Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, có nhiều Phạm chí nước Câu-sa-la, vào lúc xế trưa, quanh quẩn đi đến chỗ đức Phật, chào hỏi nhau rồi, ngồi qua một bên và thưa:
– Này Cù-đàm, chúng tôi có điều muốn hỏi, Ông có nghe chăng? Đức Thế Tôn đáp:
– Các ông hỏi gì thì hỏi.
Nghe thế, các Phạm chí hỏi:
– Này Cù-đàm, bây giờ còn có Phạm chí học pháp cổ Phạm chí hay đã vượt khỏi pháp cổ Phạm chí rồi chăng?
Đức Thế Tôn đáp:
– Nay không còn Phạm chí học pháp cổ Phạm chí, Phạm chí đã vượt khỏi pháp cổ Phạm chí từ lâu rồi.
Nghe thế, các Phạm chí hỏi:
– Này Cù-đàm, tại sao nay không còn Phạm chí học pháp cổ Phạm chí và các Phạm chí vượt khỏi pháp cổ Phạm chí từ bao giờ?
Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ trả lời:
Vì xưa có Phạm chí,
Tự chế ngự, nhiệt thành,
Bỏ ngũ dục công đức,
Hành Phạm hạnh thanh tịnh.
Phạm hạnh và giới hạnh,
Khiến tâm tính nhu thuận,
Rộng lượng không tâm hại,
Nhẫn nhục thủ hộ ý.
Thuở xưa có pháp ấy,
Phạm chí chẳng giữ gìn,
Phạm chí không thủ hộ,
Hễ có tiền lúa gạo,
Thì ham thích tích trữ,
Thủ lấy kho đụn này,
Đua đòi bao sắc áo,
Nhà cửa và giường chõng,
Thành trì các nước giàu,
Phạm chí học như vậy.
Phạm chí này không hại,
Thủ hộ tất cả pháp,
Đi đến cửa nhà người,
Không ai ngăn cản họ,
Lần lượt xin từng nhà,
Xin ăn theo từng bữa,
Những Phạm chí tại gia,
Trông thấy thích bố thí.
Bốn tám năm đã tròn,
Tu Phạm hạnh thanh tịnh,
Mong minh, hạnh chóng thành
Cổ Phạm chí như vậy.
Không lấy trộm của cải,
Cũng không hề sợ hãi,
Thương mến đùm bọc nhau,
Và cùng sống hòa hợp.
Bởi không có phiền não,
Pháp liên hệ oán, dâm,
Tất cả các Phạm chí,
Không thực hành như vậy.
Nếu có hạnh bậc nhất,
Phạm chí quyết mong cầu,
Các pháp dâm dục ấy,
Không thực hành dù mộng.
Nhân các Phạm hạnh ấy,
Tự xưng “ta là Phạm”,
Biết họ có hạnh ấy,
Bậc có tuệ sẽ biết.
Giường thưa, chiếu áo mỏng,
Cơm, sữa cốt sinh tồn,
Khất cầu đều như pháp,
Ăn chay hành bố thí,
Trai tịnh, chẳng cầu khác,
Chỉ tìm nơi chính mình,
Lúc tổ chức trai thí,
Người ấy không giết bò;
Như cha mẹ, anh em,
Và các người thân khác,
Xem người, bò cũng vậy.
Nhân đó sanh khoái lạc,
Ăn uống, thân khỏe mạnh,
Nhờ vậy mà yên vui.
Biết được nghĩa lý này,
Không ưa giết hại bò,
Mềm mại thân đại lực,
Tinh sắc được khen ngợi,
Ân cần tự cầu lợi,
Như vậy, Phạm chí xưa.
Phạm chí vì lợi mình,
Biết nên làm, phải tránh
Cõi này, trong tương lai,
Người ấy thoát nhất định,
Tuần trăng đã quá tuần,
Xứng ý xin cầu thân,
Đêm dài mãi du hí,
Những người vợ phấn son,
Đàn bò, quây trước mặt,
Vợ đẹp nối sau lưng,
Nhân gian vi diệu dục.
Phạm chí thường ước mong,
Ngựa xe trang bị đủ,
Tài nghệ giỏi vá may,
Hôn nhân và nhà cửa,
Phạm chí thường ước mong.
Họ tạo phiền trược ấy,
Chúng tôi từ kia lại,
Đại vương mở cuộc chay,
Đừng để mất tài lợi,
Nhiều tài vật lúa gạo,
Hoặc có dư tiền tài,
Đại vương tương ưng đó,
Phạm chí và ngựa xe,
Tế voi và tế ngựa,
Tế ngựa được suốt thông,
Tụ tập làm trai thí,
Thí cho Bà-la-môn.
Họ do đó được lợi,
Say mê đắm tài vật,
Họ khơi dậy lòng dục,
Càng dục càng say mê,
Cũng như ao nước rộng,
Và vô lượng tài vật,
Cũng vậy, người có bò,
Các vật dụng sanh sống.
Họ tạo triền phược ấy,
Chúng tôi từ kia lại,
Đại vương mở cuộc chay,
Đừng để mất tài lợi,
Nhiều tài vật lúa gạo,
Nếu ngài có nhiều bò,
Đại vương tương ưng đó,
Phạm chí và ngựa xe,
Bò vô lượng trăm ngàn,
Vì trai tự mà giết,
Đầu, sừng không não hại,
Bò heo thời xưa kia.
Đi đến nắm sừng bò,
Cầm dao bén mà giết.
Gọi bò và gọi cha,
La-sát tên là Hương,
Họ hô hoán phi pháp,
Khi cầm dao đâm bò,
Pháp ấy thành trai thí,
Vượt qua tại trước nhất,
Không hữu sự mà giết,
Viễn ly pháp suy thoái,
Thời xưa có ba bệnh,
Dục, không dụng và ăn.
Do thù nghịch với bò,
Khởi bệnh chín mươi tám,
Thù nghịch ấy như vậy,
Nên kẻ trí rất ghét.
Nếu ai thấy như vậy,
Những ai không hận thù,
Như vậy, trong đời này,
Vô trí thấp hèn nhất.
Mỗi mỗi vì dục, tranh,
Như vợ rủa sả chồng.
Sát-lợi, Phạm chí nữ,
Và thủ hộ chủng tánh,
Khinh thường pháp thọ sanh
Buông trôi theo dục vọng.
Như vậy, này Phạm chí, hiện tại không còn Phạm chí học pháp cổ Phạm chí. Phạm chí đã vượt khỏi pháp cổ Phạm chí từ lâu rồi.
Nghe vậy, các Phạm chí nước Câu-sa-la thưa:
– Bạch Thế Tôn, chúng con đã biết! Bạch Thiện Thệ, chúng con đã rõ! Nay chúng con xin tự quy y Phật, Pháp và chúng Tỳ-kheo! Cúi mong đức Thế Tôn nhận con làm ưu-bà-tắc, bắt đầu từ hôm nay, trọn đời nguyện đem mình quy y cho đến lúc mạng chung !
Đức Phật thuyết như vậy, các Phạm chí nước Câu-sa-la và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.