Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

198. KINH ĐIỀU NGỰ ĐỊA
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại thành Vương Xá, trong rừng Trúc Lâm, vườn Ca-lan-đa.

Bấy giờ, Sa-di A-di-na-hòa-đề cũng ở thành Vương Xá, tại một thiền thất trong khu rừng vắng.

Lúc bấy giờ, Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na sau giờ trưa, thong dong đi đến Sa-di A-di-na-hòa-đề, cùng chào hỏi xong, ngồi xuống một bên và nói:

– Hiền giả A-kỳ-xá-na, tôi có điều muốn hỏi, mong Hiền giả nghe cho chăng? Sa-di A-di-na-hòa-đề nói:
– Này Hiền vương đồng tử, muốn hỏi xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ! Vương đồng tử hỏi:

– A-kỳ-xá-na, phải chăng thật sự Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm?

Sa-di đáp:

– Hiền vương đồng tử, thật sự như vậy, Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm.

Vương đồng tử lại hỏi:

– Hiền giả A-kỳ-xá-na, mong Hiền giả theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho tôi rõ, như Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm!

Sa-di đáp:

– Hiền vương đồng tử, tôi không đủ sức để theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm. Hiền vương đồng tử, nếu tôi theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại hết cho Vương tử, như Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm thì e rằng Hiền vương đồng tử không thể hiểu được. Như vậy thì tôi nhọc công vô ích.

Vương đồng tử nói với Sa-di:

– Hiền giả A-kỳ-xá-na, Hiền giả chưa bị người khác nhiếp phục, vì ý gì mà đã tự mình rút lui? Hiền giả A-kỳ-xá-na, mong Hiền giả cứ theo những điều đã nghe, đã tụng tập, có thể nói lại hết cho tôi, như Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm. Nếu tôi hiểu được thì hay lắm nhưng nếu tôi không hiểu, sẽ không hỏi thêm về các pháp nữa.

Rồi Sa-di A-di-na-hòa-đề theo những điều đã nghe, đã tụng tập, nói lại cho Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na, như Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm. Bấy giờ, Vương đồng tử Kỳ-bà- tiên-na nói:

– Hiền giả A-kỳ-xá-na, nếu Tỳ-kheo ở trong Pháp, Luật này không phóng dật, tu hành tinh cần, đạt đến nhất tâm; không bao giờ có trường hợp này.

Nói xong, Vương đồng tử bèn từ chỗ ngồi đứng dậy, không nói lời từ giã mà bỏ đi. Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na đi chưa bao lâu, Sa-di A-di-na-hòa-đề đi đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ, ngồi sang một bên và đem những điều đã thảo luận với Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na kể hết lại cho đức Phật. Đức Thế Tôn nghe xong, nói với Sa-di:

– A-kỳ-xá-na, thôi đủ rồi, làm sao có thể biết được khi Vương đồng tử Kỳ- bà-tiên-na sống trong dục vọng, đắm trước dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ dục ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục; tình trạng mà chỉ có bậc vô dục mới biết, vô dục mới thấy, vô dục mới chứng giác; tình trạng ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao? Này A-kỳ-xá-na, vì Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên- na thường sống trong dục vọng vậy.

Này A-kỳ-xá-na, cũng như trong bốn trường hợp là điều ngự voi, điều ngự ngựa, điều ngự bò, điều ngự người; trong đó, có hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự và hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự. Này A-kỳ-xá-na, ý ông nghĩ sao? Nếu trong hai trường hợp điều ngự không thể điều ngự ấy, ở đây chưa điều phục tình trạng chưa điều phục, chưa được huấn luyện mà tiếp nhận sự huấn luyện; trường hợp này không thể có. Nếu trong hai trường hợp điều ngự có thể điều ngự ấy, ở đây điều phục tình trạng chưa điều phục, huấn luyện để tiếp nhận sự huấn luyện; trường hợp này có thể có. Cũng vậy, này A-kỳ-xá- na, thôi đủ rồi, làm sao có thể biết được khi Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na sống trong dục vọng, đắm trước dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục; tình trạng mà chỉ có bậc vô dục mới biết, vô dục mới thấy, vô dục mới chứng giác; tình trạng ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, không thể có trường hợp này. Vì sao? Này A-kỳ-xá-na, vì Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na thường sống trong dục vọng vậy.

Này A-kỳ-xá-na, cũng như cách xóm không xa, có một hòn núi đá lớn, không sứt, không thủng, không trống, bền chặt, không lung lay, hợp thành khối duy nhất. Giả sử có hai người đang muốn nhìn ngắm; trong đó, một người leo nhanh lên núi, người thứ hai đứng lại dưới chân núi. Người đứng trên núi đá nhìn thấy bên kia núi đá có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn. Người trên núi sau khi thấy, bèn nói với người dưới núi rằng:

“Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, ao hoa, suối trong, sông dài, nước lớn chăng?”

Người dưới núi đáp:

“Nếu nói rằng tôi thấy hòn núi này với bên kia có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn; trường hợp này không thể có.”

Rồi người trên núi leo nhanh xuống, nắm người dưới núi dẫn lên trên hòn núi đá, đến nơi rồi hỏi:

“Bạn có thấy bên kia núi có khoảng đất bằng phẳng, vườn tược, cây rừng, suối trong, ao hoa, sông dài, nước lớn chăng?”

Người kia đáp:

“Bây giờ tôi mới thấy.”

Lại hỏi người kia:

“Vừa rồi bạn nói rằng không thể có trường hợp này, nay lại nói là thấy có, thế nghĩa là sao?”

Người kia đáp:

“Vừa rồi tôi vì bị hòn núi che khuất nên không thấy.”

Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, thôi đủ rồi, làm sao có thể biết được khi Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na sống trong dục vọng, đắm trước trong dục vọng, bị dục ái nhai nuốt, bị dục vọng đốt cháy. Đối với sự đoạn trừ dục, đoạn trừ dục ái, đoạn trừ sự đốt cháy của dục; tình trạng mà chỉ có vô dục mới biết, vô dục mới thấy, vô dục mới chứng giác; tình trạng ấy mà Vương đồng tử có thể biết được, thấy được, trường hợp này không thể có. Vì sao? Này A-kỳ-xá-na, vì Vương đồng tử Kỳ-bà-tiên-na sống trong dục vọng vậy.

Này A-kỳ-xá-na, thời xưa, Vua Sát-lợi Đảnh Sanh có một người thợ săn voi. Vua nói:

“Này thợ săn voi, hãy bắt voi rừng về đây cho ta. Nếu bắt được rồi, hãy báo cho ta hay!”

Bấy giờ, thợ săn voi sau khi lãnh mạng của vua, bèn cưỡi con vương tượng đi đến một khu rừng già. Ở trong khu rừng già này, người thợ săn trông thấy một con voi rừng rất lớn. Sau khi thấy, bèn bắt và cột vào cổ con vương tượng. Lúc bấy giờ, con vương tượng dẫn voi rừng ra ngoài khoảng đất trống, còn người thợ săn voi thì đi đến Vua Sát-lợi Đảnh Sanh và thưa:

“Tâu Thiên vương, đã bắt được con voi rừng, cột ở khoảng đất trống, xin tùy ý Thiên vương!”

Vua Sát-lợi Đảnh Sanh nghe tâu, liền bảo:

“Này nài voi giỏi, bây giờ ngươi lại huấn luyện nhanh chóng con voi rừng đó, khiến cho nó khuất phục, khiến nó thành con voi được huấn luyện kỹ. Nếu huấn luyện đã hoàn hảo rồi, hãy trở về báo cho ta biết.”

Rồi người huấn luyện voi giỏi sau khi vâng mạng vua, vác cây gậy lớn trên vai phải đi đến chỗ con voi rừng. Người ấy cắm cây gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng của nó, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sự mệt nhọc núi rừng, khiến cho nó vui thích thôn ấp, quen thói yêu nhân gian. Người huấn luyện voi giỏi trước hết cho nó ăn uống. A-kỳ-xá-na, khi voi rừng bắt đầu nghe theo thợ huấn luyện voi giỏi mà chịu ăn uống, người huấn luyện voi giỏi bèn nghĩ rằng: “Bây giờ con voi rừng này có thể sống được rồi. Vì sao? Vì con voi rừng to lớn này bắt đầu chịu ăn uống.” Khi voi rừng bắt đầu nghe lời người luyện voi mà chịu ăn uống, người luyện voi mới nói với nó bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra. Khi người luyện voi nói với voi rừng bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nó nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra thì voi rừng làm y theo lời dạy của người luyện voi như vậy. A-kỳ-xá-na, khi voi rừng nghe theo lời dạy của người luyện voi, bấy giờ người huấn luyện voi mới buộc hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà và buộc cả vòi nó lại; rồi sai người cầm móc câu ngồi lên đầu nó, khiến một số đông người cầm dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, đứng phía trước, người luyện voi thì tay cầm một cây mâu nhọn đứng ngay trước voi rừng mà nói rằng:

“Bây giờ ta trị ngươi, khiến ngươi không di động. Ta trị ngươi, chớ có di động.”

Khi voi rừng nghe theo người luyện voi sửa trị không di động, nó không giở chân trước cũng không động đậy chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, trán, tai, ngà và vòi, tất cả thảy đều không động đậy. Voi rừng nghe theo người luyện voi đứng im bất động như vậy. A-kỳ-xá-na, khi voi rừng nghe theo người luyện voi mà không di động, lúc bấy giờ nó nhẫn chịu những dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, hoặc thổi tù và, đánh trống, dộng chuông, có thể nhẫn được tất cả. Khi voi rừng đã có thể kham nhẫn, bấy giờ nó là con voi điều ngự, tối thượng điều ngự, tối thượng nhanh nhẹn, có thể vào cho vua cưỡi, ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng.

Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, nếu khi Như Lai xuất hiện thế gian, là bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Đạo Pháp Ngự, Thiên Nhơn Sư, hiệu là Phật, Chúng Hựu. Vị ấy ở trong thế gian này, giữa chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí, từ người đến trời, tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trú. Vị ấy thuyết pháp phần đầu vi diệu, phần giữa vi diệu, phần cuối cũng vi diệu, có nghĩa, có văn, đầy đủ thanh tịnh, hiển hiện Phạm hạnh. Pháp được vị ấy nói, khi con nhà cư sĩ nghe được và sau khi nghe thì có tín tâm nơi pháp được Như Lai nói; người này sau khi có tín tâm, bèn cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo. A-kỳ-xá-na, đó là lúc Thánh đệ tử ra nơi khoảng đất trống, cũng như vương tượng dẫn voi rừng ra.

Cũng như voi rừng còn tham luyến, ái dục, ái lạc nơi đời sống trong núi rừng; A-kỳ-xá-na, cũng vậy, chư thiên và nhân loại tham luyến dục lạc ở nơi ngũ dục: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Như Lai bắt đầu điều ngự Tỳ-kheo ấy rằng: “Thầy hãy thủ hộ thân và mạng thanh tịnh; hãy thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh.” Khi Thánh đệ tử thủ hộ thân và mạng thanh tịnh; thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh, Như Lai lại điều phục Tỳ-kheo ấy rằng: “Thầy hãy quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp.”

Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp thì bốn niệm xứ này, ở trong tâm của Hiền thánh đệ tử, buộc trói tâm của vị ấy lại, chế ngự tâm ý vui say theo thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế tục, dứt trừ sự mệt nhọc thế tục, khiến cho vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới. A-kỳ-xá-na, cũng như người luyện voi sau khi vâng mạng Vua Sát-lợi Đảnh Sanh rồi, vác cây gậy rất lớn trên vai phải, đi đến chỗ voi rừng, cắm gậy xuống đất, cột cổ voi rừng lại, chế ngự tâm ý vui thích núi rừng, trừ khử tâm niệm ham muốn núi rừng, dứt bỏ sự mệt nhọc núi rừng, khiến vui với thôn ấp, quen yêu thích nhân gian. Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, bốn niệm xứ này ở trong tâm của Hiền thánh đệ tử, buộc trói tâm ấy lại, chế ngự tâm ý vui say thế tục, trừ khử tâm niệm ham muốn thế tục, dứt bỏ sự mệt nhọc thế tục, khiến vui với Chánh pháp, tu tập Thánh giới.

Khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, cho đến quán, thọ, tâm, pháp như pháp, Như Lai lại điều ngự Tỳ-kheo ấy rằng: “Thầy hãy quán nội thân như thân, đừng suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với phi pháp.” Vị Thánh đệ tử quán nội thân như thân, không suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với phi pháp. Vị Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy. A-kỳ-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người luyện voi, bằng những lời dịu dàng khả ái, bảo nằm xuống, đứng dậy, đi tới, đi lui, lấy, bỏ, co lại, duỗi ra; voi rừng tuân theo lời dạy của người luyện voi như vậy. Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, khi Thánh đệ tử quán nội thân như thân, không suy niệm những tư niệm tương ưng với dục, cho đến quán thọ, tâm, pháp như pháp, không suy niệm những tư niệm tương ưng với phi pháp; Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai như vậy.

Khi Thánh đệ tử vâng theo lời dạy của Như Lai, Như Lai điều ngự Tỳ-kheo ấy rằng: “Thầy hãy ly dục, ly pháp ác, bất thiện cho đến chứng đắc Thiền thứ tư, thành tựu an trú.” Như vậy, Thánh đệ tử vâng theo Như Lai, an trú không di động. A-kỳ-xá-na, cũng như voi rừng vâng theo sự sửa trị của người luyện voi, không di động, không giở hai chân trước, hai chân sau, hai bàn thối, hai sườn hông, đùi, xương sống, đầu, tai, ngà và vòi, thảy đều không di động; voi rừng nghe theo người luyện voi, đứng im, không di động như vậy. Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, khi Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác, bất thiện cho đến chứng đắc Thiền thứ tư, thành tựu an trú; như vậy, Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà an trú không di động.

Khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà an trú không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, nóng, lạnh, muỗi, chí, rận, gió, nắng bức bách; tiếng dữ, gậy đánh cũng có thể kham nhẫn; thân gặp phải bệnh tật rất đau đớn gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, tất cả đều có thể kham nhẫn. A-kỳ-xá-na, cũng như voi rừng nghe theo người luyện voi đứng im không di động, nó lúc bấy giờ nhẫn chịu được dao, thuẫn, sảo, mâu, kích, búa, việt, hô hoán to tiếng, hoặc gào thét, thổi tù và, đánh trống, dộng chuông, thảy đều có thể kham nhẫn. Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà an trú không di động, vị ấy lúc bấy giờ có thể kham nhẫn đói, khát, lạnh, nóng, muỗi, chí, rận, gió, nắng bức bách; tiếng dữ, gậy đánh cũng có thể kham nhẫn; thân gặp phải bệnh tật rất đau đớn gần như tuyệt mạng, và những điều không khả lạc, thảy đều có thể kham nhẫn.

A-kỳ-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ là vị điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh, lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng được cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư thiên và nhân loại. A-kỳ-xá- na, cũng như voi rừng đã có thể kham nhẫn, lúc bấy giờ nó là con voi điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, thượng nhanh nhẹn, tối thượng nhanh nhẹn, có thể sung vào cho vua cưỡi, được ăn lẫm của vua, được gọi là vương tượng. Cũng vậy, A-kỳ-xá-na, khi Thánh đệ tử vâng theo Như Lai mà có thể kham nhẫn, vị ấy lúc bấy giờ được gọi là điều ngự, thiện điều ngự, được thượng điều ngự, tối thượng điều ngự, được thượng tịch tịnh, tối thượng tịch tịnh, trừ bỏ các tà vạy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh, lắng đọng các trần lao, không cấu nhiễm, không ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự xứng đáng cúng dường, là ruộng phước cho hết thảy chư thiên và nhân loại.

Này A-kỳ-xá-na, con voi rừng còn nhỏ không được điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. Con voi rừng trung niên không được điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết không được điều ngự. A-kỳ-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự. Thánh đệ tử trung niên không được điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung không được điều ngự.

A-kỳ-xá-na, con voi rừng còn nhỏ được thiện điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. Con voi rừng trung niên được thiện điều ngự mà chết thì đó gọi là cái chết thiện điều ngự. A-kỳ-xá-na, Thánh đệ tử niên thiếu được thiện điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự. Thánh đệ tử trung niên được thiện điều ngự mà mạng chung thì đó gọi là mạng chung thiện điều ngự.

Đức Phật thuyết như vậy, Sa-di A-di-na-hòa-đề và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.