MỤC LỤC TAM TẠNG ĐẠI CHÁNH
(Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh) »
I. CÁCH SỬ DỤNG
1. Cấu tạo tựa đề trong Mục lục này
Quyển “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” này là mục lục mô tả (descriptive catalog) của ấn bản Đại Chánh tân tu Đại tạng Kinh (Taishō shinshu daizōkyō, 大正新修大藏經, viết tắt là Đại Chánh). Mỗi tựa đề trong ấn bản này được trình bày bắt đầu bằng mã số tựa đề của ấn bản Đại Chánh.
Ví dụ, Kinh Trường A-hàm là tựa đề đầu tiên có mã số là T01n0001, tựa tiếng Việt do tôi dịch, tựa đề Sanskrit, tựa chữ Hán, tựa Hán Việt, số quyển, thông tin bản dịch Hán, thông tin bản dịch Việt 1, bản Việt 2 (nếu có), bản Việt 3 (nếu có).
2. Hai mã số quốc tế của ấn bản Đại Chánh
Danh mục 2920 tựa đề trong sách “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” này gồm 2375 tựa đề (trong tập 1-55 và tập 85) do Hiệp hội CBETA, Đài Loan, thực hiện và 545 tựa đề (trong tập 56-84) do Hiệp hội SAT, Nhật Bản, thực hiện.
Mã số thứ tự của 2920 tựa đề trong sách này dựa vào hệ thống mã số của CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association) tức Hiệp hội Phật điển điện tử Trung Hoa (電子佛典集成).1
CBETA là kho tư liệu điện tử bằng chữ Hán của ấn bản Đại Chánh đầy đủ nhất từ trước đến giờ. Đến ngày 18/2/2006, CBETA đã hoàn tất các tập 1-55 và 85 (7.877 vạn chữ) của Đại Chánh. Đến năm 2007, CBETA hoàn tất Vạn tân tục tạng (卍新續藏, 7.122 vạn chữ). Song song, SAT (gọi đủ là Cơ sở dữ liệu văn bản Đại tạng Kinh - ấn bản SAT, có trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) hoàn thành các tập 56-84.
Mã số tựa đề Đại Chánh của SAT nhấn mạnh “số thứ tự tựa đề” gồm T và 4 con số, đang khi CBETA nhấn mạnh “số tập” trước và theo sau là “số thứ tự tựa đề.” Ví dụ, Trường A-hàm kinh (Dīrghāgama, 長阿含經) được CBETA trình bày với mã số “T01n0001”, trong đó, “T” là Đại Chánh, “01” là tập 1 trong 85 tập, “n” = number tức số thứ tự và “0001” là bài kinh thứ 1 trong 2920 tựa đề. Ngược lại, Kinh Trường A-hàm được SAT trình bày với mã số “T0001_.01”, trong đó, “T” là Đại Chánh, “0001” là bài kinh thứ 1 trong 2920 tựa đề và “.01” là tập 1 trong 85 tập.
3. Tìm kiếm thông tin mô tả về tựa đề kinh, luật, luận qua mã số tựa đề
Để tìm kiếm thông tin về một tựa đề gồm kinh, luật, luận, kinh sớ, luật sớ, luận sớ, hay một tác phẩm nào đó trong ấn bản Đại Chánh, quý độc giả cần nắm vững cấu trúc của sách Mục lục này, đặc biệt là mục “Mục lục Đại tạng Kinh từ tựa đề 1-2920” cho đến phần “Đối chiếu mã số tựa đề trong các bộ mục lục Đại tạng Kinh.”
Quý độc giả có thể tìm kiếm thông tin theo “mã số của tựa đề” trong ấn bản Đại Chánh. Ví dụ, Kinh hoa sen chánh pháp tuyệt vời (妙法蓮華經) trong ấn bản Đại Chánh được trình bày phổ biến theo hai cách như sau: (i) T0262, trong đó, T là từ viết tắt của chữ Taishō, tức ấn bản Đại Chánh, cụm ba số 0262 là số thứ tự của bản văn này, (ii) T09n0262, trong đó, cặp số “09” được hiểu là tập thứ 9 và “n” viết đủ là “number” có nghĩa “số thứ tự”; do đó, có thể hiểu kinh này là bản văn có số thứ tự 262 trong tập thứ 9 của ấn bản Đại Chánh. Dò theo con số thứ tự của quyển Mục lục này, độc giả sẽ có được thông tin mô tả và so sánh khái quát về từng tựa đề trong ấn bản Đại Chánh.
4. Tìm kiếm dịch giả, soạn giả, người chú thích, tác giả
Trong “Mục lục Tam tạng Đại Chánh” có 1655 tựa đề tác phẩm có tên dịch giả và hơn 1000 tựa đề tác phẩm còn lại có tên soạn giả, người biên tập, người thuyết giảng, người thuật lại, người ghi chép, người chú thích, người sưu tầm và người ấn hành… Có những tác phẩm chỉ có một người làm. Cũng có nhiều tác phẩm có nhiều người tham gia.
Có hai cách phân loại dịch giả: (i) Phân loại dịch giả/tác giả theo triều đại Trung Quốc, (ii) Phân loại dịch giả/tác giả theo mẫu tự ABC. Sách này chọn cách thứ 2. Vì không phải là một từ điển, các thông tin về dịch giả/ tác giả trong sách này chủ yếu gồm: (i) Tên đọc theo Hán Việt, (ii) Tên gốc Sanskrit, (iii) Tên chữ Hán, (iv) Tên chữ Hán đọc theo hệ thống Wade Giles vốn phổ biến trong các sách Anh - Pháp.
Bên cạnh thông tin về tên dịch giả/ tác giả, quyển sách này cung cấp thông tin về năm sinh, năm mất, giữa năm sinh và năm mất có dấu gạch ngang. Trường hợp không rõ năm sinh, tôi trình bày theo mặc định, đặt “dấu hỏi” ở cột sinh. Ví dụ, Thí Hộ (Dānapāla, 施護) (? -1017). Trường hợp không rõ năm mất, tôi đặt “dấu hỏi” ở cột mất. Ví dụ, Cơ Biện (基辯, Chi pien) (619-?); Tằng Phượng Nghi (曾鳳儀, Tseng feng i) (1556-?).
Trường hợp, không biết rõ thông tin về năm sinh, năm mất của nhân vật thì tôi ghi là “tk” theo sau số thế kỷ. Ví dụ, Cồ-đàm Bát-nhã-lưu-chi (Gautama Prajñāruci, 瞿曇般若流支) (tk 6).
II. NỖ LỰC VIỆT HÓA TỰA KINH
1. Việt hóa tối đa các tựa đề
Vì đặc điểm của ch ữ Hán súc tích, ngắn gọn, do đó, khi dịch tiếng Việt, tôi chấp nhận tựa đề tiếng Việt có số chữ dài hơn tựa đề chữ Hán. Mục đích của tôi là Việt hóa nhiều nhất có thể các yếu tố chữ Hán trong tựa đề. Có thể trong giai đoạn đầu, quý độc giả do chưa quen với cách dịch thuần Việt nên không thích tựa đề tiếng Việt.
Ví dụ, tựa đề “Đại bát-nhã ba-la-mật-đa kinh” (Mahāprajñāpāramitāsūtra, 大般若波羅蜜多經) có mã số T07n0220, tôi dịch là “Kinh trí tuệ hoàn hảo lớn.” Tựa đề “A-tỳ-đạt-ma pháp uẩn túc luận” (Abhidharma dharmaskandha pādaśāstra, 阿毘達磨法蘊足論) có mã số T26n1537, tôi dịch là “Luận nhánh về nhóm pháp trong A-tỳ-đạt-ma.”
2. Tên người trong tựa đề
Ví dụ, trong tựa đề Nguyệt Quang Bồ-tát Kinh (月光菩薩經) có mã số Đại Chánh là T03n0166 thì “Nguyệt Quang” (月光) vừa là danh từ riêng, vừa là danh từ có ý nghĩa là “ánh sáng của trăng” nên tôi dịch tựa đề tiếng Việt “Kinh Bồ-tát Ánh Sáng Trăng.” Tương tự, tựa đề “Nguyệt Minh Bồ-tát kinh” (月明菩薩經) có mã số T03n0169, tôi dịch là “Kinh Bồ-tát Trăng Sáng.”
Đối với các danh từ riêng phiên âm từ Sanskrit, Pali, tôi trả tên phiên âm Hán Việt về tên gốc trong Sanskrit và Pali. Ví dụ, tựa đề “Thái tử Tu- đại-noa kinh” (太子須大拏經) có mã số T03n0171, tôi dịch là “Kinh thái tử Sudana” (thay vì Kinh thái tử Tu-đại-noa).
Đối với ba vị Bồ-tát chính trong Đại thừa, tôi chọn danh hiệu Hán Việt đã phổ biến gồm Bồ-tát Văn-thù (thay vì Văn-thù-sư-lợi, Mañjuśrī, 文殊師利), Bồ-tát Quan Âm (thay vì Quán Thế Âm, 觀世音菩薩, hay Quán Tự Tại, 觀自在菩薩, Avalokiteśvara); Bồ-tát Địa Tạng (地藏菩薩), thay vì dùng tên nguyên tác Sanskrit là Kṣitigarbha. Đối với các vị A-la-hán chính trong mười đệ tử lớn của Phật, tôi giữ phiên âm Xá-lợi-phất (舍利弗) thay vì dùng nguyên tác Śāriputra, hay Xá-lợi Tử (舍利子), Mục-kiền-liên (目犍連) thay vì dùng tên nguyên tác, Maudgalyāyana. Tên các vị còn lại phần lớn đổi lại tên Sanskrit gốc, thay vì chỉ phiên âm Hán Việt như trước đây.
3. Về chữ “phương quảng” và “phương đẳng” trong tựa đề
Ví dụ, tựa đề “Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh” (Mahāvaipulya Buddhāvataṃsaka Sūtra, 大方廣佛華嚴經) thường gọi tắt là Kinh Hoa nghiêm (Avataṃsaka Sūtra, 華嚴經) thuộc mã số T09n0278 và T10n0279 trong ấn bản Đại Chánh, tôi dịch là “Kinh trang sức hoa Phật trong Đại thừa”, trong đó, “hoa nghiêm” (avataṃsaka, 華嚴, flower adorment) có nghĩa là “trang sức hoa” hay “dùng hoa để trang sức” (用花莊嚴) và “phương quảng” (vaipulya, 方廣) hay “đại phương quảng” (mahā-vaipulya, 大方廣) là từ chỉ cho các bài kinh dài trong Phật giáo Đại thừa.2 Trong ngữ cảnh của văn học Phật giáo Đại thừa, các khái niệm “phương quảng” (方廣) và “đại phương quảng” (大方廣), “phương đẳng” (方等) hay “đại phương đẳng” (大方等) là các khái niệm chỉ chung cho các kinh Đại thừa (是諸大乘經的通名).
Từ nguyên tắc trên, các tựa “Phương quảng đại trang nghiêm kinh” (方廣大莊嚴經) được dịch là “Kinh trang sức lớn trong Đại thừa.” Do vậy, các tựa có chữ “đại phương quảng”, hay “đại phương đẳng,” tôi đều dịch thành “Đại thừa.” Tương tự, đối với các tựa có chữ “đại phương đẳng,” tôi đều dịch thành “Đại thừa.” Xem T12n0387, T13n0397, T13n0415 v.v… Trong trường hợp, tựa đề có cụm từ “Đại thừa phương đẳng” (大乘方等) thì tôi dịch là “phương đẳng Đại thừa” tức các kinh dài trong văn học Đại thừa.
4. Về chữ “Phật thuyết” trong tựa đề
Trong ấn bản Đại Chánh, có 562 bài kinh có cấu trúc “Phật thuyết… Kinh” (佛說…經), trong đó, mệnh đề tường thuật trực tiếp “Phật thuyết” có nghĩa là “Phật nói,” theo sau là tựa bài kinh. Ví dụ, tựa đề “Phật thuyết thánh pháp ấn kinh” (佛說聖法印經) có mã số T02n0103 trong Đại Chánh dịch sát nghĩa là “Phật nói Kinh dấu ấn chánh pháp thánh thiện.” Để nhấn mạnh tựa đề kinh đứng đầu câu trong các tựa đề, tôi đã phương tiện thay đổi thành tựa đề “Kinh Phật nói dấu ấn chánh pháp thánh thiện.” Nếu tỉnh lược thành tố “Phật nói” (佛說, Phật thuyết), ý nghĩa của tựa đề không hề thay đổi.
Tựa đề “Phật thuyết A-di-đà kinh” (佛說阿彌陀經) có mã số T12n0366 trong Đại Chánh, thay vì dịch sát nghĩa là “Phật nói Kinh A-di- đà”, tôi đã phương tiện dịch đảo vị trí thành “Kinh Phật nói về Phật A-di- đà.” Tựa đề “Phật thuyết Hải Ý Bồ-tát sở vấn tịnh ấn pháp môn kinh” (佛說海意菩薩所問淨印法門經) có mã số T13n0400 trong Đại Chánh được dịch là “Kinh Phật nói về Bồ-tát Hải Ý hỏi pháp môn ấn thanh tịnh.”
Trong ấn bản Mục lục ấn hành Đại tạng Kinh Hán ngữ (한굴대장경刊行目録, Han’gul taejanggyong kanhaeng mongnok, 韩国大藏經刊行目錄), có điểm đáng chú ý là, tất cả chữ “Phật thuyết” (佛說) trong 563 tựa đề chữ Hán đều được tỉnh lược trong tựa đề chữ Hàn. Ví dụ, mã số tựa đề T02n0103 là “Phật thuyết thánh pháp ấn kinh” (佛說聖法印經), bản chữ Hàn chỉ ghi là “Seong beobin gyeong” (성법인경).
III. CẤU TRÚC VÀ NỘI DUNG CỦA TỰA ĐỀ
1. Cấu trúc và phạm vi thông tin của tựa đề
Nhằm giúp các độc giả tiếp cận và tham khảo nguồn về các mục lục Đại tạng Kinh thông dụng của Phật giáo Đại thừa, các tựa đề trong Tổng mục lục trong trường hợp nhiều nhất, đầy đủ nhất, sẽ có 18 thông tin như sau:
2. Cách trình bày tựa đề mẫu trong Mục lục này
Giả sử, độc giả muốn biết thông tin tựa tác phẩm có vị trí thứ 21 (ký hiệu là “n0021”, trong đó, “n” viết đủ là “number” tức số thứ tự) trong Kinh Trường A-hàm (Dīrghāgamasūtra, 長阿含經) trong ấn bản Đại tạng tân tu Đại tạng (Taishō Shinshū Daizōkyō, viết tắt là Đại Chánh) được trình bày trong sách này gồm: (a) Số tập trong ấn bản Đại Chánh (viết tắt là “T” thay cho chữ “Taishō” (tân tu = ấn bản có hiệu đính), (b) Số thứ tự bài kinh trong Đại Chánh, (c) Tựa tác phẩm/ dịch phẩm in nghiêng đậm, (d) Thông tin dịch giả bản dịch chữ Hán và chữ Việt. Sau đây là trình bày mẫu về bài kinh 12 của Kinh Trường A-hàm.
T01n0021 Kinh 62 quan điểm của lưới Phạm thiên, S. Brahmajālasūtra, 梵網六十二見經 (Phạm võng lục thập nhị kiến kinh), 1 quyển. Bản Hán: Chi Khiêm (支謙, Chih-ch’ien) dịch vào năm 223- 252 trong triều đại Ngô (呉), (T. 2151-351b:21). Bản Việt 1: Thích Chánh Lạc. Bản Việt 2: Linh Sơn PBĐTK.
***
Trong thời gian tới, với kế hoạch dự kiến, dựa vào cơ sở dữ liệu của sách Mục lục này, tôi tiếp tục in quyển “Tổng mục lục Tam tạng Phật giáo” vào tháng 12/2021 bao gồm Tam tạng Phật giáo Thượng tọa bộ, Tam tạng Phật giáo Bộ phái và Tam tạng Phật giáo Đại thừa.
Bên cạnh đó, tôi đang làm “Tổng mục lục Tam tạng thánh điển Phật giáo Việt Nam” nhằm bổ sung danh mục tác phẩm tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam trải qua các triều đại, cũng như danh mục đối chiếu đa ngôn ngữ về mã số tựa đề của Mục lục Tam tạng Đại Chánh với một số tổng mục lục Tam tạng thông dụng khác.
Tôi hy vọng quyển sách này giúp quý độc giả có được các thông tin bổ ích về 2920 tựa đề trong Mục lục Tam tạng Đại Chánh, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu và ứng dụng lời Phật dạy trong cuộc sống.
Chùa Giác Ngộ, ngày 10/10/2021
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Tham khảo
1 CBETA (Chinese Buddhist Electronic Text Association) là “Hiệp hội Phật điển điện tử Trung Hoa” (電子佛典集成), được thành lập vào ngày 15/2/1999, do Thượng tọa Huệ Mẫn (惠敏法師) làm Tổng biên tập. Các cơ quan tham gia thực hiện có Viện nghiên cứu Phật học Trung Hoa Pháp Cổ Sơn, Đại học Trung Ương, Đại học Huyền Trang, Học viện Phật học Hương Quang, Học viện Phật học Viên Quang, Học viện Phật học Phước Nghiêm và Hoa Nghiêm Liên Xã. Ấn bản offline có thể download tại: http://www.cbeta.org/download/ cbreader.php
2 Damien Keown trong Từ điển Phật học của mình giải thích từ “Kinh Phương quảng” (vaipulya sutra) là “thuật ngữ đề cập đến các sáng tác kinh điển dài hơn trong Phật giáo Đại thừa, có nền tảng triết học rộng hơn và bao trùm hơn” (term referring to the longer sūtra compositions in Mahāyāna Buddhism that have a broader and more inclusive philosophical basis). Xem ấn bản online [truy cập ngày 01/10/2021]: https://www.oxfordreference.com/ view/10.1093/oi/authority.20110803115037917