Viện Nghiên Cứu Phật Học

MỤC LỤC TAM TẠNG ĐẠI CHÁNH 
(Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh) 
»

LỜI GIỚI THIỆU

Của Hòa thượng Viện trưởng VNCPHVN

Từ ngày 30/11/2003, khi HT. Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, ký quyết định thành lập Hội đồng chỉ đạo phiên dịch và ấn hành Đại tạng Kinh Việt Nam gồm 10 thành viên thì HT. Thích Minh Châu với vai trò Viện trưởng sáng lập Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, kiêm Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Đại tạng Kinh Việt Nam, đã nỗ lực tái bản Kinh tạng Pali và Kinh điển A-hàm, đồng thời, đẩy mạnh công trình dịch thuật các tác phẩm còn lại.

Từ năm 2020, HT. Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã đổi tên gọi Đại tạng Kinh Việt Nam thành danh xưng “Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam” nhằm tạo nên tính bản sắc của Tam tạng Việt Nam, vừa mang tính thuần Việt, vừa bao gồm thánh điển Phật giáo Việt Nam.

Bên cạnh việc xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu Phật học, Ban Biên tập và ấn hành của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tái bản khổ mới Kinh tạng Pali do HT. Thích Minh Châu phiên dịch gồm Kinh Trường bộ, Kinh Trung bộ, Kinh Tương ưng, Kinh Tăng chi, đồng thời, chuẩn bị in Kinh Tiểu bộ, Luật tạng Pali, Kinh điển A-hàm, bộ Bản duyên. Dự kiến, trong vòng 10-20 năm, toàn bộ các tập 1-55 và tập 85 của Đại Chánh được xuất bản với sự phiên dịch và biên tập cần thiết.

Khi được bổ nhiệm vai trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và đồng Tổng biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, TT. Thích Nhật Từ đã lên kế hoạch biên soạn hai quyển sách: (i) “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” và (ii) “Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo” nhằm tiến đến việc biên soạn quyển “Tổng mục lục Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam.”

Đến thời điểm này, Việt Nam hiện có 4 sách về Mục lục Đại tạng Kinh: (i) Mục lục Đại tạng Kinh Trung Hoa, bản viết tay của HT. Thích Phước Cẩn năm 1994, (ii) Mục lục chi tiết Đại tạng Kinh do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn xuất bản tại Đài Bắc, 2014, (iii) Mục lục Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh của Nguyễn Minh Tiến, do NXB. Tôn giáo in năm 2011, (iv) Mục lục Đại tạng Kinh tiếng Việt: Khởi thảo - 2016 của Nguyễn Minh Tiến do NXB. Hồng Đức in năm 2016.

So với các sách về Mục lục nêu trên thì quyển sách mục lục này có những đóng góp có giá trị. Bốn sách mục lục trên chỉ giới thiệu 2375 tựa đề trong tập 1-54 và tập 85 của ấn bản Đại Chánh, do Hiệp hội CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association) tức Hiệp hội Phật điển điện tử Trung Hoa (中華電子佛典協會), Đài Loan, thực hiện. Sách “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” của TT. Thích Nhật Từ không chỉ dịch Việt đầy đủ các tựa đề trên, mà còn bổ sung 545 tựa đề thuộc các tập 56- 84 trong ấn bản Đại Chánh do SAT (tức Cơ sở dữ liệu văn bản Đại tạng Kinh - ấn bản SAT) thực hiện. Quyển Mục lục Tam tạng Đại Chánh của TT. Thích Nhật Từ, do đó, là danh mục tựa đề của Đại Chánh, lần đầu được dịch ra tiếng Việt đầy đủ nhất.

Tôi tin rằng quyển “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” do TT. Thích Nhật Từ biên soạn không chỉ là nguồn tài liệu cần thiết cho việc tham chiếu với Tổng mục lục của “Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh Kinh” (Taishō shinshu daizōkyō, 大正新修大藏經, viết tắt là Đại Chánh) do Junjirō Takakusu (高楠順次郎) và Kaikyoku Watanabe (渡邊海旭) đồng chủ biên tại Tokyo vào năm 1924-34, mà còn góp phần quan trọng trong việc định hình tính bản sắc của “Tổng mục lục Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam” bao gồm mã số tham chiếu với 7 tổng mục lục Tam tạng Phật giáo Đại thừa thông dụng trên thế giới, cũng như bổ sung vào tổng tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam nguồn văn học chú giải và văn học Phật giáo Việt Nam cận hiện đại.

Đóng góp chính của quyển “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” này bao gồm: (i) Cung cấp bản dịch tiếng Việt1 đầu tiên có đủ 2920 tựa đề gồm 85 tập trong ấn bản Đại Chánh, 2 (ii) Cung cấp thông tin mô tả về ấn bản Đại Chánh, (iii) Cung cấp các tựa đề Sanskrit tương đương, mà phần lớn toàn văn của các bản văn Đại thừa này đã bị thất lạc, có thể vào cuối thế kỷ XII trở đi, do sự tàn phá của chiến tranh lưu lại tại Ấn Độ, (iv) Cung cấp danh mục dịch giả/ tác giả của các tác phẩm trong Tam tạng Đại Chánh, (v) Bước đầu cung cấp thông tin về số lượng dịch giả Việt Nam nhiều nhất (mặc dù chưa đầy đủ so với thực tế) về các tác phẩm Tam tạng trong Đại Chánh.

Tôi tha thiết kêu gọi quý tôn đức Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam trong nước và trên toàn cầu hãy cùng với VNCPHVN chúng tôi tham gia dịch thuật các tác phẩm chưa có người dịch trong ấn bản Đại Chánh, góp phần giúp dự án Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam sớm được thành tựu mỹ mãn, phục vụ nguồn minh triết vô tận của Phật giáo cho đất nước, dân tộc và Phật tử Việt Nam.

Pháp viện Minh Đăng Quang, ngày 17-10-2021
Hòa thượng THÍCH GIÁC TOÀN
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

Tham khảo:

1 Các dịch giả Việt Nam chủ yếu chỉ phiên âm tựa đề Hán Việt, rồi đảo chữ kinh, luật, luận ra trước tựa đề.

2 Tất cả 545 tựa đề trong các tập 56-84 do SAT thực hiện tại Nhật Bản, mang mã số từ T.2185 đến T.2731 cũng có mặt trong quyển Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo của Thích Nhật Từ, dự kiến xuất bản vào tháng 12/2021.