Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

195. KINH A-THẤP-BỐI
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, đức Phật du hóa tại nước Ca-thi cùng với đại chúng Tỳ-kheo. Trong lúc dừng chân tại một nơi, đức Phật nói với các Tỳ-kheo:

– Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không cầu mong gì, không có bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy nên biết, một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì nên không có bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn vì chúng Tỳ-kheo mà thi thiết giới, một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn.

Sau đó, đức Thế Tôn dời đến Ba-la-nại, trú ở phía Bắc thôn Ca-la-nại, rừng Thi-nhiếp-hòa.

Lúc bấy giờ, tại Ca-la-lại có hai vị Tỳ-kheo, một vị tên là A-thấp-bối, một vị tên là Phất-na-bà-tu. Hai vị này là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị này sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn; sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ cũng ăn, không làm gì, không mong cầu gì, không có bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Một số đông Tỳ-kheo nghe vậy, liền đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu và nói với hai vị ấy:

– Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng đại chúng Tỳ-kheo. Trong lúc dừng chân tại một nơi, đức Phật bảo các vị Tỳ-kheo: “Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không có đau bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không có bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc.” Bấy giờ, đức Thế Tôn thi thiết giới này cho chúng Tỳ-kheo, một ngày chỉ ăn một lần. Các Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và các pháp vi diệu trong cảnh giới của Thế Tôn. Này A-thấp-bối, Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không có bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với đức Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền nói:

– Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn; sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?

Hai vị ấy nói như thế ba lần. Chúng Tỳ-kheo không thể làm cho A-thấp- bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến, liền từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi, đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi sang một bên và thưa:

– Bạch Thế Tôn, hai vị Tỳ-kheo ở Ca-la-lại này: Một người tên là A-thấp- bối và một người tên là Phất-na-bà-tu, là cựu chủ đất, chủ chùa, tông chủ. Hai vị ấy sáng cũng ăn, chiều cũng ăn, tối cũng ăn, quá ngọ cũng ăn. Họ sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn rồi, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc.

Bạch đức Thế Tôn, chúng con nghe như vậy, liền đến chỗ hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói thế này: “Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, đức Thế Tôn đang du hóa tại nước Ca-thi cùng đại chúng Tỳ-kheo. Trong lúc dừng chân tại một nơi, đức Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc.’ Bấy giờ, đức Thế Tôn thi thiết giới một ngày chỉ ăn một lần cho chúng Tỳ- kheo. Các Tỳ-kheo đều nghe theo học giới và cảnh giới của đức Thế Tôn cùng với các pháp vi diệu. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền nói như thế này với chúng con: “Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ đợi về sau?”

Hai vị ấy nói như vậy ba lần. Bạch đức Thế Tôn, như vậy, chúng con không thể làm cho A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu trừ bỏ ác tà kiến này nên chúng con từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi.

Đức Thế Tôn nghe xong liền bảo một vị Tỳ-kheo:

– Thầy đến chỗ A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu mà nói như thế này: “Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, đức Thế Tôn gọi hai thầy đó.”

Vị Tỳ-kheo nghe dạy vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh ba vòng rồi ra đi. Vị Tỳ-kheo ấy đến nơi hai vị Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu và nói: “Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, Thế Tôn gọi hai thầy đó.”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu nghe vậy liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Ngài rồi ngồi qua một bên. Đức Thế Tôn hỏi:

– Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, chúng Tỳ-kheo thật có nói với các thầy như thế này: “Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, đức Thế Tôn du hóa tại nước Ca-thi cùng đại chúng Tỳ-kheo. Trong lúc dừng chân tại một nơi, đức Phật dạy các Tỳ-kheo rằng: ‘Ta một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy cũng nên một ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc.’ Lúc đó, đức Thế Tôn thi thiết giới ngày chỉ ăn một lần cho chúng Tỳ-kheo. Các vị Tỳ-kheo đều phụng trì theo học giới này và trong cảnh giới của Thế Tôn cùng các pháp vi diệu. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy cũng nên ngày chỉ ăn một lần. Một ngày chỉ ăn một lần xong, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Các thầy chớ trái nghịch với Thế Tôn và chúng Tỳ-kheo.” Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy nghe rồi lại nói với chúng Tỳ-kheo rằng: “Này chư Hiền, chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn. Chúng tôi sáng ăn, chiều ăn, tối ăn, quá ngọ ăn, xong rồi, không làm gì, không mong cầu gì, không bệnh, thân thể nhẹ nhàng, khí lực dồi dào, an ổn, khoái lạc. Chúng tôi vì duyên do gì mà bỏ hiện tại để phải chờ về sau?” Hai thầy nói như vậy ba lần. Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, rồi chúng Tỳ-kheo không thể làm hai thầy trừ bỏ ác tà kiến nên từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi. Thật có vậy không?

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa: – Bạch Thế Tôn, thật có như vậy! Đức Thế Tôn dạy:

– Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, các thầy có hiểu biết pháp Ta nói như vầy: “Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi người ấy cảm thọ về cảm thọ lạc rồi thì các pháp ác, bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện lại giảm? Nếu ai cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp ác, bất thiện giảm và các pháp thiện sanh trưởng?”

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa:

– Quả vậy, bạch Thế Tôn, chúng con biết đức Thế Tôn nói pháp như vậy: “Nếuaicócảmthọvềcảmthọlạc,vàkhiđãcảmthọvềcảmthọlạcrồi,phápác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm. Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp bất thiện giảm, pháp thiện lại tăng trưởng.”

Đức Thế Tôn quở trách Tỳ-kheo A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu:

– Các thầy là người si mê. Do đâu mà các thầy biết Ta nói pháp như vậy? Các thầy là người si mê. Từ miệng ai mà các thầy biết Ta nói pháp như vậy?

Các thầy là người si mê. Ta không nói một chiều mà các thầy lại thọ trì một chiều. Các thầy là người si mê. Khi nào được các chúng Tỳ-kheo hỏi, các thầy phải đáp đúng như pháp rằng: “Chúng tôi chưa biết, sẽ hỏi lại các Tỳ-kheo.”

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Các thầy cũng có hiểu biết pháp Ta nói như vậy: “Nếu ai cảm thọ về cảm thọ lạc, và khi đã cảm thọ về cảm thọ lạc rồi, pháp bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Nếu ai có cảm thọ về cảm thọ khổ, và khi đã cảm thọ về cảm thọ khổ rồi, pháp bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng” chăng?

Chúng Tỳ-kheo đáp:
– Bạch Thế Tôn, không phải vậy!
Đức Thế Tôn lại hỏi:
– Các thầy hiểu biết pháp Ta nói như thế nào? Chúng Tỳ-kheo đáp:

– Bạch Thế Tôn, chúng con hiểu biết pháp đức Thế Tôn nói như vầy: “Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên ác pháp bất thiện pháp tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ, pháp ác, bất thiện lại tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng.” Bạch đức Thế Tôn, chúng con hiểu biết đức Thế Tôn nói pháp như vậy.

Đức Thế Tôn nghe nói thế, tán thán các vị Tỳ-kheo:

– Lành thay! Lành thay! Nếu các thầy biết như vầy: “Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên pháp ác, bất thiện giảm, pháp thiện lại tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện giảm, pháp thiện tăng trưởng.” Vì sao? Ta cũng nói như vầy: “Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ lạc nên pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm. Hoặc có cảm thọ về cảm thọ khổ nên pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng.

Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không liễu, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm” thì Ta không nói về sự đoạn trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không liễu, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác, bất thiện giảm, pháp thiện tăng trưởng” thì Ta không nói về sự tu tập cảm thọ lạc. Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không liễu giải, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm” thì Ta không nói về sự đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta không biết đúng như thật, không thấy, không liễu giải, không chứng đắc, không giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng” thì Ta không nói về sự tu tập cảm thọ khổ.

Nếu Ta biết đúng như thật, thấy, liễu giải, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác, bất thiện lại tăng trưởng, pháp thiện lại giảm”, cho nên ta nói đoạn trừ cảm thọ lạc. Nếu Ta biết đúng như thật, thấy, liễu giải, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ lạc mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng”, cho nên Ta nói tu cảm thọ lạc. Nếu Ta biết đúng như thật, thấy, liễu giải, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm”, cho nên Ta nói đoạn trừ cảm thọ khổ. Nếu Ta biết đúng như thật, thấy, liễu giải, chứng đắc, giác ngộ cứu cánh: “Hoặc có cảm thọ khổ mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện lại tăng trưởng”, cho nên Ta nói tu cảm thọ khổ. Vì sao? Vì Ta không nói tu tập tất cả thân lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân lạc; Ta không nói tu tập tất cả thân khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả thân khổ; Ta không nói tu tập tất cả tâm lạc, cũng không nói không nên tu tập tất cả tâm lạc; Ta không nói tu tập tất cả tâm khổ, cũng không nói không nên tu tập tất cả tâm khổ.

Thế nào là thân lạc mà ta nói là không nên tu tập? Nếu tu tập thân lạc mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm thì thân lạc như vậy, Ta nói không nên tu tập. Thế nào là thân lạc mà Ta nói phải tu tập? Nếu tu tập thân lạc mà pháp ác, bất thiện giảm, pháp thiện tăng lại trưởng thì thân lạc như vậy, Ta nói phải tu tập. Thế nào là thân khổ mà Ta nói không nên tu tập? Nếu tu tập thân khổ mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm thì thân khổ như vậy, Ta nói không nên tu tập. Thế nào là thân khổ mà Ta nói phải tu tập? Nếu tu tập thân khổ mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng thì thân khổ như vậy, Ta nói phải tu tập. Thế nào là tâm lạc mà Ta nói không nên tu tập? Nếu tu tập tâm lạc mà các pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện giảm thì tâm lạc như vậy, Ta nói không nên tu tập. Thế nào là tâm lạc mà Ta nói phải tu tập? Nếu tu tập tâm lạc mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng thì tâm lạc như vậy, Ta nói phải tu tập. Thế nào là tâm khổ mà Ta nói không nên tu tập? Nếu tu tập tâm khổ mà pháp ác, bất thiện tăng trưởng, pháp thiện lại giảm thì tâm khổ như vậy, Ta nói không nên tu tập. Thế nào là tâm khổ mà Ta nói phải tu tập? Nếu tu tập tâm khổ mà pháp ác, bất thiện lại giảm, pháp thiện tăng trưởng thì tâm khổ như vậy, Ta nói phải tu tập.

Người kia đối với pháp nên tu tập thì biết đúng như thật, đối với pháp không nên tu tập cũng biết đúng như thật. Và khi đã biết đúng như thật về pháp nên tu tập và pháp không nên tu tập, người ấy liền không tu tập pháp không nên tu tập, và tu tập pháp nên tu tập. Sau khi đã không tu tập pháp không nên tu tập và tu tập pháp nên tu tập rồi, pháp ác, bất thiện liền giảm, pháp thiện tăng trưởng.

Ta không nói tất cả các Tỳ-kheo đều thực hành sự không phóng dật, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo đều không thực hành sự không phóng dật.

Thế nào là Tỳ-kheo mà Ta nói không thực hành sự không phóng dật? Đó là khi có vị Tỳ-kheo nào chứng câu giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có câu giải thoát? Nếu có Tỳ-kheo đối với tâm giải thoát, thân đã chứng, thành tựu an trú, do tuệ kiến mà diệt tận các lậu, đã biết. Như vậy là Tỳ-kheo có câu giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không thực hành sự không phóng dật. Vì sao? Vì Hiền giả này vốn đã thực hành sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy Ta nói vị Tỳ-kheo này không thực hành sự không phóng dật.

Hoặc có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát mà có tuệ giải thoát. Thế nào là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát? Đó là khi có Tỳ-kheo đối với bát giải thoát mà thân không chứng, thành tựu an trú, nhưng do tuệ kiến mà các lậu đã diệt tận, đã biết. Như vậy là Tỳ-kheo có tuệ giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói không thực hành sự không phóng dật. Vì sao? Vì Hiền giả này vốn đã thực hành sự không phóng dật. Nếu Hiền giả này vốn có phóng dật thì điều ấy không bao giờ có. Vì vậy Ta nói vị Tỳ-kheo này không thực hành sự không phóng dật.

Hai hạng Tỳ-kheo này, Ta nói không thực hành sự không phóng dật. Này các Tỳ-kheo, tại sao Ta nói thực hành không phóng dật? Hoặc có Tỳ-kheo không có câu giải thoát, cũng không có tuệ giải thoát mà có thân chứng. Thế nào là Tỳ-kheo có thân chứng? Đó là Tỳ-kheo đối với bát giải thoát, thân đã chứng, thành tựu an trú, không do tuệ kiến mà diệt tận các lậu, đã biết. Như vậy là Tỳ-kheo có thân chứng. Tỳ-kheo này Ta nói có thực hành sự không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Ở đây, vị Tỳ-kheo này tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống bằng sự an trú tùy thuận, các lậu đã diệt tận, đắc được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trú và biết như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật, có được quả như thế, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật.

Hoặc có vị Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, cũng không phải thân chứng, nhưng lại kiến đáo. Thế nào là Tỳ-kheo có kiến đáo? Đó là khi Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát kiên định đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe rồi do tuệ tăng thượng mà quán tăng thượng nhân. Như thế vị Tỳ-kheo này có kiến đáo. Vị Tỳ-kheo này, Ta nói không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật? Đó là khi Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo các vị thiện tri thức, sống bằng sự an trú tùy thuận, các lậu đã tận diệt, được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu và an trú, biết một cách như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này thực hành không phóng dật.

Có Tỳ-kheo không phải câu giải thoát, không phải tuệ giải thoát, không phải thân chứng, cũng không phải kiến đáo, nhưng lại có tín giải thoát. Thế nào là Tỳ- kheo có tín giải thoát? Đó là khi nào Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà có quán nhận, không như kiến đáo. Như vậy là vị Tỳ-kheo này có tín giải thoát. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Đó là khi có vị Tỳ- kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo các vị thiện tri thức, sống bằng sự an trú tùy thuận, các lậu đã diệt tận, được vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong hiện tại, tự tri, tự giác, tự tác chứng thành tựu và an trú, biết một cách như thật: “Sự sanh đã dứt, Phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, vì có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

Có Tỳ-kheo không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo, cũng không có tín giải thoát, nhưng lại có pháp hành. Thế nào là Tỳ-kheo có pháp hành? Nếu Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ tăng thượng mà quán tăng thượng nhẫn. Như vậy, Tỳ-kheo này có pháp hành. Vị Tỳ-kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Đó là khi có Tỳ- kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống bằng sự an trú tùy thuận, đối với trong hai quả, chắc chắn sẽ đạt được một: Hoặc ngay trong hiện tại được Cứu cánh trí, nếu còn hữu dư thì được A-na-hàm. Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật có quả như vậy, cho nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật.

Có Tỳ-kheo không có câu giải thoát, không có tuệ giải thoát, không có thân chứng, không có kiến đáo, không có tín giải thoát, không có pháp hành, nhưng lại có tín hành. Thế nào là Tỳ-kheo có tín hành? Nếu vị Tỳ-kheo nào có lòng tin dứt khoát đối với Phật, Pháp, Tăng, tùy theo pháp được nghe, rồi do tuệ mà quán nhẫn, không như pháp hành. Như vậy Tỳ-kheo này có tín hành. Vị Tỳ- kheo này Ta nói hành không phóng dật. Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Vì có quả gì khiến Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật? Đó là khi có vị Tỳ-kheo nào tìm cách chế ngự các căn, học tập theo thiện tri thức, sống bằng an trú, tùy thuận đối với trong hai quả chắc chắn sẽ đạt được một: Hoặc ngay trong hiện tại được Cứu cánh trí, nếu còn hữu dư thì đắc A-na-hàm. Vì Ta thấy vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật, có quả như vậy nên Ta nói vị Tỳ-kheo này hành không phóng dật. Ta không nói tất cả các Tỳ-kheo được Cứu cánh trí, cũng không nói tất cả các Tỳ-kheo vừa mới được Cứu cánh trí, song dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn, chịu khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được Cứu cánh trí, các Tỳ-kheo này sở đắc Cứu cánh trí.

Thế nào là dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, sau đó các Tỳ-kheo mới được Cứu cánh trí, các Tỳ-kheo này sở đắc Cứu cánh trí? Đó là khi có tín giả nào liền tìm đến, tìm đến rồi liền phụng tập, phụng tập rồi liền nhất tâm nghe pháp, nhất tâm nghe pháp rồi liền thọ trì pháp, thọ trì pháp rồi liền tư duy về pháp, tư duy về pháp rồi liền bình lượng, bình lượng rồi liền quán sát về pháp, đệ tử Hiền thánh quán sát về pháp rồi thì tự thân tác chứng chân đế, và quán sát bằng tuệ tăng thượng. Vị ấy liền nghĩ: “Chơn đế này, tự thân ta chưa từng tác chứng, cũng không phải được quán sát bằng tuệ tăng thượng. Chơn đế này, tự thân tác chứng, được quán sát do tuệ tăng thượng.” Như vậy, dần dần học tập và thực hành, nhận lãnh giáo huấn và khiển trách, rồi sau đó, các Tỳ-kheo mới đắc Cứu cánh trí, các Tỳ-kheo này sở đắc Cứu cánh trí.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo:

– Này A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu, có pháp được gọi là Tứ cú, Ta muốn cho các thầy nghe. Các thầy có muốn biết không?

A-thấp-bối và Phất-na-bà-tu thưa:

– Bạch đức Thế Tôn, chúng con là hạng người nào và do đâu hiểu được pháp?

Bấy giờ, đức Thế Tôn lại nghĩ: “Hạng người mê mờ này vượt quá sự chỉ dạy của Ta; đối với Pháp, Luật chân chánh này, còn cách biệt quá lâu dài. Nếu có vị thầy Pháp, Luật nào tham trước việc ăn uống, không xả ly việc ăn uống thì đệ tử của vị ấy còn không nên dục tốc, phóng dật, huống chi Ta lại là người không tham trước việc ăn uống, viễn ly sự ăn uống. Do đó, tín đệ tử của Ta nên nói như vầy: ‘Đức Thế Tôn là bậc thầy của ta, ta là đệ tử của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn nói pháp cho ta nghe, đức Thiện Thệ nói pháp cho ta nghe, mong cho ta được thiện lợi, hữu ích, được an ổn, khoái lạc lâu dài.’ Tín đệ tử kia, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập trong cảnh giới của Thế Tôn, y chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn; nếu đi đến ở phương Đông, chắc chắn sẽ được an lạc, không có các khổ hoạn; nếu đi đến ở phương Nam, phương Tây, phương Bắc, chắc chắn sẽ được an lạc, không có các khổ hoạn. Nếu tín đệ tử nào đối với cảnh giới của Thế Tôn mà có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của Thế Tôn được nhiều điều lợi ích, đối với cảnh giới của Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập cảnh giới của Thế Tôn, y chỉ cảnh giới của Thế Tôn; tín đệ tử ấy, đối với pháp thiện đã trú, Ta không còn nói, huống chi nói đến pháp suy thoái, nhưng ngày đêm vẫn tăng trưởng pháp thiện, chớ không suy thoái. Nếu tín đệ tử nào đối với cảnh giới của đức Thế Tôn có nhiều điều phải làm, đối với cảnh giới của đức Thế Tôn được nhiều lợi ích, đối với cảnh giới của đức Thế Tôn có nhiều điều phải hành, thể nhập cảnh giới của Thế Tôn, y chỉ trong cảnh giới của Thế Tôn; trong hai quả, chắc chắn sẽ đạt được một: hoặc hiện tại được Cứu cánh trí, nếu hữu dư, chứng được A-na-hàm.”

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo nghe xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.