Tam tạng Thánh điển PGVN 18 » Tam tạng Phật giáo Bộ phái 02 »
Dịch tiếng Việt: VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC - NHA TRANG
Hiệu đính: Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật du hóa tại Câu-lâu-sấu, trú ở tịnh thất đệ nhất của Bà-la-bà trên một thảm cỏ.
Bấy giờ, vào lúc sáng sớm, đức Thế Tôn mang y, cầm bát vào Kiếm-ma-sắt- đàm, thứ tự khất thực. Sau buổi cơm trưa, thu dọn y bát, Ngài rửa tay chân, vắt tọa cụ lên vai đi đến chỗ nghỉ ban ngày tại một khu rừng. Khi đã vào rừng, đức Thế Tôn đến dưới một gốc cây, trải tọa cụ và ngồi kiết-già.
Lúc ấy, vào buổi xế trưa, dị đạo Man-nhàn-đề thong dong tản bộ đến đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà. Từ xa, dị đạo Man-nhàn-đề thấy trên sàn rải cỏ ở tịnh thất ấy có dấu nằm một bên hông, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của bậc Phạm hạnh. Trông thấy vậy, dị đạo Man-nhàn-đề hỏi Bà-la-bà:
– Trong đệ nhất tịnh thất ấy, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông này của ai mà giống như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của bậc Phạm hạnh như thế?
Phạm chí Bà-la-bà đáp:
– Này Man-nhàn-đề, có Sa-môn Cù-đàm, con dòng họ Thích tộc, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo, đắc quả Vô thượng Chánh đẳng giác. Ở trong tịnh thất đó, sàn cỏ có dấu nằm một bên hông đó, như chỗ nằm của sư tử, của Sa-môn, của bậc Phạm hạnh chính là của Sa-môn Cù-đàm.
Dị đạo Man-nhàn-đề nói:
– Này Bà-la-bà, nay ta phải thấy cảnh không đáng thấy, phải nghe điều không đáng nghe, nghĩa là thấy chỗ nằm của Sa-môn Cù-đàm. Vì sao? Vì Sa- môn Cù-đàm ấy là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.
Bà-la-bà nói:
– Này Man-nhàn-đề, ông không nên đem điều đó mà phỉ báng Sa-môn Cù- đàm. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm có nhiều trí tuệ, như Sát-lợi trí tuệ, Phạm chí trí tuệ, cư sĩ trí tuệ, Sa-môn trí tuệ. Ai giảng thuyết về trí tuệ thảy đều đắc Thánh trí. Này Man-nhà-đề, tôi muốn đem ý nghĩa đó mà nói với Sa-môn Cù-đàm có được chăng?
Man-nhàn-đề đáp:
– Này Bà-la-bà, tùy ý ông. Tôi thấy không có gì trở ngại. Này Bà-la-bà, nếu gặp Sa-môn Cù-đàm, tôi cũng nói như thế. Vì sao? Vì Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng.
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở chỗ nghỉ ban ngày với thiên nhĩ thanh tịnh, vượt hẳn người thường, nghe Phạm chí Bà-la-bà cùng dị đạo Man-nhàn-đề đang bàn luận chuyện ấy. Nghe xong, vào lúc xế trưa, đức Thế Tôn từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến đệ nhất tịnh thất của Bà-la-bà, trải tọa cụ lên thảm cỏ, rồi ngồi kiết-già. Phạm chí Bà-la-bà từ xa trông thấy Thế Tôn ở rừng cây, trang nghiêm, đẹp đẽ, như vầng trăng giữa vòm trời sao, chói lọi rạng ngời, tỏa chiếu như núi vàng, đầy đủ tướng tốt, oai thần nguy nguy, các căn vắng lặng, không bị chướng ngại, thành tựu điều ngự, nội tâm tĩnh chỉ, tịch mặc. Sau khi trông thấy, Phạm chí ấy đi đến chỗ Thế Tôn, chào hỏi nhau rồi ngồi qua một bên.
Đức Thế Tôn hỏi:
– Này Bà-la-bà, ông đã cùng với Man-nhàn-đề bàn luận về chỗ thảm cỏ này phải chăng?
Phạm chí Bà-la-bà đáp:
– Đúng như vậy, bạch Cù-đàm. Con cũng định đem chuyện đó thưa với Cù- đàm, nhưng chưa nói kịp mà Cù-đàm đã biết. Vì sao? Vì Như Lai là bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.
Đức Thế Tôn và Phạm chí Bà-la-bà cùng nhau thảo luận về vấn đề này. Sau đó, dị đạo Man-nhàn-đề tản bộ đến đệ nhất tịnh thất ấy. Từ xa, đức Thế Tôn trông thấy dị đạo Man-nhàn-đề đến, liền bảo:
– Này Man-nhàn-đề, không chế ngự nhãn căn, không thủ hộ kín đáo, không tu thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với nhãn căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân ấy mà ông bảo rằng: “Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng?”
Man-nhàn-đề trả lời:
– Đúng như vậy, Cù-đàm!
– Này Man-nhàn-đề, cũng vậy, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn; nếu không chế ngự ý căn, không thủ hộ kín đáo, không khéo tu thì chắc chắn thọ khổ báo. Đối với ý căn ấy, Cù-đàm khéo chế ngự, khéo thủ hộ kín đáo, khéo tu nên chắc chắn được lạc báo. Này Man-nhàn-đề, có phải vì nhân đó mà ông bảo rằng: “Sa-môn Cù-đàm là kẻ phá hoại. Kẻ phá hoại là kẻ vô dụng?”
Man-nhàn-đề đáp:
– Đúng như vậy, Cù-đàm!
Đức Thế Tôn hỏi:
– Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, với con mắt, vị ấy biết sắc khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ sắc được biết bởi mắt, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; vị ấy thấy, biết đúng như thật về sự tập khởi của sắc được biết bởi mắt, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của sắc ấy, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly sắc dục, bị sắc ái nhai nuốt, bị sắc nhiệt thiêu đốt, đối với sắc, được biết bởi mắt mà có ái, niệm, ý, lạc tương ưng với dục. Sau khi an trú mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do sắc, do ái này thì khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn, cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn, cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
– Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia cũng vậy, đối với tiếng được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân; khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, vị ấy xả bỏ xúc được biết bởi thân, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; vị ấy biết và thấy như thật về sự tập khởi của xúc, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của xúc, an trú nơi nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly xúc, dục, bị xúc ái nhai nuốt, bị xúc nhiệt thiêu đốt, đối với xúc được biết bởi thân mà có ái, niệm, ý, lạc tương ưng với dục. Sau khi an trú mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, nếu có lạc thú do ái, do xúc này thì khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
Đức Thế Tôn bảo:
– Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người khi chưa xuất gia học đạo, thấy đặc tính năm dục, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Một thời gian sau, người ấy xả bỏ đặc tính năm dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; vị ấy thấy như thật về sự tập khởi của đặc tính năm dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, sự xuất yếu của đặc tính năm dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Vị ấy thấy những người chưa ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt thiêu đốt, đối với đặc tính năm dục mà có ái, niệm, ý, lạc tương ưng với dục. Sau khi an trú mà thấy như vậy, vị ấy không thỏa mãn, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với người này, ông có nói gì chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
– Này Man-nhàn-đề, Ta khi chưa xuất gia học đạo, hưởng thụ đặc tính năm dục dễ dàng, không khó, khả ái, khả niệm, khả ý, khả lạc tương ưng với dục. Sau khi Ta xả bỏ đặc tính năm dục, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo. Ta thấy như thật về sự tập khởi của đặc tính năm dục, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa và sự xuất yếu của đặc tính năm dục, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt thiêu đốt, đối với đặc tính năm dục mà có ái, niệm, ý, lạc tương ưng với dục. Sau khi Ta an trú mà thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, đối với Ta, ông có nói gì chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
Đức Thế Tôn bảo:
– Này Man-nhàn-đề, cũng như cư sĩ, hay con của cư sĩ, rất giàu, của cải vô lượng, nuôi nhiều súc vật, phòng hộ, thực ấp, đầy đủ các thứ cần cho sự sống. Người ấy hưởng đặc tính năm dục dễ dàng không khó, lại thành tựu thân diệu hành, khẩu và ý diệu hành; lúc chết, không thích xả bỏ đặc tính năm dục; sau khi thân hoại mạng chung, đi đến chỗ thiện, sanh lên cõi trời, hưởng đầy đủ đặc tính năm dục. Này Man-nhàn-đề, Thiên vương hoặc thiên tử ấy có thể xả bỏ đặc tính năm dục, ở cõi trời mà hoan hỷ hướng đến dục lạc ở nhân gian chăng?
Man-nhàn-đề đáp:
– Dạ không, thưa Cù -đàm. Vì sao? Vì dục lạc ở nhân gian vốn xú uế, bất tịnh, rất đáng ghê tởm, không thể tưởng tới, vốn não hại, cực khổ. Thưa Cù- đàm, so với dục lạc ở thế gian, dục lạc ở cõi trời là tối diệu, tối thắng. Thiên vương hay thiên tử xả bỏ đặc tính năm dục ở cõi trời mà hoan hỷ tưởng đến dục lạc ở thế gian; điều đó không thể xảy ra được.
– Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, Ta đoạn tuyệt dục lạc nhân gian, vượt khỏi dục lạc cõi trời, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo; thấy như thật về sự tập khởi của đặc tính năm dục ấy, sự đoạn diệt, vị ngọt, tai họa, cùng sự xuất yếu của chúng, an trú với nội tâm tịch tĩnh. Ta thấy những người chưa ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt thiêu đốt, đối với đặc tính năm dục mà có ái, niệm, ý, lạc tương ưng với dục. Sau khi an trú, thấy như vậy, Ta không thỏa mãn chúng, không ham thích chúng. Này Man-nhàn-đề, ý ông nghĩ sao? Nếu có lạc thú do dục, do dục ái này, khi sự hoan lạc trong lạc thú này, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không thỏa mãn chúng, vì chúng thấp hèn cho nên Ta không ham thích chúng. Này Man-nhàn- đề, đối với Ta, ông có nói gì chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
– Này Man-nhàn-đề, cũng như người bị bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét. Người ấy gãi, cào rách các mụt ghẻ, hơ lên bếp lửa. Này Man-nhàn- đề, ông nghĩ thế nào? Nếu người bị cùi thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi các mụt, cào rách, rồi hơ lên bếp lửa, như vậy liệu trừ bệnh có kết quả, không làm hại các căn, không thoát khỏi cùi hủi, thân thể khỏe mạnh, hoàn toàn bình phục như cũ được chăng?
Man-nhàn-đề đáp:
– Dạ không, thưa Cù-đàm! Vì sao? Vì người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ trên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú.
– Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét mà lấy tay gãi, cào rách các mụt rồi hơ trên bếp lửa, như vậy chỉ làm cho các mụt lở lói hơn trước mà thôi, nhưng bệnh nhân thì lại lấy ghẻ cùi làm sự thích thú. Này Man-nhàn-đề, cũng như thế, chúng sanh chưa ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt đốt cháy, mà cứ chạy theo dục. Này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy vì chưa ly dục, bị nhục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt đốt cháy mà cứ chạy theo dục thì nhiệt chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm cho ái thêm bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh ấy thì lại lấy dục ái làm sự hoan lạc. Nếu chúng sanh ấy lại lấy dục làm sự khoái lạc. Nếu chúng sanh đó không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trú, sẽ an trú hay đang an trú với nội tâm tịch tĩnh thì điều đó không thể xảy ra. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái, mà là chạy theo dục. Này Man-nhàn-đề, cũng như vua và đại thần hưởng năm dục dễ dàng, chứ không khó. Nếu các vị ấy không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trú, sẽ an trú hay đang an trú với nội tâm tịch tĩnh thì điều đó không thể được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục. Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, chúng sanh chưa ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt thiêu đốt, mà chạy theo dục, thì này Man-nhàn-đề, chúng sanh ấy chỉ làm cho dục tăng trưởng, làm cho dục ái bành trướng thêm mà thôi; nhưng chúng sanh không đoạn dục, không ly dục ái mà đã an trú, đang an trú và sẽ an trú với nội tâm tịch tĩnh thì điều đó không thể xảy ra được. Vì sao? Vì đó không phải là đạo lý để đoạn dục, để ly dục ái mà là chạy theo dục.
Này Man-nhàn-đề, cũng như người mắc bệnh cùi thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa; có người xót thương, mưu cầu thiện lợi và hữu ích, an ổn và khoái lạc nên cho một thứ thuốc hay nào đó. Khi được cho thứ thuốc hay nào đó, trị bệnh có hiệu quả, không làm hư hoại các căn, người bệnh khỏi được bệnh cùi, thân thể tráng kiện, bình phục như cũ. Sau khi lành bệnh, nếu thấy ai mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa, người ấy hoan hỷ khen ngợi chăng?
Man-nhàn-đề đáp:
– Dạ không, thưa Cù-đàm! Vì sao? Vì có bệnh mới cần thuốc, chứ không bệnh thì không cần.
– Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào? Người mắc bệnh cùi ấy chữa bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn, bình phục như cũ. Có hai người lực sĩ bắt người ấy hơ trên bếp lửa, người ấy hoảng hốt né tránh vì cảm thấy quá nóng. Này Man-nhàn-đề, ông nghĩ thế nào, bếp lửa bây giờ lại nóng, khiến cho rất khổ, nguy hiểm hơn trước nhiều lắm chăng?
– Dạ không, thưa Cù-đàm! Trước kia, còn mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ lên bếp lửa. Đối với sự khổ bức nóng của lửa, bệnh nhân lại cảm thấy hoan lạc; ấy là do tâm mê loạn mà có ý tưởng điên đảo. Thưa Cù-đàm, trái lại, bây giờ trị bệnh có kết quả, không hư hoại các căn, thoát khỏi bệnh cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn, bình phục như cũ, người ấy đối với sự khổ bức của lửa lại cảm thấy khổ sở; như vậy là do tâm sáng suốt, không có ý tưởng điên đảo.
– Này Man-nhàn-đề, người mắc bệnh cùi, thân thể lở lói, bị trùng đục khoét, bệnh nhân lấy tay gãi, cào rách các mụt, hơ trên bếp lửa; đối với sự khổ bức của lửa, bệnh nhân lại cảm thấy khoan khoái; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo. Cũng vậy, Man-nhàn-đề, chúng sanh không ly dục, bị dục ái nhai nuốt, bị dục nhiệt đốt cháy mà chạy theo dục; những kẻ ấy đối với khổ dục lại có ý tưởng dục lạc; ấy là do tâm mê loạn, có ý tưởng điên đảo.
Này Man-nhàn-đề, người trị bệnh đã có kết quả, không hư hoại các căn, đã khỏi bệnh ghẻ cùi, thân thể khỏe mạnh hoàn toàn, bình phục như cũ; người ấy đối với sự khổ bức của lửa thì cảm thấy đau khổ; ấy là do tâm yên ổn, không có ý tưởng điên đảo. Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, Ta đối với khổ dục thì có ý tưởng về khổ dục đúng như thật, không có ý tưởng điên đảo. Vì sao? Này Man-nhàn-đề, vì dục quá khứ là bất tịnh, xấu xa, rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, gây đau khổ; dục vị lai và hiện tại cũng bất tịnh, xấu xa, rất đáng ghê tởm, không thể hướng đến, não hại, cảm thọ khổ. Cho nên, này Man- nhàn-đề, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác nói rằng: “Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng.”
Dị đạo Man-nhàn-đề thưa:
– Thưa Cù-đàm, tôi cũng từng nghe các bậc cựu Tôn đức Trưởng lão học Phạm hạnh đã lâu nói rằng: “Không bệnh là thiện lợi bậc nhất, Niết-bàn là an lạc tối thượng.”
Đức Thế Tôn hỏi:
– Nếu ông đã từng nghe các bậc kỳ cựu Tôn đức Trưởng lão học Phạm hạnh đã lâu nói rằng: “Không bệnh là thiện lợi nhất, Niết-bàn là sự an lạc tối thượng”; thì Man-nhàn-đề, thế nào là không bệnh, thế nào là Niết-bàn?”
Bấy giờ, Man-nhàn-đề dị đạo, đối với thân vốn là bệnh hoạn, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là chẳng phải tự ngã, nhưng lại dùng hai tay xoa bóp mà nói rằng:
– Thưa Cù-đàm, cái này không bệnh, cái này là Niết-bàn!
Đức Thế Tôn bảo:
– Này Man-nhàn-đề, cũng như người mù bẩm sinh, nghe người có mắt nói rằng: “Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh, không bẩn!” Nghe như vậy, người mù đi tìm cái trắng tinh. Có người lừa dối, không mưu cầu thiện lợi hữu ích, an ổn, khoái lạc cho người mù, nên đem chiếc áo cáu ghét nhơ bẩn, đến nói với người mù rằng: “Ông nên biết, đây là chiếc áo trắng tinh, không bẩn. Ông hãy cung kính đưa tay nhận lấy mà khoác lên thân.” Người mù ấy liền hoan hỷ đưa hai tay cung kính thọ nhận, khoác lên thân mà nói rằng: “Trắng tinh, không bẩn! Trắng tinh, không bẩn!” Này Man-nhàn-đề, người mù ấy tự mình biết mà nói lên như thế, hay không tự mình biết mà nói lên như thế?
Man-nhàn-đề dị đạo đáp:
– Thưa Cù-đàm, người ấy nói như vậy nhưng quả thật không biết, không thấy gì cả!
Đức Thế Tôn nói:
– Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, ông như người mù không có mắt. Thân chính là bệnh, là ung nhọt, là mũi tên, là rắn độc, là vô thường, là khổ, là không, là không phải tự ngã. Thế mà ông dùng hai tay xoa bóp và nói rằng: “Thưa Cù-đàm, cái này là không bệnh, cái này là Niết-bàn.” Này Man-nhàn- đề, thế nào là không bệnh, ông còn không biết, há lại thấy biết Niết-bàn, được Niết-bàn chăng? Nói rằng thấy Niết-bàn thì quả không thể được. Này Man- nhàn-đề, Như Lai, bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác nói rằng:
Không bệnh, lợi bậc nhất, Niết-bàn, lợi tối thượng, Chỉ con đường bát chánh, Đến an ổn cam lồ.
Trong chúng đó, nhiều người được nghe bài kệ này. Sau khi số đông những người dị đạo nghe bài kệ này, liền truyền lại cho nhau, nhưng không hiểu rõ nghĩa lý. Họ đã nghe và muốn tìm cầu giáo nghĩa, họ đều là kẻ ngu si, trở lại tự lừa dối lẫn nhau. Thân bốn đại hiện tại của họ là do cha mẹ sanh ra, được nuôi lớn nhờ ăn uống, che đậy của y phục, chăm sóc bằng tắm rửa, đó là pháp hủy hoại, là pháp tan rã, nhưng họ thấy là ngã, chấp thủ là ngã, duyên nơi chấp thủ nên có hữu, duyên nơi hữu nên có sanh, duyên nơi sanh nên có già chết, duyên nơi có già chết nên có buồn rầu, khóc than, lo lắng, khổ sở, ảo não. Như vậy, toàn bộ khối lớn khổ đau này phát sanh.
Khi ấy, Man-nhàn-đề dị đạo liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo, chắp tay hướng về đức Thế Tôn và bạch:
– Bạch Cù-đàm, nay con hoàn toàn tin tưởng Sa-môn Cù-đàm. Mong Cù- đàm thuyết pháp cho con nghe, để con được biết: “Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn!”
Đức Thế Tôn nói:
– Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công cho Ta thôi. Này Man-nhàn-đề, ví như người sanh ra đã bị mù, nghe người khác đến nói rằng: “Ông nên biết đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng.” Này Man-nhàn-đề, người mù ấy chỉ nghe người khác nói, có biết đây là sắc xanh, sắc vàng, sắc đỏ, sắc trắng chăng?
Man-nhàn-đề đáp:
– Dạ không, thưa Cù-đàm!
– Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông chưa được thanh tịnh; dù Ta có thuyết giảng cho ông nghe về sự không bệnh, về Niết-bàn thì ông cũng không thể nào hiểu được, mà chỉ nhọc công Ta thôi. Này Man- nhàn-đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược như kỳ tượng khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa được thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn-đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: “Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.” Này Man-nhàn-đề, ví như người mù bẩm sinh, có thân nhân mong muốn cho được sự ích và phước lành, mong muốn cho được an ổn, khoái lạc nên tìm cầu thầy chữa mắt. Thầy chữa mắt trị liệu bằng mọi cách, hoặc khiến nôn ra ở trên, hoặc khiến bài tiết ở dưới, hoặc nhỏ thuốc vào lỗ mũi, hoặc rửa ở dưới, hoặc chích ở mạch, hoặc khiến chảy nước mắt ra. Này Man- nhàn-đề, giả sử trúng thuốc thì hai mắt được trong sáng. Này Man-nhàn-đề, nếu người ấy hai mắt được trong sáng thì tự mình thấy đây là sắc xanh, sắc đỏ, sắc vàng, sắc trắng. Người ấy thấy áo cáu ghét dơ bẩn, nên nghĩ rằng: “Người kia là oan gia, từ lâu nó đã đem cái áo cáu ghét mà dối gạt ta”, rồi liền sanh tâm oán ghét. Này Man-nhàn-đề, người ấy hoặc có thể sát hại người kia. Cũng vậy, này Man-nhàn-đề, Ta sẽ thuyết giảng cho ông nghe về diệu dược như kỳ tượng, khiến cho Thánh tuệ nhãn chưa thanh tịnh liền được thanh tịnh. Này Man-nhàn- đề, nếu Thánh tuệ nhãn của ông được thanh tịnh, ông sẽ tự biết: “Đây là sự không bệnh, đây là Niết-bàn.”
Này Man-nhàn-đề, có bốn pháp khiến người Thánh tuệ nhãn được thanh tịnh. Những gì là bốn? Là thân cận thiện tri thức, cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành theo pháp và thứ pháp. Này Man-nhàn-đề, ông nên học như vậy. Thân cận thiện tri thức, cung kính thừa sự, nghe thiện pháp, khéo tư duy, thực hành theo pháp và thứ pháp, này Man-nhàn-đề, nên học như vậy.
Này Man-nhàn-đề, ông đã thân cận thiện tri thức, cung kính thừa sự rồi, và đã nghe được thiện pháp, đã nghe được thiện pháp sẽ khéo tư duy, sẽ thực hành theo pháp và thứ pháp, thực hành theo pháp và thứ pháp rồi liền biết như thật rằng: Đây là khổ, đây là khổ tập, đây là khổ diệt, biết như thật đây là khổ diệt đạo.
Thế nào là biết khổ như thật? Là biết khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ oán tắng hội, khổ ái biệt ly, khổ cầu bất đắc; nói tóm, năm thủ uẩn là khổ. Đó gọi là biết khổ như thật.
Thế nào là biết khổ tập như thật? Biết rằng đây là tham ái sẽ thọ sự hữu trong tương lai, tương ưng với hỷ dục, ước mong đời sống như thế này hay như thế kia. Đó gọi là biết khổ tập như thật.
Thế nào là biết khổ diệt như thật? Biết rằng đây là tham ái sẽ thọ sự hữu trong tương lai, đi đôi với hỷ dục ước mong đời sống như thế này hay như thế kia; tham ái ấy đã diệt tận không còn dư tàn, đã đoạn trừ, đã xả ly, đã nôn ra hết, không còn tham dục, đã thanh tịnh, đoạn trừ, tĩnh chỉ. Đó gọi là biết khổ diệt như thật.
Thế nào là biết khổ diệt đạo như thật? Là biết tám chi Thánh đạo, từ chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là khổ diệt đạo như thật.
Sau khi nghe nói pháp này, Man-nhàn-đề dị đạo xa lìa trần cấu, pháp nhãn về các pháp phát sanh. Lúc bấy giờ, Man-nhàn-đề dị đạo thấy pháp, đắc pháp, giác chứng bạch tịnh pháp, đoạn nghi, trừ hoặc, không còn tôn thờ ai, không còn do ai, không còn do dự, đã an trú nơi quả chứng, đối với pháp của Thế Tôn đã được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật và bạch:
– Bạch Thế Tôn, cúi mong Thế Tôn cho con xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo!
Đức Thế Tôn nói:
– Lành thay, hãy đến đây, Tỳ-kheo! Hãy tu hành Phạm hạnh!
Man-nhàn-đề dị đạo liền xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ- kheo. Sau khi Man-nhàn-đề dị đạo xuất gia học đạo, thọ giới Cụ túc, được làm Tỳ-kheo rồi, liền chứng quả A-la-hán.
Đức Phật thuyết như vậy, Tôn giả Man-nhàn-đề sau khi nghe Phật dạy xong, hoan hỷ phụng hành.
Tác quyền © 2024 Hội đồng quản trị VNCPHVN.
Chúng tôi khuyến khích các hình thức truyền bá theo tinh thần phi vụ lợi với điều kiện: không được thay đổi nội dung và phải ghi rõ xuất xứ của trang web này.