Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại thành Vương Xá, ở Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa (Kalandakanivàpa), cùng đại chúng Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị đang an cư mùa mưa.
Bấy giờ, trải qua đêm, vừa lúc sáng, đức Thế Tôn mặc y, cầm bát vào thành Vương Xá để khất thực; khất thực xong, thu dọn y bát, rửa chân tay, Ngài khoác ni-sư-đàn trên vai và đi đến vườn dị học trong rừng Khổng Tước. Tại rừng Khổng Tước, trong vườn dị học, bấy giờ, có một người dị học tên là Tiễn Mao, là một vị danh đức, là bậc Tông chủ, được mọi người tôn làm bậc thầy, có tiếng tăm lớn, mọi người kính trọng, thống lãnh đồ chúng đông đảo, được năm trăm vị dị học tôn trọng. Vị này đang ở giữa đại chúng đang ồn ào, nhiễu loạn, nói năng lớn tiếng, bàn luận đủ mọi vấn đề súc sanh, tức là các vấn đề về vua chúa, về giặc, về việc đấu tranh, về ăn uống, về y phục, về đàn bà, về con gái, về dâm nữ, về thế gian, về đồng trống, về việc dưới biển và việc nước, việc nhân dân. Những người ấy cùng nhau nhóm họp bàn luận về những vấn đề súc sanh như vậy.
Dị học Tiễn Mao thấy Phật từ xa đến, dặn đồ chúng của mình rằng:
– Này các ông, hãy ngồi im lặng. Người đang đến kia là Sa-môn Cù-đàm. Đồ chúng của ông ấy im lặng, thường ưa sự im lặng, khen ngợi sự im lặng. Nếu ông ấy thấy chúng ta im lặng, có thể sẽ đến thăm.
Dị học Tiễn Mao dặn chúng im lặng, chính mình cũng im lặng mà ngồi.
Đức Thế Tôn đi đến chỗ dị học Tiễn Mao. Dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay và bạch Phật:
– Kính chào Sa-môn Cù-đàm! Sa-môn Cù-đàm đã lâu không đến đây, mời Ngài ngồi xuống chỗ này.
Thế Tôn liền ngồi xuống chỗ ngồi mà Tiễn Mao đã trải sẵn. Dị học Tiễn Mao cùng Thế Tôn chào hỏi rồi lui ngồi một bên.
Thế Tôn hỏi:
– Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhóm họp ở đây?
Dị học Tiễn Mao thưa:
– Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Samôn Cù-đàm nếu muốn nghe vấn đề này, để sau này nghe cũng không khó gì.
Thế Tôn hỏi ba lần như vậy:
– Ưu-đà-di, các ông vừa bàn luận những gì? Do việc gì mà cùng nhóm họp ở đây?
Dị học Tiễn Mao cũng đáp lại ba lần rằng:
– Bạch Cù-đàm, xin bỏ qua vấn đề này, vấn đề này không hay ho gì. Samôn Cù-đàm nếu muốn nghe sau này nghe cũng không khó. Nhưng Sa-môn Cù-đàm ba lần muốn nghe, nay tôi phải nói.
Bạch Cù-đàm, chúng tôi với số đông các Phạm chí nước Câu-tát-la cùng tụ tập ngồi ở học đường Câu-tát-la bàn luận như vầy: “Thật tốt đẹp và lợi ích cho dân nước Ương-già Ma-kiệt-đà! Thật tốt đẹp và lợi ích cho dân nước Ươnggià Ma-kiệt-đà! Chúng đại phước điền như thế cùng an cư mùa mưa tại thành Vương Xá.
Đó là ngài Phất-lan Ca-diếp. Vì sao? Bạch Cù-đàm, Phất-lan Ca-diếp là bậc danh đức, Tông chủ, làm thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa ở thành Vương Xá này.
Cũng vậy, Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi-tử, Sa-nhã Bệ-la-trì-tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phú Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi. Bạch Cù-đàm, A-di-đa Kêxá Kiếm-bà-lợi là bậc danh đức, Tông chủ, làm thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đồ chúng lớn, được năm trăm dị học tôn trọng, cùng an cư mùa mưa ở thành Vương Xá này.
Vừa rồi, chúng tôi cùng bàn đến Sa-môn Cù-đàm rằng: “Sa-môn Cù-đàm này là bậc danh đức, Tông chủ, làm thầy mọi người, có tiếng tăm lớn, mọi người đều kính trọng, thống lãnh đại chúng Tỳ-kheo, được một ngàn hai trăm năm mươi người tôn trọng, cùng nhau an cư mùa mưa tại thành Vương Xá này.” Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Nay trong các Sa-môn, Phạm chí được tôn sùng này, ai là người được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; không bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; cũng không bị đệ tử vấn nạn thầy rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Họ nói rồi liền bỏ đi?”
Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; rất nhiều đệ tử vấn nạn ông ta rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Họ nói rồi liền bỏ đi.”
Bạch Cù-đàm, thuở xưa, Phất-lan Ca-diếp đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn: “Các ông hãy đứng yên! Không có ai đến hỏi các ông, người ta hỏi ta. Các ông không thể giải quyết được việc này, chỉ ta mới có thể giải quyết được việc này.” Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó lại bàn luận những việc khác, không chờ thầy nói xong vấn đề. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Như vậy, Phất-lan Ca-diếp này không được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; rất nhiều đệ tử vấn nạn ông ta rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Họ nói rồi liền bỏ đi.”
Ma-tức-ca-lợi Cù-xá-lợi-tử, Sa-nhã Bệ-la-trì-tử, Ni-kiền Thân Tử, Ba-phú Ca-chiên, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi cũng vậy. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi này không được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; rất nhiều đệ tử vấn nạn ông ta rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Họ nói rồi liền bỏ đi.”
Bạch Cù-đàm, thuở xưa, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi đã có lần ở trong chúng đệ tử giơ tay la lớn rằng: “Các ông hãy đứng yên! Không có ai đến hỏi các ông, người ta hỏi ta. Các ông không thể giải quyết được việc này, chỉ ta mới có thể giải quyết được việc này.” Nhưng các đệ tử ngay trong lúc đó lại bàn luận việc khác, không chờ thầy nói xong vấn đề. Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Như vậy, A-di-đa Kê-xá Kiếm-bà-lợi này không được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; rất nhiều đệ tử vấn nạn ông ta rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Họ nói rồi liền bỏ đi.”
Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm này được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; không bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; cũng không bị đệ tử vấn nạn rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Do đó, không có sự việc họ nói rồi liền bỏ đi.”
Bạch Cù-đàm, thuở xưa, Sa-môn Cù-đàm đã có lần nói pháp tại đại chúng, vô lượng trăm ngàn người vây quanh. Ngay bấy giờ, có một người ngủ mà ngáy; lại có một người bảo người kia rằng: “Đừng có ngủ ngáy! Ông không muốn nghe Thế Tôn nói pháp vi diệu như cam lồ sao!” Người đó liền im lặng, không gây tiếng động nữa.
Bạch Cù-đàm, chúng tôi lại nghĩ: “Như vậy, Sa-môn Cù-đàm này được đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự; không bị đệ tử dùng pháp mắng nhiếc để mắng nhiếc; cũng không bị đệ tử vấn nạn thầy rằng: ‘Điều đó hoàn toàn không thể, không tương ưng, không chính đáng.’ Do đó, không có sự việc họ nói rồi liền bỏ đi.”
Thế Tôn nghe rồi liền hỏi dị học Tiễn Mao rằng:
– Ưu-đà-di, ông thấy Ta có bao nhiêu pháp khiến cho các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời?
Dị học Tiễn Mao đáp:
– Tôi thấy Cù-đàm có năm pháp khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời. Những gì là năm? Sa-môn Cù-đàm tri túc về áo thô, khen ngợi tri túc về áo thô. Nếu Sa-môn Cù-đàm tri túc về áo thô, khen ngợi tri túc về áo thô thì đó là pháp thứ nhất mà tôi thấy Sa-môn Cùđàm có, khiến hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời.
Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi tri túc về ăn uống đạm bạc. Nếu Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, khen ngợi tri túc về ăn uống đạm bạc thì đó là pháp thứ hai mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời.
Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn ít. Nếu Sa-môn Cù-đàm ăn ít, khen ngợi sự ăn ít thì đó là pháp thứ ba mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời.
Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ; khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ. Nếu Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ; khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ thì đó là pháp thứ tư mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời.
Lại nữa, Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và khen ngợi tĩnh tọa. Nếu Sa-môn Cùđàm tĩnh tọa và khen ngợi tĩnh tọa thì đó là pháp thứ năm mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời. Đó là năm pháp mà tôi thấy Sa-môn Cù-đàm có, khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời.
Đức Thế Tôn bảo:
– Này Ưu-đà-di, Ta không phải do năm pháp ấy mà khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường đi theo không rời. Này Ưu-đà-di, áo Ta mặc được cắt bởi con dao Thánh và nhuộm màu sắc xấu xa. Như vậy, áo Thánh được nhuộm màu sắc xấu xa. Này Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trọn đời chỉ mặc áo phấn tảo do người ta bỏ và cũng nói như vầy: “Thế Tôn của ta tri túc về áo thô, khen ngợi sự tri túc về áo thô.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử của Ta nhân sự tri túc về áo thô mà khen ngợi Ta thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta ăn đồ ăn gạo nếp nấu chín và không có hạt lép, vô lượng tạp vị. Này Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trọn đời khất thực, ăn đồ ăn đã bỏ và cũng nói như vầy: “Thế Tôn của Ta tri túc về ăn đạm bạc, khen ngợi tri túc về ăn đạm bạc.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử của Ta nhân sự tri túc về ăn uống đạm bạc mà khen ngợi Ta thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta chỉ ăn bằng một trái cây Bệ-la hoặc bằng nửa trái Bệ-la. Này Ưu-đà-đi, nhưng đệ tử của Ta có người ăn bằng một câu-tha hoặc bằng nửa câu-tha và cũng nói như vầy: “Thế Tôn của Ta ăn ít, khen ngợi ăn ít.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử của Ta nhân sự ăn ít mà khen ngợi Ta thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta hoặc ở trên lầu cao, hoặc ở trên nhà rạp. Này Ưu-đà-di, nhưng đệ tử của Ta có người trải qua chín mười tháng, suốt đêm ngủ ngoài trời và cũng nói như vầy: “Thế Tôn của Ta tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ; khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử của Ta nhân sự tri túc về chỗ nghỉ ngơi, giường chõng thô sơ mà khen ngợi Ta thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta thường sống trong sự náo nhiệt giữa Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, ưu-bà-tắc, ưu-bà-di. Nhưng đệ tử của Ta có người qua nửa tháng mới nhập chúng một lần vì pháp thanh tịnh và cũng nói như vầy: “Thế Tôn của Ta tĩnh tọa và khen ngợi tĩnh tọa.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử của Ta nhân sự tĩnh tọa mà khen ngợi Ta thì người ấy do sự kiện này đã không cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, cũng không theo Ta.
Này Ưu-đà-di, Ta không có năm pháp này khiến hàng đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự, thường theo không rời. Này Ưu-đà-di, Ta lại có năm pháp khác khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời. Những gì là năm?
Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng giới mà khen ngợi Ta: “Thế Tôn hành giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói.” Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân giới vô thượng mà khen ngợi Ta thì người ấy nhân điều này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng trí tuệ mà khen ngợi Ta: “Thế Tôn có trí tuệ, cực đại trí tuệ. Nếu có ai đến bàn luận hay đối đáp thì Ngài đều khuất phục được.” Nghĩa là đối với Chánh pháp, Luật không thể nói, đối với điều chính mình nói, cũng không thể nói. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta do vô thượng trí tuệ mà khen ngợi Ta thì người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Lại nữa, này Ưu-dà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta rằng: “Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết, thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chứ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta nhân vô thượng tri kiến mà khen ngợi Ta thì người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do nhàm chán mũi tên ái dục mà đến hỏi Ta về: Khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Ta liền trả lời về: Khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo. Này Ưu-đà-di, nếu có đệ tử đến hỏi Ta, được Ta trả lời xứng ý, khiến được hoan hỷ thì người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Lại nữa, này Ưu-đà-di, Ta vì các đệ tử hoặc nói Túc mạng trí thông tác chứng minh đạt, hoặc nói Lậu tận trí thông tác chứng minh đạt. Này Ưu-đà-di, nếu đệ tử Ta ở trong Chánh pháp, Luật này, được thọ, được độ, được đến bờ bên kia, không nghi không hoặc, ở trong thiện pháp không có do dự thì người ấy nhân sự kiện này mà cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Này Ưu-đà-di, đó là năm pháp mà Ta có khiến các đệ tử cung kính, tôn trọng, cúng dường, phụng sự Ta, thường theo Ta không rời.
Bấy giờ, dị học Tiễn Mao liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên phải, chắp tay hướng về phía Phật và bạch:
– Kỳ diệu thay! Hy hữu thay! Ngài khéo nói những điều vi diệu, thấm nhuần thân thể con cũng như cam lồ. Bạch Cù-đàm, cũng như mưa lớn, cõi đất này từ cao đến thấp đều được thấm nhuần khắp cả. Cũng vậy, Sa-môn Cù-đàm nói cho chúng con những điều vi diệu, thấm nhuần thân thể chúng con cũng như cam lồ. Bạch Thế Tôn, con đã hiểu! Bạch Thiện Thệ, con đã rõ! Bạch Thế Tôn, con nay xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi mong Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, kể từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến khi mạng chung!
Đức Phật thuyết như vậy, dị học Tiễn Mao nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.