Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Trong cảnh giới nào mà giáo lệnh của Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la có thể ban hành đến, trong cảnh giới đó, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la là đệ nhất. Tuy vậy, Vua Ba-tư-nặc nước Câu-tát-la cũng lệ thuộc sự biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh ra nhàm chán cái đệ nhất ấy; nhàm chán rồi, đối với cái đệ nhất còn không ham muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
Những cảnh giới mà ánh sáng của mặt trời, mặt trăng chiếu đến, những phương được chiếu đến, tức thế giới ngàn; trong thế giới ngàn đó có một ngàn mặt trời, một ngàn mặt trăng, một ngàn Phất-vu-đãi, một ngàn Diêm-phù-đề̀ châu, một ngàn Câu-đà-ni châu, một ngàn Uất-đơn-việt, một ngàn Tu-di sơn, một ngàn Tứ Đại Thiên Vương, một ngàn Tứ Đại Thiên Vương tử, một ngàn Tam Thập Tam thiên, một ngàn Thích thiên Nhân-đà-la, một ngàn Diệm-ma thiên, một ngàn Tu-diệm-ma thiên tử, một ngàn Đâu-suất-đà thiên, một ngàn Đâu-suất-đà thiên tử, một ngàn Hóa Lạc thiên, một ngàn thiên Hóa Lạc thiên tử, một ngàn Tha Hóa Lạc thiên, một ngàn Tự Tại thiên tử, một ngàn Phạm thế giới và một ngàn Biệt Phạm. Trong đó, có Phạm Đại Phạm là đấng Phú hựu, là Tạo hóa tôn, là Tổ phụ các loài chúng sanh đã sanh và sẽ sanh. Nhưng Đại Phạm ấy cũng lệ thuộc biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải nhàm chán cái đệ nhất ấy; nhàm chán rồi, đối với cái đệ nhất không còn ham muốn, huống là cái hạ tiện.
Một thời gian sau, thế giới này hủy diệt. Khi thế giới này hủy diệt, chúng sanh sanh lên cõi trời Quang Âm. Trong ấy chỉ có sắc nương theo ý mà sanh, các chi thể đầy đủ, không thiếu, các căn không bị hư hoại, nuôi sống bằng hỷ thực, hình sắc thanh tịnh, thân chiếu sáng, phi hành trong hư không, sống ở đó một thời gian lâu dài. Nhưng cõi trời Quang Âm cũng lệ thuộc biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh ra nhàm chán sự ấy; nhàm chán rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là hạ tiện.
Lại nữa, có bốn sự tưởng. Tỳ-kheo suy tưởng về tiểu tưởng, về đại tưởng, về vô lượng tưởng và vô sở hữu. Chúng sanh có thắng ý nơi lạc tưởng như vậy cũng lệ thuộc vào sự biến dịch, thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt phải sanh nhàm chán đối với sự ấy; nhàm chán rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
Lại có tám thắng xứ. Thế nào là tám? Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ nhất thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ nhị thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc lượng nhỏ, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ tam thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán sắc vô lượng, hoặc sắc đẹp, hoặc sắc xấu, đối với các sắc đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ tứ thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc xanh, xanh hiển, xanh hiện, xanh quang. Cũng như hoa thanh thủy màu xanh, xanh hiển, xanh hiện, xanh quang; cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vo kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng, tươi mát, hoặc xanh, xanh hiển, xanh hiện, xanh quang. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc xanh, xanh hiển, xanh hiện, xanh quang, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm; đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ ngũ thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc vàng, vàng hiển, vàng hiện, vàng quang. Cũng như hoa Tần-đầu-ca-la màu vàng, vàng hiển, vàng hiện, vàng quang; cũng như chiếc áo bằng lụa Bala-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vo kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng, tươi mát, màu vàng, vàng hiển, vàng hiện, vàng quang. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc vàng, vàng hiển, vàng hiện, vàng quang, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm; đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ lục thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng như hoa Ca-ni-ca-la màu đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang; cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vo kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng, tươi mát, màu đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, hoặc đỏ, đỏ hiển, đỏ hiện, đỏ quang, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm; đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ thất thắng xứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc hoặc trắng, trắng hiển, trắng hiện, trắng quang. Cũng như sao Thái Bạch màu trắng, trắng hiển, trắng hiện, trắng quang; cũng như chiếc áo bằng lụa Ba-la-nại được giặt, được vỗ, được nhồi, được vo kỹ cho đến sạch tinh, sắc sáng, tươi mát, màu trắng, trắng hiển, trắng hiện, trắng quang. Cũng vậy, Tỳ-kheo bên trong không có sắc tưởng, bên ngoài quán các sắc, sắc trắng, trắng hiển, trắng hiện, trắng quang, vô lượng, vô lượng tịnh ý, nhuận ý, ái lạc, không ghê tởm; đối với các sắc ấy đã thắng tri, đã thắng kiến; tưởng như vậy được gọi là đệ bát thắng xứ.
Chúng sanh có thắng ý nơi lạc thắng xứ như vậy cũng lệ thuộc sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, ắt sanh ra nhàm chán sự ấy; nhàm chán rồi, đối với các đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
Lại nữa, có mười biến xứ. Thế nào là mười? Các Tỳ-kheo tu tập nơi một địa biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là vô nhị, vô lượng. Tu tập nơi một thủy biến xứ, một hỏa biến xứ, một phong biến xứ, một xanh biến xứ, một vàng biến xứ, một đỏ biến xứ, một trắng biến xứ, một không biến xứ, một thức biến xứ là thứ mười; tu tập một biến xứ, tư duy trên, dưới, các phương là vô nhị, vô lượng. Nhưng các chúng sanh có thắng ý nơi biến xứ lạc này cũng lệ thuộc sự biến dịch, lệ thuộc sự thay đổi. Đa văn Thánh đệ tử quán tưởng như vậy, ắt sanh ra nhàm chán sự ấy; nhàm chán rồi, đối với cái đệ nhất còn không muốn, huống nữa là cái hạ tiện.
Và đây là thuyết Thanh tịnh đệ nhất, là sự thi thiết tối đệ nhất, tức là “ta không có, ta không hiện hữu”, và để chứng đắc điều này mà thiết lập nơi đạo.
Và đây là đệ nhất ngoại y kiến xứ, tối y kiến xứ, tức là vượt qua tất cả sắc tưởng, cho đến chứng Phi hữu tưởng phi vô tưởng, thành tựu an trú.
Và đây là đệ nhất thú hướng Niết-bàn ngay trong hiện tại, là thi thiết tối thượng về Niết-bàn ngay trong hiện tại, tức là sáu xúc xứ, sự tập khởi, hoại diệt, vị ngọt, tai hoạn và xuất ly của chúng được thấy như thật bằng tuệ, và để chứng đắc điều này mà thi thiết nơi đạo.
Lại nữa, có bốn thông hành. Thế nào là bốn? Có lạc trì thông hành, có lạc tốc thông hành, có khổ trì thông hành, có khổ tốc thông hành. Trong đó, lạc trì thông hành là lạc đưa đến đoạn trừ chậm chạp, cho nên nói là thấp kém. Trong đó, lạc tốc thông hành là lạc đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng, cho nên thông hành này cũng được nói là thấp kém. Trong đó, khổ trì thông hành là khổ đưa đến đoạn trừ một cách chậm chạp, cho nên thông hành này cũng được nói là thấp kém. Trong đó, khổ tốc thông hành là khổ đưa đến đoạn trừ một cách mau chóng, cho nên thông hành này không phải là sự phát triển, không được lưu bố, cho đến chư thiên và nhân loại cũng không tán thán và phát triển. Thông hành của Ta được phát triển, được lưu bố, cho đến chư thiên và nhân loại cũng tán thán, phát triển.
Thế nào là thông hành của Ta được phát triển, được lưu bố, cho đến chư thiên và nhân loại cũng tán thán, lưu bố? Đó là tám chi Thánh đạo, chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là thông hành của Ta được phát triển, được lưu bố, cho đến chư thiên và nhân loại cũng tán thán, lưu bố.
Ta như vậy nhưng các Sa-môn, Phạm chí hư ngụy, nói láo, bất thiện, không chân thật, xuyên tạc và hủy báng Ta rằng: “Quả thật có chúng sanh chủ trương sự đoạn hoại, Sa-môn Cù-đàm không có chủ trương gì.” Quả thật, có chúng sanh chủ trương sự đoạn hoại; nếu không, Ta đã không thuyết giảng như vậy. Như Lai ngay trong đời hiện tại đã vĩnh viễn đoạn trừ tất cả mà chứng đắc Niếtbàn tịch tĩnh, diệt tận.
Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.