Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, đức Phật du hóa tại Thích-ki-sấu, ở tại Ca-duy-la-vệ, trong vườn Ni-câu-loại.
Bấy giờ, Ma-ha Ba-xà-ba-đề Cù-đàm-di đem một chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến đến chỗ đức Phật, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, ngồi xuống một bên rồi thưa rằng:
– Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn, mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho!
Đức Thế Tôn nói:
– Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.
Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, Đại Sanh chủ Cù-đàm-di vẫn thưa:
– Bạch Thế Tôn, chiếc y mới sắc vàng, dệt bằng kim tuyến này, tôi tự cắt may cho Thế Tôn, mong Thế Tôn thương xót tôi mà thâu nạp cho!
Lần thứ hai, rồi lần thứ ba, đức Thế Tôn cũng vẫn nói:
– Này Cù-đàm-di, hãy đem y này dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo. Dâng cúng cho chúng Tỳ-kheo tức là đã cúng dường Ta, cũng như đã cúng dường đại chúng.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan đứng phía sau đức Thế Tôn, cầm quạt hầu Phật, liền thưa:
– Bạch Thế Tôn, Đại Sanh chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Thế Tôn nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Thế Tôn sau khi thân mẫu Thế Tôn qua đời.
Đức Thế Tôn nói:
– Này A-nan, thật sự như vậy. Này A-nan, thật sự như vậy. Đại Sanh chủ Cù-đàm-di đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, Ta cũng đem lại cho Đại Sanh chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo; không nghi ngờ Ba ngôi Tôn quý và khổ, tập, diệt, đạo; thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ; xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu. Này A-nan, nếu có người nhờ người khác mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo; không nghi ngờ Ba ngôi Tôn quý và khổ, tập, diệt, đạo; thành tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ; xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống rượu; thì người này cúng dường lại người kia, cho đến suốt đời, nào là uống ăn, áo chăn, giường chõng, thuốc thang và đủ các thứ vật dụng cho đời sống, chẳng lẽ lại không được đền ơn?
Lại nữa, này A-nan, có bảy loại bố thí cho Tăng chúng và có mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.
Này A-nan, thế nào gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo? Thiện nam tử hay thiện nữ nhân, khi Phật còn tại thế, Phật là vị cầm đầu, mà bố thí cho Phật và chúng Tỳ-kheo; như vậy gọi là loại bố thí thứ nhất cho Tăng chúng sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo. Thiện nam tử, thiện nữ nhân, sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn không lâu, bố thí cho cả hai bộ chúng là bố thí cho chúng Tỳ-kheo, bố thí cho chúng Tỳ-kheo-ni; đi vào tinh xá Tỳ-kheo và bạch với chúng rằng: “Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo để chúng con được bố thí!” đi vào tinh xá Tỳ-kheo-ni và bạch với chúng rằng: “Mong trong chúng ở đây cử ra một số Tỳ-kheo-ni để chúng con được bố thí!” Như vậy gọi là loại bố thí thứ năm cho Tăng chúng, sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo. Này A-nan, trong tương lai, có Tỳ-kheo thuộc loại danh tánh, khoác áo cà-sa mà không tinh tấn. Vị ấy đã không tinh tấn, không tinh cần mà vẫn được bố thí vì nương nơi chúng, duyên nơi chúng, ở trên chúng, nhân nơi chúng. Ta nói, lúc bấy giờ, thí chủ sẽ được phước vô lượng, không thể đếm, không thể kể, được thiện, được lạc; huống nữa là bố thí cho các Tỳ-kheo hiện nay là những vị thành tựu hành sự, thành tựu trừ sự, thành tựu cả hành sự và trừ sự, thành tựu chất trực, thành tựu nhu nhuyến, thành tựu cả chất trực và nhu nhuyến, thành tựu nhẫn, thành tựu lạc, thành tựu cả nhẫn và lạc, thành tựu tương ưng, thành tựu kinh kỹ, thành tựu cả tương ưng và kinh kỹ, thành tựu oai nghi, thành tựu hành lai du, thành tựu cả oai nghi và hành lai du, thành tựu tín, thành tựu giới, thành tựu đa văn, thành tựu thí, thành tựu tuệ, thành tựu tín, giới, đa văn, thí, tuệ ư? Như vậy gọi là loại bố thí thứ bảy cho Tăng chúng, được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo. Đó gọi là bảy loại bố thí cho Tăng chúng được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.
Này A-nan, thế nào gọi là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo? Là thiện nam tử hay thiện nữ nhơn bố thí cho đức Như Lai, bố thí cho Duyên giác, bố thí cho A-la-hán, bố thí cho A-la-hán hướng, bố thí cho A-na-hàm, bố thí cho A-na-hàm hướng, bố thí cho Tư-đà-hàm, bố thí cho Tư-đà-hàm hướng, bố thí cho Tu-đà-hoàn, bố thí cho Tu-đà-hoàn hướng, bố thí cho tiên nhơn, ngoại đạo ly dục, bố thí cho người tinh tấn, bố thí cho người không tinh tấn, bố thí cho súc sanh.
Này A-nan, bố thí cho súc sanh được phước trăm lần hơn; bố thí cho người không tinh tấn được phước ngàn lần hơn; bố thí cho người tinh tấn được phước trăm ngàn lần hơn; bố thí cho tiên nhơn, ngoại đạo ly dục được phước ức trăm ngàn lần hơn; bố thí cho vị Tu-đà-hoàn hướng được phước vô lượng; bố thí cho vị đắc Tu-đà-hoàn được phước vô lượng; bố thí cho vị Tư-đà-hàm hướng được phước vô lượng; bố thí cho vị đắc Tư-đà-hàm được phước vô lượng; bố thí cho vị A-na-hàm hướng được phước vô lượng; bố thí cho vị đắc A-na-hàm được phước vô lượng; bố thí cho vị A-la-hán hướng được phước vô lượng; bố thí cho vị đắc A-la-hán được phước vô lượng; huống nữa là bố thí cho đức Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác ư? Đây là mười bốn loại bố thí riêng cho từng người sẽ được đại phước, được đại quả, được đại công đức, được đại quảng báo.
Lại nữa, này A-nan, có bốn loại bố thí và chỉ ba loại được thanh tịnh. Những gì là bốn? Có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận; có loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ; có loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận; có loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.
Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận? Là thí chủ thì tinh tấn, tu hành Diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí”; còn người thọ nhận thì không tinh tấn, hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.” Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh, không phải do người thọ nhận.
Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ? Là thí chủ không tinh tấn, hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí”; còn người thọ nhận thì tinh tấn, tu hành Diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.” Như vậy gọi là loại bố thí do người thọ nhận thanh tịnh, không phải do thí chủ.
Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận? Là thí chủ không tinh tấn, hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí”; và người thọ nhận cũng không tinh tấn, hành ác pháp, không thấy có đời sau, không thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Không có sự bố thí, không có quả báo của sự bố thí.” Như vậy gọi là loại bố thí không phải do thí chủ thanh tịnh, cũng không phải do người thọ nhận.
Này A-nan, thế nào gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy? Là thí chủ tinh tấn, tu hành Diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí”; và người thọ nhận cũng tinh tấn, tu hành Diệu pháp, thấy có đời sau, thấy có quả báo; do thấy như vậy nên nói như vầy: “Có sự bố thí, có quả báo của sự bố thí.” Như vậy gọi là loại bố thí do thí chủ thanh tịnh và người thọ nhận cũng vậy.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:
Tinh tấn thí người không tinh tấn,
Thí đúng pháp, được tâm hoan hỷ,
Vì tin có nghiệp và quả báo
Loại thí này, thí chủ thanh tịnh.
Không tinh tấn thí người tinh tấn,
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ,
Vì không tin nghiệp và quả báo,
Loại thí này người nhận thanh tịnh.
Người giải đãi thí không tinh tấn,
Không đúng pháp, không tâm hoan hỷ,
Vì không tin nghiệp và quả báo,
Loại thí này không được quảng báo.
Người tinh tấn thí người tinh tấn,
Là đúng pháp, được tâm hoan hỷ,
Vì tin có nghiệp và quả báo,
Loại thí này đạt được quảng báo.
Kẻ nô tỳ và kẻ bần cùng,
Hoan hỷ tự mình làm bố thí,
Vì tin có nghiệp, có quả báo,
Bố thí như vậy, thiện nhơn khen.
Khéo léo giữ gìn cả thân miệng,
Đưa tay cầu xin đúng Chánh pháp,
Người ly dục thí người ly dục,
Đó chính là tài thí đệ nhất.
Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả A-nan và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.