Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp này rồi, các thầy sẽ có được thanh danh,3 thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm Phật.
Đức Phật lại hỏi các Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm Phật như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:
– Nguồn gốc của các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, nhất tâm niệm Phật. Khi quán tướng Như Lai, không hề rời mắt; lúc không rời mắt, lại nhớ nghĩ công đức của Như Lai:
Thể của Như Lai bằng kim cương, đầy đủ mười lực,4 bốn vô sở úy,5 dũng mãnh giữa đại chúng. Dung mạo Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không biết chán. Giới đức thành tựu chắc như kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh vô nhiễm, sáng tợ lưu ly. Tam-muội6 của Như Lai chưa hề sút giảm, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Tâm kiêu mạn, ngang bướng, tham dục, sân hận, si mê, do dự, mạn kiết7 thảy đều dứt sạch.
Thân trí tuệ vô lậu của Như Lai,8 trí không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, vượt thoát các nẻo, không còn tái sanh, để không phải nói: “Ta lại rơi vào sanh tử.” Thân Như Lai vượt khỏi tường thành tri kiến, biết rõ căn cơ của từng người, người nào nên độ người nào không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, xoay vần qua lại trong dòng sanh tử; ai sẽ giải thoát, ai không giải thoát, Như Lai đều biết rõ.
Ðó gọi là tu hành niệm Phật, sẽ được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Do vậy, này các Tỳ-kheo! Thường phải tư duy, không rời niệm Phật thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm Pháp.
Đức Phật lại hỏi các Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm Pháp như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên tâm niệm Pháp sẽ dứt trừ được các dục ái, dập tắt trần lao, tâm ái nhiễm vĩnh viễn không còn dấy khởi. Thế nào là Chánh pháp? Nghĩa là ngay nơi dục mà đạt được vô dục, xa lìa bệnh tật của các trói buộc và ngăn che. Ví như mùi các loại hương không bị trộn lẫn mùi khác, pháp này cũng vậy, không bị niệm loạn tưởng pha tạp. Do vậy, này các Tỳ-kheo! Tu hành niệm Pháp sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Thường phải tư duy, không rời niệm Pháp sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm Tăng.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm Tăng như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, tâm không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên tâm niệm Tăng. Thánh chúng Như Lai do nghiệp lành thành tựu, chân thật ngay thẳng, không làm điều tà, trên dưới hòa hợp, lần lượt thành tựu các pháp. Thánh chúng Như Lai thành tựu giới luật, thành tựu thiền định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Thánh chúng gồm có bốn đôi tám bậc.11 Đó là Thánh chúng của Như Lai, phải nên cung kính, thừa sự, lễ bái. Vì sao thế? Vì họ là ruộng phước của thế gian, là bậc pháp khí ở trong chúng, có thể tự độ mình và độ người đến với đạo Tam thừa. Do phẩm vị như vậy nên gọi là Thánh chúng. Do vậy, này các Tỳ-kheo! Nếu có người niệm Tăng thì sẽ được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải thường tư duy, không lìa niệm Tăng thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm giới.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm giới như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên cần niệm giới. Sao gọi là giới? Vì ngăn trừ các điều ác. Giới có công năng giúp người tu tập thành tựu đạo nghiệp và được an vui. Giới là chuỗi ngọc để trang sức thân, ánh lên vẻ đẹp. Giới giống như bình cát tường, giúp thành tựu các ước nguyện. Các đạo phẩm đều nhờ giới mà thành tựu. Vì thế, này các Tỳ-kheo, người giữ cấm giới sẽ được quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải thường tư duy, không lìa niệm giới thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm thí.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm thí như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên cần niệm thí. Hãy nghĩ như vầy: “Những gì tôi bố thí hôm nay là tối thượng trong các sự thí, vĩnh viễn không có tâm hối tiếc, không cầu báo đáp, không mưu lợi ngay. Nếu bị mắng chửi, tôi quyết không mắng trả; dù bị người khác dùng tay, dùng dao, dùng gậy, hoặc dùng gạch đá đánh đập, đâm chém, quăng ném, tôi vẫn khởi lòng thương, không sanh giận dữ. Tôi sẽ cho mãi những gì tôi có.” Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là bố thí lớn, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải thường tư duy, không lìa niệm thí thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm thiên.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm thiên như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi tưởng khác, chuyên cần niệm thiên. Giữ thân, miệng, ý thanh tịnh, không làm điều ô uế, là thực hành thành tựu giới thân. Thân phóng ánh sáng, chiếu khắp mọi nơi, là được một phần thân trời; được quả báo thiện lành, là thành tựu một phần thân trời; khi các hạnh đầy đủ liền thành thân trời. Này các Tỳ-kheo! Đó gọi là niệm thiên. Tu tập niệm thiên một khi đầy đủ sẽ được quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải thường tư duy, không lìa niệm thiên thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm tịch lặng.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm tịch lặng như thế nào để có thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi tưởng khác, chuyên niệm tịch lặng. Sao gọi là tịch lặng? Nghĩa là dứt trừ nghĩ tưởng, tâm ý lắng trong, cũng không vọng động, nhất tâm tinh chuyên, thích sống nơi yên vắng, thường tìm phương tiện để nhập thiền định, tâm chẳng tham lam, tranh trên giành trước.
Như thế, này các Tỳ-kheo! Đây gọi là niệm tịch lặng. Tu niệm tịch lặng một khi đầy đủ sẽ được quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, dứt các loạn tưởng, chứng quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nên tư duy, không rời niệm tịch lặng thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm hơi thở ra vào.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm hơi thở ra vào như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy rồi, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời, rồi Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên tâm quán niệm hơi thở ra vào. Thế nào gọi là niệm hơi thở ra vào? Nghĩa là lúc hơi thở dài thì quán biết: “Ta đang thở hơi dài”; lúc hơi thở ngắn thì cũng quán biết: “Ta đang thở hơi ngắn.” Nếu hơi thở quá lạnh, cũng nên quán biết: “Ta đang thở hơi lạnh”; nếu hơi thở lại nóng, cũng nên quán biết: “Ta đang thở hơi nóng.” Quán biết khắp thân thể từ đầu đến chân, nếu hơi thở có dài ngắn, cũng nên quán biết hơi thở ra vào có dài ngắn. Cảm giác toàn thân khi hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, theo dõi hơi thở ra vào, phân biệt rõ ràng. Lúc toàn thân khéo đếm biết hơi thở dài ngắn, phân biệt rõ ràng. Như vậy, này các Tỳ-kheo, đây gọi là niệm hơi thở ra vào. Tu niệm hơi thở ra vào một khi đầy đủ sẽ được quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Hãy nên tư duy, không rời niệm hơi thở ra vào thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm thân.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành niệm thân như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Như Lai dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên nhất niệm thân. Thế nào là niệm thân? Nghĩa là quán niệm tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, gan, mật, tim, phổi, tỳ, thận, ruột non, ruột già, bàng quang, phẩn, tiểu, lá lách, bao tử, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mủ, máu, mỡ, nước miếng, đầu lâu, não, cái nào chính là thân? Là đại chủng đất hay là đại chủng nước? Là đại chủng lửa hay là đại chủng gió? Là do cha mẹ tạo ra chăng? Từ nơi nào đến? Do ai tạo ra? Mắt, tai, mũi, miệng, thân, tâm, chết ở đây sẽ sanh về nơi nào? Như thế, này các Tỳ- kheo, đây gọi là niệm thân. Tu tập niệm thân một khi đầy đủ sẽ được quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải nên tư duy, không rời niệm thân thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật ngụ tại vườn Cấp Cô Ðộc, trong rừng Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành, truyền bá rộng rãi một pháp rồi, các thầy sẽ được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Một pháp đó là gì? Đó là niệm sự chết.
Đức Phật lại hỏi các thầy Tỳ-kheo:
– Tu hành quán niệm sự chết như thế nào để có được thanh danh, thành tựu quả lớn, đủ các điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, thành tựu thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn?
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn:
– Nguồn gốc các pháp đều do Như Lai hiển bày. Cúi mong Thế Tôn chỉ dạy diệu nghĩa này cho các Tỳ-kheo! Sau khi nghe Thế Tôn dạy, các Tỳ-kheo sẽ khéo thọ trì.
Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Như Lai sẽ giảng rộng về điều này, các thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ!
– Kính vâng, thưa Thế Tôn!
Các Tỳ-kheo vâng lời rồi, Thế Tôn liền dạy:
– Nếu có Tỳ-kheo giữ thân ngay thẳng, ý không loạn động, kiết-già tĩnh tọa, buộc niệm trước mặt, không khởi niệm khác, chuyên cần niệm sự chết. Thế nào là niệm sự chết? Nghĩa là quán niệm chết ở nơi này sanh đến nơi kia, qua lại các đường, mạng trôi không dừng, các căn tan hoại, như cây mục ruỗng, mạng căn đoạn dứt, thân tộc chia lìa, không hình không bóng, tướng mạo cũng không. Như thế, này các Tỳ-kheo, đó gọi là niệm sự chết. Tu niệm sự chết một khi đầy đủ sẽ được quả lớn, đầy đủ điều lành, nếm vị bất tử, đến chỗ vô vi, sẽ có thần thông, dứt các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo! Phải nên tư duy, không rời quán niệm sự chết thì sẽ được nhiều công đức lành như thế.
Thật vậy, này các Tỳ-kheo! Hãy học tập điều này.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong đều hoan hỷ phụng hành.
***
Kệ tóm tắt:19
Phật, Pháp cập Thánh chúng,
Nãi chí cánh Tử niệm,
Tuy dữ thượng đồng danh,
Kỳ nghĩa các dị biệt.20
***
Chú thích
1 Nguyên tác: Quảng diễn phẩm 廣演品 (T.02. 0125.03. 0554a06).
2 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.1. 0554a07).
3 Nguyên tác: Danh dự (名譽), chỉ cho danh tiếng tốt, thanh danh (yasa). Tham chiếu D. 31: Chandā dosā bhayā mohā, yo dhammaṁ nātivattati;Āpūrati yaso tassa, sukkapakkheva candimā (Ai không phản Chánh pháp / Vì tham, sân, bố, si / Thanh danh được tròn đủ / Như mặt trăng đêm đầy), HT. Thích Minh Châu dịch.4 Thập lực (十力), theo SĀ. 684, là 10 loại trí lực mà chỉ Như Lai mới có đầy đủ.
5 Tứ vô sở úy (四無所畏). Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.25. 242a23-26) giải thích: Một là, biết rõ tường tận tất cả các pháp; hai là, diệt trừ tất cả phiền não và nguyên nhân của chúng; ba là, giảng bày các pháp chướng ngại Thánh đạo; bốn là, chỉ bày con đường diệt tận khổ đau. Trong 4 pháp đó,nếu quả thật có người nào cho rằng Như Lai không thể biết rõ tất cả thì Phật không sợ hãi điều này. Vì sao như vậy? Vì đức Phật đã thông đạt và biết rõ hoàn toàn vậy (一者, 正知一切法; 二者, 盡一切漏及習; 三者, 說一切障道法; 四者, 說盡苦道. 是四法中, 若有如實言 ‘不能盡遍知’ 佛不畏是事. 何以故? 正遍知了了故).
6 Tam-muội (三昧) phiên âm của samādhi, nghĩa là chuyên chú tâm vào một chỗ, gọi là “chánh định” (正定). Theo A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận 阿毘達磨集異門足論 (T.26. 1536.7. 0395a25): 心一境性, 是名正定.
7 Mạn kiết (慢結), theo SĀ. 490, là một trong 9 kiết, là mạn hoặc trói buộc thân.
8 Tuệ thân (慧身). P. Paññakkhandha (tuệ uẩn). Theo SĀ. 638, “tuệ thân” là một trong 5 phần Pháp thân, do tu vô lậu trí tuệ nên được thân này, nên gọi là Tuệ thân.
9 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.2. 0554b11).
10 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.3. 0554c06).
11 Tứ song bát bối (四雙八輩): Bốn đôi tám bậc, tức là Dự lưu đạo (預流道), Dự lưu quả (預流果); Nhất lai đạo (一來道), Nhất lai quả (一來果); Bất lai đạo (不來道), Bất lai quả (不來果); A-la-hán đạo (阿羅漢道), A-la-hán quả (阿羅漢果). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.21. 0219a06) định nghĩa: Trong hàng chúng Tăng có bậc A-la-hán, hướng A-la-hán,… cho đến Tu-đà-hoàn, hướng Tu-đà-hoàn, [gọi là] tứ song bát bối (僧中有阿羅漢, 向阿羅漢, 乃至須陀洹, 向須陀洹, 四雙八輩).
12 Tựa đề đặt theo nội dung kinh Tăng. 增 (T.02. 0125.3.4. 0555a065).
13 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.5. 0555a29).
14 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.6. 0555b25).
15 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.7. 0555c20).
16 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.8. 0556a14).
17 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.9. 0556b15).
18 Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tăng. 增 (T.02. 0125.3.10. 0556c13).
19 Nguyên tác Nhiếp tụng: 佛, 法及聖眾; 乃至竟死念; 雖與上同名; 其義各別異. Do đặt lại tựa đề nên Nhiếp tụng không trùng với tên kinh.
20 Bản Hán, hết quyển 2.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.