-đa, Thiện, Na-la,
Duyệt-xoa, Phù-lô-giá,            
Thiện Nghiệp, Ma-nan, Diệm.

 ***

9. TỲ-KHEO PHẠM-MA-ĐẠT VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG61
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai về nhập Từ tam- muội, tâm không sân hận là Tỳ-kheo Phạm-ma-đạt.

Nhập Bi tam-muội, thành tựu bản nghiệp là Tỳ-kheo Tu-thâm. Ðược đức thiện hạnh  không khởi các tưởng là Tỳ-kheo Sa-di-đà. Thường phòng hộ tâm, không dám rời bỏ là Tỳ-kheo Dược-ba-ca. Hành Diệm thạnh định,62 trọn không lười mỏi là Tỳ-kheo Ðàm-di.

Nói năng bộc trực, không ngại tôn quý là Tỳ-kheo Lợi-đà-bà-giá. Nhập Kim quang định,63 cũng là Tỳ-kheo Lợi-đà-bà-giá.

Nhập Kim cang định,64 không thể phá hoại là Tỳ-kheo Vô Úy. Nói năng quyết đoán, không chút yếu hèn là Tỳ-kheo Tu-nê-đa. Thường vui tịch tĩnh, tâm không thích động là Tỳ-kheo Ðà-ma. Nghĩa lý siêu xuất, không người chiết phục là Tỳ-kheo Tu-la-đà.   

Phạm-ma-đạt, Tu-thâm,     
Sa-di, Dược, Ðàm-di, 
Tỳ-lợi-đà, Vô Úy,       
Tu-nê, Đà, Tu-la.

 ***

10. TỲ-KHEO NA-GIÀ-BA-LA VÀ CÁC VỊ TỐI THẮNG65
 

Tỳ-kheo bậc nhất trong chúng Thanh văn của Như Lai hiểu rõ tinh tú, biết điềm cát hung là Tỳ-kheo Na-già-ba-la.

Ưa thích thiền định, sống bằng thiền lạc là Tỳ-kheo Bà-tư-trá. Thường vui với hỷ, lấy hỷ nuôi thân là Tỳ-kheo Tu-dạ-xa.

Thường hành nhẫn nhục, đối nghịch chẳng lay là Tỳ-kheo Mãn Nguyện Thịnh Minh.66

Tu Nhật quang định67 là Tỳ-kheo Di-hề.

Giỏi về tính toán, không chút sai lầm là Tỳ-kheo Ni-câu-lưu. Trí khéo phân biệt, nhớ giỏi không quên là Tỳ-kheo Lộc-đầu. Chứng Lôi điện định,68 không còn sợ hãi là Tỳ-kheo Ðịa.

Rõ nguồn gốc thân là Tỳ-kheo Ðầu-na.

Đệ tử cuối cùng chứng Lậu tận thông69 chính là Tỳ-kheo Tu-bạt.

Na-già, Trá, Xa, Na,      
Di-hề, Ni-câu-lưu,     
Lộc-đầu, Ðịa, Ðầu-na,     
Tu-bạt ở sau cùng.

Một trăm vị Hiền thánh này70 cần nên diễn nói rộng rãi.

***

Chú thích

1 Nguyên tác: Đệ tử phẩm 弟子品 (T.02. 0125.4. 0557a16).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.1. 0557a17). Tham chiếu: Phật thuyết A-la-hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24; A. 1.209/218- I. 24; A. 1.219/234 - I. 24.
3 A-nhã Câu-lân (阿若拘隣, Aññāsi Koṇḍañña) còn gọi là A-nhã Kiêu-trần-như (阿若憍陳如), vị A-la- hán hiểu pháp và là đệ tử đầu tiên của đức Phật.
4 Ưu-đà-di (優陀夷, Udāyī).
5 Ma-ha-nam (摩訶男, Mahānāma).
6 Thiện-trửu (善肘, Subāhu).
7 Bà-phá (婆破, Vappa).
8 Ngưu Tích (牛跡, Gavampati) còn được gọi là Kiêu-phạm-ba-đề (憍梵波提).
9 Thiện Thắng (善勝, Uttara).
10 Ưu-lưu-tỳ Ca-diếp (優留毘迦葉, Uruvelā Kassapa).
11 Giang Ca-diếp (江迦葉) cũng gọi là Na-đề Ca-diếp (那提迦葉, Nadī Kassapa). Vì Nadī nghĩa là con sông nên Hán dịch là Giang (江).
12 Tượng Ca-diếp (象迦葉) cũng gọi là Già-da Ca-diếp (伽耶迦葉, Gayā Kassapa).
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.2. 0557b04). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
14 Mã Sư (馬師, Assaji) còn gọi là Mã Thắng (馬勝).
15 Xá-lợi-phất (舍利弗, Sāriputta).
16 Đại Mục-kiền-liên (大目揵連, Mahāmoggallāna).
17 Nhị Thập Ức Nhĩ (二十億耳, Soṇakolivīsa).
18 Đầu-đà (頭陀). Giải thoát đạo luận 解脫道論 (T.32. 1648.2. 0404b27-c03) trả lời câu hỏi: Những gì gọi là Đầu-đà? Có 13 pháp. Hai pháp liên quan đến y phục, gồm: Y phấn tảo và ba y. Năm pháp liên quan đến khất thực, đó là khất thực, tuần tự khất thực, ăn một lần ngồi, ăn có chừng mực, trái thời không ăn. Năm pháp liên quan đến nằm, ngồi: Một là, ngồi nơi thanh vắng; hai là, ngồi dưới gốc cây; ba là, ngồi chỗ đất trống; bốn là, ngồi nơi bãi tha ma; năm là, ngồi chỗ ngẫu nhiên. Có một pháp liên quan đến hạnh tinh tấn, đó là thường ngồi, không nằm. (何者為頭陀? 有十三法. 二法衣相應, 謂糞掃衣及三衣. 五法乞食相應, 謂乞食, 次第乞食, 一坐食, 節量食, 時後不食. 五法坐臥相應: 一無事處坐, 二樹下坐, 三露地坐, 四塚間坐, 五遇得處坐. 一勇猛相應有一種, 謂常坐不臥). Tương tự, trong Vism. 2.22 cũng đề cập đến 13 pháp Đầu-đà: Paṃsukūlikaṅgaṃ, tecīvarikaṅgaṃ, piṇḍapātikaṅgaṃ, sapadānacārikaṅgaṃ, ekāsanikaṅgaṃ,pattapiṇḍikaṅgaṃ, khalupacchābhattikaṅgaṃ, āraññikaṅgaṃ, rukkhamūlikaṅgaṃ, abbhokāsikaṅgaṃ, sosānikaṅgaṃ, yathāsanthatikaṅgaṃ, nesajjikaṅganti. Nghĩa là (i) Hạnh phấn tảo y; (ii) Hạnh ba y; (iii) Hạnh khất thực; (iv) Hạnh khất thực từng nhà; (v) Hạnh nhất tọa thực; (vi) Hạnh ăn bằng bát; (vii) Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong); (viii) Hạnh ở rừng; (ix) Hạnh ở gốc cây; (x) Hạnh ở giữa trời; (xi) Hạnh ở nghĩa địa; (xii) Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong; (xiii) Hạnh ngồi không nằm, Thích Nữ Trí Hải dịch. Thế nhưng ở kinh này, cùng với Tăng. 增 (T.02. 0125.12.5. 0569c13) và Phật thuyết thập nhị hạnh Đầu-đà kinh 佛說十二行頭陀經 (T.17. 0783. 0720b14) chỉ đề cập 12 hạnh.
19 Đại Ca-diếp (大迦葉, Mahākassapa).
20 A-na-luật (阿那律, Anuruddha).
21 Ly-viết (離曰, Revata).
22 Đà-la-bà Ma-la (陀羅婆摩羅, Dabba Mallaputta).
23 Tiểu Đà-la-bà Ma-la (小陀羅婆摩羅, Dabba Mallaputta).
24 La-tra-bà-la (羅吒婆羅, Raṭṭhapāla).
25 Đại Ca-chiên-diên (大迦旃延, Mahākaccāna).
26 Bài kệ này thiếu ngài Mục-kiền-liên.
27 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.3. 0557b18). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
28 Trù (籌, salākā). . 640 gọi là “hành xá-la trù” (行舍羅籌), tức dùng chiếc thẻ làm bằng tre, gỗ, đồng, sắt, ngà, sừng, v.v... dài khoảng một tấc, bằng cỡ ngón tay út, phân phát cho mọi người để kiểm số Tăng chúng tham dự. Ma-ha Tăng-kỳ luật 摩訶僧祇律 (T.22. 1425.31. 0479c23) giải thích: Nên dùng pháp xá-la để biết người nhiều hay ít (應行舍羅知★多少).
29 Quân-đầu-ba-mạc (軍頭波漠, Kuṇḍadhāna).
30 Tân-đầu-lô (賓頭盧) là viết tắt của Tân-đầu-lô Xà-phả-la-đọa (Piṇḍola Bhāradvāja).
31 Sấm (讖, Khema).
32 Bằng-kỳ-xá (鵬耆舍, Vaṅgīsa).
33 Ma-ha Câu-hy-la (摩訶拘絺羅, Mahākoṭṭhita).
34 Kiên Lao (堅牢).
35 Nan-đề (難提, Nandiya).
36 Kim-tỳ-la (今毘羅, Kimbila).
37 Nguyên tác: Nhất tọa nhất thực (一坐一食), một trong 13 hạnh Đầu-đà, ngồi ăn một lần duy nhất, đã đứng lên thì không ngồi xuống ăn trở lại, tức ngồi một lần ăn một bữa.
38 Thi-la (施羅).
39 Phù-di (浮彌).
40 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.4. 0557c03). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
41 Hồ Nghi Ly-viết (狐疑離曰, Kaṅkhā Revata).
42 Nguyên tác: Trủng gian (塚間). PED xác định “trủng gian” là nơi quăng bỏ thi thể của người đã chết (P. sīvathikā). Truyền thống xử lý tử thi của các tôn giáo Ấn Độ nói chung không xây dựng mồ mả, do vậy, chúng tôi sử dụng từ “thi lâm”, nghĩa là rừng tử thi trong trường hợp này.
43 Ưu-đa-la (優多羅, Uttara).
44 Nguyên tác: Tức (息), có nghĩa là diệt sạch (滅絕, diệt tuyệt), tiêu mất (消失, tiêu thất), cùng nghĩa với chữ “san” (刪), nghĩa là loại bỏ (削除, tước trừ). Bản dịch dùng chữ “san” (刪) ở Nhiếp tụng để thống nhất với tên của vị Tỳ-kheo trong nội dung kinh.
45 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.5. 0557c16). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
46 Bà-câu-la (婆拘羅, Bakkula).
47 Mãn Nguyện Tử (滿願子, Puṇṇa Mantāniputta).
48 Ưu-ba-ly (優波離, Upāli).
49 Bà-ca-lợi (婆迦利, Vakkali).
50 Nan-đà (難陀, Nanda).
51 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.6. 0558a07). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
52 Thi-bà-la (尸婆羅, Sīvali).
53 Câu-ma-la Ca-diếp (拘摩羅迦葉, Kumāra Kassapa). Đệ nhất có lời nói làm đẹp lòng người(cittakathikānaṃ) là Kumāra Kassapa. Tham chiếu: A. I. 24.
54 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.7. 0558a20). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
55 Nguyên tác: Bà-ê (婆醯), vốn được phiên âm từ chữ Bāhiya. Theo DPPN, Bāhiya là tên của một vị A-la-hán. Khi còn ở đời, trong một chuyến đi buôn, Bāhiya bị đắm tàu và mất hết quần áo. Nhân đó, ông ta đã tự may một bộ quần áo bằng vỏ cây và đi hành hóa. Có lẽ do vậy nên trong A. 1.234 - I. 25 đã nhấn mạnh đặc thù của vị này là mang y thô (lūkhacīvaradhara). Do đó, trong nội dung kinh trên đã gọi vị này là Tỳ-kheo mang y bằng trái cây (菓衣), cũng có thể hiểu là bằng lá cây. Để Nhiếp tụng thống nhất với nội dung kinh, bản dịch dùng từ “Quả Y” (菓衣).
56 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.8. 0558b07). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I .24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
57 Thủy tam-muội (水三昧) còn gọi là Thủy luân quán (水輪觀, Jala maṇḍala), tức quán các yếu tố của nước trong thân thể như nước mắt, nước bọt... đồng nhất với nước và nước lưu chuyển khắp thân. Trị thiền bệnh bí yếu pháp 治禪病祕要法 (T.15. 0620.1. 0334a14) ghi: Hành giả thể nhập Thủy tam-muội, tự thấy thân mình như một dòng suối ngầm lớn, dòng nước tùy thuận luân lưu trong 336 đốt xương (行者入水三昧者,自見己身如大涌泉,三百三十六節隨水流去).
58 Hỏa tam-muội (火三昧) còn gọi là Hỏa quang tam-muội (火光三昧). Theo . 197, khi nhập định này thân phóng ra ngọn lửa lớn với nhiều màu sắc.
59 Định Vô tưởng (無想定, S. Asaṃjñā samāpatti, P. Asaññasamāpatti). Theo . 2, khi hành giả không nhớ nghĩ tất cả tưởng thì sẽ thể nhập định Vô tưởng (不念一切想, 入無想定). Tuy nhiên, . 210 đã bổ sung thêm: Khi hành giả thể nhập định này thì tưởng và tri vẫn chưa diệt (入無想定者, 想知不滅).
60 Vô nguyện định (無願定) còn gọi là Vô nguyện tam-muội (無願三昧, P. Apaṇihita samādhi), theo. 9, là một trong 3 tam-muội, gồm Không tam-muội (空三昧), Vô nguyện tam-muội (無 願三昧) và Vô tướng tam-muội (無相三昧). 
61
Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.9. 0558b22). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
62 Nguyên tác: Diệm thạnh tam-muội (焰盛三昧). Có khả năng đây là một tên gọi khác của Hỏa quang tam-muội (火光三昧). Xem chú thích 58, tr. 39.
63 Nguyên tác: Kim quang tam-muội (金光三昧).
64 Nguyên tác: Kim cang tam-muội (金剛三昧). Chứng được Kim cang tam-muội sẽ xa lìa hết thảy ngu si tăm tối. Theo Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (T.09. 0278.14. 0485b24) (成就金剛方便三昧, 永離一切愚癡闇冥).
65 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.4.10. 0558c07). Tham chiếu: Phật thuyết A-la- hán cụ đức kinh 佛說阿羅漢具德經 (T.02. 0126. 0831a03); A. 1.188/197 - I. 23; A. 1.198/208 - I. 24;A. 1.209/218 - I. 24; A. 1.209/234 - I. 24.
66 Có quan điểm cho rằng đó là Tỳ-kheo Phú-lâu-na (富樓那, Puṇṇa).
67 Nguyên tác: Nhật quang tam-muội (日光三昧).
68 Nguyên tác: Lôi điện tam-muội (雷電三昧).
69 Lậu tận thông (漏盡通) còn gọi là Lậu tận trí chứng minh (漏盡智證明). . 885 định nghĩa: Thế nào là “Trí hiểu rõ tường tận về việc diệt trừ tất cả lậu hoặc” (漏盡智證明)? Nghĩa là vị Thánh đệ tử biết như thật đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt. Vị ấy biết như vậy, thấy như vậy nên tâm giải thoát khỏi dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, tâm giải thoát khỏi vô minh lậu, được tri kiến giải thoát và tự biết rằng: “Sự sanh của ta đã dứt, Phạm hạnh đã được thành tựu, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh.” Đây gọi là “Trí hiểu rõ tường tận về việc diệt trừ tất cả lậu hoặc.”
70 Nguyên tác: Thử bách Hiền thánh (此百賢聖). Trong thực tế có 101 vị, vì ở kinh số 2 có đến 11 vị.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.