Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Một thời, sau khi Phật Niết-bàn không lâu, Tôn giả A-nan trú tại thành Vương Xá, trong Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.
Lúc bấy giờ, có một Phạm chí dị học, vốn là bạn của Tôn giả A-nan trước khi xuất gia, sau giữa trưa, thong dong tản bộ, đi đến chỗ Tôn giả A-nan, chào hỏi xong, ngồi xuống một bên và nói với Tôn giả A-nan:
- A-nan, tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
- Phạm chí, muốn hỏi cứ hỏi, tôi nghe xong sẽ suy nghĩ!
Phạm chí dị học bèn hỏi:
- Sự kiện này, những quan điểm này bị gác lại, bị loại bỏ, không được giải thích tường tận; đó là: “Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác với thân; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?” Samôn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý cần phải biết chăng?
Tôn giả A-nan đáp:
- Phạm chí, đối với những quan điểm này, Thế Tôn, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là: “Thế giới hữu thường hay vô thường; thế giới hữu biên hay vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác với thân; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?” Thế Tôn, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, biết quan điểm này đúng như lý cần phải biết.
Phạm chí dị học lại hỏi:
- Những quan điểm này, Sa-môn Cù-đàm gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là: “Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác với thân; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?” Sa-môn Cù-đàm biết rõ các quan điểm này đúng như lý cần phải biết như thế nào?
Tôn giả A-nan đáp:
- Phạm chí, những quan điểm này được đức Thế Tôn, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là: “Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác với thân; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?” Này Phạm chí dị học, kiến như vậy, thủ như vậy, sanh như vậy, đến đời sau như vậy, những vấn đề như vậy là điều mà Thế Tôn, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, gác qua một bên, loại bỏ, không giải thích tường tận; đó là: “Thế giới hữu thường hay thế giới vô thường; thế giới hữu biên hay thế giới vô biên; sinh mạng tức là thân hay sinh mạng khác với thân; Như Lai tuyệt diệt hay Như Lai không tuyệt diệt; Như Lai vừa tuyệt diệt vừa không tuyệt diệt; Như Lai cũng không phải tuyệt diệt, cũng không phải không tuyệt diệt?” Những quan điểm ấy được biết như vậy. Các quan điểm ấy phải được biết như vậy.
Phạm chí dị học bạch:
- Nay tôi tự quy y Tôn giả A-nan.
Tôn giả A-nan nói:
- Phạm chí, ông đừng tự quy y nơi tôi! Cũng như tôi tự quy nơi Phật, ông cũng nên tự quy như vậy.
Phạm chí dị học nói:
- A-nan, nay tôi xin tự quy y Phật, Pháp, Tỳ-kheo-tăng! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến khi mạng chung!
Tôn giả A-nan thuyết giảng như vậy, Phạm chí dị học nghe Tôn giả A-nan nói xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.