Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

197. KINH ƯU-BÀ-LY
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại Chiêm-ba, trú tại bờ ao Hằng-già.

Bấy giờ, vào một buổi chiều, Tôn giả Ưu-bà-ly từ tĩnh tọa dậy, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng nhau hòa hiệp mà tác biệt kiết-ma, thuyết biệt kiết-ma, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền nhưng lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm nhưng lại ban cho luật diện tiền, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật ức niệm nhưng lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất si nhưng lại ban cho luật ức niệm, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật bất si nhưng lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật tự phát lồ nhưng lại ban cho luật bất si, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy!

Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật tự phát lồ nhưng lại ban cho luật quân, cần ban cho luật quân nhưng lại ban cho luật tự phát lồ, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật quân nhưng lại khiển trách, cần khiển trách nhưng lại ban cho luật quân, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần khiển trách nhưng lại dùng hạ trí, cần hạ trí nhưng lại dùng khiển trách, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần hạ trí nhưng lại dùng cử tội, cần cử tội nhưng lại dùng hạ trí, đó có phải là kiết- ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần cử tội nhưng lại diệt tẩn, cần diệt tẩn nhưng lại cử tội, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần diệt tẩn nhưng lại ban cho ức niệm, cần ban cho ức niệm nhưng lại diệt tẩn, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy!

Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho ức niệm nhưng lại do căn bản trị, cần phải do căn bản trị nhưng lại ban cho ức niệm, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần phải do căn bản trị nhưng lại khu xuất, cần khu xuất nhưng lại do căn bản trị, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần khu xuất nhưng lại hành bất mạn, cần hành bất mạn nhưng lại khu xuất, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:
– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy! Tôn giả Ưu-bà-ly lại hỏi:

– Bạch Thế Tôn, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần phải hành bất mạn nhưng lại trị, cần đến trị nhưng lại hành bất mạn, đó có phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật chăng?

Đức Thế Tôn đáp:

– Này Ưu-bà-ly, không đúng vậy!

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp mà tác biệt kiết-ma, thuyết biệt kiết-ma, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền nhưng lại ban cho luật ức niệm, cần ban cho luật ức niệm nhưng lại ban cho luật diện tiền, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật ức niệm nhưng lại ban cho luật bất si, cần ban cho luật bất si nhưng lại ban cho luật ức niệm, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật bất si nhưng lại ban cho luật tự phát lồ, cần ban cho luật tự phát lồ nhưng lại ban cho luật bất si, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật tự phát lồ nhưng lại ban cho luật quân, cần ban cho luật quân nhưng lại ban cho luật tự phát lồ, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật quân nhưng lại khiển trách, cần khiển trách nhưng lại ban cho luật quân, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần khiển trách nhưng lại dùng hạ trí, cần hạ trí nhưng lại khiển trách, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần hạ trí nhưng lại dùng cử tội, cần cử tội nhưng lại dùng hạ trí, đó không phải là kiết- ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần cử tội nhưng lại diệt tẩn, cần diệt tẩn nhưng lại cử tội, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần diệt tẩn nhưng lại ban cho ức niệm, cần ban cho ức niệm nhưng lại diệt tẩn, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho ức niệm nhưng lại do căn bản trị, cần do căn bản trị nhưng lại ban cho ức niệm, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần do căn bản trị nhưng lại khu xuất, cần khu xuất nhưng lại do căn bản trị, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần khu xuất nhưng lại hành bất mạn, cần phải hành bất mạn nhưng lại khu xuất, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần hành bất mạn nhưng lại trị, cần trị nhưng lại hành bất mạn, đó không phải là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, tùy theo loại kiết-ma nào mà thuyết kiết-ma đó; đó là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng không có tội.

Này Ưu-bà-ly, nếu chúng Tỳ-kheo cùng hòa hiệp, trong trường hợp cần ban cho luật diện tiền, liền ban cho luật diện tiền; cần ban cho luật ức niệm, liền ban cho luật ức niệm; cần ban cho luật bất si, liền ban cho luật bất si; cần ban cho luật tự phát lồ, liền ban cho luật tự phát lồ; cần ban cho luật quân, liền ban cho luật quân; cần khiển trách, liền khiển trách; cần hạ trí, liền hạ trí; cần cử tội, liền cử tội; cần diệt tẩn, liền diệt tẩn; cần ức niệm, liền ức niệm; cần dùng căn bản trị, liền dùng căn bản trị; cần khu xuất, liền khu xuất; cần hành bất mạn, liền hành bất mạn; cần trị, liền trị. Đó là kiết-ma đúng pháp, kiết-ma đúng luật, Tăng chúng cũng không có tội.

Này Ưu-bà-ly, thầy nên học tùy theo loại kiết-ma nào mà thuyết kiết-ma đó; cần ban cho luật diện tiền, liền ban cho luật diện tiền; cần ban cho luật ức niệm, liền ban cho luật ức niệm; cần ban cho luật bất si, liền ban cho luật bất si; cần ban cho luật tự phát lồ, liền ban cho luật tự phát lồ; cần ban cho luật quân, liền ban cho luật quân; cần khiển trách, liền khiển trách; cần hạ trí, liền hạ trí; cần cử tội, liền cử tội; cần diệt tẩn, liền diệt tẩn; cần ức niệm, liền ức niệm; cần dùng căn bản trị, liền dùng căn bản trị; cần khu xuất, liền khu xuất; cần hành bất mạn, liền hành bất mạn; cần trị, liền trị. Này Ưu-bà-ly, thầy nên học như vậy.

Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả Ưu-bà-ly và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.