Viện Nghiên Cứu Phật Học

MỤC LỤC TAM TẠNG ĐẠI CHÁNH 
(Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh) 
»

 

LỜI NÓI ĐẦU

 

Ngay sau khi tôi được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch GHPGVN bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kiêm đồng Tổng biên tập “Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam,” tôi lên kế hoạch thực hiện ba quyển mục lục, nhằm đẩy nhanh công tác quản trị việc phiên dịch, biên tập và xuất bản Đại tạng Kinh Việt Nam. Ba quyển mục lục bao gồm như sau:

Mục lục Tam tạng Đại Chánh

Dựa vào cấu trúc và bố cục của Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh (Taishō shinshu daizōkyō, 大正新修大藏經, viết tắt là Đại Chánh) do Junjirō Takakusu (高楠順次郎) và Kaikyoku Watanabe (渡邊海旭) (chủ biên),1 tôi biên soạn “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” gồm 3 phần chính và dự kiến xuất bản vào cuối năm 2021.

Phần I là danh mục đầy đủ 29202 tựa đề tác phẩm được sắp xếp theo mã số thứ tự của Đại Chánh, cung cấp các thông tin mô tả về Tam tạng gồm: (i) Mã số Đại Chánh của Hiệp hội Phật điển điện tử Trung Hoa (電子佛典集成), viết tắt là CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association),3 (ii) Tựa đề Tam tạng Đại Chánh bằng tiếng Việt do tôi dịch, (iii) Tựa đề chữ Hán cổ, (iii) Tựa đề phiên âm Hán Việt, (iv) Tựa đề Sanskrit tương đương, (v) Thông tin bản dịch chữ Hán, (vi) Thông tin bản dịch chữ Việt.

Phần II là danh mục 2920 tựa đề của ấn bản Đại Chánh được sắp xếp theo mẫu tự ABC của tựa đề Hán Việt, được trình bày như sau: (i) Tựa đề phiên âm Hán Việt, (ii) Tựa đề tiếng Việt, (iii) Tựa đề chữ Hán, (iv) Tựa đề Sanskrit, (v) Thông tin bản dịch chữ Hán, (vi) Thông tin bản dịch chữ Việt.

Phần III gồm danh mục tựa đề Sanskrit - Việt - Hán và danh mục dịch giả/ tác giả Việt - Hán.

Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo

Trên nền tảng thành quả của quyển “Mục lục Tam tạng Đại Chánh,” tôi sẽ phát triển thành quyển “Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo,” gồm bốn phần và dự kiến xuất bản vào tháng 11/2021.

Phần I là mục lục Tam tạng Đại Chánh, phân loại theo 28 nhóm chủ đề như cấu trúc của ấn bản Đại Chánh.

Phần II là danh mục tựa đề đối chiếu đa ngôn ngữ gồm: (i) Tựa đề Hán Việt, (ii) Tựa đề tác phẩm Sanskrit - Việt, (iii) Tựa đề tác phẩm Tây Tạng - Việt, (iv) Tựa đề tác phẩm Hán (theo hệ thống Latinh của Wade Giles và Pinyin) - Việt, (v) Tựa đề tác phẩm Hàn - Việt, (vi) Tựa đề tác phẩm Anh - Việt, (vii) Tựa đề tác phẩm Pali - Việt.

Phần III là danh mục dịch giả/ tác giả gồm: (i) Danh mục dịch giả, tác giả Việt - Sanskrit - Hán, (ii) Danh mục dịch giả, tác giả Sanskrit - Việt, (iii) Danh mục dịch giả, tác giả Hán Latinh (Wade Giles + Pinyin)- Việt, (iv) Danh mục dịch giả, tác giả Hán cổ - Việt, (v) Danh mục dịch giả Việt Nam.

Phần IV đối chiếu mã số tựa đề Tam tạng Phật giáo trong ấn bản Đại Chánh và các mục lục Đại tạng Kinh thông dụng như: (i) Mục lục bản dịch Tam tạng Phật giáo Trung Quốc (Catalogue of the Chinese Translations of the Buddhist Tripitaka), dịch từ Đại Minh Tam tạng thánh giáo mục lục (大明三藏聖教目録) do Bunyiu Nanjio (南條文雄) biên tập, NXB. 

Clarendon, Oxford, năm 1883; (ii) Mục lục ấn hành Đại tạng Kinh Hán ngữ (한굴대장경刊行目録, Han’gul taejanggyong kanhaeng mongnok, 韩国大藏經刊行目錄) do Viện dịch kinh Dongguk (동국역경원, Dongguk yŏkkyŏngwŏn) xuất bản tại Seoul, năm 1964; (iii) Mục lục phân tích so sánh về tạng Phật ngôn của Tam tạng Tây Tạng (Chibetto Daizōkyō Kanjuru Kandō Mokuroku or A Comparative Analytical Catalogue of the Kanǰur Division of the Tibetan Tripitaka), lưu trữ tại thư viện của Đại học Ōtani, Kyoto, 1930-32, và một số ấn bản Tam tạng khác.

Tổng mục lục Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam

Kế thừa thành quả của hai mục lục Tam tạng nêu trên, quyển “Tổng mục lục Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam” sẽ có hai phần và dự kiến xuất bản vào tháng 11 năm 2022, làm kim chỉ nam cho toàn bộ công trình Tam tạng Phật giáo Việt Nam.

Phần đầu của sách này bao gồm nội dung chính của “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” và “Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo”. Phần thứ hai bổ sung vào hai nội dung quan trọng: (i) Văn học chú giải của Phật giáo Việt Nam, (ii) Tổng tập các tác phẩm Phật học của Việt Nam thời cận hiện đại.

Thỉnh nguyện và tri ân sự đóng góp

Hiện tại bản dịch tiếng Việt của Tam tạng Phật giáo đang cần các thông tin: (i) Người dịch, (ii) Địa điểm dịch, (iii) Năm dịch và xuất bản. Để công trình “Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam” được hoàn thành trong vòng 20 năm, tôi tha thiết thỉnh cầu quý tôn đức Tăng, Ni và các học giả Việt Nam ở trong và ngoài nước cho phép tôi sử dụng các bản dịch, in trong ấn bản của Tam tạng Việt Nam. Tôi tha thiết kêu gọi sự đóng góp của mọi người trong việc cung cấp thông về các bản dịch Tam tạng, các dịch giả chưa có trong quyển sách Mục lục này. Đồng thời, tôi kêu gọi mọi người hoan hỷ góp phần nhập các thông tin về bản dịch tiếng Việt của Tam tạng Phật giáo mà quý vị biết, cũng như cung cấp các dữ liệu quan về văn học Phật giáo Việt Nam.

Hoàn thành một công trình, bao giờ cũng nhờ sự đóng góp của nhiều người. Tôi tri ân và tán dương các đệ tử của tôi đã đóng góp công sức. Về trợ lý điều phối bao quát, tôi tán dương Thích Ngộ Trí Đức. Về phần kỹ thuật, tôi tri ân Giác Thanh Hà, Trần Thị Thu Hoài, Thích Ngộ Dũng, Thích Ngộ Trí Đức đã hỗ trợ tôi về mặt kỹ thuật và nhập dữ liệu, giúp cho tác phẩm được hoàn thành theo kế hoạch.

Về việc bổ sung tên dịch giả đối với một số dịch phẩm tiếng Việt trong quyển sách này, tôi chân thành cảm ơn Ban Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm Huệ Quang, Trung tâm phiên dịch Trí Tịnh và Trung tâm Thiền học Bắc truyền, và sự đóng góp của Ni sư Tuệ Liên. Về việc dò bản tiếng Việt, tôi chân thành cảm ơn TT. Thích Giác Hoàng. Về đối chiếu và dò bản chữ Hán, tôi cảm ơn Ngộ Tánh Hạnh. Về nhập niên đại tác giả của các tựa đề T56n2185 - T84n2731, tôi cảm ơn Thích Ngộ Thành. Về việc nhập dữ liệu vi tính, tôi cảm ơn Thích Ngộ Trí, Thích Ngộ Nguyên Quang, Hoa Tâm, Giác Tâm Hảo, Thể Tú Duệ, Giác Diệu Anh, Trương Nguyễn Diễm Trang, Nguyễn Thị Linh Đa, Lê Hoàng Hoa Cương, Lê Minh Phương Uyên, Nguyễn Thị Ngọc Vân và một số Phật tử Chùa Giác Ngộ. Về ấn tống, tôi tán dương Giác Thanh Nhã và các Phật tử gần xa.

Tôi thành tâm hồi hướng công đức từ việc in tác phẩm này đến với người Việt Nam, có cơ hội tìm hiểu, tiếp nhận, thực tập chân lý và đạo đức của đức Phật để khép lại các nỗi khổ, niềm đau, trải nghiệm an vui và hạnh phúc trong kiếp sống này.

Chùa Giác Ngộ, ngày 15/10/2021
THÍCH NHẬT TỪ
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Đồng Tổng biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam

 

Tham khảo

1 Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh (Taishō shinshu daizōkyō, 大正新修大藏經) lần đầu được NXB. Daizō shuppan kabushiki kaisha xuất bản tại Tokyo vào năm 1924-34, nhanh chóng sau đó, trở thành nguồn tài liệu gốc của các nghiên cứu và trích dẫn về văn học Phật giáo Trung Quốc quan trọng nhất trên thế giới.

2 Danh mục tựa đề do CBETA phổ biến chỉ có 2375 tác phẩm. Có 545 tựa đề thuộc các tập 56-84 do Hiệp hội SAT, tức “Cơ sở dữ liệu văn bản Đại tạng Kinh - ấn bản SAT,” thực hiện. Nhập danh mục CBETA và SAT, tôi dịch toàn bộ 2920 tựa đề và xuất bản lần đầu trong sách này cũng như trong quyển “Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo” của Thích Nhật Từ, xuất bản tháng 12/2021.

3 CBETA được thành lập vào ngày 15/2/1999, do Thượng tọa Huệ Mẫn (惠敏法師) làm Tổng biên tập. Các cơ quan tham gia thực hiện có Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa Pháp Cổ Sơn, Đại học Trung Ương, Đại học Huyền Trang, Học viện Phật học Hương Quang, Học viện Phật học Viên Quang, Học viện Phật học Phước Nghiêm và Hoa Nghiêm Liên Xã. Ấn bản offline có thể download tại: http://www.cbeta.org/download/cbreader.php