Tam tạng Thánh điển PGVN 23 » Kinh Tam tạng Thượng tọa bộ 07 »
Dịch tiếng Việt: TRUNG TÂM DỊCH THUẬT TRÍ TỊNH
Lạy đấng Năng Nhân, Đệ Thất Tiên,2
Diễn vô thượng pháp của Thánh hiền,
Chúng sanh bao kiếp chìm sanh tử,
Nay Ngài cứu độ thoát não phiền.
Trưởng lão Ca-diếp và chúng Tăng,
Hiền triết A-nan, bậc Đa văn,
Thiện Thệ Niết-bàn, cúng Xá-lợi,
Rời Câu-di đến Ma-kiệt-đà.
Ca-diếp tư duy tứ đẳng tâm,3
Thương khắp chúng sanh đọa năm đường,
Từ ngày Chánh Giác đà nhập diệt,
Nhớ lời Phật dạy, dạ khóc thương.
Ca-diếp thường lo dạ chẳng vơi,
Làm sao pháp trụ mãi nơi đời?
Thánh ngôn Phật dạy nhiều vô kể,
Xin quyết giữ gìn, chẳng để rơi.
Tập pháp, ai người đủ trí năng,
Rành rẽ trú xứ, gốc nhân duyên,
Bậc Hiền thông tuệ trong hội chúng,
A-nan hiền thiện lại đa văn.
Liền đánh kiền chùy nhóm bốn chúng,4
Tám vạn bốn ngàn vị Tỳ-kheo,
Chứng A-la-hán, tâm giải thoát,
Bậc Phước điền, trói buộc hết theo.
Ca-diếp vì thương khắp thế gian,
Lòng thường nhớ nghĩ đến Tôn ân,
Thế Tôn truyền pháp, A-nan giữ,
Mong pháp lưu truyền khắp thế nhân.
Pháp kết tập đây vốn quá nhiều,
Làm sao tiếp nối chẳng lệch sai?
Để sau bốn chúng đều nghe hiểu,
Hiểu rồi dứt hết khổ trần ai.
A-nan khẩn khoản: “Con chẳng kham,
Vì pháp vô biên lại nhiệm mầu,
Trùng tuyên lời Phật con không dám,
Bởi pháp khôn lường công đức sâu.
Tôn giả Ca-diếp trí lực đầy,
Diệu pháp Thế Tôn đã trao ngài,
Hãy vì chúng sanh, thưa Trưởng lão,
Bậc được nửa tòa của Như Lai.”
Ca-diếp đáp rằng: “Tuy có thể,
Nhưng tôi già yếu, đã quên nhiều,
Lời Phật nói ra thầy nhớ, hiểu,
Gắng truyền Diệu pháp mãi về sau.
Tôi nay vốn có ba mắt tịnh,5
Khéo thấy biết được căn trí người,
Thấy hết chúng sanh trăm ngàn vạn,
Không ai vượt thắng được A-nan.”
Từ cõi Phạm thiên, trời Đế-thích,
Tứ Đại Thiên Vương với chư thiên,
Di-lặc, Ðâu-suất cùng vân tập,
Ức hàng Bồ-tát, thật vô biên.
Di-lặc, Phạm, Thích6 và Tứ Vương,7
Hết thảy chắp tay kính tỏ bày:
“Mỗi lần thuyết pháp, Phật ấn chứng:
‘A-nan, pháp khí của Ta đây.’
Nếu thầy không muốn pháp còn mãi,
Khác gì tổn hại pháp Như Lai,
Xin gìn pháp yếu vì nhân thế,
Cứu độ ách nguy thoát nạn tai.
Phật hiện nơi đời dù ngắn ngủi,
Nhục thân dẫu mất, Pháp thân còn,
Để nguồn Chánh pháp không tàn lụi,
Thuyết pháp, A-nan chớ thoái lui!”
Ca-diếp tối tôn và Thánh chúng,
Di-lặc, Phạm, Thích với Tứ Vương,
Khẩn thỉnh A-nan tuyên đọc lại,
Để pháp Như Lai tiếp nối hoài.
A-nan nhân hòa, đủ tứ đẳng,8
Hiện sư tử hống,9 vận tâm mầu,
Ngước nhìn hư không và bốn chúng,
Lòng dạ buồn thương lệ tuôn trào.
Dung nhan liền tỏa ánh quang minh,
Như nắng ban mai rọi chúng sinh,
Di-lặc, Phạm, Thích thấy ánh sáng,
Thành kính chắp tay nghe pháp lành.
Bốn chúng lặng im, chẳng một lời,
Tâm cầu nghe pháp, bặt mông lung,
Tôn trưởng Ca-diếp và Thánh chúng,
Nhìn ngắm tôn nhan, mắt chẳng rời.
A-nan trùng tụng vô số kinh,
Pháp nào đầy đủ, kết bộ riêng:
“Nay tôi chia pháp thành Ba tạng,
Một kệ gồm thâu đủ mười kinh.
Khế kinh phần một, Luật phần hai,
Còn lại phần ba A-tỳ-đàm,10
Chư Phật quá khứ cũng phân vậy,
Đủ Kinh, Luật, Luận, Ba tạng này.
Khế kinh lại chia thành bốn bộ,
Đầu tiên Tăng nhất, hai là Trung,
Thứ ba là Trường, nhiều nghĩa hiếm,
Thứ tư là Tạp, bộ sau cùng.”
Tôn giả A-nan chợt nghĩ thầm:
“Pháp thân đức Phật có hoại đâu,
Còn mãi nơi đời không đoạn dứt,
Trời, người nghe được, đạt quả mầu.
Hoặc có một pháp, nghĩa rộng sâu,
Rất khó nhớ ghi, khó tụng trì,
Nay ta nên tập nghĩa một pháp,
Mỗi mỗi theo nhau, dễ khắc ghi.
Cũng có hai pháp, kết thành hai,
Ba pháp thành ba, như chuỗi xâu,
Bốn pháp thành bốn, năm cũng vậy,
Đến sáu, bảy pháp nối theo nhau,
Tám pháp nghĩa rộng, chín tiếp theo,
Kế đến mười pháp, mười một pháp,
Như thế sẽ làm cho Pháp bảo,
Hằng ở thế gian, mãi bền lâu.”
Hội chúng kết tập lúc bấy giờ,
A-nan liền lên thẳng pháp tòa,
Di-lặc ngợi khen: “Thật khéo thuyết,
Nghĩa của các pháp phối hài hòa.
Lại có những pháp nên phân bộ,
Bởi Phật giảng nói tùy căn cơ,
Với chư Bồ-tát hướng Đại thừa,
Như Lai đặc biệt nói lục độ.
Pháp này sâu xa, Nhân Tôn dạy:
‘Bố thí, trì giới, nhẫn, tinh chuyên,
Thiền định, trí tuệ như trăng sớm,
Thấy pháp, qua bờ, dứt chướng ngăn.
Những ai dũng mãnh thí mắt, đầu,
Chẳng tiếc thân mình, chẳng đớn đau,
Vợ con, tôi tớ cùng gia nghiệp,
Ðây là đàn độ11 nên hành sâu.
Giữ bền giới độ như kim cương,
Hủy, phạm, nhiễm ô chớ để vương,
Kiên tâm giữ giới như bình gốm,
Gọi là giới độ tụng tập thường.
Dẫu người có đến chặt tay chân,
Điềm đạm nhẫn kham, chẳng khởi sân,
Như biển bao dung không thêm bớt,
Gọi là nhẫn độ rất tinh cần.
Những ai tạo tác các hạnh lành,
Nghiệp thân, miệng, ý rất tịnh thanh,
Ngăn chặn hành vi làm chướng đạo,
Gọi là tấn độ mãi thực hành.
Những ai thiền tọa thở vào ra,
Tâm ý an nhiên, chẳng niệm tà,
Dù đất chuyển rung, thân chẳng ngã,
Gọi là thiền độ chẳng rời xa.
Sức trí tuệ soi đếm bụi trần,
Nhiều như số kiếp đã thọ thân,
Biết ngần ấy nghiệp, tâm chẳng loạn,
Gọi là trí độ rất chuyên cần.’
Các pháp sâu mầu, hiển lý Không,
Khó nhìn thấu triệt, khó tỏ thông,
Người học đời sau ôm nghi hoặc,
Hạnh Bồ-tát ấy phải gắng công.”
A-nan tự suy niệm như vầy:
“Hạnh ấy12 người ngu khó tin thay!
Trừ A-la-hán, Tín giải thoát,
Mối nghi dứt hết, sức tin đầy.”
Bấy giờ bốn chúng phát đạo tâm,
Cùng các hữu tình, mọi sanh linh,
Dứt nghi, vững chắc tin Chánh pháp,
Nên kết tập riêng họ một phần.
Di-lặc ngợi khen: “Khéo thuyết thay!
Tôn chỉ Đại thừa ý rộng sâu,
Có những pháp thuần trừ kiết sử,
Có những pháp chuyên chứng đạo mầu.”
A-nan liền hỏi: “Phải làm sao?
Tôi đích thân nghe pháp Phật tuyên,
Những ai chẳng được nghe Phật thuyết,
Há chẳng hồ nghi với pháp sao?
Để thấy lời tôi quả không sai,
Không hề dối gạt người đời sau,
‘Tôi nghe như vầy’, kinh ghi rõ,
Những nơi đức Phật nói pháp mầu.
Đầu tiên thuyết tại Ba-la-nại,
Độ ba Ca-diếp13 ở Kiệt-đà,
Tỳ-la, Câu-tát và Ca-thi,
Chiêm-ba, Câu-lưu, Tỳ-xá-ly.
Cung trời, cung rồng, a-tu-la,
Cung càn-thát-bà, thành Câu-thi,
Nếu không nhớ rõ nơi Phật thuyết,
Sẽ ghi xuất xứ Xá-vệ thành.14
Điều ấy một thời chính tôi nghe,
Phật tại Xá-vệ với chúng Tăng,
An trú Kỳ Hoàn tu thiện hạnh,
Vườn Cấp Cô Độc trưởng giả dâng.
Phật tại nơi này dạy Tỳ-kheo:
‘Hãy tu một pháp, thật chuyên cần,
Tâm chẳng buông lung, tu một pháp,
Một pháp là gì? Là niệm Phật,
Niệm Pháp, niệm Tăng và niệm giới,
Niệm thí, niệm thiên, niệm hơi thở,
Niệm thân rồi đến niệm sự chết,
Niệm trừ loạn tưởng15 là thứ mười.’
Pháp mười niệm này, có thêm mười,
Tiếp theo nói đến chúng Tỳ-kheo,
Trước độ trưởng tử, thầy Câu-lân,16
Sau cùng nhỏ nhất là Tu-bạt.17
Dùng phương tiện này rõ một pháp,
Hai gồm hai pháp, ba gồm ba,
Bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười,
Mười một pháp này đều thông tỏ.
Từ một tăng một, đến các pháp,
Nghĩa nhiều, tuệ rộng chẳng thể bàn,
Nghĩa mỗi Khế kinh đều sâu rộng,
Xứng đặt tên Tăng nhất A-hàm.
Nay nương một pháp ắt khó rành,
Khó trì, khó hiểu, khó tỏ thông,
Vị nào xứng hợp Tỳ-kheo hạnh,
Nay đáng xưng là vị Tối tôn.
Như thợ gốm ưa nặn vật gì,
Mặc tình nhào nặn chẳng hồ nghi,
Tăng nhất A-hàm đây cũng thế,
Giáo hóa Ba thừa18 chẳng khác chi.
Kinh Phật nhiệm mầu, cực thâm sâu,
Như nước chảy qua, kiết sử trừ,
Đứng đầu trong ấy là Tăng nhất,
Ba nhãn19 lắng trong, ba cấu20 trừ.
Ai nguyện chuyên tâm trì kinh này,
Chính là trì đủ tạng Như Lai,
Đời này thân dẫu còn kiết sử,
Nhưng ở đời sau trí cao dày.
Nếu ai biên chép quyển kinh đây,
Tơ lụa, lọng hoa cúng dâng đầy,
Phước kia vô lượng sao kể xiết,
Bởi Pháp bảo này khó gặp thay!”
Đất chuyển rung khi nói lời này,
Trời tuôn hoa ngát phủ giăng dày,
“Lành thay!” Thiên chúng khen ngợi thế,
A-nan trùng tụng hợp nghĩa thay!
Khế kinh là một, Luật là hai,
A-tỳ-đàm, Luận tạng thứ ba,
Thâu kinh còn lại làm Tạp tạng,
Phương đẳng, Đại thừa nghĩa sâu xa.
Lời Phật trước sau nghĩa chu viên,
Thuận hợp ngọn ngành lẫn nhân duyên,
Di-lặc, chúng trời đều khen ngợi:
“Kinh điển Thích-ca mãi lưu truyền.”
Di-lặc khởi thân tay cầm hoa,
Vui mừng rải khắp cả pháp tòa:
“Kinh này quả đúng Như Lai thuyết,
A-nan chứng đạo ắt không ngoa.”
[0550c15] Bấy giờ, Tôn giả A-nan cùng Phạm thiên dẫn chúng trời Phạm-ca-di cùng đến hội họp. Trời Hóa Tự Tại dẫn quyến thuộc cùng đến hội họp. Trời Tha Hóa Tự Tại dẫn quyến thuộc cùng đến hội họp. Thiên vương cõi trời Đâu-suất dẫn thiên chúng cùng đến hội họp. Diệm thiên dẫn quyến thuộc cùng đến hội họp. Thích-đề-hoàn-nhân dẫn thiên chúng cõi trời Ba Mươi Ba cùng đến hội họp. Thiên vương Ðề-đầu-lại-tra dẫn chúng càn-thát-bà cùng đến hộihọp. Thiên vương Tỳ-lưu-lặc-xoa dẫn chúng quỷ mị cùng đến hội họp. Thiên vương Tỳ-lưu-bạt-xoa dẫn các chúng rồng cùng đến hội họp. Thiên vương Tỳ- sa-môn dẫn chúng dạ-xoa, la-sát cùng đến hội họp.
Khi ấy, Đại sĩ Di-lặc nói với các Bồ-tát trong Hiền kiếp:21
– Các Ðại sĩ hãy khuyến khích các thiện nam và tín nữ đọc tụng, thọ trì Kinh Tăng nhất, giảng nói và lưu truyền rộng khắp, khiến trời và người đều phụng hành Khế kinh này.
Lúc Ngài Di-lặc nói lời này, chư thiên, loài người, càn-thát-bà, a-tu-la, calâu-la, ma-hầu-la-già, khẩn-na-la,... đều bạch rằng:
– Chúng tôi sẽ cùng nhau hộ trì thiện nam, tín nữ nào đọc tụng, thọ trì Kinh Tăng nhất, giảng nói và lưu truyền rộng khắp, không để Khế kinh này đoạn dứt.
Lúc ấy, Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Ưu-đa-la22 rằng:
– Nay tôi đem Tăng nhất A-hàm này giao phó cho thầy. Mong thầy hãy khéo tụng đọc, học thuộc chớ để thiếu sót. Vì sao như vậy? Vì người nào xem thường Khế kinh trân quý này, liền bị đọa lạc xuống hàng phàm phu. Vì sao như vậy? Này Ưu-đa-la! Tăng nhất A-hàm chính là giáo pháp sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm, cho đến các pháp đều từ đây mà sanh ra.
[0551a05] Bấy giờ, ngài Ðại Ca-diếp hỏi Tôn giả A-nan:
– Tôn giả A-nan! Tăng nhất A-hàm có thật sự sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm, cho đến các pháp đều từ đây mà sanh ra chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
– Ðúng thế! Ðúng thế! Thưa ngài Ca-diếp, Tăng nhất A-hàm thật sự sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm, cho đến các pháp đều từ đây mà sanh ra. Vả lại, không cần nhiều đến thế mà chỉ cần một bài kệ trong Kinh Tăng nhất cũng đã sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm cho đến các pháp.
Ngài Ca-diếp hỏi:
– Những câu kệ nào đã sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm cho đến các pháp?
Tôn giả A-nan liền đọc kệ này:
Chớ làm các việc ác, Giữ tâm mình thanh tịnh, |
Siêng tu các hạnh lành, Là lời chư Phật dạy. |
Sở dĩ như thế là vì “Chớ làm các việc ác”, vốn là cội gốc các pháp, từ đây sanh ra tất cả pháp lành, nhờ sanh pháp lành mà tâm ý thanh tịnh. Thế nên, bạch ngài Ca-diếp! Việc làm từ thân, khẩu, ý của chư Phật, Thế Tôn luôn thanh tịnh.
Ca-diếp lại hỏi:
– Thế nào A-nan! Chỉ riêng Tăng nhất A-hàm sanh ra ba mươi bảy đạo phẩm và các pháp, hay những bộ A-hàm khác cũng có thể sanh ra?
A-nan liền đáp:
– Không cần nhiều đến thế, thưa Tôn giả Ca-diếp! Với nghĩa lý của một bài kệ trong bốn bộ A-hàm cũng đã đầy đủ giáo pháp của chư Phật, của bậc Độc giác23 và hàng Thanh văn. Sở dĩ như thế là vì “Chớ làm các việc ác” đã là hành trì giới cấm, giữ hạnh thanh bạch; “Siêng tu các hạnh lành” là giữ tâm ý trong sạch; “Giữ tâm mình thanh tịnh” tức là trừ tà kiến điên đảo; “Là lời chư Phật dạy” tức là dứt trừ si mê. Vì sao như vậy? Thưa ngài Ca-diếp! Vì người trì giới thanh tịnh, lẽ nào tâm ý lại không thanh tịnh? Người tâm ý thanh tịnh thì không điên đảo; do không điên đảo nên si mê diệt, liền thành tựu được ba mươi bảy đạo phẩm. Ðã thành đạo quả, đó lẽ nào chẳng phải là các pháp sao?
Ca-diếp lại hỏi:
– Này A-nan! Sao thầy lại giao phó Tăng nhất A-hàm này cho thầy Ưu-đala mà không trao truyền hết thảy các pháp cho các Tỳ-kheo khác?
A-nan đáp:
– Tăng nhất A-hàm tức là các pháp, các pháp chính là Tăng nhất A-hàm, vốn chỉ là một mà không có hai.
[0551b01] Ca-diếp lại hỏi:
– Vì những nguyên do nào mà thầy trao Tăng nhất A-hàm cho thầy Ưu-đala chứ không trao cho Tỳ-kheo khác?
A-nan đáp:
– Thưa Tôn giả Ca-diếp! Xin ngài biết cho, chín mươi mốt kiếp về trước, đức Phật hiệu là Tỳ-bà-thi Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Lúc đó, Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Y-câu Ưu-đa-la. Bấy giờ, vị Phật kia đã đem Kinh Tăng nhất trao cho vị này, bảo vị này phải thọ trì đọc tụng. Từ đó cho đến ba mươi mốt kiếp về sau, lại có đức Phật hiệu là Thi-khí Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Lúc đó, Tỳ-kheo Ưu-đa-la tên là Mục già Ưu-đa-la. Đức Thi-khí Như Lai lại đem pháp này trao cho và bảo vị này phải thọ trì đọc tụng. Cũng chính trong ba mươi mốt kiếp ấy, có đức Phật hiệu là Tỳ-xá-bà Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác lại thị hiện ở đời. Lúc đó, Tỳ-kheo Ưu-đa-la này tên là Long Ưu-đa-la. Ðức Phật lại đem pháp này trao cho và bảo vị này phải thọ trì đọc tụng.
Thưa Tôn giả Ca-diếp, trong Hiền kiếp này có đức Phật hiệu là Câu-lưutôn Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Lúc đó, Tỳ-kheo Ưu-đa-la tên là Lôi Ðiện Ưu-đa-la, lại được Như Lai đem pháp này trao cho và bảo vị này phải đọc tụng. Trong Hiền kiếp này, lại có đức Phật hiệu là Câuna-hàm Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Lúc đó, Tỳ-kheo Ưu-đa-la tên là Thiên Ưu-đa-la. Đức Phật kia lại đem pháp này trao cho và bảo vị này phải đọc tụng. Trong Hiền kiếp này, lại có đức Phật hiệu là Ca-diếp Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Bấy giờ, Tỳ-kheo Ưu-đa-la tên là Phạm Ưu-đa-la. Đức Phật kia lại đem pháp này trao cho và bảo vị này phải đọc tụng.
Thưa Tôn giả Ca-diếp, nay đức Thích-ca Như Lai, bậc Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Tỳ-kheo này nay tên là Ưu-đa-la. Đức Phật Thíchca tuy đã nhập Niết-bàn, nhưng Tỳ-kheo A-nan vẫn còn ở thế gian. Thế Tôn đã đem pháp này phó chúc cho tôi. Nay tôi lại trao pháp này cho Ưu-đa-la. Vì sao như vậy? Bởi vì trước phải quán biết năng lực, thấu rõ nguồn gốc, rồi sau mới trao pháp. Vào thời quá khứ, trong Hiền kiếp này, đức Câu-lưu-tôn Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn thị hiện ở đời. Bấy giờ, có vua tên là Ma-ha-đề-bà, dùng giáo pháp để trị vì đất nước và giáo hóa dân chúng chưa từng sai lạc, thọ mạng rất dài, đoan chánh vô song, thế gian hiếm có. Trong tám vạn bốn ngàn năm, vị vua này làm đồng tử vui chơi thỏa thích; trong tám vạn bốn ngàn năm, làm vị thái tử dùng pháp để trị nước an dân; trong tám vạn bốn ngàn năm, lại dùng vương pháp để cai trị thiên hạ.
[0551c04] Tôn giả Ca-diếp biết cho, lúc đó Thế Tôn ngụ trong vườn Cam Lê.24 Giống như thường lệ, sau khi thọ thực thì Phật đi kinh hành, tôi theo làm thị giả. Bấy giờ, Thế Tôn mỉm cười, miệng phóng hào quang năm sắc. Tôi thấy vậy, liền quỳ trước Thế Tôn và bạch:
“Thế Tôn chẳng cười vô cớ, xin cho con được nghe nguyên do. Đấng Như Lai, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác không cười vô cớ.”
Bấy giờ, thưa Tôn giả Ca-diếp, đức Phật bảo tôi:
“Ở đời quá khứ, trong Hiền kiếp này, có Như Lai hiệu Câu-lưu-tôn, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời, đã thuyết pháp rộng rãi cho chúng đệ tử ngay tại trú xứ này. Sau đó, cũng trong Hiền kiếp này, lại có Như Lai Câuna-hàm, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời. Bấy giờ, đức Phật ấy cũng tại trú xứ này mà thuyết pháp rộng rãi. Kế nữa, trong Hiền kiếp này, lại có Như Lai Ca-diếp, Chí Chân, Ðẳng Chánh Giác thị hiện ở đời, cũng thuyết pháp rộng rãi tại trú xứ này.”
Tôn giả Ca-diếp! Lúc ấy, tôi quỳ trước đức Phật và bạch:
“Con mong về sau, Phật Thích-ca cũng ở tại trú xứ này thuyết pháp đầy đủ cho chúng đệ tử. Nơi này sẽ là tòa kim cang của bốn đức Như Lai, mãi không đoạn dứt.”
Bấy giờ, thưa Tôn giả Ca-diếp, Phật Thích-ca ngồi tại trú xứ ấy, bảo tôi:
“Này A-nan, xưa kia, trong thời Hiền kiếp, tại trú xứ này, có vị vua ra đời tên là Ma-ha-đề-bà. Trong suốt tám vạn bốn ngàn năm, vua luôn dùng vương pháp giáo hóa, lấy đức để dạy dân. Nhiều năm sau đó, vua dặn Kiếp-tỳ25 rằng:
‘Nếu thấy tóc trên đầu ta điểm bạc, khanh hãy báo cho ta biết.’
Người kia vâng lệnh. Nhiều năm sau, khi thấy tóc trên đầu vua điểm bạc, Kiếp-tỳ liền quỳ trước vua, tâu:
‘Tâu Đại vương! Tóc trên đầu ngài đã điểm bạc.’ Vua bảo Kiếp-tỳ:
‘Khanh hãy lấy nhíp vàng nhổ số tóc bạc đó đặt vào bàn tay ta.’
Lúc đó, Kiếp-tỳ vâng lệnh, lấy nhíp vàng nhổ tóc bạc. Bấy giờ, nhà vua nhìn thấy tóc bạc, liền nói kệ này:
Lúc này trên đầu ta, |
Tóc suy hao đã điểm, |
[0552a02] ‘Hiện đời ta đã hưởng phước ở cõi người, phải tự cố gắng để được đức cõi trời. Ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo để dứt trừ các khổ.’
Khi ấy, Vua Ma-ha-đề-bà liền nói với thái tử lớn nhất tên là Trường Thọ:
‘Con biết chăng, nay trên đầu ta tóc đã điểm bạc. Ý ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo để dứt trừ các khổ. Con hãy nối ngôi ta, dùng pháp để an dân trị nước, chớ để sai pháp. Nếu trái lời ta dạy sẽ tạo nghiệp của phàm phu. Tại sao như thế? Bởi nếu có người nào trái lời ta dạy thì người đó đã tạo nghiệp của phàm phu. Kẻ phàm phu sẽ đọa mãi trong ba đường ác, phải chịu khổ tám nạn.’
Nói xong, Vua Ma-ha-đề-bà liền truyền ngôi cho thái tử, rồi ban thưởng tiền bạc châu báu cho Kiếp-tỳ. Sau đó, vua đến nơi khác cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo để dứt trừ các khổ. Trong tám vạn bốn ngàn năm, vua khéo tu Phạm hạnh, thực hành tứ đẳng tâm, gồm từ, bi, hỷ, xả; sau khi qua đời, nhà vua được sanh lên cõi Phạm thiên.
Bấy giờ, Vua Trường Thọ luôn nhớ lời vua cha dạy, chưa bao giờ quên, dùng pháp để trị nước an dân, không để sai pháp. Chưa đầy mười ngày sau, Vua Trường Thọ liền được làm Chuyển Luân Thánh vương, đầy đủ bảy báu, đó là xe báu, voi báu, ngựa báu, thần châu báu, ngọc nữ báu, kho tàng báu và tướng quân báu. Vua lại có một ngàn người con trí dũng song toàn, thống lãnh bốn phương, khéo trừ các khổ.
Bấy giờ, Vua Trường Thọ theo cách của vua cha nên nói kệ này:
Nay ở trên đầu ta, |
Tóc đã điểm bạc rồi, |
‘Nay ta đã hưởng phước loài người, phải tự cố gắng tạo đức cõi trời. Ta nên cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo để dứt trừ các khổ.’
Rồi Vua Trường Thọ nói với thái tử lớn nhất tên là Thiện Quán:
‘Con biết chăng, nay trên đầu ta tóc đã điểm bạc. Ý ta muốn cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, với niềm tin kiên cố, xuất gia học đạo để dứt trừ các khổ. Con hãy nối ngôi ta, dùng pháp để trị nước an dân, chớ để sai pháp. Nếu trái lời ta dạy sẽ tạo nghiệp của phàm phu. Tại sao như thế? Bởi nếu có người nào trái lời ta dạy thì người đó đã tạo nghiệp của phàm phu. Kẻ phàm phu thì đọa mãi trong ba đường ác, phải chịu khổ tám nạn.’
Trong tám vạn bốn ngàn năm, Vua Trường Thọ đã khéo tu Phạm hạnh, thực hành tứ đẳng tâm là từ, bi, hỷ và xả, nên sau khi qua đời được sanh lên cõi trời Phạm thiên. Còn Vua Thiện Quán cũng luôn ghi nhớ lời cha dạy bảo, chưa bao giờ quên, dùng pháp để trị nước, không chút sai lạc.”
Tôn giả Ca-diếp biết chăng? Vua Ma-ha-đề-bà lúc đó đâu phải người nào khác mà chính là Phật Thích-ca ngày nay. Còn Vua Trường Thọ, nay là A-nan tôi đây. Vua Thiện Quán lúc đó, nay là Tỳ-kheo Ưu-đa-la, luôn dùng vương pháp để trị nước, chưa bao giờ quên, chưa từng rời bỏ. Hơn nữa, Vua Thiện Quán lại càng làm rạng rỡ lời dạy của vua cha, dùng pháp cai trị, chưa từng lãng quên. Vì sao như thế? Vì lời dạy của vua cha thật khó làm trái được.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan liền nói kệ:
Kính pháp, vâng lời cha, |
Không quên ân người trước, |
– Sau khi suy ngẫm nghĩa này rồi, tôi đem Tăng nhất A-hàm trao cho Tỳ- kheo Ưu-đa-la. Vì sao như vậy? Vì mọi sự việc đều có nguyên do.
Rồi Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Ưu-đa-la:
– Trước đây, lúc làm Chuyển Luân Thánh vương, thầy đã không trái lời vua cha dạy bảo. Nay tôi lại đem pháp này giao phó cho thầy, mong thầy đừng để mất chánh giáo, chớ tạo nghiệp của phàm phu. Thầy nên biết, nếu có người nào làm trái lời dạy hiền thiện của Như Lai thì sẽ bị đọa trong cõi phàm phu. Vì sao như vậy? Bởi vì lúc ấy, Vua Ma-ha-đề-bà chưa đạt đến chỗ giải thoát rốt ráo, chưa được giải thoát đến chỗ an ổn, tuy hưởng phước báu Phạm thiên, nhưng vẫn chưa đạt đến cứu cánh. Thiện nghiệp của Như Lai, tức là chỗ an ổn cứu cánh, vô cùng hân hoan, được trời, người cung kính, chắc chắn thành tựu Niết-bàn. Thế nên Ưu-đa-la! Thầy cần phải phụng trì pháp này, thường trì tụng, ghi nhớ, chớ để quên sót.
[0552b04] Bấy giờ, A-nan liền nói kệ:
Với Pháp, hãy trì niệm, |
Bởi Phật từ đây sanh, |
Khi Tôn giả A-nan nói lời này, trời đất sáu phen rúng động. Các vị trời, thần trên hư không, tay cầm hoa trời rải lên Tôn giả A-nan và bốn bộ chúng. Tất cả trời, rồng, quỷ thần, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la và ma-hầu-lagià,... đều mừng rỡ ngợi khen:
– Lành thay, lành thay, Tôn giả A-nan! Những lời thầy nói trước sau đều hiền thiện. Ðối với pháp Phật phải nên cung kính, quả đúng như lời thầy nói. Chư thiên và loài người đều nhờ pháp Phật mà thành tựu. Nếu ai làm điều ác, ắt sẽ đọa vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
[0552c04] Bấy giờ, ngồi giữa bốn bộ chúng kết tập, Tôn giả A-nan liền vận Phạm âm như tiếng rống sư tử,27 khuyên tất cả hội chúng hãy phụng hành pháp này.
Lúc ấy, trong pháp hội, ba vạn trời và người đều đạt được Pháp nhãn thanh tịnh.
Sau khi nghe Tôn giả A-nan giảng nói xong, bốn bộ chúng, chư thiên và loài người đều hoan hỷ phụng hành.
***
Chú thích:
1 Nguyên tác: Tự phẩm 序品 (T.02. 0125.1. 0549b09). Tham chiếu: Kinh Vua Đại Thiên, số 4, phẩm 50, tr. 939 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.50.4. 0806c21); Đại Thiên nại lâm kinh 大天奈林經 (T.01. 0026.67. 0511c21); M. 83, Makhādeva Sutta (Kinh Makhādeva); Chuyện vua Makhādeva, số 9 (J. I. 137); Chuyện đại vương Nimi, số 541 (J. VI. 95).
2 Theo Tăng. 增 (T.02. 0125.45.7. 0775b17), Đệ Thất Tiên (第七仙) là danh hiệu chỉ cho đức Phật Thích-ca, vì Ngài là vị Phật thứ 7 tính từ đức Phật Tỳ-bà-thi trong thời quá khứ đến hiện tại.
3 Nguyên tác: Tứ đẳng (四等), tức là “tứ vô lượng tâm” (四無量心), gồm từ (慈, mettā), bi (悲, karuṇā), hỷ (喜, muditā) và xả (捨, upekkhā).
4 Tứ bộ (四部): Bốn chúng đệ tử Phật là Tỳ-kheo (比丘, Bhikkhu), Tỳ-kheo-ni (比丘尼, Bhikkhunī), ưu-bà-tắc (優婆塞, upāsaka), ưu-bà-di (優婆夷, upāsikā). Tham khảo: MĀ. 66.
5 Tam thanh tịnh nhãn (三清淨眼): Ba con mắt thanh tịnh là nhục nhãn (肉眼), thiên nhãn (天眼) và tuệ nhãn (慧眼). Tham khảo: DĀ. 9.
6 Phạm thiên (梵天) và Đế-thích (帝釋).
7 Tứ Vương (四王): Tứ Đại Thiên Vương (四大天王), là 4 vị Thiên vương bảo hộ thế gian. Tham khảo: DĀ. 4.
8 Xem chú thích 3, tr. 1.
9 Sư tử hống (師子吼): Tiếng gầm của sư tử. Theo MĀ.103, đức Phật dùng âm thanh vô úy để thuyết pháp, như sư tử gầm rống không sợ hãi một loài thú nào khác.
10 A-tỳ-đàm (阿毘曇). Phân biệt công đức luận 分別功德論 (T.25. 1507.1. 0032a15) gọi là Đại pháp (大法) hay Vô tỷ pháp (無比法). Do vì trí tuệ rộng lớn về tứ đế là ngọn cờ Chánh pháp cao hiển, có thể đoạn trừ các tà kiến (邪見) và vô minh (無明) sâu dày nên gọi là Đại pháp. Do vì 8 trí (八智), 10 tuệ (十慧) của chánh kiến vô lậu siêu việt 3 cõi, không gì ngăn ngại nên gọi là Vô tỷ pháp.
11 Đàn độ (檀度) tức là “đàn ba-la-mật” (檀波羅蜜), một trong 6 độ. “Đàn” xuất phát từ phiên âm chữ “dāna”, vốn có nghĩa là bố thí, là cho; “ba-la-mật” nghĩa là độ, tức là hành pháp vượt thoát sanh tử, “đàn độ” cũng gọi “bố thí ba-la-mật.” Theo Phân biệt công đức luận 分別功德論 (T.25. 1507.2. 0036c02).
12 Chỉ cho hạnh Bồ-tát (菩薩之行).
13 Tam Ca-diếp (三迦葉): Ba anh em Ca-diếp, đó là Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp (優樓頻螺迦葉, Uruvela Kassapa), Na-đề Ca-diếp (那提迦葉, Nadī Kassapa) và Già-da Ca-diếp (伽耶迦葉, Gayā Kassapa).
14 Xá-vệ (舍衛, Sāvatthi) vốn là tên thành đô của nước Kiêu-tát-la (憍薩羅, Kosala).
15 Phẩm “Mười niệm” gọi đây là “niệm tịch lặng.” Thứ tự sắp xếp ở đây không đồng.
16 Câu-lân (拘隣). SĀ. 379 gọi là A-nhã Câu-lân (阿若拘隣, Aññāsi Koṇḍañña).
17 Tu-bạt (須拔) gọi đủ là Tu-bạt-đà-la (須跋陀羅, Subhadda), vị đệ tử cuối cùng của đức Phật.
18 Tam thừa (三乘). Bất thối chuyển pháp luân kinh 不退轉法輪經 (T.09. 0267. 0226c25-26) định nghĩa: Thế nào gọi là Tam thừa? Phật dạy: Đó là Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Phật thừa. Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thường dạy như thế về pháp Tam thừa (云何名為三乘? 佛言: 所謂聲聞乘, 辟支佛乘, 佛乘, 釋迦牟尼佛常作如是說三乘法).
19 Tam nhãn (三眼). Xem chú thích 5, tr. 2.
20 Tam cấu (三垢): Ba thứ cấu uế là tham, sân, si
21 Hiền kiếp (賢劫). Thuở đầu ở Hiền kiếp, con người thọ 4 vạn tuổi và có 1000 vị Phật ra đời. Theo Bi Hoa kinh 悲華經 (T.03. 0157.5. 0199c26): 賢劫之初, 人壽四萬歲, 於千佛中.
22 Ưu-đa-la (優多羅), vị đệ tử của đức Phật. Theo kinh số 4, phẩm 4, tr. 36 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.4.4. 0557c08), Sư thường ở chỗ vắng người, một mình tu hành ở bãi tha ma để tư duy pháp lạc nên được gọi là “Trủng gian đệ nhất” (塚間第一). Theo truyền thuyết, Sư là người có trí nhớ rất tốt.
23 Nguyên tác: Bích-chi Phật (辟支佛, Paccekabuddha). Theo Đại trí độ luận 大智度論 (T.25. 1509.18. 0191b05), Bích-chi Phật có 2 nghĩa: (i) Sanh vào thời không có Phật, lúc ấy Phật pháp đã diệt, nhưng nhờ nhân duyên tu hành đời trước, nương vào trí tuệ của chính mình mà được đạo, còn gọi là bậc Độc giác (獨覺); (ii) Tự mình giác ngộ, không nương theo người khác, nhờ quán xét và giác ngộ về khổ, vô thường và vô ngã.
24 Cam Lê viên (甘梨園), khu vườn xoài tại thành Tỳ-xá-ly. Theo Xuất diệu kinh 出曜經 (T.04. 0212.2.0615c07).
25 Kiếp-tỳ (劫比): Thuật ngữ này có nguyên tác Pāli là kappaka, có nghĩa là thợ hớt tóc. Ở đây, phiên âm kappaka trở thành tên riêng của một người. Kiếp-tỳ (劫比) còn được phiên âm là “Kiếp-bắc” (劫 北) ở Kinh Vua Đại Thiên, số 4, phẩm 50, tr. 944 trong tập này; Tăng. 增 (T.02. 0125.50.4. 0806c21).
26 Nguyên tác: Đương tụng tam A-hàm (當誦三阿含).
27 Nguyên tác: Sư tử hống (師子吼). Xem chú thích 9, tr. 3.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.