Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

186. KINH CẦU GIẢI
 

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa Câu-lâu-sấu, tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm-câu-lâu. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

– Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác thì không thể biết được sự giác ngộ Chánh đẳng của Thế Tôn. Vậy làm thế nào để tìm hiểu Như Lai?

Lúc ấy, các Tỳ-kheo bạch đức Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn là căn bản của pháp, Thế Tôn là chủ của pháp, pháp do nơi Thế Tôn mà có, ngưỡng mong Ngài thuyết giảng cho, chúng con nghe được rồi sẽ thấu rõ nghĩa lý!

Đức Phật liền bảo:

– Này các Tỳ-kheo, hãy lắng nghe rõ và khéo suy nghĩ cho kỹ, Ta sẽ phân biệt đầy đủ cho các thầy nghe!

Bấy giờ, các Tỳ-kheo vâng lời và lắng nghe. Thế Tôn dạy:

– Duyên nơi ý của mình mà không biết như thật về tâm trí của người khác, phải do hai sự kiện để tìm hiểu Như Lai. Một là sắc được biết bởi mắt và hai là tiếng được nghe bởi tai: “Pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy?” Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm hiểu thêm nữa: “Pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy?” Sau khi tìm hiểu, biết rằng những pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai không có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây không có, lại phải tìm hiểu thêm nữa: “Pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai, có hay không có nơi Tôn giả ấy?” Sau khi tìm hiểu, biết rằng pháp bạch tịnh được biết bởi mắt và tai có nơi Tôn giả ấy. Nếu ở đây có, lại phải tìm hiểu nữa: “Tôn giả ấy đã thực hành pháp ấy lâu dài hay chỉ thực hành tạm thời?” Sau khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy thực hành pháp ấy lâu dài chứ không phải tạm thời. Nếu Tôn giả ấy thường thực hành, lại phải tìm hiểu thêm nữa: “Tôn giả ấy nhập vào thiền này vì danh dự và lợi lộc hay không vì danh dự và lợi lộc?” Sau khi tìm hiểu, biết rằng Tôn giả ấy nhập vào thiền này không phải vì tai họa.

Nếu có người nói như vầy: “Tôn giả ấy thực hành tịnh lạc chứ không phải vì sợ hãi, ly dục, không thực hành theo dục, vì dục đã diệt tận” thì nên hỏi người ấy rằng: “Này Hiền giả, với hành vi nào, với năng lực nào, với trí tuệ nào để Hiền giả có thể tự mình nhận xét chân chánh rằng: ‘Tôn giả ấy thực hành tịnh lạc chứ không phải vì sợ hãi, ly dục, không thực hành theo dục, vì dục đã diệt tận’?” Nếu người ấy trả lời như vầy: “Tôi không biết tâm trí của vị ấy, cũng không phải do sự kiện nào khác mà biết. Nhưng vị Tôn giả ấy hoặc khi sống một mình, hoặc khi ở giữa đại chúng, hoặc ở giữa chỗ tập hội, nơi đó hoặc có Thiện Thệ hay những người thọ hóa bởi Thiện Thệ, hoặc là bậc Tông Chủ, hoặc là được thấy bởi vật thực. Này Hiền giả, tôi không tự mình hiểu biết vị ấy. Tôi nghe từ chính Tôn giả ấy mà trực tiếp ghi nhận như vầy: ‘Ta thực hành tịnh lạc chứ không phải vì sợ hãi, ly dục, không thực hành theo dục, vì dục đã diệt tận.’ Này Hiền giả, với hành vi như vậy, với năng lực như vậy, với trí tuệ như vậy khiến tôi tự mình nhận xét chân chánh mà nói rằng: ‘Tôn giả ấy thực hành tịnh lạc chứ không phải vì sợ hãi, ly dục, không thực hành theo dục, vì dục đã diệt tận.’”

Trong trường hợp này, lại cần phải hỏi thêm nữa: “Trong pháp ấy của Như Lai, nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận, vô dư chăng? Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận, vô dư chăng? Nếu có pháp bạch tịnh, có trường hợp pháp ấy bị diệt tận, vô dư chăng?” Như Lai bèn trả lời: “Nếu có pháp ô nhiễm được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận, vô dư. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, có trường hợp pháp này bị diệt tận, vô dư. Nếu có pháp ô nhiễm được nhận biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh khởi trở lại nữa. Nếu có pháp hỗn tạp được biết bởi mắt và tai, Như Lai diệt tận, đoạn trừ, nhổ tuyệt gốc rễ, không bao giờ sanh trở lại nữa. Nếu có pháp bạch tịnh thì Ta với pháp bạch tịnh như vậy, cảnh giới như vậy, Sa-môn như vậy, Ta như vậy mà thành tựu Chánh pháp, Luật này.”

Có một tín đệ tử đến thăm viếng Như Lai, phụng trì Như Lai, nghe pháp từ Như Lai và được Như Lai nói pháp cho, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc, bạch. Sau khi được Như Lai nói pháp cho nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc, bạch; nghe như vậy, như vậy rồi, vị ấy vĩnh viễn đoạn trừ pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn rằng: Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác.

Ở đây, lại cần hỏi thêm vị ấy rằng: “Này Hiền giả, do hành vi nào, do năng lực nào, do trí tuệ nào để Hiền giả có thể vĩnh viễn đoạn trừ pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn rằng: Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác?” Vị ấy sẽ trả lời như vầy: “Này Hiền giả, tôi không biết tâm của Thế Tôn, cũng không do sự kiện nào khác mà biết. Tôi do nơi Thế Tôn mà có tịnh tín như vậy. Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc, bạch. Này Hiền

giả, đúng như những điều mà Thế Tôn nói pháp cho tôi nghe, và tôi nghe như vậy, như vậy. Sau khi Như Lai nói pháp cho tôi nghe, pháp cao siêu càng lúc càng cao siêu, pháp vi diệu càng lúc càng vi diệu, khéo đoạn trừ hắc, bạch; và tôi nghe như vậy, như vậy rồi, vĩnh viễn đoạn trừ pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn rằng: Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác. Này Hiền giả, tôi do hành vi như vậy, năng lực như vậy, trí tuệ như vậy, khiến tôi vĩnh viễn đoạn trừ pháp một, đối với các pháp mà chứng đắc cứu cánh, tịnh tín nơi Thế Tôn rằng: Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác vậy.”

Nếu ai có hành này, lực này, tin sâu nơi Như Lai, tín căn đã vững thì được gọi là tín căn dựa trên kiến, không hủy hoại, tương ưng với trí Sa-môn, Phạm chí, chư Thiên, Ma, Phạm và các hàng thế gian khác, không thể tước đoạt được. Hãy như vậy mà tìm hiểu Như Lai! Hãy như vậy mà nhận biết chánh đáng về Như Lai!

Đức Phật thuyết như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.