Viện Nghiên Cứu Phật Học

Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 » 

Kinh Trung A-Hàm
(中阿含經)

Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU

Mục Lục

175. KINH THỌ PHÁP (B)
 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, ở tại đô ấp Kiếm-ma-sắt-đàm. Bấy giờ, đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

– Thế gian này có ước muốn như vầy, hy vọng như vầy, yêu thích như vầy, vui sướng như vầy và khởi ý như vầy: “Mong sao các pháp không hỷ, không ái, không xứng ý bị diệt; còn pháp hỷ, ái, xứng ý sanh ra.” Họ ước muốn như vậy, hy vọng như vậy, yêu thích như vậy, vui sướng như vậy và ý tưởng như vậy. Song, pháp chẳng hỷ, chẳng ái, chẳng xứng ý lại sanh; còn pháp có hỷ, có ái, có xứng ý lại diệt. Đó gọi là pháp ngu si. Pháp của Ta rất sâu xa, khó trông thấy, khó hiểu, khó thông đạt. Pháp của Ta sâu xa, khó thấy, khó hiểu, khó thông đạt là như vầy: Pháp không hỷ, không ái, không xứng ý bị diệt; còn pháp có hỷ, có ái, có xứng ý được sanh. Đó là pháp không ngu si.

Thế gian này quả thật có bốn thứ thọ pháp. Những gì là bốn? Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ, hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc, hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ, hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc.

Thế nào là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc sát sanh, do nhân sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người đó tự mình vui thích trong việc trộm cắp, tự mình vui thích trong việc tà dâm, nói láo cho đến tà kiến; nhân nơi tà kiến mà sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc, tâm lạc; bất thiện từ bất thiện mà sanh ra, không đi đến trí, không đi đến giác ngộ, không đi đến Niết-bàn. Đó là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai chịu quả báo khổ.

Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc? Hoặc có người tự mình khổ, tự mình ưu trong việc đoạn trừ sát sanh; do sự đoạn trừ sát sanh mà sanh khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu trong việc đoạn trừ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến đoạn trừ tà kiến; do đoạn trừ tà kiến mà sanh khổ, sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ; thiện từ thiện mà sanh, đi đến trí, đi đến giác, đi đến Niết-bàn. Đó là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc.

Sao gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ? Hoặc có người tự khổ, tự ưu trong việc sát sanh; do sát sanh mà sanh khổ, sanh ưu. Người đó tự khổ, tự ưu trong việc trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến tà kiến; do tà kiến mà sanh khổ, sanh ưu. Như vậy, thân khổ, tâm khổ; bất thiện từ bất thiện
mà sanh, không dẫn đến trí, không dẫn đến giác, không dẫn đến Niết-bàn. Đó gọi là thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng phải thọ lấy quả báo khổ.

Sao gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc? Hoặc có người tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc đoạn trừ sát sanh; do đoạn trừ sát sanh mà sanh lạc, sanh hỷ. Người ấy tự mình vui sướng, tự mình vui thích trong việc đoạn trừ trộm cắp, tà dâm, nói láo cho đến đoạn trừ tà kiến; do đoạn trừ tà kiến cho nên sanh lạc, sanh hỷ. Như vậy, thân lạc, tâm lạc; thiện từ thiện mà sanh, dẫn đến trí, dẫn đến giác, dẫn đến Niết-bàn. Như thế gọi là thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc.

Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Nhưng người kia do ngu si, chẳng biết như thật rằng thọ pháp ấy hiện tại lạc nhưng tương lai chịu lấy khổ báo. Khi không biết như thật nên tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành, không đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý diệt. Cũng như vị thuốc A-ma-ni, một phần có sắc đẹp và mùi thơm nhưng có trộn chất độc; hoặc có người bị bệnh nên uống; khi uống thì sắc đẹp và hương vị ngon miệng mà không tổn hại cổ họng, nhưng khi uống xong, vào trong bụng rồi lại chẳng thành thuốc. Như vậy là thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Người kia ngu si không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai phải chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, liền tập hành, không đoạn trừ. Do tập hành, không đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Nhưng người kia ngu si, không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai sẽ được quả báo lạc. Khi đã không biết như thật, người kia liền không tập hành mà đoạn trừ; không tập hành mà đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Nhưng người kia ngu si, không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, người kia liền tập hành, không đoạn trừ. Khi đã tập hành, không đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp ái, pháp hỷ, pháp xứng ý diệt. Cũng như đại tiểu tiện lại trộn lẫn độc; hoặc có người bị bệnh cho nên uống; khi uống thì nhơ nhớp, hôi thúi, không có mùi vị, không ngon miệng, mà lại tổn thương cuống họng, uống vào trong bụng lại chẳng thành thuốc. Như vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng chịu quả báo khổ. Người kia ngu si, không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ, tương lai cũng chịu quả báo khổ. Khi đã không biết như thật, bèn tập hành, không đoạn trừ. Do tập hành, không đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Nhưng người kia ngu si, không biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ báo lạc. Khi đã không biết như thật nên người kia không tập hành mà đoạn trừ. Do không tập hành mà đoạn trừ, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý diệt. Đó gọi là pháp ngu si. Người kia không biết như thật pháp nào nên tập hành, không biết như thật pháp nào không nên tập hành. Do không biết như thật pháp nào nên tập hành và không biết như thật pháp nào không nên tập hành nên pháp không nên tập hành lại tập hành, pháp nên tập hành lại không tập hành. Do tập hành pháp không nên tập hành và không tập hành pháp nên tập hành, pháp không hỷ, không ái, không xứng ý sanh; pháp có hỷ, có ái, xứng ý diệt. Đó gọi là pháp ngu si.

Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai thọ quả báo khổ. Khi đã biết như thật nên vị ấy không tập hành nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp có hỷ, có ái, có xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Đó gọi là pháp tuệ.

Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ nhưng tương lai thọ quả báo lạc. Khi đã biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Cũng như đại tiểu tiện có hòa với nhiều thứ thuốc; hoặc có người bị bệnh uống; khi uống sắc xấu, hôi thúi, không mùi vị, không ngon miệng mà lại hại cho cuống họng, nhưng uống vào trong bụng lại thành thuốc. Như vậy, thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai thọ quả báo lạc. Do biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Đó gọi là pháp tuệ.

Hoặc có thọ pháp hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Người có trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại khổ mà tương lai cũng thọ quả báo khổ. Khi đã biết như thật, vị ấy không tập hành nhưng đoạn trừ. Do không tập hành nhưng đoạn trừ, pháp có hỷ, có ái, có xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Đó gọi là pháp tuệ.

Hoặc có thọ pháp hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc, tương lai cũng thọ quả báo lạc. Khi đã biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Cũng như tô mật hòa với nhiều thứ thuốc; hoặc có người bị bệnh nên uống; khi uống có sắc đẹp, có hương, có vị, ngon miệng mà không tổn thương cuống họng, uống vào bụng lại thành thuốc. Như vậy, thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc. Người trí tuệ biết một cách như thật rằng thọ pháp này hiện tại lạc mà tương lai cũng thọ quả báo lạc. Khi đã biết như thật, vị ấy tập hành chứ không đoạn trừ. Do tập hành chứ không đoạn trừ, pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Đó gọi là pháp tuệ. Người đó biết như thật rằng đây là pháp nên tập hành, biết như thật rằng đây là pháp không nên tập hành. Khi biết như thật pháp nào nên tập hành và pháp nào không nên tập hành, vị ấy tập hành pháp nên tập hành, không tập hành pháp không nên tập hành. Do tập hành pháp nên tập hành và không tập hành pháp không nên tập hành, pháp hỷ, pháp ái, pháp xứng ý sanh; pháp không hỷ, không ái, không xứng ý diệt. Đó gọi là pháp tuệ.

Thế gian quả thật có bốn thọ pháp ấy, vì vậy mà Ta giảng thuyết.

Đức Phật thuyết giảng như vậy, các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.

Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.

Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.